Saturday, 27 February 2010

“Trên đường về nhớ đầy”

Chiều chậm đưa chân ngày Tiếng buồn vang trong mây Tiếng buồn vang trong mây..

(Dương Thiệu Tước – Chiều)

(Lc 23: 34)

Lời hát trên, có thể là câu hỏi. Hỏi sao đó, nào có biết. Có thể, là một khẳng định. Hỏi han/khẳng định, cũng là nhung nhớ. Nhớ buổi chiều. Có bước chân. Ân tình ngây ngây. Có gió say. Gió hay tình, vẫn cứ chồng chất trong hồn chiều nay. Vẫn có niềm đau. Sầu vạn cổ. Khó khuây.

Niềm khổ đau/sầu vạn cổ? Đâu mà chẳng có. Có khi, là buồn vang trong mây. Đưa chân ngày. Theo khói thuốc. Rồi, ngỡ lòng mình là rừng. Là, lữ khách ở đâu đó. Chốn nợ đời. Nhà Đạo. Cứ lạo xạo niềm nhung nhớ đến độ quên cất cánh. Cả buổi sau này.

Đường vào đời, không phải khi nào cũng có hỏi han. Khẳng định. Nhưng, có hỏi và han, thì cũng chỉ vài ba thắc mắc cỏn con, như cô bé nọ vẫn hỏi trong truyện kể, ở bên dưới:

“Có cô bé nọ thấy mẹ hiền hôm nay hơi rảnh rỗi, bèn đến gần hỏi:

-Mẹ à, sao con thấy đời người toàn những chuyện nhiêu khê/phiền phức thế?

-Hôm nay con làm sao mà lại nghĩ quanh nghĩ quẩn như thế, vậy con?

-Con có nghĩ quẩn gì đâu mẹ! Chả là, con có mấy đứa bạn rất thân, không biết làm sao chúng nó lại hên đến thế. Chuyện gì cũng xuôi trót, kể cả học hành. Bồ bịch. Làm ăn…

-Thôi, mẹ đề nghị con thế này. Con đừng nghĩ ngợi như thế nữa. Giờ, hãy theo mẹ vào đây. Hai mẹ con mình làm món bánh gì đó, cho đời thêm ngọt.

-Ồ. Tuyệt! Gì chứ bánh là con thích lắm đó, mẹ à.

-Ừ, thế này. Con cầm bình dầu ăn này lên xem. Nhắp thử một hụm, xem nó thế nào

-Trời! Sao mẹ lại bảo con húp thử dầu ăn, ghê gớm lắm?

-Thôi, thì con cầm lấy trứng này vậy. Hãy đập nó ra, ăn ngay lập tức.

-Con nghe có một số người ăn sống nuốt tươi trứng gà chưa nấu, nhưng con chịu thôi.

-Đây, là bột mì. Con nhón thử một dụm, xem nó ăn được, không!

-Không dám đâu, mẹ à! Con làm thế, sẽ ói ra nhà ngay bây giờ cho mẹ xem.

-Đấy. Con thấy không? Những thứ mẹ đưa cho con, nếu không chuẩn bị chu đáo, mình chẳng thể nào đưa nó vào miệng, nhận ngay cho đời mình, mà lại có kết quả. Gọi nó là bánh, chè cháo, hay bún, hay phở cơm gì gì, cũng thế. Chẳng thể nào, ta hài lòng với kết quả của mọi thứ mọi sự, nếu không nhìn vào thực chất và chấp nhận nó như cái gì phải có, cho đời. Của trời cho. Việc Chúa làm, cũng như thế. Nhiều lúc ta cứ thắc mắc, sao Chúa để ta thiếu thốn đủ mọi thứ, như thế nhỉ? Có khi, lại còn âu sầu khổ não, thê thảm nữa đấy chứ. Và, cũng không biết đời mình rồi sẽ ra sao. Cả mặt này lẫn khía cạnh nọ. Những chuyện ấy, mẹ nghĩ ta chỉ nên tóm lại duy nhất điều này, là: Chúa biết mọi việc sẽ xảy đến. Dù có thế nào đi nữa, Ngài cũng không để ta một mình, mà lại không giúp đỡ. Bởi thế nên, ta không làm việc gì cho ra hồn, mà không chuẩn bị kỹ. Nếu, không nghe lời chỉ dẫn của người khôn ngoan đi trước, tức những người biết nhiều hơn ta, và nếu không theo bài bản, làm đúng qui cách. Có ý hướng hẳn hòi thì e chắc rồi ra ta cũng sẽ thành công, thôi.

Chúa cho mặt trời mọc, buổi sáng. Ngài có mặt bên ta, mỗi khi ta cần Ngài. Ngài ở bất cứ nơi nào, trong vũ trụ/trần thế. Nhưng, Ngài vẫn chọn nằm gọn trong tâm can của con. Và, của mẹ. Và, Ngài sẽ ở đó mãi mãi. Ai cũng thế. Ai cũng nhận ân huệ đồng đều, Ngài ban. Nếu biết cách nhận và sẻ san cho người khác, chắc chắn ta sẽ thành công. Mãn nguyện.

Chuyện trên, nghe chừng hơi quen. Quen, như nghe một bài giảng. Chia sẻ, ở nhà thờ. Dễ nhớ. Nhưng, nói thế chưa hẳn là mọi người sẽ đồng ý. Chí ít, nó lại liên quan đền cuộc đời, của riêng tôi. Như, ý/lời nhà thơ còn nói rõ, qua câu hát:

“Tôi là người lữ khách,

Mầu chiều khó làm khuây

ngỡ lòng mình là rừng

ngỡ lòng mình là mây

nhớ nhà châm điếu thuốc,

khói huyền bay lên cây.”

(Dương Thiệu Tước/Hồ Dzếnh – bđd)

Chuyện bí kíp để thành công, sung sướng trong đời người. Với người đời. Vẫn là “khói huyền bay lên cây”. Bay, theo điếu thuốc. Nếu bạn và tôi, ta áp dụng đúng cách lời mẹ hiền của bé nọ, kể ở trên. Áp dụng, Lời của Chúa, từng khuyên dạy ta khá nhiều lần. Ở Kinh Sách. Nhưng, tất cả vẫn cứ là “khói huyền bay lên cây”. Trên mây. Mất biệt.

Thành công trong đời. Với người ngoài, đã thấy khó. Còn khó hơn, với đời đi Đạo và giữ Đạo. Khó, là khó ở với đời. Khó, không vì luật lệ. Truyền thống. Nhưng, khó vì mỗi người mỗi ý. Ý nào, người cũng cho rằng của mình, vẫn tuyệt hơn. Khó, còn vì: nhà Đạo mình vẫn cứ lạo xạo, những chuyện không hay. Không phải. Ở đây ở đó.

Chuyện không hay/không phải, là chuyện của tôi và của bạn. Vẫn như câu hát:

“Chim rừng quên cất cánh,

Gió say tình ngây ngây

Có phải sầu vạn cổ,

Chất trong hồn chiều nay,

Chất trong hồn chiều nay?”

(Dương Thiệu Tước/Hồ Dzếnh-bđd)

Vâng. Chất trong hồn chiều nay hay mọi buổi, không là “sầu vạn cổ”, cho bằng mối ưu tư khắc khoải, còn nhớ rất đầy, chuyện từng quấy rầy đầu óc của dân con mình. Chuyện, là chuyện về yêu thương. Tha thứ. Tha rồi hãy quên cho trót. Chuyện đời sống cứ loanh quanh, làm mình bực bõ. Khó quên. Những chuyện, mà độc giả nọ, dám viết thư về toà soạn Tuần Báo Công Giáo ở Sydney, để hỏi rõ. Như sau:

“Tôi nghe được ở đâu đó. Chừng như đó là lời giải của ông cha, nhà Đạo. Là, chuyện phải tha cho ai làm mình đau khổ. Vậy nên, câu hỏi của tôi là thế này: Việc tha thứ, có áp dụng cho các trường hợp có những người làm mình sầu não và khổ đau mà chẳng biết ân hận hoặc quyết tâm chừa bỏ, chuyện mình từng làm, không? Theo tôi, Chúa có hiền cách mấy cũng không thể nào tha thứ cho những người không biết ân hận là gì, và những người không biết đến sám hối, có phải thế không, xin phép hỏi.”

Hỏi, là hỏi thế. Chứ, trả lời thì làm sao dám trả lời giống như thế, cho được. Hỏi, mà lại hỏi nhà báo hay “cả nhà-làm-báo” như tờ The Catholic Weekly, uy tín đầy mình, thì câu trả lời đương nhiên là phải chuyển đến đấng bậc rất “đức thầy” đầy chất Harvard, là Lm John Flader. Một linh mục có kinh nghiệm đầy mình, lại uy tín nữa. Thế nên, giải đáp đức ngài đưa ra chắc chắn sẽ chính mạch, tức chính qui và mạch lạc, rất như sau:

“Trước hết, xin nói ngay rằng ông/bạn có lý, khi bảo rằng Đức Chúa chắc Ngài cũng sẽ không thứ tha nhiều nếu ta không biết sám hối. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có ghi rõ chuyện các vị phải vào chốn ngục hình, là: “Khi chết mà trong người còn vương vấn tội tình, lại không biết sám hối, hoặc chẳng chấp nhận mối tình đầy xót thương của Chúa, điều này có nghĩa là: người đó sẽ mãi mãi phải xa cách Chúa, do chính mình chọn lựa tự do cho mình.” (GLHTCG #1033)

Nếu đương sự biết sám hối, thì chắc chắn Chúa thứ tha họ ngay; và Ngài đưa họ vào với tình yêu thương nhân hậu, của Ngài. Vả lại, giả như người ấy không biết hối lỗi vì đã làm phật lòng Chúa, thì những người như thế không thể nào hiệp thông vào với sự sống và tình yêu của Chúa, được. Bởi, đó là thiên đàng. Đó, là Nước Trời, ở trần gian.

Trở lại câu hỏi của ông/bạn, về việc tha thứ cho người nào không biết đường mà sám hối, thì thật ra cũng khó nói. Hỏi rằng Chúa có trông đợi chúng ta làm như thế không? Nhìn vào Kinh thánh, câu trả là rõ ràng là: có. Chúa vẫn trông đợi, ta làm thế.

Trước nhất, Chúa không phân biệt, khi Ngài khuyên: ta phải tha thứ người đồng loại. Ngay cả lúc, Ngài dạy mọi người đọc kinh “Lạy Cha”, Ngài cũng còn thêm câu: "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha của anh em ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng, nếu anh em không tha cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha cho anh em.” (Mt 6: 14-15)

Từ đó, ta không thấy có gì khác biệt khi nói phải tha thứ cho người làm lỗi đối với ta. Dù, anh/chị ấy có biết sám hối hay không. Ta vẫn phải tha thứ. Ngay sau đó, Chúa còn kể cho ta một ví dụ về việc Ngài cũng tha thứ những người hại Ngài, mà không biết hối cải. Ở thập giá, Ngài xin Cha Ngài thứ tha cho những người từng hại Ngài, lại đã nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23: 34)

Có điều chắc, là: những người từng hành hạ và đóng đinh Chúa vào thập giá, lúc ấy cũng chẳng biết gì chuyện hối cải điều mình làm, cho Chúa. Nhưng, Ngài vẫn xin Chúa Cha tha cho họ. Tha, hết mọi người.

Tin Mừng thánh Gioan có viết: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương anh em.”(Ga 13: 34). Nói thế, hẳn Ngài dạy ta hãy tha cho những người không biết hối cải, tựa như Ngài xin Cha tha cho những ai làm hại Ngài.

Một điều khác nữa, là: ta không thể yên tâm với chính mình, với người đồng loại hoặc cả với Chúa, cho đến khi ta thực sự tha cho bất cứ ai làm hại ta. Chẳng cần biết họ có hối cải, không. Dĩ nhiên, chẳng ai muốn giáp mặt Chúa vào ngày phán xét mà lại mang nặng trong hồn chuyện mình chưa tha thứ cho người làm hại mình. Đằng khác, ta cũng chẳng thể nào đọc kinh “Lạy Cha” cho xứng đáng, nếu ta dám: “Xin cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, trong khi biết chắc là có người từng hại mình, mà mình chưa hối cải.

Từ đó, cũng nên sẵn sàng tha thứ cho ai làm hại ta, bất kể người đó có hối lỗi không. Và, khi tha cho ai, ta cũng đừng quên đính kèm lời cẩu khẩn,xin Cha tha cho họ, như Chúa từng làm. Và, nếu người không biết hối cải, thì ta cũng nên xin Cha cho họ biết đường mà hối lỗi, những việc làm sai quấy. Và, nếu những người ấy biết rằng ta đã tha lỗi cho họ, thì nội việc này thôi, cũng dễ cho họ để có cơ hội rồi ra, sẽ hối tội.

Nên nhớ rằng, nhiều khi ta cũng chẳng lấy gì làm chắc, khi bảo rằng: người kia không biết hối lỗi, vì đã hại ta. Có thể là, tháng rồi hoặc tuần rồi, và ngày hôm qua họ chưa biết hối lỗi, chuyện ấy. Nhưng, điều mà tất cả chúng ta đều biết, là: từ dạo đó, họ cũng đã hối rất nhiều. Vì là chuyện hồ nghi, nên cũng đừng bắt lỗi người ấy, mà làm gì.

Tóm lại, tha lỗi cho ai từng hại mình, là việc làm đem đến cho ta sự an bình vui sống, có thứ tha. “ (X. John Flader, The Catholic Weekly 17/1/2010, tr. 10)

Vấn đề đơn giản, chỉ có thế. Nhưng, thực hiện nó trong đời, là chuyện không giản đơn. Chí ít là khi, không chỉ một người làm hại mình thôi, mà cả một tập thể/một tổ chức có chủ trương/chính sách quyết làm hại hoặc phá tán sự yêu thương đoàn kết của cộng đoàn Nước Trời ở trần gian. Trần gian, theo nghĩa không chỉ duy có mỗi những người tốt lành/thánh thiện, thôi. Nhưng, còn nhiều người thiếu lành mạnh, hoặc nên thánh, nữa.

Còn khó hơn, khi tập thể hoặc cá nhân ấy vẫn cứ chực chờ/rình rập, để không những đã chẳng hối lỗi, lại còn tiếp tục làm hại mình, nhiều hơn nữa. Đến đây, bần đạo thấy nảy sinh một vấn đề nữa, là: tha thứ trong cuộc đời đi đạo của bạn và của tôi, không là chuyện dễ làm. Chỉ dễ nói. Dù bạn/dù tôi, ta có thuộc nằm lòng câu Kinh Sách. Dù, đã quen với những chuyện thứ tha/thương yêu. Từ thuở trước.

Cuối cùng, vấn đề là: được mấy ai trong số bạn và tôi, ta làm được một chút gì để nhớ. Và để quên. Phải chăng đó là chuyện dài ở huyện? Phải chăng, sống Đạo giữa đời vẫn là chuyện còn đó, nỗi buồn? Buồn muôn thuở.

Và, tha thứ còn kèm theo một động thái tích cực khác, mà Chúa muốn ta làm, là: hãy quên đi. Quên, chứ đừng nhớ là mình đã tha. Hoặc, chỉ nhớ yêu thương. Nhớ, điều mình cần thứ tha. Và, quên những chuyện mà người người cần mình tha thứ. Vì lỡ làm tổn thương/phương hại mình.

Cứ sự thường, người người có thể tha thứ hoặc nói những lời, rất thứ tha. Nhưng thật ra, đa phần thì người người vẫn không quên được chuyện cũ. Bởi, mỗi lần nhớ đến, vẫn giận. Hoặc, có tha cho ai đó, nhưng người ấy đừng mong rằng mình sẽ quay về, lập quan hệ bình thường. Như trước.

Với Tin Mừng, người người thấy Chúa đòi ta nên tha thứ cao hơn một bậc. Nghĩa là: không chỉ tha mà thôi, nhưng còn lập lại tương quan như trước với người ấy. Hoặc, phải mật thiết hơn khi trước. Câu chuyện “người con hoang tàng”, là một trong các ví dụ cụ thể. Để thực hiện. Dù sao, thì Chúa vẫn để ta xử sự theo tự do con cái Ngài. Để, ta kiếm tìm cung cách tích cực. Hơn hết.

Nói thì nói, bần đạo vẫn cảm nghiệm. Và, cũng chẳng buồn. Chẳng kết tội ai, khi thấy bạn thấy tôi, ta có thứ tha đấy, nhưng vẫn nhớ. Nhớ chuyện cũ, rất nên quên. Đó là phận người. Tuy khó, nhưng hơn lúc nào hết, đây là lúc để bạn và tôi, ta thực hiện sống Lời Chúa. Ở đây. Bây giờ. Bởi, sống là thực hiện điều Chúa dạy. Trong đời mình.

Trần Ngọc Mười Hai

cũng bị hại nhiều lần

nhưng chưa quên

nên vẫn mong thực hiện

những điều mình được nghe dạy.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com ;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Saturday, 20 February 2010

“Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi !”

Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi!

(Phạm Duy – Xuân ca)

(Co 3: 30)

Ơi ới gọi Xuân ơi, không phải cứ mãi gọi. Cứ nêu tên, chỉ một người. Ơi ới gọi Xuân ơi, vẫn cứ thân tình như gọi tên một người. Tên người bạn. Người tình. Có hình có tượng. Hoặc, chẳng chân dung. Cũng chung tình. Như, gọi tên nhân vật ở phim dài nhiều tập, có đầu đề: “Dù gió có thổi”. Gọi hát bài Xuân ca, là gọi ai đó, hỡi Chúa Xuân. Chúa Tể, của mùa Xuân. Của Tình người. Hoặc, người tình. Người và Tình, tuy chưa một lần giáp mặt. Gọi hát bài Xuân Ca, còn là gọi mừng Xuân bất diệt. Xuân có tình. Hoặc, Tình Xuân có ta ca hát. Cả bài tình ca, vẫn cứ là:

“Xuân lên cao, chóp Xuân buông nhịp xuống sâu.

Hồn Xuân, hồn thiêng ngút lên từ lâu cõi Xuân còn dài.

Xuân trong ta, đã muôn ngàn lần đã qua.

Mặc cho, mặc bao những cơn buồn thương, những cơn giận hờn.”

(Phạm Duy – Xuân Ca)

Gọi Xuân cao. Gọi, “chóp Xuân buông nhịp”, còn diễn tả tình tự thân thương. Vương vấn. Những tình thân. Của người nghệ sĩ viết nhạc, cứ lòng thòng đôi giòng chảy, cả sau khi đã hát:

“Cũng trong dòng nhạc soạn cho cuộc đời, trong đó tôi có người tình, tôi soạn bài XUÂN CA, lần này không phải là hành khúc hay âu ca, mà là dân ca phát triển. Trong bài này, tôi muốn nói mùa Xuân của tôi đã có ngay trong đêm tân hôn của cha mẹ tôi. Xuân như mặt trời nổ trong lòng mẹ, rồi từ đó, tôi ra đời, góp chung câu gào thiết tha cho mùa Xuân vĩnh cửu. Nếu tôi chết đi, xin cho tôi được tái sinh nhiều lần để tôi tiếp tục đi mãi trong mùa Xuân. Bài XUÂN CA, được soạn theo ngũ cung Việt Nam.” (X.Phạm Duy Tổng Quát, www.phamduy.com)

Gọi Xuân ơi! không chỉ gọi người mang tên Xuân. Mà, còn gọi tình Xuân chan chứa. Của cha. Của mẹ. Gọi mẹ cha, cả khi mình lúng túng, như Kinh Sách đà nói đến:

“Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự,

vì đó là điều đẹp lòng Chúa.”

(Cô 3: 20)

Gọi Xuân ơi! hay gọi tên mẹ cha, còn là báo hiếu, một mối tình. Rất cao cả. Mối tình, làm đẹp lòng Cha. Như nghệ sĩ nhà ta, vẫn còn hát:

Xuân tôi ơi! sức Xuân tôi còn khát khao

Dù nay, dù mai cũng như mọi ai, chết trong địa cầu

Xuân muôn năm, có ta Xuân còn hỡi Xuân

Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân, sống thêm vài lần.(Phạm Duy – bđd)

Nói cho cùng, gọi mùa Xuân Vĩnh Cửu. Hay, tên cha. Tên mẹ. Còn, để tỏ bày tình thân thương/hiếu thảo, ta vẫn có. Có, ngày Xuân sang. Xuân đến. Có, cả vào lễ hội đình đám, Tết nhất vui. Vui ngày Tết, có Xuân vĩnh cửu, là hội lễ rất Tết của Hội thánh hân hoan tình Đại kết. Tình đoàn kết rất vĩ đại. Với Giáo hội bạn. Giáo hội của Chúa. Của, đấng bậc cùng thờ một Chúa. Nhưng, khác phụng vụ. Là, tình tự mà toàn thể Hội thánh mình và Giáo hội người, vẫn trân trọng.

Cũng vào dịp Tết, nhưng là Tết Tây, Tết Mỹ, Tết rất Ý, Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô XVI đã thân hành đến để thăm -như kiểu ăn Tết của người mình- để gọi Mùa Xuân Chân Chính tới với người anh, người em bên đối tác. Giáo hội khác. Giáo hội cùng thờ Chúa kính Cha, gốc Do thái. ở Rôma.

Gọi mùa Xuân nhân ngày Tết, còn có tâm tình thân thương của người con trong gia đình, hai thế hệ. Hai Đạo giáo, cùng thờ Chúa. Như, Michael Coren ở Úc, đã viết:

“Đó là đề tài (người Công giáo đối với lò thiêu sống người Do thái) tôi từng nghiên cứu học hỏi suốt một quãng thời gian dài. Bỏ ra ngoài, tình cốt thiết gia đình. Hoặc, cảm xúc. Tôi, là người Công giáo có cha là người theo đạo Do thá. Đã từng sống trong một gia đình đạo gốc, rất Ba Lan. Với tôi, vai trò của Đức Giáo Hoàng Piô XII và Hội thánh, thời Đệ Nhị Thế Chiến là tâm điểm của một căn cước. Của, lòng thuỷ chung. Của, sự thật.

Nhiều lãnh đạo Do thái cho rằng Đức cố Giáo Hoàng Piô XII nói rất ít. Ngài làm còn ít hơn, hầu có thể ngăn chặn không để cho người Do thái ở Châu Âu bị thâu tóm, đưa vào lò thiêu sống. Nhiều nhà hoạt động không là người Do Thái -đa phần là người Công giáo thông thoáng, thời buổi này, dám đấu tranh bằng nhiều cách, cốt chống lại tấn thảm kịch Lò Thiêu Sống- quyết sao cho uy tín của Đức Giaó Hoàng Piô XII phải suy giảm. Họ làm theo cách bảo rằng: Đức Giáo Hoàng đã để quên một bên, uy tín đạo đức của ngài. Ở nơi nào đó.

Và các Đức Giáo Hoàng kế tục, đã phải lĩnh nhận hậu quả tệ hại, rất mạnh mẽ. Điều này, dẫn đến câu hỏi: phải chăng chuyện xấu xảy ra là vì Đức Piô XII đã lặng thinh? Có phải, vì Hội thánh mình dửng dưng, rất lãnh đạm? Phải chăng, vì bản tính chính thống của mình, nên Giáo Hội đã chống đối công bằng xã hội? Dù gì đi nữa, điều đáng nói ở đây, là: vấn đề ấy lại nổi lên. Vào lúc này. Sự chính thống rất chính đáng của Hội thánh, đang làm cho thế hệ già vào thuở trước, được tiếng là thông thoáng, nay hoảng sợ. Và họ đang dùng lịch sử như lá bài đấu tranh, bằng mọi giá.

Sự thật thì khác. Trước khi trở thành Giáo Hoàng Piô XII, Đức Hồng Y Pacelli đã thảo Tông thư lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Quốc Xã. Và, ngài cũng đã truyền cho các linh mục đọc thư ấy, tại nhà thờ. Và, toà thánh cũng từng sử dụng tài sản của mình để cứu người Do thái khỏi mọi đe doạ xuất phát từ đám Quốc xã. Chính các ngài, từng thiết lập đường hầm để giải thoát và che giấu một số gia đình người Do thái, dưới dinh Castel Gondolfo. Tất cả việc này được chuyên gia lỗi lạc người Do thái như B’rith’s Joseph Lichten, từng xác nhận.” (X. Michael Coren, MercatorNet.com, ngày 24.01.2010)

Gọi Mùa Xuân Vĩnh Cửu, là gọi và nói về những điều tương tự như thế, ngày đầu năm. Năm rất mới. Có Chúa Xuân. Ở Ý. Ở trời Tây. Mừng Xuân Vĩnh Hằng ở quê nhà, hay nơi nào nữa, là gọi gì? Sao chẳng ai mừng? Mừng hay không, câu trả lời không từ bạn. Từ tôi. Những người đang kiếm tìm. Đang hỏi.

Duy có điều, là: Mùa Xuân Miên Trường mình gọi mừng, vẫn còn gặp ở khắp nơi. Những nơi, có Tin Mừng Chúa được rao truyền. Từ ngõ ngách, tận cùng của đất trời. Từ hẻm nhỏ, ở đâu đó. Rất thánh thiêng. Nhân duyên, Hội thánh. Ở nơi đó, có truyện kể về “Chúa Xuân” theo kiểu sống Đạo giữa đời, rất như sau:

“Ngày xưa, có ông phú hộ nọ, có bốn người con trai. Khi biết mình sắp chết, ông gọi cả bốn người con lại, dặn dò các con phải gia tài cha để lại làm bốn phần đều nhaụ. Bốn người hứa tuân theo lời cha trăn trối. Chôn vừa xong, ba người con đầu đã vội làm khác ý của người cha, tức là dành phần gia tài cho mình nhiều hơn. Chỉ chia cho người em út mảnh đất cằn cỗi không đáng gì.

Người em út, phần vừa thương nhớ cha, phần thì buồn nỗi các anh đối xử tệ bạc với mình, bèn ngồi khóc trước mảnh đất cằn cỗi. Bỗng, một tiên bà từ mặt ao gần đó hiện đến bảo:"Thôi con đừng khóc nữạ. Khoảng đất thuộc về con có chứa một kho tàng mà các anh con không biết. Kho tàng đó là những mầm mống của một loài hoa vô giá. Mỗi năm cứ đến mùa xuân là nó đâm chồi, nảy lộc, nở những hoa từng hàng chi chit, trên phần đất của con. Con hãy hái nó đem đi bán rất được giá. Nhờ đó mà con sẽ trở nên giàu có chắc chắn hơn các anh." Người em út ngạc nhiên mừng rỡ chưa kịp cám ơn thì tiên bà đã biến mất.

Mùa xuân năm ấy, đúng như lời tiên bà nói, mảnh đất cằn của người em mọc lên một loài hoa trắng nõn, ngào ngạt hương thơm. Để nhớ đến công ơn của tiên bà, người em đặt tên cho loài hoa này là: Thủy Tiên.

Các nhà giàu có trong vùng bắt đầu biết đến đã rủ nhau tranh mua loài hoa quý hiếm này với giá rất đắt. Chẳng mấy chốc người em út ngày càng có nhiều tiền bạc. Và mỗi lần Tết đến, người em út lại càn dịp làm giàu thêm. Hơn hẳn cả ba người anh lớn tham lam. Người ta cho rằng loài hoa Thủy Tiên đem lại sự phát tài và thịnh vượng cho người thưởng lãm. Chơi hoa. Và, tục lệ chơi sắm hoa Thuỷ Tiên đã trở thành ra tục lệ mới, đón chúa Xuân. Nhiều người sành sõi còn chăm sóc Thủy Tiên để hoa nở đúng vào lúc giao thừa, mang lại mọi sự may mắn cho mọi nhà. Mùa Xuân mới.”

Quan niệm mừng đón Chúa Xuân, của người đời, là như thế. Còn, người nhà Đạo sống giữa đời, chào đón Chúa Xuân ra sao? Chúa Tể càn khôn của vũ trụ đầy mùa Xuân, có được tưng bừng đón tiếp, như người người tiếp đón loài hoa quý hiếm, mùa Xuân chăng?

Hỏi thì hỏi thế, chứ người hỏi vẫn biết sẽ có người bảo rằng: có bao giờ họ thấy Chúa Tể Xuân mùa của vũ trụ đâu, mà mừng đón?

Cũng lại bắt chước Michael Coren ở trên, xin trích dẫn đây một động thái của vị thương tế Do thái ở La Mã tên là Israel Zolli, đã cả gan ôm trọn Đạo Chúa của người Công giáo, vào đầu năm 2010. Rất công khai. Chẳng sợ hãi. Không sợ và cũng chẳng hãi, vì ông có quyết tâm hồi hướng rất đặc thù. Vẫn ngưỡng mộ động thái quả cảm của vị Giáo Hoàng từng giấu và từng cứu người gốc Do thái ở Ý, năm xưa.

Và, người viết mang tên Michael Coren, kết thúc chuyện bàn ngày đầu năm, và bảo rằng: Cuộc chiến tạo lại uy tín cho Đức Giáo Hoàng Piô XII còn tiếp diễn. Dĩ nhiên, vẫn còn đó những bất bình giữa người Công giáo và Do thái giáo về việc tạo lại mùa Xuân thiện chí. Hy vọng. và, tiến bộ, trong Hội thánh. Dù, xuân nay hoặc mai rày, vẫn còn đó nỗi buồn, một rẽ chia. Chia rẽ giữa người cùng chí hướng. Giữa bên trong và bên ngoài chí hướng, rất người mình.

Chúa Xuân của vườn hoa nhà Đạo, trong đời đã và đang đổ tràn hồng ân/hy vọng cho mọi loài. Trong cuộc đời. Hy vọng, mỗi ngày. Mỗi giờ. Suốt cuộc đời của con người. Có mùa Xuân. Hôm nay.

Trần Ngọc Mười Hai

Nhân ngày xuân dân tộc

lại suy nghĩ thêm

về hy vọng

Chúa Xuân đã đem đến.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com ;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Friday, 12 February 2010

“Chiều lại chiều nghe vẳng tiếng, tiếng kinh buồn”

Chiều lại chiều nghe vọng đến,

những hồi chuông, câu kinh buồn ... (Hoàng thi Thơ – Kinh Chiều)

(Mt 5: 43-45)

Bẵng đi một dạo, bần đạo và một số bà con ưa nhạc lại quên bẵng mất rằng: trong vườn thơ/âm nhạc người mình, vẫn có sự hiện diện rất sáng chói của nghệ sĩ Hoàng Thi Thơ. Một người viết nhạc nhiều thi và thơ. Rất đầy mình. Bần đạo còn nhớ, người nghệ sĩ tên tuổi, đã một thời “trụ” cả một chương trình gồ ghề rất “Maxim’s”, ở Majestic. Trước 75.

Sắp đến, nhóm “Hát cho nhau” ở Sydney có tổ chức buổi thính phòng hoà nhạc, mang chủ đề “lắng tiếng chiều rơi”, bần đạo lại được tiếp cận với nhạc bản “chiều lại chiều”, đã thấy mê. Càng mê nên càng mệt, khi nghệ sĩ rất “Huế mình” cứ hát tiếp lời nhẹ nhàng/yêu thương sau đây:

Chiều lại chiều

vang trong lòng nhân dân mình

miệt mài cầu, cầu xin

Đang miệt mài cầu xin ...

Xin yêu thương.” (Hoàng Thi Thơ – bđd)

Nghe kinh chiều, mà lại tụng bằng chất giọng thần kinh linh tinh rất đất Huế, thì hồn bạn/hồn tôi có cứng cách mấy đi nữa, cũng phải âm thầm mà đổ lệ, mất thôi.

Hôm nay, ngồi buồn nhắc chuyện “Huế mình” lòng dễ đổ lệ, bần đạo nhớ lại người em trong Dòng Chúa …(cứ thế mà) Cứu Thế, có cái tên rất ư là “Sáu nó”, sau 30 năm sống ở miệt Sađéc-Vĩnh Long, đã có một chuyến ghé bến Sydney, làm bần đạo “chợt muốn khóc”. Khóc, vì nhớ kinh-chiều-nhè-nhẹ của xứ Huế. Khóc và nhớ, vì lại được nghe giọng “Huế mình”, ở đất khách quê người. Sáu Duy, nay là Đấng Bề Cao rất Sè-Ghềnh, vẫn còn giữ chất Huế mình, có giọng nói rất thơ và nhạc. Giọng Huế mình, cũng thi. Và, cũng thơ. Một thành tích giỏi dang. Hiển hách. Hách hơn nữa, khi chú em mình lại nhắc đến lời ai đó, từng nhất quyết: ”Làm nhạc, phải biết thơ. Làm thơ, phải biết nhạc.” Thơ-nhạc/nhạc-thơ cứ quyện vào nhau làm nên chất Huế mình. Đê mê. Gợi cảm. Rất da diết.

Còn gì dễ mê và cảm cho bằng khi bạn và tôi, ta cứ nghe ra rả khúc kinh chiều. Nhè nhẹ. Thương yêu. Kinh chiều, là kinh: “miệt mài cầu xin…Xin yêu thương”. Vẫn cứ hát:

“Chiều lại chiều không còn nến, thắp giáo đường

Chiều lại chiều nghe đại bác, át hồi chuông,

những kinh buồn.” (Hoàng Thi Thơ-bđd)

Hôm nay đây, ở quê thôn cùng chốn thị thành, người người không còn nghe “đại bác át hồi chuông” thay cho kinh chiều, nữa. Nhưng, vẫn thấy âm vang thời đại, át cả chiều kinh/kinh chiều. Miệt mài. Thời đại. Những là âm vang thùm thụp. Chan chát. Chẳng ra nhạc. Chẳng là thơ. Chỉ mỗi âm thanh dậm dật. Kích động. Khiến lòng người những là cao bay xa chạy. Chạy, khỏi giáo đường. Khỏi, hồi chuông ngân nga tiếng kinh chiều. Nhè nhẹ. Thương yêu. Chân chất. Rất êm.

Cả đến lễ hội ả êm/êm ả, một Giáng hạ thời trước, nay cũng thành cơ hội để người người tìm cớ mà ăn chơi. Ăn cho đã. Chơi cho thoả. Để rồi, mang vạ vào thân. Với, những lạm dụng. Xô xát. Bần thần. Lẩn thẩn. Đầy những căng thẳng. Như, nhận định của tay viết ở trời Tây, dạo gần đây, là Vanessa Lloyd Platt, thuộc tổ hợp luật pháp Lloyd Platt & Co, tổ hợp chuyên tư vấn luật gia đình. Ly thân. Ly dị. Rất nhận định, như sau:

“Giáng Sinh nay thành thời điểm u uất. Rất căng thẳng. Căng, với gia đình. Thẳng, cả với vợ với chồng, cùng con cái, thời hậu Giáng Sinh. Bởi, cứ vào ngày này, sau Tết Tây, bà con đã lại rủ nhau tìm đến tư vấn, hầu giải quyết nỗi chán chường. Chồng chất. Sau ngày lễ. Trong số những người này, có bạn bè người thân của khách hàng tiêu thụ vào dịp lễ. Họ yêu cầu được tận tình giúp đỡ, về chuyên môn; hầu giải quyết những nố phức tạp, trong tương quan mật thiết. Đang mất dần. Cũng vì lý do đó, mà có lẽ chúng ta cũng nên kêu gọi mọi người hãy cứ cho nhau nhiều phiếu tặng quà. Tặng, những người đang kiếm quà, dịp Giáng Sinh. Tặng, để giải quyết mọi căng thẳng. Đổ vỡ.” (x.Gianfranco Amato, MercatorNet 24/12/09)

Về, ăn chơi tiêu thụ vào ngày lễ, cũng tợ “chuyện dài nhân dân tự vệ”. Chuyện vượt biên/vượt biển. Đau thương. Tê tái. Chuyện nghe xong không thấy cười. Chỉ thấy nước mắt. Dù, nước mắt ấy có là nước thấm đầm đìa từ con mắt, có buổi chiều. Nhiều câu kinh. Có “nến giáo đường”, chiều lại chiều. Dù, nến có sáng, thắp suốt mùa lễ hội. Dù, lễ hội có lớn như hội mùa Giáng Sinh. Dù, hội lễ, có lễ mễ niềm vui cho gia đình? Hoặc, chỉ thêm căng thẳng cho thành viên, ở trong đó? Như cố vấn pháp luật nọ, đà nhận xét?

Với nhiều người, Giáng Sinh cũng như mọi hội lễ lớn/nhỏ, là mốc điểm để ta quan tâm đến người khác. Đôi khi, ta còn vượt phạm vi khuôn khổ gia đình, hầu đến với người sống rất lẻ loi. Đơn chiếc. Hội lễ nhỏ, là mốc điểm để người người quây quần. Tụ tập. Ở bên nhau. Nơi gia đình. Chòm xóm. Có bạn bè/người thân. Lễ hội, là lễ là hội rất như thế, ở đó người người có thì giờ mà suy tư. Kinh kệ. Và tưởng nhớ? Nhớ Chúa. Nhớ Cha. Là, điều rất tốt.

Nhớ Chúa. Nhớ Cha. Ngày hội lớn. Là, gom góp với nhau quà tặng gửi đến người thân. Sống cận lân. Hoặc, cận thân. Chưa một lần quen biết? Gửi, qua hệ thống thiện nguyn. Đình chùa. Nhờ thờ/nhà thánh? Hầu giùm giúp. Nhớ Chúa/nhớ Cha, còn nhớ cả gia đình. Nơi xa xôi. Ít lui tới. Nhớ, bằng cả tấm lòng vàng. Nhớ, bằng tình thương, chưa kịp nói. Nhớ Chúa/nhớ Cha ngày hội lớn, là nhớ qua kinh chiều. Có nguyện cầu. Như ý/lời ở nhạc bản kể trên, vẫn tiếp tục:

“Lời nguyện cầu ấy, gây cho nhau niềm tin,

Lời nguyện cầu ấy, gây cho nhau tình yêu.

Kinh chiều. Kinh chiều…” (Hoàng Thi Thơ – bđd)

Kinh chiều. Nguyện cầu. Chắc chắn, không phải để xin. Mà, “Lời nguyện cầu ấy”, chắc chắn sẽ “gây cho nhau niềm tin”. Gây cho nhau, tình yêu. Hy vọng. Bởi, hy vọng là cái mà xã hội ngày nay người ta, xem ra, còn thiếu. Không thiếu tiền. Nhưng, thiếu niềm tin. Yêu thương. Hy vọng. Thiếu rất nhiều. Có khi là, tất cả. Thiếu, tất tần tật.

Mới đây, Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô thứ XVI đã đề ra Tông huấn bàn về tầm quan trọng của hy vọng. Người Công giáo. Làm sao hy vọng? Làm thế nào duy trì nó? Đó, là vấn đề. Và, Đức Thánh Cha, đã về với Kinh thánh, để nói lên một sự thật mà rất nhiều người, rày đã quên: “Không có Chúa, chẳng làm sao có được niềm hy vọng.”

Hy vọng, không là nguyên do của đổ vỡ. Nhưng hy vọng, là giải pháp tìm lại tình yêu. Hy vọng, nếu đặt đúng chỗ, đúng nơi -như gia đình. Chòm xóm. Xã hội- sẽ đem lại tình trạng “nở đầy hoa”, trong giao tế. Hy vọng, là hy vọng ở đây. Bây giờ. Hy vọng, đồng hoá với tình thương của Chúa.

Người Công giáo, hễ có kinh nghiệm từng trải. Hễ sống trong hy vọng, đều có thể tiếp cận tình thương của Chúa. Kinh nghiệm của các giáo hữu thời tiên khởi, đã hàm ngụ phương thức đặc biệt ở quá trình sống. Sống, với thế gian. Sống sôi nổi. Dù, vẫn căng thẳng. Lo toan. Ngán ngẫm.

Ảnh hình trọng điểm của hy vọng, mà cộng đoàn dân Chúa thời ban sơ vẫn từng trải, là: hy vọng vào sự sống. Vào, sự sống lại. Buổi lai thời. Sống lại, không mang tính cá nhân. Riêng rẽ. Đặc biệt. Nhưng, đã biết nối kết với sự sống lại của Chúa. Nối, vào Tiệc Thánh. Nối, với cộng đoàn dân Chúa, như nối và kết với Thân Mình Đức Kitô, bằng hy sinh thân xác. Đặc biệt hơn, bằng cuộc sống khắc khổ. Tử đạo. Đấy, mới là nền tảng của hy vọng hằng ngày. Trong đời sống.

Thế đó, thời buổi trước. Thế này, ngày hôm nay. Hôm nay/thời này, người Công giáo ta bị chi phối bởi nhiều thứ. Những thứ, phát xuất từ xã hội trần tục. Bên ngoài. Ở xã hội có phân ranh/chia cách. Phân, hiện tại. Cách, tương lai. Cách phân, cả với Chúa. Với thế trần. Cách phân xác/hồn. Phân cách, lối sống Đạo. Cách phân/lục đục vì chuyện lố lăng, vật chất. Phân cách, thấy rõ ở chủ thuyết khắc kỷ. Ở phương Đông.

Bằng vào ý niệm ấy, niềm hy vọng và lời nguyện cầu, sẽ lại gặp nhau nơi câu kết của nhạc bản ở trên, có lời bàn:

“Lời nguyện cầu, ngay cỏ lá cũng bùi ngùi

Lời nguyện cầu, ngay sỏi đá cũng lệ rơi

Lời nguyện cầu xa xa vời

Lời nguyện cầu vang lên trời;

đi sâu vào lòng người. Và tôi.

Ôi lời nguyện cầu, từ lâu…

Xin thương nhau! (Hoàng thi Thơ – bđd)

Nói cho cùng, thì: hy vọng và nguyện cầu, buổi chiều vàng, lại đã dẫn về câu kết hậu: “Xin thương nhau”. Có thương nhau, như nhận định của tiền nhân, vẫn bảo: “Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua…” Vậy thì, sá gì phiếu tặng quà tư vấn luật gia đình? Để, cứ phải ly thân. Phân cách. Có sá chăng, chỉ là lời dặn của Đức Chúa. Ta vẫn nghe:

“Về nguyện cầu,

các ngươi chớ lải nhải như dân ngoại.”

(Mt 6: 7)

Hoặc:

“Các ngươi vẫn nghe bảo:

hãy yêu mến đồng loại và ghen ghét kẻ địch thù.

Còn Ta, Ta bảo các ngươi:

Hãy mến yêu thù địch

và khẩn cầu cho những người bắt bớ các ngươi;

ngõ hầu các ngươi trở nên người con của Cha trên trời.”

(Mt 5: 43-45)

Xem như thế, mục đích của nhạc bản “Kinh chiều”, vẫn không là lời lải nhải, ta thường làm. Nhưng, lại là “niềm hy vọng” để cầu khẩn. Khẩn và cầu, cả lúc chiều hôm, như người con của Cha trên trời. Đấng từng ban cho mọi người, niềm hy vọng ủi an, cả vào lúc người người mải vui say, ngày hội lễ. Có hay không, căng thẳng. Đổ vỡ. Rất đáng sợ.

Nói cho cùng, căng thẳng nhiều năm tháng, vì ăn chơi xả láng, cũng là do không nhớ lời dặn dò. Của Chúa. Cũng chẳng nhớ đề nghị 10 điểm, ở lời kinh. Ban chiều, Lời kinh, mang nhiều ý nghĩa, như sau:

“Đề nghị đây, là 10 quyết tâm rất đẹp. Nên nghe theo.

1. Hãy tập trung vui chơi, với mọi người. Đừng ham mê chè chén, vào ngày vui.

2. Hãy có kế hoạch tiêu pha những gì mình lưu giữ/tiết kiệm. Chớ bận tâm đến kế thừa, cho con cái. Bởi, khi về miên trường, con cái mình sẽ cãi tranh. Giành giựt. Và, sâu xé. Mất hết tình thân. Vẫn đáng quý.

3. Hãy sống với hiện tại. Hiện tại, là ở đây. Hôm nay. Đừng sống quá khứ. Hoặc, mai ngày. Bởi, chỉ hiện tại mới vận dụng được quá khứ lẫn mai ngày, rày chưa đến.

4. Hãy hân hoan vui sống với cháu con, để khi mình đi vào buổi xế chiều, nhiều lời kinh cũng chẳng đạt mục tiêu.

5. Hãy cứ chấp nhận thương đau, do tuổi tác. Bởi, đó là cuộc sống. Rất bình thường.

6. Hãy vui hưởng thân phận mình hiện đang mang. Bởi, những gì mình nắm trong tay, đã là “có”. Đừng cố chiếm, những gì mình không được tặng. Đó, là cái mình “không có”

7. Hãy vui sống đời mình, với mọi người. Những người cần đến tình mình thương yêu. Cần mình nuông chiều. Dễ luột mất.

8. Hãy thứ tha và chấp nhận sự tha thứ. Cứ vui hưởng giờ phút an bình. Rất hiếm. Cho mình. Cho hồn thiêng, của mình. Vì, mọi cái “có” đều dễ mất đi.

9. Đừng sợ khổ. Chớ lo chết. Đó mới là sự sống. Bởi, có chết đi mới sống lại được. Và, sự sống lại, vẫn chờ đợi mọi người. Chờ cả ta.

10. Hãy làm hoà với Tạo Hoá. Bởi, chính Tạo Hoá mới là Tất Cả. Kể cả, những gì mình đang “có” và sẽ “có”. Vẫn cứ “có”, sau cơn sầu buồn. Khổ đau. Căng thẳng.

Dĩ nhiên, đây chỉ là những đề nghị cỏn con. Để, ta hy vọng. Để, ta sống khoẻ. Sau cơn mê. Mê say cuộc đời này, nhiều lãng phí. Dĩ nhiên, đó chỉ là tư tưởng vặt, chẳng gì mới. Nhưng sẽ rất mới, nếu bạn và nếu tôi, ta nhìn lại thời điểm có những khoảnh khắc, giống những:

chiều lại chiều

vang vang đều, dưới ánh hồng ngọn đèn hoả châu

dân mình nguyện cầu, cầu xin… xin yên vui.”

(Hoàng Thi Thơ – bđd)

Chiều là thế. Thế đó, một buổi chiều. Sau nhiều ngày vui, những lễ hội. Thế đó, những ngày chiều. Nhiều sự sống. Sống đời người. Nhiều thương đau. Một đời, cần hy vọng, để sống. Sống, với mọi người. Suốt đời. Có kinh chiều. Không buồn. Không sầu đau.

Trần Ngọc Mười Hai.

Vẫn suy tư thêm,

về quãng đời chiều

của nhiều người.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Saturday, 6 February 2010

“Yêu cho biết sao đêm dài”

Cho quen với nồng cay Yêu cho thấy bao lâu đài Chỉ còn vài trang giấy.

(Y Vân-Ảo ảnh)

(Lc 1: 1-2)

Chao ôi. Có lời nào, ý nhị bằng lời ca, đà trích dẫn. Ở trên! Mà, sao nghệ sĩ gọi đó là “Ảo ảnh”. Lại còn, đỏng đảnh bảo: “cho quen với nồng cay”? Há, “yêu” là ảnh ảo. Là, nồng cay sao?. Và, nghệ sĩ nhà ta cứ những than cùng khóc, mấy tình tự rất cay và rất nồng, như hồi nào:

“Những ân tình em đong bằng nước mắt

Khóc cho đầy hai chữ tình yêu

Phấn hương nồng anh xem tựa tấm áo

Đã thay màu ân ái từ lâu....” (Y Vân – bđd)

Thế mới biết. Yêu, không là chuyện dễ. Chỉ dễ nói. Dễ hát. Không dễ thực hiện. Thế mới hiểu, yêu cũng nhiều chông gai. Trở ngại. Rất đường dài. Trên giấy. Trên giấy hay trên cát, hãy cứ cùng tôi, sống trước đã. Tìm hiểu sau. Về chữ yêu. Tìm và hiểu, là tìm đến đấng bậc vị vọng đã từng hiểu và tìm, thời trước mình. Các đấng bậc từng tìm hiểu, đã rất nhiều. Nhiều chuyện. Nhiều thứ. Những thứ rất kiêu sa. Là đà. Chuyện ghét ghen. Đường dài truyền thông. Lông bông, báo đài. Rất vi tính.

Ghét ghen thời vi tính. Vẫn vi vu. Lu bù, chuyện của người. Giữa đời. Và, trong đời. Như người đời, từng thổ lộ. Vừa qua, bần đạo đã nhảy ào vào chốn lào xào huyên náo, chuyện vi tính với điện thư. Gặp được giòng chảy của người anh/bậc thầy, từng bảo trước. Rất như sau:

“Nói đến tình yêu và trách nhiệm, thì trách nhiệm của một Giám mục khác với trách nhiệm của một linh mục. Giáo dân. Trong Giáo hội, giáo dân ý thức lại có nhiều tự do hơn linh mục. Những người như Georges Hourdin, năm nay 100 tuổi dư hiểu điều đó. Không phải vì là tự do vô trách nhiệm, mà vì tự do với trách nhiệm khác. Rồi nhìn về Chúa Giêsu, có phải lúc nào Ngài cũng lên tiếng phản kháng không? Phản kháng ai và không phản kháng ai?

Đó là về mặt “lý tưởng”, chưa tính đến mặt thực tế Hội “thánh” qua lịch sử. Phêrô và có lẽ đa số các tông đồ đã không phải như Phaolô. “Hội đồng Giám mục’ ở công đồng Giêrusalem chỉ phụ hoạ với Phaolô một phần nào thôi. Và phải chăng chỉ là chuyện tình cờ nếu tử đạo đầu tiên là một phó tế Stêphanô chứ không phải tập thể các tông đồ? Và, đó chỉ mới là về thái độ đối với “nội bộ” Do thái. Còn đối với cường quyền Rôma? Phêrô và Phaolô đều dám chết ở Rôma, nhưng trước đó? Kể cả Phaolô? Nhưng Hội thánh vẫn còn đó và vẫn còn…”thánh” thì đâu phải vì được bảo đảm bởi sự thánh thiện của những con người –bắt đầu từ các vị hữu trách- trong Giáo hội!...” (Trích điện thư cố Gs Nguyễn Ngọc Lan gửi bạn bè/bà con 31.3.2001)

Điện thư trích dẫn ở trên, là của một cựu giáo sĩ. Cố giáo sư. Cũng bàn về chữ “yêu”. Trách nhiệm. Rất thơ văn. Bài bản. Đượm tính văn hoá. Văn hoá và văn minh. Người mình. Đạo mình.

Có truyện vui, về văn minh, lình xình những văn hoá của người. Của mình, khiến bạn mình cười hoài không chán, trước khi đi vào chuyện chính đáng, của thơ văn. Như sau:

“Trong phiên họp giữa người nước “bạn” và nước ta. Tức, nước “mình”. Bạn bảo rằng: người mình thiếu văn hoá. Chuyên làm bậy. Ngay ngoài đường. Bậy đến độ, chỉ người mình mới dám dựng bảng hiệu “Cam Đai Bay” khắp nơi, mà vẫn thấy. Thấy hiện tượng, thiếu văn minh, linh tinh chuyện văn hoá, là thế.

Cán bộ mình, bèn bảo với bạn: ‘Làm quái gì có chuyện như thế’. Chỉ là chuyện “phịa”, để vấy bẩn tình thân thiện. Thiếu trách nhiệm. Phía “bạn” bèn quyết: ‘Tối nay bọn tớ xách súng đi lùng. Hễ thấy tên nào dạo quanh hồ, mà làm chuyện thiếu văn hoá, những đái bậy, là xử luôn’. Phía “mình” đồng thuận: ‘tha hồ mà xứ lý, cứ thế nhé’.

Sáng hôm sau, phía “mình” báo cáo thiệt mạng mất 37 tay. Ức quá, phía “mình” cử 2 sứ thần đặc nhiệm qua bên “bạn” tìm tệ nạn thiếu văn hoá, ở quảng trường. Công viên văn hoá…. như “bạn” từng làm ở quê ta. Hai sứ thần đi suốt đêm, vừa lạnh vừa mệt, đến gần hai giờ sang thấy chú “tệ nạn” văn hoá, đang lén “làm bậy” ngay công viên trong bóng tối. Mừng quá, nả hết đạn vào tay “tệ nạn”.

Sáng hôm sau, truyền thông buổi sớm đã loan báo: đêm rồi, một viên chức của ta, đang đêm đi công tác, bị bọn khủng bố nã đạn vào người gây “tổn thương nhân thương trí mạng”, ở ngoài đường…. Hỡi ôi! Văn hoá với văn minh, là thế đấy!

Về Tình yêu. Trách nhiệm. Văn hoá. Ở ngoài đời lẫn trong nhà Đạo, nhiều vị đạo mạo. Rất sư phạm, và mô phạm. Từng bàn luận. Nhiều trang giấy. Như bạn tôi, ta thường thấy. Thấy, chứ không bàn. Hoặc hát. Hát, cùng người nghệ sĩ, mà rằng:

“Giòng mực xanh còn đấy

Hứa cho nhiều dù bao lời nói

Đã phai tàn, thành mây thành khói

Cũng xem như không, mà thôi.” (Y Vân – bđd)

Về tình yêu, trách nhiệm và văn hoá. Không thể để lời nói, trên miệng hay trên giấy, dễ phai tàn thành mây thành khói được. Càng là không, khi lời đó lại là lời vàng. Cao sang. Như Lời Chúa, nơi giòng chảy thánh sử, rất Luca, như sau:

“Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người

đã ra công soạn tường thuật những sự việc được thực hiện giữa chúng ta.

Họ viết những điều mà các người chứng kiến ngay từ đầu

và phục vụ lời Chúa truyền lại cho ta.”

(Lc 1: 1—2)

Nói đến tình yêu, trách nhiệm và văn hoá, là bàn/là thảo về cộng đoàn Nước Trời. Ở trần gian. Cộng đoàn ấy, ta gọi là Hội thánh. Có lúc, có người gọi là Hội thánh Công giáo, rất La Mã. Chính Thống. Mê-nô-nít. Can-đê-an, vv… Tức là, về các thánh sống đời phụng vụ, hơi khang khác. Nhưng không khác niềm tin. Chẳng khác, về tình yêu. Trách nhiệm. Dù rằng, rất văn hoá.

Thế nhưng, nhiều bạn/nhiều người vẫn thắc mắc về tên gọi, gắn liền căn cước, với kiểm tra. Của nhà Đạo. Dù đạo mạo. Sư phạm. Mô phạm, cũng như sau:

“Tôi có nhiều bạn Đạo, vẫn sống đời phụng vụ theo nghi thức khác, ở Đông Phương. Chính thống giáo. Kitô giáo. Anh giáo. Nghĩa là, cùng thờ một Chúa. Đức Kitô. Tuy nhiên, đôi lúc tôi vẫn lẫn và lộn về chuyện sao họ vẫn được coi là Công giáo. Mà không phải là, La Mã. Xin giải thích cho biết quá trình, về chuyện này. Cho rõ hơn. Rất cám ơn. (Người hỏi không ghi tên)

Và, đấng bậc giáo sĩ/giáo sư nhà Đạo, rất đạo mạo một đức thày: lm John Flader, vẫn được người người vời đến, để than thưa. Như sau:

“Có lẽ, cách hay nhất ta nên làm, là bắt đầu tìm hiểu Giáo hội Chính thống. Xem, tại sao Giáo hội Chính thống lạ xa rời Hội thánh Công giáo, sớm như thế. Giáo hội Chính thống có hai nhóm chính. Nhóm đầu nhỏ hơn, tách rời Hội thánh Công giáo, từ thế kỷ thứ V, tiếp theo sau hai công đồng về đại kết.

Sau Công đồng, một số vị đã theo chân Nestôriô bắt đầu rời bỏ Hội Thánh Chúa, để rồi cuối cùng trở thành Hội thánh Đông Phương, ở Át-xy-ri. Về sau, Giáo hội này không còn chấp nhận lập trường xa rời Đạo giáo của Nestôriô nữa.

Năm 451, tức 24 năm sau đó, Công đồng Canxêđô ra tuyên bố nói rằng: nơi Đức Kitô có hai bản chất: thánh thiêng và người phàm. Và, Công đồng lên án các điều sai lạc của bè Eutyches. Bè này chủ trương: Đức chúa chỉ một bản chất mà thôi. Lầm lạc này được gọi là chủ trương “Một bản thể duy nhất”.

Ngày nay, có năm Giáo hội ly khai khỏi Hội thánh, sau Công đồng Can-xê-đôn, đó là: Giáo hội thuộc phái các tông đồ ở A-mê-nia, Chính thống Kốp-tích, Chính thống Ê-tiô-pi-a, Chính thống Xy-ri và Giáo hội Chính thống Xy-ri Ma-lan-ka-ra.

Năm Giáo hội này có một điểm rất giống nhau. Nhóm Giáo hội địa phương Humberto da Silva là Giáo hội Chính thống lớn nhất gồm các Giáo hội đã ly khai Rôma từ năm 1054; khi đó, vị đại diện Đức Giáo Hoàng là Hồng y Humberto da Silva đã ra vạ tuyệt thông đối với Giáo phụ Constantinốp là Đức Michael Cerulatius. Và đổi lại, vị này cũng cách chức vị đại diện của Đức Giáo Hoàng ở Constantinốp.

Sau vạ tuyệt thông này, có bốn Giáo phụ Phương Đông và Giáo hội địa phương được các nhà thừa sai từng truyền giáo ở Đông Phương đã ly cách Rôma. Từ đó, theo cung cách tư riêng, không công nhận quyền bính của Đức Giáo Hoàng nữa. Và từ nay, không còn ai đặt vấn đề nền tảng về chính vạ tuyệt thông đem đến sự xa cách, mà ta gọi là “Ly Cách lớn”.

Ngày nay, các vị Đại diện cho Giáo hội Chính thống từng ly cách Hội thánh từ năm 1054, là các Giáo phụ ở Constantinốp, Alexandria, Antiôkia, Giêrusalem và Giáo hội Chính thống Nga, Serbia, Rômania, Bungaria, Georgia, Đảo Xýp, Hy Lạp, Balan, Anbania, Cộng Hoà Tiệp và Slôvakia cùng với Giáo hội Chính thống ở Hoa Kỳ. Thêm vào số này, là các Giáo hội khác tuỳ thuộc vào những Giáo hội được kể tên, ở trên.

Các Giáo hội này chấp nhận giáo huấn của bẩy Công đồng đại kết đầu tiên và các phép Bí tích, mà các Giáo hội này cử hành, vẫn có hiệu lực, kể cả bí tích truyền chức linh mục. Giáo hữu thuộc các Giáo hội này được phép lĩnh nhận các Bí tích như Thánh Thể, Hoà giải và Xức dầu Kẻ liệt do linh mục Công giáo cử hành.

Các thế kỷ tiếp theo sau niên biểuu 1054, một số thành viên các Giáo hội Chính thống đã quay về hiệp thông trọn vẹn với Rôma; và vì thế, được gọi là Giáo hội “Hiệp nhất”. Nói cho đúng, tên gọi của họ là Giáo Hội Công giáo Phương Đông. Các Giáo hội này vẫn duy trì phụng vụ và truyền thống kỷ luật, theo Đông Phương. Các vị, vẫn duy trì Luật Hội thánh Đông Phương, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành năm 1990 và cũng theo chính Giáo luật riêng của các ngài nữa.

Cộng thêm vào với 20 Giáo hội Đông Phương có tên ở trên, còn có Giáo hội Maronít, là Giáo hội luốn nối kết với Rôma trong mọi chuyện. Có lúc ta gọi tên các Giáo hội theo nghi thức Phương Đông là Giáo hội Công giáo Đông Phương. Nhưng, vẫn là thành phần trọn vẹn gắn liền với Hội thánh Công giáo và đóng góp rất nhiều cho tính phổ cập và sung mãn của hội thánh qua truyền thống khác biệt. (X. John Flader, The Catholic Weekly 2/3/2008 , tr.10)

Nói cho cùng, văn hoá, trách nhiệm và tình yêu, vẫn đôi lúc thay hình đổi dạng, cho có “hoa lá cành”, thì như thế. Nhưng tựu trung, vẫn thu về một mối. Vẫn, “là rụng về cội”. Đượm nét thân thương. Thương người. Thương mình. Thương lẫn nhau. Thương nhau, cả những khi đau. Lẫn khi buồn, như chuyện thiên tai với nhân tai, sầu buồn ở Tam Toà, Lao Lý, Đồng Chiêm, Ha-i-ti, và gì gì nữa, sau này. Nhất nhất nói lên một truyền thống đầy hiệp thông, tương cảm. Đậm sâu. Sắc nét.

Sâu và sắc, dù cho anh có hát: “Không cần biết em là ai”, con trai hay con gái. Ở Phương Đông hay Phương Đoài, chốn trời Tây. Một Nước Trời ở bên Tây/bên Tầu, dù có tự gọi mình là vô thần, hay vô sư vô sách, cứ lách cách như một Richard Dawkins ở nước Úc, vẫn phân trần:

“Richard Dawkins vừa khởi đầu một động thái thiện nguyện, rất sẻ san. Nhưng anh cứ tự gọi công cuộc chia sẻ mình làm là: Đùm bọc/giùm giúp từ những người không tin. Ý anh muốn nói là: người vô thần, chẳng sư chẳng sách, chẳng quỷ thần Chúa Mẹ, cũng vẫn cho đi. Cho, là để người nhận lãnh biết được rằng những người từng cho họ quà tặng có thể là người tin vào quyền uy của Đức Chúa. Cũng có thể là kẻ chẳng tin Chúa.

Richard Dawkins quyết biện luận rằng anh vẫn là người tốt bụng, mà chẳng cần phải nói mình có tin vào Chúa. Vào Mẹ, hay không. Tôi, thì tôi nghĩ rằng: dù anh có nói gì đi nữa, hễ cứ cho mình cho là người tốt bụng, thì cũng chẳng nên chứng minh là mình có tin hay không vào Đấng vào Vị nào. Riêng tôi vẫn nghĩ: thật khó làm thế. Khó, để nói mình là người vô thần, mà vẫn tốt bụng.” (x. Sheila Liaugminas, MercatorNet, 21/01/2010)

Nói gì thì nói. Nhất thứ, lại nói từ một góc trời rất linh tinh, toàn những chữ “tin” và chữ “yêu” chẳng bao giờ là “ảo ảnh”, như nghệ sĩ viết nhạc lại rêu rao một câu kết, rất như sau:

“Kìa phồn hoa còn đó

Những con đường, buồn vui lộng gió

Những ân tình, chìm trong lòng phố,

Cũng theo hư không mà đi.” (Y Vân –bđd)

Hôm nay, ở Haiti, Đồng Chiêm hay Loan Lý, vẫn không có chuyện “hư không”, “phi lý” như chuyện phân chia/ly cách, nhiều thế kỷ. Bởi, mọi người rồi sẽ nhận ra như nhà nghệ sĩ, còn câu hát:

“Vắng con tầu, sân ga thường héo hắt.

Thiếu em lòng anh thấy quạnh hiu…” (Y Vân – bđd)

Sân ga cuộc đời, mà thiếu em là “Tình yêu”, là “trách nhiệm”, thiếu cả “văn minh”, sẽ là văn hoá của sự chết. Hoặc, văn hoá của sự sống không tình yêu. Không trách nhiệm. Quyết chẳng gọi đó là văn minh/văn hoá, được.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn mong bạn, mong tôi

ta đã biết và hiểu,

nên vẫn tin.

(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com ;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com )