Friday, 30 March 2012

“Chiều còn vương nắng để gió đi tìm,”

[if gte mso 9]> Normal 0 MicrosoftInternetExplorer4
Chuyện phiếm đọc vào tuần Phục Sinh năm B 08.4.2012

Chiều còn vương nắng để gió đi tìm,”
“Vết bước chân em, qua bao nhiêu lần.
Lời ru, đan ngón tay buồn
Ngàn năm, cho giá băng hồn
Tuổi gầy, nồng lên màu mắt... .”
(Ngô Thuỵ Miên – Dấu Tình Sầu)
(Ga 1: 1-5)
            “Tuổi gầy nồng lên mầu mắt”, là bao mà sao buồn đến thế? Phải chăng đó là nỗi buồn ở tuổi mười ba, khi em và tôi, ta vẫn “ta bà” chạy khắp xóm? Hay là, tình nồng tuổi đôi tám, mà bầy tôi đây vẫn chẳng dám. Hoặc cả hai? Ôi thôi, bầy tôi cũng phải chạy dài, rồi khấn vái.

            Thật ra thì, 13 có là tuổi ngọc ngà nhiều me chua cùng mận ngọt hay chỉ là tuổi thích ô-mai lai rai, ngậm dài dài! Còn đôi tám, lại là tuổi của bọn tôi khi đó vẫn rất quậy. Quậy rồi phá. Phá làng/phá xóm để vui cười, đôi lúc cũng bị cha mẹ la mắng, đuổi ra sân. Tuổi gì thì tuổi, vẫn là “lũ kỷ niệm” mà đám phá phách bọn tôi đây không chừa nổi. Với người đời, tuổi ô mai chín mọng hoặc tuổi thần tiên đôi tám là tháng ngày hạnh phúc chốn dân gian giờ đây chắc khó tìm thấy, dù rất muốn.

            Kể ra thì nghệ sĩ họ Ngô trên đây, nay nhớ “tuổi gầy nồng lên” năm nào, để rồi sẽ hát tiếp đôi câu:

                                    Trời còn mây tím, để lá mơ nhiều.
Lá khóc trên mi, cho môi ươm sầu.
Chiều lên, đỉnh núi ngang đầu
Nhặt thương, cho gót dâng sầu
Giận hờn, xin ngập lối đi.”
(Ngô Thuỵ Miên – bđd)

            Kể đi rồi thì kể lại, đã thấy ngôn ngữ người mình thật phong phú và cũng thi phú. Có mỗi chuyện phát âm thôi, cũng làm bạn bè người nước ngoài phải vận dụng đến ba tấc lưỡi uốn lên uốn xuống cho thật đúng cách mới phát âm cho chuẩn được. Bằng không, thì phải cải chính với chỉnh sửa, mới "tiện bề sổ sách”. 

            Còn nhớ, hồi bần đạo mới lên 9 đã chịu cảnh mồ côi cha, bôn ba theo mẹ từ Sàigòn ra Hà Nội để nhờ các anh chị trông nom gia đình thay cho mẹ. Bần đạo, khi ấy đã phải vật lộn với chữ nghĩa của đồng môn thấy khá mệt vì cung cách phát âm nghe cũng lạ. 

Rõ ràng chỉ mỗi đoạn Kinh thánh có mấy chữ: “Kho tàng giấu dưới ruộng” thôi, mà sao đám bạn dân Bắc của bần đạo cứ đọc đi đọc lại câu ấy mà chỉ nghe mỗi âm “dê” và “dê” tựa hồ: “kho tàng dzấu dzưới dzuộng” đến lạ kỳ. Kịp khi khôn lớn, ra Huế lập nghiệp, bần đạo lại vất vả thêm với lối phát âm “thần thánh” của các anh chị giống giòng hào kiệt đất thần kinh sông nước mỗi lần đọc Tin Mừng có đoạn nói môn đồ hỏi Chúa điều gì, nghe đi nghe lại cứ như thể: “Chúa đạp môn đệ” thay vì “Chúa đáp lại môn đệ”, cũng đã ghê và rất sợ.

Chợt đến lúc vô Nam, bần đạo còn nhớ: lần nọ có thầy trợ sĩ chuyên lo phòng khách nhà Kỳ Đồng của bổn Dòng kể lại:

Hôm ấy có chị giáo dân rất thân là người đặc sệt gốc Nam Kỳ tìm đến nhà Dòng để gặp cho được người anh linh mục tên Lan. Thầy phụ trách hỏi đi hỏi lại mãi:
-Cha Lan mà chị muốn gặp có dê hay không dê? Nhà Dòng chúng tôi có một cha Lan còn trẻ không “dê” là cha Phaolô Nguyễn Ngọc Lan, còn cha Lan kia lớn tuổi hơn là cha Lan có “dê” tức cha Félix Lê Văn Lang. Vậy chị muốn gặp cha Lan nào?”
Nghe hỏi gắt, nữ giáo dân bèn vội đáp:
-Dạ, cha Lan có dê hay không dê đối với em không thành vấn đề, em chỉ muốn gặp ông cha chuyên xuống đường để hỏi vài câu thôi!
Nghe thấy thế, thày nọ bèn gật gù nói:
-À, cha đó là cha Nguyễn Ngọc Lan có làm chính trị nhưng không có “dê”!…

Về xử thế với người đời, đôi lúc bạn và tôi, ta cũng thấy xảy ra nhiều nghịch cảnh đến độ mỗi lần nghĩ đến đều thấy rất thương nhưng không hại, dù nhiều lúc cũng vẫn là thương hại, hoặc thương rồi hại. Thế đó là chuyện ngôn ngữ. 

Về ngôn ngữ của người nước ngoài, tuy ngữ vựng và ngôn từ của họ cũng phong phú nhưng chẳng thi phú bằng tiếng nước mình, như trường hợp sau đây:

                        “Thư gửi ông Steve Jobs,
Lẽ đáng ra, tôi đã phải gửi bức thư này cho ông trước khi ông lìa đời mới đúng, nhưng vì thấy ông có biệt tài về truyền thông tinh vi đã sáng chế ra những là: iPod, iPhone và iPad hoặc thứ gì đó cả sau khi chết nữa để tự giúp mình chuyển tải thông điệp gửi từ trái đất về nơi mình ở và ngược lại, nên tôi hy vọng ông sẽ tìm ra phương thức nào khác rất thực tiễn hầu tải thư phản hồi do ông trả lời từ nơi ấy (?).

Giống nhiều người, tôi cũng bị ấn tượng khá nhiều về chuyện đời tư của riêng ông, tức chuyện tự sự của một trẻ mồ côi từ hồi còn nhỏ, chẳng ai muốn đem về nhà nuôi để rồi sau này, khi khôn lớn, ông lại sẽ sáng chế ra những thứ rất lạ, mọi người đều muốn có. Chuyện đời là chuyện của một người nổi tiếng sáng chế ra cung cách rất mới cho công ty Apple.

Thập niên qua, thời mà tên tuổi của ông nổi như cồn, cứ liên tục đem đến cho giới tiêu thụ chúng tôi nào là iPod (năm 2001), rồi iPhone (2007) và iPad (2010). Nhưng, đó là các thiết bị điện tử do ông sáng chế, để ai nấy tìm cách lánh xa mọi người xung quanh, hầu tìm một góc riêng mà hưởng thụ niềm vui cho riêng mình. Có lẽ ông cũng chẳng thiết tha gì chuyện chế biến các dụng cụ điện tử nào khác để mọi người xài chung, tựa như wePod, wePhone hoặc wePad để giúp mọi người có thể cùng nhau trao đổi cho thoải mái có yêu thương, tức: chỉ muốn kiến tạo thật nhiều hải đảo cách chia khiến mọi người cứ phải sống biệt lập, trên mặt đất. Các thứ như: iPod, iPhone và iPad do ông sáng chế cái nào cái nấy đều là thiết bị mới của một thành phố bít kín trong bốn bức tường ngột ngạt không cho mọi người đến được với nhau để cảm thông, yêu thương và giùm giúp. Nói chung, thiết bị ông tạo ra chỉ đem thế giới đến với riêng ông hệt như một người tiêu thụ chỉ thích hàng ngoại, thôi.

Thiết bị do ông sáng chế có mỗi điều hay là: nó giúp bọn tôi gom gộp toàn thể thế giới/vũ trụ vốn đã đủ mọi rắc rối có ở đời vào món đồ gọn lỏn trong lòng bàn tay. Nhưng nó lại có điểm yếu khác là: từ nay bọn tôi chỉ nhìn thấy diện mạo của một số rất ít bà con, cô bác dù họ ở sát cạnh bên.

Hiện có rất nhiều điều tôi muốn đạo đạt với riêng ông mà thôi, dù tôi không có thẩm quyền để phán xét chuyện người khác, nhưng tôi cố tìm hiểu vẫn không rõ tại sao ông lại cứ tránh né không muốn tặng tiền cho hội bác ái từ thiện này nọ một chút tiền dư mà ông kiếm được từ những doanh thương ông đeo đuổi. Tôi cũng không biết tại sao ông lại ít đề cập đến gia đình nhân loại là thế. Tôi càng thấy buồn khi biết ông đã tự liệu trước cho mình việc ra đi vào cõi vĩnh hằng, khi ông tiết lộ cho giới trẻ từng khâm phục tài năng của ông, rằng: “Đừng để mình rơi vào bẫy cạm của các tôn giáo chuyên gài bẫy bằng một số tín điều nghe rất hay, mà thật ra đó chỉ là kết quả của lối suy tư mà người khác mang đến thôi.”

Theo tôi, ngôn ngữ ấy là bí kíp tạo cô đơn đến cùng cực vốn cắt hết mọi liên hệ giữa người với người, bằng chủ tâm khiến chúng tôi phải ra khỏi kinh nghiệm phong phú đang chờ đợi chúng tôi ngay từ lúc chúng tôi bước vào cuộc sống con người.

Có lần ông nói: “Sự chết giống như một sáng chế/phát minh đơn điệu cũng rất đẹp của sự sống. Đó là dạng đổi thay của sự sống, mà thôi.” Và đây quả là điều mà chúng ta có thể chấp nhận đồng hành. Nói cho đúng, thì sự chết là cơ hội duy nhất để ta duy trì/cầm cự những gì quý giá nhất, đối với ta. Với người theo Đức Kitô, chết là sự thể duy nhất cho phép ta được sống mãi cõi miên trường, kéo dài đến thiên thu. Chính ông có lần cũng nói: “Sự chết đẩy người cao niên vào nơi nào khác hầu người trẻ mới xuất hiện được, tức: có thể tạo tiến trình sống theo cung cách hệt như mẫu mã của các thiết bị, nay lỗi thời.”

