Tuesday, 20 November 2007

ẤY LÀ KỂ CHUYỆN

( Mt 16, 19; 6, 14 )

*

Cũng giống nhiều người khi lập gia đình, bần đạo có đủ tứ thân phụ mẫu. Ba vị hôm nay đã mãn phần. Còn lại mỗi nhạc mẫu, vẫn tại vì. Nhạc mẫu của bần đạo năm nay ngoài 90. Nhưng cụ vẫn khỏe, dù trải qua hai lần giải phẫu lớn. Cụ rất tinh tường và thông suốt. Rất dễ tính, chứ không như phần đông các cụ mà bần đạo thường gặp ở nhà bạn bè.

Điểm đáng kính phục nơi nhạc mẫu của bần đạo, là: cụ rất thích đọc sách/báo. Mắt cụ bị cườm nặng, nhưng cụ vẫn cứ đọc. Đọc không thấy mệt. Và, chẳng biết chán. Ban ngày đọc chưa đủ, cụ tranh thủ đọc cả vào ban đêm. Và vì đọc nhiều, nên cụ có thói quen thích kể cho con cháu nghe, về đủ thứ trên đời. Điều khác dễ thương nơi cụ, là: hễ thấy chuyện kể nào xem ra không hấp dẫn người nghe, cụ bèn phán: “Ấy là kể chuyện !”

Vâng. “Ấy là kể chuyện” hay chỉ đọc truyện kể, đều là những việc nên làm. Nên, chẳng phải vì đó là đề nghị của các bậc sinh thành, lúc trọng tuổi. Nhưng, đấy chính là động tác trí tuệ mà nhiều người thường sử dụng, trong cuộc sống. Mọi người đều làm thế từ hồi còn tấm bé. Vào tuổi lớn khôn, và cả vào những ngày sắp ra đi về nhà Cha, nhất nhất đều… “Ấy là kể chuyện !”

Trong cuộc sống, trẻ bé nào cũng được mẹ nâng niu đưa vào giường ru cho em ngủ. Mẹ kể cho em nghe những câu truyện thần tiên rất hay. Và hấp dẫn. Hấp dẫn đến độ bé chìm vào giấc mơ thiên thần hồi nào, không biết. Lớn lên, miệt mài cuộc sống, người trọng tuổi lại được bầu bạn cũng như báo chí - truyền thông kể cho nghe những chuyện đời. Chuyện dài thế kỷ về người đời. Và đời người. Chợt gần đến lúc giã từ trần thế, các cụ còn được con cháu kể cho nghe những câu truyện đẹp. Truyện vui an bình về cuộc sống miên trường trong Sách Thánh, nơi kinh Phật…

Ấy là kể chuyện” hay đọc mỗi truyện kể, đều mang tính đa năng, rất thích. Có truyện nghe xong tưởng như là thật. Có truyện nghe đi nghe lại nhiều lần, vẫn cứ đinh ninh: chỉ là truyện kể.

Truyện dưới đây, do một vị cao niên kể về các sự việc “rất thật” của bà con anh em, hay chính mình trong cuộc sống thường tình, ở huyện:

Vào buổi tiệc vàng mừng 50 năm hôn phối của các cụ, con cháu nội ngoại quây quần bên nhau, rộn ràng dâng lời chúc tụng. Nào là: mừng Ông nội trường thọ ! Chúc Bà ngoại đắc phúc, đắc thọ, đắc nhân tâm. Bách niên giai lão v.v... Thôi thì, không biết bao nhiêu là từ ngữ thân thương, trang trọng. Bỗng chốc, trong đám con cháu có người trẻ muốn rút kinh nghiệm bằng câu hỏi nghe qua tưởng như xấc xược. Nhưng người trẻ chỉ muốn hỏi để áp dụng cho đời sống của chính mình:

- Thưa Ông/thưa Bà, sao Ông/Bà lại có thể sống chung với nhau lâu đến thế ? 50 năm gần gũi bên nhau Ông/Bà có bí quyết gì không ạ ?

Được hỏi, các cụ cũng chẳng ngại đáp lời. Cụ ông giành phần nói trước:

- Ấy, chung qui cũng do tự mình cả thôi, cháu ạ ! Nghĩa là, Ông đây lúc nào cũng quyết tâm học hỏi và cố gắng thực hành điều Chúa dạy trong Phúc Âm.

Chưa thỏa mãn, đám trẻ tiếp tục vấn kế:

- Thưa Ông, như thế nghĩa là thế nào ạ ?

Cụ Ông bèn nói tiếp:

- Thôi, để ông kể cho mà nghe. Này nhé, năm đầu khi mới lấy nhau, Ông quyết thực hiện lời Chúa dạy: hãy yêu người lân cận như yêu chính mình !…

Đám con cháu xem ra không mấy thuyết phục, lại hỏi tiếp:

- Thưa Ông, thế những năm sau đó thì sao ạ?

Cụ Ông đáp:

-Ấy… ba năm sau đó, ta cũng áp dụng lời Chúa, thôi. Ông nhớ, lời ấy như thế này: các con hãy yêu thương và thứ tha cho kẻ thù của mình!...

*

“Ấy là kể chuyện”, là như thế. Rất thật. Và cũng rất ư là không thật. Yêu thương tha thứ không phải chỉ nên làm trong suốt 50 năm gần gũi, bên nhau mà thôi. Tha thứ yêu thương hết mọi người, cả kẻ thù của mình, suốt cuộc đời nữa. Chuyện “tưởng như đùa” ở trên lại là chuyện rất thật. Sự Thật trăm phần trăm rút từ sách Sự Thật chứ không từ truyện kể, ở ngoài đời.

Vâng. Yêu thương tha thứ. Đó chẳng là bí kíp hay bí mật, gì hết. Cũng không mang tính nghệ thuật nào cả. Nhất là nghệ thuật sống bên nhau suốt 50 năm trời, ròng rã. 50 năm keo sơn gắn bó với nhau, đó là chân lý để đời. Chân lý có niềm tin rất vững vào Đức Chúa của sự thật, Đấng hằng nhắc và dạy ta biết tha thứ yêu thương. Đây không là bí kíp hay bí mật, nhưng là mệnh lệnh. Và, người Công Giáo chúng ta vẫn tuân lệnh ấy như triết lý sống động.

Vấn đề ở đây, hôm nay, là: trong 20 thế kỷ qua, Giáo Hội đã thương yêu tha thứ, đủ chưa? Làm sao Giáo Hội có thể tha thứ người khác được, trong khi chính mình chưa dám tự nhận là mình cũng có lỗi lầm trong yêu thương và tha thứ như bất cứ người phàm nào khác? Giáo Hội ta đã nhận lỗi và xin lỗi chưa ? Đã xin lỗi những người ở cấp thấp hoặc nạn nhân của chính mình, chưa?

Trả lời điểm này, cần nhiều bàn thảo lâu dài; nhưng vào những ngày đầu thiên niên kỷ, có hai sự kiện tiêu biểu liên quan đến hành động nhận lỗi và xin lỗi, từ phía Giáo Hội. Trước nhất, là việc Đức Hồng Y Edward Clancy, cựu Tổng Giám Mục Sydney đã chính thức xin lỗi thổ dân Aborigines Úc Châu về các hành động “không phải phép” mà Giáo Hội sở tại đã làm với người dân nghèo hèn ở Úc. Sự kiện khác xảy đến ngay sau đó, là việc Đức cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô 2, lúc đương thời, ngài cũng đại diện cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo, đã công khai xin lỗi mọi người về các việc Giáo Hội đã làm đối với người Do Thái, và Giáo Hội bạn.

Quả là, khi xin lỗi như thế, hai đấng bậc chủ chăn ở cấp cao, không mảy may sợ mất đi quyền uy sức mạnh, nào hết. Thế nhưng, nhìn từ góc cạnh nào đó, cử chỉ xin lỗi có một không hai của các ngài cho thấy đã có biến chuyển lớn trong Giáo Hội. Kể từ nay, Hội Thánh Chúa ở Sydney và Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, sẽ tiếp tục đặt mình dưới sự soi sáng của Đấng mà toàn thể Hội Thánh, với tư cách là kẻ tin, vẫn tin tưởng và thờ lạy: Chúa Thánh Linh.

Đằng khác, với mặc khải:

“Này ngươi là Đá, và trên đá ấy Ta sẽ xây dựng Hội thánh của Ta, và quyền môn âm phủ sẽ không thể nào thắng nổi”. (Mt 16, 18)

Quyền uy vững mạnh như Đá Tảng được Chúa gầy dựng cũng đã một lần biết mình lầm lỡ. Rõ ràng, khi xưa “Đấng được gọi là Đá”, không đề cao cảnh giác đủ về tính cách “có thể lầm lỡ như người phàm”, đã được dặn dò như sau:

“Hết thảy các người sẽ vấp ngã vì Ta.”; để rồi, các ngài cứ khăng khăng: “cho đi mọi người đều sẽ vấp ngã vì Thầy, tôi sẽ không như thế bao giờ.”( Mt 26, 34 )

Và quả y như rằng, sau đó không lâu “Đá Tảng” Hội Thánh vẫn một mực chối biến: “Tôi không biết Người ấy.”(Mt 26:72) May thay, cuối cùng thì thánh nhân chực nhớ ra lời Thầy báo trước:

“và ra ngoài, ông khóc lóc rất thảm thiết.” (Mt 26: 75)

Nay, các “đá tảng” của Hội Thánh, từ năm 2000 nổi bật ấy, tuy không “khóc lóc thảm thiết’, nhưng các ngài cũng nhận là mình đã có lầm lỗi. Cũng đã xin lỗi nạn nhân đau khổ vì quyết định của các đấng bậc quyền uy, thuở trước. Và, cử chỉ của các ngài là một biến động lớn làm thức tỉnh con tim nhân loại.

Nêu ra đây hai sự kiện kể trên, bần đạo không có ý tạo dịp để chỉ trích bất cứ quyền uy rất thánh, nào hết. Chỉ gợi ý – hoặc bảo “ấy là kể chuyện” – để xác minh rằng: đức tính quan trọng mà kẻ có quyền có uy cần duy trì trong mọi tình huống, chính là: nhận lỗi đi đôi với tha thứ. Tha thứ không phải là hành động biểu tỏ uy lực của người nắm quyền vận mệnh nào đó. Nhưng, tha thứ chính là quyền uy sức mạnh. Là, chức năng ý nghĩa của quyền và uy ấy. Không tha thứ, thì chẳng thể nào thực hiện được quyền uy sức mạnh. Chẳng làm sao:

“tháo cởi – cầm buộc điều gì dưới đất.” (Mt 16: 19)

Tha thứ, không chỉ là ý nghĩa hoặc đặc điểm của quyền uy sức mạnh mà thôi, nhưng còn là mệnh lệnh. Tha thứ là đặc thù luôn sánh đôi với đặc tính thương yêu. Thương yêu người đồng lọai. Yêu thương cả kẻ thù mình nữa. Yêu không thôi, vẫn chưa trọn vẹn. Yêu và thương cần đính kèm hành động tha thứ rất chân tình, nữa. Tha thứ không miễn cưỡng. Tha thứ không bằng đầu môi chót lưỡi. Và, không tha thứ sẽ không chứng tỏ được là mình đã yêu và đã thương.

Vâng. Đấng phát hiệu lệnh “hãy yêu thương đồng loại như yêu chính mình” một lần nữa, đã khẳng định:

“Nếu các ngươi tha thứ cho người những điều họ sai lỗi,

thì Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, cũng sẽ tha thứ cho các ngươi.” (Mt 6: 14)

Và,

“Cũng vậy, Cha ta, Đấng ngự trên trời, sẽ xử với các ngươi, nếu các ngươi mỗi người không thật lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mc 11: 26; Mt 6: 14-15)

Ngõ hầu cùng nhau nói được “ấy là kể chuyện”, hôm nay xin gửi đến các bạn thêm một truyện kể khác. Truyện xảy ra hồi thế chiến thứ hai, do tác giả mang tên D.Z., viết như sau:

Ý Đại Lợi năm 1945.

Hồi cuộc chiến khốc liệt xảy ra vào năm đó, tôi vừa tròn 17. Vào ngày sinh của tôi, vẫn còn thấy đâu đó các cuộc chạm súng lẻ tẻ giữa binh sĩ Mỹ và Đức Quốc Xã, ở trong làng. Hôm ấy, là ngày cuộc chiến kết thúc ở Ý. Nhưng chúng tôi không hay biết gì hết.

Lúc ấy, có khoảng 10 tay lính Đức đang bố ráp nhà trại của chúng tôi. Lý do ? Là vì có nông dân nào đó đã cả gan bắn chết một người trong số họ. Để trả đũa, lính Đức bèn gom dân làng lại, tất cả có chừng 12 người, đem ra pháp trường bắn bỏ. Trong số các người này, có chị ruột của tôi. Họ bắt tất cả những người vô tội xếp hàng ngang, quay mặt vào tường. Và, họ chuẩn bị lên nòng. Nghe tin dữ, tôi chạy vội đến đề nghị viên chỉ huy hãy để tôi thay cho người chị yếu mềm và hẩm hiu kia. Quả thật, chị tôi đang có con nhỏ và chẳng bao giờ làm một việc tày trời như vậy. Và, họ bằng lòng cho tôi thay.

Không hiểu sao, lúc ấy thay vì úp mặt vào tường chờ lệnh, tôi lại ngẩng đầu lên quay mặt về hướng những người lính đang chờ hiệu lệnh. Tôi nhớ rõ từng nét mặt của các tay súng sắp giết người vô tội. Kìa, tất cả đều bơ phờ, mệt mỏi. Chừng như, họ đang đói và khát nước ghê lắm. Bọn họ toàn những thanh niên, tuổi còn rất trẻ. Cỡ chừng 16, 17 là cùng. Nhưng người nào người nấy đều biết cầm súng. Biết giết người. Tuy còn trẻ, họ nhất định sẽ theo lệnh, giết trọn 12 dân lành để trả thù cho một người trong họ, bị ám sát.

Thế rồi, vì quá bất ngờ, nên tôi không kịp cầu nguyện. Chỉ cố gắng nhớ được dăm ba tiếng Đức học lóm hồi còn ở trường nhỏ. Tôi đánh bạo lắp bắp vài câu với tên chỉ huy. Chỉ muốn biện bạch với anh rằng: chúng tôi không giết người Đức. Chúng tôi chẳng dính líu đến chiến tranh. Rất chán ghét cảnh giết chóc… Đang lúc vội vã và chao đảo, tôi chẳng biết tình hình rồi sẽ ra sao.

Bất chợt, tay chỉ huy ngạc nhiên khi thấy tên nhãi ranh như tôi, mà lại cả gan dám chống cự lính Đức Quốc Xã bằng ngôn ngữ ưu việt của chính họ. Suy nghĩ một hồi, tay này ra lệnh cho thuộc cấp rút khỏi hiện trường. Và, bỏ đi mất dạng.

Chiều đó, tiếng súng vẫn nổ rền, trong xóm. Sáng ra, vạn vật trở nên im ắng cách lạ thường. Tôi đã thấy nhiều xác chết nằm rải rác trong thôn làng: xác lính cùng với xác dân, nằm ngổn ngang khắp chốn. Bước vào, tôi chợt nhận thấy có nhiều lính Đức bị thương. Họ la liệt nằm quanh khu Nhà Thờ cổ. Một người trong họ nằm vất vưởng trên chiếc ba-lô rách mướp, đang lúi húi viết thư cho ai đó. Chừng như là vợ anh. Anh viết hồi lâu, nhưng vỏn vẹn chỉ mấy chữ:

“Em yêu dấu, có lẽ đây là lá thư cuối cùng anh viết cho em..”

Chỉ bấy nhiêu.

Viết xong, anh ký tên. Ghi rõ địa chỉ và nhờ tôi chuyển về quê cho anh. Tôi làm theo lời dặn, không đắn đo. Cũng chẳng thắc mắc. Tôi lựa lời an ủi anh trong vài phút. Sau đó, tôi tìm cách giúp đỡ vài người lính khác. Cố giúp đỡ được nhiều người càng tốt.

Về sau, tôi được tin về người lính nhờ tôi chuyển hộ thư cho vợ, đã sống sót. Thật có phúc. Nghe đâu, người ta đem anh về bệnh viện quân y, trên tỉnh. Nhưng, phải chịu ca mổ cưa mất một chân. Anh chấp nhận thân phận què quặt. Ít lâu sau, tôi nhận được một thư khác. Thư của người vợ lính mà tôi không biết tên. Trong thư, chị ngỏ lời cảm ơn tôi đã giúp chồng chị. Thật ra, tôi chẳng nhớ mình đã giúp được ai. Giúp những gì.

Hôm khác, tôi cũng được thư của một quả phụ người Đức, mà tôi chưa một lần quen biết. Bà hỏi tin về người con duy nhất của bà. Tôi biết rất ít về người con của bà. Chỉ biết, anh từng chiến đấu trong thôn làng nhỏ bé nơi tôi ở, thôi. Đành chịu, tôi chẳng tài nào nhớ nổi hiện anh lưu lạc ở nơi đâu. Chỉ mang máng nhớ, dường như có thấy bóng dáng của anh đâu đó, vào lúc chiến tranh vừa chấm dứt. Thế thôi.

Lúc ấy, anh cố lê gót chân gầy bước vào ngôi Nhà Thờ nhỏ, lặng thinh cầu nguyện. Anh thả hồn hiệp thông với ông cha xứ trong lời nguyện bằng tiếng La-tinh. Chỉ có thế. Chẳng tài nào nhớ được gì hơn. Cũng chẳng biết rõ chút gì về anh.

Cuối cùng, bà mẹ chiến binh ấy cũng tìm ra được mộ phần của người con xấu số. Nghe đâu bà là quả phụ giáo sư dạy sử, tại đại học Berlin. Ông bà độc nhất có mỗi anh là con trai.

Cứ thế, sau ngày cuộc chiến tàn lụn, tôi càng khám phá thêm được tình yêu của Chúa. Tôi nhận diện Ngài, qua những người mà trước đây tôi coi như kẻ thù của chúng tôi. Những người mà tôi đoán sẽ không đội trời chung. Tôi nghĩ về sự phi lý của chiến tranh mà tôi có dịp mục kích. Những điều xấu đã hằn in nơi đầu óc non trẻ của tôi, vào lúc ấy. Tôi đã chứng kiến những gương can đảm của người lính. Ở hai bên. Không phân biệt bạn hay thù.

Chiến tranh kết thúc, tôi có dịp gặp nhiều người trẻ. Và, tôi cùng với các thanh niên ấy tìm cách biến đổi các tiêu cực của cuộc đời thành những điều tích cực. Chúng tôi cố giúp những người trẻ đang chán hết mọi sự. Giúp họ tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Và, chúng tôi lập thành nhiều nhóm, giúp nhau duy trì lòng tin vào Chúa. Cũng giúp nhau đào sâu hơn niềm tin người Công Giáo. Chúng tôi mời nhiều diễn giả trên tỉnh, về mở cuộc hội thảo cho nhiều nhóm, nhiều người.

Một hôm, chúng tôi mời thành viên nhóm Focolare đến trình bầy về đời sống cộng đoàn. Và, sứ mạng Lấy Tình Thương Xóa bỏ Hận Thù. Mọi hoạt động đều nhằm cổ súy tình đoàn kết nạn nhân chiến cuộc. Chúng tôi nhấn mạnh đến sự bình an Chúa ban cho người chịu khổ đau. Cả những người còn hận thù, cay đắng nữa.

Nghe kể, tôi thấy như có gì đang chuyển động bên trong mình. Và, tôi khám phá ra rằng: tôi xác tín hơn về sự tha thứ. Xác tín rằng: tình thương yêu đồng loại bao gồm cả hành động tha thứ. Tha thứ không giới hạn. Tha thứ không mệt mỏi.

Ít lâu sau, tôi trở thành bạn thân, gần gũi diễn giả hôm trước. Hiện nay, tôi vẫn duy trì sức mạnh của sự tha thứ. Vì đấy là đặc thù của nhóm Focolare mà tôi là thành viên, rất thực. ( D.Z )

*

Vâng. Đấy là Thương yêu đùm bọc. Và cũng là thứ tha. Tình yêu ở đây không cao ngạo. Không đòi hỏi nhiều. Chỉ cần thứ tha. Cần, là để Thiên Chúa dễ làm việc nơi con người mình. Chúa làm trong yêu thương tha thứ.

“Ấy là chuyện kể” ở đây muốn thêm một điều: Tha thứ là bằng chứng của tình yêu đích thực. Tha thứ, là tin vào quyền uy sức mạnh của Thiên Chúa. Đấng hy sinh trọn vẹn đời Ngài để tha cho các kẻ đang quay lưng phản chống lời Ngài.

Trần Ngọc Mười Hai

cầu mong cho mình và mọi người luôn nói

“ấy là kể chuyện” để rồi, sẽ thứ tha

No comments: