Saturday, 26 February 2011

“Kẻ thù ta đâu có phải là người”

Giết người đi thì ta ở với ai?”

(Phạm Duy – Kẻ Thù Ta)

(1Cr 6: 19 )

Ấy thế mà, các cụ Đạo nhà ta xưa kia vẫn cứ kể ra, những là ba thứ kẻ thù: ma quỷ, thế gian, và xác thịt. Ma và quỷ, dù có là kẻ thù dữ dằn nhất, đâu nào thấy. Còn thế gian, là bạn và tôi, sao là thù! Và hơn thế, nếu xác thịt là những thịt thà cùng xương xẩu của tôi và của bạn, mà là kẻ thù ư? Nếu vậy, tại sao các thánh lại cứ bảo đó là “Đền thờ Chúa Thánh Thần”?

Thôi thì, hôm nay, hỡi tôi và bạn, ta cứ thử đi một vòng phiếm sương sương đôi ba sợi để về với “đền thờ” và cái-gọi-là “kẻ thù thứ ba” xem sao. Và, nay thì mời bạn/mời tôi, ta hãy ngâm nga ba câu hát của nghệ sĩ già từng quả quyết, rất như sau:

Kẻ thù ta tên nó là gian ác

Kẻ thù ta tên nó là vô lương

Tên nó là hận thù

Tên nó là một lũ ma (thế thì).”

(Phạm Duy – bđd)

Nếu thế thì, “kẻ thù ta” trước hết và trên hết, phải là “lũ ma” chứ? Nhưng, ma là gì? Là, thân xác ư? Là “đền thờ Chúa Thánh Thần” chăng? Là gì đi nữa, hãy cứ để đó, hạ hồi sẽ rõ. Nay, bạn và tôi, ta lại hát thêm đôi ba chữ rất “kẻ thù”, như định nghĩa của người nghệ sĩ trên, vẫn từng hát:

“Kẻ thù ta mang áo mầu chủ nghĩa

Kẻ thù ta mang lá bài tự do

Mang cái vỏ thật to

Mang cái rổ danh từ

Mang cái mầm chia rẽ chúng ta (thế thì).”

(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Ba thù hoặc kẻ thù thứ ba, mà khi xưa các cụ cứ cho là thân xác, nó vẫn mang cái vỏ thật to. Lại dựa vào hai chữ “tự do”, nên tha hồ làm. Tha hồ, mà chăm sóc, để rồi biến nó thành thứ gì đó rất ghê gớm. Cũng đáng yêu và đáng sợ, như sự thường.

Về yêu thương những kẻ thù, rất thứ ba, cũng nên kể cho nhau nghe một truyện kể, như sau:

“Truyện rằng:

Tại trại xe điện ngầm Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào buổi sáng tháng giêng lạnh lẽo năm 2007, một người đàn ông đàn liên tục 6 tấu khúc của Bach trên cây đàn vĩ cầm trong 45 phút . Ước chừng hơn 2000 người qua lại trạm xe điện ngầm trong khoảng thời gian đó và hầu hết những người ấy đều trên đường đi làm. Sau ba phút, một người đàn ông trung niên nhận ra là có người đang chơi nhạc. Ông ta chậm bước và ngừng chân trong vài giây rồi lại hối hả theo thời khắc biểu đã định sẵn.

Bốn phút sau, người đàn vĩ cầm nhận được đồng tiền đầu tiên: một phụ nữ vừa đi vừa liệng tiền vô cái nón mà không hề ngừng lại. Phút thứ sáu: một thanh niên trẻ dựa vào tường và lắng nghe tiếng đàn,sau đó liếc nhìn đồng hồ đeo nơi tay và bước đi. Phút thứ mười: một bé trai khoảng 3 tuổi đứng lại nhưng bị mẹ lôi đi vội vã. Cậu bé trì lại và nhìn người chơi đàn lần nữa. Dù bị mẹ kéo đi, cậu bé vẫn luôn ngoái đầu nhìn. Nhiều đứa bé khác cũng quay đầu nhìn như thế và không cha mẹ nào lại không nhanh chóng kéo con mình đi cả. Bốn mươi lăm phút đàn không ngừng, chỉ có 6 người thật sự dừng hẳn lại và lắng nghe trong một lúc. Khoảng 20 người cho tiền mà vẫn tiếp tục bước đi. Người chơi đàn nhận được tất cả là 32 đô la.

