Saturday, 13 September 2014

“Cơn mưa phùn, bay qua thành phố nhỏ”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 24 mùa Thường niên năm A 14-9-2014

“Cơn mưa phùn, bay qua thành phố nhỏ”
Hàng cây dật dờ, rụng hoa tàn úa
Buồn chìm vào mắt đen, người con gái hát một mình
Bài hát, buồn như cuộc tình”.
(Đức Huy – Cơn Mưa Phùn)

(Lc 24: 32)
            Có nhiều lần, người đọc lại cứ viết thư về hỏi bần đạo, những câu như: “Sao anh chỉ mỗi trích-dẫn và cho nghe các bản nhạc buồn, làm day dứt tâm hồn người đọc đến thế?” Nghe hỏi, “tác thiệt” (chứ không phải “tác giả”) là bầy tôi đây, chả biết trả lời sao cho phải phép. Chỉ biết ba lăng nhăng nói theo kiểu “Ba bụi” rằng: “Đã là mưa phùn, thì làm sao vui cho được!”
Thôi thì, xin hẹn với bạn đọc, sẽ có ngày bần đạo bầy tôi cũng chiều ý các bạn rất không “độc” (nhưng vẫn gọi là “độc-giả”) bằng thơ văn/âm nhạc khá vui vui, cho khoẻ lòng người đi Đạo. Nhưng, từ nay đến ngày ấy, vẫn xin bà con ta nghe tiếp đoạn nhạc rất “bình bình” như sau:

“Một sớm mai thức dậy.
Tình yêu rời chăn gối.
bay theo những cơn mưa phùn.
Làm cánh chim bé nhỏ.
Chiều nay nhiều mây xám.
Bay theo những cơn mưa phùn, lạnh lùng”.
(Đức Huy – bđd)

Vâng. Quả là, nhạc của tác giả Đức Huy có nhiều bài vui cũng “hết biết”. Nhưng kiếm được những bài như thế, cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hệt như khi: nói đến chuyện đạo, mà toàn kể chuyện “buồn như con chuồn chuồn bay trong mưa”, thật hết ý.
Thôi thì, (lại cũng thôi rồi thì, và hết thì rồi lại thôi), vâng! Thôi thì thôi bạn đọc từng nghe bầy tôi đây xin hai chữ “đại xá” để còn tìm đề-tài mà “múa bút” cho vui một đời người. Xin rồi, nay lại ới gọi: hỡi bạn và tôi, ta hãy về với đề-tài chủ-lực  vừa đặt, để còn phiếm. Vậy thì, trước hết, xin phiếm đôi ba chuyện rất “không buồn” bằng truyện kể nhỏ ở xứ Đạo nọ, rất ư là “cơn mưa phùn” rơi lộp bộp như sau:

“Linh mục trọng tuổi nọ ở trời Tây được bổ về xứ đạo khá ư là “hết biết” (!). Mỗi khi ngồi tòa, linh mục mình nghe tín-hữu xưng thú quá nhiều tội ngoại-tình đến phát khùng, bèn nghĩ bụng: “Sao con chiên xứ đạo mình bê bối thế?” Và rồi, trong một buổi giảng ở nhà thờ, cha/cố nhà mình bèn nhắc mọi người, rằng: "Kể từ nay, nếu tôi còn nghe anh chị em xưng tội ngoại-tình nhiều đến thế, tôi thề sẽ bỏ giáo-xứ đây về lại bổn dòng của tôi, đấy!".

Ban hành-giáo nghe thế, bèn triệu-tập buổi họp “khẩn” hầu tìm biện-pháp giải-quyết. Cuối cùng, tất cả đồng ý là: hễ ai xưng tội ấy ấy thì cứ nói là: con bị “té”, đại khái như sau: "Thưa cha, trong thời gian qua, con bị té .. những 4 lần, vv… và vv…”

Thời gian trôi mau, Linh Mục trọng tuổi ở trên, chẳng còn dịp để phải nghe tội "ngoại tình" nào hết, nên cả xứ đều vui vẻ, ai đi đâu thì cứ đi, ai té nhào chỗ nào thì cứ...té. Thế rồi một ngày nọ, Linh Mục trọng tuổi qua đời, một linh mục trẻ khác được bổ về thay thế để coi xứ. Một hôm, linh mục trẻ hỏi ông chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ một câu cũng khá khó: “Này ông chủ tịch, xứ ta đường xá thế nào, mà sao giáo dân mình cứ bị té ngã hoài vậy ông?” Ông chủ tịch không tài nào nín cười được, định bụng nói hết sự thật cho cha/cố nghe, nhưng thấy ngại. Chợt thấy ông chủ tịch cứ cười trừ chẳng trả lời gì, linh mục trẻ bực mình hỏi: “Ông cười gì thế?” Tuần rồi, vợ ông xưng là bà ấy bị té đến mấy lần đấy!” (trích truyện cười trên mạng, rất ác ý ở Phương Tây).


Và, viết về “cơn mưa phùn” mà lại thêm truyện kể về “té ngã” đến là thế, cũng hết biết. Và, chắc chắn là truyện kể ở trên chỉ xảy ra ở trời Tây chứ không là chuyện của người Việt mình.Thôi thì, xin bạn đọc và cả các bạn-không-đọc bỏ qua cho câu chuyện tiếu-lâm chay/mặn, để rồi còn đi vào vấn-đề tuy khô-khan, nhưng không té ngã. Vấn-đề hôm nay ta bàn là…, nhưng trước khi bàn-bạc, đề nghị thêm lần nữa, ta hát bài “Cơn Mưa Phùn” của Đức Huy thêm nữa, với những câu, như:

Cơn mưa phùn, bay qua thành phố nhỏ.
Đèn đêm lặng lờ, gục trên đường phố.
Một ngày, buồn đã qua.
Người con gái khóc một mình.
Đời úa tàn theo cuộc tình.
Buồn, chìm vào mắt đen.
Người con gái, hát một mình.
Bài hát, buồn như cuộc tình”.
(Đức Huy -  bđd)

“Bài hát, buồn như cuộc tình”? Chao ôi, có thật như thế không đấy? Có hay không, thì ai mà biết được! Thôi, điều đó cũng chẳng thành vấn-đề. Vấn-đề chỉ thành, khi bạn và tôi, ta đọc tiếp những giòng viết, có điều cần bàn là: nhận-định của nữ-phụ nọ cũng khá lạ, như sau:

“Tôi rất ghét phải làm mẹ, đến ghê hồn. Nếu quý vị chưa từng nuôi con nít, thì tôi đề-nghị quý vị hãy suy cho kỹ, rồi mới tính. Mấy cái quảng-cáo trên truyền-hình, chỉ gạt gẫm bà con mình, thôi. Mọi sự không êm ả như chuyện thần-tiên ta vẫn kể cho con nít trước khi đi ngủ đâu! Mấy đứa con của tôi thuộc lứa tuổi từ chập-chững biết đi đến tuổi đi nhà trẻ. Ấy thế, mà chúng cứ cãi vã rồi đánh nhau, la hét um sùm hết đòi cái này lại bỏ cái kia cứ suốt ngày, chịu không nổi. Tôi thì đành nói câu: “bó tay chấm cơm” thôi. Hết chịu nổi rồi. Chắc trên đời này, chẳng ai dám “bật mí” kể cho quý vị nghe/biết về chuyện làm mẹ nó khủng-khiếp biết chừng nào, đâu nhỉ! Vâng, không ai rỗi hơi đâu. Phần tôi, thì qúa sức rồi: đêm đã không ngủ được chút nào, mọi giây thần-kinh trong đầu lúc nào cũng bị bắn phá vì những trận la hét hoặc khóc thét, rồi cãi cọ khiến người làm mẹ như tôi cứ phải giảng-giải rồi xoa dịu hoặc làm mọi cách để “mặt trận miền Tây còn yên tĩnh”, những là 24 tiếng suốt 7 ngày tròn. Thú thật là giờ giấc lao-động buộc mọi bà mẹ phải bỏ ra để trở-thành vợ hiền, người mẹ lý-tưởng cũng rất bất nhân, đấy quý vị ạ!” (trích dẫn từ một phát-biểu rất tương-phản ở đâu đó)

Sự thật trên đời làm người mẹ, có khủng khiếp như thế không? Có con nhỏ, phải chăng là việc tồi-tệ nhất trên đời sao? Phải chăng bắt các bà mẹ làm tôi mọi cho con cái, như vừa kể có cướp đi tự-do của mỗi người không? Không đâu. Làm mẹ, là một trong những việc tốt đẹp nhất chưa từng xảy đến với phụ nữ.

Lấy trường-hợp bà mẹ Lupita của tôi, là người phụ nữ hiền-hậu, xinh đẹp lạ có duyên thế mà bà cũng có đến 11 đứa trai và 5 con gái, ở lớp tuổi từ 28 xuống 8, vậy mà bà chưa một lần hối hận vì làm mẹ. Có thể, tôi là con gái “rượu” của bà, nên đã thiên-vị chăng. Nhưng, tôi vẫn tin là: mỗi lần sinh con đẻ cái như thế, mẹ tôi càng đẹp ra, và càng hấp-dẫn và bà càng mở lòng từ-tâm đối với từng đứa con của bà theo cách đặc-biệt của người mẹ. Mẹ tôi nay đã quá tuổi mang-nặng-đẻ-đau rồi, nhưng nếu còn khả-năng, bà vẫn chịu sinh thêm như thường. Đến nỗi, cả mẹ tôi lẫn bố tôi đã từng hơn một lần có ý-định nuôi con nuôi, nữa đấy! (xem thêm Maria Irizar, More than enough love to go around, MercatorNet, 25/6/2013)

Đúng như đầu đề bài viết đã nói lên hết ý-tứ của người diễn-tả những ý và những từ, ở trong đó. Quả thật, các ý/từ của mọi người có diễn-lộ ra bên ngoài, cũng đều tùy thuộc thứ tình thương-yêu mình đặt vào mỗi người, mỗi câu chuyện, ở đời.
Hệt như, trong mọi tư-duy về Đạo, người đi Đạo đều liên-tưởng đến tình thương yêu luôn xuất hiện ở mỗi sự việc, từ những suy-tư, học hỏi cho đến hành-xử hoặc công việc lao-động mình thể-hiện. Chẳng thế mà, khi trở về với Lời Chúa và lời Kinh ta đọc, sao bạn và tôi, ta vẫn thấy lảng vảng trong đầu mình, ý/tứ của Lời Chúa nơi câu nói được thánh-sử Luca ghi như sau:

“Họ mới bảo nhau:
‘Dọc đường, khi Người nói chuyện
và giải thích Kinh Thánh
cho chúng ta,
lòng chúng ta đã chẳng
bừng cháy lên sao?"    
(Lc 24: 32)             
  
            Quả, thật rất đúng. Đúng, như nhận-định của thánh-sử viết Tin Mừng: lòng người bừng cháy khi nghĩ và nói những điều tốt đẹp từ Tin Mừng Lời Chúa. Chính các thánh-sử cũng đã nhiều lần khẳng-định: “Thiên Chúa là Tình-Yêu.”
Nên, khi nghĩ và làm những điều tốt đẹp trên đời, ta đều có động-lực do Tình-Yêu thúc-đẩy. Không tình-yêu, chẳng ai làm được điều gì nên chuyện. Tệ hơn nữa, khi chỉ có tình-yêu một chiều, người người cũng sẽ rơi vào trạng-huống như thi-nhân họ Trịnh từng viết cho người mình yêu, đôi giòng sau đây:

“Anh nhớ lại đời mình.Anh đã nổi trôi qua bao nhiêu vùng, bao nhiêu miền đất khác nhau. Làm sao quên được nỗi bàng hoàng đong đưa mình trên từng sợi mưa xám bạc, qua bao nhiêu miền đồi núi khác nhau. Anh làm chứng nhân trên từng phần đất mới của mây, mưa, nắng gió. Ôi làm sao không buồn hở Ánh, hở em. Bao nhiêu nguyên-liệu thời-gian không gian đó đã chất-chứa trong anh làm thành một tiếng hát ngút ngàn ca tụng vực thẳm huy hoàng của khốn cùng. Mà số phần thì càng hẩm hiu và sự khắc nghiệt càng đẩy xa mình đi vào những vùng heo hút…” (xem thêm Trịnh Công Sơn, Thư Tình Gửi Một Người, nxb Trẻ, 2012 tr. 53-54)

À thì ra, “cơn mưa phùn” cuộc đời cũng đã rơi trên người người những “hạt” buồn, như lời thơ mang nhiều ý-tứ, vẫn cứ hát:

Cơn mưa phùn,
bay qua thành phố nhỏ.
Đèn đêm lặng lờ,
gục trên đường phố.
Một ngày, buồn đã qua.
Người con gái khóc một mình”.
(Đức Huy – bđd)

Khóc nhiều ở đây, thật ra không là “người con gái khóc một mình”, mà chính là những ai/những người con trai cùng con gái, cứ nhớ lại “một ngày buồn đã qua..” trong cuộc đời mình.
Khóc nhiều ở đây, không chỉ mỗi “người con gái khóc một mình” mà thôi. Nhưng còn là những ai và những người không thể hiện được tình thương-yêu với người khác.
Khóc nhiều ở đây, còn là khóc cho người và cho mình, như bậc thày nhà giáo ở trơi Tây nước Úc, cũng từng có những cảm-nghiệm khi viết thư gửi một người nổi tiếng mà ông tách riêng tên của người ấy thành Tiến sĩ Go Ogle, tức người có tên rất quen trên mạng Google, như sau:

“Tiến sĩ Go Ogle thân mến,
Thật cũng là điều hay và rất tốt để ta gặp nhau qua tách cà-phê đậm đà, và cũng không cần liệt kê nguyên danh-sách gồm 1400 tiệm cà-phê phục vụ cho 250 nhãn-hiệu khác nhau với giá cả rất khác biệt chỉ để ta có được cuộc chuyện trò, thế này đây.    
Với lòng trân trọng sẵn có, tôi chưa từng thấy ai lại quá vất vả với những chuyện nhỏ như ông từng làm. Khi tôi dùng hình-dung-tự “vất vả” để diễn-tả về ông, thì xin ông cũng đừng nên quay về lại danh sách 895 địa điểm thể-dục/thể-thao địa phương. Trong khi chúng tôi ở nơi này, thấy có đến 470 tiệm giặt ủi có đăng ký đàng-hoàng, thành thử, ta cũng không nên gọi đó là “chuyện nhỏ” nào đó dù rất thực, hầu hồi-đáp cho đúng mức.
Tôi thật lòng cảm kích khi thấy ông tạo nhiều điều lợi  giúp thêm hiểu biết cho nhiều người.  Tên gọi khá lạ của ông đến từ cách sao đó mà người sử dụng đi và đến với " Ogle", để rồi quay trở lại với ông về những dữ kiện và phần lớn là những câu theo kiểu đố vui để học. Chẳng hạn như: khi cần câu trả lời với câu hỏi: " đâu là / tên thủ đô của nước Uzbekistan?"  Hoặc " hàm răng nào lớn nhất thế giới?" Đặc biệt hơn cả là, là khi cả triệu người trên thế giới cứ trông chờ nơi ông để thấy được diện mạo của công-nương Kate Middleton, chắc ông cũng tự hỏi là:" sao mà thiên hạ lại cứ bận tâm những chuyện 'lá cải' như thế nhỉ? "
Mỗi ngày,ông phải giải-đáp có đến cả tỷ câu hỏi, nhiều hơn cả các thày giáo tiêu-biểu nhất trong trường lớp, nữa. Xem ra, cả thế-giới từng muốn biết về Lady Gaga và nghệ-sĩ Liz Hurley, và Tom Cruise, nữa đấy. Ông lại có được con số cũng gần đúng, khi có người hỏi về số người chết mỗi ngày vì chứng suy-dinh-dưỡng. Lâu nay, ông từng tỏ cho tôi biết là ông thường tự tạo ra câu giải-đáp, rất như thế. Ông trở thành người danh tiếng đến độ mọi người đều chấp-nhận những gì ông nói ra.
Quan-hệ tôi có với ông, thưa Tiến sĩ Go Ogle, đặt căn-bản trên sự-kiện là: nếu ông hỏi tôi và mọi người những câu hỏi nào đi nữa, thì bình thường ra, bao giờ tôi cũng đáp lại là: “Tôi cũng chẳng biết nữa!” Ông thấy chuyện này ra như làm khó và khiêu khích ông, nữa. Vì, ảnh-hình và lòng tự-trọng do chính ông tao ra luôn đến từ sự việc cho thấy: ông là người hiểu biết cũng khá nhiều điều. Có điều là: ông chẳng bao giờ biết được mẹ cha của ông là ai, bởi: việc ông sinh ra là do kết-quả từ một gặp gỡ giữa viên-chức chuyên lo về tiếp-thị và một loạt những bài tính algôrít, rất đặc-thù. Ông có thể kể ra cả ngàn người từng nói câu: “Tôi cũng chẳng biết nữa!”, nhưng tự chính ông, ông không thể nói câu ấy ra ngoài miệng, được.
Ông làm tôi nhớ chuyện một người lang-thang ngoài phố chợ vì không nhà ở, mà tôi từng bỏ ra nguyên buổi sáng với anh ta. Anh giải-thích cho tôi hiểu từng chi tiết về sự đau-khổ mà cả trăm người từng chấp-nhận chịu dồn cục trên chiếc máy bay airbus A380, cũng như các khó khăn mà nền kinh-tế hiện-đại đang gặp phải, và về mẫu mã tạo cho chiếc nệm có lò-xo ở trong. Anh kể cho tôi biết hết mọi chuyện, nhưng chỉ thiếu một điều là anh chẳng có bạn bè gì hết. Và, anh cũng chẳng nhớ rằng mình đã bỏ chiếc mũ trùm đầu và chiếc áo khoác ngoài của mình ở đâu hết.
Tôi hiểu ra là: những chuyện tương-tự lại cũng đến với ông. Cuộc sống vào thời này ai cũng phải giáp mặt với các ám-ảnh cùng nỗi ưu-tư do thế-giới ngày nay mang lại, đến độ nó ngày càng trở nên giống như quả bóng bằng len cứ rối tung, không cuộn lại được. Hãy thử nghĩ một người như Mark Twain kia lại cũng là người được hỏi những câu vặn vẹo, thì khi đó ông ta chắc cũng đã nói: “Tôi có được nỗi vui mừng là có khả-năng trả lời rất nhanh chóng một câu, là: Tôi không biết!”
Giáng Sinh, là mùa lễ đặc-biệt căng-thẳng đối với ông, không chỉ vì đó là thời-gian rối bời nhất với mọi người, mà còn vì Ông Già Tuyết ngày một già-khụ, nên đã giao-phó mọi công việc nặng-nhọc của lão cho ông, thôi. Riêng ông, ông vẫn được mọi người trông đợi những chuyện mà chỉ có trời mới biết kiếm đâu ra thật nhiều quà cáp –từ đồ chơi cho đến giấy vệ-sinh cho bọn nhỏ-  rồi còn phải so-đo giá cả, và đảm-bảo là hàng giao tận tay, tại nhà, rất đúng hẹn. Quả là, một việc gây nhức đầu đến khiếp sợ. Trong khi đó, chả có ai buồn nghĩ đến việc tặng cho tiến sĩ Go Ogle bánh ngọt, bánh kẹp hay bánh gì đó, dù to dù nhỏ. Ông Già Tuyết khi ấy chỉ tìm chỗ mát dưới lùm cây mà sắp xếp quà cáp cho bọn nhỏ, thôi. Và khi ấy, ông đây thường chỉ nhận được nhiều lắm là quả táo xanh kiểu Mac Kintosh, là cùng.
Đúng đấy. Giáng Sinh có thể cũng là cánh cửa mở ra chân trời mới/thế giới mới nào đó, thật tốt tươi. Điều này xảy đến là vì khi Hài Nhi Giêsu sinh ra lại là lúc thiên-hạ đem nhiều câu hỏi đến độ không có con toán “algôrít” nào có khả-năng giải-đáp cách trọn vẹn được. Một số câu hỏi thì chỉ có trong Sách Phúc Âm, thôi. Nhưng, sao sự việc trên đời lại xoay chuyển đến độ thế? Sao tôi được trân trọng đến như thế? Hài Nhi đây, khi ấy, sẽ ra sao? Và đâu rồi, Hài Nhi Vua dân Do-thái ở nơi đâu? Và, một câu hỏi sâu sát hơn đến với ta, là: khi, giống như Đức Maria, sự việc trên có khiến ta trầm-tư suy-nghĩ tận tâm-can hơn màn hình vi tính? Và, câu hỏi khác nữa, là: sao Hài Nhi đây từng sinh-hạ trong cảnh nghèo khó, lại trở-thành chìa khoá mở ngỏ mọi hiểu biết về con người? Sao Chúa lại gỡ bỏ cả một thế-giới rối bời như thế bằng việc sử-dụng những người chỉ biết chạy đến với nhau và với Ngài, để có được câu giải-đáp?
Đó, chỉ là đôi câu xin gửi đến ông với lòng trân-trọng.
Michael McGirr
(xem Michael McGirr, A Letter to Dr Go Ogle, Australian Catholics Chrsitmas 2012, tr.12)

Viết thư như thế, mà lại gửi cho tiến sĩ GoOgle, khác nào người viết đã trút “Cơn Mưa Phùn” đầy hỏi-han lên đầu ông, cho tươi mát? “Mưa Phùn” đây, giống thứ “nước thánh” dội lên đầu đấng bậc vị vọng cứ tưởng là thánh-nhân/hiền-lành rất đáng mến, nhưng chả bao giờ được phong cả.
“Cơn Mưa Phùn” đầy thánh-hoá (tức: thánh quá đọc kiểu Nam-kỳ) thì cũng nên phong cho Ts Google, là người mà bần-đạo được nghe biết câu chuyện đối-thoại qua/lại giữa Gm Nguyễn Văn Long ở Melbourne, Úc Châu với thành-viên An-phong Sydney hôm ấy. Hôm ấy, là ngày Giám-mục mình phong linh-mục cho 5 phó tế Dòng Chúa Cứu Thế (chứ không phong thánh), lại đã hỏi: “Là người viết nhiều như anh, có điều gì mới mẻ không thế?”
Nghe hỏi, thành-viên nọ bèn nhớ về chuyện “Cơn Mưa Phùn” ơn-huệ, đã nhanh chóng trả lời: “Dạ có đấy, thưa Đức cha! Lâu nay, Giáo Hội “lạm-phát” phong-thánh cho nhiều đấng, mà dân con mình cầu mãi vẫn chẳng được gì; bèn chạy đến với thánh (?) Google để nhờ vả và hỏi han, ngay giữa đêm, đã được lập tức trả lời, rất mãn nguyện. Vậy, sao ta không phong thánh cho Google nhỉ? Thánh-nhân là gì, nếu không là đấng làm mọi người toại nguyện, khi có việc đến kêu hoặc cầu?...”
Nghe hỏi, Gm Nguyễn Văn Long thuộc Giáo-phận Melbourne, Úc chỉ cười vui vẻ, như thể bảo: “Có lý đấy chứ, hỡi nhà văn/nhà báo An Phong mình!”
Trả lời thế, há nào bảo: “Cơn mưa phùn” đời người cũng đem theo nhiều huệ-lộc từ đâu đó, mà người nhận biết được người ban tặng ngay tức thời. Người ban tặng “Cơn Mưa Phùn” nào cũng thế, có khi chỉ là người bình thường, như bà mẹ chân-phương, hiền-từ vẫn muốn con mình được nhiều “Cơn mưa ân-huệ từ chốn cao tít nhiều mây tầng vần vũ, rất thiên nhiên.
“Cơn mưa phùn” chốn hiền-từ, cũng có thể là cơn mưa lất phất, rất hiền hoà, như tình-tự của ai đó gửi gắm trong truyện kể ở đời người, như sau:

“Mẹ ít văn hoá, nhưng mẹ nhớ khi nhỏ được thầy giáo dạy là, Golgi có nói một câu: Nghèo đói là trường Đại Học tốt nhất. Nếu con có thể tốt nghiệp trường ĐH này, thì những trường ĐH như Thiên Tân, Bắc Kinh con chắc chắn đều đỗ…”.
Ngọn khói bếp dài cất lên từ trên nóc ngôi nhà nông dân cũ nát gia đình tôi. Người mẹ chân thập thễnh của tôi đang nấu mì sợi cho tôi, những bột mì này có được nhờ mẹ đổi năm quả trứng gà cho hàng xóm, chân mẹ bị thương vì mấy hôm trước, để thêm tí tiền cho tôi nhập học, mẹ đẩy một xe chất đầy rau từ thôn ra thị trấn, trên đường bị trật chân.
Bưng bát mì, tôi đã khóc. Tôi buông đũa quỳ xuống đất, xoa nắn chỗ chân sưng phồng lên to hơn cả cái bánh bao của mẹ, nước mắt rơi xuống đất… Nhà tôi ở Thiên Tân, làng Đại Hữu Đới, huyện Vũ Thanh, tôi có một người mẹ tốt nhất thế gian tên là Lý Diệm Hà.
Nhà tôi vô cùng nghèo khó. Khi tôi ra đời, bà nội ngã bệnh ngay trên giường sưởi, tôi bốn tuổi, ông nội lại mắc bệnh hẹp khí quản và bán thân bất toại, những món nợ trong nhà lớn dần theo năm. Khi bảy tuổi, tôi được đi học, học phí là mẹ vay người khác.
Tôi thường đi nhặt những mẩu bút chì bạn bè vứt đi, dùng dây buộc nó lên một cái que rồi viết tiếp, hoặc dùng một cái dây chun xoá sạch những cuốn vở bài tập đã viết, rồi viết lại lên đó, mẹ thương tôi đến mức, cũng có lúc đi vay vài hào của hàng xóm để mua vở và bút chì cho tôi.
Nhưng cũng có những khi mẹ vui vẻ, là khi bất kể bài kiểm tra nhỏ hay kỳ thi lớn, tôi luôn đứng đầu, toán thường được 100/100 điểm. Dưới sự khích lệ của mẹ, tôi càng học càng thấy ham thích. Tôi thực sự không hiểu trên đời còn có gì vui sướng hơn được học hành.
Chưa đi học lớp một tôi đã thông thạo cộng trừ nhân chia và phân số, số phần trăm; khi học Tiểu học tôi đã tự học để nắm vững Toán Lý Hoá của bậc Trung học Phổ thông; Khi lên trung học, thành phố Thiên Tân tổ chức kỳ thi vật lý của bậc Trung học, tôi là đứa học trò nông thôn duy nhất của cả năm huyện ngoại thành Thiên Tân được giải, một trong ba người đỗ đầu.
Tháng 6 năm đó, tôi được đặc cách vào thẳng trường Trung học số 1 danh tiếng của Thiên Tân, tôi vui sướng chạy như bay về nhà. Nào ngờ, khi tôi báo tin vui cho cả nhà, mặt bố mẹ chất chứa toàn những đau khổ; bà nội vừa mất nửa năm, ông nội đang gần kề cái chết, nhà tôi đã mắc nợ tới hơn mười nghìn Nhân dân tệ rồi. Tôi lặng lẽ quay về bàn học, nước mắt như mưa suốt một ngày.
Đến tối, tôi nghe thấy ở ngoài nhà có tiếng ồn ào. Thì ra mẹ tôi đang định dắt con lừa con của nhà đi bán, cho tôi đi học, nhưng ba tôi không chịu. Tiếng ồn ào làm ông nội nghe thấy, ông đang bệnh nặng, trong lúc buồn bã ông đã lìa đời. Sau lễ an táng ông nội, nhà tôi lại mắc thêm vài nghìn tệ tiền nợ nữa. Tôi không còn dám nhắc đến việc đi học nữa, tôi cất “Giấy báo nhập học” thật kỹ vào vỏ gối, hàng ngày tôi ra đồng làm việc cùng mẹ.
Sau hai hôm, tôi và ba tôi cùng lúc phát hiện ra: con lừa con biến mất rồi. Ba tôi sắt mặt lại, hỏi mẹ tôi: “Bà bán con lừa con rồi à? Bà bị thần kinh à? Sau này lấy gì kéo, lương thực hoa màu bà đẩy xe tay nhé, bà tự cõng nhé? Bà bán lừa một hai trăm bạc liệu cho nó học được một học kỳ hay là hai học kỳ?”
Hôm đó mẹ tôi khóc, mẹ tôi dùng một giọng rất dữ dội rất hung dữ để gào lại ba tôi: “Con cái mình đòi đi học thì có gì sai? Nó thi lên được trường số 1 của thành phố nó là đứa duy nhất của cả huyện này đấy, tôi không thể để cho tiền đồ của nó bị lỡ dở được. Tôi sẽ dùng tay đẩy, dùng lưng vác, để cho nó đi học…”
Cầm sáu trăm tệ mẹ vừa bán lừa, tôi thật sự chỉ muốn quỳ xuống dập đầu trước mẹ. Tôi đã thích được học quá rồi, mà còn học tiếp, thì mẹ sẽ khổ sở bao nhiêu, vất vả bươn chải thêm bao nhiêu?
Mùa thu năm đó tôi quay về nhà lấy áo lạnh, thấy mặt ba tôi vàng như sáp, gầy da bọc xương đang nằm trên giường sưởi. Mẹ bình thản bảo: “Có gì đâu, bị cảm, sắp khỏi rồi”. Ai ngờ, hôm sau tôi xem vỏ lọ thuốc của ba, thì thấy đó là thuốc ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển.
Tôi kéo mẹ ra ngoài nhà, khóc hỏi mẹ mọi chuyện là thế nào, mẹ bảo, từ sau khi tôi đi học, ba bắt đầu đi ngoài ra máu, ngày càng nặng lên. Mẹ vay sáu nghìn tệ đưa ba lên Thiên Tân, Bắc Kinh đi khắp nơi, cuối cùng xác định là u nhu ruột bowel polyps, bác sĩ yêu cầu ba phải mổ gấp. Mẹ chuẩn bị đi vay tiền tiếp, nhưng ba kiên quyết không cho. Ông nói, bạn bè họ hàng đã vay khắp lượt rồi, chỉ vay mà không trả thì còn ai muốn cho mình vay nữa!
Hàng xóm kể với tôi: Mẹ dùng một phương pháp nguyên thuỷ và bi tráng nhất để gặt lúa mạch. Mẹ không đủ sức gánh lúa mạch ra sân kho để tuốt hạt, mẹ cũng không có tiền thuê người giúp, mẹ bèn gặt dần, lúa mạch chín chỗ nào gặt chỗ đó, sau đó dùng xe cải tiến chở về nhà, tối đến mẹ trải một tấm vải nhựa ra sân, dùng hai tay nắm từng nắm lúa mạch đập lên một hòn đá to.
Lúa mạch trồng trên ba mẫu đất của nhà, một mình mẹ làm, mệt đến mức không đứng dậy nổi nữa thì mẹ ngồi xổm xuống cắt, đầu gối quỳ còn chảy máu, đi đường cứ cà nhắc… Không đợi hàng xóm kể hết, tôi chạy như bay về nhà, khóc to gọi mẹ: “Mẹ, mẹ, con không thể đi học nữa đâu”. Kết quả, mẹ vẫn tống tôi lên trường.
Tiền sinh hoạt phí mỗi tháng của tôi chỉ 60 đến 80 tệ (tương đương 120-160.000 VND), thật thảm hại nếu so với những người bạn học khác mỗi tháng có 200-240 tệ. Nhưng chỉ mình tôi biết, món tiền nhỏ này mẹ tôi cũng phải tằn tiện lắm, từ ngày đầu tháng đã dành từng hào từng hào, bán từng quả trứng gà, rau xanh lấy từng đồng từng đồng, có lúc dành dụm không đủ đã phải giật tạm vài đôi chục. Mà cha tôi, em trai tôi, dường như chẳng bao giờ có thức ăn, nếu nhà ăn rau cũng chẳng dám xào mỡ, chỉ chan tí nước dưa muối ăn qua bữa.
Mẹ không muốn tôi đói, mỗi tháng mẹ chăm chỉ đi bộ hơn mười cây số mua mì tôm với giá bán buôn. Rồi mỗi cuối tháng, mẹ vất vả cõng một túi nặng lên Thiên Tân thăm tôi. Trong túi ấy ngoài những gói mì tôm ra, còn có nhiều xếp giấy loại mẹ phải đi bộ ra một xưởng in ngoài thị trấn cách nhà 6km để xin cho tôi (đó là giấy để tôi làm nháp toán), cả một chai tương cay rất to, cải bẹ muối thái sợi, và cả một cái tông đơ để cắt tóc. (Cắt tóc nam rẻ nhất Thiên Tân cũng phải 5 tệ, mẹ muốn tôi dành tiền cắt tóc để mua thêm lấy vài cái bánh bao mà ăn).
Tôi là học sinh cấp 3 duy nhất của Thiên Tân đến cả rau ở bếp ăn nhà trường cũng không mua nổi, chỉ có thể mua vài cái bánh bao, mang về ký túc ăn cùng mì sợi khô hoặc chấm với tương ớt, kẹp dưa muối để ăn qua bữa. Tôi cũng là học sinh duy nhất không có giấy kiểm tra, chỉ có thể tận dụng giấy một mặt của xưởng in để viết bài. Tôi là đứa học sinh duy nhất chưa bao giờ dùng xà phòng, khi giặt quần áo tôi thường đi nhà bếp xin ít bột kiềm nấu ăn (alkali – chất kiềm, dùng để hấp bánh bao, làm bánh nướng, làm nước sôđa) là xong. Nhưng tôi chưa bao giờ tự ti, tôi cảm thấy mẹ tôi khổ cực cả đời, như người anh hùng chống lại đói khổ, làm con của người mẹ như thế tôi rất tự hào.
Hồi mới lên Thiên Tân, tiết học tiếng Anh đầu tiên khiến tôi ù cạc. Khi mẹ lên, tôi kể cho mẹ nghe tôi sợ tiếng Anh thế nào, ai ngờ mẹ chỉ cười bảo: “Mẹ chỉ biết con là đứa trẻ con khổ cực nhất, mẹ không thích con kêu khó, vì chịu khổ được thì chả còn gì khó nữa.”
Tôi hơi bị nói lắp, có người bảo, học tiếng Anh đầu tiên cần làm chủ được cái lưỡi của mình, bởi vậy tôi thường kiếm một hòn sỏi ngậm vào miệng mình, rồi gắng đọc tiếng Anh. Hòn sỏi cọ xát vào lưỡi tôi, có lúc máu chảy ra bên mép, nhưng tôi cố gắng để kiên trì.
Nửa năm trôi qua, hòn sỏi nhỏ đã bị mài tròn đi, lưỡi tôi cũng đã nhẵn, tiếng Anh đã thành người giỏi thứ 3 của lớp. Tôi vô cùng cảm ơn mẹ, lời mẹ khích lệ tôi vượt qua khó khăn lớn trong học tập. Lần đầu tiên tôi được tham gia cuộc thi Olympic tri thức toàn quốc khu vực Thiên Tân, đoạt giải Nhất môn Vật lý và giải Nhì môn Toán học, tôi được đại diện Thiên Tân đi Hàng Châu tham gia Cuộc thi Olympic toàn Trung quốc môn Vật lý.
“Đoạt lấy chiếc Cup giải Nhất toàn Trung quốc tặng mẹ, rồi lên đường dự Olympic Vật lý Thế giới!” Tôi không ngăn được nỗi khao khát trong lòng, tôi viết thư báo cho mẹ tin vui và mơ ước của tôi. Kết quả, tôi chỉ được giải Nhì, tôi nằm vật ra giường, không ăn không uống.
Dù tôi là người đạt thành tích cao nhất trong đoàn Thiên Tân đi thi, nhưng nếu tính cả những khốn khổ của mẹ tôi vào, thì thành tích này không xứng đáng! Tôi về trường, các thầy ngồi phân tích nguyên nhân thất bại cho tôi thấy: Tôi những muốn phát triển toàn diện cả Toán Lý Hoá, những mục tiêu của tôi quá nhiều nên sức lực tinh thần tôi phải phân tán rộng. Nếu giờ tôi chỉ chọn một mục tiêu trước mắt là kỳ thi Toán, nhất định tôi thắng.
Tôi cuối cùng đã giành chiến thắng tại kỳ thi Olympic Toán toàn Trung Quốc với điểm số tuyệt đối, lọt vào đội tuyển Quốc gia, cả mười kỳ thi kiểm tra ở đội tuyển tôi đều là người đứng đầu. Với thành tích đó, tôi được sang Argentina tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế.
Nộp xong phí báo danh, tôi gói những sách vở cần chuẩn bị và tương đậu cay của mẹ lại, chuẩn bị lên đường. Giáo viên chủ nhiệm và thầy giáo dạy Toán thấy tôi vẫn mặc bộ quần áo thải của người khác cho, những thứ áo quần màu sắc chả đâu vào đâu, kích cỡ khác nhau, bèn mở tủ áo của tôi ra, chỉ vào những áo trấn thủ vá, những áo bông tay đã phải nối hai lần, vạt đã phải chắp ba phân, hỏi tôi: “Kim Bằng, đây là tất cả quần áo của em ư?”
Tôi chả biết nói sao, vội đáp: “Thầy ơi, em không sợ người khác chê cười! Mẹ em thường bảo, Phúc Hữu Thi Thư Khí Tự Hoa – trong lòng có sách vở tất mặt mũi sáng sủa, em mặc những thứ đồ này đi Mỹ gặp tổng thống Clintơn em cũng chẳng thấy ngượng.” Olympic Toán học Thế giới lần thứ 38 chính thức khai mạc.
Chúng tôi thi liên tục suốt năm tiếng rưỡi, từ 8 giờ 30 phút sáng tới 2h chiều. Ngày hôm sau công bố kết quả, đầu tiên công bố Huy chương Đồng, tôi không muốn nghe thấy tên mình; Sau đó công bố Huy chương Bạc, cuối cùng, công bố Huy chương Vàng, người đầu tiên, người thứ hai, người thứ ba là tôi.
Tôi khóc lên vì sung sướng, trong lòng tự nói: “Mẹ ơi, con mẹ thành công rồi!” Tin tôi và một người bạn nữa đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học ngay chiều hôm đó đã được Đài phát thanh Nhân dân Trung ương TQ và Đài truyền hình Trung ương TQ đưa. Ngày 1/8, chúng tôi vinh quang trở về, lễ đón long trọng được Hiệp hội khoa học Trung Quốc và Hội Toán học TQ tổ chức. Khi đó, tôi muốn về nhà, tôi muốn sớm gặp mẹ, tôi muốn chính tay tôi đeo tấm huy chương vàng chói lọi lên cổ mẹ…
Hơn mười giờ đêm tối hôm đó, tôi cuối cùng đã đội trời đêm về đến nhà. Người mở cửa là ba tôi, nhưng người một tay ôm chặt lấy tôi vào ngực trước lại chính là mẹ tôi. Dưới trời sao vằng vặc, mẹ tôi ôm tôi rất chặt…
Tôi lấy tấm huy chương vàng đeo lên cổ mẹ, khóc một cách nhẹ nhõm và sung sướng. Trường Trung học số Một của Thiên Tân chật ních người, mẹ được ngồi lên bàn Chủ tịch danh dự cùng với các quan chức Cục giáo dục Thiên Tân và các giáo sư toán học hàng đầu. Hôm đó, tôi đã phát biểu thế này:
“Tôi muốn dùng cả sự sống của tôi để cảm tạ một người, là người mẹ đã sinh và nuôi nấng tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ nông dân bình thường, nhưng những đạo lý mẹ dạy tôi nên người đã khích lệ tôi cả đời. Năm tôi học lớp 10, tôi muốn mua cuốn sách “Đại từ điển Anh-Trung” để học tiếng Anh, mẹ tôi không có tiền, nhưng mẹ vẫn nghĩ cách giúp tôi.
Sau bữa cơm sáng, mẹ tôi mượn một chiếc xe cải tiến, chất một xe rau cải trắng, hai mẹ con tôi đẩy ra chợ huyện cách hơn bốn mươi km bán rau. Đến được chợ đã gần trưa, buổi sáng đó tôi và mẹ chỉ ăn hai bát cháo ngô nấu với khoai lang đỏ, lúc đó bụng đói cồn cào, chỉ mong có ai tới mua cho cả xe rau ngay. Nhưng mẹ vẫn nhẫn nại mặc cả từng bó, cuối cùng bán với giá 1 hào một cân. Hai trăm cân rau đáng lẽ 21 tệ, nhưng người mua chỉ trả 20 tệ.
Có tiền rồi tôi muốn ăn cơm, nhưng mẹ bảo nên đi mua sách trước, đó là việc chính của ngày hôm nay. Chúng tôi đến hiệu sách hỏi, giá sách là 18 tệ 2 hào 5 xu, mua sách rồi còn lại 1 tệ 7 hào 5 xu. Nhưng mẹ chỉ cho tôi 7 hào rưỡi đi mua hai cái bánh bột nướng, một tệ kia còn phải cất đi để dành cho tôi làm học phí. Tuy ăn hết hai cái bánh nướng, nhưng đi bộ tiếp 40km về nhà, tôi vẫn đói tới mức hoa mắt chóng mặt, lúc này tôi mới nhớ ra tôi đã quên không phần cho mẹ ăn một miếng bánh nướng nào, mẹ tôi chịu đói cả ngày, vì tôi mà kéo xe suốt 80km đường xa.
Tôi hối hận tới mức chỉ muốn tát cho mình một cái, nhưng mẹ tôi chỉ bảo: “Mẹ ít văn hoá, nhưng mẹ nhớ khi nhỏ được thầy giáo dạy là, Golgi có nói một câu: Nghèo đói là trường đại học tốt nhất. Nếu con có thể tốt nghiệp trường đại học này, thì những trường đại học như Thiên Tân, Bắc Kinh con chắc chắn đều đỗ.”
Khi mẹ nói thế mẹ không nhìn tôi, mẹ nhìn ra con đường đất xa xôi, cứ như thể con đường đất đó có thể thông tới tận Thiên Tân, đi thẳng tới Bắc Kinh. Tôi nghe mẹ bảo thế, tôi không thấy đói nữa, chân tôi không mỏi nữa.. Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì tôi muốn nói rằng, người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giáo giỏi nhất của đời tôi.”
Dưới khán đài, không biết có bao nhiêu đôi mắt đã ướt đẫm, tôi quay về phía người mẹ tóc hoa râm của tôi, cúi người xuống kính cẩn…” TS Thiên Tân ghi (Võ Ngọc Khôi sưu tầm)

Đặt giả thiết cũng rất nhỏ, rằng: đời này, mà lại không có những “cơn mưa phùn” yêu thương như thế, thì sẽ thiếu vắng rất nhiều người hiền lành/tử-tế giống như thế. Mưa gì thì mưa, chắc chắn cũng mang lại cho người nhiều tươi mát, rất sướng vui.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn mong rằng mưa ân-huệ
sẽ đổ hoài và đổ mãi
xuống mọi người,
ở trong đời.

No comments: