Monday, 5 May 2008

“Giờ mình có nhau rồi, đời đẹp vì tiếng anh cười”

(Rm 8: 35)

Một ngày nào, nếu bần đệ hầu chuyện với bầu bạn mà lại thưa: lâu nay chỉ phiếm một mình, chắc hẳn bạn cũng như tôi, chắc chẳng ai tin cả. Quả thật, trong phiếm luận tình đời, phiếm là phiếm với ai. Phiếm cho ai. Không thể nào, có chuyện ngồi phiếm một mình và chỉ với mình thôi.

Bần đạo còn nhớ, trong đoạn viết “Thay cho lời tựa” ở Chuyện Phiếm Đạo Đời số 1, tay chuyên gia truyền thông phát sóng Vũ Nhuận đã hơn một lần bày tỏ: “Có thể chỉ cần một vài độc giả nào đó -qua những chuyện phiếm rất gần gũi với ĐẠO, với ĐỜI- có thể bỗng chốc nhìn thấy một tia sáng soi dọi ĐỜI mình và ĐỜI người, thì hẳn sẽ là niềm an ủi lớn cho tác giả Trần Ngọc Mười Hai.”

Và hôm nay, đàn em họ Trần này, lại được vinh dự nhận thêm nguồn an ủi lớn, từ bầu bạn người thân tuy xa, mà gần. Gần, trong tình thân thương trọn gói với giòng chảy ở đây:

“Vấn nạn anh đưa ra –dù là chuyển ngữ hay dịch thuật tư tưởng của ai đó- xem ra vẫn là ưu tư vấn nạn, rất gay go. Gay, như mình trộm nghĩ, là dù cho anh có bị mang tiếng là cấp tiến hay giỏi viết và lách cách nào đi nữa, cũng không dám nói hết những điều mình nghĩ. Chính vì thế, anh mới phải “mập mờ” trong mấy câu ở cuối bài “Thôi nhé em, mình xa nhau, từ đây!”

Mình không có vấn đề về chuyện này. Chuyện ấy là chuyện của mỗi cá nhân. Tôn trọng lòng ao ước chân thành của người khác, là điều đáng quý. Giả như, đôi khi lòng ước ao đó có chút lạm dụng, cũng vẫn tốt như thường. Bởi, cũng chỉ vì muốn cho thiên hạ lạm dụng, nên Thiên Chúa mới là Đức Chúa của chúng mình. Cho phép kẻ khác lạm dụng, ngõ hầu dễ ban phát tình yêu và giúp cho họ cảm nhận được Tình Yêu “điên rồ, khờ dại” của mình cũng là một phần tâm tình của Chúa, thôi.

Ấy chết, đây chỉ là những ý mọn mình đưa ra để nói lên một điều mà mình nhớ mãi về lời thánh An-Phong-Sô từng dạy dỗ con cái trong dòng, là: ngay đến những quyết định trong hoàn cảnh bị mù mờ vẫn được tôn trọng như thường.

Thật vậy, mấy khi mình đủ sáng suốt. Mấy khi và mấy ai trên thế gian này dám nói là mình “xứng đáng”. Và, một khi đã nhận mình là kẻ bất xứng thì đừng đặt điều này điều kia để trói buộc nhau nữa, mà làm chi.

Tóm lại, ngang tàng không phải là cái tội. Ngang tàng, là cơ hội để nhìn thấy rõ tình trạng bướng bỉnh của mình, rồi từ đó mới thấy lòng nhân hậu của Cha cao quí biết dường nào.

Chúc anh cứ thế mà ngang tàng như sự ngang tàng của người cha trong bài phiếm mà anh đặt cho đầu đề rất nổ chậm “Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình”. Thân.

Trong cảnh tình “cứ tiếp tục mà ngang tàng” để có được tình yêu thương từ người Cha nhân hậu, hôm nay bần đạo lại nhận thêm giòng chảy “phản hồi”, từ một đàn anh khác, bên trời Âu. Anh viết:

“Mình ngỡ ngàng đến thích thú khi nhận được quà bất ngờ là sách “Chuyện Phiếm Đạo-đời I” và bộ CD bạn dành cho mình sự nhớ tưởng và tình thân quá đặc biệt… Mình rất xúc động, và không biết nói sao để cảm ơn bạn đúng với lòng mình mong muốn.

Chỉ nói được là mình rất vui được biết có người anh em ở phương trời nào đó vẫn tiếp tục sứ mạng của Dòng trong hoàn cảnh đặc biệt của mình. Như nhà văn St Exupéry viết trong Petit Prince: mình nhìn lên bầu trời và cảm thấy các vì sao thân thương gần gũi làm sao ấy. Vì biết rằng, trên đó có một tình bạn đang chiếu sáng… Nhiều thành phố trên thế giới cũng cho mình cảm thấy cái ấm áp tình người ấy.

Cảm ơn bạn và xin Chúa chúc lành trên những bước tiến của bạn.

Người anh em nơi bầu trời Thuỵ Sỹ.

Hai bức thư tâm tình, từ những người anh ở rất xa, rất tình và rất thân khiến bần đạo tưởng nhớ đến “bài Tango cho em”, nơi đó cũng có những giòng chảy rất dễ thương, đậm đà tình thân, qua câu:

Từ ngày có em về

Nhà mình toàn ánh trăng thề.

Giòng nhạc tình đang tắt lâu,

Tuôn trào ngọt ngào như giòng suối.

Quả là, khi về bằng giòng chảy điện thư hay bằng nhịp Tango cho ai đó, cũng đã làm:

Anh yêu phút ban đầu,

Đẹp nghiêng nghiêng dáng em sầu.

Trong mắt em buồn về mau,

Em ơi có khi nào lần gặp đây cho mai sau. (Lam Phương – Bài Tango cho em)

Đích thực, “lần gặp đây cho mai sau ấy”, chừng như đã thấy nhắn nhủ ở đâu đó, nơi trình thuật:

“Ai có thể tách ta ra khỏi tình yêu

của Đức Ki-tô?

Phải chăng là gian truân,

khốn khổ, đói rách, hiểm nguy,

bắt bớ, gươm giáo?”

(Rm 8: 35)

Thật ra, có là gươm giáo hay bách hại cũng chẳng thể nào làm cho tình thân giữa em và tôi, nên xa cách. Hoạ chăng là cảnh nghèo. Bởi vì, như kinh thánh vẫn nói:

“Thiên Chúa dùng cái nghèo

để giải thoát người nghèo,

dùng khổ đau mà mở mắt họ.”

(Jb 36: 15)

Ngài dùng cái nghèo là bởi Ngài chính là sự nghèo hèn. Là người nghèo:

“Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Kitô,

Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào;

Ngài vốn giàu sang phú quý,

Nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em,

Để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.”

(2Cr 8: 9)

Vì thế:

“Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối

khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo

vì Đức Kitô.”

(2 Cr 12: 10)

Cũng thế, người nghệ sĩ ngoài đời cũng hát lên lời ca tương tự:

“Xin cám ơn đời còn nhau,

xin ghi phút ban đầu bằng bài Tango cho em. (Lam Phương – bđd)

Viết đến đây, bần đạo lại nhớ đến tâm tình thân thương của một chị khác đã thổ lộ, là chị ấy ao ước được gần gũi Chúa và đã rước Chúa vào lòng dù lúc đó chị chưa rửa tội, vào Đạo. (Chắc chị chưa bị bảo ban: hãy ngồi im một chỗ. Và, việc lên rước Mình Thánh Chúa chỉ dành riêng cho người Công giáo mà thôi… một câu nói mà nhiều người vẫn được nghe ở một vài nơi!). Chị tâm sự rằng: chị cảm thấy được Chúa chấp nhận vô điều kiện, và Chúa chẳng đặt điều kiện/luật lệ với những người như chị. Chị còn nói: chính điều này đã đem lại cho chị một niềm hy vọng để vươn lên, để ngồi dậy, mỗi khi bị đời đánh ngã. Chị nay đã có lòng đạo, rất sốt sắng.

Như vậy thì, ai bảo là lòng ước muốn không lôi kéo, không có sức thu hút người ta đến gần với Chúa hơn? Hôm nay, bầu bạn có thương người em còn nghèo và vẫn hèn như độ nào, thì cũng xin cho hơi ấm tình thân thương giữ nhau mãi mãi, chứ đừng cho lời khen. Giữ nhau trong tình thương yêu đậm tính nghèo nhưng không hèn, như truyện kể bên dưới:

“Tôi chỉ là người mẹ nghèo có ba người con nhỏ: đứa 14, đứa 12. Và, Út cưng của tôi mới lên 3. Và, tôi vừa tốt nghiệp cao đẳng, mới đây thôi. Nhưng, để tôi kể cho bạn nghe chuyện đời mài đũng quần ở nhà trường, vào buổi cuối. Buổi học cuối cùng, là môn xã hội học. Bà thầy ra lệnh cho học sinh muốn tốt nghiệp phải viết một luận án vài nghìn chữ hoặc nói về một “kế hoạch nhỏ” đánh động tình người. Tình nhân loại. Với chủ đề “Nụ cười”.

Bà thầy của tôi, yêu cầu mỗi học sinh trong lớp phải ra ngoài gặp mọi người và nhoẻn một nụ cười với họ. Khi về, nhớ ghi phản ứng của mấy người ấy.

Với tôi, đó là chuyện nhỏ. Bởi lẽ, tôi vẫn có tính la cà, hàn huyên với mọi người, bất kể lạ hay quen. Thành thử, chuyện này cũng dễ thôi. Xem thế, sau khi đồng ý sẽ thực hiện kế hoạch bà thầy bày ra, ông xã, và tôi cùng đứa con út quyết định đến quán McDonald’s để ăn sáng và tiến hành dự án. Cũng để chia sẻ niềm vui cuộc đời với đứa con còn nhỏ.

Lúc ấy, bọn tôi đang xếp hàng chờ đến phiên mình ra đơn đặt hàng, bỗng thấy mọi người chung quanh đang đứng đó tự nhiên dạt ra một, chẳng nguyên cớ. Ông chồng tôi cũng làm thế. Còn tôi, thì không. Bất chợt, trong tôi dấy lên tâm tình hãi sợ, một chút thôi. Định thần nhìn quanh, tôi đánh hơi ngửi thấy một mùi hôi khủng khiếp, ngay sau lưng mình. Mùi này, phát từ hai người đàn ông chừng như thuộc giới “vô gia cư, chết vô địa táng”, thì phải. Tôi nhìn về phía một người khá thấp, đứng sát sau lưng, thấy hắn ta nhoẻn một nụ cười mỉm, chào thân thiện. Nụ cười kèm theo ánh mắt đầy những sao trời xanh biếc. Chừng như, anh đang mải đếm các đồng tiền kẽm còn sót, rất chậm.

Người đàn ông kế bên, lóng ngóng lục tìm nơi túi quần có lỗ lủng để coi xem có đủ tiền không. Tôi đoán chừng người này bị chứng chậm phát triển hay tâm thần phân liệt, gì đó không chừng. Anh mải nhìn vào người bạn phía trước bằng đôi mắt trông chờ, sự cứu bồ.

Tôi vội nén giọt nước mắt trong xanh e chừng đang muốn lăn từ khoé mắt. May thay, cô bé bán hàng kịp đến vội hỏi xem hai người muốn thứ gì. Bèn nhận được câu trả lời cụt ngủn:

-Chỉ một ly đen thôi, cô ạ. Tôi đoán, họ cũng chỉ còn nhiêu đó để trả. Vì theo luật, muốn ngồi chỗ ấm, người nào cũng phải mua thứ gì tối thiểu. Tôi chợt nhận ra như có lực đẩy nào dồn lên tận cổ báo hiệu tôi phải làm việc gì, tựa như chạy đến ôm cổ người bạn mới gặp có cặp mắt trong xanh, nhưng hơi nghèo. Bất chợt, tôi thấy như mọi cặp mắt đang đổ dồn cả về phía tôi, chờ đợi một phản ứng.

Tôi bắt chước nhoẻn nụ cười đáp trả, và bảo cô bé nơi quầy cho thêm hai phần ăn để riêng khay. Xong rồi, tôi mang lại chỗ hai người khách lạ đang xì xụp hớp ngụm cà-phê nóng. Tôi để khay bánh xuống trước mặt từng người, và tôi đưa tay đặt nhẹ bàn tay lên bàn tay người khách lạ có cặp mắt xanh thiên thần. Anh ta ngẩng đầu nhìn tôi, rồi nói: “cảm ơn chị rất nhiều.” Tôi đập mạnh vào tay anh, bảo: Tôi làm việc này không phải cho anh đâu. Nhưng chính Đức Chúa hành động qua tôi, đem đến cho anh một hy vọng.

Bước chân rời khỏi cửa tiệm, gặp ông chồng và con đang đứng chờ, tôi chợt thấy mình như đang khóc. Khi ngồi vào xe, chồng tôi bảo nhỏ: “Em cưng, anh cũng thấy Chúa gửi em đến với anh là để vợ chồng mình trao cho nhau niềm hy vọng.” Chúng tôi nắm tay nhau một chốc lát, biết rằng đó là giây phút quý báu. Là, ân huệ Trời cho để chúng tôi có thể cho đi những gì mình có, ít ra là niềm hy vọng.Bọn tôi không có thói quen đi nhà thờ, nhưng vẫn tin có Chúa hoạt động trong mỗi người chúng ta. Và, bữa hôm đó đích thực là tôi đã nhận ra được ánh sáng tình yêu thương ngọt ngào của Thiên Chúa.

Trở về trường nộp bài viết về “kế hoạch nhỏ” của mình, tôi thấy bà thầy cúi xuống nhìn vào bài làm của tôi và hỏi xem tôi có bằng lòng cho cô đọc lớn tiếng để các bạn học cùng chia sẻ không. Tôi đồng ý và nghe cô đọc lớn tiếng “kế hoạch nhỏ” của tôi.Trong lúc bà thầy đọc, trong tôi bất chợt nảy sinh một cảm nghiệm: làm người phàm nhưng tôi vẫn là thành viên được san sẻ Tình thương yêu của Đức Chúa. Và, chính tình thương đã giúp những người như tôi chữa lành được nhiều và tôi cũng được mọi người chữa cho mình lành lặn.

Và, theo cách thức riêng tư của mình, tôi đã đánh động tâm can nhiều người có mặt ở tiệm bán bánh hôm ấy. Đánh động con út, cũng như bà thầy và các bạn học vẫn cùng san sẻ với tôi khung trời tuổi nhỏ chốn học đường. Và, tôi đã tốt nghiệp cao đẳng với thành tích đạt được, có ghi trong học bạ: Chấp nhận vô điều kiện. Đó là ý nghĩa của tình yêu. Và, của cuộc sống. Cũng từ đó, tôi phát giác ra được bài học để đời, đó là: yêu thương mọi người và sử dụng mọi đồ vật, chứ không phải yêu thương đồ vật mà sử dụng mọi người. Và, cũng từ đó, trong tôi nảy sinh thêm nhiều điều mới lạ khác. Những chuyện như: Rất nhiều điều đi vào và rồi rời hỏi cuộc đời mình, nhưng chỉ mỗi bạn hiền đích thật mới để lại các dấu ấn nơi tâm can mình, thôi.

Thành ra, tôi đã quyết tâm từ nay: muốn kềm chế chính mình, hãy sử dụng bộ óc. Muốn kềm chế người khác, hãy sử dụng con tim. Thiên Chúa ban tặng loài chim thực phẩm thích hợp với chúng, nhưng Ngài không bao giờ ném thức ăn vào tổ của chúng.

Thực phẩm nuôi dưỡng tình thân thương bạn bè cũng thế, không phải cứ ngồi chờ nơi tổ ấm riêng tư của mình là có người đi qua ném vào đó, nhưng vẫn là một hành trình, cần dựng xây. Trong kiên nhẫn.

Cũng thế, trong hành trình dựng xây sự thân thương cùng khắp, bạn cũng như tôi, ta chỉ thấy “đời đẹp vì tiếng anh cười”. Anh đã cười, và sẽ cười mãi vì “giờ mình có nhau rồi.” Và, như nghệ sĩ khi xưa vẫn thường hát:

“Giờ mình có nhau rồi

đời đẹp vì tiếng em cười

Vượt ngàn trùng qua bể khơi,

Dắt dìu cùng về căn nhà mới.

Ta xây vách chung tình,

Nhiều chông gai có tay mình.

Xin cảm ơn đời còn nhau,

Xin ghi phút ban đầu bằng bài TANGO cho em.” (Lam Phương – bđd)

Cho dù người em hay người anh có bất xứng, hôi hám hoặc nghèo hèn, thì bạn và tôi, ta vẫn cứ luôn hát “Bài Tango cho em” nhé. Hát cho nhau. Cho vui cuộc đời.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn muốn hát bài Tango

cho bạn và cho tôi

cho vui cuộc đời.

Rất đáng vui.

No comments: