Monday, 31 May 2010

“Em đến thăm Anh chiều đông giá”

Em đến thăm Anh trời mưa gió,

Đường xa lạnh lùng.”

(Tô Vũ – Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa)

(Cv 8: 1/20: 28-29)

Chẳng có gì, bắt bạn và tôi, ta tin rằng: lời ca trên, quả thật rất đúng. Cũng một trật, không có gì buộc tôi và bạn, cứ bảo rằng: những gì viết ra ở đây, là sự thật. Rất tín điều. Tín điều là tin hay không, những chuyện rằng: các nhân vật lẫy lừng và tăm tiếng, thường để lại câu nói một thời, rất nổi cộm. Thượng thừa. Ngôn sứ. Như lời hỏi nhỏ. Táo bạo. Bậc cha/bác. Là, cố giáo sư kinh thánh Lm Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế, trong cuộc mạn đàm bỏ túi, trên đồi Scala-Đàlạt 1967, năm ấy. Thấy rất rõ. Rõ, như phán quyết: Hà Nội của chú mày, chắc hẳn văn chương/thi phú, tuyệt cú nhỉ?

Bần đạo đây, sinh quán đất Hà Thành, ngàn năm văn vật. Cũng lật đật chào đời ở phố Huế. Chợ Hôm. Đường Hoà Mã. Rành rành, cũng như ai. Nhưng, đâu vì thế mà bày tôi và tớ đây dám kết luận: mình là thợ viết, văn hoa chữ nghĩa, rất đầy mình, đâu. Có chăng, chỉ dám lập lại lời của ai đó, cứ bảo rằng: Huế thâm. Bắc kỳ lém. Nam bộ rất “ruột ngựa”. Chứ, cái thứ văn chương bóng bảy xứ Hà thành, thì bọn tôi lần đầu, mới nghe thấy.

Nói gì thì nói, Hà Thành của tôi hôm nay, mang nhiều tiếng. Tiếng tốt, đã đành. Tiếng: lanh chanh. Lanh lợi. Lanh lẹ. Gì gì nữa, cũng cứ xin. Xin nhận tiếng ấy làm quê hương. Dẫu khó thương. Nhưng kỳ thực, có thương cũng không khó. Thế nên, mỗi lần hướng về Hà Thành, quê hương tôi đầy chất lanh chanh. Lanh lảnh. Bản thân bần đạo vẫn cứ thương. Và cứ nhớ. Nhớ, người nhạc sĩ họ Tô tên Vũ, từng nói hát lời thơ yêu thương. Lanh lảnh, một giòng chảy, rằng:

“Mặt nhìn mặt, cầm tay bâng khuâng không nói… một câu.

Lời nghẹn ngào, hòn anh như say như ngây… vì đâu?

(Tô Vũ – bđd)

Nghẹn ngào, như thấy có cái gì đó, đang ngăn tim. Chặn họng. Không cho dân Hà Thành, người anh tôi, chứng tỏ được tính lanh lẹ. Đầy tình người. Thôi đành hát:

“Có hay, lúc em về

Gót chân bước reo, âm thầm

Trên đường một mình ngoài mưa,

mưa, như mưa trong lòng anh…”

(Tô Vũ – bđd)

Mưa, trong lòng anh. Lòng tôi nữa. Vẫn còn mưa. Nhiều hơn. Khi anh và tôi, ta vẫn nghe. Và cứ thấy. Những điều rất trái khuấy, xảy đến với tôi. Với anh. Là, Hội thánh. Ở mọi thời. Nhất là thời, có những nhận định và ghi chép, buổi hôm trước:

“Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem

trải qua một cơn bắt bớ dữ dội.

Ngoài các Tông Đồ ra,

mọi người đều phải tản mác

về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri.”

(Cv 8: 1)

Hồi ấy, là giai đoạn đầu đời của Kitô giáo. Lúc, mà Hội thánh đang ra sức bành trướng, có sự đôn đốc của Chúa Thánh Linh, Đấng đã ngự xuống vào Lễ Ngũ Tuần. Hiện Xuống. Rất quang vinh. Đấng, luôn dẫn dắt các thừa sai Tin Mừng. Mà còn thế. Nói chi thời bây giờ.

Thời bấy giờ, nơi Hội thánh, đang thấy có những mũi dùi cả ở bên trong lẫn bên ngoài, lầm lừ chĩa tới. Khiến Phaolô thánh nhân, đã phải kêu:

“Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi,

thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em,

chúng không tha đàn chiên.

Ngay từ giữa hàng ngũ anh em

sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc,

hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng.”

(Cv 20:28-29)

Buổi hôm nay, Hội thánh cũng không thoát những cảnh tương tự. Khá hung hãn. Hiểm hóc. Rất đáng khóc. Nhưng, khóc mà làm gì. Vì, như người nghệ sĩ xưa đã biết hát những lời lẽ tuy bâng khuâng. nhưng lại rất an vui. Hy vọng. Rằng:

“Lòng bồi hồi nhìn theo chân em, chìm trong ngày xanh.

Ta ước mơ một chiều thêu nắng,

Em đến chơi quên niềm cay đắng,

…và quên … đường về.”

(Tô Vũ – bđd)

Nghệ sĩ hát, bần đạo nghe như có điều gì đó, mang máng một khuyến khích. Rủ rê. Rất vỗ về. Không dám bảo, mỗi nghệ sĩ, người làm thơ hay viết nhạc đều vương vấn ở đâu đó đôi chút thi tứ. Thơ văn. Nhiều ngôn sứ. Mà, chỉ dám nhận rằng, tất cả “là ân huệ”. Là ân là huệ. Đến từ Thiên-Chúa-là-tình-yêu. Ngang qua, những con người rất mỹ miều. Có thi ca. Âm nhạc. Nhiều hạnh phúc.

Nếu cho phép bần đạo được nói lên lời lẽ người Hà-Thành rất lanh và rất lợi, nhưng lại chẳng màng những lợi lộc thành danh, thì bần đạo sẽ tìm lời lẽ của thi nhân/văn sĩ hoặc chỉ là người kể truyện, rất bình thường, thì bần đạo sẽ bắt đầu như sau:

“Bố của Trùm Phỉnh chết đi, để lại cho Phỉnh 3 tấm bằng Tiến sĩ khống chỉ, không biết chạy chọt mua được ở đâu, dặn rằng:

-Con xem lũ con cháu trong nhà, những đứa nào khôn ngoan hơn người thì điền tên chúng vào đây, để nhà mình cũng nở mặt nở mày với thiên hạ.

Một hôm Trùm Phỉnh cùng với anh con trai và người con rể cùng ngồi uống trà. Nhìn ra sân thấy con ngỗng đứng một chân, Phỉnh thử tài:

-Các con hãy đưa ra một lý thuyết trước cảnh con ngỗng một chân!

