Giết tình thơ! Giết người trong mộng mơ.
Làm sao giết được người trong mộng
để trả thù duyên kiếp bẽ bàng
(Phạm Duy – Giết người trong mộng)
(1V 3: 2)
“Duyên Kiếp bẽ bàng”, ca từ nghe sao buồn quá. Buồn lê thê. Não nề. Đến chết được. Nhưng, “giết người trong mộng”, không ghê rợn bằng ‘giết người trong bụng’. Rất im lặng. Lê thê. Buồn da diết. Rõ ràng, ý tưởng buồn ở đây cũng da diết như câu hát nhại của ai đó, đã bẻ cong lời lời hát của Lam Phương, như: “Em ơi nếu mộng không thành thì sao? mua chai thuốc chuột uống cho rồi đời!”
Thập niên sáu mươi, một thập niên xuất hiện nhiều “giấc mộng con”, “ước vọng lớn”. Ngoài đời. Ở nơi đó, có những mộng và ước bấp bênh gồm những nào là đảo chính, chỉnh lý; để rồi, lại có những chỉnh và chỉnh. Chỉnh, cho nát đời vua quan, với lãnh chúa. Ở nhà Đạo, tuy không có những chỉnh đốn hay điều chỉnh, theo cách ở đời. Nhưng có những điều và chỉnh theo cách của Thánh Thần Chúa. Rất lớn lao. Rất long trọng, một Công Đồng. Công Đồng Chung Vatican 2. Rất đẹp. Tuyệt.
Thập niên sáu mươi năm ấy, bần đạo vẫn dùi mài kinh sử với trường Đạo. Vẫn nghèo rớt mồng tơi, hơi hơi đói. Nhưng vẫn có mộng và ước. Rất bình thường, của một thanh niên con nhà lính, tính nhà quan. Nghĩa là, cứ thích làm “cha” thiên hạ. Rất linh mục.
Hôm nay, hơn bốn mươi năm nhìn lại, đã thấy mình khá táo tợn. Lại coi thường. Táo tợn và coi thường, đến độ chẳng biết sợ. Chẳng sợ sệt, khi nghe đâu đây lời ca tiếp nối của nhạc sĩ:
“Giết người đi! Giết người mơ!
Giết tình thơ! Giết người trong mộng mơ” (Phạm Duy – bđd)
Nói, táo tợn - chẳng biết sợ, khi nhìn qua nhìn lại, thấy bàn dân thiên hạ vẫn chém và giết. Hết, giết người trong mộng. Giết cả, người bé tí tẹo, trong bụng mẹ. Rất thai nhi. Trong trứng nước. Giết, không chỉ người ngoài Đạo, mới dám nghĩ. Cả người trong Đạo, vẫn không sờn lòng. Và, người người cứ mải mê những giết và giết. Chẳng cần nghe cần biết lời Chúa đã từng dặn:
“Ngươi không được giết người.
(Xh 20: 13)
Và:
"Đức Giê-su nói:
"Ngươi không được giết người.
Không được ngoại tình.
Và không được trộm cắp…”
(Mt 19: 18)
Đời thường, khi ủng hộ đạo luật ngừa/chống thai ở quốc hội, nhiều vị vẫn cứ biện luận: thai nhi không là người. Hoặc, chưa thành người. Nên cứ trừ và cứ khử. Trừ khử thai nhi trong bụng, không chỉ là hành vi giết người, mà thôi. Nhưng, còn là hành vi trộm cắp, phản chống Lời Chúa, ở bên trên.
Tác giả Khaleed Hosseini, trong một bài viết với tựa đề “Đứa Trẻ Chơi Diều”, đã mượn lời của người cha, để giải thích cho đứa con còn nhỏ thích chơi diều: trên đời này, lỗi phạm duy nhất và lớn nhất, vẫn là: trộm cắp. Trộm cắp, là lấy đi những gì thuộc người khác. Của người khác. Ví dụ: ngoại tình, là trộm cắp vợ/chồng của người khác. Nhục mạ và bôi nhọ, là trộm là cắp thanh danh của người khác. Giết người, dù là trong mộng hay trong bụng, cũng vẫn là cướp đi sự sống của người khác, rất trân trọng. Cướp đi niềm vui quý hiếm, mình vẫn quên.
Quả là thế. Khởi từ lúc sự sống con người bắt đầu được cưu mang/thai nghén, niềm vui của người cha người mẹ đã chính thức thành hình. Cùng lúc ấy, mầm sống mới nguyên hình đã nên duyên. Và hành trình sống đã khởi đầu thoạt lúc mẹ cưu mang/thai nghén đi tiếp tục hành trình, cho đến chết.
Sự chết, đến bất thần khi thai nhi bị lọt/xẩy, rất tự nhiên, là thời điểm đau buồn nhất trong cuộc đời người mẹ. Đau và buồn, là bởi cả người cha lẫn người mẹ đầu đã thấy mất mát lớn, cho tương lai chợt vụt mất của người con. Mất niềm vui. Được hiện diện. Với thế trần.
Có trộm cắp là có mất mát. Mất tình yêu. Mất quan hệ thân thương giữa bố mẹ với trẻ bé. Mất, cả tình thương giữa bé em với ông bà. Anh chị. Bạn bè, người rất thân. Mất, cả những đóng góp quý báu của em cho xã hội. Em đi vào.
Mất tương quan, là mất mát quan trọng nhất. Quan trọng và nặng nề, còn hơn mất mát khi xẩy thai. Và, “giết người trong bụng” còn kéo theo hậu quả khó lường, cho bản thân. Mất mát này còn đau buồn hơn cả mất khi lọt xẩy. Bởi, mất mát ở đây là mất sự vui sống. Là, bị cướp mất tương quan mà nạn nhân lẽ ra phải có và sẽ có, với người khác.
Về với nhạc bản của Lam Phương, về “mộng ước”, có ca từ ướt sũng, cũng như sau:
“Em ơi nếu mộng không thành thì sao,
non cao đất rộng biết đâu mà tìm…
Dù rằng đường đời ngăn cách tình ta
Phút giây ban đầu mãi không phai nhoà.” (Lam Phương – bđd)
Xem thế, thì mộng ước của xã hội lành thánh có niềm vui, nay cũng bị tước đoạt mất. Mất vui, mất mộng, mất tương quan êm ả, có “những phút giây ban đầu mãi không phai nhoà”. Phút giây không phai nhoà, trong cung lòng đầy yêu thương của Đức Chúa. Của thành viên Hội thánh.
Khi bị trộm, bị cắp, đương nhiên là có khóc thầm. Có gầm thét. Khóc thầm/gầm thét, vì có mất mát và bất công. Và, cả đến bất bình vì sự công chính mà Chúa tạo cho con người. Chấp nhận bất công hoặc thực hiện cuộc trộm cắp, là lấy đi sự sống hiếm có. Là, đe doạ lớn lao gửi đến với con người. Ở mọi nơi. Đe doạ làm mất đi sự sống của người khác, cũng là vi phạm giới răn: “Chớ ăn cắp” “Chớ giết người”.
Xã hội Tây phương, là xã hội khi xưa vẫn đề ra luật bảo vệ sự sống, chưa sinh nở. Nay thì xã hội ấy đã và đang tiến đến giai đoạn cho phép ăn cắp/dứt điểm mầm sống chưa sinh ra. Luật pháp, như thế đã cho phép giết người. Trắng trợn. Không thương tiếc.
Trường hợp “an-tử” cũng thế. Cũng là ăn-cắp-sự-sống của người già nua bệnh tật. Mượn cớ nan y không chữa khỏi, luật pháp vẫn còn tranh cãi để rồi lại cho phép “người khác” hoặc chính mình công khai “ăn cắp” sự sống của mình. Của, người già/bệnh. Bây giờ, mới chỉ người già/người bệnh. Mai mốt, sẽ là trẻ tật nguyền. Tàn phế. Tật nguyền về trí não. Bẩm sinh. Tàn phế, do tai nạn.
Xã hội hôm nay, dẫy đầy những trộm những cắp, rất công nhiên. Cắp trộm sự sống, cả vào khi trước lẫn giờ phút, sau khi sinh. Cắp trộm, vào phút thập tử nhất sinh. Nhất nhất, là hậu quả quay trở ngược, về với nạn nhân. Xã hội. Và bất công ấy, còn là đe doạ to lớn đối với tính thánh thiêng của sự sống. Mọi giai đoạn. Trong chu kỳ sống. Bởi thế nên, với xã hội lâu nay tự hào: mình là người văn-minh-không-ăn-cắp, vẫn phải làm sao tạo cho mình trách nhiệm bảo vệ cho sự sống con người không bị ăn cắp. Tước đoạt. Bảo vệ sự sống, lúc chưa sinh. Bảo vệ, cả vào giờ phút khó sinh. Khó sống.
Với ca từ của “Giết Người trong mộng”, người thưởng lãm văn thơ/âm nhạc lại sẽ nghe:
“Giết người đi! Giết người đi!
Giết người trong mộng đã đi về
Giết người như loài bướm đong đưa.” (Phạm Duy – bđd)
Có giết, hoặc ăn-cắp-sự-sống con người dù trong mộng hay ở đời thường, dù có được luật pháp bênh vực/bào chữa, cũng nên nghe người nghệ sĩ già đầy kinh nghiệm:
“Nhưng người ơi! Nhưng người ơi!
Sao người trong mộng vẫn hiện về?
Ơi người ơi! Ơi người ơi!
Sao mình trong mộng vẫn ngu si?” (Phạm Duy – bđd)
Ngu si, chẳng vì không biết “ăn-cắp” sự sống. Nhưng ngu si, là bởi vì:
“Làm sao giữ được người trong mộng
để được tình yêu, dẫu bẽ bàng.” (Phạm Duy – bđd)
Vâng. Vấn đề là như thế. Tất cả là như vậy. Làm sao giữ được người trong mộng yêu đương? Dù tình yêu ấy, bẽ bàng. Dù chuyện ấy, có là chuyện mộng mơ. Mộng hay mơ, vẫn là chuyện trăm năm ngàn đời. Mà, Đấng “Có” đời đời, từng nói:
“Phúc cho ai được an nghỉ
trong tình yêu Thiên Chúa,
vì cả chúng tôi,
chắc chắn
cũng sẽ được sống.
(Hc 48: 11)
Hiểu Nước Trời như một xã hội không-chịu-ăn-cắp, dù là “ăn cắp sự sống” của người khác, chắc chắn “ta sẽ được an nghỉ trong tình yêu của Chúa”. Và, “sẽ được sống”. Sống vui. Sống mạnh. Sống hạnh phúc. Như những người không bao giờ chịu trộm cắp, bất cứ gì.
Để minh hoạ những điều kể trên, mời bạn và tôi, ta đọc truyện kể nhẹ bên dưới, để thư giãn. Truyện kể, là truyện được kể từ bạn bè, về vui sống. Như sau:
“Một hôm, tôi có ý định từ bỏ mọi tương quan tôi vẫn có với người người. Định từ bỏ, cả
thai nhi còn rất bé, trong bụng. Nhưng trước khi có quyết định nghiêm trọng này, tôi cũng đã can đảm vào khu vực trống vắng,để chuyện vãn với Chúa. Tôi vãn với Chúa, như sau:
-Chúa ơi! Con chỉ muốn dứt nó đi cho rồi. Không thể chờ đợi lâu hơn được nữa, đâu.
-Khoan đã. Hãy nhìn xem, kìa loài dương xỉ với trúc tre. Ta dựng chúng, bằng hạt mầm búp măng, khi còn nhỏ. Con biết đó, mầm giống với búp măng, đâu ngóng gì ngoài ánh nắng và nguồn nước, ta cung cấp. Ấy thế, chí ít tháng với ít năm, tre trúc với dương xỉ đã xanh tươi, cao mọc khắp ngút ngàn. Chẳng khi nào ta ban cho tạo vật những tốt tươi mỹ miều, mà không thử thách. Thử thách có to, mầm giống lẫn măng búp dù nhỏ, vẫn chịu được. Chẳng bao giờ, ta cất nhắc đi, ánh sáng và nguồn nước giúp chúng vượt trội mọi thử thách. Cả con nữa, có khi nào Ta bỏ con lại với thử thách, mà không giúp? Hãy so sánh, giữa con với loài tre trúc, những dương xỉ. Con có thua kém chúng bao giờ đâu. Sao những toan dứt điểm và trừ khử mầm giống búp măng đâu đẹp đẽ bằng thai nhi, của con người? Thai nhi sẽ sáng rực, đẹp đẽ hơn trúc tre với dương xỉ, con hãy cố. Ta sẽ không bỏ rơi con, như vẫn không bao giờ bỏ tre trúc/dương xỉ, thấp hèn còn thua con.
Và nghĩ thế, tôi bèn trở về nhà, nhất định không chào thua trước thử thách. Dù, thử thách ấy có là đau khổ, mệt nhoài suốt nhiều tháng.
Truyện kể ở trên, có thể là truyện cổ rất xưa, nhiều hư cấu. Cũng hư cấu, như chuyện đòi “giết người trong mộng”, hay trong bụng. Bởi, thực tế cuộc đời, có những khoảnh khắc người người đều không nhớ. Nhớ rằng, có đau khổ, thử thách thì cũng có ân huệ, Trên ban xuống. Ân huệ Trên ban, là để con người lướt thắng mọi thử thách. Thử và thách, từ những mộng ước bình thường. Cho chí những toan tính dám giết người.
Vượt được thử thách, người người sẽ cùng người nghệ sĩ hát thêm lời ca câu hát, rằng:
“Em ơi phải chăng phút giây ngày ấy,
đôi tim ước mộng bấy lâu thành lời.
Dù rằng đường đời ngăn cách tình ta
Phút giây ban đầu mãi không phai nhòa.” (Lam Phương – bđd)
Thành thử, mỗi khi có toan tính cướp trộm sự sống của người và của mình, cũng nên nghĩ đến những phút giây ngày ấy, thuở ban đầu. Thuở có mộng ước bấy lâu thành lời. Mộng và ước, cho tình mình mãi mãi bền lâu. Vẫn thể hiện nơi “tình” của con trẻ. Cho con trẻ. Dù, “tình” ấy vẫn còn trong bụng mẹ hay đã lọt lòng. Ấy đó, là chứng tích của tình yêu. Tình của mình. Của người.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn xin trân trọng
“tình” người
chứ không chỉ
“tình” mình bây giờ.
Không bị trộm.