Saturday, 29 October 2016

“Ôi ơn đời chói vói”,



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 32 mùa thường niên năm C 06/11/2016

“Ôi ơn đời chói vói”,
Nhớ khi thân tròn ôm gối
Ba trăm ngày trong gói
Ngóng trông ra đời góp mối chung vui
Ôi ơn đời mãi mãi
Thoát thai theo đời vun xới
Bao nhân tình thế giới
Lớn lên trong vườn ân ái muôn đời.”
(Phạm Duy – Tạ Ơn Đời)
(Ga 1: 14)

Đành rằng “Ơn đời (bao giờ) cũng chói vói”. Đó là chuyện đương nhiên, không cần cãi vã làm chi cho tốn “calôri”. Thế còn, “Ơn Người” thì sao? “Ơn Người” có kể rõ ra là: ta chỉ có mỗi “300 ngày ôm gối” mà thôi không? Đó, mới là vấn-đề mà nhiều người và tôi, hôm nay từng lên tiếng hỏi. Hỏi hết mọi người, cả những người trong Đạo/ngoài đời, đại loại những lời như thế.

Bần đạo bầy tôi hôm nay, có đưa ra đôi ba câu hỏi tương-tự cũng chỉ vì mới được đọc lại đoạn trích-dẫn ở cuốn sách bàn về “Niềm tin, nỗi niềm xuất tự con tim”, nên mới hỏi. Hỏi, là hỏi rằng: Thiên-Chúa đã ban nhiều ân-huệ cho bạn và cho tôi, Ngài có dựa vào công-lênh, tài-cáng gì của tôi hoặc của bạn không? Và, câu trả lời lại đã do cha giáo Kevin O’Shea CSsR từng giảng dạy ở bài giáo-án ngày hôm ấy, vẫn bảo rằng:

Thiên-Chúa phú ban chính mình Ngài, chẳng vì ta có được cung-lòng hoàn-hảo để đón tiếp Ngài vào nơi đó mà ngự đâu. Bởi, chẳng ai có được khả-năng đón-nhận Ngài hết. Bản thân ta, chẳng khi nào có được cung lòng tốt lành để làm như thế.

Thiên-Chúa, Ngài ban chính Mình Ngài bằng vào thân-phận chưa từng có ai đón tiếp cái quyền-hạn được ở lại nơi đó cho đến khi ta chấp-nhận sự việc ấy mà thôi. Và, nếu có ai ngạc-nhiên sửng-sốt về chuyện này thì cũng tựa hồ như ta đây luôn có mặt ở nơi đó, kể từ ngày mình sinh ra và Chúa lại cũng ban cho ta ân-huệ tuyệt-vời, theo qui-cách vào nơi này/lúc ấy, thôi.

Tôi vẫn muốn thêm thắt ở đây đôi điều, để nói lên rằng: có lẽ ta sẽ nói với nhiều người tốt lành/hạnh đạo là: ta vẫn muốn kiếm tìm Chúa. Nhất thứ, là khi ta lại cứ coi như mình lâu nay tìm kiếm một Đức Chúa mà chẳng bao giờ thấy được Ngài.

Thay vào đó, tôi đề nghị: ta hãy thay thế chuyện ấy bằng việc nhận ra rằng: chính Chúa mới là Người hằng đi tìm ta, đã thấy ta và rồi Ngài lại đã công-nhận ta là dân/con của Ngài. Thế nên, ta lại cũng hiểu rằng: việc này có thể chiếu rọi một vài lằn sáng lên nhiều sự việc.

Nền thần-học của ta có nguyên-tắc căn-bản được mọi người gọi đó là tính ưu-việt của ân-huệ. Chính ra, ta phải gọi đó là tính ưu-việt của ân-huệ Ngài từng ban cho ta, mới đúng. Bởi, ân-huệ sẽ là chuyện trừu-tượng không thể có, nếu nó không được ban/tặng, riêng mình ta. Nỗi kinh-ngạc về chuyện này nằm ở điểm: Ân-huệ ấy “đã” được ban cho ta từ lâu rồi.

Thành thử, sống trong trời đất, chẳng có gì gọi là bản-chất vô-huệ, hết. Tự thân, ta chẳng có được tính chất khả-thi vốn dĩ là của Chúa. Nhưng thật ra, ta không có khả-năng đến với Chúa  -và như thế, ta cần được Ngài ban thêm huệ-lộc cộng thêm vào với những gì hiện giờ ta không có. Nếu sự thể là như thế, thì huệ và lộc Trời ban, lại sẽ là “tư-duy” ta có sau này về phần riêng của Thiên-Chúa, mà thôi.

Nói cách khác, có lẽ Chúa cũng chẳng tạo nên ta một cách đúng-đắn, ngay từ đầu. Ân và huệ theo sử-tính, cũng chẳng là món quà và là thứ tặng-dữ Ngài ban cho ta, mãi về sau; mà Thiên-Chúa đã cưu-mang ta ngay trong ân và huệ của Ngài, ngay từ đầu rồi. Rõ ràng là thế.

Ân và huệ, không là thứ gì đó tuyệt-đối ta không ngờ từ trước. Tất cả, chẳng phải vì Ngài đã có món nợ đó đối với ta, mà về phần mình, ta chẳng xứng-đáng được như thế. Và có lẽ, ân và huệ cũng chẳng ban cho một số đấng bậc của ta, nơi ta sau này, nếu như ta chứng-tỏ được mình là kẻ tốt lành/hạnh đạo. Nhưng, ân và huệ, tự nó, vẫn có đó nằm sẵn trong bản-thể của ta là con người bằng xương bằng thịt, ở đời.

Bản-chất con người, lúc nào/bao giờ cũng gồm tóm ân và huệ, rất tự-thân. Và, ta được tặng ban, hoặc có được khả năng “thấy” Chúa, ngay từ đầu. Thật ra thì, không thể có cái-gọi-là “nhân-loại bình thường” vô ân-huệ. Bản-chất “người”, theo định-nghĩa, bao gồm ân và huệ cũng như khả-năng thực-thụ được phép “thấy” Chúa. Những gì vừa nói ở trên, không phải là thi-ca/thi-ảnh, mà là cung-cách Chúa tạo-dựng nên ta, con người của chính ta.

Tính-chất “người” là ân và huệ. Đó là theo định-nghĩa Thiên-Chúa tỏ-bày/mặc-khải cho ta biết như thế. Ta được cưu-mang một cách không tì-vết ngay trong tâm-tưởng của Chúa. Thiên-Chúa, Ngài đã thẩm-thấu vào bên trong con người của ta ngay trước khi ta hiện-hữu, nữa. Chất “người” là sự hội-nhập và thẩm-thấu tính-chất rất “Thiên-Chúa”.

Nói cách khác, ta không bắt đầu sự việc như thế một cách tách-biệt và tự-lập hoặc tự mình có thể tìm kiếm Chúa. Và, cả vào khi kiếm-tìm Ngài đi nữa, đôi lúc ta cũng ở trong tình-trạng đã có ân và huệ và đôi khi, cũng lại không thế. Ta đã bắt đầu sự sống có ân và huệ, đã ở trong ân và huệ rồi. Chính Thiên-Chúa đã công-nhận và sở-hữu ta ngay từ lúc đầu mà ta chẳng biết, đấy thôi..

Ngay từ đầu, Ngài đã thương-yêu ta. Chính vì lý-do này, mà bản-chất của vật tạo-thành (nói theo ngôn-ngữ tạo-dựng là hành-động của Thiên-Chúa) không chỉ là hiện-hữu hoặc sự việc đang kiếm tìm, nhưng là: “đã ở trong Chúa”. Nói như thế, tức bảo rằng: ta đã được Chúa gặp ta và thấy ta ngay trong bản-chất Ngài, rồi. Thiên-Chúa và tạo-vật, lúc nào cũng ở trong nhau, quyện lẫn vào nhau. Ta có mặt ở đây, không phải để “kiếm tìm” một Thiên-Chúa-đã-có-đó, nhưng là để cảm-tạ Chúa vì ngay từ đầu, Ngài đã đi tìm ta và thấy ta, trong tạo-dựng.

Có thể nói: Thiên-Chúa là Người đầu-tiên kiếm-tìm và gặp-gỡ ta, từ ngàn đời rồi. Mỗi thế thôi.” (X. Lm Kevin O’Shea CSsR, Niềm Tin, Nỗi Niềm Xuất Tự Con Tim”, www.giadinhanphong.com” nxb Hồng Đức 2016-2017) 

Vậy thì, theo tác-giả đây, ta có mặt ở thế-gian này là để cảm tạ Thiên-Chúa chứ không để kiếm/tìm Ngài. Bởi, Ngài đã tìm và gặp ta và ở trong ta ngay vào lúc tạo-dựng nên ta rồi.

Nghe dạy/bảo như thế, bần đạo bầy tôi đây, bèn thấy mình nên quay về lại với nhạc-bản của nghệ-sĩ họ Phạm từng hát về “Ơn đời”, như sau:

“Tim vang còn giây lát.
Hơi run còn thơm ngát.
Dương gian còn trong mắt.
Nghe tiếng hát chưa nhạt tan.

Bao nhiêu là thương mến.
Bao nhiêu là quyến luyến.
Với bao nhiêu niềm xao xuyến.
Đời vắng xa như mẹ hiền.

Ôi một lần nương náu.
Đi trên đời chẳng lâu.
Trong trăm mùa xuân héo.
Tay hái biết bao niềm yêu.

Dăm em sèo nhân thế.
Chưa phai lòng say mê.
Với đôi ba lần gian dối.
Đời vẫn ban cho ngọt bùi.
(Phạm Duy – bđd)

Ơn đời, thì như thế. Ơn Người, sẽ ra sao? Thôi thì, ngay lúc này đây, ta hãy đi vào vườn thượng-uyển có ý/lực của bậc thánh-hiền vẫn từng giảng-dạy và nhủ-khuyên, như sau:

“Chúng tôi đã được nhìn thấy
vinh quang của Ngài,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Ngài,
là Con Một
đầy tràn Ân-sủng và sự thật.”
(Ga 1: 14)

Ân và huệ Ngài ban, bao giờ cũng tràn-đầy sự thật. Cái sự rất thật, lại được nghệ-sĩ ở ngoài đời trau-chuốt bằng lời thơ/tiếng nhạc, rất như sau:

“Ôi ơn đời chói vói.
Nhớ khi thân tròn ôm gối.
Ba trăm ngày trong gói.
Ngóng trông ra đời góp mối chung vu.

Ôi ơn đời mãi mãi.
Thoát thai theo đời vun xới.
Bao nhân tình thế giới.
Lớn lên trong vườn ân ái muôn đời.

Mang ơn đời chăn vỗ.
Dâng cho người yêu goá.
Dâng cây đàn bơ vơ.
Dâng biết bao ân tình xưa.

Mang ơn đời nâng đỡ.
Dâng nấm mồ thô sơ.
Với dâng hương hồn thương nhớ.
Còn vấn vương trong chiều tà.
(Phạm Duy – bđd)

Ân và huệ, vẫn là thứ gì rất quí-báu đáng vấn-vương trong đời. Một đời, có rất nhiều chuyện. Từ, chuyện tình-yêu, hạnh-phúc đến chuyện khổ đau/sầu buồn, đầy-đủ cả. Mỗi chuyện, đều mang ý-nghĩa nào đó cũng sắc bén. Mỗi sự việc xảy đến, như ân và huệ từ trên ban tặng. Có khi, là một cảnh báo. Có lúc, là một phản-hồi khi câu chuyện đà xảy đến.

Để xác-chứng và minh-hoạ những ý/tứ và ý/từ ở trên, thiết tưởng không gì bằng ta hãy mời nhau đi vào vùng trời truyện kể, với ý/lời tưởng chừng như trách-móc, khiếu-nại vì đời mình không như đời người.

Nhưng cuối cùng, có lẽ cũng phải công-nhận với ai đó rằng: “Tất cả là ân-huệ” dù ân đó/huệ đây mang dáng-vẻ của tủi-nhục, hờn đau, cần cố-gắng hơn nữa, để vượt qua.

Cuối cùng, ta cũng phải nhận-chân rằng: ân đâu/huệ đó, có chăng chỉ là ảnh-hình về một đặc-trưng/đặc-thù của huệ/của ân ấy, rất như sau: 

“Truyện kể về một bệnh SID xảy ra với một em bé không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, vẫn được mọi người chung quanh tận tình giúp đỡ đến khi chết.

"Có lẽ trong suốt cuộc đời làm phiên-dịch của mình, gần 20 năm, chưa lần nào tôi thấy khó như lần này và cũng chưa bao giờ tôi không thể dịch được, mặc dù tôi hiểu hết ý bác sỹ nói gì. Một ca hóc-búa. Hôm nay, là ngày ra đi của bé Lam. Tôi chưa một lần được biết cháu, nhưng tôi có duyên may được đưa-tiễn cháu về phía “chân mây cuối trời”. Cuộc đời cháu quá ngắn-ngủi, chỉ 4 tháng, nhưng cháu đã mang đến biết bao cảm-xúc, nỗi-niềm và cháu đã nối biết bao người xa lạ lại với nhau và vào nhau.

Bé Lam là một ca tôi khó quên. 

Tôi đang ngồi làm việc thì chuông điện-thoại reo. Một ca cấp-cứu cần tôi phải đến bệnh-viện ngay lập-tức. Lúc đó là 8 giờ tối. Hình như có vụ gì đó liên-quan đến cảnh-sát nên không thể dịch qua điện-thoại như tôi vẫn làm khi có chuyện xảy ra đột-ngột, hoặc vào ban đêm. 

Tôi nghĩ, chắc là đánh nhau, hoặc các tội phạm đâm chém nhau đây. Thói-quen nghề-nghiệp của tôi là: đi cho nhanh để kịp giờ, không mảy may lo sợ. Thấy tôi, cô y-tá trực đêm vui mừng kéo tôi ra một góc báo trước sự việc.

Một cháu bé 4 tháng tuổi đã tắt thở, tim ngừng đập, được chuyển từ bệnh-viện địa-phương bằng máy bay trực-thăng lên Bệnh-viện Nhi-Đồng Boston, Massachusetts. Cháu được các bác-sĩ hồi-sức cấp-cứu cho tim đập trở lại, nhưng đang ở trạng-thái nguy-kịch, khả-năng tử-vong rất cao. Tôi được đưa vào phòng bệnh-nhân. 

Bác-sĩ trực-tiếp cấp-cứu cháu, với gương mặt mệt-mỏi, buồn-phiền báo cho tôi biết có nhiều khả-năng cháu mắc bệnh đột-tử ở trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death- viết tắt là SID), hiện nay y-học chưa tìm ra nguyên-nhân căn bệnh này. Bác sĩ đang cố gắng tìm tiếp khả năng khác, liệu có thể cứu-chữa cháu được không. Nhưng kết-luận của ông gần như 99% là cháu không thể qua khỏi.

Bên giường bệnh, người mẹ trẻ khóc-lóc, lo-âu và hy-vọng. Câu hỏi duy-nhất ba mẹ cháu hỏi trong tiếng nghẹn-ngào là: “Hy vọng được bao nhiêu, thưa bác-sĩ?” Câu trả lời của bác-sĩ: “Cháu khó lòng qua khỏi, tôi chưa thấy được tương-lai của cháu trong lúc này”. Dù vậy, hai y-tá vẫn miệt-mài làm việc, bốn màn hình máy tính treo bốn góc theo-dõi toàn-bộ hoạt-động cơ-thể của cháu bé. Mỗi tiếng “tít, tít” kêu lên, là họ lại liên-tục thao-tác hoạt-động theo chuyên-môn để giữ nhịp tim và nhịp thở của cháu bé. 

Trên đầu cháu, là các loại dây nhợ, dày đặc các ống dẫn bằng nhựa/mủ, tiếng máy chạy ào ào. Tôi căng hết cả cái đầu mình ra để nghe bác-sĩ nói rồi dịch. Tiếp theo đó, bác-sĩ trực đêm đến hỏi thăm tin-tức hồ-sơ bệnh-án của cháu. Về sau tôi mới biết, họ đã biết kết-cục nhưng vẫn cứ hỏi để cho cha mẹ được yên-tâm về mặt tâm-lý.

Nhằm giúp-đỡ cha mẹ trong hoàn-cảnh đó, “nhân-viên xã-hội" đến thăm-hỏi, động-viên gia-đình bệnh-nhân. Nhiệm-vụ của họ, là chăm-sóc cả vật-chất lẫn tinh-thần cho gia-đình, chí ít là trong hoàn-cảnh bệnh-nhân đang trong cơn nguy-cấp, hiểm nghèo. Họ cung-cấp phiếu ăn miễn-phí, lo chỗ ngủ cho người nhà của con bệnh. Lúc đó đã 10 giờ đêm, nhà ăn bệnh-viện đã đóng cửa, nên họ cử y-tá ra phố mua đồ ăn về cho bố mẹ cháu bé. Họ hỏi rất kỹ là quí vị thích ăn món gì và họ tận-tình đi mua rồi mang đến.

Gần 1 giờ sáng, hai cô y-tá mắt đỏ ngầu, vẫn luôn chân/luôn tay chăm-sóc toàn-bộ hệ-thống máy móc đảm-bảo cho cháu bé thở được, theo-dõi nhịp tim. Ba xét-nghiệm não (chụp cắt lớp, đo điện não đồ và chụp MRI toàn-thân người bệnh) liên-tục được tiến-hành. Kết-luận thật đáng buồn: cháu bé mắc chứng đột-tử ở trẻ sơ-sinh, y-khoa thế-giới lâu nay đành bó tay, chưa tìm ra nguyên-nhân của căn-bệnh.

Cuộc họp đầu-tiên với bố mẹ để chuẩn-bị tâm-lý rằng: tình-thế hết sức nguy-kịch. Nhóm y/bác-sĩ mắt đỏ hoe, đầy cảm-thông, ngồi im lặng lắng nghe một người nói nhỏ nhưng dứt khoát: “Chúng tôi rất tiếc phải thông-báo rằng: tình-trạng của cháu ngày càng xấu, nhưng chúng tôi không đầu hàng, chúng tôi vẫn chiến-đấu để giành giật sự sống cho cháu. Cháu cũng là một "chiến-binh dũng cảm" đang đồng-hành với chúng tôi”. 

Họ lặng lẽ mang giấy lau nước mắt cho người mẹ. Họ cảm-thông chia-sẻ bằng sự im-lặng và sự tận-tụy với công việc. Họp xong, họ trở lại chăm-sóc cháu bé, với hàng nắm dây nhợ, máy móc quanh đầu, quanh người cháu. Lúc đó là 2 giờ sáng.

Cuộc họp thứ hai vào sáng hôm sau, gồm bác-sĩ trưởng Khoa Cấp cứu, bác-sĩ chuyên về não-khoa, bác-sĩ và y-tá trực-tiếp điều-trị cho cháu. Cuộc họp này thật khó-khăn. Sau khi giải-thích tình-trạng của cháu bé, nguyên-nhân không xác-định, bác-sĩ nói: “Mặc dù cháu nằm đó, tim còn đập, nhưng cháu không còn nữa. Khả-năng cứu-chữa cho cháu là vô vọng. Bệnh-viện đề-xuất chuyện rút máy trợ thở. Tiếp đó, cháu sẽ hoàn toàn ra đi.” Người mẹ bật lên tiếng nức nở. Họ lại ngồi yên-lặng, cùng bật lên một câu: “Chúng tôi xin chia-sẻ với gia-đình”.

Cuộc họp cuối cùng sau đó 24 giờ đồng hồ. Vẫn một thông-tin giống như trước. Bác-sĩ chỉ trên màn hình hoành-đồ của não trông gần như một đường thẳng cho thấy: não-bộ đã hoàn-toàn tê-liệt. Bác sĩ giảng giải kỹ lưỡng về căn bệnh SID và đi đến kết luận: hy vọng chỉ là zero. Tiếp theo là ý-kiến gia-đình có chấp-nhận rút máy trợ thở hay không? Nếu có, thì giờ nào sẽ rút máy cho cháu để cháu ra đi được thanh-thản.

Y-tá đã tìm-hiểu biết được là gia-đình theo Đạo Phật, và họ tìm đọc trên mạng về Đạo Phật, nghi-lễ chôn-cất, hoặc mời thày tới làm lễ ngay tại bệnh-viện. Rồi bàn về qui-trình rút máy trợ thở, bác-sĩ sẽ trao cháu bé cho bố mẹ, cháu sẽ thở hắt ra, hoặc ho lên, rồi tắt ngụm hẳn, da sẽ chuyển sang màu tím tái. Có gia-đình không muốn chứng-kiến cảnh-tượng này, thường đợi bác-sĩ làm xong rồi nhận cháu bé với thân-xác đã bọc kín. 

Y-tá còn đề-xuất nếu bố mẹ muốn được nằm cạnh con, họ sẽ tìm cho một cái giường, để có thể nằm ôm cháu. Nghe đến đó, thông-dịch đến đó, tôi nghẹn-ngào, vì chỉ mới 4 tháng trước, mẹ cháu cũng đón cháu từ tay bác-sĩ, nhưng là lúc cháu chào-đời. Còn nay, bác-sĩ đưa cháu để bố mẹ được ôm cháu vào những giây phút cuối. Bố mẹ cháu đã từ-chối vì không thể chịu nổi.

Bác-sĩ dành cho gia-đình mọi sự ưu ái. Khi nào gia-đình sẵn-sàng thì rút máy, cần hỏi gì thì bác-sĩ ở xung quanh sẵn-sàng trả-lời mọi câu hỏi. Việc rút máy trợ thở có thể tiến-hành trong buổi chiều hoặc đêm, hoặc sáng hôm sau. Gia-đình có nhiều thời-gian để bàn tính và định-liệu.

Cuối cùng, giờ tốt đã chọn, thầy chùa cũng được mời tới. Thời-gian chỉ tình bằng phút và bằng giây thôi. Tôi ra về, khi mọi việc đã bàn-định xong xuôi. 

Tôi nhìn cháu bé lần cuối, nói với cháu rằng: “Lam ơi, cháu sống ở trên đời này quá ngắn, nhưng cháu đã làm được một sứ-mạng lớn-lao là gắn kết mọi người lại với nhau, cháu làm tôi yêu quý cuộc sống này, cháu là lý-do để tôi nhìn thấy những điều tốt-đẹp còn hiển-hiện quanh tôi, để tôi thấy rõ tính chuyên-nghiệp trong công việc, tính nhân-văn trong lời nói và cách ứng-xử của các bác-sĩ, y-tá và tình người tồn-tại trong mỗi chúng ta. Cám ơn cháu, cầu mong cháu được siêu-thoát. Cháu hãy phù-hộ cho bố mẹ cháu và người thân của cháu nhé”.

Tôi bị ám ảnh bởi bao nhiêu phức-cảm: đau-thương, ưu-phiền, lành-thánh, tình người và phong-cách làm việc chuẩn-mực và chuyên-nghiệp đến mức khó tin của tập-thể y/bác-sĩ trong một bệnh-viện có lẽ tốt nhất thế-giới. Tôi cứ suy ngẫm làm sao họ có thể có được cách ứng-xử như thế đối với người đồng-loại. Tôi cứ tần-ngần nghĩ đến những lần đi bệnh-viện ở Việt Nam, bị bác sĩ, y-tá đối-xử thiếu tôn-trọng. Tôi băn-khoăn không biết bao giờ xã-hội Việt Nam mình, nhất là những nơi cung-cấp dịch-vụ giáo-dục và y-tế, có được tính-chất chuyên-nghiệp như thế này.

Ba tháng sau, bệnh viện gọi điện cho tôi, nhờ tôi dịch qua điện-thoại cho họ với cha của bé Lam. Họ thăm hỏi, chia buồn một lần nữa và thông báo là gia đình được miễn hoàn-toàn viện phí và bệnh-viện cũng hỗ-trợ tiền mai-táng cho cháu. Họ cầu chúc cháu an-nghỉ và chia buồn cùng cha mẹ cháu."  (Le Phan theo vietbf.com)

Vâng. Tình người hoặc cung-cách cảm-tạ ân-huệ Chúa ban đã thể-hiện qua nhóm bác-sĩ đã săn-sóc bé Lam rồi. Vâng. Có rất nhiều dấu-hiệu nêu rõ ân và huệ trong đời người. Một đời có nhiều thứ để nhớ, nhưng vẫn quên. Và đời người, vào hôm trước lẫn ngày nay, vẫn còn rất nhiều thứ lại cứ hay quên cả những điều hệ-trong trong đời, vẫn rất ân và rất huệ.

Ân và huệ, là những thứ tạo nên cốt-cách cuộc đời, cho con người. Cho cả tôi lẫn bạn, suốt một đời. Trong cõi nghìn thu, mãi mãi vẫn cứ trôi.

Trần Ngọc Mười Hai
Có nhiều thứ rất hay quên,
nhưng sẽ cố không quên
những ân và huệ
mà bạn từng làm cho tôi
cho mọi người.
Ở đời này. 

Saturday, 15 October 2016

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”,



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 30 mùa thường niên năm C 23/10/2016

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”,
Chọn những bông hoa và những nụ cười
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
Để mắt em cười tựa lá bay.”
(Trịnh Công Sơn – Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui)

(Mt 6: 6-7) 

Chọn gì cũng còn tuỳ. Có chọn niềm vui mỗi ngày và mọi ngày, lại cũng là điều đáng làm và nên làm. Niềm vui nào, cũng lạ kỳ và còn tuỳ. Chỉ có niềm vui đáng trang-trọng và trân quý mà thôi, các bác ơi! Thế nhưng, hỏi rằng niềm vui ấy có là gì đâu mà sao mỗi ngày bạn đều cứ chọn?

Và, đây là câu đáp/trả của nghệ sĩ mình từng hát lên và hát mãi một chữ vui, rất như sau:

“Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi.
Đường đến anh em, đường đến bạn bè.
Tôi đợi em về, bàn chân quen quá.
Thảm lá me vang, lại bước qua.

Và như thế, tôi sống vui từng ngày.
Và như thế, tôi đến trong cuộc đời.
Đã yêu cuộc đời này, bằng trái tim của tôi.

Mỗi ngày tôi chọn, một niềm vui.
Cùng với anh em, tìm đến mọi người.
Tôi chọn nơi này, cùng nhau ca hát.
Để thấy tiếng cười, rộn rã bay.

Mỗi ngày tôi chọn, một lần thôi.
Chọn tiếng ru con, nhẹ bước vào đời.
Tôi chọn nắng đầy, chọn cơn mưa tới.
Để lúa reo mừng, tựa vẫy tay.
Và như thế, tôi sống vui từng ngày.
Và như thế, tôi đến trong cuộc đời.
Đã yêu cuộc đời này, bằng trái tim của tôi.

Mỗi ngày tôi chọn, ngồi thật yên.
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình.
Tôi chợt biết rằng, vì sao tôi sống.
Vì đất nước cần, một trái tim.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Cứ như nghệ sĩ ở trên, thì: niềm vui ta có, vẫn rất tỏ nơi lập trường mình chọn lựa. Chọn, con đường đến với anh em, bạn bè. Hoặc, chỉ mỗi chọn: “tiếng ru con nhẹ bước vào đời”. Chọn “nắng đầy, mưa tới”, “vẫy tay”, “vui từng ngày”. Chọn “ngồi thật yên”, “nhìn rõ quê hương”, vì “đất nước cần một trái tim”, cuối cùng đều như thế, hết. Như thế, tức như thể lập-trường chính-chuyên của mỗi người và mọi người, thôi. 

Nhà Đạo mình có nỗi niềm gì “vui” không? Có chọn/lựa gì không, để vui sống với chúng dân, bạn đạo hoặc với Đức Chúa nơi tâm can của ai đó: những người nghèo, kẻ hèn, cả sơ/cha/tu-sĩ lẫn bạn đạo, kể không hết? Chọn gì thì chọn. Chọn lựa nào, cũng tuỳ tâm tuỳ hỷ nơi can-tràng của can mỗi người ở chốn thân quen hay xa lạ, để còn sống như đấng thánh nhân-hiền vẫn dạy/bảo.

Trong lần viễn-du sang Hoa kỳ ngày chớm thu năm 2016, bần đạo đây lại bắt gặp một số chọn-lựa nay ít-thấy của bậc khắc-kỷ/tu kín hay tu “hở” trong dòng thánh-là-mẹ hoặc mãi mãi ẩn-chìm trong chốn sơn lâm/cùng cốc chỉ biết mỗi nguyện-cầu và nguyện cầu cho tha-nhân chứ không cho riêng mình. Thế đó, là lựa chọn, tức: vừa lựa vừa chọn, rất vừa lòng vừa ý lẫn vừa y chang. Nhưng, cứ thử hỏi: một khi đã chọn lựa như thế rồi, ta có tạo niềm vui cho mình hoặc cho người, không?  

Có vị, lại không hỏi-ha/vấn-nạn bất cứ ai, nhưng vẫn chọn “đi vào giòng đời” để gặp người và gặp mình thể-hiện nơi người khác. Chọn “cho đi”, chứ không nhận-lãnh vào thân mình hoặc thần hồn của mình, bất cứ gì khác đã được tặng ban. Có thể nói, chọn và lựa như thế, là: đường-hướng nguyện-cầu khá hợp lý. Chí ít, là cho riêng mình. Ở đời người.

Có bạn đạo, dù đã chọn hướng nguyện-cầu cho mình từ nhiều năm, nhưng chưa vừa ý. Có khi, còn ngờ-vực cả đường-lối mình chọn-lựa để rồi lại cứ đi tìm cha/cố thầy/bà mà vấn kế/hỏi han qua mục “đố vui để học” ở huyện nhà rất Đạo.

Có đấng bậc chuyên-chăm đạo-đức rất sốt sắng với nguyện-cầu/kinh-kệ trải dài nhiều năm tháng; cuối cùng, lại cũng gửi về một thắc-mắc con con nhưng không nhỏ, đến đức thày một vấn ý sau đây:            

“Thưa Cha,
Suốt 9 năm vừa qua, con trai con đã được dưỡng-dục đàng-hoàng để trở thành người Công-giáo tốt có trường/lớp học-hành hẳn hòi. Sau đó, cháu lại đã lập gia-đình có phép rao/phép cưới cũng đi nhà thờ/nhà thánh quanh năm suốt tháng chứng-tỏ lòng tin đi Đạo “ròng” hẳn hoi. Nay cháu đã có đến 3 con, thế mà chả đứa nào chịu rửa tội theo phép Đạo “ròng” rất phải phép. Vẫn từ nhiều năm, con cứ nguyện-cầu cho con cháu của con cũng rất nhiều, để chúng còn quay đầu về mà hồi hướng. Thú thật với cha, là: nay con đã thấm mệt, chỉ muốn chào thua thôi. Vậy, xin hỏi Cha là: con có nên tiếp-tục cầu-nguyện nữa hay thôi?” (Câu hỏi của một vị đạo-đức rất nghe quen)

Thấy có người hỏi câu đúng ý, đức thày John Flader của tờ The Catholic Sydney lại lấy giấy bút ra viết cho tuần báo này, lời đáp trả như sau:

“Dĩ nhiên, ta cứ phải kiên-trì cầu-nguyện mãi không dứt, trong nhiều năm dài hoặc suốt đời mới được.  Tuy nhiên, khi cầu-nguyện có người cũng có ý-hướng ngắn/gọn là cầu cho người thân khỏi hẳn căn-bệnh nào đó khó chữa, hoặc cầu cho có khả-năng mua/bán căn hộ để sinh sống, cầu cho có công ăn việc làm kiếm tiền độ nhật, khi mất việc.

Có ý-hướng kéo dài ngày hơn trong nguyện-cầu, như: cầu cho đôi vợ-chồng nào đó có con sau nhiều năm hiếm-muộn, cầu cho con cháu mình gặp được ý-trung nhân thích-hợp cả với hai họ, nội ngoại. Cũng có ý-hướng lành thánh hơn như: cầu cho người nào đó từng bỏ đạo có được niềm tin chân-chính sống cuộc đời hoà-hợp lứa đôi sau nhiều năm ly-thân, vv…

Còn, hỏi rằng: ta nên nguyện-cầu trong thời-gian dài nhất là bao lâu? thì: như thánh Gioan Chrysostom có lần nói: Khi tôi khuyên ai đó hãy cầu Chúa cho mình được việc gì, thì họ trả lời: con cầu như thế đến chục lần mà có được gì đâu! Tôi bèn bảo người ấy: bạn à, hãy cứ cầu xin Chúa mãi, thế nào cũng được. Thỉnh-nguyện của bạn chỉ chấm-dứt khi đạt điều mình xin, tức có nghĩa: ta thường ngưng cầu nguyện khi được Chúa nhậm lời. Theo tôi, hãy cứ tiếp-tục cầu xin mãi như thế, nếu được Chúa nhậm lời thì ta cảm tạ ơn lành Chúa ban, có sao đâu!”

Chính Chúa từng thôi-thúc ta bền-đỗ trong nguyện-cầu ngang qua dụ ngôn ở Tin Mừng theo thánh Luca kể rằng: ngay vào nửa đêm hàng xóm gõ cửa xin bánh ăn vì mới dọn tới, chủ nhà bèn trả lời: mọi người đang ngủ cả, cửa đã đóng chặt nên anh không thể mở theo yêu cầu của người hàng xóm. Ngay khi ấy, Đức Giêsu lại đã dạy: “Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó. Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11: 8-9)

Và, còn biết bao dụ-ngôn truyện kể khác ở Tin Mừng theo thánh Luca chương 18 cũng như Tin Mừng của các thánh-sử khác lại cũng tường-thuật những chuyện đại loại như thế, rất dễ hiểu.

Về phần mình, thánh Phaolô tông-đồ cũng đã viết nhiều thư cho cộng-đoàn Colôsê, Thessalônikê vẫn hối thúc các giáo-đoàn mình hãy tiếp-tục cầu nguyện dù nhiều tuần, nhiều thánh, cả năm dài mãi mãi suốt đời mình cũng là chuyện vẫn nên làm.

Có điều được thánh Phaolô luôn nhấn mạnh, đó là: ta hãy tiếp-tục cầu-nguyện cho đến khi lời cầu của ta được Chúa đoái-hoài, mới thôi. Chúa vẫn để tai lắng nghe lời ta cầu-nguyện và Ngài sẽ đáp-trả mọi điều ta kêu cầu. Cả vào khi ta không nhận được điều gì như lòng mình cầu mong, nếu ta vẫn tiếp-tục cầu nguyện mãi, rồi ra ta cũng sẽ lớn lên trong sự lành thánh nhờ vào nhân-đức cầu nguyện của chính mình. Xem thế thì, tự thân, đây là câu đáp trả cho lời ta nguyện-cầu cùng Chúa. Đôi lúc, Chúa có để ta cầu-nguyện trong thời gian rất lâu mà chẳng ban cho ta điều ta mong ước, vì Ngài biết rõ việc cầu-nguyện đem đến cho ta nhiều điều tốt đẹp.” (X. Lm John Flader, After years of prayer with no progress, is it time to give up?” The Catholic Weekly, 11/9/2016 tr. 22)

Hỏi gì thì hỏi. Có hỏi/đáp về sự cần-thiết tiếp-tục cầu nguyện nhiều, vẫn là cơ-hội để người hỏi và đáp về lại với Lời Vàng của Đấng Thánh-hiền trong Đạo từng khuyên bảo:

“Còn anh, khi cầu nguyện,
hãy vào phòng,
đóng kín cửa
và cầu nguyện cùng Cha của anh,
Đấng hiện-diện nơi kín đáo.
Và Cha của anh,
Đấng thấu suốt những gì kín đáo,
sẽ đáp trả lại cho anh.”
(Mt 6: 6-7) 

Hỏi gì thì hỏi, có hỏi nhiều về việc nguyện-cầu trong lặng-thinh, thì cuối cùng ra, vẫn là những chọn và lựa của mỗi người dù có hỏi hay không những điều như thế.

Đáp gì thì đáp, có đáp trả đúng ý người hỏi không, vẫn là chọn lựa thông thường của đôi bên, cả người hỏi cũng như người đáp. Bởi, trước khi hỏi có thể người hỏi đã biết câu trả lời của đối phương rồi, nhưng vẫn hỏi để mà hỏi. Trường hợp nhà Đạo mình, nhiều đấng bậc lại được học biết câu trả lời đúng bài bản nên chẳng sợ mất lòng ai hoặc sai trái bao giờ hết.

Có hỏi han hay đáp trả, vẫn là đưa ra một chọn lựa. Chọn thế đứng. Chọn góc cạnh thích hợp để rồi đối-phương khi nhận được câu đáp trả, sẽ không bị “shốc” bao giờ hết. Thế đó, là chọn lựa. Chọn “cho đi” một hỏi-han hoặc “nhận vào” một đáp trả, vẫn như truyện kể ở bên dưới muốn đưa ra một minh-hoạ về cuộc sống có “cho” và có “nhận” rất rành rành, sau đây:

Một người đàn ông bị lạc giữa một sa mạc rộng lớn. Ông mệt lả và khát khô, sẵn sàng đánh đổi bất kỳ cái gì chỉ để lấy một ngụm nước mát.

Đi mãi đi mãi, đến khi đôi chân của ông đã sưng lên nhức nhối, ông thấy 1 căn lều: cũ, rách nát, không cửa sổ.Ông nhìn quanh căn lều và thấy ở 1 góc tối, có 1 cái máy bơm nước cũ và rỉ sét. Tất cả trở nên lu mờ đi bên cạnh cái máy bơm nước, người đàn ông vội vã bước tới, vịn chặt vào tay cầm, ra sức bơm. Nhưng không có 1 giọt nước nào chảy ra cả.

Thất vọng, người đàn ông lại nhìn quanh căn lều. Lúc này, ông mới để ý thấy 1 cái bình nhỏ. Phủi sạch bụi cát trên bình, ông đọc được dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng cách lấy viên đá cào lên: “Hãy đổ hết nuớc trong bình này vào cái máy bơm. Và trước khi đi, hãy nhớ đổ nước đầy lại vào chiếc bình này”.

Người đàn ông bật cái nắp bình ra, và đúng thật, trong bình đầy nước mát. Bỗng nhiên, người đàn ông rơi vào 1 tình thế bấp bênh. Nếu ông uống ngay chỗ nước trong bình, chắc chắn ông có thể sống sót. Nhưng nếu ông đổ hết nước vào cái bơm cũ gỉ, có thể nó sẽ bơm được nước trong lành từ sâu trong lòng đất – rất nhiều nước.

Ông cân nhắc khả-năng của cả hai sự lựa chọn: nên mạo hiểm rót nườc vào máy bơm để có nguồn nước trong lành hay uống nước trong cái bình cũ và coi như không đọc được lời chỉ dẫn? Dù sao, lời chỉ dẫn không biết đã ở đó bao lâu rồi và không biết có còn chính xác nữa không……

Nhưng rồi cuối cùng, ông cũng quyết định rót hết nước váo cái máy bơm. Rồi ông tiếp tục nhấn mạnh cái cần của máy bơm, một lần, hai lần ….chẳng có gì xảy ra cả! Tuy hoảng hốt, nhưng nếu dừng lại, ông sẽ không còn một nguồn hy vọng nào nữa, nên người đàn ông kiên trì bơm lên xuống, lần nữa, lần nữa …. nước mát và trong lành bắt đầu chảy ra từ cái máy bơm cũ kỹ. Người đàn ông vội vã hứng nước vào bình và uống.

Rồi ông hứng đầy bình, dành cho người nào đó có thể không may mắn bị lạc đưòng như ông và sẽ đến đây. Ông đậy nắp bình, rồi viết thêm 1 câu dưới dòng chữ có sẵn trên bình: “Hãy làm theo chỉ dẫn. Bạn phải cho trước khi bạn có thể nhận.”

“Cho đi”, dứt-khoát là động thái cần-thiết trong đời người. “Cho đi”, không phải để “có đi có lại mới toại lòng nhau”, mà là một trong những chọn lựa cách sống và kiểu sống, trong đời mình. Có cho đi, mới sống hùng, sống mạnh, sống thoải mái, gặt hái được nhiều thứ. Cả những thứ, mà mình không bao giờ ngờ tới, khi sống thực cuộc đời mình.

Điều này, không cần giải-thích hoặc cãi-tranh làm gì cho hao hụt nhuệ-khí cùng thời-gian đang chờ mình đi đến quyết-định. Chỉ cần bỏ thêm ít phút nữa để mời bạn và mời tôi, ta đọc thêm một chuyện “phiếm” do người khác kể, mới thấy đó là chuyện hiện-thực sự thật ở đời. Truyện kể đây, là truyện tự-sự của tác giả Trần Thiện Phi Hùng cũng “nổ bùng” như sau:

“Tiệc rửa lon trung úy của tôi chung với tiệc đầy tháng của con gái tôi và “con gái của người ta”.
Con gái của người ta sau 24 giờ sinh ra đã trở thành con gái của tôi và chỉ sinh sau con gái của tôi có 4 giờ tại Bảo Sinh Viện Quân Đội Thành phố Nha Trang năm 1972. Mẹ của nó còn trẻ lắm nhưng lanh lợi sành đời. Cô ta sinh xong mạnh khỏe đi đứng bình thường chứ không nằm liệt như bà vợ tôi. Cô ta nói với vợ tôi cô ta là vợ của một Trung úy Biệt Kích. Anh ta ít khi về nhà và công tác ở đâu không bao giờ nói. Cô ta đi làm sở Mỹ ở Chu Lai vì sinh kế sao đó nên nhảy dù với Mỹ. Tai nạn có thai ngoài ý muốn nhưng không biết con của Chồng hay của Mỹ nên cứ sinh xong rồi tính. Con chồng thì để nuôi; con Mỹ thì cho.

Nghe vợ nói lại, tôi sang phòng cô ta gõ cửa xin vào xem đứa nhỏ ra sao. Trong bóng đèn mờ của căn phòng, con bé nằm bó mình trong khăn lông; chỉ lòi cái mặt da trắng đỏ và cái miệng nhỏ xíu hai môi như chu ra làm tôi nghĩ ngay con bé nầy chắc sau nầy hỗn lắm! Tôi không nói gì với cô ta mà về phòng bảo bà vợ tôi:
- Mình xin Con Bé nuôi luôn nhen Em?
- Làm sao đủ sữa cho 2 đứa? Thiên hạ nói bậy bạ làm sau chịu nổi?
- Cho uống sữa bò; Anh mướn thêm người giúp việc nữa cho em.
- Tùy anh.

Thế là thủ tục Xin của Tôi và đồng ý cho con do cô ta viết được đưa cho Cô Mụ; nhưng sáng hôm sau thì cô ta đã rời khỏi bệnh viện, bỏ con lại mà thủ tục chưa hoàn tất. Ban Xã hội Quân đội cũng dễ dàng hoàn tất nốt thủ tục nhận con nuôi mà làm khai sinh giống như thủ tục khai sinh của con gái của tôi. Đây có lẽ là trường hợp hy hữu một đứa trẻ Lai Mỹ mà khai sinh do hai vợ chồng là người miền Đông và Tây Nam Việt Nam coi như sinh ra. (rất tiếc trong cơn biến loạn di tản năm 75 tất cả hình ảnh đều mất hết.

Trong tiệc đầy tháng; 2 đứa bé như cặp song sinh; nhưng một Việt một Mỹ đẹp như thiên thần!); nhưng mà khổ cho thân tôi! Hai đứa trẻ đứa nào cũng đòi bồng một lúc. Đứa trên lưng thì đứa kia phải bế trên tay. Lưng tôi bị thoái hóa cột sống năm 2000 có lẽ cũng vì hai đứa con ngày một lớn dần mà cứ phải thay đổi đứa trên lưng đứa trên tay mấy năm.

Tháng Tư đen 1975, tôi bị rã ngũ. Tôi không thể về quê ngoại như ước muốn sống ở Rừng Dừa năm xưa vì nay B52 cày nát thành bình địa. Tôi muốn phá hoang trồng lại; nhưng phải trình diện vào tù cải tạo. Một tháng trôi qua, rồi một năm, rồi năm nữa..! Vợ không thấy đi thăm mà con cũng không bao giờ được gặp mặt. Mỗi tháng chỉ có Mẹ tôi được 15 phút thăm nuôi. Hỏi gì mẹ tôi cũng nói tất cả bình an; các con ngoan và khỏe mạnh. Tôi lúc nào cũng nhờ Mẹ lưu tâm cho Thùy An, tên đứa Con Lai Mỹ. Chắc là Nó bị kỳ thị ở trường học và sống với mọi người sẽ rất khó khăn! Mẹ tôi nói con khỏi lo. Nó sống rất tốt học rất giỏi nên được Thầy Cô và bạn bè quí mến. Mẹ tôi lúc nào cũng né tránh khi tôi hỏi đến vợ và con gái của tôi, Thanh An. Tôi đoán có lẽ chuyện gì không tốt đã xảy ra nhưng đành bó tay không biết hỏi ai!

Bốn năm sau tôi được ra tù. Con gái mang 2 dòng máu ôm tôi khóc như mưa; nhưng con gái và vợ tôi thì không thấy đâu nữa. Tôi đoán biết chuyện không hay nên cũng không hỏi mẹ. Cơm chiều xong, con gái xin tôi:
- Ba cho con ngủ chung với Ba đêm nay?
- Ngày thường con ngủ một mình?
- Không Con ngủ với Bà Nội.
- Ừ! nếu con muốn.

Con bé thỏ thẻ kể hết cho tôi nghe. Ba đi rồi mấy tháng sau má dẫn Chị Hai đi với Má về thăm Ngọai mà không cho con đi và từ đó không về nữa. Con hỏi Nội Má con chừng nào về? Nội nói Nội không biết.

Một năm trôi qua; tính ra tôi đi làm “lao động xã hội chủ nghĩa” có nghĩa “ăn cơm nhà làm lao động nặng không công” khoảng hơn 3 tháng. Đào kinh, đắp đường, gánh lúa thuê…v.v.. Cạnh đó là làm thuê, làm mướn đi lao động thay cho người trả tiền để khỏi đi. Tôi hết thời gian quản chế một năm, làm phó thường dân, rồi được đề cử làm Đại Đội trưởng Lao động; chuyên đi kêu người đi lao đông. Ai thấy mặt tôi đến thăm là biết phải cơm gạo nhà đem đi làm không công mấy ngày hay nửa tháng.

Thời chinh chiến; tiền lương của 3 đứa con cho Mẹ, mẹ tôi xài tiện tặn có dư, hễ đủ 1 chỉ thì mua 1 chỉ vàng y; đủ 10 chỉ thì đổi thành 1 lượng. nhét kẹt giường, đào nền nhà, tủ làm 2 nóc để cất vàng. Con thất thế sa cơ Mẹ bán vàng nuôi con. Mẹ cho con vàng để vượt biên.

Năm 1982, tôi và em gái tôi vượt biên. Con gái của tôi nhứt định Ba đâu con ở đó; Con không sợ chết. Con chỉ sợ phải xa Ba! Tôi lái tàu ra khơi lần cuối cùng để một là chết, hai là được thật sự tự do. Tôi thành công sang bến bờ tự do. Con gái tôi bắt đầu vào Trung học; có lẽ nhờ cái máu Mỹ của nó hay sao mà chỉ mấy tháng thì nó nói tiếng Mỹ như súng liên thanh; cứ có dịp là đeo bên tay Cha khi đi chợ hay đi ăn nhà hàng hay có đám tiệc….

Hình ảnh một ông già Việt Nam có một cô gái hoàn toàn Mỹ không thấy có gì lai đeo theo một bên và nhõng nhẽo thì chắc chưa có ai bằng. Tối ngày gặp mặt gọi Daddy; không thấy mặt thì daddy, Ba đâu rồi. Tôi vui với con gái của người ta và là nguồn an ủi cho tôi vui sống. Tôi làm công nhân cho hãng làm phụ tùng xe hơi, lương cũng dư sức nuôi con lên đại học và mua nhà trả góp. Phải mất 5 năm tôi mới trả hết nợ nhà. Năm 1995 con gái tôi thành y sĩ nhãn khoa và có việc làm ngay. Ngày làm lễ Mãn khóa; cầm mảnh bằng trên tay, con gái ôm tôi khóc như chưa bao giờ khóc như thế. Tôi bảo:
- Con vui mừng sao lại khóc dữ thế?
- Cám ơn; Con cám ơn Daddy nhiều lắm; Con đang nghĩ không biết có bao nhiêu ngàn hay chục ngàn đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi mà có bằng Đại học như con. Con thương Daddy nhiều lắm.
- Daddy cũng cám ơn Con; nhờ có con mà cuộc sống của Ba mới có ý nghĩa mà vui sống tiếp bấy lâu nay.

Hai Cha Con dị-chủng ôm nhau cùng khóc. Bạn bè của con biết thì không có gì lạ về sự khắng khích của Hai Cha Con Việt Mỹ nầy; nhưng những người xa lạ thì hiếu kỳ nghĩ suy lung tung nhưng không thể nào ra được đáp án. Cha Việt sao con Mỹ mà không có chút gì là dáng vẻ Việt Nam.

Tôi đi làm đem cơm theo ăn nay làm thêm phần cho con gái. Lương của con gái đưa hết cho tôi và chỉ lấy 100 bạc để đổ xăng và ăn quà vặt. Khi cần mua sắm gì thì nói xin. Tôi từ chối cách nào cũng không được nên mở một sổ bank riêng bỏ hết tiền của con gái đưa để khi nó cần đưa lại cho nó. Hai năm sau, em Gái của tôi bán 2 cái nhà cũ để mua cái nhà lớn hơn, tôi bảo con gái vay tiền ngân hàng mua cả 2 cái. Vì không vay được một lúc gần nửa triệu bạc nên tôi dùng cái nhà tôi để thế chấp vay mua 2 cái nhà cho con gái đứng tên và cho mướn.

20 năm trôi qua nhanh. Lưng của tôi bị thoái hóa cột sống nên đau càng ngày càng nhiều. Chân tôi bắt đầu bị tê. Lái xe lúc nào chân cũng phải nhịp nhịp thử coi còn hoạt động được hay không; nhỡ bị tê khi cần thắng mà không xử dụng được thì nguy to. Tinh thần tôi bị hoảng loạn khi nghĩ đến lúc không cữ động được tay chân bởi dây thần kinh bị gai xương sống ép nên không hoạt động được. Mổ xương sống thì xác xuất rủi ro khá cao; nên khi còn gượng đi đứng được tôi không chịu mổ để cắt gai cột sống. Con gái thì đeo theo một bên ít đi chơi ít giao thiệp với bạn bè. Đi làm về là quanh quẩn bên Cha làm tôi thêm lo lắng.

- Sao Con không có bạn trai? Con lập gia đình cho ba yên tâm!
- Ai bảo Ba con không có bạn trai. Bạn trai của con đang ghi tên học tiếng Việt; bao giờ nói được tiếng Việt con sẽ đem về ra mắt Ba. Anh ta người Đức nhưng sinh trưởng ở đây và chịu điều kiện phải sống chung với Ba suốt đời; nhưng con thêm điều kiện phải nói được những câu thông dụng tiếng Việt Nam.
- Ba nói tiếng Anh cũng tạm hiểu được mà Con.
Nhưng con muốn con của con sau nầy phải nói được tiếng Việt, nên anh ta ghi tên học một năm tiếng Việt ở Đại học Victoria. 

Tuổi 60 cũng đúng lúc tôi được phép về hưu vì là cựu quân nhân nên sớm hơn dân sự 5 năm. Con Gái thì hối thúc Ba nghỉ việc đi; tiền hưu Ba đủ sức tiêu dùng; nếu có cần mua gì hay đi đâu con lo cho ba được. Tôi xin nghỉ việc về hưu. Sáng nào 5.30AM cũng đi bơi để chữa trị bệnh đau lưng. Con gái cũng đi theo. Sáng nào hai cha con xe ai nấy lái đến hồ bơi. Con tập Gym, cha thì Bơi. Con gái đem quần áo uniform thay đi làm luôn.

Một hôm con gái tôi nói:
- Ngày mai con không đi làm; Ba có muốn con chở Ba đi thăm Bác Hoàn không? Con nghe con gái của Bác nói Bác đã bị đưa vào Viện Dưỡng lão tuần rồi.
- Sau con lại dùng chữ “bị”? Chẵng lẽ Bác Hoàn không muốn vào Nursing home mà bị bắt buộc vào hay sao?
- Bác Hoàn bị stroke té; xe cấp cứu đem vào nhà thương; Bác bị méo mặt và miệng không nói được nên các con của Bác xin Bác sĩ cho vào Viện Dưỡng lão; vì nếu về nhà sau nầy xin vào thì Bộ Y tế sẽ check sức khỏe và trí nhớ khó khăn lắm mới được chấp nhận nên để nhà Thương quyết định thì khỏi phải check gì hết!
- Bác chỉ hơn Ba có 2 tuổi và trí nhớ còn tốt lắm mà! Ừ! Ba với con đi thăm Bác kẻo tội nghiệp; hơn nữa mai mốt Ba có vào sẽ có người thăm lại ba.
- Không bao giờ có chuyện đó Ba đừng mơ; Con không bao giờ gởi Ba vô Viện Dưỡng Lão đâu. Con tập Gym để đủ sức bồng Ba khi Ba cần đến; Con cũng chọn chồng lớn con để phụ với Con. Ba xài Computer và Internet thường xuyên, trí nhớ của ba sẽ không bị Dementia hay Alzheimer.
- Cám ơn con; nhưng con còn công việc và cuộc sống của riêng con.
- Viện Mồ Côi không dành cho con thì Viện Dưỡng Lão cũng không dành cho ba. 
- Con nhớ mua trái cây biếu Bác; nhớ đừng mua bánh ngọt vì Bác ấy cử ăn đường.
Hai cha con tôi vào Viện Dưỡng Lão Cửu Long vừa sau giờ ăn sáng; nên gặp Bác Hoàn ngay phòng ăn. Mặt và miệng của Bác Hoàn trở lại gần bình thường và giọng nói tuy có biến giọng nhưng vẫn còn nghe rõ lắm. Bác bắt tay tôi coi vẻ mừng và cảm động lắm nhưng hai mắt lệ ứ tròng. Con gái tôi lúc nào đi với tôi đều là mục tiêu để nhiều người chú ý và tò mò muốn biết về Cha Con Viêt Mỹ nầy. Hơn nữa vẻ trìu mến và lúc nào cũng như nhõng nhẽo với cha từ lúc còn bé thành thói quen làm mọi người càng chú ý hơn. Thăm Bác Hoàn khoảng một tiếng sau hai cha con xin phép ra về. Con gái tôi lái xe ghé Chợ và nói:
- Con đãi ba ăn bún bò Huế.
- Ừ! ăn thì ăn.

Con gái mở cửa cho tôi và kéo ghế cho tôi ngồi; gần như ai cũng quay ngó chúng tôi. Cô bé chạy bàn thì quen quá với cha con tôi vì nhiều lần ăn ở quán nầy.
- 2 tô bún bò Huế phải không Chú?
- Ờ! Cháu cho Chú 2 tô.
Con gái mở cái xách tay của nó ra; mà nó đổi cái xách tay lớn hơn hồi nào tôi không để ý. Nó kéo ra một bịch nylon và kéo Rau kinh giới ra. Nó để rau kinh giới tím qua một bên và nói:
- Cái nầy của Daddy.
Rồi kéo mớ khác là kinh giới xanh và nói:
- Cái nầy của con.
Ông ngồi bàn gần kế bên quay sang
- Cô Tây nầy sau nói tiếng Việt rành quá và rành ăn bún bò Huế hơn cả người Việt Nam!
- Nó là người Việt Nam chứ không phải Tây. Nó chê rau kinh giới tím ăn nồng quá mà tôi thì thích kinh giới tím hơn nên nó hái riêng hai loại cho cha con chúng tôi.
- Cô ta là Dâu của Anh?
- Không. Nó là con gái của tôi.
- Hai tô bún bò Huế được bưng ra; cuộc đàm thoại ngưng tại đây và có lẽ ai cũng liếc mắt xem khi cô Tây 100% vắt chanh và ngắt từng cọng rau bỏ vào tô cho cha. Tôi hãnh diện là đã không lầm khi bỏ công bao năm cơ cực nuôi “con của người ta.”

Về tới nhà chưa kịp thay quần áo thì điện thoại reo. Bạn Hoàn, người tôi vừa đi thăm, phone cho tôi từ Viện Dưỡng Lão.
- Anh mới về tới nhà phải không? Hồi nãy tôi gọi không ai bốc phone. Sau khi Anh về rồi có một Bà trong Viện dưỡng lão này hỏi anh có phải Hải Quân hay không và đứa con gái Mỹ đi theo Anh là con của Anh? Bà ta nói là người quen của Anh ở Nha Trang khi xưa; muốn xin số phone của Anh, nên tôi hỏi Anh trước. Có phải nhân tình cũ ngày xưa hay không? Nếu phải thì vào gặp gấp đi; dễ gì xa xứ gặp cố tri!
- Ừ! Thì Anh cứ cho; có sao đâu. Bốn mươi mấy năm rồi làm sao ai còn nhớ được ai!

Một ý nghĩ thoáng qua trong óc tôi: Không lẽ là Mẹ ruột của con gái của tôi? Chứ nếu bà ta là người vợ bỏ tôi ngày nào thì chắc chúng tôi phải nhìn nhau, chứ chẳng lẽ tình chồng vợ sống với nhau 5 năm mà nhìn nhau không ra! Nhưng nếu là mẹ ruột của con gái của tôi, tôi phải làm sao đây, vì dù sao cũng là... 
“Con gái của người ta”. (Truyện kể vừa nhận qua điện thư hôm 11/10/16).

Xét cho cùng, có một thứ quà “cho không biếu không” từ đấng bậc thánh-hiền ở đâu đó rất quí-giá vẫn luôn trao cho mọi người mà người người lại ít để ý hoặc trân trọng. Đó là “sự lặng thinh” rất “nhưng-không”! Có trân-trọng quà tặng quí-giá này rồi, bạn và tôi, ta mới thấy hay/thấy đẹp bài thơ được lồng nhạc ngoại-quốc rất như sau:    

“Chào bạn xưa là bóng tối ơi.
Giờ này là giờ bạn đến với tôi.
Kể chuyện bạn nghe chuyện tôi mơ tối qua.
Chuyện mộng mơ mà tôi không dứt ra.
Mộng tình chất ngất nằm sâu rất kỹ
đến với tôi giữa đêm vàng.
Thành một lời vang của âm thầm.

Chỉ một mình tôi đi giữa giấc mơ.
Chỉ một mình tôi đi giữa phố xa.
Hàng cột đèn nghiêng nghiêng buông lơi ánh êm.
Đường dài quạnh hiu nên tôi vọng nhớ thiết tha .
Rồi thì thấy thấp thoáng màu ánh sáng yếu ớt
chiếu trên đường giữa đêm trường.
Gặp một lời than của âm thầm.
(Nhạc: Sound of silence – Lời: Phạm Duy - Tiếng Âm thầm)

Thế đó, là: ý-nghĩa của cụm-từ “Âm-thầm, lời của lặng thinh” được diễn-tả qua hành-xử và mộng-ước của người và của mình, rất trong đời.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn những đêm dài khó ngủ
Lại nghe được những điều
Rất như thế.