Saturday, 27 February 2016

“Chắp tay lạy người cho xin nụ cười”,



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ tư mùa Chay năm C 06/3/2016

“Chắp tay lạy người cho xin nụ cười”,
Chắp tay lạy trời cho đám mưa rơi.
Chắp tay lạy đất cho mầm cây tươi.
Chắp tay lạy nước cho mát cõi đời.
Chắp tay lạy người, chắp tay lạy Trời
Chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi…”
(Nhạc: Phạm Duy/Lời: Phạm Thiên Thư – Chắp Tay Hoa)

(1 Thessalônikê 4: 1-5)        

Nghe hát thế, giống như thể: các cụ đạo ở đâu đó cứ ê-a đọc ba kinh-kệ, rất lễ-mễ. Này nhé, đến nhà quàn các cụ đọc kinh “Bởi Trời”, “Từ Vực Sâu”. Đi nhà thờ, các cụ lại vẽ bày 15 phút/nửa tiếng những “10 điều răn Đức Chúa Trời”, “6 điều răn Hội-thánh”, “thương người 18 mối, thương xác 7 mối”, vv và vv… Tức: cứ vân vân đến độ Chúa có nghe cũng lắc đầu nguầy nguậy bảo rằng: chẳng hiểu, vì các cụ đọc theo giọng Bắc Kỳ chưa di-cư, không hiểu nổi.
Thôi thì, đọc gì thì đọc, hát gì thì hát. Khác nào, đọc và hát tiếng La-tinh xưa, đã lình-bình nhiều thế-kỷ, chả ma nào hiểu, chả đấng quỉ-quái nào nghe.
Thôi thì, hôm nay bần-đạo đề-nghị bạn/đề-nghị tôi ta nghe thêm câu hát tiếp, hạ hồi sẽ bàn và luận sau đó, mà rằng:

“Tôi lạy mây bay cho trời cao rộng,
Tôi lạy sông trôi cho sạch đầu đời.
Tôi lạy tất cả hiện-hữu diệu-vời
Đâu không là Phật! Đâu chẳng là Trời?

Dù bông hoa cỏ, dù hạt bụi rơi,
Như suối suôi non, như mây lên ngàn.
Như sông vượt trùng,Như ánh trăng vàng,
Xin mở lòng ra, cho Trời đất hiện.”
(Phạm Duy/Phạm Thiên Thư – bđd)

Đúng là như thế. Đọc kinh hay cầu kinh, vẫn chỉ là đọc và đọc. Đọc, mà không biết rằng “Đâu không là Phật!” “Đâu chẳng là Trời?” Bởi, Trời hay Phật có nghe chăng bao giờ lời người kêu thấu, rất vực sau, đâu!
Có đọc hay không, có cầu chăng nữa, giọng Bắc, Trung, Nam vẫn như bài hát, bảo rằng:

“Tâm là đảo quý Giữa biển luân-hồi
Thần-thánh đi rồi Chỉ có lòng thôi.
Hiện-hữu đây rồi, Không ý không lời,
Tôi không là Tôi, Người không là Người.”

Mười phương mây nổi Như cánh hoa trôi.
Như sông ra khơi Như hơi gió thổi.
Như mây xa vời Như bong hạc trời,
Tôi không là Tôi Người không là Người.”
(Phạm Duy/Phạm Thiên Thư – bđd)

Ấy đấy! Hát hò thì như thế. Còn cầu kinh, thì người người vẫn cầu kinh lình xình chứ đâu có mở rộng đôi tai và trái tim để nó nên mềm mại và mở rộng hơn nữa, ngõ hầu quên hận-thù, mà tha-thứ và sống thực lẽ Đạo. Sống thực, là luôn đặt câu hỏi với chính mình, rằng: ta phải đối-xử với người làm lỗi chống lại mình cách nào, đúng nghĩa người có Đạo và sống Đạo?
Về chuyện cầu kinh khá lình-xình, thì đến hôm nay, Đức Thày John Flader, vẫn suy nghĩ cứng cỏi và rồi lại kéo người đọc hướng về chuyện cầu kinh/cầu nguyện bằng tiếng “La-tinh”/“Tinh-La” cũng rất lạ. Lạ, như câu truyện kể nhè nhẹ để mào đầu cho lời đáp của Đức thày.
Truyện hôm nay, là câu truyện kể rất “huề vốn” như sau:

“Đôi vợ chồng nọ tham-gia cuộc thi kể truyện về “cuộc sống Gia-đình hoà-thuận”, sau 60 năm chung sống, rất giống phim truyện, rằng:

Phóng-viên tờ báo nổi tiếng đến với đôi vợ chồng có tiếng là hoà-thuận, để hỏi bí-kíp có được từ đâu thế. Người chồng đáp lời phóng-viên, mà bảo rằng: Đó, là kinh-nghiệm hiếm có khi hai chúng tôi đi hưởng tuần trăng-mật. Nàng ngồi chễm-chệ trên lưng con ngựa già mà đi dạo. Khi con ngựa của nàng vì cớ gì đó đã vấp ngã, nàng nhẹ-nhàng bảo ngữa: “Một lần rồi đó nhe!”

Đi được một đoạn đường ngăn ngắn, ngựa già nhà ta lại vấp ngã lần nữa nhưng gượng được khiến nàng không sao cả. Lần này, nàng vẫn nhè nhẹ bảo: “Hai lần rồi đấy, con!”           

Ngựa đứng dậy, rồi chầm chậm bước kế tiếp. Nhưng đến đoạn tiếp, ngựa sơ ý lại vấp ngã thêm một lần nữa. Nàng vẫn im-lặng, rồi từ từ rút súng lục ra khỏi bao và bắn chết chú ngựa già yêu quí của mình, không thương tiếc.

Kịp đến khi, tôi lên tiếng phản-đối cách đối-xử khá mạnh-bạo của một người con gái vào những ngày còn trăng mật với trăng rằm, thì nàng ngước mắt nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nhẹ nhàng dặn-dò: Một lần rồi đó nhe!”

Thế là từ đó trở đi, hai chúng tôi luôn sống hoà-thuận bên nhau đến 60 năm, chẳng còn đếm một lần với hai lần gì sốt cả…” (truyện kể rút mạng vi-tính, rất ý-nghĩa)

            Kể truyện tiếu lâm chay có những lần đếm số ngày trăng mật như thế, cũng giống như kể về đấng bậc vị vọng từng kể chuyện giáo-luật, phụng-vụ trong Đạo rất nhiều lần, đếm không xuể. Thế mà, chả có ai bị ngã ngựa bao giờ hết. Cả khi, đức thày kể về chuyện đọc kinh cầu nguyện rất “La-tinh” qua lời hỏi/đáp trên báo chí, như sau:
             
“Thưa cha. Con gia-nhập cộng-đoàn kẻ tin người Công-giáo là từ thập-niên 1960s, khi ấy thánh-lễ được cử-hành bằng tiếng La-tinh, mà thôi. Nay xin hỏi: Sao hội-thánh ngày nay không dùng hình-thức nguyện cầu như thế nữa?”

Nhanh-chóng trả lời bằng nhiều ý-tưởng, nhưng ở đây chỉ xin tóm tắt một vài ý, như sau:

“Theo lịch-sử, thì thánh-lễ đầu tiên được cử-hành bằng tiếng Aram, thứ tiếng Híp-ri (Do-thái) được tín-hữu thời tiên-khởi sử-dụng ở Palestine thời Đức Kitô sống…

Sau đó, phụng-vụ Đạo Chúa lan-truyền khắp vùng Địa Trung-Hải, nên ngôn-ngữ được sử-dụng lúc ấy là các tiếng: Syria, Cốptích, Marmênia và đặc-biệt hơn cả là tiếng Hy-Lạp. Kịp đến thế kỷ thứ 3, tiếng La-tinh trở-thành ngôn-ngữ sử-dụng rộng-rãi ở đế-quốc La Mã và đến thế-kỷ thứ tư, thì ngôn-ngữ này đã chính-thức thay cho tiếng Hy-Lạp trong các nghi-thức phụng vụ của đạo ta…

Đến thế-kỷ thứ 6, bộ giáo-luật chính-thức đã quyết-định các sách lễ và lời nguyện trong thánh-lễ phải dùng tiếng La-tinh là ngôn-ngữ duy-nhất trong nghi-thức La-Mã, tức La-tinh.

Với Công-đồng Vatican 2, đã có quyết-định bảo rằng: La-ngữ vẫn được lưu-dụng trong các nghi-thức diễn-tả bằng tiếng La-tinh ở nơi nào còn thực-hiện. Nhưng kể từ ngày Công Đồng cho phép sử dụng tiếng bản-xứ hoặc trong thánh-lễ hoặc vào các nghi-lễ ban phép bí-tích hoặc nghi-thức nào khác, dân con trong Hội-thánh đã thấy được lợi-ích khi hiểu được ý-nghĩa của các bài đọc, lệnh-truyền cũng như các kinh-nguyện, lời cầu hoặc ca-vịnh, thánh-vịnh…

Nhưng Hiến-chế Công-đồng vẫn dặn-dò các chức-sắc trong Giáo-hội hãy thận-trọng trong việc sử dụng tiếng địa phương sao cho vẫn còn sự tôn-nghiêm trong các thánh-lễ. Kể từ đó, các giáo-phụ đã xin phép Toà thánh được sử-dụng rộng-rãi tiếng nước mình trong thánh-lễ và nghị-thức phụng-vụ, cho đến nay…

Lịch sử thì như thế. Nhưng ta vẫn có thể cầu nguyện sao cho việc sử-dụng cổ ngữ tốt lành này trong các hình-thức ngoại-thường hoặc thánh-lễ theo nghi-thức Công Đồng Triđentinô ở nhiều nơi, vì đây là ngôn-ngữ quí-hiếm và hay đẹp của Giáo-hội.” (x. Lm John Flader, When did the Church switch from Latin to Mass in vernacular? , The Catholic Weekly, Question Time 14/2/2016, tr. 22)

            Cầu nguyện, mà lại cầu bằng tiếng nước ngoài cổ lỗ xĩ, không ai xài, không ai hiểu được thì chỉ mỗi đấng-bậc già-nua, cổ lỗ mới làm thế. Còn nhớ, khi trước nhiều vị còn tuyên-dương, nguyện-cầu (hoặc xin xỏ) với các thánh cũng bằng tiếng nước ngoài rất cổ, đối với các vị thánh không biết tiếng La-tinh, thế mới chết.
            Các thánh-nhân không học chữ cổ nay chết rồi, làm sao nghe và hiểu để còn giúp đỡ, cầu bàu cùng Chúa được cơ chứ? Có vị lại bảo: Chúa không nói tiếng La-tinh, hoặc tiếng của người La-Mã thì Ngài sao được người cầu muốn gì. Và, sao lại cầu nguyện với các vị thánh đã chết rồi thì làm sao giúp được ai? Giúp được gì và gì được?
            Lại nói chuyện thánh-nhân lành/thánh là nói chuyện định-nghĩa, định-danh và định-vị tư-thế của các ngài xưa/nay, vẫn là chuyện cần bàn thêm nữa. Và hôm nay, ngày rộng tháng dài, tưởng cũng nên để mắt suy-tra nghiên-cứu từ sử-sách để mở rộng tầm mắt, nói chuyện Đạo.
            Vậy thì, mời bạn và mời tôi, ta đi vào giòng chảy sử-sách có những suy-tư bàn-luận chuyện gọi là “Các thánh thông-công” cũng rất thoáng, như sau:

“Nếu muốn “thánh-nhân” nào đó cầu-bàu cho ta, thì ít ra vị ấy phải là người còn sống mới được. Giả như ta lại trò-chuyện, trao-đổi với những người đã khuất, hoặc sao đó, hẳn đây lại cũng chỉ là một loại học-thuyết thông-linh, thông-thiên-học, tức giao-tiếp với người chết mà thôi chăng?

Ngay như Kinh thánhcũng từng lên án mọi toan-tính giao-tiếp với những vị đã chết như sách Ysaya đoạn 8 câu 19, 20 từng nói:

“Và nếu người ta nói với anh em:
Hãy thỉnh ý các đồng bóng và thầy bói
là những kẻ thì thào và lẩm nhẩm;
dân lại chẳng phải thỉnh ý thần của mình,
thỉnh ý kẻ chết cho người sống sao? ",
thì anh em cứ trở về với lời giáo huấn, với lời chứng!
Nếu họ không nói theo như lời này,
thì sẽ chẳng thấy rạng đông.”
                   
Vâng. Rất nhiều người trong chúng ta lâu nay vẫn đọc kinh Tin Kính trong đó có câu “tôi tin các thánh thông công”, tức: giả-thiết rằng điều ấy bao gồm ý-tưởng cầu-nguyện cho với người đã chết. Về việc này, sách “Bách Khoa Công-giáo có viết: giáo-huấn đạo Công-giáo về việc nguyện-cầu cho  kẻ chết có liên-quan chặt-chẽ với đạo-lý về sự “hiệp-thông giữa các thánh” tức một ý-tưởng trong kinh Tin Kính của các thánh Tông-đồ. Cầu nguyện với các thánh và các đấng tử-đạo nói chung, hoặc với một trong các vị ấy cách riêng là chuyện nên làm.

Công-đồng Triđentinô có lời rằng: “các thánh cùng ngự-trị với Đức Kitô sẽ dâng lên lời kinh của các ngài lên Thiên-Chúa cho con người. Cũng là điều tốt lành và hữu-ích để liên-tục kêu cầu/nài-nỉ xin các ngài cầu-bàu bằng lời kinh của các ngài, hoặc bằng việc biện-hộ để giúp ta đạt được điều có lợi từ Thiên-Chúa.” (x. The Catholic Encyclopedia, tập 4, tr. 653, 655 đề-mục “The prayers for the dead.”)                             

           
Kể về việc chuyện trò/giao-tiếp với các thánh như trên, không phải để xin các ngài mách nước/chỉ bảo bí-kíp sống hoặc làm trung-gian dẫn ta đến với Chúa mà xin xỏ điều này/việc nọ cũng là chuyện khá phiền hà. Chuyện “không phiền” trong cuộc sống có giao-tế/tiếp-cận với người khác, cả thánh-nhân lẫn người thường, là kể cho nhau nghe 13 điều rất “không phiền” như sau:

            Với tôi, ngày nào cũng “Không phiền” như những nội dung dưới đây thì đã là hạnh phúc.

1/ Buổi sáng ngủ ngon mà bị đồng hồ báo thức, đáng lẽ phải càu nhàu, nhưng tôi không phiền mà lại rất vui, vì biết mình còn sống.
2/ Vợ tôi chỉ nấu cho tôi tô mì gói chiều nay, tôi không phiền cho rằng nàng lười nấu nướng, mà rất vui vì nàng không ra đường cặp kè với ai khác. Cảm ơn Trời, tôi vẫn còn có một người vợ tốt...
3/ Chồng tôi cứ ngồi salon coi Tivi, tôi không phiền, vì chàng vẫn ở nhà với tôi, thay vì ra quán nhậu nhẹt tốn tiền, rồi đánh lộn, say rượu... Cảm ơn Trời tôi vẫn còn người chồng tốt.
4/ Con tôi cằn nhằn vì bị bắt rửa chén. Tôi không phiền vì nó vẫn còn là đứa con ngoan không ra đường lêu lỏng.
5/ Sau buổi tiệc, khi các bạn đã ra về, tôi phải cực nhọc lau chùi, rửa dọn, nhưng tôi không phiền mà còn rất vui vì tôi có được nhiều bạn hữu.
6/ Quần áo lúc này hơi chật, nhưng tôi không than phiền, vì điều đó có nghĩa là tôi vẫn rất mạnh khỏe.
7/ Đi giữa trời đứng bóng nóng nực tôi không buồn phiền, vì được sống thong thả tự do dưới ánh mặt trời.
8/ Sân cỏ cần được cắt, cửa sổ cần được lau chùi, và bao nhiêu công việc nhà đang chờ đợi, nhưng tôi không phiền, không than thở vì tôi vẫn còn được một mái nhà cho gia đình mình.
9/ Ở trong nhà thờ, cái bà đứng sau tôi hát sai điệu nhạc hết trơn, nhưng tôi không lấy làm phiền, vì thính giác của mình vẫn còn tốt, trong khi nhiều người khác không còn khả năng nghe được.
10/ Đồ đạc quần áo chất đống để chờ tôi giặt, ủi, nhưng tôi không phiền vì mình vẫn còn có nhiều quần áo để mặc.
11/ Sau một ngày làm việc tôi mệt mỏi, và đau nhức các bắp thịt, nhưng tôi vui, vì mình vẫn còn có khả năng làm được những việc nặng nhọc.
12/ Làm việc chung với tôi, có nhiều người tính khí khác lạ, tôi không phiền, vì chính nhờ họ mà công việc không trở nên buồn tẻ mà trái lại thêm thích thú.
13/ Và cuối cùng nhận được nhiều e-mail quá, nhiều tin nhắn và nhiều cuộc gọi quá nhưng tôi không phiền, vì điều đó chứng tỏ rằng tôi có nhiều bạn và điều đó chứng tỏ rằng bạn bè tôi vẫn mạnh khoẻ, và còn có những giây phút nghĩ đến tôi.
Mong rằng sau khi đọc nội dung trên, các bạn sẽ “Không phiền” vì tôi đã làm mất thời giờ của các bạn. Xin các bạn hãy vui cùng tôi, vì hôm nay tôi đã khỏe để có thể ngồi đến 12 giờ đêm để gửi những dòng này đến các anh chị và các bạn. Và như thế tôi đã hạnh phúc vô cùng! Bây giờ tôi chuẩn bị đi ngủ và sẽ “Không phiền” khi bị đồng hồ báo thức vào sáng ngày mai.” (truyện kể do bạn bè gửi đến, từ điện-thư)

