Monday, 9 March 2009

“Rồi mai, tôi đưa em, xa kỷ niệm,”

xin lời cuối, không dối gian, trong mắt em.

Tình yêu, cho thương đau, nghe buồn thêm .

Gác vắng, mưa gợi niềm chăn chiếu.”

(Trường Sa – Rồi mai tôi đưa em)

Mt 25: 45

Đưa em, xa vùng trời kỷ niệm. Không dối gian. Nghe buồn thêm. Buồn thật, nhưng có buồn nào bằng cái buồn của những “ngày mai tôi đưa em/đưa anh” xa vùng trời yêu thương. Nhung nhớ. Vùng trời đầy nhung nhớ ấy, cũng chẳng ở làng Nazarét, chốn quê nghèo. Cũng chẳng là, hang Bê-lem, thôn làng nhỏ bé. Nhưng lại là, thành thánh Giêrusalem, đầy nhớ thương. Nhớ và thương vùng trời Giêrusalem ấy, chốn tôn nghiêm. Yêu thương, tình Đại kết.

Thành thánh Salem lần đầu ghé viếng, người người đều thấy rõ tình đại kết, rất mến thương. Tình, của các phe phái nơi Đạo Chúa, vẫn chung phần nối kết, một lịch sử. Một di tích tưởng niệm, có những chặng đàng khổ giá, có khóc than. Có bái lạy, sì sụp. Mà người người đinh ninh rằng: Hài Cốt Chúa được lưu giữ ở đâu đó, ngay bên dưới. Có nhà mồ, kiên cố. Có nến đèn thắp sáng, quanh năm.

Điều trớ trêu mọi người đều thấy, là: di tích sử của những “chặng đàng thánh giá” ở Giêrusalem, nay thuộc phần sở hữu của dân con, người Hồi giáo. Là, người giữ chìa khóa, và thu tiền. Thu tiền thuê, là để các phe phái nhà Đạo mình làm nơi phượng thờ, để du khách đến thưởng lãm/bái lạy, không cãi tranh. Các giáo phái đóng tiền như thế, bần đạo thấy có: Công giáo La mã. Chính Thống Hy Lạp. Chính tông Đạo Chúa xứ Ác-mê-ni-a, Ai Cập, Ê-ti-ô-pi-a và Xy-ri-a. Nhất nhất, mọi giáo phái đều có thói quen hiệp thông/đối thoại, giữ di tích.

Về hiệp thông/đối thoại, thế giới hôm nay có thói quen gọi là “truyền thông” hay “thông đạt”. Tức, những cử chỉ thân tình ta vẫn có, khi đổi trao. Đối thoại. Truyền đạt. Truyền thông hôm nay, đã thành chuyện rõ như ban ngày. Chẳng có gì phải ưu tư, thắc mắc. Truyền thông như thế, có là truyền đạt và đả thông như nghệ sĩ nhà mình, vẫn ca và vẫn hát, nhiều hôm trước:

“Ngồi nghe yêu thương đi, xa tầm tay,

giữa tiếng ru trầm vào, cơn mê này.” (Trường Sa – bđd)

Ru trầm vào truyền thông/cơn mê này, là ru như người xưa vẫn cứ coi đó như bộ môn khoa học/kỹ thuật được sử dụng để người người xích lại gần nhau. Chứ không phải, để cùng nhau kéo ra bãi tha ma, mà tranh chấp đất đai. Quyền lợi. Người người hôm nay, sống là sống có truyền và có thông. Có đối thoại. Truyền đạt. Truyền và thông, là để đả thông tư tưởng. Là, chung lòng kết hiệp, vì mục đích cao cả. Là, dẫn đưa mọi người đến với Nước Trời, ở trần thế. Ở nơi đó, có tương quan dào dạt thân thương, tình đại kết.

Truyền thông đây, không là phương tiện của báo đài, chuyên nối kết với người nghe nhìn và đọc. Để rồi, cùng nhau ta đi vào nơi chết chóc, có tin buồn. Truyền thông đây, là truyền đạt một thông điệp đầy cảm tính giữa người cùng nhà. “Tứ hải gia huynh đệ” dấu yêu. Là, tình cảm thân thương của người cùng chiến tuyến/mục tiêu. Đến với Chúa. Nói như thế, là nói: chính Đức Chúa đã truyền đạt cuộc sống của Ngài, qua năng lực hỗ tương/đa dạng, từ thiên nhiên.

Thế giới hôm nay, nhìn tổng thể, là thực tại trong đó mọi thành phần được đính kết vào nhau, người với người. Thế giới nhân trần, nay có quá nhiều thứ để tỏ cho mọi người thấy rõ Đức Chúa vẫn truyền đạt/đả thông với ta, qua nét vẻ của thiên nhiên. Con người.

Chính vì thế mới có lời, rằng:

“Quả thật,

Ta bảo các ngươi:

những gì các ngươi đã không làm

cho người nào

trong các kẻ hèn mọn nhất này

là các ngươi đã

không làm cho chính Ta.”

(Mt 25: 45)

Đức Chúa truyền đạt/đả thông với thiên nhiên/con người, qua tương quan phức hợp, khiến ta trở thành người con. Thành, con của Người. Con của Chúa. Tương quan ấy, bao gồm mọi ước vọng, có vấn nạn. Bao và gồm, cả những ao ước thầm kín, qua giao du mật thiết với bạn bè/người thân. Với xã hội nhân quần, nhiều hình thức.

Cựu Ước xưa, diễn tả tương quan/truyền thông ấy, ngang qua dân con Do Thái. Tức, dân con được Chúa hứa hẹn, chọn lựa. Tân Ước nay, lại tập trung nhấn mạnh đến chiều sâu quan hệ, giữa ta và Chúa. Giao ước Tân/Cựu khi trước cho thấy tính tham lam/vị kỷ gây cản trở làm muôn dân không đến được với nhau, ngõ hầu thực hiện ước mơ ấy.

Nói theo kiểu nhân gian nghệ sĩ, là nói và hát như thế này:

“Còn đây, không gian xưa quen gót lầy.

Bên hè phố, cây lá thưa, chim đã bay.” (Trường Sa – bđdd)

Gót lầy không gian, nay vấy bẩn một môi trường, là cảnh huống tương quan được nhắc đến:

“Rồi mai, chân hoang vu lên phố gầy,

Tôi về nhớ, trong mắt môi đã đắng cay.” (Trường Sa – bđd)

Cứ thế, không gian xưa/nay vẫn về lại với nhớ nhung, có mắt môi, phố gầy. Rất đắng cay. Đắng và cay, vì mọi tương quan hệ trọng khi trước, nay đà:

“Đành đoạn, rồi những lần chiều hẹn ước.” (Trường Sa – bđd)

Hẹn, là những hẹn và ước có buổi chiều. Hẹn, là ước và mơ, ở buổi chiều vàng, chưa đứt đoạn. Hẹn, là tương quan hệ trọng người người, có đứt đoạn hay không, đó mới là vấn đề. Vấn đề, của mọi người. Của đôi nam nữ rất “tương quan”. Như câu truyện, ở bên dưới:

“Có cô gái, rất hận đời vì chứng mù loà, cả hai mắt. Cô thù ghét hết mọi người. Chỉ trừ mỗi người bạn trai, của cô. Anh luôn ở bên cạnh, chăm sóc/hầu hạ cô. Nói tóm, là: có quan hệ rất chu đáo. Với cô gái.

Có lần, cô nói với anh:

-Nếu được sáng mắt, em sẽ lấy anh làm chồng, ngay lập tức.

Một ngày kia, có người tặng cho cô đôi mắt sáng, để thấy đời. Sau ngày chuyển vận quà tặng, bác sĩ cho phép cắt chỉ, bỏ lớp băng che đôi mắt loà. Và, cô thấy được đủ mọi thứ. Thấy, cả người bạn đời yêu dấu, vẫn ở cạnh.

Thấy bạn hiền sung sướng có cặp mắt để nhìn, anh bạn bèn hỏi:

-Bây giờ nhìn thấy rồi, em có còn muốn lấy anh làm chồng, nữa hay không?

Cô gái nhìn người bạn từng ở gần mình bấy lâu nay, phút chốc đã bàng hoàng. Bàng hoàng, thấy anh bạn mù loà kia lại đã dám ngỏ lời cầu hôn, với cô. Đó là chuyện, hẳn là cô chẳng bao giờ nghĩ đến. Không nghĩ, nên mới hứa. Bỗng tự dưng, cô thất hãi sợ. Rất sợ, khi nghĩ cảnh tình buộc phải sống chung đụng cùng kẻ mù loà, có đôi mắt hõm, thật đáng ghê. Khiếp sợ hơn, về quãng đời còn lại của mình, đang khởi sắc. Vì thế nên, cô đã thất hứa.

Người bạn trai buồn rầu, bỏ đi nơi khác, không một lời giã từ. Ít ngày sau, cô gái nay đã sáng mắt, nhận được đôi giòng chữ cay đắng, rất tâm tình. Giòng thư đau khổ của bạn hiền hôm trước, nay có lời ngỏ rất thương, một dặn dò:

-Em yêu dấu. Em nhớ chăm sóc cặp mắt mà em vừa mới nhận, cho thật kỹ, em nhé. Bởi lẽ, trước khi cặp mắt đó được tặng trao cho em, nó là của anh. Một người vẫn thương em dù giờ đây không còn cặp mắt nào, để nhìn em.

Nhớ em nhiều trong yêu thương.”

Đành rằng, trong tương quan giữa người với người, có nhiều cảnh trong đó con người từng thất hứa. Chấm hết mọi tương quan dù rất đẹp, vào ngày trưóc. Những ngày, cả hai phiá từng có những lời thề non hẹn biển. Với nhau. Trước mặt Chúa. Bởi thế nên, trong tương quan mật thiết với Chúa và với người, dù có là người nhà hay người dưng nước lã. Ta vẫn cứ nhớ lời dặn dò của bạn bè người xưa. Những lời chưa nghe quen, hay đã rành. Những dặn dò của ngày trước, rất nhè nhẹ một nhắn nhủ. Như lời nhắn nhủ ở bên dưới:

“Đời là quà tặng. Hãy biết ơn đời. Biết ơn người. Biết ơn, và nhớ đến người. Nhớ cả những người từng lên án mình. Và nhớ rằng, khi có tư tưởng yếm thế chợt đến khiến mình chán ngán chỉ muốn bỏ đi, thì hãy cứ tươi lên mà suy nghĩ. Suy và nghĩ, rằng dù vậy mình hạnh phúc/được ơn, vẫn đang sống. Nên, hãy sống vững vàng. Sống vui tươi như không gì xảy đến.”

Lời nhắn ở đây, mang máng một giòng chảy suy tư về truyền thông/đối thoại, trong đời. Về những nhắn nhủ của người thân yêu, trước khi ra đi, cũng có lời nhắn rất “truyền và thông”, như sau:

“Anh yêu,

Em cấm anh không được cho cái con mẹ T. Dầu ngõ ấy đến nhà quàn, mà làm chi. Em ghét cái bản mặt dẻo quẹo của mẹ ấy lắm lắm. Không chịu nổi. Nó mà dẫn xác đến, là em sẽ phùng mang trợn mắt, rồi lè lưỡi ra là nó đứng tim ngay. Chết ngay tại chỗ không trối trăn cho mà xem. Lo cho đám tang của em xong, là anh phải bán nhà mà đi nơi khác, đó nhe. Đi, khỏi chòm xóm mình đang ở, nhé. Em không muốn anh tiếp tục sống cạnh bên nhà cái con mẹ B., kia nữa đó. Em thấy con mẹ này gian khủng khiếp lắm đấy. Mỗi lần nó thấy em đi ngang qua, là nó nhổ nước bọt/thọt nước miếng xuống đất. Rồi ngoăn ngoắt quay vào nhà trong. Còn, hễ thấy anh là nó cười ngỏn ngoẻn nhe đủ hết hàm răng cỏ trắng phau như ngựa vía ấy. Trong khi, em có làm tình làm tội, gì nó đâu mà sao nó lại xử với em như thế ?

Chỉ sau ba năm mà thôi, anh muốn lấy ai thì lấy, em không cấm. Nhưng tuyệt nhiên, anh không được lấy cái con mẹ N., con mẹ L., con mẹ C kia nữa. Dứt khoát, anh mà lấy một trong mấy cái con mẹ đó đó, thì chắc chắn em sẽ hiện hồn về, bóp cổ anh, ngay thôi. Em sẽ xé xác mấy mụ voi dầy/ngựa xéo ấy ra làm nhiều mảnh, chứ đừng có mà trêu ngươi em, đâu nhé. Quần áo của em, anh cứ đem cho hội từ thiện. Hoặc là Salvation Army hay Vincent de Paul, hay gì gì cũng được. Miễn là, em cấm anh không được để cho mấy cái con chằng ăn/trăn quấn ấy đụng tới là được rồi. Còn mấy đồ nữ trang của em, thì anh hãy đeo hết cho em, rồi mới chôn, nhe !

Ấy chết ! Cái hộp bích-qui em cất giữ trong ga-ra, để phía dưới thùng bột giặt, bọc bằng bao ny-lông, thì anh đem đi mà đốt sạch cho em. Cấm anh không được mở nó ra mà coi, đâu nhé. Anh mà không nghe em, đêm đêm em hiện về, em sẽ lấy dây điện xiết cổ anh, cho mà coi. Trong đó, chỉ có một đống hình chụp và mấy lá thư của mấy con bạn nạ dòng của anh thôi, chứ chẳng có gì đâu. Anh đừng thắc mắc, bận tâm. Anh cũng không cần phải xem mấy thứ đó mà làm gì. Chỉ là, những bức ảnh của mấy con quỷ ấy. Bọn chúng nó đều bị vẽ râu ria và chọc thủng mắt hết trơn rồi. Xem làm gì nữa. Cả cuốn sổ điện thoại mà anh cứ tưởng là bị lạc đâu mất, kiếm cả tháng không ra. Tất cả đều ở trong đó hết trơn. Hơn nữa, mấy con mẹ đó đâu còn giữ số điện thoại nữa, kiếm làm gì.

Bây giờ em ra đi, anh muốn làm gì với người nào em không quen không biết thì cũng chẳng can hệ gì. Nhưng, em cấm anh không được lạng quạng quay lại với mấy nhỏ kia. Cứ nghĩ tới bọn nó là em đã thấy lộn ruột rồi. Tụi nó, có đứa dám gọi em là sư tử Hà Đông, có láo toét không. Nó còn viết ngay trong thư gửi cho anh, vô phúc cho nó là em đã bắt chộp kịp. Chúng nó hỗn láo như thế, mà sao anh chịu được nhỉ.

Anh nhớ nghe lời em dặn: chủ nhật là phải đi nhà thờ. Xong rồi, ra mộ mà thăm em. Anh có đi, thì cũng chỉ đi một mình thôi, không được hẹn hò với đứa nào vào ngày ấy, đấy. Có đi chơi với ai, thì nhớ không được đeo bất cứ cà-vạt nào em mua cho anh. Cả, áo sơ mi, giầy dép, hoặc mấy áo lạnh, áo vét em chọn cho anh, hồi đó đó.

Em thiêng lắm đó. Nói cho anh biết để anh dè chừng. Đừng có mà chọc tức em cho em điên tiết lên, anh nghe chửa?

Ký tên

Người vợ chung-tình của anh, cả đời này lẫn đời sau.

Truyền thông là như thế. Truyền và thông, cả khi chết. Hết còn sống. Cả đời này, hay đời sau. Truyền, bằng thư từ. Thông, bằng di chúc. Những là, khói hương ví vút, trọn tâm tình. Bằng, những lối mòn suy tư rất nhận định. Cả vào đời sau.

Tựu trung, lối mòn đường đời, bao giờ cũng có những tương quan hệ trọng, mà người đời gọi đó là truyền thông/đối thoại. Hay, đả thông/truyền đạt. Nhất nhất, đều là những cái “có” trong đời. Có tương quan. Có truyền thông đối thoại. Với Chúa. Vấn đề còn lại, là: ta truyền và thông, là thông và truyền với Chúa đến thế nào? Đối thoại và cảm thông với bạn bè/người thân, ra sao?

Về với truyền thông, trong ca nhạc, người nghệ sĩ chắc sẽ lại hát với ta lời cuối. Cho nhau:

“Còn ai mơ trên tay, khi hoàng hôn!

Vỗ giấc xuân muộn về, trên môi hồng.” (Trường Sa – Rồi mai tôi đưa em)

Xem như thế, nghĩa là: Xuân có muộn về trên môi hồng hay môi trắng, ta vẫn có thể “vỗ giấc” trên tầm tay. Khi hoàng hôn. Hoàng hôn buổi xế bóng. Hay, hôn hoàng một cuộc đời. Duy có điều, là: sẽ không có hôn hoàng của niềm tin. Bởi, về niềm tin và yêu, các thánh từng quả quyết:

“dân thánh được chuẩn bị

để làm công việc phục vụ,

là xây dựng thân thể Đức Ki-tô,

cho đến khi

tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất

trong đức tin

và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa,

tới tình trạng con người trưởng thành,

tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô.

(Ep 4: 13)

Và như thế, dân con mọi nơi/mọi thời sẽ chuẩn bị phục vụ, qua truyền thông/đối thoại, để ta đạt được cùng đích, tức: tin yêu, nhận biết Con Thiên Chúa. Và, khi nhận biết tiếp nhận niềm tin Con của Ngài rồi, tất cả sẽ tốt đẹp. Sẽ thông đạt trong trưởng thành. Có sự viên mãn của Đức Chúa. Đấng vẫn ở với và ở cùng ta. Và, mọi người. Trong Nước Trời.

Chính đó là mục tiêu. Là, cùng đích của truyền thông/truyền đạt. Đối thoại. Trao đổi. Ở mọi thời.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn muốn

truyền thông/thông đạt

với Chúa.

Với mọi người.

1 comment:

Anonymous said...

Chuyen phiem dao doi
Rat tuyet. Toi thuong load vao may nghe mp3 va hau nhu dem nao cung mo nghe, loi nguoi doc nhe nhe, em em vua hay vua... buon ngu.
Toi muon download them nua, nhung cai link da bien mat, vao khong co cach nao load duoc. Vao link truc tiep tren blogspot cua Tran Ngoc Muoi Hai thi cung khong duoc. Quy vi co cach gi chi bao giup voi, xin cam on.