Theo tôi, không phải thế. Ngược lại mới đúng. Chết là cách giúp ta thưởng ngoạn trong cảm kích sự già nua/lỗi thời, có như thế ta mới taọ điều kiện giúp cái mới/người mới biết cảm kích tuổi già là thế nào. Chúng tôi tin rằng sự sống tự nó là cội nguồn của nhiều điều thích thú, vui tươi và kinh ngạc hơn các cửa hàng đầy những thiết bị tối tân, đẹp, lạ lung nhiều mẫu mã.” (x. Michael McGirr Australian Catholics Summer edition, tr. 9)

Về sự phong phú của ngôn ngữ, có lẽ cũng nên để ý đến một số khía cạnh khiến người đọc Tin Mừng biết về sự thực của cuộc sống trong không gian vũ trụ mình đang sống. Trước hết, là ngôn ngữ thi ca phong phú của thi hào Archibald MacLeish nước Anh, khi ông bàn về nét đẹp của vũ trụ/vạn vật lúc phi hành gia tầu Apollo chụp một số ảnh hình của trái đất, bằng thứ ngôn từ nghe hơi lạ như:
                       
“Nhìn trái đất trần trụi rõ mồn một từ không gian bên ngoài, bạn thấy nó bé nhỏ và xanh biếc biết là chừng nào. Nó trở nên quá nhỏ khi đắm chìm trong cõi tịch liêu, bồng bềnh ở đây đó, giống hệt cảnh tượng có thực, trong đó người đi bộ hoặc chạy xe đang di chuyển trên mặt đất. Nói cách khác, nhìn người anh/người chị của ta hiện hữu trong tình yêu sáng rực ở chốn lạnh tanh kéo dài miền vĩnh cửu, người người nhận ra được sự thật rất to lớn là: các người anh người chị ấy nay đã biết: dù gì mình vẫn là anh em của nhau và với nhau theo nghĩa đích thực, rất đáng yêu.” (x. Archibald MacLeish, Bubble of the blue Air, Riders on Earth Together, Brothers in Eternal Cold, New York Times 25/12/1968)

            Vâng. Sự thật là thế. Người ở đời vẫn nhớ và cứ nói bằng ngôn ngữ đời thường, nhưng lại quên chính “Lời” mà thánh Gioan từng quả quyết:

                                    “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.”
(Ga 1: 1-3)      

            Ở vào trạng huống được Ơn Trên soi sáng, có đấng bậc vị vọng nọ kịp nhận ra được “ngôn ngữ” của đời thường vừa rất “ảo” lại vừa “lý tưởng” như cuộc sống ở đời mà người thường cứ ngỡ tràn đầy tính duy-vật-chất, nên đã thêm đôi điều để bạn và tôi, ta hiểu rõ ý nghĩa của “ngôn ngữ” ngoài đời/trong Đạo, cũng rất bạo, như sau: 

“Đã nhiều lần, tôi nghe thiên hạ phê bình thế giới của ngày càng mang tính duy-vật-chất, rất nguy hiểm. Nhưng kỳ thực, thế giới chúng ta đang mang trong mình ý nghĩa rộng rãi và đậm sâu qua cụm từ mà ta gọi là: “ảo” như “ảo ảnh”, “ảo giác”, “ảo vọng”, để rồi phá bỏ mọi hình thức cũng rất “ảo” ấy. Thật sự, thì nhiều người vẫn kiếm tìm ý nghĩa sâu lắng của đời mình theo hình thức khác nhau, kể cả tôn giáo cách này hay cách khác.
Có lần tôi nghe linh mục trẻ người Tây Ban Nha cùng Dòng với tôi, đã đề cao điều mà ông trích dẫn bằng tiếng nước mình là chữ “ilusiones’ mà bà con ta có thói quen dịch là “ảo giác” như trên. Sau một hồi gạn hỏi mới vỡ lẽ ra rằng: tiếng Tây Ban Nha, “ilusiones” ngoài ý nghĩa rất “ảo” (tức Không thực) nó còn mang ý nghĩa của một “lý tưởng”. Điều này, khiến tôi từ đó phải cẩn thận, cân nhắc về lưỡng tính của mỗi vấn đề. Bởi thật ra thì các “ảo giác”, “ảo vọng” thường vô lý và dễ ngộ nhận, vì chúng khống chế thực tại.” (xem Lm Gerard J. Hughes, Disillusion: a new Year Resolution, www.thingkingfaith.org 20/01/2012)

            Quả là, ngôn ngữ nước bạn tuy không thi phú bằng tiếng Việt mình, nhưng cũng phong phú không kém. Phong phú ở điểm: đôi khi chỉ một từ, một chữ thôi cũng có nghĩa rất khang khác, lác đác chuyên chở một sự thật, rất nghịch thường. Thế nên, đấng bậc vị vọng hội dòng trích dẫn ở trên, còn nói thêm:

“Khi sự thể xem ra không xảy đến như ta mong muốn, tuy nhiên ta vẫn nên cẩn thận kẻo rồi sẽ bác bỏ cái-gọi-là sự phong phú của tiếng Tây Ban Nha, về chữ “ảo”, nói trên. Bởi, nếu bác bỏ tính “ảo” của mọi sự đều là điều rất cần và tốt đẹp, nhưng cũng có lúc việc bác bỏ ấy lại đem đến nhiều tệ hại đối với ta. Chẳng hạn như, bỏ mất đi tính chất “lý tưởng” mà cụm từ này bao hàm. Đó mới là thảm hoạ.” (x. Lm Gerard j Hughes, bđd)

            Từ và ngữ đã mang tính “ảo” rồi lại bảo: đó là sự phong phú của ngôn ngữ, nghe khá lạ. Tuy nhiên, có điều lạ khác là đấng bậc nói trên lại mang ý nghĩa ấy vào với đề tài nhà Đạo, như sau:

“Những gì được gọi là “ảo” ta có, không chỉ liên quan đến sự thể bảo rằng Nước Thiên Chúa trước nhất không mang tính chính trị, cũng không hàm ngụ chuyện quân sự, nội bộ hoặc xã hội tuyệt vời của loài người trong đó mười hai chi tộc Israel là do nhóm Mười Hai coi sóc. Để phá bỏ tính chất “ảo” như thế là bước đầu đi đến tình trạng an bình để hiểu rõ hơn các “lý tưởng” ta dựa vào đó để sống, tựa hồ Tin Mừng của Chúa có nói: “Nước của Ta không ở thế gian này.”
Bởi thế nên, thay vì bám vào những gì rất “ảo” của thế gian, để rồi lòng mình lại sẽ chịu ảnh hưởng từ một kỳ vọng cho rằng mình biến đổi được thế gian rất dễ dàng, nếu có gắng, nhưng tốt hơn, hãy mặc lấy lý tưởng mà thánh Inhatiô từng diễn tả như “sự kiếm tìm Đức Kitô, nơi mọi sự.”
Làm sao thực hiện việc ấy?
Theo tôi, ta cần suy nghĩ về việc Thiên Chúa đang nhìn xuống thế giới với những gì ta đang làm cho nó trở nên tồi tệ, có lẽ cũng nên tỏ ra đôi chút lương thiện để ngó nhìn mọi sự và mọi người đúng thực họ là thế, tức không mang “ảo giác” nào; và tìm cách bắt chước làm như Chúa khi đáp trả sự việc ấy. Nói cách khác, ta nên thẳng thắn mà định giá chính mình như người con thứ trong truyện “người con đi hoang” ở Tin Mừng. Đồng thời cũng đáp trả chính mình và mọi người bằng tình thương yêu tha thứ của người cha trong truyện, là người không mang “ảo tưởng” nào về con mình. Chính thực bằng tâm can trí tuệ Chúa ban cho ta, mà Ngài gọi ta đến.
Để nghe được tiếng gọi ấy, cũng là một “ảo giác” để ta đáp trả bằng tất cả sự khôn ngoan ta có qua cảm xúc cũng như kinh nghiệm sống. Và lúc ấy, Chúa mới nói với ta trong phần sâu thẳm ở nơi ta rằng: ta ra thế nào thì Ngài sẽ nói theo thế ấy; tức là: ta có vui lòng chấp nhận người khác như chính họ, và ngang qua Ngài kiến tạo. Đó mới là “lý tưởng” dẫn dắt ta trong mọi sự, như thánh Phaolô từng quả quyết “Chẳng gì có thể tách ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa được.”
Và cuối cùng, nếu ta không đủ ngôn ngữ để nói lên mọi chuyện với Chúa, và với con người, thì khi ấy Chúa Thánh Thần sẽ nói thay ta, và Ngài sẽ ở trong ta.” (x. lm Gerard J Hughes, bđd)

            Hiểu tính đa dạng của ngôn ngữ ở đời, là hiểu như thế. Hiểu đời người như người đời ở bên ngoài, còn là hiểu cách nhẹ nhàng, vui tươi, sảng khoái như truyện kể, ở bên dưới:

“Sống chung với một ông bố chồng già yếu, bướng bỉnh là chuyện không dễ. Ông hay than phiền, hỏi những câu không đúng lúc và từ chối các món ăn cần thiết. Ông hãnh diện về thời trai trẻ, cứ kể đi kể lại các câu chuyện của thời vàng son. Hồi đó, là chỉ huy trong quân đội...ông luôn đặt lý trí lên trên tình cảm. Tôi biết ông là người tốt, nhưng có cảm giác ông sống vì khối óc chứ không vì con tim, thiếu sự thông cảm.
Hôm nay đưa ông đi lễ ở nhà thờ, một lần nữa ông lại mặc bộ đồ vest cũ sờn rách mang từ Việt Nam sang. Tôi nhẹ nhàng:
-Bố nên thay bộ đồ con mua hôm trước, bộ quần áo này cũ quá.
-Nhưng bố thích mặc bộ này!
Tôi bắt đầu cau có:
-Nhưng mặc như vậy đi chỗ đông người rất kỳ, người ta sẽ nghĩ tụi con bỏ bê không chăm sóc bố.
Ông già buồn rầu, lập lại:
-Bố thích bộ quần áo này lắm.
Tôi cũng cương quyết:
-Bố nên thay ngay kẻo trễ, con không thấy có lý do gì để bố thích nó.
Ông già trả lời rất gọn ghẽ, chân thành, lâu nay ít khi nào tôi thấy ông minh mẫn như vậy:
-Chính mẹ đã tặng bố bộ quần áo này để mặc ngày kỷ niệm thành hôn. Khi chồng con ra trường, bố cũng mặc bộ quần áo này. Ngày đưa mẹ con ra nghĩa trang, bố cũng mặc bộ đồ này, bố thấy thật vui và xúc động khi mặc nó.
Nước mắt ông già hoen trên mi, rơi xuống gò má nhăn nheo. Tôi hụt hẫng và hết sức bối rối. Bố chồng tôi sống tình cảm và có lý hơn tôi nghĩ.
Từ đó, tôi rút ra một bài học là: trước khi quyết đoán người nào đó khô khan không có trái tim,  nên xét lại trái tim mình đã.”

            Kể truyện thì như thế, nhưng bàn chuyện thì cũng nên bàn như người kể, buổi hôm nay. Ý bảo rằng: Những “ảo” của đời người không chỉ thấy ở ngôn ngữ, tư tưởng hoặc lập trường chọn lựa khác biệt, mà cả ở lối sống thường ngày ở huyện nữa.

            Hiểu thế rồi, nay hãy cùng người nghệ từng “ngộ” ra được chuyện đó, nên hát thêm lời cuối, mà rằng:

                                    “Đàn dâng tiếng phong kín tuổi buồn
Đường hoang vắng cho lá về nguồn
Người tìm đến xin gợi nỗi hờn.
Từ khi gió mang đấu địa đàng
Đường lên đá che vết nồng nàn...
Người còn nhớ mãi hay quên lời.”
                                    (Ngô Thuỵ Miên – bđd)

             Nói cho cùng, người đời không nói bằng lời “ảo” hay ngôn ngữ rất thật ở đời thường nữa; nhưng lại đã theo chân người nghệ sĩ ở đời và Đấng Nhân Hiền nhà Đạo để bảo rằng: Tình yêu qua những ới gọi, như sau:

                        “Và người tìm đến giọng hát mơ hồ.
Vết bước năm xưa nay vương âm thầm.
Hàng cây mơ bóng bên đường
Gọi người khi nắng phai tàn
Gọi tình yêu vào lãng quên....... “
(Ngô Thuỵ Miên – bđd)

            Cuối cùng thì, ngôn ngữ mà người người ở đời hôm nay đang sử dụng có là ngôn ngữ của vi tính, hay truyền hình, phim ảnh rất “ảo” đi nữa vẫn là thứ ngữ và ngôn giúp ta hát câu cuối mà người nghệ sĩ trích ở trên vẫn cứ hát:

“Hàng cây mơ bóng bên đường
Gọi người khi nắng phai tàn
Gọi t́nh yêu vào lăng quên....... “
(Ngô Thuỵ Miên – bđd)

            Và, lời cuối bần đạo muốn nói hôm nay, đó là: ngôn ngữ của người đời, dù hạn hẹp, kỳ dị hoặc lỗi thời đi nữa, vẫn cứ là phương tiện để bạn và tôi, ta chuyển tải tư tưởng rất muốn nói với mọi người. Chí ít, là với Thiên Chúa đang ngự trị nơi môi miệng của con người, và người con của thánh hội, khắp nơi nơi. Muôn đời.

            Trần Ngọc Mười Hai
            nay không còn muốn nói nữa,
            mà chỉ muốn viết lách
vì còn viết là còn lách
chứ nói năng lăng nhăng
thì không thế
và không thể như thế.
  

Saturday, 24 March 2012

“Tôi đi giữa trời Paris mà nhớ thương Sàigòn,”


Chuyện phiếm đọc vào tuần Lễ Lá rất Vượt Qua năm B 01.4.2012

“Tôi đi giữa trời Paris mà nhớ thương Sàigòn,”
“Nắng Sàigòn hôm nao dìu bước chân em,
Qua phuờng, vào quán chợ thân quen.”
(Ngô Thuỵ Miên – Nắng Paris Nắng Sàigòn)
(Cv 2: 24)
“Hát Cho Nhau” buổi đầu năm 2012, bần đạo ngồi nghe bạn bè hát câu trên mà lòng thấy u hoài nhớ cả nắng Sàigòn và Sydney. Sydney, là nơi bần đạo phơi nắng mỗi ngày, nay đã quen. Còn Sàigòn, thì bần đạo cũng đã rời thành đô yêu dấu đến hơn hai chục năm trời chẵn/lẻ mà chưa một lần về lại quê hương. Thật ra, thì bần đạo cũng từng đi giữa trời Paris những hai lần, một lần vào năm 2006 và lần kia năm 2010. Và, cũng thấy lòng bâng khuâng một nỗi nhớ giống nghệ sĩ họ Ngô từng có câu hát:

                        “Tôi bỗng thấy lòng bâng khuâng
                        vì nắng Paris sao quá ư mặn nồng.
                        Có một trời thênh thang và có riêng tôi.
                        Nhưng hết rồi ngày tháng mặn ngọt môi…”
                        (Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Có thể vì Sydney nay đã là quê hương thứ hai của bần đạo rồi chăng, nên nắng Sydney có lẽ vẫn đẹp và mặn nồng hơn nắng Paris và Sàigòn nữa! Duy có điều, là: bần đạo đi giữa trời Sydney dịp lễ Vượt Qua và Phục Sinh năm nay lại thấy mình cứ mải nghĩ suy nhiều điều về thứ nắng ngọt ngào ngày Chúa sống lại, mãi mãi. Chúa sống lại, bần đạo cũng nghĩ và suy về câu hỏi của bạn đạo nọ có cho biết: “Đọc sách Công vụ Tông đồ, tôi thấy thánh Phêrô từng bảo: Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại, giải thoát Ngài khỏi mọi đau khổ của sự chết. Vì sự chết không tài nào khống chế được Ngài.’ (Cv 2: 24) vậy ta nên hiểu thế nào về Phục Sinh? Có giống như sự sống lại của Ladarô hoặc con bà goá Na-im ở Tin Mừng không?”
Nghe hỏi, bần đạo lại nhớ đến lời đáp của đức thày rất quen tên vẫn trụ trì ở Sydney đã từng nói:

“Việc Chúa Giêsu sống lại, khác với sự trỗi dậy của Ladarô hoặc của con bà goá thành Na-Im ở điểm: Chúa sống lại không theo luật tự nhiên hệt như cuộc sống hôm xưa của Ngài trước khi chết. Trước ngày Ngài chịu chết, Đức Giêsu sống giống như ta, nghĩa là Ngài cũng tuỳ thuộc vào không gian và thời gian; tức: hiện diện bằng xương bằng thịt, như ta ở trái đất. Sau ngày Sống lại, và đây là điều hiển nhiên, Ngài đã trỗi dậy với thân xác đã có khi trước. Thế nên, Ngài mới tỏ cho tông đồ ở phòng hội hôm ấy các dấu tích hằn in nơi tay chân và Ngài phán cùng thánh Tôma Tông Đồ là: ông hãy xỏ ngón tay vào vết dấu tích tình thương của Ngài nữa. (Lc 24: 39; Ga 20: 24-27).
Thế nhưng, thân xác của Chúa đã không còn tuỳ thuộc vào thời gian và không gian theo cách xưa nữa. Từ nay, Ngài đã có thể bất chợt hiện đến và biến đi, hệt như khi Ngài xuất đầu lộ diện với môn đồ trên đường Emmaus (Lc 24: 13-31) hôm ấy; hoặc, khi Ngài đi xuyên vào phòng hội cửa đóng khen cài cẩn thận để ở với môn đồ trong ít phút như trình thuật các thánh sử vẫn còn ghi.” (Lc 24: 36; Ga 20: 19).
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, lại cũng nói: “Thân mình thực hữu của Ngài gồm cơ phận mới mẻ nay vinh hiển sẽ không còn bị ràng buộc bởi không gian và thời gian nữa, nhưng Ngài có khả năng hiện diện bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu, dưới bất cứ hình thái nào Ngài muốn.” (x. GLHTCG đoạn 645)  
Trong khi đó, sách giáo lý La Mã do Công Đồng Triđentinô đề ra, cũng viết: “Bằng cụm từ “Sống Lại” ta hiểu được không chỉ mỗi một điều là Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết mà thôi, nhưng Ngài còn tự trỗi dậy do quyền uy sức mạnh và cung cách của riêng Ngài. Cung cách và quyền uy ấy chỉ mình Ngài mới có được. Chính Ngài đã khẳng định điều này qua Tin Mừng do thánh Gioan viết:Sở dĩ Chúa Cha yêu mến Tôi, vì Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của Tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính Tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha Tôi mà Tôi nhận được (Ga 10: 17-18). (x.Lm John Flader The Catholic Weekly ngày 12/4/2009, tr. 10)

            Nói về “Sống lại” theo ngôn ngữ nhà Đạo, là nói và hiểu như thế. Nhưng, nói và hát ý/lời về “sống lại” theo ngôn ngữ ngoài đời, là nói và hát như quả quyết của nghệ sĩ như sau:

Nhưng hết rồi ngày tháng mặn ngọt bùi.
Em ở đâu hỡi người em rất nhớ.
Trời Paris nào có lụa Hà Đông.
Bao năm qua khi tình giá trong lòng
Tôi lang thang bên cuộc đời vội vã.
     Ngày tháng, đã cho ta xa nhau một thời
Đi vắng ngắt khi ta xa nhau một đời
Người yêu ơi xin giữ cho em nụ cười
Vì đời ta rồi sẽ mãi có nhau bền lâu.”
                (Ngô Thuỵ Miên – bđd)

            Kể ra thì, nói và hát như nghệ sĩ ngoài đời, đâu là hát và nói về sự “sống lại” của con người như ta hiểu. Cũng thế, nói về cuộc Vượt Qua và Sống Lại của Đức Giêsu mà lại hát và nói như nghệ sĩ, kể ra cũng hơi kỳ. Nhưng có hát và nói như thế mới cảm thông được thắc mắc cũng như hỏi han qua bao năm tháng về Sống Lại. Hỏi và đáp, về Chúa Sống Lại cho rõ nghĩa hơn, có lẽ nên về với lời đáp rất ý nghĩa của đấng bậc chuyên môn về chú giải hồi xưa ấy, là cố giáo sư Kinh thánh Nguyễn Thế Thuấn,DCCT như sau:

“Hỏi rằng Tân Uớc nói gì về sự Sống Lại của Chúa Kitô thì: tựu chung ta có thể toát yếu như thế này: Sự sống lại không chỉ là một thây chết được hồi dương (như đã xảy ra với Ladarô) -cũng không phải là hồn bất tử từ nay sống hoàn toàn theo tính thiêng liêng hoặc nơi thực-hữu của linh hồn, hoặc nơi thanh danh con người truyền cho hậu thế; nhưng cốt thiết là Con Thiên Chúa làm người nay nhập vào với Vinh Quang Thiên Chúa:
            -Đức Kitô được tôn dương là Chúa, nay ngự bên hữu Thiên Chúa Cha;
            -Ngay cả với thực-hữu xác thể và lịch sử của Ngài;
            -Sau khi Ngài chết trên thập giá.
Các kiểu nói của ta xưa nay là dựa vào những gì tương tợ xảy đến giữa loài người. Tất nhiên là nó què quặt không đủ để diễn tả một điều không thấy có ở đâu giữa loài người. Nhưng ngang qua những lời giới hạn đó, chúng ta quả quyết được trong lòng tin cái sự thực nhiệm mầu cốt thiết là Đức Kitô đã nhập vào với vinh quang Thiên Chúa.” (x. Lm Yuse Nguyễn Thế Thuấn CSsR, Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi, Tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ tr. 89)   

            Nói về Đức Kitô Vượt qua mới nghe sơ tưởng đã hiểu, nhưng hơi khó. Nói về Chúa Sống Lại thuận theo ý Cha, để nhập vào với Vinh Quang của Cha, còn khó hơn. Bởi, ngay như trong kinh Tin Kính ta đọc hằng tuần vào Tiệc Thánh, có khi con người chỉ đọc mà không hiểu rõ, thì làm sao có thể hiểu được sự-kiện trọng-điểm của niềm tin là Chúa Sống Lại rất thực thụ và chính đáng!
            Nói theo ngôn ngữ nhà chú giải, là nói cũng khá dài nhưng lại khó nắm vững. Tuy nhiên, có nói như thế mới đúng bài bản thần học rất thánh kinh. Nói về sự “Sống lại” của Đức Chúa theo thánh kinh, là nói một cách nghiêm chỉnh bằng ngôn từ cao siêu nhiệm mầu, tuy xa vời đầu óc của quần chúng vốn bình dân, đa phần không được học rộng biết nhiều.
            Chính vì thế, nên cha giáo Nguyễn Thế Thuấn sẽ còn diễn giải dài dài ý niệm “Sống lại” là để đưa thần học Phục Sinh vào với mầu nhiệm cứu rỗi, như Hội thánh từng cảm nhận để rồi mọi người sẽ nắm vững sự kiện Chúa vẫn sống theo cung cách rất mới mẻ. Bần đạo còn nhớ: cha giáo Nguyễn Thế Thuấn có lần nói: “Chúa Sông lại, không có nghĩa là Ngài trở về lại với đời sống rất phàm trần một lần nữa, như khi trước. Nhưng, nói như thế, phải hiểu là: Chúa đã thuộc về thế giới của Thiên Chúa, rất cánh chung.  
            Nói nôm na, là khẳng định rằng: Đức Kitô sống lại chính là Ngài về với thế giới của Chúa Cha, tức đi vào sinh hoạt của thế giới mới mẻ. Có như thế, ta mới được Chúa dẫn đưa vào thế giới có giá trị khác hẳn giá trị ở chốn gian trần. Bởi thế nên, thay vì hỏi: Đức Kitô sống lại có nghĩa lý gì đối với thế giới gian trần, hãy làm như thánh Phaolô từng khẳng định với giáo dân Rôma, qua lập luận rất ư là chắc nịch:

“Đức Giê-su chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta
và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại
để chúng ta được nên công chính.”
(Rm 4: 25)

            Và, cha giáo Kinh thánh lại đã tóm tắt những điều mình trích dẫn bằng một  giải thích tóm tắt, rằng:

“Màu nhiệm sống lại đích thực là trọng tâm ý nghĩa của niềm tin ta có. Bằng vào sự kiện này, Đức Kitô cho ta thấy Thiên Chúa đã yêu thương cứu rỗi con người nhờ vào sự sống lại vinh quang của Ngài; và từ đó, mọi sinh họat của Kitô-hữu và toàn thể nhân lọai mới có nghĩa và mới kéo dài đến cõi miên trường. Điều đó cũng là trọng tâm của tn bộ mặc khải nơi Tân Ước, cũng như niềm tin của Hội thánh.” (x. Lm Nguyễn Thế Tuấn, bđd tr.90)

            Nói theo cung cách của đấng bậc chú giải nhà Đạo thì nói như hế. Và, nói theo kiểu minh hoạ cho điều mà mọi người ở nhà Đạo vẫn còn tin, còn là nói và hát theo cung cách rất ngoài đời, như sau:

                                                Tôi cất tiếng đàn hôm nay,
                                                Và hát cho em bài hát Tình này,
                                                Nắng Sài gòn xin em còn giữ trong tim
                                                Xin vẫn còm mầu áo lụa Hà Đôn.”
                                                (Ngô Thụy Miên – bđd)

            Đúng thế. “Xin em còn giữ trong tim”, cả “Nắng Sàigòn” lẫn “màu áo lụa Hà Đông”... là giữ cho “bài hát Tình” của Chúa Kitô Phục Sinh , cũng rất đúng. Và, đúng hơn nữa khi bạn và tôi, ta lập lại lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 vẫn bảo rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, thì hôm nay, nghệ sĩ ở đời cũng đã và đang trân trọng hát “cho em bài hát Tình này”, bài hát Phục Sinh cũng rất tình và trân trọng.
            Quả thật. Còn gì đẹp bằng Tình Chúa yêu thương thế giới nhân trần bằng sự Phục Sinh quang vinh ngõ hầu đưa con người vào với thế giới của Thiên Chúa có cứu rỗi, có “Bài hát Tình” còn giữ trong tim. Để tập trung nhấn mạnh ý chủ của Phục Sinh quang vinh, tưởng cũng nên nghe thêm ý kiến của đấng bậc thày dạy ở Hoa Kỳ, từng nói:

“Nhà chú giải nổi tiếng là Rudolf Bultmann có lần viết: “Đức Giêsu đã trỗi dậy để đi vào điều mà mọi người gọi là “Kerygma” tức: đi vào niềm tin của tín hữu thời tiên khởi. Nói khác đi, những người theo chân Đức Kitô vẫn xác tín rằng Ngài vẫn luôn ở với họ, đó mới là Phục Sinh, rất đích thực.
Nếu cứ đưa ra câu hỏi bảo rằng Phục sinh có thật không? Và hỏi thế là muốn nói chỉ mỗi thi hài đã hồi sinh mới có thể tạo được bằng chứng, và như thế tức là đã áp đặt tiêu chuẩn để thẩm định của trí tuệ lên trên nền văn hóa của huyền thọai và xảo giả trước khi khoa học được xất hiện.” (x. Robin R. Meyers, Easter as presence, not proof, Saving Jesus Christ from the Church, HarperOne 2009, tr. 76)

            Thời Hội thánh tiên khởi, mọi con dân tín hữu Đức Kitô đều muốn biết xem Chúa có chết vì lỗi tội của con người trần gian không? Và, khi chết Chúa có được chôn cất đàng hòang và Ngài có trổi dậy sau  ngày ở dưới mồ hệt như Kinh Sách Cựu Ước từng ghi chép hay không?

                                                Nếu kẻ chết không sống lại,
thì Đức Kitô đã không trỗi dậy.
Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy,
thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng,
và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.”
(1Cr 15: 13-14)

            Nói về sự Sống lại của Đức Kitô theo ngôn ngữ truyện kể, có thể cũng nên nói như sau:


“Có lần sư tăng Wu Jincang từng hỏi Lục Tổ Huệ Năng, rằng:
-Con đọc nhiều kinh rất nhiều năm, mà sao vẫn chưa nhập định và cũng không rành cho lắm. Vậy, xin ngài soi sáng cho con hiểu rõ.
Lục Tổ Huệ Năng cầm quyển kinh rồi đưa cho đệ tử, và nói:
-Ta không đọc được chữ. Con hãy cầm lấy quyển này mà đọc cho ta nghe. Ta sẽ giải thích giúp con hiểu.
-Thế, Tổ không đọc được chữ sao ngài thông hiểu được mọi sự?  
-Chân lý ở đời là không dựa vào chữ nghĩa. Nó như trăng sao trên trời vậy. Trường hợp này, như ngón tay trỏ. Ngón tay của con chỉ vào mặt trăng, nhưng không phải là trăng con đang chỉ. Cứ ngắm nhìn mặt trăng thôi, thì đâu cần dùng ngón tay để chỉ, phải thế không con? Như thế là chân lý ở đời, không tuỳ thuộc vào sự hiểu biết của người biết đọc chữ hay không, mà là biết sống chân lý ấy, mà thôi.

            Thì ra là như thế. Ở đâu cũng vậy. Chân lý ở đời cũng như sự thật trong Đạo, rất giống nhau. Bởi thế nên, muốn hiểu cho rõ thế nào là “Sống Lại” theo đúng tinh thần của Đạo, đều phải sống đích thực chân lý ấy mới hiểu được.  
Chân lý “Chúa Sống Lại” cũng thế. Người phàm ở đời, dù là con Chúa cũng chỉ có thể hiểu được mọi chân lý Chúa loan truyền, nếu biết sống thực Tin Mừng và làm theo lời Chúa thì mới thấu hiểu được tư tưởng và Tin Mừng cho đúng cách. Bởi thế nên, ở đâu cũng thế, bao giờ cũng vậy, chân lý là chân lý. Không cần chữ nghĩa cho nhiều mới hiểu, mà là cảm nhận và có quyết tâm.
Trong quyết tâm như thế, bần đạo nay đề nghị bạn, đề nghị tôi, ta lại tiếp tục hát thêm câu của nghệ sĩ có hừng mà sống thực chân lý ngàn Chúa thực thi. Hát những câu rằng:

                                    “Tôi cất tiếng đàn hôm nay
                                    Và hát cho em bài hát Tình này.
                                    Nắng Sài gòn xin em còn giữ trong tim,
                                    Xin vẫn còn màu áo lụa Hà Đông…”
                                    (Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Áo lụa hôm trước em mặc, vẫn là “giữ trong tim” bài hát “Tình này”. Bài hát ấy, có thể là Tình Chúa Sống lại vẫn yêu thương cả người anh người chị ở khắp nơi, trong cuộc đời. Và trong nhà Đạo một khi đã tin rồi, cả bạn và tôi, ta sẽ cứ thế mà “sống lại” cũng rất thực, như Chúa muốn.
Tâm tình ấy, bạn và tôi, ta vẫn thấy bàng bạc, trải dàn nơi Tin Mừng có Lời Chúa vẫn không phai. Suốt mọi thời. Ở nhiều kiếp.

Trần Ngọc Mười Hai
vẫn xin hát và xin giữ
bài hát Tình này
Tình Sống Lại
Của Đức Chúa
và muôn người.