Monday, 24 March 2008

“Xin cho thương em thật lòng, còn có khi lòng thôi giá băng”

(Giáo luật 213 - 1Cr 11: 33)

Luận phiếm về giờ giấc người mình, hẳn ai cũng biết là ta đang bị chỉ trích, khích bác về chuyện đúng giờ. Đúng giờ đúng giấc cả khi dự các nghi tiết phụng vụ, cũng như tiệc tùng, rất lành và cũng rất thánh. Chuyện giờ giấc đúng giờ, hình như đã và đang là cố tật, thật khó chữa.

Về chuyện này, bần đạo còn nhớ câu vè đặc biệt nói về người mình như sau: “Không ăn cắp không phải người Mễ. Không đi trễ, không phải người Việt.” Cách đây không lâu, vấn đề này đã được một linh mục người Úc nói rất sõi tiếng Việt, Lm Kevin thuộc giáo phận Parramatta, từng “báo động” với cộng đoàn người mình, ở một tiệc cưới.

Thật ra, phê bình đặc trưng đặc điểm của một số người Việt sống ở đất tạm người dưng gần xứ Mễ tây Cơ ấy, cũng là chuyện không phải. Đâu phải, chỉ có người mình mới mang trong mình những cố tật như thế. Nói cho ngay, đây có lẽ là cố tật của rất nhiều người, Tây cũng như Tầu. Người Mễ cũng như dân Mít, ở biển Đông. Và, cả ở nhà Đạo mình nữa.

Nhằm chứng minh cho chuyện này, vừa qua cũng lại xuất trên báo những câu hỏi và các trả lời, có liên quan. Các cụ ngày xưa thường gọi đó là “nói có sách mách có chứng”. Nay, mời bạn và mời cả tôi, ta cũng lại nghe thêm mục “hỏi – đáp”, rất nhà Đạo. Ở bên dưới.

Câu hỏi hôm nay, vẫn đưa ra từ người con người dân rất Đạo, ở Úc. Và, câu giải đáp cũng lại là câu “thiêng liêng sáng láng” của đấng bậc vị vọng đã nghe quen ở Sydney, Lm John Flader. Là, đức thầy phụ trách mục hỏi đáp trên Tuần Báo Công Giáo Sydney số ra ngày 17-2-2008. Hỏi và đáp hôm nay như sau:

“Tôi có người bạn cùng chung sở làm. Cô cứ kể cho mọi người nghe về nhiều chuyện xảy ra tại giáo xứ của cô. Một trong những chuyện mà tôi cho là không đẹp cho lắm, những vẫn được cô kể lại, là: ý kiến của vị linh mục chánh xứ nhà thờ nọ, nói về chuyện đi lễ đúng giờ. Cô kể rằng: có lần đức ngài chánh xứ từng đe nẹt giáo dân rằng thì là: nếu anh chị em trong xứ đạo này đi dự lễ Chủ Nhật mà lại đến trễ, thì nên nhớ rằng họ sẽ không được tôi cho lên rước lễ đâu, đấy!… Chưa hết, một bạn đồng nghiệp khác nghe chuyện, bèn góp giọng, khoe rằng: có ông linh mục chánh xứ khác cũng nói: ngài sẽ không trao mình thánh Chúa cho bất cứ ai, nếu chỉ tới dự lễ sau giờ đọc Phúc Âm…

Và câu hỏi hôm nay tôi đưa ra là: Hội thánh của ta quan niệm thế nào về việc đi lễ trễ?

Ký tên: một giáo dân hèn mọn ở xứ nhà.

Và, để trả lời câu hỏi trên, Linh mục John Flader, đưa ý kiến:

“Trong câu hỏi ông đưa ra, tôi thấy có một số vấn đề nên bàn luận. Trước nhất, là sự trọn vẹn của Thánh Lễ, nhìn dưới khía cạnh động tác đơn thuần trong phụng tự. Thánh lễ, thật sự bao gồm hai phần chính được gọi là thánh lễ, đó là: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Bẻ Bánh.

Phụng vụ Lời Chúa, khởi sự bằng nghi tiết Dẫn Nhập, có dụng đích giúp người tham dự chuẩn bị nghe biết Lời Vàng của Chúa một cách có kết quả. Để rồi, khi qua phần Phụng vụ Bẻ Bánh, ta sẵn sàng hiện diện để đi vào tình huống có hy sinh, có tế tự trên đồi Can-va-ri-ô đang diễn ra trên bàn thờ. Nhờ đó, ta nhận lĩnh “Ngôi Lời mặc lấy xác phàm” qua việc Hiệp Thông rước Chúa.

Chính vì lý do này, ta hiểu được rằng Thánh lễ tạo thành hình thức đơn thuần nơi việc phụng tự. Và từ đó, nhận ra tầm quan trọng của sự hiện diện trọn vẹn của Chúa nơi tiến trình buổi lễ.

Lý tưởng ra, ta nên đến nơi cử hành thánh lễ, trước giờ khai mạc, để có thể tập trung chuẩn bị cho Thánh lễ, trong thinh lặng. Thánh lễ thực sự là điểm nổi bật trong ngày, hoặc trong cả tuần lễ nếu ta chỉ dự thánh lễ vào ngày của Chúa, thôi. Và, cũng là việc tự nhiên, nếu ta cố ý tới sớm hoặc đúng giờ để chuẩn bị cử hành cho đúng phép.

Nhưng hỏi rằng, chuyện gì xảy đến, nếu việc trễ tràng cũng giống như các thói tật không hay khác, dù việc ấy không do lỗi của mình. Ở đây, cần phân biệt hai trường hợp: thánh lễ Chủ Nhật và thánh lễ thường nhật.

Nếu là thánh lễ Chủ Nhật, khi ta buộc lòng phải đi lễ, cũng nên đi cho sớm để khỏi phải dự thêm một lễ nữa. Thành thử, nếu thật lòng muốn đi lễ, cũng nên đi cho đủ lễ. Giả như, thánh lễ ta tham dự là buổi lễ cuối cùng trong ngày mà mình có thể thu xếp đến dự, thì hãy nên đến vào lúc thánh lễ còn diễn tiến.

Với câu hỏi: để gọi được là đã dự lễ cách trọn vẹn, thì nên đến vào giai đoạn nào để tránh cặp mắt của anh em đồng đạo cứ coi là mình đến trễ; và dự lễ cách nào thì gọi là “đi chưa đủ lễ”?

Lâu nay vẫn có ý kiến cho rằng ta có thể có mặt từ lúc sửa soạn của lễ mà dâng lên bàn thờ- mà ta thường gọi là Dâng Lễ- cũng tạm coi là đủ để chu toàn luật buộc, khi dự lễ. Nhưng, nếu đặt tầm quan trọng vào Phụng vụ Lời Chúa và vào sự trọn vẹn của thánh lễ, thì lý tưởng ra, hãy nên đến kịp vào lúc bắt đầu phần đọc sách thánh. Dù sao đi nữa, bởi vì Hội thánh không có lời dạy chính thức về điểm này, nên ta có thể cứ ung dung mà hưởng lợi ích trong chuyện này, tức là: nên đến vào trước lúc bắt đầu phần chuẩn bị dâng của Lễ.

Nếu thánh lễ được cử hành vào ngày thường, không buộc mọi người phải tham dự, hoặc có khó khăn trong việc đi thêm một lễ nữa, thì lúc ấy cứ việc ở lại mà dự lễ, dù ta có đến trễ.

Về chuyện không cho người dự lễ trễ được phép hiệp thông rước Mình Thánh Chúa, thì cho đến nay ta chưa tìm ra đưọc lý thoả đáng nơi giáo huấn của Hôi thánh để bào chữa chuyện này. Tuy nhiên, trong Giáo luật Hội thánh có nói: “giáo dân có quyền được vị mục tử của mình chia sẻ sự phong phú linh đạo của Giáo hội, đặc biệt là nơi Lời của Chúa và nơi phép bí tích” (xem Giáo luật số 213)

Về việc từ chối không cho bổn đạo đi lễ trễ được Hiệp thông rước Chúa, thì Giáo luật cũng ghi rõ và rất hạn chế, như sau: “Những ai bị công khai tuyên bố là đã mắc phải vạ tuyệt thông hoặc rõ ràng bị cấm đoán không được bước lên bàn thánh rước lễ, và người nào ngang bướng cứ khăng khăng cố chấp ra mặt, bất kể làm như thế có mắc tội trọng hay không, thì không được phép hiệp thông rước lễ.” (Giáo luật 915). Còn, việc từ chối không cho bổn đạo được rước Chúa vào lòng vì bất cứ lý do nào khác, là một thứ lạm dụng quyền bính.

Nói cách khác, đến dự lễ trễ, trong nhiều trường hợp, không có nghĩa là mình “ngoan cố cứ khăng khăng ra mặt chẳng bối rối là mình làm thế có thể là mắc tội trọng”, hay nhẹ. Dù ở vào trong trường hợp nào đi nữa, thì dường như các linh mục ít có khả năng biết rõ lý do khiến cho giáo dân bổn đạo mình trễ nãi khi tham dự thánh lễ là do họ thiếu cẩn trọng hoặc vì một lý do nào khác chính đáng, thì linh mục ấy phải hiểu là giáo dân của mình sở dĩ bữa ấy đi lễ trễ là vì họ có lý do chính đáng. Hiểu và thông cảm như thế, mới thích hợp với tư cách người mục tử.

Nói tóm, là giáo dân, ta cũng nên có cố gắng đi lễ cho kịp giờ, và cũng nên đi càng sớm càng tốt. Đi sớm, sẽ chuẩn bị lòng trí mà hiệp thông. Tuy thế, nếu có đến trễ, cũng cứ tự nhiên mà bước về phía trước để đón rước Chúa vào lòng; miễn là ta đã chuẩn bị đủ để làm việc ấy.

Cuối cùng, thì tham dự thánh lễ không là chuyện bắt buộc phải làm như thế mới được rước Mình Thánh Chúa. Bởi, trong nhiều trường hợp, giáo dân chúng ta vẫn có thể đón rước Chúa vào lòng mình, ngoài giờ cử hành thánh lễ. Như, trường hợp đau ốm bệnh tật, hoặc đang nằm bệnh viện, hoặc tình huống bất khả kháng khác, chân cẳng có vấn đề đi đứng… (John Flader, The Catholic Weekly, 17-Feb-2008, t.10)

Hẳn là độc giả trên chắc đã thở phào, nhẹ nhõm khi nghe câu trả lời lần này. Thở phào, khi “được lời như cởi tấm lòng”. Cởi và mở tấm lòng, là tình trạng sống Đạo của rất nhiều dân con nhà Chúa. Thở phào, vì tham dự lễ Chủ Nhật vẫn là chuyện “thường ngày ở huyện”. Vẫn xảy ra trong nhà của Chúa, nơi có lễ. Có lễ và có lạy, khi rước Chúa ngự trong lòng của người anh người chị, ở khắp nơi. Chúa đi vào lòng người, là chuyện ta nên khuyến khích mọi người. Chứ, đừng đưa ra những doạ và nạt, nghe đến sợ.

Được biết, dân con nhà Chúa ở huyện ngoại thành, hay ngoài nước vẫn hay tránh né những o ép, rất ư là luật lệ. Những o ép rất khó chịu. Vậy thì, đưa ra làm gì nhiều vấn đề, cho thêm mệt?

Còn nhớ, Hội thánh tiên khởi cũng đã có những trường hợp o ép/khúc mắc tương tự, khiến người dân đi Đạo ở huyện nội thành xứ Cô-rin-thô, từng hỏi han. Và Phao-lô thánh nhân cũng đã kịp thời có lời khuyên rất thánh gửi đến bổn đạo nhà. Những lời khuyên bảo, mà ngày nay ta vẫn coi là Lời của Chúa được đọc vào buổi cử hành một số thánh lễ, trong Đạo. Để tóm tắt, xin ghi lại những lời tường trình bên dưới:

“Cho nên, thưa anh em,

khi họp nhau để dùng bữa,

anh em hãy đợi nhau”

(1Cr 11: 33)

Hoặc:

“nếu có ai nghĩ mình phải cãi lý,

thì đó không phải là thói quen của chúng tôi,

cũng như không phải là thói quen

trong các Hội Thánh của Thiên Chúa.”

(1Cr 11: 16)

Thật ra, chuyện ở đây không là “phải cãi lý”, hoặc “hãy đợi nhau khi (dự lễ Bẻ Bánh) dùng bữa”, mà là hãy sống với nhau, gặp nhau như những người anh người chị cùng nhà. Cùng gia đình, cùng cộng đoàn để rồi ta trông ngóng/đón chờ ngày Chúa quang lâm. Nếu thế, xá gì một chút nhịn nhau. Nhường và nhịn, chứ không phải là đe và nẹt, từ đấng bậc trên cao. Rất đáng sợ sệt.

Phải thế không bạn?

Phải thế không tôi? Những tôi và tớ, trong nhà Đạo. Nhà của Chúa, vẫn mời chào người con.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ hỏi những tôi cùng tớ

Những câu vớ vẩn

Và vẩn vơ như thế.

No comments: