Monday 29 May 2017

“Chúa yêu trần thế, đã chết cho đời, và đã sống lại,”



Chuyện Phiếm Đọc Trong Tuần sau lễ Hiện Xuống năm A 04/6/2017

“Chúa yêu trần thế, đã chết cho đời, và đã sống lại,”
hát lên người ơi! Alleluia!
Hát lên người ơi!
Sáng tươi huyền diệu,
là một kiếp người,
được Chúa thương yêu.”
(Thành Tâm/Sỹ Tín, CSsR -  Hallêluyah! Hát Lên Người Ơi!)

(Thư 1 Côrinthô 15: 12-14)

Ở giáo-xứ mà bần đạo bầy tôi đây sống đến 25 năm, có cái tên thanh-tao/nhè nhẹ của Anh Cát Lợi, vào mỗi độ nhà Đạo mừng Chúa trỗi dậy, ca-đoàn lễ Việt tuy có hát nhạc-bản ở trên, nhưng vẫn không tạo được khí thế của Ban Hallêluyah thời niên 1960’. Không biết có phải, vì khi ấy bọn tôi hát là hát cho những người “xuôi triền thất-vọng”, “ôm niềm đau” hay sao đó, những là: 

“Mừng hát hỡi những ai xuôi triền thất vọng.
Mừng hát hỡi những ai ôm niềm đau.
Vì có Chúa Tình Yêu đang ở với ta.
Mừng hát hỡi những ai lê đời khó nghèo.
Và ai trơ trụi ngay trên giường chết.
Vì có Chúa Trời Đất đang ở với ta.”
(Thanh Tâm/Sỹ Tín, CSsR – bđd)

Ấy chết! Nói thì nói thế, chứ ở đâu mà chẳng có những người thất-vọng, khổ đau giống như thế. Vâng. Ở trời Tây bên này, tuy không là chốn “Tây Phương cực-lạc”, nhưng vẫn có quyền hát và nói những lời sau đây:    

“Mừng hát hỡi những ai mong cuộc đổi đời.
Và ai đang dựng-xây cho trần-giới.
Vì có Chúa Tạo Hóa đang ở với ta.

Mừng hát hỡi những ai mơ mùa thái-hòa.
Và ai đang mạnh tay tắt lửa chiến.
Vì có Chúa Bình Yên đang ở với ta.
Lá lá la la la la là!
(Thanh Tâm/Sỹ Tín, CSsR – bđd)

Vâng. Đúng thế. Nếu bạn và tôi, ta cứ dõi theo lời trần-tình của đấng thánh-hiền khi trước đã từng nói, hẳn ta cũng sẽ cảm-nghiệm được những ý/lời thêm một lần được trích-dẫn, như sau:


Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng
Đức Kitô đã từ cõi chết trỗi dậy,
thì sao trong anh em có người lại nói:
không có chuyện kẻ chết sống lại?
Nếu kẻ chết không sống lại,
thì Đức Kitô đã không trỗi dậy.
Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy,
thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng,
và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.”
(Thư 1 Côrinthô 15: 12-14)

Vâng. Rất không sai. Dẫu có “ôm niềm đau” hoặc “mong cuộc đổi đời” hay sao đó, người người và bầy tôi đây vẫn có lập-trường lạc-quan ở mức tối-thiểu, để còn vui sống theo kiểu “rất trỗi dậy” với muôn người. Và mọi người.

Vâng. Đúng là như thế. Dông-dài dẫn-nhập chuyện “phiếm” hôm nay, chỉ cốt để phân-bua với bầu bạn rằng: vừa rồi, bần đạo bầy tôi đây lục-lọi chồng sách/báo cũ để tìm chất-liệu viết thêm về những gì có liên-quan đến lễ hội Phục Sinh, bèn bắt chộp được câu hỏi/đáp từ người giáo dân gửi cố đạo Sydney những lời sau đây:

“Thưa cha. Có thể nào cha viết cho bà con đi Đạo biết được lý-do tại sao người Công-giáo và Chính-thống-giáo lại mừng lễ Phục Sinh không bao giờ cùng một ngày cả vậy?Thêm nữa, có bao giờ Giáo hội đôi bên tìm cách đồng-thuận với nhau để cùng mừng lễ hội trọng đại như thế không?”

Hỏi gì chứ, hỏi những câu mang tính giáo-sử có ghi tháng ngày rõ rệt để lập nên phụng-vụ, quả đúng với “nghề của chàng”. Nhất thứ, “chàng” đây là bậc thày ở Sydney chuyên tìm-tòi ngày tháng niên-lịch ở sách vở, để giúp đỡ bà con nào không có thì giờ lục tìm, mà thôi. Và, sau khi lục tìm ngày tháng với ý-nghĩa, đức thày ở huyện nhà Sydney bèn có câu đáp-trả sau đây:

“Trả lời câu đầu-tiên anh/chị hỏi, tôi thấy có lý để ta mừng và vui mà chia thành 3 phần rõ rệt. Với Giáo-hội thời tiên-khởi, thì: ngày mừng Phục Sinh được định ra theo cách sao đó hầu ăn khớp với Lễ Vượt Qua của Do-thái-giáo, tức: dứt-khoát phải rơi vào ngày thứ 14 tháng Nissan âm-lịch, là ngày trăng tròn. Khi xưa, Lễ hội Phục Sinh được tổ-chức chỉ ít ngày sau lễ Vượt Qua, cốt để Lễ-hội này được rơi vào bất cứ ngày thường nào, trong tuần cũng đều được.

Quyết-định tổ-chức Lễ Hội Phục Sinh luôn vào ngày của Chúa, là vì Đức Chúa của ta đã phục hồi sinh lực từ cõi chết đúng vào ngày Chúa Nhật, chuyện đó bắt đầu từ Công Đồng Nicê do hoàng-đế Constantine triệu-tập vào năm 325.

Công-đồng đây, quyết-định rằng: Lễ Hội Phục Sinh phải được tổ-chức mỗi năm vào Chúa Nhật đầu  sau hội trăng tròn đến sau ngày Xuân phân vùng Bắc Bán Cầu. Ngày xuân phân, xảy ra một năm hai lần qua đó, mặt trời băng ngang đường Xích-đạo và vì thế ngày và đêm có thời-gian dài bằng nhau trên toàn thế-giới. Và, Xuân phân bao giờ cũng rơi vào mùa Xuân.

Để cho dễ định trước ngày Lễ Phục Sinh rơi vào ngày nào mỗi năm, Giáo-hội đã quyết rằng ngày Xuân phân sẽ luôn rơi vào ngày 21 tháng Ba, dù theo ngôn-ngữ thiên-văn-học, ngày ấy có thể rơi vào ngày 20 tháng Ba năm ấy, cũng vậy. Thế nên, ngày tháng tổ-chức Lễ Phục Sinh có thể định ra từ 22 tháng Ba đến 25 tháng Tư.

Nhiều thế kỷ cứ thế trôi, tiếp theo sau Công-đồng Nicê, tất cả các Giáo-hội dù Đông Phương hay Tây Phương, kể cả Giáo-hội Chính-thống phương Đông cũng mừng Phục Sinh vào cùng một ngày. Nhưng kể từ năm 1582 trở đi, sự việc đã thay đổi. Đến năm ấy, toàn thế-giới Rôma lại theo lịch do Hoàng Đế Julius Cesar chọn đưa vào từ năm 46 trước Công Nguyên. Lịch này gồm 365 chia cho 12 tháng cộng một ngày trội dư, cứ 4 năm một lần, sẽ rơi vào tháng Hai dương-lịch.

Và, để sửa đổi, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô 13 đã cải-tổ niên-lịch, bỏ đi 10, để rồi Thứ Năm 4 tháng Mười trong lịch của Julius Cesar sẽ kéo theo sau là Thứ Năm 15 tháng Mười theo lịch mới Grêgôriô. Trong khi toàn-thể phương Tây đã chọn lịch Grêgôriô, thì kể từ sau năm 1582, phương Đông lại vẫn tiếp tục theo lịch của Julius Cesar. Kết quả là, ngày tháng của họ đi trễ 10 ngày sau lịch Grêgôriô… Từ ngày ấy đến nay, có rất nhiều cuộc tranh-cãi/bàn luận trong đó Giáo-hội Công-giáo có tham-dự nhưng không đi đến thoả-thuận chung nào hết.

Thành thử, nỗi niềm mơ ước của ta hôm nay và mai ngày là: nên tiếp tục có các cuộc thương-thảo Đông-Tây để mỗi năm ta mừng Đại Lễ Phục Sinh cùng ngày với nhau. Để được thế, cũng nên liên-lỉ nguyện cầu sao cho ước-mơ của mọi người sẽ thành hiện-thực, rất mau chóng.” (X. Lm John Flader, The Date of Easter, The Cathoplic Weekly 15/4/2012 tr.10)       

Tổ chức cách sao đó cho ăn khớp với Lễ Vượt Qua của Do-thái-giáo”, cũng tựa như xác-quyết của người xưa, cứ bảo rằng: “Bê Lem, chốn Chúa sinh ra đời”, là cốt để ứng-nghiệm lời Ngôn-sứ nọ bảo: “Bê Lem hỡi, người không là thị-trấn nhỏ, bởi Đấng Cứu Tinh đã sinh ra trong thôn làng bé nhỏ của ngươi, kia đấy!”

Nói cách khác, các Lễ “lạy” hoặc Lễ “lạc” ở Đạo Chúa, chỉ bắt đầu vào các thế-kỷ sau này, khi các cụ đạo nghiên-cứu tháng ngày hoặc mà định ngày tổ-chức Lễ, là lấy từ Do-thái-giáo ra mà thôi. Còn nhớ, khi xưa, nhiều đấng thánh-hiền nhà Đạo cũng đưa ra nhiều xác-chứng, tựa như thế.

Như thế, là cốt để bà con mình còn giữ được tập-tục và lễ nghi trong Đạo, hệt như Do-thái-giáo. Có làm thế, ta mới hy-vọng đi dần vào chủ-trương “Đại kết các giáo-phái cùng thờ-phượng Đức Kitô là Đức Chúa; cùng kêu gọi mọi người hãy kết-đoàn trong tình thương-yêu của Đức Chúa. Bởi, Thiên-Chúa là Đức-Chúa-của-Tình-Yêu, rất thương yêu phải như thế, cũng dễ hiểu.

Về việc tái-tạo tinh-thần đoàn-kết đã có từ xưa, đấng bậc nọ trong Đạo Chúa từng có lời khẳng-định như sau:

Một trong các cuộc chiến do người Do thái nổi lên chống lại cường quyền La Mã, đã kéo dài chiến tranh suốt từ năm 66 đến 70 sau công nguyên, phá hủy thành thánh Giêrusalem và Đền Thờ của Chúa. Cho nên các Kitô hữu sống ở thành thánh, cũng thưa dần. Đến một lúc, bị biến mất chỉ để lại Galilê và Syria, dấu vết của tình tiết đấu tranh/tranh giành vai vế, lẫn địa vị. Chỉ mỗi cộng đoàn Phaolô của kiều dân Do thái là còn sống sót. Và, ràn chiên Hội thánh hôm nay là hậu duệ của cộng đoàn này.

Chẳng mấy chốc, sau đó đã xảy đến với cộng đoàn một vấn đề rất mới, là: các thánh nay ngóng chờ Chúa sẽ lại quang lâm lần nữa, rất bất ngờ. Dù, việc này không xảy đến ngay tức khắc, nhưng các thánh cũng đã duy trì được căn tính của cộng đoàn, nhờ tái tạo nguồn nảy sinh tinh thần đoàn kết từ việc đọc Sách thánh viết bằng tiếng Do thái, và theo các giới lệnh, truyện kể có liên quan đến các anh hùng dân tộc.

Và, nhờ cộng đoàn Phaolô vẫn nhớ đọc thư từ/bài viết do thánh nhân gửi các cộng đoàn, ở khắp nơi. Và, nảy sinh nhiều nhóm hội, trong đó, có nhiều vị thiên về nhóm theo Do thái. Có nhóm vẫn phụ trợ thánh Phaolô, rất mực. Nên, tính đa dạng càng phát triển mạnh nơi cộng đoàn tin Chúa Chiên Lành, là Đức Giêsu.

Suốt thế kỷ thứ 2, kẻ tin vào Đức Kitô gần như biến dạng khỏi xã hội. Mãi cho đến đầu thế kỷ thứ ba, mới thấy một số tín đồ sở hữu đất đai, xây dựng các hang toại đạo để ẩn lánh, và cuối cùng dựng xây nhà thờ/đền thánh thiết lập chốn thánh thiêng cho cộng đoàn thờ tự. Xem như thế, ràn chiên Hội thánh mang tính cách hiệp nhất đích thực và chính tông của Đức Giêsu, đến rất chậm và khá trễ, lúc ấy lại thấy các giải thích về nhà Đạo, cũng đã khác.

Đến giữa thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ tư, cũng lại thấy một vài cuộc bách hại quyết loại trừ các Kitô hữu khỏi hiện trường tín thác. Cho đến năm 313, khi hoàng đế Constantin ra tay nhân nhượng người tín hữu ở phương Đông lẫn phương Tây, cho phép mọi người được tự do lựa chọn tôn giáo nào mình tin tưởng.

Từ đó, Kitô giáo đã trở-thành thực-thể xã-hội đối với quần-chúng. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong các cung cách dẫn giải niềm tin vào Đức Kitô được hoàng-đế Constantin chấp nhận. Mọi qui-cách khác đều đi vào chốn “thầm-lặng”, rất bí mật. Và vì thế, phần đông đã mất dạng.

Thời kỳ hậu-Constantin, chỉ một đạo-giáo mang tính nguyên-thuỷ, rất chính-cống. Và chỉ mỗi phái nhóm chính-tông/chính-cống này khả dĩ triển-khai lời dạy công-nhiên rằng Đức Giêsu Kitô vừa là Chúa, vừa là người. Và, Thiên Chúa rất Ba Ngôi cũng từ lúc đó, được quan-niệm. Vào cuối thế kỷ thứ hai, duy chỉ mỗi Đạo nguyên thủy-chính tông mới tồn tại. Số còn lại, đều trở-thành “lịch-sử”, lùi vào quá-khứ.

Người Công-giáo, nay biết rất ít hoặc chẳng có ý-niệm gì về quá-trình lịch-sử của Đạo mình. Có vị chỉ có ý-tưởng khá mơ-hồ về lịch-sử, lại đã cho rằng: công cuộc Phục-Hưng thời Trung-cổ đã khiến Hội-thánh thêm rạn nứt.

Và, rồi nghĩ rằng: ta thừa-hưởng được “lề phải” rất đúng đắn từ các tranh-luận về ràn chiên, một Chúa Chiên. Còn mọi giáo-phái khác đều có sai sót. Và, họ cũng cho rằng, Chúa Chiên Lành, là Chủ Chăn, chỉ nhân-hậu với đạo-giáo rất chính-tông là Công-giáo mình, thôi.” (X. Lm Kevin O’Shea CSsR, Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh, www.suyniemloingai.blogspot.com

Nói khác đi, thì chuyện định ra tháng ngày tổ-chức Lễ Hội Phục Sinh, cũng chỉ để bà con trong Đạo nhớ mà thực-thi cuộc sống sao cho “ứng-nghiệm với tinh-thần của người xưa trong Cựu Ước” hoặc dã-sử Do-thái-giáo, mà thôi.

Ngõ hầu “ứng-xử” và “cảm-nghiệm” tinh-thần kết-đoàn giữa mọi người trong cùng một đạo-giáo, có lẽ thi-thoảng ta cũng nên làm như thế.

Để chứng-thực và minh-hoạ cho xác-quyết này, có lẽ cũng nên mời bạn và mời tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể mang nhiều ý-nghĩa tinh-tế về thương yêu, đùm bọc rất kết-đoàn như sau:

“Có cậu bé nọ mồ côi cha mẹ từ bé. Cậu có một ước mơ nho nhỏ thôi, đó là có một mái ấm gia-đình để mà yêu thương để mà nương tựa. Hằng đêm mỗi khi nhắm nghiền đôi mắt và ngủ thì cậu luôn luôn mơ đến việc được nằm cuộn tròn trong vòng tay của cha, được mẹ hôn lên trán mỗi buổi sáng. Nhưng giấc mơ thì vẫn chỉ mãi là giấc mơ. Sự thật rành rành trước mắt là cậu không hề có gia đình hay một mái ấm thật sự nào.

Cha mẹ cậu đã bỏ rơi cậu ngay từ khi cậu mới vừa sinh ra. Nhưng không vì thế mà cậu ghét họ chút nào, mà lại còn ngược lại nữa cơ. Cậu luôn tự nhủ với mình rằng: “Chắc là vì một lý-do nào đó họ mới làm vậy thôi ,chứ họ không hề muốn như thế”. Cứ thế cậu cứ thầm nói với lòng mình, tự an ủi chính mình như một thằng ngốc, mặc cho số phận cứ trôi nổi mãi, nhưng đối với cậu, nó là một con số không to và tròn trĩnh hơn bao giờ hết. Cha mẹ cậu chưa một lần thiết-tha nhớ đến cậu ,dù chỉ là một giây.

Ngay từ hồi còn nhỏ, cậu bé lớn lên trong nhà thờ. Và được “cha sở” cùng các xơ đặt cho cái tên rất có nghĩa, là Bình-Minh. Đơn-giản, chỉ vì họ mong sau này, dù có ở nơi nào đi nữa thì cậu bé vẫn mãi mãi tỏa sáng.

Hằng ngày, các xơ cùng với cha sở luôn luôn lo lắng và chăm sóc cho cậu, dành hết tình thương của mình để bù đắp phần nào nỗi đau mất mát lớn trong lòng cậu. Để cậu không bao giờ cảm thấy tủi thân và mặc cảm với mọi người rằng mình không có cha mẹ như bao trẻ em khác. Cậu hiểu rõ điều đó lắm chứ, cậu biết là cha và các xơ yêu cậu lắm đấy. Nhưng cậu vẫn thấy có cái gì đó nhói ngay trong chính trái tim mình mỗi lần đêm đến.

Và cứ mỗi lần như thế, đêm nào cậu cũng ngồi bật dậy, đứng trước bàn thờ Chúa mà cầu nguyện. Vì cậu nghĩ: “Chắc chắn một ngày nào đó cha mẹ sẽ tìm được mình và đưa mình về nhà, mình sẽ có một gia đình hạnh phúc. Mình tin rằng như vậy”. Thế đấy, cậu cứ tự lừa dối chính bản thân mình, tự lừa dối  chính mình, rồi cảm thấy “Mình thật là ngốc!”

Vẫn như thường lệ cuộc sống trong nhà thờ, đối với cậu, đã là một niềm vui. Tưới cây quanh khu vườn, rồi đọc kinh thánh cùng các xơ, để cảm thấy vui hơn và có niềm tin vào cuộc sống. Vì hôm nay là chủ nhật, nên mọi người đi nhà thờ rất đông. Mới sáng ra, mà đã có nhiều người đến rồi.

Cậu ra mở cổng, rồi quay vào trong. “Trời hôm nay đẹp thật, không một gợn mây, thích thật” Vừa đi cậu vừa nghĩ lẩn thẩn như thế; bỗng có chú nhóc vô tình va phải cậu. Thấy thế cậu liền bảo:
_Lần sau em nhớ cẩn thận hơn nhé
Nó cười te toét bảo cậu:
_Vâng, cảm ơn anh!
Cậu hơi thắc mắc không biết người thân của chú nhóc đó đâu vội hỏi:
_Nhóc này! mẹ em đâu?
_Dạ ,ở đằng kia ạ! Nói vừa dứt câu, một người phụ nữ có một khuôn mặt hiền-hậu bước tới bảo:
_Nãy giờ con đi đâu thế, làm mẹ lo quá, cứ tưởng là con đi lạc!
Thấy những cử chỉ ngọt ngào của mẹ cậu bé thế ,cậu hơi buồn buồn một tí ,nhưng rồi giật mình khi nghe tiếng nhóc con la lên”
_Mẹ ơi hồi nãy con té, anh này đỡ con lên đấy mẹ ạ!
_Thế à! Người phụ nữ liền nhìn cậu rồi nói:
_Cảm ơn cháu nhé !Nói rồi người phụ nữ đó xoa đầu cậu rồi bước đi.

Cậu trở về với thực tế, nãy giờ cậu cứ ngỡ là mình đang ở trên thiên đàng. Nhưng rồi cậu lại lủi thủi bước vào vườn tưới cây, bỗng thấy một bàn tay bóp nhẹ vai mình, thì ra đó là xơ Anne.Thấy cậu buồn, xơ liền hỏi:
_Sao con buồn thế, Minh?
_Có gì đâu xơ, chỉ là con cảm thấy…. nhớ mẹ thôi! Vừa nói cậu vừa mếu máo như một đứa trẻ, thấy vậy xơ liền ôm cậu vào lòng nói:
_Nín đi con ,dù sao hôm nay xơ cũng có tin vui cho con đấy.
_Con nhìn này, đây là Linh, từ nay bạn ấy sẽ là bạn của con. Do bố mẹ bạn ấy đi làm bận bịu nên gửi vào đây, chiều bố mẹ sẽ đón bạn về. Linh chỉ ở lại mỗi ngày chủ nhật thôi. Nên con phải hòa đồng với bạn đấy nhé. À! còn Linh nữa, đây là Minh! hai con làm quen với nhau nhé!
_Dạ con biết. Cả hai đồng thanh nói.
_Tốt lắm thế vậy …Xơ đi đây !

Nói rồi cậu tiếp tục tưới vườn, cứ tưới tưới rồi tỉa lá cho cây hồng mình yêu quý mà không để ý rằng Linh đang đứng đó .Thấy cậu im lặng Linh liền bắt chuyện hỏi:
_Vậy cậu tên là Minh, nhưng mà cái gì Minh thế, tớ hỏi cho biết được không?
Cậu cười mỉm với Linh rồi bảo:
_Mình là tên là Bình Minh, 14 tuổi, mình sống trong nhà thờ này từ khi còn bé. Còn cậu?
_Mình là Mai Linh. Cũng 14 tuổi như cậu.

Nói rồi cậu bảo:
_Vậy à! Cậu có muốn ra vườn với tớ không, tớ sẽ chỉ cho cậu xem cái này hay lắm.
Nói rồi, cả hai cùng đi dạo ra vườn, vừa đi Linh vừa hỏi:
_Tớ vẫn còn thắc mắc sao cậu lại sống trong nhà thờ từ bé thế? Linh trố mắt hỏi cậu:
_À ! Là vì …tớ ..mồ côi!
_Vậy à! Tại tớ không biết nên mới hỏi, xin lỗi nhé! Từ nay tớ sẽ là bạn thân nhất của cậu.
_Ừ! Đang nói bỗng cậu la toáng lên.
_Tới rồi! Đây là đài phun nước, đẹp không cơ chứ?
_Ừ đẹp thật. Cám ơn đã chỉ cho tớ xem. Còn bây giờ thì.. .vừa nói Linh vừa cầm vòi xịt lên bảo:
_Chết cậu rồi nhé!
_Không, đừng đùa kiểu đấy!
_À há! Không à! Vừa nói Linh vừa xịt nước vào người cậu cả hai ướt nhẹp như con chuột lột. Bị mấy xơ la cho một trận tơi bời.

Thấy thế, Linh liền ra mặt nói thay cho bạn:
_Tại con đấy! Các xơ đừng la Minh.
_Hai cái đứa này. Sơ có la cũng chỉ muốn tốt cho hai đứa thôi.
_Được rồi vào thay đồ đi, nếu không lại cảm lạnh bây giờ!
_Dạ! Cả hai nói tiếng “dạ” thật nhỏ ra vẻ như đã hối lỗi.
_Thấy chưa! tớ đã bảo, mà không nghe!
_Biết rồi đừng la nữa, lần sau không làm như thế nữa, được chưa?
_Sao cũng được. Tuần sau, cậu đến nữa không?
_Có! Chắc chắn mà.

Cứ thế thời gian thấm thoát trôi nhanh, cũng gần một tháng, cậu bé và Linh ngày càng thân thiết với nhau hơn. Có lần, cậu bé còn được bố mẹ Linh đối đãi như con trong nhà. Cậu cảm thấy rất vui. Một hôm Linh bảo:
_Nếu có một điều ước, cậu sẽ ước gì?
_Tớ ước sẽ có bố mẹ như cậu.
_Vậy à! Đơn giản chỉ thế thôi sao?
_Ừ! Tại cậu không biết đó thôi, chính mái ấm gia-đình là nơi giúp con người ta trưởng-thành nên người và thành-công trong cuộc sống, cho nên tớ chỉ ước có được bố mẹ giống như cậu, có một gia-đình để được yêu thương như cậu, là tớ mãn nguyện lắm rồi.
_Thế tớ sẽ nói với bố mẹ tớ nhận cậu làm con nhé! Lúc đó tớ sẽ có một người anh là cậu rồi nhỉ?
_Nhưng ….liệu có được không?
_Tớ cũng không biết, cứ thử xem sao. Bố mẹ tớ cũng thương người lắm. Đừng lo!
_Tớ chỉ sợ …..
_Cậu sợ gì? Linh ngơ ngác hỏi.
_Bố mẹ cậu lấy tiền đâu ra để nuôi cả hai đứa mình đây? Lại còn tiền học, tùm lum hết!
_Chuyện đó, cậu đừng lo! Bố mẹ tớ xoay xở được mà.
_Nếu được thế, thì cảm ơn cậu nhiều lắm.
_Có gì đâu

Linh cười với bạn, bỗng chợt nghe có tiếng xe bên ngoài cổng nhà thờ. Thì ra, là bố của Linh. Linh định ra mở cửa nhưng cậu bé vội níu tay lại bảo:
_Để tớ đi cho!
_Cũng được.
_Ồ là cháu đấy à Minh.
_Dạ cháu chào bác.
_Ừ ngoan lắm, phải chi con Linh nhà Bác được một phần như cháu.

Lúc đó Linh bước ra nũng nịu với bố mình, rồi bảo:
_Bố nói xấu con nhé! Con giận bố luôn.
_Đó con thấy chưa, hơi một tí là giận người lớn, thiệt là ….
_Bố khen bạn ấy hoài à, con hỗng chịu đâu.
_Thôi được, vậy bác về cháu nhé

Tối hôm đó, cậu bé trằn-trọc mãi không ngủ được; không biết Linh có xin được bố mẹ bạn ấy nhận cậu làm con nuôi không nữa? Thầm nghĩ thế, nên cậu cứ thấy lồm cồm, nôn nao trong bụng. Một tuần lễ đã lặng lẽ trôi qua, mà cậu bé chưa gặp được Linh, không biết có chuyện gì xảy ra không nữa. Hay là do sợ phải nhận cậu làm con, nên họ không cho Linh đến đây chơi với cậu nữa? Vậy là cậu mất bạn rồi sao. Cậu cứ lo như thế mãi không ngủ được đến mấy ngày liền.

“Hơn hai tuần rồi, mà sao chưa thấy tin tức gì của Linh và bố mẹ bạn ấy đâu hết. Chắc là, họ không chấp-nhận nên không cho Linh qua đây rồi?”

Đang suy nghĩ, bỗng cậu bé thấy có người lại gần, thì ra là xơ Anne và xơ James. Họ lần lượt hỏi:
_Sao mấy ngày nay không thấy con Linh nó tới, hai đứa có gì giận nhau sao? Xơ có nghe nó bảo là: nó sẽ về nói với bố mẹ về việc nhận con làm con nuôi, nhưng ….không biết có được không?

Cậu im lặng không nói gì, chẳng lẽ Đức Chúa Trời không cho cậu có được ước-mơ kia lại bắt cậu từ bỏ con bé đó sao? Trời đất thật phũ phàng và bất công! Vậy là, ước mơ của cậu bé đi tong theo gió rồi.

Thấy vậy hai xơ không nói gì thêm, mỗi bảo rằng:
_Thôi đừng buồn con à, sẽ có dịp khác thôi. Xơ đi vô đây. Cố lên con nhé! Cuộc sống, còn nhiều cơ hội mà!
Nghe thế, cậu bé chỉ lặng im, chẳng biết nói sao bây giờ, bỗng nghe có tiếng la lớn.
_Minh ơi, ra mở cửa cho tớ với!
_Trời đất! Mới nhắc, đã tới thật sao? À thì ra là Linh. Cậu bé vội ra mở cửa xem ai, xém té u đầu.
_Cậu đây rồi, xin lỗi nhé hai tuần rồi, tớ không tới được là bởi vì tớ phải dọn nhà.
_Thế hả? Cậu bé trơ mặt ra, không hiểu chuyện gì bèn hỏi ngay:
_Dọn nhà? Sao, có chuyện gì thế?
_Có cả tin vui lẫn tin buồn đây, cậu muốn nghe tin nào trước?
_Tin buồn trước.
_Được, thế thì cố nghe cho kỹ đây. Từ nay, cậu sẽ chính thức là anh của tớ. Tớ sẽ tha hồ bắt nạt cậu!
_Là sao, tớ vẫn chưa hiểu?
_Có nghĩa là: bố mẹ tớ chịu nhận cậu làm con nuôi rồi chứ sao với trăng gì, cậu khờ thế?
_Thiệt không?
_Chứ chả lẽ tớ nói xạo với cậu à? vừa mới nói xong, Linh vội vàng lôi cậu bé vào bên trong, bảo:
_Thu xếp đồ đạc đi!
_Nhưng …nhưng, tớ phải chào tạm-biệt các xơ và cha sở đã chứ.
_Ừ lẹ lên đi!

Nói rồi, cậu bé vọt vào nhà trong. Thế là, từ nay cậu đã có cha/có mẹ như bao người khác rồi, Ông Trời đã không bỏ mặc cậu, Ngài đả biến ước-mơ của cậu thành hiện-thực rồi. Dù không là cha mẹ ruột, nhưng miễn sao cậu bé có được gia đình để yêu thương, nương tựa là cậu vui rồi. Từ nay, mình sẽ không còn buồn và cô đơn nữa. Cuộc sống mới, đang chờ đợi mình ở đằng trước.

Trong lúc thu xếp đồ đạc, cậu bé chạy lại ôm các xơ và cha sở mà chào tạm-biệt họ, bỗng có một bàn tay khác ôm cậu vào lòng đó là mẹ của Linh và bố cậu ấy. Thế vậy, là đúng rồi đây! Không phải là giấc mơ nhưng là sự thực. Trên đời này, vẫn còn có người tốt như bố mẹ của Linh. Họ đã chấp-nhận cậu làm con rồi. Cậu bé vui mừng biết bao khi nghe tin ấy. Bởi thế nên, cậu đã tự hứa với lòng mình là: từ nay sẽ sống tốt và hết mực yêu thương bố mẹ “mới “ của mình .

Và tiếp theo là lời bàn của người kể: “Thế đấy các bạn ạ! Cuộc sống luôn chứa-đựng nhiều mơ ước của các bạn nhỏ như chúng ta. Và, nhiều bạn còn bất hạnh hơn ta nhiều. Họ luôn khao-khát có được một gia đình như ta. Bởi thế nên, các bạn cũng phải biết yêu thương bố mẹ của mình và luôn tôn-trọng những gì mình đang có được, như hôm nay. Hãy sống cho thật tốt nhé, hỡi bạn mình!” (Truyện kể rút trên mạng)

Suy và gẫm qua truyện kể như thế rồi, nay ta hãy cùng với ban Hallêluyah của Học-viện Dòng Chúa Cứu Thế  Đà Lạt vào thập niên 1960’, mà hát tiếp:

“Mừng hát hỡi những ai xuôi triền thất vọng.
Mừng hát hỡi những ai ôm niềm đau.
Vì có Chúa Tình Yêu đang ở với ta.
Mừng hát hỡi những ai lê đời khó nghèo.
Và ai trơ trụi ngay trên giường chết.
Vì có Chúa Trời Đất đang ở với ta.”

“Mừng hát hỡi những ai mong cuộc đổi đời.
Và ai đang dựng-xây cho trần-giới.
Vì có Chúa Tạo Hóa đang ở với ta.
Mừng hát hỡi những ai mơ mùa thái-hòa.
Và ai đang mạnh tay tắt lửa chiến.
Vì có Chúa Bình Yên đang ở với ta.
Lá lá la la la la là!

Chúa yêu trần-thế…
Đã chết cho đời, và đà sống lại, hát lên người ơi!
Hallêluyah!”
(Thành Tâm/Sỹ Tín CSsR– bđd)

Trần Ngọc Mười Hai
Lúc nào cũng muốn hát
Những ý/lời của nhạc-bản
Rất như thế.         

Saturday 13 May 2017

“Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều.”



Chuyện Phiếm Đọc Trong Tuần thứ 6 Phục Sinh năm A 21/5/2017

“Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều.”
“Nhất là những buổi chiều mưa rơi.
Cũng may Cali trời mưa ít không như Sài Gòn
Nếu không tôi đã khóc một giòng sông.”
(Đức Huy – Khóc Một Giòng Sông)

(Luca 24: 25-26)

Khóc gì không khóc, sao anh lại cứ “khóc một giòng sông”? Nhất thứ, là khi anh lại khóc khi hát câu ca “Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều”. Thế đấy là văn-chương thi-tứ, rất âm-nhạc. Còn đây là văn-hoá riêng tây của Đạo cũng có nhớ, có gào, nhưng không khóc. Khóc sao được, khi tôi và bạn những nhớ nhiều về một buổi chiều Đức Chúa của mình đã “trỗi dậy từ cõi chết”, mà người người có thói quen gọi là “Sống lại”.

Còn nhớ, có đấng bậc nọ khi giảng về sự “trỗi dậy” của Lazarô bạn-hiền của Đức Chúa, có bảo rằng: “Lazarô dù đã “sống lại” vào ngày hôm ấy, nhưng anh cũng chỉ sống thêm được ít năm, sau đó cũng chết tốt!”  

Thế thì, “sống lại” hay “trỗi dậy” cụm-từ nào đúng, tự vựng nào lại không đúng, nhưng vẫn cứ dùng. Một lần nữa, khi đặt bút hoặc gõ máy những giòng chữ như trên, bần đạo bầy tôi đây chả dám tranh-luận văn-chương hay nghệ-thuật sử-dụng từ-vựng đúng hay sai, nhưng chỉ muốn nói/muốn bàn về âm-hưởng một buổi chiều vàng có nhiều nỗi nhớ, cũng rất thương.

Nỗi nhớ của bần đạo, hôm nay, không phải về những buổi chiều mưa nhiều/ít ở Sài gòn hay Cali, rồi lại khóc. Nhưng, nhớ nhung/nhung nhớ hôm nay lại nhớ rất nhiều về “một buổi chiều” Đức Chúa của mình từng “Phục sinh” hay “trỗi dậy” một lần là mãi mãi. Nhớ nhung/nhung nhớ của bần đạo, nhân một buổi chiều nghe người nghệ sĩ hát cho mình nghe ca khúc có nỗi xót xa, ở bên dưới:         

“Không chi xót xa cho bằng thân phận người
Xa nhà sống một mình đơn côi.
Cũng may thời gian qua vun vút không như Sài Gòn
Nếu không tôi đã khóc một giòng sông.
Khóc một giòng sông, tôi đã khóc một giòng sông.
Một giòng sông dài, nhớ cha, nhớ mẹ.
Nhớ anh, nhớ chị.
Khóc một giòng sông, tôi đã khóc một giòng sông.
Một giòng sông dài, những chiều mưa tôi khóc.
Khóc một giòng sông.
(Đức Huy – bđd)

Đấy thấy không? Nghệ sĩ nhà mình chưa kịp hát đã muốn khóc rồi. Khóc thật nhiều, để rồi lại sẽ xót xa thân phận người phàm những là “xa nhà sống một mình đơn côi…”

Thế còn, nhà Đạo mình mỗi lần nhớ về lễ hội Phục Sinh, Đức Chúa của mình đã “trỗi dậy từ cõi chết”, thì tôi và bạn lại đã nhớ gì? Có nhớ tập tục mà người xưa ở chốn trời “Tây Phương cực lạc” ấy đã mừng kính cũng rất mực, rồi đưa vào văn-hoá Đạo Chúa để rồi trở thành Lễ-Hội Phục Sinh chăng? Nếu không, xin đề-nghị bạn và tôi, ta thử để mắt cứu-xét mục hỏi/đáp trên tờ Tuần Báo Sydney có những lời lẽ rất như sau:

“Thưa Cha, Tôi nhớ có đọc ở đâu đó có nói rằng: cụm-từ “Phục Sinh” có gốc nguồn sử-dụng từ dân ngoại. Điều có có thật không, xin cha cho biết để con đây khỏi tranh-luận, đỡ mất lòng”.

Vâng. Cha cố nào cũng thế. Hễ nghe đàn con ít đọc sách sử, chí ít là Giáo-sử, cũng sẽ nhanh chân đáp trả ngay kẻo con cái nhà Đạo mình thua cuộc trong cãi cọ, cũng không tốt. Và, câu trả lời của đấng bậc vị vọng, chắc chắn như thế này:

“Trước khi tìm hiểu nguồn-gốc phát-sinh ra cụm-từ “Phục Sinh”, ta cũng nên tự nhắc nhở mình rằng: khi mừng kính Phục Sinh, dù ta có gọi đó bằng tên gọi thế nào đi nữa, vẫn là việc mừng kính Đức Kitô Sống Lại và cùng với sự việc này, ta còn mừng Ngài cứu chuộc tất cả mọi người chúng ta.

Đây là hội lễ quan-trọng nhất trong năm đối với tín-hữu Đức Kitô và là ngày vui đích-thực, như Thánh vịnh từng có câu như sau: “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ (Tv 118: 24).  Xem thế thì, điều quan-trọng không nằm ở chỗ: ta coi sự việc ấy vui đến thế nào, mà là: Qua dự-kiện này, ta mừng kính những gì đây?    

Quay về lại với danh xưng ngày lễ hội, thì: với ngôn-ngữ trời Tây và ở cả vài nước bên Đông Phương, thì tên gọi “Phục Sinh” xuất-phát từ cụm-từ “Vượt Qua”, tức lướt vượt rồi ngang qua . Hồi tưởng lại thời-kỳ người Do-thái lưu-đày từ đất Ai Cập lạc-loài trở về, họ được dạy là hãy giết cừu non bôi máu lên cửa ra/vào nhà mình, để rồi tối đến thần chết ghé ngang qua sẽ chỉ giết sạch trẻ đầu lòng người Ai-cập không có vết máu bôi lên đó, mà thôi.

Ta có thói quen sử-dụng tự-vựng Vượt Qua là để qui về Đức Kitô, là chiên con đích-thực ngày Vượt Qua, nhờ cái chết và sự sống lại của Ngài, ta được giải-thoát khỏi ách nô-lệ đoạ-đày của tội lỗi, cái chết và ác-thần sự dữ nữa. Thánh Phaolô có viết lá thư đầu cho giáo-đoàn Côrinthô có gọi điều này bằng những lời sau đây: “Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta.” (1 Côrinthô 5: 7)

Thành thử, đối với nhiều ngôn-ngữ trên thế-giới Phục Sinh đích-thực là Lễ Hội Vượt Qua. Bên tiếng Pháp, mọi người không phân-biệt tôn-giáo vẫn mừng chúc nhau “Niềm Vui Vượt Qua” (“Joyeuse Pâques”), trong khi đó, tiếng Tây Ban Nha cũng mang một ý-nghĩa tương-tự, lại đã dùng ngữ-âm giống như thế, tức: “Felices Pascuas”, tiếng Ý thì gọi: “Buona Pasqua”, ngay cả tiếng Inđô cũng phiên-âm cùng một cụm-từ như”Selamat Paskah”. Trong khi đó, người Bắc Âu cũng làm một việc tương-tự như bên tiếng Hoà-Lan, ta có “Vroliik Pasen”, tiếng Na-Uy lại cũng nói: “God pãske: và tiếng Thuỵ Điển, cũng giống hệt thế, tức: cũng phát lên âm-vực gọi là “Glad Pãske”.

Còn, hỏi rằng bên tiếng Anh sao lại gọi là “Easter”, nghe cũng lạ. Thì, thánh Bede là thày dòng (672-735) khi xưa có viết về tháng “Eostre” tức tháng Tư, vì đại lễ này được mừng để nhân-danh vị nữ-thần này đúng vào tháng Tư mang tên nữ-thần “Eostre” hoặc “Ostra” mà tiếng Đức có nghĩa là tên của thần rạng đông, mặt trời mọc. Nữ-thần này được mừng kính sau nhiều tháng ngày mùa Đông đen tối che phủ khắp cõi miền ở phương Đông, tức: vị thần mang lại sự sống phục hồi gia-tăng từ bóng tối, tức: sự chết.

Thật dễ hiểu, khi thấy Kitô-hữu chúng ta nối kết cụm-từ Phục Sinh với Lễ Hội Phục-hồi Sinh-lực, khi ta cử hành mừng sự việc Đức Giêsu trỗi dậy từ sự chết đem ánh-sáng của sự sống đến với thế-gian. Đức Kitô luôn được coi như Mặt Trời của sự Công-Chính và Ngài được nối-kết với trời Đông, rất ý-nghĩa...

Thành ra, ta có thể nói rằng: bẵng đi từ nhiều thời-đại thần Eostre được coi là nữ-thần của dân ngoại, nhưng cụm-từ “Phục-Sinh” (tức: Easter) lại rất phong-phú về ý-nghĩa đối với. Thế nên, ta cũng đừng tỏ ra quá ưu-tư phiền-sầu về tên gọi, nhưng tốt hơn hãy mừng kính niềm vui của Đức Kitô đã Phục-hồi Sinh-lực từ bóng tối sự chết, thế nên có gọi là Phục-sinh cũng thật rất đúng.”                 (Xem Lm John Flador, Pagan origins of “Easter” and the Christian bent of building on culture The Catholic Weekly 16/04/2017 tr. 32)

Thế đấy, là lời hỏi/đáp của đấng bậc về Phục Sinh rất thật hay không thật. Còn, về lý lẽ mà nhiều người vẫn cứ đem ra để cãi vã hoặc tranh-luận, lại cũng có vài điểm tích-tụ nghe hơi khác, khiến đấng bậc thày dạy ở Úc có lời biện-luận, như sau:

“Nhiều thành viên Hội thánh xem ra vẫn cãi tranh, giành giựt mọi thắng lợi để thuyết phục mọi người chấp nhận lý lẽ mình đưa ra. Về sống lại, nhiều sự kiện xảy đến với Chúa, không theo hướng quen thuộc, nên nếu người người sử dụng ngôn ngữ bình thường để suy-tư nghĩ-ngợi, ắt thấy khó mà tin. Khó, nhưng đó là việc có thật, từng xảy đến. Chúa sống lại, tuy gây dao-động, nhưng đã tạo cho mọi người xác tín rằng niềm tin chính là quà tặng Chúa ban để mọi người có dịp suy nghĩ. Suy và nghĩ, những gì xảy đến với Chúa, rất hợp tình hợp lý chẳng nghi nan.

Xét bề ngoài, ta thấy nhiều việc xảy đến với Chúa xem ra khá mâu thuẫn. Nên trên thực tế, không phải ai ai cũng đều công nhận Chúa đã sống lại làm người thường. Nhưng, nếu Ngài sống lại bằng cách mặc lấy xác phàm làm người thường, thì sau đó, chắc Ngài sẽ phải chết thêm lần nữa. Sự thật, không phải thế.

Trình thuật hôm nay, thánh Luca mô tả việc Chúa đến đồng hành với môn đệ bằng hình hài ta thấy và sờ chạm được bằng chân tay, nhưng không thể tưởng tượng được là: Ngài sẽ phải chết, thêm lần nữa. Thật ra, không thể có chuyện như thế. Điều, thánh Luca kể ở Tin Mừng, là để nói lên ý nghĩa nào đó mà nhiều vị gọi là truyện “Đường Emmaus, hành trình với môn đệ”.

Về thể lý, một khi đã chết rồi, thì những gì là xác thân hoặc vật thể vũ trụ, đều rữa nát, vỡ tan. Không ai có thể trở lại sống với xác thân có xương thịt vẹn toàn như khi trước. Chẳng người nào lại có thể duy trì cùng một xác thân, suốt miên trường. Khi đã chết rồi, mà lại tái sinh với nguyên vẹn hình hài như khi trước, thì đó chỉ có thể là vòng chuyển luân, luẩn quẩn hết kiếp này đến kiếp khác, khoanh tròn quanh thành vòng quay sống-chết/chết-sống, không lối thoát.

Truyện hai môn đệ hướng về thành đô Giêrusalem được thánh Luca ghi chép, còn để nói lên rằng: Đức Giêsu được đồ đệ nhận ra Ngài đích thực là Đức Chúa Ngôi Hai, vẫn tồn tại với mọi người. Ngài chẳng là quỉ ma hiện hồn theo qui cách của người thật. Nhưng, Ngài hiển hiện qua hình hài sao đó, rất sống động (Mc 16: 12).

Ở đây nữa, khi viết Tin Mừng Phục Sinh, thánh Luca tập trung nhấn mạnh vào điểm, bảo rằng: Chúa tỏ cho mọi người thấy hình hài của Ngài theo qui cách rất khác, nên khi gặp lại Ngài, đồ đệ thấy mình sợ hãi, đến khiếp kinh (Lc 24: 37). Vì kinh khiếp, nên đồ đệ mới nói năng những điều chẳng có nghĩa. Theo nhà chú giải Kinh thánh Herbert McCabe, thì: khi đồ đệ gặp Thầy Chí Ái, các thánh cứ tưởng Thầy là Vị đồng hành chẳng hề quen biết. Kịp đến khi Thầy nhắc lại toàn bộ chi tiết về lịch trình cứu độ, các thánh mới vỡ lẽ ra đó là Thầy.

Xem thế thì, Phục Sinh là điều mà người phàm xác thịt chúng ta chẳng thể nghiệm ra bằng lý lẽ của đời thường, để kiểm chứng. Bởi, dù biết Chúa sống lại thật, các thánh vẫn không coi đó như một chứng cứ hiển nhiên, tựa khi Ngài còn sống. Nhận biết hình hài Chúa rất nhãn tiền, điều đó có nghĩa: các thánh đã có động thái tin-yêu rất khác thường, trong cuộc sống.

Và, đây là thực tại chỉ xảy đến với những người cũng trỗi dậy như Chúa và với Chúa bằng niềm xác tín yêu thương của người vẫn tin. Tin, theo quy cách và ý nghĩa khác. Khác ra sao, đó là vấn đề. Là, sự thực. Thực ra sao? Cũng nên suy xét.

Trở về với lập trường chú giải của các tổ phụ thuộc Giáo hội Đông phương thời tiên khởi, như: Thượng phụ Origen, Grêgôriô thành Nyssa… khi gọi sự việc gì là ‘cảm nhận linh thiêng’, các ngài có ý nói về cảm xúc thiêng liêng, sốt sắng. Điều mà các đấng bậc trên nói đến, có ý bảo rằng: tất cả chúng ta đều mang trong người cung cách yêu thương có nhận thức sự vật mà não-bộ-thần-kinh-thuộc-mé-trái không thể lĩnh nhận.

Nhờ yêu thương như thế, con người ‘định hình’ sự vật thành những ảnh hình như do chính mình tạo ra. Làm như thế, là để tác tạo thực thể như mọi người vẫn làm cho chính mình, nơi phần sâu thẳm của con người. Làm như thế, là để nhận thức rằng: thực thể ấy có thật. Vượt quá phạm vi và qui cách của ảnh hình. Nói theo ngôn từ triết học, thì các triết gia gọi đó là “tiềm thức”. Coi đó là giòng chảy sống, rất diệu kỳ. Là, sờ chạm thế giới nguyên uỷ không hư nát, mà thường ra, ta không sống ở trong đó.

Nhận thức sự vật như thế, giống hệt cảm giác thấy được ‘lửa ngọn’ rực cháy trong người mình. Lửa rực cháy, khiến mình sống yêu thương, hạ mình. Thúc bách mình sống bừng sáng luôn tiến về phía trước. Có tiến như thế, mới cảm nhận được ‘lửa ngọn bừng bừng’ đang trào dâng với mức độ rất mới mẻ. Khác thường. Có kinh nghiệm từng trải rồi, người người sẽ nhận ra cuộc sống lại thực sự đang dâng trào nơi con người mình.

Đó là cung cách mà dân con đồ đệ dám sử dụng thơ văn như chưa từng làm, và cũng chẳng ai nghĩ tới để diễn tả tình huống Chúa Phục Sinh hiện hình với dân con của Ngài, thật như thế. Có thể nói, các thánh đã sờ chạm Chúa. Cảm nhận được nhịp đập nơi tim mạch cùng vết thương đầy máu của Ngài. Thấy được Thầy mình bẻ bánh rồi cầm lên ăn. Các thánh không thể quên được vị ngọt nơi bánh thánh Thầy trao tặng. Tự thân, các thánh đều biết rõ chính Thầy là Đấng đã bẻ bánh phân phát cho người nghèo hèn, rất đói kém. Tương lai mai ngày, rồi ra các ngài cũng sẽ tạo nên thơ/văn như thế để kể về Thầy đến với mình, nơi nào đó.” (X. Lm Kevin O’Shea, Có Lần Tôi Thấy Một Người Đi, Lời Chúa Sẻ San Năm A, nxb Tôn Giáo 2013, tr. 115118)  

Nói cho cùng, có suy-tư nghiền ngẫm các sự-kiện Chúa “trỗi dậy” theo thơ văn/nghệ-thuật hay sao đó, cũng vẫn là chuyện nhung-nhớ những gì Đức Chúa dẫn dụ qua thơ văn/truyện kể rất Tin Mừng, rằng:

“Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng:
"Các anh chẳng hiểu gì cả!
Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!
Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế,
rồi mới vào trong vinh quang của Ngài sao?”
(Luca 24: 25-26)

Chậm tin hay không vào “lời các ngôn-sứ”, vẫn là tình-trạng của nhiều người Đạo Chúa rất lâu nay. Chậm hay mau, tin hay không, vẫn là tình trạng “khóc lóc” rất nhiều về một giòng sông đang chảy xiết, để rồi bạn và tôi ta lại hát những lời như:

“Nếu không tôi đã khóc một giòng sông.
Khóc một giòng sông, tôi đã khóc một giòng sông.
Một giòng sông dài, nhớ cha, nhớ mẹ.
Nhớ anh, nhớ chị.
Khóc một giòng sông, tôi đã khóc một giòng sông.
Một giòng sông dài, những chiều mưa tôi khóc.
Khóc một giòng sông.
(Đức Huy – bđd)

Thế nhưng, để dung-hoà một tình-tự nhung nhớ, có “khóc ròng” một giòng song, cũng xin đề nghị bạn/đề-nghị tôi ta đi vào vùng tưởng nhớ có truyện kể để kết luận như sau:

Ngày xưa có 3 cái cây mọc gần nhau trong rừng. Chúng thường nói rì rào với nhau về ước mơ và những hy vọng của mình.

Cây thứ nhất bảo: “Tớ muốn được trở thành một hộp gỗ quý, được đựng trong lồng một kho báu đầy vàng bạc đá quý”. Cây thứ hai cũng nói: “Tớ muốn được trở thành một con tàu vĩ đại, sẽ đưa các vị vua và nữ hoàng vượt biển. Cuối cùng thì cây thứ ba nói: Tớ muốn mọc thành cái cây cao nhất trong rừng. Như thế, mọi người sẽ nhớ đến tớ”.

Sau nhiều năm, người ta vào rừng đốn cây. Nhìn cây đầu tiên, một người nói:
- Cây này gỗ có vẻ tốt, tôi sẽ đốn nó bán cho bác thợ mộc gần nhà. 
Cây rất vui vì tin rằng bác thợ mộc sẽ biến nó thành hộp đựng vàng bạc. 

Người thứ hai vỗ vỗ vào thân cây thứ hai:
-Cây này cũng được, tôi sẽ đốn nó bán cho bác thợ đóng thuyền.
Cây thứ hai rất mừng vì nghĩ rằng bác thợ thuyền sẽ đóng nó thành một con tàu lớn.

Khi người thứ ba đến gần cây thứ ba, cây này rất thất vọng và lo sợ, vì biết rằng một khi người ta đốn nó xuống, tức: giấc mơ của nó sẽ không bao giờ thành hiện thực nữa. Y như rằng, người thứ ba bảo:
-Tôi cũng sẽ đốn cây này.

Cây thứ nhất được bán cho người thợ mộc, bác ta đục nó thành một cái như nôi trẻ con nhưng vì không vừa ý nên lại quẳng nó ra sân, thậm chí còn nhét cỏ khô vào. Sự thể đã không như cây tưởng tượng!

Cây thứ hai được người thợ thuyền đóng thành cái thuyền câu cá bé tẹo. Nó nghĩ giấc mơ trở thành con tàu lớn chở vua và hoàng hậu đá tan tành... Người đốn cái cây thứ ba chẳng có mục đích gì nên ông cứ kệ nó ở trong kho.

Nhiều năm trôi qua, những cây ấy đã quên đi ước mơ của mình khi xưa. Một buổi tối rét buốt, có hai vợ chồng nghèo đi qua nhà bác thợ mộc. Họ bế một đứa bé mới sinh, đang khóc vì lạnh.Mà mẹ nhìn thấy cái nôi đầy khỏ khô ngoài hiên nên đặt đứa bé vào đó. Được ấp ủ trong cái nôi cỏ, đứa bé thôi khóc, cây thứ nhất --nay là cái nôi-- cảm nhận được sự quan trọng của mình lúc đó và biết rằng mình đang được đựng trong lòng một kho báu lớn hơn tất cả vàng bạc đá quí :một sinh linh bé bỏng và tình thương yêu cua bố mẹ em bé.

Ít lâu sau, người thợ đóng thuyền dùng chiếc thuyền nhỏ đóng băng cái cây thứ hai đi chơi và ngủ thiếp đi. Không may một lúc sau trời trở gió và nổi dông. Thuyền bắt đầu chao đảo, vô cùng nguy hiểm. Bỗng một người dân trên bờ nhìn thấy, vội chèo thuyền của mình thật nhanh tới chỗ người thợ đang ngủ. Bác thợ đóng thuyền tỉnh dậy ú ớ hoảng hốt, nhưng người dân kia đã bỏ thuyền của mình nhẩy sang thuyền của người thợ và lấy hết sức chèo vào bờ.

Lúc đó cây thứ hai nay là cái thuyền-đã biết rằng mình đang chở một vị vua của lòng dũng cảm. Cuối cùng cây thứ ba, sau một thời gian nằm trong kho tối tăm thì có người đến hỏi mua nó. Người này biến cây thành một cái cột nhỏ rồi vác lên đỉnh đồi, đóng xuống để sắp tới bắc đường dân điện-lần đầu tiên tới vùng hẻo lánh này. Đến khi người ta mắc đường dây điện,cái cây thứ ba- nay là cái cột điện-hiểu rằng mình đang đứng trên đỉnh đồi, cao hơn rất nhiều các cây khác và thực hiện một nhiệm vụ lớn lao khiến ai cũng có thể luôn nhớ tới.

Và người kể lại cũng có những lời bàn như sau: “Khi mọi việc diễn ra không theo ý bạn mong muốn không có nghĩa là giấc mơ của bạn đã tan tành rồi. Trong cuộc sống luôn có những "kế hoạch dài hạn", người ta có thể có được những cái mà mình mong ước, nhưng không chắc là đúng như những gì người ta tưởng tượng. Vì vậy, đừng bao giờ thôi mơ ước và hy vọng vào những điều tốt đẹp bạn nhé!”

Thật ra, truyện kể ở trên không để nói rằng cây cối biết nói lên những gì là tốt/xấu trong đời người. Nhưng, người kể chỉ muốn nói về ý-nghĩa của niềm hy-vọng để ta tin vào sự thật rồi thực hiện ước vọng sống sự thật ấy trong đời mình. Sự thật ở đây, hôm nay, là mơ ước được gặp gỡ Ngài như hai tông đồ từng gặp trên đường Emmaus, nếu tất cả chúng ta quyết thực-hiện những điều Ngài dạy ở Kinh Sách.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những sự kiện tương tự
Khi nhớ đến bài hát
Tôi đã khóc một giòng sông.