Saturday, 24 June 2017

“Anh xin muôn kiếp yêu em mà thôi”



Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần 13 thường niên năm A 02/7/2017

“Anh xin muôn kiếp yêu em mà thôi”
(Nguyễn Vũ – Lời Cuối Cho Em)

(Thư thứ 1 Côrinthô 15: 54-57)

Muôn kiếp yêu em” ư? Nhưng, sao cứ gọi đó là “lời cuối cho Em”? Phải chăng, đây lại là lời trăn trối từ các vị đang sửa soạn về nhà Cha, như vẫn bảo?

Vẫn bảo, là vẫn cứ tự nhiên ca hát những lời như:

“Đừng, đừng nhìn anh bằng đôi mắt buồn vời vợi.
Thà em nói, thà em trách rằng: anh dối gian thật nhiều.
Bây giờ chỉ còn đôi ba giây phút cuối bên nhau
Em nói đi, em nói đi,
Dù chỉ một lời làm tan nát lòng nhau.

Nếu! ngày mai nếu chúng mình xa nhau.
Anh xin hứa lời cùng em lần cuối.
Nếu! ngày mai nếu chúng mình xa nhau,
Anh xin muôn kiếp yêu em mà thôi.

Nếu! ngày mai nếu chúng mình xa nhau,
Anh xin hứa lời cùng em lần cuối.
Nếu! ngày mai nếu chúng mình xa nhau,
Anh xin muôn kiếp yêu em mà thôi.
(Nguyễn Vũ – bđd)

Hôm nay đây, mỗi khi ai đó làm lễ “xuất quân” ra trận mạc, vẫn có lời hỏi rằng: người thế ấy, có còn phát-biểu những câu tương-tự ở trên không? Hoặc, ít ra là những nhận-định khá “cứng” như Đức Giáo Tông độ nào, từng bảo ban:

“Bằng vào những nguyện-khấn sốt-sắng cho các nạn-nhân trong mọi cuộc chiến nhân-gian; và cũng để cảm ơn những người đã và đang dự-phần vào các nỗ-lực trợ-giúp này/khác đầy nhân-ái, Đức Phanxicô đã kêu gọi mọi người hãy nguyện-cầu cho các bà mẹ của mình còn ở dưới thế-gian hoặc đã siêu-thăng trên thiên-quốc, nhân ngày Nhớ Ơn Mẹ 2017, cùng với ý-tưởng bảo rằng: Đã đến lúc con người cần có quyết tâm ăn-năn/sám hối và nguyện cầu nhiều hơn nữa, hầu chấm-dứt các cuộc chiến đang lan rộng và các xung-đột “phi lý’ khác.

Ngày nay, mọi người chúng ta đang cần hỗ-trợ cuộc sống cũng như giùm giúp các bà mẹ ở khắp nơi để rồi ta chung-lưng xây đắp tương-lai tươi-sáng cho cộng-đồng của chúng ta vốn đang đòi hỏi mọi người biết quan-tâm cách cụ-thể đến sự sống và tình mẫu-tử nữa... (X. Catholic News Service ngày 15/5/2017 trên tờ Catholic Herald có tựa đề là Help End ‘absurd’ wars with penance and prayer, Pope Francis says”)

Có lẽ, đúng như lời Đức Phanxicô nói: hôm nay đây, con người phàm-tục lại đã quên mất nhu-cầu chuyện-vãn với Đấng Thánh-hiền ở trong Đạo; và ngày nay cũng chẳng còn ai bận-tâm tới chuyện sám-hối, đền-tội hoặc quyết-tâm quay trở về đời sống thánh-hiến, như khi trước.

Người thời nay, cả ở trong lẫn bên ngoài nhà Đạo –dù là Đạo Chúa hay bất Đạo nào khác  đã không còn “tỉnh-thức nguyện-cầu” cùng với Thần-linh Thánh-ái nữa. Trái lại, ai nấy chỉ biết ê-a ba lời kinh, câu vãn, tiếng hát thanh tao để xin xỏ điều gì đó, thôi. Không tin ư? Thôi thì, ta hãy nghe tiếp lời Đức Phanxicô còn nói tiếp:

Ngày hôm nay, cũng thế, người người luôn có nhu-cầu khẩn-thiết trong nguyện-vãn/sám hối để nhận-lãnh ân-huệ trở về. Trở về, mà thừa-nhận kết-cuộc của quá nhiều cuộc chiến trải dài khắp thế-giới và còn lan tràn nhiều hơn nữa. Trở về, mà dứt đoạn các xung-đột lớn/nhỏ rất phi-lý đang phá tan-hoang bộ mặt của nhân-loại.

Hãy trở về, để còn nhìn ra được rằng rất nhiều thường dân vô tội đang được xét-nghiệm một cách đau buồn, dù họ là Kitô-hữu, Hồi-giáo hoặc thành-viên sắc tộc thiểu-số như người Yaziđi đang buộc giáp mặt với bạo tàn, đau khổ và/hoặc kỳ-thị.

Tôi đây, nay khuyến khích các cộng-đồng khác nhau, hãy men theo con lộ của đối-thoại và tình bằng-hữu hầu xây dựng một tương-lai gồm có cả sự tôn-trọng, an-ninh và hoà hoãn, xa rời cuộc chiến dù ở dưới bất cứ loại-hình nào cũng thế.” (X. Catholic News Service, bđd)

Vâng. Cuộc chiến ác-liệt ngày hôm nay, đã và đang xuất-hiện dưới nhiều hình-thức. Có khi, chỉ là xung-đột nhỏ. Cũng có lúc, lại là những tranh-giành lớn-lao, to đùng như: giành ăn, giành mối, giành cả quyền-hành và chức phận to/nhỏ.

Vâng. Cuộc chiến ác-liệt hôm nay lại đã len lỏi tận tâm-can con người. Cả, những người lâu nay không cần hoặc không còn thèm thuồng bất cứ thứ gì ngoài những cái mình đã có và đang có.  

Vâng. Quả có thế. Cuộc chiến quan-trọng hôm nay, còn là và vẫn là cuộc chiến nội-tại, bên trong con người. Chiến-đấu rất nhiều để mãi mãi còn là con người đúng danh hiệu của “người con” của Thiên-Chúa.

Vâng. Cuộc chiến hôm nay vẫn kéo dài, khi con người thường và/hoặc người “con của Chúa” lại đã vô-tâm quên lãng, không còn lý gì đến mục-đích của sự sống nhân-lành/hạnh-đạo như đã định.

Vâng. Cuộc chiến hôm nay vẫn cứ triền miên kéo dài từng đợt và trên từng chặng đường, ở chốn lưu-đày này. Đó, là cuộc chiến nội-tâm/nội-tại giữa cái xấu/điều tốt, đến thiên thu. Tra tay xâm-nhập vào cuộc chiến ấy, ai ai cũng muốn có ngày thành-đạt. Không vấp ngã, cũng chẳng thất-bại, dù thất-bại đó có là mẹ thành công hay sao đó.

Và, ngõ hầu chiến-thắng cuộc chiến nội tại này, người người cũng cần đến sự hỗ trợ của Đấng ở Bên Trên và/hoặc của các bà Mẹ hiền còn sống hay đã khuất. Và, “lời cuối cho Em” sẽ là và phải là lời chúc để người người thành công trong chiến thắng, vẫn rất cần.

Để minh-hoạ cho quyết-tâm chiến-thắng này, cũng nên quay về vườn hoa truyện kể có những câu truyện nhè nhẹ vốn dĩ khiến mọi người “lên tinh-thần”, như sau:

“Truyện rằng:
Ba hành khách cùng đi trên một chuyến tàu tới ga Tình yêu: Sòng phẳng, Ích kỷ và Vị tha. Cả ba đều mang theo mình hai gói đồ: Nhận và Cho, nhưng độ nặng nhẹ khác nhau:

Sòng phẳng: Cho BẰNG Nhận
Ích kỷ: Cho ÍT HƠN Nhận
Vị tha: Cho NHIỀU HƠN Nhận

Trong lúc rỗi rãi ba người tán gẫu về hành lý của mình. Sòng phẳng lên tiếng:
-Tôi thấy hành lý của các anh lệch lạc, thật khó mang theo. Còn tôi luôn cân đối Cho và Nhận nên mang đi dễ dàng.
-Anh làm thế nào cho cân được? Ích kỷ hỏi.
-Thì tôi phải tính chớ. Tôi chỉ cho đi khi tôi chắc có thể nhận về một lượng tương đương. Cho không hay nhận không của ai cái gì, tôi đều không thích. Tính tôi là vậy, không muốn mắc nợ hay mang ơn.

Ích kỷ:
-Anh nói nghe như thể đi mua hàng vậy: Tiền nhiều mua được nhiều, tiền ít mua được ít, không tiền không mua. Nhưng tình cảm đâu thể đong đếm theo cách đó.
Sòng phẳng cười phá lên, rung cả hai vai. Ích kỷ ngạc nhiên:
-Tôi nói vậy không đúng à?
-Quá đúng là khác. Tôi chỉ buồn cười là trông 2 gói hành lý của anh bên Cho thì nhẹ bên Nhận thì nặng, vậy mà anh cũng nói được câu đó.
Ích kỷ nhìn lại 2 gói đồ của mình, gật đầu. Sòng phẳng thoáng bâng khuâng:
-Không phải lúc nào tôi cũng sòng phẳng cả đâu. Có những người cho tôi nhiều mà tôi không cho lại được là mấy. Ví như tình yêu cha mẹ cho tôi gần như vô hạn, chẳng kể tôi có đáp lại hay không. Vậy là tôi Nhận nhiều hơn Cho. Với con cái thì tôi Cho chúng nhiều hơn Nhận về. Cũng nhờ có sự bù trừ như vậy mà 2 gánh hành lý của tôi thường cân nhau.
Ích kỷ tán thành:
-Tôi thấy kiểu hành lý của anh giờ đang thịnh hành. Nhiều người thích sòng phẳng cả trong tình yêu theo kiểu: “Ông rút chân giò, bà thò chai rượu”.

Sòng phẳng trầm ngâm:
-Ðôi khi tôi cũng không thích sống thế này đâu. Luôn phải tính toán nhiều - ít, luôn phải dừng gánh để sẻ từ bên này sang bên kia. Tôi thấy mệt mỏi và nhiều lúc trống rỗng, vô cảm.
Ích kỷ:
-Tôi cũng giống anh, luôn phải so đo tính toán. Nhưng tôi phải tính sao cho Nhận về mình nhiều hơn. Tôi chỉ thích nghĩ cho mình thôi mà.
-Nhận nhiều như thế anh có hài lòng không? Sòng phẳng hỏi.
-Chả mấy khi tôi vừa lòng. Tôi luôn canh cánh trong lòng: Mình có bị mất mát gì không? Cho như thế có nhiều quá không?
-Anh có người yêu không?
-Có chứ. Tôi rất yêu người yêu tôi là đằng khác. Nhưng tôi luôn lo sợ. Tôi sợ mình cho nhiều quá lỡ tình yêu bỏ tôi đi thì tôi chẳng được gì. Tôi không muốn nhận về tay trắng. Ðó là nỗi ám ảnh của tôi.

Tàu qua cầu vượt sông Âu Io. Tiếng xình xịch của đầu máy át lời tâm sự của Ích kỷ. Qua khỏi cầu, tiếng ồn dịu lại, Ích kỷ và Sòng phẳng lúc này mới nhớ tới người bạn đồng hành thứ ba. Vị tha nãy giờ vẫn yên lặng lắng nghe. Khi thấy hai bạn hướng mắt về mình mới khẽ khàng cất lời:
- Hai anh đều có lý lẽ của mình. Lập luận của anh Sòng phẳng thuần túy là của bộ óc, không có mấy liên hệ đến trái tim. Chính vì vậy anh luôn thấy căng thẳng, mỏi mệt và đôi khi trống rỗng. Còn anh Ích kỷ yêu ghét rõ ràng, nhưng tình yêu của anh là “vì mình, cho mình”. Bởi yêu mình quá mà anh thường trực lo sợ. Tôi nói vậy có phải không hai anh?
Ích kỷ và Sòng phẳng đang mải nghĩ ngợi nên không trả lời. Vị tha nói thêm:
-Anh Sòng phẳng nói đúng: Hành lý của tôi không cân - Cho nhiều hơn Nhận. Ấy là vì tình cảm xuất phát tự đáy lòng thì rất chân thành và giản dị. Nó thấy rằng Cho là lẽ tự nhiên, không gì vui bằng làm cho người mình thương yêu được hạnh phúc. Niềm vui khi dâng tặng làm vơi gánh nặng của tôi, cho tôi sự thanh thản, đủ đầy.
-Ðủ đầy? Sòng phẳng và Ích kỷ cũng thốt lên. Cho là mất chứ, cho nhiều thì phải còn ít đi mới phải.
Vị tha mỉm cười:
-Ðấy là về mặt vật chất, là quy luật trong Toán học thôi. Quy luật của tình yêu thì khác. Lát nữa đến nơi, tôi sẽ chỉ cho các anh.
Ích kỷ và Sòng phẳng nhìn gánh hành lý của Vị tha, lại nhìn hành lý của mình, lòng chưa hết băn khoăn. Cũng vừa lúc tàu đến ga Tình yêu. Tàu chạy chậm dần, chậm dần rồi dừng hẳn.
Ngước nhìn vào sân ga, Sòng phẳng và Ích kỷ đều trông thấy dòng chữ có nội dung Vị tha vừa nhắc đến. Hai người rất đỗi ngạc nhiên vì họ đi trên chuyến tàu nhiều lần, đến ga Tình yêu đã nhiều mà chưa bao giờ thấy hàng chữ đó. Thực ra quy luật của Tình yêu luôn có ở đó, nhưng chỉ những ai có trái tim nhạy cảm mới thấy và thấu hiểu.
Bạn thân mến, tôi sẽ không nói hàng chữ trên sân ga Tình yêu nói gì vì tôi chắc bạn cũng đoán ra được. Ðể kết thúc câu chuyện, tôi chỉ xin tiết lộ về những người sẽ đón 3 hành khách của chúng ta cùng hành lý Cho và Nhận của mỗi người: Ðón Sòng phẳng là Khô khan, Ích kỷ sánh đôi cùng Bất an và người đón đi Vị tha chính là Hạnh phúc.

Hãy đếm những nụ cười, đừng đếm những giọt nước mắt.
Hãy đếm những hạnh phúc, đừng đếm những tai họa.
Hãy đếm những gì ta được, đừng đếm những gì ta mất.
Hãy đếm những niềm vui, gắng quên đi những nỗi buồn..
Hãy đếm những ngày khỏe mạnh, quên đi lúc bệnh hoạn,
Hãy đếm những bạn thân, quên đi những người thù.” (Truyện kể trích từ Mạng vi tính)

Nghe kể như thế rồi, nay mời bạn và mà tôi ta lại đi vào vườn hoa khác, có những lời lẽ khuyến-khích mọi dân con nhà Đạo như sau:

“Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt,
khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử,
thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây:
Tử thần đã bị chôn vùi.
Đây giờ chiến thắng!
Hỡi tử thần,
đâu là chiến thắng của ngươi?
Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?
Tử thần có độc là vì tội lỗi,
mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật.
Nhưng tạ ơn Thiên Chúa,
vì Ngài đã cho chúng ta chiến thắng
nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”
(Thư thứ 1 Côrinthô 15: 54-57)

Và, khi đã toàn-thắng cái xấu-xa/tồi tệ nhất, tức là cái chết về thể-xác hoặc cái chết nội tại trong và qua lỗi/tội, nay mời bạn và mời tôi, ta lại sẽ hiên ngang, đầu cao mắt sang hát lên cả những lời buồn bã ở ngoài đời, như tác-giả ở trên từng viết:

“Em, anh xin em một lần cuối
Đừng trách anh, đừng giận anh nhé em
Em, anh van em, em nói đi
Em nói sẽ không bao giờ buồn

Nếu ngày mai lỡ chúng mình xa nhau
Anh chôn dấu đời ngàn năm lạnh giá
Nêu ngày mai lỡ chúng mình xa nhau
Anh xin muôn kiếp yêu em mà thôi

Đừng, đừng nhìn anh bằng đôi mắt buồn vời vợi
Thà em nói, thà em trách rằng anh dối gian thật nhiều
Bây giờ chỉ còn đôi ba giây phút cuối bên nhau
Em nói đi, em nói đi
Dù chỉ một lời làm tan nát lòng nhau.
(Nguyễn Vũ – bđd)    

Hát thế rồi, ta lại hiên ngang bước về phía trước mà thực-hiện những điều mình đã quyết, trong cuộc đời.

Trần Ngọc Mười Hai
Thêm một lần
Với quyết tâm
hát mãi những lời
rất như thế.
 

 

Saturday, 17 June 2017

“Em như cơn gió thu bay bay nhè nhẹ,”



Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần 12 thường niên năm A 25/6/2017

“Em như cơn gió thu bay bay nhè nhẹ,”
Đưa anh đi tìm vần thơ.
Qua công viên lá rơi trên con đường về,
Bỗng nhiên nghe lòng đang ước mơ.
“Mơ ôm em trong tay đêm mưa thì thào,
Cho bão tố về làm chiêm bao.
Mơ yêu em thiết tha như yêu lần đầu.”
Đức Huy – Yêu Em Dài Lâu)

(Thư thứ I Phêrô 2: 10)

Yêu như thế mà đã gọi là “dài lâu” sao? Phải chăng dài và lâu bao gồm các chữ/nghĩa rất như sau:

“Yêu em cho đến khi con tim ngừng đập,
Cho thiên thu là một giây.
Yêu em cho đến khi ong thôi làm mật,
Đến khi loài chim quên lối bay.
Khi ôm em trong tay anh nghe ngọt ngào,
Nếu đời là một giấc chiêm bao.
Xin yêu em thiết tha như yêu lần đầu,
Anh muốn yêu em dài lâu.
Anh muốn yêu em dài lâu.
Anh muốn yêu em đậm sâu.
Anh đã thương em từ lâu.”
(Đức Huy – bđd)

Vâng. Có thể là như thế. Cũng có thể, là khác thế. Như hoặc khác, cũng chỉ là những đoán già, đoán non của người nghệ sĩ từng viết lên nhạc-bản. Chứ, làm sao biết được tâm-tình của người trong cuộc, có mỗi cuộc tình trăm năm!

Riêng, “người trong cuộc” ở nhà Đạo, lại có những tâm-tình riêng-lẻ của thứ tình thương-yêu gọi được là “dài lâu”, đâu đã chắc. Có chắc hay không, nay xin mời bạn và mời tôi, ta cứ thử đi một vòng tra-khảo ở miệt dưới rất Triết/thần đầy ý-nghĩa.

Trước nhất, là những ý/lời đầy ý-nghĩa như sau:
“Bên cạnh chuyện lưu-đày Babylon, kinh-nghiệm về lưu-đày và trở về từ chốn ấy là biến-cố lịch-sử khá quan-trọng trong việc định-hình cuộc sống cũng như và óc tưởng-tượng của người Do-thái-giáo, vào độ trước. Biến-cố này, tự nó đã nung-nấu ý-thức của họ và đối với họ, lại đã trở nên ẩn-dụ về tương-quan họ có với Thiên-Chúa…

Ngày nay, ta đang sống ở vào thế-kỷ mà trong đó có đến cả triệu người trải qua nhiều lưu-đày và những người tị-nạn như thế cũng biết thế nào là kinh-nghiệm ban đầu. Và số người còn lại trong chúng ta cũng là hoa trái tốt lành để tưởng-tượng ra thế nào là cuộc sống lưu-đày tại chỗ. Đó là kinh-nghiệm về một tách-lìa khỏi những người và những thứ mình thân-thương, trân-trọng như người nhà.

Thông thường, sự/việc đó bao hàm tình-trạng mất hết uy-lực và bị đẩy ra bên lề xã-hội, thông thường vẫn gặp sự o-ép/bức-bách làm nạn-nhân của nhiều thứ, nhiều sự. Tựa hồ như n-dụ của sự lệ-thuộc đầy bó buộc ở câu truyện lưu-đày, sự/việc đây, lại cũng có nhiều tầm-kích về tâm-lý cũng như văn-hoá/chính-trị…

Trong cuộc sống của mỗi người, ta có kinh-nghiệm rất nhiều về sự lưu-đày tựa hồ như bất-hoà, ghẻ lạnh, hoặc tha-hoá, lép kẹp, mất nối-kết với trung-tâm sinh-lực đầy ý-nghĩa, để rồi một ngày nào đó trở-thành giống như người khác không còn là chính mình và chẳng có gì là thú-vị trong đời người hết. Ta cứ nóng lòng có lại được điều gì đó mà ta cứ tưởng nhớ, rất mơ hồ.


Thành thử, cuộc sống lưu-đày lại có ý-nghĩa sâu-sắc về hiện-hữu. Là, sống xa cách Sion chốn/miền ở đó Thiên-Chúa luôn hiện-diện. Quả thực, lưu-đày là trọng-tâm của biểu-tượng về câu truyện Địa-Đàng trong sách Sáng Thế, Địa-đàng và Thiên-đàng, là nơi chốn có Thiên-Chúa hiện-diện, nhưng ta lại sống ở bên ngoài, phía Đông vườn Địa đàng này.                 

Giả như vấn-đề ta gặp phải là lưu-đầy, vậy thì đâu là giải-pháp cho vấn-đề ấy? Dĩ nhiên, giải-pháp ở đây là hành-trình trở về. Việc kêu mời ta trở về nghe ra như xuyên-suốt nửa cuốn Ysayah do vị ngôn-sứ với tên gọi không mấy quen thuộc nhưng lời lẽ của sách lại đã trở-thành cao quí trong toàn cuốn Thánh Kinh Do-thái-giáo…

Cuối cùng thì, giống hệt như truyện xuất-hành, chuyện lưu-đày và trở-về vùng Đất hứa là câu truyện về một hành-trình. Hành-trình ấy, diễn-bày hình-ảnh cuộc sống đạo-đức như một hành-trình về chốn miền có Thiên-Chúa hiện-diện. Đó là cuộc về lại nhà, một hành-trình trở về. Và, giống như truyện xuất-hành về Đất hứa, câu truyện ở đây nói về Thiên-Chúa luôn giúp giùm /đùm-bọc những những khởi công hành-trình ấy.” (X. Marcus J. Borg, Images of Jesus and Images of the Christian Life, Meeting Jesus Again For The First Time, HarperCollins 1997, tr. 119-121)

Nói như thế, cũng như thể nói một cách rất chắc-nịch. Chắc, đến độ ta không cần phải biện-luận dông dài chi cho kinh hãi lại cũng rất sợ. Biện và luận hôm nay, là những suy-tư/phát-biểu nhiềy ý-kiến/tư-tưởng nghe quen quen. Những ý-kiến và tư-tưởng, đại để bảo rằng:

Tất cả là quà tặng, từ Thiên-Chúa. Quà tặng Ngài phú/ban, vẫn đổ tràn xuống với mọi người. Quà ấy, là tình thương yêu trìu mến xuất từ Thiên Chúa. Tất cả những gì mà mọi người cho là mình sở hữu, tất cả những gì mình làm hoặc suy nghĩ, nhất nhất đều là quà tặng.
   
Chính đó là điều mà mọi người lâu nay vẫn tuyên tín. Vẫn tin vào một Thiên Chúa, Đấng tạo thành vạn vật. Đấng ban cho ta hết mọi thứ, như quà tặng không, biếu không. Và hiểu rằng, ý nghĩa quà tặng sự sống Chúa trao ban, làm cho cuộc sống của ta nên đáng sống. Nhưng oái oăm thay, đôi lúc ta cứ muốn độc lập hẳn với Chúa. Cứ suy nghĩ và hành động như thể mọi sự là của ta, do ta kiếm ra chứ chẳng phải của ai cho, hết.

Bởi thế nên, lắm lúc ta cứ hành xử như mình là chủ-nhân-ông đích thật mọi sự vật. Chủ, mọi sự vật cũng như tài sản mình đang nắm giữ. Rồi từ đó, lại có cảm giác cứ trách móc cho rằng Thiên Chúa không tạo dựng nên mọi sự cho ta sử dụng, ngay từ đầu. Sau các cơn địa chấn với sóng thần gây kinh hoàng ở đây đó, nhiều người xem ra mới mở mắt, biết rằng: những gì mình lâu nay sở hữu, thật sự không phải là của mình, do mình kiếm ra. Mà là, do Chúa tặng để mình tạm thời sử dụng, thôi. Sử dụng, theo cung cách rất độ lượng ngõ hầu mình có thể giùm giúp người khác, đang cần thiết hơn.

Quà tặng lớn nhất trong đời mọi người, chính là sự sống. Tựa hồ như giòng chảy ở trên sông. Như mạch suối ngầm trồi lên từ lòng đất. Như Chúa từng quả quyết: “Nước Ta ban, sẽ nên mạch suối trong đó có nước vọt, đem lại sự sống đời đời." (Ga 4: 14)

Bởi thế nên, hãy dừng lại! Đừng hành xử như người ai oán, sầu thảm, chẳng biết ơn. Hãy ngưng trách móc người đời không còn nhớ đến mình. Không nhớ, để giúp tôi sung sướng, hạnh phúc. Trái lại, hãy trở thành động lực sinh động, trong thiên nhiên, giống thiên nhiên. Và, hãy làm chút gì đó cho cuộc sống. Như, rao truyền niềm vui cho mọi người, ở mọi nơi. Chứ không chỉ tập trung vào chính mình. Hoặc, chỉ gia đình mình, mà thôi.

Sống, và cảm nhận rằng sự sống là quà tặng, tức: sống biết ơn. Sống như thế, không cần đến đền thờ, nguyện đường hay chùa chiền cho nhiều mà làm gì. Điều chính yếu, là biết nói lời cảm tạ, với mọi người. Ngừng suy nghĩ, nhưng đừng ngưng cảm tạ. Trái lại, hãy cùng nhau cảm nhận. Cùng biết ơn nhau.

Đó, là những điều cần suy tư, chiêm niệm. Đừng nên coi mọi chuyện như của cho-không/biếu-không, hoặc từ trời rơi xuống. Nhưng, cứ nhận quà tặng/ân huệ với lòng cảm kích, biết ơn. Và, tự hỏi: đã lâu chưa ngày mình nói lời “cảm tạ” người nào đó? Lâu rồi chứ, giây phút mà ai đó vẫn cảm ơn mình mãi.” (Xem thêm Lm Kevin Kevin O’Shea CSsR, Lời Chúa Sẻ San năm A, nxb Tôn giáo 2013 tr.87-88)

Những ý và tưởng ở nhà Đạo, vốn dĩ xuất phát từ lời người xưa từng nói về Chúa, như sau:

“Anh chị em là giống nòi được tuyển chọn,
là hàng tư tế vương giả,
là dân thánh,
dân riêng của Thiên Chúa,
để loan truyền những kỳ công của Ngài,
Đấng đã gọi anh chị em ra khỏi miền u tối,
vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.
Xưa anh chị em chưa phải là một dân,
nay anh chị em đã là Dân của Thiên-Chúa;
xưa anh chị em chưa được hưởng lòng thương xót,
nay anh chị em đã được xót thương.”
(Thư thứ I Phêrô 2: 10)

“Anh chị em, đã đưc xót thương”, “đã là Dân (con) của Thiên-Chúa”, hẳn đó là khẳng-định tuyệt vời, ở mọi thời. Khẳng-định trên đây, là từ đấng thánh hiền-lành từ nhà Đạo. Thánh-hiền đây, vẫn là những vị sống trong đời có rất nhiều tình-tự thân-thương/yêu mến chẳng phải vì “Anh chị em đã là Dân (con) của Đức Chúa”. Mà, vì “anh chị em đã được Chúa xót thương”.

Chúa xót thương, Ngài vẫn làm thế với mọi người và từ con người. Chúa xót thương đây, là “Đấng đã gọi anh chị em ra khỏi miền u-tối” của sợ hãi, ghét ghen và đố kỵ. Để rồi đưa anh chị em “đi vào chốn miền đầy ánh-sáng diệu-huyền” , là Nước Trời ở đây đó, chốn gian-trần.

Khẳng-định ở trên, còn được người-thường-ở-trong-đời đề ra bằng giòng chảy truyện kể, nhè nhẹ, như sau:

“Truyện, là những lời bâng quơ giữa hai người bạn gái, lâu ngày ít gặp:
-Này đằng ấy. Chuyện cậu và chàng trai mới đi tới đâu rồi?
-Chia tay rồi!
-Ơ kìa! Sao lại thế? Hôm qua còn thấy hai người rủ nhau đi xem phim buổi tối cơ mà?
-Ừ, có xem thật đấy, nhưng lúc rạp hát mất điện, chân anh ta cứ là quờ quạng, thật đến chán!
-Thế bộ, anh chàng này sàm-sỡ lắm hả?
-Được thế thì đã phúc. Đằng này, chân anh ấy lại cứ quờ quạng tìm chiếc dép cũ vẫn chưa bỏ!”

Thế đấy, là đời người nhiều lúc nghĩ đến cũng bật cười. Nhưng, truyện đời người đi Đạo nhiều lúc cũng khang khác. Khác rất nhiều, như ở truyện kể không nhẹ, sau đây:

“Buôn bán là một nghệ thuật, người bán hàng cũng là một nghệ sĩ. Nói vui chứ thật ra không có sai, làm cái ngành nghề gì cũng vậy, đặt cái tâm cho đúng chính là làm đẹp cho đời.

Những người bán ớt sẽ luôn gặp phải câu hỏi như thế này, “ớt của anh (chị) có cay không?”, gặp câu hỏi như thế thì phải trả lời sao đây nhỉ?

Nếu nói cay, những người sợ cay, họ sẽ bỏ đi ngay; còn nếu bảo không cay, cũng có thể khách hàng lại là người thích ăn cay, như vậy việc làm ăn lại gặp rủi ro.

Một ngày kia, không có việc gì làm, tôi đến đứng bên cạnh chiếc xe ba gác của một chị bán ớt, thử xem chị ấy giải quyết hai vấn đề hoàn toàn tương phản này như thế nào. Nhân lúc không có người đến mua, tôi cố làm ra vẻ thông minh mà nói với chị ấy rằng:

-Chị hãy chia số ớt này thành hai đống đi, nếu có người muốn mua cay thì cho họ đống này, còn nếu không, thì cho họ đống kia. Chị bán ớt cười với tôi, dịu dàng nói:
-Không cần đâu!

Đang nói thì một người đến mua, và điều thần kỳ đã xảy ra, rốt cuộc bà chủ đã nói thế nào nhỉ? Hãy mau xem tiếp….. Quả nhiên chính là hỏi câu đó:
-Ớt của chị có cay không?
Chị bán ớt rất chắc chắn mà bảo khách hàng rằng:
-Màu đậm thì cay, còn nhạt thì không cay!
Người mua ngỡ là thật, chọn xong liền trả tiền, vui lòng mà đi. Chẳng mấy chốc, những quả ớt có màu nhạt chẳng còn lại bao nhiêu. Lại có khách hàng đến, vẫn là câu hỏi đó:
-Ớt của chị có cay không?
Chị bán ớt nhìn vào số ớt của mình một cái, liền mở miệng nói ….. Lần này bà chủ trả lời:
-Ớt dài thì cay, ớt ngắn không cay!
Quả nhiên, nguời mua liền dựa theo tiêu chuẩn phân loại của chị mà bắt đầu chọn lựa. Kết quả lần này chính là, ớt dài rất nhanh đã hết sạch. Nhìn những quả ớt vừa ngắn vừa đậm màu còn sót lại, trong lòng tôi nghĩ:
Lần này xem chị còn nói thế nào đây?
Tuy thế, khi một khách hàng khác hỏi:
-Ớt có cay không?
Chị bán ớt hoàn toàn tự tin mà trả lời rằng:
-Vỏ cứng thì cay, vỏ mềm không cay!
Tôi thầm bội phục, không phải vậy sao, bị mặt trời phơi cả nửa ngày trời, quả thực có rất nhiều quả ớt vì mất nước mà trở nêm mềm nhũn đi. Chị bán ớt bán xong số ớt của mình, trước khi đi, chị nói với tôi rằng:
-Cách mà cậu nói đó, thật ra những người bán ớt chúng tôi đều biết cả, còn cách của tôi thì chỉ có mình tôi biết thôi.
Thật là thần kỳ! Thật ra bạn có bao giờ nghĩ rằng, những gì bạn bán đi không phải là hàng hóa, mà lại chính là …….

1. Đối với những khách hàng lạ, điều cần bán đi chính là sự lễ phép.
2. Đối với những khách hàng quen thuộc, điều cần bán đi chính là sự nhiệt tình.
3. Đối với những khách hàng nóng tính, điều bán đi chính là hiệu suất.
4. Đối với những khách hàng ngạo mạn, điều thật sự bán đi chính là lòng nhẫn nại.
5. Đối với những người có tiền, điều mà bạn bán đi chính là sự tôn quý.
6. Đối với những người nghèo khổ, điều bán đi chính là lợi ích thiết thực.
7. Đối với những người thời thượng, điều bán đi chính là sự sang trọng.
8. Đối với những người chuyên nghiệp, điều mà bạn bán đi chính là sự chuyên nghiệp.
9. Đối với những người hào sảng, điều mà bạn bán đi chính là sự phóng khoáng.
10. Đối với những người keo kiệt, điều thật sự bán đi chính là lợi ích.
11. Đối với những người sống hưởng thụ, điều cần bán đi chính là sự phục vụ.
12. Đối với những người hư vinh, điều bán đi chính là vinh dự.
13. Đối với những người hay bắt bẻ, điều bán đi chính là sự tinh tế.
14. Đối với những người hiền lành, điều cần bán đi chính là sự chân thành.
15. Đối với những người hay do dự, điều thật sự cần bán đi chính là sự đảm bảo.

Nếu bạn muốn bán đi những sản phẩm của mình, có phải bạn thường hay nói với người tiêu dùng rằng sản phẩm của mình tốt như thế nào, sản phẩm của bạn có gì khác với những thứ khác, và sản phẩm của bạn rẻ như thế nào. Nếu như bạn bán hàng đều là dựa theo những cách này, thì bạn sẽ phát hiện rằng nhất định mình sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.

“Công ty bán hàng hóa như thế nào, thường thường so với việc công ty bán những sản phẩm gì cũng quan trọng như nhau”

Đừng vừa mới bắt đầu đã vội vàng bán sản phẩm, mà trước hết cần phải hỏi rõ vấn đề, nghe xem tiềm ẩn bên trong khách hàng cần những gì. Một khi biết được những yêu cầu tiềm ẩn bên trong của khách hàng, vậy thì việc bán hàng sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.” (Tiểu Thiện, dịch từ cmoney.tw)

Thủ-thuật mua/bán ở đời cũng tương-tự như tình-huống giao-dịch với nhau trong yêu-thương, hoặc hận-thù cũng thế thôi. Hận thù đằng đằng, có khi cả với người đồng Đạo, đồng-hương hay đồng thuyền, cũng đều thế. Tình-tự khi giao-dịch, có khi lại thấy khó khăn c xảy đến ngay sau lúc mình vừa dự thánh-lễ xong, hoặc vừa nói xong lời âu-yếm với ai đó.

Tình-huống yêu-thương ở đời người và/hoặc với người đời, nhiều lúc cũng khác-biệt, tuỳ người, tuỳ góc cạnh mình thủ-giữ. Nghĩa là, có lúc nắng ráo hoặc gặp đợt mưa thưa thớt  hoặc giữa trưa hè, nóng bỏng, rất yếu xìu.

Tình-huống thương-yêu trong giao-dịch còn tuỳ thuộc góc cạnh và/hoặc tư-thế mình đang chọn-lựa một dấn thân. Nói tóm lại, cũng thay-đổi như lòng người vào nhiều lúc.

Tình-huống đối-xử với mỗi người và muôn người cũng giống như lời ca ở nhạc, ta còn hát, rất như sau:

“Yêu em cho đến khi con tim ngừng đập,
Cho thiên thu là một giây.
Yêu em cho đến khi ong thôi làm mật,
Đến khi loài chim quên lối bay.
Khi ôm em trong tay anh nghe ngọt ngào,
Nếu đời là một giấc chiêm bao.
Xin yêu em thiết tha như yêu lần đầu,
Anh muốn yêu em dài lâu.
Anh muốn yêu em dài lâu.
Anh muốn yêu em đậm sâu.
Anh đã thương em từ lâu.”
(Đức Huy – bđd)

Trần Ngọc Mười Hai
Cũng có những lúc
Lực bất tòng tâm,
Cả trong yêu-thương, hờn giận
Đều là giữa Đạo làm người
ở trong đời.