            Phiền hay không phiền, vẫn là chuyện thường ngày ở đời trong đó có cả sự/việc không tự mình quyết tâm sống thực lẽ đạo, do từ Chúa; mà chỉ luôn chạy đến các đấng bậc lành thánh nay đã khuất, là chuyện “xưa rồi Tám!”
            Phiền hay không phiền, phải là và vẫn là thái-độ chấp-nhận sống cho chính mình, dù những ách-tắc xảy đến với chính mình, hoặc người của mình. Đó, chính là lập-trường sống rất chính đáng, chính chuyên và chính-mạch, cả một đời.
            Nghĩ thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta quay về với các bậc hiền-nhân từng có lời khuyên nhủ tốt lành/hạnh đạo để mà sống thích-hợp với lẽ Đạo. Quay trở về, với lời vàng Kinh Sách có những chương/đoạn như sau:

            “Thưa anh chị em,
anh chị em đã được chúng tôi dạy
phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa,
và anh chị em cũng đang sống như thế;
vậy nhân danh Đức Giêsu, chúng tôi xin,
chúng tôi khuyên nhủ anh chị em
hãy tấn tới nhiều hơn nữa.
Hẳn anh chị em rõ:
chúng tôi đã lấy quyền Chúa Giêsu
mà ra những chỉ thị nào cho anh chị em.
Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh,
tức xa lánh gian dâm,
không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại,
là những người không biết Thiên Chúa.”
(1Thessalônikê 4: 1-5)

Nghe dạy thế rồi, hẳn bạn và tôi, những người đọc và nghe đọc hôm nay, sẽ cứ hiên-ngang, hùng-dũng đứng thẳng lên mà cùng nhau sống thực cuộc đời mình có vui buồn lẫn lộn. Nhưng vẫn hăng say hát lời ca vui/buồn rằng:

“Chắp tay lạy người cho xin nụ cười”,
Chắp tay lạy trời cho đám mưa rơi.
Chắp tay lạy đất cho mầm cây tươi.
Chắp tay lạy nước cho mát cõi đời.

Chắp tay lạy người, chắp tay lạy Trời
Chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi…

Tôi lạy mây bay cho trời cao rộng,
Tôi lạy sông trôi cho sạch đầu đời.
Tôi lạy tất cả hiện-hữu diệu-vời
Đâu không là Phật! Đâu chẳng là Trời?

Dù bông hoa cỏ, dù hạt bụi rơi,
Như suối suôi non, như mây lên ngàn.
Như sông vượt trùng,Như ánh trăng vàng,
Xin mở lòng ra, cho Trời đất hiện.”
(Phạm Duy/Phạm Thiên Thư – bđd)

Thế đó, mới là sống vui tươi, lành-thánh trong cuộc đời người có quá nhiều chuyện Khá phiền, nhưng vẫn thấy “không phiền”, như người kể truyện ở bên trên đã nói và đã kể.
Thế đó, là quyết-tâm của riêng mình, riêng ai và tất cả, trong cuộc đời. Rất mọi thời.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những quyết-tâm
Cũng không nhỏ,
Nhưng rất khó.
Khó làm, chứ không khó nói.


 

Saturday, 20 February 2016

“Xin tình yêu giáng sinh”,



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ ba mùa Chay năm C 28/02/2016

“Xin tình yêu giáng sinh”,
Cho một lần cửa mở
Xin tình yêu giáng sinh
Tình yêu của chúng mình.”
                                    (Phạm Duy – Bình ca 4 - Xin Tình Yêu Giáng Sinh)

(1 Thessalônikê 2: 8-9)
            Xin gì không xin, sao ông nhạc sĩ lại xin cái có sẵn trong tâm can/cỗ lòng của bạn và của tôi, cơ chứ? Có lẽ, sẽ có người nói với ông điều này, rằng: nhà Đạo chúng tôi vẫn tin như “đinh đóng cột” rằng: Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu. Ngài là Đấng “Có” từ thuở đời đời, vô tận. Thế nên, cần gì phải hát xin (Thiên-Chúa-là-)Tình-Yêu hãy Giáng sinh, cho nó “bận lòng tướng quân”!
            Nhưng, xin bạn bè/người thân ta nghe itếp câu khác, cũng trong bài này như sau:

            “Mười ngàn đêm đau thương,
Ôi trường-thiên ác-mộng.
Mười ngàn đêm, của hờn
Mười ngàn đêm của giận.

Trên vũng lầy vô tận,
Chỉ thấy máu và xương.
Chỉ thấy khóc và than.

Mười ngàn đêm đau thương
Mười ngàn đêm đoạn trường.
Mười ngàn đêm oan khiên,
Mười ngàn đêm đau thương…”
(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Hát thế cũng có lý. Sau mười ngàn đêm hờn giận, đau thương, oan khiên với đoạn trường rồi thì bạn và tôi có “Xin Tình Yêu Giáng Sinh” thì cũng được. Và, cái “được” nhất ở đây, là: câu cuối cùng khi ta hát: Xin Tình yêu Giáng Sinh, Tình yêu của chúng mình”.         
            Thành thử, cái quan-trọng và đáng kể nhất, vẫn là xin gì thì xin hãy cứ làm sao để “Tình yêu của chúng mình” được “tái” sinh chứ không “giáng” sinh đâu, giời ạ! Thật ra là như thế.
            Vâng. Vấn-đề chính trong đời người mà người đời cứ nói và hát mãi không ngừng, là: hát và nói hoài về “Tình Yêu của chúng mình”, mà thôi.  Và sau đây, đề-nghị bạn và tôi, ta cứ hát thêm những giòng thi-ca/âm-nhạc rất “Giáng Sinh”, như:

            “Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần hoa nở
Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần cửa mở.

Xin Tình yêu Giáng sinh.
Tình yêu của chúng mình…”
(Phạm Duy – bđd)

Và cứ thế, mà xin. Nhưng, có xin gì nhiều cho lắm, thì bầy tôi đây cũng đề-nghị bà con ta “hãy cho một lần cửa mở”, để “Tình yêu của chúng mình” ở lại mãi, với mọi người.
Vâng. Ý-chính và cũng là ý-chủ của chuyện phiếm hôm nay, cũng không đi đâu xa ngoài những câu hát/hò, ra như thế.
Vâng. Ý-chủ chứ không phải ý-chính của bầy tôi hôm nay trình-bày với quan-viên hai/ba họ chỉ muốn nói về giòng chảy tư-tưởng rất thật như thế, thôi. Dạm và nói thế rồi, nay ta đi vào chủ đề chính, rất hôm nay. Chủ-đề là đề-tài chủ-quan, chủ-yếu và chủ-lực, chỉ lạm bàn sơ qua về đề-tài thời-thượng/thượng thời, như sau:
Đề-tài chủ hôm nay mà bầy tôi đây bắt chộp được là từ bài “nói chuyện” rất “không phiếm” của Đức Phanxicô hôm ấy ở Rôma, được dịch-giả Vũ Đức Phương Anh, sj đã ‘dịch thiệt’ như sau:

“Chúng ta hãy tha thiết nài xin Thiên Chúa để dẫu chúng ta có yếu đuối phạm tội nhưng đừng bao giờ trở thành những kẻ hư hỏng (corrotti), không cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa nữa.” 

Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ sáu, ngày 29.01, tại nguyện đường thánh Marta.

Khởi đi từ bài đọc một trích sách Sa-mu-en, thuật lại chuyện vua Đavít và bà Bát-Se-va, Đức Thánh Cha đã phân biệt giữa tội nhân và kẻ hư hỏng.  Khác với những người hay phạm tội nhưng biết ăn năn, kẻ hư hỏng không còn cảm thấy cần sự tha thứ của Thiên Chúa nữa.

“Con người có thể hay phạm tội nhưng luôn biết chạy đến với Thiên Chúa để chân thành nài xin sự tha thứ. Chân thành nài xin chứ không bao giờ nghĩ rằng tự sức mình có thể đạt được sự tha thứ ấy. Nhưng khi con người bắt đầu trở nên hư hỏng, không còn cảm thấy cần sự tha thứ; thì vấn nạn mới thực sự phát sinh.”

Đây là thái độ mà vua Đavít vướng phải khi vua say mê bà Bát Se-va, vợ ông U-ri-gia, một sỹ quan quân đội đang chiến đấu trên tiền tuyến.  Sau khi vua Đa-vít ăn nằm với bà Bát Se-va và biết rằng bà đã có thai, vua đã nghĩ ra những mưu kế để che dấu hành vi ngoại tình của mình. Vua truyền cho ông U-ri-gia từ chiến trận quay về nhà để nghỉ ngơi và có thời gian gần gũi với vợ. Nhưng ông U-ri-gia lại nghĩ rằng không nên về với vợ mà nằm ở cửa đền vua với tất cả các bề tôi của chúa thượng ông.  Kế hoạch không thành, Vua Đa-vít chuốc rượu cho ông U-ri-gia đến say khướt, nhưng âm mưu vẫn thất bại.

Như thế, vua Đa-vít đã rơi vào một tình huống khó khăn. Nhưng chắc chắn rằng, vua vẫn có thể tự nói với mình: “Ta sẽ giải quyết được việc này.” Vua đã viết thư cho ông Giô-áp và gửi ông U-ri-gia mang đi.  Trong thư, vua viết rằng:“Hãy đặt U-ri-gia ở hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết.” Vua Đa-vít nhất định khiến ông U-ri-gia phải chết. Người lính can trường và trung thành này – trung thành với lề luật, với dân tộc, tổ quốc – đã phải mang lấy án tử bởi chính vị vua mà ông hết mực trung thành.

Vua Đa-vít là thánh nhân nhưng cũng là tội đồ. Vua đã sa ngã vì sự thèm muốn và khao khát nhục dục, nhưng Thiên Chúa vẫn rất yếu mến vua. Vua Đa-vít cảm thấy an tâm, vì quốc gia đang hưng thịnh. Sau khi ngoại tình, với quyền lực của mình, vua đã làm mọi cách để đẩy người tôi trung đến cái chết, khi bỏ nó lại chiến trường nơi mặt trận nặng nhất.  Và cái chết vì gươm đao là chuyện vô cùng bình thường của nhà binh.

Sự kiện này xảy ra trong cuộc đời của vua Đa-vít khiến chúng ta cũng phải xem xét lại đời sống của mình: Liệu tôi có đang chuyển từ tội nhân đến một kẻ hư hỏng không?  Vua Đa-vít đã bước một chân lên nấc thang đầu tiên dẫn đến sự hư hỏng rồi.  Vua có quyền lực.  Vua có sức mạnh.  Và chính vì lý do đó, sự hư hỏng rất dễ xảy ra với chúng ta là những người có quyền lực, cho dù đó là uy quyền trong Giáo hội, tôn giáo hay trong kinh tế, chính trị…  Bởi vì, ma quỷ sẽ khiến chúng ta an tâm và tự nhủ: “Tôi có thể làm được.  Tôi sẽ giải quyết được mọi sự.”

Sự hư hỏng – nhờ ân sủng Chúa, vua Đa-vít đã được giải thoát khỏi tình trạng này – đã làm thương tổn tâm hồn chàng thiếu niên anh dũng, người đã đối diện với tên Gô-li át khổng lồ và hạ hắn bằng một dây phóng đá cùng năm hòn đá cuội nhặt dưới suối.  Bởi vậy, hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh với anh chị em một điều thôi:  Đôi khi chúng ta phạm tội hay đời sống của chúng ta quá an toàn, chắc chắn, chúng ta cảm thấy ổn vì có nhiều quyền lực; chính lúc đó sự hư hỏng sẽ bắt đầu.  Một trong những điều tồi tệ nhất mà sự hư hỏng gây ra là khiến người ta không còn cảm thấy cần sự tha thứ của Thiên Chúa nữa.

Bởi vậy, chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho Giáo hội, cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, linh mục, các nam nữ tu sĩ và tất cả mọi tín hữu: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con.  Xin cứu vớt chúng con khỏi sự hư hỏng.  Chúng con là tội nhân, nhưng lạy Chúa, xin đừng để chúng con trở thành những kẻ hư hỏng, không cần đến sự tha thứ của Chúa nữa.” Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ân sủng này.” (Bài phát-biểu của Đức Phanxicô vào cuối năm 2015, Chuyển ngữ:  Vũ Đức Anh Phương, SJ) 

Vâng. Đứng trên cương-vị của đấng bậc chóp bu Giáo-Hội, Đức Phanxicô vẫn có thể nói như thế. Nhưng, ở tư-thế “người thường ở huyện” như tác-giả lá thư viết thẳng cho ông Đavít nhiều thế-hệ về sau, là Gs Michael McGirr thuộc trường St Kevin College ở Melbourne nước Úc, thì ông lại viết như sau:

Thư gửi vị đại thi-hào trong Đạo đồng thời là vua chúa, rất nổi danh.
Trọng kính Vua Đavít rất thương mến,

Tôi đây, thường không hay viết thư cho các vua/quan lãnh chúa bao giờ hết. Nhưng, thú thật với ngài, là: sở dĩ có chuyện ấy, là vì các vị nói trên, chả bao giờ viết thư cho tôi cả, sao tôi lại phải viết cho các người ấy được. Nhưng hôm nay, tôi thấy có một điều gì đó liên-quan đến câu truyện về ngài rơi thẳng tuột xuống mặt đất, nên tôi bạo mồm/bạo miệng, viết như sau:

Thưa Ngài,
Tôi nghĩ về ngài, là người con thứ 8 trong gia đình đông con; và ngài thường bị bỏ sót không ai để tâm đến, hết. Cha ngài, ông Jessê, lại thích các người anh em của ngài hơn ngài. Bởi thế nên, ngài mới bị tống cổ ra ngoài đồng trông lũ chiên/cừu gần làng BêLem nhỏ bé là nơi gia đình ngài trú ngụ.

Dù sao, ngôn-sứ Samuen lại thấy ngài có được những gì mà ngày nay người ta gọi là tiềm-năng lãnh-đạo, nên mới lướt qua đám anh/em của ngài dù có “sạch nuớc cản” đến mấy, cũng vậy. Samuel bảo: ‘đừng để tâm/chú-trọng đến bề ngoài hoặc chiều cao của y ta… Thiên-Chúa không nhìn người như con người nhìn: họ chỉ thấy mỗi bề ngoài trong khi Thiên-Chúa lại chỉ nhìn bên trong tâm can họ thôi.”

Sách vở có kể câu truyện trứ-danh về việc ngài đối-đầu với đám quân binh Philistin, Goliát là chiến-binh cao-ráo, lực-lưỡng. Còn, ngài khi ấy đã chối-từ không mặc áo giáp vì không thấy thoải-mái với những thứ đó làm cho ngài giống như đứa học trò ở đây không chịu đeo cà-vạt đến trường vậy. Gôliát thua trận là bởi chiến bào của ông ta quá nặng nề.

Câu truyện kể ở đây làm bọn tôi nhớ lại, cũng tựa như chuyện đời của ngài vẫn kể rằng: tin, không phải là chuyện sống thủ thế. Gôliát đã trở nên quá nặng-nề, lê-thê đến độ ngài đã đánh bại ông ta chỉ bằng vài viên đá cuội mà ngài nhặt được bên sông bỏ vào bao bị khi chăn cừu, phòng khi hữu sự. Hình-ảnh của người chăn cừu luôn gần gũi với ý-tưởng về tính lĩnh-đạo của Thiên-Chúa hơn chiến-sĩ.

Ngài từng có quan-hệ rất đặc-biệt với âm-nhạc. Tên của ngài luôn gắn liền với sách hát cao cả nhất trong lịch-sử, đại để như: Thánh-vịnh. Các thánh vịnh đều diễn-bày nhiều cảm-xúc đặc-biệt của người trần mắt thịt. Chúng giúp con người khám phá ra niềm tin trong bất cứ cảnh-huống nào gặp phải và tìm ra được lời lẽ thích-hợp cho tình-cảnh ra như thế.

Đến hôm nay, chúng vẫn duy-trì niềm tin của hàng triệu người theo cách mật-thiết rất ư âm-nhạc. Nhiều thày dòng suốt ngày chỉ xây-dựng cuộc sống thân-thương loanh quanh 150 bài vịnh, mỗi tuần trong đời mình. Đôi khi, bọn tôi cũng tìm đến được với cộng đoàn kẻ tin vào Chúa nếu không nhờ vào các bài vịnh đó.

Một trong các chủ-đề lớn lao cả thể nhất của Thánh vịnh là lòng Từ bi/nhân-hậu, một đặc-trưng quí hiếm thường nối-kết với sự tin-tưởng. Điều này có lý đấy chứ. Từ bi là dính-chặt vào với ai đó qua tình-huống tăm-tối họ trải-nghiệm. Đó cũng là nhìn thấy được mối liên-hệ có trong đó.

Điều này, ngài từng phát-hiện con đường gian-khổ để thấy được là Thiên-Chúa đối xử với con người chúng ta. Từ-bi, là cánh cửa, chứ không là điểm tới. Nó dẫn chân con người đến một nơi nào đó. Và ở thánh vịnh 25, bọn tôi nghe được câu hát, vẫn bảo rằng:

            “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.”              

Và ở thánh vịnh 40, lại cũng thấy câu nguyện ca, vẫn quyết rằng:

                        “Phần Ngài, muôn lạy Chúa,
xin chớ ngừng âu yếm cảm thương con.
Lòng thành tín và yêu thương của Ngài sẽ giữ gìn con mãi.”

            Thưa ngài Đavít,

Người ta bảo là ngài là người đặt ra rất nhiều câu thơ tuyệt-vời từng nói về lòng từ-bi/nhân-hậu. Truyền-thống trong Đạo lại vẫn bảo rằng: thánh vịnh 51 được viết ra sau khi ngài giáp mặt với ngôn sứ Nathan, là truyện kể tuyệt-vời từng nối kết với một sự thật thâm sâu đầy khổ đau kéo dài nhiều thế-kỷ. Bài ca ấy, đã nhắc nhớ bọn tôi biết là: ngài từng muốn ở lại làm tay chăn cừu.

Nhưng, ngài đã trở-thành một người trưởng-thành và lúc đó lại học được nhiều phương-cách lươn-lẹo, gạt gẫm. Ngài đã say mê Bátsêba là vợ của Uriah, một tướng-quân dưới trướng của ngài để rồi dụ bà ta ăn nằm với ngài. Rồi ngài làm như thể đứa con sinh ra là của chồng bà ta. Nhưng, trớ trêu thay, sự việc không trót lọt, ngài lại tìm cách cho người giết chết ông chồng này trong chiến-trận.

Bọn tôi biết rõ đám đàn ông chúng tôi ai cũng có khả-năng làm chuyện đồi-bại này, rất vô-cảm, cả vào lúc tình-huống thật bi-đát. Ngôn-sứ Nathan đã bắt ngài phải đương-đầu/chường mặt với loại người đã cho phép ngài trở nên như thế. Đổi lại, ngài lại đã thưa:

            “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.”

Thánh vịnh này, nói rằng: lòng từ-bi/nhân-hậu dạy-dỗ ta điều khôn lẽ phải. Nó làm cho bọn tôi nên trẻ trung, ít là về tinh-thần:

            “Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con,
vì thân này bơ vơ khổ cực.
Lòng đau như thắt, xin làm cho thanh thoả,
và giải thoát con khỏi bước ngặt nghèo.
Xin Chúa thấy cho cảnh lầm than khổ cực
và tha thứ hết mọi tội con.”

Bọn tôi càng vui mừng, sung sướng khi nghe được âm-giọng ấy, và cũng nghe được cả tiếng xương bể vụn do ngài đạp xuống, khi nhảy nhót nữa.
Ký tên,
Michael McGirr
Khoa trưởng
Môn Niềm Tin và Mục vụ
Trường St Kevin, Melbourne.

            Không cần biết, ngài là vua quan/lãnh chúa hay bậc thày dạy. Chỉ mỗi biết rằng: khi xưa ngài cũng bê-bết như thánh Augustin, rặt một thời. Cũng may, là ngài đã ăn-năn hối cải hồi hướng qua về với đường ngay lối thẳng trong đó có lòng từ-bi/nhân-hậu của Đức Chúa, nên mới được gọi là thánh.
            Nhưng vấn-đề là: thánh là sao? Người nào được gọi là thánh như thế?     
            Trích và kể, toàn chuyện về đấng bậc khi xưa các cụ cứ nhất mực đọc kinh cầu lên vua “thánh” Đavít, là ông tằng ông tổ của Đức Giêsu, mà xin đủ thứ điều này/điều nọ chẳng bao giờ được. Rồi, còn kính trọng ông ta như “thánh”, mà chẳng hiểu thánh-nhân, thánh-hoá hoặc thánh “cả” là thứ gì.
            Nay, mượn ý câu chuyện về vua Đavít rất bê-bối ấy để hỏi: sống thế nào mới gọi sống “thánh”? Các cụ ông/cụ bà xưa nay bê-bết, lại được phong làm thánh, từ hồi nào? Và, hệ-quả của việc phong thánh, đã và sẽ ra sao, vv? Nghĩa là, nhân cơ-hội này để có ý-tưởng mà phiếm “loạn” cho nó qua ngày đoạn tháng vào những tuần-không-phải-là thánh, rất mùa chay.
            Vậy thì, xin mời các cụ tra tay, vào việc luận-bàn cũng rất phiếm.
Vâng. Theo sử sách trong Đạo, thì: “thánh”, là những vị tử-đạo hoặc nhân-sĩ đáng kể, nổi tiếng trong Giáo-hội đã chết và sau đó được các Đức Giáo-Tông tuyên-bố phong là: thánh. Nhưng trong đầu nhiều người, từ-vựng “thánh” chỉ mỗi qui về một người từng đạt mức độ tốt-lành/hạnh-đạo, tức chỉ một số ít gặp được nơi những vị theo chân Đức Kitô mà thôi.
Nhưng, theo Kinh Sách thì: MỌI người mọi tín-hữu đều là “thánh” hết. Bằng chứng là, trong các thư do ông Phaolô viết cho giáo-đoàn ở nhiều nơi như: Êphêsô, Phillíphê, Côrintô, hoặc Rôma, ông đều gửi thư đến các vị được gọi là “các thánh” (Êpêsô 1: 1), vv..  Xem thế thì, “thánh-nhân” hay đấng-bậc lành-thánh phải là những vị còn sống, chứ không chết.
Nếu ta muốn ai cầu bàu/biện-hộ cho ta, thì vị ấy phải còn sống mới giúp-đỡ nhậm lời ta cầu xin, chứ khi đã chết rồi thì còn làm được gì nữa, mà xin với xỏ! Tóm lại, “thánh” là người còn sống giúp ta nhiều việc ta cần đến.
Đó là, hiểu theo nghĩa Đạo. Còn, ngoài đời thì người đời hiểu sự việc theo truyện kể rất như sau:
      
            “Truyện rằng:

Ngày nọ, có chàng thanh niên đến hỏi đức Phật:
- Kính bạch Tôn giả, cha con vừa chết. Xin Ngài đến cầu nguyện cho ông được lên thiên đàng. Ngài là bậc tài năng, đức-độ chắc chắn sẽ làm được việc này.
Đức Phật trả lời:
- Con xuống chợ mua cho ta hai nối đất nung và một ít bơ.

Nghĩ rằng Phật có bùa phép giúp được cho cha mình, chàng trai lật đật xuống chợ mua bơ và nồi đất. Khi mang về, đức Phật bảo:
- Bỏ đá vào một nồi, và bơ vào một nồi khác, xong thẩy cả hai xuống nước.
Cả hai cái nồi đều chìm xuống nước. Xong đâu đấy, đức Phật lại khiến/bảo chàng trai đập vỡ hai cái nồi đất ấy đi. Lập tức, chàng trai liền thấy bơ nổi lên trên mặt nước, còn đá/sỏi ở trong nồi đất kia vẫn nằm yên dưới đáy ao/hồ. Bấy giờ, đức Phật mới lại nói:
- Nhanh lên đi con, hãy ra mời các thầy tu đến và xin các thày tụng niệm làm sao cho cả cả bơ đều chìm xuống đáy hồ và mọi đá/sỏi làm sao đó đều nổi lên.
             
Cha của người thanh niên kia đã chết thật rồi, nếu ông sống cuộc đời tốt lành/hạnh đạo, thì linh hồn ông ắt sẽ nhẹ như bơ, rồi từ đó, sẽ lên thiên đàng dễ như chơi. Trái lại, linh hồn của ông nặng như đá, chắc đã chìm nghỉm xuống tận địa ngục. Không một thứ quyền năng nào của các bậc tu sĩ trên thế giới này, có thể đảo ngược điều đó.

Kể thế rồi, người kể bèn chua thêm một giải-thích áp-dụng cho đời người, là: sống ở đời, nếu có tinh-thần yêu-thương đùm bọc thì cơ thể của người ấy sẽ nhẹ như tơ. Ngược lại, nếu nếp sống của người này cứ nặng chình-chịch như chì, lòng đầy oán-giận/hận-thù đằng đằng không chịu tha-thứ, thì tự khắc sẽ chìm dần xuống đáy nước ao/hồ, rất bốn mùa.   
Để chấm-dứt câu chuyện phiến rất “thánh-hoá” như trên, cũng nên trở về lại với lời ca, mà hát rằng:

“Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần hoa nở
Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần cửa mở.

Xin Tình yêu Giáng sinh.
Tình yêu của chúng mình…”
(Phạm Duy – bđd)

Hát thế rồi, bọn tôi lại cứ nhớ về Lời Vàng khi trước bậc thánh hiền vẫn khẳng-định về tình thương-yêu đối với mọi người. Khẳng-định rằng: lành thánh là những vị biết sống sao cho đúng với tình người, bằng những câu như:

“Chúng tôi đã quý mến anh em,
đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em,
không những Tin Mừng của Thiên Chúa,
mà cả mạng sống của chúng tôi nữa,
vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.”
(1 Thessalônikê 2: 8-9)

Vâng. Sống sao cho có tình người, hoặc trọn tình yêu thương với mọi người, chứ không chỉ giữa hai người mà thôi. Bởi, xin xỏ làm gì, vì Tình-Yêu đã có đó, đã ở với chúng mình, là bậc lành/thánh, rất hy-sinh. Hy sinh, nhiều thứ và nhiều sự, trong đời.

            Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn nhớ nhiều điều
            như ở trên
            vẫn lền khên,
rất thánh-hoá.