Monday, 31 March 2008

“Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi, từ những ngày con nước về”

(1P 1: 3-4; 1Cr 15: 17)

Hạnh phúc, có là tên gọi của ai đâu, mà sao nghệ sĩ họ Từ mải réo gọi. Gọi mãi, mà không thấy có trả lời. Có lẽ, nghệ sĩ nhà mình những tưởng hạnh phúc đời thường vẫn là bông hoa biết nói. Là, người con gái đẹp, rất như tranh. Là, bức hoạ trinh trong của cuộc đời, đó chăng?

Hạnh phúc, có đích thật là như thế, không?

Câu trả lời, hẳn là không. Không là bởi vì, với mọi người, hạnh phúc là cái gì khác hẳn. Người, cho đó một hành trình. Kẻ lại bảo, đấy là một gặp gỡ. Nói chung, mọi người đều hiểu: Hạnh Phúc là những gì ta có. Những gì ta thưởng ngoạn, rất mê say.

Nhưng kỳ thực, hạnh phúc là những gì?

Để trả lời, tưởng cũng nên đi một vòng kiểm chứng. Kiểm và chứng bằng câu truyện. Những truyện kể về một kinh nghiệm. Về định nghĩa. Kinh nghiệm và định nghĩa đơn giản, như câu chuyện, ở bên dưới:

“Cụ già tên Hứa nay cũng đã tròm trèm 90. Dáng người mảnh dẻ. Thân hình tương đối cao. Cụ ăn mặc rất gọn gàng. Mặt tươi sáng, luôn vui vẻ. Ở tuổi cửu tuần với ngày tháng cuối cuộc đời, mà sắc mặt cụ vẫn săn sái, hóm hỉnh. Mới đây, người vợ ít tuổi hơn cụ đến 20 năm, đã lặng lẽ đi trước. Thế mà cụ chẳng lấy đó làm buồn lòng. Từ khi bà ra đi, cụ được yêu cầu dời vào chỗ người già. Vì không ai chăm sóc cho cụ nữa.

Vào nơi mới, cụ theo nhân viên gia cư đến ngồi ở phòng đợi chờ làm thủ tục, rất lâu. Khá mệt. Nhưng, vẫn thấy nơi cụ phảng phất một nụ cười nhẹ, tuy không còn tươi như trước nhưng vẫn sắc nét. Khi được nhân viên dẫn đến vào phòng, cụ nhìn quanh quất, thấy không được khang trang cho lắm, nhưng vẫn vui vẻ chỉ vào tấm trải dùng làm màn gió che cửa, rồi nói: tôi thích cái kiểu chế biến màn che đầy sáng tạo như thế này.

Người dẫn cụ vào phòng, thấy vậy bèn nói:

-Cụ chưa biết phòng mình tốt xấu thế nào, mà sao cụ vẫn nói mình thích nó?

-Chuyện tốt xấu nơi ở của mình đâu có thành vấn đề. Này cậu, sở dĩ tôi nói mình thích nó, là bởi vì với tôi, Hạnh Phúc là thứ gì mình đã chọn trước khi có nó, ở trong tay. Lão tôi có thích cái phòng nhỏ này hay không đâu có tuỳ thuộc vào tấm màn che cửa xấu tốt. Mọi chuyện thích hay không, đều do mình chọn lựa cả thôi, cậu ạ. Nói thật với cậu chứ: ngay trước khi bước vào đây để ở, lão tôi nhất định đã nói trong đầu là mình sẽ thích cái đó. Và, nếu mình quyết định là thích, thì tất nhiên nó sẽ tốt và sẽ thích. Đây cũng là thói quen cố hữu của lão vào mỗi sáng. Cứ sáng sáng là lão tôi đều làm thế, ngay khi thức dậy.

Để lão tôi kể cậu nghe cho vui. Mỗi sáng, lão tôi có thể quyết định cứ nằm nướng như thế trên giường lo lắng đủ mọi thứ khó khăn xảy đến trong ngày, từ chuyện đau mình đau mẩy cho chí mấy chuyện ăn uống sao cho đầy bụng, vv. Hoặc, quyết định vụt dậy, đạp tung chăn gối vội ngồi dậy và nguyện thầm những lời cảm tạ trời đất đã cho mình còn đủ sức để sắp xếp mọi chuyện cho có lớp lang, đàng hoàng. Thế là tốt rồi.

Nói để cậu nghe đừng cười lão nhé! Lão đây, ngày nào cũng tâm niệm là mỗi ngày 24 tiếng trời cho, đó là món quà quý mình đừng nên phung phí. Thay vì ngồi đó nhăn nhó, rên la thì lão đây chọn: hãy cứ bằng lòng với hiện tại mình đang có! Rồi sau đó, tập trung xem mình sẽ làm gì cho đỡ buồn chán, vào những ngày còn lại. Thế là bao nhiêu kỷ niệm đẹp của những ngày vui sống với vợ con, cứ thế từ từ trở về trong ký ức, là thấy vui.

Nói của đáng tội, tuổi già nó giống như cái tài khoản trong ngân hàng, vậy. Ta có thể rút từ từ mỗi ngày một chút, xài lai rai trong suốt những tháng ngày còn lại mà mình vẫn chắt chiu và vẫn tiếp tục bỏ vào.

Bởi thế cho nên, bữa nay lão tôi đề nghị cậu hãy bắt chước lão mà rút ra từ từ mọi thứ mà cậu nghĩ đó là hạnh phúc. Rồi sau đó, hãy bỏ nó vào cái tài khoản đầy ắp những kỷ niệm. Và, cậu lôi nó ra mà nhớ mà hưởng lai rai ba sợi, như thế là hạnh phúc, chứ còn gì nữa, phải không? Để lão nói thêm, hãy bắt chước lão mỗi ngày ráng làm sao đừng để cho những chuyện bất ưng hoặc khó chịu nó xâm nhập, nằm mãi trong bụng. Cứ sống đơn giản, như lão đây từng sống. Cứ xài tiền nhà nước cấp, rồi đem cho bọn nít những gì chúng ưa. Và, đừng trông mong sẽ có người đem đến cho mình quà cáp này nọ. Được như thế, tự khắc thấy mình hạnh phúc nhất trên đời, cho mà xem.

Thế đó, là định nghĩa và quan niệm của cụ già 90, về hạnh phúc. Thế còn, nhà Đạo mình thì sao? Tản bộ vào vườn hoa Kinh thánh, ta bắt gặp những quan niệm, như:

Ở Cựu ước, ta thấy:

*”Hạnh phúc thay, kẻ được Ngài giáo huấn” (Thánh vịnh 94)

*”Người đặt niềm tin vào Đức Chúa, hạnh phúc dường bao!” (Châm ngôn chương 16)

*”Còn người gian ác, hạnh phúc làm sao được..” (sách Giảng viên chương 8)

Với Tân ước, thì:

*”Hỡi đầy tớ trung thành, hãy vào mà hưởng hạnh phúc với chủ mình. (Mt 25: 21)

*”Hãy tôn kính cha mẹ, để người được hạnh phúc trên mặt đất này” (Êp 6: 2)

*”Quả thật, Thiên Chúa đã trù liệu cho chúng ta một phần hạnh phúc tốt hơn…”

(Hp 11: 40)

*”Thiên thần bảo tôi: Hãy viết: Hạnh phúc thay

kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên.” (Kh 19: 9)

Tiệc cưới bày sẵn, nay mời con dân nhà Đạo đến dự. Đến, mà hưởng hạnh phúc tràn đầy, đã dọn sẵn. Thế nhưng, hạnh phúc của tiệc nhân gian, chỉ dành để cho những người đã nghe và nhận thức được điều Ngài chúc phúc, trong Hiến Chương Nước Trời. Nước Trời là “đệ nhất khung trời của hạnh phúc.

Nhưng, hiến chương “Hạnh Phúc” của Nước Trời không nằm ở những gì cao sang, lộng lẫy , rất hấp dẫn. Trái lại, chỉ ở vào những điều mà mọi con dân thấy rất đời thường, ở huyện. Những nào: nghèo khó, sầu khổ, bị bách hại… được rao truyền như sau:

"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,

vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành,

vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ,

vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai xót thương người,

vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương…

(Mt 5: 3-7)

Trên đây mới chỉ là phân nửa của Hiến chương 8 điều về Hạnh phúc đích thật. Nhất nhất, mỗi điều đều đề nghị những thứ mà mọi người từng ngán ngẫm. Thế nhưng, những gì mà con người chán ngán không muốn ôm vào mình, lại chính là nguyên tắc làm nền cho mọi thứ hạnh phúc.

Cố Linh mục Nguyễn Thế Thuấn, CssR trong sách chú giải Tin Mừng về hạnh phúc đích thật Chúa rao truyền, đã hơn một lần xác định rằng:

Tin Mừng đã đáp ứng với nhu cầu hạnh phúc của con người. Nhưng, hạnh phúc mà Chúa Yê-su đem lại không phải là (cái) hạnh phúc rẻ tiền. Đây là thứ hạnh phúc phải tranh thủ và chỉ có những người không sợ nỗ lực, và nhiệt thành chết thôi, mới hưởng được…

Hạnh phúc này nâng cao con người lên và lên án mọi thứ hạnh phúc ươn hèn, biến đổi (cái) lòng mong muốn hạnh phúc mà con người chỉ muốn hưởng, chứ không muốn có nỗ lực nào hết.” (Lm Yuse nguyễn Thế Thuấn, Hiến Chương Nuớc Trời, giáo án nội bộ, tr. 49)

Nhưng cố giáo sư kinh thánh chú giải còn đi xa hơn, qua nhận định:

“Chúa Yêsu muốn sự cao trọng của người ta chứ không muốn lấy bất cứ thứ hạnh phúc nào để làm chiêu bài cho Tin Mừng Ngài đem đến.

Vậy, sự cao trọng mà Ngài muốn ban, lớn lao đến đỗi trí lòai người không thể nghĩ ra được; và ý chí của người ta cũng vô phương đạt thấu. Vì ở đây, chúng ta thấy (cái) hạnh phúc ấy cuối cùng là: (cái) hạnh phúc như chính mình Ngài sống trong ý định của Cha Ngài là một người “anaw”, nghèo khó thật trước mặt Thiên Chúa.

(Yuse Nguyễn Thế Thuấn, sđd, tr. 49)

Xem như thế, quan niệm về hạnh phúc giữa người đời và nhà Đạo, thật rõ khác. Người đời có thể là nghệ sĩ lẫn thi nhân. Nhà Đạo, có thể là thánh sử, người công chính hoặc chính Đức Kitô-đã-có-kinh-nghiệm-làm-người, tức những những vị có kinh nghiệm về cuộc sống.

Trong cuộc sống, còn có rất nhiều nhận định khác nhau về niềm an vui hạnh phúc mà mọi người kinh qua. Và, hầu hết những ai đã kinh qua cuộc sống hay không có hạnh phúc, chắc hẳn cũng đồng ý với những nhận xét rất ư là chí lý về kinh nghiệm hạnh phúc, như bên dưới:

“Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc hết.

Hạnh phúc chính LÀ con đường chúng ta đi.

Vì thế, bạn hãy trân quý và vui hưởng mọi phút giây cuộc đời mình.

Không nên chờ đợi gì nữa.

Bởi, hạnh phúc là một hành trình chứ không phải là đích điểm.

Không giờ phút nào đáng quý trọng bằng chính hiện tại mình đang sống.

Vậy, xin đề nghị với bạn: hãy sống và tận hưởng mọi giây phút hiện tại.

Đừng chờ đợi nó đến vào ngay mai.”

(vô danh)

Để minh họa và cũng là phụ họa cho nhận định ở bên trên, xin ghi lại truyện cổ dân gian thần thọai về cái-gọi-là-hạnh-phúc, như sau:

“Vào buổi đầu đời, Đức Chúa dựng nên lòai chó. Và Ngài nói với chó:

-Ngươi hãy ngồi trước nhà mình và cứ sủa liên hồi mỗi khi có người qua lại hay vào nhà. Để làm việc này cho tốt lành hạnh phúc, ta cho ngươi cuộc sống kéo dài đến 20 năm.”

Chó ta nghe xong bèn thưa cùng Chúa:

-Sao con lại phải sống và sủa mãi những 20 năm, lâu quá. Hay, con dám xin Ngài chỉ muốn sống có phân nửa, phần còn lại xin trả Ngài để cho ai khác.

Đức Chúa nghe thấy có lý, bèn chịu ngay.

Ngày thứ hai, Đức Chúa lại dựng nên lòai khỉ và bảo:

-Ngươi hãy giúp vui cho mọi người. Hãy làm “trò khỉ” để thiên hạ cười. Được như thế, Ta cho ngươi sống 20 năm.

Cũng thế, loài khỉ thấy kinh hãi, bèn xin:

-Làm trò khỉ những 20 năm? Thôi, xin Ngài chỉ cho con sống giống loài chó, phân nửa thôi.

Và, Đức Chúa cũng lại đồng ý.

Ngày thứ ba, Thiên Chúa dựng nên loài bò và nói:

-Ngươi ra đồng mà làm lụng suốt ngày quần quật với nhà nông, có ánh nắng mặt trời soi rọi.

Hãy sinh sản cho đông, tạo nguồn sữa ấm cho gia đình nông dân nuôi ngươi làm lụng.

Để làm việc này, Ta cho ngươi tuổi thọ, sống 60 năm.

Loài bò nghe kịp, vội vàng thưa:

-Ôi chao, 60 năm cuộc đời dài vất vả lao động, con chẳng muốn. Dám xin Ngài, chỉ 20 thôi còn lại 40 năm xin dành để loài nào khác.

Thiên Chúa nghe được, lại cũng đồng ý.

Đến ngày thứ bốn, Thiên Chúa bèn dựng nên loài người và phán:

-Hãy ăn uống, ngủ nghỉ, rong chơi, lấy vợ gả chồng cho thoả thích, hạnh phúc. Được như thế, Ta thuận cho con sống đủ 20 năm ròng, sung sướng.

Nghe thấy thế, loài người lại năn nỉ:

Con dám hỏi Chúa, sao lại ngắn thế. Có thể nào, dám xin Ngài cho 20 năm phần riêng của con. Cộng 40 năm loài bò trả lại. Thêm vào đó 10 năm của loài khỉ buông xuôi và cộng nốt phần 10 năm của loài chó bỏ xó. Tổng cộng là 80 niên, Ngài đồng ý chứ, con dám xin?

Thiên Chúa nghe xong, thấy được và phán;

Đó chính là điều con mong muốn, chứ không phải do Ta.

Cứ theo quan niệm tưởng-chừng-như-hạnh-phúc mình mong muốn, loài người có 20 năm đầu toàn những ăn uống ngủ nghỉ và rong chơi, vui hưởng hạnh phúc của cuộc đời. 40 năm tiếp, làm thân nô lệ lao lực dưới ánh nắng chang của mặt trời để nuôi dưỡng gia đình. 10 năm kế tiếp chỉ chuyên làm trò khỉ giúp mọi người vui hưởng cuộc chơi. Và, 10 năm còn lại ngồi đó, trước cổng nhà và sủa mãi với bà con.

Nếu nhìn lại những gì mà được gọi là Hạnh và Phúc mà chúng ta thường trông đợi ở đời thường, đều là sung sướng, giàu sang, danh vọng, quyền lực, tình, tiền tài…những là của cải vật chất

Nhưng, câu hỏi vẫn còn đó, nỗi buồn. Hỏi rằng: thế đó, có phải là hạnh phúc, chăng?

Thế đó, có là cuộc đời? của con người?

Có là, đời người của người đời? hay, còn là cuộc sống của nhà Đạo?

Hỏi, tức đã phần nào trả lời. Trả một lời. Cho một người.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ luôn hỏi

nhưng chưa dám

trả lời.

Monday, 24 March 2008

“Xin cho thương em thật lòng, còn có khi lòng thôi giá băng”

(Giáo luật 213 - 1Cr 11: 33)

Luận phiếm về giờ giấc người mình, hẳn ai cũng biết là ta đang bị chỉ trích, khích bác về chuyện đúng giờ. Đúng giờ đúng giấc cả khi dự các nghi tiết phụng vụ, cũng như tiệc tùng, rất lành và cũng rất thánh. Chuyện giờ giấc đúng giờ, hình như đã và đang là cố tật, thật khó chữa.

Về chuyện này, bần đạo còn nhớ câu vè đặc biệt nói về người mình như sau: “Không ăn cắp không phải người Mễ. Không đi trễ, không phải người Việt.” Cách đây không lâu, vấn đề này đã được một linh mục người Úc nói rất sõi tiếng Việt, Lm Kevin thuộc giáo phận Parramatta, từng “báo động” với cộng đoàn người mình, ở một tiệc cưới.

Thật ra, phê bình đặc trưng đặc điểm của một số người Việt sống ở đất tạm người dưng gần xứ Mễ tây Cơ ấy, cũng là chuyện không phải. Đâu phải, chỉ có người mình mới mang trong mình những cố tật như thế. Nói cho ngay, đây có lẽ là cố tật của rất nhiều người, Tây cũng như Tầu. Người Mễ cũng như dân Mít, ở biển Đông. Và, cả ở nhà Đạo mình nữa.

Nhằm chứng minh cho chuyện này, vừa qua cũng lại xuất trên báo những câu hỏi và các trả lời, có liên quan. Các cụ ngày xưa thường gọi đó là “nói có sách mách có chứng”. Nay, mời bạn và mời cả tôi, ta cũng lại nghe thêm mục “hỏi – đáp”, rất nhà Đạo. Ở bên dưới.

Câu hỏi hôm nay, vẫn đưa ra từ người con người dân rất Đạo, ở Úc. Và, câu giải đáp cũng lại là câu “thiêng liêng sáng láng” của đấng bậc vị vọng đã nghe quen ở Sydney, Lm John Flader. Là, đức thầy phụ trách mục hỏi đáp trên Tuần Báo Công Giáo Sydney số ra ngày 17-2-2008. Hỏi và đáp hôm nay như sau:

“Tôi có người bạn cùng chung sở làm. Cô cứ kể cho mọi người nghe về nhiều chuyện xảy ra tại giáo xứ của cô. Một trong những chuyện mà tôi cho là không đẹp cho lắm, những vẫn được cô kể lại, là: ý kiến của vị linh mục chánh xứ nhà thờ nọ, nói về chuyện đi lễ đúng giờ. Cô kể rằng: có lần đức ngài chánh xứ từng đe nẹt giáo dân rằng thì là: nếu anh chị em trong xứ đạo này đi dự lễ Chủ Nhật mà lại đến trễ, thì nên nhớ rằng họ sẽ không được tôi cho lên rước lễ đâu, đấy!… Chưa hết, một bạn đồng nghiệp khác nghe chuyện, bèn góp giọng, khoe rằng: có ông linh mục chánh xứ khác cũng nói: ngài sẽ không trao mình thánh Chúa cho bất cứ ai, nếu chỉ tới dự lễ sau giờ đọc Phúc Âm…

Và câu hỏi hôm nay tôi đưa ra là: Hội thánh của ta quan niệm thế nào về việc đi lễ trễ?

Ký tên: một giáo dân hèn mọn ở xứ nhà.

Và, để trả lời câu hỏi trên, Linh mục John Flader, đưa ý kiến:

“Trong câu hỏi ông đưa ra, tôi thấy có một số vấn đề nên bàn luận. Trước nhất, là sự trọn vẹn của Thánh Lễ, nhìn dưới khía cạnh động tác đơn thuần trong phụng tự. Thánh lễ, thật sự bao gồm hai phần chính được gọi là thánh lễ, đó là: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Bẻ Bánh.

Phụng vụ Lời Chúa, khởi sự bằng nghi tiết Dẫn Nhập, có dụng đích giúp người tham dự chuẩn bị nghe biết Lời Vàng của Chúa một cách có kết quả. Để rồi, khi qua phần Phụng vụ Bẻ Bánh, ta sẵn sàng hiện diện để đi vào tình huống có hy sinh, có tế tự trên đồi Can-va-ri-ô đang diễn ra trên bàn thờ. Nhờ đó, ta nhận lĩnh “Ngôi Lời mặc lấy xác phàm” qua việc Hiệp Thông rước Chúa.

Chính vì lý do này, ta hiểu được rằng Thánh lễ tạo thành hình thức đơn thuần nơi việc phụng tự. Và từ đó, nhận ra tầm quan trọng của sự hiện diện trọn vẹn của Chúa nơi tiến trình buổi lễ.

Lý tưởng ra, ta nên đến nơi cử hành thánh lễ, trước giờ khai mạc, để có thể tập trung chuẩn bị cho Thánh lễ, trong thinh lặng. Thánh lễ thực sự là điểm nổi bật trong ngày, hoặc trong cả tuần lễ nếu ta chỉ dự thánh lễ vào ngày của Chúa, thôi. Và, cũng là việc tự nhiên, nếu ta cố ý tới sớm hoặc đúng giờ để chuẩn bị cử hành cho đúng phép.

Nhưng hỏi rằng, chuyện gì xảy đến, nếu việc trễ tràng cũng giống như các thói tật không hay khác, dù việc ấy không do lỗi của mình. Ở đây, cần phân biệt hai trường hợp: thánh lễ Chủ Nhật và thánh lễ thường nhật.

Nếu là thánh lễ Chủ Nhật, khi ta buộc lòng phải đi lễ, cũng nên đi cho sớm để khỏi phải dự thêm một lễ nữa. Thành thử, nếu thật lòng muốn đi lễ, cũng nên đi cho đủ lễ. Giả như, thánh lễ ta tham dự là buổi lễ cuối cùng trong ngày mà mình có thể thu xếp đến dự, thì hãy nên đến vào lúc thánh lễ còn diễn tiến.

Với câu hỏi: để gọi được là đã dự lễ cách trọn vẹn, thì nên đến vào giai đoạn nào để tránh cặp mắt của anh em đồng đạo cứ coi là mình đến trễ; và dự lễ cách nào thì gọi là “đi chưa đủ lễ”?

Lâu nay vẫn có ý kiến cho rằng ta có thể có mặt từ lúc sửa soạn của lễ mà dâng lên bàn thờ- mà ta thường gọi là Dâng Lễ- cũng tạm coi là đủ để chu toàn luật buộc, khi dự lễ. Nhưng, nếu đặt tầm quan trọng vào Phụng vụ Lời Chúa và vào sự trọn vẹn của thánh lễ, thì lý tưởng ra, hãy nên đến kịp vào lúc bắt đầu phần đọc sách thánh. Dù sao đi nữa, bởi vì Hội thánh không có lời dạy chính thức về điểm này, nên ta có thể cứ ung dung mà hưởng lợi ích trong chuyện này, tức là: nên đến vào trước lúc bắt đầu phần chuẩn bị dâng của Lễ.

Nếu thánh lễ được cử hành vào ngày thường, không buộc mọi người phải tham dự, hoặc có khó khăn trong việc đi thêm một lễ nữa, thì lúc ấy cứ việc ở lại mà dự lễ, dù ta có đến trễ.

Về chuyện không cho người dự lễ trễ được phép hiệp thông rước Mình Thánh Chúa, thì cho đến nay ta chưa tìm ra đưọc lý thoả đáng nơi giáo huấn của Hôi thánh để bào chữa chuyện này. Tuy nhiên, trong Giáo luật Hội thánh có nói: “giáo dân có quyền được vị mục tử của mình chia sẻ sự phong phú linh đạo của Giáo hội, đặc biệt là nơi Lời của Chúa và nơi phép bí tích” (xem Giáo luật số 213)

Về việc từ chối không cho bổn đạo đi lễ trễ được Hiệp thông rước Chúa, thì Giáo luật cũng ghi rõ và rất hạn chế, như sau: “Những ai bị công khai tuyên bố là đã mắc phải vạ tuyệt thông hoặc rõ ràng bị cấm đoán không được bước lên bàn thánh rước lễ, và người nào ngang bướng cứ khăng khăng cố chấp ra mặt, bất kể làm như thế có mắc tội trọng hay không, thì không được phép hiệp thông rước lễ.” (Giáo luật 915). Còn, việc từ chối không cho bổn đạo được rước Chúa vào lòng vì bất cứ lý do nào khác, là một thứ lạm dụng quyền bính.

Nói cách khác, đến dự lễ trễ, trong nhiều trường hợp, không có nghĩa là mình “ngoan cố cứ khăng khăng ra mặt chẳng bối rối là mình làm thế có thể là mắc tội trọng”, hay nhẹ. Dù ở vào trong trường hợp nào đi nữa, thì dường như các linh mục ít có khả năng biết rõ lý do khiến cho giáo dân bổn đạo mình trễ nãi khi tham dự thánh lễ là do họ thiếu cẩn trọng hoặc vì một lý do nào khác chính đáng, thì linh mục ấy phải hiểu là giáo dân của mình sở dĩ bữa ấy đi lễ trễ là vì họ có lý do chính đáng. Hiểu và thông cảm như thế, mới thích hợp với tư cách người mục tử.

Nói tóm, là giáo dân, ta cũng nên có cố gắng đi lễ cho kịp giờ, và cũng nên đi càng sớm càng tốt. Đi sớm, sẽ chuẩn bị lòng trí mà hiệp thông. Tuy thế, nếu có đến trễ, cũng cứ tự nhiên mà bước về phía trước để đón rước Chúa vào lòng; miễn là ta đã chuẩn bị đủ để làm việc ấy.

Cuối cùng, thì tham dự thánh lễ không là chuyện bắt buộc phải làm như thế mới được rước Mình Thánh Chúa. Bởi, trong nhiều trường hợp, giáo dân chúng ta vẫn có thể đón rước Chúa vào lòng mình, ngoài giờ cử hành thánh lễ. Như, trường hợp đau ốm bệnh tật, hoặc đang nằm bệnh viện, hoặc tình huống bất khả kháng khác, chân cẳng có vấn đề đi đứng… (John Flader, The Catholic Weekly, 17-Feb-2008, t.10)

Hẳn là độc giả trên chắc đã thở phào, nhẹ nhõm khi nghe câu trả lời lần này. Thở phào, khi “được lời như cởi tấm lòng”. Cởi và mở tấm lòng, là tình trạng sống Đạo của rất nhiều dân con nhà Chúa. Thở phào, vì tham dự lễ Chủ Nhật vẫn là chuyện “thường ngày ở huyện”. Vẫn xảy ra trong nhà của Chúa, nơi có lễ. Có lễ và có lạy, khi rước Chúa ngự trong lòng của người anh người chị, ở khắp nơi. Chúa đi vào lòng người, là chuyện ta nên khuyến khích mọi người. Chứ, đừng đưa ra những doạ và nạt, nghe đến sợ.

Được biết, dân con nhà Chúa ở huyện ngoại thành, hay ngoài nước vẫn hay tránh né những o ép, rất ư là luật lệ. Những o ép rất khó chịu. Vậy thì, đưa ra làm gì nhiều vấn đề, cho thêm mệt?

Còn nhớ, Hội thánh tiên khởi cũng đã có những trường hợp o ép/khúc mắc tương tự, khiến người dân đi Đạo ở huyện nội thành xứ Cô-rin-thô, từng hỏi han. Và Phao-lô thánh nhân cũng đã kịp thời có lời khuyên rất thánh gửi đến bổn đạo nhà. Những lời khuyên bảo, mà ngày nay ta vẫn coi là Lời của Chúa được đọc vào buổi cử hành một số thánh lễ, trong Đạo. Để tóm tắt, xin ghi lại những lời tường trình bên dưới:

“Cho nên, thưa anh em,

khi họp nhau để dùng bữa,

anh em hãy đợi nhau”

(1Cr 11: 33)

Hoặc:

“nếu có ai nghĩ mình phải cãi lý,

thì đó không phải là thói quen của chúng tôi,

cũng như không phải là thói quen

trong các Hội Thánh của Thiên Chúa.”

(1Cr 11: 16)

Thật ra, chuyện ở đây không là “phải cãi lý”, hoặc “hãy đợi nhau khi (dự lễ Bẻ Bánh) dùng bữa”, mà là hãy sống với nhau, gặp nhau như những người anh người chị cùng nhà. Cùng gia đình, cùng cộng đoàn để rồi ta trông ngóng/đón chờ ngày Chúa quang lâm. Nếu thế, xá gì một chút nhịn nhau. Nhường và nhịn, chứ không phải là đe và nẹt, từ đấng bậc trên cao. Rất đáng sợ sệt.

Phải thế không bạn?

Phải thế không tôi? Những tôi và tớ, trong nhà Đạo. Nhà của Chúa, vẫn mời chào người con.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ hỏi những tôi cùng tớ

Những câu vớ vẩn

Và vẩn vơ như thế.

Tuesday, 18 March 2008

“Và niềm tin đã dâng về Người, tôi hy vọng được ơn cứu rỗi”

(Ga 11: 25)

Thường ngày, bần đạo rất vui và rất thích mở báo điện Viet Tide ra để đọc các bài của tác giả Bùi Bảo Trúc có đề tựa “Thư Gửi Bạn Ta”, hoặc “Chữ Nghĩa chúng ta”,vv… Nói vui và thích, là vì tác giả họ Bùi là một nhà văn và nhà báo rất thông thạo chữ nghĩa, lại thích trích dẫn thơ văn, của người xưa.

Thông thường, thì các tác giả, khi viết bài, đều kết luận bài viết của mình bằng đường lối mà người xưa gọi là “happy ending” (tức: kết hậu). Riêng tác giả họ Bùi, thì bần đệ có nhận thấy: thi thoảng, ông lại kết bằng những cụm từ nghe rất chán, như: “Rõ thật chán!”, “Chán đến thế là cùng”, “Chán không thể chịu được”… mặc dù bài ông viết và kể vẫn rất vui và khá thích thú.

Ngẫm lại cuộc đời, ta phải công nhận rằng: 60 năm cuộc đời này có là bao, mà sao người đời thường dễ thấy chán. Chán nhiều hơn thích. Chán sống. Chán đời, hay chán ngán. Nói đi thì bảo rằng thích, nói lại thì kêu là chán, có phải tất cả đều là những tình tự xuất phát từ con người chăng?

Nhập-mục đề tài chuyện phiếm hôm nay, bần đệ kính mời bạn bè người thân, cùng nhau ta loanh quanh bàn chuyện lòng Đạo và lòng người. Mạn phiếm và mạn bàn, để xem lòng Đạo người nhà mình có “như lá úa trong cơn mưa chiều”, rất đáng chán không. Có nên “kết hậu” chuyện anh em mình bàn không? Hay, ta chỉ nên kết bằng cụm từ “đáng chán” như tác giả họ Bùi thường làm? Nhất là, mấy ngày qua, người nhà Đạo mình vừa trải qua giai đoạn “chán chết” rất sầu buồn, vì Đức Chúa cứ chịu cảnh “lòng người như lá úa”, lúc sinh thì.

Còn chuyện gì rất-đáng-nhưng-không-chán, như chuyện Thầy Chí Thánh hỏi ta qua chị Mác-ta:

“Chính Thầy là sự sống lại

và là sự sống.

Ai tin vào Thầy,

thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.

Ai sống và tin vào Thầy,

sẽ không bao giờ phải chết.

Chị có tin thế không?”

(Ga 11: 25)

Nói đến chuyện buồn và chán, thì chán nhất là chuyện chết. Ấy thế mà, Thầy Chí Thánh vẫn mặc lấy cho Ngài cả sự sống, lẫn sự chết. Thầy còn chết một cách tưởng-như-là thảm hại. Chết nhục nhã. Chết, theo cách nói của tác giả họ Bùi, “thật rõ chán”! Chán chết! Hoặc, chán đến chết. Thế nhưng, Thầy vẫn cứ chịu nỗi “chán chết”, và những sự “chán đến chết”, chỉ vì con người. Cam chịu nỗi chết và cảnh buồn chán như thế, vì “Thầy là sự sống lại và là sự sống”. Tin vào Thầy, ta sẽ không còn thấy sự chết, hoặc những sự “chán chết đi được”, nữa. Vì, Thầy vẫn bảo: “Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.” Sống như Thầy nói là sống vui. Sống không còn biết chán.

Nói các khác, người người thường hay nói “chán”, là chưa hoàn toàn tin cho đủ. Bởi, chưa tin nên mới thấy chán. Mới chán sống. Chán đời. Chán cả chuyện tin lẫn tưởng. Và, nhất là, chưa gặp niềm vui đi Đạo. Trong Đạo. Chính vì thế, Chúa thường giảng giải:

“Nếu tôi nói với các ông

về những chuyện dưới đất

mà các ông còn không tin,

thì giả như tôi nói với các ông

về những chuyện trên trời,

làm sao các ông tin được? "

(Ga 3: 12)

Ở đoạn khác, trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, Chúa còn nhất mực quả quyết:

Vì nếu các ông tin ông Mô-sê,

thì hẳn các ông cũng tin tôi,

bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi.

Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin,

thì làm sao tin được lời tôi nói?"

(Ga 5: 46)

Xem như thế, có tin mới hết chán. Và, tin là tin ai. Tin vào lời của ai đó. Và, tin vì đã thấy và nghe được những quả quyết của Đức Chúa. Thế nhưng, có những điều người người đã thấy và biết, vẫn không tin. Vẫn cứ bảo: “rõ thật chán chuyện!” “Chán đến độ hết muốn tin!”. Hết muốn tin, hoặc đã hết tin, như ở đoạn khác, trong Tin Mừng:

“Chính tôi là bánh trường sinh.

Ai đến với tôi, không hề phải đói;

ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

Nhưng tôi đã bảo các ông:

các ông đã thấy tôi mà không tin.”

(Ga 6: 35b-36)

Quả như Chúa nói, sở dĩ người Do Thái xưa -và những người rất thông thái hôm nay- vẫn thấy đói và khát, là vì họ không tin vào Đấng-Là-Bánh-Hằng-Sống. Vẫn cứ đói và khát sự vui mừng. Để, không còn biết nói chán, nữa. Những người như thế, bạn và tôi xưa nay vẫn từng nghe biết. Vẫn từng gặp, rất nhiều. Truyện dưới đây, là trường hợp cụ thể minh hoạ cho điều ta vừa đề cập ở trên. Rất đặc trưng như sau:

“Có một giáo sư đại học nọ thuộc giới vô thần, không tin có Trời - Phật gì hết. Nhưng, ông lại thích nói chuyện thần thông, sáng láng. Buổi dạy hôm ấy, vị Giáo sư vừa vào lớp dạy đã kể cho sinh viên nghe một câu chuyện khoa học, rất thường thức. Kể chuyện khoa học là để học tập, chứ không phải để thực nghiệm hay xét nghiệm gì hết. Các truyện mà vị Giáo sư này kể, thường là chuyện khoa học cũng thường thức như ta vẫn có với Đức Chúa, Đấng Thần Thông Sáng Láng. Giáo sư mào đầu câu chuyện xong, bèn chỉ vào người Sinh viên đi Đạo mới vừa nhập trường, và hỏi:

Giáo sư: Có phải là em theo Đạo Chúa, không?

Sinh viên: Dạ, đúng.

Giáo sư: Như thế, là em tin có Chúa, phải không?

Sinh viên: Dạ, đúng.

Giáo sư: Thế, Chúa có tốt lành không em?

Sinh viên: Dạ, thưa thầy dĩ nhiên là Chúa tốt rồi.

Giáo sư: Chúa quyền năng ghê gớm lắm phải không, em?

Sinh viên: Dạ, đúng thế.

Giáo sư: Vậy, thế tại sao thầy đây có người anh vừa chết vì bệnh ung thư. Ông cầu nguyện với Chúa của ỗng dữ lắm, mà cũng chẳng ăn thua gì. Em biết! Phần đông chúng ta đều giúp đỡ nhau khi thấy ai đau yếu, bệnh tật. Còn Chúa thì không. Như thế, Chúa có tốt lành gì đâu!

(Cả lớp học bỗng im lặng. Không ai nói điều gì.)

Giáo sư: Em không trả lời được, phải không? Để thầy hỏi lại nhé. Chúa có thật sự là tốt không?

Sinh viên: Có đấy, thầy.

Giáo sư: Thế, Xa-tan cũng tốt chứ?

Sinh viên: Không.

Giáo sư: Xa-tan từ đâu mà ra?

Sinh viên:Dạ, từ …Chúa…

Giáo sư: Đúng. Vậy, hãy nói cho thầy biết, ở thế giới này ác độc sự dữ có hiện hữu không?

Sinh viên: Dạ, thưa có.

Giáo sư: Như vậy là, độc ác/dữ tợn ở khắp nơi phải không? Và, Chúa làm nên mọi sự. Có đúng không?

Sinh viên: Dạ, đúng thế.

Giáo sư: Vậy, ai dựng nên độc ác/dữ tợn?

(Đám sinh viên không thấy nói gì thêm)

Giáo sư: Trên đời, thực sự có ốm đau, bệnh tật, phải không? Thế, có những chuyện gọi là vô luân, không? Có ghét ghen, chuyện xấu đủ mọi cỡ phải không? Tất cả những điều ghê khiếp ấy đều thấy có trên thế giới này, phải thế không?

Sinh viên: Dạ thưa, đúng thế.

Giáo sư: Nếu thế, ai là người dựng nên những thứ ấy?

(Không thấy có sinh viên nào trả lời câu hỏi này)

Giáo sư: Đây này, khoa học cho biết ta có tất cả là 5 giác quan có thể mang ra sử dụng để định hình và quan sát thế giới quanh ta. Vậy, em hãy nói cho thầy biết … em có thấy Chúa bao giờ chưa?

Sinh viên: Dạ, thưa chưa.

Giáo sư: Thế, em có nghe Chúa nói chuyện bao giờ không?

Sinh viên: Dạ, không.

Giáo sư: Có khi nào em sờ thấy Chúa, nếm được Chúa và ngửi mùi thơm của Chúa không? Có bao giờ em có cảm giác đại loại như thế về Chúa, không?

Sinh viên: Dạ, không. Chưa bao giờ em được như thế.

Giáo sư: Nhưng, em vẫn tin có Chúa chứ?

Sinh viên: Dạ, đúng thế.

Giáo sư: Theo qui ước, thì những gì đã thực nghiệm được, nếm được và chứng minh được, khoa học lâu nay vẫn bảo: CHÚA không có thật. Em thấy thế nào về nhận định này của khoa học?

Sinh viên: Dạ, không thấy gì hết. Chỉ tin, thôi.

Giáo sư: Đúng. Tin. Niềm tin. Chính đó mới là vấn đề mà khoa học đang gặp.

Sinh viên: Thưa Giáo sư, nóng có thật không?

Giáo sư: Có, chứ em.

Sinh viên: Thưa Giáo sư, có thứ gì gọi được là lạnh không?

Giáo sư: Có chứ.

Sinh viên: Không, thưa Giáo sư. Những thứ ấy, không có thật.

(Tới đây, giảng đường bỗng im phăng phắc, cả thầy lẫn trò không ai nói điều gì.)

Sinh viên: Thưa Giáo sư, ngôn ngữ chúng ta nói đến rất nhiều thứ nóng: có cả những cái rất nóng, siêu nóng, thiên nóng vạn nóng, nóng trung trinh, nóng chút đỉnh hoặc chẳng nóng gì hết. Nhưng lại chẳng có thứ gì gọi là lạnh, hết. Ta có thể đạt thấp xuống tới 485 độ âm. Như thế có nghĩa là: ở đó không có nóng, nhưng ta lại không thể đi sâu xuống độ lạnh hơn thế. Thật sự mà nói, chẳng có gì gọi là “lạnh” hết. Lạnh, chỉ là từ ngữ ta dùng để mô tả sự vắng mặt của cái gọi là “nóng”, thôi. Ta không thể đo lường được “lạnh”. Nóng, là năng lượng. Còn, thưa Giáo sư, “lạnh” lại đối nghịch với nóng. Nó chỉ là sự vắng bóng của nóng, mà thôi.

(Giảng đường bỗng lặng im như tờ.)

Sinh viên: Thưa Giáo sư, Giáo sư nói thế nào về tăm tối? Có tăm tối không?

Giáo sư: Có chứ. Thế, đêm là gì, nếu không phải là tối tăm.

Sinh viên: Thưa Giáo sư, Giáo sư lại sai nữa rồi. Tăm tối là sự vắng mặt của một thứ gì đó. Giáo sư có thể có sáng riu riu, sáng bình thường, sáng quắc, sáng nhấp nháy, vv.. Nhưng, nếu không thấy ánh sáng liên tục, Giáo sư sẽ không thấy gì hết và điều đó gọi là tăm tối. Thưa, có phải thế không ạ? Nhưng, trên thực tế, tăm tối không có thật. Bởi, nếu có, thì bản thân Giáo sư, Giáo sư có thể làm cho tăm tối trở nên tối tăm hơn, có phải không ạ?

Giáo sư: Vậy thì, quan điểm của em là ở chỗ nào, hỡi bạn sinh viên trẻ?

Sinh viên: Dạ thưa Giáo sư, quan điểm của em là thế này: Giáo sư đã triết lý và lập luận một cách sai bét.

Giáo sư: Sai bét ư? Em cứ giải thích, rồi ta xem.

Sinh viên: Dạ thưa Giáo sư. Cho đến giờ, Giáo sư lập luận theo kiểu lưỡng nguyên. Giáo sư cho rằng: đã có sự sống. Rồi, cũng có sự chết. Có Chúa tốt lành và có thần linh xấu. Giáo sư có trong đầu cái quan niệm cho rằng Đức Chúa là cái gì hữu hạn. Là, những gì ta có thể đo lường. Em xin thưa với Giáo sư, là: khoa học không thể nào giải thích được, dù chỉ là tư tưởng. Nó sử dụng điện năng và từ trường, nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy được những thứ ấy. Và, cũng chẳng tài nào hiểu được một trong hai thứ. Nếu nghĩ cái chết là thứ gì đối nghịch lại sự sống, tức là mình đã u mê không rõ được sự thể là: cái chết không hiện hữu như sự vật hiện hình. Chết, không phải là cái gì đối nghịch lại sự sống: mà chỉ là vắng bóng sự sống, thôi. Đến đây, em xin phép được hỏi Giáo sư một câu: có phải Giáo sư từng dạy cho các sinh viên học trò của Giáo sư biết, là: họ tiến hóa từ con khỉ, có phải thế không?

Giáo sư: Nếu em muốn nói đến cuộc tiến hóa tự nhiên, thì đương nhiên là như thế. Đúng là, thầy đã từng nói với các Sinh viên của thầy như thế.

Sinh viên: Dạ thưa Giáo sư, có bao giờ Giáo sư quan sát sự tiến hóa của con người bằng chính con mắt của Giáo sư không?

(Giáo sư lắc đầu kèm theo một nụ cười mỉm, khá ái ngại. Không biết tranh luận sẽ đi về đâu.)

Sinh viên: Bởi lẽ, chưa có ai chứng kiến tận mắt công cuộc tiến hóa ngay tại chỗ. Và cũng chẳng có ai dám quyết đoán tiến hoá này là sự tăng trưởng vẫn còn đang diễn tiến. Nên, không biết là Giáo sư có dạy cho các sinh viên biết lập trường của mình không, thưa Giáo sư? Có đúng, Giáo sư không phải là nhà khoa học, mà chỉ là Giáo sư giảng dạy thôi, phải không?

(Đến đây, cả giảng đường bỗng có tiếng xầm xì.)

Sinh viên: Xin hỏi, có ai trong giảng đường này từng được thấy tận mắt bộ óc nhũn nhẽo của Giáo sư thầy mình không?

(Giảng đường bỗng phá lên cười ầm.)

Sinh viên: Ai trong chúng ta từng được nghe bộ óc của ông thầy mình, từng sờ thấy, từng có cảm giác hoặc ngửi thấy óc nhũn nhẽo của Giáo sư thầy mình, không? Xem ra, chưa từng có ai làm được như thế, phải không nào. Vậy thì, theo qui luật về những gì đã thực nghiệm được, những gì khá vững chắc, và có thể chứng minh được, khoa học vẫn bảo rằng: thưa Giáo sư yêu dấu, Giáo sư thật ra không có óc, gì hết. Với tất cả lòng tôn kính sẵn mà các sinh viên học trò đây dành cho thầy mình, thì thưa Giáo sư, làm sao tụi em có thể tin vào những điều Giáo sư đang dạy, được?

(Giảng đường lại im lặng. Giáo sư giáo nhìn trừng trừng vào người sinh viên vừa phát biểu. Mặt ông gồng cứng, thất thần.)

Giáo sư: Thì, thầy thiết nghĩ, em cứ việc đem tất cả những thứ ấy mà đưa vào lòng tin của mình mà thôi, hỡi người bạn trẻ.

Sinh viên: Đúng là như thế, thưa Giáo sư… Và, sợi giây liên kết giữa người với Chúa, với Trời là NIỀM TIN, mà thôi. Chỉ có NIỀM TIN mới tồn tại làm cho mọi sự/mọi việc cứ thế mà chuyển động. Cứ thế mà có thật, thôi.

Truyện kể ở trên vẫn nhẹ nhàng. Chỉ có thế. Nhè nhẹ và làng nhàng, như bất cứ chuyện phiếm những kể lể. Tức, chỉ làng nhàng, kể lại để nghe cho vui. Chứ tuyệt nhiên không có ý muốn thuyết phục ai. Và, cũng chẳng có ý giảng và thuyết như một bài chia sẻ, ở nhà thờ. Giảng về niềm tin. Thuyết về niềm riêng. Có thương và có yêu. Nói cho cùng, mỗi lần phiếm, bạn và tôi không kỳ vọng coi đó như bài giảng, để thuyết phục người đọc. Chí ít, là như bài dạy của vị giáo sư trong truyện.

Phiếm loanh quanh nhè nhẹ, chỉ để mua vui với bầu bạn một đôi phút. Những mong bầu bạn sẽ cùng bần đệ, ta cứ tiếp tục phiếm nhẹ như thế, trong mai ngày. Rất cầu và cũng rất mong.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ cầu mong

được phiếm nhẹ với bầu bạn

ở khắp nơi.