Sunday, 25 May 2008

“Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương”

(Ga 19: 27)

Có thể bảo: Mẹ vẫn ngồi đó, nỗi buồn. Mẹ đây, bạn chắc sẽ hiểu là Mẹ Việt Nam hiền, rất đáng yêu. Còn tôi, tôi sẽ nghĩ: là Đức Maria, Mẹ của Chúa. Mẹ Việt Nam hay Mẹ Đức Chúa cũng vẫn còn đó, nỗi buồn. Nỗi buồn trăm năm. Nỗi buồn ngàn năm. Như nhiều người nhận định.

Nỗi buồn nơi Mẹ Việt Nam hay Mẹ của Chúa vẫn là nỗi buồn muôn thuở. Mẹ buồn chẳng phải vì mẹ nói mà đàn con chẳng buồn nghe. Mẹ buồn, có lẽ, vì Mẹ vẫn muốn nghe, mà đàn con chẳng buồn nói. Chẳng biết nói. Dù, lời nói ấy có là lời kinh chiều hôm, ban sớm. Hay, chỉ là lời than vãn, với thở than.

Than thở hay than vãn, vẫn là chuyện của đàn con nhớ mẹ. Thương Mẹ. Vì thương Mẹ, nên mới than. Vì nhớ Mẹ, nên mới nói. Nói, hệt như kể lể. Kể lể, cũng hệt như nói chuyện. Những chuyện kể lể, như câu truyện “chiếc ghế trống của Mẹ”, ngay bên dưới:

Bữa nọ, người con độc nhất trong nhà vừa phát hiện ra chuyện khó hiểu xảy đến với mẹ mình. Cô bèn ra nhà thờ, vời một thừa tác viên đến xem mẹ mình có khùng điên, hay không. Thừa tác viên nhận lời. Đến nhà, thấy mẹ của cô cứ gục đầu vào gối, chẳng nói lấy một câu. Nhưng, có chiếc ghế bành đong đưa, ở cạnh giường. Thừa tác viên lên tiếng hỏi:

-Chào bác, có phải bác đang chờ con đến thăm, không?

-Không. Tôi chẳng chờ ai hết. Mà, anh là ai cơ chứ?

-Con làm việc ở nhà thờ, hôm nay thấy bác không được khoẻ, nên mới đến thăm. Thế, bác để chiếc ghế ở cạnh đây là có ý chờ ai vậy?

Ghế ấy hả? Có chờ ai đâu! Này, cậu xem con gái tôi có ở quanh đây không? Nếu không, phiền cậu đóng cửa lại, tôi kể cậu nghe câu chuyện bí mật tôi chưa nói với ai hết. Con tôi, cũng không.

Thú thật với cậu, là: suốt đời, tôi chẳng biết cầu nguyện sao cho đúng cách, hết đó. Hồi xưa, tôi đều đi lễ mỗi tuần, vẫn nghe ông cha già giảng giải, nhưng nghe tại này lọt tai kia, lễ xong là quên tiệt. Bởi thế, tôi đành bỏ, không tìm cách cầu nguyện sao cho hay cho dễ, nữa. Nhưng, cách đây bốn năm vào ngày đẹp trời, người bạn rất thân thuộc giới tu xuất biết tánh tôi, mới đến bày cho tôi biết cách cầu nguyện theo kiểu tân kỳ. Cô ta nói: Cầu nguyện đơn giản lắm, bồ ạ. Cũng giống như mình đang tiếp chuyện với người nào đó, thôi. Thế là, cô ta bảo tôi đi lấy cái ghế để trống, thành ghế quay về phía mình, như có người bạn đang ngồi nghe mình kể chuyện. Và, cô bảo: Bồ cứ dùng đức tin mà tưởng tượng là có Chúa ngồi ở đó –mà cũng đúng thôi, vì Chúa vẫn nói: Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế, mà! Nhớ nhé. Hãy cứ tìm lúc nào nhà không có người, là bồ quay về phía ghế trông mà nói chuyện như đang hầu chuyện với Chúa. Đó là cầu nguyện cách hay nhất… Thế là, tôi áp dụng ngay. Mỗi ngày làm thế chừng một, hai tiếng. Tôi cũng khôn, không bao giờ để cho con gái nó biết, kẻo nó tưởng tôi dở điên dở khùng rồi đem gửi về nông trại của cô em, thì có mà chết.

Thừa tác viên nghe chuyện, rất cảm động. Ngồi lại, cầu nguyện như thế với bà một hồi. Rồi, bôi dầu vào đầu bà và trở về cất đồ ở nhà thờ, hẹn sẽ trở lại. Hai đêm sau, cô con gái gọi điện cho thừa tác viên, cho biết mẹ mình đã về nhà Cha, ngay hồi chiều. Nghe gọi, thừa tác viên bèn hỏi:

-Cụ Bà ra đi nhẹ nhàng và tốt lành chứ?

-Vâng. Nhưng trước đó hai tiếng, tôi sắp đi làm, thì bà gọi phắt tôi lại, ôm và hôn tôi vào cổ, còn nói: Mẹ thương con lắm. Mẹ sẽ trông chừng cho con… Và, trên đường về từ buổi chợ chiều, tôi vào phòng thấy cụ đã đi. Nhưng có điều lạ, là: cụ đi êm ả trong tư thế đầu gục vào thành ghế để ở cạnh giường. Nét mặt rất tươi… Hôm rồi, có chuyện gì xảy ra giữa bác và mẹ tôi không, thế?

Thừa tác viên vội chùi giọt nước mắt đang lăn trên má, vội bảo:

-Bác nghĩ mai kia có ra đi, bác cũng chỉ mong được đi nhẹ nhàng như thế…

Câu chuyện “Mẹ vẫn ngồi đó, nỗi buồn”, ở đây nghe qua cứ tưởng chỉ là truyện kể, thời xa xưa. Không mấy xác thực. Vâng. Cũng có thể, là như thế. Nhưng, đã là “còn đó nỗi buồn của Mẹ”, thì có lẽ câu truyện dưới đây sẽ xác đáng và đích thực hơn chăng? Cũng là hỏi – đáp, khá xác thực. Ở đời thường. Đời thường nhật trên báo chí, rất nhật trình:

“Là cựu nữ tu chân chất nguyện cầu với Đức Mẹ, nhiều lúc tôi vẫn thấy rất khó mỗi khi lần chuỗi Mân Côi. Đặc biệt, là lúc suy ngắm các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng, Sáng vào nhiều buổi. Mới đây, đọc hạnh thánh Tê-rê-xa hài Đồng, thấy Chị thánh công nhận là ngắm tràng hạt Mân Côi còn khó hơn mặc áo nhặm, hành tội. Vì như Chị nói: mỗi lần suy ngắm các mầu nhiệm khi lần chuỗi, Chị cầm lòng trí không đặng…

Xin linh mục ban lời khuyên nào giúp ích bản thân và nhiều ngưòi khác đang thắc mắc.

Ký: Một người ẩn danh.

“Nỗi buồn còn đó” ở trên, đã được gửi đến tuần báo Công Giáo ở Sydney hôm 09/03/2008, và được đáp ứng bằng lời giải mã như sau:

“Thắc mắc của chị về những khó khăn khi ngắm chuỗi Mân Côi, có lẽ cũng là nỗi ưu tư của nhiều người trong nhóm “Đọc kinh Tôn Vương” hoặc như vị tiến sĩ của Hội thánh là thánh Tê-re-xa Hài Đồng, từng gặp. Âu đó là kinh nghiệm của nhiều người.

Thật ra, chúng ta đều có vấn đề khi tập trung nguyện cầu. Lo ra – chia trí, là mẫu số chung ta vẫn gặp trong hành trình cầu nguyện. Sử hạnh các thánh có kể câu truyện thánh Bê-na-đô một ngày kia cưỡi ngựa về thăm một nông trại nhỏ. Thánh nhân đến để bàn luận với người bạn đang làm trại chủ, về chuyện cầu nguyện sao cho tốt. người trại chủ mới nói với thánh nhân, là anh chẳng bao giờ bị phân tâm hay chia trí, lúc nguyện cầu. Thánh nhân rất ngạc nhiên, bèn đề nghị đánh cuộc với người bạn nhà nông, rằng: nếu anh ta đọc chỉ một Kinh Lạy Cha thôi, mà không bị lo ra – chia trí, thánh nhân sẽ tặng ngay ngựa con đang cỡi. Anh bạn nông gia nhận lời ngay tức khắc, vào cuộc bằng một khởi xướng, rất oang oang. Nhưng chỉ vài câu sau đó, anh đã quay về phía người bạn thánh, hỏi vặn: “Bạn có ý định cho tớ cả bộ yên cương và giây đai, nữa chứ hả?”…

Ở đây, có lẽ cũng nên nhắc lời của thánh An Phong, vị thánh được Giáo hội tặng phong tước hiệu “tiến sĩ của nguyện cầu”, đã bình luận về chuyện lo ra – chia trí, trong cuốn sách mà thánh nhân viết nhan đề “Luận thuyết về Nguyện cầu”, như: “Nếu quý vị thấy lo ra/chia trí khi nguyện cầu, lời cầu ấy sẽ làm cho ác thần/sự dữ phải điên tiết lên ghê lắm.”

Thánh Louis thành Monfort, trong “Bí Mật Chuỗi Mân Côi”, cũng căn dặn ta đừng quá câu chấp về chuyện chia trí hoặc có được sự ủi an linh đạo, như sau: “Mọi người chớ nên nhìn vào lòng sùng kính bén nhạy và sự ủi an thiêng liêng linh đạo khi đọc kinh lần chuỗi Mân Côi. Cũng đừng bỏ mất thói quen tốt lành này, chỉ vì đầu óc ngập tràn những lo ra và chia trí, đếm không xuể; hoặc, hễ thấy có cảm giác chán ngấy nơi tâm hồn, cùng những mệt mỏi liên tu bất tận dồn cục nơi thân xác. Tất cả những kinh nghiệm ấy, kể cả tâm tình được ủi an, hoặc những thở dài ngao ngán, những khó khăn di chuyển và cả đến việc không thể tập trung tư tưởng như phải có, mà chỉ cần niềm tin và lòng muốn tốt lành là đủ. “Chỉ mỗi niềm tin tưởng là cần thiết, mà thôi.”

Tôi nghĩ, Chúa không nhìn vào tâm trạng hài lòng ta cảm thấy, nhưng đúng hơn, Ngài chỉ quan tâm đến cố gắng ta khắc phục và đưa vào nguyện cầu, cả khi ta chẳng thấy có điều gì ích lợi tìm được, từ những cố gắng quyết cầu nguyện, đi nữa. Bằng vào cố gắng phấn đấu tiếp tục nguyện cầu thôi, cũng đã xứng đáng được tuyên dương rồi. Ngay cả khi ta thấy mệt mỏi hoặc lo ra/chia trí mà vẫn cố gắng còn tốt hơn là thấy mình cầu nguyện quá dễ dàng, cũng như đã thấy hài lòng khích lệ, về mặt thiêng liêng sùng kính.

Để có được phương cách cụ thể và đặc biệt khi suy ngắm các mầu nhiệm lúc lần chuỗi mân Côi, thiết tưởng cũng nên để tâm đến các đề nghị thiết thực của thánh Jose Maria Escriva trong cuốn sách mà thánh nhân viết về Lần Chuỗi Thánh, như sau: “Hãy tạm nghỉ một chốc chừng vài giây – 3 hay 4 giây là được- để suy tưởng trong thinh lặng về mỗi mầu nhiệm của chuỗi Mân Côi trước khi ta đọc kinh Lạy Cha và các kinh Kính Mừng trong chục kinh ấy. Tôi dám chắc, lối thực hành này sẽ làm gia tăng việc suy tư và gặt hái được nhiều hoa quả cho công việc nguyện cầu của người đọc kinh.”

Càng có lợi hơn, trong giây phút ngưng nghỉ này, ta chú tâm đến vài khía cạnh của mầu nhiệm mà ta muốn cầu, ngõ hầu lời cầu của ta sẽ trở nên đặc biệt, rất thực tiễn.

Tỉ như: khi suy gẫm về mầu nhiệm thứ nhất trong Năm Sự Vui, nơi trình thuật có đoạn thiên thần loan báo tin vui cho Đức Mẹ, ta có thể suy về lòng hăng say tận tâm, tận tình của thánh thiên thần, hoặc tính ngoan hiền chiều theo thánh ý của Thiên Chúa, hoặc tính khiết tịnh, Vô Nhiễm nơi Đức Maria… Tất cả các mẩu suy tư ấy đều qui về cảnh trí diễn ra sự kiện Loan báo Tin Vui và tâm tình Mẹ đáp lại lời thông chuyển của thiên thần Chúa.

Nên nhớ, suy ngắm về các mầu nhiệm diễn ra nơi chuỗi Mân Côi, không chỉ là phương cách duy nhất giúp ta làm việc này, nhưng ta cũng có thể suy nghĩ về lời lẽ trong câu kinh, nữa. Chẳng hạn, trong kinh Kính Mừng ta có thể tập trung vào cụm từ “Đầy ơn phúc”, hoặc “Bà có phúc hơn mọi người nữ”,hoặc Giê-su con lòng Bà”, hoặc “ Thánh Ma-ri-a, Đức Mẹ Đức Chúa trời”, hoặc cả đến câu “Cầu cho chúng tôi là kẻ có tội”, vv.

Thay vì đọc nhiều kinh, ta có thể đọc một đoạn ngắn trong Tin Mừng có liên quan đến mỗi mầu nhiệm và suy niệm về ý nghĩa của đoạn Sách Thánh vừa đọc, cũng tốt. Hoặc giả, ta cũng có thể cầu nguyện về các dự tính ta sắp thực hiện khi liên tưởng đến mầu nhiệm vừa đọc. Nói tóm, có nhiều cách giúp ta lần chuỗi Mân Côi, chứ không chỉ đọc và đọc.

Điều quan trọng hơn, là đừng bỏ cuộc không suy ngắm nữa, chỉ vì ta bị lo ra/chia trí khi đọc kinh. Hệt như Chân Phước Gio-an XXIII đã có lần nói: Điều tệ hại về chuỗi Mân Côi là không ai còn lần chuỗi này nữa.” (Lm John Flader, the Catholic Weekly)

Vâng. Đúng thế. Cũng có thể nói theo và nói dựa với lời của Đức Giáo Hoàng, Mẹ “ngồi trăm năm như thân tượng buồn”, vì chẳng thấy ai về cùng Mẹ thân thương mà thưa gửi. Mẹ thân thương buồn, chẳng phải vì Mẹ đã thành “tượng trăm năm” ngồi đó, nỗi buồn. Nhưng, buồn một nỗi, còn đó tâm tình và tư duy của đám con gần xa, mải phân tâm chia trí, chỉ lo chuyện một năm. Chuyện một ngày, mà quên lời cầu nguyện với Mẹ.

Trần Ngọc Mười Hai

không ngại nguyện cầu

những sự mân Côi

mà chỉ ngại Mẹ buồn

thành tượng trăm năm.

No comments: