Wednesday, 27 June 2018

“Em không nghe mùa thu”


Chuyện Phiếm đọc trong tuần 13 Thường niên năm B 01-7-2018

“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực,
Hình ảnh kẻ chinh phu,
Trong lòng người cô phụ?”
(Tùng Giang – Nam Lộc/ Phạm Duy/Lưu Trọng Lư – 
Anh Đã Quên Mùa Thu & Tiếng Thu)

Cụm từ thơ văn “Chinh phụ”, “lòng người cô phụ”, có “khói sương mù thổn thức”, “Hàng cây khô sầu úa, hiu hắt đứng trong mưa”, phải chăng tất cả đều nói lên tiếng nói hoặc âm vang của “lặng thinh”? Của, cái mà người xưa vẫn cứ bảo “lặng thinh là tình đã thuận”?

Vâng. Có thể là như thế. Có lẽ, là như vậy. Tức: như người thời nay lại cứ quen ồn ào, náo động mà quên mất thứ “tình thuận” của lặng thinh.

Vâng. Mới đây, người bạn thân trong chốn văn-chương nghệ-thuật của bần đạo là anh Nguyễn Văn Tạ có đến thăm bần đạo rồi “thảy” cho cuốn sách của tác giả Diarmaid MacCulloch  có nhan đề là “Silence: A Christin History” với lời nhắn nhủ bảo rằng: “Anh cầm mà đọc cuốn này xem có nhiều ý-tưởng hay lắm!”

Vâng. Ý-tưởng của tác-giả Diarmaid MacCulloch lâu nay có ý bảo nhỏ với người đọc rằng: thời buổi hôm nay, thiên hạ cứ là hay “lào xào” với những chuyện vẩn vơ, nho nhỏ và vô bổ, chứ chẳng biết thế nào là “tình đã thuận” của một lặng thinh.

Vâng. Đành rằng, lặng thinh là tình đã thuận. Thế nhưng mà, thuận đây là thuận cái nỗi gì? Thuận nhĩ, thuận thảo hay thuận tình?

Thế, sao còn gọi là lặng tình để rồi phối hợp với bài “Tiếng Thu” rồi sẽ hát thêm:

“Bây giờ là mùa Thu,
Trời vắng khói sương mù
Hàng cây khô sầu úa
Hiu hắt đứng trong mưa
Mưa như lệ tình xưa
Lệ thấm mấy cho vừa
Lệ vương hoa phượng rũ.
Em có nghe mùa thu.”
(Phạm Duy/Lưu Trọng Lư ­– bđd)

“Thu mang cho tình yêu một thời đã qua.
Thu mang cho tình yêu một thời xót xa.
Mùa thu đã xóa hết cơn mong chờ.
Mùa thu đã cất dấu chân ơ thờ.
Một người bước đi lệ tình ướt mi.
Hôm nay trời vào đông.
Tình đã chết trong lòng.
Niềm cô đơn chợt đến.
Em đã quên mùa thu.”
(Tùng Giang/Nam Lộc – Anh đã quên Mùa Thu)

Vâng. Mới rồi đây, quán nhạc “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney có màn trình diễn những hát hò, trong đó người trẻ chơi nhạc đã gom gộp tình/ý hai bài Tiếng Thu và Anh Đã Quên Mùa Thu làm một để rồi sẽ yêu cầu người hát  kết thúc ý/tình của buổi tối vui bằng câu ca mà rằng:

“Em không nghe rừng thu
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô…

Anh đã quên mùa Thu?
Mùa Thu! Không Em?”
(Phạm Duy/Lưu Trọng Lư/Tùng Giang/Nam Lộc – bđd phối hợp)

Vâng. Có một điều, mà người đời thời nay cứ là hay lẫn lộn sự “lào xào” với chuyên thâm/cao” ở nhà Đạo, chính ra phải là “lặng thinh”. Bởi, có lặng và có thinh, thì tình mới thuận.
    
Vâng. Ngày hôm nay, cả “Anh” lẫn “Em” đều không thể quên mất mùa Thu nào đó; mà còn quên cả thứ “tình đã thuận” của “lặng thinh”, nữa đấy chứ.

Vâng. Nói thì nói thế, chứ nào ai hiểu rõ được thứ “lặng thinh” đích-thực của mọi sự, trước khi nhận ra được thứ “tình” và “ý” ấy!

