Sunday, 27 September 2009

“Chiều hôm qua lang thang trên đường”

Nhớ, nhớ buồn buồn với chán chường Chiều hôm nay trời nhiều mây vương Có mùa Thu Vàng bao nhiêu là hương.

(Cung Tiến – Thu Vàng)

(Mt 6: 33)

Nhớ, nhớ buồn. Buồn với chán chường. Đó vẫn là mối sầu không tên, của nhiều người. Cả người ở huyện nhà Đạo, rất thân thương. Chí ít, là bầy trẻ nhỏ. Ở hải ngoại. Bầy trẻ này, vừa về quê thăm ông/bà nội/ngoại, mới dăm ngày, đã tán thán: “Mẹ ơi, sao con thấy ở đây chán quá à! Đi đâu không đi, tối ngày cứ bắt con đi nhà thờ hoài. Lại còn đọc kinh nữa. Chán lắm rồi, mẹ.”

Nghe trẻ bảo, cha mẹ nào mà chẳng chột dạ. Thì ra là thế. Lâu nay là bậc mẹ cha, mình cứ bắt các con đọc kinh theo kiểu người lớn, đâu biết bọn chúng nay đà thấy chán. Sáng thức dậy, mẹ đã giục: “Đọc kinh dâng ngày cho Chúa, đi con”. Chợt đến trưa, mẹ cũng nhắc: “Hay là, mẹ con mình đọc ba kinh, nguyện cầu Chúa chúc lành cho của ăn ta nhận lãnh, nhé con”. Mãi về chiều, mẹ lại bảo: “Con à, mình đọc kinh dọn mình chết lành, đi con...

Ngồi lặng im một mình, nhiều lúc bần đạo cũng nghĩ: nếu ta thay đổi lời kinh câu hát cho uyển chuyển đôi chút, chắc con cháu trong nhà, sẽ không còn kêu ca. Vì quá chán? Còn nhớ, có lần bần đạo đến nhà bạn bè, gặp bữa ăn, thấy vợ chồng khuyên con, lập lại lời cầu kinh, trước bữa ăn, vỏn vẹn chỉ thế này:

“Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa đã cho con có được mẹ cha rất hiền lành. Con cảm ơn Chúa đã sinh ra mẹ ra cha, để mẹ còn dọn bữa cho con. Con cảm tạ Chúa đã cho Chúa Giêsu xuống thế, chịu chết vì chúng con. Con cầu xin Chúa, cho ngày mai sẽ còn vui hơn hôm nay. Chúng con cầu cùng Chúa, nhân danh Chúa Giêsu, Chúa của con.”

Lời kinh hay như thế, sao vẫn chán? Chán đến độ, có cháu nhỏ người bạn khác ở nước ngoài, chạy đến với mẹ hiền tỏ bày ý kiến rất nhẹ nhàng, và buồn rầu như sau:

-Mẹ ơi, tối nay con không muốn đọc kinh chút nào hết đó, mẹ!

-Sao thế? Có chuyện gì làm con không bằng lòng thế?

-Chẳng có gì cả, mẹ à. Chỉ là, con thấy mình đọc kinh gì mà sao cứ lập lại hoài một câu như nhau. Nghe buồn chán lắm, cơ mẹ ạ. Sao mình không đọc kinh gì vui vui một chút có hơn không?

Ngày xưa, khi các cụ nhà mình nghe ai đó lập đi lập lại mỗi một chuyện xưa như trái đất, bèn “kê ngay tủ đứng” chặn họng, rồi bảo:“Biết rồi, khổ lắm nói mãi!” Vâng, quả đúng là như thế. Vấn đề, là: có nhiều điều Chúa Mẹ đều biết cả, mà sao ta cứ xin hoài, không biết chán?

Quả tình thời nay, ở ngoài đời, thiên hạ có quá nhiều thứ hấp dẫn, cứ lôi cứ cuốn con em/đàn trẻ nhỏ chạy ra ngoài mà vui chơi. Chúng nào có thích ru rú ở nhà, để nghe người lớn hết đọc kinh, rồi lần hạt. Bởi thế nên, hôm nay ta thử mạn phiếm về chuyện: làm thế nào để khuyến khích bọn trẻ nhỏ, bỏ giờ ra mà học hỏi, chuyện Đạo. Học sống cuộc đời đi Đạo. Kẻo đã quá muộn.

Và một ý tưởng khác cũng nên bàn, là: trường lớp công/tư hôm nay, có giúp chho đàn trẻ vui vẻ học Đạo? Giáo lý, kinh bổn hôm nay, có là “bổn cũ soạn lại” thời cụ cố Đắc Lộ đề xướng nay có còn hấp dẫn giới trẻ, nữa hay không?…

Mới đây, vấn đề này lại được đặt ra với một số ít dân lành nhà Đạo, ở “miệt dưới” Sydney như tay viết Michael McVeigh có đôi giòng nhận xét, như sau:

“Cách đây 22 năm, khi Sư huynh Kelvin Canavan, Dòng thánh Patrick khởi đầu sự nghiệp giảng dạy của ông, lúc ấy các trường Công giáo ở Úc chỉ gồm toàn nhân viên/giáo chức vốn là nam nữ tu sĩ. Trường ở đây, không nhận được khoản trợ cấp nào từ phiá chính quyền. Thoạt kỳ thuỷ, trường nào thuộc cộng đồng giáo xứ đều đã tập hợp nhau lại vào ngày của Chúa, để dự thánh lễ, để suy tư. Và học hỏi.

Hôm nay, trường Công giáo lại đã nảy sinh một loại hình, khác hẳn. Nhiều gia đình, nay đã nối kết với Hội thánh, nhờ hệ thống giáo dục của Đạo. Bình luận về hệ thống giáo dục này, Sư huynh Canavan, đã có nhận xét, như sau: ‘40 năm trước, chúng ta đâu có hệ thống giáo dục Công giáo tốt đẹp như bây giờ. Mỗi trường tự gây quỹ, tự xây dựng đường hướng giáo dục, cho riêng mình...(Michael McVeigh, Telling the Chirstian Story, Australian Catholics Winter 2009, t.14)

Về kinh sách, tách bạch chuyện thường huấn, hẳn ai cũng nhớ lời các cụ xưa, ưa bảo: “Vô tri bất mộ”. Tức, đã không biết gì, thì làm sao nói được là thích thú. Thành thử, ở đâu/bao giờ cũng thế, có thích và có thú, mới thấy việc mình làm, không nhạt và chán. Nhạt, như nước ốc. Chán, như cơm nếp nát.

Nhằm “chuyên trị” nồi nước ốc nhạt nhẽo và bát cơm nếp nát nói ở trên, Hội thánh ở Úc đã có quyết định đưa vào chương trình giảng dạy, một môn dành cho các em ở năm cuối tiểu học, được thấm nhuần giáo lý căn bản, có thi đấu, trắc nghiệm. Giờ đây, mời bạn/mời tôi, ta thử nghe lời bàn và thuật của sư huynh Kelvin Canavan, rất lão làng trong ngành dạy Đạo, như sau:

“Cách đây 10 năm, giáo phận Sydney đưa vào thực hiện, việc kiểm nghiệm lòng tin của con trẻ. Đây là chương trình kiểm tra kiến thức lòng Đạo, cho các em lớp 6, ở tiểu học. Kiểm tra lòng Đạo, để tìm cách cải tiến. Kiểm để xem nhà trường hoặc lớp có dạy cho con em mình cách thức học hỏi về tín ngưỡng - lòng đạo, hay không.

Tôi rất mừng khi nhận ra rằng: trong suốt 15 năm vừa qua, thày cô ở trường đã chấp thuận đưa chương trình giáo dục lòng đạo, vào với giáo án để dạy. Tuyệt vời nhất, là: cho đến nay, đấng bậc giáo chức vẫn giữ nguyên một quyết tâm làm việc này một cách rất có hiệu quả.” (x.Michal McVeigh, bđd)

Vấn đề cần thêm ở đây, là: làm sao để thày cô/nhà giáo của Đạo mình làm được những việc khô khan/cứng ngắc như thế, mà không chán? Các vị có sợ bị “đụng hàng” với hệ thống công lập/ngoài đời, không? Các vị có được sự hỗ trợ của nào ai khác, không? Đây, ta thử nghe thêm một ý kiến nữa:

“Chúng tôi rất hài lòng về phương cách mà cho đến nay nhà trường vẫn thực hiện. Vẫn nối liền niềm tin vào với văn hoá bình thường. Nối liền, qua chương trình công lý/xã hội. Nối liền, bằng tập hợp mọi người đến với nhau, mà tổ chức các buổi lễ, các sự kiện lớn. Có ý nghĩa.

Mặt khác, sư huynh Kelvin Canavan Cfc, cũng có nói: ông rất hài lòng về dự án này. Dự án, để đưa giá trị ngàn năm của Đạo đi sâu đi sát vào với khía cạnh của cuộc sống, ở nhà trường. Dự án, không chỉ mỗi công nhận rằng: hệ thống giáo dục của Đạo, nhằm vào thực hiện nhiều việc, hơn là chỉ giảng dạy mỗi ngày chừng nửa tiếng về tu đức, mà thôi. Tuyệt vời nhất, là việc chúng ta còn được dạy cả văn hoá ở trường, nữa.” (x.Michal McVeigh, bđd, t.15)

Không những thế, sư huynh Kelvin Canavan cfc, còn “bật mí” một số chuyện rất thực, như:

“Thật sự mà nói, tôi thấy mừng là vì Hội thánh ngày hôm nay đã có khả năng đưa viễn cảnh của Đạo vào với giáo án của nhà trường. Chúng ta hỗ trợ nhà trường được nhiều cơ hội thuận tiện, để mừng kính các lễ lớn, và/hoặc những sự kiện/biến cố đại loại như thế. Ví dụ như, thày cô ở trường lo mỗi việc: dạy căn bản về kinh tế pháp luật, sử ký địa dư, hoặc Anh ngữ/khoa học vv. Còn lại, phần chúng tôi, chúng tôi cung cấp cho họ tài nguyên/vật liệu, tạo điều kiện cho họ dạy môn ấy, theo viễn ảnh Công giáo.” (x.bđd, t.15)

Bạn bè người thân ở nhà, đọc đến đây hẳn sẽ thấy có nhiều điều xem ra hơi lạ. Lạ, ở chỗ: sống với đời, người người vẫn nghe người nghệ sĩ xưa nay, vẫn hát:

“Một mình đi lang thang trên đường

Buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng

Lòng xa xôi và sầu mênh mông.

Có nghe lá vàng não nề rơi không.” (Cung Tiến – bđd)

Thật ra, đời có xót xa/não nề, không phải vì kiếp người đoạ đày. Mà vì, lắm khi ta cứ nghĩ mình không làm nổi. Dù, vẫn có khả năng và tài cáng. Dù, người đời vẫn theo kiểu sống thường ngày ở huyện. Quên cả chuyện Đạo.

Xót xa/não nề, không chỉ do việc giáo dục lòng Đạo cho trẻ nhỏ, nay lơ là. Và, thiếu sót. Nhưng vì, người người nay mất đi niềm hứng khởi, trong học hỏi. Học về Đạo. Hơn là, học chuyện đời. Nói khác đi, trọng tâm cuộc sống của nhiều người, nay chỉ nhắm những chuyện thường ngày, ở đời mà thôi. Chứ, không là chuyện Đạo.

Chẳng thế mà, người nghệ sĩ khi xưa, lại tiếp tục:

“Mùa Thu vàng tới là mùa lá vàng rơi

Và lá vàng rơi, khi tình Thu vừa khơi

Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi

Nghe chừng đâu đây màu tê tái.” (Cung Tiến – bđd)

Chẳng thế mà, về những xót xa/não nề chuyện đời/chuyện Đạo, có đấng bậc nhà giáo thuộc lĩnh vực Đạo, đã ưu tư nhiều về học hỏi chuyện Đạo, bèn đề ra một số câu gợi ý chỉ để hầu chuyện người đọc. Để, mỗi người tự đặt cho chính mình. Trong các câu hỏi xếp hàng chờ lời đáp, có những câu được tóm gọn như sau:

1. Đâu là phương cách hữu hiệu để bạn và tôi, ta học cách làm người Công Giáo, rất thực?

2. Trau dồi lòng Đạo, bạn và tôi có cho rằng đàm đạo/chuyện vãn cũng khá cần cho lòng tin?

3. Hội thánh tiên khởi làm những gì để biết chắc là mọi người thực sự tin vào Đức Kitô?

4. Có cần chăng, những bàn bạc/luận thảo về ý nghĩa làm người Công giáo?

5. Bản thân ta, có những thắc mắc hệt thế không? Nếu có, kết quả ra sao?

6. Vai trò của đấng bậc/nhà giáo trong giảng dạy chuyện Đạo, đạt đến đâu? vv và vv..

Với các đấng bậc vị vọng, thì chỉ hỏi han như trên. Thế còn, bọn con trẻ, nay thì sao? Để minh hoạ cho câu trả lời của trẻ nhỏ, và cũng để vấn đề đặt ra được nhẹ nhàng, thư giãn, mời bạn mời tôi, ta nghe thử câu truyện kể, rất dễ gặp ở đâu đó:

“Hôm ấy, sau một ngày làm lụng khá vất vả và căng thẳng, vì đụng phải nhiều vấn đề hóc búa với đồng nghiệp và đối tác, ông bố về nhà đã trễ lại còn được cậu con 8 tuổi chờ sẵn ở cửa, thấy mặt bố, đã hỏi ngay:

-Con có thể hỏi một câu ngắn, được không bố?

-Có chứ. Lúc nào bố cũng sẵn sàng, mà con.

-Con chỉ hỏi: làm việc như bố, kiếm được bao nhiêu tiền một giờ?

-Chuyện này của người lớn, con hỏi để làm gì? Bố đang mệt, đừng để bố nổi cáu…

-Con chỉ muốn biết, có vậy thôi. Mỗi giờ bố kiếm được bao nhiêu?

-Nếu là chuyện con cần để trình với thày cô, thì bố bật mí cho con biết: bố làm $50/giờ

-Vậy, bố có thể cho con mượn chừng $25 tiền của bố, được không?

Ông bố mới vừa nghe như thế, đã đổ quạu:

-Nếu con chỉ hỏi mượn số tiền ấy để mua đồ chơi hoặc làm những chuyện vô bổ, thì tức khắc, hãy vào phòng riêng, tắt đèn mà đi ngủ. Đừng có mà trông mong gì bố hết. Hãy suy nghĩ. Đừng kiếm cớ để chạy tội ích kỷ, chỉ lo chơi, mua bán những đồ vố ích. Bố làm việc quần quật mỗi ngày, đâu để con phung phí, vào những chuyện như thế…

Ông con lẳng lặng bước vào phòng, vội đóng cửa. Rất nhẹ. Sợ bố tiếp tục nổi nóng. Trong khi đó, ông bố suy nghĩ: bằng ấy tuổi đầu, sao con mình lại hư như thế?.. Một lúc lâu, thấy hạ hoả, ông nghĩ lại: Hay, con mình có lý do của nó nên mới hỏi mượn tiền. Có thể nó cần mua thứ gì đó, chẳng phải đồ chơi. Nghĩ thế rồi, ông vào phòng con nhỏ, hé cửa hỏi:

-Con vẫn còn thức chứ?

-Con vẫn không tài nào ngủ được…

-Bố nghĩ lại, thấy hơi quá đáng đối với con chăng.Có lẽ tại hôm nay bố gặp nhiều chuyện trong sở, nên mới đổ xuống hết trên đầu của con. Thôi đây, con cầm đỡ $25 đô này đi. Mai mốt cần gì, cho bố biết nhé…

-Cảm ơn bố. Con chẳng cần gì thêm đâu. Chỉ là, con mới chỉ kiếm đủ có $25 đô thôi. Nay, con đã có đủ $50 đô đưa cho bố đây. Xin bố dành cho con một giờ, ăn cơm tối với con, nhé.

Nghe con nói, ông bố khuỵu người xuống. Ôm con, khóc nức nở. Khóc, là vì ông không rõ, con mình học được điều đó ở đâu. Trường lớp hay nhà thờ? Mà, lại dạy cho con của ông những bài học về “đạo làm cha” còn hay hơn cả, nhiều bài học quý giá, ở đời.

Về học hỏi những chuyện “đạo làm người” trong đời, không chỉ mỗi trường lớp hôm nay, mới đặt ra. Hình như, cả thời xa xưa cổ lỗ, người ta cũng từng đặt vấn đề, ra như thế. Để, đến hôm nay, ngồi nhớ lại người xưa cũng có những thắc mắc rất “căng” như bây giờ. Những thắc mắc và nhận định, đại loại như:

“Tôi thấy, không có hy vọng gì cho tương lai của con trẻ. Bởi, bọn trẻ bây giờ vẫn hay tuỳ thuộc vào những điều phù phiếm/lông bông của trẻ con. Bởi, chắc chắn một điều là giới trẻ ngày nay hay khinh suất, quá lời… lúc tôi còn trẻ, tôi vẫn được dạy là mình phải thận trọng, biết kính trên nhường dưới. Nhưng tuổi trẻ ngày nay lại cứ thích vượt phóng chuyện cẩn trọng, dè dặt. Và, cũng chẳng còn kiên nhẫn nữa.” (Hesiod, 700 trước công nguyên)

Hoặc, một nhận định khác của đấng bậc nổi tiếng khôn ngoan, hiền triết:

“Bọn trẻ ngày nay chỉ ưa những gì hào nhoáng, xa hoa. Chẳng lý gì chuyện kính trọng người cao niên, già cả. Chỉ thích nói nhăng nói cuội, ở mọi nơi. Cả nơi trang nghiêm, cần học hỏi. Lớp trẻ hôm nay đã trở thành bạo chúa, bắt mọi người phục vụ mình, chứ không còn phục vụ người lớn trong nhà nữa. Chẳng ai biết đứng dậy chào đón khi người lớn bước vào phòng. Ngày nay, lúc nào bọn chúng cũng ra như muốn cãi lời cha mẹ. Cứ huyên thuyên luôn mồm trước mặt khách khứa. Ăn uống thì ngồm ngoàm, ngấu nghiến. Đứng ngồi, chẳng giống ai, cứ bắt tréo chân cẳng hoặc giạng háng, gác lên bàn, rất khó coi. Đôi khi còn hung tàn bạo ngược với thày cô, nữa. (Triết gia Socrates, 469-399 trước công nguyên)

Và, một nhận định của triết gia khác:

“Tuổi trẻ ư? Là, đám người hoang tàng khi hưởng thụ. Đôi lúc, rất bất kham. Cần có giây cương, để thắng giữ.” (Triết gia Plutarch 46-120 niên lịch La Mã)

Nói tóm lại, là con trẻ, thiết tưởng lúc nào cũng cần học. Cần hỏi. Học chuyện Đạo, hỏi chuyện đời. Những chuyện dù rất chán, vẫn cứ nhịn. Cứ cố làm cho vui. Vui, như người nghệ sĩ trẻ khác:

“Hãy vui lên bạn ơi!

Ngày mai lắm khi không còn gì để cười

Tương lai biết đâu chỉ là thương nhớ thôi

Dù sao hãy cười bạn ơi!” (Lê Hự hà – Hãy Vui Lên Bạn Ơi!)

Lời cuối cùng, có lẽ cũng nên quay về với cội nguồn của tình thương yêu, không biết chán chường. Yêu, vào mọi lúc. Vui, vào mọi thời, như sau:

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa

và đức công chính của Người,

còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.

(Mt 6: 33)

Lời trích đây, là lời vàng ta nghe nhiều năm tháng. Nhưng đã mấy ai chịu để giờ ra mà nghiên cứu. Và học hỏi. Học và hỏi, những chuyện xưa như trái đất. Vẫn không chán. Có chán chăng, chỉ vì lòng mình trĩu nặng những chuyện lăng nhăng. Vô bổ. Của mọi thời. Mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ mong

học được nhiều điều.

Sẽ không chán,

như dự đón.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com ;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com

Sunday, 20 September 2009

“Ngọc Lan, giòng suối tơ vương”

mắt thu hồ dịu ánh vàng.

(Dương thiệu Tước – Ngọc Lan)

(Mc 9: 35)

Nếu ta gọi, các đấng bậc ở trên cao, bằng tên hoa Ngọc Lan, như thế có quá quắt chăng? Bởi, Ngọc Lan là loài hoa thơm ngát. Suối tơ vương. Mắt hồ thu. Ánh dịu vàng. Trong khi đó, đấng bậc Đạo mình cứ lạnh lùng sương gió, dù có mặc áo tím áo đỏ, khí thế. Hào hùng. Oai nghi.

Gọi gì đi nữa, Ngọc Lan hay tím/đỏ đấng rất hiền, ta cứ hát:

“Ngọc Lan, nhành liễu nghiêng nghiêng

tà mấy cánh phong, nắng thơm ngoài song.” (Dương Thiệu Tước – Ngọc Lan)

Ca từ, của người nghệ sĩ thế kỷ trước, xem ra cũng thướt tha. Dịu huyền. Dù, chỉ để hình dung nhân vật trọng yếu. Yêu thương. Cảm mến. Cũng và mến, như người nghệ sĩ hôm nay ở “Quán Nhạc Thiện Bản” đã trình bày có hơi khác. Khác, ca từ. Khác, phối khí. Khác, cả nhịp điệu. Nhưng tựu trung, cũng nói về đấng bậc hoặc phó thường dân nào đó, rất quyết tâm. Theo Ngài. Đến cùng:

“Chúa đã có rất nhiều người yêu mến Ngài

Chúa đã có rất nhiều người theo Ngài xin hạnh phúc.

Nhưng Chúa được có mấy người đem Lời Ngài tới muôn dân?

Nhưng Chúa được có mấy ngưới chia tình Ngài với tha nhân?”

(Bosco Thiện Bản – Chúa Đã Có Rất Nhiều Người)

Chỉ mới nghe, hẳn bạn và tôi, ta thấy: Ngọc Lan thơm ngát. Có, “nhành liễu nghiêng nghiêng”, cũng phần nào giông giống người công chính san sẻ tình Ngài với tha nhân. “Người thế đó”, khoác áo “chiến y”/“long bào”, mầu tím/đỏ, trắng đen, thì làm sao ta theo kịp. Được theo Ngài về muôn lối. Tới muôn dân. Vậy thì, mời bạn mời tôi, ta nghe tiếp:

“Chúa đã có rất nhiều người khen chúc Ngài,

Chúa đã có rất nhiều người theo Ngài lúc hạnh phúc

Nhưng Chúa được có mấy người tiếp nhận Ngài lúc bỏ rơi?

Nhưng Chúa được có mấy người giúp đỡ Ngài lúc tả tơi?” (Bosco Thiện Bản-bđd)

Tả tơi. Bỏ rơi, quả là, tình huống rất bình thường. Tình huống, người trong cuộc nhà Đạo, vẫn được nghe Lời Vàng, như hôm trước:

“Ai muốn làm người đứng đầu,

thì phải làm người rốt hết,

và làm người phục vụ mọi người."

(Mc 9: 35)

Và, “người thế đó”, phải thế này:

"Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy,

là tiếp đón chính Thầy;

và ai tiếp đón Thầy,

thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."

(Mc 9: 36)

Đứng đầu. Kẻ rốt hết. Làm lớn. Người phục vụ. Ôi chao, là lời lẽ nghe quen quen, mọi buổi! Và tự hỏi, đã mấy người thấy quen quen, trên thực tế? Nếu chưa, có lẽ xin thêm một lần, hãy lắng nghe lời người trẻ vừa viết nhạc. Hôm nay. Những lời này:

“Con đây, tuy hèn mọn muốn yếu hèn

Con muốn trở thành cụ khí của Ngài.

Xin cho con trở thành đôi tay của Ngài

Xin cho con trở thành tiếng nói của Ngài

Xin cho con trở thành tình yêu của Ngài

Xin cho con trở thành bình an của Ngài.” (Bosco Thiện Bản – bđd)

Trở thành khí cụ. Đôi tay. Tiếng nói và bình an. Và gì nữa? Thế đó, là tiếng/giọng quen quen ta vẫn thấy? Ở đời thường? Vẫn gặp, và cứ nghe “đôi điều”, còn phải hỏi. Như lời hỏi, của dân thường huyện Sydney ghi ở dưới:

“Tôi không quen lắm với những cụm từ hoặc danh xưng trong Đạo. Xin cho biết tước hiệu “Hồng y” có nghĩa gì? Có khác chăng, là những gì nghe được qua danh xưng khác như Giám mục, Tổng Giám mục? Xin dạy cho biết, giáo hội Công giáo Tin Lành/Anh giáo đã có tước hiệu và danh xưng này từ bao lâu? Xin được cảm kích biết ơn, nếu ngài dành một giải đáp.

Và đây là giải đáp. Ngay tức thì. Chẳng cần bạn có là người hỏi đã biết ơn, hay cảm kích. Vì, giải đáp cho một hay nhiều thắc mắc về danh xưng hay xưng danh, nhân vật nào, vẫn là “nghề của chàng”. Chàng trai ở huyện nhà Đạo, gọi là “đức thày” John Flader miệt ” Sydney, sau đây:

“Nói chung, và chỉ nói chung thôi, các vị Hồng y thường là Linh mục hoặc Giám mục, vai vế đứng thứ hai sau Đức Giáo Hoàng. Các ngài có vai trò phụ giúp Đức Giáo Hoàng trong việc quản cai Hội Thánh Chúa, khắp hoàn cầu. Các ngài có vai trò quan trọng khác trong việc bầu chọn Giáo Hoàng mới, khi đức đương kim Giáo Hoàng thoạt băng hà.

Dù các ngài không thuộc thành phần hiến pháp thánh thiêng của Giáo hội do Chúa lập, thì nguồn gốc của chức tước này đã có từ Hội thánh thời tiên khởi.

Từ thế kỷ đầu, Đức Giáo Hoàng Clêtô, hoặc Anaclêtô (76-88 sau công nguyên), tuân theo chỉ thị của thánh Phêrô, đã tấn phong cho 25 linh mục phụ giúp ngài ở khu vực Rôma, trong công tác mục vụ của giáo phận.

Thể kỳ sau đó, các ngài được bổ nhiệm vào chức vụ gọi là “tước hiệu của Giáo hội” được thiết lập theo danh tánh của các thánh. Và, các ngài có bổn phận giúp đỡ Đức Giáo Hoàng phụ trách phụng vụ tại Vương cung Thánh đường chính là thánh đường Gioan Latêrô, tức Nhà thờ chánh toà của Đức Giáo Hoàng, thánh Phêrô, Phaolô, Đức Bà Cả và nhà thờ thánh Laurenxô.

Cộng với các linh mục, có bẩy giám mục thuộc các giáo phận quanh Rôma, được coi là giáo phận vùng phụ cận, để giúp Đức Giáo Hoàng đặc trách phụng vụ tại Thánh Đường Latêrô cũng như giúp ý kiến về nhiều vấn đề khác.

Trong các văn kiện chính thức của toà thánh, lần đầu tiên tước hiệu “Hồng y” được nói đến là vào thế kỷ thứ 8, trong Liber Pontificalis (tức Chiếu Chỉ Giáo Hoàng) dưới triều Đức Stêphanô III (768-772). Theo tài liệu này, các giám mục thuộc giáo phận phụ cận được gọi là Hồng y Giám mục.

Vào cùng thời, Thượng Hội Đồng Rôma năm 769 quyết định là Đức Giáo Hoàng ở Lamã phải do các Phó tế và Linh mục hồng y có chức tước của Giáo hội bầu ra. Các Phó tế chính của Rôma lúc ấy được coi là Phó tế hồng y.

Bởi thế nên, ngay từ đầu, các Hồng y tập trung sống ở Rôma và công tác chính của các ngài là phụ giúp Đức Giáo Hoàng trong công việc có liên quan đến giáo phận Rôma. Mãi về sau, các ngài mới phụ Đức Giáo Hoàng trong những việc của Giáo hội khắp hoàn vũ.

Năm 1059, Đức Nicôla II ra chỉ thị quyết rằng chỉ mỗi các Giám mục hồng y mới có quyền bầu Giáo Hoàng, thôi.

Hồng Y Đoàn theo cung cách hiện tại, cùng các Giám mục hồng y, Linh mục mục hồng y và Phó tế hồng y do Đức Eugiênô III (1145-53), cùng Đức Giám Mục trưởng tràng của Ostia thành lập. Các Hồng y lúc ấy, được yêu cầu nên sống ở Rôma.

Từ thế kỷ 12 mãi về sau, các Hồng y mới được phép sống ở giáo phận riêng của mỗi vị. Và từ đó, các ngài được trao tước hiệu mục tử Giáo hội LaMã. Thói quen này được giữ mãi, đến ngày nay.

Ngày hôm nay, các Hồng y được đích danh bổ nhiệm khắp nơi trên hoàn vũ, là do Đức Giáo Hoàng đề bạt. Các ngài “phải trổi trang về tín lý, lòng đạo đức, sốt mến, có đức khôn ngoan” trong các vấn đề về thực tế. Vị nào chưa có chức Giám mục đều được Đức Giáo Hoàng phong cho chức thánh ấy.” (Giáo luật #351, @1)

Các Hồng Y lập thành Hồng y Đoàn, có vai trò trọng yếu là bầu Giáo Hoàng, ở Rôma. Các ngài phụ Đức Giáo Hoàng trong việc quản cai giáo hội hoàn vũ, qua tư cách tập thể của Hồng Y Đoàn. Khi các ngài được triệu tập theo điều gọi là Mật Hội Hồng Y để đảm trách các vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu, hoặc vấn đề cá nhân thuộc quyền của các ngài (x. Giáo luật #349)

Qua vai trò vừa kể, nhiều hồng y được đề bạt làm thành viên nhiều Thánh bộ, Hội đồng Toà thánh, và Uỷ ban khác nhau, thuộc giáo triều LaMã.

Theo truyền thống, các hồng y được bổ nhiệm từ phẩm trật phó tế, linh mục hoặc giám mục. Các vị được đề cử làm việc trong giáo triều LaMã, theo phẩm trật phó tế, linh mục có chức năng toàn cầu. Các Hồng y có chức Giám mục, đều được Đức Giáo Hoàng tấn phong tước hiệu và trách vụ làm việc tại sáu giáo phận, miền phụ cận. Các vị Thượng phụ thuộc Giáo hội Đông phương cũng được nâng lên hàng Hồng y. Chủ tịch Hồng Y Đoàn còn có thêm tước hiệu riêng vị Chủ Quản Giáo phận Ostia.

Hồng y nào là Giám mục giáo phận đều không có quyền nào khác đặc biệt hơn các giám mục địa phận. Các ngài có quyền chủ toạ khi các giám mục được mời đến dự hội nghị.

Một số các giám mục tại các nước có số giáo dân khá đông, theo truyền thống, sẽ được Đức Giáo Hoàng tấn phong làm Hồng y. Tỉ như, Đức Tổng Giám Mục Sydney, Wellington, Sàigòn, vv.

Tóm lại, “Chúa được có rất nhiều người”, Ngài có cả những nhân vật nổi danh, lanh chanh như truyện kể, của một vị quên đề tên, ở dưới. Như sau:

“Chuyện người hoạ sĩ vẽ bức tranh nổi tiếng hoàn cầu “Tiệc Ly”, có giai thoại rất ly kỳ:

Leonardo da Vinci tìm người mẫu để vẽ bức tranh này, rất công phu. Trong số hàng ngàn người, ông chỉ kiếm được có mỗi thanh niên 19 tuổi. Anh có gương mặt lành thánh, thanh trong, nên hoạ sĩ Da Vinci dùng anh để vẽ diện mạo Đức Giêsu. Ông làm việc suốt 6 tháng trời. Không mệt mỏi. Sau đó, ông lần lượt vẽ xong 11 tông đồ khác, không mấy khó khăn. Duy có Giuđa là kẻ bán Chúa, phải có khuôn mặt đạo đức, nhưng tráo trở, lừa lọc. Thật rất khó.

Một hôm ông được giới thiệu một người có đủ đức tính và nét vẻ, khả dĩ đáp ứng đưọc yêu cầu mà ông tìm kiếm bấy lâu. Ngặt một nỗi, người ấy là tay tội phạm tày trời, đang bị giam giữ trong tù, ở Rôma. Sau nhiều ngày ngoại giao khôn khéo, ông được phép cho gọi người ấy đến để hoàn tất bức tranh.

Ngày ngày, tay tội phạm ngồi đó trước mặt hoạ sĩ đại tài, cho ông vẽ. Thâm trầm. Bình tĩnh. Cho đến lúc, Leonardo Da Vinci mệt mỏi, nản lòng vì phải chứng kiến diện mạo hung ác trong quá trình dài dằng dặc bèn, cho anh về. Không vẽ nữa. Tay tội phạm, thấy thế bèn quỳ xuống dưới chân ông, mà xin:

-Thưa ngài Da Vinci, xin ngài tiếp tục vẽ như thế để con được ở đây lâu hơn, như lần trước. Ngài không nhận ra con sao?

-Quả thật tôi chưa từng vẽ cho ai có khuôn mặt xấu xa/hung bạo như anh. Anh là ai?

-Thưa, xin ngài nhìn cho kỹ. Con là người mà bảy năm trước, ngài chọn làm mẫu để vẽ dung mạo Đức Giêsu đó…”

Và lời bàn của người kể hay người dịch, nay thêm: “Chàng trai từng được chọn làm người mẫu để vẽ dung mạo Đức Giêsu, chỉ sau có hơn 2000 ngày, nay biến thành hình tượng của kẻ bội phản, gớm ghê nhất trong lịch sử. Tương lai con người, không ai định trước được. Chính ta là người quyết định cho số phận của mình.”

Nói cho cùng, ai được người viết nhạc kể trên gọi là “đấng bậc” hay “nhân vật”, nhân sĩ bậc vị vọng rất cao trọng hoặc chỉ là phó thường dân mà Chúa “đã có” và “được có”, cũng chỉ là những cánh tay nối dài, trên “con đường” rong ruổi. Truyền Đạo. Truyền, tinh thần sống Đạo rất âm thầm. Trầm tĩnh. An vui.

Lời cuối hôm nay, là lời cầu mong Chúa vẫn còn có những “nhân vật” rất hy sinh. Hiền hoà. Mê say. Và quyết tâm, như thế. Với chuyện chung. Chuyện, là chuyện của tôi. Của bạn. Của nhiều người. Ở huyện dân gian. Cõi đời này.

Trần Ngọc Mười Hai

cũng cầu và mong

nói được những lời như thế

với chính tôi.

Với bạn hiền.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )