Monday, 12 May 2008

Hãy hát lên đi bạn ơi, bạn ơi

Hãy hát lên đi bạn ơi, bạn ơi Để nụ cười sẽ luôn trên bờ môi. Hãy hát lên đi bạn ơi, bạn ơi Để cho cuộc sống thêm bao niềm vui.

(Sỹ Luân – Sát cánh bên nhau)

(Xh 3: 14)

Với dân con nhà Đạo, thì thay vì ta mời gọi mọi người hãy ca và hát, như người nghệ sĩ viết nhạc mang tên Sỹ Luân ở bên dưới, có lẽ bạn và tôi, ta cứ rủ nhau vui lên mà ca hát:

Chúa yêu trần thế!… Hallê – Hallêluyah

Đã chết cho đời, Hallê – Hallêluyah

và đà sống lại

Hát lên người ơi!

Hallêluyah!

(Thành Tâm – Hát lên người ơi!)

Cứ thông thường, khi hát xong lời ca trên, có lẽ có người sẽ bảo: “Trí lớn gặp nhau.” Vâng trí lớn trí nhỏ, với người đời hay nhà Đạo, cứ như là gặp nhau. Gặp, trong câu ca. Gặp, qua tiếng hát. Và tiếng hát đi vào lòng người, để đến với nhau, sẽ không còn là câu ca thuở trước, rất nức nở: “Từ vực sâu u tối, con cầu xin Chúa, Chúa ơi!”. Vâng. Câu hát nức nở này, bạn và tôi hãy dành để cho các cụ cao niên chỉ nhớ đến ngày Chúa chịu nạn, rất Thứ Sáu. Còn bây giờ, ta cứ sống và cứ hát câu vui tươi, đầy nhiệt huyết. Mà thôi.

Và bạn cùng tôi, ta cố hát thêm điệp khúc của Sỹ Luân, cứ hát tiếp lời ca sau đây:

“Tình yêu sẽ luôn còn mãi

Tình bạn sẽ luôn còn hoài.

Để ta sẽ mãi mãi khắc ghi một thời thơ ấu, dấu yêu.” (Sỹ Luân – bđd)

Và với Lm Thành Tâm CssR, lời ca hưng phấn sẽ không là gì khác ngoài giòng chảy, như:

“Hát lên người ơi! Hallê.. Hallêluyah

Sáng tươi huyền diệu Hallê.. Hallêluyah

Là một kiếp người

Được Chúa thương yêu.” (Thành Tâm – bđd)

Người nghệ sĩ ngoài Đạo kêu mời ”hát lên… để cuộc sống thêm vui..”; trong khi đó, người anh linh mục nhà Đạo cũng lại bảo: “hát lên, người ơi!..” vì “kiếp người được Chúa thương yêu”. Thế tức là, có yêu là có hát. Có hát vui cuộc đời, thì “tình yêu luôn còn mãi”.

Nhạc và thơ phấn khởi và thúc giục như thế, chắc chắn sẽ đi vào lòng người. Những rao truyền Lời Ngài nơi câu thơ - bài hát, chắc chắn không cần mời cũng có người biết đến. Chính vì có ca và có hát, nên những lời như Hal-lê-lu-ya, Abba.. đã trở thành thân quen, với nhiều người.

Thế nhưng, sao ta lại chỉ hát tiếng Hallêluyah vào mùa Phục Sinh, Chúa sống lại mà thôi. Và chỉ hát ở nhà thờ? Đâu là nguồn gốc/ ý nghĩa của từ ngữ này?vv… Âu cũng là những thắc mắc của ít là một người. Một dân thường nhà Đạo, ở Sydney. Người dân đi Đạo này đã gửi về tuần báo Công giáo ở đây hôm 20/2/2008, thì được giải thích như sau:

“Cụm từ “Alleluia” hoặc bên tiếng Anh, đuơợc gọi là “Halleluia”, hay “Halleluya”, mang ý nghĩa nguyên thuỷ là “Chúc tụng Thiên Chúa”, hoặc “Kính mừng Đấng Có”. Từ ngữ này, xuất xứ từ một động từ bên tiếng Hipri - Do Thái “Allelu” và tên riêng của Thiên Chúa “Đấng Có” (“ia”, tức Đấng còn có tên là Gia-vê Thiên Chúa. Tên riêng Đức Gia-vê làm mọi người nhớ lời Thiên Chúa đã ứng đáp khi Môsê hỏi tên của Ngài để thuật lại với con cái nhà Israel. Và, Thiên Chúa nói: Ta có sao Ta có vậy” (Xh 3: 14), tức Gia-vê Hiện Hữu.

Thật ra, từ ngữ “ia” không phải là tên thường gọi để chỉ định Thiên Chúa. Đúng hơn, danh xưng đặc biệt để kêu tên Chúa đã được chính Ngài tỏ lộ cho dân Do Thái, qua câu “Ta Có”.

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, có đoạn bình luận về tên gọi của Thiên Chúa, như sau: khi mặc khải tên gọi huyền nhiệm của Ngài, YHWH (tức “TA LÀ ĐẤNG CÓ”, hoặc “TA CÓ SAO TA CÓ VẬY”), Thiên Chúa nói Ngài là ai, và Ngài muốn được gọi như thế. Quả thật, tên gọi thánh thiêng của Ngài cũng huyền bí như chính Ngài là Đức Chúa Huyền Nhiệm. Ngài từng tỏ bày Ngài là Đấng “TA CÓ”, ngõ hầu bộc lộ cho thấy Ngài chính là Thiên Chúa Đấng luôn Có ở đây, bây giờ. Ngài Có là để cho dân Ngài được biết và để cứu rỗi họ.” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo , đ 206-207).

Thành ngữ “Alleluia” hàm ngụ tính thánh thiêng nơi tên gọi này, vốn được tìm thấy tại nhiều đoạn ở Cựu Ước. Chẳng hạn như, sách Tôbia có đoạn viết: “Các cửa thành Giê-ru-sa-lem rân lên ca vãn hân hoan, nhà nhà vang dội: "Al-lê-lu-ya! Chúc tụng Thiên Chúa của Israel! Và các kẻ được chúc lành sẽ Thánh Danh mãi mãi chẳng cùng."(Tb 13: 18).

Bản dịch bên tiếng Anh dùng từ “ia” để chỉ về “Thiên Chúa của Israel”. Và rõ ràng là, “Hallêluyah” là tiếng chúc tụng ngợi ca , rất vui. Và là tiếng chúc tụng Danh thánh của Thiên Chúa.

Một lần nữa, thành ngữ này lại thấy xuất hiện ở đầu bài và đoạn kết Thánh vịnh 113, hoặc tại các ấn bản khác của Kinh thánh như ấn bản phổ thông Vul-ga-ta hoặc Bản Bẩy Mươi, nơi câu đầu của thánh vịnh 114. Vào cuối thánh vịnh 113, ta có câu: “ Đấng gầy dựng cho người son sẻ, nên mẹ hiền sung sướng đông con. Alleluia!(Tv 113: 9). Một lần nữa, thành ngữ “Alleluia”, hoặc “Chúc tụng Đức Chúa”, đến vào lúc mọi người có niềm vui riêng biệt, niềm vui của người mẹ hiền cưu mang con mình.

Thành ngữ “Chúa tụng Đức Chúa” còn được nhắc đến vào câu cuối của thánh vịnh mang tên “Hallel” , hoặc thánh vịnh chúc tụng ngơi khen: số 113-118. Đồng thời, thành ngữ vui mừng chúc tụng này còn được gặp nhiều lần ở các thánh vịnh số 146-150, vào cuối câu.

Trong Tân Ước, cụm từ “Halleluyah” chỉ thấy xuất hiện nơi sách Khải huyền, ở bối cảnh trong đó tác giả viết lời chúc tụng ngợi khen dâng lên Thiên Chúa trong buổi phụng vụ Nước Trời. Chẳng hạn như, câu “Sau đó, tôi đã nghe như có tiếng lớn của một đoàn người đông đảo ở trên trời tung“Hallêluya!” Vạn thắng, vinh quang và quyền phép thuộc về Thiên Chúa chúng ta! Vì chân thật công minh, các án xử của Người!” (Kh 19: 1-2)

Thành ngữ này còn được lập lại nhiều lần khác trong cùng một chương sách, nơi đó có câu: “Và tôi đã nghe như có tiếng đoàn người đông đảo và như tiếng bàng đà thác lũ, và như tiếng sấm mạnh rằng: Hallêluya! Vì Người đã làm vua, Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng. Ta hãy vui mừng hoan hỉ, hãy chúc vinh Người! Vì này đã đến rồi, tiệc cưới Chiên-Con, và hiền thê của Ngài đã trang phục sẵn sàng.” (Kh 19: 6-7)

Xem như thế, cả từ “Alleluia” lẫn “Hallêluyah” luôn được dùng như một bài vịnh để chúc tụng Thiên Chúa toàn năng, trong bối cảnh phụng thờ và vui mừng hoan hỉ. Cụm từ này được dùng trong phụng vụ của người Do Thái, và được để nguyên chữ trong các bản văn phụng vụ Hội thánh Công giáo thời tiên khởi. Đối với tín hữu Đức Kitô, đặc biệt là vào thời Chúa Phục Sinh, cụm từ này được dùng để tăng thêm ý nghĩa chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa về sự Phục Sinh hiển thắng của Đức Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa.

Vì thế, “Alleluia” đã trở thành cụm từ tuyệt vời, giúp ta hân hoan mà chúc tụng. Hân hoan mà cảm tạ. Khi cất tiếng Hallêluyah như thế, ta cũng nên hiệp thông lòng – trí khi thốt lên lời ca chúc tụng và nâng lòng lên trong tư thế vui tươi ngợi ca Thiên Chúa.

(Lm John Flader, the Catholic Weekly 20/4/2008, tr14)

Dài dòng văn tự như trên, đức ngài linh mục ở đây chỉ muốn tầm nguyên ngôn ngữ cho đúng kinh điển, thế thôi. Nói nôm na, ta gọi là “nói có sách mách có chứng”. Sách ở đây là sách thánh, và chứng ở đây là chứng cứ lịch sử, với Giáo lý nhà Đạo, hẳn hòi.

Chứng cứ ở đâu không biết, chứ như chuyện dân gian, đôi khi cũng đáng lưu tâm. Chuyện dân gian là những chuyện vui không mang tính chúc tụng ngợi ca, nhưng vẫn chứa đựng những nụ cười. Nhiều nụ cười còn mang dấu ấn nhà Đạo, những trăm phần. Chẳng hạn như, mẩu chuyện vui xóm đạo bên trời Tây dưới đây, là một chứng cứ minh hoạ, để vui thôi:

“Vợ chồng vì phó tế/thầy giảng có thói quen ngồi chung dùng bữa sáng ngoài trời ngày của Chúa, rất thú vị. Bỗng dưng, người vợ sực nhớ ra điều gì, bèn đứng dậy vào bên trong, sửa soạn khăn áo tề chỉnh, để đi nhà thờ. Xong xuôi quay lại, chị vẫn thấy anh chồng ngồi ung dung trong chiếc áo ngủ, rất vô tư. Bèn hỏi:

-Bộ, hôm nay anh không ra nhà thờ dự lễ sao?

-Có lẽ không đâu, em ạ. Thật ra, anh chẳng còn muốn đi nhà thờ nhà thánh nữa đâu em à. Đi riết, rồi cũng chán. Chẳng có gì hấp dẫn hết.

-Anh nói gì kỳ vậy? Đi nhà thờ xem lễ mà anh kêu là chán, không hấp dẫn, nghĩa là làm sao?

-Tức là… Đấy kìa, em coi! Có những cụ cứ nhìn thấy anh đến nhà thờ, là không thích. Tình thật, anh cũng chẳng ưa mấy người ở nhà thờ. Cái gì mà, lúc nào cũng ê a, cứ hát tiếng Al-lê-lu-a, để cung nghinh Phúc Âm tung hô Tin Mừng Tin Vui mà mặt mày cứ chầu bậu, chẳng vui tí nào. Dứt khoát, kỳ này anh tự tha cho mình một bữa, đó em.

-Anh đừng có mà dài dòng lý lẽ lý sự. Em cho anh mười phút để sửa soạn quần áo và có hai lý do để ta đi nhà thờ dự lễ hôm nay, đó là: Năm nay, anh cũng đã tròm trèm xấp xỉ 60 mươi rồi còn nít nôi gì nữa, phải làm gương cho bọn nhỏ. Hai nữa, là: anh phải ra nhà thờ mà giải thích ý nghĩa phụng vụ ngày lễ. Nếu không, thì làm thừa tác viên/thầy tư thầy sáu, để làm gì. Anh nghe rõ chưa? Hallêluyah!

Trộm nghĩ, xứ đạo nào mà có các bà các cô vừa ca bài “Hallêluyah” như vị phu nhân thầy tư/chức sáu trên đây, ắt hẳn nhà thờ mình lúc nào cũng đông vui. Có nhiều tiếng hát ca không chỉ để phục vụ và phụng tự, mà thôi; nhưng còn để cho đời thêm vui.

Có lần, bần đạo được một số bạn trẻ tỏ bày tâm sự niềm ao ước được nghe nhiều, nghe mãi và nghe hoài những bài thánh ca vui tươi chúc tụng Thiên Chúa như bài “Hát lên người ơi!” như trên vào các buổi lễ, hầu đem tinh thần yêu thương và mừng vui đến với cộng đoàn. Vì, có tươi vui, người người sẽ yêu người, yêu đời. Suốt cuộc đời.

Thành thử, cho dù có hiểu hay chẳng Hallêluyah là gì đi nữa, bà con anh em mình vẫn cứ “Hát lên người hỡi!” Bởi lẽ, “sáng tươi huyền diệu, là kiếp người được Chúa thương yêu.”

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn mong muốn

bạn và mình luôn hát

những tiếng để đời:

Hallêluya!

No comments: