Friday, 20 February 2009

“Ôi.. vai kề vai! Và tay nắm tay, rồi!”

Đời, thôi vắng tanh, lẻ loi kết đôi rồi!

Từ, nay nồng ấm, đời thôi hết u hoài.

Ave Maria.

(Phạm Duy – Oui devant Dieu, devant les hommes)

(Lc 23: 54/Yn 19: 42))

Kể ra thật cũng kỳ, chữ nghĩa rõ mồn một như thế, toàn những “Xin Vâng!” “Xin vâng”. “Xin vâng, trước Chúa!”, “xin vâng trước mặt mọi người!”, thế mà nghệ-sĩ-già nhà ta, lại cứ dịch hết là: “Ngày tân hôn”, rồi lại:

“Ôi! tình chăn gối …bao la

sẽ, mang về mãi …tận cõi già.” (Phạm Duy – bđd)

“Tận cõi già”, “tình chăn gối”, có là ý tưởng chủ chốt của Maurice Tézé hay không, bần đạo chẳng dám đoán. Nên, sẽ không có lời phản đối, với càm ràm. Càm ràm, mà làm gì, nhỉ? Nhưng, mỗi khi nghĩ về chuyện ngôn ngữ với phát âm, bần đạo có một kinh nghiệm vừa xảy đến, nay nhắc lại thấy cũng buồn cười. Buồn, mà không cười. Hoặc, cười, mà không buồn, là tâm trạng của bần đạo. Rất hôm nay.

Số là, vừa rồi đây, có bạn hữu vừa quen, mới từ chốn xa xôi nay tìm đến. Bạn đến, hỏi bần đạo đôi câu rất “Huế mình”. Rất giống bà con, chốn Đông Hà/Quảng Trị, hồi thời trước: “phải anh May Tã đây, không?” Rất chưng hửng. Chết lặng. Chết, những 30 giây. Sau đó, bần đạo mới định thần, lấy thăng bằng, bèn trả lời bằng âm giọng cũng rất “nẫu”, rằng: “Dạ, tên cúng cơm của em được bạn bè đặt cho là Me …Té (ấy chết, Mai Tá), và Mười Hơ (tức 12), chứ không có “may tã” hay “may quần lót” gì hết, trơn, ạ”. Thế là, cả bạn và em đều cười trừ, rất sảng khoái. Đề huề. Huề cả làng.

Phiếm lai rai như thế, là để xin thưa với bạn và với tôi, rằng: tiếng Việt mình rất ư là phì nhiêu/phong phú. Muốn tán tỉnh người nào, thì bạn và tôi, ta cũng nên cẩn thận. Rất cẩn thận, kẻo gây hiểu lầm, nhé. Như, một chuyện vui về chuyện: ta phải cẩn thận mà phát âm, mỗi khi đọc lời Chúa, nếu gặp đoạn nào có ghi rõ mồn một: “Các tông đồ bước đến hỏi Chúa, Chúa bèn “đáp”…cũng nên đọc theo kiểu Bắc kỳ di cư hay Bắc kỳ mới mới hoặc giọng Nam kỳ cho chuẩn, chứ đừng theo giọng “Huế miềng”, thì hỏng to. Chắc chắn sẽ có màn hiểu “nhầm”, ngay thôi. Bởi, đã hỏi thì Chúa chỉ “đáp”, chứ Ngài có ”đạp”, đâu bao giờ!

Cũng thế, về những sai sót với lẫn lộn, có nhiều vị phó-thường-dân ngoan đạo, thường có thói quen hay lẫn lộn và quên sót, không rõ ngày nào là ngày của Chúa (chứ không phải của “chùa”, hoặc “của chua”), để đi lễ. Vì thế, các cụ cứ hết chạy đến linh mục này, rồi lại tìm thày sáu kia, mà hỏi với han. Hỏi, là hỏi những câu thật ưu tư, như: “Xin cha bác giải thích cho đàn em hiểu thêm, lý lẽ cũng như điều kiện, để bà con khỏi ưu tư thắc mắc. Đại khái, là khi mừng kính lễ lạy vào buổi xế bóng chiều hôm, ngày trưóc đó (tức: vào chiều thứ Bẩy), ta có cần, hoặc có bắt buộc, phải đi thêm một lễ nữa, vào Chúa Nhật hôm sau, không? Ví dụ, nếu chiều Thứ Bẩy trước đó, bà con đã dự lễ hỏi và cưới rồi, có còn buộc phải đi thêm một lễ nữa vào ngày Chúa Nhật hôm sau, không?

Cứ thường tình, đấng bậc vị vọng rất “đức thầy”, là ngài Lm John Flader, vẫn có lập trường rất “chính mạch”, nên câu đáp nào của đức ngài cũng thường rất ư là “hiệu ứng”, khiến yên tâm. Hôm nay, đức ngài chạy khỏi “mạch chính” rất cứng ngắc, để có một lời đáp giải tương đối dễ thở, như sau:

“Từ ngày phụ trách mục hỏi đáp trên báo/trên mạng rất nhiều năm, tôi thấy có khá nhiều bà con chạy đến hỏi những câu tương tự. Bởi thế, nay cũng nên tạo dịp để ta đưa ra tình tiết chuẩn mực, về chuyện tương tự.

Lý chứng giúp ta tuân giữ các lễ vọng chiều hôm trước, đã có nguồn gốc rất cổ xưa. Người Do Thái, vẫn coi mỗi ngày ta sống, bắt đầu và kết thúc, vào khi mặt trời mọc và vào lúc chiều tà. Chứ không phải nửa đêm. Chính vì thế, dâng lễ ngày Sa-bát chỉ bắt đầu vào chiều thứ Sáu, mà người xưa còn gọi là ngày Dọn lễ, thôi.

Chính vì thế, nên khi Đức Giêsu chấp nhận chịu chết trên thập giá ngày thứ Sáu, thì ông Giuse xứ Arimathêa và các thánh đã hối hả chôn xác Ngài, ngay sau đó. Bởi, như thánh sử Luca và Gio-an có ghi chép: “vì đó là ngày Dọn Lễ của người Do Thái, và đã rạng sáng ngày Hưu Lễ” (Lc 23: 54/Yn 19: 42)

Cho đến nay, người Do Thái vẫn chủ trương tập tục, là: ta chỉ bắt đầu mừng kính ngày Hưu Lễ (tức Sabát) từ chiều Thứ Sáu đến chiều Thứ Bẩy, mà thôi.

Cũng giống thế, Phụng Vụ và Nghi Tiết Các Giờ Kinh cho linh mục, tu sĩ hoặc giáo dân cử hành, cũng như Phụng Vụ Ngày Lễ Lớn như các Lễ Trọng và Chủ Nhật, từ lâu, thường bắt đầu bằng giờ Kinh Chiều buổi xế, diễn tiến vào ngày hôm trước.

Trên cơ sở đó, Hội thánh Chúa sau Công Đồng Chung Vatican II, đã đưa vào hiện thực với khẳng định rằng: ta có thể cử hành thánh lễ Chúa Nhật, và các ngày nghỉ có lễ buộc (!), chiều hôm trước.

Lý do Hội thánh đưa ra, được ghi rõ ở tông thư Eucharisticum Mysterium (Nhiệm Tích Thánh Thể) phổ biến vào ngày 25/5/1967, có đoạn nói: “Làm thế, là để giúp các Kitô-hữu hôm nay dễ cử hành phụng vụ ngày Chúa Phục Sinh.” (x. Chương II, đoạn II C)

Ở tông thư, không thấy nói đến giờ giấc ấn định, để cử hành thánh lễ vào buổi xế, ngoại trừ vào Lễ Vọng Phục Sinh. Lễ Vọng này, có thể bắt đầu vào thời gian trước lúc mặt trời lặn (x. sđd). Thông thường, thì lúc mặt trời lặn, là thời điểm để bắt đầu Lễ Vọng, đó là theo thời khoá biểu cổ xưa; nhưng trên thực tế, ta có thể linh động tuỳ mùa, nếu lúc đó là vào mùa Đông hay mùa Hạ, ở nơi nào xa cách đường xích đạo.

Chính vì lý do này, mà Hội thánh chọn thời điểm cử hành Phụng vụ, là: thường vào giờ giấc nào đó, trong ngày. Chọn như thế, không nhất thiết bảo rằng: mặt trời sẽ lặn vào giờ nào, phút nào. Giáo phận La Mã và ở nơi khác, Hội thánh thường cử hành Lễ Vọng vào sau 5 giờ chiều. Lễ Vọng chiều thứ Bẩy, cũng sẽ gồm các bài đọc và Phúc Âm hệt như ngày Chủ nhật; tức: cũng gồm bấy nhiêu kinh. Cũng, các bài đọc, bài chia sẻ. Cũng đọc hoặc hát Kinh Tin Kính. Có Lời nguyện Giáo dân... Có xin tiền, như các Chúa Nhật!

Nên biết, ta có thể cử hành thánh lễ Chúa Nhật vào buổi xế ngày thứ Bẩy. Nhưng, điều đó không bắt buộc. Thành thử, gặp trường hợp các cộng đoàn nhỏ như cộng đoàn tu hội/dòng tu là cộng đoàn vẫn đều đều có thánh lễ hằng ngày, ta vẫn có thể cử hành phụng vụ vào buổi xế ngày Thứ Bẩy, như thường.

Nếu, ở nơi nào có cử hành lễ cưới vào chiều Thứ Bẩy, thì cũng nên theo luật phụng vụ lễ Chúa Nhật. Lý tưởng ra, là có hai bài đọc trước lúc đọc Phúc Âm và có Lời Nguyện Giáo Dân, như thường. Một số mùa, như mùa Vọng và mùa Chay chẳng hạn, thánh lễ và các bài đọc, sẽ là bài đọc của các Chúa Nhật. Ngoại trừ độc nhất có một bài, có thể dùng một trong các bài nhà chủ chọn, cho lễ cưới.(x. Nghi thức hôn phối, số 11)

Các phần khác của phụng vụ lễ cưới, như: trao đổi lời thề, làm phép nhẫn, ban phép lành đôi tân hôn, vv.. sẽ theo phụng vụ, của lễ cưới.

Chúa Nhật Giáng Sinh và Chúa Nhật mùa thường Niên, thánh lễ hôn phối nào có các kinh và bài đọc dành cho lễ cưới, cũng có thể được cử hành vào các lễ không dành cho giáo dân, đến dự đều đặn. (x. Nghi thức Hôn phối số 11)

Giáo dân dự lễ hôn phối cử hành theo cách này, vào chiều thứ Bẩy, như thế đã là tham dự thánh lễ ngày Chủ nhật, theo luật buộc, rồi. Như đã nói, Hội thánh không ấn định giờ giấc riêng biệt nào cho lễ Vọng. Thế nên, lễ Vọng nếu bắt đầu từ 4 giờ chiều, đều được xem như thánh lễ Chúa Nhật. (x. The Catholic Weekly 7/12/2208, tr.12)

Được đức ngài chỉ dẫn rành mạch như thế, hẳn người phối ngẫu đôi bên sẽ vui vẻ, mà hát:

“Người yêu ơi! Ơi người! Người yêu dấu ơi!

Cùng bên nhau suốt đời, cùng chia sớt nỗi vui

Hay nỗi sầu, cùng cho nhau biết bao là yêu,

Ví dầu đời qua mau, với mái đầu, rồi đây sẽ trắng phau”. (Phạm Duy – bđd)

Đầu trắng phau, vẫn cùng bên nhau suốt đời, để rồi đôi bạn lại hát thêm:

“Ta bên mình nhau, rồi đi suốt con đường

đưa ta suốt đời về nơi xứ Thiên Đường

về nơi tổ ấm, nhờ ơn Đức cao vời, Ơn Mẹ Mari-a.”(Phạm Duy – sđd)

Kể cũng lạ, nghệ sĩ già rất bôn ba nhiều cuộc tình, chẳng kinh kệ quỳ gối nơi thánh đường có hôn phối, cũng đã biết: về nơi tổ ấm, xứ Thiên Đường. Lại còn bảo: nhờ “ơn Mẹ Maria”. Thành thử, dù có đi Đạo, hay bôn ba ở ngoài đời, nghệ sĩ già nhà ta, vẫn coi ân huệ “bên nhau suốt đời”, là do Mẹ Maria, ôi thôi! Thế cho nên, mới vào đầu “ngài” nghệ sĩ đã hát chào “Ave Maria”. Chào Chúa hay chào Mẹ, đều được cả. Duy có ân sủng ta nhận lãnh, dứt khoát từ Đức Chúa, Đấng mà nghệ sĩ gọi là “Đức cao vời”, mà thôi.

Ơn “Đức Cao Vời”, hay ơn “Mẹ Ma-rí-à”, cũng vẫn là ân huệ tặng ban, như thánh Giacôbê nói:

“Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo

-luật mang lại tự do-,

ai thi hành luật Chúa,

chứ không nghe qua rồi bỏ,

thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm.

(Yc 1: 25)

Trọn hảo ở đây, không là luật giữ ngày của Chúa: phải đi lễ mỗi tuần mấy lần. Nhưng, là luật tình thương. Luật, đem lại hạnh phúc cho mình. Cho con người. Luật ấy, ai cũng học. Và, đã biết. Biết tường tận, hay biết lờ mờ, còn tuỳ vào trạng thái dấn thân, của mỗi người.

Thật ra thì, luật ân sủng hay luật hạnh phúc mang đến với cuộc đời, dù có là đời của đôi lứa hay đời lẻ loi/một mình, cũng tuỳ vào thẩm định khác biệt, của mỗi người. Mỗi người, mỗi cách. Mỗi nơi, một kiểu. Như kiểu thẩm định về hạnh phúc, tương tự như lời kể của ai đó, dưới đây:

“Ngày xưa, có một bày yêu tinh tập hợp nhau lại để lên kế hoạch làm hại con người. Một con yêu tinh lên tiếng:”Chúng ta nên giấu cái gì quý giá của con người. Nhưng mà cái đó là cái gì?” Một con yêu tinh khác lên tiếng: “Chúng ta nên giấu hạnh phúc của con người. Không có nó, ngày đêm con người sẽ phải khổ sở. Nhưng vấn đề là: chúng ta sẽ giấu hạnh phúc nơi nào mà con người không thể tìm thấy được.”

Một con yêu tinh cho ý kiến: “Chúng ta sẽ quẳng hạnh phúc lên đỉnh núi cao nhất thế giới”. Con yêu tinh khác phản đối: “Con người rất khoẻ mạnh, chuyện trèo lên đỉnh núi đối với họ không có gì là khó khăn.” “Vậy thì chúng ta sẽ đem giấu hạnh phúc xuống đáy biển sâu.” “Không được, con người rất tò mò. Họ sẽ chế tạo ra những con tàu hiện đại để đi xuống tuốt đáy biển. Tất cả mọi người, rồi sẽ biết.” Con tinh trẻ có ý kiến: “Hay, ta đem giấu hạnh phúc ở một hành tinh khác.” Yêu tinh già phản đối: “Không được, con người rất thông minh. Càng ngày họ càng thám hiểm nhiều hành tinh khác đấy thôi.”

Nghĩ hồi lâu, có con yêu tinh già lụ khụ lên tiếng: “Tôi biết nên giấu hạnh phúc của con người ở chỗ nào rồi. Hãy giấu nó ngay chính bên trong con người. Đa số con người đi tìm hạnh phúc ở khắp chốn, khắp nơi. Bao giờ họ cũng thấy người khác hạnh phúc hơn chính mình. Còn, bản thân, họ chẳng bao giờ quan tâm. Giấu ở đó, con người không bao giờ tìm thấy hạnh phúc cả.”

Cũng có lý, đấy chứ! Hạnh phúc, mà con người lùng tìm, không do bởi mình có biết giữ luật của Chúa, từng chấm phết. Như việc, có giữ luật đi lễ ngày Chủ nhật, cho đúng cách, hay không. Mà quên đi, chuyện sống yêu thương, hiền hoà, tha thứ hết mọi người. Cũng chẳng phải, do mình có trung thành/trung tín với lời thề, ngay ngày cưới, mà lãng quên, hết mọi chuyện. Hạnh phúc, là những gì mình hiện đang có. Những điều mình đang có, là tình Chúa trao ban mọi người, để nhận lãnh. Nhận, một cách nhưng-không. Khó ai bì. Hạnh phúc, chính là hiện tại rất thường, mà ta hay luột mất. Là, những gì mình đang sở hữu. Nhất nhất, tất cả đều là hạnh phúc.

Và, một trong những hạnh phúc hôm nay, với tôi và với bạn, là mình còn trao được cho nhau những giòng chảy nhè nhẹ. Ngăn ngắn, như thế này. Vậy thì, xin nhắn bạn, nhắn tôi thêm một lời, là: ta hãy cứ thế mà hài lòng. Hài lòng, cả những điều mình vừa mới phiếm. Bởi, còn phiếm, là còn kiếm tìm thứ gì đó. Rất vui. Trong đời. Gọi đó là hạnh phúc, chăng? Cũng đặng. Gọi đó, là niềm vui ư? Hãy cứ thử, và cứ phiếm. Phiếm nhiều. Phiếm mãi, lai rai không ngừng. Ấy nhé, hỡi bạn và tôi, ta cứ phiếm.

Trần ngọc Mười Hai

Vẫn mong được hàn huyên

và phiếm mãi,

Với bầu bạn

No comments: