Chuyện
phiếm đọc trong tuần thứ 7 thường niên năm C 24/02/2019
Hát nữa đi Hương hát điệu nhạc buồn, điệu nhạc
quê hương.
Hát nữa đi Hương hát lại bài ca tiễn anh lên đường.
Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu, cuộc phân ly may lắm thì qua mau
Hát nữa đi Hương hát để đợi chờ. “
(Trầm Tử Thiêng – Bài
Hương Ca Vô Tận)
(Mt 22: 43-45)
Hôm nay đây, thoạt nghe người nghệ sĩ hát
bài này, bần đạo bèn nhớ đến câu hỏi/đáp có nội dung tương tự ở nhà Đạo. Câu hỏi
nói ở đây, chẳng hề khuyến khích người nhà Đạo hãy cứ ca và hát những câu như: “Hát nữa đi Hương” hoặc “Hát nữa đi Hoa Lá
Cành”, hoặc gì gì đi nữa. Nhưng “Hát
nữa đi Hương” ở đây/hôm nay là hát và hỏi những vấn nạn khá “cắc cớ”, sau
đây:
Hỏi, là hỏi rằng:
“Thưa Cha,
Con lớn lên trong Đạo vẫn sốt sắng đi nhà
thờ và đọc kinh kệ suốt, nên vẫn được bảo: “Khi nghe ai hát hoặc kêu tên cực trọng
“Đức Giêsu” (theo kiểu Giêsu, Ma) ở đâu đó, đều phải cúi đầu hầu tỏ lòng tôn kính
Chúa. Riêng con đây, cũng thấy nhiều linh-mục trong Đạo mình có thói quen kính
cẩn cúi đầu mỗi khi cất tiếng kêu tên cực trọng của Chúa, nữa.
Nhưng, bổn đạo nói chung, ai có thói quen
như linh mục ấy không, hay chỉ các vị lớn tuổi mới làm thế? Vậy nên, câu hỏi hôm
nay con đưa là thế này: Sự thể xảy ra thế nào? Sao mọi người không còn giữ thói
quen lành mạnh này nữa vậy? Xin cho biết ý kiến của riêng Cha để con yên tâm mà
giữ Đạo.”
Ấy đấy! Hễ có hỏi, thì đấng bậc vị vọng ở
Sydney lại có thói quen hồi-đáp ngay tức khắc. Nhưng trước khi đi vào chi tiết một
hồi đáp, lại cũng xin bạn/xin tôi, ta nghe thêm câu tiếp của bài hát vừa trích,
cho rộng đường dư-luận:
“Hương ơi...sao tiếng hát em, nghe vẫn dạt dào, nghe vẫn ngọt ngào!
Dù em ca những lời yêu đương, hay
chuyện tình gẫy gánh giữa đường.
Dù em ca nỗi buồn quê hương, hay mưa
giăng thác đổ đêm trường.
Hát chuyện vai em tóc xõa bồng mềm dịu
ngọt môi em.
Hát mãi nghe Hương cho hồng làn da kẻo
đời chóng già.
Ngày xa xưa em vẫn nằm trong nôi,
Mẹ ru em câu hát dài buông lơị
Hát để yêu cha ấm lại ngày già.
Hát nữa đi Hương câu nhạc thành nguồn
gợi chuyện đau thương.
Hát kể quê hương núi rừng đầy hoa bỗng
thành chiến trường.
Đồng tan hoang nên lúa ngại đơm
bông, Thuyền ham đi nên nước còn trông mong. Khiến cả
đêm thâu tiếng em rầu rầu. Hương ơi, sao tiếng hát em, nghe vẫn dạt dào,
nghe vẫn ngọt ngào
Dù em ca những lời yêu đương, hay chuyện tình gãy gánh giữa đường. Dù em
ca nỗi buồn quê
hương, hay mưa giăng thác đổ đêm trường. Hát nữa đi Hương, hát đi Hương, hát mãi đi
Hương.” (Trầm
Tử Thiêng – bđd)
Hát gọi tên “Hương” hoặc tên “Hoa” cứ tưởng
vẫn chưa đủ để ta đi vào việc gọi tên nhau trích dẫn ở trên, thiết tưởng cũng
nên kể câu truyện tiếu lâm “chay” nhè nhẹ làm nền để rồi sẽ đi thẳng vào vấn đề,
thì này đây xin trình bày với bà con câu truyện từng kể nhiều lần, rất như sau:
“Truyện rằng:
“Vào lễ hôn phối hôm ấy, vị linh mục già
khả kính ngước mắt hỏi giáo dân đang dự rằng: “Anh chị em có ai biết là Thiên-Chúa
đã nói gì với những người quyết đi vào đời sống hôn nhân lập gia đình không?”
Sau một hồi im-lặng đến chết chẳng thấy ai
lên tiếng, bỗng có em bé nọ giơ tay xin nói : “Dạ thưa, Chúa nói: Xin Cha tha tội
cho chúng vì chúng không biết việc chúng đang làm…” (Truyện kể do bạn bè chuyền tay nhau đọc)
Gọi em tên Hương tên Hoa hoặc là “Khói/Lửa”
đi chăng nữa, cũng chỉ để dẫn nhập một hỏi/đáp có những ý-tứ và ý-từ khá ư là
tư-lự như sau:
“Cả tôi nữa, cũng thuộc thế-hệ từng được dạy:
Hãy kính cẩn cúi đầu khi nghe tên cực trọng Đức Giêsu như thế. Tuy nhiên, như
anh/chị có nói, mọi người hôm nay chừng như không còn hành-xử như thế nữa thì
phải?…
Điều quan-trọng, là ta phải tôn-kính danh
thánh do Thiên-Chúa chọn mà ban cho ta một giới lệnh riêng biệt về chuyện ấy
như sách Đệ Nhị Luật còn ghi chép:
“Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên
Chúa của ngươi một cách bất xứng, vì Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.”
(Thứ Luật 5: 11)
Sách Cựu Ước có nhiều chỗ, nhiều đoạn cũng nói lên tính thánh thiêng nơi
danh tánh của Đức Chúa, có thể kể ra đây như:
“Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa
cầu! Uy phong Ngài vượt quá trời cao. “ (Thánh Vịnh 8: 2; Tiên tri Zakaria 2: 13; Tv 29: 2; 96:
2; 113: 1-2)
Trong Tân Ước, thánh Giacôbê đã hạ bệ những kẻ dám hỗn xược xúc-phạm
danh tánh đáng kính mà bảo rằng: “Chẳng phải họ nói xúc phạm đến Danh Thánh cao
đẹp mà anh em được mang đó sao?” (Giacôbê
2: 7)
Và thánh Phaolô cũng nói Đức Giêsu đã tự biến mình thành trống rỗng để
mang lấy hình-hài người tôi tớ và rồi trung thành cho đến chết, khi thánh-nhân
viết: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt
trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời
dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa
Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giêsu Kitô là
Chúa". (Phillíphê
2: 9-11)
Bằng việc thực-tế-hóa cung cách tôn-kính
danh tánh Đức Giêsu, Công Đồng thứ 2 diễn ra ở Lyons, nước Pháp vào năm 1274 lại
cũng đưa ra nghị-quyết những bảo rằng “khi nghe danh tánh Đức Giêsu mọi đầu gối
đều quì xuống; và mỗi khi danh tánh vinh quang của Ngài được nhắc nhở, chí ít
là khi cử-hành mầu nhiệm thánh trong thánh-lễ, mọi người đều kính cẩn quì gối bằng
việc cúi rạp đầu mình.”
Với thánh-lễ được cử-hành thời buổi hôm
nay, Sách Lễ Rôma có đưa ra chỉ dẫn thông-thường mà khuyên rằng: “Mọi người phải
cung kính cúi đầu khi danh tánh Chúa Ba Ngôi được gọi chung và vào lúc đọc danh
tánh Đức Giêsu, tên Đức Nữ Trinh Maria và tên các thánh nam nữ được đọc trong
thánh-lễ.” (Chỉ Dẫn
Sách Lễ Rôma đoạn 275)
Tầm quan-trọng trong việc tôn-kính danh
thánh Đức Giêsu lại cũng được thấy trong ngày lên tôn-vinh Danh Ngài, nhất là ở
địa phương vào cuối thế-kỷ thứ ba. Lễ này được đưa vào lịch phụng vụ trên toàn
thế giới do Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 13 thiết-lập vào năm 1721. Mặc dù sau
này được cất đi khi lịch Phụng vụ được tái xét vào năm 1969, nhưng lại được Đức
Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị tái-lập vào năm 2002 và nay được mừng kính vào
ngày 3 tháng Giêng hàng năm.
Vào giờ lễ, ta còn vinh-thăng danh tánh
Chúa Ba Ngôi khi ban phép lành, là một xác-chúng tỏ cho thấy Giáo-hội vẫn
tôn-trọng danh tánh Chúa bằng những chữ như: Phúc thay Danh thánh Ngài.” Việc
tôn-vinh Danh thánh Chúa đầu tiên được thành-lập vào năm 1798 nhằm chỉnh-sửa
các hành-động phạm thượng cùng các hành-động bang-bổ đối với Đức Chúa.
Một bằng-chứng khác cho thấy tầm quan-trọng
trong việc tôn-vinh Danh tánh Đức Giêsu là việc thiết-lập Nhóm/Hội kính Danh Thánh
Chúa ở nhiều quốc gia trên thế-giới. Nhóm hội nói đây, có nguồn-gốc từ Công Đồng
Lyons Pháp Quốc lần thứ 2 hội-họp vào năm 1274 khi ấy Giáo hội ra chỉ thị cho mọi
giáo-dân phải có lòng sùng-kính đặc-biệt đối với Danh thánh Đức Giêsu và phải
chỉnh sửa mọi xúc-phạm đối với Danh Ngài do bè Albigênênê và nhiều nhóm/bè rối
rắm tạo ra (X. Lm John Flader Honouring the holy name of Jesus by bowing
the head, Catholic Weekly 23/3/2014, tr.14)
Gọi
tên anh, tên em hoặc tên ai nữa, cũng chỉ là ới gọi để đến với nhau trong tâm
tình thân thương, hài-hòa rất cảm mến. Có gọi thế nào đi nữa, lại cũng để bà
con ta cứ như thế mà sống trong “ới gọi” hiền hòa, đằm thắm. Còn gọi tên nhau,
là còn nhớ đến nhau, thương nhau, kỳ vọng những điều tốt đẹp cho nhau,và với
nhau.
Hôm nay đây, lại cũng có câu truyện kể về
những chuyện “Gọi tên nhau” bằng thứ ngôn từ kỳ lạ, nhiều ý-nghĩa như câu truyện
được kể thêm cho rõ nghĩa ở bên dưới:
Truyện rằng:
“Mẹ tôi gọi chị là “gái đã lỡ thì”, ở cái làng này chẳng có ai đến tuổi
chị, xấp xỉ ba mươi vẫn chẳng chồng con gì cả. Mẹ quyết định gọi chị tôi về
quê, mẹ bảo:
-Về quê mà lấy chồng, cứ ở mấy cái quán cắt tóc, gội đầu dưới thành phố
thì lấy đâu ra người ngó dòm. Rồi ế ra đấy thì khổ một đời con gái.
Chị tôi cũng gật đầu, chị cười cười bảo tôi:
-Thì chị ế thật rồi chứ còn gì nữa.
Tối ngủ tôi quay mặt lại ôm vòng qua lưng chị, cố gắng để những giọt thổn
thức không lăn xuống má. Tôi thương chị.
Người chị cả trong một gia đình có bốn đứa em, tôi là út, người anh kế
chị đã mất trong cơn đói đầu những năm chín mươi, còn hai người chị khác của
tôi cũng đều đi làm công nhân tạm bợ cho vài công ty của nước ngoài dưới thành
phố. Chỉ có tôi là được gia đình nuôi ăn học tử tế, còn các chị thì đều ham học
nhưng do gia đình quá khó khăn nên bố mẹ tôi không còn cách nào là bắt con bỏ học
để đi làm thuê từ lúc nhỏ. Riêng chị cả phải đi làm xa nhà từ khi mười lăm tuổi.
Tôi vẫn còn nhớ khi ấy chị gầy yếu lắm, tóc thì vàng xơ, những ngón tay đen nhẳng
vì quanh năm lam lũ mò cua bắt ốc thay mấy đứa em. Ngày tiễn chị đi làm ôsin dưới
thành phố, mẹ tôi khóc suốt đêm dài, mẹ dặn chị:
-Con xuống nhà người ta làm việc cho đến nơi, đến chốn. Nhà mình nghèo
thật nhưng đừng làm gì để người ta khinh mình con ạ. Cái gì người ta cho thì lấy,
người ta bảo phải thì nghe. Nếu mệt quá không chịu đựng nổi thì về quê với mẹ.
Nhưng từ đấy cho đến tận bây giờ, chị phải trải qua biết bao nhiêu khó
khăn, vất vả khi một mình giữa thành phố xô bồ và xa lạ. Nhưng mỗi lần trở về
không khi nào tôi thấy chị kêu than khổ cực, mà lần nào về cũng mang hết số tiền
kiếm được để bố mẹ trang trải nợ nần và lo cho lũ em lít nhít lúc nào cũng hau
háu chờ ăn.
Tôi nhớ…Mỗi lần chị về thăm nhà chị đều có quà cho chúng tôi, khi thì mấy
cái kẹo xanh đỏ, khi thì những chiếc vòng xinh xinh do chị tự kết bằng dây điện
nhỏ, cũng có khi về chị tặng tôi cả những chiếc áo hoa sặc sỡ. Chị bảo chị may
nó bằng vải vụn của nhà chủ vứt đi, tôi hân hoan mặc chiếc áo mới chạy từ đầu
xóm đến cuối xóm gặp ai cũng cười, gặp ai cũng khoe: “Áo của chị Bống cháu đấy.
Áo đẹp ơi là đẹp”.
Mới đấy mà cũng đã mười mấy năm trời, tôi thì thành cô sinh viên năm cuối,
còn chị đã thành gái lỡ thì…Để mỗi nghĩ đến tôi không khỏi chạnh lòng thương chị.
Giá như…Giá như ngày ấy bớt nghèo, giá như tôi lớn hơn một chút thì có thể chị
sẽ không phải đi làm thuê từ lúc người ta còn gọi chị bằng cái tên cúng cơm là
“Bống bang”, từ lúc những đứa trẻ bằng tuổi chị có người vẫn còn ngậm cơm trong
miệng làm nũng mẹ. Từ lúc chị tôi vẫn nằm mơ thấy mình vẫn được đến trường rồi
chiều chiều theo lũ bạn lên đồi trăn trâu, tranh nhau hái sim đúc đầy túi
áo…Cái thời chị tôi vẫn còn gặp bà tiên trong giấc mơ vội vã của mình.
Đồ đạc của chị suốt hơn mười năm đi làm chẳng có gì ngoài chiếc tủ đựng
quần áo, mở ra rỗng rễnh đến hụt hẫng và chông chênh kì lạ. Chị đúc tất cả những
thứ linh tinh, vớ vẩn vào cái tủ đấy rồi thuê một chuyến xe trở về quê. Tôi
chêu chị:
-Cả cái tủ chị bán đi chẳng đủ tiền thuê xe cho non nửa đoạn đường.
Chị cười cười:
-Mấy thứ đấy ai mua bạc vàng chị cũng chẳng bán đâu nhỏ ạ.
Tôi thở dài chẳng hiểu chị đang nói gì, ngồi cặm cụi gập vài bộ quần áo
đã lỗi mốt, vài quyển sổ sách linh linh mà dở qua đã thấy nhoè mực, mùi giấy
thì đã cũ lắm rồi, vài cái nhẫn chị kết bằng dây điện. Có lẽ là chị đã kết nó
cho chúng tôi nhưng đã quên không mang về nên sau này giữ làm kỉ niệm. Ngoài ra
chẳng có gì hết cả, tiền bạc không, một hộp phấn trang điểm cũng không. Thấy
tôi ngồi thở dài chị hỏi:
-Nhóc đang chê chị nghèo đấy à?
Tôi buồn bã lắc đầu. Tôi làm sao dám chê chị tôi nghèo, tôi thương chị
còn chưa hết nữa là…
Đây quần là áo lượt của tôi, đây con
đường tương lai có học hành, tri thức hứa hẹn một cuộc sống không giàu sang
cũng tạm đủ đầy. Tất cả những thứ ấy đều một tay chị chăm lo nuôi tôi ăn học, mỗi
lần nghĩ thương chị tôi thường lén đi làm thêm, chị biết chuyện chị ngồi khóc,
chị cấm tôi không được lo việc gì ngoài chuyện học hành. Chị vẫn bảo:
-Nhà mình nghèo, chị đã trăm đường cơ cực, bây giờ cuộc sống cũng khá
hơn rồi em được đi học thì cố gắng mà lo học. Chuyện kiếm tiền để tính sau. Khi
nào chị còn lo được cho em thì chị mong em hãy chuyên tâm vào việc học. Đừng để
cuộc sống sau này vất vả như bố mẹ, như các chị.
Những lúc như thế tôi thấy chán ghét bản thân mình lắm, hình như tôi
sinh ra trên cuộc đời này chỉ làm gánh nặng trên đôi vai chị. Nhưng cũng vì thế
mà tôi càng cố gắng học hành, tôi hy vọng rằng đến một ngày nào đó khi tôi công
thành danh toại thì tôi sẽ đáp đền phần nào công ơn của chị. Nhưng hình như cái
ước mong nhỏ bé của đứa em cũng bé bỏng là tôi chẳng bao giờ có thể thành hiện
thực. Khi tôi đọc được những dòng nhật kí trong quyển sổ đã nhoè nét mực, tôi lặng
người đi trước thế giới sâu thẳm đầy đau khổ của chị tôi- người chị cả trong một
gia đình nghèo khó đã phải đi kiếm cơm năm mười lăm tuổi.
Mẹ điện tôi về lên chăm chị ở bệnh viện huyện vì hai người chị còn lại
trong gia đình đều bận không về được. Cả nhà đều không ai biết rõ tình hình bệnh
tình của chị, tôi hỏi người bác sĩ vẫn hàng ngày vào khám cho chị nhưng bác sĩ
chỉ lắc đầu. Tôi hỏi chị, chị cười, chị bảo: “Chị không sao đâu nhóc ạ. Chỉ mệt
một chút thôi”. Tôi biết là chị đang nói dối.
Tôi về nhà lục tủ lấy quần áo mang đi cho chị, chẳng biết luống cuống thế
nào mà đánh rơi quyển sổ bìa đen đã cũ của chị, một tờ giấy nhoè nét mực rơi
ra: “Ngày…tháng…năm…” Tôi không định đọc nhưng chợt nhớ đến thái độ của chị lúc
chiều trong bệnh viện khi tôi hỏi về bệnh tình của chị, tôi chợt nghĩ biết đâu
những giòng nhật ký này sẽ giúp tôi hiểu được một điều gì đó trong cuộc đời của
chị, cuộc đời một người con gái lúc nào cũng sống khép mình. Ý nghĩ ấy khiến
tôi tò mò cầm tờ giấy đọc.
“Ngày…Tháng…Năm…
Hôm nay sẽ là ngày đáng nhớ nhất của cuộc đời mình. Một ngày cay đắng.
Mình muốn chết, muốn mình không còn tồn tại trong cuộc đời này nữa. Mình
căm ghét người đàn ông ấy, người đàn ông cùng làng với mình đã được bố mẹ mình
tin tưởng, gửi gắm mình xuống làm thuê kiếm miếng cơm, manh áo. Người đàn ông
lúc nào cũng ra vẻ đạo mạo và tử tế. Đã ba năm nay, từ khi dời xa vòng tay người
thân, mình luôn có cảm giác một mối nguy cơ đang đe doạ mình đâu đó nhưng mình
vẫn không ngờ hậu quả lại tồi tệ, cay đắng như hôm nay. Mình đã bị người đàn
ông ấy làm nhục.
Ông ta nói rằng mình phải trả ơn ông ta suốt ba năm nuôi mình thành một
thiếu nữ 18 tuổi. “Nuôi” ư? Mình phải trả mồ hôi, sức lao động cho từng miếng
cơm, manh áo, cho những đồng tiền lương rẻ mạt hàng tháng. Một ngày mình đã phải
làm rất nhiều công việc từ mờ sớm cho đến khuya, những công việc mà chưa bao giờ
mình nghĩ là mình làm được.
Nếu mẹ biết sự tổn thương mình phải gánh chịu chắc là mẹ sẽ đau khổ lắm.
Mẹ đau khổ cho đứa con bé bỏng của mẹ phải dời vòng tay mẹ sớm. Mẹ đau khổ vì mẹ
đã không thể bao bọc và bảo vệ cho con. Mẹ đau khổ vì con gái mẹ năm 18 tuổi đã
không còn là con gái. Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ.
Con thực lòng muốn dời xa nơi này, nhưng thành phố này xa lạ lắm. Con chẳng
biết sẽ phải đi đâu về đâu, con chẳng biết ngoài kia còn những nguy hiểm gì
đang rình rập con nữa. Nếu con ở lại nơi này, chắc con sẽ thành nô lệ mất. Con
cũng không thể về nhà vì nếu thế các em con lấy đâu ra tiền mà ăn học. Vậy con
phải làm sao đây mẹ? Chị còn đêm nay thôi, trời thì sắp sáng mất rồi.”
Tôi vò nát tờ nhật ký của chị áp vào ngực mình. Nơi ấy tôi đang đau. Một
nỗi đau đớn dường như đang cắn xé tim tôi thành nghìn mảnh. Nỗi đau ấy khiến
tôi không còn đủ can đảm đọc nốt quyển nhật ký của chị, tôi chợt hiểu vì sao những
giòng chữ ấy lại nhoè đi như thế. Tôi thương chị.
Tôi trở lại bệnh viện khi chị đã ngon giấc ngủ, nhìn khuôn mặt chị thanh
thản sau khi trải qua một cơn đau kéo dài hồi chiều mà lòng tôi đắng đót. Tôi bỗng
rất sợ chị sẽ dời xa tôi, mười ngón tay chị gầy co vào nhau tội nghiệp, hơi thở
chị mỏng manh như tiếng thở dài của gió. Tôi thức suốt một đêm nhìn từng nhịp
thở trên ngực chị phập phồng, tôi sợ nếu chỉ cần tôi nhắm mắt lại thì nhịp thở ấy
sẽ ngừng, mười ngón tay cứng lạnh. Ý nghĩ ấy khiến tôi bật khóc.
Chị tỉnh dậy rất nhẹ nhàng. Chị nhìn tôi cười cười, nụ cười hiền hơn nắng
mới. Chị bảo:
-Nhóc thức suốt đêm qua để trông chị đấy à? Thảo nào mà hôm nay chị thấy
trong người rất khoẻ. Cảm ơn nhóc, bây giờ thì em hãy chợp mắt một lúc đi. Chị
thấy em mệt mỏi đấy, nhìn hai mắt kìa, trũng sâu trông thật tội nghiệp và xấu
xí.
Tôi bảo:
-Em không sao, em thức thế đã ăn nhằm gì, sinh viên bọn em thức đêm để học
là chuyện thường tình. Chị đừng lo lắng cho em.
Nhưng chị vẫn nhất quyết:
-Em cứ nằm tạm bên giường đó rồi ngủ đi, chị nói là nhóc phải nghe chứ.
Chị mà nói nhiều là lại mệt bây giờ đấy. Nào! Nhóc chợp mắt một lúc đi nào. Trước
khi nằm xuống giường tôi dặn chị:
-Nhưng chị hứa với em là khi em ngủ chị không được ngủ đâu nhé. Chị phải
thức trông em ngủ đấy. Tôi nhắm mắt mà trong lòng không yên, thi thoảng lại hé
mắt ra nhìn chị. Tôi rất sợ chị nhắm mắt và ngủ. Nếu…Nếu như chị lại ngủ một giấc
thật dài. Khi ấy tôi gọi chị sẽ không còn nghe thấy nữa… Như đọc được những suy
nghĩ của tôi, chị lại gượng cười:
-Chị không sao. Nhóc cứ yên tâm mà ngủ đi, nếu thấy trong người có hiện
tượng gì thì chị sẽ gọi nhóc ngay. Những ngày sau đó sức khoẻ chị yếu dần, bác
sĩ gọi cha mẹ lên nói điều gì đó. Chỉ thấy mẹ tôi thét lên rồi ngất lịm. Chị nhắm
mắt, mệt mỏi và chị khóc. Chị bảo chị muốn nắm bàn tay mẹ. Tôi hiểu tôi đã mất
chị thật rồi. Nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi không hề khóc, tôi đòi hát cho chị
nghe, tôi bảo:
-Em hát bài “chị tôi” nhé? Chị lắc đầu:
-Buồn lắm. Tôi lại hỏi:
-Thế chị thích nghe em hát bài gì? Chị bảo:
-Bài “Nào ta đi trại hè bạn ơi” ấy.
Tôi chợt nhận ra đấy chính là bài hát duy nhất mà chị thuộc cho đến khi
chị 15 tuổi. Vào cái ngày chị gói đồ đạc theo người làng xuống thành phố, tôi
nhớ là sáng hôm ấy chị vẫn hát bài hát này cho mấy đứa em nghe, chị còn bảo “Nếu
như hôm nào kiểm tra hát thì chị sẽ hát bài này, lúc nào chị cũng hát bài này”.
Sáng ấy nói đến việc học hành chị vẫn còn hồ hởi lắm. Ấy thế mà chị phải bỏ học
ra đi…
Tôi nhớ mình đã hát bài hát ấy trong nước mắt, chỉ trách sao những ngôn
từ cứ phơi phới niềm vui: “Nào ta đi trại hè bạn ơi! Kìa biển xanh bao la kia rồi.
Cùng tắm mát ta cùng reo vui, cùng hát vang cho mùa hè vui…”. Chị lại cười:
-Tiếc quá chị chưa bao giờ được đến biển. Nơi ấy chắc là sẽ có người
đang chờ chị.
Tôi hỏi trong nước mắt:
-Ai vậy chị?
Chị vẫn cười:
-Chị không biết, chị chỉ đoán thế thôi.
Tôi se lòng khi nhìn ánh mắt chị chợt ánh lên hạnh phúc khi mơ ước về một
tình yêu, về một người con trai của riêng chị, người ấy đang chờ chị ngoài đại
dương bao la ấy.
Mười ngày sau thì chị ra đi. Bác sĩ bảo chị bị ung thư buồng trứng, những
cơn đau đã hành hạ chị suốt mấy năm trời. Tôi đọc được bức thư chị để lại cho
tôi trước khi nhắm mắt, bức thư cũng nhoè nét mực:
“Nhóc yêu của chị. Chị xin lỗi vì đã ra đi khi các em chưa trưởng thành,
để lại trên đôi vai bố mẹ một gánh nặng tinh thần khó có thể nguôi ngoai được.
Chị mong rằng em gái chị sẽ học hành chăm chỉ, ra trường rồi xin được một công
việc ổn định, khi đó em hãy nhớ thay chị
chăm sóc cho bố mẹ lúc tuổi già, sức yếu. Người già thì vẫn hay tủi thân, cáu bẳn, chị mong em đừng
bao giờ nặng lời với bố mẹ. Em được học hành rồi, em phải cố gắng sống tốt với
cả hai chị trong gia đình, vì hai đứa nó cũng thiệt thòi không được học hành đến
nơi đến chốn. Chị thương nhóc lắm, hãy thay chị chăm lo cho gia đình mình nhé.
Chị mệt quá, không viết được nhiều
hơn. Thương em”.
Mẹ tôi vẫn gọi chị là “gái lỡ thì”, lần nào nghĩ về chị mẹ cũng khóc.
Ngày giỗ đầu của chị tôi mua về một bình hoa hồng đỏ. Mẹ bảo:
-Con bé này khùng, ai lại mua hoa hồng đỏ vào ngày giỗ. Tôi bảo:
-Hôm nay cưới chồng cho chị. Từ giờ mẹ đừng chêu chị là gái lỡ thì nữa mẹ
nhé. Chị đã có chồng. Mẹ tròn mắt hỏi:
-Lấy ai? Tôi cười cười:
-Con làm sao mà biết được. Chồng thì chị phải tự tìm lấy chứ. Nhưng hôm
nay chắc chắn là ngày cưới chị.
Tôi tin là như thế, bởi đêm qua tôi đã mơ một giấc mơ rất lạ. Giấc mơ chị
tôi mặc váy trắng tinh khôi đứng bên bờ đại dương. Đại dương xanh màu xanh hy vọng.
Chắc chị tôi đã gặp được người con trai ấy. Người con trai trong niềm ước vọng.
Tôi tin rằng hôm nay là ngày cưới chị. Chị mặc váy trắng làm cô dâu, tôi
mua hoa hồng về cài trên tóc chị. Chị cười. Lấp lánh giấc mơ tôi… (Vũ
Thị Huyền Trang kể lại)
Đọc xong truyện kể này ta tiếp tục nói về
việc tôn kính Danh Thánh Đức Giêsu, và nói cho cùng, thì có gọi tên nhau hay gọi
tên Đấng Ở Trên rất “cực trọng” cũng là cung-cách để ta và mọi người còn nhớ đến
nhau mà yêu thương, giận hờn hoặc kính cẩn như lời Vàng Đấng Thánh Hiền từng
ghi chép:
Người hỏi: "Vậy tại sao vua Đavít, được
Thần Khí soi sáng, lại gọi Người là Chúa Thượng, khi nói rằng: Đức Chúa phán
cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù,
Cha sẽ đặt dưới chân Con? "Vậy nếu vua Đavít gọi Đức Kitô là Chúa Thượng,
thì làm sao Đức Kitô lại là con vua ấy được?" (Mt 22: 43-45)
“Tha thứ
lớn hơn mọi sự ở thế trần. Tha thứ dẫn con người ra khỏi chính mình, vẫn khổ
đau, đóng kín. Tha thứ lớn hơn sự công chính, hữu lý và hữu tình. Một thứ mới
mẻ khiến con người thấy có sự sống sinh động và tình thương yêu, cũng rất lớn.
Đó là tha thứ mà không ai vi phạm, sờ chạm được.
Dân con
Hội thánh chưa hiểu sự mới mẻ này được là bởi giới chức có trọng trách dẫn dắt
Hội thánh lại cứ giảng rao quá nhiều ‘sự’ về án chết, lỗi tội và khổ đau như
ném đá cho chết. Có lẽ Hội thánh nay cần thứ gì đó to tát hơn để ta có thể học
hỏi yêu thương từ nữ phụ phạm lỗi nay được tha nên đã yêu.” (Lm Kevin O’Shea CSsR, Lời Chúa Sẻ San C , nxb Hồng
Đức 2014, tr.75)
“Tha
thứ mà không vi phạm, sờ chạm và cũng chưa hiểu trọn vẹn…”
Nay xin kể tiếp truyện tờ giấy bạc một
trăm, năm mươi hay một đồng, không biết là bản thân người hoặc vật được tạo-dựng
nghĩ thế nào về thân phận mình, như truyện cổ có tự sự như sau:
“Tờ 100, tờ 50 và tờ 1 đô la tình cờ hội ngộ trong bóp của bà trùm ở xứ
đạo Việt Nam. Tờ 100 đô lên tiếng trước:
-Các cậu biết không? Tớ đã đi gần khắp thế gian rồi nhé. Sang cả Úc
Châu, Âu Châu, Phi Châu, Á Châu rồi nhá. Tờ 50 đô liền phụ họa:
-Em cũng được đến nhiều nơi lắm rồi anh ạ. Sài Gòn, Las Vegas, Reno,
Pháp quốc, Hàn Quốc và nhất là các cửa tiệm thời trang ở Hoa Kỳ, em đi tuốt tuồn
tuột. Thế gian thật nhiều chỗ ngoạn mục.
Tờ 1 đô la bỗng oà lên khóc nức nở:
-Tủi thân em! Tuần nào em cũng chỉ được tới nhà thờ mà thôi!” (Truyện do các bà kể lại khá lai rai)
Có lai rai kể lại như các bà các cô, thì
cũng tương-tự như chuyện về thân-phận tờ giấy bạc 50 hoặc 1 đồng kể ở trên, để
rồi người người sẽ cật vấn, chê trách nhau như vẫn thấy ở đời.
Gọi tên nhau trong đời, là cung cách để mọi
người còn nhớ đến nhau, thương nhau và kỳ vọng vào nhau nhiều thứ. Chí ít là những
thứ/những sự mà con người không thể tự cho mình nếu không có sự chấp-thuận của các
đấng bậc ở trên.
Thế đó, là tình-tự hôm nay khiến tôi và bạn,
ta gửi cho nhau trong khuôn khổ của thời-gian và không-gian, rất hạn hẹp. Thế
đó, là tâm tình của tôi, của bạn và của nhiều người còn nghĩ đến nhau nên mới gọi
nhau như thế.
Trần Ngọc Mười Hai
Có những lúc chỉ muốn gọi tên nhau đến thế
thôi.