Anh về thăm chốn xưa.
Non nước u buồn, nào đâu bóng cố nhân, lòng xót xa tình xưa.”
(Dương Thiệu Tước/Minh Trang Bóng Chiều Xưa)
(Ga 24: 1)
Chiều, mà lại là “chiều gió mưa”. Say, mà lại “say hồn ta bao lần”. Điều này, chắc chỉ những người có tâm hồn nghệ sĩ như “cặp bài trùng” trích dẫn ở trên, mới như thế. Bần đạo không là nghệ sĩ. Cũng chẳng là thi nhân. Nhưng, bần đạo cũng có những kinh nghiệm và cảm nhận về buổi chiều. Về say. Như ở trên.
Như trên, là vì trong một tuần, mà bần đạo có được diễm phúc nhận đến hai ý kiến phản hồi của hai người bạn khác nhau. Bạn đọc. Bạn nghe đọc bài viết, nhưng chưa một lần gặp mặt. Bần đạo chỉ biết tên hai vị, qua thư từ. Một vị mang họ Võ, ở đâu đó. Bên quê nhà. Còn vị kia, họ Việt, tên thánh rất Tây. Ở trời Tây. Vị họ Võ, viết cho bần đạo ngắn gọn như thế này:
“Thầy Mười Hai viết rất hay. Tôi tuy không phải là người có đạo, nhưng rất thích những lời thầy viết. Và, rất thích nghe những bài phiếm “đạo đời” của thầy. Nghe vừa thấy vui, vừa thấm thía cuộc đời. Rất mong thầy tiếp tục viết phiếm nhiều nữa, để tôi có thêm nhiều dịp thưởng thức, học hỏi.” (trích thư điện của một bạn chưa quen biết, đã có thư)
Còn, bạn đọc họ Nguyễn cũng viết cho bần đạo. Không trực tiếp. Nhưng, qua người bạn cùng lớp. Cùng trường. Rất thân thương. Như sau:
“Xin cảm ơn anh chị Mai Tá thật nhiều, vì anh đã cho Anna nhớ lại rất nhiều kỷ niệm hơn 40 năm về trước, Anna sống lại những kỷ niệm thật đẹp và quý yêu của ngày xưa. Qua những bài thơ. Qua những tên tuổi mà anh nhắc tới (như Gs Nguyễn Ngọc Lan). Anna đọc thấy vui và hấp dẫn. Cứ muốn đọc cho hết để biết là anh muốn nói gì. Tuy có chỗ phải suy nghĩ một chút, nên cũng hơi mệt cái đầu! Khi Anna đọc tới bài “Vì tôi là linh mục”, thật sự Anna rất cảm động, vì thuở ấy Anna rất quý mến chiếc áo chùng thâm của các cha Dòng Chúa Cứu Thế…!
Anna nhớ các vị như: cha Roy người Canada, là người có trách nhiệm cho Anna, khi Anna ở nội trú Couvent de Oiseaux, cha Bùi Quang Diệm, giáo sư triết của Anna. Cha Nguyễn Quang Kiêm, cậu của Anna, người Huế. Gs Nguyễn Ngọc Lan, thầy của Anna, cha Nguyễn Văn Sơn, thầy Tiến Lộc, thầy Cao Đăng Minh… và nhiều thầy khác trong ban Allêluia-Ca Vào Đời, thời 1968.
10 năm vừa qua, Anna có dịp trở lại Việt Nam để cố “đi tìm” nhưng rất tiếc, không gặp một ai. Chỉ nhớ là các cha Dòng Chúa Cứu Thế và các thầy ở Đà Lạt hồi đó có nói: “Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba là “lũ quái” “Couvent des Oiseaux”. Thật sự trong đám quái này cũng có Anna, rất hay phá các cha Dòng và các Thầy. Nhưng tuy có phá có phách, vẫn quí yêu chiếc áo Dòng đen và yêu luôn các ngài.
Anna về Việt
Anna xin anh chị tha lỗi và cảm thông cho, vì Anna cũng ngu si lắm nếu có gì không phải xin anh chị thứ lỗi cho nhé. Vài lời kính thăm và cảm ơn anh chị thật nhiều vì đã cho Anna đọc những bài do anh chị viết. Anna thấy mình chịu đọc nên hiểu tiếng Việt dễ dàng hơn. Và cũng hiểu về Chúa nhiều hơn.
Mặc dầu Anna chưa được gặp anh chị, nhưng cũng cảm thấy như đã quen thân lắm rồi. Theo Anna nghĩ: mình sống chân thật, thì có xa cũng như là gần; và tuy không biết nhau thì đọc bài anh chị viết cũng như đã biết rồi.”
Cũng tuần này, bần đạo bất chợt gặp được một tư tưởng của nghệ sĩ khá lớn, cũng có những lời trần tình trên tập nhạc mang tựa đề “Trên Ngọn Tình Sầu”, có lời quý hoá như sau:
“Tôi nhớ, tình cờ đọc ở đâu đó, có một câu của nhạc sĩ Phạm Duy, in trang trọng trên trang đầu tuyển tập nhạc tình của anh, đại ý tỏ dấu tiếc đã không dành hết quãng đời viết nhạc của anh cho sự ngợi ca tình yêu.
Tôi thú vị lắm, phải nói thế, khi đọc lời tâm sự buồn bã nhưng thực chất của người làm nhạc lớp trước này. Vì tôi vẫn cho rằng nếu chim muông chỉ có một thời để ca hót, nếu cỏ cây chỉ có một thời để xanh tươi, thì chúng ta cũng chỉ có một đời để yêu và một đời để chết.
Tình yêu nói bằng cách nào đó, chính là khuôn mặt chập lại, sáng lên của sự sống và lẽ chết.” (x. Từ Công Phụng, sđd bìa tr. 4)
Hôm nay, bần đạo trích dẫn lời lẽ trên, chỉ để nói leo và nói theo bạn bè gần/xa. Trong/ngoài nhà. Về cái tật và bệnh của bần đạo, từng mắc phải. Cái tật cố hữu mà bần đạo cố lắm nhưng chưa chừa, chỉ hay lẻo đẽo nói theo rồi thêm thắt. Thêm cả những từ ngữ, lẫn ý tứ. Để cho vui. Những từ ngữ và ý tứ, như lời lẽ của Đức Cha rất thánh khi ngài tuyên bố “Thiên Chúa là Tình yêu”, thì bần đạo cứ nói theo và nói thêm đôi ý, mà rằng: Tình yêu thật ra không là Thiên Chúa. Nhưng tình yêu đưa ta về với Thiên Chúa. Là, thánh nhân. Cũng rất gần. Đấy thôi.
Vậy hôm nay, xin phép bạn/xin phép tôi, cứ cho bần đạo tiếp tục thực hiện cái-gọi-là một thời để phiếm và phiếm. Bần đạo hứa, sẽ không phiếm bạo hoặc phiếm loạn, về nhiều đề tài rất cao siêu. Mà, chỉ phiếm lai rai. Phiếm đường dài, về chữ Đạo. Và chữ “yêu”. Mà thôi.
Xin rồi, nay ta phiếm. Rất như sau.
“Một chiều bên nhau
một chiều vui sống quên phút tang bồng.
Anh ơi nhớ chăng xa anh em hát
khúc ca nhớ mong.” (Dương Thiệu Tước/Minh Trang –bđd)
Xem như thế, thì người trong/ngoài nhà Đạo hễ có cơ hội là những nhớ và mong. Mong và nhớ, những chiều bên nhau. Ở đâu đó. Trong/ngoài nhà thờ. Đọc cho nhau nghe, những giòng chảy vui sống. Những sống vui, phút tang bồng.
Còn nhớ: có lần bần đạo đọc được tư tưởng của một tác giả trên mạng mang tên là John Powell, khi ông nói: “Đời người, vẫn thấy tiềm ẩn hai bi kịch của cuộc sống. Đó là: sống mà không biết yêu. Và: yêu mà chẳng biết nói lên rằng mình đang yêu và đang nhớ.” (Ronald Rolheiser, Living in the face of Mortality,
Nếu diễn rộng, thì từ ngữ I-ê-u “yêu” có thể vẫn đính kèm chữ “thích”. Thích nghe. Thích đọc. Thích giữ lại những tình tự thân thương, mình vẫn yêu. Tuy nhiên, cả chữ “yêu” và “thích” vẫn luôn mỏng dòn. Dễ cạn và dễ mất. Cạn và mất, cả những tình tự “ái ân”, “say sưa”. Thời xưa, để rồi nay cứ hát những tâm tình u buồn, mất mát. Mất, vì lơ là, nên gió cuốn. Như lời nghệ sĩ viết tiếp:
“Một chiều gió mưa,
Em về thăm chốn xưa.
Non nước u buồn, nào đâu bóng cố nhân
lòng xót xa tình xưa.” (Dương Thiệu Tước/Mình Trang-bđd)
Với nhà Đạo, cũng thế. Có những thiếu sót, mất mát. Không thể tìm gặp lại. Dù, tình xưa. người xưa. Xót xa và mất mát, là bởi đời mình chỉ là chuỗi dài trạng huống rất mỏng dòn. Dễ tang thương. Bất ổn. Gây thương tổn. Có khi còn biến dạng. Chết chóc. Rất đáng khóc.
Với nhà Đạo, còn hơn thế. Hơn, là bởi: người nhà Đạo vẫn sống và vẫn biết. Sống, theo kinh nghiệm. Có đủ “Hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục”, rất thất tình. Nhà Đạo vẫn biết đời người là thế. Và hơn thế. Như và hơn, là bởi người nhà Đạo vẫn được nghe biết những Lời vàng, như sau:
“Anh em đừng xao xuyến!
Hãy tin vào Thiên Chúa
và tin vào Thầy.”
(Ga 14: 1)
Nói của đáng, có “tin vào Thầy” mình, người người mới có được cuộc sống rất phải. Lại rất biết. Biết rằng mình đã sống rất mực. Sống, không sợ sệt. Sống, không ngại ngần những khổ đau. Âu sầu. Mất mát. Dù, mất đó có là mất đi một mối tình. Dù, sầu đây có là sầu buồn vì mình còn yếu kém. Không đạt được cả đến những gì là tối thiểu. Cuộc đời người.
Tin vào Thầy, đâu chỉ là tin như Tin Kính, mỗi đọc kinh. Tin vào Thầy, đâu là tối ngày lo lễ lạy với chầu lượt. Chẳng lý gì đến cuộc tình của người mình. Nhà mình. Rất khiếp kinh. Tin vào Thầy, cũng chẳng là tin rồi lại không tin, như xem xiếc. Những ảo thuật. Lúc thì tin, Chúa có mặt ở Nhà Tạm. Nơi Mình Thánh. Chứ không tin, Chúa đang ở với nghèo hèn. Người rất nghèo. Rất hèn kém. Đang “ăn xin”, ngoài đường. Đang bán vé số. Đang bị hất hủi, vì phân rẽ. Bè phái. Rất hãi kinh. Cho đời mình.
Tin vào Thầy mình, là tin rằng vẫn có Thầy, nơi người tớ. Ở bên cạnh. Ngay sát nách. Mà chẳng biết. Tin vào Thầy mình, là tin rằng Thầy chính là Tình yêu của hai người. Của nhiều người. Đối với mình. Với nhau. Ở đâu đó. Nơi xó xỉnh. Chứ đâu nào, ở nơi xa. Chốn tháp ngà. Cung điện La Mã. Rất Rôma. Chốn cao sang. Quyền quý. Đáng kính sợ.
Tin vào Thầy mình, là tin rằng ở đời này vẫn còn có người rất buồn sầu khổ đau. Nhưng, vẫn sống. Sống, để chứng minh rằng: Lời Thầy nói đúng. Mà lắm người chẳng chịu nghe. Lời Thầy nói khi xưa. Ở Lời Chúa. Tin vào Thầy, là tin rằng khi xưa Thầy từng nói:
“Thầy bảo thật anh em,
ai tin vào Thầy,
thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm.
Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa.”
(Ga 14: 12)
Hôm nay đây, Lời Thầy áp dụng cả vào những lời rất Đạo, nhưng vẫn lạo xạo trong đời. Ở thơ văn. Ở âm nhạc. Như lời nhạc, ta trích dẫn. Chỉ để nghe:
“Lâng lâng chiều mơ,
một chiều bâng khuâng đâu Nguồn Thơ.
Mây vương sầu lan
Gió ơi đưa hồn về làng cũ
nhắn thầm lời nguyện ước trong chiều xưa.”
(Dương Thiệu Tước & Minh Trang – bđd)
Nguyện, là nguyện cầu buổi chiều xưa, khi Thầy bảo:
“Ngày đó, anh em sẽ biết rằng
Thầy ở trong Cha Thầy,
anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.”
(Ga 14: 20)
Xem như thế, Tin vào Thầy, là tin rằng Thầy đang ở trong ta. Ở lời thơ ý nhạc, rất người đời. Thầy còn ở, cả nơi truyện kể trong đời vẫn lẫn lộn những chuyện đáng nên tin, mà lại không tin. Hoặc, những chuyện không nên tin, mà lại đáng tin, như truyện kể hơi dài, lại ở dưới:
“Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử.
Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.
May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.
Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi - một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất - phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.
Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.
Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …
Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”
Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …
Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.
Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …
Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?
Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa:
-Dạ thưa thầy, nên ạ!”
Khổng Tử lại nói:
-Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?
Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa:
-Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.
Khổng Tử hỏi:
-Tại sao?
Nhan Hồi thưa:
-Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên trần nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình chung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …
Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không tin là đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”
Khổng Tử là bậc thánh hiền, thấy “sự việc đành rành” như thế, mà cũng không tin. Không tin và không hiểu, theo kiểu “sự thật”, đến như vậy. Thì, sá gì những người bình thường và tầm thường, như tôi, như bạn. Như chúng ta.
Để kết hậu, xin mượn lời của bạn bè, ai đó, có những câu nói “rất để đời”, như sau:
“Cuộc đời nào cũng ngắn ngủi. Bởi thế nên, cứ bỏ đi cái “vị kỷ” khá ly kỳ. Ngạo mạn. Hãy mau mắn, mà thứ tha. Hãy cứ tà tà, chầm chậm mà tín thác-yêu thương. Tin từ từ. Nhưng, yêu thật sự. Cứ cười lên thật to. Rồi hãy nhớ: đừng bao giờ lbỏ qua những cơ hội làm mình mỉm cười, rất đáng yêu. Rồi, cũng nên tâm niệm một điều: sáng sáng thức dậy, hãy cứ hỏi: có chăng hôm nay, bí kíp gì tạo thành công, trong cuộc đời. Vào lúc này? Và đây, là câu trả lời, ở chung quanh:
Chiếc quạt trên trần nhà, bảo: hãy trở nên tươi mát, sẽ dễ chịu.
Mái ngói căn nhà lại cứ nói: hãy đặt tầm nhìn mãi trên cao, cao hơn nữa.
Cửa sổ nhỏ, lại bảo khác: cứ đưa mắt nhìn đời, sẽ thấy mới.
Đồng hồ treo tường, chậm rãi nói: Mỗi giây mỗi phút, đều cực quí.
Gương soi, lại bảo: Cứ cân nhắc mà xem, trước khi làm.
Tấm lịch ngày, thì nói khác: Luôn phải nhớ cập nhật hoá, mới đúng cách. Mà sống sót.
Cánh cửa, lại khuyên khác: Cứ đẩy mạnh mọi tiến trình, sẽ đạt mục đích!
Lời khuyên thường như thế, tin hay không tin, là chuyện của mỗi người, mỗi thời. Suốt cuộc đời. Một đời người, còn có những đề nghị rất ngắn gọn, của người viết, nào đó, chẳng phải tôi:
“Hãy mang theo Con Tim, chưa từng biết hờn giận, và ghét ghen.
Hãy nhoẻn một nụ cười, không bao giờ tắt trên môi.
Hãy sờ chạm mọi thứ, cả đến sự thật. Nhưng tình thật, đừng làm ai đau đớn.”
Thế đó là vấn đề. Của tôi và của bạn. Rất hôm nay. Thời gian là của bạn. Quyết định là của tôi. Những tôi và bạn, vẫn cứ bên nhau mà dựa dẫm. Suốt đời. Ở mọi thời.
Trần Ngọc Mười Hai
vẫn cứ tin rằng
mọi sự thật được phơi bầy
trên mái nhà
để ta yêu.
(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;
hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com