“thôi nhé nghe em, mình xa nhau mãi mãi
em về cuối chân mây, tôi một mình ở lại
ân tình này, tôi nhận hết đắng cay” (Nguyễn Ánh 9)
(Hiến Chế Công Đồng “Hội Thánh Trong Thế Giới Hiện Đại” đ.16)
Lời lẽ trên, ca sĩ Thế Sơn từng hát trên băng dĩa, vẫn rất mới. Nhạc bản này, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng viết trước 1975, còn nghe quen. Lời ca và ý nhạc của người viết, nghe qua như có giọng buồn rười rượi, day dứt. Khó diễn tả. Buồn và day dứt, vẫn là tâm trạng của các cặp tình nhân hơn một lần thề non hẹn biển, cuối cùng vẫn chia tay.
Chia tay hay ở lại, có lẽ là vấn đề bức xúc của mọi thời đại. Buổi xa xưa. Hay thời rất mới, lúc nào chẳng có những chuyện buồn vui của nhiều mái ấm. Kể cả những mái rất ấm như truyện vui Ngày Tạ Ơn ở Hoa Kỳ:
Hôm ấy, cặp vợ chồng cao niên chờ mãi không thấy con cái đứa nào gọi về nhắn nhủ hỏi han, thấy cũng chán. Các cụ bèn nghĩ cách gọi người con đang làm việc ở Nữu Ước, nói:
-Ba không muốn phá đám ngày vui của các con. Nhưng ba báo cho con một tin quan trọng trong đời, là: ba má đã quyết định chia tay nhau, sau 45 năm ăn đời ở kiếp với nhau.
Anh con trai nghe thế, vội gào thét ở bên kia đầu giây điện thoại:
-Trời đất! Ba nói gì con nghe không rõ? Ba má cũng biết nói chữ ly thân/ly dị sao?
-Ba má không thể nhìn mặt nhau thêm ngày nào nữa. Ba chán cái bản mặt của má mày. Không muốn nói chuyện với nhau nữa. Thôi, con gọi em con ở Cali, báo cho nó biết chuyện này…
Và ông cúp máy, cái rụp.
Cuống lên, anh con trai gọi ngay cho em mình. Cô em nghe chuyện, bèn trả lời:
-Chuyện lạ hà! Chắc ông bô bà via lại bắt chước bạn già mình mất rồi. Thôi để em lo.
Cô gọi cho người cha của mình và gào ngay trên máy:
-Ba má KHÔNG được làm gì hết, nghen. Chờ tụi con về rồi giải quyết, ba nghe kịp chưa? Con sẽ gọi cho anh Hai và hai đứa con sẽ về tới nhà, nội nhật sáng mai. Con nhắc lại: từ giờ đến sáng mai, Ba Má không được làm gì hết. BA NGHE CON NÓI GÌ KHÔNG? Nói xong, cô gác mạnh chiếc máy. Rất bực.
Và, ông cụ lẳng lặng gác máy, mỉm cười rồi nói với người vợ già:
-Thế là chúng sẽ về dự Lễ Tạ Ơn với bọn mình. Kỳ này, khỏi kêu gào năn nỉ, cũng chẳng phải trả tiền vé cho chúng nó.
Chuyện ở trên, xem ra có vẻ khôi hài. Nhưng, chắc chỉ khôi hài với những cặp giả vờ ly dị, thôi. Trong đời thường, nhiều vợ chồng chẳng bao giờ thấy khôi hài khi nghe hai chữ “ly dị”, phát ra từ ai đó.
Và, vấn đề đặt ra hôm nay, là: Hội thánh ngày nay có buồn/vui chăng khi nghe con cái nhà Đạo cứ hay đem chuyện ly dị của họ ra mà bàn, mà hỏi, không?
Câu trả lời, tưởng cũng nên qui về tập sách do Hội Đồng Giám Mục Úc phát hành, hồi đầu năm. Tập sách này, có thừa những lời hỏi-đáp gọn gàng và đầy đủ, như sau:
Có sự nối kết nào không giữa Hôn Nhân và Tiệc Thánh Thể?
Khi rước Mình Thánh Chúa, người Công Giáo chúng ta vẫn thưa “Amen”, là để tỏ ý tin tưởng rằng mình đang nhận đón Mình Đức Kitô vào người. Amen, lời diễn tả một đồng thuận rằng mình nay thuộc Thân Mình Chúa. Và, còn là lời cam kết trung thành phục vụ Thánh Thể Ngài bằng cả hành vi và ngôn ngữ. Hôn Nhân và Thánh Thể có liên hệ đặc biệt, coi như “Bí Tích của Mình Thánh Chúa”.
Trong hai bí tích, ta có kinh nghiệm sống tình yêu “lứa đôi” mà Đức Kitô trao tặng Hội thánh; và qua đó, Ngài trao ban chính mình trong yêu thương. Đổi lại, ai rước Mình Chúa vào lòng, là trao tặng chính mình cho Chúa. Cũng một trật như thế, khi hai người đồng ý sống đời ở kiếp với nhau tức là chấp thuận tặng chính mình trao cho nhau.
Hôn nhân là nhiệm tích nối kết vợ chồng (và họ hàng đôi bên) với nhau. Việc Nối kết giúp họ lĩnh nhận ân sủng hầu duy trì khế ước cùng nhau sống đời thuỷ chung. Và, Thánh Thể hợp nhất món quà quý giá ấy và củng cố tình vợ chồng để họ ăn ở với nhau theo tiếng gọi của Thiên Chúa.
Ly dị có làm cho người phối ngẫu tách rời Bí tích Thánh Thể không?
Câu trả lời dĩ nhiên là: không. Ly dị, tự bản chất, không tách rời hoặc cấm cản người phối ngẫu được phép rước Mình Thánh Chúa vào lòng. Trong trường hợp nào cũng thế, rước Chúa là quyền của mỗi người tuỳ lòng thành và thiện ý của họ. Tuỳ họ, có sống theo lời dạy của Chúa và sẻ san sứ vụ tông đồ của Hội thánh không, thôi. Điều này có nghĩa: ai ly thân/ly dị -hoặc người Công giáo độc thân- vẫn được kêu gọi kềm chế hành động gần gũi dục tình và chu toàn trọng trách của người giáo dân hoặc bậc cha mẹ có ý thức trách nhiệm. Ai không làm thế, Bí tích Hoà giải (gọi là Giải tội) vẫn đem đến cho họ ơn tha thứ của Chúa, kèm theo đó là lợi ích thiêng liêng qua việc rước Chúa vào lòng.
Ai đã ly dị hoặc tiến thêm bước nữa có được phép rước Chúa không?
Trừ phi Toà án Giáo hội tuyên bố là họ được tự do tái giá, người ly dị được hiểu là họ vẫn bị ràng buộc bởi hôn nhân có trước. Nếu hai vợ chồng -hoặc ít nhất là một trong hai người phối ngẫu đã ly dị nhưng chưa được giải toả để tái giá- mà lại tiến tới hôn nhân, thì cả hai đều không được phép rước Chúa. Hôn nhân mới thành lập theo bậc đời, được coi là xung khắc với khế ước hiện hành của bí tích. Và, từ đó, cũng kéo theo xung khắc với ý nghĩa huyền nhiệm của Bí tích Thánh Thể, nữa.
Giáo huấn Hội thánh dạy rằng: ai lập hôn thú ngoài Giáo hội, không được phép rước Chúa. Điều này, không có nghĩa đó là phán xét về một lầm lỡ cá nhân hoặc tội lỗi đầy tràn. Đó là quyết đoán về hành vi cần phải có đối với giáo huấn của Hội thánh và về tình trạng sống sao cho phù hợp với ý nghĩa của Thánh Thể, tức Bí tích hiệp thông cùng sống với Hội thánh. Hiểu được ý nghĩa của Hôn nhân và Thánh Thể dành cho đời sống người tín hữu, Hội thánh vẫn kiên trì tuân thủ giáo luật, không chấp nhận cho phép rước Chúa, những ai ly dị hoặc tái giá kết hôn không có phép chuẩn của Giáo hội.
Về việc này, người phối ngẫu có thể theo “lương tâm” mà xử sự được không?
Đối với người Công giáo, lương tâm bao gồm cả việc tìm cách am tường vấn đề có ánh sáng chỉ đường là giáo huấn của Hội thánh. Thêm vào đó, hôn nhân không là chuyện riêng tư cá nhân. Hôn nhân có ý nghĩa đối với cả hai, xã hội nới rộng và -ở hoàn cảnh của người Công giáo- đối với cộng đoàn Giáo hội, nữa. Chính vì thế, không bên nào, kể cả Giáo hội, có khả năng phán đoán lỗi phạm cá nhân hoặc sự vô tội của người khác. Thật là sai, nếu có ai nghĩ rằng hôn nhân và việc tham dự Tiệc Thánh Thể của họ chỉ là vấn đề “riêng tư”, và họ có quyền tự mình kiểm soát chuyện của mình.
Người tái giá đã được phép chuẩn có bị chối từ không cho dự Tiệc Thánh không?
Như nói ở trên, phán quyết của Toà án Giáo hội là cơ quan có thẩm quyền chuẩn chước để người ly dị có được tái giá nữa hay không. Và cũng thế, nếu tái giá bước nữa có được rước Chúa vào lòng, không. Đó là vấn đề.
Có nhiều trường hợp hai người phối ngẫu đều từ chối không chịu ra toà hôn nhân của Giáo hội hoặc cũng có làm, nhưng không thành, lại tin rằng họ có lý do chính đáng không thể xa nhau hoặc tự kềm chế chuyện gần gũi tính dục được, những cặp như thế, có lẽ đang sống trong tình trạng có xung đột nội tâm hoặc lương tâm mình đang trong tình trạng bối rối vì giáo huấn của Hội thánh đã nói rõ một phần, và phần khác, họ vẫn uớc ao được rước Chúa vào lòng. Trong trường hợp đó, vị linh mục hoặc cố vấn linh hồn nên giáp mặt giúp giải quyết cảnh rối rắm hơn là để họ ngang nhiên làm bừa.
Vai trò của linh mục trong việc giải quyết các nố lương tâm ở lĩnh vực này ra sao?
Dù linh mục không thể quyết định về các nố lương tâm giùm cho người khác; cũng không thể áp đặt quả quyết gây xung đột với quyết định của Hội thánh, nhưng vẫn có thể giúp hai vợ chồng hiểu rõ giáo huấn của Hội thánh. Hội thánh, thay vì đưa ra điều lý tưởng xa vời hoặc chỉ hoàn thành một cách chầm chậm, vẫn có cái nhìn về cuộc sống chu toàn trách nhiệm. Bởi thế nên, Hội thánh mới đưa ra giải pháp tự thân, có dụng đích rất mực, để giúp đôi bên cố gắng thích ứng với cuộc sống của mình.
Linh mục đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ mục vụ và hướng dẫn các cặp phối ngẫu đã ly dị và tái giá. Tuy nhiên, cũng nên nhấn mạnh rằng: lương tâm con người là “cốt lõi của phần sâu kín thánh thiêng”, mà trước mặt Chúa, người ấy lãnh trách nhiệm về các quyết định có tính luân lý của mình (x. Hiến chế Hội thánh trong thế giới hiện đại). Thành thử, không linh mục nào dám nhận trách nhiệm giùm người phối ngẫu, để ra quyết định mang tính luân lý, trong địa hạt này. Và, Hội thánh có thể giúp đỡ cách hay nhất là làm cho mỗi người sống thích ứng lương tâm của họ; sống phù hợp với chân lý. Chỉ lương tâm của người có kinh nghiệm sống và hiểu biết rõ các nguyên tắc khôn ngoan/thận trọng, mới có thể hướng dẫn để đối diện với trường hợp mang tính xúc cảm và khó khăn đó.
Linh mục hoặc cố vấn giáo luật cũng có thể giúp mọi người đưa ra quyết định có ý thức trách nhiệm: thứ nhất, bằng cách lắng tai nghe hầu am tường tình cảnh riêng tư của đương sự về mặt luân lý, cho họ. Thứ đến, qua việc giúp cho đương sự làm sáng tỏ tình cảnh của mình và phản ảnh những vấn đề có liên quan, đang gặp trắc trở. Cuối hết, bằng vào việc đảm bảo rằng:họ am tường tín lý cũng như qui tắc tựa như giáo huấn của Hội thánh về tính khả phân ly của hôn nhân;và về tương quan giữa Hôn nhân và Thánh Thể.
Mục tiêu đối thoại với linh mục hoặc cố vấn linh hồn là để người phối ngẫu thẩm định cho chính mình đâu là “bước kế tiếp”, dù đó không phải là bước cuối, cũng phải dấn thân để rồi mình mới có thể hoà hợp với tương quan mật thiết với Chúa và Hội thánh.
Làm cách nào để người ly dị và tái giá vẫn san sẻ đời sống của Hội thánh?
Giải đáp mục vụ của Hội thánh dành cho những người đã ly dị và tiến tới trong hôn nhân lần nữa, không buộc phải dẫn đến việc chối từ quyền được phép rước Chúa. Chính Đức Gio-an Phao-lô Đệ Nhị khi trước, có viết: “Người đã ly dị và tiến thêm bước nữa, không nên tự coi mình như “đã tách rời Hội thánh, bởi vì họ vẫn là người đã được thanh tẩy, nên họ có thể, và thật ra phải được, san sẻ cuộc sống Hội Thánh, mới đúng”. Chẳng một hoàn cảnh nào của con người, lại ra ngoài ân sủng của Thiên Chúa. Và, sự lành thánh luôn nằm trong cảnh tình cụ thể của đời sống mỗi người trong chúng ta. Nhiều trường hợp, phán quyết của toà án Giáo Hội còn hỗ trợ cho hôn nhân bất thường này nọ trở thành hiệu lực, nữa là đằng khác.
Thành thử, khi hôn nhân mới trở hiệu lực, nhiều người đã trải qua đau khổ thật tình; bởi, ở hoàn cảnh ly dị, hoặc tái giá, họ đều thấy không thoải mái mà bước lên rước Chúa vào lòng. Những người ý thức được rằng: hoàn cảnh của họ, trong hiện tại, đang bị cấm rước Chúa vào lòng, không thích đáng để rước Chúa, có thế được hiểu là để chứng tỏ họ trung thành quả cảm nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi hoàn cảnh riêng của mình.
Giáo Hội nhận rằng là cộng đoàn chung sống, ta cũng nên tỏ ra nhạy bén với tình cảnh của những người đã ly thân, ly dị hoặc tiến thêm bước nữa. Nên kiếm cách mà hỗ trợ và nâng đỡ họ theo cách nào thích hợp. Và, nhiều trường hợp, họ cũng lĩnh hội được nhiều bài học quý giá, từ đó. Rất thường, hoàn cảnh của những người bị đổ vỡ trong tương quan vợ chồng, đều chứng tỏ lòng quả cảm và quyết tâm của họ đối với người khác trong cộng đồng dân Chúa.
Chúng ta cũng khích lệ những người anh em này hãy bền đỗ trong nguyện cầu, sám hối và tình thương của Chúa và yêu người đồng loại, để họ có thể đến dự Thánh lễ và các buổi chầu Thánh Thể, đồng thời tham gia sinh hoạt với cộng đồng giáo xứ của họ.
Hội Đồng Giám Mục chúng tôi cũng khuyến khích các vị chủ chăn và giáo dân hãy nâng đỡ mục vụ những người ly dị, và khích lệ họ nên tham gia vào đời sống của Hội thánh trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Hội thánh bảo đảm với họ về tình yêu thương liên tục của Đức Kitô. Bảo đảm rằng, Chúa vẫn mong hiệp thông đậm sâu với mọi người như họ.”
Quả thật, cảnh tình người phối ngẫu nam/nữ, vẫn là chuyện dễ bàn hơn đi vào hiện thực. Triết lý dông dài, vẫn dễ hơn sống từng trải. Có nên chăng, một cái nhìn thông thoáng về vấn đề này. Vì, nói gì thì nói, ly thân/ly dị hay tái giá, đâu có nghĩa mình đang trong tình trạng phạm pháp. Nhất thứ, đó lại không là những pháp và luật của đời thường. Mà, chỉ là đời sống thân thương của cộng đoàn dân Chúa.
Cộng đoàn dân con Đức Chúa, vẫn sống bằng tình thương yêu, đùm bọc. Bất kể người anh hay người chị ấy có vấn đề, hay không. Bất kể, người anh người chị, người em của mình có là giáo dân hạng thứ, hay có chức có quyền. Bất kể, anh/chị hay em ấy có quá trình sống trong tăm tối từ một cộng đoàn khác nay chuyển đến, không. Năm châu bốn biển, tất cả chung một nhà. Nhất thứ, là nhà Đạo của Đức Chúa. Là, Hội thánh, hoặc còn gọi là Nước Trời ở trần gian. Rất thân. Và rất đáng thương.
Trần Ngọc Mười hai
vẫn ao ước được đón tiếp
anh chị người thân
đi vào vòng tay ôm
thân thương của Hội thánh.
No comments:
Post a Comment