Sunday 30 August 2009

“Tôi yêu, những gì đến tự nhiên”

Những câu nói thành thật Và yêu ngày nắng. Tôi yêu mặc Jean và áo trắng yêu trăng sáng ngày rằm. Và tôi cũng yêu em…”

(Đức Huy – Và Tôi Cũng Yêu Em)

Có người bảo, yêu theo kiểu nghệ sĩ Đức Huy, đâu nào khác gì các vị “cư sĩ quy y” lấy pháp danh là “Thích Đủ Thứ”, đâu. Méo mó nghề nghiệp hơn, nhiều dịch giả/dịch thiệt còn đố nhau làm sao dịch được chữ “yêu” ở trên, qua Anh ngữ. Cho đúng cách. Nếu dịch là “I love”, cũng không chuẩn cho lắm. Dịch là “I like”, thì chỉ đúng với phần ở trên, thôi. Rồi bảo rằng: “Và tôi cũng yêu em” thành “I like you, too.” hẳn đối tượng mà tôi yêu sẽ cho đi tầu suốt, chỉ cái một.

Nói về “yêu”, ban The Beatles từng viết một nhạc bản khá nổi tiếng, chuyên dùng từ “Love” suốt từ trên xuống dưới, đại khái thế này:

“Love love love love love love love

All you need is love…”

“Yêu, yêu, yêu! Điều mọi người cần, tất cả chỉ là Yêu”. Quả có thế. Cần người hay cần tiền, ta đều nói chữ “yêu”. Yêu người. Yêu tiền. Từ ngữ “yêu” ở đây, đã rơi vào một trong các phạm trù mà giới nhà Phật gọi là “tham, sân, si” nghe qua, thấy kỳ.

Nhưng thôi, giờ hãy về với Đức Huy, để nghe thêm:

“Tôi yêu hương vị Tết ngày xưa

mái tranh với hàng dừa

và yêu trẻ thơ…” (Đức Huy – bđd)

Yêu trẻ thơ, có là tất cả những gì mà bạn và tôi cần đến, hay không?

Yêu trẻ thơ, có là tình tự của những “tham, sân, si” mà bạn và tôi, ta cần tránh?

Lại nữa, “yêu trẻ thơ” có là tình thân thương nhà Đạo, như Chúa nói:

“Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Tôi,

vì Nước Trời thuộc những người như thế.”

(Mt 19: 14)

Nước Trời của trẻ nhỏ, tức: của những người chỉ biết yêu. Yêu thật nhiều. Yêu không hạn chế. Chẳng ranh giới. Không ganh ghét, giận hờn. Bó buộc. Nước Trời của trẻ nhỏ, là thiên đường ở trần gian. Ở nơi đó, người người chỉ biết sống đời yêu đương. Đương yêu. Những người vẫn lập đi lập lại, một lời hát:

“Và tôi cũng yêu em…

Yêu em rộn ràng.

Yêu em nồng nàn.

Yêu em chứa chan…” (Đức Huy – bđd)

Yêu em, hay yêu anh. Vẫn cứ là yêu. Yêu mọi người. Yêu như lời Thầy vẫn nhắn nhủ:

“Hãy yêu mến người đồng loại,

như yêu chính mình.”

(Mt 19: 19)

Nói đến “yêu”, người người vẫn thường liên tưởng đến tình thân thương giữa hai người, mà thôi. Hai người, có thể khác phái. Hay, cùng phái tính, như chuyện lạ ở trời Tây. Tức, yêu như người đời thường thấy, ở truyền thông đại chúng, những: báo/đài, truyền hình, sách vở, phim ảnh... Ở nhà Đạo, ta được dạy: hãy cứ yêu. Yêu, hết mọi người. Cả, người đồng loại, lẫn cận thân. Hoặc, cận lân.

Chúa còn dạy: hãy yêu người đồng loại như chính mình vậy. Như thế có nghĩa là, trước khi yêu người khác, hãy yêu chính mình. Yêu chính mình không là việc dễ thực hiện, nếu không có động lực hoặc quyết tâm mang hạnh phúc đến với người khác. Làm, vì người khác. Chứ không vì mình. Cho mình. Bởi, khi đem hạnh phúc đến với người khác, tự mình sẽ thấy an vui. Hoan lạc. Ổn định.

Yêu người đồng loại, nhiều lúc rất đơn giản. Chỉ một nụ cười. Một vòng tay ôm. Hoặc, chỉ cần nghĩ tốt về người ấy. Gia dĩ, bằng những cử chỉ thân mật, dễ thương. Những chuyện trò. Chào hỏi. Thậm chí, mời nhau đi ăn. Đi nhậu. Xem phim. Văn nghệ. Nhạc hội... Nói tóm, làm bất cứ thứ gì cho mọi người vui.

Yêu như thế, có thể hiểu như lời người nghệ sĩ, vẫn thường hát:

“Tôi yêu, đi bộ dưới hàng cây

đấu vui với bạn bè

và ly rượu ngon..

tôi yêu, trong nhà nhiều cây lá

tôi yêu những người già.” (Đức Huy – bđd)

Yêu đi bộ. Thích đấu láo, vui vẻ. Với bạn bè, là chuyện dễ làm. Còn bảo rằng, tôi yêu những người già, là chuyện ít được nghe. Ở thời này. Bởi, người già thời buổi này, đang chết dí ở xó xỉnh nào đó, hoặc ở nơi được gọi là viện dưỡng lão. Đang lang thang đó đây, với cây gậy. Chứ nào được ai yêu. Yêu ai. Có cụ còn bị con cháu bỏ mặc, hoặc bóc lột như các truyện kể, trên báo. Ở quê nhà.

Có một sự thật não nùng, là: người người không thể nói dối, hoặc chối quanh được là người trẻ hoặc nghệ sĩ thời bây giờ “yêu”/thích đấu vui với bầu bạn bên ly rượu, hơn là la cà bên những người già. Chí ít, là các vị đã lùi về dĩ vãng. Hơn, là tương lai. Lùi về thời vàng son, âu yếm ấy. Chứ làm gì có chuyện như được người nghệ sĩ nói ở trên. Bởi, yêu rồi thì lui tới. Hỏi han!

Người trẻ bây giờ, có yêu thì cũng chỉ yêu có mỗi môi trường vui chơi. Sôi động. Nhẩy nhót, có thuốc lắc. Có ê a ba câu hát hò. Như nhà thơ họ Trần từng xưng thú:

“Một trà, một rượu, một đàn bà,

ba thứ lăng nhăng, nó quấy ta.” (Trần Tế Xương – Ba Thứ Lăng Nhăng)

Chứ, nào đã mấy ai nhớ được lời dặn dò của Chúa, mà tuân giữ:

“Đây là điều răn của Thầy:

anh em hãy yêu thương nhau

như Thầy đã yêu thương anh em.”

(Yn 15: 12)

Yêu nhau như Thầy đã yêu, là yêu cả cái tính hư tật xấu của nhau. Yêu, không để làm lợi cho bản thân. Yêu, không cốt làm bàn đạp, cho mình thăng tiến. Yêu như Thầy yêu, là Tình yêu có nhịn nhục. Biết hy sinh. Yêu, vì người khác. Cho người khác. Không thể nói chữ “Yêu”, khi chỉ muốn mọi sự tốt đẹp đều quay về mình. Còn, người khác, chỉ là cỏ rác. Đáng, bỏ vào xọt. Không thương tiếc.

Yêu như Thầy đã yêu, là biết kính trọng người khác. Không coi họ như thùng/xọt để ta trút vào đó mọi giận hờn. Ghét ghen. Bực bõ. Nếu quả tình, ta quyết “yêu như Thầy đã yêu” mình, hẳn ta sẽ đối xử với người khác, bằng cả sự tôn trọng, phải có. Đối xử cách công minh. Chính trực. Đối xử, như người tử tế. Có tư cách. Không phân biệt trong đối xử. Không cho mình quyền phán xét kẻ khác.

Đối xử có tư cách, là biết nói lời “Xin lỗi!” khi ta “chạm nọc” người khác. Khiến người ấy thấy đau. Cả vào khi, mình cứ nghĩ là mình không cố ý làm cho người khác buồn. Không làm họ yếu thế. Bị coi rẻ. Hoặc, hờn căm.

Yêu nhau như Thầy đã yêu, là yêu vô điều kiện. Là, có quyết tâm thực hiện điều tốt đẹp, cho người khác. Vì người khác. Yêu như thế, là mặc lấy cho mình cái tâm trạng luôn hiểu rằng người khác ấy cũng hay ho, tốt lành và tài giỏi như mình. Có khi còn hơn mình nhiều. Sở dĩ người ấy chưa đạt được mức độ như mình đạt, là vì họ chưa có cơ hội. Hoặc, vì mình chèn ép. Nên, chưa gặp thời. Chưa có điều kiện để phát triển cái hay, cái đẹp. Như mình.

Đi đến cùng, phải nói rằng: cái hay cái đẹp mình đang có, chính ra là của người khác. Vì cơ duyên nào đó, cái hay và cái đẹp ấy bị để mất, hoặc lấy đi. Nay, vào tay mình. Ở với mình. Thế thôi. Nào do mình tài cáng, tạo ra nó. Bởi, tất cả đều là ân huệ, từ Chúa. Mà thôi.

Yêu như Thầy đã yêu, còn là tình yêu của trẻ. Trẻ thơ thấy gì cũng lạ. Cũng hay. Thấy thích. Chỉ muốn biết. Sờ chạm. Chẳng bao giờ coi những thứ đó, do mình tạo ra. Và, đối tượng của tình trẻ nhỏ, có khi là vật thể. Có khi là bản thể người. Luôn bao hàm điều hay/lẽ phải, và nét đẹp của vật thể ấy. Chủ thể nọ. Dù vật thể ấy/chủ thể nọ, có méo mó xẹo xọ. Hoặc, nghèo túng yếu hèn đến mấy đi nữa, vẫn cứ yêu. Cứ thích.

Yêu như Thầy đã yêu giống như trẻ nhỏ, là: không xen vào chuyện tư riêng của mỗi người. Chẳng bắt buộc vật ấy/bản thể ấy tuân theo ý mình. Chẳng cần biết bản thể ấy có thành công, hay thất bại trên đường đời. Lần nào chưa. Và, dù gì nữa, vẫn cứ coi đối tượng của mối tình luôn xứng đáng với tình yêu của mình. Yêu như trẻ thơ, là thứ tình bao quát. Độ lượng. Không kỳ thị. Chẳng phân tích. Không phân biệt đối tượng. Chẳng cần biết đối tượng ấy tốt/xấu ra sao.

Cuối cùng, yêu như tình yêu của trẻ nhỏ, dẫn ta về gần “Thiên Chúa của Tình Yêu”. Về với Tình Yêu (viết hoa), là Đức Chúa. Yêu như thế, đổi mới toàn bộ con người của ta, là kẻ đương yêu. Luôn yêu đương. Yêu, cả tâm hồn lẫn phần linh thiêng cao quý nhất.

Đó, còn là ý nghĩa của bài ca, được nhiều người biết, vẫn hát rằng:

“Tình yêu thay đổi hết mọi sự

từ bàn tay đến diện mạo, trái đất đến bầu trời

Tình yêu nay thay đổi hết tất cả,

Cả lối sống, ta hoạch định; cả cái chết ta chấp nhận

Tình yêu, đã khiến mùa hạ bay đi,

Khiến đêm thâu được ví với cuộc đời

Vâng. Tình yêu thay đổi hết mọi sự

Làm ta run rẩy trước tên người

Chẳng có gì tồn tại như xưa nữa, bởi..

Tình yêu, nay thay đổi hết mọi sự…” (Michael Ball – Love changes everything)

Tin hay không tin vào khả năng của tình yêu làm thay đổi cuộc sống, người mình kiếm tìm. Tìm kiếm một giải đáp. Kiếm tìm, như vẫn có với hạnh phúc. Bởi, tình yêu mang lại hạnh phúc. Bởi, hạnh phúc là cứu cánh của tình yêu. Cứu cánh, mà cả con người lẫn loài thú đều kiếm tìm nó. Tựa hồ câu truyện kể để minh hoạ, ở dưới:

“Một hôm, chú sư tử nhỏ lặng lẽ đến gần mẹ hiền mà hỏi nhỏ:

-Mẹ ơi, mẹ chỉ con đi, muốn có hạnh phúc, con tìm ở đâu?

-Ở phần đuôi của con, chứ không đâu khác.

Thế là, sư tử nhỏ cứ thế suốt ngày luẩn quẩn chạy quanh tìm kiếm hạnh phúc ở phía đuôi của chính mình. Tìm cả ngày, vẫn chẳng thấy hạnh phúc ở nơi đó. Sư tử bé, một lần nữa chạy đến bên mẹ hiền năn nỉ mẹ truyền bí kíp. Mẹ hiền bèn bảo:

-Con thân yêu, con đâu cần phải chạy theo đuôi để tìm hạnh phúc. Bởi, con càng chạy và càng đi về phía trước, hạnh phúc vẫn theo đuôi con, để ở cùng. Chẳng đi đâu.

Hạnh phúc là thế. Vẫn ở quanh ta. Nào đâu xa. Tình yêu cũng vậy. Không tìm, nhưng vẫn đến. Đến, rất tự nhiên. Đến, ngay từ đầu. Thời trẻ thơ. Đến, như đã đến với trẻ thơ. Giống trẻ thơ. Cuộc đời. Nên, ta có thể nói:

Không ai quyết định chiều dài cuộc đời mình,

nhưng vẫn có thể kềm chế ước vọng sống cuộc đời ấy.

Không ai thay đổi được tiết trời, hoặc nắng mưa

Nhưng vẫn chế ngự được cơn mưa nắng của chính mình.

Không ai thay đổi bản sắc riêng của mỗi người,

Nhưng vẫn mỉm cười với nó.

Không ai khống chế được người khác,

Nhưng vẫn kiểm soát được chính mình.

Không ai thấy trước ngày mai,

Nhưng vẫn sử dụng ngày hôm nay, thật khôn khéo.

Không ai thắng lướt hết mọi chuyện

Nhưng ta vẫn thử nghiệm cách thế hay nhất để hoàn thành.

Thế đó, là đôi giòng tư tưởng cỏn con. Không hơn. Không kém. Những tư tuởng, để chuyển đến bạn đến tôi, như một đề nghị. Đề nghị cỏn con. Không thôi thúc. Chẳng bắt buộc. Bởi, sự thể cuộc đời vẫn tuỳ lương tâm của mỗi người. Và mọi người. Rất tự nhiên.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn biết thế

và có gắng để được thế.

Nhưng chưa thành đạt.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

Sunday 23 August 2009

“Mời người lên xe về miền quá khứ”

Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu.”

(Phạm Duy- Nghìn trùng xa cách)

(Ga 6: 56)

Về miền quá khứ, phải chăng là về với tình của Chúa. Thân thương. Trìu mến. Nguyên vẹn. Về, là về với những ảnh hình khó quên, thời ấu thơ. Đơn sơ. Vô tư lự. Về, là về với quê miền Chúa nhắc nhở, rất nhiều lần.

Được nhắc nhở, cũng như được nghe đi nghe lại nhiều lần, những nhạc bản tương tợ tình tự “nghìn trùng xa cách”, mà bần đạo thấy giống như nhiều người. Thấy, lòng mình dâng cao một cảm tính. Tình tự. Khó tả. Khó, cả vào khi nguyện cầu. Lúc dâng lễ. Có linh mục.

Gọi đó là, “nghìn trùng cách xa”, cũng không đúng. Gọi bằng lời ca ở dưới, chắc phải hơn:

“Đứng tiễn người vào, dĩ vãng nhạt mầu

sẽ có chẳng nhiều, đớn đau.” (Phạm Duy – bđd)

Gọi gì đi nữa, hôm nay đi vào “dĩ vãng nhạt mầu”, lòng người thấy mình lâng lâng khác nào tình tự của những người kể truyện xưa, có “dĩ vãng nhiệm mầu”, có “tình mình bây giờ”, ở dưới:

“Người mẹ trẻ, đang bận nấu nướng với sắp đặt đĩa bánh bông lan thơm phức, mừng ngày người con nhỏ rước lễ lần đầu. Vui với bạn. Bà bỗng thấy hai con, đứa anh tên Bình, đứa em tên An, rõ ràng là thế mà sao vẫn nhanh chân, dành phần, đòi ăn trước. Mẹ hiền, nhân cơ hội, liền dạy cho các con thêm một bài luân lý để đời, rất “công dân giáo dục”, rằng:

-Ví thử hôm nay Chúa đến mừng lễ; cùng ngồi ăn với các con. Chắc, Chúa sẽ ngồi chỗ đó, hai con thì ngồi ở đây. Chúa làm phép, Ngài cầm bánh lên, rồi nói: “Này là bánh tình thương, có giao ước.” Con chắc sẽ xin nhường phần ăn trước, cho người anh em, đang ngồi chờ. Còn con, xin dùng sau!... Thế, còn các con. Các con sẽ xử sự như thế nào?

Thằng em dành nói trước:

-Con, thì con nói với anh: Anh Hai à! Bữa nay anh làm Chúa Giêsu, nhe. Đồng ý nhé?

-Không. Anh không đồng ý tí nào. Em làm Chúa Hài Đồng. Mới giống.”

Làm Chúa Hài Đồng, hay làm Đức Chúa buổi Tạ Từ, vẫn là làm Kitô-khác. Làm Kitô-khác, là thực hiện sống đời phụng vụ, toàn cả năm. Sống Phụng vụ Lời Chúa, trước ngày Ngài ra đi thực hiện công trình cứu độ. Để rồi, Ngài gửi Thần Khí đến với anh em ta, hết mọi người. Sống Phụng vụ, còn là thực hiện cuộc sống sinh động, buổi Tiệc Thánh.

Thời xưa, khi dự Tiệc Thánh, người dân đi Đạo ít khi được rước Chúa vào lòng, khá thường nhật. Ít, vì luật Hội thánh có những điều khoản, khiến giáo dân khi đi lễ, phải chuẩn bị lòng trí rất nhiều điều. Những là: phải xưng tội để lòng thanh sạch. Sốt sắng. Phải, kiêng nhịn rất nhiều thứ. Kiêng, ít nhất một tiếng trước giờ lễ. Phải, là con nhà đạo đức. Không rối rắm. Lắm chuyên chăm.

Ngày nay, đặc biệt sau Công Đồng Vatican II, chư thánh ở cộng đoàn được miễn chuẩn khá nhiều. Được rước Chúa vào lòng, cả hai hình thức. Tiệc Thánh hôm nay, được hiểu là Tiệc Lòng Mến, có sẻ san. Sẻ san Mình Chúa. San sẻ, tình người. Nếu ngoài đời, người nghệ sĩ sẽ còn hát:

“Trả hết về người, chuyện cũ đẹp ngời

Chuyện đôi ta, buồn ít hơn vui

Lời nói, lời cười

Chuyện ngắn, chuyện dài…” (Phạm Duy – bđd)

Vâng. Chuyện ngắn, chuyện dài. Vẫn là chuyện hôm nay. Đầy đặn. Ý nhị. Đẹp đẽ.

Chuyện hôm nay, về Tiệc Thánh/Lòng Mến, mang nhiều ý nghĩa bổ dưỡng cho hành trình, ta vẫn sống. Tiệc Thánh/Lòng Mến hôm nay, là tiệc thức ăn bồi bổ. Củng cố quãng ngày dài, trong đời. Ngày, rao truyền tình yêu thánh thiêng, ta nhận lãnh. Từ cộng đoàn. Cho cộng đoàn. Tính thánh thiêng của Tiệc Thánh/Lòng Mến, gói ghém sâu sắc trọn Con Người Đức Kitô. Chứ, không chỉ là Mình và Máu Thánh, ta rước vào. Mà là, trọn vẹn Con người Đức Kitô. Rất thánh. Rất “người”.

Sâu sắc, trọn vẹn là thế; nhưng, hôm nay, vẫn còn có người cứ thư-từ gạn hỏi ý nghĩa của Hiệp thông/Rước Chúa có là rước đón trọn vẹn Đức Chúa, chứ không chỉ những Mình và Máu Thánh, khi lĩnh nhận. Chính vì thế, đức thày John Flader, ở Sydney đã lại có những giòng chảy chính mạch. Súc tích. Gọn nhẹ, như đã đăng trong The Catholic Weekly, hôm 09/8/2009, tr.10:

“Ông/bạn nói rất đúng. Thật sự, còn đúng hơn bản thân mình nghĩ, nữa. Như tôi có lần nói trong mục/cột này về “Rước lễ theo hai dạng thức”, Hội thánh luôn hiểu rằng: dù ở dạng thức nào, chỉ mỗi Bánh hoặc cả Bánh và Rượu thánh, chúng ta đón nhận không chỉ Thân Mình hoặc Máu Thánh Chúa thôi, nhưng là trọn vẹn Đức Kitô.

Đây là tín lý về sự kiện mà truyền thống Giáo hội gọi là: Hai việc đi đôi, cùng một lúc. Bởi, ta không thể tách ly Thân Mình Chúa, phân làm hai dạng thức được. Ngài hiện diện theo cách trọn vẹn, dù phần cực nhỏ ở Bánh Thánh hoặc chỉ một giọt Máu Thánh Châu Báu của Chúa.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, có viết:“Trọn vẹn Đức Kitô hiện diện cách toàn hảo trong mỗi phần, dù rất nhỏ, của Mình Máu Chúa. Xem thế, khi bẻ Bánh, ta không phân xẻ Đức Chúa, bao giờ.” (x.GLHTCG #1377)

Dù, thừa tác viên cầm Mình Thánh Chúa, đưa lên cao và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”, thì Đấng mà ta rước vào lòng, không chỉ là Mình Thánh Chúa thôi, mà trọn Mình và Máu Thánh Chúa. Trọn vẹn Đức Kitô, cách toàn hảo.

Cụm từ “Mình Máu Chúa” có thể làm ta dễ ngộ nhận, lầm lẫn. Lầm và lẫn, ở chỗ: ta cứ tưởng mình đang rước vào lòng, chỉ một phần thân thể Đức Kitô, tựa như có người lầm tưởng rằng Tiệc Thánh Thể là một “sự việc”; hoặc tệ hơn nữa, chỉ đón nhận vào lòng mỗi Thân xác Đức Kitô, Đấng đã chết.

Nói theo ngôn từ ngoài đời, nếu quan niệm Mình và Máu Chúa theo hai hình dạng tách bạch, há nào, người đời vẫn cứ hát lời của nghệ sĩ, cứ chẳng tin:

“Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu

có lũ kỷ niệm trước sau

vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ

rồi sẽ tan đi, mịt mù…” (Phạm Duy – bđd)

Không. Không phải thế. Mình Máu Chúa, trước sau không là “kỷ niệm cũ”, cũng chẳng là “vài cánh xương hoa”, như sự vật. Bởi sự vật, sẽ tan đi. Mịt mù. Xa cách. Tách bạch. Đằng này, Thân Mình Đức Kitô, có Mình và máu Thánh, rất trọn vẹn. Hoà hợp. Sống động. Phục Sinh. Như đức thày, nay giải thích tiếp:

“Thế nhưng, không phải ta nhận vào lòng mình một “sự vật”, mà là rước đón vào trong ta một nhân vật – Nhân vật Sống động đã Phục sinh, là chính Đức Giêsu Kitô. Chẳng thế mà, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, lại giải thích: “Dưới dạng thức bánh – rượu được thánh hoá, chính Đức Kitô rất sống động và vinh hiển, đang hiện diện theo cung cách rất phải lẽ, rất đích thật và quan trọng.”(x.GLHTCG #1415)

Đó là như thể, khi bước chậm xuống lòng nguyện đường, để đón Ngài vào lòng, ta gặp ngay chính Đức Giêsu sống thực đang từ từ đến ôm chầm lấy ta, và Ngài hiến trọn mình Ngài cho ta. Với trọn niềm tin – yêu như thế, ta sẽ đón nhận chính mình Ngài.

Tuy nhiên, trong Hiệp thông Rước lễ, ta không chỉ đón nhận Ngài mà thôi, mà còn trở nên kết hợp mật thiết với Ngài nữa. Như Chúa đã nói tại nguyện đường Ca-pha-na-um: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6: 56)

Ngài hiến tặng chính mình Ngài cho ta trong tương quan thần thánh có Giao ước. Và, ta trở nên ‘một xác phàm” với Ngài. Về sự thật rành rành này, thánh Phaolô tông đồ có thư cho cộng đoàn, khi thánh nhân áp dụng việc Hiệp thông Rước lễ, bằng những lời lẽ như: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gal 2: 20)

Thánh Thể thực sự là một ân huệ Chúa tặng ban, rất quý. Trái đất này, không có kết hợp nào mật thiết hơn với Đức Kitô, cho bằng Hiệp thông Rước Chúa. Khi đã kết hợp nên một với Đức Kitô theo cung cách này, ta chẳng thể quay về với thói quen của cuộc sống thường nhật, mà lại không thấy có gì đó đặc biệt, vừa xảy ra.

Ngay kìa, thánh nữ Faustina đã ghi nhận những lời lẽ thân mật của Chúa, như sau: “Khi Ta thân hành ngự vào lòng con người vào buổi Hiệp Lễ, thì Tay ta tràn đầy đủ mọi ân huệ lành thánh Ta muốn phú ban cho các linh hồn, nhưng linh hồn chẳng màng để ý. Họ bỏ Ta đó một mình, cứ mải mê làm chuyện khác… Họ lại đối xử với Ta như món đồ chết cứng.” (Nhật ký #1447)

Không. Mình Thánh Chúa không là đồ vật đã chết. Ngài là một nhân vật sống động, là Bản thể Sinh động Đức Giêsu, Đấng hiến trọn Thân Mình Ngài cho chúng ta. Để trở nên một, với ta.

Hơn nữa. Đức Giêsu không đến một mình. Ngài luôn kết hợp với Chúa Cha và Chúa Con, cùng đến với Ngài. Từ cõi miên viễn, Ba ngôi thần thánh luôn kết hợp trở nên Một. Một Thiên Chúa. Một Thân Mình. Ba ngôi Thiên Chúa không thể tách rời. Đức Giêsu từng bảo: Tôi ở trong Cha và Cha ở trong Tôi.” (Ga 14: 10)

Vì thế, khi đón rước Đức Giêsu, Ngôi Hai trong Ba ngôi Thiên Chúa vào lòng, ta đón nhận trọn vẹn cả Ba ngôi Thiên Chúa, cùng một lúc. Ta thực sự trở thành đền thờ cho Ba Ngôi rất thánh. Như thế là, toàn bộ Thiên Đàng đang ở trong hồn ta.

Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux đã có kinh nghiệm về việc này khi thánh nữ đón Chúa lần đầu vào những ngày tháng sau khi thân mẫu của thánh nữ vừa qua đời. Lúc ấy, thánh nữ xúc động đến độ nước mắt tuôn trào, nhưng chẳng phải bởi vì, như thánh nữ có bày tỏ, thân mẫu của thánh nữ không có mặt ở đó.

Thánh nữ từng viết: “Tựa như sự vắng mặt của mẹ thân yêu đã có thể làm con mất đi niềm hạnh phúc vào ngày con rước Chúa lần đầu! Chừng như toàn thể thiên đường đang đi vào hồn con thoạt vào lúc con đón rước Đức Giêsu vào lòng, cả thân mẫu của con cũng đến với con nữa.” (Chuyện Một Tâm Hồn).

Tâm hồn trinh trong đón Chúa, là trạng thái tâm hồn hạnh phúc nhất. Hạnh phúc, cả với nghệ sĩ ngoài đời lẫn các vị lành thánh, trong Đạo. Chẳng thế mà, nghệ sĩ vẫn hát câu “nghìn trùng”, như:

“Nghìn trùng xa cách, người cuối chân trời,

Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người.” (Phạm Duy – bđd)

Hạnh phúc, không chỉ là chuyện mình cầu chúc, cho mình và cho người. Hạnh phúc, luôn có đó. Vẫn còn đó. Có và còn, khi mọi người, cả đời lẫn Đạo, đón nhận Chúa ở trong lòng. Nhè nhẹ. Thân thương. Êm ái. Như ý tưởng truyện kể ở bên dưới, để minh hoạ:

“Vợ chồng trẻ mới cưới, chưa kịp thu xếp, vẫn phải ngủ gần phòng của bố mẹ. Có một đêm, anh chồng thấy hạnh phúc dâng cao, bèn thủ thỉ với vợ mới cưới, rằng:

-Em à, anh cảm tạ Chúa đã gửi em đến cho anh. Anh quan niệm rằng em chính là hạnh phúc, là lửa ngọn đời anh. Em là ánh sáng tình yêu. Là, ngọn đèn trái tim anh…

Bỗng từ phòng bên, có tiếng người mẹ hiền, thúc giục:

-Khuya rồi, tắt đèn mà đi ngủ, hỡi các con…

Nhưng đèn hạnh phúc, một khi đã ngự vào lòng, làm sao tắt? Thân Mình Chúa, cũng thế. Khi Tình Chúa ở với mọi người, qua dạng thức toàn hảo, thì nỗi niềm hạnh phúc ấy, sẽ là hạnh phúc miên trường. Ấm êm. Can chứa. Không hề tắt ngúm.

Đó, là ý nghĩa của Thánh Thể. Của Tiệc Lòng Mến. Rất thân quen.

Trần Ngọc Mười Hai

Những mong bạn và mình

ta luôn trân trọng

tâm tình này.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )