muốn khoanh tay quay mặt chẳng màng
ngồi đếm những vết nhăn vầng trán
nhắc cho ta một thời yêu nàng” (Lê Hựu Hà)
(Mt 5: 12)
Tình buồn chán. Những là vết nhăn vầng trán, nhắc ta một thời yêu đương. Phải chăng đây, là tuyên ngôn của người từng trải? Hỏi là hỏi thế thôi, chứ biết rằng: người nghệ sĩ đây chẳng còn cơ hội để đáp với thưa. Có chăng, chỉ là tình tự đổi trao, không bằng lời. Mà, bằng giòng chảy âm nhạc, ở cõi kia.
Về buồn chán, chắc chắn không chỉ nhà thơ hay người viết nhạc, mới cảm nghiệm. Chừng như ai sống trên đời, cũng đều vướng mắc, nỗi buồn và chán ấy. Với nhân gian, hai chữ buồn/chán, là tính cách rất thực của cuộc sống, thực tế. Sống ở đời, ai mà chẳng buồn, và thấy chán? Cả đến người hạnh phúc tràn đầy với tiếng tăm như người “thợ viết’ họ Bùi (rất) Bảo Trúc. Mỗi lần kết thúc câu chuyện đời, đều vẫn viết: “Chán mớ đời!”, “Rõ chán!”…
Về tình buồn khá chán, nếu bạn chịu đi một vòng phỏng vấn nhỏ, bỏ túi, hẳn sẽ bắt gặp những lời phát biểu thổ lộ, nghe rất quen. Quen, như câu buột miệng, từ chính mình. Hoặc, của ai đó, như sau:
*Với đôi vợ chồng trẻ: “Truyền hình độ này chẳng có gì hay. Xem phát chán.Hay mình thử đến rạp xem có phim gì hay không cưng?”
*Với cụ già vừa về hưu: “Từ ngày về nhà đuổi gà cho vợ, chẳng có việc gì làm. Rõ đáng chán. Cứ luẩn quẩn suốt ngày ở xó bếp, làm sao khá?”
*Với bạn trẻ hay được ba mẹ nhắc đi nhà thờ: “Thôi, con không đi đâu. Lễ với lạy lúc này chán lắm rồi. Lần nào đi lễ cũng gặp cha với cố toàn xin tiền xây nhà thờ không à… Sao con thấy ngao ngán quá, đi thôi.
Nghiên cứu kỹ, hẳn bạn sẽ phán: chán là thành phần cuộc sống, ngày hôm nay. Là, trạng thái đời thường mang dáng trầm buồn, khôn tả xiết. Là, cảnh tình trống vắng, mất cả động lực thúc đẩy, để mình sống. Chán, còn là trộn lẫn giữa nỗi niềm lẻ bóng với giác quan. Lẻ bóng - cô đơn, cả vào lúc mình bận rộn hơn bao giờ hết. Bận việc. Bận sinh hoạt, đến không có thì giờ mà nghỉ, thế mới chán.
Và hôm nay, chắc sẽ có bạn thắc mắc hỏi: Lời Chúa, có đề cập gì đến chuyện buồn chán, hay chăng? Tin Mừng có là tin vẫn đáng buồn và khá chán?
Đã hỏi, thì xin thưa: đọc cả bốn Tin Mừng chẳng thấy chỗ nào Chúa nói chán và chán nói, hết. Chúa phán và khuyên nhủ những “rất không chán”, chỉ thấy vui, như sau:
“Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em
ở trên trời
thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ
là những người đi trước anh em
cũng bị người ta bách hại như thế.” (Mt 5: 12)
Nếu tìm hiểu, bạn và tôi sẽ thấy những ai bị bách hại vì buồn/chán suốt cuộc đời, tưởng cũng nên nghĩ về câu Ngài khuyên nhủ. Bởi, “vui mừng hớn hở”, chính là điều kiện ắt-và-đủ để ta thụ hưởng niềm vui Nước Trời, không hề chán. Có thể bảo: sở dĩ bạn bè ở đời vẫn than “chán” suốt ngày, là vì họ tìm chưa ra mục tiêu của sự sống. Nhiều người vẫn thích “dính liền” với những gì tạm bợ, ở trần gian. Tạm bợ, vì niềm hạnh phúc dù có kéo dài suốt canh thâu, họ cũng đâu lấy làm mãn nguyện. Vẫn cứ mải tìm kiếm niềm vui, cho riêng mình.
Niềm vui đích thật, là vui không bao giờ biết chán. Niềm vui ấy như thế này:
“Vậy, tôi nói cho các ông hay:
trên trời cũng thế,
ai nấy sẽ vui mừng
vì một người tội lỗi ăn năn sám hối,
hơn là vì chín mươi chín người công chính
không cần phải sám hối ăn năn.”
(Lc 15: 7)
Niềm vui nhà Đạo, là như thế. Nhưng, nếu hỏi rằng: người sống bên lề nhà Đạo, nếu muốn vui, hà tất cứ phải biết ăn năn sám hối, sao?
Thú thật, bần đạo nghe hỏi chả biết đối đáp làm sao, cho phải lẽ. Thôi thì, bần đạo chỉ dám mượn lời của nhân sĩ Hà Sỹ Phu - Nguyễn Xuân Tụ, làm ví dụ:
“Cháu buồn cháu gọi Ức Trai ơi
Xin được quỳ bên, hỏi một nhời:
‘Kim bang vô đạo hà như xử,
cổ tích oan khiên diệc khả hồi”? (*)
Giọt máu Linh xà sao thấm mãi,
Cháu buồn cháu gọi Ức Trai ơi! (Hà Sỹ Phú – Sáng trăng)
Cụ Hà Sỹ Phu thấy buồn rầu và chán nản nên mới vời bạn già của mình là cụ Ức Trai để hỏi (*): “Nay nước vô đạo phải ứng xử sao đây? Câu chuyện oan khiên ngày trước lại tái hồi chăng?”. Thi hào/nhân sĩ buồn chán sự đời, thời vẫn hỏi như thế. Còn, dân gian buồn chán giận đời, hỏi ai đây?
Nhìn vào trần thế hôm nay, ta thấy người người bày vẽ đủ thứ chuyện. Hết chuyện truyền hình/phim ảnh lại đến vi tính cũng vi vu, đủ mọi thứ cốt để tạo niềm hứng khởi lôi cuốn người đời nhưng nào đã đủ? Như đôi vợ chồng mới nói ở trên, hết xem tivi chán rồi còn rủ nhau đến rạp ngồi, vẫn chưa vui. Thế mới biết, duyên do đưa dẫn đến những chán và buồn, hẳn phải là chuyện tâm tình của ai chăng?
Có đám trẻ người, mà người mình ở bên nhà hiện giờ gọi là người tuổi “tin” (teen-ager) có lúc thấy đơn lẻ, bèn tìm về với “chít chát’ trên mạng, tức loại hình rất mới. Hết khổ công “nối mạng”, để rồi mạng nối với người đời, bên kia bờ đại lục, cho bớt chán. Gặp ngay, vị đối tác cũng lại đang tìm kẻ không-bao-giờ-biết-chán, để giải khuây. Cuối cùng, cả chàng lẫn nàng vẫn thấy buồn. Thành thử, nỗi buồn rất chán ở đời, hôm nay, lại mang thêm một danh xưng mới “nỗi chán không tên”. Chẳng thế mà, có chuyện người trẻ ở Nhật đã rủ nhau ra đi mà tự vẫn tập thể, dạo gần đây.
Giải quyết nỗi chán hôm nay người đời kiếm tìm đủ mọi cách, vẫn không xong. Phương cách mà nhiều người quyết tìm kiếm là làm sao đẩy lùi được nỗi chán chường, đi dần vào vùng trời dĩ vãng. Rất mông lung. Mơ hồ. Cô quạnh. Có vị, còn tìm cách làm hết chuyện này đến việc khác, cho thêm bận. Nhưng kết cuộc, vẫn cứ “buồn ơi chào mi”, nghe còn chán nhiều hơn nữa.
Có vị, lại tìm đến môi trường học đường để xem có giáo án/chương trình nào khả dĩ giúp ích mình được gì không? Có nhà trường, đưa ra đề nghị: bạn cứ thử sử dụng thời giờ rảnh rỗi mà niệm suy. Thời gian để suy và niệm, cũng chỉ chừng vài phút trong thời khoá biểu thường nhật. Đều đặn. Những niệm và suy, khởi phát từ lúc học được ở Mẫu Giáo vườn hồng. Nơi đây, trẻ bé vẫn cứ tập tành lặng thinh trong chốc lát. Chỉ vài phút thôi. Vài phút, để nhớ rằng: Chúa ở bên em, vào mọi lúc. Rất vui. Có nụ cười.
Rồi khi khôn lớn, thời gian lặng thinh cứ thế mà tăng dần. Tăng dần lên, để mọi người cảm nghiệm rằng mình đang vui thú, có sự hiện diện của Chúa. Đức Chúa hiện diện ở nơi mình. Mình hiện diện ở bên Chúa. Cứ như thế, nỗi buồn chán kia, ắt từ từ … chấm hết. Dứt đoạn.
Thế đó, là đề nghị của một số nhà mô phạm, trong Đạo/ngoài đời. Và, đây là đề nghị của người lớn. Thế còn, trẻ nhỏ thì sao? Câu hỏi này, thật ra rất khó trả lời. Bởi, là người đọc dòng chảy này, đâu ai còn nhỏ nhắn để mà thưa. Thưa, như những câu thưa – hỏi, của em nhỏ ở bên dưới:
“Một bé em ngồi chễm chệ trên đùi ông ngoại, nghe ngoại đọc truyện kể, trước khi ngủ. Thay vì lim dim đi dần vào giấc ngủ thần tiên nhỏ bé, em lại cứ để mắt, hết quay nhìn vào sách truyện, lại hướng về vầng trán nhăn nheo của ông ngoại. Đôi lúc, bé còn lấy tay sờ lên trán mình xem có những đường nhăn nheo đáng chán như trán ông ngoại, không. Cuối cùng, bé lên tiếng:
-Ngoại à, có phải Chúa làm ra ông ngoại không, mà sao nhìn trán ngoại, con thấy ông ngoại đáng chán như thế?
-Ấy, con đừng nói thế. Đúng đấy, con! Chúa dựng nên ông ngoại, cách nay cũng khá lâu.
Ngưng hỏi chỉ một phút, bé em lại tiếp tục:
-Thế, Chúa có dựng nên con không, ông ngoại?
-Có đấy con ạ. Thiên Chúa dựng nên cháu, chỉ mới đây thôi.
Vẫn tiếp tục sờ vào vầng trán của mình, rồi đến trán ông ngoại, không biết chán, bé nói:
-Con dám cá là Chúa làm nên con người riết rồi, cũng phải chán thôi. Nhưng lần này không hiểu sao lần này Chúa đã làm khá hơn trước, rất nhiều. Vì thế, Chúa mới bớt chán đời, phải không ông ngoại?
Bắt chước ngôn ngữ của thi hào William Shakespeare, ắt hẳn ta dám nói: chán hay không chán, đó chính là vấn đề. Đúng thế. Chán buồn/buồn chán, vẫn là vấn đề thời đại. Khó mà thoát. Có chăng, chỉ bớt đi phần nào nỗi buồn không tên ấy, mà thôi.
Như mọi lần, khi đề cập đến chuyện buồn - chán như chủ đề hôm nay, bần đạo đề nghị bạn bè/người thân, ta thử đọc thêm truyện kể, bên dưới, coi đây là cách thư-giãn, cho vãn cơn chán-ngán-mà-không-buồn, như sau:
“Vị nữ lưu nọ, vẫn thầm hỏi mình, hỏi người như sau: lâu nay tôi làm đủ điều, sao vẫn thấy chán. Chán đời. Chán Chúa, chán cả riêng tôi?
Có lần, tôi mạnh dạn dò hỏi Chúa, trong thinh lặng nguyện cầu vẫn lan man, rằng:
-Lạy Chúa, xin cho con được tiếp chuyện với Chúa ít phút, để cho con bớt buồn.
Lập tức, có tiếng chim oanh líu lo ở đâu đó, vẫn cứ hót. Vị nữ lưu, cứ để ý nghe ngóng vẫn không thấy tiếng Chúa đáp từ, ra như buồn giận. Giận riết rồi chị lại thì thầm, rất thở than.Than với thở xong, chị bèn hối thúc Chúa:
-Lạy Chúa, xin hãy nói chuyện cùng con đi, không thì con chán lắm!
Ít phút sau, lại có tiếng sấm sét ầm ầm nổi lên. Vang rền cả một góc trời. Vị nữ lưu không nói thêm điều gì, cũng chả buồn để ý đến những gì khác lạ đâu đâu, nơi tiếng sấm. Vả lại, chuyện mưa ầm, sấm nổ có gì lạ đâu. Vẫn rất ư là đáng chán. Nghĩ thế, chị ngồi không được lâu, lại tiếp tục vặn hỏi Chúa:
-Chúa dấu yêu! Xin cho con được diện kiến dung nhan Ngài. Chỉ một chút thôi. Con thề sẽ không cho ai hay biết chuyện này, hết.
Chỉ một lát sau, đã thấy sao khuya lấp lánh, trên bầu trời cao thẳm. Rọi chiếu khắp không gian, thấy rất nhiều. Thế nhưng, nữ lưu nhà mình, vẫn có mắt mà không thấy. Cứ réo gọi Đức Chúa, suốt một ngày:
-Lạy Chúa mến yêu. Xin hãy cho con một dấu lạ, để con bớt chán chường. Với dấu hiệu này, con hẹn sẽ làm lành lánh dữ, dứt khoát thôi!
Tức thì, có nguồn tin xuất hiện trên báo đài, vừa thoáng bắt, là: nhiều trẻ nhỏ vừa góp mặt chào đời. Rất đông. Nhiều nhất, là ở Trung Hoa. Trẻ sơ sinh ở bên đó, không cơ man nào đếm hết. Không thống kê nào, kể cho xiết. Nhưng, nữ lưu buồn, vẫn chẳng bận tâm gì mấy trẻ con. Cũng không đoái hoài đến chuyện sản sinh. Quá tuyệt vọng chờ đợi Chúa cất tiếng phán, chị bèn nói lên thật to, cơ hồ để Chúa nghe hoài phát thấy ngán, phải đáp từ:
-Ôi, lạy Chúa. Xin Chúa thử sờ chạm người con, để con biết là Chúa đang nghe tiếng con nguyện cầu mà đoái mắt, nhìn xuống.
Ngay tức khắc, Chúa ghé xuống va chạm vào người chị. Thế nhưng, chị lại cứ dùng tay mà đuổi xua. Phủi rất mạnh đàn bướm ở đâu đó dồn dập tới. Có cả lũ ong ruồi bu quanh, thật đến nản. Nản chí, nản cả lòng người, chị thất thểu bước đi, dáng thật buồn…
Truyện kể ở trên có thể minh họa rằng Chúa đã và đang hiện diện và hoạt động quanh ta hàng giây, hàng phút nơi người anh, người chị, nơi con em, cháu chắt cùng chim muông, loài thú với cỏ cây mà ta mải buồn, mải chán nên chẳng nhận ra, đó thôi.
Một đề nghị nhỏ, là: bạn và tôi, ta hãy bỏ chút thời gian mà an vui, thinh lặng, để cảm nghiệm và lắng nghe. Nghe và nhìn cuộc đời. Cũng chớ đòi hỏi nhiều nơi người. Nơi Chúa. Theo cách thức của riêng mình.
Thêm nữa, chấp nhận rằng: buồn chán và bất ưng, vẫn có đó. Vẫn cứ xảy đến với đời và với người. Ở bất cứ đâu. Nhưng, hãy cứ nhìn nó bằng nhãn quan rộng mở. Nhãn quan mới của Ki tô hữu đã thanh thẩy, đổi thay. Với niềm vui tin tưởng.
Chắc chắn bạn và tôi, ta sẽ thấy niềm vui, không còn chán. Hay bớt chán trong suốt 75 năm cuộc đời ở trần gian. Vì, có chán hay không, mọi sự vẫn cứ là Ân Sủng. Cho mọi người. Ở mọi thời.
Trần Ngọc Mười Hai,
nhiều lúc cũng thấy chán
nhưng chưa nản.
No comments:
Post a Comment