Saturday, 31 May 2008

"Tình yêu đâu có tới hai mầu

tình yêu nào, chia sớt với ai đâu,

tình yêu bủa lưới tung chiếc lưới trói tròn

giây oan đưa ta vào con đường ai oán”

(Phạm Duy- Chiếc bóng bên đường)

(Mt 28: 19-21)

Có một lần, len lỏi nơi vườn hoa văn nghệ của người Việt tại nước ngoài, bần đạo chợt nhận ra một tư tưởng lớn vừa thoáng nghe đã thấy đồng cảm. Tư tưởng ấy, đại để như sau:

“Tình yêu bao giờ cũng bền bỉ, lâu dài và tạo tinh thần tốt đẹp. Một sức sống mới cho nhiều người. Thế nên, tôi thích viết và chỉ viết tình ca thôi.”

(tâm sự người nghệ sĩ họ Từ – trên tuần báo Việt Luận ở Úc 22/5/2008)

Nghe tâm sự người nghệ sĩ, bần đạo lại có thêm một giòng chảy, để viết và lách. Viết về những gì mình cảm nhận. Cảm nhận và hỏi rằng, sao nhiều vị giảng thuyết nhà mình vẫn chia sẻ đủ điều, cả tình yêu thần thánh, nhưng sao có người chẳng muốn nghe, cứ ngủ vùi? Trong khi người nghệ sĩ trên, nói ít nhưng ca hát nhiều; ấy thế mà, lời ca/ tiếng hát của ông lại đi vào lòng người, hơn ai hết.

Được biết, nghệ sĩ được trích dẫn ở trên đã hoàn tất đến 100 nhạc bản. Toàn về tình. Đi tới đâu, nhạc-tình-ngoài-Đạo của ông cũng lênh láng giòng chảy, rất yêu thương. Lênh láng, đến độ chẳng cần quảng cáo/rung chuông, vẫn có người ngâm nga, cứ hay hát.

Một lần khác, ngồi ghi lại ít suy tư/niệm ý về tình thương của Chúa, bần đạo được bạn bè/người thân lân la hỏi: lời của Chúa, sao bạn lại gọi là “chuyện phiếm”? Gọi thế, có bất xứng không? Có lèm bèm thơ văn “tình-ngoài-Đạo”, không? Nghe hỏi, bần đạo chẳng biết nói sao chỉ cười trừ, rất huề vốn. Chẳng dám phân bua. Và, cũng không chối. Chỉ cầu mong bè bạn rất cảm thông, cứ đọc tiếp. Đọc tiếp và đọc hoài, hẳn rồi sẽ cảm thông nhận biết bần đạo tài hèn sức mọn, bọn đàn em mà miễn lỗi.

Về miễn lỗi, bần đạo còn nhớ trong buổi mạn đàm ngày ra mắt/góp mặt bạn bè/người dưng, bần đạo được dặn dò đôi ba ý: hãy cứ siêng năng mà viết và lách. Rồi ra, sẽ có vị bắt được băng tần lẻ bóng cùng ca vang cung đàn lạc điệu, phấn khởi thôi. Bởi thế hôm nay, bần đạo dám phiền bầu bạn đọc thêm lần nữa vài tư tưởng “mọn hèn”, những chữ là chữ.

Về những chữ, bần đạo ngồi nhẩm, cũng thấy khá nhiều vị quyền cao chức trọng trong giáo hội, đã có lời phán rất nhiều, biên chép không thiếu. Thế nhưng, vẫn bị đe nẹt/trù dập, nào đã thoát. Quả thật, trong số những người dám nghe/dám đọc những chữ và chữ lạ lùng của các cụ nơi vùng cao ở Úc, có vị đã cảm ứng viết thành lời thư phản hồi, khá dễ thương. Thương cho giòng chảy đậm nét sống. Trước nhất, là giòng chữ rất “phản hồi” của chính đấng bậc bị dập trù:

“Vị giám mục của Sydney vốn bị các Giám mục Công giáo Úc “từ” là vì “không am hiểu giáo huấn của hội thánh”, có nói: giáo hội đang tìm cách hạn chế cuộc tranh luận về việc lạm dụng tình dục.

Giám mục Geoffrey Robinson hôm vừa qua, đã đưa ra một phát biểu ứng đáp lại lời cáo buộc của Hội đồng Giám mục Công giáo Úc châu, vào tuần trước. Trong lời phát biểu, Đức giám mục Robinson nói ngài lấy làm thất vọng, nhưng không tỏ bày một ngạc nhiên.

Giám mục Robinson, nguyên giám mục phụ tá của Sydney, người đứng hàng đầu trong nỗ lực đưa ra các đề nghị cho Giáo hội Công giáo Úc, suốt một thập niên, nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng tình dục. Ông từ nhiệm chức vụ này trong vô vọng, vào năm 2004.

Hội đồng giám mục Úc vừa phát hành một thông cáo không ký tên trên trang mạng của các ngài, nói rằng: Giám mục Robinson “không am hiểu giáo huấn nói về quyền bính của Đức Kitô và của giáo hội”.

Giám mục Robinson, đang trong chuyến thuyết trình tại Mỹ, nói: chúng ta có lý để đặt câu hỏi về quyền bính và tình dục trong giáo hội. Giám mục nói: “Các giám mục kể trên xem ra có ý nói rằng, trong kiếm tìm câu trả đáp về chuyện lạm dụng, chúng ta có thể tìm ra sự thật nơi các yếu tố khác góp phần vào chuyện lạm dụng, nhưng chúng ta có thể không hỏi những câu liên quan đến đường lối theo đó các giáo huấn, lề luật và thái độ đã nối kết với quyền bính và tình dục bên trong hội thánh có thể đã góp phần vào đó. Chúng ta có tự do đi theo các luận chứng đến tận nơi nào chúng đưa tới.” (theo trang mạng điện tử đã trích)

Tin tức nổi cồn trên báo, thì như thế. Phản ứng của giới truyền thông ở Úc, cũng dâng lên. Phản ứng chống người bị dập, cũng có. Cảm thông với người bị vùi, vẫn còn. Còn và có, như một phản hồi chuyện vùi dập, thấy đâu đây:

“Tôi thất vọng thấy lãnh đạo hội thánh, tựa như các chính phủ Úc thời đã qua, quyết từ chối không nói lời “Xin lỗi” với những người trong giáo hội của ta từng xúc phạm đến, một cách đáng kể; và bảo đảm là các nguyên do có hệ thống hoá phải được tháo cởi để ta có thể cam đoan với nạn nhân của các lầm lỡ trong thời đã qua, sẽ không bị những người mới-mắc-phạm cũng như đã từng mắc phạm, lặp lại một lần nữa.

Ngay vào phút đầu của Tiệc Thánh, ta vẫn có nghi tiết hoá-giải mọi lầm lỡ vướng mắc hoặc sót quên. Lầm lỡ /sai sót về mặt cơ chế cũng nên được hình dung, vào khi ấy.

Tôi đã đọc đi đọc lại sách của Giám mục Geoffrey Robinson, từ bìa đầu đến bìa cuối, khi tác giả đề cập đến việc “Giáp mặt Quyền lực và Tình dục trong Hội thánh Công Giáo, đòi lại tinh thần Đức Giê-su” và thấy ý kiến thật sâu sắc khi Đức giám mục đề cập đến hạt giống/gốc rễ của những lạm dụng trong quyền bính giáo hội (trong đó lạm dụng tình dục chỉ là triệu chứng) và kết luận rằng: mục tiêu của cơ chế giáo hội KHÔNG phải là để phát triển sự trưởng thành của người đi Đạo Chúa, nhưng là để giữ chân các thành viên vẫn ở lại cấp độ nguyên thuỷ của niềm tin, nghĩa là “chỉ biết đọc kinh, góp tiền và tuân lệnh”. Phần lớn cơ chế giáo hội không khích lệ bổn đạo chịu suy tư và hành động cho chính mình, cũng chẳng gánh trách nhiệm hành động của mình. Có lẽ, đó là một trong các nguyên do khiến có sự giảm sút số người đi nhà thờ - bị đối xử như trẻ nhỏ hơn là khuyến khích mọi người trưởng thành trong niềm tin và hiểu biết.” (MFW – do Michael Waterhouse chuyển lên mạng)

Và, một ý kiến phản hồi ngắn gọn của một linh mục khác:

“Dĩ nhiên, Đức cha Geoffrey Robinson có lý – và ở đây ông rất can trường khi đề cập đến những vấn đề cần nêu ra và – đối đầu! Chủ nghĩa Giáo Quyền Tộc Trưởng không mang đặc trưng Ba Ngôi Đồng Đều, bởi chủ nghĩa này không phản ánh tương-quan ngang-bằng giữa các người tín hữu của Chúa, lại còn tạo ra giới tính nam - nữ nơi hình ảnh Thiên Chúa, và mọi người chúng ta đang sẻ san cùng một ơn Thanh Tẩy. (Lm Terry Herbert, MSC)

Kèm theo sau, là ý kiến khác của một nữ lưu trong Đạo:

“Những điều tôi muốn nói ở đây, là: tôi vẫn thấy nơi Giám Mục Geoffrey Robinson, một con người có phẩm giá vẹn toàn, biết thiết tha với Hội thánh. Hỡi Đức Cha Geoffrey, cha cứ tiếp tục hát lên “bài ca rất hay ấy” nhé! (Lorraine Murphy).

Nói cho cùng, trường hợp Giám mục Geoffrey Robinson có tiếp tục hát hay chăng bài ca hay ho hoặc “cung đàn lạc điệu” nào đi nữa, vẫn là chuyện dài ở huyện. Những chuyện, cứ kéo dài nhiều tháng ngày ngàn năm, mãi về sau. Nhiều trường hợp, có lẽ không kéo dài được bao lâu, đó là giọng “hát” của vị “cha già” ở Ý, Đức Hồng Y Carlo Maria Martini SJ, nhân buổi nói chuyện vào buổi tối ở Giê-ru-sa-lem, những ngày mới đây thôi. Cha về chầu Chúa ngày rất gần, nên vẫn hỏi.

“Cha già” Martini cũng có vấn đề hỏi Chúa. Cha vẫn ca ngợi Martin Luther. Vẫn cổ võ việc Hội thánh Chúa nên tỏ ra can đảm mà canh tân Giáo hội mình, đừng xa vời tinh thần Công Đồng Chung Vatican II, và nhất là đừng ngần ngại đối diện/đụng trận với giới trẻ. “Cha già Hồng y”, từng nhớ lại có lần ngài đến nhà tù nọ để lắng nghe các tội phạm và ngài cũng từng nguyện cầu với các chiến sĩ Vệ Binh Đỏ. Ngài dám rửa tội cho cặp song sinh, con của người cha người mẹ thuộc đám khủng bố/hiếu chiến; và, đôi trẻ song sinh này ra đời vào lúc cha mẹ các em đang hầu toà.

Có vấn đề, nên cha già mới hỏi. Cha hỏi nhiều đấng, nhiều người. Trước tiên, là hỏi Chúa:

“Sao Chúa không cho con ý kiến nào khá hơn không? Sao Chúa không để con mạnh mẽ hơn trong yêu đương, dũng cảm hơn mà đối đầu với các vấn đề của thời đại? Sao con lại được chuẩn bị quá ít về những gì xảy đến?”

Đôi lúc, cha già cũng xin Chúa để ngài yên lặng một mình, mà tự kiểm. Có lần cha già nói: giám mục là người lúc nào cũng phải gan dạ, dám nói và dám hỏi. Với Giáo hội, cha già Hồng y Martini đã từng nói và đòi: đã có lần, cha nằm mơ về một hội thánh chỉ biết sống trong khiêm tốn/nghèo hèn, không tuỳ thuộc quyền bính sức mạnh của thế giới/gian trần. Một hội thánh biết dành cho dân con mình được suy nghĩ khác với mình. Một hội thánh có can đảm ôm ấp nơi vòng tay ôm của mình, những người hèn mọn/nhỏ bé, từng lầm lỡ. Một hội thánh mãi mãi trẻ trung. Nhưng hôm nay, cha già không còn có những giấc mơ như thế, nữa. Khi ở độ tuổi 75, cha già quyết định phải nguyện cầu cho hội thánh. Vào tuổi 81 bây giờ, cha già vẫn yêu cầu hội thánh hãy tự biết canh tân chính mình. Điều cần thiết, là: hội thánh phải đi ra ngoài tìm gặp lại tương lai của chính mình.” (trích từ báo laRepubblica.it ngày 19/5/08 Marco Politi ghi)

Thế đó, là giòng chảy thông tin từ báo điện. Giòng chảy, làm người người nhớ đến “lời kinh hôm” trong thư của Phao-lô thánh nhân gửi giáo đoàn Philip, có nhấn mạnh:

“Phần đông anh em, đầy lòng tin cậy vào Chúa, theo gương tôi bị lao tù, đã thêm bạo dạn hơn nhiều, biết quả cảm giảng Lời Chúa. Kẻ thì vì ghen tương và kình địch; kẻ thì vì thiện cảm (với tôi) mà rao giảng Đức Kitô. Kẻ thì làm, vì lòng mến; bởi biết rằng, tôi đã được chỉ định lo bênh đỡ Tin Mừng. Kẻ, lại giảng truyền Đức Kitô vì ganh tị, ý không tinh tuyền, tưởng gây được khổ cực cho cảnh lao tù của tôi. Không can chi! Dù sao đi nữa, bởi lấy nê hay vì tình thật, miễn là Đức Kitô được rao truyền, thì tôi vui mừng, và tôi sẽ cứ vui mừng (luôn). Vì tôi biết: sự ấy sẽ trở thành nguồn cứu rỗi cho tôi, vì có anh em cầu xin và Thần Khí của Đức Giê-su Kitô tiếp sức. Đó là điều tôi ngóng đợi và cậy trông!”

(Pl 1: 12-20).

Phao-lô thánh nhân, đề cập nhiều đến hội thánh, thời ngài sống. Thời của những cãi tranh, bất bình. Cãi và tranh, giữa người trong cuộc, như Phao-lô - Phêrô, Phao-lô - Apollô... Bất bình, giữa người trong/ngoài hội thánh. Như dạo nào, cũng có một Phao-lô Việt tộc khác, từng chất vấn nhà Đạo có là “Đường hay Pháo đài”, đã trần tình:

“…đối với Kitô-hữu, điều được mặc khải cao cả nhất, quan hệ nhất, Tin Mừng đáng kể nhất: đó là chính Chúa Giêsu Kitô, chính ơn cứu độ Ngài đem lại. Muốn ý thức tin Mừng ấy, không gì hơn là nhìn vào một con người như thánh tông đồ Phao-lô.

Không bao giờ Phaolô đã cần ai dạy lề luật cho mình. Không bao giờ Phaolô đã cần đến lời răn khuyên của các ông bà đức hạnh, các nhà luân lý. Đó là điều mà sau này Phaolô không ngần ngại nhắc cho những ai muốn biết.

Chính vì “đầy lòng biết ơn cảm mến”, mà Phaolô, mà người tín hữu chân chính, từ khi biết Chúa Kitô, có thể tự hào, nhưng niềm tự hào khác hẳn sự tự mãn của con nhà lương thiện, hạnh kiểm tốt, và niềm tự hào này không còn sức gì có thể lung lạc được. Cho dầu phải nông nỗi nào đi nữa.

Xin cho được một lần ca tụng Phaolô, Tông Đồ của Đức Kitô Giê-su. Nhưng ca tụng Phaolô thì vẫn chỉ là nói về Đức Kitô, tôn vinh Đức Kitô. Con người Phaolô, cuộc đời Phaolô không là gì khác ngoài lời mời gọi “Anh em hết thảy”, “Chư thánh” ở Rôma, ở Côrinthô, ở Êphêsô, ở Philíp, Côlôsê hôm qua, ở Hànội, ở Huế, ở Thanh Hoá, Bắc Ninh, Đà Lạt, ở Phan Thiết, ở Sàigòn… hôm nay, vào cả trong cùng một niềm tin, một niềm vui với ngài. Niềm tin không nao núng và niềm vui bất tận.”

(Phaolô Nguyễn Ngọc Lan, Chủ Nhật Hồng Giữa Múa Tím, Cơ sở Hy vọng 2002, tr.279)

Trích dẫn lời của tân/cựu hay đương kim giám mục/hồng y/linh mục, bần đạo cũng chỉ muốn nói lên một điều: Tin Mừng ta rao giảng, vẫn luôn là rao báo và giảng giải cho ai? ở đâu? khi nào? Và, khi trả lời được câu hỏi này, cũng cần nhớ lại “bài sai” Chúa gửi. Ở mọi nơi. Vào mọi lúc:

“Vậy các ngươi

hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân,

thanh tẩy chúng

nhân danh Cha và Con và Thánh thần,

dạy chúng giữ hết mọi điều

Ta đã truyền cho các ngươi.

Và này, Ta sẽ ở với các ngươi

mọi ngày cho đến tận thế.”

(Mt 28: 19-21)

Như mọi lần, để có một vài phút thư giãn trong khi vẫn nghe cãi và tranh, những lời vàng sôi nổi, bần đạo dám đính kèm nơi đây một truyện kể ngăn ngắn. Truyện về thói thường của con người, sống ở đời. Rất thân thương và cũng thương thân, như ở dưới:

“Tôi vừa đạt tuổi 65. Thấy có bổn phận phải nhanh chân chọn bác sĩ chăm sóc ngay liền mặt để còn gửi giấy chứng cho hãng bảo hiểm của tôi.

Sau khi trải qua hai lần xét nghiệm cũng khá căng, bác sĩ trị liệu của tôi bèn phán một câu rất nặng ký: ở tuổi này mà cụ được như thế, là tốt quá rồi còn gì.

Hơi có vẻ ngại ngần về lời phẩm bình trên đây của vị lương-y-như-từ-mẫu có trọng trách thăm nom đến sức khoẻ bản thân, tôi vội hỏi:

-Vậy, bác sĩ có thể cho biết tôi có sống đến tuổi cửu thập được hay chăng?

-Thế, cụ có hút thuốc/uống rượu gì không?

-Không đâu, thưa bác sĩ. Ma tuý hay quỷ tuý, gì cũng không. Trăm lần không ngàn lần không, bác sĩ ơi!.

-Thế, cụ có hay la cà chuyện vãn/vui chơi bạn bè, gì không?

-Cũng không luôn. Tôi chỉ quanh quẩn ở nhà. Lo toan mọi thứ, vẫn một mình.

-Cụ có thường hay sơi thịt trừu/sườn nướng gì không, ạ?

-Thứ ấy lại càng không. Có vị bác sĩ nọ bảo với tôi: bò trừu rặt loại đỏ thịt không tốt, chẳng nên ăn.

-Thế, cụ có hay ra ngoài phơi nắng, dạo mát thường xuyên chăng?

-Lại càng không, tuốt luốt.

-Vậy thì, mấy chuyện “ấy” ấy, bài bạc, séc nặng với séc nhẹ, cũng thường chứ?

-Không bao giờ. Mấy chuyện này mất sức lắm, bác sĩ ạ. Chẳng bao giờ mơ nữa là.

Nghe thế, bác sĩ nhìn tôi một hồi, rồi bảo:

-Thế thì, cụ tính sống đến 90 để làm gì?

Nhân sinh cửu thập hay chỉ muốn thất thập, đâu là vấn đề của nhà Đạo, bấy lâu nay. Cãi tranh -tranh cãi về quyền hành/tình dục, hay gì đi nữa, mà làm gì. Dục hay quyền, nhiều lắm cũng chỉ là chuyện trăm năm, một cuộc đời. Một đời có quá nhiều thứ để bận tâm, không lo toan.

Lo toan, là bởi “tình yêu đâu có tới hai màu”. Dù màu đó, có là màu của chính chuyên những là nhà Đạo, hay chỉ là màu của đời thường. Cũng hồng hồng - tía tía, đỏ - trắng – đen, rất tinh vi. Dù màu đỏ ấy, có là màu của một đời đi Đạo, thì luôn vẫn chỉ có một tình yêu. Yêu Chúa. Yêu người. Tình yêu trinh trong, con cái Chúa. Sống ở đời. Khắp mọi nơi.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn ưu tư khắc khoải

về những cãi tranh

nơi người đời

trong nhà Đạo

Sunday, 25 May 2008

“Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương”

(Ga 19: 27)

Có thể bảo: Mẹ vẫn ngồi đó, nỗi buồn. Mẹ đây, bạn chắc sẽ hiểu là Mẹ Việt Nam hiền, rất đáng yêu. Còn tôi, tôi sẽ nghĩ: là Đức Maria, Mẹ của Chúa. Mẹ Việt Nam hay Mẹ Đức Chúa cũng vẫn còn đó, nỗi buồn. Nỗi buồn trăm năm. Nỗi buồn ngàn năm. Như nhiều người nhận định.

Nỗi buồn nơi Mẹ Việt Nam hay Mẹ của Chúa vẫn là nỗi buồn muôn thuở. Mẹ buồn chẳng phải vì mẹ nói mà đàn con chẳng buồn nghe. Mẹ buồn, có lẽ, vì Mẹ vẫn muốn nghe, mà đàn con chẳng buồn nói. Chẳng biết nói. Dù, lời nói ấy có là lời kinh chiều hôm, ban sớm. Hay, chỉ là lời than vãn, với thở than.

Than thở hay than vãn, vẫn là chuyện của đàn con nhớ mẹ. Thương Mẹ. Vì thương Mẹ, nên mới than. Vì nhớ Mẹ, nên mới nói. Nói, hệt như kể lể. Kể lể, cũng hệt như nói chuyện. Những chuyện kể lể, như câu truyện “chiếc ghế trống của Mẹ”, ngay bên dưới:

Bữa nọ, người con độc nhất trong nhà vừa phát hiện ra chuyện khó hiểu xảy đến với mẹ mình. Cô bèn ra nhà thờ, vời một thừa tác viên đến xem mẹ mình có khùng điên, hay không. Thừa tác viên nhận lời. Đến nhà, thấy mẹ của cô cứ gục đầu vào gối, chẳng nói lấy một câu. Nhưng, có chiếc ghế bành đong đưa, ở cạnh giường. Thừa tác viên lên tiếng hỏi:

-Chào bác, có phải bác đang chờ con đến thăm, không?

-Không. Tôi chẳng chờ ai hết. Mà, anh là ai cơ chứ?

-Con làm việc ở nhà thờ, hôm nay thấy bác không được khoẻ, nên mới đến thăm. Thế, bác để chiếc ghế ở cạnh đây là có ý chờ ai vậy?

Ghế ấy hả? Có chờ ai đâu! Này, cậu xem con gái tôi có ở quanh đây không? Nếu không, phiền cậu đóng cửa lại, tôi kể cậu nghe câu chuyện bí mật tôi chưa nói với ai hết. Con tôi, cũng không.

Thú thật với cậu, là: suốt đời, tôi chẳng biết cầu nguyện sao cho đúng cách, hết đó. Hồi xưa, tôi đều đi lễ mỗi tuần, vẫn nghe ông cha già giảng giải, nhưng nghe tại này lọt tai kia, lễ xong là quên tiệt. Bởi thế, tôi đành bỏ, không tìm cách cầu nguyện sao cho hay cho dễ, nữa. Nhưng, cách đây bốn năm vào ngày đẹp trời, người bạn rất thân thuộc giới tu xuất biết tánh tôi, mới đến bày cho tôi biết cách cầu nguyện theo kiểu tân kỳ. Cô ta nói: Cầu nguyện đơn giản lắm, bồ ạ. Cũng giống như mình đang tiếp chuyện với người nào đó, thôi. Thế là, cô ta bảo tôi đi lấy cái ghế để trống, thành ghế quay về phía mình, như có người bạn đang ngồi nghe mình kể chuyện. Và, cô bảo: Bồ cứ dùng đức tin mà tưởng tượng là có Chúa ngồi ở đó –mà cũng đúng thôi, vì Chúa vẫn nói: Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế, mà! Nhớ nhé. Hãy cứ tìm lúc nào nhà không có người, là bồ quay về phía ghế trông mà nói chuyện như đang hầu chuyện với Chúa. Đó là cầu nguyện cách hay nhất… Thế là, tôi áp dụng ngay. Mỗi ngày làm thế chừng một, hai tiếng. Tôi cũng khôn, không bao giờ để cho con gái nó biết, kẻo nó tưởng tôi dở điên dở khùng rồi đem gửi về nông trại của cô em, thì có mà chết.

Thừa tác viên nghe chuyện, rất cảm động. Ngồi lại, cầu nguyện như thế với bà một hồi. Rồi, bôi dầu vào đầu bà và trở về cất đồ ở nhà thờ, hẹn sẽ trở lại. Hai đêm sau, cô con gái gọi điện cho thừa tác viên, cho biết mẹ mình đã về nhà Cha, ngay hồi chiều. Nghe gọi, thừa tác viên bèn hỏi:

-Cụ Bà ra đi nhẹ nhàng và tốt lành chứ?

-Vâng. Nhưng trước đó hai tiếng, tôi sắp đi làm, thì bà gọi phắt tôi lại, ôm và hôn tôi vào cổ, còn nói: Mẹ thương con lắm. Mẹ sẽ trông chừng cho con… Và, trên đường về từ buổi chợ chiều, tôi vào phòng thấy cụ đã đi. Nhưng có điều lạ, là: cụ đi êm ả trong tư thế đầu gục vào thành ghế để ở cạnh giường. Nét mặt rất tươi… Hôm rồi, có chuyện gì xảy ra giữa bác và mẹ tôi không, thế?

Thừa tác viên vội chùi giọt nước mắt đang lăn trên má, vội bảo:

-Bác nghĩ mai kia có ra đi, bác cũng chỉ mong được đi nhẹ nhàng như thế…

Câu chuyện “Mẹ vẫn ngồi đó, nỗi buồn”, ở đây nghe qua cứ tưởng chỉ là truyện kể, thời xa xưa. Không mấy xác thực. Vâng. Cũng có thể, là như thế. Nhưng, đã là “còn đó nỗi buồn của Mẹ”, thì có lẽ câu truyện dưới đây sẽ xác đáng và đích thực hơn chăng? Cũng là hỏi – đáp, khá xác thực. Ở đời thường. Đời thường nhật trên báo chí, rất nhật trình:

“Là cựu nữ tu chân chất nguyện cầu với Đức Mẹ, nhiều lúc tôi vẫn thấy rất khó mỗi khi lần chuỗi Mân Côi. Đặc biệt, là lúc suy ngắm các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng, Sáng vào nhiều buổi. Mới đây, đọc hạnh thánh Tê-rê-xa hài Đồng, thấy Chị thánh công nhận là ngắm tràng hạt Mân Côi còn khó hơn mặc áo nhặm, hành tội. Vì như Chị nói: mỗi lần suy ngắm các mầu nhiệm khi lần chuỗi, Chị cầm lòng trí không đặng…

Xin linh mục ban lời khuyên nào giúp ích bản thân và nhiều ngưòi khác đang thắc mắc.

Ký: Một người ẩn danh.

“Nỗi buồn còn đó” ở trên, đã được gửi đến tuần báo Công Giáo ở Sydney hôm 09/03/2008, và được đáp ứng bằng lời giải mã như sau:

“Thắc mắc của chị về những khó khăn khi ngắm chuỗi Mân Côi, có lẽ cũng là nỗi ưu tư của nhiều người trong nhóm “Đọc kinh Tôn Vương” hoặc như vị tiến sĩ của Hội thánh là thánh Tê-re-xa Hài Đồng, từng gặp. Âu đó là kinh nghiệm của nhiều người.

Thật ra, chúng ta đều có vấn đề khi tập trung nguyện cầu. Lo ra – chia trí, là mẫu số chung ta vẫn gặp trong hành trình cầu nguyện. Sử hạnh các thánh có kể câu truyện thánh Bê-na-đô một ngày kia cưỡi ngựa về thăm một nông trại nhỏ. Thánh nhân đến để bàn luận với người bạn đang làm trại chủ, về chuyện cầu nguyện sao cho tốt. người trại chủ mới nói với thánh nhân, là anh chẳng bao giờ bị phân tâm hay chia trí, lúc nguyện cầu. Thánh nhân rất ngạc nhiên, bèn đề nghị đánh cuộc với người bạn nhà nông, rằng: nếu anh ta đọc chỉ một Kinh Lạy Cha thôi, mà không bị lo ra – chia trí, thánh nhân sẽ tặng ngay ngựa con đang cỡi. Anh bạn nông gia nhận lời ngay tức khắc, vào cuộc bằng một khởi xướng, rất oang oang. Nhưng chỉ vài câu sau đó, anh đã quay về phía người bạn thánh, hỏi vặn: “Bạn có ý định cho tớ cả bộ yên cương và giây đai, nữa chứ hả?”…

Ở đây, có lẽ cũng nên nhắc lời của thánh An Phong, vị thánh được Giáo hội tặng phong tước hiệu “tiến sĩ của nguyện cầu”, đã bình luận về chuyện lo ra – chia trí, trong cuốn sách mà thánh nhân viết nhan đề “Luận thuyết về Nguyện cầu”, như: “Nếu quý vị thấy lo ra/chia trí khi nguyện cầu, lời cầu ấy sẽ làm cho ác thần/sự dữ phải điên tiết lên ghê lắm.”

Thánh Louis thành Monfort, trong “Bí Mật Chuỗi Mân Côi”, cũng căn dặn ta đừng quá câu chấp về chuyện chia trí hoặc có được sự ủi an linh đạo, như sau: “Mọi người chớ nên nhìn vào lòng sùng kính bén nhạy và sự ủi an thiêng liêng linh đạo khi đọc kinh lần chuỗi Mân Côi. Cũng đừng bỏ mất thói quen tốt lành này, chỉ vì đầu óc ngập tràn những lo ra và chia trí, đếm không xuể; hoặc, hễ thấy có cảm giác chán ngấy nơi tâm hồn, cùng những mệt mỏi liên tu bất tận dồn cục nơi thân xác. Tất cả những kinh nghiệm ấy, kể cả tâm tình được ủi an, hoặc những thở dài ngao ngán, những khó khăn di chuyển và cả đến việc không thể tập trung tư tưởng như phải có, mà chỉ cần niềm tin và lòng muốn tốt lành là đủ. “Chỉ mỗi niềm tin tưởng là cần thiết, mà thôi.”

Tôi nghĩ, Chúa không nhìn vào tâm trạng hài lòng ta cảm thấy, nhưng đúng hơn, Ngài chỉ quan tâm đến cố gắng ta khắc phục và đưa vào nguyện cầu, cả khi ta chẳng thấy có điều gì ích lợi tìm được, từ những cố gắng quyết cầu nguyện, đi nữa. Bằng vào cố gắng phấn đấu tiếp tục nguyện cầu thôi, cũng đã xứng đáng được tuyên dương rồi. Ngay cả khi ta thấy mệt mỏi hoặc lo ra/chia trí mà vẫn cố gắng còn tốt hơn là thấy mình cầu nguyện quá dễ dàng, cũng như đã thấy hài lòng khích lệ, về mặt thiêng liêng sùng kính.

Để có được phương cách cụ thể và đặc biệt khi suy ngắm các mầu nhiệm lúc lần chuỗi mân Côi, thiết tưởng cũng nên để tâm đến các đề nghị thiết thực của thánh Jose Maria Escriva trong cuốn sách mà thánh nhân viết về Lần Chuỗi Thánh, như sau: “Hãy tạm nghỉ một chốc chừng vài giây – 3 hay 4 giây là được- để suy tưởng trong thinh lặng về mỗi mầu nhiệm của chuỗi Mân Côi trước khi ta đọc kinh Lạy Cha và các kinh Kính Mừng trong chục kinh ấy. Tôi dám chắc, lối thực hành này sẽ làm gia tăng việc suy tư và gặt hái được nhiều hoa quả cho công việc nguyện cầu của người đọc kinh.”

Càng có lợi hơn, trong giây phút ngưng nghỉ này, ta chú tâm đến vài khía cạnh của mầu nhiệm mà ta muốn cầu, ngõ hầu lời cầu của ta sẽ trở nên đặc biệt, rất thực tiễn.

Tỉ như: khi suy gẫm về mầu nhiệm thứ nhất trong Năm Sự Vui, nơi trình thuật có đoạn thiên thần loan báo tin vui cho Đức Mẹ, ta có thể suy về lòng hăng say tận tâm, tận tình của thánh thiên thần, hoặc tính ngoan hiền chiều theo thánh ý của Thiên Chúa, hoặc tính khiết tịnh, Vô Nhiễm nơi Đức Maria… Tất cả các mẩu suy tư ấy đều qui về cảnh trí diễn ra sự kiện Loan báo Tin Vui và tâm tình Mẹ đáp lại lời thông chuyển của thiên thần Chúa.

Nên nhớ, suy ngắm về các mầu nhiệm diễn ra nơi chuỗi Mân Côi, không chỉ là phương cách duy nhất giúp ta làm việc này, nhưng ta cũng có thể suy nghĩ về lời lẽ trong câu kinh, nữa. Chẳng hạn, trong kinh Kính Mừng ta có thể tập trung vào cụm từ “Đầy ơn phúc”, hoặc “Bà có phúc hơn mọi người nữ”,hoặc Giê-su con lòng Bà”, hoặc “ Thánh Ma-ri-a, Đức Mẹ Đức Chúa trời”, hoặc cả đến câu “Cầu cho chúng tôi là kẻ có tội”, vv.

Thay vì đọc nhiều kinh, ta có thể đọc một đoạn ngắn trong Tin Mừng có liên quan đến mỗi mầu nhiệm và suy niệm về ý nghĩa của đoạn Sách Thánh vừa đọc, cũng tốt. Hoặc giả, ta cũng có thể cầu nguyện về các dự tính ta sắp thực hiện khi liên tưởng đến mầu nhiệm vừa đọc. Nói tóm, có nhiều cách giúp ta lần chuỗi Mân Côi, chứ không chỉ đọc và đọc.

Điều quan trọng hơn, là đừng bỏ cuộc không suy ngắm nữa, chỉ vì ta bị lo ra/chia trí khi đọc kinh. Hệt như Chân Phước Gio-an XXIII đã có lần nói: Điều tệ hại về chuỗi Mân Côi là không ai còn lần chuỗi này nữa.” (Lm John Flader, the Catholic Weekly)

Vâng. Đúng thế. Cũng có thể nói theo và nói dựa với lời của Đức Giáo Hoàng, Mẹ “ngồi trăm năm như thân tượng buồn”, vì chẳng thấy ai về cùng Mẹ thân thương mà thưa gửi. Mẹ thân thương buồn, chẳng phải vì Mẹ đã thành “tượng trăm năm” ngồi đó, nỗi buồn. Nhưng, buồn một nỗi, còn đó tâm tình và tư duy của đám con gần xa, mải phân tâm chia trí, chỉ lo chuyện một năm. Chuyện một ngày, mà quên lời cầu nguyện với Mẹ.

Trần Ngọc Mười Hai

không ngại nguyện cầu

những sự mân Côi

mà chỉ ngại Mẹ buồn

thành tượng trăm năm.

Sunday, 18 May 2008

“Nếu, ngày mai lỡ chúng mình xa nhau" ...

“Nếu, ngày mai lỡ chúng mình xa nhau,

Anh xin muôn kiếp yêu em mà thôi.”(Nguyễn Vũ)

(Giáo luật số 1125)

Lời ca trên, nghe nhiều qua người nghệ sĩ lâu nay vẫn cứ hát, như lời hứa. Và đôi khi, còn là lời thề. Thề hay hứa, vẫn là lời của những đường - mật, rất ngọt ngào. Ngọt như mía, không có nghĩa đó là sự thật. Mía lùi như mật, chưa chắc điều đó đã thật tâm.

Trong hành trình sống Đạo ở đời, và với đời, có những tình huống thoạt nhìn cứ tưởng như mật ngọt, rất êm xuôi. Nhưng xét kỹ, mới thấy lời thề hứa nhiều lúc cũng chẳng êm như nhiều người vẫn tưởng. Nhất thứ, lại là chuyện thề hứa trong Đạo. Và với Đạo.

Phải thú thật với bầu bạn ngay đây rằng: bần đạo chưa đạt chức năm/chức sáu, cũng chưa lĩnh chức linh mục/thày cả, nhưng dù thế có bạn vẫn chạy đến hỏi han. Hỏi những câu “hóc búa”, mà đến đức thầy/linh mục cũng phải hẹn sẽ trả lời khi đã nghiên cứu thêm, mà thôi.

Thật ra, người trẻ hôm nay chỉ thắc mắc hỏi han những gì có liên quan đến cuộc sống lứa đôi. Thắc mắc, vì họ vẫn quan tâm đến chuyện Đạo. Hỏi, vì còn muốn làm người công chính, thích hợp với Đạo. Đạo của tình thương. Đạo làm người. Hôm nay, vì thương bạn trẻ có những hỏi han lan man ấy, bần đạo bèn vời đến đức thầy John Flader ở Úc, với câu hỏi như sau:

“Trong đám cưới, nếu một bên là người Công giáo chính gốc, đạo giòng. Bên kia, là người ngoại, chẳng bao giờ biết đến lễ lạc, nhà thờ. Vậy xin hỏi: Giáo hội ta có qui định gì cho phép hoặc cấm hai bên ăn đời ở kiếp hát câu “xin muôn kiếp yêu nhau mà thôi”, không?

Theo thói thường, đức thầy John Flader ở Sydney vẫn có câu đáp tỉ mỉ, đúng luật và rất theo ... án lệ. Nên, xin tóm gọn bằng mấy điểm chính như sau:

“Như các cuộc hôn nhân giữa người Công giáo và người đi Đạo Chúa mà không phải là Công giáo, hôn nhân này muốn thành, phải có phép “chuẩn”. Phép chuẩn này, Giáo luật số 1125 có liệt kê các điểm chính sau đây:

Trước nhất, người theo đạo Công giáo phải cam kết mình đã chuẩn bị để trút bỏ các hiểm nguy khả dĩ ngăn cản gia đình đến với niềm tin. Vì thế, phải quyết hứa làm mọi việc trong quyền hạn của mình cho phép, để khi con cái sinh ra, bảo đảm chúng sẽ chịu phép rửa và được nuôi dưỡng theo truyền thống của Hội thánh Công giáo. Đôi lúc, người chồng lâu nay theo truyền thống văn hoá có xung khắc với truyền thống Đạo Chúa, thì Hội thánh chỉ đòi người phối ngẫu theo Công Giáo, làm hết mình để nuôi dưỡng con sao cho đúng với niềm tin người đi Đạo, là được.

Nếu Hội thánh buộc lòng phải từ chối phép “chuẩn” cho người Công Giáo được lấy người ngoài đạo Công giáo, khi biết là con của hai người sẽ không được nuôi dưỡng giáo dục theo truyền thống của người đi Đạo, thì Hội thánh cương quyết hạn chế quyền của người Công giáo, mà thiết lập hôn nhân. Đây là trường hợp xảy đến tại các nước, trong đó số người Công giáo đếm được rất ít. Mà nếu, những người Công giáo này muốn lập gia đình, thì họ chẳng còn chọn lựa cách nào khác ngoài việc cưới/hỏi người ngoài Đạo.

Thứ đến, người phối ngẫu không đi Đạo Công giáo phải được giải thích về lời hứa mà người Công giáo đã tuyên thệ, ngõ hầu đôi bên biết rõ điều mình đã hứa, cũng như am tường các ràng buộc mà người đi Đạo theo đuổi. Khi xưa, cả những người phối ngẫu nào không đi Công giáo cũng phải hứa sẽ nuôi dưỡng con cái mình về sau, hứa cùng một kiểu như người đi Đạo. Tuy nhiên, khi đó điều này bị nhiều người coi như vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của người trong cuộc, nên Hội thánh không còn đòi họ phải làm thế, nữa.

Cuối cùng, hai bên phối ngẫu phải được giảng giải về mục đích và đặc điểm cần thiết của hôn nhân. Điều này, cả hai người đều không được phép loại bỏ các yếu tố ấy.

Thêm nữa, và đây là chuyện thường tình: nếu một trong hai người phối ngẫu loại bỏ các đặc điểm/đặc trưng cần thiết –như: đức tính ăn ở với nhau bền đỗ đến cùng, không muốn có sự đổ vỡ ly tan, biết cởi mở với đời sống chung và có sự thuỷ chung lâu dài - nếu không như thế thì hôn nhân ấy sẽ không thành.

Một khi, ba điều kiện kể trên được nhận biết rõ và chấp thuận, thì lúc ấy Hội thánh sẽ cho phép hai bên tiến đến hôn nhân.

Về hôn lễ, trường hợp người Công giáo lấy người cùng Đạo Chúa nhưng không thuộc Công giáo La Mã, lại đã rửa tội rồi, thì Nghi thức Phụng vụ đề nghị là hôn lễ phải được cử hành bên ngoài nhà thờ. Tuy nhiên, nếu tình hình cho phép và được Đức Giám Mục sở tại ban phép chuẩn, thì đôi bên có thể được tổ chức thánh lễ hôn phối. Luật “chữ đỏ” phụng vụ còn nhắc nhớ, là: người ngoài Đạo Chúa sẽ không được rước phép Mình Thánh, vì luật Giáo hội không chấp thuận làm thế. (x. Nghi thức Hôn nhân số 8)

Nếu người Công giáo kết hôn với một người không chịu rửa tội theo Đạo Chúa, thì đám cưới phải được tổ chức ngoài thánh lễ. (John Flader, the Catholic Weekly 27/4/2008)

Đúng như bần đạo vừa nói, trong sống Đạo ở đời và với đời, có những lời thề và hứa khó đi vào hiện thực. Bởi, ngay lúc thề nguyền, người tuyên thệ nào đâu đã biết hư/thực, đời mình. Nên, đôi bạn đời sẽ chẳng thể hát câu “xin muôn kiếp, yêu nhau mà thôi”. Ai có kinh nghiệm từng trải cũng rồi sẽ hiểu. Hiểu, như nhiều người thường bảo: “sống trước đã, triết lý sau”, là thế.

Thành thử, nếu cả hai người đều thấy khó trong thực hiện lời nguyền, thì càng khó hơn khi họ hát tiếp ý/lời mà ca sĩ Elvis Phương vẫn nghêu ngao thuở trước:

Em, anh xin em, một lần cuối.

đừng trách anh, đừng giận anh nhé em.

Em, anh van em, em nói đi

Em nói sẽ, không bao giờ buồn.” (Nguyễn Vũ – Lời cuối cho em)

Thì ra, đàn ông nào mà chẳng nói “anh đâu muốn người em gái anh yêu, thêm buồn”. Và bi đát hơn, khi chưa có được lời thề và nguyền, ắt hẳn anh sẽ thêm:

”Đừng, đừng nhìn anh bằng đôi mắt buồn vời vợi

thà em nói, thà em trách rằng anh dối gian thật nhiều…” (Nguyễn Vũ - bđd)

Và, nếu là “người phối ngẫu” chưa đi Đạo, chắc anh sẽ còn hát:

“Con quỳ lạy Chúa trên trời,

sao cho con lấy được người con yêu.

Đời con đau khổ đã nhiều,

từ khi thơ dại đủ điều đắng cay.” (Phạm Duy – Con quỳ lạy Chúa trên trời).

Giả như, anh/chị ấy đích thị là người có trắc trở, thì cả hai sẽ không còn ca bài “con cá” như thế, mà đã trở về với Thánh Kinh, để nguyện cầu. Nguyện và cầu, rằng anh/chị sẽ bắt gặp Lời Chúa nói trong Kinh, như:

“Quả thế, trong ngày sống lại,

người ta chẳng lấy vợ lấy chồng,

nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.”

(Mt 22: 30)

Hoặc:

"Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,

chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau

và sống lại từ cõi chết,

thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.”

(Lc 20: 34-36)

Vấn đề ở đây - hôm nay, là: trong các trường hợp tương tự, ta sẽ phải sống làm sao? Có yêu nhau mãi, không? Vẫn áp dụng Lời Chúa, mà sống?

Để trả lời, xin mời bầu bạn nghe truyện kể ngắn, áp dụng cho nhiều người. Ở đời.

Truyện rằng:

“Hôm ấy, một buổi sáng trời quang đãng. Rất đẹp. Mọi người trong làng đều dậy sớm, mà chuẩn bị đi nhà thờ/nhà thánh, đủ lệ bộ. Vào lúc thánh lễ chưa bắt đầu, các cụ ông/cụ bà tụm năm tụm ba, ngồi kể cho nhau nghe những chuyện trong đời vợ chồng. Vui có, buồn cũng có. Nhưng chắc, buồn nhiều hơn vui.

Bỗng, xuất hiện một thứ người - ngợm, rất Xa-tăng. Mọi người tỏ vẻ hãi sợ, chạy vụt khỏi nhà thờ, tìm nơi lánh. Duy, có lão ông còn nán lại, đương đầu với tay dữ lừng lẫy, rất Xa-tăng. Lão ông biết hắn là quỷ dữ thứ thiệt, nhưng không tỏ dấu sợ sệt. Trùm Xa-tăng thấy lạ, đến gần hỏi:

-Này, đằng ấy biết ta là ai không?

-Ai mà chẳng biết. Nhiều lắm chỉ là đồ đệ của thần dữ, chứ có gì mà khoe!

-Đúng. Thế, ngươi không biết sợ là gì sao?

-Cái đó thì không. Nhất định không. Vì, ta đây đã 25 năm lấy chị của ngươi làm vợ, này còn sợ chi ai.

Trong phiếm luận Đạo-đời, ghi lại giòng chảy ở trên, không có ý để thuyết phục bạn và tôi, ta hãy quyết tâm thề nguyền. Cũng chẳng để thuyết phục mọi người đi vào cuộc đời có đôi có lứa; hoặc, hãy cứ ở vậy, như trẻ nhỏ. Phiếm ở đây, là phiếm cho vui. Cho thư giãn, tháng ngày căng thẳng, những chuyện đời. Để rồi, về “dấu giáo đường”, ta có Đạo. Đạo trong đời. Của một người.

Trần Ngọc Mười Hai,

vẫn còn muốn phiếm

phiếm về Đạo

phiếm cả về đời.

Monday, 12 May 2008

Hãy hát lên đi bạn ơi, bạn ơi

Hãy hát lên đi bạn ơi, bạn ơi Để nụ cười sẽ luôn trên bờ môi. Hãy hát lên đi bạn ơi, bạn ơi Để cho cuộc sống thêm bao niềm vui.

(Sỹ Luân – Sát cánh bên nhau)

(Xh 3: 14)

Với dân con nhà Đạo, thì thay vì ta mời gọi mọi người hãy ca và hát, như người nghệ sĩ viết nhạc mang tên Sỹ Luân ở bên dưới, có lẽ bạn và tôi, ta cứ rủ nhau vui lên mà ca hát:

Chúa yêu trần thế!… Hallê – Hallêluyah

Đã chết cho đời, Hallê – Hallêluyah

và đà sống lại

Hát lên người ơi!

Hallêluyah!

(Thành Tâm – Hát lên người ơi!)

Cứ thông thường, khi hát xong lời ca trên, có lẽ có người sẽ bảo: “Trí lớn gặp nhau.” Vâng trí lớn trí nhỏ, với người đời hay nhà Đạo, cứ như là gặp nhau. Gặp, trong câu ca. Gặp, qua tiếng hát. Và tiếng hát đi vào lòng người, để đến với nhau, sẽ không còn là câu ca thuở trước, rất nức nở: “Từ vực sâu u tối, con cầu xin Chúa, Chúa ơi!”. Vâng. Câu hát nức nở này, bạn và tôi hãy dành để cho các cụ cao niên chỉ nhớ đến ngày Chúa chịu nạn, rất Thứ Sáu. Còn bây giờ, ta cứ sống và cứ hát câu vui tươi, đầy nhiệt huyết. Mà thôi.

Và bạn cùng tôi, ta cố hát thêm điệp khúc của Sỹ Luân, cứ hát tiếp lời ca sau đây:

“Tình yêu sẽ luôn còn mãi

Tình bạn sẽ luôn còn hoài.

Để ta sẽ mãi mãi khắc ghi một thời thơ ấu, dấu yêu.” (Sỹ Luân – bđd)

Và với Lm Thành Tâm CssR, lời ca hưng phấn sẽ không là gì khác ngoài giòng chảy, như:

“Hát lên người ơi! Hallê.. Hallêluyah

Sáng tươi huyền diệu Hallê.. Hallêluyah

Là một kiếp người

Được Chúa thương yêu.” (Thành Tâm – bđd)

Người nghệ sĩ ngoài Đạo kêu mời ”hát lên… để cuộc sống thêm vui..”; trong khi đó, người anh linh mục nhà Đạo cũng lại bảo: “hát lên, người ơi!..” vì “kiếp người được Chúa thương yêu”. Thế tức là, có yêu là có hát. Có hát vui cuộc đời, thì “tình yêu luôn còn mãi”.

Nhạc và thơ phấn khởi và thúc giục như thế, chắc chắn sẽ đi vào lòng người. Những rao truyền Lời Ngài nơi câu thơ - bài hát, chắc chắn không cần mời cũng có người biết đến. Chính vì có ca và có hát, nên những lời như Hal-lê-lu-ya, Abba.. đã trở thành thân quen, với nhiều người.

Thế nhưng, sao ta lại chỉ hát tiếng Hallêluyah vào mùa Phục Sinh, Chúa sống lại mà thôi. Và chỉ hát ở nhà thờ? Đâu là nguồn gốc/ ý nghĩa của từ ngữ này?vv… Âu cũng là những thắc mắc của ít là một người. Một dân thường nhà Đạo, ở Sydney. Người dân đi Đạo này đã gửi về tuần báo Công giáo ở đây hôm 20/2/2008, thì được giải thích như sau:

“Cụm từ “Alleluia” hoặc bên tiếng Anh, đuơợc gọi là “Halleluia”, hay “Halleluya”, mang ý nghĩa nguyên thuỷ là “Chúc tụng Thiên Chúa”, hoặc “Kính mừng Đấng Có”. Từ ngữ này, xuất xứ từ một động từ bên tiếng Hipri - Do Thái “Allelu” và tên riêng của Thiên Chúa “Đấng Có” (“ia”, tức Đấng còn có tên là Gia-vê Thiên Chúa. Tên riêng Đức Gia-vê làm mọi người nhớ lời Thiên Chúa đã ứng đáp khi Môsê hỏi tên của Ngài để thuật lại với con cái nhà Israel. Và, Thiên Chúa nói: Ta có sao Ta có vậy” (Xh 3: 14), tức Gia-vê Hiện Hữu.

Thật ra, từ ngữ “ia” không phải là tên thường gọi để chỉ định Thiên Chúa. Đúng hơn, danh xưng đặc biệt để kêu tên Chúa đã được chính Ngài tỏ lộ cho dân Do Thái, qua câu “Ta Có”.

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, có đoạn bình luận về tên gọi của Thiên Chúa, như sau: khi mặc khải tên gọi huyền nhiệm của Ngài, YHWH (tức “TA LÀ ĐẤNG CÓ”, hoặc “TA CÓ SAO TA CÓ VẬY”), Thiên Chúa nói Ngài là ai, và Ngài muốn được gọi như thế. Quả thật, tên gọi thánh thiêng của Ngài cũng huyền bí như chính Ngài là Đức Chúa Huyền Nhiệm. Ngài từng tỏ bày Ngài là Đấng “TA CÓ”, ngõ hầu bộc lộ cho thấy Ngài chính là Thiên Chúa Đấng luôn Có ở đây, bây giờ. Ngài Có là để cho dân Ngài được biết và để cứu rỗi họ.” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo , đ 206-207).

Thành ngữ “Alleluia” hàm ngụ tính thánh thiêng nơi tên gọi này, vốn được tìm thấy tại nhiều đoạn ở Cựu Ước. Chẳng hạn như, sách Tôbia có đoạn viết: “Các cửa thành Giê-ru-sa-lem rân lên ca vãn hân hoan, nhà nhà vang dội: "Al-lê-lu-ya! Chúc tụng Thiên Chúa của Israel! Và các kẻ được chúc lành sẽ Thánh Danh mãi mãi chẳng cùng."(Tb 13: 18).

Bản dịch bên tiếng Anh dùng từ “ia” để chỉ về “Thiên Chúa của Israel”. Và rõ ràng là, “Hallêluyah” là tiếng chúc tụng ngợi ca , rất vui. Và là tiếng chúc tụng Danh thánh của Thiên Chúa.

Một lần nữa, thành ngữ này lại thấy xuất hiện ở đầu bài và đoạn kết Thánh vịnh 113, hoặc tại các ấn bản khác của Kinh thánh như ấn bản phổ thông Vul-ga-ta hoặc Bản Bẩy Mươi, nơi câu đầu của thánh vịnh 114. Vào cuối thánh vịnh 113, ta có câu: “ Đấng gầy dựng cho người son sẻ, nên mẹ hiền sung sướng đông con. Alleluia!(Tv 113: 9). Một lần nữa, thành ngữ “Alleluia”, hoặc “Chúc tụng Đức Chúa”, đến vào lúc mọi người có niềm vui riêng biệt, niềm vui của người mẹ hiền cưu mang con mình.

Thành ngữ “Chúa tụng Đức Chúa” còn được nhắc đến vào câu cuối của thánh vịnh mang tên “Hallel” , hoặc thánh vịnh chúc tụng ngơi khen: số 113-118. Đồng thời, thành ngữ vui mừng chúc tụng này còn được gặp nhiều lần ở các thánh vịnh số 146-150, vào cuối câu.

Trong Tân Ước, cụm từ “Halleluyah” chỉ thấy xuất hiện nơi sách Khải huyền, ở bối cảnh trong đó tác giả viết lời chúc tụng ngợi khen dâng lên Thiên Chúa trong buổi phụng vụ Nước Trời. Chẳng hạn như, câu “Sau đó, tôi đã nghe như có tiếng lớn của một đoàn người đông đảo ở trên trời tung“Hallêluya!” Vạn thắng, vinh quang và quyền phép thuộc về Thiên Chúa chúng ta! Vì chân thật công minh, các án xử của Người!” (Kh 19: 1-2)

Thành ngữ này còn được lập lại nhiều lần khác trong cùng một chương sách, nơi đó có câu: “Và tôi đã nghe như có tiếng đoàn người đông đảo và như tiếng bàng đà thác lũ, và như tiếng sấm mạnh rằng: Hallêluya! Vì Người đã làm vua, Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng. Ta hãy vui mừng hoan hỉ, hãy chúc vinh Người! Vì này đã đến rồi, tiệc cưới Chiên-Con, và hiền thê của Ngài đã trang phục sẵn sàng.” (Kh 19: 6-7)

Xem như thế, cả từ “Alleluia” lẫn “Hallêluyah” luôn được dùng như một bài vịnh để chúc tụng Thiên Chúa toàn năng, trong bối cảnh phụng thờ và vui mừng hoan hỉ. Cụm từ này được dùng trong phụng vụ của người Do Thái, và được để nguyên chữ trong các bản văn phụng vụ Hội thánh Công giáo thời tiên khởi. Đối với tín hữu Đức Kitô, đặc biệt là vào thời Chúa Phục Sinh, cụm từ này được dùng để tăng thêm ý nghĩa chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa về sự Phục Sinh hiển thắng của Đức Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa.

Vì thế, “Alleluia” đã trở thành cụm từ tuyệt vời, giúp ta hân hoan mà chúc tụng. Hân hoan mà cảm tạ. Khi cất tiếng Hallêluyah như thế, ta cũng nên hiệp thông lòng – trí khi thốt lên lời ca chúc tụng và nâng lòng lên trong tư thế vui tươi ngợi ca Thiên Chúa.

(Lm John Flader, the Catholic Weekly 20/4/2008, tr14)

Dài dòng văn tự như trên, đức ngài linh mục ở đây chỉ muốn tầm nguyên ngôn ngữ cho đúng kinh điển, thế thôi. Nói nôm na, ta gọi là “nói có sách mách có chứng”. Sách ở đây là sách thánh, và chứng ở đây là chứng cứ lịch sử, với Giáo lý nhà Đạo, hẳn hòi.

Chứng cứ ở đâu không biết, chứ như chuyện dân gian, đôi khi cũng đáng lưu tâm. Chuyện dân gian là những chuyện vui không mang tính chúc tụng ngợi ca, nhưng vẫn chứa đựng những nụ cười. Nhiều nụ cười còn mang dấu ấn nhà Đạo, những trăm phần. Chẳng hạn như, mẩu chuyện vui xóm đạo bên trời Tây dưới đây, là một chứng cứ minh hoạ, để vui thôi:

“Vợ chồng vì phó tế/thầy giảng có thói quen ngồi chung dùng bữa sáng ngoài trời ngày của Chúa, rất thú vị. Bỗng dưng, người vợ sực nhớ ra điều gì, bèn đứng dậy vào bên trong, sửa soạn khăn áo tề chỉnh, để đi nhà thờ. Xong xuôi quay lại, chị vẫn thấy anh chồng ngồi ung dung trong chiếc áo ngủ, rất vô tư. Bèn hỏi:

-Bộ, hôm nay anh không ra nhà thờ dự lễ sao?

-Có lẽ không đâu, em ạ. Thật ra, anh chẳng còn muốn đi nhà thờ nhà thánh nữa đâu em à. Đi riết, rồi cũng chán. Chẳng có gì hấp dẫn hết.

-Anh nói gì kỳ vậy? Đi nhà thờ xem lễ mà anh kêu là chán, không hấp dẫn, nghĩa là làm sao?

-Tức là… Đấy kìa, em coi! Có những cụ cứ nhìn thấy anh đến nhà thờ, là không thích. Tình thật, anh cũng chẳng ưa mấy người ở nhà thờ. Cái gì mà, lúc nào cũng ê a, cứ hát tiếng Al-lê-lu-a, để cung nghinh Phúc Âm tung hô Tin Mừng Tin Vui mà mặt mày cứ chầu bậu, chẳng vui tí nào. Dứt khoát, kỳ này anh tự tha cho mình một bữa, đó em.

-Anh đừng có mà dài dòng lý lẽ lý sự. Em cho anh mười phút để sửa soạn quần áo và có hai lý do để ta đi nhà thờ dự lễ hôm nay, đó là: Năm nay, anh cũng đã tròm trèm xấp xỉ 60 mươi rồi còn nít nôi gì nữa, phải làm gương cho bọn nhỏ. Hai nữa, là: anh phải ra nhà thờ mà giải thích ý nghĩa phụng vụ ngày lễ. Nếu không, thì làm thừa tác viên/thầy tư thầy sáu, để làm gì. Anh nghe rõ chưa? Hallêluyah!

Trộm nghĩ, xứ đạo nào mà có các bà các cô vừa ca bài “Hallêluyah” như vị phu nhân thầy tư/chức sáu trên đây, ắt hẳn nhà thờ mình lúc nào cũng đông vui. Có nhiều tiếng hát ca không chỉ để phục vụ và phụng tự, mà thôi; nhưng còn để cho đời thêm vui.

Có lần, bần đạo được một số bạn trẻ tỏ bày tâm sự niềm ao ước được nghe nhiều, nghe mãi và nghe hoài những bài thánh ca vui tươi chúc tụng Thiên Chúa như bài “Hát lên người ơi!” như trên vào các buổi lễ, hầu đem tinh thần yêu thương và mừng vui đến với cộng đoàn. Vì, có tươi vui, người người sẽ yêu người, yêu đời. Suốt cuộc đời.

Thành thử, cho dù có hiểu hay chẳng Hallêluyah là gì đi nữa, bà con anh em mình vẫn cứ “Hát lên người hỡi!” Bởi lẽ, “sáng tươi huyền diệu, là kiếp người được Chúa thương yêu.”

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn mong muốn

bạn và mình luôn hát

những tiếng để đời:

Hallêluya!