(2Cr 11: 23-25)
Đã từ lâu, bần đạo có thói quen cũng hơi kỳ, là: hay tò mò theo dõi mục giải đáp thắc mắc trên các báo Đạo. Cũng tựa như mục “Giải đáp” trên báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp do Lm Hồng Phúc phụ trách bao năm trời, từ hồi còn ở quê nhà. Nói kỳ, là bởi nhiều khi bần đạo chẳng có gì thắc mắc để cứ phải thưa cha với thưa cố, con không hiểu tại sao, vv và vv… nghe nó kỳ quá. Đi Đạo, Hành Đạo và giữ Đạo vẫn là chuyện thường ngày ở huyện, có gì phải thắc mắc, mà phải chình ình trên giấy. Ngộ nhỡ, ông cha nào thấy tên mình viết thư hỏi han, thấy cũng kỳ.
Ấy, cũng vì tò mò mà bần đạo gặp được những câu hỏi và trả lời đều rất “ngây thơ” vô tội, hoặc đã vô số tội mà còn ngây thơ. Thành ra, cứ để “cha” với “cố” phải bận tâm sưu tầm lục lọi sách vở mà xem lại, trả lời cho nó đúng bài bản.
Cụ thể là, hôm ấy câu hỏi là của một nữ giáo dân người Tây và người trả lời là Lm Brian Lucas, thuộc Tổng Giáo phận Sydney, Úc. Câu hỏi, đại để như thế này: “Thưa cha, có người hỏi con là có buộc phải đi lễ ngày Chủ nhật không? Ở miền quê, không có linh mục làm lễ, thì ta giải quyết làm sao?... “
Tôi nhớ, vị linh mục người Úc ấy có thói quen đi thẳng vào vấn đề và trả lời đại loại như thế này: “chiếu Giáo lý của Giáo hội Công giáo, theo điều khoản số 2177, 2178, 2179 2180, 2181, 2183 và 2185, thì: ta phải tuân giữ việc đi lễ các ngày Chúa Nhật như một luật buộc của Giáo hội Công giáo trên khắp hoàn cầu”. Rồi ngài linh mục phụ trách cũng không quên thêm thắt vài điều: nào là: theo giáo luật số 1247, thì các giáo dân phải tham dự thánh lễ theo nghi tiết Công giáo “, hoặc: phải đi lễ vào các ngày thánh tức Chúa nhật hoặc, các ngày lễ trọng. Có thể đi lễ Chúa nhật vào chiều hôm trước, tức thứ Bẩy sau 6, 7 giờ chiều… mới là đúng luật.”
Chao ôi! Vị linh-mục-rất-chức-năng hết trích dẫn các điều khoản này thuộc Giáo luật, vấn đề kia thuộc “Giáo lý” của Đạo. Để rồi, ngài kết thúc câu giải đáp bằng các cụm từ ‘cho đúng luật’. Nghĩa là, những luật và luật. Sống với xã hội ngoài đời, phải giữ đúng luật mới khỏi tranh cãi, chém giết. Còn trong Đạo, mới chỉ thắc mắc chứ có ai dám cãi tranh với các cụ nhà Đạo đâu, mà sợ có chết chóc với đấu tranh hoặc tránh đâu, cho khỏi .
Bần đạo còn nhớ, khi xưa hồi còn rất nhỏ đã nghe ông ngoại (vẫn có thói quen đi lễ nhà thờ hàng ngày từ 5giờ sáng), bảo rằng: các cháu mà không đi ‘nhà thờ’ ngày Chủ nhật, thì ma quỷ khéo cám dỗ nó lôi tuột xuống hỏa ngục đấy. Lúc ấy, thằng bé đã dám nói với ‘ông ngoại mình’ là các cô dì, chú bác trong nhà chẳng chịu đi lễ các ngày Chủ nhật, đâu thấy ai xuống hỏa ngục đâu. Và, thằng bé còn hỏi: hỏa ngục ở chỗ nào vậy, hả ông ngọai? Và, ông ngọai nói: thấy các cha bảo thế chứ có biết nó nằm ở nơi nào đâu, mà nói cho cháu biết.
Lớn lên, bạn bè bần đạo, nhân lúc mạn đàm ngày giỗ chạp, cũng đã kháo nhau rằng: đã đi dự lễ cưới, lễ mồ cử hành vào ngày thứ bẩy (trước 6. 7 giờ chiều) có buộc hôm sau phải đi lễ ngày Chúa nhật hay không? Nếu không, có mắc tội trọng như ‘ông ngọai’ bần đạo quả quyết không? Hỏi nhau mà không dám đưa lên mặt báo, sợ mấy ông cha trù ẻo. Đành, cứ lẳng lặng đi cả hai lễ, cho chắc ăn. Tuy nhiên, nhiều vị bảo: nghĩ lại cũng buồn cười. Chẳng biết có phải rượu nói hay không, mà sao câu hỏi nào cũng có chữ ‘phải’ hết. Bởi, đã nói đến ‘phải’ tức là đả động đến luật lệ rồi.
Bàn đến đây, bần đạo nhớ đến khung cảnh một buổi tinh mơ giờ lễ hôm ấy, cố giáo sư kinh thánh Lm NguyễnThếThuấn lúc ấy cứ thường xuyên khẳng định rằng thì là: Đạo của ta, dù có giáo lý giáo luật này nọ vẫn không phải là Đạo gò bó, bị ràng buộc bởi luật lệ… Nay, gặp lại chữ ‘phải’ trong những vấn đề có liên quan đến chuyện giữ Đạo, đến tham dự thánh lễ Chúa nhật, khiến bần đạo lại thêm vướng chân, bận tay với những câu hỏi khác dội về từ nơi đâu, xá tắp, như:
-phải chăng thánh lễ là việc ‘phải’ làm vào những ngày của Chúa, và các ngày nghỉ lễ?
-phải chăng vì chữ ‘phải’ trong Luật của Hội thánh mà giới trẻ ngày nay không còn ham thích đi lễ, nữa?
-thánh lễ ngày Chúa nhật có thành một thứ ‘cỏ vê’ (corvée) không đi không được? Và, đã lỡ đi rồi có được ra ngoài vừa tham gia vừa hút thuốc nói chuyện, được không? Hay đang dự lễ, nhưng đầu óc để tận đâu ..
-vậy thì, đâu là ý nghĩa tích cực của thánh lễ, nói chung?
-làm thế nào, để hấp dẫn được đám trẻ đi lễ thường xuyên hơn?
-và, có nên dọa nạt hoặc ra hình phạt này khác nếu bọn trẻ không chịu đi lễ nào hết?
*
Và, cứ thế hàng chục câu hỏi bạn bè có thể đưa ra, tùy thích. Nhưng phiếm luận ở đây, hôm nay chỉ để mạn đàm với nhau. Biết đâu, chắc cũng nảy ra một luận cứ nào đó khả dĩ làm mãn nguyện một số vị chức sắc trong giới lão làng nào đó, chăng?
Có lẽ ở đây, ta cũng chẳng nên định nghĩa hay định hình thánh lễ Misa, mà làm gì. Bởi, khi bắt đầu tìm hiểu Đạo Chúa trước khi chịu thanh tẩy, hẳn chúng ta ai cũng đã hơn một lần tìm hiểu và đã vỡ lẽ từ lâu. Có chăng, thì chỉ nên xem lại lời nhắn khi xưa, lúc mà Đức Chúa chấp nhận cuộc khổ nạn với quyết định lớn lao có ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Lời nhắn nhủ bảo ban kia chính là khúc đoạn Tin Vui An Bình mà thánh sử gia Mat-thêu ghi lại, như sau:
“Đương lúc họ ăn
thì Đức Yêsu cầm lấy bánh và chúc tụng
rồi bẻ ra và ban cho họ.
Ngài nói: hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta.
Đọan, cầm lấy chén và tạ ơn,
Ngài ban cho họ mà rằng:
Hãy uống chén này hết thảy;
vì này là Máu Ta,
Máu giao ước đổ ra vì nhiều người
để nên ơn tha tội.
Ta bảo các ngươi: từ nay Ta sẽ không còn
uống đến hoa quả giống nho này nữa,
cho đến ngày ấy, ngày Ta sẽ uống thứ mới
với các ngươi trong Nước Cha Ta.”
(Mt 26: 26-29).
Còn nữa, thánh Phaolô cũng đã có thư gửi đến giáo đoàn Co-rin-thô, trong đó ngài xác nhận:
“Chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa
điều tôi truyền lại cho anh chị em là:
“Chúa Yêsu trong đêm Ngài bị nộp
Ngài đã cầm lấy bánh, và tạ ơn xong,
Ngài bẻ ra và nói:
Này là Mình Ta, vì các ngươi
hãy làm sự này mà nhớ đến Ta
Cũng vậy, về Chén, sau khi đã dùng bữa tối xong,
Ngài nói chén này là Giao ước mới trong Máu Ta,
các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống
mà nhớ đến Ta.” (1Cr 11: 23-25)
Tự thân, bần đệ chẳng dám đi sâu vào chi tiết, mà bàn luận. Đây là việc của các vị chú giải Kinh thánh. Bần đạo tài hèn sức yếu, chẳng dám múa mỏ trước chư vị tiền bối, rất giỏi nhiều bề, đề huề đàng nhân đức, với Đức tin. Chỉ xin mạo muội trích dẫn hai đoạn kể trên, để xin thưa rằng: bần đạo tìm đỏ cả con ngươi mà vẫn không tìm ra một ‘từ’ hay ‘ngữ’ nào chứng tỏ tính ‘bắt buộc’ trong đoạn trích, ở trên. Cũng không thấy cụm từ nào có chữ ‘phải’ nơi lời dặn của Thầy Chí Thánh, lẫn thánh Phaolô, rất thông thạo tín lý. Cũng chẳng thấy có từ ngữ nào nói đến thời gian hoặc không gian bắt buộc để cử hành tiệc thánh như Thầy Chí Thánh khuyên răn.
Xem như thế, khi đọc Kinh thánh, người đọc dễ nhận ra đây là lời khích lệ của Đấng Bậc Khả Kính, đáng Yêu. Cũng có thể, coi đây như lời trăn trối của Đấng hằng yêu ta đến giờ phút trước khi chết. Đây chính là lời lẽ đầy thân thương dặn dò lần cuối, trước khi Đức Chúa ra đi chấp nhận khổ ải để đem lại ơn cứu độ đến với muôn người.
Theo phong tục người Việt, trước khi về với ông bà tổ tiên, các bậc cha mẹ thường hay căn dặn (mà người đời gọi là lời trăn trối) con cháu: chúng con hãy nhớ yêu thương, nhường nhịn nhau. Nhớ thắp hương/nhang để tỏ lòng nhớ đến ông bà, cha mẹ vào những ngày giỗ chạp, kỵ … để rồi, nhân bữa tiệc lòng thương lòng mến của con cháu cùng tộc, ông bà sẽ chứng giám phù hộ cho.
Lời căn dặn, nhắc nhớ của Đức Kitô với các người con yêu thương của Ngài, cũng mang dáng dấp một lời trăn trối của Đấng sinh thành loài người dưới thế, như đàn cháu con. Khi còn sống, Đức Kitô hằng yêu cầu con cháu loài người thực hiện mộng ước chân phương, tức ý định của Ngài trong tinh thần vui vẻ, và tự nguyện. Phải chăng cũng trong ý nghĩ và tinh thần ấy mà chính Chúa từng nhắc nhở những ai có ý định tiến lên cử hành lễ tế toàn thiêu, thời Ai Cập hành hình Do Thái, là: trước khi làm việc này, hãy xem có ai làm phật lòng mình, thì hãy để của lễ ở đó, mà ra đi làm hòa với người “làm phật lòng mình” (chứ không phải mình làm mất lòng họ), rồi hãy về tiếp tục dâng của lễ. Dù, có là ngày Chúa nhật, hay lễ trọng, hoặc lễ buộc?
Nói như thế, thánh lễ (vào ngày nào cũng vậy), trước tiên mang hình thái của một bữa tiệc (nói nôm na ta gọi là bữa ăn) giữa anh em cùng nhà. Trong bữa tiệc đó, những người con, người cháu thực hiện ước muốn của đấng sinh thành, thể hiện nơi lời trăn trối, trước khi chia lìa. Và, một khi đã thực hiện được chúc thư tình thương của cha của mẹ mình rồi ,thì mọi người con/người cháu đều vui vẻ, tự nguyện tụ họp nhau lại hầu nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục cũng như lời dặn dò, giáo huấn của tiền nhân.
Khi cùng nhau đánh chén (vì cũng có rượu, có bánh), con cái trong gia đình có thêm tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Giúp nhau dàn trải tình thương yêu của bậc trên, mà nhận lấy cho riêng mình. Đương nhiên là, trong buổi tiệc thánh, trong bữa giỗ chạp, kỵ đâu có các màn say sưa, be bét những cãi vã, ganh đua, kèn cựa hoặc chửi bới nhau. Mà, chỉ là những giây phút linh thiêng, đầy tưởng nhớ. Nhớ lại, Cha Hiền Chí thánh, đã từng nói: ..”mỗi khi làm sự này, thì…” ta lại nhớ đến bậc trưởng thượng, sinh ra ta. Và như thế, hồi tưởng lại thời gian lâu nay, là con là cháu, ta đã được tình thương yêu của Cha ấp ủ, đùm bọc đến là thế nào.
Đành rằng, thánh lễ không chỉ mang mỗi ý nghĩa duy nhất là bữa tiệc (dù là tiệc ly hay tiệc hội ngộ), hoặc bữa giỗ chạp mà thôi, nhưng còn chứa đựng nhiều tính thánh thiêng, như: hiến tế, hiệp thông nguyện cầu, huấn dụ hoặc thể hiện tình yêu thương chan chứa, bày tỏ niềm tin sâu xa, cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, bày tỏ quyền được làm con, làm dân riêng của Đức Chúa, bày tỏ sức đoàn kết yêu thương của dân Ngài đã chọn…
Nhưng, dù mang ý nghĩa nào đi nữa, thánh lễ ngày nay không thể mang tính cách ‘cỏ vê’ được. Bởi, ‘cỏ vê’ dứt khoát là việc cưỡng bách rất khó chịu. Cũng tựa như thi hành hình phạt, luật lệ ở xã hội không có tình thương, đương nhiên cứng ngắc. Giỗ chạp, cúng kỵ cũng mang tính chất tế tự, hiệp thông, cầu khẩn… nhưng chắc chắn không có tính cách cưỡng ép bắt buộc theo kiểu ‘cỏ vê’, ‘huấn nhục’ ở quân trường. Hễ không thi hành, là sẽ có hình phạt nặng hơn, như ở trong Đạo thời buổi trước, sẽ: mắc tội trọng, vi phạm luật Hội thánh, khi chết chắc chắn sa xuống hỏa ngục, vân vân và vân vân, rất đáng sợ.
Nhiều người còn ví von thánh lễ như các cột mốc ngăn chặn người khùng/lãng trí bên vệ đường, ngay cạnh khúc quanh co nguy hiểm nơi đỉnh đèo, một thứ “garde-fou” giúp cảnh giác các bác tài đang mơ màng trên tay lái hoặc đang ỷ y, diệu vợi… Ví von như thế, có thông thoáng, nhiều phóng khoáng, nhưng hơi hạn hẹp. Nói cho ngay, tự bản chất, các cột mốc chỉ đường cho xe chạy, chẳng mảy may mang tính gò bó, bắt buộc không làm sẽ sa xuống hố thẳm vực sâu, hoặc rơi tọt xuống hỏa ngục.
Cuối cùng, ngay trong Giáo lý của Hội thánh, những chương đọan, điều khoản số 2181, 2183 (đã được Lm Brian Lucas trích dẫn ở trên) cũng đã chừa ra vài ngoại lệ, vì các lý do chính đáng, như: đau yếu, ốm o, trông nom con nhỏ, hoặc đã được vị chủ chăn miễn chuẩn trước đó (xem giáo luật số 1245). Hoặc ở nơi nào không có linh mục chăm sóc họ đạo để tổ chức được một thánh lễ, luật hội thánh còn đề nghị tổ chức những buổi gọi là ‘bẻ bánh Lời Chúa’, tức: một hình thức chia sẻ và suy niệm Kinh thánh thay cho thánh lễ.
Thành ra, thay vì nhận định rằng: ‘phải’ đi lễ ngày Chúa nhật, và ‘chỉ được đi lễ chiều’ hôm trước đó (tức ngày thứ Bẩy) nếu nội dung của thánh lễ là nội dung của lễ Chúa nhật hôm sau như một thói quen bắt buộc, một hình thái gò bó nào đó. Cũng nên quan niệm Thánh lễ sao cho nhẹ nhàng, vui vẻ và thích thú một chút. Có như thế, mới hấp dẫn được đám người chưa đến lúc hoặc chưa liên tưởng đến “ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre”..mà về nhà Cha, trên trời.
Bần đạo vẫn còn nhớ, vào thời điểm một chín sáu tám, khi ở Đà lạt năm đó có phong trào “Ca vào đời” do ban Hallêluyah của Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, đã thấy nhen nhúm đâu đó các nhu cầu cùng vấn nạn về chuyện: làm sao để thanh niên, thiếu niên nhà mình, thay vì tổ chức các ‘ban fa-mi’ (balle de famille, tức: nhảy nhót trong gia đình), sập xình, thì tham dự hết mình, dự phần vào thánh lễ. Lúc ấy, đã có nơi thành lập các ca đoàn có giàn nhạc đệm, có trống, có ghi-ta, có vĩ cầm hoặc kèn đồng…, như tại nhà thờ Dòng ở đường Kỳ Đồng, nhà nguyện Đắc Lộ thuộc Dòng Tên đường Yên Đổ, Sài gòn. Có nơi, dám tổ chức cả ‘thánh lễ nhập thể’, có chỗ mở các buổi ‘bẻ bánh Lời Chúa’ tại gia để chia sẻ Kinh thánh gọi là “veillée biblique” (tức Canh thức suy niệm thánh kinh), vv.
Cuối cùng, vấn đề đặt ra, là: làm thế nào để lôi kéo thế hệ trẻ mai sau, siêng chăm đi dự tiệc thánh (ở nhà Đạo), năng đi dự giỗ chạp (ở gia đình) với lòng phấn chấn hăng say, thay vì tính ngày tính giờ phải thế này, buộc thế kia, vì luật buộc phải thế. Đừng để làm sao, người trẻ hay cao niên tham dự thánh lễ vẫn còn vài thắc mắc: lễ này có buộc không? không đi có mắc tội trọng hay khinh khi lỗi phạm gì không? Làm sao, để mọi người đi nhà thờ cũng như khi dự lễ có được tâm trạng như đi gặp Người mình Yêu. Như đi “nhậu” (không phải theo nghĩa be bét, sáng say chiều xỉn), như dự tiệc Khilykhitô (tức: khi thì ly, khi thì tô), với các bạn thân thiết, hữu ích cùng thân yêu. Có thế, mới không còn vấn nạn quá nhiều về ‘cỏ vê’, ‘chà láng’, ‘huấn nhục’, cực hình như hồi còn trong quân trường đổ mồ hôi, sôi nước mắt.
Có như thế, ta sẽ hân hoan tiến bước, mỗi khi đến nhà thờ, nhà thánh mà hát bài:
“Con hân hoan bước lên bàn thánh Chúa,
Chúa là hoan lạc, tuổi thanh xuân con…”
Làm sao để, không chỉ toàn các “lão gia/nhân sinh thất thập’ mới hát được “Chúa là hoan lạc tuổi thanh xuân… con”. Bởi, tuổi thanh xuân giờ đây đang ngồi ở casino, mải nhảy nhót, đang vui say nhậu nhẹt chứ đâu có chịu, bước lên bàn thánh đâu mà “nhớ mà làm” và, càng làm càng nhớ. Nhớ Cha. Nhớ Chúa. Rất nhiều. Nhớ chiều thứ năm ‘Bữa Tiệc Ly’ có lời căn dặn: cứ thế mà làm. Rất thánh.
Trần Ngọc Mười Hai
đôi khi cũng thắc mắc đến độ rất nhớ