Friday, 7 December 2007

TÌNH ĐÃ ĐẾN NHƯ MÂY TRỜI CÒN LẤP LÓ

( Ep 5, 25 )

Có lẽ trong quá trình phiếm Đạo, bạn và tôi, đôi lúc cũng nên kể đôi ba câu chuyện tiếu lâm loại “huề vốn”, cho vui ! Huề vốn, là bởi khi phiếm Đạo, ta hay kể vài chuyện phiếm về Đạo cũng chỉ để có đôi giòng chảy nhè nhẹ, làm nền. Chẳng hại ai. Cũng chẳng đánh bóng một ai. Tham gia chuyện phiếm, bạn và tôi chỉ cần nhoẻn một nụ cười, là xong. Rất huề vốn. Rất hoà cả làng.

Kể truyện tiếu lâm hôm nay, là kể về những cặp tình nhân có hôn và có phối. Truyện rằng: Vào Lễ Hôn Phối hôm ấy, vị chủ tế quen hỏi han thay vì giảng, vài ba câu rất ngắn và cũng rất gọn như sau:

- Câu đầu xin hỏi anh chị là: có phải hôm nay, cộng đoàn mình mừng Lễ Hôn Phối anh chị, không?

- Thưa cha, vâng !

- Thế thì ! Vào những buổi quan trọng như thế này, anh chị có cử chỉ gì gọi là để đời không; hay chỉ có... hôn và có phối, mà thôi ?

- Dạ thưa, tụi con cũng không biết !

- Vậy thì, xin hỏi tiếp: tại sao vào những buổi thề nguyền quan trọng như vào Lễ Hôn Phối hôm nay, các đôi tân hôn (tức là mới hôn)… không chỉ xỏ nhẫn cho nhau, thôi; mà còn nắm tay nhau rất chặt, như thế có phải quý vị sợ lạc nhau, hay không ?

- Dạ thưa cha không đâu. Con nghĩ… sở dĩ các đôi tân hôn vào ngày cưới mà không nắm tay nhau cho chặt, e rằng một trong hai người hoặc sẽ chạy vù ra trung tâm “Phước Lộc Thọ” thuộc Quận Cam, sắm thêm đôi bông hột xoàn cho đủ bộ. Hoặc, người kia cũng sẽ chạy vụt ra bãi trưng bày xe mới sản xuất xem có kiểu nào mơi mới để tặng vợ… không thôi. Thưa cha có lẽ là như thế!

Vâng. Ấy, chỉ là kể chuyện. Cho vui. Chuyện ở đây, chỉ… “có lẽ là như thế”, mà thôi. Chứ thực tế, tình yêu đôi lứa đã đi vào ngày cưới rồi, mà một trong hai người lại bảo rằng: “Có lẽ là như thế”, thì cũng thật không phải. Hoặc chưa phải cho lắm.

Không phải hoặc chưa phải ở đây, có thể là: không phải đạo cho lắm. Đạo làm người. Hay, lẽ Đạo nơi nhà Đạo, cũng nên. “Có lẽ là như thế”, tức là không có gì chắc cho lắm. Đây, không chỉ là niềm riêng lo ngại nếu ta không nắm tay nhau cho chặt, e người phối ngẫu bên kia sẽ vung tiền mua sắm, hết thuốc chữa. Không những thế, còn nhiều thứ mà có lẽ đôi tân hôn chưa kịp nghĩ tới, hoặc vẫn “thưa cha, có lẽ là như thế…” tựa như: “Đời sống mục vụ dành cho hai người”, vào buổi sớm. Lúc vừa … tân hôn, hoặc chưa hôn.

Đây, là đề tài không nhỏ, được Hội Đồng Giám Mục ở Úc mới vừa thảo luận hồi đầu tháng 2.2007, ở Canberra. Vào hội thảo, Giám Mục Eugene Hurley, Chủ tịch Ủy Ban Sống Đời Mục Vụ của Hội Đồng có nhắc đến tập sách mang tựa đề “Hôn Nhân Công Giáo: những vấn nạn thường hỏi”.

Về sách này, Giám Mục E Hurley có nói: tập sách tuy gọn nhỏ, nhưng cũng giúp cho đôi nam nữ hiểu được ý nghĩa của sự dấn thân, chọn lựa. Hiểu được, để rồi tạo lập đời sống lứa đôi của mình, thành đời sống độc đáo, thánh thiện,bền bỉ.”

Người trẻ hôm nay, đang có lý tưởng rất cao về chuyện hôn nhân. Họ tìm được ở nơi đây, hạnh phúc cho chính mình. Và, Giáo Hội vẫn luôn khích lệ họ mừng kính hôn nhân. Đồng thời, giúp họ sống đích thực mầu nhiệm hôn phối cho vẹn toàn. Dĩ nhiên, tập sách ấy là nền tảng xây dựng những điều tốt đẹp, cho hai người. Đồng thời, đưa ra nhiều vấn nạn mà giới trẻ thường thắc mắc.

Và, Giám Mục Eugene Hurley tóm tắt giải đáp cho các vấn nạn trên, như sau:

Hôn nhân, có là điều quan trọng đối với Giáo Hội không?

Hôn nhân, là việc rất quan trọng đối với con người. Đằng khác, hôn nhân cũng quan trọng không kém với Đạo Chúa. Đức Ki-tô coi Hội Thánh như vị hiền thê, trân quý (xem Ep 5, 25). Đổi lại, Hội Thánh cũng san sẻ với thế giới hiện thời những gì mình học được từ tiếng Yêu. Yêu Chúa. Yêu người.

Qua yêu thương, ta trở nên giống Thiên Chúa là Cha, giống Đức Chúa là Con, giống cả Thần Linh Chúa, là Ngôi Ba nữa. Cả Ba ngôi vẫn trao tặng chính mình, cho nhau. Hội Thánh, vì thế, muốn giúp cho mọi người hiểu trọn ý nghĩa đích thực của bí tích hôn nhân.

Hội Thánh có nghĩ là mọi dục tình đều tốt đẹp,

cả không?

Có. Qua giòng mở đầu, Sách Thánh đã khẳng định ngay, sự tốt lành của dục tình nơi con người: Nam và Nữ. Là người, ta được tạo dựng “theo ảnh hình của Đức Chúa”. Và, trong thiên tòa thể xác của mình, ta thấy có ghi lời mời gọi gửi đến mọi người “hãy thẩm nhập vào nhau, trở nên một thân xác duy nhất”. Đổi lại, dục tình giúp ta nên mầu mỡ, và nhân bản. Tràn đầy yêu thương, cảm tạ.

(xem Khởi nguyên 1 – 2).

Tình dục đôi lứa, nam và nữ, diễn đạt theo nhiều kiểu ta không thể đếm cho hết. Ở thân xác và nhân vị, đây là cảm nhận và đáp trả. Kia, là sự diễn đạt và hoạt động của cả hai người. Cuối cùng, với dục tình bằng thân xác, ta có đủ tình yêu lẫn cảm xúc. Nhất nhất, bằng vào tác động dục tình, cả nam lẫn nữ sẽ kết hợp hài hoà thân mình của mình với người phối ngẫu, bên kia.

Hành vi giao hoan phối kết, diễn tả sự mật thiết của thân xác và trí tuệ. Đây, là sự kết hợp hài hoà giữa hai người, như hành vi cho đi và tiếp nhận, của đôi bên. Là, sự hứa hẹn thủy chung. Là, quà tặng hai người trao cho nhau, suốt đời. Hành vi ấy, vẫn đủ sức để nói lên “tình cho hai mình” và “làm tình cho hai mình”. Ở đây, còn có sức mạnh để nói lên chữ “đời con người” và “làm nên đời con người”. Thành thử, từ đó nhân vị vừa tác tạo đã xuất hiện vào đời trong vòng tay yêu thương, của cha mẹ. Ở nơi đây, đã thấy có quyết tâm làm nên cuộc đời, rất yên ổn.

Hội Thánh vẫn khuyến khích hai người có “tình và dục một cách chính đáng”. Điều này nói lên: sự thân mật mà dục tình đã phối kết nam và nữ ăn nằm với nhau như những người yêu cùng niềm tin. Như bậc phụ mẫu đầy uy lực, hai người đích thực hiểu biết lẫn nhau. Chính vì thế, việc phối kết đôi bên ngầm hứa hẹn quyết tâm sẽ ăn đời ở kiếp với nhau, đến trọn đời.

Sao, ngày nay nhiều người vẫn cứ chần chờ chẳng chịu hỏi cưới gì nhau?

Ngày nay, nhiều đôi tình nhân nam nữ vẫn đeo đuổi tương quan dục tình mà chẳng thiết tha gì đến phối kết hôn nhân. Điều đó, có nhiều lý do ta cần cảm thông. Người thì, có nhu cầu cần học hỏi thêm, không muốn lỡ dở cơ hội tốt đẹp. Người thì, mải mê lao động, du lịch, rong chơi, rất chính đáng. Có người, lại sợ nếu quyết tâm ăn ở bền chặt với người khác, e sẽ phải gánh trách nhiệm. Trách nhiệm làm cha làm mẹ. Có người, lại vì áp lực kinh tế - xã hội hoặc gia đình, nên chưa dám. Nói chung, những người có ý nghĩ trần tục, luôn coi việc phối kết hôn nhân như một khế ước thẩm định hơn là lời mời gọi, do Chúa gửi đến.

Thỉnh thoảng, có người trong nhà Đạo lại nghĩ: phối kết hôn nhân theo phương thức “cứ thử một lần”, xem sao đã. Thử một lần có nghĩa: ăn chung một mâm, ngủ chung một giường; lặng lẽ âm thầm một thời gian, rồi thôi. Việc chung chạ kiểu này, đôi khi kéo dài nhiều năm, trước khi đạt đến quyết định dấn thân chịu trận, hoặc “đường ta, ta cứ đi”. Chỉ có thế.

Tuy nhiên, số người sống chung ngoài hôn thú, nay ngày càng sút giảm rất nhiều. Con người ngày nay dễ tự bán đứng khi học đòi thói tân kỳ thời hối mãi; học đòi lơ là bỏ phí các ân huệ trời cho. Nhiều người không còn biết những gì là quyết tâm. Họ để mất thói quen nói lên lời: “thề nguyền!”, không chỉ với một người thôi. Có người lại lầm tưởng, rằng: mình nay có tự do, muốn sống chung với ai tùy thích, chẳng lo ông tơ bà nguyệt ràng buộc, như trước. Cứ thế, họ sống buông thả theo đòi hỏi của thân xác. Chẳng cần gì đến nết na, đạo hạnh. Chính vì thế, hạnh phúc bền lâu vẫn là việc khó tìm.

Thật lòng tính chuyện trăm năm, ta lợi gì?

Sống chung yêu thương, trân trọng nhau như vợ chồng đích thực, cả hai người có quyết tâm lập kế hoạch, cho đời mình. Có quyết tâm như thế, họ mới cùng nhau chia sẻ và nâng đỡ nhau mỗi khi có nỗi niềm ưu tư cay đắng trong đời. Và, thăng tiến được cả tâm tình mù mờ khi quyết chí ở với nhau, thật bền lâu. Quyết tâm như thế, có sự chứng giám của gia đình, giòng tộc và bạn bè đôi bên, luôn hỗ trợ.

Khi hai người công khai tuyên hứa trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội theo bí tích yêu thương, họ cũng gợi được ân huệ mà họ cần đến, khi sống lời mời gọi của Thiên Chúa. Khi tuyên hứa, cả hai không chỉ công khai nói lên mỗi tình yêu của mình thôi, nhưng là nói cả lòng tin và hy vọng nữa.

Hai người phối ngẫu có cần chờ đến lúc lấy nhau rồi mới vui hưởng tình dục, không ?

Chuyện ăn nằm xác thịt dục tình cũng thế, phải nói lên được những gì mình muốn ám chỉ. Và, ám chỉ được những gì mình muốn nói. Giao hoan dục tình, là ngôn ngữ của cơ thể nói lên ý nghĩa hành động cho chính mình. Cho đi một cách trọn tình, trọn nghĩa. Bao lâu, một bên hoặc cả hai chưa sẵn sàng nói được, là: “Tôi cho em (cho anh) tất cả con người tôi, cả thân mình này”, và “Tôi chấp nhận em chấp nhận anh) như món quà trọn vẹn từ nơi em (nơi anh), kể cả tấm thân này”, thì rõ ràng là cả hai người chưa sẵn sàng giao hoan dục tình, cho đúng nghĩa.

Giới lệnh của Chúa không mang gồm tính cách tùy tiện. Giới lệnh Ngài ban, là những gì ta cần trân quý. Trường hợp này, là thân xác của ta. Là, dục tình và nhân vị của ta. Tình yêu và gia đình của ta nữa. Trong thư gửi giáo đoàn Galát, thánh Phaolô đã minh định lập trường của Hội Thánh, như sau:

“Nay đã rõ việc làm của xác thịt, tức: dâm bôn, ô uế, phóng đãng… các điều ấy không dẫn đến Nước của Thiên Chúa. Trong khi đó, hoa quả của Thần Khí, chính là: yêu thương, vui mừng, bình an, độ lượng, tốt lành lương thiện, tín trực, hiền từ, tiết độ.”

(Ga 5, 19 – 23)

Hội Thánh nói với mọi người tình “đang chung sống”, như thế nào ?

Hội Thánh công nhận lòng thành, sự thủy chung của các cặp phối ngẫu đang cùng nhau chung sống. Nhưng đồng thời, Hội Thánh cũng quan ngại cho họ, rất sâu xa. Các đôi tình nhân đang chung sống phải phản ánh được ước vọng của mình ngay khi bắt đầu, là: mình thật lòng muốn sống chung với nhau. Và, họ cũng phải cho biết ước vọng của họ từ trước đến giờ có thay đổi không ? Chung sống với nhau ngoài hôn nhân như thế, có ý nghĩa gì đối với tương quan hai người và đối với chính mình ? Có đúng thật, là hai người đang san sẻ của đời của chính mình không ? Thiên Chúa có chỗ đứng nào trong giòng đời của họ không?

Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II có nói: Hội Thánh rất quan tâm đến hoàn cảnh của các tình nhân đang có khó khăn, cũng như trăn trở trong tương quan hai người. Ngài nhấn mạnh:

“Hội Thánh bày tỏ sự quan tâm rất mực đến các gia đình đang có khó khăn, hoặc có tương quan bất thường. Với những người này, Hội Thánh xin có lời thành tâm, phải đạo, cảm thông, hy vọng và sẻ san về những mà các vị ấy gặp. Hội Thánh gửi đến tất cả, sự quan tâm giúp đỡ vô vị lợi để họ có thể đến gần cuộc sống gia đình mẫu mực,mà Tạo Hóa có ý định “ngay từ ban đầu” và Đức Ki-tô đã ra tay cải hóa đời sống ấy, bằng đặc sủng cứu rỗi của Ngài.” (Xem Tông thư Familiaris Consortio, đoạn 65)

Giáo Hội có đòi hỏi điều gì để hôn nhân trở nên hiệu lực không?

Cốt lõi của hôn nhân phối kết,là việc các đôi tân hôn công khai tuyên hứa yêu thương và tôn kính lẫn nhau như vợ chồng, trong suốt quãng đời còn lại. Luật Giáo Hội minh định nhiều điểm công nhận hôn nhân phối kết giữa hai người thành “hiệu lực” và “hoàn chỉnh”.

Có những điều, khiến cho hôn nhân trở nên bất hiệu lực dưới mắt Thiên Chúa và Hội Thánh, khi: hai người ăn ở với nhau mà không có sự hiểu biết hoặc không có tự do. Hoặc, họ đang ở trong tình trạng tâm thần, thiếu chín chắn từ một bên hoặc từ cả hai phía, vào lúc họ lập cam kết. Hoặc, ngay từ buổi đầu, họ vẫn không muốn sống chung với nhau một vợ một chồng. Hoặc không cởi mở đón nhận quà tặng gửi đến cho nhau, là: con cái. Hoặc, phía người theo Đạo, người này không thực tình muốn kết hôn theo thể thức của Giáo Hội. Hoặc, nếu có cam kết ngoài Nhà Thờ, lại không được sự chuẩn thuận của Hội Thánh. Khi có nghi ngờ về chuyện ấy, Giáo Hội đã có thủ tục “tòa án hôn phối” nhằm làm sáng tỏ hiệu lực của hôn nhân, vốn được kết hợp theo phương cách đặc biệt.

Có cách nào hay nhất giúp củng cố hôn nhân không?

Trước tiên, đôi tình nhân phối ngẫu vui mừng vì quà tặng Chúa ban cho họ, chính là con người của họ, thuộc cả đôi bên. Đôi bên, ý thức món quà tình tứ mình trao cho nhau. Cố gắng phát huy và duy trì món quà tình tứ, tốt đẹp ấy. Dù “tiếng sét ái tình” đầu tiên Chúa ban tặng là cảm giác lôi cuốn lẫn nhau, cảm giác ấy vẫn biến đổi theo thời gian, và tùy cường độ. Quyết tâm trong hôn nhân, đòi hai người phải duy trì tương quan tôn kính lẫn nhau, ở cả hai phía. Tương quan ấy, là sự thân thiện cũng như lòng say mê đắm đuối. Tương quan sẻ san các giá trị của cả hai người. Là, hy vọng và sở thích của đôi bên.

Tương quan ao ước, cùng nhau dựng nên cuộc sống chung. Cùng thiết lập gia đình. Nhất là, cùng nhau đặt nặng quyết tâm, qua sống thực sự điều Chúa dạy, qua việc đáp ứng tích cực lời mời gọi của Chúa.

Cả hai củng cố tương quan giữa hai người, bằng việc để thì giờ mà ở bên nhau, nghe nhau. Đánh giá cao các khác biệt cũng như sự tương đồng giữa hai người. Học hỏi và thảo luận với nhau bằng cách đặt tên cho những bất đồng. Thảo luận với nhau về sự chia sẻ trách nhiệm trong gia đình. Trách nhiệm có con và giáo dục con cái. Chia sẻ với nhau mọi sự, kể cả đào sâu sống đời tâm linh. Biết trách nhiệm, cả trong việc kiếm tìm tư vấn chuyên môn về đời sống lứa đôi và gia đình, nếu cần. Quan trọng hơn cả, là biết nguyện cầu cũng như tham gia cử hành các bí tích. Cùng dẫn đưa chính mình và con cái đạt đến thánh thiện, trọn hảo.

Phải chăng mọi hôn nhân phối kết đều phải trải qua nhiều khó khăn?

Không ai lại ngây thơ cho rằng, hành trình hôn nhân lúc nào cũng suông đuột, dễ dàng. Hôn nhân nào cũng phải trải qua nhiều thời kỳ khó khăn, gai góc. Đặc biệt, là khi đôi tình nhân giáp mặt với những đổi thay, ở ngay chính mình. Thay đổi hoàn cảnh. Thay đổi mọi chuyện. Xem thế, hành trình hôn nhân là hành trình của niềm tín thác và tin tưởng, giống như tình yêu. Đôi tình nhân phải có quyết tâm tha thứ lẫn nhau. Trao đổi với nhau, tiếp tục cùng làm việc với nhau, trải qua các hoàn cảnh mới để tìm lại được chính mình.

Quyết tâm sống đời bền bỉ bên nhau, sẽ luôn phải chịu thử thách. Sống đời ở kiếp với nhau, với gia đình và bè bạn, là niềm vui độc nhất mà những người từng trải đều đã cảm nghiệm. Đây, là niềm vui mà Hội Thánh muốn đôi tình nhân có kinh nghiệm đều phải trải qua. Và, đây cũng là điều mà Hội Thánh nhất định duy trì và hỗ trợ cho hôn nhân. Cho các gia đình trong mọi tình huống.

Trên thực tế, có người đã bày tỏ thái độ tiêu cực với hôn nhân, nhưng Hội Thánh tiếp tục coi hôn nhân như một quà tặng trân quý, Chúa trao ban. Để có ví dụ về các cặp tình nhân sống trong hôn nhân tốt đẹp có tin và có yêu, các Giám Mục trong Hội Đồng, kết thúc tập sách nhỏ nói trên bằng nhận định, sau:

“Hội Thánh thử thách tính chua cay đố kỵ nhiều lúc vẫn thấy có nơi các nền văn hóa của ta. Và, Hội Thánh khẳng định kế hoạch Chúa định ra cho hôn nhân là sự thật ta phải phấn đấu. Những gì tốt đẹp của hôn nhân là điều mà các đôi tình nhân cũng như xã hội đều phải trân trọng. Trong khi một số người đã mau mắn đả phá hạnh phúc được tìm thấy qua hôn nhân; hoặc, có những người chỉ đưa ra những mâu thuẫn, thất bại nơi hôn nhân, vẫn có nhiều “người bình thường” đã hoàn thành hôn nhân trong cuộc sống bền bỉ. Họ để lại cho con cháu mình, những gương trung thành phục vụ của họ.”

*

Vâng. Trên đây là giòng chảy chính thức rất tốt lành. Và, cũng rất phải từ Hội Thánh Chúa, ở Úc. Nhưng, đây cũng là lập trường đúng đắn của toàn thể Hội Thánh, nói chung. Không có gì để nghi ngờ, hết. Vấn đề còn lại như đã nói ở trên, là: bạn và tôi, những người đã và đang hoặc sẽ sống cuộc đời hôn nhân, đã có quyết tâm gì chưa? Hay vẫn cứ sợ, rằng: nếu ta buông tay không nắm chặt, thì người kia sẽ miệt mài kiếm tìm; hoặc, sẽ vội chạy đi để chọn và lựa đồ quý ở cửa hàng kim cương hoặc bãi trưng bày xe, ở đâu đó.

Hỏi, tức là đã trả lời.

Trần Ngọc Mười Hai,

tuy đã có lần tự hỏi,

nhưng vẫn chưa dám thấy.

No comments: