Saturday 18 April 2020

Em nhung với gấm về từ xa xăm




Chuyện phiếm CN 2 Phục Sinh năm A

Em nhung với gấm về từ xa xăm.”
Làm đẹp nhân gian, nên vườn tôi còn xanh mãi.”
(Anh Việt Thu – Từ Một Giấc Mơ)

(2Cr 4: 10-11)

Ơ kìa! Em là ai mà ghê gớm đến độ người ca sĩ lại hát như thế? Thật ra thì Em chẳng ghê gớm thế đâu. Nhưng, đó chỉ là “Giấc mơ” của tác giả bài hát những muốn “vượt qua” tình huống hiện-tại để đạt một điểm tới sáng sủa hơn. Chả thế mà, ông lại đã viết tiếp những lời như sau:

“Tôi ôm phiến đá ngồi chờ trăm năm.
Ngày ngày khắc dấu thành từng câu ca.
Trên đồi son tình tôi đã già.
Tôi mơ thấy dáng người về trong tranh.
Huyền hoặc mong manh, hương từ hoa là hơi thở.
Yêu em đã hoá thành tù chung thân.
Từng chiều vui chân đợi chờ không lâu.
Tôi và em tình yêu bắt đầu.”
(Anh Việt Thu – bđd)


Vâng. Vì yêu Em quá, nên hôm nay tác giả lại đã hóa thành người “Tù chung thân” của kiếp người đọa đày đã “Từ Một Giấc Mơ” thấy được nơi “Tôi và Em, Tình Yêu (đã) Bắt Đầu”.

Vâng. Nghệ sĩ nhà ta, hôm nay đã “ôm phiến đá ngồi chờ trăm năm” chỉ vì ông những muốn giống người đi Đạo xưa nay chỉ mong “vượt qua” những tình huống tương-tự, để rồi sẽ về với “cõi tiên” trong đó có Chúa Tình Yêu đang ngóng chờ.

Vâng. Đức Chúa Tình Yêu đang trải lòng Ngài ở khắp nơi, từ nhà Đạo Nước Trời ngang qua chốn nhân gian trần thế như trình-thuật ngày lễ hội Vượt Qua vừa diễn-tả hôm rồi ở nhà Đạo. Trình thuật ấy, được đấng bậc thày dạy ở trường Dòng từng ghi chép, như sau:   
           
 Trình thuật hợi lễ Vượt Qua lâu nay đưa dẫn người nghe đi vào truyện kể rất thương tâm và kết cục bằng nỗi chết nhục trên thập tự nên bao giờ cũng có trình và có thuật về những sự kiện lớn xảy đến với Chúa.

Sự kiện lớn, là sự việc Chúa vượt qua nỗi chết rất hoàn tất để rồi Ngài sẽ trở về với Sống Lại vinh quang, rộn rã.

Vượt Qua, là lễ hội đình đám có tới 400,000 người đến từ miền Đông đất nước, vượt qua thung lũng khô cằn, tay họ cầm cành lá vừa đi vừa múa hát để còn nhớ lại biến cố gian khổ ở sa mạc. Vượt, để rồi sẽ qua một khổ nhục cũng rất “người”, hầu khắc phục và đến với vinh quang toàn thắng bằng lễ hội, rất Giêrusalem.

Lễ hội Vượt Qua kéo dài những hai tuần lễ với các nghi thức uy nghiêm, khởi sắc mà đón chào Đức Chúa quang lâm, hiển thánh.

Dự lễ Vượt Qua, người người đều hiểu Đức Giêsu đem đến cho họ Vương Quốc Nước Trời, có muôn người. Vương Quốc của Ngài, khác mọi vương quốc ở trần gian, hơn cả vương triều Hêrôđê, Xêda hay tất cả vua quan/lãnh chúa, rất độc đoán. Vương Quốc Ngài đem đến, là lời hứa đưa họ thoát khỏi xiềng xích nô lệ, khó nghèo, tật bệnh, tức trái nghịch với mọi vương quốc chốn gian trần.

Vương Quốc Nước Trời, là “Lời” quyền phép, có sức thuyết phục người La Mã phải lắng tai nghe. Họ vốn nghĩ, chỉ có vương quốc của họ với 25 đạo quân hùng dũng mới là vương quốc thực thụ. Để rồi, khi nghe Chúa nói về Vương Quốc Nước trời, mọi người mới vỡ lẽ ra là quyền bính ở dưới thế, chỉ là phó bản của hệ thống tham tàn, độc ác, nhiều chết chóc.

Đại diện cho hệ thống này, xuất phát từ trời Tây rất lẫy lừng, theo sau là đám công hầu khanh tướng rất kênh kiệu, ngạo mạn đầy quyền thế. Tên của họ là những Cai-Pha, Philatô hoặc gì gì đi nữa được nhấc nâng để bách hại đám dân hiền phải đóng thuế cho ngoại bang, rất La Mã.

Hệ thống vương quyền tạm bợ chỉ muốn tìm chứng cứ để thuyết phục kẻ nắm quyền mà ra lệnh hành quyết Đấng Nhân Hiền dám chỉ trích tính xấu của chế độ. Và, chỉ cần một vài tố giác của chúng dân hoặc của tư tế đoàn nhũng lạm cũng đủ để vị thống đốc tàn ác như Philatô sử dụng nó mà kết tội.

Kết tội rồi, y còn giao cho lý hình hành quyết Ngài bằng giải pháp êm thắm vẫn từng làm, là: bỏ đói phạm nhân trên thập tự, ở Gôlgôta. Treo phạm nhân trên thập tự, là trò chơi do những người phò Philatô lâu này từng nghĩ ra, là để hạ nhục và cảnh cáo những ai muốn nhân cơ hội mà chống đối, hoặc bất đồng. Đó là khổ nhục kế rất dễ nể mà ngành kịch nghệ La/Hy chưa kịp nghĩ.

Hôm nay đây, dân con/đồ đệ Chúa có lý để nói lên sự thật vẫn tiềm ẩn qua tuyên tín: “Tôi tin Đức Kitô Đấng bị người đời hạ nhục và làm khổ. Nhưng Ngài hoàn toàn tự do, không còn bị quần chúng hoặc đám người “tự tung tự tác”, “xưng hùng xưng bá” của thể chế chính trị nào đó muốn hạ nhục Ngài.

Đồ đệ Chúa nói lời tuyên tín chắc nịch, là nói lên sự tin tưởng vào Đấng tìm ra được sự tự do giải thoát Ngài khỏi mọi hệ lụy của đời người.

Đồ đệ Chúa tìm ra tự do, rồi trở thành chính Ngài mà nói lời tuyên tín rất chân thật, là tuyên bố với tất cả xác tín rằng: tôi đây vẫn muốn sẻ san nỗi khổ nhục Ngài từng chịu. San sẻ sự tự do qua kinh nghiệm đầy khổ nhục của thập giá. Đó là niềm tin của người đi Đạo vẫn có nơi Đức Chúa.

Nơi Kinh Sách, các vị thánh như Phaolô đề đã bảo: chúng ta bị khổ hình hạ nhục vì dư luận quần chúng, như Đức Kitô từng trải nghiệm. Bị hành hạ rất khổ nhục, rồi còn bị coi là vô dụng.

Nhưng, ta có tự do như Chúa của ta từng có. Ta tự do trong Ngài và với Ngài, để được Ngài kết hợp ta vào với Chúa Cha Ngài là Đấng rất tự do. Là, Chúa tể của tự do, mọi người biết.

Có được tự do rồi, ta sẽ thong thả lĩnh hội ơn Sống lại, như Đức Kitô đã thể hiện ngang qua sống lại từ cõi chết. Bởi, khi chấp nhận thanh tẩy là ta tự dìm mình trong khổ nhục của Đức Kitô. Và từ đó, cùng trỗi dậy và sống lại với Ngài, trong tự do.

