Saturday, 27 September 2014

“Khi em nhìn anh,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 27 mùa Thường niên năm A 05-10-2014

“Khi em nhìn anh,”
Từ đôi mắt đen dịu dàng
Như trăng hồ thu
Đợi thuyền tình anh ghé thăm
(Y Vân – Khi Anh Nhìn Em)
(Lc 9: 62)
            Nhìn Em bằng đôi mắt nào đi nữa, cũng vẫn là nhìn, là ngó hay ngắm nghía và ngưỡng mộ, rất chân tình. Câu này cũng nghe quen từ hồi đó. Thời, mà các bậc chân-tu như thánh-nữ Têrêxa Hài Đồng thành Lisieux từng ngắm nhìn Chúa qua Thánh Thể hoặc qua người mẹ, người chị cùng một Dòng.
Câu hỏi hôm nay được gửi đến bạn và đến tôi, không chỉ là câu vẫn hỏi: anh/chị có còn nhìn thế nữa không, mà là câu hát rất thân-tình, còn hát tiếp:

Ánh mắt em u buồn,
mái tóc anh ươm sầu
Đã thấy trong thiên hạ
Ai buồn, ai buồn bằng...
Đôi lứa.. chúng ta ?!
(Y Vân – bđd)

Thế mới biết: người đời nhìn nhau vẫn thấy buồn, giống như thế những chuyện buồn trăm năm. Một thứ buồn rười rượi, u hoài về chuyện “đôi lứa chúng ta”.
Thế mới lạ. Bởi cũng lạ nên cứ hỏi: chuyện nhà Đạo mình có chăng những tình-tự thế?
Thế nhưng, trước khi trả lời cho câu hỏi hơi kho khó này, hỡi bạn và tôi, ta lại xin nghe tiếp một câu khác, để xem sao. Câu hát ấy, như thế này:  

“Em là chim yến nhỏ,
anh khoác áo vân du
Đường xa em có ngại,
áo mây anh ấp ủ
Ta tìm lên núi tình,
ta đến suối yêu đương
Rồi đi thăm bến Mộng,
sẽ qua đồi ái ân.
Khi em nhìn anh
Sầu đong mấy Đông cho vừa
Như trăng vừa lên
Đầu ghềnh mờ pha tuyết sương.”
(Y Vân – bđd)

            Nhìn em hay nhìn anh, thì ai cũng đều nhìn/đều ngắm ít là một lần trong đời. Thế nhưng, trong đời người hỏi rằng: có chăng một lần nhìn nào đó vẫn cứ hỏi: “Có phải em đó không em, hay ai khác?” hệt như truyện kể để cười vui trước khi ta đi vào chuyện đứng-đắn rất thần-học sau này. Truyện kể về cái nhìn của người chồng, sau khi “nhìn em” mãi một hồi, rồi thì chuyện xảy ra mà bần đạo đoán là ở xứ Hàn, như sau:

            “Vừa nhìn thấy vợ hiền đang từ từ bước vào nhà, ông bố bèn hét bảo với đứa con còn nhỏ:
            -Này con, chạy ra mà xích con chó nhà mình lại.
Cậu con rất đỗi ngạc-nhiên bèn hỏi lại:
-Bộ, nhà mình có khác từ xa tới hay sao, hả bố?
Không chần chừ, người bố đáp ngay:
-Không đâu! Mẹ mày đang từ mỹ-viện đi về kià…”
(trích truyện kể lền khên, không ký tên!)

            Thế đó, một cái nhìn, rất chưa quen, từ bố con. Thế còn, cái nhìn từ nhà Đạo có gì khác không thế? Câu trả lời, cũng khó đoán. Bởi lẽ, nhà Đạo mình có người nhìn, có người không, nhất thứ là khi đi lễ về, nhiều người chẳng còn muốn nhìn nhau, dù vừa mới chào bình an cho nhau.
            Thêm nữa, nhà Đạo mình, lại cũng thấy rất nhiều người cũng đã nhìn và còn nhìn mãi, rất khôn nguôi. Nhưng, có khi là nhìn ai, nhìn cái gì cũng không chắc lắm. Bởi cứ chừng chừng nhìn mãi, làm sao biết. Cũng lắm khi, bạn đạo mình cứ mải nhìn chính mình hoặc nhìn người khác, rồi lại hỏi: “Tôi đây là người Công giáo, đấy chứ nhỉ?”
Hỏi như thế, tức có nhìn cho lắm cũng khó mà biết người biết mình, trăm phần trăm. Chi bằng, ta cứ nhờ bạn/nhờ tôi, nhờ mọi người xem thử ra sao, việc khó nói ấy. Khó hay không, bần đạo đây cũng chẳng biết. Chỉ biết có lần nọ, Đức Giáo Tông Phanxicô cũng từng có lời phán bảo rất gay go/gay cấn, và cũng lấn cấn như sau:

“Những ai cứ muốn người khác nguyện cầu và tin chắc là mình có thể đưa ra những điều thay thế cho giáo-huấn của Hội-thánh và những ân-nhân từng sử-dụng hội-thánh như tấm phủ bọc nối-kết cho thương-vụ của họ cũng có thể tự gọi mình là Công-giáo, nhưng những người như thế vẫn chỉ là người chân trong chân ngoài ngưỡng cửa mà thôi. Với những người như thế, Hội-thánh không là mái-ấm cơ-ngơi của họ, mà chỉ là chốn được họ dùng như tài-sản thuê mướn để tá-túc mà thôi!” Lời Đức Phanxicô giảng ở nhà nguyện nơi ngài trú ngụ phản-ánh Tin Mừng theo thánh Gioan đoạn 17 câu 20-28.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn giảng tiếp: Có ba nhóm người vẫn tự gọi là Công giáo, nhưng thật ra không phải thế. Đó là: những người chủ-trương thuần-nhất rất đồng dạng, thứ đến là những người thích sống khác lạ và những người chỉ biết đến doanh thương mà thôi.

Và Đức Phanxicô đã giải-thích về ba nhóm người ấy như sau: “Nhóm người thứ nhất tin rằng mọi người trong Hội-thánh phải giống như họ. Họ là những người cứng-ngắc, không có được sự tư-do mà Thánh Thần Chúa phú ban cho họ. Những người này lẫn lộn những gì Đức Giêsu rao giảng với chủ-thuyết đồng-dạng riêng của họ. Thật sự thì Đức Giêsu chẳng bao giờ muốn Hội-thánh của Ngài trở nên cứng-ngắc hết. Những người thuộc nhóm này vẫn tự gọi mình là Công giáo, nhưng thái-độ cứng-ngắc của họ làm họ xa cách Hội-thánh Chúa.   

Nhóm thứ hai, là những người cho rằng có thể thay thế cho giáo-huấn và tín-lý của Hội-thánh, nên họ chỉ tùy thuộc một phần vào Hội-thánh mà thôi. Những người này nữa, lại cũng chân trong chân ngoài đối với Hội-thánh. Họ thuê mướn Hội-thánh và không công-nhận giáo huấn của Hội-thánh mình được dựa căn-bản trên lời rao giảng của Đức Giêsu và truyền-thống của các tông-đồ.

Nhóm người thứ ba cũng tự gọi mình là Công-giáo nhưng họ không đi vào tâm-can của Hội-thánh. Họ sử-dụng Hội-thánh vì lợi-ích riêng-tư của họ, thôi. Ta vẫn gặp những người này trong cộng-đoàn giáo-xứ, giáo-phận hoặc các dòng tu. Một số người trong nhóm họ là ân-nhân của Hội-thánh nên nhiều lúc cứ nghênh-ngang tự-cao tự-đại và tự-hào vì là ân-nhân, nhưng cuối cùng vẫn móc ngoặc/đi đêm tìm lợi nhuận cho riêng mình, thôi.

Hội-thánh gồm dân con mọi người có khác-biệt về nhiều thứ và nhiều quà tặng, nên những ai muốn thuộc về Hội-thánh, đều phải có động-lực là tình-yêu thúc đẩy và phải đi vào lòng Hội-thánh bằng tất cả tấm lòng mến thương của mình. Hãy mở lòng mình với Thánh Thần Chúa là Đấng bảo-dưỡng tính hài-hoà trong khác-biệt, Ngài sẽ đem đến tính hiền-hoà dễ dạy chính là đặc-tính cứu vớt ta ra khỏi cảnh-huống “chân trong chân ngoài với Hội-thánh” (x. Cindy Wooden, Pope: Half-hearted Catholics aren’t really Catholics at all, Catholic News Service 05/6/2014)

Về những ngó và nhìn cũng có nhiều nhận-định và/hoặc câu nói rất để đời, đã nghĩ tới. Chẳng hạn như, câu nói mà thánh-sử Luca từng đặt nơi miệng Đức Giêsu như sau:

            “Đức Giê-su bảo:
Ai đã tra tay cầm cày
mà còn ngoái lại đàng sau,
thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."
(Lc 9: 62)

Như Chúa nói, đã ra đi làm gì đi nữa, cũng đừng “ngoái” lại đằng sau mà nhìn mà ngó, cũng không nên. Trong đời người đi Đạo, cũng có nhiều sự-kiện qua đó nhiều người vẫn cứ ngó, cứ nhìn vào nhiều thứ. Ngó và nhìn, cả những sự và những việc không liên-quan đến việc sống Đạo và giữ Đạo, cho phải phép.
Ngó và nhìn, ở ngoài đời, còn được thi-ca/văn-học diễn tả bằng nhiều cách. Có những lúc, ngó và nhìn cho kỹ để còn thấy được tình-hình rất đích-thực mà người bàng-quan chỉ nhìn loáng thoáng không thể thấy. Tự như ý/lời của truyện kể ở bên dưới.

“Truyện ở đây, có khi chỉ là “CHUYỆN ĐỜI...” như người kể, từng muốn nói, như sau:               
Con tàu du lịch nọ gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng rất khó khăn mới lên đến trước mũi thuyền cấp cứu , trên thuyền  chỉ còn... thừa duy nhất 1 chỗ ngồi. Lúc này, người đàn ông để vợ mình ở lại, còn bản thân nhảy lên thuyền cấp cứu.
Người phụ nữ đứng trên con thuyền sắp chìm, hét lên với người đàn ông một câu…………..
Kể đến đây, thầy giáo hỏi học sinh: “Các em đoán xem, người phụ nữ sẽ hét lên câu gì?”
Tất cả học sinh phẫn nộ, nói rằng: “Em hận anh, em đã lấy nhầm người rồi.”
Lúc này thầy giáo chú ý đến một cậu học sinh mãi vẫn không trả lời, liền hỏi cậu bé.
Cậu học sinh nói:
-Thầy ơi, em nghĩ người phụ nữ sẽ nói: Chăm sóc tốt con của chúng ta anh nhé!”
Thầy giáo ngạc nhiên hỏi:
-Em nghe qua câu chuyện này rồi ư?”
Học sinh lắc đầu:
-Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất cũng nói với bố em như vậy.
Thầy giáo xúc động:
-Trả lời rất đúng.”
Người đàn ông được cứu sống trở về quê hương, một mình nuôi con gái trưởng thành. Nhiều năm sau, anh ta mắc bệnh qua đời, người con gái lúc sắp xếp kỷ vật, phát hiện quyển nhật ký của bố. Hóa ra, lúc mẹ và bố ngồi trên chiếc tàu ấy, người mẹ đã mắc bệnh nan y, trong giây phút quyết định, người chồng đã dành lấy cơ hội sống duy nhất về phần mình. Trong nhật ký viết rằng: “Anh ước gì anh và em có thể cùng nhau chìm xuống đáy biển, nhưng anh không thể. Vì con gái chúng ta, anh chỉ có thể để em một mình ngủ giấc ngủ dài dưới đáy đại dương sâu thẳm. Anh xin lỗi.”

Kể xong câu chuyện, phòng học trở nên im ắng, các em học sinh đã hiểu được ý nghĩa câu chuyện này: Thiện và ác trên thế gian, có lúc lắm mối rối bời, khó lòng phân biệt, bởi vậy đừng nên dễ dàng nhận định người khác.

Nghe kể truyện, người kể bèn có lời bàn như sau:
* Người thích chủ động thanh toán tiền, không phải bởi vì người ta dư dả, mà là người ta xem trọng tình bạn hơn tiền bạc.
* Trong công việc, người tình nguyện nhận nhiều việc về mình, không phải bởi vì người ta ngốc, mà là người ta hiểu được ý nghĩa trách nhiệm.
* Sau khi cãi nhau người xin lỗi trước, không phải bởi vì người ta sai, mà là người ta hiểu được trân trọng người bên cạnh mình.
* Người tình nguyện giúp đỡ người khác, không phải vì nợ người đó cái gì, mà là vì người ta xem người đó là bạn. (Một bạn vừa sưu tầm trên mạng, thấy có truyện này bèn kể cho nhau nghe).

            Nghe kể xong, người nghe lại sẽ hát theo giọng người nghệ sĩ những câu rằng:

            “Ánh mắt bao la tình
Với ý thơ thưa rằng:
Chí lớn trong thiên hạ
Không đầy, không đựng đầy...
Đôi mắt.. mỹ nhân!!”
(Y Vân – bđd)

Thế mới hay. Khi nhìn em với “ánh mắt bao la tình”, lại mới thấy em là tất cả. Tất cả, không chỉ mỗi ánh mắt, làn môi đẹp nhất mà thôi, nhưng còn cả tấm lòng, đẹp đến như thế.
“Nhìn em với anh mắt bao la tình” có khi chỉ là nhìn mà không thấy. Chẳng thấy được thứ “tình mình bây giờ” như bài hát nọ để diễn-tả chuỗi ngày hai người ở bên nhau, vẫn quen biết nhau, thương nhau như hồi nào.
Có những “Ánh mắt nhìn nhau” như hồi nào, nhưng lại không thấy được những ý, những tình của nhau trong nhiều lúc. “Ánh mắt nhìn nhau” như hồi nào hay mọi hồi/mọi lúc vẫn cứ nhìn, mà chỉ thấy được những cái hay/cái đẹp ở người và vật được nhìn, cả trong đời đi Đạo và sống Đạo, cho phải lẽ.
Lại cũng có những “Ánh mắt nhìn nhau” rất “bao la tình” lại vẫn không thấy “Chí lớn trong thiên hạ, không đong đầy trong đôi mắt”, tựa như ca-từ mà nghệ-sĩ vừa mới hát. Kể cũng lạ, nhìn nhau thì cũng nhìn, nhưng làm sao thấy được “chí lớn” trong thiên-hạ đựng đầy trong cặp mắt? Có chăng, đôi lúc chỉ thấy cái  “chí nhỏ nhoi” của nhiều người, không đáng thấy.
Kể cũng lạ một điều, là người đời cứ nhìn và chỉ nhìn thấy “cái chí nhỏ nhặt” nơi người khác, không bằng mình. Thế mới thành chuyện. Thế mới là chuyện lạ ở đời. Chí ít, là trong Đạo. Có lẽ, cũng nên nhắn nhủ cả những người trong Đạo hay ngoài đời rằng: hãy cứ nhìn nhau cho lâu, rồi cũng sẽ hát những câu như người nghệ sĩ vẫn còn hát như sau:

“Ta tìm lên núi Tình,
ta đến suối yêu đương
Rồi đi thăm bến Mộng,
sẽ qua đồi ái ân.
Khi em nhìn anh
Sầu đong mấy Đông cho vừa
Như trăng vừa lên
Đầu ghềnh mờ pha tuyết sương.”
(Y Vân – bđd)

Nói chung và nói cho cùng, thì: có nhìn nhau thật nhiều, cũng nên như người viết nhạc, những bảo rằng: “Sầu đong mấy Đông cho vừa”. Nhìn như thế, tức: nhìn rất nên thơ . Thế nên, đừng nhìn, đừng ngó và ngoái lại về cõi trời Đông những sầu muộn, như đấng thánh hiền-lành từng cảnh-giác.
Cuối cùng thì: có nhìn anh/nhìn em cách nào đi nữa, xin bạn và xin tôi ta hãy nhìn theo kiểu nhà Đạo hoặc người đời từng có lời nhắn nhủ ở Kinh Sách rất như sau:

“Sao anh nhìn thấy cái rác trong con mắt của người anh em,
mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không thấy?
Sao anh lại nói với người anh em:
Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn,
trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?
Hỡi kẻ đạo đức giả!
Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã,
rồi anh sẽ thấy rõ,
để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.”
(Mt 7: 3-5)

Và ở đoạn khác, thánh-sử nhân hiền còn ghi rõ về “tầm nhìn” mà con người đừng nên có:

“Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã,
thì hãy móc mà ném đi;
thà chột mắt mà được vào cõi sống,
còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục.”
(Mt 18: 9)

Và nhất là câu nói đần dặn dò như sau:

"Anh em hãy coi chừng,
chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này;
quả thật, Thầy nói cho anh em biết:
các thiên thần của họ ở trên trời
không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy,
Đấng ngự trên trời.
Vì Con Người đến để cứu cái gì đã hư mất.
(Mt 18: 10-11)

Xem thế thì, bạn và tôi hay ai khác, ta vẫn cứ hiên ngang ngước mắt lên mà nhìn. Nhìn lên chứ đừng nhìn xuống, kẻo lại coi thường người khác, chí ít là những kẻ bé mọn ở Hội thánh hay ngoài đời, rất con người.

Trần Ngọc Mười Hai
Xưa rày có mắt thật đấy
Nhưng vẫn chưa biết nhìn đời
Cho đúng cách
Của người đi Đạo
Sống ở đời.  



    

Saturday, 20 September 2014

“Con đường xưa em đi"



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 25 mùa Thường niên năm A 21-9-2014

“Con đường xưa em đi
người ta kéo dây chì, thế là anh hết đi.
Đưa em về bên tây nguyên,
xích lô nàng không chịu đi, Nàng đòi đi taxi!”
(Hát nhái bài Con Đường Xưa Em đi của Hồ Đình Phương)

(Mt 5: 21-24)

            Rõ ràng “Con đường xưa em đi”, là để em cùng anh và mọi người dùng nó mà đi, dù cho người ta có kéo dây chì hoặc làm anh sạch túi, hay sao đó, ta vẫn đi.
            Con Đường, là để mọi người được đi, dù anh có hát nhại gì gì đi nữa, cũng sẽ thấy là:

            Em ơi dù tốn bao nhiêu, dù phải hao “tì”
            lòng này anh chẳng màng
Nhưng than ôi khi hiểu ra rằng
Em chẳng thương chi thì làm cho anh sạch túi?”
(Hát nhái bài Con Đường Xưa Em đi như đã dẫn)

“Con Đường” như thế là đường đời, dành cho mọi người, ở đời. Còn, “Con Đường” nhà Đạo, thì sao? Câu trả lời, xin dành ưu tiên cho cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan từng có câu để đời như:

“Đạo là đường, Đạo bao giờ mà chẳng là đường. Sao lại còn có thể tự hỏi: Đạo là đường hay là lô-cốt, pháo đài? Vấn-đề thoạt tiên nghe có vẻ kỳ cục. Chúng ta cứ mở bất kỳ một quyển Hán-Việt Tự điển nào mà xem. Đạo là đường. Dĩ nhiên. Thắp đuốc mà tìm cũng không bao giờ thấy Đạo có nghĩa là pháo-đài, lô-cốt cả. Đạo là đường, không thể là gì khác. Thật là giản dị. Đạo là đường như muôn vàn nẻo đường đã in vết chân chúng ta hay đang chờ chúng ta đi đến. Đạo là con đường lớn nhất, dài nhất, xa nhất như cả cuộc đời chúng ta là một con đường.

Riêng tiếng Việt lại sẵn kiểu nói thật là ý-nghĩa: “đi đạo”. Như thế, hiểu đạo là đường chưa đủ, còn cần phải nói cho rõ hơn. Không biết có tiếng nào trên thế giới biết dùng một chữ gì tương đương với kiểu nói “đi đạo” dễ thương như vậy không.

Thế nhưng, vấn-đề có vẻ kỳ cục kia –Đạo là đường hay là pháo đài– vẫn không phải là chuyện thừa. Vì Đạo là đường chỉ là lý đương nhiên trong các quyển tự-điển, theo nguyên tắc, còn trong thực-tế đã chắc gì Đạo vẫn chỉ là con đường. Người mình bảo “đi đạo” nhưng biết đâu trong thực-tế vẫn có nhiều người “giữ đạo” như canh gác lô-cốt hơn là có nhiều người “đi đạo” như còn ở trên con đường dài. Cũng như cái lý đương nhiên của cánh chim là để bay nhảy giữa trời cao đất rộng. Cái lý đương nhiên của loài cá là sông là biển. Thế nhưng, vẫn có cảnh cá chậu chim lồng. Mà bi-đát hơn nữa là chúng ta thường chỉ tiếp xúc với cá chậu chim lồng –chưa kể cá ướp lạnh và chim đã nhổ hết lông– hơn là với cá đang tung-tăng giữa cái lý đương nhiên của nó là sông biển, với chim đang bay nhảy giữa cái lý đương nhiên của nó là trời đất…” (xem Nguyễn Ngọc Lan, Đường Hay Pháo Đài, nxb Trình Bầy 1969 tr. 11-12)

            Vâng. Ý của vị “cựu linh mục” đây khi xưa là thế. Có như thế hay không, người đời nay vẫn cứ quan-niệm “Con Đường Xưa Em Đi”, còn hơn thế nữa, khi hát rằng:

            “Con đường xưa em đi Giờ đây kéo dây chì thế là anh hết đi.
đưa em về bên Tây nguyên Xich lô nàng không chịu đi Nàng đòi đi Taxi.      
Em ơi! dù tốn bao nhiêu dù phải hao tì, Lòng này anh chẳng màng
Nhưng than ôi khi hiểu ra rằng Em chẳng thương chi thì làm cho anh sạch túi.”
(Hát nhái bài Con Đường Xưa Em đi như đã dẫn)

Thật ra thì, có sạch túi/hao “tì”/hao hụt rất nhiều tiền đi chăng nữa, thì anh và em vẫn cứ phom phom ra đi trên con đường đời đầy chông gai, hoặc giây chì, giây kẽm hay gì gì đi nữa, cũng không ngại. Chỉ ngại mỗi điều, là: người em và người-anh-của-tôi, hôm nay lại thấy mệt vì chuyện khác chứ không phải chuyện đi/đứng.
Đời người “đi Đạo” cũng thế. Đi đạo, lại là và vẫn là: phom phom đi trên con “Đường” rất Đạo để giữ đạo chứ không “hành” Đạo, thế mới hay.
Trong sống đời “đi Đạo” và “giữ Đạo”, lại có rất nhiều tình-huống cũng khiến người nhà Đạo đôi lúc cũng hao-tổn thần-lực và thần-tính, nhưng vẫn đi và cứ đi. Nếu hỏi rằng, sao lại như thế, thì: hôm nay đây, bần đạo bầy tôi xin mời bạn và mời tôi, ta cứ thế “phom phom” tìm hiểu ý-nghĩa và lý-chứng về chuyện “đi Đạo” và “sống Đạo” ngang qua ý-kiến của một số vị thuộc bậc thày đã “đi” trước và vẫn “đi” dù có điều gì xảy đến trong quá-khứ, hiện-tại hoặc mai ngày.
Trước hết xin mời bạn và mời tôi, ta hãy về lại với ý-kiến của vị cựu linh mục vừa trích ở trên xem sao. Ý-kiến của bậc thày/đàn anh bần đạo khi xưa cũng rất dài. Nay, xin ghi lại chỉ đôi ba ý chính, rất như sau:

     “Vấn-đề quan-trọng vì càng ngày càng đông-đảo những con người –nhất là trong giới trẻ –không thể chấp-nhận mãi việc “giữ Đạo” theo cha ông như giữ một miếng đất, một mảnh vườn hay tệ hơn nữa như một lá bùa. Chưa hẳn vì họ trở thành vô đạo. Mà có thể, chính vì cha ông họ chưa hề thực sự “đi đạo”. Phủ-nhận một nề nếp đạo đức nào đó đối với họ thật ra không đáng kể gì hơn thế-hệ cha ông của họ đã đoạn-tuyệt với khăn đóng áo the thâm. Hay đúng hơn, họ đang làm một chuyện cần-thiết hơn, đáng làm hơn: cách này hay cách khác họ đang tỏ ra muốn là những con người có tự-do và ý-thức, và muốn đạo không thể chỉ là lồng chim và chậu cá. Họ càng không thể chấp-nhận sự-kiện người ta cứ tiếp tục biến đạo thành pháo đài hay lô-cốt để thúc thủ trong chủ quan và ích kỷ rồi chèn ép, chém giết nhau vì những quyền lợi không chút dính dấp gì đến đạo. Chưa hẳn họ đã coi rẻ ý-nghĩa của Đạo trong kiếp sống của mình. Họ chỉ từ-bỏ một thứ Đạo nào đó thôi. Và họ có quyền thắc mắc: Đạo như đã được “giữ” trước họ có thật đã giúp cho loài người xích lại gần nhau, yêu thương nhau, thông cảm với nhau cho bằng đã khiến loài người nghi kỵ lẫn nhau, chống đối nhau, xa cách nhau, dựng lên giữa nhau không biết là mấy lớp Vạn Lý Trường Thành, hay màn sắt, màn tre?

     Đạo, là pháo đài hay là đường?
Một vấn đề đáng ám ảnh chúng ta khi còn muốn chú ý đến chuyện tôn giáo, còn muốn nhìn nhận Đạo như một hiện tượng liên hệ sâu xa đến nếp sống của mình, đến tương quan giữa mình với người, đến thân phận chung của loài người.

     Đạo là pháo đài hay là đường?
Trong thực tế, cứ thử nhắm mắt lại mà xem. Nhiều thực-tại vẫn cần phải nhắm mắt lại mới thấy rõ hơn là mở mắt trân trân. Nhắm mắt lại mà xem chúng ta thấy gì khi nghĩ đến “đạo”? Chữ “đạo” có tự nhiên gợi lên trong tâm-tư chúng ta hình ảnh một con đường rộng thênh thang, dài vun vút?

     Trên con đường đó, người ta tha hồ đi, có kẻ đã đặt một chuẩn-đích phía trước mặt, có kẻ chỉ hướng về một chuẩn đích chưa rõ rệt và có lẽ chẳng bao giờ rõ rệt, có kẻ mãi mãi lang thang tìm kiếm. Nhưng ai cũng đi, người này bên cạnh người kia, không phải dẫm chân lên nhau, không ai dừng lại mà dựng lô-cốt để yên nghỉ ngay giữa đường, chận bước tiến của kẻ khác, không ai đem giây thép gai rào dọc ngang. Mọi người vừa đi vừa gặp nhau trong cùng một nỗi khắc-khoải của lòng mình, trong sự thu hút của chân trời đằng trước mặt”… (xem thêm Nguyễn Ngọc Lan, sđd tr. 13-15)

Trích dẫn những lời như thế, ở đây/hôm nay, lại là trích và dẫn về những khắc-khoải còn tiếp tục với người đi đạo và sống đạo thời bây giờ, tức thế-kỷ thứ 21 chứ không chỉ mỗi thế-kỷ của bậc thày/đàn anh từng sống và đã sống.
Thế kỷ 21, nay còn thấy và vẫn thấy những “khắc-khoải” đặt ra cho mình và cho người, giống như thế. Khắc-khoải, là những ưu-tư/thắc-mắc đặt ra cho đời. Khắc-khoải, là những thời-khắc rất ưu-tư/ngại ngùng kéo dài rất nhiều ngày trong đời, mọi người.
Khắc-khoải và quan-ngại, ở chỗ: có những lời dạy-dỗ của bậc thánh-hiền từ ngàn xưa vẫn vang vọng đến bây giờ, qua bao thế kỷ, thế-hệ và thế-sự đà đổi thay. Khắc khoải và quan-ngại, lại là lời vọng có giá trị đến bây giờ, vì đó là sự thật. Khắc-khoải và quan-ngại, là những điều từng thúc-giục mọi người, như sau:

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng:
Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.
Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.
Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.
Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.
Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5: 21-24)

            Luật yêu thương theo Con Đường Chúa dạy, lại dẫn đến Sự Thật và Sự Sống, tức chính Chúa. Phải chăng “Con Đường Xưa Em Đi” hoặc “Đạo, là Đường hay Pháo Đài?”, lại chính là đường-hướng, đường-lối hoặc đường đường một cung-cách của Tin Vui An Bình, Chúa từng bảo:

“Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy,
để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.
Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu,
làm sao chúng con biết được đường? Đức Giê-su đáp: "Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha, mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."
(Ga 14: 2-7)

“Thầy là Con Đường”, chứ không là pháo đài! Điều này bậc thày/đàn anh lại đã ghi thêm:

     “Đối với lòng tin của người Kitô-hữu, Đức Yêsu trước tiên là cả Con Đường đưa từ thân thế Thiên Chúa đời đời của Ngài đến thân phận làm người trong thời gian (Ph 2: 6-8)

     Tất cả những gì chính yếu nhất trong lòng tin đó đều có thể quy về một quả quyết: Kẻ không yêu thương tất đã không biết Thiên-Chúa, vì Thiên Chúa là lòng yêu thương. Điều này đã chứng-tỏ lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta: là Thiên Chúa đã cho Con Một Người đến trong thế gian, ngõ hầu chúng ta được sống nhờ Người” (1Yn 4: 8-9)

     Nhưng ngoài ra, cứ nhìn vào cuộc đời của Ngài như một hiện tượng, và cứ nhìn như các tiểu sử chính thống -thường được gọi là Tin Mừng hay Phúc Âm- đã trình bày, có thể nói ngay là Đức Yêsu đã sống chết ở ngoài đường, ở trên đường.” (x. Nguyễn Ngọc Lan, sđd tr. 75)

            Quả thật là như thế. Đường, lại chính là Sự Thật và là Sự Sống của Đức Giêsu. Bằng vào Con Đường này, Đức Giêsu đi đến với Thiên-Chúa-là-Cha. Và, Ngài dẫn dắt mọi người trong thiên-hạ, vẫn làm thế. Trong thiên-hạ, nhiều nghệ-sĩ cũng nhận ra được “Con Đường Tình” của mọi người và tình “Đường” của riêng ai như ý/lời được diễn-tả theo cách khác:

            “Con đường nào ta đi Với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều thu đổ Con đường bụi mờ Con đường tuổi măng tre
Nắng vàng thu đẹp đẽ Bóng người dài trên hè Con đường tình ta đi.”
(Phạm Duy – Con Đường Tình Ta Đi)

            Cứ như người nghệ-sĩ hát, thì: Con Đường mình đi, bao giờ cũng là và phải là “Đường Tình”, là “Tình” ta có với ai đó. Con Đường “tình ở đời” còn mang thêm ý-nghĩa khi anh và em, ta hát tiếp:

“Thế rồi cuộc đời là Những cuộc tình chia xa Đi lạc vào những phía con đường về
Đứng ở ngoài đầu rừng Đứng ở đầu con sông
Nhớ về con đường cũ mênh mông, mênh mông.
Hỡi người tình học trò Hỡi người tình năm xưa Bóng người từng in dấu, trên đường mờ.
Có thuộc vạn nẻo đường Có ngại ngùng nên quên Nhớ hoài con đường cũ không tên.
(Phạm Duy – Con Đường Tình Ta Đi)

Với Đức Giêsu là Sự Sống của người đi Đạo và giữ Đạo, tức giữ “Con Đường Tình” mình đi, chính là Đạo của Đức Kitô Giêsu, là Đức Chúa. Về điểm này, bậc thày/đàn anh còn ghi tiếp bằng những “cụm từ” đứt khúc, như sau:

     “Kitô-giáo: Đạo mở đường!!
      Khi Đạo đích-thực là Đạo Tình Thương và tình thương chỉ có con đường vô hạn đằng trước mặt.
    
      Kitô-giáo: Đạo cho người ngoài đường!
      Ngài đã sinh ra ngoài đường và khi ấy cũng chỉ có những người ở ngoài đường có mặt xung quanh Ngài. Từ bao thế hệ, đạo Do Thái đã hãnh diện với sứ mệnh cốt yếu là chờ đợi để đón tiếp Vị Cứu Tinh phải xuất hiện tự dân tộc mình. Thế mà lời tường thuật của Luca và Matthêu tuyệt nhiên không cho thấy bong dáng những đại diện tiêu biểu của Đạo xung quanh Máng Cỏ. Chỉ có những người ở bên lề hay ở ngoài xã hội Do thái mới đến đó. Ngay đêm Giáng Sinh là những người chăn cừu trong vùng (Lc 1: 8tt): đám nguời này có là Do thái cũng như không: họ đã nghèo mà lại còn bị liệt vào thành phần bất hảo: ai có vườn xanh cỏ tốt đều phải canh chừng…”
     Trong mà ngoài, ngoài mà trong hay là câu chuyện đứa con đi hoang.
Các chuyên viên giữ đạo tự phụ là “có” Đạo đã nắm chắc Thiên Chúa cho mình như ngày nay người ta nắm chắc một số lương hưu bổng. Họ tưởng đã chính-trực hôm qua là chính trực mãi mãi, đã tội lỗi hôm qua là chung thân tội lỗi. Cho nên họ xếp hạng loài người thật dễ dàng. Nhưng Đạo không bao giờ chỉ là ngày hôm qua, cho dẫu ngày hôm qua vàng son đến đâu chăng nữa.
     Đạo, là đoạn đường ngày hôm nay. Đạo, là chân trời ngày mai. Dừng chân yên nghỉ, thụ hưởng quãng đường quá khứ là hết Đạo. Đạo, không phải là những công đức đã cô đọng thành hào quang chung quanh đầu con người. Đạo, là ngày hôm nay đây, giờ phút hiện tại đây, con người gật đầu hay không gật đầu đáp lại tiếng gọi xa hơn mình, cao hơn mình. Đạo, không ở những vết chân để lại, mà Đạo ở cả nơi bước chân mình đang cất lên hướng về đâu. Như thế, Đạo là đòi hỏi không ngừng, nhưng nhờ đó Đạo cũng là năng-lực giải-phóng con người khỏi bị đóng đinh vào những vết chân quá khứ…” (x. Nguyễn Ngọc Lan, sđd tr. 149)
    
     Kitô-giáo: Đạo ngoài đường!
Thiên Chúa là Tình Thương, chỉ tình thương mới có tính cách quyết định trên con đường đi đến với Ngài. Tình thương định đoạt giá trị của công-thức trong mỗi hoàn cảnh sống cụ thể chứ không phải công thức định đoạt tình thương.“Thờ phượng là thờ phượng trong Thần Khí và sự thật”. (Yn 4: 5-24) Đưa ý thức tôn giáo ra ngoài đường, Đức Yêsu giải phóng hành động con người đã đành, nhưng còn hơn thế nữa, Ngài giải-phóng chính Thiên Chúa khỏi mọi định kiến cho dầu là thánh thiêng đến đâu đi nữa của con người. Con Đường Ngài mở ra, không phải là con đường để trượt tuyết. Đành rồi. Nó cam go, dốc dác. Nhưng, nó lại không là ngõ hẻm, ngõ cụt. Nó rộng thênh-thang và tha hồ đi mãi…
    
     Từ lời dạy rõ và hùng hồn (ở Tin Mừng), chúng ta có thể rút ra vài nét chính yếu:
     1) Đạo vẫn là Đạo Yêu thương. Nhưng trong thực-tế của cuộc sống, không còn có thể phân tách hai mặt của tình thương yêu ấy nữa. Không còn chỗ cho con đường đi đến với Thiên Chúa khác với con đường đi đến với tha nhân. Đối diện với tha nhân cũng là đối diện với Thiên Chúa. Bất cứ thái độ nào đụng chạm đến con người là đụng chạm đến Thiên Chúa. Và, ai cũng có thể được thẩm định cách dứt khoát và toàn diện mà chỉ cần là thái độ của họ đối với tha nhân được đưa ra ánh sáng cuối cùng.
     2) Khi đã có sự đồng hoá kỳ lạ đó, Đạo cho dẫu là đường đi đến với Thiên Chúa vẫn không cho phép người ta biến thành thuốc phiện. Đức Kitô muốn người ta theo Ngài, tìm Thiên Chúa mà vẫn phải giáp mặt không ngừng với thực tại con người ở ngay xung quanh. Không có quyền tìm Thiên Chúa trên một từng mây xa vời nào nữa!
     3) Một lối lập luận nghịch thường nào đó trong Tin Mừng theo thánh Yoan; cũng như trong Thư Thứ Nhất của Yoan, thành tự nhiên với đường hướng trên. Mỗi khi quả quyết tình thương yêu của Thiên Chúa hay của Đức Yêsu đối với con nguời, Yoan lại không trực tiếp kêu gọi con người yêu mến Thiên Chúa để đền đáp mà chỉ kêu gọi người ta yêu thương nhau. (1Yn 4: 11) hay một cách thiết thực hơn cũng vậy: “Chính do điều này mà chúng ta nhận ra được lòng yêu thương: là Ngài đã thí thân vì chúng ta. Nên chúng ta cũng phải thí thân vì anh em.” (1Yn 3: 16).
     4) Đạo không còn chỉ giới hạn trong những ‘cấm giới’ như đừng giết người, đừng dâm ô, đừng trộm cướp, đừng vu khống vv.. Đạo không còn phải chỉ là Đạo “đừng-đừng-đừng”… Đạo chỉ là đạo-đừng thì mới tiện giữ được bên trong một pháo đài, ở trên một tháp ngà. Trong đó, trên đó, chúng ta “chẳng động gì tới ai”…là trọn đạo.
     Đạo là đạo làm, anh-làm-được-gì-cho-tôi, tôi-làm-được-gì-cho-anh. Cho ăn, cho uống, cho mặc, tiếp đón, thăm viếng, gặp gỡ. Hay làm tất cả những gì không thể định trước được để đáp ứng những nhu cầu bất ngờ nhất trên đường đời, giữa cuộc sống… Như thế, đạo-làm vừa bắt buộc ra khỏi mọi thứ pháo đài, tháp ngà, mu rùa mới có cơ hội gặp được tha nhân mà hiện thực được, vừa không cho phép ngừng lại ở mức độ nào nữa cả. Nên chỉ là đạo-đừng thì tôi chẳng động gì đến ai, chẳng làm hại ai là đủ. Nhưng thế nào là đủ được cho đạo-làm, thế nào là đủ cho tình thương yêu? Đạo vẫn là con đường vô hạn mở ra cho hành động yêu thương của con người.
     5) Còn hơn nữa, Đạo Đức Kitô là đạo-anh-với-tôi-cùng-làm-gì-cho-kẻ-khác. Không phải là vấn đề ý thức không quan hệ. Riêng Kitô-giáo tự bản-chất muốn là một Tin Mừng. Tin, là đón nhận Tin Mừng đó. Nhưng vấn đề là không cần phải đợi lúc anh với tôi cùng chia xẻ một niềm tin chúng ta mới cùng đi với nhau một con đường. Đạo lý Đức Yêsu như trên kia rõ rệt lắm: cùng một lòng tin là quan hệ nhưng chưa phải là chuyện có tính cách quyết định. Chỉ có tính cách quyết định là anh với tôi cùng làm gì cho tha nhân, và có cùng là đồng loại của tha nhân hay không?
     Trong ý thức, anh có thể đang đi một con đường, tôi đi một con đường, nhưng trong thực-tại sống, chỉ có một con đường duy nhất: con đường đưa chúng ta đi gặp gỡ con người, cùng phục vụ con người, cùng sống cho tình thương yêu đồng loại, chúng ta lại cũng đã gặp gỡ nhau.
     Khi đã hiểu như thế, chuyện cấp bách đối với tôi, người tin ở Đức Kitô, vẫn chưa phải là làm sao cho anh cùng tin với tôi – gặp gỡ chính Ngài – mà chính là: làm sao cho chúng ta cùng mở mắt trước những khổ đau của con người, những bất công của xã hội, để cùng nhau chúng ta làm gì để để xoa dịu những khổ đau kia, chận bớt, chấm dứt những bất công này.
     Con đường thương yêu – với niềm tin hay không với niềm tin – vẫn đi qua người đồng loại. Con đường đó vừa xa tắp vừa cho phép mọi người gần nhau, gặp gỡ nhau…

     Đạo, là Đường, Sự Thật, Sự Sống!
     Đức Yêsu trước tiên muốn nhấn mạnh ở điểm Ngài là Đường. Ngài còn là Sự Thật và Sự Sống, nhưng đối với kẻ theo Ngài, hai thực tại ấy vẫn không tách rời được thực tại Ngài là Đường.

     Đường, là để đi vào, đi theo. Con đường đây lại không phải là một nét mực đỏ vẽ sẵn trên một bản đồ bỏ túi mà là thực thể sống động. Đã vậy, “Sự Sống”, “Sự Thật” đều không phải là những vật để bỏ túi. Cũng không phải để cất gọn vào tủ sắt được… Không thể bỏ túi, cất tủ sắt chính Đức Yêsu. Không ai “có đạo” như có một cái xe máy dầu Nhật. Mà, chỉ có những người “đi Đạo”.
    
     Đạo chỉ là pháo đài khi người ta mang thái độ chủ-nhân-ông đối với chân lý. Riêng đối với người tin Đức Kitô, đó là khi lầm lẫn tưởng rằng theo Ngài đã là bỏ túi được Ngài. Tin Ngài là Sự Thật rồi cũng tưởng là mình bỏ túi được Sự Thật mà quên rằng Ngài vẫn là Đường! Nghĩa là cho dẫu gần gũi Ngài đến mức nào đi, cho dẫu là “ở trong Ngài”, để nói theo ngôn ngữ Kinh Thánh (Yn 14: 20), thì người ta vẫn chẳng bao giờ là chủ thầu con đường mà mãi mãi chỉ là kẻ hành hương…
      
     Đức Yêsu có là Sự Thật cho tín đồ của Ngài thì vẫn có cả một khoảng cách không bao giờ lấp được giữa Sư-Thật-là-Ngài với sự-thật-như-được-đón-nhận-trong-tâm-tư-họ. Kinh thánh không quan niệm Sự Thật một cách trừu-tượng. Sự Thật đây là như tâm sự của Thiên Chúa được ngỏ cho nhân loại bằng cách đầy đủ nhất là hiện thân trong Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người.
    
     Đức Yêsu đã có một thái độ không kém tiêu biểu tuy ở vào hoàn cảnh trái ngược hẳn với bụi cây rực lửa huy hoàng. Đó là khi Ngài phải đứng trước mặt Philat như một kẻ tử tù. Cũng như Ngài đã tâm sự với đồ đệ rằng Ngài là “Đường, Sự Thật và Sự Sống”, thì ở đây Ngài ngang nhiên quả quyết với Philat, vị quan toà đại diện cho đế quốc La Mã: Tôi có đến trong thế gian cũng vì để làm chứng cho Sự Thật. Ai thuộc về Sự Thật thì nghe tiếng tôi.” Nhưng khi Philat hỏi lại Ngài: “Sự Thật là cái gì?” thì Đức Yêsu đã không trả lời câu hỏi đó.
      
     Sự Thật không là “cái gì” cả. Sự Thật không phải là “cái gì” gói gọn được trong một định-nghĩa, trong một khái niệm, trong tất cả ngôn ngữ loài người. Nếu tôi không lầm thì toàn bộ Kinh Thánh, chẳng có chỗ nào cho một định-nghĩa trừu tượng về chân lý. Ngài đứng yên đó, Không trả lời. Nhưng “Ngài là Ngài”. Sự Thật vẫn còn là Sự Sống và là Đường”. (x. Nguyễn Ngọc Lan, sđd, tr.235)

Thật sự thì, trên đường đời cuộc sống, người nào cũng đi chứ không đứng. Có người đi mãi mà không ngừng. Đi càng nhiều trên con đường đời càng rút được nhiều kinh nghiệm về Sự Thật của Sự Sống. Có người từng ghi lại kinh nghiệm qúi báu của một chuyến đi, hoặc còn gọi là hành-trình trên đường đã ghi lại những giòng chảy như sau:

“Đừng bao giờ trách móc bất kỳ ai khi cùng rong ruổi trên đường đời cuộc sống của bạn.
Người tốt, sẽ cho bạn Hạnh Phúc. Người xấu, sẽ cho bạn kinh nghiệm.
Người tồi tệ nhất, cho bạn bài học… Và, tuyệt vời nhất sẽ ban cho bạn Kỷ niệm.
Đừng hứa khi đang vui. Đừng trả lời khi đang…nóng giận.
Đừng quyết định khi đang… buồn! Đừng cười khi người khác …không vui!
Cái gì mua được bằng tiền, cái đó rẻ. Ba năm học nói, một đời học lắng nghe.
Chặng đường ngàn dặm luôn bắt đầu bằng một bước đi. Đừng a tòng ghen ghét ai đó, khi mà họ chẳng có lỗi gì với ta.

Được! Được!
Sống một kiếp Bình An là được
2 bánh 4 bánh, đi được là được.
Tiền ít tiền nhiều, đủ ăn là được.
Người xấu người đẹp, dễ coi là được.
Người già người trẻ miễn khoẻ là được.
Nhà giàu nhà nghèo, hoà thuận là được.
Ông xã về trễ, miễn về là được.
Bà xã càu nhàu, chăm lo là được.
Khi con còn nhỏ, dạy dỗ thật nghiêm.
Tiến sĩ cũng được, bán rau cũng xong.
Sau khi trưởng-thành, ngoan ngoãn là được.
Nhà to nhà bé, có chỗ ở là được.
Hàng hiệu hay không, mặc được là được.
Tất cả phiền não, biết xả là được.
Kiên trì cố chấp, biết bỏ xuống là được.
Sống một kiếp người, an lạc là được.
Không phải có tiền, muốn gì cũng được.
Tâm tốt việc tốt, có thể thay đổi số mệnh.
Ai đúng ai sai, trời biết là được.
Tu phúc tu thân, kiếp sau càng tốt.
Thiên địa vạn vật, tùy duyên là tốt.
Có rất nhiều việc, nhìn xa trông rộng.
Mọi người đều tốt, ngày ngày đều tốt.
Anh tốt tôi tốt, thế giới sẽ biết.
Nói tóm lại, tri thức là quan trọng nhất.
Nói nhiều như vậy, hiểu được là tốt.
Vẫn còn chưa hiểu, xem lại là được.” (trích điện thư vừa mới nhận cũng … là được.)  

Đúng rất đúng. Bần đạo đây thấy rất “tâm đắc” về nhiều khía cạnh được kể ở trên. Khiá-cạnh thực tế khi đi trên con đường của cuộc sống, có Sự thật, mọi người đều đã đi và ít nhiều cũng có đôi ba cảm-nghiệm. Nhưng, có những cảm-nghiệm mà một số bạn giống như bần đạo đây, nhiều lần vẫn quên đi. Quên, hát bài hát của người nghệ sĩ ngoài Đạo vẫn từng đi trên con đường độc Đạo của cuộc sống, lại vẫn hát những lời rất nghe quen tai, đầy khích lệ mọi người cùng đi hãy cùng hát.
Hôm nay, đề cập đến “Con đường Tình Ta Đi”, bần đạo đề-nghị ta quay về với giới nghệ sĩ ở đời để cùng hát câu sau đây làm kết luận cho bài viết khá dài này, rằng:
           
“Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người tạ ơn đời, Tạ ơn ai đã đưa em về chốn này
tôi xây mãi cuộc vui. Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người
tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi Còn thấy những ngày ngồi mơ ước cùng người.”
(Trịnh Công Sơn – Tạ Ơn)

Vâng. Chính thế. Dù có đi hay đứng thế nào đi nữa, trong đường đời, vẫn xin người và xin tôi, ta cứ “Tạ ơn Người”, tạ ơn đời, suốt đời người.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn còn đi nốt con đường đời
Những 70 năm
Vẫn xin tạ ơn đời,
Tạ ơn hết mọi Người.
Trên đời.