Saturday, 25 April 2015

“Bánh xe quay nhanh nhanh"



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ V Phục Sinh năm B 03/05/2015

“Bánh xe quay nhanh nhanh"
Chiếc thân xe rung rinh”,
Chìm trong làn cát trắng
Xe nhịp nhàng quay bánh lướt
Hồn ta mờ khuất trong mênh mong”
(Trọng Khương – Bánh Xe Lãng Tử)

(ICor 8: 9/ 2Cor 3: 17)
Mỗi lần bần đạo đây, thấy trên bào/đài trổi lên bài hát “Bánh Xe Lãng Tử” thì y như rằng, toàn thân mình của chính mình cứ thế “ngún nguẩy” cùng chiếc xe quay rất nhanh.
Hôm nay ngồi nghĩ lại mới thấy tốc độ quay nhanh của cuộc đời, cùng với niềm tin đi đạo, sao vẫn cứ chậm rì, thật khá nản. Chẳng biết, chuyện đó có như ca từ người nghệ sĩ cứ hát tiếp, rằng:

“Ta luyến lưu một kiếp giang hồ
Dù rằng cuộc sống vô bờ
Tim nồng giòng máu vô tư
            A ha ha!
Suối in hình chiếc xe tàng
Đêm nao đập vỡ cây đàn
Giận đời nào ai mắt xanh.”
(Trọng Khương – bđd)

Luận về mức quay nhanh ở bánh xe cuộc đời người hay của chính mình, có lẽ truyện minh hoạ ở bên dưới cũng diễn-tả được phần nào ý-nghĩa của những quay cuồng sấp/ngửa:

“Truyện rằng:
Hôm ấy, bệnh-viện tâm-thần nọ, có cảnh đối/đáp giữa cô y-tá và bệnh nhân, nghe qua thấy cũng lạ, những hỏi rằng:
-Này anh, hôm nay có gì hay mà hát nhiều thế?
-Vậy yên nào. Bọn ta đây đang hát bài “Bánh xe lãng tử” đây mà!
-Đã đành là anh đang hát bài “lãng tử” hay “lãng xẹt” gì cũng được, nhưng sao lại cứ nằm sấp mặt mà hát thế ai mà nghe cho được?
-Ấy, đừng có mà nói vậy! Đây chỉ muốn hát cho hay như diã nhựa thì hễ hát xong mặt A, mình phải quay quay, lật ngược sang mặt B để hát tiếp chứ?
-À thì ra, là thế đấy!? Thôi thì anh hát sao cho mau chóng lên để còn thở nữa chứ!?...” (truyện do nhiều người kể, đại loại cũng chỉ như thế) 

Vâng. Hát gì thì hát. Kể gì thì cứ kể. Đừng kể đi kể lại cuối cùng cũng chỉ mỗi thế, tức: những hát và kể để cho vui, mà thôi. Nói vậy chứ, gặp trường hợp kể chuyện đạo cho người đạo “ròng” (chứ không phải đạo lòng vòng) thì lại khác. Với người đạo “ròng”, kể gì đi nữa vẫn phải kể cho đúng/cho hợp lòng tin đi Đạo, mới nghe được.
Nghe lời kể ở trên, hẳn người nghe hoặc đọc cũng khiếp sợ? Khiếp và sợ, thật cũng phải. Bởi thời nay, người đời không còn nhiều nỗi sợ, chỉ phát khiếp. Tức, mới nghe đã thấy khiếp nhưng không sợ. Hoặc, nghe giảng quá nhiều rồi, nay hết sợ và hết khiếp. Chí ít, là chuyện đạo ở đời, hoặc nói theo văn-hoa/chữ nghĩa, thì đó là: chuyện triết/thần ly-kỳ và khá khủng khiếp.
Khủng và khiếp, như câu chuyện đề-cập ở đâu đó, chốn nhà Đạo rất Syndey, vẫn ly-kỳ nhiều nỗi sợ. Nhưng trước khi nghe kể những chuyện triết/thần lần rần những sự việc kỳ-lạ và rất đáng khiếp, thiết tưởng ta cũng nên trở về với câu ca/lời hát, rất “lãng-đãng” như sau:

“Vó câu bấp bênh.
Trên đường gian nan.
Chiếc xe lắc lư ru hồn nghệ sĩ tới nơi xa ngàn.
Xe lăn êm êm dưới ánh trăng vang.
Môi ai say sưa hé mấy cung đàn.
Ca lên cho tan nỗi niềm cay đắng.
Vui ca lên đi trong chiếc xe già.
Sau khi men say lắng mấy tơ đàn.
Hồn ta vụt bước lên trời xanh lam.”
(Trọng Khương – bđd)

Thế nghĩa là, ta cứ “ca lên cho tan nỗi niềm cay đắng”“Vui ca lên đi trong chiếc xe già”, rồi sẽ thấy “Hồn ta vụt bước lên trời xanh lam”, ngay thôi.
Thật ra thì, “trời xanh lam” chốn này, tại cái-nơi-mà người nhà Đạo nay gọi là Nước Trời Hội Thánh, nhiều vị không còn “vui ca lên đi trong chiếc xe già” cũ kỹ, nhưng lại cứ kể cho nhau nghe những chuyện như sau:

“Cách đây 60 năm, thần-học-gia Công-giáo người Đức là Lm Karl Rahner có viết bức-thư từng xuất hiện trên trang mạng, qua địa chỉ đầy những chữ như: archive.org/stream/freespeechinthec027876mbp/freespeechinthec027876mbp_djvu.txt) về tự-do ngôn-luận trong Đạo. Khi ấy, lời ông giải-thích xem chừng rất hấp-dẫn. Nhưng lúc ấy, ông lại đã tỏ ra là người gan-dạ dám phát-biểu điều mình nghĩ khác với các thần-học-gia “lề phải”. Chí ít, là khi Đức Giáo Tông thời đó lại có lập-trường về các vấn-đề trong vòng tranh-cãi nên đã buộc ông phải phục-lụy.      

Thế-giới nhà Đạo Công-giáo thời Lm Karl Rahner sống, khác với thế-giới đạo “ròng” hôm nay cũng rất nhiều. Sau lần tranh-cãi tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia-Đình năm 2014, các hồng-y nay đã dám tỏ-bày ý-kiến khác-biệt của mình cách công-khai với báo/đài về phương-cách làm sao tiếp-cận được quan-hệ bất-thường giữa con người.

Các linh-mục ở Anh, nay đề-thảo một thỉnh-nguyện thư gọi mời linh-mục các nơi hãy ký vào đó trước công-chúng. Đổi lại, Hồng Y Giáo-Chủ nước này là Đức Vincent Nichols đã khiển-trách hàng linh-mục của ngài bằng cách gọi tất cả về họp bàn hầu thiết-lập đường-lối chung cho Giáo hội ở nước này.

Trong khi đó, Đức Phanxicô lại nhấn mạnh rằng: các vị tham-dự Thượng Hội Đồng La Mã về vấn-đề Gia-đình có quyền tự-do ăn nói, phát-biểu ý-kiến riêng của mình. Đức Giáo Hoàng nay vẫn thôi-thúc hàng Giáo-phẩm hãy dành ưu-tiên cho những ai bị đẩy ra bên lề Hội-thánh. Đồng thời, Đức Giáo Hoàng hôm đó cũng tuyên-bố sẽ lập năm thánh 2016 là Năm Từ Bi hầu ăn-khớp với chuyện ấy.

Vào thời của thần-học-gia Karl Rahner, tự-do ngôn-luận được xem xét bằng tầm nhìn từ các bậc thày về niềm tin, về vấn-đề liên-quan đến nội-dung niềm tin, về những gì khả dĩ được đem ra thảo-luận và cả những gì cần giữ kín, cũng như: ai là người được phép nói và ai có thẩm-quyền về chuyện ấy cũng như những gì trước đây thuộc trách-nhiệm của đấng bậc giảng-dạy…

Trong khuôn khổ công-việc như thế, linh-mục Karl Rahner khi ấy đã tìm cách mở rộng địa-hạt cho phép mọi người được tự-do bàn-luận và triển khai trách-nhiệm của những người được giáo-dục qua tư-thế chấp-nhận mọi sự cách thụ-động. Ông đồng-thuận ý-nghĩ cho rằng việc quần-chúng bàn ra/tán vào về niềm tin, phải tránh không nên làm người khác lẫn-lộn hoặc bị suy-yếu mà cho rằng việc phát-biểu lập-trường tư-tưởng không được phép khiến cho dân-tình bối-rối/lẫn lộn về niềm tin hoặc bớt kính-trọng các đấng bậc có quyền.

Ngoài ra, Đức Phanxicô lại cũng khuyến-khích các bậc thày hãy cứ dạy và người Công-giáo sẽ thâu-nhận niềm tin thật sâu sắc. Giống như linh-mục Karl Rahner, Đức Phanxicô quyết khích-lệ mọi trao-đổi sống động về những gì hàm-ngụ ở niềm tin, trong lúc họ nắm chắc rằng điều này sẽ gia-tăng sự tín-nhiệm về những điều được dạy và sự thật sẽ dẫn-dắt cả người dạy lẫn người hấp-thụ. Niềm xác-tín nơi ngài, vẫn khác hẳn phần đông các giám-mục cứ luôn miệng nói về sự hiểm-nguy sai-sót, hoặc ngộ-nhận nơi người Công-giáo đang sống trong nền văn-hoá có ác-cảm với niềm tin. Khác-biệt này, vạch rõ cho ta thấy là: đã có đáp-ứng nổi lên từ Thượng Hội-Đồng Đặc-biệt, khoá vừa rồi.

Thế nhưng, sự khác-biệt sâu-sắc hơn lại nổi lên từ tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua việc thông-chuyển niềm tin. Ngài bớt ưu-tư về nội-dung những gì đang được dạy; hay nói đúng hơn, ngài chỉ lo làm sao mọi người hiểu rõ, nhất là những người đang bị xua đẩy sống bên rià Giáo hội Công giáo. Đức Giáo Hoàng lo rằng nhiều vị có thành-kiến khi giải-thích toàn-bộ thông-điệp của Đạo bằng ngôn-ngữ đúng-thực về kỹ-thuật, lại khiến cho những người sống bên lề Giáo hội thấy mình bị liên-lụy với những gì họ coi như “tin buồn” từ Hội-thánh. Thành thử, Đức Phanxicô mới hỏi: làm sao để Phúc Âm Lời Chúa được coi như Tin Vui An Lành? Muốn dạy niềm tin cho người sống bên lề Giáo hội, ta cần sống và học hỏi niềm tin ngay ở bờ rìa ấy.

Rõ ràng là, Đức Phanxicô đang hy-vọng rằng cung-cách khiến các giáo-phụ ở Thượng Hội Đồng Đặc-biệt này sẽ đáp trả vấn-đề về Gia đình mà những người sống bên lề Giáo Hội sẽ đón-nhận điều ấy như Tin Vui cho Giáo-hội mình. Nhưng, chuyện ấy còn tùy xem các vị tham-dự Thượng Hội Đồng Đặc-biệt có chấp-nhận kinh-nghiệm thương đau của những người như thế và có cởi mở hơn với những vấn-đề như thế không? Đó là lý-do tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại đặt nặng tầm quan-yếu lên chuyển-đổi, tức cung-cách rất mới để nhìn về thế giới hôm nay.

Việc Đức Phanxicô bày-tỏ lập-trường ra như thế, cũng triệt-để, tức là: ngài cũng dựa vào gương Đức Giêsu khi xưa từng thực-hiện. Đương nhiên là, lập-trường như thế sẽ tạo tranh-luận khá gay go. Ngài và các giám-mục tham-dự Thượng Hội-Đồng, dù tất cả không là người Công giáo, đều đồng ý chấp-thuận thâu-nhận các lời dạy về niềm tin, xuất tự Giáo hội và việc thực thi đạo-lý. Tuy nhiên, khác-biệt vẫn ở việc thực-thi kỷ-luật cách riêng rẽ, chẳng hạn như việc đẩy lùi người ly-dị rồi lại tái giá không được phép rước lễ rồi bảo chuyện đó là do niềm tin Công giáo đòi hỏi.

Nhiều vị giáo-phụ Thượng Hội Đồng lại khác hẳn Đức Giáo Hoàng về chuyện ta cần đặt chuyện gì/việc gì ưu-tiên số một, trong cuộc sống? Phải chăng là: chấp-nhận niềm-tin ban bố cho người sống bên lề Giáo-hội, hoặc củng-cố niềm-tin của những người đang ở giữa lòng Giáo hội? Bởi lẽ, các giám mục/thượng-phụ vẫn do-dự và/hoặc bất đồng quan-điểm với Đức Phanxicô một cách công-khai do việc ngài tỏ-bày cảm-tình với những người sống bên lề Giáo-hội làm nổi lên việc mọi người lại sẽ ngưỡng mộ ngài nhiều hơn nữa. Điều này có nghĩa là: các khác-biệt giữa các thương-phụ với Đức Giáo Hoàng tuy chưa nói ra, nhưng cũng được nhiều người đã hít/ngửi do bởi sự việc đà thấy rõ như ban ngày.

Cuối cùng thì, nhiều thượng-phụ tỏ ra khác với Đức Phanxicô ở điểm: không biết ta có nên cởi mở với tranh-luận và bày tỏ sự bất đồng hay không ở Thượng Hội Đồng;’ và nói chung, là: ngay bên trong Giáo-hội, khả dĩ khích-lệ người Công giáo nhìn rõ được sự thật hoặc chuyện đề-cập ở đây sẽ đưa họ vào tình-huống bối rối, khá lẫn lộn.

Hành động viết thư nói thẳng và tập-họp rồi thỉnh gửi càng khiến dấy lên nhiều vấn-đề về sau. Dù hình-thức phát-biểu này dính với tự-do ngôn-luận ở xã-hội, mọi người vẫn cứ trông chờ hoặc Đức Phanxicô hoặc các giám-mục thượng-phụ từng bất đồng ý-kiến với ngài, lại sẽ đón chào những người sống ngoài lề Giáo hội, thôi. Bởi, đối với Đức Phanxicô, các vị tham-dự Thượng Hội Đồng rồi sẽ không còn cởi mở với những người sống bên lề Giáo hội, để bảo vệ các đấng bậc vị vọng khác còn ở trong lòng Hội thánh. Đối với các vị chống-đối quan-niệm lập-trường của Đức Giáo Hoàng, thì sự bất-đồng công-khai của chúng dân hoặc những người đang chơi trò chính-trị ở bên dưới, sẽ đưa đến tình-trạng mất hiệp-nhất và hỗn loạn.

Tuy thế, lập-trường niềm tin vẫn được gìn giữ cách hăng say, triệt-để. Đồng thời, chẳng ai muốn mình ở vào tư-thế của người thua cuộc, hết.” (x. Lm Andrew Hamilton sj, Can Speech Be Free in the Catholic Church?” Eureka Street 08/04/2015)

Thật ra thì, tác giả bài viết hôm nay là Lm Andrew Hamilton sj, cũng chỉ đặt vấn-đề như bao vị khác, chứ nào dám có câu trả lời đích-đáng, vào lúc này. Nhưng, một số độc giả ở Úc đọc bài viết của tác-giả này xong, đã có đôi giòng phản-hồi khá chân-chất, như sau:

“Thưa Lm Andrew Hamilton, bài viết của ngài thật rất hay. Tôi đây vốn dĩ là sinh viên ngành chính-trị học thôi, cũng đã thấy việc phân-biệt ‘tự do phát-biểu ở xã-hội’ khác với ‘cuộc sống ở nhà Đạo’ khiến tôi đây thấy thích-thú. Tôi có đọc sách do tác giả John Honner từ 2007 viết về Frederic Ozanam, thấy tác-giả này cũng đã phân-biệt được tư-tưởng của Ozanam về sự khác-biệt giữa thế-quyền và thần-quyền”, cũng hệt như ngài. Tôi rất thích đọc những tư-tưởng nào khiến tâm-trí mình tươi mát về sự tách-bạch như thế và về nguồn gốc của nó, nhiều lắm. Đằng khác, như tác-giả Tocqueville từng đề-cập đến chuyện dân-chủ-hoá tinh-thần ở Mỹ, từ đó tôi mới thấy là Đức Phanxicô nay đang có cái nhìn bớt hà-khắc hơn xưa, về tự-do ngôn-luận ở nhà Đạo. Và đó là điều mới-mẻ, đáng khích-lệ. Và, tôi cũng nghĩ nhiều về sự việc Đức Giám Mục Bill Moore, cựu Giám mục địa-phận Toowoomba ở Úc, rất có lý khi ngài chủ-trương tự-do ngôn-luận ở nhà Đạo, khá chí-lý” (x. Lm Andrew Hamilton sj, ý-kiến phản-hồi của bạn trẻ tên Tom gửi báo Eureka St hôm 08/4/2015 bđd)

            Thật ra thì, các “đức ngài” có bày-tỏ lập-trường khác nhau cách mấy đi nữa, thì bạn đọc như bầy tôi đây, chỉ xin “kính lão đắc thọ”, chứ nào dám thêm thắt gì nhiều. Bởi, các “đức ngài” nói thế đã đủ; bằng không, ta đợi tới tháng 10/2015 xem có gì mới không, hạ hồi sẽ tỏ.
            Trong khi chờ đợi ngày ấy, nay mời bạn/mời tôi, ta hãy về vườn hoa lời vàng của Đấng Thánh nhân hiền đã dặn rằng:

            “Hãy coi chừng
kẻo sự tự do của anh chị em
nên dịp cho những người yếu đuối
sa ngã.”
(ICor 8:9)

Hoặc, hơn thế nữa:

“Thiên-Chúa là Thần Khí,
và ở đâu có Thần Khí Chúa,
thì ở đó có tự do.”
(2Cor 3: 17)

Lại nói thêm rằng: thật ra, thì khi mới lọt lòng mẹ ta đã có tự do từ lâu lắm rồi. Tự-do, là điều ta vẫn có do bậc mẹ cha để lại. Chỉ mất tự-do, khi ta chểnh mảng không coi trọng đó là sự-thật để trân-trọng.
Và cũng lại nói thêm, rằng: thật ra, thì một khi biết mình có tự-do con cái Chúa rồi, ta còn ngại ngần gì mà không thực-thi quyền căn-bản ấy, cho chính mình. Và, khi đã quyết như thế rồi, hẳn mỗi người và mọi người sẽ hả hê/vui sướng, rồi hát bài “Bánh xe lãng-tử” của tác-giả Trọng Khương một lần nữa, những câu như:

Xe lăn êm êm dưới ánh trăng vàng.
Môi ai say sưa hé mấy cung đàn.
Ca lên cho tan nỗi niềm cay đắng.
Vui ca lên đi trong chiếc xe già.
Sau khi men say lắng mấy tơ đàn.
Hồn ta vụt bước lên trời xanh lam.”
(Trọng Khương – bđd)

Ca lên rồi, ta cứ thế mà vui. Vui mãi lên, vì mỗi người và mọi người đã có tự-do con cái Đức Chúa Blời, ở trong đời.
Hát thế rồi, ta cũng nên lẳng lặng đi vào vùng trời đầy truyện kể vẫn rất nhẹ để minh-hoạ cho những gia-đình tuy sống trong lòng Giáo hội hoặc xã-hội mà vẫn có cái gì đó cay cay đắng đắng, rất như sau:

Nửa đêm có tiếng gõ cửa, ông chủ nhà cẩn thận không mở cửa mà chỉ hỏi

- Ai đó?
- Cướp đây.
- Muốn gì?
- 15 cây vàng.
- Một tạ rưỡi được không?
- Không đùa, nếu “ câu giờ ” thì cả ngôi nhà này sẽ bị thiêu trụi đấy.
- Tôi không đùa. Một tạ rưỡi vàng có được không?
- Vậy thì mang ra đây.
(Ông chủ nhà quay sang vợ)
- Em yêu, cục vàng của anh, ra gặp họ đi.
 
Rất đúng là như thế. Có ở trong lòng hay bờ rià Giáo hội, thì người người vẫn là cục vang thoi và vàng ròng những “tạ rưỡi”. Bỡi thế nên, bạn và tôi, ta sẽ luôn tôn trọng những “vàng ròng” như thế mãi.
 
Trần Ngọc Mười Hai
Tự nhắc mình và bầu bạn
Chứ  chẳng dám khuyên can
Bất cứ một ai
Trong cõi đời.  

Saturday, 18 April 2015

“Ngồi, dưới trăng lắng im nghe lòng ta”,



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ IV Phục Sinh năm B 26/04/2015

“Ngồi, dưới trăng lắng im nghe lòng ta”,
Thổn thức bao chuyện ngày qua... sầu đau
Hỡi người dấu yêu, sao đành nỡ quên...
Sao đành tình ta vỡ tan, như cánh chim lìa bay?
(Breakfast at Tiffany’s Moon River – Phạm Duy: Dưới Trăng)

(2Cor 13: 5-10)
          Thật ra thì, có “ngồi dưới trăng lắng im nghe lòng ta” cách mấy đi chăng nữa, đã chắc gì mình thấy lại được hồn mình đang “thổn thức bao chuyện ngày qua…sầu đau”, đâu chứ!
          “Sầu đau” không, vẫn là chuyện của người viết khi ông lại đã hát thêm, rằng:

            Lòng, đắm say những khi ta gần nhau,
Ngồi dưới ánh trăng dịu êm ….cùng mơ.
(Dưới Trăng – bđd)

Ấy đấy, là vấn đề. Sầu đau hay buồn vương, chán chường vẫn là chuyện thời đại, của nhiều người. Những chuyện như thế, nay len lỏi vào tâm tư các vị xưa nay từng sống với quyền-cao-chức-trọng, cũng hệt thế.
Sầu đau hôm nay, có thể là chuyện vẫn xảy đến với nhà Đạo, khi nhiều vị ở đó vẫn quan-tâm đến chuyện phù-phiếm, chóng qua như so-sánh chuyện nổi-danh/nổi-tiếng hoặc nổi cộm được toàn thế-giới hâm-mộ, như hôm rồi nhà báo Úc, viết những giòng như sau:

“Sau 2 năm vẫn ‘trụ’ ở cương vị giáo-chủ cả một đạo, Đức Phanxicô nay đạt tỷ-lệ nổi tiếng/mến-mộ đến 90%, vượt xa Đức Bênêđíchtô 16 và coi là đấng được nhiều người ưu-chuộng nhất hành-tinh.

Đức Phanxicô dự-định ghé thăm thủ-đô Washington, New York và Philadelphia vào tháng 9 năm 2015, nên tin này đã làm người Mỹ tìm cách lập khảo-sát nhằm thu-thập số phiếu bầu ngài là “vị Giáo-hoàng được lòng người Mỹ nhất” lên đến 57% số phiếu bầu.

Theo hãng thăm dò dư-luận Pew Research Centre, thì tiếng-tăm của Đức Phanxicô nay gia-tăng rất nhiều nội hai năm qua. Từ ngày khởi-đầu triều-đại Giáo-hoàng, ngài khởi-phát chỉ mới 58% vào độ tháng 9/2013 nhưng đến năm 2014, tỷ-lệ này lên đến 66% và năm 2015 đạt 70%, ngay ngày đầu. Với người Công-giáo đi lễ đều đặn, thì các vị lại bầu cho Đức Phanxicô một tỷ-lệ đến 95% số phiếu tuyên-dương ngài là chủ chăn được người ưa-chuộng nhiều nhất. Và, trong số các người này, nhiều vị lại hoàn-toàn đồng-ý với ngài, trong mọi chuyện…

Theo nghiên-cứu/khảo-sát do công-ty Pew Research Centre thực-hiện từ ngày 18 đến 22 tháng Hai 2015 trên điện-thoại nhà và di-động đã chuyển đến 1504 người lớn tuổi trên toàn quốc đã nắm được con số trên.” (tin trên The Catholic Weekly 22/3/2015, tr. 15)

Bàn về chuyện người người rất ưa-thích Đức Phanxicô như thế quả quá đúng. Và ở đây, ta cũng không có gì để bàn cãi với tranh-luận. Thế nhưng, nếu cứ theo tin tức và bảng điểm do báo/đài truyền-thông Mỹ loan đi, thì chỉ như thế thôi.
Thế thôi, nghĩa là chỉ mỗi con số và con số nói lên cũng chỉ chút ít thực-tại, trong khi đó sự thật rất thực có thể lại rất khác. Thực-tại đích-thật khác, là ở chỗ: không thấy báo/đài nào chấm điểm hoặc so-sánh tính khiêm-nhu/lành-thánh của ‘đấng bậc’ ở chốn trời-cao-mây-trắng-toát-rất-tít-mù là Giáo hội Công-giáo của mình, hết.
Bởi, có làm thế cũng bằng thừa, vì: vào những tháng ngày gần đây, người đi đạo cũng nghe/biết nhiều về tình-hình phong thánh các đấng bậc lại đã gia-tăng nhiều đến độ có người gọi đó là “Lạm phát chất thánh”…
Gia-tăng như thế, nghĩ cũng phải, vì các ngài tuy chưa quá vãng hoặc đã xa lìa cõi thế-trần này những cũng được người đời gọi bằng danh xưng thật rất thánh quá mức đến nỗi các vị, khi được bầu làm giáo-chủ một đạo, là đạt ngay danh hiệu quí-hiếm: Đức “thánh” Cha, ngay thôi. Thế nghĩa là: các ngài dù chưa hoạt-động gì bao lăm cũng đã là thánh rồi, để rồi khi chết lại cũng trở-thành ‘thánh’, gấp đôi mà thôi.
Thôi thì, có gọi các ngài là Đức “thánh” Cha hay không, cũng đâu là chuyện quan-trọng. Điều quan-trọng với Giáo-hội hôm nay, là: Giáo-hội ta có còn đặt nặng khía-cạnh “quyền-lực” vào vị-thế của các đấng bậc đứng đầu một Giáo-hội hay không, mà thôi!
Bàn việc này, cũng nên tạt qua ý/lời của đấng bậc vi vọng cỡ bậc thầy thần-học ở chốn miền khá thấp nhưng lại là bậc thày của 4 đại học Công giáo ở Hoa-Kỳ đến 40 năm tròn, là Lm Kevin O’Shea CSsR, như sau:   
         
“Bài Thương Khó do thánh Máccô ghi, khi nói Đức Giêsu bị giới quyền cao chức trọng người La Mã hạch-hỏi xem Ngài có đích-thực là Vua-dân-Do-thái, tức là người có quyền chức tương-đương nơi dân Ngài, không. Sở dĩ Philatô hỏi thế, là vì ông bị đám Do thái có quyền-chức là các thượng-tế trong đạo cứ bủa vây, xúi giục ông làm những việc như vậy. Thế nhưng, Đức Giêsu vẫn lặng-thinh không nói lời nào, là bởi như ngôn-từ của Trình-thuật Tin Mừng cho thấy: Ngài không trả lời theo hướng họ đưa ra, vì Ngài không thuộc hệ-thống cầm-quyền như họ.

Đức Giêsu muốn giải-thoát nhân-loại không vì mục-đích đưa nhân-loại ra khỏi chốn “lỗi tội” mà còn đưa ra khỏi mạng-lưới quyền-lực vốn dĩ muốn gài bẫy những người cùng một vai-trò, ở trong đó. Điều này cho thấy: có nhận-thức đích-thực từ ảnh-hưởng của cơ-chế xã-hội trong mọi quyết-định về chính-trị.

Đặc quyền/đặc lợi, là cha đẻ ra quyền-lực, mà quyền-lực lại đẻ ra bức-bách, bức bách đẻ ra sức mạnh. Đương nhiên cùng một lúc, hệ-thống quyền-bính không buộc phải trở-thành một thứ “dê tế-thần” cốt bào-chữa cho các hành-xử của người có vai-trò lãnh-đạo, ở cấp cao. Nhưng, chính họ là người có bổn-phận đứng lên chống lại áp-lực của xã-hội như thế, trước mặt mọi cơ-chế bất công.

Thành-ngữ do thánh Máccô sử-dụng cốt để mai-mỉa/phản-bác lối khuynh-loát, cũng là ngôn-từ để nói rằng: thủ-lãnh cấp cao nơi công-quyền lại cũng là nô-lệ của nhiều thứ. Chương 10 câu 44-45 còn thấy đầy những ngôn-từ chính-trị mang tính hạt-nhân ban đầu, mà tiếng Hy-Lạp gọi là “protos”, vẫn ở cạnh chữ “nô-lệ”, tức “doulos”“diakonen”, tức “phục vụ”. Ngay chữ đầu đã có nghĩa trở-thành “nô-lệ” rồi. Quan-điểm này, thật triệt-để; do cụm từ “doulos” không chỉ nói về giai-tầng thấp ở cơ-cấu quyền-lực mà thôi, nhưng còn diễn-tả như sự trượt-vuột khỏi cơ-cấu nắm quyền và có uy-lực đầy mình. Từ-vựng ấy, cũng không diễn-tả giai-tầng cao xa nhất, hoặc giai-tầng thuộc loại thứ-yếu hoặc chót hết, hiểu theo nghĩa cơ-cấu quyền-lực. Đó, là thứ gì trái-nghịch hẳn. Là mặt trái, tức: thông-điệp đầy mỉa-mai/châm-biếm vốn dĩ nằm bên trong cơ-cấu quyền-lực rồi. Nói cách khác, đây thực sự là những người biến thành nô-lệ cho quyền-lực. Họ cần được giao cho đám thiếu quyền-lực nhất...” (x. Lm Kevin O’Shea, CSsR, Ơn Cứu Chuộc Nơi Ngài chan-chứa, Chương 2 phần 4, nxb Hồng Đức sẽ phát hành vào hạ tuần 4/2015)

            Đề-cập đến vấn-đề Giáo-hội và quyền-lực, vẫn luôn là chuyện nóng bỏng, rất khó lòng. Khó, là bởi khi ai đó đã ở bên trong guồng máy có quyền và có lực rồi, thường sẽ có khuynh-hướng hỗ-trợ cả hai bên, tất tần tật. Nói thế, tức diễn tả cách nào đó để bảo rằng: đôi bên đều như nhau và ngang nhau.
            Đề-cập chuyện thế-quyền và thần-quyền, là ta đi vào những chuyện nóng bỏng, càn dễ “cháy” hơn nữa. Cháy, cả trong lẫn ngoài. Cháy, từ trên xuống dưới, mà ngôn-ngữ đời thường vẫn bảo đụng vào sẽ “từ chết đến bị thương, thôi.”
            Thật ra thì, đề-cập đến sự nổi tiếng khi nắm gọn vai trò chóp bu ở thế-quyền hay thần-quyền cũng đừng quên lời Đấng Thánh-hiền còn đó, vẫn gọi mọi người hãy đọc đi rồi tự xét, như sau:

“Anh em hãy tự xét xem
mình có còn sống trong đức tin hay không.
Hãy tự kiểm điểm.
Anh em chẳng nhận thấy là
có Đức Giêsu Kitô ở trong anh em sao?
Trừ phi anh em đã thua trong cuộc kiểm điểm này.
Tôi hy vọng rằng anh em sẽ nhận thấy
là chúng tôi đây không bị thua.
Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa
cho anh em đừng làm điều gì trái,
không phải để tỏ ra chúng tôi thắng,
nhưng để anh em làm điều thiện,
cho dù chúng tôi như bị thua.
Vì chúng tôi không thể làm gì chống lại sự thật,
nhưng chúng tôi chỉ có thể hoạt động cho sự thật.”
(2Cor 13: 5-8)

Nhắc nhớ lời thánh-hiền xưa căn-dặn, hẳn cũng thừa. Thừa hơn nữa, là khi lời nhắn ấy lại gửi đến đấng-bậc vị-vọng trong giáo-hội rất thánh của Đức Chúa. Nhắc nhở đôi điều gửi đến những ai còn có tham-vọng “làm lớn” hoặc nổi-tiếng như cồn ở đâu đó, có lẽ cũng chỉ nên nhắc và nhở bằng truyện kể hoặc tin tức…mình, ở đời thôi.
Nhưng trước khi cứu xét những sự việc như thế, tưởng cũng nên trở về với lời ca mà người nghệ-sĩ ở nhà từng dịch ra lời Việt và hát thêm, rằng:

Ngồi dưới trăng lắng im nghe lòng ta
Thổn thức bao chuyện ngày qua... sầu đau
Hỡi người dấu yêu, sao đành nỡ quên...
Sao đành tình ta vỡ tan như cánh chim lìa bay?
Lòng đắm say những khi ta gần nhau,
Ngồi dưới ánh trăng dịu êm cùng mơ...
Con thuyền trôi về đâu dưới trăng vàng?
Cớ sao một mình ta ngồi dưới ánh trăng lẻ loi,
buồn vấn vương... chán chường...”
(Dưới Trăng – bđd)

“Buồn vấn-vương, chán-chường” có là tâm-trạng của người đời ở đời, sau khi đứng ‘trụ’ chốn cao trong phong-trào nào đó, tức ‘tiếng tăm’ của mình đã nổi đình/nổi đám suốt một thời, nhiều năm tháng như cặp đôi “đồng tính” ở địa-hạt thời-trang, nay có vấn-đề như sau:

“Chuyện đạo-đức trong sinh-hóa tuần vừa qua, lại xảy đến từ sàn diễn thời-trang ở Milan, nuớc Ý cho tới buổi phỏng-vấn tập-san Panorama ở đây nói về cặp bài trùng tạo mẫu thời trang là Stefano Gabbana và Domenico Dolce đã đả-kích hôn-nhân đồng tính luyến ái, thụ thai ống-nghiệm IVF và chuyện thay mẹ đẻ để sinh-sôi nảy nở…

Dolce và Gabbana từng chung sống như cặp tình nhân đồng-tính đến 20 năm, nhưng đã chia tay cách nhẹ nhàng vào năm 2005, dù đạt thành-công như người chung-phần đối-tác trong thương-vụ. Khi được hỏi, quý vị có muốn làm cha theo cung-cách nào đó không, thì Dolce trả lời ngay rằng:

“Tôi là người đồng-tính luyến-ái, nên không thể có con được… chúng ta sinh ra có cha có mẹ, hoặc ít ra là như thế, còn các trẻ không có cha có mẹ theo nghĩa tự-nhiên như thế, thì tôi gọi là “trẻ con sinh tự phòng dược, hoặc trẻ chế-biến tổng-hợp, sinh từ buồng trứng thuê mướn, do chọn tinh-trùng từ danh-mục hàng-hoá…”

Không những thế, nhà tạo mẫu Domenico Dolce, 57 tuổi lâu nay tự nhận là người Công-giáo vẫn còn đi nhà thờ khá đều-đặn, lại nói:

“Không thể tính chuyện sinh con theo cách thuê mướn tử-cung hoặc dùng hoá-chất mà tạo thành được. Cuộc sống, là giòng chảy tự-nhiên có những điều trong đời, ta không được phép thay đổi nó, mới đúng. Nếu quý vị sinh ra từ cung lòng người mẹ và do tinh-trùng của người cha đích-thực hoặc ít ra phải như thế. Làm khác đi, thì đó chỉ là đứa con từ phòng dược, tức trẻ được chế-biến theo cách tơ sợi tổng-hợp, thuê mướn tử-cung của ai khác, hoặc tinh-trùng được chọn từ tập danh-mục thương-mại, mà thôi.”

Trong khi đó Stefano Gabbana lại bảo:

“Gia đình không là ‘mốt’ thời-trang. Gia-đình phải có nghĩa siêu-nhiên gần gũi thân-thương của người nhà…” Vào lúc đó, Dolce lại đã thêm ý của Gabbana: “Đồng-công kiến-tạo là động-thái của tình yêu. Ngay các chuyên-gia tâm-thần cũng đang phải đối đầu với ảnh-hưởng của cuộc thực-nghiệm do mình tạo ra, nữa.”

Chuyện xảy ra là, khi nghe biết câu chuyện như thế, thì thần-tượng đồng-tính luyến-ái người Anh là ngài Elton John, tức cha của hai đứa trẻ sinh từ bà-mẹ-thuê-mướn thay cho mẹ ruột đã phản-ứng một cách rất nóng-giận và bảo rằng: sao các anh lại dám qui về các đứa con thân-yêu tuyệt-vời của tôi, rồi đặt tên cho chúng là trẻ bé sinh từ tơ sợi tổng-hợp? Các anh thật đáng xấu hổ chỉ biết chĩa tay vào ống nghiệm IVF thôi. Tư-duy của các anh nay lỗi thời rồi, hệt như thời-trang do các anh tạo ra nay không còn ăn khách nữa. Từ nay, tôi sẽ không thèm mua đồ Dolce & Gabbana tạo mẫu về mặc đâu..” (X. Michael Cook, Dolce & Gabbana spark internet frenzy over IVF, BioEdge 21/3/2015)

Xem thế thì, chuyện nổi đình/nổi đám đầy tiếng tăm suốt nhiều năm, đã trở-thành vấn-đề với nhiều người, những hỏi rằng: được thế đến bao lâu. Nổi cồn như thế, có làm cho bản-thân người nổi tiếng thêm được chút hạnh phúc nào không? Hoặc, có giúp người nổi tiếng trở-thành lành/thánh lâu năm không?
Trả lời câu hỏi gay-go/hiểm hóc này, thật cũng khó. Khó, là bởi những người như bạn và tôi, có lẻ ta chưa bao giờ được thế. Nên, thay vì trả lời cho đích-đáng, có lẽ cũng nên đi vào vùng trời truyện kể, để xem: có thể may ra cũng có trường hợp tương-tự.
Quyết thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta đọc thử truyện kể sau đây, rồi sẽ thấy:

“Truyện rằng:
Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người siêu việt, vẽ được rất nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng dều khen ngợi. 

Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp. Ông không mấy khi khen ngợi ai, cũng không bao giờ đề cập đến thời gian của khóa hoặc. Ông nói, một học trò chỉ có thể thành công khi ông hài lòng với kỹ năng và hiểu biết của người đó. Ông truyền cho học trò những phương pháp đánh giá, ước định của ông, và chúng cũng độc đáo như những tác phẩm của ông vậy. Ông không bao giờ thổi phồng tầm quan trọng của những bức tranh hay sự nổi tiếng, mà ông luôn nhấn mạnh đến cách xử sự, thái độ với cuộc sống của học trò.

Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, chăm chỉ, sáng tạo,nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev. 
    
Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Rajeev được ông Ranga gọi đến và bảo:
-Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi. 

Rajeev làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Thầy Ranga xem qua rồi bảo: 
-Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng.

Hãy viết bên dưới bức tranh là tác giả sẽ rất biết ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ suất nào trên bức tranh và đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó. Rajeev làm theo lời thầy: đặt bức tranh ở quảng trường lớn với một thông điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ suất. 
    
Sau hai ngày, Ranga đề nghị Rajeev lấy bức tranh về. Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X. Nhưng Ranga tỏ ra bình tĩnh và khuyên Rajeev đừng thất vọng, cố gắng lần nữa. Rajeev vẽ một kiệt tác khác, nhưng thầy Ranga bảo phải thay đổi thông điệp dưới bức tranh. Thầy Ranga nói phải để màu vẽ và bút ngay cạnh bức tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm những chỗ sai trong bức tranh và sửa chúng lại bằng những dụng cụ để vẽ ấy. 

Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui mừng khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết và tự tin đem đến chỗ Ranga. Ranga nói: 
-Con đã thành công vào ngày hôm nay. Bởi vì nếu chỉ thành thạo về mỹ thuật thôi thì chưa đủ, mà con còn phải biết rằng con người bao giờ cũng đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội đầu tiên, cho dù họ chẳng biết gì về điều đó cả. Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng. Con người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách-nhiệm hay nghiêm-túc gì cả. Mọi người đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của con vì họ không có trách nhiệm gì mà lại cho đó là việc không cần động não. Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất thì không ai làm nữa, vì họ sợ bộc lộ hiểu biết - những thứ mà họ có thể không có. Nên họ quyết định tránh đi là hơn. Cho nên, những thứ mà con phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự đánh giá mình. Và tất nhiên, cũng đừng bao giờ đánh giá người khác quá dễ dàng.” (truyện kể do St sưu-tầm gửi lên mạng)

Kể thế rồi, nay mời tôi và mời bạn, ta cứ đi vào giòng chảy những nghĩ suy để rồi tự mình rút ra bài học để đời cho mình, cho người, và cả đấng bậc trên cũng như dưới, rất Nước Trời.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những ngày
Nhiều nghĩ suy
Về những tiếng tăm
nổi cộm một thời
rồi cũng xẹp
trong âm-thầm.