Saturday 28 February 2009

“Con quỳ lạy Chúa trên trời,”

sao cho con lấy được người con yêu. Đời con đau khổ đã nhiều, từ khi thơ dại đủ điều đắng cay. (Phạm Duy – Con quỳ lạy Chúa trên trời)

Lc 4: 31

Mỗi lần nghe lại bài này, bần đạo có cái tính xấu, rất dễ cười. Bần đạo cười, chẳng phải vì đó là bản tính thông thường, của người Việt. Gặp gì cũng cười. Buồn, cũng cười. Buồn cười. Vui, cũng cười. Cười trừ, cười chút chơi. Sở dĩ bần đạo cười, vì thấy người nghệ sĩ viết nhạc tuổi thì già, mà sao cụ vẫn đòi “cho con “lấy” được người con yêu”? Bần đạo còn cười, vì nhiều lúc thấy mình cũng lẩm cẩm, vẫn như thế. Mỗi lần quỳ lạy Chúa, vẫn cứ xin và xin. Xin, chứ không ở trong tư thế nguyện cầu đầy cảm tạ. Ở đâu đó. Chốn thánh hiền.

Mới đây, trong chuyến viếng thăm chốn thánh hiền nhà Đạo ở Giêrusalem, bần đạo đã thấy dân gian nhiều sắc tộc, vẫn mau đến với “tường than khóc” ở mạn Tây Đền thờ. Nhưng nào thấy ai những than cùng hát “con quỳ lạy Chúa, sao cho con lấy được người con thương”, đâu!

Nguyện cầu/van xin đất thánh hiền, người Do thái vẫn cứ: tay cầm sách (chừng như là Sách Thánh) đầu gục gục liên hồi. Bất tận. Có vị còn nhanh tay chân cài lời khấn nguyện nơi khe tường. Những là, thì thầm thanh âm gì đó, chẳng biết có là khóc lóc nỉ non, với xin xỏ? Nhưng, bần đạo dám chắc người người tới đây chứng kiến “bức tường khóc than”, rồi nguyện cầu. Từ dạo ấy, bần đạo cứ suy tư rất nhiều về động thái cũng nên có, lúc cầu xin.

Về lại nhà, chốn vắng tạm dung nơi mình ở, bần đạo bắt gặp truyện dân gian thời hiện đại, mang dáng dấp một cổ tích “rất khó tin, nhưng có thật”. Như sau:

“Gã đàn ông hôm ấy, như thường lệ, vác cần câu ra ngồi cạnh giòng chảy, có nhiều cá để cắm câu. Vừa đến nơi, gã nghe đâu đó, có tiếng thì thầm, gọi rất nhẹ: “Cứu tôi với! Vớt tôi với!”… Nhìn quanh nhìn quất, gã cứ tưởng mình đang mộng mị giữa ban ngày. Mãi một hồi chẳng thấy ai, lòng những chán ngán, gã quay về chỗ cũ, lại cứ nghe như có tiếng kêu cứu, rõ mồn một: “Cứu tôi với! Hãy vớt tôi”

Vội nhìn xuống giòng nước, thấy có chú nhái bén như bị ngộp nước, muốn lên bờ. Thấy thế, gã ta bèn hỏi:

-Có phải, ngươi muốn cùng ta chuyện vãn, hay muốn giúp?

-Đúng thế! Tôi kêu gào khản cả cổ, bộ ông điếc hả? Thôi được, ông cứ ra tay cứu vớt tôi đi, lôi đuợc tôi lên bờ rồi cũng đừng quên trao tặng một nụ hôn, bởi có thế, tôi mới biến thành một thiếu nữ đẹp nhất đời, làm vợ ông.

-Khoan đã! Làm gì mà rối lên thế?

-Ông hãy cứu tôi nao, dẫu có lòng nào cũng đừng quên tặng thêm một nụ hôn trìu mến, liền sau đó bạn bè ông sẽ điên tiết lên mà ghen tị! Và, tôi hứa sẽ trở thành người vợ hiền không cần cưới. Người đàn bà đẹp nhất trần gian, cho ông sướng.

Gã đàn ông chăm chú nhìn chú nhái bén thêm một hồi, rồi chạnh lòng. Ông bèn ra tay cứu vớt. Xong đâu đó, lão lo sợ nhái ta lại gặp nạn thêm lần nữa, bèn bỏ chú nhái bé nhỏ vào túi áo phía quả tim. Chợt phút chốc, nhái bén nhà ta không thấy gã làm bất cứ cử chỉ âu yếm nào như đã dặn, bèn lên tiếng:

-Ơ kìa, sao lão lại ngốc đến thế, hả giời! Lão có nghe tôi nói gì không? Đã bảo là: hãy tặng tôi một nụ hôn trìu mến, để tôi trở thành người đàn bà đẹp, vợ của lão, cơ mà!

Gã đàn ông vội lôi chú nhái bé nhỏ từ trong túi ra nhìn ngắm một hồi, rồi nói:

-Không! Ta chẳng dại gì mà làm thế. Ta đây, chỉ muốn có người ở cạnh biết nói năng đề huề, mà chẳng hề thích thú gì mấy mụ trẻ người nhưng non dạ, suốt ngày cứ lải nhải, những đòi với hỏi. Những xin với xỏ.

Lải nhải những xin cùng xỏ, chắc chắn không thể nào là động thái của con dân nhà Đạo, được. Nhất thứ vào thời nay. Thay vào đó, phải là thái độ có nhận thức, rất biết điều. Biết, cả vào khi nghiêm túc, lúc nguyện cầu. Cả khi có những động thái nguyện cầu, rất hiểu biết. Quyết không xin. Nguyện và cầu, mà chẳng cần gì đến đứng hay quỳ. Chẳng cần liên lỉ, rất hồi lâu.

Suy nghĩ mãi về nguyện cầu, bần đạo vẫn tự hỏi: nguyện và cầu, phải chăng là kinh kệ dài dài, có những lời lẽ rất hay xin? Tự hỏi và tìm kiếm ánh sáng bé nhỏ ở cuối đường hầm, bần đạo bắt gặp một cuốn sách về Đạo, do bạn bè gửi tặng mãi từ lâu, nhưng chỉ có dịp nghiềm ngẫm trên chuyến bay đường dài đến đất thánh, mới đây thôi. Sách là sách của vị Giám mục khá nổi tiếng tên gọi là John Shelby Spong, giáo hội bạn. Sách, là sách về thần học kinh thánh từng gây nhiều tranh cãi, ở nhiều nơi. Tranh và cãi, ở nhà Đạo. Chốn phương Tây. Ít đọc kinh. Nhưng, vẫn nguyện cầu. Nguyện cầu như đầu đề sách, nổ lách cách, như: “ Giải cứu Thánh Kinh, ra khỏi chủ thuyết căn để”.

Không cãi và cũng chẳng tranh, bần đạo nay mời bạn mời tôi, ta thử lắng nghe những điều đấng vị vọng đã đề nghị, với bạn Đạo cùng người thân, một động thái nguyện cầu có Lời Chúa, trong Kinh Sách:

“Tôi vẫn tin rằng, chìa khoá để giúp ta hiểu rõ Thánh Kinh Lời của Chúa cần phải có, sẽ không nằm ở bài học bản văn Kinh thánh từng chữ nét, rất nghĩa đen. Nhưng, bằng kinh nghiệm. Từ những kinh nghiệm ấy, văn bản Lời Kinh đã được viết thành Lời.” (Gm John S Spong, Rescuing the Bible from Fundamentalism, HarperSanFrancisco 1992, t.245)

Tuy nhiên, để có được tư thế nguyện cầu đúng qui cách, thiết tưởng cũng nên nghe thêm ý kiến của Giám mục Peter Ingham (Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc) từng phát biểu tại Thượng Hội Đồng Giám Mục La Mã 2008, như sau:

“Chúng ta cầu, là để nhận ra rằng: Chúa đang chuyện vãn với ta, ngang qua Lời Ngài, trong Kinh Thánh. Cầu, để Lời Ngài đến mà đi vào tâm can của ta. Ngõ hầu, trong cuộc sống, ta sẽ là những người “làm cho Lời Chúa trở nên phong phú tốt đẹp hơn. Vào thế kỷ thứ IV, thánh Giêrônimô cũng đã nói: ‘Không biết đến Sách Thánh, là chẳng biết gì về Đức Kitô, hết’.” (xem trang nhà www.giadinhanphong.blogspot.com, DIA 64 tr.1)

Thật ra, Chúa đang chuyện vãn với ta, hằng ngày. Từng giờ. Ngài không chỉ chuyện vãn, mà còn “lưu lại ở chúng ta” (Yn 1: 14). Năm lên 12, Ngài đã có những động thái tích cực khiến giới tinh thông nhà Đạo phải ngạc nhiên, sửng sốt:

“Ngài giảng dạy họ.

và người ta kinh ngạc

về giáo huấn của Ngài.

Bởi vì Lời Ngài

là Lời có uy quyền.”

(Lc 4: 31)

Rõ ràng, là việc “quỳ lạy Chúa”, “xin cho con…”, không còn chỗ đứng trong động thái nguyện cầu của bà con. Thế nhưng, nghệ sĩ già nhà ta, vẫn cứ bảo:

“vì người ta đã chạy theo bạc tiền,

âm thầm ôm mối tình điên…” (Phạm Duy – bđd)

Mải chạy theo bạc tiền, chứ đâu bận tâm kiếm tìm Lời của Chúa. Chính vì thế, nên người “mải miết” kia mới “ôm mối tình điên”, mới “chạy theo bạc tiền”, vân vân và vân vân. Và, càng ôm mối tình điên những bạc tiền, bàn dân thiên hạ nhà ta sẽ chẳng còn có thì giờ và đầu óc mà nghĩ đến Chúa. Đến Lời Ngài. Có nghĩ chăng, cũng chỉ là:

“Cầm bằng Chúa định nhân duyên, bẽ bàng…” (Phạm Duy – bđd)

Đành là thế, nhưng nếu biết lưu tâm và để giờ ra mà suy niệm, mà đọc Lời Chúa mỗi ngày, hoặc mỗi tuần, cũng nên đọc theo tư thế mà vị Giám mục chủ trì Hội Đồng Giám Mục Úc đã dặn rõ:

“Người đọc Kinh thánh vào các buổi lễ, phải đảm bảo là người nghe nhận ra được Lời Chúa. Nghe rồi, còn phải hiểu và cảm kích nữa.” (x. Gm Peter Ingham, bđd)

Làm sao có thể cảm kích và hiểu biết, nếu không có thói quen, những nghe và đọc? Nghe và đọc, là chuyện thiết yếu. Nhưng, nghe và đọc để hiểu rõ có cảm kích, có lẽ cũng nên xét thêm ý tưởng của đấng bậc Giáo hội bạn, Gm John S Spong, từng viết:

“Lời Chúa khi xưa, vẫn được các vị tiên tổ của lòng tin, đấng bậc từng cất bước đi vào lịch sử của Đạo, đã nhận rõ sự hiện diện của Thiên Chúa, ở trong đó. Tiên tổ của ta, đã từng sử dụng Lời Chúa để tỏ bày kinh nghiệm sống của các ngài. Lời Chúa được ghi chép, luôn bị giới hạn bằng những suy tư của thời đại. Thời mà, trong đó các ngài vẫn sinh sống. Thời đại, có hằn ghi một văn hoá và thực tại, mà các ngài từng kinh nghiệm. (x. Gm John S Spong, sđd tr. 245)

Trở về với bài hát rất “quỳ lạy” của người nghệ sĩ thân quen đã có tuổi và có tên, để nghe thêm:

“Chúng con hai mái đầu xanh,

chấp tay khấn nguyện trung thành với nhau.” (Phạm Duy – bđd)

Khấn nguyện trung thành, không thể làm cho nhau/với nhau nếu như cả hai không tỏ bày lòng trung thành, với Lời của Chúa. Đấng, được hai “mái đầu xanh” và cả những người có mái đầu “lốm đốm”, từng “quỳ lạy Chúa”, đều đã biết đến nhu cầu cần tiếp xúc Lời Chúa, qua chuyện vãn/nguyện cầu với Kinh Sách.

Nguyện cầu với Kinh Sách, là như lập trường của Lm Nguyễn Thế Thuấn, khi xưa từng nói:

“Thái độ của chúng ta trước Sách Thánh, cũng như trước Thánh truyền, là suy phục và kính tôn, như đáng phải có, trước Lời của Thiên Chúa. Các Giáo phụ, cũng như sách các Gương, theo sau (IV, 2) đã không ngại đặt Kinh Thánh song song với Mình Thánh Chúa. Kinh thánh là qui luật của Đức tin, vọng lại cho người mọi thời, tiếng của các tiên tri và cả giọng nói của Chúa Kitô. Tín thư của Hội thánh, đều cảm hứng từ nơi đó: Kinh thánh như vậy, là một mãnh lực cho tâm hồn, nguồn suối cho sự sống thiêng liêng.” (Lm Nguyễn Thế Thuấn, CssR Kinh thánh Lời Thiên Chúa, sách phát hành nội bộ, tr. 46)

Nguồn suối thiêng liêng ấy, nay Chúa vẫn thông chuyển đến với mọi người. Mọi thời. Nguồn suối ấy, nay ăn khớp với những mơ ước của từng người. Để, ta được nối kết và san sẻ, ngõ hầu dựng xây thế giới mới. Thế giới của thương yêu. Hạnh phúc. Ở thế giới này, Thiên Chúa đổ tràn ân huệ, của sự sống. Ân huệ của tình yêu vẫn có giữa Cha, Con và Thánh Linh.

Nguồn suối thiêng liêng này, còn là phương cách Đức Chúa tặng ban chính mình Ngài cho mỗi người trong ta. Quà Ngài ban, là Lời Hằng Sống. Là, chính sự sống của Ngài, được diễn tả bằng Lời. Bằng, những phán truyền từ ngôi Con, Đức Giêsu Kitô. Thành thử, có nghe và đọc kỹ lưỡng Lời Ngài, con dân chúng ta mới hiệp thông và chuyển đạt nguồn suối sự sống ấy, với muôn người.

Nắm được chân lý ấy, người nghe và đọc Lời Chúa, mới cùng nghệ sĩ già, ta rong hát:

“Chúa ơi!

Thề rằng sóng gió biển dâu,

Đã yêu trước cũng như sau, giữ Lời” (Phạm Duy – bđd)

Giữ Lời, không chỉ là giữ Lời đã nói. Đã hứa. Giữ Lời, còn là giữ sao để Lời Ngài trong Kinh thánh và qua Kinh thánh, mà mọi người tiếp xúc/giáp mặt, sẽ cảm hoá, giải thoát và cứu vớt. Bởi, ân sủng của Tình thương yêu Chúa ban, là tình sự sống động của Lời. Của Kinh thánh. Tiếp xúc Kinh thánh, là tiếp xúc với chính Chúa. Chính là nguyện cầu, mật thiết nhất.

Đọc Lời, hiểu Lời và giữ Lời nhiều khi cũng cần đến cố gắng. Những cố và gắng tương tự như động thái rất vui, của đám trẻ nhỏ, ở bên dưới:

“Ở trường lớp Giáo lý rất nhẹ nhàng cởi mở, đấng bậc phụ trách có hỏi đám học trò nhỏ bày tỏ ý kiến với tâm tư về Kinh Sách, các cháu đã từng nghe và đọc. Nhiều em đã đáp ứng. Mỗi người một vẻ, tuy mười phân không vẹn mười, nhưng cũng tức cười như sau:

-Sách đầu tiên của Kinh Thánh, chắc là sách Kỷ lục Guiness (giống Genesis). Sách này có nói đến Cụ ông Adong và cụ bà Evà, được cấy tạo từ cây táo xanh!?!

-Vợ Ông Nô-ê được con cháu gọi là Bà Gio-an thành Arc.

-Còn, vợ ông Lót chính là cột muối lúc ban ngày và cột lửa vào ban đêm

-Samson Dalilah đã xơi tái quân PhaLệTin bằng giáo mác của các thánh Tông Đồ

-Bánh không men, là bánh mì mà lại không có gì, ở trong đó.

-Ông cụ Môsê trèo lên đỉnh núi Êvơrét để thu nhận 10 điều răn Đức Chúa trời

-Điều răn thứ Bẩy, là: “Con không được ngoại tình”

-Tướng Giô-shua dẫn dân quân Do thái đánh lại bọn Geritol

-Vua Đavid chống lại địch quân Frankenstein, là dân sống vào thời Cựu Ước.

-Vua Salômôn có 300 người vợ và 700 quý phi nương nương.

-Chúa sinh ra là do Đức Mẹ Đồng Trinh Ngừa Thai.

-Dân con theo Đức Chúa Giêsu được gọi bằng giọng to tiếng lên tới 13 đề-xi-ben

-Thánh Paul rao giảng rất gay giống như mình ăn món chua cay mặn ngọt.

-Người sống thánh thiện là chỉ được có một vợ. Còn gọi là độc chiêu, độc cước..

Chẳng phải trẻ con/con trẻ, ở bên Tây hay bên ta, mới có những ý nghĩ ngộ nghĩnh, đến như thế. Nếu các gia đình Công giáo tây ta không có thói quen đọc Kinh thánh, và hiểu cho đúng, rồi cũng sẽ như thế. Nhưng làm sao để có thói quen như thế, đó mới là vấn đề. Để tóm tắt, tưởng cũng nên trích dẫn một trường hợp, như sau:

“Khi tôi lên 12, mẹ tôi có tặng cuốn Thánh Kinh, như quà sinh nhật của Đức Chúa. Tôi đã có thói quen coi Sách mẹ tặng như sách gối đầu giường, nghĩa là luôn gần gũi bên tôi. Khiến tôi có nhiều dịp để mở ra, mà đọc. Tôi đã đọc và vẫn đọc. Từ đó, cũng lĩnh hội được nhiều điều rút tỉa từ Sách. Bố tôi mất trước đó 4 tháng, do đó gia đình tôi lúc ấy như bị cuốn hút vào nỗi bất an triền miên. Và từ đó, Kinh thánh là nguồn an ủi giải thoát cho tôi vào lúc mình thấy mình bất an như thế…” (John S Spong, sđd tr. 13)

Thật sự, Kinh thánh không phải là lá bùa để giải thoát ta khỏi mọi bất an. Nhưng Kinh thánh vẫn là nguồn an ủi, giáo dục và thánh hoá mọi người trong nhiều hoàn cảnh. Điều kiện. Không thể có nguồn ủi an đem đến cho ai, nếu người ấy không được giới thiệu và biết đến. Bởi thế, trong cuộc sống có quá nhiều bất an và bất ổn, cũng nên quan tâm đến việc ấy. Việc đọc và hiểu Kinh thánh, cho đúng cách.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn muốn nhắn nhủ

chính mình

và bà con mình

những điều như thế.

Friday 20 February 2009

“Ôi.. vai kề vai! Và tay nắm tay, rồi!”

Đời, thôi vắng tanh, lẻ loi kết đôi rồi!

Từ, nay nồng ấm, đời thôi hết u hoài.

Ave Maria.

(Phạm Duy – Oui devant Dieu, devant les hommes)

(Lc 23: 54/Yn 19: 42))

Kể ra thật cũng kỳ, chữ nghĩa rõ mồn một như thế, toàn những “Xin Vâng!” “Xin vâng”. “Xin vâng, trước Chúa!”, “xin vâng trước mặt mọi người!”, thế mà nghệ-sĩ-già nhà ta, lại cứ dịch hết là: “Ngày tân hôn”, rồi lại:

“Ôi! tình chăn gối …bao la

sẽ, mang về mãi …tận cõi già.” (Phạm Duy – bđd)

“Tận cõi già”, “tình chăn gối”, có là ý tưởng chủ chốt của Maurice Tézé hay không, bần đạo chẳng dám đoán. Nên, sẽ không có lời phản đối, với càm ràm. Càm ràm, mà làm gì, nhỉ? Nhưng, mỗi khi nghĩ về chuyện ngôn ngữ với phát âm, bần đạo có một kinh nghiệm vừa xảy đến, nay nhắc lại thấy cũng buồn cười. Buồn, mà không cười. Hoặc, cười, mà không buồn, là tâm trạng của bần đạo. Rất hôm nay.

Số là, vừa rồi đây, có bạn hữu vừa quen, mới từ chốn xa xôi nay tìm đến. Bạn đến, hỏi bần đạo đôi câu rất “Huế mình”. Rất giống bà con, chốn Đông Hà/Quảng Trị, hồi thời trước: “phải anh May Tã đây, không?” Rất chưng hửng. Chết lặng. Chết, những 30 giây. Sau đó, bần đạo mới định thần, lấy thăng bằng, bèn trả lời bằng âm giọng cũng rất “nẫu”, rằng: “Dạ, tên cúng cơm của em được bạn bè đặt cho là Me …Té (ấy chết, Mai Tá), và Mười Hơ (tức 12), chứ không có “may tã” hay “may quần lót” gì hết, trơn, ạ”. Thế là, cả bạn và em đều cười trừ, rất sảng khoái. Đề huề. Huề cả làng.

Phiếm lai rai như thế, là để xin thưa với bạn và với tôi, rằng: tiếng Việt mình rất ư là phì nhiêu/phong phú. Muốn tán tỉnh người nào, thì bạn và tôi, ta cũng nên cẩn thận. Rất cẩn thận, kẻo gây hiểu lầm, nhé. Như, một chuyện vui về chuyện: ta phải cẩn thận mà phát âm, mỗi khi đọc lời Chúa, nếu gặp đoạn nào có ghi rõ mồn một: “Các tông đồ bước đến hỏi Chúa, Chúa bèn “đáp”…cũng nên đọc theo kiểu Bắc kỳ di cư hay Bắc kỳ mới mới hoặc giọng Nam kỳ cho chuẩn, chứ đừng theo giọng “Huế miềng”, thì hỏng to. Chắc chắn sẽ có màn hiểu “nhầm”, ngay thôi. Bởi, đã hỏi thì Chúa chỉ “đáp”, chứ Ngài có ”đạp”, đâu bao giờ!

Cũng thế, về những sai sót với lẫn lộn, có nhiều vị phó-thường-dân ngoan đạo, thường có thói quen hay lẫn lộn và quên sót, không rõ ngày nào là ngày của Chúa (chứ không phải của “chùa”, hoặc “của chua”), để đi lễ. Vì thế, các cụ cứ hết chạy đến linh mục này, rồi lại tìm thày sáu kia, mà hỏi với han. Hỏi, là hỏi những câu thật ưu tư, như: “Xin cha bác giải thích cho đàn em hiểu thêm, lý lẽ cũng như điều kiện, để bà con khỏi ưu tư thắc mắc. Đại khái, là khi mừng kính lễ lạy vào buổi xế bóng chiều hôm, ngày trưóc đó (tức: vào chiều thứ Bẩy), ta có cần, hoặc có bắt buộc, phải đi thêm một lễ nữa, vào Chúa Nhật hôm sau, không? Ví dụ, nếu chiều Thứ Bẩy trước đó, bà con đã dự lễ hỏi và cưới rồi, có còn buộc phải đi thêm một lễ nữa vào ngày Chúa Nhật hôm sau, không?

Cứ thường tình, đấng bậc vị vọng rất “đức thầy”, là ngài Lm John Flader, vẫn có lập trường rất “chính mạch”, nên câu đáp nào của đức ngài cũng thường rất ư là “hiệu ứng”, khiến yên tâm. Hôm nay, đức ngài chạy khỏi “mạch chính” rất cứng ngắc, để có một lời đáp giải tương đối dễ thở, như sau:

“Từ ngày phụ trách mục hỏi đáp trên báo/trên mạng rất nhiều năm, tôi thấy có khá nhiều bà con chạy đến hỏi những câu tương tự. Bởi thế, nay cũng nên tạo dịp để ta đưa ra tình tiết chuẩn mực, về chuyện tương tự.

Lý chứng giúp ta tuân giữ các lễ vọng chiều hôm trước, đã có nguồn gốc rất cổ xưa. Người Do Thái, vẫn coi mỗi ngày ta sống, bắt đầu và kết thúc, vào khi mặt trời mọc và vào lúc chiều tà. Chứ không phải nửa đêm. Chính vì thế, dâng lễ ngày Sa-bát chỉ bắt đầu vào chiều thứ Sáu, mà người xưa còn gọi là ngày Dọn lễ, thôi.

Chính vì thế, nên khi Đức Giêsu chấp nhận chịu chết trên thập giá ngày thứ Sáu, thì ông Giuse xứ Arimathêa và các thánh đã hối hả chôn xác Ngài, ngay sau đó. Bởi, như thánh sử Luca và Gio-an có ghi chép: “vì đó là ngày Dọn Lễ của người Do Thái, và đã rạng sáng ngày Hưu Lễ” (Lc 23: 54/Yn 19: 42)

Cho đến nay, người Do Thái vẫn chủ trương tập tục, là: ta chỉ bắt đầu mừng kính ngày Hưu Lễ (tức Sabát) từ chiều Thứ Sáu đến chiều Thứ Bẩy, mà thôi.

Cũng giống thế, Phụng Vụ và Nghi Tiết Các Giờ Kinh cho linh mục, tu sĩ hoặc giáo dân cử hành, cũng như Phụng Vụ Ngày Lễ Lớn như các Lễ Trọng và Chủ Nhật, từ lâu, thường bắt đầu bằng giờ Kinh Chiều buổi xế, diễn tiến vào ngày hôm trước.

Trên cơ sở đó, Hội thánh Chúa sau Công Đồng Chung Vatican II, đã đưa vào hiện thực với khẳng định rằng: ta có thể cử hành thánh lễ Chúa Nhật, và các ngày nghỉ có lễ buộc (!), chiều hôm trước.

Lý do Hội thánh đưa ra, được ghi rõ ở tông thư Eucharisticum Mysterium (Nhiệm Tích Thánh Thể) phổ biến vào ngày 25/5/1967, có đoạn nói: “Làm thế, là để giúp các Kitô-hữu hôm nay dễ cử hành phụng vụ ngày Chúa Phục Sinh.” (x. Chương II, đoạn II C)

Ở tông thư, không thấy nói đến giờ giấc ấn định, để cử hành thánh lễ vào buổi xế, ngoại trừ vào Lễ Vọng Phục Sinh. Lễ Vọng này, có thể bắt đầu vào thời gian trước lúc mặt trời lặn (x. sđd). Thông thường, thì lúc mặt trời lặn, là thời điểm để bắt đầu Lễ Vọng, đó là theo thời khoá biểu cổ xưa; nhưng trên thực tế, ta có thể linh động tuỳ mùa, nếu lúc đó là vào mùa Đông hay mùa Hạ, ở nơi nào xa cách đường xích đạo.

Chính vì lý do này, mà Hội thánh chọn thời điểm cử hành Phụng vụ, là: thường vào giờ giấc nào đó, trong ngày. Chọn như thế, không nhất thiết bảo rằng: mặt trời sẽ lặn vào giờ nào, phút nào. Giáo phận La Mã và ở nơi khác, Hội thánh thường cử hành Lễ Vọng vào sau 5 giờ chiều. Lễ Vọng chiều thứ Bẩy, cũng sẽ gồm các bài đọc và Phúc Âm hệt như ngày Chủ nhật; tức: cũng gồm bấy nhiêu kinh. Cũng, các bài đọc, bài chia sẻ. Cũng đọc hoặc hát Kinh Tin Kính. Có Lời nguyện Giáo dân... Có xin tiền, như các Chúa Nhật!

Nên biết, ta có thể cử hành thánh lễ Chúa Nhật vào buổi xế ngày thứ Bẩy. Nhưng, điều đó không bắt buộc. Thành thử, gặp trường hợp các cộng đoàn nhỏ như cộng đoàn tu hội/dòng tu là cộng đoàn vẫn đều đều có thánh lễ hằng ngày, ta vẫn có thể cử hành phụng vụ vào buổi xế ngày Thứ Bẩy, như thường.

Nếu, ở nơi nào có cử hành lễ cưới vào chiều Thứ Bẩy, thì cũng nên theo luật phụng vụ lễ Chúa Nhật. Lý tưởng ra, là có hai bài đọc trước lúc đọc Phúc Âm và có Lời Nguyện Giáo Dân, như thường. Một số mùa, như mùa Vọng và mùa Chay chẳng hạn, thánh lễ và các bài đọc, sẽ là bài đọc của các Chúa Nhật. Ngoại trừ độc nhất có một bài, có thể dùng một trong các bài nhà chủ chọn, cho lễ cưới.(x. Nghi thức hôn phối, số 11)

Các phần khác của phụng vụ lễ cưới, như: trao đổi lời thề, làm phép nhẫn, ban phép lành đôi tân hôn, vv.. sẽ theo phụng vụ, của lễ cưới.

Chúa Nhật Giáng Sinh và Chúa Nhật mùa thường Niên, thánh lễ hôn phối nào có các kinh và bài đọc dành cho lễ cưới, cũng có thể được cử hành vào các lễ không dành cho giáo dân, đến dự đều đặn. (x. Nghi thức Hôn phối số 11)

Giáo dân dự lễ hôn phối cử hành theo cách này, vào chiều thứ Bẩy, như thế đã là tham dự thánh lễ ngày Chủ nhật, theo luật buộc, rồi. Như đã nói, Hội thánh không ấn định giờ giấc riêng biệt nào cho lễ Vọng. Thế nên, lễ Vọng nếu bắt đầu từ 4 giờ chiều, đều được xem như thánh lễ Chúa Nhật. (x. The Catholic Weekly 7/12/2208, tr.12)

Được đức ngài chỉ dẫn rành mạch như thế, hẳn người phối ngẫu đôi bên sẽ vui vẻ, mà hát:

“Người yêu ơi! Ơi người! Người yêu dấu ơi!

Cùng bên nhau suốt đời, cùng chia sớt nỗi vui

Hay nỗi sầu, cùng cho nhau biết bao là yêu,

Ví dầu đời qua mau, với mái đầu, rồi đây sẽ trắng phau”. (Phạm Duy – bđd)

Đầu trắng phau, vẫn cùng bên nhau suốt đời, để rồi đôi bạn lại hát thêm:

“Ta bên mình nhau, rồi đi suốt con đường

đưa ta suốt đời về nơi xứ Thiên Đường

về nơi tổ ấm, nhờ ơn Đức cao vời, Ơn Mẹ Mari-a.”(Phạm Duy – sđd)

Kể cũng lạ, nghệ sĩ già rất bôn ba nhiều cuộc tình, chẳng kinh kệ quỳ gối nơi thánh đường có hôn phối, cũng đã biết: về nơi tổ ấm, xứ Thiên Đường. Lại còn bảo: nhờ “ơn Mẹ Maria”. Thành thử, dù có đi Đạo, hay bôn ba ở ngoài đời, nghệ sĩ già nhà ta, vẫn coi ân huệ “bên nhau suốt đời”, là do Mẹ Maria, ôi thôi! Thế cho nên, mới vào đầu “ngài” nghệ sĩ đã hát chào “Ave Maria”. Chào Chúa hay chào Mẹ, đều được cả. Duy có ân sủng ta nhận lãnh, dứt khoát từ Đức Chúa, Đấng mà nghệ sĩ gọi là “Đức cao vời”, mà thôi.

Ơn “Đức Cao Vời”, hay ơn “Mẹ Ma-rí-à”, cũng vẫn là ân huệ tặng ban, như thánh Giacôbê nói:

“Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo

-luật mang lại tự do-,

ai thi hành luật Chúa,

chứ không nghe qua rồi bỏ,

thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm.

(Yc 1: 25)

Trọn hảo ở đây, không là luật giữ ngày của Chúa: phải đi lễ mỗi tuần mấy lần. Nhưng, là luật tình thương. Luật, đem lại hạnh phúc cho mình. Cho con người. Luật ấy, ai cũng học. Và, đã biết. Biết tường tận, hay biết lờ mờ, còn tuỳ vào trạng thái dấn thân, của mỗi người.

Thật ra thì, luật ân sủng hay luật hạnh phúc mang đến với cuộc đời, dù có là đời của đôi lứa hay đời lẻ loi/một mình, cũng tuỳ vào thẩm định khác biệt, của mỗi người. Mỗi người, mỗi cách. Mỗi nơi, một kiểu. Như kiểu thẩm định về hạnh phúc, tương tự như lời kể của ai đó, dưới đây:

“Ngày xưa, có một bày yêu tinh tập hợp nhau lại để lên kế hoạch làm hại con người. Một con yêu tinh lên tiếng:”Chúng ta nên giấu cái gì quý giá của con người. Nhưng mà cái đó là cái gì?” Một con yêu tinh khác lên tiếng: “Chúng ta nên giấu hạnh phúc của con người. Không có nó, ngày đêm con người sẽ phải khổ sở. Nhưng vấn đề là: chúng ta sẽ giấu hạnh phúc nơi nào mà con người không thể tìm thấy được.”

Một con yêu tinh cho ý kiến: “Chúng ta sẽ quẳng hạnh phúc lên đỉnh núi cao nhất thế giới”. Con yêu tinh khác phản đối: “Con người rất khoẻ mạnh, chuyện trèo lên đỉnh núi đối với họ không có gì là khó khăn.” “Vậy thì chúng ta sẽ đem giấu hạnh phúc xuống đáy biển sâu.” “Không được, con người rất tò mò. Họ sẽ chế tạo ra những con tàu hiện đại để đi xuống tuốt đáy biển. Tất cả mọi người, rồi sẽ biết.” Con tinh trẻ có ý kiến: “Hay, ta đem giấu hạnh phúc ở một hành tinh khác.” Yêu tinh già phản đối: “Không được, con người rất thông minh. Càng ngày họ càng thám hiểm nhiều hành tinh khác đấy thôi.”

Nghĩ hồi lâu, có con yêu tinh già lụ khụ lên tiếng: “Tôi biết nên giấu hạnh phúc của con người ở chỗ nào rồi. Hãy giấu nó ngay chính bên trong con người. Đa số con người đi tìm hạnh phúc ở khắp chốn, khắp nơi. Bao giờ họ cũng thấy người khác hạnh phúc hơn chính mình. Còn, bản thân, họ chẳng bao giờ quan tâm. Giấu ở đó, con người không bao giờ tìm thấy hạnh phúc cả.”

Cũng có lý, đấy chứ! Hạnh phúc, mà con người lùng tìm, không do bởi mình có biết giữ luật của Chúa, từng chấm phết. Như việc, có giữ luật đi lễ ngày Chủ nhật, cho đúng cách, hay không. Mà quên đi, chuyện sống yêu thương, hiền hoà, tha thứ hết mọi người. Cũng chẳng phải, do mình có trung thành/trung tín với lời thề, ngay ngày cưới, mà lãng quên, hết mọi chuyện. Hạnh phúc, là những gì mình hiện đang có. Những điều mình đang có, là tình Chúa trao ban mọi người, để nhận lãnh. Nhận, một cách nhưng-không. Khó ai bì. Hạnh phúc, chính là hiện tại rất thường, mà ta hay luột mất. Là, những gì mình đang sở hữu. Nhất nhất, tất cả đều là hạnh phúc.

Và, một trong những hạnh phúc hôm nay, với tôi và với bạn, là mình còn trao được cho nhau những giòng chảy nhè nhẹ. Ngăn ngắn, như thế này. Vậy thì, xin nhắn bạn, nhắn tôi thêm một lời, là: ta hãy cứ thế mà hài lòng. Hài lòng, cả những điều mình vừa mới phiếm. Bởi, còn phiếm, là còn kiếm tìm thứ gì đó. Rất vui. Trong đời. Gọi đó là hạnh phúc, chăng? Cũng đặng. Gọi đó, là niềm vui ư? Hãy cứ thử, và cứ phiếm. Phiếm nhiều. Phiếm mãi, lai rai không ngừng. Ấy nhé, hỡi bạn và tôi, ta cứ phiếm.

Trần ngọc Mười Hai

Vẫn mong được hàn huyên

và phiếm mãi,

Với bầu bạn