Vâng. Vậy thì, lặng thinh là gì? Lặng thinh có giá-trị ra sao? Tại sao cứ phải lặng thinh thay vì tự do lào xào, náo-nhiệt, hoặc lăng xăng cho “tới bến”?

Vâng. Hôm nay đây, xin mời bạn và mời tôi, ta đi vào tìm hiểu tuy thoáng chốc, nhưng cũng là một dẫn-nhập cho lập-trường nào đó, rất mai sau! Thế nhưng, trước khi đi vào phần khô cứng của lý-luận và luận giải, xin đề-nghị tôi và bạn, ta nghe thử câu truyện ngụ ngôn nhè nhẹ, sau đây:

Mèo và Cáo giống như hai vị tiểu thánh gia đang trên lộ trình hành hương. Đó là hai kẻ đạo đức giả chân chính, hai lão đệ huynh, trong liềm hân hoan được đi du hành, kẻ đã chén không biết bao là gia cầm, người đã từng xơi nhiều pho mát. Vì đường đi quá dài và mệt mỏi, để rút ngắn lộ trình, hai con vật bày ra cách tranh luận cho quên quãng đường xa nhọc nhằn và cũng quên đi cơn buồn ngủ. Hai kẻ hành hương ra công kêu đến khản cổ lý lẽ của mình. Cuối cùng Cáo nói với Mèo.

-Có thể Anh cũng khéo léo đấy nhưng tài anh sao bằng tôi được? Tôi luôn có trăm mưu ngàn kế trong đầu.
Người kia đáp
-Thế ư? Tôi thì không, tôi chỉ có một kế thôi nhưng tôi chắc nó còn ăn đứt cả trăm kế sách của anh.

Cứ thế cả hai lại thi nhau cãi và về cái lý của mình kẻ nói có người nói không cho đến khi bất thình lình cơn nguy khốn xảy ra khiến cả hai im bặt, Mèo bảo Cáo:
-Hãy lấy một trong số hàng trăm kế của anh ra đi, bạn thân mến. Hãy tìm trong đầu anh một mưu chắc chắn ấy còn tôi, đây là kế của tôi.

Nói dứt lời, Mèo nhảy tót lên cây cao còn Cáo giở đủ các ngón mà chẳng ăn thua. Nó chui vào các hang khác nhau hòng lừa lũ chó nhưng đều bị thất bại. Khói xông vào trong hang buộc nó phải nhảy ra ngoài. Ngay lập tức hai con Chó nhanh chân nhảy bổ vào Cáo và xé xác nó ngay cú vồ đầu tiên.”

Và, dưới đây là “lời bàn Mao Tôn Cương” của người kể ở đâu đó:

Câu chuyện cho thấy kẻ lắm mưu mẹo đôi khi vẫn bị thất bại trong công việc vì mải lựa chọn kế sách, cái gì cũng muốn làm, muốn thử xem kế nào hay? Cho nên đôi khi chỉ cần một cách hay thôi cũng đủ giúp thành công rồi.” (trích và dịch do một người giấu tên trên mạng) 

Đang bàn về “lặng thinh” mà lại kể truyện Cáo và Mèo, thì có lẽ không mấy hợp lý cho lắm. Tuy nhiên, điểm nhấn ở truyện kể là hai chú Cáo và Mèo giải quyết “công chuyện” theo hướng “lặng thinh là tình đã thuận”, cơ đấy!

Thành thử, vấn đề lặng thinh mà người kể ở trên gọi là “cô tịch” lại cũng đi đôi với điều mà người ấy gọi là “hiện-diện” hoặc “hiện-hữu” cũng là chuyện “thường ngày ở huyện” rất đời người. Một đời, có những nhận-định rất ư chính-đáng, như sau:

Hiện diện và cô tịch. Một cặp bài trùng không thể tách lìa trong bí mật con người, nhưng không có vế nào tự mình là đầy đủ.

Tính chất có vẻ lưỡng diện này là một biểu hiện của cấu trúc căn bản của con người, và như chúng ta đã thấy, nó cần phải có một nhịp hai thì, ra khỏi mình và trở về mình. Nhưng đó cũng là thảm kịch hiện sinh của con người. Hữu thể kỳ lạ này luôn bất an, chẳng có thể tìm được bình an trong cô tịch vì sẽ bị sợ hãi tấn công, cũng như trong hiện diện với người khác. Vì họ sẽ nhanh chóng thất vọng bởi lẽ sự hiện diện đó cũng không làm cho họ mãn nguyện. Họ không thể tìm thấy trong chính mình lẫn nơi người khác sự viên mãn mà họ tìm kiếm.

Thảm kịch này không phải là một tai nạn tình cờ nhưng biểu hiện sự bổ túc thiếu sót căn bản, và đấy là một lời mời gọi âm thầm của Đấng Tuyệt Đối. Một sự bổ túc thiếu sót tự căn bản, thôi thúc họ phải tìm kiếm liên tục, khi thì trong cô tịch khi thì trong quan hệ, để có được sự nghỉ ngơi, hạnh phúc, là những điều luôn vượt tầm tay họ. Vì sự cô tịch hoàn toàn đòi hỏi phải có một sự viên mãn, một sự tự túc, nhưng đấy không phải là bản chất của con người! Và quan hệ của họ cũng không làm cho nỗi khát khao về tuyệt đối nơi họ được mãn nguyện, vì đấy không phải là bản chất nơi người khác! Aristote đã cảm thức rằng sự cô tịch chỉ có thể là một hồng phúc đối với Thiên Chúa vì Người tự Mình là viên mãn, đầy đủ.

Chính đây là nơi mà mặc khải Kitô Do Thái giáo đem đến một ánh sáng quyết định cho bí ẩn con người.

Thật vậy, nhân vật Kitô, Đấng công bố rằng Ngài là Con của Chúa Cha, được Thần Khí linh hứng, đã mặc khải rằng Thiên Chúa không phải là một hữu thể cô tịch nhưng là có tương quan, Người là một sự hiệp thông tình yêu giữa Ba Ngôi. Kitô giáo tin một Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi. Sự bộc lộ về mầu nhiệm nội tại của Thiên Chúa, dù cho vượt quá mọi ngôn ngữ, thì tình yêu đòi buộc phải có qua lại một quan hệ giữa các ngôi vị.

Hệ quả là một mặc khải liên quan đến con người. Thật vậy, trong chiều hướng mà con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, con người tự bản chất đã là một hữu-thể có quan-hệ. Họ chỉ có thể hiện hữu, triển nở, trở thành “người” nhờ và trong các tương quan: “yêu và được yêu”. Tương quan ấy là yếu tố kết tinh nên bản chất, căn tính của họ.

Toàn bộ con người họ như hướng về cùng đích này: 
Đó là sự Viên Mãn của tình yêu Thiên Chúa.

Chẳng phải là đặt nền tảng trên mặc khải ấy, một mặc khải được chứng thực nhờ công cuộc nhập thể của Đức Kitô, mà các Kitô hữu nghĩ rằng ta chỉ gặp được Thiên Chúa không phải chỉ bằng cách “trốn vào sa mạc”, nhưng bằng cách chia sẻ kiếp người trong mạng lưới các quan hệ hằng ngày sao? Tình yêu nhân loại, việc mở lòng và hiến mình cho tha nhân, đối với họ, là những nơi ưu tiên để Thiên Chúa ngỏ lời và tự mặc khải.

Thế nhưng, dù không phải ai ai cũng được kêu gọi sống ẩn tu, tất cả chúng ta cần phải nhận định ý nghĩa về hấp lực của sự cô tịch, được thể hiện từ ngày đầu của Kitô giáo trong những truyền thống Đan Viện lớn, ở Phương Đông cũng như ở Phương Tây, và hoa quả của các truyền thống ấy trong đời sống các Thánh thì quá hiển nhiên đến độ không thể nào phủ nhận được. Sự cô tịch mà những nhà linh đạo lớn đã từng đồng lòng công nhận vai trò quan trọng đối với cấu trúc con người. Ôi cô tịch hồng phúc! (O Beata Solitudo!).

Nhưng, như chúng ta đã thoáng nhìn, chúng ta sẽ thấy rằng vấn đề không được đặt ra dưới dạng đối nghịch mà là bổ túc lẫn nhau. Con người là một hữu thể cô tịch và cộng đoàn, cần đến sự cô tịch và mối tương quan để tìm thấy mình và tìm thấy Thiên Chúa.

Một nhà văn như St. Exupéry đã hiểu rõ điều đó, vì ông đã ca tụng tình bạn trong tác phẩm Terre des Hommes (Vùng đất con người), và biểu dương sự cô tịch trong tác phẩm “Thành trì”. Và Cha De Foucauld, mất hút trong sa mạc, vẫn xem mình là “Người anh em của mọi người!”.

Chắc hẳn chúng ta cũng sẽ thấy rằng sự cô tịch cũng như đời sống tương quan, có những ảo ảnh và cạm bẫy riêng. Nhưng sự hàm hồ luôn khởi sự từ con người. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng: rốt cuộc, thì: tiêu chuẩn duy nhất để phân đỊnh vẫn mãi mãi là phẩm chất của tình yêu. Các quan hệ cũng như sự cô tịch là để phục vụ cho con người, và cho con người biết học tập yêu thương. “Tình yêu và bác ái hiện diện ở đâu, thì Thiên Chúa hiện diện ở đấy!”.

Hai con đường, đường cô tịch và đường tương quan, chỉ có thể đi vượt qua giới hạn nội tại của mình khi đón nhận sự Viên Mãn của Chúa.

Đối với một tín hữu, sự cô tịch tiên vàn không phải là một nơi; mà là một phẩm chất của cõi lòng. Và sự cô tịch không bao giờ là cô lập, hay thoát ly, hay chạy trốn, mà là một sự chú tâm mới; đối với một Đấng Hiện Diện đang cư ngụ cả trong sự cô tịch của sa mạc, lẫn trong các tương quan giữa người với người.”
(lại cũng trích và dịch từ tập sách “Những Nẻo Đường Thinh Lặng” của Michel Hubault)

Với người nhà Đạo, mà lại là Đạo Chúa, thì cô đơn, cô tịch và ồn ào là như thế. Còn, với người đời mà lại là thi-nhân, nhạc sĩ, thì lặng thinh/cô-tịch lại sẽ được diễn tả bằng ngôn-ngữ thi-ca nhiều nghĩa như lời ca được hát tiếp ở bên dưới:

“Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?”
(Phạm Duy/Lưu Trọn Lư ­– bđd)

Chuyện lặng thinh ở đời còn được diễn nghĩa bằng nhiều cách thức. Có một cách rất lạ kỳ, và ít ai dám nói hoặc kể , rất như sau:

“Về nhà thơ Anh John Milton, hôm ấy Giáo sư hỏi cả lớp:
- Ai có thể nêu hai sự kiện lớn trong cuộc đời của nhà thơ Anh John Milton?
Một nam sinh viên nhanh nhẩu phát biểu:
- Sau khi kết hôn, nhà thơ viết tác phẩm "Thiên đường đã mất".  Đến khi vợ ông mất, ông viết tác phẩm "Thiên đường trở lại".

Tương-tự như vậy, còn có truyện kể nhẹ nhưng rất thật như sau: 

“Nhân dịp nhạc sĩ Từ Công Phụng đến Melbourne trình diễn chương trình ca nhạc “50 năm Tình ca - một lần nhìn lại.  Có một người đã hỏi: 
Hình như nhạc sĩ Từ Công Phụng đã từ chối không chịu làm suôi với cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phải không??
Từ công Phụng mỉm cười rồi gật đầuNhạc sĩ cho biết lý do là vì con trai của nhạc sĩ Từ Công Phụng tên Từ Công Nghĩacòn con gái của cố nhạc sĩ Trần thiện Thanh tên Trần thị Trang.  Do đó khi đăng báo chúc mừng sẽ viết như sau:
Chúc mừng hai họ TỪ - TRẦN
và 
Chúc hai cháu NGHĨA - TRANG
Trăm Năm Hạnh Phúc
Như vậy chắc không ổn rồi.  Có mời thì cũng chẳng ma nào dám đi đám cưới!!

Theo giới khoa bảng ở nhà Đạo, thì “Lặng thinh” trong lịch sử Đạo Chúa là chuyện rất quan-trọng như Gs Diarmaid MacCulloch từng tâm tình như sau:

“Lặng thinh là thành-phần sống còn đã từng biến mất trong lịch-sử; bởi thế nên ta không có đủ lợi khí để tạo ý-nghĩa cho những gì mình biết và cũng không có chứng cớ nhãn-tiền cho những gì mình sở-đắc...

Hiện nay, đang có thứ văn-chương chữ nghĩa rất đáng kể của đạo-giáo nói về lặng thinh. Tôi tiếp cận đề-tài này từ một đời bỏ ra để giảng dạy và kiếm tìm lịch-sử đồng thời cũng nhờ vào tình huống đối đầu giáp mặt mang nhiều kết-quả đầy hoa trái với Giáo hội và đời sống tín-hữu Đức Kitô. Các mẫu mã, mô-hình của đạo-giáo là những sự việc xảy đến trong khung/mành của xã-hội loài người mà ta truy-tầm được và chúng là trung-tâm của cuộc sống đầy doanh thương, tính toán. Ngang qua nghề-nghiệp mang tính sử-học của riêng mình, tôi đã có được kinh-nghiệm bản thân biết rõ tầm quan-trọng của lặng thinh trong mọi sự-kiện cuộc sống của con người…

Tôi lại may mắn có cơ hội đối đầu với nhiều thách-thức trong cuộc sống ngay từ tuổi chớm trưởng-thành, nên có nhiều dịp thuận để vui hưởng cuộc sống như mình hằng mong ước. và nhờ thế mới có được cuộc đời khá ổn-định. Kinh-nghiệm sống trong đời đầy huyên náo đã dạy tôi biết tỉnh táo trước những mờ-ám nơi ý-nghĩa của nhiều văn bản, cùng ánh mờ nhạt nơi ý-nghĩa khác biệt nơi hành-xử của những người sống quanh tôi. Và rồi, tôi cũng tự chỉnh sửa phù hợp để nghe được tiếng lặng thinh và nhờ đó tìm ra chìa khóa cần-thiết để hiểu biết nhiều tình huống khác nhau trong đời mình…

Kinh-nghiệm bản thân nguyên khởi đã dẫn tôi đối đầu với lặng thinh trong đạo trước nhất là như một tránh né thoát khỏi mọi ràng buộc của sự thật. Đúng thế. Kinh-nghiệm đã dạy tôi biết nhận thức và vui hưởng sự thật cho thấy lặng thinh có thể mang dáng dấp tích cực cũng như tiêu-cực. Dù trên bình-diện trần-tục của cuộc sống con người, vẫn có những lời nói dối trắng trợn và nhiều sự việc không được nói ra bởi lẽ có những điều mình không nên nói. Nhưng, nhiều hơn thế, cuốn sách tôi viết đây có đầu đề là: “Lặng thinh: lịch-sử của Đạo Chúa”, sẽ đặt ra rất nhiều điều về lặng thinh với các biện-luận khác nhau, nhưng rất tích cực.

Tóm lại, niềm tin ở Đạo Chúa đặt nền-tảng trên một khẳng-định quyết bảo rằng ta có nhiều thông hiểu về ý-nghĩa của lặng thinh hơn là chỉ mỗi sự giao-dịch/tương-tác giữa con người với con người, hoặc tương-tác giữa con người với xã-hội hoặc bối cảnh phủ trùm chung quanh họ. Dù tôi và nhiều bạn đạo của tôi có tin vào Thiên Chúa hay không, dù kinh nghiệm của con người nhỏ bé hoặc nghèo nàn cách mấy đi nữa, thì ta vẫn nên đối xử với khẳng định của người tin tưởng về sự hiện-hữu của Thiên-Chúa , và vai trò của bất cứ sử-gia nào tìm hiểu về đạo-giáo cũng vẫn là các nỗ-lực trong quá khứ tạo thiện-cảm và sự thông hiểu niềm tin ấy.

Và nhiều người sẽ thấy được rằng “lặng thinh” đã và vẫn còn nằm ngay bên trong trọng-tâm kinh-nghiệm về đạo-giáo và tất cả mọi người rồi cũng mong khẳng-định rằng họ đều đã tạo hiệu-quả và ảnh-hưởng sâu sắc lên lịch-sử của Đạo Chúa.”  (X. Gs Diarmaid  MacCulloch, Silence, A Christian History, nxb Penguin 2014 tr. 2-5)

Và, đấng thánh hiền nhà Đạo khi xưa lại cũng lên tiếng về sự lăng thinh, mà rằng:

“Khi Con Chiên mở ấn thứ bảy,
thì cả bầu trời thinh lặng chừng nửa giờ...
Rồi tôi thấy bảy thiên thần
đứng chầu trước nhan Thiên Chúa…”
(Khải Huyền 8: 1)

Và ở đoạn khác, cũng thấy nói:

“Ý muốn của Thiên Chúa là
anh chị em hãy làm điều thiện
khiến những kẻ vô tri ngu xuẩn phải thinh lặng.16
Anh chị em hãy hành động như những người tự do,
không phải như những người lấy sự tự do làm màn che sự gian ác,
nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa.”
(1Phêrô 2: 15)

Thành ra, muốn xử sự như người tự-do-con-cái-Chúa, có lẽ điều quan trọng hơn cả bao giờ cũng là “Hãy lặng thinh như tình đã thuận”. Thuận thảo với Chúa, với nhau và với chính mình. Đó chính là điều lành, tốt đẹp chỉ người lành thánh mới biết tuân thủ.

Để minh họa chuyện này, cũng nên đi vào vùng trời gồm toàn những câu truyện để kể cho nhau nghe hầu mỗi người và mọi người có thể thụ-hưởng giây phút thư giãn, “lặng thinh”, như sau:

Ngày xưa tôi có xem một phim với tựa đề tiếng Anh là “Into the Great Silence.” (tức: Vào với lặng thinh lớn lao”.  Đây là phim tài liệu nói về đời sống trong tu viện cổ Grande Chartreuse trên vùng núi Alps ở Pháp.  Cuốn phim quay lại các sinh hoạt hằng ngày của các tu sĩ dòng kín Carthusian trong thinh lặng.

Người đạo diễn của cuốn phim đã phải sống trong tu-viện suốt nửa năm, và chỉ quay phim bằng ánh sáng thiên nhiên.  Và để tránh gây ảnh hưởng đến đời sống thinh lặng của tu sĩ, ông không được phép tiếp xúc hoặc nói chuyện với bất cứ ai trong tu viện, và không được mang theo người nào khác vào làm phim với ông.

Dĩ nhiên là, sự lặng thinh trong tu viện không phải hoàn toàn tuyệt đối.  Cũng có lúc các tu sĩ nói chuyện và phát biểu, như trong lễ hoặc khi sinh hoạt này khác, hay vào cuối tuần khi đi dạo bên ngoài.  Nhưng cốt-thiết của thực tập vẫn đặt nền tảng vào sự lặng thinh.

Cuốn phim nói đây, mở đầu bằng cảnh mùa đông, khi toàn vùng núi Alps và tu viện phủ đầy tuyết trắng, vạn vật chừng như đông đá.  Giữa thinh lặng, ngồi trong tu-viện nhìn ra khung cửa, ta như nghe được âm vang của bông tuyết rơi xuống đất.  Trong lặng thinh, ta còn cảm nhận được sự hiện-diện của những chuyện tầm thường vây quanh mình, cách sâu sắc.  Thời gian từ từ xoay quanh không gian, tiếng cây cỏ chuyển mùa và giọt nước đá tan trên cỏ, những áng mây tuôn trôi ngang đầu, bầu trời về khuya làm vụn vỡ trăng sao, tất cả đều vận hành tự nhiên trong thế giới lặng yên.

Điều ta cần nghe ngóng là lắng nghe chính mình. Cuộc sống hằng ngày của ta, so với phim, là một thế giới hoàn toàn khác lạ.  Những bận rộn chung quanh đều khiến ta không có giờ để ngồi yên, và thật sự tiếp xúc với những gì đang hiện diện.
Trên đường đi, chắc bạn chẳng bao giờ nghe được âm thanh của chiếc lá rơi rụng, hoặc đêm khuya tạt ngang cửa sổ chợt dừng lại nhìn sân trước nhà tràn ngập ánh trăng...  Thật ra, trong cuộc sống ngày, ta ít có cơ hội để sống với lặng thinh, mà theo tôi dù có đi nữa, ta có khả năng tiếp xúc được chúng khôăng?

Tôi có người quen kể rằng: có lần anh đi ăn trưa với một người bạn.  Anh chọn một quán ăn nhỏ thật vắng vẻ để hai người có dịp trò chuyện.  Trong tiệm vắng, chỉ những âm thanh hỗn tạp bình thường của chén/dĩa xục xạo trong nhà bếp, tiếng máy tính tiền và tiếng thực khách nói chuyện ở bàn bên, hoặc tiếng nhạc nhẹ êm, vv…  Bất chợt, mọi đèn đóm trong phòng ăn bị cúp!  Không gian như dừng đứng, căn phòng trở nên im ắng cách lạ kỳ.  Anh bạn tôi cho biết sự thinh lặng đây bất chợt thật khó chịu làm anh đinh tai nhức óc.

Nhưng giây phút nói ở đây khiến anh chợt dừng lại trong phút chốc và ý thức rằng, mọi ồn ào náo nhiệt trong cuộc sống giúp ta tạm khỏa lấp khoảng trống trong chính con người mình.  Có lẽ vì thế mà người ta lại tìm cách trốn tránh thinh lặng để khỏi phải đối diện với sự trống vắng ở trong ta…

Tôi nhớ một đoạn trong phim, trình chiếu cảnh trí cuối tuần ở bên ngoài, mọi người cùng ngồi với nhau bàn thảo về nghi thức xảy ra trong buổi lễ ban sáng.  Một tu sĩ phát biểu: “Không phải mục đích của hoạt động tiêu biểu là để ta tìm ra ý-nghĩa của mọi thứ, nhưng chính ta mới là người cần được tìm hiểu.” Thật ra, mọi hình thức lễ lạy chỉ cốt giúp ta quay về lại và nhận ra được chính mình, mà thôi.  Các tu sĩ, không hề vấn-nạn về lặng thinh, nhưng chính sự thinh lặng đặt câu hỏi cho ta và mọi người.

Và bạn cũng như tôi, chớ nghĩ rằng lặng thinh không có nghĩa là ta chẳng làm gì hết, nhưng khi ta có được lặng thinh vây quanh, chắc chắn sẽ tiếp xúc được các yếu tố nhiệm mầu tự nhiên đang hiện-diện quanh ta với cái nhìn sâu sắc. Vẫn cứ là nhiệm mầu. Nhưng mầu nhiệm không mang ý-nghĩa chứng-tỏ mọi việc sẽ xảy đến theo ý mình, nhưng vẫn có nghĩa vì nó trong sáng tự nhiên.  Có thể đối với ta, trời xanh mây trắng chính là mầu nhiệm; nhưng với người khác, có thể đời họ đang cần ngày mưa tươi mát, dễ chịu.  Buổi sáng bước ra ngoài, trong làn nắng ấm, tâm thân của ta ra vui khỏe; hoặc, vào lúc xế, khi ta âm thầm lê bước đôi chân từ sở làm, tâm ta đầy lo lắng, mệt mỏi.  Phài chăng, hai giây phút ấy thật sự nhiệm mầu giống như nhau?

Tôi nhớ có vị thiền sư nọ thường ca ngợi cái phút giây hiện tại đầy nhiệm mầu.  Lại có thiền-sinh kia cho biết: giây phút này, anh đang gặp nhiều khó khăn, đau khổ. Đời sống con người đâu có gì là nhiệm mầu?  Vị thiền sư nghe thế bèn đáp: cuộc sống con người tuy có lúc khó khăn, không mảy may dễ chịu, nhưng vẫn là mầu nhiệm!

Nhiệm mầu, là vì ta vẫn có điều kiện để tiếp xúc được thực tại, và thấy được những gì thật sự đang xảy ra, hầu buông bỏ mọi vướng mắc của mình thấy sự vận hành của pháp, biết được sự hiện-diện của tuệ giác và tình thương ở quanh ta. Tất cả những điều ấy, chỉ có thể như thế trong giây phút hiện-tại mà thôi!

Thênh thang như bầu trời. Hạnh phúc không là sự việc xảy ra theo ý muốn của ai khác, mà do thái độ buông xả của ta, mà thôi.  Trong tu-luyện, con người sẽ học được bài học về hạnh phúc. Và, người đạt được như thế vẫn thấy chuyện ấy xảy ra bất kể tình-huống xảy ra ở bên ngoài, dù trời  mưa gió hoặc nắng ấm. Mong sao mọi sự trong tôi và bạn không mang tính thù nghịch, nhưng vẫn yên ổn, lặng thinh và hạnh phúc. Hãy buông bỏ mọi khổ đau không cần thiết, bởi trong ta tất cả đều an vui, hạnh phúc, nhẹ nhàng.  Mỗi giây mỗi phút mặc-niệm đều như mũi tên buông thả, bay vào bầu trời cao rộng, nơi nào nó đến cũng là mục đích.  Bởi, trong thinh lặng, mọi sự đều trong sáng và tự nhiên.” (trích dẫn đôi giòng mặc-niệm từ điện-thư do bạn bè gửi, để suy-tư).

Suy tư, mặc niệm lại vẫn là điều-kiện của lặng thinh là tình đã thuận, trong phúc hạnh cuộc đời, của con người.   

Trần Ngọc Mười Hai
Và những nghĩ suy mọn hèn
vào ngày êm ả
và tươi mát.