Saturday 28 November 2009

“Nghe vang khúc nhạc triền miên lắng, như mơ hồ”

Nghe vang những lời ca trìu mến như áng thơ…

(Dương Thiệu Tước – Hội Hoa Đăng)

(Lc 3: 16)

Rất nhiều lúc, bần đạo những muốn thú thật với bạn bè gần xa, rằng: vẫn còn đó nơi mình, một cố tật. Cũng cố gắng đấy, vậy mà chưa bỏ. Cái cố tật, mà bần đạo thường vướng mắc cũng chỉ là dị tật cổ xưa, thích nghe nhạc. Nhạc trữ tình, lình xình. Rất tiền chiến. Thính phòng. Cố tật, là cứ cố đeo đuổi buổi “Hát cho nhau” ở xóm làng miền Tây Sydney. Vắng vẻ. Khiêm tốn. Những 3 năm.

Nghe nhạc, bần đạo thấy văng vẳng ở trong đầu, dòng thác lũ có chân trời vần vũ những thi ca. Âm nhạc. Mà không chán. Bởi không chán, nên ý/lời nhiệt náo hát mãi năm xưa, tiếp tục thấy:

“Vui, vui tiếng đàn trầm ngân hoà bao niềm nhớ

Tình nhạc tha thiết, tình đàn lưu luyến

Nhạc và thơ kết duyên…” (Dương Thiệu Tước – Hội Hoa Đăng)

À thì ra, cố tật mà bần đạo mắc phải, chỉ là: thi ca/âm nhạc, những kết duyên. Duyên vui. Thâm trầm. Tha thiết. Tha và thiết, đến độ bần đạo cứ chập chờn niềm nhung nhớ. Cứ lơ mơ/lờ mờ, ý-lời/âm hưởng rất thi ca/âm nhạc quyện vào nhau, nghe như duyên kiếp. Kết liền. Hội Hoa Đăng.

Thêm cố tật khác của bần đạo, là: cứ đem ý/lời “nhạc và thơ rất kết duyên” của Thầy Chí Thánh ra, mà luận phiếm. Phiếm nhè nhẹ. Sương sương. Để, dân con Đạo mình rồi sẽ miễn lỗi và đại xá cho tội tày trời này. Xá rồi, bần đạo xin phiếm tiếp.

Nỗi niềm rất phiếm của bần đạo hôm nay, là muốn đệ đạt với bạn bè/người thân, đôi ba ý nghĩ “không có gì mà ầm ỹ”. Cũng chẳng có gì phải bận tâm. Cứ sương sương đại để như một thoáng mạn đàm, cho kín giấy. Vậy thì, bần đạo bắt đầu bằng câu truyện tiếu lâm, được đức thày thuộc giống giòng hào kiệt con nhà “Mít” kể lại chút ít một dẫn nhập bài chia sẻ, ở nhà thờ xứ họ Sydney. Chủ Nhật hôm ấy ngày “N”, tháng “T”, năm Hai nghìn lẻ chín, nó thế này:

“Các cụ bảo: có tiền mua tiên cũng được. Được nhà được cửa, nhưng không được mái ấm/cơ ngơi, cho chính mình.

Bọn trẻ nói: Tiền là tiên là Phật, lật đật xuống phố mua được đồng hồ, nhưng chẳng được thời gian.

Và trẻ/già,cứ phán tiếp: Tiền, là sức bật tuổi trẻ, có nó ta mua được cả thuốc men, bon chen nhiều ống chích, nhưng không thể mua lấy sức khoẻ.

Tiền, là sức khoẻ rất tâm linh, có nó người người mua sách mua vở, nhưng nào đã mua được kiến thức. Tiếng tăm. Lòng kính trọng. Từ, người khác. Điều này, cũng dễ hiểu. Dễ, như ta hiểu, rằng: nhiều người vốn ưu tư khốn khó nỗi bạc tiền. Bởi thế nên, xin đề nghị: quý vị cứ đưa thứ tiền bạc nào gây khó chịu nhất cuộc đời. Cho tôi. Tôi sẽ chịu khó mang nó về, để quý vị không còn khó khăn với cằn nhằn, gì nữa sốt. Có điều là, tôi chỉ thích tiền mặt chứ không thích cổ phiếu ngân hàng, sổ nợ của ai đó.” (xem The Catholic Weekly 25/10/2009, tr.5)

Tiền, có là tiên là Phật, thì thật sự cũng chẳng tạo niềm an vui chan hoà, nhà nghệ sĩ hát:

“Niềm vui chan chứa,

bao tình thắm dâng chan hoà

Lòng ngập yêu thương,

rộng bao la như trùng dương.” (Dương Thiệu Tước – bđd)

Dâng chan hoà, còn là tâm thức đầy thơ/nhạc, chốn Đạo/đời. Tâm thức, mà nghệ sĩ ở trên còn gói ghém thành giòng chảy, đầy chữ nghĩa. Như sau:

Nhạc và thơ kết duyên

Nhịp nhàng ca múa chập chờn đôi lứa,

Mờ mờ trong bóng hoa.” (Dương Thiệu Tước – bđd)

Với nhà Đạo, nhạc và thơ kết duyên. Vẫn, được diễn tả ở nhiều địa hạt. Địa hạt, của Nước Trời. Địa hạt, của nhiệm tích thiết thân với con người. Như Thanh tẩy. Nhiệm tích gia nhập Nước Trời, nhiều trẻ bé. Kể cả bậc cao niên. Trọng tuổi. Sống đời cộng đoàn Nước Chúa, với tâm tư đồng thuận, về mọi thứ. Tâm tư, vương vấn chút gượng ép những thắc mắc. Hỏi han. Vấn nạn. Như tâm tình người nhà Đạo, bộc bạch bằng điện thư. Như sau:

“Mỗi tuần, ở nhà thờ, tôi thấy các cha/thầy vẫn thanh tẩy cho bầy trẻ nhỏ, mới vừa sinh. Xin giải thích cho biết: sao ta cứ tẩy và rửa cho trẻ bé, chưa biết gì? Làm thế giúp được gì cho bản thân các em? Cả bậc cha mẹ của các em nữa? Có người còn hỏi: rửa tội cho trẻ nhỏ, nên rửa vào lúc nào, là trễ nhất? (Xin được giữ kín tên tuổi)

Một lần nữa, điện thư tham vấn, ở giáo phận “đàng trong” Sydney, vẫn trực chỉ gửi đến đấng bậc nay-không-còn-trẻ-nữa, nhưng vẫn có trọng trách phản hồi, lối sống Đạo, như sau:

“Trước hết, xin bắt đầu bằng phần phân tích tại sao ta nên rửa tội cho hết mọi người, bất kể tuổi tác, lớn/bé. Chí ít, là tẩy rửa cho trẻ sơ sinh, như anh/bạn vừa hỏi. Sau đó, sẽ xin hầu tiếp anh/bạn các câu sau.

Phép rửa gồm hai động tác chính. Cả hai, đều biểu trưng bằng việc sử dụng nước. Thứ nhất, bằng việc trầm mình trong nước hoặc rưới nước lên đầu, động tác này biểu trưng cho việc tẩy rửa phần linh hồn, khỏi tội nguyên tổ. Theo ngôn từ sách “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, ta có được giải thích như sau: “Nhờ thanh tẩy, mọi lỗi phạm đều được thứ tha. Cả tội ban đầu của tiên tổ, cho đến lỗi lầm mình vướng mắc. Ngõ hầu giúp ta thoát khỏi hình phạt kéo đến do các lỗi phạm khác nhau, mình mắc phạm. Với người đã tái sinh nhờ vào thanh tẩy, không gì khả dĩ ngăn chặn người ấy xa rời Vương Quốc Nước Trời. Ngay cả tội nguyên tổ của Adong hoặc lỗi lầm mình mắc phạm, là hậu quả của sơ xuất, tức động tác nghiêm trọng khiến ta xa rời Chúa.” (GLHTCG #1263)

Khi tẩy rửa mọi vết nhơ tội lỗi khỏi phần linh hồn, kể cả lỗi lầm nguyên tổ đã hằn in dấu ấn lên trẻ nhỏ, phần linh hồn đã trở nên hoàn toàn thanh trong. Và từ đó, sẵn sàng tiến vào chốn thiên đường của Chúa.

Tiếp đến, giống như nguồn nước, cần thiết cho cuộc sống con người thế nào, thì phép Thanh tẩy cũng chuyển tải sự sống của Thiên Chúa đến với linh hồn người lĩnh nhận. Lĩnh nhận ơn thánh hoá, cùng với đặc ân/ân sủng Chúa Thánh Thần ban tặng. Có Ba ngôi Thiên Chúa đến ngự trị.

Không gì lành thánh/quý giá hơn, dành ban cho người nhận lãnh, cho bằng hồng ân ấy. Chính đây là lý do tại sao ta cần thanh tẩy hết mọi người. Còn, vấn đề tại sao ta thanh tẩy cho cả trẻ thơ, khi bé không biết chút gì về việc làm ấy? Đơn giản, là vì nhiệm tích thanh tẩy thần năng thánh hoá cách độc lập với người nhận lãnh.

Theo ngôn ngữ của truyền thống Giáo hội, thì nhờ có thanh tẩy, nhiệm tích thánh tác động theo cách mà người xưa gọi là “ex opere operato”, tức: tác dụng hiệu quả “là vì việc ấy do ta thực hiện.” (GLHTCG #1128). Trẻ thơ khi lĩnh nhận phép thanh tẩy, dù không chứng kiến những gì được thực hiện cho em, nhưng Phép Thanh tẩy vẫn tạo thành quả tuyệt vời đối với linh hồn của em, từ khi nhận lãnh.

Vì lý do đó, Hội thánh vẫn duy trì nhiệm tích thanh tẩy cho trẻ nhỏ. Thánh Âu-tinh có lần nói: thực hiện Thanh tẩy cho con trẻ, là công việc được thực hiện từ thời các thánh tông đồ: “Mẹ Thánh Giáo Hội lâu nay vẫn có Thói quen Thanh tẩy trẻ nhỏ và không bỏ bê hoặc coi đó là việc dư thừa, vô bổ. Trái lại, Hội thánh vẫn làm việc này với niềm tin chắc chắn rằng công việc vẫn tiếp diễn từ thời các thánh tông đồ.” (Công tác Thông thường theo Truyền thống #10, #23. #39)

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo còn nói về truyền thống này rõ như sau: “Thực thi việc Thanh tẩy cho trẻ nhỏ là truyền thống khó bỏ của Hội thánh. Bằng chứng rất rõ của nghi thức này vốn có từ thế kỷ thứ hai, mãi đến hôm nay. Nghi thức này, xuất hiện từ thời các thánh Tông đồ lên đường rao giảng Lời Chúa. Khi mọi người trong nhà đã lĩnh nhận nhiệm tích Thanh tẩy, thì khi ấy, cả trẻ nhỏ cũng được hưỏng ơn lành của Chúa, cũng như thế.” (GLHTCG #1252)

Về câu hỏi, rửa tội cho con trẻ có nên thực hiện ngay sau khi bé chào đời không? thì trong Giáo luật có điều khoản nói rất rõ: “Các bậc cha mẹ, buộc phải cho con em mình được chịu phép rửa vào tháng đầu, sau khi sanh. Nên rửa tội cho bé càng sớm càng tốt. Trước đó, cũng nên tiếp xúc với linh mục chánh xứ để xin cho con/em mình được chịu phép rửa, đồng thời cũng nên chuẩn bị cho các em được lĩnh nhận nhiệm tích này.” (Giáo luật số 867 #1)

Ở đoạn sau đó, cũng có viết: “Nếu thấy con trẻ có nguy cơ bị chết yểu, thì nên đưa bé đi chịu phép rửa tội ngay lập tức, không được chậm trễ.” (Giáo luật số 867 #2)

Sao vội vã như thế? Đơn giản, là vì phép rửa tạo nhiều điều tốt lành cho phần linh hồn của trẻ. Vì thế nên, trẻ phải nhận lãnh ơn cao trọng này càng sớm càng tốt. Đôi lúc, bậc cha mẹ có khi cũng phải chờ vài ba tháng mới cho con/em mình rửa tội vì còn chờ người thân từ nơi xa, đến dự. Mặc dù, cha mẹ vẫn muốn họ hàng bà con mình có mặt vào buổi lễ quan trọng ấy, cho nên hãy thực hiện càng sớm để con/em mình nhận lãnh ơn lành Thanh tẩy, sau khi sinh.

Nhiều trường hợp cho thấy, con/em mình dễ bị chết yểu, dù các cháu vẫn đang khoẻ. Nên hiểu rằng, nỗi buồn mất con của bậc cha mẹ đã quá lớn, cũng không nên thêm vào đó, nỗi buồn “không kịp rửa tội cho con”. Dĩ nhiên, ta vẫn biết con trẻ chưa rửa tội vẫn được Chúa rước thẳng vào Vương Quốc của Ngài. Nhưng, hy vọng dù lớn lao, vẫn không bằng xác tín là cháu đã được rửa tội đúng phép. Rất đúng đạo. (x. John Flader, The catholic Weekly, 25/10/2009, tr. 10)

Về thanh tẩy sớm/muộn, cũng nên qui chiếu Tin Mừng thánh Luca, qua đó Chúa nói:

“Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước,

nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến,

tôi không đáng cởi quai dép cho Người.

Người sẽ làm phép rửa cho anh em

trong Thánh Thần và lửa.”

(Lc 3: 15-16)

Được rửa trong Thánh Thần và lửa, còn được hiểu theo cung cách chú giải của thần gia Kinh thánh, thế kỷ trước:

“Nước và thanh tẩy trong Thánh Thần, tức báo đến thời ở dưới sự hiện thực của Thần Khí và Đấng viên thành vạn sự. Nhưng, vừa tỏ vừa ẩn, Thần Khí dưới hình bồ câu. Đấng viên thành là một người chịu thanh tẩy giữa các kẻ tội lỗi. Hai nhân vật đó (tức Gioan và Đức Giêsu) liên kết. Và, đó là dấu hiệu thời viên thành đã hé rạng, tuy còn ở trong bí ẩn của Thiên Chúa, nhưng nhất thiết sẽ thành sự.” (Lm Nguyễn Thế Thuấn, CssR Tin Mừng Nhất Lãm, bản in nội bộ tr.119)

Thật sự, thì việc thanh tẩy cho trẻ nhỏ hay người lớn, là thực thi điều Chúa uỷ thác. Thực thi, như một mời gọi cộng tác vào sự Thanh tẩy bằng “Máu”, đúng như có Giáo sư Kinh thánh Nguyễn Thế Thuấn ở trên, có viết tiếp:

“Thanh tẩy tại sông Yorđan, được thực hiện đầy đủ trong thanh tẩy bằng máu (Mc 10: 38; Lc 12: 50), sự chết trên thập giá. Thanh tẩy Hội thánh, là thanh tẩy trong sự chết và sống lại của Chúa Kitô, và đã được thành hình theo mẫu thanh tẩy của Chúa Yêsu tại sông Yorđan, và cốt là để được chịu ơn huệ cánh chung, là Thánh Thần.” (Cv 2: 38), (x. Lm Nguyễn Thế Thuấn sđd, tr. 120)

Thành thử, ý/lời bậc hiền nhân đã tỏ bày, vẫn được quyện vào với thơ/nhạc ở đời người. Một đời, có người nghệ sĩ luôn se kết. Se và kết, là để bạn bè người thân, đừng quên lãng. Thế thì, để khỏi lãng quên những ý/lời của nhạc và thơ, cũng nên đọc truyện kể nhè nhẹ sương sương, ở bên dưới:

“Truyện kể rằng:

Trên chuyến bay đường dài hôm ấy, một khách lạ -dáng dấp giống người nhà Đạo, rất chững chạc- chợt nhận ra cô bé ngồi cạnh còn khá trẻ, nhưng đã biết tập trung tâm hồn, để đọc sách. Khách lạ, bèn lân la vào đề câu chuyện:

-Này cô bé. Ta nói chuyện với nhau một chút có được không? Tôi vẫn được bảo là: nếu ở trên máy bay mà ta nói chuyện với người ngồi cạnh, sẽ thấy thời gian qua mau. Đi rất nhanh.

-Vâng! thế bác muốn cháu nói về vấn đề gì đây?

-Chuyện gì cũng được. Đề tài đâu quan trọng. Tôi muốn cô cho biết cô nghĩ thế nào về một vài chuyện đạo; như: chuyện người lớn thắc mắc về bí tích rửa tội, hoà giải, hôn nhân, thêm sức, vv. Thế cô thích mình nói chuyện về đề tài gì?

-Vâng. Đề tài nào cháu cũng chịu nghe hết đó! Nhưng, trước khi bàn về chuyện nghiêm túc, đứng đắn, cháu xin hỏi một câu ngắn. Bác có biết là ba con thú lớn xác như: ngựa, bò, và nai cùng ăn một thứ là cỏ thôi, mà sao nai kia lại sản xuất ra thành phẩm rất tốt cho nhà nông, theo hình dạng khác nhau. Mầu sắc khác nhau? Sao thế hả bác?

-Nói thật với cô, “goa” đây chẳng khi nào nghĩ về chuyện ấy. Chỉ lo chuyện Đạo, thôi.

-Chuyện đơn giản có thế mà bác không nghĩ, thì sao các người lớn lại cứ thắc mắc về chuyện đạo đức/tẩy rửa làm gì! Vậy sau đây, xin phép bác cho cháu được tiếp tục đọc sách. Cháu thấy thời gian sẽ qua mau lắm, nếu mình không đọc cái gì cho vui lại giết thì giờ chờ đợi, thì thật uổng. Phải không ạ? ”

Nghe kể, hẳn bạn cũng như tôi, ta thật chẳng biết ai khôn ai khéo, hơn ai. Người già hay đám trẻ? Hoặc, già/trẻ lớn/bé, đều như nhau. Như, các cụ thường nói: “một già một trẻ, như nhau”. Như nhau, là giống nhau về cả thể xác lẫn tinh thần. Như nhau, không có nghĩa là có cùng một ưu tư/thắc mắc về những chuyện giản đơn, “sống trên đời”. Tự do. Không câu nệ. Chẳng thắc mắc, gì nhiều.

Ưu tư/thắc mắc quá nhiều về chuyện “tẩy rửa”, mà chẳng gia nhập “hội Hoa Đăng”, có nhạc có thơ, rất tình tiết. Rất tha thiết, với ý/lời mà người nghệ sĩ hôm nay kết thúc bản ca ở trên, rằng:

“Cùng nhịp ca múa trong đêm thâu

yêu nhạc thanh tân vui hội hoa đăng.” (Dương Thiệu Tước – bđd)

Vui hội hoa đăng, là vui với Nước Trời có trẻ nhỏ. Có bậc trưởng thượng. Nhập Hội ở trần gian. Hăng say. Tha thiết như người cùng nhà Hội thánh. Rất hoa đăng. Lễ hội. Ở mọi nơi. Mọi tuổi.

Trần Ngọc Mười Hai

Cứ hăng say gia nhập

hội Hoa Đăng Tẩy Rửa rất thánh

từ bao giờ. Đâu cần hỏi.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Sunday 22 November 2009

“Đi với tôi đến phương trời xa”

Trăng nước êm. Một trời đầy hoa Bạn của Hằng Nga; và vô cùng thanh thú lắng tai nghe nhạc réo lững lờ.”

(Canh Thân – Đi Với Tôi Đến Phương Trời Xa)

(Xuất Hành 20: 3-5)

Lại đi. Đi đâu, mà sao không thấy chán?

Thật ra, lời mời gọi những đi và đến, “đến phương trời xa”, đà gửi đến với mọi người. Lâu nay. Dạo ấy. Nhưng, đã mấy người từng biết đến. Biết, nhưng không hồi và chẳng đáp. Biết, chỉ như một lời mời, vẫn bỏ lửng.

Lời mời từ nhà Đạo hôm nay, thật ly kỳ. Lý thú. Vẫn nghe quen. Và nghe rất quen, nên chẳng ai buồn để ý. Nếu để ý, sẽ thấy lời mời của Ngài da diết. Thiết tha. Trìu mến. Rất như sau:

“Trong những ngày ấy,

Gioan Tẩy Giả xuất thân rao giảng

trong sa mạc xứ Giuđê rằng:

‘Hãy hối cải , vì Nước Trời đã gần bên.”

(Mt 3: 1-2)

Mời gọi thân thương/trìu mến, là lời mời từ Đấng Thánh, rất dịu hiền. Trong lúc đó, “Lời gọi chân mây” ở đời thường, chỉ giản đơn. Nhưng sao nhiều người vẫn lắng nghe:

“Đi với tôi đến chốn trời xa

Bên suối mơ là nhà của ta,

tay đàn miệng ca và mơ màng ta múa

Gót chân theo nhịp bước thần tiên.” (Canh Thân –bđd)

Nhịp bước, có thần tiên? Hay vẫn cứ châu về, mà tưởng nghĩ. Tưởng và nghĩ, sẽ thấy còn đó nhiều điều, rất vấn vương. Như truyện kể nhè nhẹ một suy tư văn hoá hơi cường điệu. Vu vơ. Như một dẫn nhập vào những chuyện khô khan. Sâu sắc. Thời xưa cũ. Kể, là kể rất gọn và nhẹ, như sau:

“Lâu nay, có người để công sức và thì giờ vào chuyện nghiên cứu, những văn thơ về chữ “ăn”, như sau:

Hồi nhỏ, những “ăn vóc học hay”. Hễ xin tiền ba mẹ “ăn vặt”, không được là “ăn vạ” liền.

Lớn lên, học đòi “ăn diện”, rồi lang bang tán gái/theo giai không qui cách, những là “ăn nói bậy bạ”, bèn bị “ăn bạt tai”… đau điếng.

Khi có vợ, lại không thích chuyện cùng “ăn (và cùng) nằm”, bèn thấy “ăn năn” thống thiết, lúc ấy đã quá muộn; đành, “ăn đời ở kiếp” với nhau theo cách “ăn khế trả vàng”. Có khi gặp phải số “ăn mày” hoặc “ăn hại đái nát” cũng là chuyện thường ngày, ở chốn nợ đời.

Thoạt khi “ăn nên làm ra”, những là “ăn sung mặc sướng”, rồi cứ thế sanh tật “ăn gian nói dối” với chồng/vợ là mình “đi ăn cơm khách”, mà thực ra chỉ là “ăn vụng”, “ăn chạ”, hoặc giả: “ăn bánh trả tiền”. Trót lọt thì không sao, gặp tai hoạ, chỉ có nước mà “ăn cám”, hoặc “bỏ ăn” lâu ngày, thì có mà “ăn ớt”.

Nhằm khi mất việc, nếu chẳng “ăn không ngồi rồi”, cũng đành “ăn theo”, “ăn bám”, “ăn hại” vợ con. Được lúc khấm khá chút đỉnh, lại đã ra mặt “ăn qụyt” hoặc xuống cấp tồi tệ, đành lủi thủi “ăn mày” cho qua ngày, đoạn tháng.

Vốn quen thói “ăn không” mà chẳng chịu làm, hoặc ngồi mát “ăn bát vàng” cũng lại cương bạo, bèn làm chuyến “ăn trộm”, “ăn cắp”, thậm chí còn “ăn cướp”, hoặc “ăn hàng”, một vài nơi.

Gặp khi chơi bạc nhằm lúc thắng lớn, bỗng đứng dậy bỏ về, bị đồng bàn chê là dân “ăn xi non”, khó khá. Tệ hại hơn, đã ăn xi non như thế mà vẫn vênh váo, ngạo mạn, thì chỉ có nước bị chúng cho “ăn đấm”, “ăn đá”. Chán rồi, đành quay về nhà để “ăn cháo”, hoặc “ăn cơm nhà vác ngà voi” cho thiên hạ coi thường. Kết cục kiếp người chỉ “ăn chơi” chốn nợ đời, thật đáng chán. Lúc về già, đành theo các cụ “ăn oản”, “ăn xôi”, đứng ngồi ở trên đó, chốn cao sang hương khói, kiếp “ăn tằm”, vẫn đứng nằm để con cháu/người người, còn cúng bái.

Về với nhang đèn/cúng bái đầy tưởng nhớ, có tôn giáo ít nhiều mang nặng ảnh hưởng từ các tục lệ dân gian nay về thuần hoá, làm thành văn hoá riêng, đạo mình.

Vừa qua, có một bạn đạo gửi về ban biên tập báo The Catholic Weekly ở Sydney, đưa ra vài ba thắc mắc, với hỏi han. Han hỏi, hỏi và han, là để xem đức thày mình nghĩ thế nào về việc khói hương xì sụp, nhiều vái lạy. Vái thần linh. Nhìn ảnh hình. Tượng điêu khắc. Những hoa hoè mầu sắc, như sau:

“Tôi có một bạn thuộc giống giòng hào kiệt, rất Tin Lành. Đến với tôi, không để rủ rê đôi điều theo kiểu “đến phương trời xa xôi” nào đó, mà hỏi xem Đạo mình sao vẫn có những ảnh tượng/hình hài, chốn thánh thiêng, nhiều đến thế? Anh có trích dẫn giới răn Lời Chúa, rõ ràng điều thứ nhất, rằng: Đạo Chúa từng cấm đoán mọi hình thức tôn thờ ngẫu tượng, cùng bày biện ảnh hình lền khên, ở khắp chốn. Anh còn thêm: phải chăng Đạo mình là đạo “phụng thờ” những tượng cùng ảnh, theo cách khác? Bản thân tôi, khi nghe hỏi, thấy mình không đủ tư cách và chữ nghĩa để đối đầu. Giải oan. Vậy theo ngài, ta có cách nào hay nhất, để giải toả các nghi nan/kỳ thị, không đúng ấy? Xin trả lời vài hàng cho biết. Rất tri ân.”

Hỏi đây, là hỏi những câu tế nhị. Những là tinh tế/ý nhị, nên đức thày lần này không tiện ghi danh người han hỏi. Đức ngài, đi ngay phần giải thích, có trích có dẫn như sau:

“Thật ra, thì giới răn đầu rút từ sách Xuất hành, Cựu Ước, gồm lời trích dẫn vỏn vẹn chỉ thế này: “Các ngươi sẽ không có các thần khác, trước Nhan Ta.”(Xh 20: 3) Giới răn đầu, tuyệt nhiên không nói gì về ảnh hình, hoặc tượng đúc/khắc. Nếu đọc tiếp, ta sẽ thấy những lời khuyên dạy, được kể đến:

“Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời..” (Xh 20: 4-6)

Từ đó, ta cứ tưởng: Hội thánh hằng chôn giấu đôi điều hàm ẩn ở giới răn Giavê Thiên Chúa truyền thực hiện. Thực hiện, hầu lý giải hành vi sai sót khi con dân mọi thời thực thi điều Chúa ngăn cấm: tạc tượng. Khắc ảnh, nhiều đấng thánh.

Quả thật, Hội thánh chẳng khi nào làm thế. Việc Hội thánh làm, là giùm giúp con dân nhớ nhiều về điều Chúa dạy. Nhớ truyền thống. Nhớ, phương cách giản đơn, đem đến cho ta văn bản ngắn gọn, dễ dàng mà ghi nhớ trong lòng. Hỏi rằng, sao ta lại lập ảnh/tượng Chúa, Mẹ, cùng thần thiêng các đấng, mà treo/đặt ở nhà thờ. Cả, phạm vi riêng tư nơi ăn chốn ở, khi Giavê Thiên Chúa đã nhất mực ngăn cấm?

Trước nhất, nên nhớ: Giavê Thiên Chúa không những ban bố cho Môsê 10 điều răn, để tuân giữ, Ngài còn khuyên dạy ông lập một số ảnh hình, trong đó gói ghém hai tổng thiên sứ hoặc các Kêrubim có cánh xoè, lập Bàn Khám. (Xh 25: 18-20). Đồng thời, Ngài còn cho phép tạo rắn lửa bằng đồng, từng cứu sống nhiều người khi nhìn lên ảnh hình của rắn, đều đã sống.(Ds 21: 8-10)

Mời gọi đây, có tình tiết cũng tha thiết. Quyến luyến. Những mến thương. Thương mến mừng vui, như ý/lời người nghệ sĩ kể ở trên, từng diễn tả:

“Đi với tôi đến chốn trời xa,

đâu có chi đẹp bằng đời ta;

mặc ngày dần qua, nào vang lừng câu hát

Dắt tay nhau về chốn bồng lai…” (Canh Thân – bđd)

“Chi đẹp bằng đời ta, chốn lai bồng”, là chốn vui có lời khuyên. Có diễn giải. Về, những thắc mắc, hỏi han rất tâm đắc. Và, đức thày nhà Đạo ở Sydney, lại đã tiếp tục giòng chảy, một trả lời:

“Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có giải thích: các ảnh hình trong Kinh Sách muốn nói đến hình ảnh Đức Kitô, nên đã diễn tả: “Dù gì đi nữa, rõ ràng là ta thấy ở Cựu Ước, chính Giavê Thiên Chúa đã ra lệnh/cho phép lập ảnh hình, là để diễn tả, cách biểu trưng, ơn cứu độ do Ngôi Lời nhập thể, như bằng chứng là ơn của Chúa đã ở với “rắn đồng”, với Bàn Khám và Thiên sứ Kêrubim.” (GLHTCG #2130)

Rõ ràng, điều Thiên Chúa cấm đoán không phải là việc thiết dựng chỉ bao nhiêu ảnh tượng thôi đã đủ, mà là: không được phép phụng thờ ngẫu thần do người làm: “Các người không được phủ phục trước những thứ đó, mà phụng thờ.” (Xh 20: 5)

Ta nhận ra được điều này: khi dân Do Thái, lo ngại sự việc Môsê ở trên núi, quá lâu không thấy xuống; họ “bèn lập bò con bằng vàng, mà lạy thờ.(Xh 32: 1). Vì thế, Thiên Chúa nói với Môsê: Hãy xuống đi, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đưa lên từ đất Ai-cập. Chúng đã vội ra ngoài con đường Ta truyền dạy cho chúng. Chúng đã đúc một bê con, rồi sụp xuống mà lạy nó, tế nó và nói: "Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập." (Xh 32: 7-8). Xem thế, thì đây là tội phạm thánh, dám thờ lạy ngẫu thần, là điều mà giới răn thứ nhất, từng đề cập.

Khi Thiên Chúa chấp nhận trở thành người, qua xác phàm trần tục hiện diện nơi Đức Kitô thì, trong chừng mực nào đó, Ngài ban cho ta ảnh hình của chính Ngài. Đây cũng là điều mà thánh Phaolô từng viết về Đức Giêsu Kitô, bằng lời lẽ như sau: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Co 1: 15) Bằng vào việc đến với thế gian, như Chúa đã làm, Hội thánh coi đó là việc chính đáng, hợp pháp, để lập hình/tượng các thánh nhân.

Khi xưa, các bè chủ trương đập phá mọi ảnh tượng Hội thánh lập vào thế kỷ thứ 8, như thế, họ đã chối bỏ tính đạo hạnh trong việc thiết lập ảnh hình và tượng khắc. Để đáp lại, Công Đồng Nixê thứ hai, năm 787, công bố chấp nhận hình thức ảnh/tượng, hội thánh lập ra. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng đã giải thích:“Bằng vào nhiệm tích Nhập thể, Công Đồng Chung lần thứ bẩy diễn ra ở Nixê, đã xác chứng chống đối những người thuộc bè chủ trương phá hại việc tôn kính ảnh/tượng không chỉ của Đức Chúa mà thôi; nhưng cả các ảnh/tượng Đức Mẹ, các thiên sứ, và các thánh nam nữ. Bằng việc xuống thế làm người, Ngôi Lời khởi xướng đưa vào với thế giới “nhiệm cục cứu độ” bằng những ảnh hình, mang tính người.” (GLHTCG #2131)

Trả lời câu kế tiếp của ông/bạn, tôi có thể bảo: chúng ta không hề “phục lạy/phụng thờ” ngẫu tượng cùng ảnh hình, của ai hết. Ta dùng thứ ấy, chỉ để nhắc nhớ mọi người về về bản vị mà các đấng hình dung ra, tựa hồ ở mỗi gia đình, ta vẫn có thói quen trưng bày ảnh hình người thân yêu của ta, để thương và để nhớ, mà tôn kính.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng đã dựa vào lời của thánh Baxin, để giải thích: “Sự việc tín hữu Đức kitô tôn kính ảnh hình cùng tượng thánh, đã không đi ngược lại giới răn thứ nhất, tức giới răn ngăn cấm ta thờ cúng ngẫu thần, do người làm.

Quả thật, ‘khi ta tỏ lòng tôn kính ảnh/hình các bậc hiển thánh, sự tôn kính ấy sẽ đạt tới đấng mà ta kính tôn”. Và, “khi ta cung kính ảnh hình của người nào, là ta đang cung kính chính đấng bậc được thể hiện tạo tác nơi ảnh/hình đó.”(GLHTCG #2132)

Tôn kính hay cung kính, vẫn là hành vi rất kính và rất tôn. Tôn và kính, sự lành thánh của các đấng thánh. Rất hiền lành. Tôn kính/kính tôn, là ta biết kính và biết trọng đấng thánh. Khi đó, ta sẽ thấy vui trong lòng, mà bắt chước các ngài. Bắt chước, rồi sẽ vui. Vui, như người nghệ sĩ đã từng có những ngày vui, nên mới hát:

“Có ai đâu vui như tôi

tuy không có dài hơi

người nào chán và buồn, tình đời

đều cùng yêu tôi.” (Canh thân – bđd)

Cuối cùng, lập ảnh hình và tượng khắc, là để ghi nhớ sự lành thánh của đấng bậc rất lành và rất thánh. Là, mời gọi từ ngàn xưa. Lời mời gọi ta ra đi, mà chóng đến với những người lành và thánh. Rất thân yêu. Ở Nước Trời lành mạnh, có các thánh đang hiện diện. Và, trông chờ một hồi đáp. Trông và chờ từ dân con nhà Đạo, là chúng ta. Hôm nay. Ảnh và tượng, nhất định là lời gọi mời, từ muôn nơi. Đạo/đời. Lành mạnh.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn tôn và kính

những gọi mời từ đấng thánh.

Qua ảnh hình. Nhiều mầu sắc.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

Sunday 15 November 2009

“Hãy nói về cuộc đời”

Khi tôi không còn nữa Sẽ lấy được những gì Về bên kia thế giới Ngoài trống vắng mà thôi…”

(Anh Bằng/Du Tử Lê – Khúc Thụy Du)

Nói về đời, sao người chỉ muốn nói “khi tôi không còn nữa”. Cuộc đời, còn nhiều thứ để nói lắm chứ. Nói về đời, là nói vào khi tôi/khi bạn đang còn sống. Sống để nói, chứ đâu nào: “lấy được những gì”, “ngoài trống vắng mà thôi”. Thì ra, khi nói về cuộc đời, là “để lấy”. Lấy gì? Lấy, mà làm chi?

Thật ra, thì khi nói, bạn và tôi nào có muốn lấy những chi chi. Nhất thứ, là lấy để mang “về bên kia thế giới”. Nói, chỉ để kể. Kể cho nhau. Kể cho thế hệ mai sau. Những điều mà suốt cuộc đời, ta chỉ tranh sống chứ chưa giành kể. Kể thật nhiều. Kể lai rai. Không ngoài những gì về đời người và người đời. Kể, cả những chuyện tai nghe mắt thấy, như truyện kể ngắn gọn, ở bên dưới:

“Kể rằng:

Có thầy tu nọ thuộc phái “khất thực” đi ngang qua khu làng nhỏ, để hành và khất. Nhằm lúc trời hanh khô, thầy cất bước ra đi, đi mãi đi hoài, vẫn không tới. Thấy đã thấm mệt, thầy bèn quyết định dừng chân đứng lại, rẽ vào căn nhà nhỏ, để xin nuớc. Ngặt một nỗi, căn nhà nhỏ chỉ thấy có cô gái còn trẻ, dù không xinh. Cô gái nghe thầy tu nói muốn xin nước, bèn đặt một chai nước ở hiên nhà, định quay vào trong, để lấy ly. Lúc ấy, thầy tu lại cứ tưởng cô gái đi vào luôn, nên định bụng mở nắp chai, tu một hơi cho nó đã. Vừa lúc đó, cô gái đi ra, thấy vậy bèn kêu lên:

-Thầy đừng tu, để em lấy…

Thầy tu hoảng hốt, ngắt lời:

-Cô đừng lấy, để tôi tu…

Quả là, về đời người hoặc người đời, cũng có trăm phương ngàn cách để nói, mà không lấy. Nói làm sao? Lấy thế nào? Đó, vẫn là vấn đề, của mọi thời. Mọi nơi. Chí ít, là nhà Đạo. Về cuộc đời ở nhà Đạo, không thể “nói lấy nói để”, như nghệ sĩ ở trên vẫn dành nói và hát, những lời như:

“Hãy nói về cuộc đời

Tình yêu như lưỡi dao

Tình yêu như mũi nhọn

Êm ái và ngọt ngào

Cắt đứt cuộc tình đầu… (Anh Bằng/Du Tử Lê – bđd)

Không nói được hoặc nói không được, là bởi: nói về đời người và người đời, thường là người người vẫn nói theo hai kiểu. Hai cách. Cách đầu, là nói tiếng “Không”. Cách sau, là nói “Có”.

Nói không –chứ không phải là không nói- không thể là nói chữ “không” về mọi chuyện. Với, mọi chuyện. Bởi, nếu bạn và tôi, ta cứ nói tiếng “không” về mọi chuyện, thì cuộc đời con người sẽ chẳng có chuyện gì để mà nói. Chẳng có gì để , phải quan tâm.

Ngược lại, nếu nói tiếng “không” với mọi chuyện, hẳn là ta sẽ chẳng còn nhận ra được chính mình. Mình là ai? Mình muốn mình là ai, nữa. Mình ra sao? Làm những gì? Và, nếu cứ nói tiếng “không” với mọi người, mọi chuyện, cả chuyện yêu đương, hoặc đương yêu, hoặc được chọn lựa cuộc sống, chứ không phải là cõi chết, thì cuộc sống sẽ không còn đưa đẩy mình vào “Thiên đàng để ngỏ”. Và như thế, ta sẽ mất đi hạnh phúc. Mất đi những dịp thuận để nói tiếng “có”. Với mọi sự.

Nói “không”, là nói giống như nghệ sĩ ở trên, vẫn cứ nói và cứ hát những lời:

“Như loài chim bói cá

trên cọc nhọn trăm năm

tôi tìm đời đáng mất

trong vũng nước cuộc đời…” (Anh Bằng/Du Tử Lê – bđd )

Nghe người nghệ sĩ cứ nói những điều nghịch nhĩ như trên, cũng thử đề nghị, bạn cũng như tôi, ta có thể làm ngược lại, là nói có. Có, với người đời. Để rồi, đời mình sẽ trở nên tốt đẹp, hơn bao giờ. Hơn, cả người nghệ sĩ chừng vẫn tưởng. Hơn, là vì: khi nói “có”, tức là ta đã trả lời “có” với Chúa. Với, người người. Những người đang trông ngóng, chờ đợi ta nói có. Rất thân thương.

Nói “có”, là nói lời ứng đáp rất tích cực với những đòi hỏi, từ người khác. Đòi và hỏi, về tương quan giùm giúp. Đòi và hỏi, về một hỗ trợ. Rất thân thương, cần có. Cho nhiều người. Nói “có”, là nói như Đức Chúa, vẫn đáp trả một đòi hỏi rất ư là nghiệt ngã, về cứu độ. Nói “có” như Ngài, là bằng lòng chấp nhận những cái “không” nào khác, để người người được “có”. Có mãi. Có được điều cần có, trong cuộc đời, là: ơn cứu độ. Do Chúa ban.

Nói “có”, còn là chấp nhận lời mời gọi từ Chúa, khi Ngài đưa ra hiến chương Nước Trời 8 điểm, trong đó có điểm nói rất rõ, về sự “có”:

“Phúc cho những kẻ hiền lành,

Vì họ sẽ (có) được đất làm cơ nghiệp”

(Mt 5: 4)

Nói “có” về cuộc đời, ngày hôm nay, là nói rất rõ về “những kẻ hiền lành”, từng hiện diện làm vẻ vang Giáo Hội, mà dân con Đạo Chúa vẫn có thói quen gọi các ngài là “Tiến Sĩ Hội Thánh”. Sao là “Tiến Sĩ (của) Hội thánh, lại được gọi là “những kẻ hiền lành, vì “có” được “đất làm cơ nghiệp”? Đây là câu nói của một dân thường ở huyện, huyện Sydney, cũng từng hỏi và từng nói, như sau:

“Tôi nghe nhiều người nói về tước hiệu “Tiến Sĩ Hội Thánh”, nhưng không hiểu ý nghĩa/chức năng của danh xưng này. Xin ngài giải thích cho biết dựa vào đâu ta có thể phong cho ai đó tước hiệu là Tiến Sĩ, Hội Thánh? Và, các vị ấy, nay đếm được bao nhiêu. Xin biết ơn.” (Một giáo dân không ghi rõ, những tên cùng tuổi).

Đã “nói” và hỏi về những điều được nghe và được “nói” ở huyện nhà, huyện Sydney muôn thuở, của bạn tôi, thì câu hỏi dù có khó nói, hoặc nói khó hay không, vẫn được chuyển về “đức thày” nhà Đạo rõ ràng đầy đủ họ và tên rất ư là John Flader, của tờ The Catholic Weekly, hôm 20/9/2009, tr 10), như sau:

“Trước hết, như ông/bạn từng biết: tước hiệu “Tiến Sĩ” theo nghĩa này, không có ý nói về các vị tiến sĩ khoa bảng ngành y, chuyên trị cúm cho nhiều người. Cũng không là, các vị chữa trị nhiều bệnh tình của con tim, rất Hội thánh!

Cụm từ “Tiến sĩ” xuất xứ từ tiếng Latinh “docere”, có nghĩa là “dạy dỗ”. Xem như thế, “tiến sĩ” ở tiếng Latinh, có nghĩa là bậc thầy dạy. Những điều phải.

Muốn được Giáo hội phong cho tước hiệu “Tiến Sĩ Hội Thánh”, đương sự phải ngang qua 3 qui trình diễn tiến như sau: phải trổi trang về tín lý; phải sống lành thánh, rất thanh cao; và, phải được Hội thánh tuyên dương công trạng “Tiến Sĩ”, của nhà Đạo.

Duy chỉ các bậc hiển thánh mới được phép lĩnh nhận tước hiệu này. Chính vì thế, nhiều đấng bậc vị vọng từng sống ở thời Giáo Hội tiên khởi, từng viết nhiều sách nổi tiếng, nhưng một khi không được phong thánh, vẫn không phải là Tiến Sĩ Hội thánh.

Các thánh tử đạo, chẳng hạn, tuy lành thánh rất mực, nhưng chẳng có vị nào được Giáo hội phong làm Tiến Sĩ Hội Thánh, hết. Thậm chí, ngay như các bậc thánh nổi danh như: thánh Irênê, thánh Cyprianô, là đấng bậc rất vị vọng, từng đóng góp rất nhiều điều bổ ích vào kho tàng giáo huấn của Hội thánh, vẫn không được gọi là Tiến Sĩ Hội Thánh, bao giờ.

Một lý do khác nữa, là: các thánh tử đạo có lẽ vì đã được Hội thánh tuyên dương mức tối cao rồi, không còn danh hiệu nào cao quý hơn để áp đặt cho vinh quang của các ngài hơn được nữa.

Dù rằng về mặt tín lý, các Tiến Sĩ Hội thánh đều rất trổi trang, cũng không có luật đòi buộc các ngài phải đưa ra nhiều bài viết có giá trị. Chẳng hạn như, trong khi thánh Âu Tinh và Gioan Chrysostômô đã để lại rất nhiều bài viết, các vị khác như thánh Catarina thành Xiêna và thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, còn có khi viết rất ít, hoặc chẳng viết gì hết.

Mọi việc còn tùy vào quyết định của Đức Giáo Hoàng có đồng ý tuyên dương vị nào là Tiến Sĩ Hội Thánh hay không, thôi. Đức Giáo Hoàng tiên khởi làm việc này là năm 1295, Đức Bônifaxiô VIII đã tuyên dương 4 vị Tiến Sĩ Hội Thánh gốc Tây Phương, sống vào 6 thế kỷ đầu, là: thánh Ambrôxiô, thánh Âu-Tinh, thánh Giêrônimô và Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả.

Đối ứng với các vị này, còn có 4 Tiến Sĩ Hội Thánh thuộc Phương Đông, cũng được tuyên dương cùng thời kỳ, là các thánh: Gioan Kryzốtômmô, Baxin Cả, thánh Grêgôriô thành Nazanziô và thánh Atanaxiô. Dù các ngài được phong thánh rất sớm, từ trước, Đức Piô V cũng chỉ chính thức công nhận các ngài là Tiến Sĩ Hội thánh vào năm 1568, mà thôi.

Cùng năm 1568, Đức Piô V cũng đã tuyên dương vị thánh đồng môn Đa Minh của ngài là thánh Tôma Akinô làm Tiến Sĩ Hội Thánh. Vào năm 1588, Đức Giáo Hoàng Sixtô V thêm vào danh sách các Tiến Sĩ Hội Thánh tên của thánh Bônaventura.

Mãi cho đến thế kỷ thứ 18, con số các Tiễn Sĩ Hội Thánh của Đạo chỉ gồm có 10 vị, thôi. Phải chờ đến thế kỷ thứ 20, con số các thánh này mới gia tăng. Cho đến hôm nay, số các ngài lên đến 33 vị. Và, chỉ có 3 trong số các ngài, là phụ nữ.

Năm 1970, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã chính thức phong cho Têrêxa thành Avila và thánh Catêrina thành Viên làm Tiến Sĩ Hội thánh. Đến năm 1997, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị lại đã thêm vào danh sách các vị Tiến Sĩ Hội Thánh, tên tuổi của thánh Têrêxa hài Đồng, thành Lisieux, nước Pháp.

Vào thế kỷ thứ tư và thứ năm, các Tiến Sĩ Hội Thánh lúc bấy giờ gồm thánh Êphrem, Hilariô, Xirinô thành Giêrusalem, Xirinô thành Alexandria, Đức Lêo Cả và thánh Phêrô Chrysôlôgô. Năm thế kỷ tiếp theo sau, ta có thánh Isiđôrô thành Sêvilla, Chân Phước Biđê và thánh Gioan Đamátxinô.

Từ thế kỷ thứ 11, ta có các thánh Phêrô Đamaniô và Anxem. Ở thế kỷ thứ 12 và 13, ta có các thánh Bernađô thành Clevô, Antôn Pađua, Anbertô Cả, Bônaventura và Tôma Akinô. Thánh Catarina thành Xiêna sống vào thế kỷ thứ 14.

Thời kỳ nhiễu nhương chống cải cách vào thế kỷ thứ 16 và tiền bán thế kỷ thứ 17, đã sản sinh thêm nhiều Tiến Sĩ Hội Thánh rất cao cả, là thánh nữ Têrêxa thành Avila, Gioan Thánh Giá, Phêrô Canixiô, Rôbợt Belamin, Lôrenxô thành Brindixi và PhăngXoa LaSan.

Hai Tiến Sĩ Hội Thánh cuối cùng là thánh AnPhong Ligôri, sống vào thế kỷ thứ 18 và thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu thành Lixiơ ở thế kỷ thứ 19. Trong số 33 vị Tiến Sĩ của Hội Thánh nói trên, có 25 vị thuộc Giáo hội Phương tây và 8 vị thương Hội thánh Đông Phương. Về hội dòng và triều, 14 vị thuộc đấng bậc triều và 16 thuộc dòng tu. Trong số các Tiến Sĩ của hội thánh, có 2 vị là Giáo hoàng, 18 Giám mục , 9 linh mục và 1 phó tế.

Trong số các Tiến Sĩ Hội thánh sống đời tu trì, 5 vị thuộc Dòng Biển Đức, 3 vị thuộc Dòng Kín Camêlô, 3 Đaminh, 3 Phanxicô, 2 vị thuộc Dòng Tên, 1 Dòng Xitô và 1 Dòng Chúa Cứu Thế. (x. John Flader, The Catholic Weekly 20/9/2009, tr. 10)

Về những “nói”, nhiều vị nói rất nhiều chuyện. Nhiều việc. Và, nhiều người. Có người và việc rất nổi tiếng. Gì cũng nhất. Gì cũng hơn hẳn mọi người. Mọi sự. Những vị “hơn hẳn mọi người” ấy, tên tuổi họ đều được ghi vào sách “kỷ lục Guiness”. Sách này được cập nhật hoá, từng năm/tháng. Rất thời thượng. Nhưng, có rất nhiều điều cũng rất ư là “kỷ lục”, mà lại không được ghi vào sách. Những người/những điều được coi là “nhất trên đời”, nhưng không được ghi vào sách, nói ở trên. Nên kể đến, là:

“Thói quen tệ hại nhất,cho đời: Ưu tư

Niềm vui cao quý nhất: Cho đi

Mất mát to lớn nhất: Mất tự trọng

Công việc khiến ta hài lòng nhất: Giúp đỡ

Nét vẻ xấu xí nhất của con người: Lòng vị kỷ

Người/vật có nguy cơ dễ bị tuyệt chủng nhất: Lãnh tụ

Tài nguyên thiên nhiên cao quý nhất: Tuổi trẻ

Liều thuốc bổ ích nhất: Sự khích lệ

Khó khăn lớn nhất cần vượt qua: Nỗi niềm hãi sợ

Thuốc an thần hiệu nghiệm nhất: Sự thanh thản

Căn bệnh khiến ta khập khễnh thất bại nhất: Bào chữa/kiếm cớ

Sức mạnh uy phong nhất trong đời: Tình yêu

Tiểu nhân nguy hiểm nhất: Ngồi lê đôi mách

Vi tính lạ kỳ nhất: Não bộ thần kinh

Thiếu nó, ta sẽ trở nên tồi tệ nhất từ xưa đến nay: Niềm Hy vọng

Vũ khí giết người ghê rợn nhất: Lưỡi mềm uyển chuyển

Cụm từ có tác dụng nhất: “Tôi làm được”

Tài sản lớn nhất: Niềm tin

Tình tự vô dụng nhất: Thương hại chính mình

Nữ trang hấp dẫn nhất: NỤ CƯỜI

Vật sở hữu giá trị nhất: Sự liêm chính

Đường dây trao đổi hiệu nghiệm nhất: Lời nguyện cầu

Đức tính dễ lây lan nhất: Niềm phấn khởi

Xem như thế, “nói về cuộc đời”, là nói về những gì hay nhất, đẹp nhất. Cần nói. Cần kể. Nói về cuộc đời, là nói về những điều như thế. Những thứ, mà truyền thông đại chúng, cũng như báo đài/sách vở, ít khi ghi.

Hỏi và nói, về người đời/đời người, đừng nên hát lời cuối của nghệ sĩ nói trên, ghi bên dưới:

“Đừng bao giờ em hỏi

Vì sao ta yêu nhau

Vì sao môi anh nóng

Vì sao tay anh lạnh

Vì sao thân anh rung

Vì sao chân không vững

Vì sao, và vì sao!” (Anh Bằng/Du Tử Lê – bđd)

Vì thế nên, khi hỏi và nói điều gì đi nữa, đời người vẫn như thế. Trừ phi, người đời biết nghe Lời Thầy Chí Ái, từng nói. Ngài nói rất chí lý. Từ ngàn xưa:

“Phúc cho những kẻ biết thương xót,

vì họ sẽ được xót thương.”

(Mt 5: 7)

Và, hiền nhân/tiến sĩ của Hội thánh, lâu nay là những người từng nói. Từng nghe. Từng làm theo Lời Thầy. Rất đúng.

Trần Ngọc Mười Hai

có bao giờ dám nói,

nhưng chỉ dám hỏi.

Hỏi mình. Hỏi người.

Về đời người. Và người đời.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com