Saturday, 29 January 2011

“Nếu, nếu một ngày không có em,”

thì niềm cô đơn dài như năm tháng

như mùa thu chết, như lá thu rơi...”

(Khánh Băng – Nếu Một Ngày)

(Rm 12: 15, 18)

Vâng. Đúng là như thế. Nếu không có “EM” hiện diện bên tôi/bên bạn, thì niềm cô đơn không chỉ “dài như năm tháng” mà đời bạn/đời tôi sẽ như “mùa thu chết”. Như “lá thu rơi”. Rất tơi bời.

Vâng. Bần đạo còn nhớ: có lần nghệ sĩ Từ Công Phụng từng nói với phóng viên báo Người Việt rằng: mỗi khi viết nhạc hay làm thơ, hễ anh gọi tên “em”, thì người em đó, không hẳn là người yêu của anh, mà có thể là người nghe. Là, bạn bè. Là, đối tượng anh muốn gửi đến.

Thế nên, trong hành trình rong ruổi về với lịch sử Đạo Chúa ở Istanbul, bần đạo như nghe được từ đâu đó, nơi đền đài đổ sụp, có giọng hát rất quen quen, vẫn hát rằng:

“Nếu, nếu ngày ấy mình đừng quen nhau,

Thì ngày đó có đâu buồn đau,

Những khi mình xa nhau, có đâu buồn đau.”

(Khánh Băng – bđd)

Kỳ thực, trong chuyến hành hương “bỏ túi” này, bần đạo học được rất nhiều thứ. Nghe rất nhiều điều. Những điều, tưởng chừng như còn mới. Nghe, là nghe tiếng gọi của đất đá. Trăng sao. Vạn vật. Nghe rồi lại ngỡ rằng, trăng sao vạn vật muốn nói với mình đôi câu thắm thiết, tựa lời ca sau đây:

Nhớ, nhớ ngày ấy mình cầm tay nhau

Nhìn hạt mưa ướt mi

Ngày sau, sẽ không còn mưa rơi,

Sẽ không còn mưa rơi.”

(Khánh Băng – bđd)

Về nhà, lòng những bâng khuâng, ngây ngất, bần đạo lại được nghe thêm lời tâm tình của những người “em”, tuy không chỉ là những cá nhân hay động vật, mà là đồ vật được “nhân-cách-hoá”, có tâm tư rất thắm thiá, đậm tình như sau:

“Chào bạn,

Bạn không nhận ra tôi sao? Tôi đây mà. Tôi vẫn được bạn coi như kẻ đồng hành trân quí nhất, mà sao bạn lại chẳng nhớ? Đấy kìa! Tôi là kẻ, mà bạn vẫn luồn nhét vào túi quần hoặc xách bóp. Đi đâu cũng được bạn cho tháp tùng. Lúc nào cũng bị bạn bắt “ứng chiến”, để sẽ luôn có mặt “trên từng cây số”, ở bên bạn. Không có tôi, bạn sẽ cảm thấy lo sợ, lạc lõng, mất hướng.

Bạn nhớ ra tôi rồi chứ? Nếu vẫn chưa, thì thôi để tôi nhắc lại vài điều cho bạn dễ nhớ. Tôi là kẻ duy nhất được khi bạn âu yếm đặt dưới gối, mỗi khi bạn đi vào giấc ngủ thần tiên. Giấc, êm ái, hoặc mộng chẳng lành. Nhiều khi thức giấc/khó ngủ, bạn lại đem tôi ra mà nhìn/mà ngắm đến tội. Có hôm bạn lại nói vào người tôi bằng những ngôn từ thương yêu, nồng thắm nữa đấy.

Đến đây, thì chắc là bạn đã biết tôi là ai rồi chứ?

Vâng. Đúng thế. Tôi là chiếc điện thoại di động mọn hèn, mà lúc nào bạn cũng cầm nắm, nâng niu. Nâng, như nâng trứng. Hứng, như hứng hoa. Dù nhiều lúc toàn thân tôi cứ bần thần. Ướt đẫm những mồ hôi. Thích tôi hay không, bạn cũng chẳng bao giờ bị tôi khuynh loát, hoặc chế ngự hết. Bạn bè/người thân của bạn vẫn nâng niu tôi trìu mến hệt như bạn đường, không thể thiếu.

Thật ra, tôi cũng chỉ góp mặt với đời, chừng vài chục niên thôi. Nhưng tôi đã giúp ích rất nhiều người. Nhất là các người trẻ. Nói chung, ai cũng cần tôi giúp đỡ hết. Nhưng, lại ít có người biết đến đời tư, tâm sự của riêng tôi. Thôi được. Bạn cứ bình tâm mà theo dõi, tôi sẽ kể hết chuyện đời tư của tôi cho mọi người biết, mà trân trọng.

Năm 1973, ông thân sinh ra tôi là cụ Martin Cooper đã hy sinh thì giờ, tiền bạc để cưu mang sinh hạ tôi trong một cơ xưởng đầy những giây nhợ và ống nghiệm. Họi gọi đó là Hãng Xưởng Motorola.

Khi tôi chào đời, trọng lượng của tôi cũng chỉ sơ sơ có 2kí. Đến nay, nhờ có nghiên cứu viên làm đẹp và theo chế độ kiêng ăn, nên tôi tròm trèm chỉ chừng 5 gà-ram là nặng nhất. Chắc có nhiều bạn hỏi tôi làm cách nào mà thân hình tôi được “xăn xái” như vậy? Thật ra, thì cũng chẳng do phép lạ hay phép mầu gì đâu. Nhưng, do mấy chú được gọi là “con bọ” cực nhỏ cứ quấn quit bên mình tôi làm cho tôi nên nhỏ bé, đến là thế.

Thực chất, thì tôi dám tự hào cho mình là nhân/sự vật có được thân hình nhỏ nhắn nhất hành tinh lại chứa đựng nhiều chức năng tuyệt vời cho loài người mỗi khi họ cần đến, như: chuyển lời nhắn, đánh thức, nhắc nhở giờ kinh, mua vui giải trí, cố vấn chuyện riêng tư, trò chơi, hết thể thao rồi lại thể tháo...cứ là liên tu bất tận Thêm vào đó, tôi còn giúp các vị thân hào nhân sĩ mà tôi quen biết, tạo thêm thu nhập, để kiếm sống nữa.

Thành thật mà nói, tôi hẳn muốn “nổ bạo” để làm gì. Chỉ muốn bảo nhỏ với bạn bè, rằng: hãy cẩn thận mà ăn nói và đối xử với tôi! Vì bọn tôi nay số nhân khẩu đếm được tới 5 tỷ công dân, lận. Mỗi năm bọn tôi làm lợi cho giới chủ nhân sơ sơ chừng 30 tỷ đô, là tối thiểu đấy, thấy chưa!

Đến đây, hẳn bạn sẽ hỏi ngược: phải chăng tôi chỉ muốn “nổ văng miểng” về chức năng và khả năng, chứ thực chất, tôi chỉ là vật vô tri vô giác, nào có biết thiết thân với ai? Thành thật mà nói, với thẻ “sim” bé nhỏ, tôi nay luôn dính liền trở thành chính con người của bạn từ lúc nào cũng không biết. Chính tôi, lại là kẻ giúp cho mọi sự trở nên thân thương, mật thiết. Chỉ một âm thanh với âm lượng nhỏ nhưng rất tình tứ, là tôi có thể báo cho bạn biết có người gọi đến. Có thể là bạn hiền. Cũng có thể là đối tác với doanh nhân, cũng không chừng.

Rồi khi bạn không đáp trả được câu nào, tôi cũng có chức năng mình sẵn có để lưu trữ hoặc tải lời nhắn riêng tư/bí mật đến với bạn. Kể từ đó, tôi và bạn trở thành người thân, rất nên một. Đôi lúc, khi bạn chào từ biệt bạn bè/người thân, bạn tỏ vẻ thích thú đến độ lôi tôi ra mà hôn mà hít, khiến tôi nghẹt thở.

Rồi từ đó, tôi tự cho phép mình trở thành cánh tay nói dài làm bạn của bạn. Đôi khi, tôi còn tự tung/tự tác đóng vai bạn nữa, mà không ai biết. Nói rõ hơn, nhiều lúc tôi diễn tả cung cách xã giao của bạn, khiến bạn chẳng mất gì, mà vẫn được việc. Điều này cắt nghĩa tại sao đôi lúc bạn thấy người trẻ khác cứ ngún ngoảy trước mặt mọi người bằng những động tác xỗ xàng nói thẳng vào người của tôi, khiến tôi ướt đẫm những bọt là bọt.

Thôi được. Để tôi chứng minh thêm một vài “chuyện nhỏ” mà tôi vẫn làm để giúp bạn quên đi nỗi phiền hà. Tức giận. Có lúc, chỉ bằng một vài âm điệu như cung đàn nhỏ thôi, tôi cũng có thể giúp bạn nguôi ngoai cơn phiền bực tưởng như chết. Nếu bạn vẫn coi đó là chuyện “chán chết”, thì đây Bạn cứ tự tiện “bấm” vào người của tôi mà chơi trò giải trí. Hoặc giải quyết công việc riêng tư, ở sở, còn bỏ dở. Nói tóm lại, tôi sẽ giúp bạn không bỏ phí thì giờ. Và, bạn cũng chẳng còn thấy đời mình, đáng chán nữa. Như thế, đã được chưa?

Là kẻ thân thiết gần sát với bạn, nay tôi muốn khuyên bạn thêm vài điều: làm gì thì làm. Bạn cũng đừng ỷ y vào tôi một cách quá đáng, để rồi bạn lại thấy phiền. Phiền, là phiền một nỗi: giống người thường, nếu bạn sử dụng tôi quá mức, hoặc quá tải, tôi thì chẳng thấy sao. Chẳng mất đi kí lô nào, nhưng bạn lại thấy bịnh đó. Những bịnh thông thường dễ thấy nhất, là: trầm cảm. Mất ngủ. Não bộ thần kinh bị thương tổn khá trầm trọng. Bởi, từ nơi tôi, bạn sẽ thấy toát ra những làn sóng nhỏ li ti dễ gây hại cho những ai có não bộ không được khoẻ, nhất là trẻ con. Bởi thế nên, cứ bảo các trẻ em đừng nói vào người tôi nhiều quá, cứ bấm vài giòng nhắn nhủ, cũng được rồi. Chẳng hại gì. Cả thân thể lẫn tài chánh.

Thêm điều nữa, là: dù tôi vẫn muốn bạn nói nhiều vào người tôi. Sử dụng toàn bộ tấm thân gầy còm của tôi để làm gì cũng được; nhưng cũng nên cẩn thận. Có nhiều chuyện riêng tư, dính dấp đến luật pháp, như chuyện chit chat. Doạ nạt. Gian lận khi thi cử. Hoặc hẹn hò buôn bán đồ quốc cấm, hoặc nói chuyện với tôi khi lái xe. Bởi, dù gì đi nữa, tôi không có lương tâm đạo đức như nhiều người vẫn lầm tưởng. Nên, cuối cùng vào ngày cánh chung, chính bạn mới là người bị thánh Phêrô cật vấn, chứ không phải là tôi đâu nhé!.

Dù vô tri vô giác, tôi vẫn có trực giác của riêng tôi, để có thể đề nghị với bạn đôi điều, rất nhỏ là: đừng buồn, khi chẳng có ai dùng tôi để nói chuyện với bạn. Đừng bật máy người tôi rồi để dưới gối, suốt đêm thâu. Đừng quá lo âu, sợ lỡ hẹn. Bởi, cả khi tôi ngủ, bạn bè người thân của bạn vẫn có thể để lời nhắn, qua tôi. Cũng rất dễ!

Đừng quá lo, khi bạn để tôi ở nhà một mình. Vì quên sót hoặc cố ý. Hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống, dù vắng tôi vài tiếng đồng hồ, cũng đâu có sao! Tôi vẫn chờ. Chớ nao núng. Đừng hành xử như người khùng, là cứ gửi máy nhắn loạn xạ cho cả những người đang đứng gần hoặc ở cùng phòng. Không có tôi hiện diện, bạn cứ nói chuyện trực tiếp, vẫn thích hơn. Và, lâu lâu bạn cũng nên nhớ rằng: bạn không như tôi đâu, vẫn cần sinh hoạt với bạn bè. Nhóm hội. Đoàn thể. Để sống còn.

Nghe tôi đi. Bạn là kẻ cố tri tôi rất thích. Là, người tình của riêng tôi. Vì thế, tôi sẽ giới thiệu bạn với mọi kẻ trên thế giới. Hãy biết cảm ơn tôi. Nhưng, đừng vì thế mà lệ thuộc vào tôi. Bởi, công việc của tôi là phục vụ mọi người. Chứ không phải để mọi người phục vụ tôi. Phục vụ bạn.”

Là nhà thơ, bạn và tôi, ta hẳn có dư khả năng diễn tả ý nghĩ của cỏ cây/vạn vật, không gì khó. Để xác chứng điều này, bần đạo mượn câu hát ở dưới đây, làm bằng:

“Nếu, nếu một ngày không có tôi,

Thì người yêu ơi đừng quên tôi nhé.

Xin đừng giận dỗi, xin hiểu cho tôi.”

(Khánh Băng – bđd)

Hiểu, là hiểu nỗi niềm riêng tây, mà bạn và tôi, ta thao thức. Hiểu, là cảm nghiệm niềm thao thức/khát khao của người khác từng kêu mọi người giúp: “Ai biết số của Chúa Trời?”, xin giúp tôi:

“Cả tháng nay, con vẫn treo ở đầu giường, câu nhắn:”Hãy cho con số Ngài đi, hỡi Thượng Đế!”

Hôm nay, con thử lên mạng, biết đâu thỉnh thoảng Ngài có “cảm giác buồn” cũng muốn lang thang chuyện vãn với người đời, chắc sẽ gặp lời nhắn của con thôi. Gặp rồi, Ngài sẽ gọi lại.

Có lẽ, Ngài cũng chẳng cần phải lên mạng để xem có ai muốn gặp gỡ Ngài, như con. đây. Bởi lẽ mỗi ngày, ngoài con ra, có cả tỷ người hằng kêu réo tgên Ngài: “Ôi lạy Trời, sao tôi khổ thế?” “Trời ơi. Chắc tôi chết mất!”; hoặc: “Chúa ơi, con đang bị người tình bội phản, Chúa đến giúp con đi!”…

Chừng như, ngày nay người ta thường trút lên đầu Ngài mọi thống khổ. Oán thán. Vãn than. Và, buồn phiền. Và vẫn coi Ngài như sức mạnh thiêng liêng kỳ quặc để đổ vấy. Níu kéo. Giật giọng. Chẳng có người ngoại đạo nào như con biết Ngài thực sự là ai? Là thứ gì? Nên, thường chép lưỡi, ừ hử, rồi gọi Ngài như gọi một quyền lực nào đó khả dĩ giúp mình trải qua cơn khốn khó hiện tại...

Hôm nay, loay hoay suốt trên mạng, con đọc được bài viết của ai đó có biệt danh là Nick D., cũng khôi hài. Sâu sắc. Tuy nhiên, vẫn có cái gì đó trống vắng, mà chẳng thể nào giải thích được nỗi trống vắng ấy là gì? Do đâu? Nhìn kỹ, sao con thấy nó giống con quá. Giống rất nhiều thứ. Mà, toàn là thứ quý báu, quan trọng để ý thức được nó mà nâng niu. Nâng niu chứ không “đành hanh”. Ghen tị. Nâng niu và trân quí, khi nhìn lại vẫn thấy toàn những “hố đen”. Trống vắng. Cứ lạnh lùng đục khoét, cấu cào, giẫy dụa. Mà không tài nào nắm bắt và hiểu được.

Ngồi buồn, đọc lại mấy chục cái “entry” trên “blog” của mình, con chợt nhận ra mình vẫn thiếu vắng tính hài hước. Nhưng, lại dư thừa tính “sên sến” rất riêng tư, nên biết sợ. Hôm nay, con định viết vài hàng để có thêm trong con tính hài hước, nhưng không biết cuối cùng làm sao lại ra như thế này. Và, con cũng chẳng biết kết thúc câu chuyện lạt lẽo đặt ra với Chúa, cách sao đây. Con phải làm gì bây giờ đây, hỡi Chúa?

Thôi thì, xin Chúa, xin Trời/Phật miễn lỗi. Thôi, con không dám xin số của Ngài nữa. Bởi, Ngài đã cho con những người bạn để tâm tình và để gọi rồi. Con còn gần gì nữa mà xin xỏ!...

Bởi thế nên, nay con kết luận: Đừng ai sống một mình, tách riêng. Vì, bản tính tự nhiên của con người là phải sống chung. Sống theo nhóm. Chí ít, phải có “một ai đó” như nửa phần còn lại ghép vào mỗi con người.”

Thế đó là nỗi niềm riêng tây. Là tự sự. Của con người, hay sự vật được nhân-cách-hoá. Của, gì thì của, hãy nên tâm sự với mọi người. Tâm sự ấy, nay ta nhận ra được chân lý giản đơn như sau: Với kỹ thuật tiên tiến. Hiện đại. Con người vô hình chung, đã trở thành một hữu thể riêng rẽ. Sống đơn lẻ. Buồn chán, nếu ta cứ tuỳ thuộc vào máy móc. Kỹ thuật. Hoặc, vào gì đi nữa. Bởi, tuỳ thuộc như thế, ta sẽ không còn tự do. Thứ tự do con cái Chúa. Tự do làm người, do Chúa ban. Và, khi quá tuỳ thuộc vào máy móc, ta sẽ thấy cô đơn. Trống vắng. Rồi gọi: Chúa đâu rồi? Sao không đến cứu con?

Không tuỳ thuộc vào máy móc, kỹ thuật, thân tâm của ta sẽ tìm ra ánh sáng của chân lý nơi đời mình. Người kể truyện hôm nay mượn phương pháp “nhân-cách-hoá” đồ vật, để nói lên một điều, là: chớ tìm Chúa nơi đồ vật. Dù đồ vật ấy ở nơi trang trọng như nhà thờ, cung thánh… Nhưng, Chúa vẫn ở và chỉ ở trong tim ta. Trong cả tâm can của người anh, người chị trong cộng đồng thế giới. Hoặc cộng đoàn thân thương, ta đang sống cùng, và sống với. Đó, là chân lý đã được rọi sáng. Được “đưa lên mái nhà”, từ khi trước. Vậy mà, đã bao người biết được điều ấy để mở tai/mở mắt, mà nhận ra chân lý? Thứ chân lý để đời, vẫn truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác, rất như sau:

“Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.

Cùng nhau tâm đồng ý hợp…”

(Rm 12: 15)

Và:

“Nếu có thể,

thì về phần anh chị em,

hãy sống an hoà với hết mọi người.”

(Rm 12: 18)

Thật sự, vào thời tiên khởi, bạn đạo của ta làm gì có phương tiện để sống riêng, sống một mình với máy nhắn. Với điện thoại di động. Với vi tính! Nhưng, vẫn có những cảnh nhiều người tách riêng sống một mình. Chẳng quan tâm gì người khác. Chẳng giúp đỡ bất cứ một ai. Một ai đây là kẻ nghèo hèn. Như: các bà goá, kẻ tật nguyền,phong cùi, đĩ điếm, đám người thu thuế, hoặc những người bị gán cho cái mũ “cấp tiến, “rối đạo”... Nói tóm, là những người suốt ngày thui thủi, né tránh, chẳng ai thèm héo lánh, đến làm quen. Nói gì đến “đồng tâm ý hợp”, hoặc, “sống an hoà với hết mọi người.”

Sống an hoà. Có lẽ là chuyện của mọi thời. Sống an hoà, không chỉ là chung đụng, ở cạnh nhau. Nhưng vẫn theo thuyết Mackeno (mặc kệ nó). Sống chết mặc bay. Hơi đâu mà bận tâm. Sống an hoà, là: không ai khiến bảo mà vẫn đến. Là, sống cùng. Sống với nhau. “Vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.” Vẫn quan tâm đến đường đi nước bước, của ăn cái mặc, với mọi người. Sống an hoà, là sống an ninh hoà hoãn và khiêm tốn với mọi người. Không tranh giành/cãi vã, toan tính điều lợi cho riêng mình.

Sống an hoà, như lời thánh Phaolô khuyên, là:

“Đừng quá cao vọng về mình,

trái lại, hãy biết bỏ mình,

chuộng phần hèn kém;

đừng có tự thị mình khôn…”

(Rm 12: 16)

Giải thích, áp dụng lời thánh Phaolô vào đời sống nhóm hội/đoàn thể, trong cộng đoàn Nước Trời, hẳn bạn và tôi, ta cũng nên kiểm điểm xem chính mình và cộng đoàn mình đã sống được như thế chưa? Hay, vẫn chỉ thực hiện những động tác “đạo đức” hệt như cái máy điện thoại di động?

Cảm nghiệm lời khuyên của đấng thánh, không phải để ta tìm hạt bụi nơi con mắt của kẻ khác, mà quên cái “dằm” nơi mắt mình. Cũng chẳng để chỉ trích đoàn thể/tổ chức nào đó, mà chỉ là suy tư tâm niệm, cho chính mình. Suy và niệm về đời mình, để rồi ta nhất quyết không bi quan, mặc cảm, hoặc kỳ thị. Nhưng trái lại, vẫn cứ lạc quan, trong vui hát. Hát rằng:

“Nếu, nếu một ngày không có tôi,

thì người yêu ơi đừng quên tôi nhé,

xin đừng giận dỗi, xin hiểu cho tôi.”

(Khánh Băng – bđd)

“Đừng quên tôi nhé”, “Xin hiểu cho rằng” tôi vẫn thế. Vẫn không quên một ai. Nhưng vẫn nhớ. Vẫn muốn về với mọi người, để cùng vui. Để, cùng mọi người thực hiện lời khuyên của thánh nhân, hay người nghệ sĩ. Vẫn cứ “tâm đồng ý hợp”, “sống an hoà với mọi người”. Cứ thế mà cười, mà vui. Cười và vui, cả vào lúc không thấy có gì tức cười. Bởi, cuộc sống đôi lúc cũng đắng cay, gay gắt. Vì, đời người vẫn bon chen. Tranh giành. Kèn cựa.

Cuối cùng, hỡi tôi và hỡi bạn, ta cứ sống chan hoà niềm thương mến. Cứ bông đùa với trẻ nhỏ, và người lớn. Để thấy rằng: đời vẫn thế, dù bạn/dù tôi có đặt nặng vấn đề, để ưu tư. Thế thì, hãy quẳng gánh lo đi, mà vui cười. Dù, nụ cười đó có là cười gượng. Niềm vui ấy có là “vui gượng kẻo mà”. Có, “trong héo ngoài tươi”, như chuyện đời, nhiều người kể. Tương tự truyện kể, ở bên dưới:

“Truyện rằng:

Cha xứ họ đạo nọ, có nuôi một con két, lại rất khôn. Cha vẫn nhờ đến nó để giải khuây mỗi khi mệt mỏi, buồn phiền. Một hôm, chim két của cha tự dưng bay đi đâu mất dạng, nên cha tiếc. Cha tự nhủ: xứ mình cũng nhỏ, nên chắc là mọi người đều biết mình vẫn lâu ngày nuôi chim con, nếu hỏi vặn chắc cũng tìm ra ngay thôi. Nghĩ tình thật, nên cha bạo miệng hỏi bà con cô bác để nắm chắc, trước giờ giảng:

-Bà con đây, ai có chim xin đứng dậy giùm.

Tưởng cha hỏi thật, nên các cụ đàn ông có mặt ở nhà thờ hôm ấy, đều đứng dậy. Cha xứ biết mình nói không khéo nên giáo dân hiểu lộn, bèn chữa lại:

-Ý cha muốn hỏi là: nhà thờ này, ai từng thấy chim của người khác, thì cứ mạnh dạn đứng dậy.

Tức thì, các bà đạo đức đều đứng bật dậy hết. Thấy vậy, cha hoảng quá không biết nói làm sao để con chiên mình hiểu rõ hơn, bèn hỏi lại một lần nữa:

-Cha xin lỗi, ý cha muốn hỏi là: trong nhà thờ này ai từng nhìn thấy con chim cha nuôi giữ lâu rày, thì hãy đứng dậy.

Nghe cha hỏi thế, chả ma nào còn dám đứng. Chỉ cúi đầu cười tủm tỉm, rồi thôi…”

Truyện trên, nghe hơi lạ. Kể ra đây, không phải là kể chuyện tục/thanh hay thanh/tục trong nhà Đạo, nhưng chỉ để nói lên điều này: “sống an hoà với mọi người”, “khóc với kẻ khóc”, “cười với kẻ cười”, luôn thương yêu /giùm giúp mọi người, là việc nên áp dụng vào đời sống. Áp dụng rồi, hẳn bạn và tôi, ta chẳng còn dám cười lớn tiếng, mà chỉ ngâm nga ba câu sau làm đoạn kết:

“Nhớ, nhớ một chiều em đến thăm,

Ngoài trời mưa rơi, trời mưa không dứt,

Con đường trơn ướt, em đến thăm tôi.

Nhớ, nhớ ngày ấy mình cầm tay nhau

Nhìn hạt mưa ướt mi,

Ngày sau sẽ không còn mưa rơi,

Sẽ không còn mưa rơi…”

(Khánh Băng – bđd)

Vâng. Đúng thế. Cứ “sống an hoà với mọi người”, rồi ra “ngoài trời (dù) mưa rơi”, ta vẫn nhớ. Nhớ, “trời mưa không dứt”. Nhớ, “đường trơn ướt, em đến thăm tôi”. Nhớ đến mưa ngoài trời hay mưa trong hồn tôi, vẫn là nhớ. Và cứ nhớ. Nhớ rồi, sẽ “khóc với kẻ khóc”; “cười với kẻ cười”, suốt một đời. Mãi không thôi.

Trần Ngọc Mười Hai

Từng biết khóc.

Biết cười.

Với nhiều người.

Friday, 21 January 2011

“Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc,”

”Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường. Sợ thư tình, không đủ nghĩa yêu đương. Anh pha mực, cho vừa màu luyến thương.”

(Phạm Đình Chương – Mầu Kỷ niệm)

(Rm 12: 16-18)

Anh cứ pha đi. Xanh vàng màu gì cũng đều của giấc mơ. Của, những thư tình đầy luyến nhớ. Của, áo anh yêu. Màu gì, cũng vẫn là màu của kỷ niệm luyến nhớ, cũng rất yêu. Yêu và nhớ, suốt đời. Nhiều kỷ niệm.

Kỷ niệm, vẫn là những gì có chút sắc màu. Có cả niềm nhớ rất như sau:

“Nhớ ngày nào, tan trường về chung lối

Mắt thuyền sương, nghiêng nón ngất ngây đời

Lòng trao lòng, cho tình vút lên khơi,

Cho ngon màu, trìu mến ướt lên môi.”

(Phạm Đình Chương – bđd)

Phải chăng đó cũng là kỷ niệm của một “trìu mến, ướt lên môi” ? Kỷ niệm, tuy không đầy sắc mầu của nhung nhớ, hay gì đó. Nhưng, vẫn cứ là những kỷ và những niệm rất để đời. Của, những sắc màu hiện đến một lần, sẽ chẳng bao giờ quên.

Sẽ chẳng quên, cả vào khi anh quân hành “đi về cánh rừng thưa”, cũng chẳng bao giờ quên được sắc màu, của kỷ niệm. Vẫn nằm ở “màu áo năm xưa”. Nay, “len lén trở về tâm tư”, rất kỷ niệm. Kỷ niệm để đời. Khó phai. Như lời thơ/ý nhạc ta hát tiếp:

“Ngày hành quân, anh đi về cánh rừng thưa,

Thấy sắc hoa tươi, nên mơ màu áo năm xưa

Kỷ niệm đâu, len lén trở về tâm tư,

Có mắt ai, xanh thắm trong mộng mơ.”

(Phạm Đình Chương – bđd)

Thế đó là kỷ niệm. Của, những bạn và những tôi, chỉ một lần thấy em hay chị mặc “áo năm xưa”, nên nhớ. Nhớ một hành xử ít thấy trong đời, đành không quên. Hành xử đó, có là hành mà không xử, như dân thường ở huyện, nay cũng có những kỷ niệm khó mà quên như sau:

“Cô y tá hướng dẫn chàng thanh niên nọ với vẻ mặt hoảng hốt, âu sầu tới gần bên giường bệnh của ông già, rồi nói:

-Ông ơi! Con trai ông đã tới rồi đây!

Cô phải nhắc đi nhắc lại nhiều bận, ông bệnh nhân mới mở mắt ra nhìn. Ông bị ảnh hưởng thuốc mê và cơn đau, nên chỉ thấy lờ mờ người thanh niên đứng cạnh bên bình dưỡng khí, ở đầu giường. Ông giơ tay nắm bàn tay người thanh niên. Xiết chặt, như đang cần một an ủi khó tìm.

Cô y tá lăng xăng mang ghế nhỏ lại gần giường bệnh cho người thanh niên ngồi. Suốt đêm, người thanh niên cứ ngồi đó giữ bàn tay đã lạnh của người bệnh mà nói những lời ủi an, đầy hứa hẹn. Còn bệnh nhân, chẳng nói câu nào. Cứ thế ông nắm chặt bàn tay ấm áp của anh thanh niên.

Sáng ra, cụ bệnh nhân kịp thở hắt một lần cuối để giã từ trần thế, chẳng trối trăn đến một lời. Người thanh niên bùi ngùi đặt bàn tay nhăn nheo bất động của người bệnh lên giường rồi báo cho y tá biết.

Trong lúc y tá làm thủ tục giấy tờ cho người bệnh xuất viện, anh thanh niên cứ tẩn ngẩn tần ngần đứng cạnh đó chẳng nói năng. Xong thủ tục, cô y tá ngỏ lời chia buồn với anh thanh niên, thì được hỏi:

-Ông này là ai thế hả cô? Tên ông là gì, để tôi còn nhớ mà ghi lại?

Cô y tá ngạc nhiên, hỏi:

-Thế ông ấy không phải là ông cụ thân sinh của anh sao?

-Không. Tôi chưa gặp ông lần nào. Tôi vào đây thăm người bạn trùng tên. Có lẽ cô lầm lẫn sao đó, nên mới dắt tôi đến ông ấy…

-Ồ! Thế sao anh không cho tôi hay biết ngay khi tôi dẫn?

Anh đáp:

-Khi tôi biết ông bị bệnh khó lòng mà qua khỏi, lại mong được gặp người con trai, đợi mãi mà chưa tới. Ông quá yếu, nên không nhận ra ai hết. Tôi đoán ông rất cần sự hiện hữu của con ông, nên tôi mới nán lại để ông được thanh thản… Thật ra tôi cũng có giúp được gì nhiều đâu cô!!!”

Vâng. Cũng chẳng nhiều gì. Như giúp nhau chuyện sống chết. Nhưng ở đây, dù anh thanh niên cho đi không bao nhiêu, mà kỳ thực, anh đã cho rất nhiều. Nhiều, nội mỗi chuyện biết trân trọng ý muốn của người sắp mãn phần. Nhiều, ở chỗ: anh chẳng quản ngại bỏ chút thời gian để ở gần người mà anh biết sắp ra đi. Bỏ cả ý định riêng tư để chiều ý của bậc cha bác, nữa.

Trong đời, cũng có rất nhiều tình huống qua đó người người đều trân trọng ý kiến cũng như thành quả việc làm của người thân quen hoặc chưa từng biết đến, như nhân vật được trích dẫn ở trên. Vì thế nên, sống ở đời người người vẫn diễn tả động thái trân trọng bằng lời nói hoặc hành động đáp trả. Và có khi, chỉ bằng một cử chỉ nào đó, theo truyền thống văn hoá của mỗi người. Xưa cũng như nay.

Tuy nhiên, có những truyền thống văn hoá, mà người thời nay vẫn diễn tả ra bên ngoài bằng những cử chỉ/hành động mà đôi khi nhiều người không quen nghe/nhìn, nên không thấy. Cũng có thể, người thời nay có những hành xử hơi khác với thời xưa, khiến các bậc thức giả hơi “xưa” một chút như bần đạo, nên không thích. Và cũng vì không thích, nên cứ nại đến truyền thống văn hoá của người xưa đem ra mà chống chế.

Vừa qua, bần đạo lại bắt gặp một trường hợp hơi “giông giống” vấn đề mà bà con ta ở nhiều nơi, nhất là các vị đang muốn “hội nhập” nền văn hoá “khang khác” với nước ngoài, cần nghiên cứu để sống. Sống cho phù hợp với thời đại. Nay, xin trích dẫn như một trường hợp cụ thể, để bạn và tôi, ta cứ thế mà tham khảo và suy nghĩ. Cũng chỉ như một đề nghị để gọi là có chút gì để phiếm cho vui. Cho dông dài, nhiều chuyện. Ở đới. Thế thôi.

Bần đạo nói bắt gặp, là gặp được ở mục hỏi đáp nơi tuần báo The Catholic Weekly số đề ngày 19/12/2010, như sau:

“Thỉnh thoảng trong sống đạo hàng ngày ở huyện, tương tự như trong thánh lễ chẳng hạn, tôi vẫn nghe nói nhiều người đi lễ lại có thói quen hay vỗ tay sau khi nghe bài chia sẻ hoặc bản nhạc nào đó khá hay. Tôi, thì tôi thấy việc ấy hơi lạ và không đúng chỗ. Vậy xin hỏi linh mục là tôi phải có thái độ thế nào đối với chuyện này, mới đúng?”

Hỏi, mà lại hỏi trong mục “Hỏi đáp” của tuần báo Công Giáo ở Sydney, thì đương nhiên là câu hỏi của mọi người sẽ chạy thẳng đến đấng bậc vị vọng từng có trên dưới 50 năm kinh nghiệm sống đạo, làm người. Và, vị ấy không ai khác ngoài đức thày họ Flader, tên gọi rất John, như sau:

“Trước tiên, xin cho tôi được bắt đầu lời giải đáp bằng một khẳng định, rằng: Thánh lễ hoặc bất cứ nghi thức phụng vụ nào khác, trên hết và trước hết, vẫn là để thờ phụng Chúa. Đó là thời khắc, để ta nâng lòng trí lên với Chúa mà chúc tụng, ngợi khen cùng cảm tạ và đệ đạt lời thỉnh cầu có thể có, đồng thời xin Ngài đổ tràn mưa hồng ân chúc phúc xuống trên ta.

Chính vì phụng vụ là thời khắc để ta nguyện cầu và niệm suy trong thinh lặng, và cả vào lúc ta cất tiếng hát lên lời ca vang chúc tụng Chúa. Tuy nhiên, việc ấy tuyệt nhiên không là xuất diễn để mua vui cho những người hiện diện. Tất cả, là để tập trung vào với Chúa, chứ không phải với cộng đoàn.

Mặt khác, khi ta đi dự buổi diễn âm nhạc, kịch nghệ, màn thi đấu thể thao hoặc bất kỳ hình thức tiêu khiển nào khác, ta thường vỗ tay tán thưởng một đôi lúc, là để tỏ bày sự ngưỡng mộ cho buổi diễn.

Thái độ này và đường lối cũng như cung cách tỏ bày sự cảm kích như thế không thích hợp cho phụng vụ. Bởi phụng vụ, là những buổi có mục tiêu hoàn toàn khác hẳn.

Trong cuốn Tinh Thần Phụng Vụ Đức Hồng y Joseph Ratzinger có tóm tắt nhắc đến tinh thần này bằng tiêu chuẩn như sau: “Bất cứ khi nào phụng vụ bị đứt quãng vì tiếng vỗ tay cổ võ do thành tựu của con người, thì chắc chắn đây là dấu hiệu cho thấy bản chất của phụng vụ đã biến mất và được thay vào bằng một thứ tiêu khiển theo kiểu của tôn giáo thôi“(sđd tr. 198).

Dù cho người tham dự cũng nên được gợi hứng cảm kích về bài chia sẻ bằng cách tỏ bày sự cảm kích ấy bằng cử chỉ vỗ tay, nhưng đây vẫn là động thái khá nguy hiểm.

Nguy ở chỗ, là: vị linh mục hoặc phó tế rất có thể nhận ra một cách có ý thức hoặc không ý thức rằng: mình soạn bài “chia sẻ” chỉ cốt để chiều lòng người nghe hoặc kích thích những đợt vỗ tay, đúng hơn là tìm dựng xây cộng đoàn có kiến thức và tình thương yêu Chúa. Cả hai cách trên đều khác nhau. Thế nhưng, quả là chuyện đáng buồn nếu như các đấng bậc chia sẻ lại chỉ muốn mọi người biết đến tài năng giảng thuyết hùng hồn của mình, thôi thì thật là đáng tiếc.

Đằng khác, giả như cộng đoàn dự lễ có thói quen vỗ tay một vài lúc, thì họ sẽ cảm thấy có áp lực vỗ tay để không muốn xúc phạm đến đấng bậc đang giảng, hoặc họ có thể suy xét về bài chia xẻ bằng cách xem nguời khác có vỗ tay hay không để còn so sánh với các vị khác bằng số những lần vỗ tay dành cho vị ấy.

Đấng bậc giảng lễ phải tìm xây dựng cộng đoàn dân Chúa cho phải phép, và cộng đoàn dự lễ phải lắng nghe bài giảng với thái độ là: khi về có thể giữ lại điều gì đó giúp ích cho đời sống thiêng liêng thực tế ở đời.

Chính vì lý do đó, mà qui định phụng vụ đề ra là phải có những khoảnh khắc thinh lặng sau bài giảng, để giáo dân có thể suy tư về những gì mình vừa nghe.

Vỗ tay là động thái khả dĩ cắt đứt tinh thần suy tư nguyện cầu, cần có.

Âm nhạc, cũng thế. Mục đích của âm nhạc trong phụng vụ là để góp phần vào nét diễm kiều của buổi lễ, nên vì thế để gia tăng việc vinh danh Chúa. Khi cảm kích âm nhạc thấy quá hay, thì người tham dự phụng vụ dễ có hứng vỗ tay, như họ vẫn từng làm vào các buổi hoà nhạc, ở vài nơi.

Nếu vậy, họ cũng nên nghĩ lại và nhớ rằng nghi thức phụng vụ không phải là buổi hoà nhạc, mà là nghĩa cử để phụng thờ. Qua phụng vụ, mọi người cảm tạ Chúa trong nguyện cầu có kèm theo âm nhạc để nâng lòng mình lên với Chúa và làm vinh danh Ngài nhiều hơn nữa.

Thông thường, vẫn có luật trừ. Vào các lễ có đông người tham dự do Đức Giáo Hoàng làm chủ tế, giáo dân vẫn có thể tỏ bày lòng thương yêu Đức Thánh Cha bằng cách vỗ tay đón ngài, và ở một vài trường hợp cũng có thể ngưng bài giảng của ngài bằng những lần vỗ tay nhiều cảm hứng.

Ngoài ra, đối với một số tập tục văn hoá khác, chuyện cộng đoàn dự lễ vỗ tay thường xuyên hơn ở thế giới phương Tây, vì thế có thể cũng xảy ra ở nghi thức phụng vụ nữa.

Thêm vào đó, có một số các nghi thức cũng đòi người tham dự phải vỗ tay, như qui định phụng vụ. Ví dụ như các buổi tấn phong linh mục hoặc phó tế, sau khi truyền chức, vị giám mục nhận ra rằng tân chức là người xứng đáng, nay được chọn để tấn phong, cũng nên vỗ vào lúc ấy, thôi.

Có những kiểu vỗ tay tự nhiên xảy đến và cũng thích hợp vào trường hợp giám mục nào đó mới được phong đi vào với cộng đoàn dự lễ, để ban phép lành mở tay cho người dự, hoặc trong lúc đoàn người xếp hàng ra khỏi nhà thờ, kết thúc nghi lễ tấn phong ấy. Nhưng sự thường, thì phụng vụ là buổi lễ thinh lặng, mang tính nguyện cầu để ta nâng lòng lên cùng Chúa. Xem thế, thì vỗ tay không thể là thành phần của những buổi như vậy.” (x. John Flader, The Catholic Weekly 19/12/2010, tr. 10).

Thế đấy, là lời lẽ chính qui. Chính mạch. Và, rất chính thức của đấng bậc vị vọng, rất đức thày. Tức đấng bậc từng trải hơn 42 năm kinh nghiệm sống trong cộng đoàn mang tên Opus Dei (tức “Công Việc Của Chúa”). Chính thức và chính mạch, đôi khi có nghĩa là chính cương, nhưng chưa chắc đã chính đáng. Và, chính lệnh.

Sở dĩ đấng bậc kinh nghiệm ở trên phán những lời rất ư là chính đạo và chính hiệu như nhóm hội “Opus Dei” là thế, nhưng chưa chắc đã chính thống và chính xác như chính kiến của Đạo Chúa. Nội nghe lời trần tình của Đức ngài vừa mới nói, hẳn bạn và tôi cũng hiểu là ngài thuộc thế hệ rất chính đại như các đại thụ, đại chức sắc, rất như sau:

“Tôi từng quen biết một đấng thánh, và tôi cũng từng sống với thánh Josemaria Escriva đấng sáng lập hội Opus Dei ở La Mã. Tôi thấy ngài đích thực là một vị thánh. Khi quý vị đọc sử hạnh của thánh Mary MacKillop, như tôi từng đọc và nhận xét về cuộc đời cũng như công việc của vị thánh nữ này, quý vị cũng sẽ như tôi nhận ra là chị cũng rất thánh theo khuôn khổ cổ xưa của các vị gọi là thánh nhân.”

“Tôi sẽ còn tham gia nhiều buổi tĩnh tâm, suy niệm, hướng lòng mà chiêm niệm và hoá giải, Tôi sẽ làm việc tại Pennant Hill Sydney trông nom cho cộng đoàn giáo dân ở đây. Tôi rất vui được làm việc như xưa tôi từng được yêu cầu làm với hội Opus Dei, nên từ nay tôi cứ thế mà tiến tới và tôi dám chắc rằng người đến thay thế, sẽ hay hơn tôi.

Là linh mục, chúng ta sống là để giúp đỡ các linh hồn. Công việc của Hội thánh được định ra trong Giáo Luật cũng thế, tức định đoạt việc thuyên chuyển các linh mục trong giáo xứ…” (x. Sharyn McCowen, New Opus Dei role for a ‘very blessed priest’ The Catholic Weekly 19/12/2010, tr. 9)

Nói cho cùng, đó là kiểu sống thánh của các cây “đại thụ”. Từ ngàn xưa. Nhưng vấn đề mà bạn và tôi cũng như các bạn của tôi sẽ hỏi, là: ngày nay muốn sống lành thánh với lễ lạy phụng vụ, ta phải làm sao? Có nên “im thin thít như thịt nấu đông” vào những buổi nghe giảng và dạy, ở giờ lễ? Có nên đổi và thay đôi chút theo kiểu giờ lễ của nhóm “Hill Songs” thường tổ chức mỗi tuần ở Sydney. Có hát. Có nhún nhảy và vỗ tay, mà vẫn ngợi khen Chúa, rất vui vẻ?

Vấn đề đặt ra, là để bạn để tôi, ta cứ thế mà gẫm và suy. Suy rồi, sẽ có quyết định cho riêng mình. Riêng mình tôi, và mình bạn, để có lẽ tôi và bạn sẽ lại tìm đến câu ca của người viết nhạc ở trên mà ngâm nga, kết thúc bài phiếm hôm nay:

“Hẹn ngày mai khi tan giặc sẽ cùng nhau

Góp hết hoa thơm chung tay xây kết mộng đầu

Trời thần tiên đôi bướm nhịp nhàng lả lơi,

Nương cánh nhau đi xa hơn cả cuộc đời

Ôi màu hoa, màu thương nhớ.”

(Phạm Đình Chương – bđd)

Giặc hôm nay, không là giặc tranh cãi, đúng sai. Giặc, là giặc ù lỳ, nặng hình thức, cứng ngắc. Và, chỉ bóp chết những hoa thơm cỏ lạ. Vẫn cần “nương cánh nhau (mà) đi, xa hơn cả cuộc đời”. Nương cánh nhau mà đi, dù chỉ dự lễ hội có vỗ tay hay không vỗ. Cứ nương cánh nhau hợp tác mà sống, như lời thánh Phaolô dặn dò về nhân sinh quan cần có, như sau:

“Hãy đồng tâm nhất trí với nhau,

đừng tự cao tự đại,

nhưng ham thích những gì hèn mọn.

Anh em đừng cho mình là khôn ngoan,

đừng lấy ác báo ác,

hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt.

Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được,

để sống hoà thuận với mọi người.”

(Rm 12: 16-18)

Cuộc đời, nay vẫn có nhiều “màu hoa”, “màu thương nhớ”. Nhớ nhau. Đồng tâm nhất trí, sống cùng người. Cuộc đời, nay vẫn có “trời thần tiên”. Có, “đôi bướm nhịp nhàng lả lơi”. Suốt cuộc đời. Để người người cứ thế mà sống. Sống vui. Sống thích thú. Cứ vỗ tay cả vào lúc mình thinh lặng, chiêm ngắm Vua trời đất. Cả vào lúc, chúc tụng ngợi khen hết mọi người. Ngợi khen vì biết chắc Chúa vẫn ở nơi mọi người. Với cuộc đời.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn muốn sống Đạo trong đời

mà vẫn sướng.

“Chúng con ngoại đạo hay ngoan đạo,

“vẫn biết và tin có “Chúa lòng!”

(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Mt 5: 1-12

Từ muôn thuở, nào mấy nhà thơ nay còn nhớ. Nhớ hay chăng, “Chúa lòng” vẫn có đó để mọi người cầu mong. Cầu và mong, nay nhà Đạo lại bảo: “Chúa lòng” của mọi người, là đề tài mà thánh sử lâu nay vẫn quả quyết từ trình thuật đầu đến Tin Mừng cuối, ở Thánh Kinh. Nơi Kinh Sách, các thánh vẫn cứ trình và cứ thuật, để người người biết được mà yêu thương phụng thờ Chúa, rất nguyện cầu.

Mở đầu Tin Mừng, thánh Mát-thêu đã trình và thuật về “Chúa lòng” rất chung tình, bằng nhiều chương đoạn. Chí ít, là bằng 5 bài mở đầu về cộng đoàn sống Đạo, trong đó trước nhất gồm các giá trị đạo đức của dân con Chúa. Thứ đến, là sứ vụ công khai của cộng đoàn. Tiếp theo sau, là: chiều sâu chiêm niệm của dân con nhà Đạo. Là, tương quan kiểu mẫu nơi tín hữu. Và, chiều kích thủy chung nơi niềm tin yêu.

Tựa hồ một thứ giáo lý bỏ túi cho đời sống, 5 bài mở đầu không chỉ dành cho cộng đoàn Mát-thêu thôi, mà cho bất cứ cộng đoàn nào khác. Đó là sứ điệp mà phụng vụ muốn gửi đến hết muôn người.

Sứ điệp đầu, là “Hiến chương” mới mà ta gọi là “Bài Giảng Trên Núi”. Tức, Lời Chúa nói về giá trị mới cho đạo đức của cộng đoàn. Môsê xưa cũng đem đến cho dân con Do Thái bộ luật để đời, từ núi thánh. Viết về Đức Giêsu là Môsê Mới, thánh Mát-thêu ghi lại việc Chúa ban cho dân Ngài một Bộ Luật rất mới. Bộ sưu tập chuyên về giá trị đạo đức như lời giảng giải về đời người, từ núi thánh ở Galilê.

Thật ra, Chúa không chọn nơi cao nguyên bằng phẳng hay chót vót non cao để có một bài chia sẻ vào buổi trưa hè nóng bức. Nhưng Ngài vẫn đưa ra, lúc chỗ này, khi nơi khác, những đoản khúc yêu thương chú trọng đến khôn ngoan cần có, để ta sống. Thánh Mát-thêu vốn nắm bắt được ý tưởng nòng cốt của Chúa suốt chặng dài cuộc đời Ngài, đã đâu kết với nhau thành bài giảng giải hiến chương thương yêu của Chúa, để mọi người thấm nhuần đường lối Chúa muốn, mà thực hiện.

Hiến Chương Chúa ban hành, có phần mở gồm những tuyên ngôn về giá trị đạo đức dành cho con người. Mỗi điều khoản đều bắt đầu bằng cụm từ “Phúc thay”, những 9 lần nhắc đi nhắc lại thứ hạnh phúc dành cho mọi thành phần khác biệt của cộng đoàn Chúa tuyển chọn. Đây không chỉ là giòng chảy tu đức, thôi. Nhưng, còn là thách đố gửi đến xã hội loài người để ta suy tư, ứng xử. Các điều khoản của “Hiến Chương” gồm nhiều nghịch lý nghe rất lạ. Tức, các điều khoản của một hạnh phúc ít thấy có. Thứ phúc hạnh mà phần đông người trong xã hội coi như bất hạnh, hoặc mối hoạ vẫn hiện đến với cuộc đời.

“Phúc thay cho kẻ có tinh thần khó nghèo”. Tức, những người vẫn lang thang đầu đường xó chợ. Các trẻ bán vé số. Các cụ già khất thực. Họ là nạn nhân của bất công xã hội. Là, những người cứ ngày một héo hon. Mòn mỏi. Tàn tạ. Những người vẫn cứ sống nghèo và khổ mãi rồi vô tình trở thành bàn đạp cho người giàu dựa vào đó mà vươn cao. Dựa vào đó, mà ngồi trên đầu trên cổ họ.

“Phúc thay cho kẻ ưu phiền”, tức những người cùng một cảnh ngộ. Từng cảm nghiệm sâu sắc thế nào là tình huống khổ đau. Sầu buồn. Mất mát.

“Phúc cho kẻ đói khát công lý”, vì họ là những người thèm khát sự công minh, chính trực. Là những người không cần đến sự thương hại của bất cứ ai. Họ chẳng cần đến lòng xót thương của bất cứ người nào, mà chỉ muốn đòi lại sự công bằng Chúa ban như thứ quyền dành cho họ, do “Chúa lòng” cởi mở và tử tế vẫn muốn ban. Vì, Ngài là Đấng công minh chính trực, nên con cái Ngài phải được đối xử tử tế như người chính trực, công minh rất đúng nghĩa.

Phúc cho những kẻ sống như thế. Dù, một số người trong họ là những kẻ bần cùng, hẩm hiu. Bẩn thỉu. Không được xã hội công nhận hoặc tôn trọng. Nhưng, họ là những người dựng xây xã hội bình an theo cung cách riêng tây của họ. Họ là những người từng gánh chịu sự mỉa mai và thương tổn do kẻ sung sướng, bóc lột họ gây nên.

Họ là ai, mà sao thời nào cũng thấy xuất hiện?

Phúc âm gọi họ là những người được đến thẳng với Chúa. Là những người, mà Chúa không thấy khó khăn mỗi khi Ngài muốn đến với họ. Giữa họ và Chúa, vẫn có tương quan mật thiết, rất dễ chịu. Giữa Chúa và họ, không có một rào cản. Không vướng mắc. Cũng chẳng cách ly. Họ không sống theo sách vở; nhưng, lại có tương lai sáng lạn mà sách vở hằng mơ ước. Họ là người đích thực được Chúa chúc phúc. Xem thế, thì sự khó nghèo của họ vẫn cứ thẳng tuột, xuyên suốt. Xem thế, thì đó là mẫu hình của tương quan lý tưởng trong Hiến Chương Nước Trời do Chúa thiết lập.

Thời đại hôm nay lại có thêm vấn đề: làm sao cắt nghĩa ý Chúa nói trong “Bài Giảng Trên Núi” được như thế? Có người tuyên bố mình không thể là người nghèo. Cũng không thích nghèo. Và, chẳng bao giờ mong muốn cuộc đời nghèo khó của mình, nếu có, cứ tiếp diễn.

Suy tư về thái độ tự tại của nghèo hèn, ta không bàn nhiều về đòi hỏi phải sống nghèo như Chúa dạy, để rồi sẽ biện luận/diễn giải để cứ gọi đó là “tinh thần khó nghèo”. Nhưng kỳ thực, đó hoàn toàn không hẳn là ý Chúa. Đó cũng không là mục đích mà thánh Mát-thêu nhắm đến khi thánh nhân ghi lại Lời Ngài, về Hiến Chương Nước Trời.

Có người lại bảo: ta vẫn lao động cật lực để kiếm sống, chứ không như đám người ăn bám, vẫn rất lười. Vậy thì, cứ thí cho họ đôi chút gì đó để họ có cơ mà tiến thân. Cùng lắm, cứ gửi họ đến với tế bần, là xong. Kỳ thực, đó cũng không là ý Chúa. Cũng chẳng là mục tiêu mà thánh Mát-thêu nhắm đến khi thánh nhân viết trình thuật cho ta hôm nay.

Vậy thì, thực tế là thế nào? Phải chăng có điều gì đó trong lối sống khó nghèo để người đời không tự đặt mình vào với hệ thống của xã hội? Thật tình, thì nghèo và hèn là bản chất của cuộc sống đính kèm vào với Chúa. Nghèo và hèn, là thứ “hộ chiếu” để người người đến thẳng với Chúa mà không bị vướng mắc vào vật cản nào hết. Không bị ràng buộc vào bất cứ luật lệ nào khả dĩ dễ bị ngăn chặn.

Nghèo và hèn, là chức năng được Chúa chấp nhận để ta có thể vào với Vương Quốc Nước Trời của Ngài, nhờ vào lòng độ lượng Ngài ban cho ta như một quà tặng. Là, tình thương vô biên Chúa tặng thưởng. Là, nỗi niềm ưu tiên cao quý Ngài hiện thực. Là, chức năng cao cả Ngài tặng ban cho dân được tuyển.

Người nghèo, là mục tiêu Ngài nhắm tới để Ngài tạo dựng đất trời. Nghèo, là cứu cánh Thiên Chúa là Cha đã gửi Con Một Ngài đến với ta để cứu độ và ban cho ta sự sống. Chính họ mới là mục tiêu của công trình cứu độ. Nói cách khác, vốn dĩ rất nghèo, nên họ đích thị là con cái Chúa. Đích thị được Chúa nhập thể để trở nên giống như họ. Trở nên chính họ. Hội thánh, sẽ không là hội của các thánh, nếu như Thánh Hội của ta chưa nghèo đủ như họ. Chưa là Kitô-khác cũng rất nghèo.

Giá trị đạo đức của cộng đoàn dân Chúa chỉ thành sự nếu ta biết nhận ra mình là con dân đích thực được Chúa đoài hoài tìm đến. Cộng đoàn Mát-thêu chẳng khi nào làm giảm suy tính chất khó nghèo của Giáo Hội tiên khởi khi các thánh đứng ra quyên góp tiền của trong cộng đoàn mình hầu đem tặng cho những vị còn thiếu thốn/có nhu cầu nhiều hơn.

Cộng đoàn Mát-thêu làm thế, vì các thánh vẫn coi trọng tính chất nghèo hèn của “người nghèo” như kho tàng sống động rất giá trị. Nói cách khác, cộng đoàn Mát-thêu chính là Hội thánh của người nghèo, theo nghĩa tiêu biểu nhất, vì biết sống khó nghèo. Sống, cho người nghèo.

Với Hội thánh, người nghèo không bao giờ sợ mình bị loại trừ, vì tính nghèo của mình. Với cộng đoàn, người nghèo không là mối đe doạ để mọi người phải tránh né. Hắt hủi. Bởi, chính họ mới là thành phần quan trọng của Hội thánh. Chính họ, là nhóm người dám xác minh rằng: chính mình có chức năng và khả năng để biến đổi thế giới. Chính người nghèo như họ, mới là những người đáng sống trong xã hội.

Nếu vậy, ắt có người sẽ hỏi: người nghèo là ai mà ghê gớm thế?

Kinh thánh nói: họ là các khách lạ người dưng. Các bà goá. Các trẻ mồ côi. Với xã hội hiện đại, họ là đám người thoát thân tìm nơi lẩn náu, mà ta vẫn quen gọi họ là dân tị nạn chính trị. Kinh tế. Hoặc, bằng bất cứ tên gọi nào khác. Là, nạn nhân của các gia đình vỡ đổ. Là, giới “bụi đời” sống vất vưởng nơi hang cùng ngõ hẻm. Những kẻ sống vô gia cư, chết vô địa táng, luôn bị xã hội coi thường. Những kẻ thua sút người khác cách này cách khác. Những kẻ bị phân biệt/cách ly bởi những người tự gọi là đạo đức. Là, những kẻ ta gặp ở đâu đó, nơi phố chợ. Những bà mẹ tay xách nách mang một lũ nhóc, rất lôi thôi. Hôi hám. Đáng coi thường.

Hội thánh bảo: nếu ta biết dừng chân đứng lại mà quan sát rồi xét lại bản thân mình, ắt rằng ta phải bắt đầu lại cuộc sống rất khác. Cuộc sống có giá trị đạo đức. Rất phục hồi. Hãy xét lại bản thân, rồi hãy đọc tiếp Tin Mừng thánh Mát-thêu, vào những tuần kế tiếp. Có xét lại bản thân như thế, ta mới tư duy cho phải lẽ. Có ý nghĩa. Lớp lang. Bởi, ý nghĩa của Tin Mừng sẽ chỉ bắt đầu ở đây. Bây giờ, mà thôi.

Có như thế, người đọc và suy niệm Tin Mừng thánh Mát-thêu mới thấm đậm ý nghĩa thi vị của nhà thơ khi ông viết:

“Chuông ngọ từng hồi, chuông ngọ đổ,

Từng hồi chuông ngọ đổ chơi vơi.

Con nghe chuông ngọ đổ, rồi con khóc.

Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi! (Nguyễn Bính – Chuông ngọ)

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch