Monday 3 March 2008

“Đau thương xé môi gầy, mà lòng vẫn mơ say”

(1Cr 10: 1-33)

Trong sống thực cuộc đời đi Đạo, người người thường có cảm nhận về những thứ mà nhà nghệ sĩ khi xưa đã diễn tả bằng các cụm từ rất thân thương: “đau thương xé môi gầy, mà lòng vẫn mơ say”

Đau đến xé môi xé miệng, quả là những đau và thương rất lớn. Môi đã gầy gò ốm yếu, mà bị xé nát đến thương đau, thì hẳn là bạn và tôi, có lúc cũng bị nghiến thấu tâm can. Lòng trí cũng chẳng còn những mơ say, nữa. Xé nát, đến đau thương và hết mơ say, vẫn là tình tự xảy đến khi có quá nhiều cãi tranh. Quá nhiều mũ chụp ô dù đặt lên đầu con dân trong ngoài nhà Đạo.

Con dân “xé môi gầy” trong ngoài nhà Đạo, như bạn và tôi lâu nay thường thấy xảy đến ít nhiều tình huống có sâu và có xé. Có cãi tranh, có mũ chụp về nhiều chuyện. Chuyện uy danh quyền lực. Chuyện sống Đạo. Chuyện nào cũng to cũng tát. Cũng lấn át hết mọi chuyện.

Nếu để ý, bạn và tôi sẽ thấy ở nơi chính trường hay chốn thương nghiệp, chỗ nào cũng có cãi vã, có tranh giành. Cãi và tranh đến thương đau, xé nát. Cãi và tranh, đến nổ đom đóm. Mất cả lương tâm. Mất hết tình người.

Vừa qua, một bạn trẻ khác ở Sydney cũng lại có thắc mắc và hỏi han, rất nhiều. Thắc mắc bạn ấy đưa ra hôm nay, không bức xúc đến độ gây tranh và cãi như các chính trị gia chuyên làm luật. Nhưng, cũng rất “xé môi gầy”, ngay chốn nhà Đạo. Về chuyện Đạo. Về chuyện mà người đời, nay hay dùng từ hoa-mỹ để gọi: là tả phái/hữu khuynh, là cấp tiến/cổ hủ…rất rối mù.

Thành thử hôm nay, bạn và tôi ta hãy để tâm quan sát những hỏi và đáp giữa cặp thầy - trò ở bên dưới. Quan sát, để xem người nhà Đạo mình có sinh hoạt gì mà sao cứ tranh luận và cãi vã hoài như thế. Quan sát, để ý đến những thắc mắc như thế này:

“Tôi có vài thắc mắc, xin linh mục vui lòng giải thích cho biết: hiện có chăng cái-gọi-là khuynh hướng tả phái/hữu khuynh, nơi nhà Đạo như ở chính trường? Nói khác đi, có chăng nơi nhà Đạo, phe cấp tiến hoặc bảo thủ, như ngoài đời? Và nếu có, ta giải quyết làm sao? (Người hỏi tên ký tắt là: K.G.)

Lần này, người trả lời lại là đấng bậc đã một thời vị vọng nổi tiếng trên truyền thông báo chí rất “Đạo”: đó là, Lm Brian Lucas thuộc Tuần báo Công giáo ở Sydney, như sau:

Khi gọi đích danh người nào thuộc phái “hữu khuynh”, bình thường ta vẫn hay lẫn lộn chuyện Đạo và đời, để rồi chụp mũ cho nhiều đấng bậc vị vọng có uy tín trong Giáo Hội, cũng như họ đã từng làm đối với chính trị gia.

Cụm từ “Hữu khuynh” hay “Tả Phái”, có nguồn gốc từ lĩnh vực chính trị. Nhất là, khi các người anh em làm phận sự phân tích chính kiến/lập trường của mỗi vị tại hiện trường nơi ấy. Mũ chụp/ô dù mang danh “tả”/“hữu”, chỉ có nghĩa mỗi khi ta viết tốc ký mà thôi. Viết tốc ký để thẩm định một cá nhân nào hầu liệt kê họ vào hàng những người chọn chính sách xã hội, khá phức tạp.

Ở môi trường chính trị, việc sử dụng tên lóng -mà thời nay người ta hay gọi là ô dù/mũ chụp- cũng phù hợp với sinh hoạt làm luật để định danh tánh một chính trị gia nào đó có quan điểm/lập trường phù hợp với điều mà nhiều người lâu nay có qui ước gán ghép cho nhân vật mình đề cập. Trong đảng Lao động ở Úc chẳng hạn, lâu nay hễ ai có chân trong phe hay phái đã rạn nứt của đảng này, đều biết chắc mình thuộc cánh nào/phe nào, trong cùng đảng. Và, những ai được xác định danh tánh/phe phái, đều mãn nguyện tự hào với bất cứ ô dù/mũ chụp nào gán cho mình.

Ở môi trường nhà Đạo đất Úc, cũng như trên toàn thế giới, nhất là vào thời hậu Công Đồng Vatican II, các mũ chụp/ô dù nói ở trên, lâu nay lại gán cho các vị có quan điểm/lập trường về thần học, tín lý và lòng Đạo. Họ còn gán cả vào lề lối quản trị cũng như kế hoạch mục vụ, vẫn có trong Giáo hội.

Đó cũng là loại mũ chụp/ô dù mà nhiều vị sử dụng để gán cho các bài tham luận tu đức nổi tiếng ngõ hầu nhận dạng các nhóm hoặc phong trào nào đó. Lấy ví dụ cụ thể, ta thử rút từ sách tu đức của linh mục Paul Collins, MSC mang tựa đề “Chúc lành trộn xà bần” chẳng hạn, mới đọc đã thấy có 15 mục-nhập khác nhau có mang mũ chụp “Công Giáo hữu khuynh”, rồi.

Xem như thế, mũ chụp này là có ý gì? Lm Paul Collins cũng như các nhà phê bình cứ cố ý như để chứng minh cụm từ “hữu khuynh” là có ý gì? Điều này cho thấy, chiếc mũ “hữu khuynh” được nhiều người sử dụng là để ám chỉ toàn bộ tổ chức này nọ, có mặt trong Hội thánh. Vì thế, khi đọc sách của linh mục Paul Collins, ta thấy tác giả có nói đến tên của nhóm Opus Dei, với nhận xét, như:

“Không còn ngờ vực gì nữa, phong trào này là tổ chức hữu khuynh, thấy rõ” (tr 103)

Cùng một lập trường tương tự, tác giả còn cho rằng: đa số người viết cho truyền thông báo giới Công giáo đều là những người thuộc phe “hữu khuynh” (tr. 181). Đổi lại, tôi vẫn nghĩ: những người lâu nay bị cho là có chiều hướng “hữu khuynh” chắc chắn sẽ coi Lm Paul Collins, thuộc “tả phái”.

Cho đến nay, ta có nhiều tài liệu/sách vở nổi tiếng; nhưng ít có học giả kinh điển nào, lại dám chụp mũ cho ý kiến/hành động; hoặc người nào, tổ chức nào đó là người hoặc nhóm “hữu khuynh”, hay “tả phái”, hết.

Trên căn bản, “hữu khuynh” là hình dung từ chỉ mang tính tương đối. Tức là, chỉ có ý nghĩa đối với những người tự cho mình thuộc “tả phái” hoặc “trung lập”, mà thôi. Nếu có ai coi như mình thuộc cánh “cực hữu”, thì mọi người khác, cả những người “hữu khuynh” cũng sẽ trở thành “tả phái”, đối với người cực hữu này. Tựu trung thì, tất cả còn tuỳ vị thế của người phê bình theo lập trường nào để phân loại người khác, nhóm khác. Tức là, bạn có tả phái mới phê bình người khác “hữu” khuynh, thôi.

Không như các chính trị gia, vẫn thường vui lòng để người khác bảo mình thuộc “tả phái”, “trung-tả” hoặc “hữu khuynh”, các nhà thần học lại vẫn tự coi mình thuộc phe “chính thống” hoặc chính đáng dù cho rằng người khác nghĩ mình như thế là sai.

Nhiều tác giả, lâu nay bị một số người khác cho là thuộc giới “hữu khuynh”, lại dùng chính mũ chụp này để chụp lên cho mình để chứng tỏ sự chính đáng, chính thống này. Chẳng hạn như Michael Gilchrist, trong cuốn sách do ông viết mang tựa đề “La-Mã hoặc quê miền đồng nội”, đã qui về điều mà ta gọi là “não trạng mới của Hội thánh” (tr 26). Trong 285 trang sách, tác giả nêu rõ rằng chúng ta đều sai khi dùng cụm từ “hiện đại”, “thông thoáng”,” cấp tiến” để đánh giá vị thế lập trường của vị nào đó trong Giáo hội, mà theo ông họ thuộc thành phần cánh “tả”. Bởi, nếu đem so lập trường của ông đối với những người tự cho mình ở phía rất cực và rất “hữu”, thì đúng là như thế.

Đánh giá lập trường của bất cứ một ai trong giới Công giáo là hữu hay tả, cấp tiến hay bảo thủ, chỉ dẫn đến tranh chấp và nứt rạn, mà thôi. Bởi, làm như thế, tình bác ái sẽ bị sứt mẻ. Và, thiện chí của mọi người sẽ giảm sút. Như trong trận túc cầu chẳng hạn, tham gia thi đấu không phải là để đá vào chân hay vào người của đối phương, mà là đụng vào quả da, cho nó tới điểm đích mình muốn nó đến.

Việc sử dụng ô dù/mũ chụp tả/hữu gán cho một nhóm hội/đoàn thể tôn giáo, hoặc bất cứ ai có ý kiến/lập trường tư riêng ít khi đưa ra ý lành, ý tốt mà thường chỉ áp đặt lập trường thần học dưới mức cần có, để cứu xét. Để tìm hiểu.

Khi tranh cãi về thần học lớn rộng, lan vào vấn đề chính sách công cộng, thì sự tiến thoái lưỡng phân giữa hai phái tả/hữu càng tập trung, nhấn mạnh hơn nữa. Nhất thứ, là khi người có lập trường thần học cánh hữu thường tự cho là mình thuộc phe “chính thống”, thôi. Đằng khác, ta sẽ mắc lỗi, nếu cứ chụp mũ những người có cái nhìn khác biệt, rồi gán họ thuộc phe này phe kia, trong khi mọi người dù đứng về phe nào đi nữa, cũng phải tỏ ra “nhất quán”, xác thực về mọi vấn đề, mới đúng.

Việc rao giảng Lời Chúa trong Giáo Hội sẽ được tốt đẹp hơn, nếu ta liệng bỏ các mũ chụp/ô dù đi và bỏ thì giờ ra mà phân tích kỹ nội dung ý kiến lập trường về thần học, thì tốt hơn. Tới đây, có thể quý vị sẽ cho là tôi né tránh câu trả lời khi tôi không liệt kê các đặc thù, đặc tính của mỗi nhóm. Tuy nhiên, làm như thế lại càng đào sâu thêm những khúc mắc rất nên bỏ qua. Điều cốt yếu là nên xây dựng Giáo hội theo đường hướng không phân biệt tả/hữu. (Lm Brian Lucas, The Catholic Weekly Sydney)

Thật ra, giải đáp thắc mắc theo kiểu của đấng bậc ở trên, rất là huề vốn. Huề cả làng, vì ngài nói cũng rất ư là “ba phải”. Cứ chín bỏ làm mười, để mọi người sẽ nhẹ nhàng theo chân Chúa. Nghe Lời Phúc Âm mà thi hành. Khốn nỗi, Phúc Âm Chúa nói vẫn được nhiều người hiểu và cắt nghĩa theo cách khác nhau. Trường phái khác nhau. Đó mới là vấn đề.

Còn nhớ khi xưa, cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan từng viết một bài báo đăng tải khắp nơi với thắc mắc, hỏi rằng: Đạo của anh em mình là “Đường hay Pháo đài”, thì ngay lúc ấy đã có nhiều người chụp ông cho cái mũ rất ư là “cấp tiến/lạc đạo…”.

Ở đây, một lần nữa, bần đạo nhắc đến tên tuổi của vị thầy đã quá vãng, chẳng để gây lại một tranh cãi ai sai/ai đúng. Ai chính thống ai trệch đường rày đi Đạo… nhưng “dài dòng văn tự” chỉ muốn bảo rằng: trong cuộc đời đi Đạo, bạn và tôi cũng từng kinh qua những khi mình bị mang tiếng là cấp tiến. Có lúc, lại bị cho là thủ cựu, rất thụt lùi. Mọi phán xét, dĩ nhiên xin cứ để Bề Trên soi sáng, định liệu. Ta hãy cùng nhau hiên ngang, mà tiến bước. Tiến trong tâm tình của bạn bè thân thương, cùng một Cha.

Để thư giãn tâm tình người con cùng Cha, xin gửi đến bạn một truyện kể, rất mới sau đây:

Trong hành trình cuộc đời, có những truyện kể đưa ra nhiều hình thái quan trọng về công ăn việc làm. Với các linh mục thì giảng thuyết, các câu truyện kể đều tập trung vào việc chia sẻ Lời Chúa.

Một linh mục trẻ vừa chịu chức, gặp khó khăn trong việc giảng thuyết, bèn xin Giám Mục Bề trên của mình một vài bí kíp để bài giảng có thể lôi cuốn cộng đoàn. Vị Giám mục cho ý kiến : ‘Thì cha có thể nói đôi điều gì đó cốt thu hút bổn đạo chú ý tập trung như: Tối qua, tôi bất chợt rơi vào vòng tay ôm ấm áp của một phụ nữ …. chẳng hạn. Tôi dám chắc là nếu cha bắt đầu bài giảng như thế là họ sẽ chăm chú nghe thôi. Rồi cứ thế, cha tiếp tục tả cảnh, tả tình nói nhiều về sự ấm áp và cởi mở nơi cung lòng người nữ phụ, và cha kết thúc bằng cú nhẩy dù bật mí cho mọi người biết người phụ nữ kia chính là thân mẫu của cha, thế là xong. Và, đó chính là ý nghĩa của tình gia đình đấy cha ạ”

Vị linh mục trẻ quyết nghe theo lời dạy của ngài Chủ quản Bề trên, bèn áp dụng ngay vào bài giảng ngày Chúa Nhật tuần đó. Và hôm ấy, vị linh mục bắt đầu bài chia sẻ như sau: ‘ Thưa anh chị em, tối qua tôi được hân hạnh rơi vào vòng tay ôm êm ái của một phụ nữ rất nóng sốt… Cộng đoàn sốt sắng nghểnh tai chờ nghe đoạn tiếp… Nhưng vì lúc đó ngài hồi hộp quá nên quên bẵng mất chi tiết kết thúc mà vị Giám mục đã nói. Bí quá, ngài bèn hít một hơi thật đầy, rồi tiếp: Tôi không nhớ người phụ nữ này là ai nhưng hình như Đức Giám mục đã bảo tôi làm như thế với bà ấy”

Chúng ta vừa nghe một truyện kể để thư giãn hay nhất chưa từng nghe thấy. Điều làm cho bài này hay, không do tính bảo thủ hay cấp tiến trong khuynh hướng chia sẻ Lời Chúa. Cũng không do sự cao đẹp của tinh hoa thần học gói ghém trong đó. Hay là bởi, người linh mục trẻ chắc là không sợ bị chụp mũ thế này thế khác khi chia sẻ những lời trên với cộng đoàn.

Thành thử trong cuộc đời đi Đạo hãy sống thực, trước đã. Đừng nề hà gì chuyện thiên hạ có thể chụp mũ mình thuộc loại cấp tiến hay thủ cựu, hoặc gì gì đi nữa. Hãy cứ yêu đi và hy vọng. Rồi mọi việc cũng sẽ tốt đẹp thôi.

Trần ngọc Mười Hai

vẫn tự nhủ lòng mình

và kêu gọi bạn mình nhủ lòng như thế.

No comments: