Tuesday, 27 November 2018
“Sống trên đời này”
Chuyện
Phiếm đọc trong tuần thứ nhất mùa Vọng năm C 02-12-2018
“Sống trên đời này”
người giàu sang cũng như người nghèo khó.”
Trời đã ban cho ta cám ơn trời dù sống thương đau
Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau
Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao.”
(Lê Dinh – Trở Về Cát Bụi)
(Lc 2: 41)
“Trở Về Cát Bụi”, lại có nghĩa “đi vào lòng đất”, lòng người và
lòng đời, rất khơi khơi. “Trở về cát bụi”
còn là và sẽ là trở về với nhà Đạo nhiều tầng lớp. Có lớp tầng đầy vàng
son. Có tầng lớp lợi danh với chức quyền, như nhạc bản còn lên tiếng, như sau:
“Này nhà lớn lầu vàng son
Này lợi danh, chức quyền cao sang
Có nghĩa gì đâu… sao chắc bền lâu
Như nước trôi qua cầu
Này lời hứa…
Này thủy chung…
Này tình yêu… Chót lưỡi đầu môi cũng thế mà thôi
Sẽ mất ngày mai như áng mây cuối trời
Sống trên đời này tựa phù du có đây lại rồi mất.
Cuộc sống mong manh xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen
Nào người sang giàu đừng vì tham tiền bỏ nghĩa anh em
Người ơi xin nhớ cát bụi là ta… mai này chóng phai
Người nhớ cho ta là cát bụi trở về cát bụi
Xin người nhớ cho.”
(Lê Dinh – bđd)
“Người nhớ cho”, xin nhớ đủ mọi thứ chuyện. Cả đến truyện
kể không nặng nề, nghe cũng thấy mê, đọc được ở bên dưới:
“Truyện rằng:
Một người đàn ông chết rồi, mới ý thức được rằng cuộc đời
mình thật ngắn ngủi. Lúc đó, anh ta nhìn thấy Phật tổ tay xách một cái hòm,
tiến lại phía mình. Phật tổ nói:
-Con trai, chúng ta đi thôi.
Người đàn ông đáp:
-Sao nhanh quá vậy, con còn rất nhiều việc vẫn chưa hoàn
thành.”
Phật tổ nói:
-Ta rất xin lỗi, nhưng thời gian của con hết mất rồi!
Người đàn ông lại hỏi:
-Vậy thưa Phật tổ, trong chiếc hòm của ngài có chứa thứ
gì vậy?
-Đó là di vật của con, Phật tổ trả lời.
Người đàn ông tỏ ra nghi ngờ, hỏi tiếp:
-Là di vật của con sao? Ý của người: đó là thứ thuộc về
con, có phải là quần áo và tiền không ạ?”
Phật tổ đáp:
-Những thứ đó trước giờ chưa bao giờ thuộc về con, chúng
thuộc về địa cầu.
-Vậy có phải trong đó là ký ức của con không?
Người đàn ông ngẫm nghĩ một lát rồi phỏng đoán..
-Không phải, ký ức thuộc về thời gian.
Người đàn ông lại đoán:
-Có phải là tài năng thiên phú của con?
-Không, chúng thuộc về cảnh ngộ.
Người đàn ông băn khoăn:
-Lẽ nào trong đó là bạn bè và người nhà con?
-Con trai ạ, không phải vậy đâu. Họ thuộc về hành trình
mà con đã đi qua.
-Vậy có phải là vợ và các con của con trong đó không thưa
Phật tổ? người đàn ông hỏi tiếp.
-Không, họ thuộc về trái tim con..
Người đàn ông lại phỏng đoán:
-Vậy nhất định đó là thân xác của con rồi.
-Không, thân xác của con thuộc về cát bụi.
Cuối cùng, người đàn ông khẳng định chắc chắn:
-Vậy đó nhất định là linh hồn của con!
Lúc này, Phật tổ mỉm cười, đáp:
-Con trai, con hoàn toàn sai. Linh hồn của con thuộc về
ta.
Mắt ngấn nước, người đàn ông nhận chiếc hòm từ tay Phật
tổ bên trong chiếm hòm trống rỗng. Nước mắt chảy dài trên má, trái tim vỡ vụn,
người đàn ông hỏi Phật tổ:
-Lẽ nào từ trước tới nay con chẳng sở hữu bất cứ thứ gì
sao?
Phật tổ đáp:
-Đúng thế con ạ. Trên thế giới này bây giờ chẳng có bất
cứ thứ gì thực sự thuộc về con.
-Vậy thì cái gì mới là của con?
-Mỗi tích tắc khi con đang còn sống, chúng thuộc về con,
còn bây giờ, con chẳng còn gì cả.
Đến lúc này, người đàn ông mới như được thông suốt. Thì
ra, sinh mệnh, đời người chỉ là những cái tích tắc ngắn ngủi và điều chúng ta
nên làm nhất, là tận dụng nó sao cho thật hiệu quả, thật tốt, yêu quý nó, hưởng
thụ nó. Còn được sống, đó đã là một sự chiến thắng vẻ vang. Việc kiếm tiền chỉ
là một trò chơi không hơn không kém. Khỏe mạnh mới là mục đích và vui vẻ, hoan
lạc mới là chân đế!
Vậy nhưng trong cuộc sống này, thử hỏi có bao nhiêu người
đang ra bị cuốn vào vòng quay tiền tài, danh vọng? Có bao nhiêu người vì chút
lợi ích của bản thân mà làm tổn hại người khác và làm tổn thương chính mình mà
không nhận ra? Có bao nhiêu người sẵn sàng bán sức, đánh đổi sức khỏe để lấy
những vật ngoài thân…?
Các bạn biết không, đó là sai lầm lớn nhất cuộc đời, bởi
đến lúc chết, chẳng có bất cứ thứ gì trên thế giới này còn thuộc về chúng ta. Vậy
thì tại sao không tận hưởng một cách triệt để nhất mỗi tích tắc được sống trên
đời? Tại sao không làm cho quãng thời gian ngắn ngủi ấy trở nên ý nghĩa, trọn
vẹn nhất?
Từ lúc này, mỗi chúng ta hãy chọn cho mình một cách tận
hưởng thời gian hiệu quả nhất, đơn giản thôi, đừng quá nặng nề với những yêu
cầu xa vời, chúng chỉ khiến cuộc sống của chúng ta thêm mỏi mệt. Và cũng bởi
cuộc đời rất ngắn, nên hãy dành cho những người xung quanh ta sự trân trọng,
yêu quý hết sức có thể, đừng tranh chấp, cũng đừng giận dữ, hãy lựa lời, cùng
thấu hiểu và thông cảm cho nhau.
Thời gian của mỗi người trên đời càng đi càng ngắn lại,
dù là thân thiết gắn bó đến đâu, cuối cùng cũng vẫn phải chia ly”. (Theo báo Trí Thức
Trẻ)
Thời
gian dài ngắn, đến trước đến sau, đều có những sự kiện để đời. Hệt như Đạo Chúa
cũng có những sự-kiện để đời khiến con người không thể chối bỏ, tránh né hoặc bỏ
bê không tham-dự. Chính đó, là lễ hội ở nhà Đạo được ghi nhận như sau:
“Mọi người chúng ta nên biết đôi điều
về các ngày lễ được nêu tên trong Tân Ước diễn tả cuộc sống rất đặc trưng của Đức
Chúa. Tôi sẽ kể ra đây một vài lễ hội quan trọng của Do-thái-giáo. Trước tiên,
ngày trọng đại nhất là Lễ Vượt Qua. Đây là lễ hội chính trong năm kỷ niệm cuộc
giải thoát dân Israel sau 400 năm sống đời cơ-cực ở Ai Cập.
Hẳn mọi người còn nhớ Joseph, con trai
của Giacóp bị các người anh của mình bán làm nô lệ cho Ai Cập, nhưng anh đã trỗi-dậy
trở thành người quản-gia phục-vụ trong triều Pharaô. Suốt nhiều năm tháng kể từ
ngày Israel phải chịu cơn đói kém trải dài, mấy người anh của Joseph đã thân
chinh lên đường đi Ai Cập để kiếm cách độ nhật. Và theo lệnh Joseph, toàn-thể gia
đình những người thân đã qua đó làm nô-lệ phục-vụ vua quan ở đó suốt 400 năm, khiến
gia-tăng dân số lên gấp bội.
Kế đó, tổ-phụ Môsê cũng đưa họ ra khỏi
Ai Cập mãi đến lúc tử-thần chợt đến vào ban đêm giết sạch các con trai đầu lòng
và cả thú vật của họ; riêng dân Do-thái được lệnh bôi máu chiên lên thành cửa thoát
nạn, tình-hình khi ấy trở nên thập phần bi-đát khiến vua Pharaô biết chuyện
đành phải thả họ về nước. (X.
Sách Xuất hành đoạn 12 câu 1 đến câu 32)
Sau đó không lâu, người Do-thái-giáo đã
cử-hành mừng lễ hội này vào mỗi tháng, tức: đúng buổi chiều ngày thứ 14 tháng
Nisan, tức ngày tròn trăng của mùa Xuân. Và khi ấy, đã có lệnh lan truyền rằng:
mỗi gia đình đều phải ăn một con trừu được hiến tế vào sáng sớm trong ngày cùng
với bánh không men và rau đắng; đồng thời, mọi người được bảo phải uống thật nhiều
rượu và đọc lời cầu sau nghi thức được chỉ định.
Mọi nam-nhân khi ấy đều phải chuẩn bị đi
Giêrusalem dự lễ hội và Đức Maria cùng thánh Giuse cũng đều tới đó mỗi năm (Lc
2: 41; Xh 23: 14-17). Lễ hội Vượt Qua kéo dài một tuần lễ, trong những ngày này
mọi người chỉ được phép ăn bánh không men thôi.
Tin Mừng thánh Mátthêu, Máccô và Luca,
rõ ràng có chép: Đức Giêsu cũng cử-hành tiệc Tạ-từ qua nghi-thức mừng Lễ Vượt
Qua như mọi người (Mc 26: 17). Làm thế, Ngài đã biến Lễ hội Vượt Qua thành Tiệc
Thánh Thể mừng kính sự-kiện Thiên Chúa giải-thoát dân con loài người khỏi
tình-trạng nô-lệ tội lỗi, nỗi chết và ác thần sự dữ bằng cái chết của Con Chiên
Thiên Chúa trên thập-tự.
Lại có lễ-hội khác, qua đó người
Do-thái-giáo nối-kết với Lễ hội Vượt qua, là Lễ Bánh không men, bên tiếng Hy Lạp
gọi là Azymes, tức: lễ hội ngày mùa qua đó nhà nông cùng nhau tụ-tập tiến dâng
hoa quả đầu mùa lên Thiên Chúa (x. Sách
Lêvi 23: 15; sách Đệ Nhị Luật 16: 9)
Do bởi người Do-thái không có khả năng
trồng trọt và canh-tác mãi đến lúc họ trở về vùng đất hứa 40 năm sau khi rời bỏ đất Ai Cập, rõ ràng là lễ hội này
được định-vị từ ngày ấy mà thôi. Như thế còn có nghĩa, đã từ lâu lễ này được cử
hàng cùng với lễ Vượt Qua bởi lẽ cả hai lễ hội đều chú trọng đến bánh không men
và cả hai đều được mừng kính cùng một thời-điểm trong năm.
Nghi-lễ này chính-thức được định-vị
trong những năm tháng ngày dài sau đó, cả hai lễ hội này đều được mừng kính tại
Giêrusalem. Nghi-thức được cử-hành bằng thức ăn của lễ Vượt Qua vào đêm tối trước
ngày 14 tháng Nisan. Lễ hội này kéo dài suốt tuần lễ và suốt thời gian này dân
con mọi người bị cấm chỉ không được ăn bánh có lên men hoặc men bột được cất giữ
ở trong nhà. Và, các ngày lễ trọng thể nhất là ngày đầu và ngày cuối của lễ hội
ấy cùng với ngày sabát rơi vào những ngày từ 14 đến 21 của tháng Nisan.
Ngoài ra, còn một lễ hội khác cũng
quan trọng không kém đối với người theo Do-thái-giáo, đó là: Lễ Ngũ Tuần hoặc
còn gọi là Lễ Hiện Xuống. Lễ này được thiết-lập để dân con trong Đạo cảm-tạ
Thiên Chúa đã phú ban cho họ hoa quả, đậu hạt, lúa miến, lúa mạch cùng nhiều
lúa khác có màu đen. Dân con trong Đạo cử hành mừng lễ thất tuần hoặc 50 ngày
sau lễ hội Bánh KHông Men , bên tiếng Hy Lạp gọi là Lễ Ngũ Tuần (Hiện Xuống).
Đương nhiên, lễ hội này được nối kết
chặt chẽ với lễ Bánh Không Men được cử hành xen kẽ vào ngày đầu và cuối vụ gặt.
Với Lễ Vượt Qua, tất cả nam-nhân Do-thái phải có mặt ở đền thờ ở Giêrusalem để
mừng lễ Hiện Xuống.
Điều này cũng giải thích lý do tại sao
tất cả mọi người Do-thái-giáo ở khắp mọi nơi trên thế-giới đều về Giêrusalem mừng
lễ kỷ niệm ngày Thánh Thần Chúa hiện xuống với các thánh tông-đồ vào ngày lễ
Ngũ Tuần (x. sách Công vụ đoạn 2 câu 5-11). Bầu khí tưng bừng vây quanh lễ hội
này, là niềm vui cao cả, trong đó có yến-tiệc linh-đình hội-tụ tất cả mọi thành
viên trong gia đình, từ người giúp việc cho đến khách quí được mời như người
cùng nhà.” (X. Lm
John Flader, Jewish feasts the roots of today’s
Christian faith, The Catholic Weekly 14/8/2018 tr. 29)
Trong
những ngày vui đình đám như thế, giả như ai đó trong nhóm dân con đi Đạo lại cứ
rủ nhau quay quần mà vui chơi, ăn uống luôn tiện mừng kính mọi ý-nghĩa này khác
của đời người, hẳn mọi người sẽ không còn bận tâm gì đến lời lẽ của nhạc phẩm
được trích dẫn ở trên với những ca-từ từa tựa như:
“Sống trên đời này
người
giàu sang cũng như người nghèo khó.
Trời đã ban cho ta
cám ơn trời dù sống thương đau
Mai kia chết rồi trở
về cát bụi giàu khó như nhau
Nào ai biết trước số
phận ngày sau ông trời sẽ trao.”
(Lê Dinh – bđd)
Để minh-họa tình-tiết của lễ-hội vui, buồn
đình đám nói ở trên, thiết tưởng cũng nên đi vào vùng trời truyện kể, để kiếm
tìm một câu truyện làm nền, hầu ghi nhớ. Truyện, là những câu chuyện được gửi
gắm cho nhau, đến với nhau, những niềm vui như sau:
“Tôi không phiền lòng chuyện bạn tù của tôi là một “vợ”. Hắn rộng rãi
chia với tôi những thỏi chocolate và thuốc lá mà bọn “chồng” mua cho hắn. Tôi
cũng không khó chịu việc hắn là trí thức. Tôi cũng trí thức. Trong chốn này,
chỉ cần kể được tên thủ phủ hai tiểu bang và đọc bảng chữ cái không vấp, người
ta được coi là trí thức. Nhưng chúng tôi trí thức thứ thiệt. Chúng tôi biết
cách lý lẽ. Khác nhau duy nhất giữa tôi và hắn: tôi trí thức hữu cơ, hắn trí
thức vô cơ.
Tôi nói vô cơ theo
nghĩa, logic của hắn không được logic lắm. Hắn cho biết cả đời bị ám ảnh vì
hình dạng những lưỡi kéo: “Tao khoái một số lưỡi kéo đầu tà, một số đầu nhọn.
Chúng có thể đâm, cắt, mở toang hoác như miệng.” Hắn đưa hai ngón tay ngang mũi
làm động tác cắt, cười tinh quái. Hắn nói cảm thấy ngây ngất được ở chốn này:
“Suốt đời tao mong vào đây, dù không biết nó thế nào. Không phải sai lầm đâu,
chỉ là một chọn lựa. Người ta chọn số phận mình.”
Vớ vẩn. Tôi đâu
chọn vào đây. Không ai chọn vào đây. Lý do đẩy tôi vào tù là một cơn bệnh ngoài
tầm kiểm soát. Không ai có thể nói tôi thích tù hơn cuộc sống bên ngoài. Vì
kiểu lý lẽ đó, hắn là một trí thức vô cơ. Hắn suy diễn những quy luật phổ quát
dựa trên nhầm lẫn cá nhân. Hắn nói thêm: “Biết chấp nhận số phận, thậm chí một
số phận quái đản, đầy đau đớn khổ sở của chính mình và kẻ khác, sau cùng ta trở
nên thanh thản, thăng hoa!”
Ý tưởng này đến từ
tên tù chung thân không có khả năng được ân xá! Chuyện hắn đã làm chắc chắn là
tội ác, nhưng không ghê tởm hơn tôi, hay hầu hết những kẻ trong này. Tôi không
lên án hắn. Cũng không mong hắn ăn năn. Ðiều tôi phản đối là cách hắn nhìn tội
ác như một phương tiện khám phá bản thể. “Ðể hoàn thiện một người,” hắn triết
lý, “nhiều kẻ khác phải bị hủy hoại. Ðiều này cũng đúng với những quốc gia.”
Nếu điều này là sự
thật, tôi không hứng thú với sự viên mãn kiểu đó. Tôi thà làm nửa người đứng
đắn còn hơn thành quỷ sứ nguyên con. Tôi vào đây vì đã làm tổn thọ mười hai
mạng. Tôi không hãnh diện. Tôi lấy làm tiếc việc phải tiêu phần đời còn lại của
chính mình trong sở thú bê-tông và song sắt, giữa đám nửa người nửa ngợm. (Tôi
phục vụ trong quân đội bốn năm, nhưng chuyện đó chẳng nhằm nhò gì so với tù.)
Hàng tuần, trước
khi được uống Depo-Provera, một thần dược giúp giảm cơn dày vò tính đực, tôi là
kẻ nửa người nửa quái vật, nhưng lúc này quái vật đang ngủ yên trong ruột, nên
phần lớn tôi có thể được xem là người.
Tôi tổn thương,
khích động và căng thẳng đến mức bất kỳ kích thích nhỏ nào - mẩu quảng cáo đồ
lót, tách cafe, chiếc bánh donut - cũng đủ khiến tôi nghĩ: Máu! Tôi từng nghĩ
thân thể mình là lưỡi dao dài, ngày ngày thọc về phía trước tìm kiếm nạn nhân.
Khởi đầu, tôi nhắm
mắt giết bừa, như điên, chẳng triết lý, nhưng đến khi nạn nhân thứ sáu hoặc bảy
gì đó câm miệng (Diana? Susan?), khi là kẻ duy nhất còn lại trong phòng, tôi
bỗng nhận chân được mục đích. Hơn cả chuyện dứt bóng những mạng sống, tôi quan
tâm việc tạo mối liên hệ với nạn nhân thông qua sự làm nhục. (Còn gì gần gũi
hơn việc chia xẻ ô nhục). Sau phát hiện đó, mỗi lần chuẩn bị cắt cổ nạn nhân,
tôi nói: “Giờ thì chúng ta đã biết bí mật nhau, đã hạ nhục nhau, chẳng còn gì
ngoài việc gặp lại kiếp sau. Anh yêu em.” Quá xúc động bởi tuyên bố tình yêu,
mắt tôi đẫm lệ. Tôi hôn hàm răng lạnh giá những người đàn bà.
Có một sự im lặng
kỳ lạ sau mỗi lần ra tay. Có vẻ xác chết đang hút hết tiếng động thế giới vào
quỹ đạo phân rã của nó. Ngay khi vừa giết xong, ta có cảm tưởng mình là người
cuối cùng trên mặt đất. Một cảm giác thanh bình, tuyệt diệu. Người ta từng bịt
mắt cả tá nô lệ ném vào vòng đánh nhau cho đến khi chỉ sót lại một mạng.
Sau nạn nhân thứ
mười, tôi cảm thấy ngây ngất đến độ tin rằng Thượng Ðế sẽ gọi tôi. Tôi chăm chú
nhìn chiếc điện thoại, chắc rằng nó sẽ reng. Tôi tin Thượng Ðế sẽ chúc mừng tôi
việc tham dự trò đùa của ngài. Phụ nữ thông hiệp với Thượng Ðế ở điểm khởi đầu
trò đùa bằng sinh sản. Ðàn ông ở điểm kết thúc, bằng giết chóc.
Mắt của nạn nhân
thứ mười một mở trừng trừng. Tôi hơi run. Trong lớp dạy làm thơ, tôi được học
về chủ nghĩa Tượng trưng và Siêu thực. Tôi viết: “Mắt là cửa sổ tâm hồn. Khi
tâm hồn rời chỗ lưu tồn, mắt nên nhắm lại.” (Thầy giáo tôi, Mr. William, khen
ngợi hiệp vần “hồn” với “tồn”, “sổ” với “chỗ”). Tôi tham dự tất cả những lớp
học trong tù. Ðiều quan trọng là không phung phí thời gian và phải mở rộng chân
trời hiểu biết.
Nhưng nhân tố lớn
nhất giúp tôi hồi phục sự tỉnh táo là những trao đổi với một bạn thư, tên
Julie.
Julie ở Úc. Nàng ba
mươi chín tuổi, ly dị, và ung thư vú. Trong quá khứ, khi đau khổ của người khác
là nguồn mạch hoan lạc của tôi, sự kiện sau cùng này sẽ khiến tôi ngây ngất.
Nhưng giờ đây, tôi chỉ gởi lời an ủi đến nàng. Tôi cũng đều đặn tiêm cho nàng
những liều bất hạnh của tôi, phóng đại khi cần thiết, để nàng cảm thấy dễ chịu
khi so sánh. Tôi quan tâm Julie đến nỗi để giành lại hầu hết những chuyện tồi
tệ nhất của đời sống ngục tù, chỉ chia xẻ khi nàng thật sự xuống tinh thần. Tôi
nhạy cảm đến thế.
Tôi cũng lưu ý giữ
cân bằng giữa những chuyện kinh tởm và những chuyện thuần túy khôi hài. Chỉ
trong thư thứ ba, tôi kể chuyện những tay gác tù phải khám dái và đít tôi thế
nào trước khi cho phép vào sân đi dạo. Làm phụ nữ cười là điều tốt. Nụ cười
sảng khoái có thể trì hoãn ung thư. Nhưng tôi thấy bạn đang nhăn. Bạn thấy tôi
rơi vào trò tự bốc thơm. Bọn tù chúng tôi vẫn thường được coi là chỉ quan tâm
đến mình. Ðủ rồi. Tôi phải hít một hơi dài và đổi giọng đơn điệu.
Julie cho phép tôi
dòm ngó vào đời sống thường nhật của nàng. Trước nay tôi chưa bao giờ quan hệ
bình thường với phụ nữ. Nàng kể chuyện ăn sáng món gì, đọc sách gì. Nàng mô tả
chiếc áo choàng đang mặc khi viết thư.
Thư của Julie không
mùi. Giấy chẳng có mùi. Tuy vậy, nó đã được chạm vào bởi một phụ nữ, một phụ nữ
bằng xương bằng thịt. Vì thế tôi áp chặt lá thư vào mũi hít lấy một cách ngây
ngất. Ðây là mẩu giấy có mùi tuyệt dịu nhất trần đời. Tôi không ngại thú nhận
rằng tôi cũng vuốt ve mảnh giấy lên những bộ phận khác của cơ thể.
Một vài tay trong
tù lạm dụng bạn thư bằng những trò đại loại như yêu cầu các nàng ngồi lên máy
photocopy, nhưng tôi không phải loại đó. Thực ra, tôi chưa xin Julie tấm ảnh
nào.
Julie chưa bao giờ
hỏi lý do tù tội của tôi. “Tất cả chúng ta đều có một quá khứ đáng tiếc,” nàng
viết, “Em cũng vậy. Ai cũng có quyền giữ bí mật riêng mình. Nếu tất cả bí mật
được phơi bày, chúng ta sẽ bị khai trừ vĩnh viễn khỏi xã hội loài người.”
“Nếu gặp em cách
đây mười năm,” tôi viết, “anh đã không vào tù.”
Kiếp này tôi sẽ
chẳng bao giờ được ôm Julie trong tay. Hẹn kiếp sau. Mặt khác, tôi lấy làm vui
vì Julie ở rất xa, tôi sẽ chẳng bao giờ làm được chuyện khủng khiếp với nàng.
Không phải tôi muốn chuyện như vậy. Julie sẽ không bao giờ là nạn nhân thứ mười
ba. Ðiều quan trọng là trong đời, đàn ông ít nhất phải một lần có quan hệ thành
công với phụ nữ. Giờ tôi đã làm được chuyện đó.
Bác sĩ tâm lý của
chúng tôi, ông Fang, nói sở dĩ tôi sợ đàn bà là vì trong quá khứ họ đã bắt tôi
chiều chuộng, ý tứ, đê tiện, hy vọng, và can đảm, tất cả những phẩm chất tôi
không có, không bao giờ quan tâm phát triển. Ông nói: “Tất cả các anh đều sợ
đàn bà. Ðó là lý do khiến các anh vào đây.”
Trong sâu xa tôi
vẫn tin sẽ có ngày thoát khỏi nơi này. Có thể động đất hay một cuộc cách mạng
sẽ khiến cửa tù bật mở. Có thể một cuộc xâm chiếm của người hành tinh. Có thể
một thiên thạch.
Ðôi khi, khoảng
trước giấc ngủ, lúc nửa tỉnh nửa mê, tôi mơ thấy đang thả bộ trên đường Pine ở
Philadelphia. Nhưng mình không thể thả bộ được, đang ở tù mà! Trong giấc mơ
chập chờn, tôi ý thức đang nằm trên giường, dưới tấm mềm mỏng ngứa ngáy, nhưng
lại thấy rất rõ tiệm café Last Drop, đối diện bên kia đường là quán rượu Dirty
Frank. Nếu thật tập trung, tôi có thể mở cửa Dirty Frank, bước vào. Tôi cảm
thấy cơn giận khủng khiếp dâng lên, mắt mở to, nhìn thấy đáy giường gã bạn tù.
Một lần, trong tình
trạng như vậy, tôi gọi gã bằng những cái tên ghê tởm mà tôi lập tức hối hận.
Khi hắn thức dậy, tôi biện hộ vừa trải qua cơn ác mộng.
Gã bạn tù của tôi
lập gia đình năm năm. Năm năm tuyệt diệu, hắn kể. “Tụi tao làm tình mỗi tuần
hai lần, cãi nhau to tiếng mỗi tháng một lần, nấu nướng ngoài trời và đi biển
mỗi mùa hè.” Nhưng hắn đã vứt bỏ tất cả chỉ vì bị ám ảnh bởi hình dạng những
lưỡi kéo. “Suốt đời, tao bị thôi thúc không chịu nổi việc phải đâm đàn bà. Chỉ
sau khi đâm chết vợ trong khi ả đang ngủ, chẳng vì lý do gì, bằng một chiếc
kéo, tao mới nhận ra ham muốn thầm kín được ở tù. Tao muốn được ở giữa những
thằng đàn ông. Tao muốn đến phiên mình được đâm để thỏa mãn số phận.”
Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Two Intellectuals” trong
Linh Dinh, Blood and Soap (New York: Seven Stories Press, 2004).
Sống
trong đời, mà lại ví dụ như nhà tù, thì thật không phải. Thế nhưng, đời người
có gì là phải hoặc không phải. Nói cho cùng, cũng chỉ là lý-luận phải trái với
nhau, mà thôi. Lý và luận, hết mọi sự trên đời. Cả trong cuộc đời đi Đạo hoặc sống
Đạo ở ngoài đời. Nhất nhất, cũng chỉ là những ngày dài trong cõi đời, nhiều
ngày sống.
Nói
cách khác, tất cả chỉ là những ngày đi Đạo trong đời người cũng suy-tư, nguyện
cầu hoặc nói năng cho trọn ngày, đoạn tháng, cũng thế thôi.
Nói
thế rồi, nay mời bạn, mời tôi, ta kết thức câu chuyện phiếm lai rai, đường dài
khá lẩn thẩn và vô bổ. Nghĩ thế rồi, nay mời mọi người hãy cùng tôi kết thức những
giòng chữ trải dài một cách vô duyên, vô bổ và vô tích sự, ở trong đời.
Trần Ngọc Mười Hai
Và những ngày dài
Vẫn quan niệm
Tựa hồ như thế.
“Ai ngắt đóa quỳnh hương dưới trăng”
Chuyện
Phiếm đọc trong tuần 34 Thường niên năm B 25-11-2018
“Ai ngắt đóa quỳnh hương dưới trăng”
“Đêm lắng
mơ hồ tai gió nghe, dạt về
Tiếng mưa
buồn rơi có khi, tình cờ
Giữa dòng
trí nhớ.”
(Hoàng Quốc Bảo -
Tango xanh)
(Tv 94: 17)
“Tango Xanh” hôm ấy, lại thấy đóa quỳnh hương bị ngắt dưới trăng. Thế còn, Tango vàng/đỏ dẫu có bị ngắt
nhiều đoạn cách nào đi nữa, lại cũng tương-tự lời ca còn hát mãi, như sau:
“Đời vắng mấy cung nguyệt cầm cũng chẳng ai hay.
Đời cách xa bao ngày vui, thơ ấu
Rồi...
Ai cười ai giữa đêm mùa trăng long lanh
Ai cười vỡ tiếng đàn trầm mỏng manh...
Rừng lá khua bốn mùa
Đời gió đi không về ... tựa đời ta
Quê hương biếc xanh là nhớ
Trăng khuya rớt xô hiên nhà.
Mênh mang tiếng thơ chuông ngày cũ ,
Ai qua áo bay (bước chân) cơ hồ
Ngỡ là mơ......!
Ai ngắt đóa quỳnh hương dưới trăng
Đêm lắng mơ hồ tai gió nghe, dạt về
Tiếng mưa buồn rơi có khi, tình cờ
Giữa dòng trí nhớ.
Đời vắng mấy cung nguyệt cầm
cũng chẳng ai hay.
Đời cách xa bao ngày vui, thơ ấu
Rồi...
Ai cười ai giữa
đêm mùa trăng long lanh
Ai cười vỡ tiếng đàn trầm mỏng manh...
Rừng lá khua bốn mùa
Đời gió đi không về ... tựa đời ta
Quê hương biếc xanh là nhớ
Trăng khuya rớt xô hiên nhà
Mênh mang tiếng thơ chuông ngày cũ
Ai qua áo bay (bước chân) cơ hồ
Ngỡ là mơ......!”
(Hoàng
Quốc Bảo – bđd)
Vâng.
Văn thơ, nhạc tình có là giòng chảy mạnh/nhẹ thế nào đi nữa, thì người nghệ sĩ lại
vẫn biểu-lộ qua văn hoa, trữ tình rất thần sầu. Còn, nhà Đạo khi bàn về cõi đời
đi Đạo cũng thấy khó mà dùng ảnh/hình cho hợp với lẽ đạo.
Vâng.
Nhà Đạo bàn về thần-học tu-đức, tức: học hỏi về đấng bậc thần thiêng thánh hóa trên
thiên quốc, vẫn thấy những điều mà người viết hôm nay, ở đây hay ở đó, có nhận-định
đích-xác như sau:
“Chúa mà chẳng thương phù trợ,
thì hồn tôi đã vào chốn thinh lặng
ngàn thu.”
(Tv
94: 17)
“Chốn thinh-lặng ngàn thu” ấy, nay là chốn
vắng êm đềm để nguyện-cầu như đấng thánh hiền từng khuyên bảo:
“Còn anh em, khi cầu nguyện,
hãy vào phòng, đóng cửa lại,
và cầu nguyện cùng Cha của anh em,
Đấng hiện diện nơi kín đáo.
Và Cha của anh em,
Đấng thấu suốt những gì kín đáo,
sẽ trả lại cho anh em.”
(Mt
6: 6)
Xem
thế thì, lặng thinh chốn vắng êm đềm nhà Đạo không chỉ là chốn thinh-lặng để
nguyện cầu hoặc để làm những việc cần thiết cho mình và cho người. Nghĩ thế rồi,
nay mời/bạn mời tôi, ta nghe thêm xác-quyết của đấng bậc nổi-cộm ở Sydney từng giải
đáp các thắc-mắc, như bên dưới:
“Có người bạn rất thân từng nói với
tôi rằng: một trong các đấng bậc được Đức Phanxicô tấn phong thành bậc hiển
thánh hôm 14 tháng 10 năm 2018 trong những ngày có Thượng Hội Đồng Giám Mục ở
Rôma bàn về giới trẻ, lại là một thiếu niên ở độ tuổi “tin” (tức “teenagers”) qua đời hồi còn khá trẻ. Bạn ấy là ai, xin Cha cho biết
thêm chi tiết.” (Một người từng hỏi và hỏi).
Và cứ
có người hỏi là đấng bậc nhà mình lại xung phong đáp trả bằng những lời sau
đây:
“Đúng thế. Vị thánh trẻ vừa được Đức
Phanxicô tấn phong thành bậc hiển-thánh có tên là: Nunzio Sulprizio, một thanh
niên người Ý sinh tại Pescosansonesco, tỉnh Pescara hồi tháng Tư năm 1817. Khi
mới lên 3, thân phụ em đã qua đời và em gái của em sau đó vài tháng cũng theo
chân người cha ruột về với Chúa. Hai năm sau, mẹ của em thành gia-thất với người
cha ghẻ có tuổi đời khá cao từng đối xử với em Nunzio một cách quá quắt. Khi ấy,
Nuxzio về với mẹ và gần gũi bà ngoại em hơn bao giờ hết.
Kịp đến tuổi đi học ở trường địa
phương, tại đó em bắt đầu tập đọc và tập viết cũng rất hăng. Thời thơ ấu, em vẫn
đi nhà thờ dự thánh lễ đều đặn và đã biết yêu thương Đức Giêsu cùng bậc thánh
hiền là những vị mà em hết lòng muốn bắt chước.
Một tháng trước ngày sinh thứ sáu của
mình, Nunzio lại mất mẹ nên em đành phải về sống với bà ngoại là người có niềm
tin rất mạnh mẽ đã đưa em đến nhà thờ dự thánh lễ rất đều đặn. Nhưng, bà ngoại
lại cũng theo chân người thân đi về nhà Cha lúc Nuzio chỉ mới lên 9.
Lúc này thì Nunzio lại phải về sống với
cậu ruội là người đưa em đến lò rèn để học việc nhưng ông lại đối xử với Nunzio
rất tàn tệ bắt em làm việc nhiều giờ trong điều kiện thời tiết giá băng hoặc
nóng khủng khiếp và còn buộc em phải khiêng đồ nặng đem giao cho khách ngoài sức
chịu đựng của con trẻ.
Vốn là người khai-thác sức lao-động một
cách triệt-để, người cậu này không cho phép Nunzio đến trường học-hành gì hết,
đôi khi còn bắt em đi giao hàng đến vùng sâu vùng xa mà chẳng cho em thức ăn đi
đường làm thực-phẩm. Đàng khác, ông còn la mắng/chửi rủa em đến thậm tệ mỗi khi
phật ý bất cứ chuyện gì. Lúc ấy, Nunzio đành phải tìm cách ẩn náu phía sau Nhà
Tạm chính là nơi em được tiếp xúc với Đức Giêsu như người bạn tri kỷ.
Cộng với cung cách hành-xử bất nhân
như thế, kịp đến khi em tròn 14 tuổi, Nunzio mắc phải căn bệnh ngặt nghèo khi bị
ông cậu bắt em phải làm một số công việc vặt vãnh bên ngoài trời đông lạnh để rồi
chiều tối hôm ấy chân em bị sưng tấy lên vì phù thủng. Dù vậy, em vẫn không cho
người cậu biết rõ sự thể cho đến sáng ngày hôm sau em không còn sức đứng vững
được nữa, nhưng ông cậu vẫn chẳng bận tâm về sự đau đớn này.
Do đôi chân bị sưng vù phù thủng,
Nunzio bèn phải chạy ra giòng suối gần làng mà rửa cho sạch vết mưng, rồi cứ thế
em lần chuỗi Mân Côi xin Đức Mẹ cầu bàu cho mau khỏi. Và ít lâu sau đó, em buộc
phải nhập-viện mới phát giác ra là mình bị chứng hoại-tử nơi chân. Em cắn răng
chịu đựng cơn đau điếng và phó dâng mọi sự cho Chúa.
Vào những lần cơn đau lên quá mức chịu
đựng, người trẻ Nunzio cũng biết thưa thốt sự việc với nhiều người rằng: “Đức
Giêsu từng đau đớn cam lòng chịu đựng vì con người chúng ta nhờ công-trạng của
Ngài nên ta sẽ chờ đợi sự sống vĩnh cửu. Giả như chúng ta có chịu đau một chút
ít, ta cũng sẽ nếm mùi hạnh-phúc chốn thiên-đường.” Hoặc:
-Đức Giêsu từng đau khổ nhiều vì tôi,
nên tại sao tôi lại không chịu đau chịu cực vì Ngài?
-Tôi những muốn chết đi để cứu rỗi dù
chỉ một linh hồn cũng đủ.
Và, khi có người hỏi: Ai là người lo lắng
chăm sóc em, thì Nunzio bèn nhanh chóng trả lời:
-Có Chúa quan phòng mọi sự, em chẳng
muốn gì hơn.
Trong lúc ở bệnh viện, Nunzio có gặp một
người chú họ muốn giới thiệu em với một vị đại tá trong quân-đội để nhờ ông coi
ngó em như cha đẻ và chấp-nhận trang-trải mọi tổn-phí thuốc men cùng việc chữa
trị. Năm 1835, khi Nunzio được 18 tuổi, các bác sĩ đành phải quyết định cắt cụt
ống chân của em, nhưng cơn đau vẫn tiếp-tục hành hạ, không suy giảm chút nào
Sức khỏe của Nunzio cứ thế tiều tụy dần
và cơn sốt vẫn cứ gia-tăng, nhưng Nunzio lại vẫn phó mặc mọi sự trong tay Chúa,
biết rõ giây phút cuối đời đã gần kề. Anh yêu cầu các đấng ban cho mình một cây
thập-tự và đã lãnh-nhận các phép bí tích trước khi phó dâng linh-hồn mình trong
tay Chúa, vào tháng Năm 1836 hưởng dương 19 tuổi. Anh chết vì ung-thư xương. Một
trong những việc cuối cùng anh nói với viên đại-tá đã trở-thành bạn chí thân rằng:
“Hãy cứ vui lên đi anh bạn. Từ chốn thiên-đường, tôi sẽ hộ phù anh luôn mãi.”
Thế đó, là danh tiếng tên tuổi nổi cộm
về sự thánh thiện của người trẻ tên Nunzio đã được coi là thân thế/sự nghiệp để
được phong chân phước được mở ra năm 1843, tức chỉ 7 năm sau khi anh qua đời. Năm
1891, Đức Giáo Hoàng Lêô 13 đã chấp-thuận ký sắc lệnh về các nhân-đức anh-hùng
của người trẻ và tuyên-bố Nunzio là ‘Tôi tớ Chúa’ và đề-nghị anh làm quan thày
gương mẫu cho bậc thợ thuyền.
Tháng 12 năm 1963, Đức Giáo Hoàng
Phaolô đệ Lục đã phong á thánh cho anh. Tháng 10 năm 2018 vừa qua, Đức Giáo
Hoàng Phanxicô đã cùng lúc phong thánh cho Đức Phaolô Đệ Lục và Nunzio
Sulprizio. Ngoài ra, trong buổi phong thánh hôm ấy, Đức Phanxicô đã gọi Nunzio
là đấng thánh can đảm, một người trẻ khiêm tốn từng giáp mặt với Đức Giêsu
trong cơn khổ đau kéo dài, trong thinh lặng và trong việc phó thác toàn thân
cho Chúa.”
Trong buổi phong á thánh hôm ấy, Đức
thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục có nói: “Nunzio Sulprizio sẽ
nói cho mọi người chúng ta biết rằng ta không nên coi thời trẻ như tuổi tự do
đam mê, sa ngã không tránh khỏi hoặc thời thử thách khó vượt qua hoặc cơn suy đồi
khủng hoảng, cũng chẳng là thời kỳ ích kỷ đầy tệ hại. Đúng hơn ngài sẽ kể cho ta biết tuổi trẻ còn là ân-huệ Chúa ban… Ngài sẽ
chỉ cho ta biết, hỡi các bạn trẻ, không có tuổi nào khác ngoài tuổi trẻ của các
bạn lại thích hợp với lý-tưởng cao cả, với đặc-trưng anh-hùng cao-thượng luôn
dính liền với các đòi hỏi về tư-tưởng và hành động.
Thánh Nunzio sẽ dạy cho các bạn biết cách
phục-hưng thế-giới trong đó Chúa quan phòng sẽ gọi
các bạn đi vào đó để sống. Thế nên,
cũng tùy các bạn có biết cống hiến chính mình cho việc cứu
rỗi xã hội đang cần đến các linh hồn mạnh
mẽ, không sợ hãi điều gì. Thánh Nunzio sẽ dạy cho các bạn biết rằng lời lẽ cao
cả của Đức Kitô là: sự hy sinh hãm mình, là thập giá để cứu rỗi chính mình và cứu
độ thế giới. Lớp trẻ là những người hiểu biết ơn gọi cao cả này, hơn ai hết.” (X. Lm John Flader, Pain became
youth’s path, The Catholic Weekly
11/11/2018 tr. 21)
Xem
thế thì, lớp người trẻ đầy sức sống hoặc đám cao niên đang ngày càng lão-hóa rất
nhiều thứ, cuộc đời vẫn cần nhiều hỗ trợ từ các đấng bậc hiền lành ở mọi nơi, mọi
thời, rất thông thoáng. Trẻ hay già, vẫn là lớp người mạnh mẽ sẽ đứng lên lập lại
trật tự thế-giới như nhân-loại đòi hỏi và mong đợi.
Thế
đó, là yêu cầu và là mong đợi của mọi người, rất hôm nay. Nhằm hỗ trợ nhận-định
này trên thực tế, cũng nên đi vào vùng trời truyện kể có các câu truyện dân
gian nhiều kể lể làm đoạn kết như sau:
“Truyện rằng,
Suốt năm qua, Dan
Andy đau khổ và bất lực nhìn vợ bị một chứng bệnh kỳ lạ dày vò: Betty luôn luôn
sợ hãi khi đi tới nơi nào trống trải hoặc đông người.
Bác sĩ bảo đó là
chứng sợ bãi rộng và môi trường lạ. Do bệnh tật, Betty phải nghỉ việc, chỉ ở
nhà làm một số việc nhẹ. Tuy thế, bệnh tình không vì vậy mà chuyển biến tốt.
Thậm chí có hôm chị phát bệnh ngay khi đang mua sắm ở siêu thị. Đi đâu chị cũng
phải có chồng kèm bên, nếu không thì chẳng dám ra khỏi nhà.
Một hôm Dan nhận
được điện thoại của anh bạn, hỏi xem Dan có cần nuôi một chú lợn làm cảnh
không:
-Con lợn này tên là Rode, 4 tháng tuổi, thông
minh hơn bất cứ con chó nào. Nó thích sống với người. Nếu Betty có con Rode bên
cạnh, chắc hẳn cô ấy và nó sẽ trở thành đôi bạn thân đấy!
Betty đứng bên cạnh
nghe được câu chuyện điện thoại ấy, chị nhìn Dan nguây nguẩy lắc đầu. Dan
khuyên vợ:
-Em thử nghĩ xem, có lẽ một con vật đặc biệt
đáng yêu sẽ giúp em được gì chăng ?
Betty nhớ lại một
cuốn sách tâm lý học chị từng đọc nói rằng một số loài vật có thể giúp con
người vượt qua các trục trặc về tâm lý.
-Một con lợn sao lại có thể giúp làm em bớt
căng thẳng được nhỉ? Nhưng nếu chúng mình không thích nó nữa thì chắc là bà con
nông dân sẽ vui lòng nhận nuôi nó đấy, chị nói.
Con lợn được chở
đến ngay. Trông nó hãy còn nhỏ, nặng chừng 10 cân, vẻ mặt rất nghịch ngợm, cứ
như một thùng nước có 4 cái cọc thòi ra ấy. Dan không nhịn được cười.
-Trông cái mũi nó kìa, chắc là chạy nhanh quá
đâm vào tường nên mới bẹt dí thế. Dan nhìn vợ vui vẻ nói. Betty
không tỏ thái độ gì, chỉ lạnh nhạt bảo:
-Ôi dào, lèo tèo vài sợi lông, có lẽ lông cái
bàn chải của em còn nhiều hơn nó đấy.
Dan mở cái cũi nhốt
con lợn. Rode vẫy đuôi chạy ra. Nó liếc nhìn xung quanh một tý rồi chạy tới chỗ
Betty. Chị ngạc nhiên ngồi thụp xuống ngắm kỹ chú lợn con. Rode tiến lại, giơ
hai chân trước lên và áp đầu vào lưng Betty, rồi lấy mũi hôn lên mặt chị. Betty
bất giác cười thành tiếng. Đã lâu lắm chị không cười rồi.
Sau đấy chú lợn con
bắt đầu bận rộn chạy đi chạy lại khắp mọi chỗ, ra vẻ như đi tuần tra lãnh địa
của mình. Chạy chán rồi nó nằm bệt dưới sàn nhà nhìn Betty tỏ ý xin ăn. Khi Dan
bế nó lên đặt trên đùi mình, chú ỉn con thân thiết thè cái lưỡi ra liếm bộ râu
của anh.
Rode rất ngoan. Mỗi
khi nghe thấy Dan hoặc Betty huýt sáo, nó liền chạy ngay tới chỗ chủ nhân. Tối
hôm ấy, khi Betty và Dan chuẩn bị lên gác đi ngủ, Rode bám theo sau cũng muốn
lên gác, nhưng cái bụng bự của nó quá to nên dù đã cố hết sức, Rode vẫn không
thể leo lên cầu thang được. Betty kê một cái giường trong bếp cho nó nằm rồi vỗ
vỗ nó:
-Thế này được rồi ! Chào chú mày nhé!
Betty mọi hôm đều
thấp thỏm sợ một ngày mới, thế mà sáng nay khi ngủ dậy chị bỗng dưng vội ra
khỏi giường chạy xuống bếp xem con vật cưng của mình. Nghe thấy tiếng chân bà
chủ, Rode lập tức chạy ra đón. Nó cứ cọ cọ mãi cái mũi của mình vào chân Betty
khiến chị cảm thấy khoan khoái chẳng khác gì được xoa bóp. Từ hôm ấy trở đi,
trò xoa bóp trở thành tiết mục thường xuyên hàng ngày mỗi sáng khi Betty và
Rode gặp nhau. Chị cảm thấy mình như đắm chìm trong cảm giác khoan khoái do sự
“xoa bóp” ấy đem lại. Ăn sáng xong, Rode theo Betty đi vào phòng làm việc của
chị. Nó lặng lẽ duỗi người ra nằm sấp bên cạnh bàn. Khi nào Betty cảm thấy thần
kinh căng thẳng, chị lại nghỉ tay bế Rode lên, thì thầm vài câu với nó, nhờ thế
cảm giác bình tĩnh nhanh chóng trở lại với chị.
Rode nhanh chóng
hòa nhập với cái gia đình nhỏ này, trở thành một thành viên trong nhà. Dan mua
cho nó một cái giường mới, kê ngay cạnh giường Betty. Chú ỉn con nhìn thấy
giường mới của mình bèn nghĩ cách “cải tạo”: nó cắn rách chiếc gối dạ hoa
Scotland, lôi các vật lót trong gối ra rồi khoái trá nằm lên đống lót mềm ấy.
Một buổi tối, Dan
và Betty kê ghế ngồi xem truyền hình. Con Rode cũng dùng mũi đẩy một chiếc ghế
đến bên họ, chễm chệ ngồi lên đó xem truyền hình, dường như nó muốn nói:
-Ê kìa, chớ có quên cháu đấy nhé! Nó
rất chăm chú xem, mỗi khi thấy người trên màn hình chuyển động, đầu nó cũng lắc
lư theo.
Rode không thích
tiếng động lớn, nhất là tiếng chuông điện thoại. Cu cậu khám phá ra một điều là
mỗi khi Betty cầm lấy ống nghe thì chuông hết kêu. Thế là mỗi khi Betty không
có mặt mà nghe thấy chuông điện thoại kêu thì Rode bèn lấy mõm giằng lấy dây
điện thoại, ống nghe bị nó lôi xuống nằm chỏng chơ trên sàn, còn nó thì liên
tục kêu ư ử vào cái ống nghe ấy.
Hôm ấy có một vị
khách đến thăm Betty, thấy chú lợn con, ông ta thích quá. Từ đó trở đi hàng xóm
láng giềng ai cũng biết nhà Betty có một con vật cưng rất hay, mỗi lần có dịp
đi qua nhà chị, bao giờ họ cũng ghé vào xem con Rode. Để tiện gọi hơn, lũ trẻ
con hàng xóm gọi chú ỉn ấy bằng một cái tên mới là Pick. Chẳng bao lâu ai cũng
biết cái tên này.
Người ta thường kéo
đến nhà Betty để xem con Pick. Mới đầu thấy mọi người túm năm tụm ba ở nhà
mình, Betty có chút căng thẳng, nhưng khi biết họ đến chỉ để xem con Pick, chị
dần dần bớt cảm giác ấy, lâu ngày lại còn thích có nhiều người đến nhà mình
nữa. Dan bảo vợ:
-Bây giờ anh cảm thấy mỗi lần về nhà thật là
vui. Gặp em, câu đầu tiên em hỏi anh là ‘Anh thử đoán xem hôm nay con Pick làm
những trò gì không nào? Chúng mình luôn luôn nói về con Pick, cười cười nói nói
thật là vui. Anh có cảm tưởng như chúng ta đang trở lại cái thời mới cưới ấy.
-Đúng thế! Betty nói:
-Anh biết con Pick hôm nay làm gì không nào?
Suýt nữa thì em hết dở vì nó đấy.
Thì ra mọi khi Pick
ta rất thích bám theo chân bà chủ ra ra vào vào, nó trông thấy Betty lúc thì mở
cửa, lúc thì đóng cửa. Sáng nay, Betty ra khỏi phòng mà Pick không đi theo, nó
bắt chước tự đóng cửa lấy. Thế là cửa bị khóa ở trong. May sao Betty có mang
theo chìa khóa nên mới không xảy ra rắc rối.
Từ hôm ấy trở đi,
Betty ngày càng thấy con Pick này đúng là chuyên gia siêu hạng về khoản bắt
chước. Nó có thể nhanh chóng học được mọi động tác của bà chủ. Betty lắc đầu,
nó cũng lắc đầu theo. Betty xoay người, nó cũng xoay theo. Thế là chị bắt đầu
dạy nó học một số động tác mà chỉ những con chó thông minh nhất mới học được.
Có Pick bên mình,
Betty bắt đầu tìm lại con người đích thực của chị. Ông bố Betty thấy con Pick
cũng rất thích, nhiều lần ông khuyên con gái mang Pick đến cuộc họp mặt của
những người cao tuổi trong khu phố để giúp các cụ ông cụ bà được vui vẻ khuây
khỏa.
Một buổi tối, Dan
về nhà mang theo một chiếc xe nôi. Betty hỏi: “Anh định làm gì thế? … À, em hiểu rồi: một chiếc xe đẩy dành cho
chú ỉn con. Anh định dùng xe này để đưa con Pick đi dự cuộc gặp của những người
cao tuổi chứ gì!”
Được người nhà
khuyến khích động viên, rốt cuộc Betty quyết tâm đem con Pick đi dự cuộc gặp
mặt của chi hội người cao tuổi khu phố. Khi ngồi trên xe taxi, chị cảm thấy
mình căng thẳng quá, thậm chí có chút run run. Con Pick ấp người nó vào chị.
Betty nhè nhẹ vuốt ve nó, dần dà tâm trạng chị trở lại bình tĩnh.
Lúc xuống taxi, chị
đặt con Pick lên xe nôi rồi đẩy nó vào hội trường. Dọc đường, các ông bà già ai
cũng hỏi:
-Cái gì ở trong xe thế? Vào đến
nơi, Betty đặt con Pick xuống, nó lập tức chạy tới một bà cao tuổi nhất và cọ
cọ mũi lên mặt bà. Những người khác xúm lại xem chú lợn con. Ai nấy vừa cười
vui vừa trêu nó. Họ hỏi Betty nhiều câu. Lúc mới đầu chị còn có chút do dự khi
trả lời, về sau càng nói chị càng hưng phấn.
Chị bảo:
-Thật ra, con lợn này ngoan hơn chó. Nó rất
ưa sạch sẽ, nó thích nhất tắm đấy ạ!
Để chứng minh điều
đó, chị gọi con Pick và bảo nó rằng nó là một chú lợn rất đẹp. Nghe thế, Pick
ta lắc lư mình chạy tới, ra vẻ tự hào lắm. Lúc đó, Betty lại trách nó trông
nhếch nhác quá. Thế là nó xấu hổ cúi đầu xuống; rồi để tỏ ý thành thật, nó còn
lè lưỡi ra. Mọi người thấy thế đều ôm bụng cười.
Sau lần ấy, Betty
quyết định đưa con Pick đến thăm viện dưỡng lão gần nhà để góp vui cho nhiều cụ
già hơn. Chị đẩy chiếc xe nôi chở con Pick đến thăm từng nhà. Tại nhà nọ, chị
trông thấy một bà già gục đầu ngồi trên xe lăn, chăm chăm nhìn hai bàn tay mình
không nói năng gì. Khi con Pick hiện ra trước mắt, bà bỗng dưng ngửng đầu lên,
khuôn mặt nở một nụ cười. Bà giơ tay đan chéo trước ngực, hỏi:
-Gì thế?”
Betty hỏi
lại:
-Thưa bà, bà có muốn ôm nó không ạ? Chị
y tá bảo:
-Bà ấy từ ngày chồng chết đến giờ chưa nói
một câu nào, chưa cười một lần nào, chẳng quan tâm đến bất cứ cái gì cả.
Betty bế con Pick
đưa cho bà. Nó ngoan ngoãn ngồi trên đùi bà, lim dim mắt, nhếch cái miệng,
dường như mỉm cười với bà lão.
Từ hôm ấy trở đi,
mỗi lần Betty và Pick vừa đến cổng nhà dưỡng lão đã có người reo lên: “Con Pick đến đây kìa!” Rồi mọi
người nhao nhao chạy ra để xem chú ỉn con láu lỉnh.
Sau mỗi lần đi thăm
những người già không nơi nương tựa ấy trở về, Betty đều cảm thấy bệnh tình của
mình thuyên giảm một chút. Chị bảo Dan:
-Trước kia em rất hận mình, nhưng bây giờ em
bắt đầu cảm ơn mỗi một ngày Thượng Đế ban tặng cho em; mà tất cả những cái đó
đều là nhờ có Pick.
Nhờ có con Pick mà
cả thị trấn đều biết Dan và Betty. Có lần hai vợ chồng chị đang mua sắm ở siêu
thị, mấy đứa trẻ tinh nghịch reo lên:
-Ô, bố và mẹ của chú lợn con cũng đang ở đây kìa!
Nghe thấy thế, Dan
và Betty ngượng nghịu vẫy tay chào lũ trẻ.
Có người hỏi
Dan:
-Vậy rốt cuộc con Pick là gì thế nhỉ?
Dan nói:
-Đối với chúng tôi, nó là một con lợn. Nhưng
Pick thì lại nghĩ nó là một con người.
Có lần Dan còn dẫn
một câu nói của văn hào kiêm cựu Thủ tướng Anh Churchill:
-Chó bao giờ cũng nhìn chúng ta từ dưới lên.
Mèo nhìn chúng ta từ trên xuống. Còn loài lợn thì nhìn chúng ta với con mắt
bình đẳng. Nếu lúc ấy có con Pick ở bên thì nó nhất định sẽ liên
tục kêu ư ử, như để xác nhận câu nói ấy là đúng.” (Nguồn: Reader’s Digest (Mỹ) Nguyễn Hải Hoành dịch qua bản Trung văn của Haiwai
Wenzhai)
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ trông mong đợi chở
hết mọi người
làm như thế.
Subscribe to:
Posts (Atom)