Anh con trai mau miệng nói ngay:

-Không nên lấy cái tạm thời trước mắt để lập thuyết, thưa cha!

Phỉnh quát:

-Thằng này láo. Mày muốn xét lại ý của tao à?

Người con rể chậm rãi thưa:

-Thưa cha, mọi thứ trên đời nếu có một thì ổn định. Có nhiều, sẽ loạn. Trời chỉ một trời. Đất chỉ một đất. Nhà chỉ một cha. Ngỗng một chân, là cái lẽ nhất nguyên của trời đất, đó thôi!

Phỉnh sung sướng rút ra một bằng tiến sĩ, trao cho con rể.

Buổi uống trà hôm sau, con ngỗng bình thường lại đứng hai chân. Phỉnh hỏi:

-Ngỗng hai chân ứng với thuyết gì?

Anh con trai nói:

-Thưa cha ngỗng vốn hai chân, có gì mà nói!

Phỉnh lại quát:

-Thằng này láo. Mày muốn chống lại vai trò của bố mày ở cái nhà này, phải không?

Người con rể lễ phép thưa:

-Thưa cha, một sẽ phân hoá thành hai. Thế giới còn lại, chia hai phe. Ngỗng hai chân, là cái thế lưỡng phân, ai thắng ai đấy ạ!

Phỉnh sung sướng trao cho người con rể bằng Tiến sĩ thứ hai.

Buổi trà sau đó, con ngỗng vừa từ biệt con bạn gái của nó, sừng sững đứng cả ba chân. Phỉnh bảo:

-Ôi, cảnh tượng kỳ khú. Ngỗng 3 chân là do thuyết gì?

Anh con trai nói:

-Thuyết gì thì ngỗng vẫn hai chân, đó bố ạ.

Phỉnh giận tím mặt, quát:

-Mày thấy bố mày dân chủ, nên lợi dụng hả?

Nói rồi, cầm gậy đuổi anh con trai chạy đi biệt xứ. Riêng người con rể vẫn ôn tồn, thưa:

-Ba, là số lẻ. Là, trở về với Triết học Á đông. Ngỗng 3 chân là thế giới đại đồng rồi. Đây

là thế “đa phương hoà nhập”, cũng là thế ổn định chân vạc. Nhưng tuy làm bạn với tất cả mọi người, ta vẫn phải đề phòng mặt trái của nó. Đấy cha xem. Cái chân thứ 3 kia cứ thập thập thò thò, mọi thứ lăng nhăng tiêu cực đều do nó sinh ra cả!

Phỉnh vui sướng đến cực độ, nên trao nốt cho con rể tấm bằng Tiến sĩ thứ ba.

Trong buổi ăn mừng 3 bằng Tiến sĩ, một người trong làng hỏi người con rể:

-Anh nói ba lần ba lý thuyết khác nhau, thế có mâu thuẫn không? Có “cơ hội” không?

Người con rể nói:

-Mọi thứ đều vận động. Nhận thức ngày một đi lên. Lòng vòng như cái chôn con ốc. Phép biện chứng của sự phát triển là thế. Khẳng định rồi phủ định. Lúc cần nói ngược, thì quân tử nói ngược. Lúc cần nói xuôi, thì quân tử nói xuôi. Ừ thì “cơ hội” đấy. Cứ nắm vững tính hai mặt mà chơi thì mâu thuẫn gì tôi cũng vượt qua được tuốt!

Người ấy lại hỏi:

-Bí quyết gì khiến anh ứng xử thành công trong cả ba trường hợp vậy?

Người con rể trả lời một cách khiêm tốn, nhưng uyên bác:

-Cực kỳ đơn giản thôi. Khi tôi đã nguyện một lòng theo bố vợ tôi, thì tài năng cứ tự nhiên xuất hiện, chứ nhà tôi trước đây có khoa bảng gì đâu. Truyền thống cũng có khi do mình biết chộp giựt mà ra.

Phỉnh chết. Cả gia tài đương nhiên để lại cho người con rể. Hắn được cả chì lẫn chài.”

(Kể theo lời Hà Sĩ Phu, Sáng Trăng, CE 2004, tr. 111-112)

Dùng truyện kể, để so sánh. Áp dụng. Trường hợp của Hội thánh trong quá khứ, lẫn hiện tại. Có thể là việc hơi táo bạo. Nếu không muốn nói là xấc xược. Tuy nhiên, truyện kể hôm nay, không chỉ kể để minh hoạ. Hay minh chứng, điều gì. Vẫn như, một dẫn nhập cho nhận định, bảo rằng: Hội thánh là hội của các thánh. Cũng có mặt tự nhiên rất “người”, của mình.

Trên thực tế, nhiều người hay lẫn lộn Hội thánh với thần quyền. Hoặc, quyền rất thần. Của các bậc vị vọng, nắm quyền sinh sát, hết muôn dân. Nếu hiểu thế, cũng nên nhớ: thần quyền Hội thánh La Mã rất Va-ti-căng, còn là thế quyền. Phàm trần. Vấn đề, là: khi nói chữ “Hội thánh”, cũng nên xem đó có là Hội thánh. Rất Công giáo, không? Hội thánh ấy, có bao gồm duy nhất chỉ các Giám mục, ở trên còn có Giám mục La mã, đấng làm đầu, không?

Với tư cách là người đứng đầu uy quyền trần thế, một thể chế, Đức Giáo Tông cũng có thể ra toà, vì các hành xử của ngài trong Hội thánh Công giáo. Trên thế giới. Trong khi đó, hội thánh địa phương, cũng có đấng bậc cầm đầu. Cũng tập trung, ở giáo phận. Giáo xứ. Và, giáo dân là thành viên chấp nhận Đức Giáo Tông, là đấng làm đầu Hội thánh toàn cầu. Rất mực. Đó, là Công giáo. Đó, là Hội (rất) thánh. Tức, Hội (gồm các thành viên) thánh thiện. Rất mực. Nhưng, thực tế.

Có điều là: khi nói về Hội thánh, người đời thường nghĩ nhiều về khía cạnh trần gian, như tổ chức. Ít ai nghĩ đến tính thần thiêng. Linh đạo. Rất thánh. Vì thế, dễ ngộ nhận. Vì thế, dễ bực tức. Trách móc. Giận hờn.

Thật sự, thì: Hội thánh lúc đầu gồm một nhóm các đấng dấn bước theo chân Chúa. Được Chúa thương yêu giao trọng trách ra đi bôn ba khắp hang cùng ngõ hẻm, mà công bố Tin Vui. Điềm Lành. Hội-thánh-người-của-Chúa được Thần Khí tái tạo. Giáo huấn. Chúc phúc. Cứ thế mà đi. Đi, để rao truyền Điềm Lành. Tin Vui ấy. Vào mọi lúc. Có lúc thăng lúc trầm. Như cuộc sống.

Cuộc sống của Hội thánh, nay phát triển như mọi xã hội, thời đại. Thế nên, Hội thánh luôn gặp nhiều tình huống rất bức bách, như con người. Thời hiện đại. Hiện đại, ở điểm: là thành viên Hội (các) thánh, ta cần minh chứng bằng cuộc sống phản ánh ý định của Thiên Chúa, với và trong thế giới hiện thời. Tức, thể hiện lòng thương yêu. Giúp đỡ. Hết mọi người. Không phân biệt giàu/nghèo. Chí ít, là những người mang thân phận tự ti. Thấp kém. Nghèo hèn.

Thành viên Hội (các) thánh, là nhóm hội của những người quyết đấu tranh/nguyện cầu cho công bằng. Sự thật. Bất cứ nơi đâu. Khi nào. Vẫn là việc khẩn thiết. Thành viên Hội thánh, còn phải chứng tỏ cho mọi người thấy: mình không là “người hành tinh”, từ trời rơi xuống. Nhưng, biết đau với cái đau của người bệnh. Khóc, với nỗi than và khóc của kẻ mất mát. Âu sầu. Buồn khổ.

Thành viên Hội thánh, còn phải biết khuyến khích hết mọi người, trong cũng như ngoài Đạo. Biết, san sẻ một phần cuộc sống của mình, cho những người. Những quốc gia. Hội thánh khác điều họ đang cần. Thành viên của Hội thánh Công giáo, không chỉ mang mỗi tên tuổi. Biệt hiệu. Rất riêng lẻ. Nhưng, biết hoà mình đến với mọi người. Để, nói cho họ biết: Thiên Chúa thương yêu mọi người. Rất hết mình.

Thành viên Hội thánh Công giáo, là người thuộc cộng đồng. Vẫn mang trong mình, những thắc mắc ưu tư, như lời của tác giả bài báo viết như sau:

“Về cảnh tình người Công giáo hôm nay, Flannery O’Connor có lần từng viết: ‘Chúng ta đang khôn khổ vì Hội thánh. Khốn khổ, vì đang bị tràn ngập những câu hỏi, từ những người cho mình là bạn với người Công giáo, như: “Làm sao bạn vẫn cứ ở lại với Hội thánh, thế?”

Trả lời cho những câu hỏi như thế, tôi thường nhấn mạnh vào ngôn từ thường làm cho mình đi trệch đường rày như dùng cụm từ “Hội thánh”, nhiều người nghĩ ngay đến: nào là “hệ cấp quyền bính”; “Giám mục’, hoặc “Toà thánh”. Những ai kinh qua thời kỳ rộnlên với cuộc chiến Việt Nam hẳn còn nhớ, là thời ấy, cũng có người vấn hỏi: “Làm sao các bạn cứ tự hào mình là người Mỹ, đến như thế?” Mỗi lần nghe hỏi, tôi đều bảo ngay: Bọn tôi đâu có là tòa Bạch Ốc! Cũng chẳng Ngũ Giác Đài. Lại cũng là những người phản đối chiến tranh, thôi.”

Hệt như thế, cụm từ “người Mỹ”, “Hoa Kỳ”, mang nhiều ý nghĩa hơn tự bao hàm. Sao tôi phải tin rằng Hội thánh vẫn cứ phải là Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 mà không là các nữ tu can đảm, từng thách thức các giám mục Hoa Kỳ về hệ thống y tế khi các vị cứ nhân danh người nghèo, để rồi làm chuyện này nọ? Nữ tu là những vị cống hiến cả đời mình cho Hội thánh, với tư cách là nữ tu. Là, y tá. Nhân viên viên xã hội.

Hội thánh có cả một lịch sử rất dài rộng. Lịch sử này bao gồm cả những tay vô tích sự lẫn các nhà anh hùng như thánh nữ Gioan thành Arc, như Giám mục Oscar Romero, đó là chỉ kể tên mỗi hai vị, thôi.

Hội thánh không phải là thể chế. Hội thánh là chúng dân. Là, những người hiện nay đang mang thương tích, với tai tiếng đủ loại. Tai tiếng không chỉ mỗi mặt lạm dụng tình dục, mà còn bao che. Phủ vùi. Năm 1959, khi Đức Gioan XXIII được bầu làm Giáo hoàng, người ta coi đó như một phép lạ, cho Hội thánh. Phép lạ từng xảy đến. Sẽ còn xảy đến như thế, một lần nữa. Bởi thế ta cứ nên hy vọng, dù mong manh, để phép lạ rồi sẽ đến với Hội thánh. Phải làm sao để mỗi người chúng ta có mặt tại nhà, khi phép lạ xảy đến.” (Mary C Gordon, Why I stay: a Parable From A Progressive Catholic, The Huffington Post, 6/4/2010)

Nói cho cùng, thì thành viên Hội thánh, là người biết hoà mình với người ở ngoài. Những trông chờ vào phép lạ cho chính mình. Vẫn cứ hy vọng trong ca hát. Hát và ca, bằng lời thơ ý nhạc rất đời thường, như :

“Em đến thăm Anh một chiều mưa,

Mưa dầm dề, đường trơn ướt. Tiêu điều.

Em đến thăm Anh. người em gái,

tà áo hương nồng, mắt huyền trìu mến.

Suởi ấm lòng Anh.”

(Tô Vũ – bđd)

Quả thật, thế giới hôm nay, có rất nhiều người Anh/người Chị trong Hội thánh, vẫn cứ chờ phép lạ, để người “em” đến thăm. Mà sưởi ấm. Bởi, lòng người anh/người Chị, nay chai đá. Chán chường. Chai, vì cuộc sống. Chán, vì người đời. Nên, cứ mong và hát những câu:

“Gió đưa cánh chim trời,

Đó đây, cách xa vời.

Chiều vui, mưa ướt cánh.

Khá thương kiếp bềnh bồng.

Dẫu khăng khít đôi lòng

Chiều nào em xa anh…”

(Tô Vũ – bđd)

Chiều vui. Mưa, dù ướt cánh. Anh và em, vẫn cứ thương. Cứ đến. Đến, như cánh chim, thương kiếp bềnh bồng. Khắng khít đôi lòng. Bởi, còn đó Hội thánh, thì người “em” là thành viên vẫn cần đến tình thương, hơn tranh chấp. Vẫn muôn đời. Cho mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ mong và ngóng.

Một Hội thánh.

Rất như thế.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

Saturday, 22 May 2010

“Ai đang đi, trên đường đê,“

tai lắng nghe muôn câu hò đê mê

Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về.”

(Hoàng Thi Thơ – Gạo Trắng Trăng Thanh)

(1 Cr 15: 20/Côl 1: 18)

Nếu nhủ rằng, cuộc đời đi Đạo và giữ Đạo của tôi và của bạn, là hành trình phom phom “trên đường đê” của niềm tin, thì hẳn là: tai tôi và tai bạn, sẽ còn mãi nghe “muôn câu hò đê mê”, cũng rất hứng? Hứng thú đây, không là hứng khởi vì được mời “vô đây”, chốn Đạo/đời, nhiều kỷ niệm. Mà là, “dù trời khuya anh nhớ đưa em về”. Về, với kỷ niệm, rất Đạo. Có sống đạo. Với đời.

Kỷ niệm Đạo, rất đẹp. Ở nơi đó, người người sẽ hát câu “trên đường về quê” nghe rất dễ:

“Trên con đường về quê,

mà vắng bóng Mẹ,

Con biết cậy vào ai,

biết nương nhờ ai.”

(Nguyễn Khắc Xuyên – Trên Đường Về Quê)

Vắng bóng Mẹ”, trên đường quê. Trong Đạo. Ngoài đời. Vẫn nhiều vị, cứ coi Đức Mẹ quyền hành và oai phong đến độ: Mẹ, không chỉ là “Đấng Quan Phòng”, lo lót Chúa đủ điều. Mà, Mẹ còn có trọng tâm ngang bằng Chúa. Ngang bằng, đến độ có đức thày người rất Tây ở Sydney chẳng biết lấy luật Phụng vụ ở đâu mà cứ yêu cầu “bổn đạo” đọc chung một kinh “Kính Mừng” ngay sau tuyên xưng đức tin, rất Tin Kính. Có vị khác, còn níu kéo bổn đạo ở lại thêm dăm ba phút để làm tuần tam/tứ/cửu nhật kính Đức Mẹ, trước khi ban phép lành kết lễ. Rồi cho về.

Thôi thì, thờ Chúa kính Mẹ, cách nào cũng đặng. Miễn đừng hò hụ hò khoan rày câu hát:

“Muôn câu hò, hò hò khoan

Đang mãi vang, trong đêm dài.

Gái trai làng, chiều hôm nay,

Đang mải say, theo tiếng chày…”

(Hoàng thi Thơ – bđd)

Tiếng chày/tiếng giã, mải say chắc chắn không là tiếng cãi vã của người nhà Đạo về vai trò Mẹ có bằng Chúa không. Mà chỉ là: tiếng hát/hò hụ khen trai tài/gái sắc rất ăn khách. Ăn tiền cả với giới mộ điệu một thời, là cặp uyên ương hết-còn-trẻ Ngọc Cẩm-Hữu Thiết. Bởi thế nên, tác giả họ Hoàng Thi rày ghi thêm tâm tình đậm nét, rất thân thương, hôm nào:

“Riêng tặng hai bạn Nguyễn Hữu Thiết, Ngọc Cẩm đôi giọng ca Nam Thương đã gieo tràn trên giải đất đầy chim chóc nầy vô vàn âm thanh, đậm lòng như những bát cơm quê hai mầu khoai sắn…” (Hoàng Thi Thơ – Tập Thể Dân ca)

Cơm quê một khoai hai sắn, bà con đất Sài-thành rày vẫn như còn nghe cặp song ca Cẩm-Thiết cứ ráo riết hát bài “Gạo (rất) trắng, trăng (rất) thanh”, vào buổi ấy khiến người dân quê Gia Định quen tai đến độ cứ hát nhại, đôi ba chữ rất tình tứ, như sau:

“Ai đang đi, trên cầu Bông,

Té xuống sông, ướt cái quần nylông..

Vô đây em, dù trời khuya,

ba má anh đưa em…dzìa.”

(Thu lượm lời hát nhại)

Hôm nay, nhớ lại câu hát nhại, để nói rằng: lời ca/câu hát, càng đậm tình quê hương bát ngát một dân tộc, sẽ càng thấm nhập vào lòng người, hơn ai hết. Thấm, đến độ có người quên cả chuyện sống Đạo. Với đời. Quên, cả ý nghĩa Lời Thơ Văn rất thánh, là Kinh thánh. Rất nhà Đạo.

Hôm nay, người đời cũng đang gặp nhiều chuyện lúng túng khiến dân con nhà Đạo, quên cả sống Lời Chúa, chỉ biết sống với đời. Nhiều lời. Nhiều tranh chấp. Mà, vẫn thiếu những ý/lời thanh cao. Thi tứ. Ý nhị. Của niềm tin. Tin rằng: Đức Chúa khi thực hiện ơn cứu độ, Ngài cũng rõ:

“Trước lễ Vượt qua,

Đức Giêsu biết rằng

đã đến giờ Ngài qua khỏi thế gian này

để về cùng Cha,

đã mến yêu các kẻ thuộc về Ngài trong thế gian

thì Ngài yêu mến họ đến cùng.”

(Ga 13: 1)

Hôm nay, người người vẫn bon chen. Tranh sống. Sống rất mạnh. Và cũng rất nhiều. Những tháng ngày dài đầy bương chải. Mà thực ra, vẫn cứ thiếu. Thiếu hiểu biết, chuyện thực tế. Cũng rất cần. Cho mình. Cho người. Những sự thực ở đời, mà có lẽ vì mải mê với những “có thực mới vực được Đạo”, nên đã quên. Quên, chuyện thực tế trong Đạo, là: sống Đạo.

Trong hành trình “về cùng Cha”, có người cứ hát mãi câu “trên con đường về quê” hoặc “quê trời” có Chúa. Có Mẹ, đang đón chờ. Thế mà, người người cứ hiểu chữ “quê” và chữ “Trời”, nghĩa rối bời. Của “Thiên Đàng”, nghĩa rất đen những chữ là chữ. Rất “bóng quê”. Như câu ca, vào thời đó:

“Trời đêm vắng sao sương về,

Đường xa thăm thẳm khuất bóng quê

Con băn khoăn đưa mắt trông tìm đây đó

có ai bạn đường cùng đi khỏi lo.

Mẹ ơi! bóng đêm rợn rùng,

vực sâu đang gầm dưới lá rung.

Con lao đao sắp ngã trên đường nguy khốn,

đoái thương con cùng. Mẹ Đấng Chí Tôn.”

(Nguyễn Khắc Xuyên – bđd)

Chẳng thế mà, có độc giả cứ mải mê với những chữ “vắng sao”, “sắp ngã” là thế, lại đã ngần ngại thấy “bóng đêm rợn rùng”, những “vực sâu”, “nguy khốn”, nên thắc mắc rất nhiều về tình tự của Đức Chúa, sau khi chết. Cứ tự hỏi: chẳng biết Chúa Sống Lại, Ngài có lại sống, giống như trước? Tức, sau khi trỗi dậy từ cõi chết, Ngài ra sao?

Thắc mắc nhiều, nên người giáo dân thấy còn thiếu một giải đáp cho thắc mắc “khó ngủ yên”, bèn hỏi “đức thầy” ở Sydney, những câu khá lấn cấn. Lẩn thẩn. Rất như sau:

“Qua Phúc Âm, tôi được biết là: tiếp theo sau ngày Chúa đi vào cõi chết, hôm Thứ Sáu, Ngài đã trỗi dậy và hiện đến với các thánh tông đồ, ở Giêrusalem. Ta hiểu sự việc này như thế nào, mỗi khi đọc lời trình thuật như thế ấy? Chúa có thực sự “hiện đến” với các thánh, hay không? Ngài có thực sự trỗi dậy từ cõi chết và khởi đầu lại cuộc sống thực tế của Ngài, như khi trước? Xin giải thích cho biết. Để còn tin.

Thì ra, là như thế. Độc giả hay độc thiệt này từng đọc suốt rất nhiều lần, kinh Tin (rất) Kính. Vẫn nằm lòng. Vào thánh lễ. Và, cả khi lần chuỗi Mân Côi kiểu mới đến 4 “sự”, mà vẫn hỏi. Hỏi, như người chưa tin. Chưa từng hiểu biết. Cũng may là, “đức thầy” giòng họ Flader hiền lành/phúc hậu, đã không quản ngại trả lời/trả vốn những vấn nạn. Những vấn và nạn, như mình từng hiểu biết, đến như sau:

“Xin cho tôi được phép bắt đầu câu chuyện bằng cách xem xét đoạn Tin Mừng thánh Mát-thêu từng đã viết: “Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ mà vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người.” (Mt 27: 52-53)

Với sự kiện đầy huyền nhiệm này, thì quả thật rất khó mà hiểu cho rõ. Thật không may, ta chẳng có được đoạn Sách thánh hoặc huấn dụ nào của Hội thánh, khả dĩ soi dọi chút ánh sáng, cuối đường hầm. Dù sao đi nữa, tưởng cũng nên thận trọng mỗi khi ta tìm cách giải thích, chuyện như thế.

Có ba cách giải thích sự kiện trên. Cả ba, đều dựa vào hiểu biết của các nhà chú giải trổi trang trong Hội thánh.

Thứ nhất, người chết không trỗi dậy theo nghĩa chính xác như mọi người thường hiểu; mà là “hiện ra” với người còn sống, theo lẽ thường mọi người đồng thuận với ý niệm về một “hiển hiện”. Khi chuyện này xảy đến, thân xác của người chết vẫn nằm yên trong mồ, nhưng linh hồn của người ấy, có thể là trường hợp của vị thánh đã tấn phong, cũng hiển hiện theo hình thù của ai đó, còn ở dưới đất.

Giải thích này, xem ra không phù hợp tương xứng với văn bản của Sách Thánh. Bởi, tuy Kinh thánh có nói đến tình trạng mộ phần được mở ngỏ và chính xác phàm của những người đó đã trỗi dậy. Theo Kinh thánh, rõ ràng như có hình thái nào đó đặc thù hơn chỉ là chuyện “hiện ra” hay “hiện đến”, rất đơn giản.

Giải thích thứ hai, cho rằng: những người như thế đã thực sự trỗi dậy, từ mộ phần của họ. Và, họ khởi sự sống trở lại, thêm lần nữa. Có nhiều ví dụ để kể về chuyện này, ở Cựu Ước cũng như Tân Ước.

Cựu Ước có nói đến trường hợp người con trai của bà goá Zarêpát được tiên tri Ê-li-a cho trỗi dậy (x. 1V 17: 22). Trường hợp khác, là người con trai của Su-na-mai cũng được tiên tri Ê-li-sha cho sống lại (x. 2CV 4: 32-35) và người chết được vực dậy từ nơi mộ phần của Ê-li-sha (x. 2V 13: 21)

Trong Tân Ước, chính Đức Giêsu cũng đã làm cho ba người trỗi dậy từ cõi chết, đó là: Ladarô (x. Ga 11: 38-45), con bà goá thành Naim (x. Lc 7: 11-17) và con gái ông Gia-i-a, viên trưởng hội đường (x. Lc 8: 40-42, 49-56).

Tất cả những người này đều bắt đầu lại cuộc sống của mình. Và, dĩ nhiên, cũng sẽ lại chết lần sau nữa.

Lối giải thích này xem ra thích hợp với ý tứ của Sách thánh hơn. Nên, được thánh Âu Tinh, Giêrônimô và Tôma Akinô chấp nhận. Thánh Giêronimô cho rằng những người được trỗi dậy từ cõi chết, không cần phải chết một lần nữa. trong khi thánh Âu Tinh và Tôma Akinô quả quyết là những người ấy đều chết lại (x. Thánh Tôma III, 53, 3)

Dù sao đi nữa, thánh Tôma quan niệm là tất cả những người đã trỗi dậy từ cõi chết trước Đức Kitô đều như ảnh hình về sự Sống Lại của Chúa. Thánh nhân có nói: Việc Chúa Sống Lại khác với những người trỗi dậy từ cõi chết ở điểm này: Chúa Sống Lại cách tuyệt hảo.Trọn vẹn. Ngài không còn phải chết nữa. Trong khi đó, mọi người đều phải chết lần thứ hai (sđd).

Sách Giáo Lý La Mã ban hành sau Công Đông Triđentinô cũng biện giải một kiểu như thế khi trích dẫn lời thư thánh Phaolô với cộng đoàn Rôma, rằng: “Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi, đối với người.” (Rm 6: 9; GLLM I, 5)

Cuối cùng, theo lối giải thích thứ ba, thì việc những vị trỗi dậy từ cõi chết đều là sự sống lại rất vinh hiển về thể xác như “bậc thánh”, đúng như Giáo huấn của Hội thánh Chúa về việc “thân xác mọi người sẽ sống lại, ngày sau hết.” Bằng vào sự sống lại như thế, thể xác sẽ lại được đoàn tụ với linh hồn, chốn Nước Trời.

Lối giải thích này xem ra khó mà hoà hợp với Lời Kinh Thánh nói: Đức Kitô đã lại sinh ra từ cõi chết. Tỉ như đoạn: “Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.” (1Cr 15: 20; Cô 1: 18)

Thánh Tôma Akinô khi trước có trích dẫn một đoạn trong cuốn “Tổng Luận” đã nói rằng: Đức Kitô thực sự tái sinh từ cõi chết. Nói thế để hiểu rằng sự Sống Lại của Ngài là trọn hảo. Ngài không còn phải chết một lần nữa. Trong khi đó, mọi người đều bất toàn; nên vẫn cứ phải chết đi, như sự thường.” x. John Flader, The Catholic Weekly 04/04/2010, tr. 11)

Nói theo kiểu nghệ sĩ viết nhạc ở trên, về đường đê, hay đường về quê, là nói và hát như thế này:

“Ai xa xăm, ai buồn chăng,

nghe hát vang muôn câu hò thênh thang

Chân băng ngang, vào nơi đây,

chấp mối duyên lỡ làng. “

(Hoàng Thi Thơ – bđd)

Duyên lỡ làng, có thể hiểu là duyên và tình đã hết. Cũng có thể, là: đời người đã chết. Không còn duyên. Chẳng còn tình. Sống làm chi. Thậm chí, là sống với những người đang sống nhưng vẫn như chết. Bởi sống mà không tin rằng Tình Yêu cứ sống mãi. Sống, cả vào khi thân xác đeo mang tình =yêu ấy, nay không còn ở chốn sống-còn, nơi dương thế. Hay còn gọi, là: chốn sống ở miệt trần thế, rất âm/dương”. Trong khi đó, tình yêu lại cứ tồn tại mãi, cả chốn dương rất “trần”, lẫn cõi âm.

Thành thử, ý niệm sống – chết theo luận lý/lý luận của triết gia/nhà hiền triết, là như thế. Sống – chết ở thơ văn/âm nhạc, sẽ cứ là:

“Trong đêm thanh, trăng tàn canh,

bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh nhanh

Dư âm xa còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà

còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà

...còn vang mãi trong xóm nghèo làng ta ...”

(Hoàng thi Thơ – bđd)

Và, ý niệm về tình thương có sống có chết, của nhà Đạo, cũng thanh thanh một lời cầu, như sau:

“Mẹ Maria nhân từ,

Mẹ như ánh trăng chiếu bóng đêm.

Bên tai con âu yếm tiếng Mẹ khuya sớm,

Chúng con lo gì sầu thương vấn vương .

Mẹ ơi, dẫu xa muôn trùng,

Mẹ thương đến hồn rất đáng thương

Con đây là giá máu con Mẹ yêu dấu

Vững tin ở Mẹ, thương đến con cùng.”

(Nguyễn Khắc Xuyên – bđd)

Nói cho cùng, chữ nghĩa chúng ta không đủ để diễn tả Tình Yêu có sống có chết, với người đời. Cho nên, để có thể sống Đạo trong đời một cách thoải mái, khá thư giãn, cũng nên kể cho nhau nghe một vài kể lể, rất dễ nghe. Và, cũng dễ cười. Như sau:

Tại quầy tiếp tân thuộc khách sạn khá lớn, ở Anh. Nhân viên phục vụ chợt nghe chuông reo, bèn nhấc ông nghe lên rồi lại đặt xuống, rất nhiều lần. Mỗi lần nhấc, lại cứ nghe như có tiếng người từ đâu đó, đều đều rót vào tai, những là:

-Tu ti tu tu tu tu

Nhân viên phục vụ rất bình tĩnh, nghe xong lại đặt máy xuống. Bỗng, lại có tiếng chuông reo. Và lần này, cũng chỉ mấy câu như chim hót:

-Tu ti tu tu tu tu

Nhân viên phục vụ tức điên người, nhưng dằn được cơn nóng giận, anh ta lại đặt ống nghe xuống. Chẳng nói năng. Dù một nhời. Ít phút sau, có khách thuê phòng người mình xuất hiện quầy, ngay trưóc mắt. Khách nhìn vào nhân viên phục vụ mà quát lớn:

-Náy anh phục vụ. Anh có hiểu tiếng Anh, thật không đấy? Tôi gọi những 3 lần, mà sao không làm theo lời tôi gì cả vậy?

-Thưa, khách yêu cầu hồi nào? Việc gì thế?

-Rõ ràng tôi bảo: Tu tit u tu tu tu tức: Two Tea to 222 là gì! Như thế chẳng phải là mang 2 ly trà tới phòng số 222, là gì sao?

-Dạ dưới này cứ tưởng “xếp” nói tiếng của loài chim hót, nên không hiểu.

Tóm lại, việc đời còn như thế. Huống hồ, là chuyện Đạo. Cứ giải thích theo ngôn ngữ của người đời hoặc tiếng của loài “chim hót” thì có sống có chết, cũng chẳng ma nào hiểu. Xem thế thì, chỉ có ngôn ngữ của thi ca/âm nhạc, là hay hơn hết.

Vậy nên, cũng xin đề nghị ta cứ dung âm nhạc mà trao đổi, là hay nhất. Thông điệp “Trên đường đê”, hoặc “trên con đường về quê”, là như thế. Rất vui8. Rất mừng, dù nguy khốn. Vằng bong Mẹ Hiền, ở bên trên.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ nguyện cầu

Cho mình và cho người

Hiểu được ý nghĩa của Lời Chúa

Qua ngôn ngữ của con người.

Ở đời.

(Xem them các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloaingai.blogspot.com;

www.giadinhanphong.blogspot.com;

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

Saturday, 15 May 2010

Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ

em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương

(Ngô Thụy Miên – Mùa Thu Cho Em)

(2 Samuel 22: 20)

Là nhạc sĩ, lời anh hỏi cũng chí lý. Là thường dân, câu em nghe, rày thấy quen. Hỏi-nghe/nghe-hỏi, là chuyện thường ngày, em và tôi vẫn cứ sống. Sống mà không hỏi, để rồi nghe/sống mà không nghe, để rồi hỏi, là cuộc sống chẳng lý thú, tí nào. Hoặc, sống mà cứ hỏi, rồi lại nghe/nghe rồi lại cứ hỏi mãi, thì cuộc sống sẽ như điên/như dại, mất thôi.

Sống lý thú hoặc như điên dại, là sống mà không thấy rằng mình đang sống. Là, sống không có tình/có lý, cũng phi lý như người sống mà không ra hồn. Sống, mà như đang “chết trong lòng”. Hoặc, sống rất nhiều. Hạnh phúc chẳng bao nhiêu.

Nói dông nói dài/nói dai nói dại, chẳng qua là bần đạo chỉ muốn nói về nhiều thứ/nhiều chuyện rất muốn nói. Nhưng, chưa dám. Hoặc chưa chịu nói, mà thôi. Nói gần nói xa, bần đạo thấy đôi lúc có nhiều điều cũng ưu tư/muốn nói. Nhưng, vẫn cứ thử. Thử mãi, mà “vẫn chẳng nói nên nhời”. Thôi thì, lần này lại thử nói cho xong. Cho rồi. Để còn nghe bà con thiên hạ nói, chứ.

Nói như thế, cũng đủ. Nay, ta nghe thêm lời người viết nhạc, vẫn hỏi:

“Và em có nghe, khi mùa thu tới

mang ái ân, mang tình yêu tới

em có nghe, nghe hồn thu nói:

mình yêu nhau nhé.”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Ấy đó, là câu hỏi. Cũng có nghĩa, như câu nói rất chuẩn mực. Như, bất cứ câu nói của những người đương yêu. Ở bất cứ nơi đâu. Lúc nào. Thời xa xưa, có tổ tiên ông bà, vẫn từng nói. Nói, cả vào lúc, có những người như bạn/như tôi, vẫn muốn nghe. Nói và nghe, cả những chuyện tình, mà người xưa vẫn gọi là ái ân/ân ái- còn gì bằng? Nghe và nói, chuyện lành thánh, rất “anh em” mà người ngày nay vẫn thân mật, gọi như thế.

Như thế, là như thế này:

“Em có hay, mùa thu mưa bay gió nhẹ

Em có hay, thu về hết dấu cô liêu

Và em có hay, khi mùa thu tới

bao trái tim, vương mầu xanh mới.

Em có hay, hay mùa thu tới hồn anh ngất ngây. “

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Đã bảo! Khi yêu đương, ai cũng nắm chắc rằng: bầu trời được sơn vẽ toàn mầu xanh. Mầu, của hy vọng. Sự sống. Có diệp lục tố. Rất yêu thương. Hạnh phúc. Sắc mầu của thương yêu, là mầu và sắc của mùa thu. Có mưa giăng lá đổ, ở đâu đó? Sắc mầu của yêu thương, là mầu và sắc của Lời Vàng khi xưa, Chúa vẫn bảo:

“Người đem tôi đến chỗ thảnh thơi,

vì yêu thương tôi

nên Người giải thoát.

(2 Samuel 22: 20)

Yêu thương, với nhà Đạo, là như thế. Vẫn thảnh thơi. Giải thoát. Chứ không ràng buộc. Dù, có ràng và buộc nhau, bằng những câu hỏi. Rất như sau:

“Em có mơ, mùa thu cho ai nức nở,

em có mơ, mơ mùa mắt ướt hoen mi.

Và, em có mơ, khi mùa thu tới,

hai chúng ta sẽ cùng chung lối

em với anh, mơ nùa thu ấy,

tình ta ngát hương…”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Thật ra, khi yêu nhau, người người chẳng buộc chẳng ràng nhau, bằng bất cứ thứ gì. Có chăng, chỉ bằng “tình ta ngát hương”. Với điều kiện, hương” ấy cứ ngát hoài và ngát mãi, khi “hai chúng ta sẽ cùng chung lối…” Dài dài. Mãi mãi. Rất không thôi. Vấn đề là như thế. Yêu đương là như vậy. Yêu đương, còn có nghĩa: lúc nào ta cũng “đương yêu”. Cũng cho nhau thứ tình, rất ngát hương. Dù tình đó, có là tình thu, rất nức nở”. Của mùa thu yêu đương, nức nở, ở bên dưới:

Truyện rằng:

“Có người đàn ông đang đánh bóng chiếc xe “xịn” mình mới mua, thì đứa con mới chừng bốn tuổi, đã biết nhặt đá/nhặt sỏi vẽ nhiều đường ngoằn ngoèo lên xe, của ông bố. Bố mình điên tiết đến nức nở. Giận quá, ông bèn cầm bàn tay nhỏ cháu vừa dùng để vẽ, đánh mạnh nhiều lần. Nhưng, ông không nhớ ra rằng ông đang dùng chiếc khoá “mỏ-lét” dùng để vặn vít ốc, mà đánh con.

Kết quả là, từ phòng giải phẫu bệnh viện, bác sĩ cho hay: con trai ông đã bị dập mất mấy ngón tay, do nhiều chỗ gẫy. Tỉnh dậy sau ca mổ, đưa con nhìn bố bằng cặp mắt yêu đương trìu mến, hỏi rằng: ngón tay của con có mọc lại được nữa không? Ông bố nghẹn ngào, không nói nên lời. Tức tốc, trở lại chỗ chiếc xe đậu ở ngoài, đá mạnh nhiều cái vào thành xe. Ông cảm thấy lương tâm càng bị cắn rứt, khi nhìn vào vết gạch vẽ, thấy hàng chữ: “Bố ơi, con yêu bố lắm!”

Ngày hôm sau, người cha quyết định ra đi bằng viên đạn nhỏ kê nơi màng tang mình..”

Câu chuyện mà bạn và tôi, ta vừa nghe, cũng nức nở? Nhưng, chớ đổ tội cho mùa thu, nhiều tiếng nấc. Mà, chỉ nên trách người cha/người bố đã yêu thương, nhưng không đủ để dằn cơn nóng giận. Con trẻ, không nói tiếng “yêu” bằng lời lẽ. Mà chỉ dùng chữ viết. Rất nguệch ngoạc. Ngoằn ngoèo. Khó đọc.

Trong đời người, nhiều trường hợp cũng tương tự. Cũng yêu đương. Nhưng không da diết kiểu xưa/cách cũ như “ái ân”. Nồng nàn. Thắm thiết. Nhưng, đã chắc gì sẽ kéo dài.

Nói như nhà Đạo, khi ta nói tiếng yêu thương, là nói về một “giải thoát” như Thiên Chúa vẫn làm ta thoát giải. Giải và thoát, là Ngài giải cho ta thoát khỏi mọi ràng buộc. Khỏi giam hãm. Vì ghét ghen. Thù hận. Ràng buộc, vì lề luật. Khỏi, mọi điều bất ưng. Nức nở.

Sống ở đời, kinh nghiệm cho thấy nhiều điều mình rất bất ưng, nhưng vẫn cứ xảy đến. Ngược lại, có nhiều điều ta vẫn ưng và vẫn muốn, nhưng sao chẳng thấy đến. Chẳng xuất hiện. Cho đẹp đẽ. Hoặc, có xuất hiện đấy, nhưng vẫn quên. Quên, như chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” của một độc giả nọ cứ gửi thư hỏi cha-già-biết-nhiều-thứ, ở Sydney, những câu sau đây:

“Tôi có người bạn, vừa kể cho nhau nghe về chuyện Hội thánh xin mọi người cầu nguyện cho các linh mục vào Thứ năm, mỗi đầu tháng. Đặc biệt, trong năm thánh dành cho linh mục. Những chuyện như thế, tôi chưa một lần nghe biết. Và, bạn nói: cũng chẳng rõ chuyện ấy, đến từ đâu. Là chuyện gì? Vậy, xin chỉ cho tôi biết, để cảm thông với các giáo sĩ , trọng Đạo mình. Xin biết ơn.”

Chưa nghe. Chưa chỉ. Đã biết ơn. Âu, đó cũng là thói quen của người nhà Đạo. Rất văn minh. Ở xứ người. Và, đấng bậc hôm nay cũng không ngại ngần, chuyện chỉ giáo. Chẳng cần ơn. Không cần huệ. Vẫn trả lời, như sau:

“Bạn của ông/anh nói rất đúng. Lâu nay, Hội thánh vẫn có thói quen yêu cầu mọi người nguyện cầu cho linh mục, vào ngày ấy. Chuyện này xuất tự chính Vatican, thành đô yêu dấu, của Đạo mình.

Toà Xá Giải La Mã, là cơ quan cao nhất ở Rôma có thẩm quyền và trách nhiệm về chuyện ân xá/đại xá. Năm vừa qua, đã đưa ra nghị quyết ban phép đại xá trong Năm Thánh Dành cho Linh Mục. Bắt đầu từ lễ Thánh Tâm Chúa năm 2009 và kết thúc ngày 11/6/2010. Nghị quyết chính thức ban hành ngày 12/5/2009.

Nghị quyết cho biết: ta được ơn đại xá/toàn xá vào nhiều dịp trong năm. Nhất là vào Thứ Năm đầu tháng và các ngày kết thúc Năm Thánh Dành Cho Linh Mục. Muốn được ơn này, giáo dân phải đến nhà thờ dự lễ và đọc kinh cầu nguyện cùng Chúa là Linh Mục Tối Cao Trường Tồn, để cầu cho các linh mục trong Giáo Hội. Lại cũng làm việc lành phúc đức, ngõ hầu Chúa thánh hoá đưa các ngài vào với Thánh Tâm Ngài.

Thông thường, điều kiện để được đại xá, là: phải Rưóc Chúa vào lòng. Tốt nhất là cùng một ngày. Phải lo xưng tội trước hoặc sau ngày đó. Và, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha.

Nếu vị cao niên/bệnh nhân nào, vì lý do gì đó, không thể ra khỏi nhà mà đi lễ, vẫn có thể được ân xá nếu vị ấy thực hiện 3 điều nêu trên, càng sớm càng tốt. Khi làm thế, hãy cầu xin Chúa thánh hoá các linh mục, đồng thời dâng hiến mọi nỗi đau đớn/bệnh tật của mình lên với Chúa, qua Đức Mẹ Maria, Nữ Vương các Thánh Tông Đồ, là được.

Bậc giáo dân, cũng được ơn tiểu xá nếu đọc năm lần kinh “Lạy Cha”, “Kính Mừng” và “Sáng Danh”, hoặc các kinh nào được Hội thánh chấp nhận để làm đẹp lòng Thánh Tâm Chúa, ngõ hầu cầu cho các linh mục giữ mình trong sạch, thánh hoá cuộc sống, là tốt.

Còn về câu: “Sao lại làm việc ấy vào các ngày Thứ Năm đầu tháng?”, thì câu trả lời, tốt nhất là: nên qui về trường hợp linh mục Dòng Cứu Chuộc và về Đức Giáo Hoàng Piô XI. Trong cuộc tĩnh tâm vào năm 1930, Lm Paschalis Schmid, SDS thấy là mình có ơn gọi làm việc gì đó ngõ hầu giải quyết tình trạng thiếu linh mục, trong Giáo Hội. Sau khi hội ý với các Giám mục, linh mục và một số vị khác, ngài đã quyết định nên dành ra một ngày đặc biệt trong tháng, để cầu nguyện cho các linh mục được thánh hoá và cầu cho ơn kêu gọi. Chỉ một thời gian ngắn, ý kiến này được nhiều người cổ võ, khắp thế giới.

Theo đơn xin của Lm Pancratius Pfeiffer, khi ấy là Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đấng Cứu Chuộc, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã ban phép miệng chấp thuận cho thành lập “Ngày Cầu Cho Các Linh Mục”, kể từ đó. Và, Đức Thánh Cha quyết định lấy ngày Thứ Năm đầu tháng, cho việc này.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng Piô XI lại đã khuyến khích con dân trong Đạo, hãy gia tăng cầu nguyện cho các linh mục. Qua Tông huấn ngài viết về thiên chức linh mục được mang tên Ad catholici sacerdotii (về Linh mục Công giáo), có những giòng sau đây: “Nhận thấy đây là việc phải làm, sau khi đã tham vấn Thánh Bộ Phụng Vụ, ta cũng nên sắp sửa một Thánh Lễ Ngoại Lịch, cho Thứ Năm, theo qui định Phụng Vụ “De Summo et Aeterno Iesu Christi Sacerdotio”, hầu làm đẹp lòng Chúa là Linh Mục Tối Cao Trường Tồn”. Đây là niềm an ủi và vui sướng cho Ta ban hành Thánh Lễ này, cùng với Tông Thư hôm nay”. (Mục #91)

Theo tinh thần của Tông Thư do Đức Thánh Cha ban, chúng ta cũng nên thực hiện công cuộc đoàn kết với toàn thể Hội thánh mà nguyện cầu cho các linh mục, nhất là vào các ngày Thứ Năm đầu tháng.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly, 21/02/2010, tr.10)

Về yêu đương, người bàn cũng viết thêm đôi dòng, nghe khá quen. Rày đã quên. Dòng ấy, nay vẫn chảy. Vẫn cuồn cuộn, như thế này:

“Yêu thương và Giận dữ, cả hai đều không giới hạn. Và, chọn lựa nào cũng quan trọng cả. Hãy chọn yêu thương để có được đời sống tươi đẹp. Rất đáng yêu. Và đáng nhớ. Hãy nhớ mãi điều này: Vật dụng, là để ta sử dụng. Còn, con người là để thương, để yêu.

Thế giới, nay nghĩ khác: con người là để sử dụng. Còn đồ vật mới dùng để thương yêu. Thành ra, dù ta tự đặt mình về phe nào. Cánh nào. Cũng hãy nên nhớ:

-Hãy thận trọng với ý nghĩ của mình, vì mình sẽ nói ý ấy ra, bằng lời nói.

-Hãy thận trọng về điều mình nói, vì mình sẽ phải biến nó, thành hiện thực.

-Hãy thận trọng về điều mình thực hiện, vì chính nó sẽ là thói quen.

-Hãy thận trọng với thói quen, vì nó sẽ trở thành cá tính.

-Hãy thận trọng với cá tính, vì nó sẽ quyết định số mệnh, của mình.”

(Trích lời phát biểu của Đức ĐạtLai Lạtma)

Thành thử, dù đó có là số mệnh, hoặc bản mệnh. Dù, bản mệnh mình có hung tướng hoặc cát

tướng đi nữa, hãy cứ thận trọng về thương yêu. Bởi, thương và yêu, là tất cả. Cả một đời. Của con người. Hãy yêu thương dài dài. Mãi mãi. Để rồi, ta lại sẽ nghe người nghệ sĩ lại vẫn hát:

“Sẽ hát, bài cho em

và ru em, yên giấc tối

ngày mai, khi mưa ngang lưng đồi

chờ em, anh nghe mùa thu tới.”

(Ngô Thụy Miên-bđd)

Vâng. Hãy cứ nghe. Và, cứ chờ. Rồi, cũng có mùa thu. Mùa tình tự. Yêu đương. Của mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ chờ

để nghe mùa thu tới.

Mùa yêu thương

của Đạo trong đời.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com