Tuesday 19 December 2017

“Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 4 mùa Vọng năm B 24/12/2017

“Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên”
Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên
Bao đêm tôi đã một mình nhớ em
Ðêm nay tôi lại một mình.”
(Thanh Tùng – Một Mình)

(Mt 14: 26)  

Có lẽ, chính vì bạn cứ hát những câu như: “Bao đêm tôi đã một mình”, rồi còn thêm: “Đêm nay tôi lại một mình”, thế nên mới xảy ra những cảnh tượng một mình ngồi thấy ghê ghê, đến rợn người.

Thế đó, là tâm-trạng của rất nhiều người từng thắc mắc và hỏi han đấng bậc nhà Đạo những chuyện tréo cẳng ngỗng như sau, thì làm sao cố Đạo biết đâu mà trả lời/trả vốn cho ra nhẽ. Quả là, cố Đạo người Tây ở Sydney cũng từng nghe hỏi rất nhiều những câu hỏi khá là vẩn vơ, khiến đức ngài ơ thờ bèn trả lời/trả vốn rất huề vốn như câu chuyện hỏi đáp. Thế nhưng, trước khi nghe kể, tưởng cũng nên nghe người nghệ-sĩ hát thêm đôi ca-từ thấm-thía, như sau:

“Nhớ em vội vàng trong nắng trưa.
Áo phơi trời đổ cơn mưa.
Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ.
Tan ca bố có đón đưa.
Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai.
Gió sương mòn cả hai vai.
Ðôi chân chênh vênh con đường nhỏ.
Nghiêng nghiêng bóng em gầy.
Vắng em còn lại tôi với tôi.
Lá khô mùa này lại rơi.
Thương em mênh mông chân trời lạ.
Bơ vơ chốn xa xôi.
Vắng em đời còn ai với ai.
Ngất ngây men rượu say.
Ðêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ.
Cô đơn, cùng với tôi về.....”
(Thanh Tùng – bđd)

“Cô đơn”, nhung nhớ và gì gì nữa, vẫn là và sẽ là những tình-tự ở đời, còn nhớ mãi khôn nguôi. Nói về chuyện “nhớ”, thì bần đạo bầy tôi đây là cũng nhớ đôi giòng hỏi đáp giữa thày/trò, cha/con trong Đạo có nhiều nỗi nhớ, rất như sau:

“Thưa Cha,
Nhiều năm qua, con đây vẫn thường nghe nhiều truyện kể về những người từng thấy “ma”, và có cả những vị bảo rằng mình từng nghe nhiều âm-thanh “lạ tai” thậm chí còn nói: họ thấy cả đồ vật di-chuyển tuỳ hứng mà chẳng có duyên-do, cớ sự gì hết. Vậy, người Công giáo nhìn sự việc này như thế nào? (câu hỏi nghe quen quen từ một giáo-dân ở huyện nhà, là giáo-xứ).

Và đây, lại một trả lời cũng rất quen từ một đấng bậc cũng quen thuộc ở Sydney, như sau:

“Cả tôi nữa, cũng nghe nhiều truyện từ những người tôi quen biết lại là những người từng nhất quyết bảo rằng họ đã thấy “ma” ở đây đó; hoặc từng nghe nhiều âm thanh lạ, kể cả giọng nói của những người không xuất hiện vào lúc ấy. Hiện tượng về những “căn nhà ma” vì thế có lẽ cũng có một vài nền-tảng, trên thực-tế. Đây thực sự là vụ/việc khi hơn một người đều thấy hoặc nghe/biết cùng một chuyện.

Hỏi rằng: từ câu chuyện ấy ta làm được điều gì? Thì, theo thiển ý, Giáo-hội ta cũng từng có những tuyên-bố chính-thức về vấn-đề này, nên tôi cũng chẳng thấy cần để đưa ra câu trả lời dứt khoát cho vấn đề này. Ta cũng từ đó nên rút ra điều mà mọi người biết được do kinh-nghiệm và do từ niềm tin của người Công-giáo.

Tác giả Peter Kreedt có viết trong cuốn sách có nhan-đề là “Tất cả những gì mọi người cần biết về thiên-dàng, lại đã đề-cập đến chuyện “ma quái” rất kinh-hoàng. Ông công-nhận rằng có ba chứng cứ đáng kể về ma quái gặp thấy trong hầu hết mọi nền văn-hoá. Ông phân-biệt ba loại ma từng xứng-hợp với kinh-nghiệm chung của nhiều người mà tôi từng nói đến.

Thứ nhất, có loại ma được qui về câu hỏi mà anh/chị đưa ra, đó là: các hồn ma thấy được nhưng khá mờ mịt lại không có thân-xác thể-chất đột nhiên xuất-hiện hoặc biến mất. Có lúc, hồn ma ấy được bảo là có dáng dấp đàn ông hoặc phụ nữ, và có độ tuổi nào đó khá đặc biệt, kể cả con nít.

Tác giả Kreeft nghĩ rằng: có thể là, thần-hồn của người phàm xác thịt vẫn còn tồn tại nơi luyện ngục và vẫn còn một số công việc chưa hoàn tất trên trái đất. Có thể là, những thần hồn ấy đã sống hoặc chết ngay tại địa-điểm chúng xuất-hiện. Chẳng có gì gọi được là ác-thần/sự dữ khi ta nói về các “thần hồn” ấy, dù có làm cho người chứng kiến cảnh-tượng này, thấy hãi sợ.

Thật ta không thể cắt-nghĩa được tại sao các “hồn” ấy lại được phép xuất-hiện trên cõi trần này, nhưng có quá nhiều truyện kể để xua đuổi chúng để đầu óc con người khỏi bận tâm. Cũng có thể, Thiên-Chúa có lý do nào đó cho phép các “thần hồn” này được xuất-hiện. Một trong các lý-do có thể hiểu được, đó là: việc cho phép như thế cố để làm người bắt gặp thấy mủi lòng rồi còn biết đường mà cầu-nguyện cho họ, hoặc dạy cho họ một vài bài học.

Thứ hai nữa, là: các hồn ma mang dáng dữ-tợn có thể xuất tự hoả-ngục, cũng không chừng. Tôi có nghe một số người bảo rằng họ từng thấy đám quỉ dữ mang hình-hài rất khác biệt và tôi không có lý-do gì để nghi ngờ sự thật mà nói ra.

Cùng một loại như thế, có thể gộp chung vào đó các thần hồn được hiện lên trong các buổi lễ hoặc nghi-thức nào khác rất ngoại thường. Bởi, Satan có thể dính-dự vào các buổi ấy, nên Giáo-hội từng dựa vào Kinh thánh (như ở sách Đệ Nhị Luật đoạn 18 câu 9-13) từng cảnh giác các tín-hữu mình đừng nên dính-dấp vào buổi ấy.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có dạy rằng: “Mọi hình-thức bói toán nói tiên-tri đều phải được loại bỏ: chạy đến với Satan hoặc ma quái, quỉ thần để nhờ cậy, hoặc gọi hồn người chết hoặc “cầu cơ” này khác để bảo rằng “sức mạnh thần-kỳ ấy có phép thần thông đoán được tương lai con người” luôn là chuyện sai trái, đầy dối trá.

Lại nữa, tra-cứu, đoán ý tử vi đẩu số, chiêm-tinh, coi chỉ tay, giải-đoán điềm thiêng dấu lạ, cùng các hiện-tượng giải-đoán tương lai mai ngày, rồi chạy đến với môi-giới tất cả đều che đậy một khát-vọng có quyền-phép trên cả thời-gian, lịch-sử để phân tách kết cuộc những người khác, cùng thu-phục các quyền-uy thế-lực tiềm ẩm ở bên dưới. Tất cả những thứ như thế đều trái với niềm vinh-dự, sự tôn-trọng và kính sợ những gì ta mắc nợ chỉ mình Thiên-Chúa, thôi.” (X. GLHTCG đoạn 2116)

Trường hợp có sự việc các đồ vật di chuyển gây tiếng động hoặc tiếng ồn lạ lùng mà không có nguyên nhân rõ ràng dứt khoát do hồn ma phối hợp với Satan tạo ra. Thánh Gioan Vianney, Cha xứ họ Ars, thường nghe thấy tiếng động của tủ giường/bàn ghế và tiếng động lạ kỳ trong nhà về đêm, và thánh-nhân biết chắc chắn rằng quỉ dữ đang làm việc để ngài lo ra chia trí trong công-cuộc thừa-tác đầy kết quả ở toà giải tội.

Nếu ai trải-nghiệm cũng một hiện-tượng như thế trong nhà mình, thì tốt nhất nên tìm một linh-mục hoặc ngay đến đấng trừ tà ở giáo-phận mình mà xin chúc lành hoặc làm phép trừ tà cho căn nhà của mình.

Thứ ba là, có những truyện kể về sự xuất-hiện của các bậc hiển-thánh hoặc người thân đã chết, thông thường là các thành-viên trong gia-đình mình từng được công-nhận là các vị này có biệt-tài như thế. Nhưng, các ngài không làm ai hãi sợ, đúng ra là tạo sự ủi-an và hy-vọng cho người thân của mình, thôi. Đôi lúc, thành-viên gia-đình đã quá cố, các thiên thần hoặc các bậc hiển-thánh có thể cũng xuất-hiện khi có người thân yêu khác trong gia đình đang đi dần vào chỗ chết, có lẽ để an ủi người sắp chết hoặc tháp-tùng họ đi vào cuộc sống đời sau. Đây, lại là vấn-đề của linh-hồn hoặc những vị đang ở chốn thiên cung.

Nói chung thì, khi các trải-nghiệm của con người đưa ra quá nhiều truyện kể về bóng mờ của các bản-thể linh-thiêng xuất-hiện, một số trong đó được gọi là “hồn ma”, thì cũng không có lý-do gì để ngờ-vực tính chân-thực của các vị này.

Do bởi các sự việc như thế thỉnh thoảng mới xảy ra, thì cũng không nên sợ họ. Giả như có ai trong chúng ta lần đầu thấy loại “hồn ma” nói trên xuất-hiện, thì cũng nên cầu-nguyện cho linh-hồn của người vừa hiện hình và cũng lẽ cũng nên lấy nước thánh rảy lên nơi chỗ vị ấy xuất hiện, thật mới đúng.” (X. Lm John Flader, Church and ghosts, The Catholic Weekly 18/01/2009, Question Time, tr.10)

“Thần hồn” hiện ra, lại cũng giông giống lời ca hôm nào, những hát rằng: “Cô đơn, cùng với tôi về”, và cũng có thể là lời đề-nghị tôi và bạn, ta quay về với vùng trời câu truyện kể khá đáng kể về tâm-trạng cô đơn nhưng không diệu vợi của cuộc đời, cũng rất người.

“Cô đơn, cùng với tôi về” còn gợi nhớ câu truyện kể về “Ông Lão Kỳ Lạ” đọc được ở trên mạng thấy có nghĩa, bèn trích lại đây để bạn và tôi cùng thưởng-thức rồi sẽ tính. Câu truyện được kể như sau:

“Lần đầu tiên tôi nghe về lão là mùa Giáng Sinh 1990. Chiều 24 tháng 12 năm ấy, tôi lên thăm bạn ở thành phố Lausanne. Chúng tôi rủ nhau đi phố sắm sửa vài món quà cho bữa tiệc thân hữu gặp nhau. Phố xá lạnh lẽo và vắng lặng lắm vì đa số mọi người đã đều đi về đoàn tụ với gia đình. Trời lất phất đổ tuyết, gợi cho lữ khách, tùy tâm trạng, mà cảm thấy lãng mạn hay cô đơn kinh khiếp.

Với tôi, năm ấy thật buồn, vì ba mẹ tôi đi Hoa Kỳ thăm bạn, còn tôi vì phải lo học thi cho học kỳ mùa Đông, nên không đi theo được. Ở lại xứ cao nguyên sương mù, gió lạnh trong mùa Giáng Sinh lê thê quả là một chuyện cô đơn khó chịu. May mà còn có bạn bè dễ thương. Họ làm tiệc mời tôi và qua đó cũng ấm lòng người viễn xứ! 

Khi ở phố về, chúng tôi chọn đường tắt nên đi ngang qua một chiếc cầu rất dài, bắc lắt lẻo trên ghềnh đá, đứng trên thành cầu nhìn xuống dưới người yếu bóng vía dễ bị xây xẩm vì chiều sâu hun hút hiểm trở. Người bạn đi chung chợt giật tay tôi chỉ một túp lều vải được dựng ngay bên cạnh đầu cầu. Tôi hơi ngạc nhiên, vì mùa này không phải là mùa để người ta cắm trại nơi đây! Bạn tôi kể rằng từ 20 năm nay, mỗi năm cứ đến mùa Giáng Sinh lại có ông già đến đây cắm trại.

Tôi ngạc nhiên hỏi lý do. Bạn tôi cho biết chiếc cầu này là nơi quyến rũ nhiều người cứ đến mùa Giáng Sinh ra nhảy cầu tự tử. Vì mùa Giáng Sinh ở Thụy Sĩ buồn quá, những người sống cô đơn thường bị cơn trầm cảm (Depression) hành hạ nên dễ tìm cái chết. 20 năm qua, người đàn ông đã cắm trại ở đầu cầu, nếu thấy ai một mình đứng trên cầu, lập tức ông bước tới nói chuyện khuyên nhủ. Trong lều của ông thường có rượu chát, chocolade và vài món quà nho nhỏ. Người có ý định tự tử thường được ông mời vào lều cho uống rượu tâm tình, cho đến khi người đó bỏ ý định quyên sinh.

Trước khi rời khỏi lều, thể nào họ cũng được ông cho món quà có ý nghĩa, với số điện thoại để sau đó cần người nói chuyện thì tìm ông. Ông làm việc âm thầm và không nhờ bất cứ hội đoàn nào giúp sức. Nghe lời kể của bạn tôi, tôi xúc động lắm, thật không ngờ giữa cuộc sống có quá nhiều bon chen, tranh giật lại có Tâm Bồ Tát hiện hành. Tôi kéo bạn tôi đi về phía lều của ông lão và tỏ ý muốn nói chuyện. Ông lão mở cửa lều, mời chúng tôi vào. Đó là một người đàn ông có dáng người khắc khổ, tuổi khoảng trên dưới 70 tuổi, gương mặt đầy từ ái. Trong căn lều thiết trí rất đơn giản, có tấm thảm trải cho ấm và một lò than nho nhỏ bên cạnh để sưởi, nấu trà, cafê và thức ăn. 

Ông lão hỏi chúng tôi sao lại đứng trên cầu bàn luận lâu vậy, giữa thời tiết giá lạnh trong buổi chiều Noël? Tôi kể ông nghe về cảm nhận của mình khi biết chuyện và vô cùng tán thán hạnh nguyện của ông. Ông lão mỉm cười:
-Thì sống trong đời, ta có thể làm được việc gì tốt cho người khác thì phải cố gắng thôi!“ Ông cũng cho biết thêm: có nhiều người oán trách tôi vì tôi bắt họ tiếp tục sống để chịu khổ!

Chúng tôi nói chuyện với nhau khoảng 1 giờ đồng hồ về nhiều đề tài rất tương đắc, ông lão rất thông thái, rất tế nhị và khi nói chuyện có sức thuyết phục rất cao. Sau đó chúng tôi từ giã ông để trở về lo bữa tiệc buổi tối.

Từ đó, thỉnh thoảng tôi gọi điện thoại nói chuyện với ông. Tình bạn giữa chúng tôi nảy nở và trở nên thân thiết. Ông tên Peter Dupont, tuổi đã 72 và sống một mình cô độc. Tôi cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao ông không có gia đình. Ông bảo:
-Khi trước tôi cũng có bà mẹ nữa, vì phụng dưỡng mẹ nên tôi chẳng lập gia đình, ngày tháng qua đi, trở thành người già khi nào không biết.”

Ông làm việc tại ngân hàng X với nhiệm vụ chuyển thư từ tài liệu từ văn phòng này tới văn phòng khác. Ông không bao giờ nghỉ, trong suốt 40 năm làm việc tại đây. Khi mẹ ông qua đời trong đêm, ông đến xin phép ban giám đốc cho ông được nghỉ nửa ngày. Ông giám đốc ngạc nhiên thấy ông xin nghỉ, hỏi lý do mới biết đêm qua mẹ ông qua đời. Ông giám đốc kêu trời và bắt ông nghỉ 1 tuần ở nhà lo mọi chuyện. Sau 3 ngày, ông gọi điện thoại xin cho ông đi làm lại kẻo không ông cũng sẽ „chết“ như bà mẹ của ông mất, nếu người ta còn bắt ông ở nhà! 

Quả thật tôi không thể hiểu được tại sao có người ham mê công việc đến thế, ông lão trả lời những thắc mắc của tôi rằng:
-Ta được sống trong xã hội đầy đủ thế này, ta nợ biết bao nhiêu người, nếu không làm việc để trả lại những ân nghĩa ta vay, thời ta nợ đến bao giờ mới trả nổi!?“ Tôi giật mình vì lý luận của ông rất gần với tư tưởng Bồ Tát Đạo của Phật Giáo đại thừa, trong khi ông là KiTô-Hữu.

Với thời gian, chúng tôi khám phá ra ông Dupont cũng chính là khách hàng ở nhà bank nơi bạn tôi làm việc, mặc dù cũng làm việc cho nhà bank, song nhà bank nơi ông làm việc thuộc nhà ngành quản trị gia tài, trong khi ông chưa giàu có để có trương mục tại ngân hàng đó. 

Ông biết bạn tôi và rất tin tưởng khi có chuyện gì có liên quan đến ngân hàng tiền bạc. 

Thời gian trôi đi, đã 14 năm kể từ ngày tôi quen ông Dupont. Hàng năm ông vẫn đến cắm trại bên cầu, dù rằng tuổi ông đã quá cao và yếu nhiều. Rất nhiều người biết về ông, có những bài phóng sự hay chương trình truyền hình nói về ông, song chưa bao giờ những thứ ấy khiến ông để ý! Ông thường tỏ ra khó chịu khi người ta tới quay phim, phỏng vấn ông. 

Hôm qua, tôi nhận được điện thoại của bạn tôi, tôi đã lặng người đi khi nghe tin ông đã vừa giã biệt cõi đời! Cảm động nhất là trước ngày ông mất, ông nhờ người đẩy xe lăn cho ông tới ngân hàng gặp bạn tôi (sau cơn bệnh cách đây 3 tháng, ông không đi lại được nữa, mà phải ngồi xe lăn), ông mang tất cả các hoá đơn thuế nhà, thuế đất, bill điện nước theo và yêu cầu bạn tôi thanh toán giúp ông. Ông bảo:
-Ta biết ta sắp ra đi, nay nhờ anh giúp trang trải hết những nợ nần còn sót lại này, ta không muốn còn phải nợ nần gì khi giã biệt cõi trần.”

Ông không có nhiều tiền trong trương mục, nhưng sau khi thanh toán còn lại một chút, bạn tôi hỏi ông muốn làm gì, ông bảo làm gì cũng được, song ông có người cháu họ xa, hiện cũng đã 70 tuổi, nếu số tiền còn lại đó sau khi ông qua đời, được chuyển cho người cháu với lời nhắn nhủ là: “Giáng Sinh năm nay, ráng thay ông, một năm cũng được ra cầu Lausanne cắm trại cứu người, thì ông sẽ mỉm cười thanh thản ở bên kia thế giới“ 

Chỉ vậy, hai ngày sau đó ông ra đi thanh thản tại bệnh viện gần nhà. 
Một vị Bồ Tát bằng xương bằng thịt đã âm thầm đến và đi, không để lại dấu vết! Tôi không đi dự tang lễ của ông được, nhưng nghe đâu rất đông người tham dự! Có nhiều người được ông cứu từ 30 năm về trước cũng mang gia đình con cháu tới tiễn ông. 

Mùa thu … vắng lặng và buồn quá! Chiếc lá vàng rơi để trở về với cát bụi … tăng thêm chất màu mỡ cho đất. Một đóng góp cuối cùng! Ông lão kỳ lạ kia cũng vậy!” (Quảng Diệu Trần Bảo Toàn - Mùa Vu Lan 2548) 

Với tác giả truyện kể, thì: “mùa thu… vắng lặng và buồn quá!…” nhưng như thế vẫn chưa hẳn là chuyện ma quái hay ma quỉ, rất buồn tênh. Lại cũng có những chuyện buồn tênh, nhưng chẳng là ma quỉ hay ma mãnh gì hết, vẫn nên nghe:

Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi.
Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi:
- "Có dư đồng nào không con?".
Tôi đáp:
- "Còn dư bốn ngàn ba ạ".
Ba nói tiếp:
- "Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa".
Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng.” (Truyện về Ba, do người viết không ký tên là tác giả)

Và một truyện kể khác, về “má” cũng không tên người viết như sau:

“Ba hay má, vẫn cứ là những ma và quái âm thầm sống trong đời người làm gì có ma quỉ. Chi có ma, khi “Ba” và “Má” không chịu sống thân phận của mà, của Ba của con người nhiều phận buồn.

Má hay Ba, vẫn không là “Ma” hay “quái quỉ” gì, chỉ là con người đích-thực sống cuộc đời buồn như “ma” mà thôi.”

Thế đó, là chuyện đời cũng nên phiếm hoài, phiếm mãi để rồi sẽ nhận ra rằng: đời người, chỉ một chuyện phiếm rất sương sương nhưng không “vô thường”, rất xưa nay.

Thế đó, là câu chuyện “phiếm” đời người nói mãi không nguôi. Và không hết. Nói gì thì nói, chớ nên nói chuyện ma quái hoặc quỉ mà để rồi tất cả cũng trở-thành quái quỉ đến độ “trẻ không tha, già không thương”, là như thế.

Nói hoài nói mãi một chuyện phiếm, rồi cũng đến lúc ta nên dừng lại để về với ngôi vườn thượng uyển có những lời vàng rồi theo đó mà sống cùng, sống với nhau, cho nhau hạnh phúc mien trường, không sợ hãi. Lời rằng:

“Vào khoảng canh tư,
Ngài đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.
Thấy Ngài đi trên mặt biển,
các ông hoảng hốt bảo nhau:
"Ma đấy!",
và sợ hãi la lên.
Đức Giêsu liền bảo các ông:
"Hãy yên tâm,
chính Thầy đây,
đừng sợ!"
(Mt 14: 26)  

Thế đấy là Ngài, vậy mà môn đệ cứ tưởng là “Ma!” Thế còn, ma kia, quỉ nọ mà người người lại cứ nghĩ là người. Người hay ma, ma hay người, vẫn chỉ là quan-niệm mà nhiều người còn nghĩ đến, mãi hôm nay.

Và, hôm nay xin trở về với đời thường để còn sống những chuỗi ngày còn lại cũng rất người, như người người, ở trong đời.


Trần Ngọc Mười Hai
Chưa từng gặp thứ ma mãnh
hoặc quỉ ma nào hết.
mà chỉ là
những người không thuộc loại
“quỉ tha ma bắt”,
mà thôi.

Thursday 14 December 2017

“Ngày ấy em như hoa sen,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 3 mùa Vọng năm B 17/12/2017

“Ngày ấy em như hoa sen,”
“mang nhiều giáng hiền những khi chiều lên
Ngày ấy em như sương trong,
nép trên bông hồng, mượt trên cánh nhung.”
(Anh Bằng/Trần Ngọc Sơn – Hạnh Phúc Lang Thang)

(Công vụ 1: 6-8)

Giả như ta chuyển ý bài hát ở trên sang thành tư-tưởng của nhà Đạo, thì sẽ thấy câu tiếp diễn tả rất như sau:

“Ngày ấy em như cung tơ,
cho đời thẫn thờ, cho tôi dệt mơ
Đường khuya tay đan ngón tay,
ước cho đời ước mơ dài.

Nhưng năm tháng vô tình, mà lòng người cũng vô tình,
rồi màu úa thay màu xanh
Người yêu xa bến mộng, đò xưa đã sang sông,
giòng đời trôi mênh mông.
Dáng xưa nay xa rồi, đường khuya mưa rơi rơi.
Phố xưa quên một người, bàn chân gieo đơn côi.
Gió mang theo cơn lạnh, về rót lệ trên môi.

Ngày ấy yêu em say mê, tôi nào nghĩ gì đến câu từ ly.
Tình ái không xanh như thơ, đến chung hơi thở,
rồi trôi rất xa
Hạnh phúc lang thang như mây, cho hồn héo gầy,
khi ta còn đây
Từng đêm qua trong giấc mơ,
vẫn mong chờ có em về.
(Anh Bằng/Trần Ngọc Sơn – bđd)

Nói theo kiểu nhà Đạo hôm nay, thì bần đạo đây lại nghĩ thế này: từ lâu lắm, bần đạo cứ giữ đạo theo kiểu con trẻ. Tức là: đem nguyên si những gì mình suy nghĩ về Đạo đi vào cuộc sống rất thời thượng, mà chẳng lý gì đến thời thượng/thời hạ gì ráo trọi.

Nói xa nói gần chi bằng ta cứ nói thiệt, rằng: xưa và nay, người nhà Đạo mình giống như bần đạo bầy tôi đây, lúc nào cũng suy tính tình trạng đi Đạo theo số lượng, mà thôi. Cứ xét theo con số như thế, ắt hẳn tôi và bạn sẽ lấy làm ngạc nhiên khi đọc giòng chảy thống-kê ghi ở tuần báo Đạo Sydney, như sau:

“Khảo sát/nghiên-cứu mới về cuộc sống của Giáo-hội Công-giáo Úc vừa qua cho thấy: đang có sự gia-tăng đáng kể về số lượng cư-dân đa văn-hoá, nữ-giới có học-lực cao so với dân-cư bình-thường ở các quận/huyện trên toàn nước Úc.

Khảo-sát trên cho thấy: 43% người Công giáo tham-dự Tiệc Thánh là những những người đến từ nước ngoài. Thống-kê năm 2006 cho biết con số những người này gồm 34% tổng dân-số ở Úc. Và, tính bình-quân thì 37% số người đến từ các nước không thường-xuyên nói tiếng Anh. Con số nói trên lại cao hơn số người dân Úc tính theo trung-bình; và có khoảng 22% số người có quốc-tịch Úc đều sinh hạ tại các nước không nói tiếng Anh.

5 năm một lần, chính-phủ Úc thực-hiện thống-kê trên toàn quốc và thực-hiện khảo-sát với nhiều giáo-phái khác nhau, trong đó có: Công-giáo, Anh-giáo và Thệ-Phản ngõ hầu lập nên bức tranh cho thấy con số những người còn đi nhà thờ dự lễ.

Tuần qua, sở Thông-kê Úc có đưa ra kết quả khảo-sát thực-hiện vào năm 2016. Kết quả cho thấy rõ: số người Công-giáo hiện còn hành Đạo trên khắp nước. Tổng số 30% người Công giáo Úc nói hai thứ tiếng khác nhau tại nhà, là: tiếng Anh và tiếng nước ngoài. Bản khảo sát, còn cho thấy: chỉ 3% số người được hỏi, trả-lời là: họ nói chỉ một thứ tiếng không phải là Anh-ngữ tại nhà, mà thôi.              

Người thực-hiện cuộc khảo sát ở đây, là Ts Ruth Powell có cho biết: tổng số những người thuộc tầng-lớp sắc-tộc đa-văn-hoá vẫn đi nhà thờ ở Úc nay gia-tăng đáng kể, dù các giáo-phái ở đây gồm toàn tín-hữu không nói tiếng Anh chưa diễn-tả hết sự thật trong khảo sát.

Ts Powell còn cho biết: “So với nước khác, Úc có tỷ-lệ giáo-xứ đa văn-hoá, cũng rất cao. Trong khi đó, số phụ-nữ đi nhà thờ dự Tiệc Thánh thường đông hơn nam-giới, với tỷ-lệ là 62% trên tổng số giáo-dân. Con số này, không làm Tiến sĩ Powell ngạc-nhiên chút nào, do có sự thể là: “nữ-giới vẫn tiếp-tục là những người mộ-đạo hơn ai hết. Đó là chuyện lâu nay ai cũng thấy rõ so với các tôn-giáo khác nhau trên thế-giới.

Nhiều giả-thuyết cho thấy lý do của sự-kiện này, là do nhiều yếu-tố can-dự. Tuy nhiên, nhiều chứng cớ lại cũng cho thấy: hầu hết đều do yếu-tố xã-hội và văn-hoá mà ra, như: truyền-thống tôn-giáo và nơi làm việc là những yếu-tố có vai-trò quan-trọng, trong chuyện này.

Ngoài ra, hầu hết người Công giáo đi nhà thờ dự lễ thường là các vị cao-niên, chứ không phải giới trẻ. Đặc biệt hơn, các vị ở vào độ tuổi từ 50 đến 69, là những người hay đi lễ thường xuyên nhất (tức: 36% số người dự lễ trên tổng-thể); trong khi đó, giới trẻ ở độ tuổi 15-29 là nhóm người ít đi lễ nhất, có tỷ lệ chỉ gồm 9%, thôi.

Mức-độ học-thức rõ ràng chiếm ưu-thế hơn, so với người Úc bình thường với tỷ-lệ 36% số người đi lễ, so với tỷ lệ 26% dân số trên toàn nước Úc. Khảo-sát trên, còn cho thấy 45% người đi lễ đều là những người có công ăn việc làm, chỉ mỗi 8% số người nói trên, là những người suốt ngày lo nội trợ ở nhà và 14% là số người cao niên đã hưu trí.

Có được con số trên, người thực-hiện thống-kê phải bỏ ra mất hơn một năm trời mới hội đủ. Thống kê 2016 ở Úc cho biết: chỉ độ 250,000 người đi nhà thờ chịu điền đơn khảo-sát trên toàn nước Úc, tức: hơn 3,000 nhà thờ địa-phương thuộc 20 giáo-phái khác nhau. Để kết luận, Khảo-sát trên được lập là cho cá-nhân địa-phận và tổng-giáo-phận, trong các tuần vừa qua, mà thôi.” (Xem Genevieve Conway, Catholic stats reveal much, The Catholic Weekly 18/11/2017 tr. 2)

Thống kê về số người đi Đạo, chắc cũng không nói nhiều về thái-độ hoặc quan-niệm của người thời nay về nhiều thứ. Chí ít là chuyện danh xưng/tên gọi các đấng bậc của người mình. Một vấn-đề mà ít người dám đề-cập, vì sợ “đụng hàng”. Tuy nhiên, có đấng bậc nọ ắt vẫn còn trẻ, nên mới dám dám đặt vấn đề sau đây:

“Sáng sớm mùa Đông ở Canada, tuyết vẫn còn phủ trắng cao đến mắt cá chân, trên lối đi. Bà Catherine, bà bếp Cha Sở bước chầm chậm và cẩn thận quay về nhà xứ sau Thánh Lễ buổi sáng. Vừa đặt chân lên bậc thềm nhà xứ, thấy tôi đang quét tuyết, bà vui vẻ chào tôi và bảo:”
-Peter, mang cây chổi quét tuyết tới đây!”

Tôi tươi cười tiến đến gần bà với cây chổi quét tuyết đu đưa trên tay, chưa đón ra ý bà muốn nhờ tôi chuyện gì. Bà Catherine tự nhiên kéo váy đầm cao lên một chút và chìa đôi giày bám đầy tuyết, thản nhiên bảo tôi:
-Lấy chổi phủi giùm tuyết bám giày, để tôi đi vào không làm dơ thảm nhà xứ!”
Nụ cười vụt tắt trên môi. Tôi không nghĩ là mình không hiểu tiếng Anh. Rõ ràng quá mà: Lấy chổi phủi sạch tuyết bám giày bà đầm Catherine. Tôi cúi mặt chần chừ. Bà Catherine vẫn giữ cao váy đầm, giơ đôi giày bám đầy tuyết, thúc giục:
-Phủi giùm mau đi để tôi còn kịp vào chuẩn-bị cà-phê sáng cho Đức Ông Robert!”
Im lặng và cẩn thận, tôi cầm chổi, nhẹ nhàng phủi tuyết bám giày bà Catherine, từng chiếc một. Bà cười mãn nguyện, cám ơn tôi và nhanh nhẹn đẩy cửa bước vào nhà xứ.

Cửa chính nhà xứ đóng ‘rầm’ một tiếng, chận đứng ánh mắt buồn của tôi đang dõi theo bà Catherine. Tôi xấu hổ, cúi xuống đưa mắt nhìn lại chính mình, lần dò xuống tận chân. Dù khoác chiếc áo Mùa Đông để ra ngoài trời quét tuyết, nhưng bên trong tôi vẫn đàng-hoàng nghiêm-túc với tu-phục của linh mục, nghĩa là: vẫn áo sơ-mi dài tay màu đen, cổ côn trắng hẳn-hoi, quần đen ủi thẳng nếp, giày da mùa Đông loại đắt tiền cổ cao, có đế dày.

Tôi học và chịu chức linh-mục ở Canada, với dáng vẻ phong-thái lịch-lãm không kém người da trắng. Nếu hoàn-cảnh đất nước cho phép, tôi về lại quê nhà, chắc sẽ được đánh-giá cao, không thua các linh-mục được du-học ngày xưa. Tôi nghĩ vậy.

Cái nhục “phủi tuyết bám giày bà đầm” len vào trong máu, bốc cao tận đỉnh đầu. Ném chổi quét tuyết trả lại góc tường nhà xứ. Lặng lẽ, tôi trở lại phòng làm việc, đóng cửa khá mạnh tay, để toàn thân rơi phịch nặng-nề trên chiếc ghế bành làm việc. Tại sao bà Catherine không gọi tôi là CHA? Vì tôi mới làm linh-mục và còn làm phó cho Đức Ông Robert chăng? Tại sao bà Catherine dám bảo một linh-mục phủi tuyết bám giày bà? Bà là bà đầm da trắng, còn tôi là tên tóc đen, da vàng đến từ một nước nghèo chăng? Da màu phải phục-vụ da trắng hay người nghèo phải phủi tuyết bám giày người giàu chăng? Nhiều câu hỏi tương-tự quanh đi quẩn lại trong tôi.

Cái nhục của một linh-mục đã phải phủi tuyết bám giày bà đầm được tô đậm nét. Lòng tự-ái dân-tộc, niềm tự-hào nòi-giống rực lửa trong tôi. Tôi mạnh dạn, hung-hăng đứng lên, định đi tìm bà Catherine và Đức Ông Robert để làm lớn chuyện, cho ra lẽ. Bà Catherine phải xin lỗi tôi về chuyện đã không gọi tôi là Cha và dám bảo một ông Cha phủi tuyết bám giày bà. Gọi một linh mục bằng tên, thiếu lòng đạo-đức rõ-ràng. Bảo một linh-mục phủi tuyết bám giày, thiếu lòng kính-trọng chức thánh không thể chối cãi.

Cái đứng dậy quyết-liệt, cái vung tay tức-giận làm văng cây Thánh Giá trên bàn làm việc xuống sàn nhà. Ảnh Chúa Chuộc tội từ lâu vẫn đứng vô-tri trên bàn làm việc, ngay trước mặt tôi, rất kề-cận, nhưng nhiều khi tôi đã không thấy, hay thấy như một thứ trang-trí tôn-giáo cần-thiết trong phòng làm việc của một linh-mục.

Tôi bước đến, chậm rãi cúi nhặt ảnh Thánh Giá lên. Chúa nằm úp mặt trên sàn thảm, một cánh tay gảy lìa thân. Chúa trông thảm-hại hơn bình-thường. Cánh tay gãy lìa còn toòng teng nhờ đinh đóng chặt. Im-lặng nhìn Thánh Giá, cố ráp cánh tay gãy của tượng Chúa vào thân, đặt trở lại trên bàn làm việc.

Tôi quay lại ghế ngồi, ánh mắt vẫn không rời Thánh Giá. Tủi-nhục và thảm-hại của Thánh Giá làm cái tủi-nhục phủi tuyết bám giày bà đầm lắng xuống dần. Ý-nghĩa về chức linh-mục của Chúa Giêsu dâng cao, lấn chiếm tôi.

Ánh mắt vẫn không rời tượng Chúa Giêsu chết treo trên Thánh Giá. Ngài là Linh-Mục Thượng-Tế, đang giang tay tế-lễ trên Thánh Giá. Chính Ngài lập Bí-Tích Truyền Chức Thánh để thông-ban cho tôi chức linh-mục của Ngài. Không ai gọi Ngài là CHA cả, nhưng gọi là Chúa và là Thầy (Gioan 13:13).

Vậy tiếng CHA dùng để gọi các linh-mục, tiếng ĐỨC CHA dành để gọi các Giám-Mục, tiếng ĐỨC THÁNH CHA dùng để gọi Giáo-Hoàng La Mã đến từ đâu? Không đến trực-tiếp từ Chúa. Chính Chúa đã có lần dạy các Tông-Đồ là ‘đừng tôn xưng ai dưới đất là Cha, vì chúng con chỉ một Cha duy-nhất trên trời” (Matt. 23:9).

Nói thế, Chúa không có ý chỉ-thị rõ ràng rằng ‘đừng gọi các linh-mục Công-Giáo là Cha’ như người Tin-Lành suy-diễn nhằm chỉ-trích linh-mục Công-Giáo. Chúa đã khiển-trách môn-đệ mình vì chuyện ‘tranh chức’ đòi làm lớn, ngồi chỗ nhất giống như người Biệt-Phái và dạy họ rằng “Ai muốn làm lớn phải làm đầy tớ anh em mình.” (Matt.20:24-27), cũng như đừng bao giờ tự tôn mình lên ngang hàng với Chúa, vì chúng ta chỉ có một Chúa, người Cha duy-nhất trên Trời.

Tiếng “CHA” dành cho linh-mục, “ĐỨC CHA” dành cho Giám-Mục hay ĐỨC THÁNH CHA, dành cho Giáo-Hoàng được xử-dụng trên toàn thế-giới, đến từ truyền-thống của Giáo-Hội nhằm tỏ lòng kính-trọng và ngưỡng-mộ những người có chức thánh linh-mục. Từ việc tin Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế, là Linh-Mục Thượng-Tế, Kitô-hữu đem lòng mộ mến, kính-trọng Linh-mục, Giám-Mục và Giáo Hoàng. Họ được coi như những người thông-phần với chức Linh-Mục của Chúa Kitô, như những người hy-sinh và hiến-tế đời mình cho phần rỗi nhân-loại.

Phaolô nói khá nhiều về chức linh-mục thượng-phẩm của Chúa Kitô (Thư Do Thái 4: 14- 5: 1-10) cũng như về vai-trò trung-gian giữa Trời và Đất đã ảnh-hưởng sâu-đậm nơi những kẻ tin. Người tin Chúa Kitô được dạy để đồng-hoá linh-mục với Chúa Kitô. Linh-mục là hiện-thân của Chúa Kitô, là một Chúa Kitô khác, là người CHA tinh thần, người CHA chăm sóc phần hồn cho các tín hữu, người tái sinh chúng ta qua bí tích rửa tội.

Cũng rất có thể nó đến từ cách xưng-hô kính-trọng dành cho những bô lão, những bậc đứng tuổi, đáng kính trong Giáo-Hội thời sơ-khai. Từ “Presbyteroi”, nguyên-ngữ Hy-Lạp có nghĩa là người đứng tuổi, bậc đáng kính, được dùng để chỉ linh-mục ngay từ buổi đầu.

Bà Catherine thiếu lòng kính trọng thánh chức linh mục vì đã không gọi tôi, một linh mục là CHA. Tôi thấy mình thiếu lý-chứng để kết-án bà. Người Tây Phương đặt tên để gọi. Họ thích được gọi đích danh. Một linh mục biết nhiều tên của nhiều người và gọi đúng tên, bất luận già trẻ lớn bé, sẽ được giáo-dân quí mến đặc biệt. Khi được gọi đúng tên, người Tây Phương cảm thấy mình thực sự được quan-tâm. Người Á Đông, đặc biệt Việt Nam mình, đặt tên để tránh gọi tên hay đặt tên để giấu tên. Gọi tên ‘cúng cơm’ một người lớn, chuyện bất kính, không thể chấp nhận được.

Người mình thường xưng-hô bằng ngôi thứ: Bác Ba, Cô Chín, Cậu Út thay cho tên. Trong những xứ đạo người Bắc, chủ-tịch Hội Đồng Giáo Xứ được gọi là Ông Chánh hay Chánh Trương. Giáo lý viên dạy kinh bổn được gọi là Bà Quản hay Quản Giáo. Người xướng kinh trong nhà thờ được gọi là Ông Trùm. Người chăm sóc việc nhà thờ, nhà Cha được gọi là Ông Bõ.

Việc tránh gọi tên đi đến kết quả: không còn ai biết tên thật của nhau. Cách nào đó đã thiếu quan tâm đến cá nhân, đến hữu thể mà chỉ chú trọng đến ngôi thứ, chức vụ hay địa vị là cái tùy thể, tháp gắn vào hữu-thể.

Năm 1974 tôi biết rõ một thiếu tá quận trưởng mất chức vì dám gọi vị Giám Mục Công Giáo là “Ông Đạo”. Ai cũng cho là đáng đời, vì làm tới quận trưởng mà không biết gọi Giám Mục là Đức Cha. Cũng là những kết án không hợp lý và bất lợi: Một quận trưởng không Công Giáo, làm sao biết được cách xưng hô kiểu Công Giáo? Người ngoài Công Giáo và nếu chịu ảnh hưởng Khổng Giáo chút ít, khó có thể gọi một ai khác ngoài cha đẻ của họ ở nhà là cha. Vị quận trưởng bị cất chức nầy có nhận ra lỗi “ăn nói vô đạo” của mình không?

Không! Ông ta đâu có lỗi để nhận ra. Nhưng trên thực tế, ông ta đã nhận một bất công. Gánh chịu bất công dễ đưa lòng người tới oán hận. Phải thú nhận rằng trong quá khứ, chúng ta, do hoàn cảnh đưa đẩy, đã sống theo kiểu “làm cha thiên hạ” hay “lấy thịt đè người”.

Chúng ta đòi người khác cho cái mà họ không có và không buộc phải cho. Chúng ta nghĩ thế nào, dễ hay khó, tự nhiên hay bất thường khi nghe một cụ già bảy mươi tuổi, trong tiếp xúc xã giao thường ngày, gọi một linh mục trẻ mới ba mươi tuổi là cha và xưng là con?

Bà Catherine đã gần bảy mươi tuổi, sấp xỉ tuổi mẹ tôi ở quê nhà. Chưa một lần xác định bằng lời, nhưng xem chừng bà thay Mẹ tôi chăm sóc cho tôi trong mấy tháng qua: Bà nấu cơm cho tôi, giặt giũ cho tôi, bà pha chế những món ăn hoà hợp giữa khẩu vị Tây-Ta cho tôi vừa miệng.

Bà hay dò hỏi xem Mẹ tôi làm gì cho tôi khi tôi đau ốm hay khi tôi buồn. Bà nhắc tôi đi ngủ sớm và dâng thánh lễ chậm rải, sốt sắng. Bà thương chỉ bảo cho tôi phát âm từng chữ tiếng Anh cho đúng giọng và chính xác. Bà cũng hay nhờ tôi khuân vác hay di chuyển những vật nặng trong nhà xứ giống như Mẹ tôi ở nhà vậy.

Chuyện bà gọi tôi bằng tên cũng là chuyện tự nhiên như Mẹ gọi con. Có bà mẹ nào, trong sinh hoạt thường nhật, gọi con mình làm linh mục là cha bao giờ? Chuyện bà nhờ tôi phủi tuyết bám giày sáng nay, trong trí bà, có thể không như chuyện giáo dân nhờ linh mục, nhưng là chuyện mẹ nhờ con. Thật đơn giản!

Hơn bao giờ hết, tôi thấy mình thật cận kề với Chúa Giêsu chịu đóng đinh đang đặt trước mặt tôi, trên bàn làm việc. Chúa Kitô, linh mục thượng phẩm, đang giang tay, hiến tế chính thân mình trên Thánh Giá. Tôi, một linh mục, một Chúa Kitô khác, tôi giang tay dâng lễ hàng ngày trên bàn thờ. Tay giang, nhưng không dâng hiến, không ban phát, không cho đi, nhưng đòi hỏi: đòi được kính trọng đặc biệt, đòi được gọi bằng CHA mới thoả lòng. Tôi làm linh mục, một Chúa Kitô khác, nhưng đôi khi tôi thật khác Đức Kitô: Chúa Kitô, đến để phục vụ, còn tôi, tôi sôi máu tức giận khi phải phục vụ.

Tôi đứng lên, tìm bà Catherine trò chuyện. Bà đang ở nhà bếp chuẩn bị cơm trưa. Tôi vui vẻ đến gần hỏi xem bà có cần tôi giúp chuyện chi không. Bà Catherine vui vẻ nhờ tôi chuẩn bị Salad và cà chua. Tôi vừa làm giúp bà vừa hát nho nhỏ trong miệng. Bà Catherine đến gần, ngọt giọng bảo tôi: “Peter, you look so happy today!” Lại cũng Peter suông! Nhưng tôi lại yêu nó. Tôi mỉm cười đắc ý trả lời: “Yes, Mom, I deeply realize that I am a priest forever!”

Chữ “linh mục” tôi nhấn mạnh và kéo dài. Suốt năm tháng qua, từ ngày chịu chức, tôi đã làm CHA và buồn vì không được gọi là Cha. Hôm nay, tôi mới thực sự làm linh mục, làm người được chia sẻ chức linh mục với Chúa Kitô, Đấng đến giang tay tế chính thân mình cho phần rỗi của những người con.

Bà Catherine ơi! Cám ơn bà thật nhiều! Bà đã không kêu tôi bằng Cha, nhưng bằng tên và đã nhờ tôi phủi tuyết bám giày bà. Bà không thật sự thiếu lòng kính trọng tôi, hay coi thường chức linh mục trong tôi. Nhưng bà cho tôi cơ hội nếm và sống ý nghĩa chức linh mục.

Linh mục, kẻ giang tay để tế lễ, để dâng hiến, để cho đi, để ban phát và phục vụ như một Đức Kitô khác. Bà thật sự giúp tôi khước từ ước vọng làm CHA hay thích được gọi là CHA theo ý nghĩa muốn được nâng cấp, mang tính ích kỷ thu gom của mình.

Linh mục, người Cha tinh thần hay cha linh hồn, người sinh cho Chúa nhiều con cái qua bí tích Rửa Tội, nhưng nhiều khi được gọi CHA làm tôi dễ thấy mình cao cả và quên đi vai trò hy sinh, giang tay cứu độ mà Đức Kitô, Linh Mục Thượng phẩm đã chọn gọi tơi để thi hành.” (Lm. Phêrô Trần).

“Giang tay cứu độ”, còn là động thái của Đức Chúa, Đấng từng có lời khẳng-định như sau:

Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó
hỏi Người rằng:
"Thưa Thầy,
có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?"
Người đáp:
"Anh em không cần biết thời giờ
và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt,
nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần
khi Ngài ngự xuống trên anh em.
Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy
tại Giêrusalem,
trong khắp các miền Giuđê, Samari
và cho đến tận cùng trái đất."
(Cv 1: 6-8)

Dĩ nhiên, không cần nói ai cũng thừa hiểu rằng “Chiếc áo dòng không làm nên thày tu”, danh xưng/tên gọi không nói hết được thực-chất của câu chuyện mình muốn nói, nhiều hơn thế.

Hôm nay đây, bần đạo bầy tôi cũng muốn “nói nhiều hơn thế”, nhưng “lực bất tòng tâm”, nay tuổi già sức yếu, không còn khả-năng để nói nhiều, nói mãi, nói dài dài những điều khô-khan, chẳng nên nói.

Quyết thế rồi, nay xin nhắn nhủ bạn và tôi, ta kết thúc bài phiếm “loạn” lai ra ba sợi ở đây, cho đỡ rách việc.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những quyết tâm không đơn giản
khó hiện thực.