Theo chân Chúa “vượt qua” nỗi khổ nhục Ngài chịu trên thập giá, ta cũng mặc vào người mình niềm hy vọng bao la là thu tất cả dân con/đồ đệ của Ngài vào một mối. Mối hy vọng  vững chắc để rồi tin rằng mình cũng sẽ sống lại, cùng với Chúa. Bởi, mọi khổ nhục của khổ giá cuộc đời đều sẽ kết cuộc bằng sự sống lại rất vinh hiển.” (Lm Kevin O’Shea DCCT, Suy Tư ngày Lễ trọng 05/4/2020)


Hôm nay đây, người đi Đạo đã và vẫn quan niệm về Lễ Vượt Qua tựa như thế trong cuộc sống ở đời thường qua những sự kiện rất “Vượt (và chỉ thoáng) Qua” trong đời mình. Vượt rất thoáng, là vượt khỏi những sự việc trong đời thường khó qua, như truyện kể ở dưới dùng làm phần kết cho bài Phiếm ngắn hôm nay, rằng:


Sau biến cố 1975, anh chàng kia mất hết sản nghiệp và bà con thân thuộc. Vào chùa, anh thấy tượng Phật chắp tay, nghĩ rằng Phật muốn nói mình phải cầu nguyện. Anh đến nhà thờ đọc kinh, thấy tượng Chúa giang hai tay, anh nghĩ là Chúa cũng không biết làm gì hơn. Chán đời, anh lang thang đến bến Bạch Đằng, gặp tượng Trần Hưng Đạo chỉ tay xuống sông, thế là anh bèn nhẩy xuống sông tự vẫn. 

Trước cửa thiên đàng, thánh Phêrô hỏi anh ta: "Trông anh còn trẻ, đời còn dài mà sao đã vội chán sống sớm vậy?"

Anh đáp: "Thưa thánh Phêrô, con đâu đã muốn chết, tại ông Trần hưng Đạo bảo con đấy chứ ạ!" 

Trần Hưng Đạo đứng gần đó nghe được liền quát lớn:"Cái anh này rõ là ngu, ta chỉ tay xuống sông để anh biết mà tìm đường vượt biên, chứ ta đâu có bảo anh nhảy sông tự vận đâu!"


Và thêm một truyện khác cho bài Phiếm bớt ngắn ngủi, mà rằng:


“Đức Giám Mục chủ quản địa phận nọ thường có thói quen chào anh chị em giáo dân bằng câu "Peace be with you" (Bình an ở cùng anh chị em) trước khi bắt đầu giảng. 

Ngày kia, ngài đến dâng lễ cho cộng đoàn Công Giáo Việt Nam. Khi đến phần thuyết giảng, ngài tiến đến bục giảng và sửa cái máy vi-âm (Microphone) cho cao hơn để vừa với thân hình cao lớn của ngài. 

Dùng hết sức nắn cái microphone lên cao mà nó cứ nằm ì không chịu nhúc nhích, Đức Cha nói: "Something wrong with the microphone".

Cộng đoàn theo thói quen, cùng đáp lại: "And also with you" (Và ở cùng cha!). Đức Cha đành vào trang mạng đánh máy chữ “Bó tay.com. Amen.”


Bần đạo bầy tôi đây, hôm nay cũng mượn truyện kể hơi bị “tẻ” hầu kết  thúc bài Phiếm ngắn để rồi hẹn với độc giả gần xa, ta sẽ không còn sợ chuyện gì hết    

Sợ hơn cả, là khi người nghệ sĩ lại cứ hát tiếp mấy câu ca đầy mộng mơ ở bên dưới:

                        Tôi mơ thấy dáng người về trong tranh.
Huyền hoặc mong manh, hương từ hoa là hơi thở.
Yêu em đã hoá thành tù chung thân.
Từng chiều vui chân đợi chờ không lâu.
Tôi và em tình yêu bắt đầu.”
(Anh Việt Thu – bđd)

Vâng. Rất nhiều lần, các chuyện vui/buồn tương-tự vẫn xảy ra trong cuộc đời của nhiều người, lại cũng bắt đầu “Từ Một Giấc Mơ”. Mơ gì? Mơ về đâu? Mơ ra sao? Phải chăng là mơ và ước sao cho mọi người vượt qua cơn Đại dịch Corona hiện giờ. Và, cả e961n giấc mơ ở nhà Đạo ngày nay, như ca-từ ở bài trên còn văng vẳng trong đầu của tôi, của bạn, hoặc ai đó, có những câu như:


            Em như trái cấm đậu vườn thiên thai
Ngập ngừng chân ai quên chiều nay đời du tử
Em như tiếng suối dạt dào khôn nguôi
Tràn ngập tim tôi một trời xa xôi
Khi bờ môi còn khô tiếng cười.

Tôi như nắng cháy ngoài đồng khô khan
Cỏ buồn hoang mang mong giọt mưa về thăm hỏi
Tôi như cánh lá rụng vàng quanh sân
Chiều nào gió đến một mình bâng khuâng
Bao giờ mang tình tôi tới người.”
(Anh Việt Thu – bđd)


“Mang tình tôi tới người”, sẽ là và vẫn là quyết-tâm của tôi, của bạn, và của nhiều người tựa như quả quyết của đấng thánh hiền từng bảo:


            “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình
cuộc thương khó của Đức Giêsu,
để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ
nơi thân mình chúng tôi.
Thật vậy, tuy sống,
chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giêsu,
để sự sống của Đức Giêsu
cũng được biểu-lộ
nơi thân xác phải chết của chúng tôi.”
(2Cr 4: 10-11)



Thế đó, còn là quyết tâm của nhiều người, trong đó có bạn bè người thân, của bần đạo.


Trần Ngọc Mười Hai    
Và một số bạn bè thân quen
Cũng đã quyết tâm
Sẽ còn làm như thế
Mãi trong đời.




Wednesday 1 April 2020

“Tôi như người ru mộng”


Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 5 Mùa Chay năm A 220320

“Tôi như người ru mộng”
sống cuộc đời bềnh bồng
ngó quanh đời quạnh hiu
Buồn rơi theo năm tháng
chết trên lưng tháng ngày.
                                                (Từ Công Phụng - Đời Bỗng Phù Du)
(Êphêsô 4: 22-24)

Đời Bỗng Phù Du, đâu chỉ là cuộc đời của người ru mộng mà thôi đâu! Phù du hay không, vẫn là cuộc sống hằng ngày, của mỗi người. Và, tác giả bài hát hôm nay lại tiếp tục viết thêm những giòng sau đây:   

“Tôi như loài cỏ dại
tôi như loài cỏ dại
suốt một đời chênh vênh,
suốt một đời buồn tênh.

Em có thương thì xin chút hiền ngoan thật lòng
vì cõi đời này là những đam mê là những chia ly
là những đớn đau lẻ loi
Nên vẫn hoài còng đi se cát
Biển nhớ mênh mông
tình vẫn hư không ... đời đời.

Tôi như giòng sông cạn
cuốn quanh đời mệt nhoài
cuốn theo giòng nghiệt ngã
Buồn rơi theo năm tháng
úa trên lưng tháng ngày.

Tôi mang hồn cỏ dại
ngu ngơ tự hỏi lòng
bỗng một ngày thiên thu
bỗng một đời phù du.”
(Từ Công Phụng – bđd)

Phù du hay không, vẫn là cuộc đời của ai đó cả bên ngoài cũng như trong nhà Đạo, như lời hỏi/đáp giữa đấng bậc vị vọng và người đi Đạo, ở bên dưới:

Hỏi, là hỏi thế này:

            “Thưa Cha,
Hôm nay, câu hỏi của con chỉ rất ngắn. Con muốn hỏi về vai-trò của giáo dân trong cộng-đồng Dân Chúa lâu nay vẫn phụ giúp linh-mục trong việc xức tro lên trán giáo dân, theo luật thì như thế có được phép không? Và, Mùa Chay này việc kie6ng khem, chay tịnh thực sự có nghĩa gỉ? (Câu hỏi từ một giáo dân không ghi tên tuổi)

Tuy không ghi tên tuổi, nhưng đấng bậc nhà Đạo nay vẫn trả lời bằng những giòng nhè nhẹ, rằng:   
“Trước nhất, tôi muốn nói cụm từ “cộng đồng dân Chúa” đây không chỉ có nghĩa là các đấng bậc có chức thánh thôi, mà là tất cả mọi người, nam cũng như nữ”. Tiếp đến, ttôi thấy việc giáo-dân phụ-giúp linh mục chủ tế trong việc xức tro lên trán người chấp nhận, chẳng có gì là sai sót.

Về tập-tục xức tro lên trán, dù không có Sách lễ Rôma nào nói hết. Duy, mỗi sách “Ban Phát Phép Lành” là nói đến nghi-thức xức tro và ban phép lành mà các linh-mục thực hiện ngoài thánh lễ. Nghi-thức này, có đoạn chỉ cách như sau:

“Nghi thức xức tro lên trán người dự lễ, có thể chỉ do linh-mục chủ tế hoặc vị phó tế thực-hiện có giáo-dân trợ-lực, nhưng việc này trước nhất dành cho linh-mục hoặc phó tế, mà thôi.” ( Sđd đoạn 1659)

Từ đó, ta nghiệm ra rằng: giáo dân có thể phụ giúp linh mục chủ tế trong việc phát tro tàn xức lên trán trong thánh-lễ, miễn là không làm cho giờ lễ kéo dài một cách quá mức.

Lại nữa, cho dù số giáo dân đến nhà thờ dự lễ Xức Tro vào Thứ Tư quá đông và những ai muốn nhận tro tàn xức lên trán, có khi không thể rước Mình Chúa kịp được, nên thường thì cũng cần đến các thừa-tác-viên phụ giúp cho kịp lễ.

Ngoài ra, về việc thừa-tác-viên giáo-dân có được phép phụ giúp xức tro lên trán người khác vốn dĩ khi xưa chỉ do linh mục chủ tế hoặc phó tế thực hiện mà thôi. Còn, việc mang tro đến nhà kẻ liệt hoặc nhà giáo dân nào không đến dự nghi thức xức tro trong/ngoài thánh lễ ở nhà thờ được.

Giả như những ngày có đông dân chúng dự lễ, nhà thờ cần thêm thừa-tác-viên Thánh Thể phụ giúp trao Mình Chúa, thì không có lý gì các vị này lại không được trao phó cho việc phụ giúp xức tro tựa như thế.

Còn câu hỏi, từ khi nào Giáo hội khởi sự Mùa Chay có xức tro lên trán, thì câu trả lời là: chỉ mỗi Sách Bí Tích Grêgôriên vào thời đầu là nói đến Thứ Tư Lễ Tro vào cuối thế kỷ thứ 8, nên ta kết-luận là tập tục này khởi từ ngày đó.

Một trong các bài viết nói về tập-tục cử hành Lễ Tro ngày Thứ Tư xuất hiện sớm nhất là trong các bài giảng do Đan-Viện-Phụ Aelfric thành Eynsham (955-1020) thuộc hệ-phái Anglo-Saxon có viết trong sách “Cuộc Sống của Các Thánh”, mới có câu sau đây:

Ta đọc trong các Sách Luật Cổ Xưa và cả thời nay nữa đều có nói rằng những ai hối cải mọi lỗi tội mình từng phạm đều được phép xức tro lên trán và mặc ‘áo nhặm” mà hối tội.. Nay, chúng ta hãy làm một chú gì đó lúc bắt đầu Mùa Chay bằng việc xức tro tàn lên trán có nghĩa rằng: ta biết ăn năn hối cải trong mùa Chay kiêng này.”

Từ cuối thế kỷ thứ 10 trở về đây, tục lệ xức tro lên trán giáo dân vào Mùa Chay đã trở thành chuyện quen thuộc đối với bà con sống ở các nước thuộc Miền Tây Châu Âu, dù không thấy có tại La Mã. Năm 1091, hồi xảy ra Thượng Hội Đồng Bênêventô, Đức Giáo Hoàng Urbanô II đã chỉ thị cho Giáo Hội thực hiện thói quen này trong toàn Giáo Hội La Mã.

Không lâu sau đó, các sách Phụng vụ Giáo hội đã sử-dụng tên gọi “Feria Quarta Cinerum”: “Thứ Tư Xức Tro” hoặc Lễ Tro ngày Thứ Tư được nói đến.

Tục-lệ bắt đầu Mùa Chay bằng việc xức tro lên trán, khởi từ việc giáo dân từng mắc tội trọng đều phải tỏ ra ăn năn sám-hối để được hóa giải mọi lỗi tội vào ngày Lễ Phục Sinh bằng việc xức tro và khoác ‘Áo Nhặm’ đầu Mùa Chay.

Hình thức sám-hối mọi lỗi tội đã chấm dứt vào cuối thế kỷ thứ 10, nhưng tàn dư của việc này vẫn tồn đọng qua việc xức tro lên trán ngày Thứ Tư Lễ Tro.

Cón vệc các Giáo phái khác như Giáo hội Chính Thống Đông Phương thường không làm thế, bởi tục lệ này không là thành-phần truyền thống giữ Đạo của hệ phái này. Và, ta chỉ thấy tập-tục này tồn lại với Giáo hội Trời Tây mà thôi.

Dù sao đi nữa, kể từ năm 2012 khi Giáo hội Tây Phương ở Hoa Kỳ bắt đầu thực-hiện Nghi thức Chính Thống-giáo Antiôkia, một số giáo-xứ Chính thống-giáo Phương Tây cũng bắt đầu cử hành các ngày Thứ Tư Lễ Tro ở nhiều nơi.

Còn việc Giáo phái Thệ Phản thi hành tập-tục xức tro lên trán người đi Đạo cũng đa dạng, tức: chỉ một số nơi làm chuyện này, thôi. Những năm tháng gần đây, việc cử hành các ngày Thứ Tư Lễ Tro trong cộng đoàn Anh-giáo và Thệ Phản đã bắt đầu gia tăng, coi đó như động-tác hiệp-nhất với phía Công giáo. Và, Giáo hội khác nhau trên thế-giới coi đây như động-tác hòa-đồng tôn-giáo sau Công Đồng Vatican II.

Rõ ràng là, Giáo phái Anh Giáo, Lutêrô, Mêthôđist, Êpiscôpan, Anabáptít và các Cộng đoàn Tân Cải đã và đang áp-dụng những việc như thế.” ( X. Lm John Flader, Some questions and answers about Lent and Ash Wednesday, The Catholic Weekly 08/3/2015, tr. 52)                               
  
            Xem thế thì, việc đi Đạo và giữ Đạo vào những ngày kiêng khem, âm thầm nguyện cầu mà thôi, nhưng còn là và vẫn là hành-động cởi bỏ nếp sống cũ xưa, tha-hóa, nát tan như Lời Vàng Đấng Thánh Hiền từng bảo nơi Kinh Sách, rằng: 

“Anh em phải cởi bỏ con người cũ
với nếp sống xưa,
là con người phải hư nát
vì bị những ham muốn lừa dối,
Anh em hãy để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em,
và mặc lấy con người mới,
là con người đã được sáng tạo
theo hình ảnh Thiên Chúa
để thật sự
sống công chính
và thánh thiện.”
(Thư Êphêsô 4: 22-24)

Lời bảo ban của Đấng thánh hiền còn vang vọng mãi chốn dân gian thực dụng tuy không mô phạm như lời đấng bậc hoặc ai đó, nhưng chỉ diễn tả nhè nhẹ qua truyện kể dưới đây thôi:
  
“Con đường đất dẫn vào khu xóm nghèo dài tít tắp. Hai bên đường, những thân cây còi cọc đứng nép mình bên đám cỏ dại bám đầy đất đỏ. Đám con nít đang chơi đồ hàng trước sân dõi những đôi mắt nửa tò mò nửa cảnh giác về phía người lạ.

Tôi những muốn vẫy tay chào tụi nhỏ, nhưng cái khao khát được tìm lại thứ quý giá của cuộc đời mình đã không thể ngăn những bước chân vội vã của tôi bước nhanh về phía cuối xóm. 

Căn nhà xiêu vẹo nằm đơn độc giữa bãi đất trống cuối cùng cũng hiện ra . Dẫu biết căn nhà đã bị bỏ trống nhiều năm nhưng sự yên ắng và điêu tàn của cảnh vật vẫn khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Tôi đặt nhẹ chân lên thềm nhà, hít một hơi thật sâu, cảm nhận luồng không khí quen thuộc đang len lỏi vào trong từng tế bào phổi.

Tôi tra chìa khóa vào ổ. Lần cuối cùng tôi còn ở trong căn nhà này tới giờ, mọi thứ hầu như đều không hề thay đổi. Tôi sờ từng kỉ vật trong ngôi nhà đã đóng bụi theo tháng năm mà nghe bồi hồi, bao kí ức của tuổi thơ chợt tràn về quanh tôi, thực đến nỗi như mới xảy ra ngày hôm qua mà thôi…

Ngày đó kinh tế rất khó khăn. Ba má tôi thì đi làm cả ngày, chỉ có mình tôi ở lại trông nhà. Lúc ấy tôi còn nhỏ lắm. Thấy tôi suốt ngày lang thang ngoài ngõ chơi, hết í ới hái hoa rồi lại thơ thẩn bắt bướm, ngoại đã chủ động đón tôi về để tiện bề săn sóc, chăm nom. Thế là tôi về ở với ngoại.

Hồi ấy, cứ mỗi lần ngoại đi chợ về là tôi lại chạy ào ra sân, reo hò, đòi ngoại mở cái giỏ đi chợ cũ kĩ ra xem hôm nay ngoại mua những món gì. Lần nào ngoại cũng mua cho tôi cái gì đó, khi thì một nửa cái bánh đa, có khi lại là một củ khoai sứt đầu mẻ trán. Tuy những món quà quê ấy chỉ là những thứ quê mùa dân dã , nhưng tôi vẫn không ngăn được cảm giác tò mò mỗi khi ngoại xách giỏ đi chợ, háo hức lục giỏ ngoại và nhảy cẫng lên vui sướng khi được chạm tay vào những cái kẹo, cái bánh.

Tuổi thơ bên ngoại cũng là những tháng ngày cùng đám bạn chơi thả diều trên những cánh đồng chỉ còn trơ rạ, đi theo đám con nít lớn hơn xem tụi nó bắt cá hay leo hết từ cành cây này sang cành cây khác chỉ để tỏ ra ai là đứa “gan dạ” nhất…

Nhớ nhất là những đêm trăng sáng, ngoại thường ngồi trên cái phản dài trước sân, miệng bỏm bẻm nhai trầu và kể chuyện. Đám trẻ con thì ngồi túm tụm xung quanh, tranh nhau ngồi gần ngoại để được nghe kể chuyện cho rõ hơn.

Có những câu chuyện ngoại đã kể đi kể lại tới mấy lần nhưng lần nào đám nhóc tì chúng tôi cũng háo hức, miệng đứa nào cũng há hốc, chăm chú lắng nghe. Còn những hôm không kể chuyện cổ tích thì tôi thường nhổ tóc sâu và nghe ngoại kể chuyện đời. Lúc đó tôi còn ham chơi lắm nên những lời ngoại nói tôi chẳng để ý mấy. Tuy bình thường ngoại cưng chiều và hay mua quà bánh nhưng những khi tôi làm điều sai trái, ngoại đều nghiêm khác dạy dỗ.

Lớn lên một chút, tôi trở thành con nhóc cực kì quậy phá và ngang bướng. Có lần tôi rủ đám bạn cùng xóm trốn người lớn bơi sang phía bên kia sông hái ổi dại ăn, xui xẻo thế nào một đứa trong đám lại bị chuột rút, suýt chết đuối. Ngoại nghe tin, chạy ào ra đê, thấy cháu ngoại đang đứng run lẩy bẩy, mặt cắt không còn một giọt máu liền kêu về. Ngoại giận lắm, bắt tôi nằm sấp trên phản, lấy roi mây đánh cho tôi một trận. Tôi vừa đau vừa sợ, gào khóc xin ngoại tha thứ. Ngoại ném cây roi xuống sàn rồi ôm tôi vào lòng, khóc “sao dại quá vậy con ơi…”

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mọi vật đều bị sự chi phối của thời gian làm cho thay đổi. Ngoại đã già hơn, lưng đã còng và ngày càng yếu, thỉnh thoảng tôi lại thấy ngoại ho. Giữa lúc người lớn bắt đầu họp nhau lại nói chuyện gì đó đằng sau nhà (mà tôi đoán là nói về ngoại) thì tôi vẫn là con nhóc hồn nhiên chạy chân đất quanh con đê đầu làng, miệng tíu ta tíu tít. Cho đến một hôm…

Ngày ngoại mất. Lúc đó tôi vẫn chưa đủ lớn để ý thức được rằng ngoại đã rời xa tôi mãi mãi. Thấy nhà có đông người ra vào, nhưng mặt thì cứ buồn thỉu buồn thiu vì ngoại không biết đã trốn đi đâu mất tiêu. Hỏi má thì má chỉ nhìn “cái hộp” cao cao bằng gỗ kê ở giữa nhà mà người ta mới chở tới hồi hôm, rồi lặng lẽ khóc.

Tôi cũng sẽ nhớ mãi cái ngày mà người ta mang ngoại tôi đi mất. Hôm ấy trời đổ cơn mưa, không lớn nhưng cứ rả rích, âm ỉ suốt cả ngày trời. Tôilúc ấy chỉ khoảng tám, chín tuổi, đầu đội tang, áo xô gai lấm lem bùn, chân trần chạy trên nền đất nhẽo nhoét. Vừa dõi đôi mắt tuyệt vọng về phía những người đưa ma phía trước, tôi vừa gáo khóc “trả ngoại lại cho connnn… “. Ở đâu đó, mẹ tôi cũng đang dấu mặt vào đôi bàn tay gầy guộc, khóc nức nở…

Chớp mắt một cái mà đã mười mấy năm trôi qua. Bây giờ tôi đã không còn là đứa con nít hay khóc nhè và giận hờn vu vơ nữa. Nhìn lên bàn thờ hương bay nghi ngút, hình ảnh của ngoại năm xưa lại tràn về, khuôn mặt hiền như một bà tiên, những nếp nhăn như dài ra đằng sau mỗi nụ cười… Chợt thấy sống mũi mình cay cay, thấy nhớ ngoại da diết, muốn được lao vào lòng ngoại như đứa con nít nũng nịu của ngày hôm qua và cất tiếng gọi “Ngoại ơi…” (Truyện kể được bầu bạn sẻ chia, trên vi tính)

Những gợi nhớ được “bầu bạn sẻ chia trên vi tính” còn nhắc nhở bà con ở đây đó hãy sống hiên ngang, vui vẻ như lời thơ từng vang vọng:

Tôi như người ru mộng”
sống cuộc đời bềnh bồng
ngó quanh đời quạnh hiu
Buồn rơi theo năm tháng
chết trên lưng tháng ngày.

Tôi như loài cỏ dại
tôi như loài cỏ dại
suốt một đời chênh vênh,
suốt một đời buồn tênh.

Em có thương
thì xin chút hiền ngoan thật lòng
vì cõi đời này là những đam mê là những chia ly
là những đớn đau lẻ loi
Nên vẫn hoài còng đi se cát
Biển nhớ mênh mông
tình vẫn hư không ... đời đời.

Tôi như giòng sông cạn
cuốn quanh đời mệt nhoài
cuốn theo giòng nghiệt ngã
Buồn rơi theo năm tháng
úa trên lưng tháng ngày.

Tôi mang hồn cỏ dại
ngu ngơ tự hỏi lòng
bỗng một ngày thiên thu
bỗng một đời phù du.”
(Từ Công Phụng – bđd)


Thế đó, là giòng chảy đầy những phiếm. Phiếm rất loạn và cũng lai rai tháng ngày mai khôn nguôi.


Trần Ngọc Mười Hai
Và những giòng phiếm loạn
thảnh thơi,
khơi khơi,
không ngơi nghỉ.