Sunday, 29 June 2008

“Trời mưa ở Huế sao buồn thế! “

Cứ kéo dài ra đến mấy ngày

Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ?

Mà nhớ mà thương đến thế này!

(Thơ nguyễn Bính)

Bần đạo rất hân hạnh được ở Huế. Những ba năm. Cũng có lúc, thấy đời ở đây đã rất buồn. Buồn da diết. Buồn lê thê. Nỗi buồn và niềm nhớ rất khôn nguôi. Vô tả. Chỉ biết, buồn với nhớ nghĩ mà thương. Hết thương rồi lại nhớ, cứ vấn vương nỗi buồn nhè nhẹ, hệt như thơ.

Và, bần đạo chẳng biết mình yêu thơ yêu nhạc từ bao giờ. Thấy Huế một lần, bần đạo đã bắt đầu biết yêu thơ. Và yêu nhạc. Yêu thơ hay yêu nhạc, lại nhớ Huế. Rất nên thơ. Nhiều lúc, bần đạo thấy mình như người khờ. Cứ khạo khờ hết trích thơ rồi trích nhạc, có lời Kinh. Thôi thì, bầu bạn thương tình hãy cứ làm ngơ cho. Có thế, hôm nay bần đạo mới lại xông vào vùng đầy thơ để viết thêm đôi giòng, thù tiếp bạn bè dăm ba chuyện. Vu vơ. Luận phiếm. Nào xin phiếm.

Thuở mới yêu thơ, bần đạo đã gặp những câu tương tợ, đầy chất thơ như sau:

“Cố nhân chẳng khoá buồng xuân lại,

Vung vãi ân tình khắp đó đây.

Mưa chiều, nắng sớm người ta bảo

Cả đến ông Trời cũng đổi thay.” (Nguyễn Bính – bđd)

Ở nhà Đạo, bần đệ lại được nghe bảo như thế này:

“Anh em đừng có rập theo đời này,

nhưng hãy cải biến con người anh em

bằng cách đổi mới tâm thần,

hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa:

cái gì là tốt,

cái gì đẹp lòng Chúa,

cái gì hoàn hảo.”

(Rm 12: 2)

Hoặc:

“Anh em đã mặc lấy con người mới,

con người hằng được đổi mới

theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá,

để được thông hiểu”.

(Cl 3: 10)

Một đằng, nhà thơ ở đời cứ bảo ”cả đến ông Trời … cũng đổi thay”. Một đằng, vị “ngôn sứ” nhà Đạo lại khuyên “đổi mới con người … để được thông hiểu”. Thế mới biết, hiểu chuyện “Ông Trời”, chuyện con người cần cải biến, là điều rất nên làm.

Về biến cải/đổi thay, cũng nên để ý mà xem giới trẻ bây giờ nghĩ sao, về chuyện ấy. Giới trẻ giờ này vẫn làm thơ hay viết nhạc? Thơ với nhạc trong tâm tình nhiều ý nghĩ, rất ít lời. Rất chân tình. Thân thương như lời hỏi đáp, nhân một phỏng vấn bỏ túi trên tờ Australian catholics, Sydney số Mùa Đông 2008, ở bên dưới:

Người trẻ nói ở đây, có là con người nói chung hay chỉ là người con, cũng vẫn là những cô cậu rất trẻ người nhưng không non dạ. Làm sao non dạ, khi các người trẻ tuổi ở Úc, đã có những nhận định rất ư là không “non dạ”, vào những ngày trước khi Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 diễn ra ở Sydney, như sau:

Khi được hỏi:

1. Anh/chị có được kinh nghiệm gì khi về đây tham gia Đại Hội Giới Trẻ, ở Úc?

2. Nếu được phép hỏi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI một câu, câu đó sẽ như thế nào?

Trả lời đầu, là của cô Caterina Golotta, 27 tuổi ở Alice Springs, Bắc Úc:

1. Hy vọng rằng nhờ thấy và gặp rất nhiều người cùng niềm tin, tôi sẽ thấy sống lại nơi mình niềm linh đạo đã có từ trước, và thấy mình vững chãi hơn nhiều khi bước theo chân Chúa trong yêu thương. Và quyết tâm.

2. Có lẽ tôi sẽ hỏi: Ngài có vui không, thưa Đức Cha?”. Và tôi chắc mình cũng chỉ muốn nói chuyện với ngài như con người bình thường. Nghĩa là, chỉ xem ngài có phản ứng ra sao, thôi.

Còn với Carly McDermott, 23 tuổi ở Melbourne, vùng miệt dưới thì:

1. Lâu nay tôi vẫn có nhiều bạn sống cuộc đời đúng ý nghĩa và vai trò người Công giáo, ở chung quanh. Những người có các hành xử thực sự như người làm chứng cho Đức Kitô. Các linh mục đã khuyến khích tôi rất nhiều, là nên tham gia vào với Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Đôi lúc, tôi có ý nghĩ: với tư cách là người còn ít tuổi trong hội thánh, tôi cũng cảm thấy có hơi đơn độc, lẻ loi. Nhiều khi, thấy mình là người còn ít tuổi duy nhất chịu đi lễ nhà thờ. Bởi thế tôi nghĩ là, ta cứ đến với Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, và mở to con mắt ra mà nhìn, hẳn sẽ thấy và sẽ gặp cả nửa triệu con người Công giáo trẻ, ở quanh mình. Và, chắc chắn không còn lẻ loi nữa.

2. Trả lời cho câu hỏi: Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới làm được gì cho đất nước của tôi, à? Thì tôi nghĩ: tôi hy vọng rằng một Đại Hội như thế này sẽ tạo ra nhiều hình ảnh tích cực về Hội thánh. Và, tôi đoán, Đại Hội cũng sẽ cho thấy các chấn động và rung cảm xảy đến với những người trẻ như tôi khi quyết tham gia Đại Hội. Nội việc ấy thôi, cũng đã làm nhiều người thêm trẻ trung ra...

Với Alexandra Ryan, 23 tuổi ở Melbourne, bang Victoria:

1. Đại Hội GTTG 2008 làm được gì cho nước tôi ư? Tôi nghĩ, đây là cơ hội tuyệt vời cho các người trẻ như tôi học hỏi thêm về niềm tin của mình.

2. Điều gì lôi cuốn tôi đến với Đại Hội ấy à?

Tôi nghĩ: Niềm tin của người Công giáo chúng ta đã đem đến cho anh chị em mình nhiều hy vọng. Với thế giới này, chúng mình cần đến sức mạnh để vượt qua nhiều tình huống không dễ. Hội thánh Chúa thực sự là tình yêu; và đối với tôi, điều này rất quan trọng. Dù đó chỉ là nụ cười mỉm hay một lời nói thôi, cũng đủ làm nhẹ và nâng tâm can của nhiều người. Tôi nghĩ, niềm tin là những gì như thế đấy.

Với chàng trai rất trẻ có tên là : Connor Laughton 17 tuổi ở Darwin, miền Bắc Úc, thì:

1. Để trả lời câu thứ nhất: kỳ vọng điều gì sẽ xảy đến đối với bản thân của mình sau kinh nghiệm được tham gia Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Sydney, thì tôi nghĩ: điều mà tôi lo toan nhiều nhất vào lúc này, là: làm sao đi đến Trường Đua Randwick để ngủ ở “khách sạn ngàn sao” có mây trời lãng đãng. Bởi, nơi đó, có đến cả trăm ngàn người còn rất trẻ cũng sẽ cùng đến với nhau, để mừng cho niềm tin của mình, theo tư cách của nhiều lữ khách đang hành trình về với cuộc sống miên trường. Cuộc sống có Vị Cha Chung nơi Thiên Quốc Nước Trời! Đến đây, để thấy và cử hành Tiệc thánh với Đức Giáo Hoàng Biển Đức thứ XVI. Và, đây chính là cơ hội ngàn đời mới có một lần.

2. Hỏi ngài Giáo Hoàng Biển Đức XVI, câu nào ư? Vâng, câu hỏi của tôi sẽ là: “Ngài có muốn bỏ ra nguyên ngày trời để ở với bọn trẻ như con, không? Hỏi xong, tôi cũng sẽ quay về với ngài để có những giờ phút vui tươi. Thoải mái. Vô tư. Và yêu đời.

Và, với Donna McDale, 27 tuổi ở Brisbane, bang Queesland, thì lại khác. Cô phát biểu lẹ:

1. Tôi sẽ kỳ vọng những gì ở nơi Đại Hội Giời trẻ Thế Giới ở Sydney này ư? – Tôi hiện đang dẫn dắt một nhóm bạn trẻ rất đông, sơ sơ có 115 bạn thôi. Phân nửa số người này là từ Đảo quốc Fiji, nửa còn lại là các học sinh còn khá trẻ học ở các trường trung học, mà tôi có dịp hướng dẫn đồng hành, thuộc vùng Sunshine Coast. Tôi hy vọng rằng Đại Hội Giới Trẻ thế Giới lần thứ 23 này ở Sydney, sẽ là một dịp đầy hồng ân chữa lành cho mỗi người trẻ đi hành hương. Cho mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn và quốc gia, họ xuất phát.

2. Nếu được phép hỏi Đức Giáo Hoàng một câu thôi, thì sao hả? Thì có lẽ, tôi sẽ nói như thế này: Cha hãy nguyện cầu thật nhiều cho các giáo xứ Công giáo ở Úc. Bởi tụi con, dường như đang còn phiêu lưu lãng đãng, ở nơi xa, chưa đơm hoa kết trái. Chưa ra ngoài để về với các cộng đồng cần sự sáng tạo, vui tươi và hỗ trợ cho nhau. Con vẫn muốn cộng đoàn chúng con phải được như thế. Nếu được Cha chấp nhận, con còn muốn sao cho mọi người biết khuyến khích nhau mà nguyện cầu để Thánh Thần Chúa đến thả neo ở với mọi người chúng con tại Úc. Và, có như thế Hội thánh mới chữa lành được mọi người.

Và với cô bé còn rất trẻ tên Georgia Huxley, 17 tuổi ở thủ đô Canberra, thì:

1. Tôi kỳ vọng những gì có được từ Đại Hội Giới Trẻ ở Sydney, ư? Thật sự, tôi vẫn mong sao mình củng cố niềm tin của chúng mình. Và, tìm cách tạo được quân bình cho cuộc sống của riêng tôi với những thử thách cũng như âu sầu, khổ não mà mình vẫn gặp mỗi ngày để thực sự cảm nhận được công việc mà Chúa đang hoạt động trong mỗi người. Để rồi, tôi có thể mời Ngài đến làm một thành phần của chính tôi trong cuộc sống, cũng như sẽ giúp hướng dẫn tôi trong tất cả mọi việc tôi đang làm.

2. Còn về câu: những dịp lễ hội như thế này có giúp cho người trẻ như tôi đào sâu được niềm tin của mình thêm vững chắc hay không? thì tôi sẽ trả lời như thế này: Luôn phải có những khẳng định nhất mực là: mình đến với nhau theo phương cách sao đó khả dĩ có thể thăng tiến chính mình, âu cũng là điều xứng đáng thôi. Với lại, có sự thể là, mình sẽ được cơ hội để làm cho mọi người được yêu thương nhau theo cung cách rất riêng, của mỗi người. Những dịp lễ hội như Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới này vẫn là khẳng định rằng: Thiên Chúa yêu thương mình đến độ nào. Và, việc này cũng còn khẳng định các chuyện linh thiêng, tích cực khác nữa. Việc ấy, không chỉ bảo đảm là mọi người đều có phẩm cách xứng hợp mà thôi. Nhưng, niềm tin của ta cũng là điều đáng để ta tin, nữa.

Thiển nghĩ, các bạn trẻ ở trên đang làm thơ và cũng đặt nhạc, đấy chứ. Nhưng, thơ và nhạc của các bạn, còn hay hơn nhiều nhạc bản rất thiếu thơ mà bạn và tôi vẫn nghe ở trong đời; cũng như, nơi nhà Đạo..

Quả trong đời, có những sẻ chia vẫn hay hơn các nhạc bản chẳng có thơ, trong đời. Của người. Thơ và nhạc ấy, có thể chỉ vỏn vẹn tư tưởng văn vắn, như câu truyện ở dưới đây:

“Vị thày giảng nọ còn rất trẻ. Ông mới ra trường được có vài ba năm. Nhưng phong thái giảng giải của ông đã, rất tự tin. Khá thích hợp. Để chứng minh: con người, ở hoàn cảnh nào cũng có giá trị không thay đổi ở nơi mình. Ông hăng hái bắt đầu bài diễn giải có ý tưởng súc tích của Kinh thư bằng những lời hỏi đáp, rất chân tình.

Vào buổi hội thảo về chuyện rất Đạo xảy đến trong cuộc đời, cử toạ hôm ấy đếm được trên trăm vị. Vị nào vị nấy trông khá siêng chăm, nhiều khí thế. Vị thày giảng, rút từ trong túi ra một tờ giấy bạc có trị giá, khá cao. Giơ tờ bạc cho mọi người được trông thấy. Xong, ông bảo:

-Tôi xin phép được tặng riêng một vị ngồi nghe ở đây, tờ giấy bạc có giá trị này. Chỉ một điều kiện nhỏ, là: xin quý vị hãy nhìn kỹ và cho biết, sau khi tôi vo viên tờ giấy bạc này, nó sẽ ra như thế nào? Và, có vị nào vẫn muốn nhận tờ giấy này như quà tặng không?

Nói xong, ông vo viên tờ giấy bạc thành một nhúm giấy mọn. Sau đó, ông cầm tờ giấy đã vò ấy lên, rồi hỏi:

-Bây giờ, nó nhăn nhúm như thế này, có còn vị nào vẫn muốn có nó nữa không?

Tức thì, có nhiều bàn tay giơ lên, chấp nhận. Ông lại cầm nhúm giấy vô tri vô giác xuống đất, dùng chân giày vùi dập và nghiền cho nó nát bấy, rồi cầm lên cho mọi người thấy nó bây giờ chỉ là một vật đầy bụi đất, lấm tấm vô duyên. Và ông hỏi:

-Vậy bây giờ, tấm giấy có hình thù xấu xí như thế này, có vị nào còn muốn nhận nó như thường, không ạ?

Vẫn có nhiều bàn tay giơ lên, chẳng hề thấy bẽn lẽn. Vẫn vô tư. Thấy vậy, thày giảng lại nói:

-Hôm nay, bà con mình học được thêm một bài học này, là: dù ta có làm gì đi nữa, rất hèn hạ, thậm tệ, hoặc mất vệ sinh, đi chăng nữa, thì giá trị của tờ giấybạc này, đâu có hư mất đi đâu, có phải thế không thưa quý vị? Có nhiều lần, ta bắt gặp trong đời mình, có những khoảnh khắc mình thấy cuộc đời chẳng còn gì giá trị nữa. Tức là, cũng vẫn buồn như bao giờ. Và đời người cũng chẳng còn gì là thi vị, để mà sống. Tuy nhiên, như có người từng bảo: nếu ta nhìn đời bằng mầu hồng, thì ta sẽ thấy nó vui. Thi vị. Có giá trị rất lớn. Nếu ta nhìn đời như mầu đen kịt, thì thật ra nó chỉ đen với riêng người ấy, mà thôi. Tự thân, đời vẫn có giá. Vẫn đáng sống, đấy chứ. Bởi vậy, có thể nói: đời con người sẽ có giá trị hay không, là tuỳ cặp mắt và cách nhìn của mỗi người.

Nghe truyện kể về thày giảng còn rất trẻ, bần đạo thấy mình như vừa được nghe một vần thơ, nhạc bản rất nhẹ. Thanh tao. Thú vị.

Trở lại với đầu đề của chuyện phiếm, “Trời mưa ở Huế (đâu) buồn thế”. Mưa trên phố Huế, vẫn thơ mộng. Nhớ nhung có niềm vui nhỏ, đấy chứ? Mưa chỉ buồn, khi người ngồi ngắm mưa có tâm sự chẳng vui, thôi. Chẳng thế mà, thi sĩ nọ vẫn ngâm nga câu thơ, rằng:

“Thà như giọt nước vỡ trên tượng đá,

thà như giọt mưa rớt trên tượng đá.

Có còn hơn không. Có còn hơn không…” (Nguyễn Tất Nhiên – Khúc buồn tình)

Cụm từ “có còn hơn không” vẫn được lặp đi lặp lại nhiều lần, hẳn giống như: có còn cuộc sống! Có còn niềm tin, vẫn hơn là không. Và, vấn đề: cuộc sống ấy, của bạn và của tôi, có hiền hoà? Niềm tin của tôi và của bạn, có vững chãi hay không? Đó là chuyện để ta đem phiếm. Bàn luận.

Và, giờ phút này đây, dù nhà thơ kia có than “trời mưa ở Huế sao buồn thế”, thì bạn và tôi cứ nhất định sẽ nói: mưa Huế có buồn, đời anh đời tôi vẫn cứ vui. Vui, vì cuộc đời vẫn vui như thế ấy. Vẫn đáng sống. Vui đáng sống, vì ta đã nhận ra “cái gì tốt”, “cái gì đẹp lòng Chúa…” Rất hoàn hảo. Rất tươi vui. Như niềm tin mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn ới gọi bạn bè ở muôn nơi

hãy cứ vui và luôn tin

rằng đời mình vẫn thế.

Monday, 23 June 2008

“Vì tôi là linh mục”

“Vì tôi là linh mục”

Không mặc chiếc áo dòng

Nên suốt đời hiu quạnh

Nên suốt đời lang thang...”

(Ga 3: 30)

Bài nhạc của Nguyễn Đức Quang trích lại ở trên, bần đạo có dịp nghe từ hồi còn đi học. Thập niên ’60, thì phải! Chừng như lúc ấy, nghệ sĩ du ca Nguyễn Đức Quang thoạt vừa quen biết người anh cựu linh mục, sinh hoạt đều trong phong trào Thanh Niên Thiện Chí/Sinh Viên Nguồn Sống ở Đà lạt, cố Gs Nguyễn Ngọc Lan.

Bần đạo chẳng còn nhớ, có phải vì thấy vị “cựu linh mục” tuy không mặc áo dòng, nhưng rất cởi mở lại dễ dàng làm thân, nên đã có cảm hứng đặt nhạc? Thật hư, cũng không biết. Chỉ biết một điều là, lời lẽ thanh âm bản nhạc đã đi vào lòng người trẻ tuổi ở miền cao khi đó, khiến nhiều bạn cứ ngâm nga đàn hát, không dứt.

Và, cũng thập niên năm ấy, thấy xuất hiện một tác phẩm khác, tập truyện ngắn có tựa đề “Tóc Mây” của Lệ Hằng, đã một thời thu hút người đọc, lại cũng liên quan đến linh mục, thật không ít. Thế mới biết, linh mục bỗng nhiên trở thành đề tài bàn luận của khá nhiều người/nhiều vị, trong dân gian.

Trước khi đi xa hơn nữa, xin hầu bạn bè bằng một câu chuyện cười nhà Đạo như sau:

“Có cô bé theo mẹ đi nhà thờ, thấy ông cha giảng đạo dài giòng chán ngấy, thấy mệt. Cuối cùng, thì chán quá, cô chịu hết nổi bén níu áo mẹ, hỏi: Mẹ à, nếu chúng ta đưa tiền cho ông cha ngay bây giờ, thì cha có để cho mẹ mình về.”

Hôm nay, hơn 40 năm nhìn lại, bần đạo thấy có điều gì đó liên quan đến chức vị linh mục, trong Đạo/ngoài đời. Nói liên quan, không theo nghĩa thần học hay giáo luật - đạo đức, nhưng là phản ánh vai trò khá ư cần thiết, với xã hội. Với nhà Đạo.

Bởi, do có sự nổi tiếng/thu hút từ chức vị “linh mục” như thế ấy, mà nhiều đấng bậc kẻ tin trong nhà Đạo đôi lúc cũng thắc mắc. Thắc mắc thường nghe quen, có lẽ là những câu hỏi về vai trò của vị linh mục trong đời sống. Chí ít, là trong phụng vụ, hoặc thánh lễ.

Thắc mắc người nhà Đạo nhiều khi không khác mấy, nhận định của nghệ sĩ thân quen, ở ngoài:

“Vì tôi là linh mục

giảng lời tình nhân gian

nên không còn tiếng khóc

nên không còn tiếng trách

nên không biết kêu than

nên tôi rất bơ vơ

nên tôi rất dại khờ…” (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Khôn ngoan hay dại khờ, đâu phải là bản chất của các mục tử chuyên về thần về linh. Có chăng cũng chỉ là đặc ân đặc sủng Đức Chúa phú ban cho người cống hiến cả cuộc đời, cho công việc mục vụ, rất ứng và cũng rất linh.

Bần đạo còn nhớ, nhiều năm về trước cũng có vị trong Đạo/ở ngoài đã từng thắc mắc về vai trò rất linh và rất ứng của vị mục tử nhà Đạo, nên đã có lời hỏi trên tạp chí. Đã hỏi, thì chắc cũng có lời thưa đáp, rất lịch sự từ các vị mục tử nổi danh. Lần đó, là vị linh mục nổi cộm trong địa hạt truyền thông ở Sydney một thời, linh mục Brian Lucas.

Hỏi là hỏi thế này:

“Tôi chỉ có câu hỏi rất ngắn về vai trò của các linh mục trong Thánh lễ phụng vụ, của Hội thánh. Và nếu tôi không lầm, thì khi xưa có vị chức sắc rất cao trong phẩm trật Hội thánh, dường như lúc ấy là Hồng Y Ratzinger, đã bình luận rằng: linh mục nay trở thành trọng tâm của sự chú ý từ nhiều giới. Xin vui lòng giải thích trong cột giải đáp này, để rộng đường dư luận; và giúp mọi người am hiểu về Thánh lễ là tác động của Thiên Chúa chứ không phải chỉ con người.” (Người hỏi ký tên: W. K.)

Và, câu trả lời chỉ đơn giản như bên dưới:

“Tôi không rõ nội dung lời phát biểu ở trên phát xuất từ Đức Hồng Y Ratzinger có đúng từng chữ như thế không. Nhưng tôi nhớ cách đây ít năm, trong ngày lễ vàng mừng chúc Giáo lý viên ở Rô-ma vào đầu thiên niên kỷ, Đức Hồng Y có đề cập chuyện này, đại ý như sau:

‘…Xin cho tôi được phép có nhận xét chung về Phụng vụ. Cách thức ta cử hành nghi tiết phụng vụ thường hơi quá duy lý. Phụng vụ trở thành bài dạy, mà tiêu chuẩn là để cho ta làm cho nhiệm tích này trở thành việc thông thường. Cho, lời lẽ của ta trở nên phổ biến, và việc lặp đi lặp lại các câu nói phụng thờ là để cho mọi người nhớ để dạ và vui thích hơn.

Nhưng đây không chỉ là sai sót có tính thần học, mà là một lầm lẫn mang tính tâm lý và mục vụ. Làn sóng chủ thuyết huyền bí, quảng bá phương pháp thư giãn, tự trống rỗng của người Á Đông chứng tỏ rằng có điều gì đó còn thiếu xót trong phụng vụ của chúng ta. Có điều là, thế giới của ta hôm nay cho thấy ta cần sự lặng thinh – im ắng. Cần nhiệm tích mang tính siêu-cá thể. Cần chân-thiện-mỹ.

Phụng vụ không là sáng kiến của vị linh mục đang cử hành nghi lễ hoặc sáng chế của một nhóm chuyên gia; mà phụng vụ (“nghi tiết”) đến với mọi người đang ngang qua một tiến trình cơ bản xảy ra từ nhiều thế hệ.

Dù trong trường hợp người tham dự có thể không hiểu đến một lời, nhưng họ vẫn nhận chân ý nghĩa đậm sâu ở trong đó. Nhận chân, và hiểu rằng sự có mặt của nhiệm tích này, nhiệm tích nhằm thăng hoa mọi ngôn từ. Vị cử hành nghi tiết phụng tự không đứng trước mọi người mà mang danh nghĩa của riêng vị ấy -bởi, vị ấy không tự mình nói lên; hoặc, nói cho mình, nhưng ở “trong cương vị của chính Đức Kitô”. Thành thử, ta không tính khả năng của chính vị chủ trì buổi lễ, mà chỉ tính niềm tin của ngài, mà qua ngài, Đức Kitô trở nên trong sáng. Như thánh Gio-an từng diễn tả: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3: 30)

Điều mà Đức Hồng Y của chúng ta lúc ấy muốn nói, là: chất lượng của Phụng vụ, tự thân, không tuỳ thuộc tài cán của vị linh mục. Điều này quả là rất đúng. Tuy nhiên, trên bình diện con người, việc tham gia nghi tiết phụng vụ được đặt nặng đề cao nếu như vị linh mục mang đến cho buổi cử hành phụng vụ ấy, phẩm chất rất “người” về sự thông đạt và hiện diện vốn không đi sai trệch tầm quan trọng của những gì đang diễn tiến.

(Lm Brian Lucas, trích tuần bào the Catholic Weekly 2001)

Sở dĩ bần đạo cứ phải trích dẫn văn bản cũng như giải đáp của bậc trưởng thượng, vào những năm về trước, là để cho thấy ý nghĩa trước-sau-như-một, trong phụng vụ. Ý nghĩa được nhấn mạnh, cốt là để ta tham dự mọi nghi tiết phụng vụ, chí ít là thánh lễ, với phong thái đầy thuyết phục.

Thuyết phục trong vui thích, chứ đâu như nghệ sĩ nhà họ Nguyễn, cứ than và cứ vãn mãi một lời:

“Vì tôi là linh mục

chưa rửa tội bao giờ

nên âm thầm qua đời

tội ác còn trong tôi…” (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Và nếu, cứ than và cứ vãn, mà chẳng tham dự trong vui thích, hẳn là tội ác không chỉ “còn trong (mỗi mình) tôi”. Mà, còn ở khắp nơi. Cả nhà Đạo, lẫn ngoài đời.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ cầu mong

cho tội ác

không còn ở trong ai.

Saturday, 14 June 2008

“Tình, có lúc khiến ta buồn chán”

muốn khoanh tay quay mặt chẳng màng

ngồi đếm những vết nhăn vầng trán

nhắc cho ta một thời yêu nàng” (Lê Hựu Hà)

(Mt 5: 12)

Tình buồn chán. Những là vết nhăn vầng trán, nhắc ta một thời yêu đương. Phải chăng đây, là tuyên ngôn của người từng trải? Hỏi là hỏi thế thôi, chứ biết rằng: người nghệ sĩ đây chẳng còn cơ hội để đáp với thưa. Có chăng, chỉ là tình tự đổi trao, không bằng lời. Mà, bằng giòng chảy âm nhạc, ở cõi kia.

Về buồn chán, chắc chắn không chỉ nhà thơ hay người viết nhạc, mới cảm nghiệm. Chừng như ai sống trên đời, cũng đều vướng mắc, nỗi buồn và chán ấy. Với nhân gian, hai chữ buồn/chán, là tính cách rất thực của cuộc sống, thực tế. Sống ở đời, ai mà chẳng buồn, và thấy chán? Cả đến người hạnh phúc tràn đầy với tiếng tăm như người “thợ viết’ họ Bùi (rất) Bảo Trúc. Mỗi lần kết thúc câu chuyện đời, đều vẫn viết: “Chán mớ đời!”, “Rõ chán!”…

Về tình buồn khá chán, nếu bạn chịu đi một vòng phỏng vấn nhỏ, bỏ túi, hẳn sẽ bắt gặp những lời phát biểu thổ lộ, nghe rất quen. Quen, như câu buột miệng, từ chính mình. Hoặc, của ai đó, như sau:

*Với đôi vợ chồng trẻ: “Truyền hình độ này chẳng có gì hay. Xem phát chán.Hay mình thử đến rạp xem có phim gì hay không cưng?”

*Với cụ già vừa về hưu: “Từ ngày về nhà đuổi gà cho vợ, chẳng có việc gì làm. Rõ đáng chán. Cứ luẩn quẩn suốt ngày ở xó bếp, làm sao khá?”

*Với bạn trẻ hay được ba mẹ nhắc đi nhà thờ: “Thôi, con không đi đâu. Lễ với lạy lúc này chán lắm rồi. Lần nào đi lễ cũng gặp cha với cố toàn xin tiền xây nhà thờ không à… Sao con thấy ngao ngán quá, đi thôi.

Nghiên cứu kỹ, hẳn bạn sẽ phán: chán là thành phần cuộc sống, ngày hôm nay. Là, trạng thái đời thường mang dáng trầm buồn, khôn tả xiết. Là, cảnh tình trống vắng, mất cả động lực thúc đẩy, để mình sống. Chán, còn là trộn lẫn giữa nỗi niềm lẻ bóng với giác quan. Lẻ bóng - cô đơn, cả vào lúc mình bận rộn hơn bao giờ hết. Bận việc. Bận sinh hoạt, đến không có thì giờ mà nghỉ, thế mới chán.

Và hôm nay, chắc sẽ có bạn thắc mắc hỏi: Lời Chúa, có đề cập gì đến chuyện buồn chán, hay chăng? Tin Mừng có là tin vẫn đáng buồn và khá chán?

Đã hỏi, thì xin thưa: đọc cả bốn Tin Mừng chẳng thấy chỗ nào Chúa nói chán và chán nói, hết. Chúa phán và khuyên nhủ những “rất không chán”, chỉ thấy vui, như sau:

“Anh em hãy vui mừng hớn hở,

vì phần thưởng dành cho anh em

ở trên trời

thật lớn lao.

Quả vậy, các ngôn sứ

là những người đi trước anh em

cũng bị người ta bách hại như thế.” (Mt 5: 12)

Nếu tìm hiểu, bạn và tôi sẽ thấy những ai bị bách hại vì buồn/chán suốt cuộc đời, tưởng cũng nên nghĩ về câu Ngài khuyên nhủ. Bởi, “vui mừng hớn hở”, chính là điều kiện ắt-và-đủ để ta thụ hưởng niềm vui Nước Trời, không hề chán. Có thể bảo: sở dĩ bạn bè ở đời vẫn than “chán” suốt ngày, là vì họ tìm chưa ra mục tiêu của sự sống. Nhiều người vẫn thích “dính liền” với những gì tạm bợ, ở trần gian. Tạm bợ, vì niềm hạnh phúc dù có kéo dài suốt canh thâu, họ cũng đâu lấy làm mãn nguyện. Vẫn cứ mải tìm kiếm niềm vui, cho riêng mình.

Niềm vui đích thật, là vui không bao giờ biết chán. Niềm vui ấy như thế này:

“Vậy, tôi nói cho các ông hay:

trên trời cũng thế,

ai nấy sẽ vui mừng

vì một người tội lỗi ăn năn sám hối,

hơn là vì chín mươi chín người công chính

không cần phải sám hối ăn năn.”

(Lc 15: 7)

Niềm vui nhà Đạo, là như thế. Nhưng, nếu hỏi rằng: người sống bên lề nhà Đạo, nếu muốn vui, hà tất cứ phải biết ăn năn sám hối, sao?

Thú thật, bần đạo nghe hỏi chả biết đối đáp làm sao, cho phải lẽ. Thôi thì, bần đạo chỉ dám mượn lời của nhân sĩ Hà Sỹ Phu - Nguyễn Xuân Tụ, làm ví dụ:

“Cháu buồn cháu gọi Ức Trai ơi

Xin được quỳ bên, hỏi một nhời:

‘Kim bang vô đạo hà như xử,

cổ tích oan khiên diệc khả hồi”? (*)

Giọt máu Linh xà sao thấm mãi,

Cháu buồn cháu gọi Ức Trai ơi! (Hà Sỹ Phú – Sáng trăng)

Cụ Hà Sỹ Phu thấy buồn rầu và chán nản nên mới vời bạn già của mình là cụ Ức Trai để hỏi (*): “Nay nước vô đạo phải ứng xử sao đây? Câu chuyện oan khiên ngày trước lại tái hồi chăng?”. Thi hào/nhân sĩ buồn chán sự đời, thời vẫn hỏi như thế. Còn, dân gian buồn chán giận đời, hỏi ai đây?

Nhìn vào trần thế hôm nay, ta thấy người người bày vẽ đủ thứ chuyện. Hết chuyện truyền hình/phim ảnh lại đến vi tính cũng vi vu, đủ mọi thứ cốt để tạo niềm hứng khởi lôi cuốn người đời nhưng nào đã đủ? Như đôi vợ chồng mới nói ở trên, hết xem tivi chán rồi còn rủ nhau đến rạp ngồi, vẫn chưa vui. Thế mới biết, duyên do đưa dẫn đến những chán và buồn, hẳn phải là chuyện tâm tình của ai chăng?

Có đám trẻ người, mà người mình ở bên nhà hiện giờ gọi là người tuổi “tin” (teen-ager) có lúc thấy đơn lẻ, bèn tìm về với “chít chát’ trên mạng, tức loại hình rất mới. Hết khổ công “nối mạng”, để rồi mạng nối với người đời, bên kia bờ đại lục, cho bớt chán. Gặp ngay, vị đối tác cũng lại đang tìm kẻ không-bao-giờ-biết-chán, để giải khuây. Cuối cùng, cả chàng lẫn nàng vẫn thấy buồn. Thành thử, nỗi buồn rất chán ở đời, hôm nay, lại mang thêm một danh xưng mới “nỗi chán không tên”. Chẳng thế mà, có chuyện người trẻ ở Nhật đã rủ nhau ra đi mà tự vẫn tập thể, dạo gần đây.

Giải quyết nỗi chán hôm nay người đời kiếm tìm đủ mọi cách, vẫn không xong. Phương cách mà nhiều người quyết tìm kiếm là làm sao đẩy lùi được nỗi chán chường, đi dần vào vùng trời dĩ vãng. Rất mông lung. Mơ hồ. Cô quạnh. Có vị, còn tìm cách làm hết chuyện này đến việc khác, cho thêm bận. Nhưng kết cuộc, vẫn cứ “buồn ơi chào mi”, nghe còn chán nhiều hơn nữa.

Có vị, lại tìm đến môi trường học đường để xem có giáo án/chương trình nào khả dĩ giúp ích mình được gì không? Có nhà trường, đưa ra đề nghị: bạn cứ thử sử dụng thời giờ rảnh rỗi mà niệm suy. Thời gian để suy và niệm, cũng chỉ chừng vài phút trong thời khoá biểu thường nhật. Đều đặn. Những niệm và suy, khởi phát từ lúc học được ở Mẫu Giáo vườn hồng. Nơi đây, trẻ bé vẫn cứ tập tành lặng thinh trong chốc lát. Chỉ vài phút thôi. Vài phút, để nhớ rằng: Chúa ở bên em, vào mọi lúc. Rất vui. Có nụ cười.

Rồi khi khôn lớn, thời gian lặng thinh cứ thế mà tăng dần. Tăng dần lên, để mọi người cảm nghiệm rằng mình đang vui thú, có sự hiện diện của Chúa. Đức Chúa hiện diện ở nơi mình. Mình hiện diện ở bên Chúa. Cứ như thế, nỗi buồn chán kia, ắt từ từ … chấm hết. Dứt đoạn.

Thế đó, là đề nghị của một số nhà mô phạm, trong Đạo/ngoài đời. Và, đây là đề nghị của người lớn. Thế còn, trẻ nhỏ thì sao? Câu hỏi này, thật ra rất khó trả lời. Bởi, là người đọc dòng chảy này, đâu ai còn nhỏ nhắn để mà thưa. Thưa, như những câu thưa – hỏi, của em nhỏ ở bên dưới:

“Một bé em ngồi chễm chệ trên đùi ông ngoại, nghe ngoại đọc truyện kể, trước khi ngủ. Thay vì lim dim đi dần vào giấc ngủ thần tiên nhỏ bé, em lại cứ để mắt, hết quay nhìn vào sách truyện, lại hướng về vầng trán nhăn nheo của ông ngoại. Đôi lúc, bé còn lấy tay sờ lên trán mình xem có những đường nhăn nheo đáng chán như trán ông ngoại, không. Cuối cùng, bé lên tiếng:

-Ngoại à, có phải Chúa làm ra ông ngoại không, mà sao nhìn trán ngoại, con thấy ông ngoại đáng chán như thế?

-Ấy, con đừng nói thế. Đúng đấy, con! Chúa dựng nên ông ngoại, cách nay cũng khá lâu.

Ngưng hỏi chỉ một phút, bé em lại tiếp tục:

-Thế, Chúa có dựng nên con không, ông ngoại?

-Có đấy con ạ. Thiên Chúa dựng nên cháu, chỉ mới đây thôi.

Vẫn tiếp tục sờ vào vầng trán của mình, rồi đến trán ông ngoại, không biết chán, bé nói:

-Con dám cá là Chúa làm nên con người riết rồi, cũng phải chán thôi. Nhưng lần này không hiểu sao lần này Chúa đã làm khá hơn trước, rất nhiều. Vì thế, Chúa mới bớt chán đời, phải không ông ngoại?

Bắt chước ngôn ngữ của thi hào William Shakespeare, ắt hẳn ta dám nói: chán hay không chán, đó chính là vấn đề. Đúng thế. Chán buồn/buồn chán, vẫn là vấn đề thời đại. Khó mà thoát. Có chăng, chỉ bớt đi phần nào nỗi buồn không tên ấy, mà thôi.

Như mọi lần, khi đề cập đến chuyện buồn - chán như chủ đề hôm nay, bần đạo đề nghị bạn bè/người thân, ta thử đọc thêm truyện kể, bên dưới, coi đây là cách thư-giãn, cho vãn cơn chán-ngán-mà-không-buồn, như sau:

“Vị nữ lưu nọ, vẫn thầm hỏi mình, hỏi người như sau: lâu nay tôi làm đủ điều, sao vẫn thấy chán. Chán đời. Chán Chúa, chán cả riêng tôi?

Có lần, tôi mạnh dạn dò hỏi Chúa, trong thinh lặng nguyện cầu vẫn lan man, rằng:

-Lạy Chúa, xin cho con được tiếp chuyện với Chúa ít phút, để cho con bớt buồn.

Lập tức, có tiếng chim oanh líu lo ở đâu đó, vẫn cứ hót. Vị nữ lưu, cứ để ý nghe ngóng vẫn không thấy tiếng Chúa đáp từ, ra như buồn giận. Giận riết rồi chị lại thì thầm, rất thở than.Than với thở xong, chị bèn hối thúc Chúa:

-Lạy Chúa, xin hãy nói chuyện cùng con đi, không thì con chán lắm!

Ít phút sau, lại có tiếng sấm sét ầm ầm nổi lên. Vang rền cả một góc trời. Vị nữ lưu không nói thêm điều gì, cũng chả buồn để ý đến những gì khác lạ đâu đâu, nơi tiếng sấm. Vả lại, chuyện mưa ầm, sấm nổ có gì lạ đâu. Vẫn rất ư là đáng chán. Nghĩ thế, chị ngồi không được lâu, lại tiếp tục vặn hỏi Chúa:

-Chúa dấu yêu! Xin cho con được diện kiến dung nhan Ngài. Chỉ một chút thôi. Con thề sẽ không cho ai hay biết chuyện này, hết.

Chỉ một lát sau, đã thấy sao khuya lấp lánh, trên bầu trời cao thẳm. Rọi chiếu khắp không gian, thấy rất nhiều. Thế nhưng, nữ lưu nhà mình, vẫn có mắt mà không thấy. Cứ réo gọi Đức Chúa, suốt một ngày:

-Lạy Chúa mến yêu. Xin hãy cho con một dấu lạ, để con bớt chán chường. Với dấu hiệu này, con hẹn sẽ làm lành lánh dữ, dứt khoát thôi!

Tức thì, có nguồn tin xuất hiện trên báo đài, vừa thoáng bắt, là: nhiều trẻ nhỏ vừa góp mặt chào đời. Rất đông. Nhiều nhất, là ở Trung Hoa. Trẻ sơ sinh ở bên đó, không cơ man nào đếm hết. Không thống kê nào, kể cho xiết. Nhưng, nữ lưu buồn, vẫn chẳng bận tâm gì mấy trẻ con. Cũng không đoái hoài đến chuyện sản sinh. Quá tuyệt vọng chờ đợi Chúa cất tiếng phán, chị bèn nói lên thật to, cơ hồ để Chúa nghe hoài phát thấy ngán, phải đáp từ:

-Ôi, lạy Chúa. Xin Chúa thử sờ chạm người con, để con biết là Chúa đang nghe tiếng con nguyện cầu mà đoái mắt, nhìn xuống.

Ngay tức khắc, Chúa ghé xuống va chạm vào người chị. Thế nhưng, chị lại cứ dùng tay mà đuổi xua. Phủi rất mạnh đàn bướm ở đâu đó dồn dập tới. Có cả lũ ong ruồi bu quanh, thật đến nản. Nản chí, nản cả lòng người, chị thất thểu bước đi, dáng thật buồn…

Truyện kể ở trên có thể minh họa rằng Chúa đã và đang hiện diện và hoạt động quanh ta hàng giây, hàng phút nơi người anh, người chị, nơi con em, cháu chắt cùng chim muông, loài thú với cỏ cây mà ta mải buồn, mải chán nên chẳng nhận ra, đó thôi.

Một đề nghị nhỏ, là: bạn và tôi, ta hãy bỏ chút thời gian mà an vui, thinh lặng, để cảm nghiệm và lắng nghe. Nghe và nhìn cuộc đời. Cũng chớ đòi hỏi nhiều nơi người. Nơi Chúa. Theo cách thức của riêng mình.

Thêm nữa, chấp nhận rằng: buồn chán và bất ưng, vẫn có đó. Vẫn cứ xảy đến với đời và với người. Ở bất cứ đâu. Nhưng, hãy cứ nhìn nó bằng nhãn quan rộng mở. Nhãn quan mới của Ki tô hữu đã thanh thẩy, đổi thay. Với niềm vui tin tưởng.

Chắc chắn bạn và tôi, ta sẽ thấy niềm vui, không còn chán. Hay bớt chán trong suốt 75 năm cuộc đời ở trần gian. Vì, có chán hay không, mọi sự vẫn cứ là Ân Sủng. Cho mọi người. Ở mọi thời.

Trần Ngọc Mười Hai,

nhiều lúc cũng thấy chán

nhưng chưa nản.

Sunday, 8 June 2008

“Mặt trời nào soi sáng tim tôi ...

“Mặt trời nào soi sáng tim tôi

để tình yêu xay mòn thành đá cuội”

(Rm 8: 14-27; 1Cr 12: 3; Cv 2: 5-11)

Thập niên ’70, từ miền Trung trở về Sàigòn bần đạo có ý định đến thăm người thày cũ. Lúc ấy, cụ đang lo cho một xứ họ, ở Gò Vấp. Và, bần đạo được biết thày mình, Lm Đinh Khắc Tiệu CssR, cùng với linh mục bạn khởi xướng “Phong trào Thánh Linh”, ở thị thành.

Vào năm 1998, nhân dịp gặp lại bạn đồng môn ở Quận Cam California Hoa Kỳ, bần đạo được biết người anh học ở lớp trên, anh Tôma Triệu Ngọc Toàn (cựu tu sinh Dòng Chúa Cứu Thế) lúc ấy đang phụ trách lớp Thánh Linh, ở nhiều nơi.

Đến tháng Tám 2007, có dịp trở lại Hoa Kỳ thăm bạn đồng môn ở Gardena California, bần đạo hân hạnh gặp người anh linh mục, anh Nguyễn Đức Mầu CssR, người từng có cảm hứng viết lên nhạc bản “Tôi Thâm Tín Rằng” năm 1968, cũng đang thâm tín sinh hoạt trong địa hạt Chúa Thánh Linh, ở nhiều nơi. Nơi nào, bần đạo cũng thấy bừng bừng khí thế rất Thánh Thần.

Mới đây, nhiều sinh hoạt năng nổ nhằm tỏ lòng sùng kính Chúa Thánh Thần, cũng đã có mặt ở nhiều nơi trên đất Úc. Hoạt động rất hăng say. Đặc sủng của Chúa, đang lan rộng. Lan, cả về tình yêu thương lẫn niềm tin tưởng vào Chúa Thánh Linh, rất dũng mãnh. Tuy nhiên, có bạn chưa rõ lắm về các đặc ân/đặc sủng từ Thánh Thần Chúa, nên cứ hỏi. Và thắc mắc, như sau:

Thi thoảng, tôi vẫn nghe nói nhiều về những điều thường được gọi là “lòng sùng kính tôn thờ Chúa Thánh Linh”. Phải nói rằng, điều này rất mới đối với tôi. Tôn thờ Sùng kính Đức Giê-su và Thiên-Chúa-Cha, việc ấy cũng dễ hiểu thôi. Đằng này, tôn sùng Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, là chuyện tôi ít mường tượng đến. Vậy, qua mục này, xin linh mục giải thích cho biết tôi phải quan niệm thế nào cho đúng cách, về phong trào sùng kính Chúa Thánh Linh?” (một giáo dân ở Sydney, không đăng tên).

Đã hỏi, thì nhà Đạo/nhà báo chắc chắn sẽ trả lời trên giấy trắng, với mực đen. Vì, là giấy Tây với lại giấy Úc, nên câu hỏi được chuyển đạt tới đấng bậc vị vọng, rất Sydney. Và, đấng bậc hôm nay đã trả lời, rất “có sách” và mách cũng “có chứng” như lời kinh hôm sớm sau đây:

“Tôi nghĩ, chắc cụ đây không phải là người duy nhất chưa biết nhiều về lòng tôn thờ sùng kính Chúa Thánh Thần, ở xứ này. Tuy nhiên, qua vai trò mà Thánh Thần Chúa tác động lên cuộc sống của ta, đây cũng là việc bổ ích nên làm, để ta tỏ lòng biết ơn tôn thờ Đức Chúa Ngôi Ba.

Về chức năng Chúa Ngôi Ba, câu hỏi ta thường đệ đạt nhiều hơn cả, vẫn là: vai trò của Chúa Thánh Linh trong đời thường, là thế nào? Nếu đếm, ta thấy có khá nhiều vai trò Ngài tác động, mà ta thường gọi là Bẩy Ơn Chúa Thánh Thần. Các ơn Ngài ban, không theo thứ tự quan trọng trước sau, để ta xếp trên dưới, nhưng thông thường vẫn được kể như sau:

1. Ơn thánh hoá. Với vai trò này, Ngài là “Đấng Thánh Hoá” con người. Ba Ngôi Đức Chúa đều cùng thánh hoá ta hết; nhưng, danh xưng “Đấng Thánh Hoá” thường được dành riêng để chỉ định Chúa Thánh Thần, mà thôi. Bởi, Thánh Thần Chúa là Tình Thương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Và, sự thánh hoá nhất thiết phải bao gồm sự gia tăng tình thương ta có, với Chúa. Thế nên, ta có thể yêu cầu Ngài gia tăng tình thương nơi ta với Đức Chúa. Để được thế, ta thường hay hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người luôn thăm viếng hồn con, thêm sức cho con tình yêu chan chứa. Trau dồi cho đáng Ngôi Thánh Thần.

2. Ơn nhận biết ta là con Chúa. Là con cái, chứ không chỉ là tạo vật hoặc rặt đám nô lệ. Chính thánh Phao-lô đã minh định điều này: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.” (Rm 8: 14) Biết mình là con Chúa, ta sẽ thêm lòng tin tưởng, cậy trông và thương yêu Cha của chúng ta, là Thiên Chúa.

3. Ơn sốt sắng nguyện cầu. Về việc này, thánh Phao-lô cũng viết cho giáo đoàn Rôma: “Có Thần Khí giúp đỡ ta là những kẻ yếu hèn, vì ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho ta.” (Rm 8: 26). Thật là cần, khi Chúa Thánh Linh giúp ta hiểu lời Chúa trong nguyện cầu. Cả vào giờ kinh hay thánh lễ.

4. Ơn hiểu biết “Đức Giê-su là Chúa” Ơn này, thánh Phao-lô đã xác định trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-thô: không ai có thể nói: "Đức Giê-su là Chúa", nếu người ấy không ở trong Thần Khí.” (1 Cr 12: 3). Với ơn này, ta xin Chúa giúp ta được sống trong Chúa. Sống, để diễn bày tình thương, lòng biết ơn cảm nhận mọi vui/buồn trong cuộc đời.

5. Ơn dẫn dắt ta đi vào sự thật. Thánh Gio-an quả quyết “Chúa Thánh Linh là “Thần Khí của Sự Thật” (Ga 14: 17). Ngài nói thế, tức là ta có thể cầu Chúa Thánh Linh giúp ta trong mọi hoạt động của lý trí, như: đọc sách/báo, học hành, viết lách, họp bàn, vv. Ngõ hầu nắm vững sự thật, khi sinh hoạt.

6. Ơn thông hiểu mọi ngôn ngữ như đã xảy đến trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2: 5-11). Bằng vào ơn này, ta xin Chúa Thánh Linh ban cho ta quà tặng về ngôn ngữ, để cảm thông với những người nói ngôn ngữ khác; chí ít, là khi ta giúp họ đến với Chúa.

7. Ơn khôn ngoan. Có ơn này, ta mới có thể thực hiện điều Chúa dạy hãy ra đi mở rộng Nước Trời, ở mọi nơi. Theo nghĩa này, Chúa Thánh Linh giúp ta sống hăng say và hoạt động cho các linh hồn. Có được ơn này, ta sẽ bạo dạn làm chứng cho Chúa. Làm chứng, với mọi người.

Xem thế, đây là giải thích nghe quen quen. Quen, và rất sáng. Nhưng có đủ độ sáng cho người trẻ ngày nay nay không, đó mới là vấn đề. Và, vấn đề khác nữa, là: Thánh Thần Chúa có giúp người còn ở ngoài Đạo, chưa hồi hướng trở về, không?

Câu hỏi được gửi trao cho đám người rất trẻ, trong buổi họp bàn nọ để chuẩn bị cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Sydney 2008, trong đó chủ đề Chúa Thánh Linh được nhấn mạnh và gửi đến những người trẻ hăng say/năng nổ. Chủ đề năm nay nói đến Thánh Linh, rất rõ.

Một bạn trẻ đã phát biểu trong buổi thảo luận, rằng:

“Theo tôi, lâu nay ta dùng biểu tượng chim bồ câu hoà bình là để chỉ về Chúa Thánh Linh, xem ra không mấy thích hợp. Vì, việc ấy không đánh động người trẻ hôm nay, là bao. Chí ít, là các bạn đang sống ở những nước còn nghèo đói, rất khó khăn. Theo chỗ tôi biết, những người này khi nói đến chim bồ câu hay loài chim hiền lành nào khác, đều nghĩ ngay đến các buổi nhậu nhẹt, không xứng hợp.”

Một bạn khác tiếp ý:

“Hình ảnh ngọn lửa bùng cháy, cũng không gây ấn tượng là mấy. Nói đến Chúa Thánh Linh, theo tôi, ta phải nói nhiều đến Tình yêu. Dù tình đó, có là tình phụ tử hay tình mẫu tử, tình yêu đôi lứa, đi chăng nữa.”

Đến lượt một bạn trông khá chững chạc, giơ tay nói:

“Tôi thiển nghĩ, mỗi lần nói đến Chúa Thánh Thần ta nên nghĩ đến Tình Yêu giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Con. Chứ, tuyệt nhiên không nên liên tưởng đến tình yêu trang lứa, như thế bất xứng. Muốn hiểu rõ Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, ra cũng cần suy tư nhiều ngày, suốt năm tháng mới nhận ra được Tình Yêu ấy…”

Có bạn, thay vì phát biểu, lại hát lên một đoạn trong bài nhạc của nhạc sĩ Y Vân để minh chứng. Trong nhạc bản có những lời lẽ, như sau:

“Anh, yêu tình nở muộn

Chiều, tím màu mến thương

Mắt, biếc sầu lắng đọng

Đèn, thắp mờ bóng đêm.” (Y Vân – Những bước chân âm thầm).

Ý chừng, anh muốn chứng tỏ: Chúa Thánh Thần là Tình Yêu đến chậm, nhưng rất chắc. Sợ rằng, các bạn rồi sẽ đi quá xa, dễ lạc đề, vị chủ trì buổi họp bèn kéo mọi người về với thực tại bằng một câu Sách Thánh trích dẫn làm chủ đề trên trang mạng. Đó là câu được viết trong sách Công vụ Tông đồ, ở đó Chúa có nói:

“anh em sẽ nhận được quyền uy sức mạnh

của Thánh Thần Chúa

khi Người ngự xuống trên anh em.

Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy.” (Cv 1: 8)

Và, mọi người cũng kết thúc buổi họp chuẩn bị bằng những câu ca, và tiếng hát. Lần này, tiếng hát mang giòng nhạc chảy xiất và tiết điệu trẻ trung, rất thần học:

“Thánh Thần, khấn xin ngự đến

hồn con, đang mong chờ Ngài.

Suối nguồn, Thánh ân hiện xuống

Này dương gian, xin Ngài đổi mới.

Ngài ơi! Xin Ngài hãy đến!

Chiếu sáng, thế gian u mê, tối tăm.

Ngài ơi! Xin Ngài hãy đến!

Hiển linh, Ngài oi!” (Thành Tâm – Thánh Thần hãy đến).

Có ý kiến cho rằng một trong các đặc sủng của Thánh Linh là những quà tặng Chúa gửi đến với mọi người. Quà tặng bình an, nhiều ân huệ. Ân huệ là sự lặng thinh. Là trạng huống tâm linh, rất trí tuệ. Là phương cách để sống. Sống đời người. Sống với người đời. Ở đời thường. Nơi đó, có phong trào sùng kính Thánh Linh, rất nở rộ.

Qua ý kiến ở trên, hẳn là ta thấy nhận định về Chúa Thánh Linh tuy có khác nhau về phương cách diễn tả, nhưng vẫn giống nhau về chiều sâu cảm nghiệm. Những cảm nghiệm thân thương, đậm đà tình yêu mến. Có yêu mến nhau, mới thấy Thần Khí Chúa đang ở cùng. Ở với ta. Với mọi người.

Ngày nay, có lẽ Thần Khí Chúa liên lạc với mọi người chúng ta, theo phương cách rất “thời thượng”, mà người người thường gọi là điện thư Chúa Thánh Thần. Như thư điện ở bên dưới:

Người nhận: chính bạn, kẻ đang đọc các giòng thư này.

Ngày tháng: Bây giờ và mãi mãi

Người Gửi: Thánh Thần Chúa.

Về việc: Cuộc sống của mình.

Ta là Thiên Chúa Ngôi Ba. Hôm nay Ta lo liệu mọi việc cho bạn hiền.

Điều cần nhớ: Ta không cần ai giúp đỡ để hoàn tất việc làm này.

Nếu cuộc đời, đem đến cho bạn tình trạng không thể giải quyết. Cũng đừng quá cố gắng. Hãy bỏ nó vào hộp thư đề tên ĐĐTLL (Để đó Thánh Linh lo). Mọi việc sẽ được giải quyết thoả đáng, theo hạn kỳ của Ta. Chứ, không theo đòi hỏi của bạn, đâu nhé.

Khi đã bỏ mọi thứ vào hộp thư này rồi, bạn cũng đừng lưu giữ điều gì để rồi quá lo toan mà buồn bã. Trái lại, hãy để tâm đến điều tốt đẹp mà hiện thời bạn sở hữu. Dưới đây là vài ví dụ điển hình:

Nếu lái xe bị kẹt đường, chớ nóng giận/gây gổ mà làm chi. Bởi, trên thế gian, còn quá nhiều người chẳng được vinh hạnh rờ đụng đến xe, nói gì đến chuyện lái.

Nếu gặp bực bội ở nơi làm, hãy nghĩ đến những người thất nghiệp, quá nhiều năm.

Hẳn, bạn có nuối tiếc vì tuần lễ đã qua mau: hãy nghĩ nhiều đến cảnh tình người mẹ già tất bật làm lụng một ngày 12 tiếng, suốt 7 ngày, chỉ lo tần tảo để nuôi đàn con thơ dại.

Xe bạn nằm ụ chờ mãi không thấy dịch vụ lưu động đến sửa chữa? Hãy nghĩ đến người tật nguyền cả hai chân lẫn hai tay. Những người, chỉ mong cất được bước chân đi nốt quãng đường dài ngắn ấy.

Thất vọng vì cuộc tình lỡ dở? Hãy liên tưởng đến người chưa từng được yêu và yêu bất cứ một ai.

Hoặc, vẫn thắc mắc về mục tiêu đời mình? Hãy biết rằng, nhiều người chẳng còn sống được bao năm, để có cơ hội mà thắc mắc, với vấn nạn.

Bạn buồn phiền lo lắng vì chợt bắt gặp trên đầu mình có sợi tóc trắng phau, ư? Hãy nghĩ đến bạn bè/người dưng vừa được chẩn đoán bị nhuốm ung thư cần được hoá trị. Những người, chỉ ước sao còn được ít tóc, mà nhìn ngắm.

Tự thấy mình là nạn nhân của những tị nạnh và ghét ghen, sao? Hãy nhớ rằng: mọi sự sẽ còn tệ hơn thế. Biết đâu, mình cũng chẳng hơn gì những người như thế.

Bị chú: Xin vui lòng chuyển thông điệp này đến với mọi người, dù thân quen hay chưa một lần biết tới. Hãy cứ tự nhủ: đây là thông điệp của chính Ta, Thần Khí Chúa ngự trong lòng, hết mọi người.

Đọc xong thông điệp, lời cuối hôm nay chỉ xin thêm một chữ viết: rõ thật hết ý! Hết ý, là bởi thông điệp Chúa gửi còn đó, vẫn nội tâm. Phải chăng, thông điệp đây chính là “phép lạ” ta nhận biết? Phép lạ hay đặc sủng, vẫn là những gì ta cần chuyển cho nhau. Chuyển, để cùng tin. Tin rất nhiều. Yêu thương, chẳng hề thiếu. Tin – yêu là Thần Khí Chúa, rất hôm nay.

Trần Ngọc Mười Hai

nguyện cầu sao

Thánh Thần Chúa

vẫn cứ ở cùng,

cùng bạn, và cùng tôi.

suốt cuộc đời.