Sau một giờ, người đàn ông chấm dứt, thôi đàn và không gian trở nên im vắng. Không ai để ý. Không ai vỗ tay khen và cũng chẳng có ai lưu tâm. Nhưng không một ai biết điều này, người chơi đàn vĩ cầm đó là Joshua Bell, một cầm thủ lẫy lừng trên thế giới. Với cây đàn vĩ cầm trị giá trên 3 triệu rưỡi đô la, Joshua Bell đã đàn lên những tấu khúc tuyệt vời mà không ai có thể viết hay hơn được nữa. Hai ngày trước đây, Joshua Bell đã trình diễn ở Boston, nơi mà giá trung bình là 100 đô la một vé và nhạc viện bán sạch không còn dư một vé nào.

Đây là một câu truyện thật: việc Joshua Bell lặng lẽ chơi đàn tại trạm xe điện ngầm được báo Washington Post sắp xếp để xem cảm xúc con người trong xã hội như thế nào, họ nhận thức và lựa chọn ra sao…Câu hỏi được đặt ra là tại nơi chốn thông thường trong giờ giấc không thuận lợi cho lắm, liệu chúng ta có nhìn ra được tài năng với bối cảnh không ngờ, và liệu chúng ta có nhận thức được cái đẹp và ngưng lại để thưởng thức nó hay không ?

Có thể kết luận về chuyện này như sau: Nếu chúng ta không có thì giờ ngừng lại một chút để lắng nghe người nghệ sĩ lừng danh trên thế giới đàn những tấu khúc mà không ai có thể viết hay hơn được nữa trên một cây đàn có những âm thanh tuyệt vời nhất thì chúng ta sẽ còn mất mát và bỏ qua bao nhiêu thứ tốt đẹp khác nữa trên cõi đời này….

Có thể câu truyện ở trên, chưa nói hết đuợc ý nghĩa thân xác là đền thờ của Thiên Chúa”. Thì đây, đích thị lời thánh Phaolô, vẫn cứ quả quyết:

“Hay anh em lại chẳng biết rằng

thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?

Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em

là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em.”

(1Cr 6: 19)

Tiếp đến là một đề nghị, cũng từ thánh nhân rất Phaolô:

“Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa

nơi thân xác anh em..”

(1Cr 6: 20)

Với thánh nhân, thân xác là đền thờ, chuyện ấy quá rành rành. Với người đời, thân xác còn là cái gì đó để ta quan tâm mà đề cao, với trân trọng. Còn nhớ, lực sĩ người Việt khi xưa nổi tiếng với những bắp thịt cuồn cuộn. Với những “đường cong tuyệt mỹ” là Võ Thành Nhơn, từng khích lệ mọi người hãy chăm lo cho thân xác qua khẩu hiệu “Bắp thịt trước đã”. Tiếp đến, các nhà quảng cáo thương mại, lại đua nhau sáng chế ra thành ngữ nổi cộm như: “Dáng em khoẻ cần hơn cả”, Tấm thân ngọc ngà là chính hồn em”, vv…khiến nhiều người bắt đầu lạc hướng. Sai đường. Thay vì lo cho linh hồn, lại chỉ chú trọng đến những xác và thịt, thôi.

Là con dân nhà Đạo, chắc bạn và tôi, ta cũng nên nói lại cho đúng, rằng: thân xác con người dù quan trọng thật, vì nó giúp ta những ăn cùng thở và suy nghĩ, nhưng vẫn không là tất cả. Và, hiểu theo nghĩa nào đó, thì: nó vẫn chẳng là gì. Đẹp/xấu cũng chỉ một thời, rồi thôi. Quan trọng hơn, nó chỉ là phương tiện để ta có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa. Gặp, những người sống quanh ta. Kinh nghiệm, là những kinh và nghiệm về một hoạt động của thể lực. Kinh và nghiệm, là những “nghiệm” và "kinh” liên kết thể xác với người mình thương. Kinh và nghiệm về đớn đau. Về, sự yếu đuối của chính mình, để rồi từ đó mới biết trân trọng quà tặng, Chúa tặng ban.

Thật tình thì, mỗi người nhìn thân xác theo cung cách khác biệt. Có người nhìn nó như chú chó lông xù rất đáng yêu. Có người lại coi đây như tài sản quý giá đáng trân trọng và chăm sóc. Chăm và sóc, không chỉ bằng các phương tiện của đời phàm. Hoặc, để tối ngày soi gương mặt giếng mà chiêm ngưỡng dung nhan, như thần Narcissus vẫn thường làm.

Thật ra, thì thân xác là chính con người. Những con của người, có cả xác thể lẫn hồn thiêng được Chúa yêu thương hun đúc thành hữu thể sống động, mà sống với Chúa. Có Chúa ở cùng. Xem thế, thì thân xác không phải là kẻ thù, mà là mình. Là, bạn thân của chính mình. Là, bạn của Chúa. Bởi, chính Chúa đã chấp nhận mang thân phận “người” có xác phàm vào với Ngài, gồm cả hồn xác. Về ý tưởng này, nghệ sĩ trên đã minh định:

“Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai

Kẻ thù ta trong mắt thèm lơ láo

Kẻ thù ta trong góc đầu tự kiêu

Trong cõi lòng quạnh hiu

Trong óc hẹp tiêu điều

Trong giấc mộng xâm chiếm nhau.”

(Phạm Duy – bđd)

Xem thế thì, nghĩ đi và nghĩ lại, thân và xác ta đâu là kẻ thù đếm thứ 3. Quan trọng hơn cả, thân xác không chỉ mang “ảnh hình” Thiên Chúa, thôi. Mà, còn được đính kèm cả hồn thiêng nữa. Nói cách khác, thân xác là ta. Là, Chúa ở nơi ta. Bởi, Chúa có thương yêu/tôn trọng ta, Ngài mới ban cho con người của ta một thân xác. Ngõ hầu, xác thân ấy sẽ phản ánh/chiếu soi ảnh hình Ngài. Thân xác ta, không chỉ là đền thờ Chúa thôi, mà còn là “nhà” Chúa. Là nơi để Chúa đến mà trú ngụ. Chúa đến, mà thăm viếng. Thở than. Râm ran, nhiều tình tự.

Bởi, thân xác là ta, nên Kinh Sách vẫn tỏ cho ta biết đường mà kính trọng. Biết đường, mà đánh giá cao. Biết, để mình dùng thân xác mà vui hưởng cuộc đời như vui chơi, ăn uống. Biết tồn trữ nơi mình của ăn thức uống, rất ê hề. Thân xác, là quà tặng ta trao cho nhau, khi hai người trở nên một. Một gia đình. Tình nhân. Qua hôn phối. Để rồi sẽ “tương kính như tân”. Tôn và kính, như tặng phẩm Chúa kiến tạo. Tặng ban. Phân phát.

Một trong những đặc điểm của thân xác vốn là quà tặng Chúa ban, là vẻ đẹp hiếm quý, mỹ miều. Đẹp, cả ở bên ngoài lẫn bên trong. Đẹp bên trong, rồi sẽ tiết ra ngoài. Có vậy mới đáng giá. Có vậy, quà tặng mới mỹ miều. Đó cũng là điều mọi người cần nuôi dưỡng, cảm tạ. Cảm kích để tạ Ơn Trên. Cảm kích và tri ân người khác đã giúp đỡ, sẻ san. Ngõ hầu quà tặng diễm kiều do Chúa gửi đến, sẽ cứ thế đẹp lên mãi.

Nói cách khác, vẻ kiều diễm của thân xác là tặng phẩm Chúa phú ban, không chỉ để ta sung sướng/hưởng thụ cho riêng mình. Mà, vì nó đẹp cả trong lẫn ngoài, nên mỗi người và mọi người cũng nên sẻ san với người khác. San và sẽ, để rồi tất cả sẽ cùng nhau cảm tạ và ghi tạc Ơn Trên đã ban phát những thứ ấy cho ta. Cho người.

Nói theo kiểu nghệ sĩ ngoài đời về kẻ thù ở trong lẫn ngoài người mình, là còn nói và hát rằng:

“Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai

Người người ơi, yêu mến người mãi mãi

Người người ơi, yêu mến người không nguôi

Yêu mến người đầy vơi

Yêu mến người đêm ngày

Yêu mến người, ta nắm tay…”

(Phạm Duy – bđd)

Yêu mến người”, “ta nắm tay”, là những tình tự rất dễ thương. Tình tự để nói và hát về kẻ thù, tựa như người nghệ sĩ vẫn cứ hát như thế. Hát, để rồi sẽ còn yêu kẻ thù mình như người nhà Đạo! Hát những câu trên, thật ra chưa hẳn là đường hướng của tôi và bạn, ở trong đời. Nhưng vẫn cứ là câu hát rất ưu tư khiến bần đạo lại muốn gửi đến bạn bè người thân thêm lời nhắn nhủ, rằng: hãy cứ từ từ mà kiếm tìm một lập trường rất phải lẽ. Không có gì gấp gáp. Chỉ gấp một điều, là: hễ gặp điều gì khiến mình suy tư lo nghĩ ở đâu đó, thì xin bạn/xin tôi hãy cứ mạnh dạn mà hát và nói lên lời người nghệ sĩ già họ Phạm từng nói và hát, rất như sau:

“Kẻ thù ta, đâu có phải là người

Giết người đi, thì ta ở với ai ?

Kẻ thù ta, đâu có phải là người

Giết người đi, thì ta ở với ai ?

Người người ơi, thương xót người nhỏ bé

Người người ơi, thương xót người ngây thơ

Thương xót người bị mua

Thương xót người bị lừa

Thương xót người thương xót ta.”

(Phạm Duy - bđd)

Và, hát thế nghĩa là: chẳng cần biết thân xác, thế gian và ma quỷ có là kẻ thù hay gì gì đi nữa, chẳng cần hiểu kẻ thù ta có đáng gờm hay không, ta cứ xin. Xin được như người nghệ sĩ cứ ngâm nga ba câu hát ở cuối bài mà kết thúc. Kết rồi thúc, để biết rõ chính mình hơn. Kết là kết như thế này:

“Kẻ thù ta, đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây, nằm ngay ở mỗi ai

Kẻ thù ta, tên nó là vu khống

Kẻ thù ta, tên nó là vô minh

Tên nó là lòng tham

Tên nó là tị hiềm

Tên, nó là sự ghét ghen.”

(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Đúng thế. Chỉ ghét ghen mới là kẻ thù truyền kiếp của con người. Suốt mọi thời. Bởi, nó nằm ngay bên trong thân xác của ta. Bởi thế nên, ta mới ngộ nhận về thân xác! Vậy thì, hỡi tôi và hỡi bạn, ta cứ ngợi ca/yêu thương kẻ thù ở nơi thân-xác-là-đền-thờ-Chúa-ngự, để rồi ta sẽ sẻ san mọi ưu tư mà giùm giúp, với quyết tâm. Quyết sẽ thắng. Chứ không thua.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn suy nghĩ nhiều về

“Kẻ thù ta”, và kẻ thù của mọi người.

Để rồi, sẽ hát lai rai hát dài dài vài ba câu bên dưới:

“Kẻ thù ta đâu có phải là người

Giết người đi thì ta ở với ai?

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai!...

Kẻ thù ta…

Monday, 21 February 2011

“Sàigòn bây giờ trời mưa hay nắng?”

Sàigòn bây giờ ai khóc thương ai?

(Lê Uyên Phương – Khi Xa Sài Gòn)

(Ga 12: 7-8)

Mưa hay nắng, có là giọt nhớ/khóc thương ai? Nhớ và khóc, có là khóc tình mình bây giờ. Là, thưong vay khóc mướn. Tình đời ai oán. Như, lời lẽ rất nức nở người nhạc sĩ vẫn kể lể, ở bên dưới:

“Sàigòn giới nghiêm, che kín đêm dài,

Sàigòn khói bay, Sàigòn nắng đổ,

Sàigòn đã buồn như trời sớm mai…”

(Lê Uyên Phương – bđd)

Sàigòn ấy. Tiếng khóc này. Vẫn là tâm tình khóc thương tựa hồ truyện kể, như ở dưới:

“Truyện rằng:

Đấng bậc tâm linh nọ, một hôm mon men đến trước lâu đài vua quan kia, mà chiêm ngắm.Vốn dĩ là bậc thày nổi tiếng khôn ngoan/nhân hậu, đi đâu cũng được mọi người kính nể, nên quan viên canh giữ đền/đài vẫn để mặc thày tiến thẳng đến trước mặt vua quan đang ngự triều ở chốn cao, để đưa ra vài câu mà lĩnh ý. Vua quan thoạt nhìn thấy, bèn quắc mắt, giựt giọng hỏi:

-Khanh kia, chừng như khanh muốn tâu lên trẫm điều gì đấy chăng?

-Thưa bệ hạ, thần đây chẳng có gì để thưa gửi, chỉ xin bệ hạ một chỗ trú chân nơi quán trọ này thôi.

-Ngươi bảo sao? Đây, mà là quán trọ ư? Ngươi có biết: đây là lâu đài quyền quý của ta không?

-Thưa bệ hạ, nơi này trước giờ vẫn là nơi nghỉ chân của mọi người dù giàu sang, cợ cực hay sung túc, vẫn đến đây để dừng chân dưỡng sức. Nhưng, ngài thấy đẹp nên mới sai ba quân chiếm nó rồi biến thành của riêng. Nay, nhân danh những con người tuy thấp cổ bé họng nhưng là chủ nhân ông khi trước, thần đây yêu cầu bệ hạ hãy trao trả tài sản này lại, để không chỉ một mình thần mà mọi người dân đen nghèo hèn đều được hưởng…

Truyện kể tưởng chừng như hư cấu, nhưng vẫn là sự thật, còn lập lại ở nhiều nơi. Truyện đưa ra những mẩu đối đáp/đấu đá rất khó lòng. Và cuối cùng, phần thắng vẫn về tay kẻ mạnh. Tài sản ấy, lâu đài nọ vẫn thuộc về kẻ có của lại đủ quyền để duy trì. Mọi dân đen nghèo hèn có kiện thưa, cũng chỉ như “con kiến mà kiện củ khoai”, làm sao thốt nên lời.

Nhưng, hôm nay, vẫn có chuyện thưa cùng thốt của người nhà Đạo, rất đáng trọng. Thưa, là thưa gửi với cha. Thốt, là thốt lên lời thỉnh nguyện xuất từ một giáo dân hạng thứ, như sau:

“Thưa cha,

Con có một người bạn khá thân, chị vẫn hằng tâm sự với con khá đủ điều, từ dân gian chuyện Đạo cho chí chuyện đời, không thiếu điều gì. Vừa qua, chị bảo với con, là: chị thấy xấu hổ và bực tức khi thấy nhiều cao ốc và di sản có giá trị rải rác khắp thế giới vẫn tập trung tại Bảo tảng viện và nhà thờ của Công giáo. Chị còn nói: Nếu Giáo hội mình đích thực là Hội thánh nghèo và là Giáo hội của người nghèo, thì hãy lập tức bán ngay các thứ ấy đi lấy tiền mà giúp đỡ những ai còn đang túng bấn, rất cần tiền. Cha nghĩ sao về lập trường này?” (Một người hỏi không buồn ký tên).

Đụng vào đề tài “Giáo hội nghèo”, hay còn gọi là Hội thánh của người nghèo cũng tựa như đụng phải bức tường thành kiên cố khá vững chắc. Khó lòng mà hy vọng có đổi thay. Trong lúc này. Chẳng thế mà, đức ngài thuộc “trường phái” Opus Dei, là vị “anh lờ em mờ” (Lm) John Flader ở Sydney đã có ngay một “lời đáp” khá quen quen, để giải trừ mọi thắc mắc cũng như cật vấn như sau:

“Như chị biết đó, chuyện mà người bạn của chị đề cập ở trên, tôi nghĩ đó là chuyện dài lịch sử, vẫn nổi lên các ý kiến phản chứng như thế. Ngay khi Maria, người chị của Mác-Ta và La-da-rô lấy dầu thơm đắt giá rưới vào chân Chúa, lập tức Giu-Đa Is-ca-riốt thấy ngứa mắt, đã buông ngay câu nói đi vào lịch sử, rằng: Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?"?” (Ga 12: 5).

Ở đây, ta nên nhớ: một đề-na-ri lúc ấy tương đương với một ngày lương của dân lao động bình thường. Xem thế thì, lọ dầu thơm mà Maria rưới vào chân Chúa tương đương cả một năm lao động, tức món đồ rất đắt giá, dưới cái nhìn của một nhà kinh doanh, hạch toán như Giu-đa.

Ghi lại Tin Mừng cho người về sau đọc, thánh Gioan đã có lời bình để nói thêm, rằng: thật ra, Giu-đa Is-ca-riốt cũng chẳng quan tâm đến cảnh tình của người nghèo gì hết. Và, thánh nhân viết: “Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.” (Ga 12: 6)

Và theo hình thái nào đó, chính Đức Giêsu đã trả lời cho vấn nạn của bạn chị, ngay ở Tin Mừng: “Đức Giêsu phán: ‘Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu." (Ga 12: 7-8)

Trên đời này, nếu có người biết quan tâm đến người nghèo hơn ai hết, thì người ấy ắt là Đức Giêsu. Theo nghĩa rất đúng, Ngài là người nghèo đích thực lại xuất thân từ một gia đình nghèo, và chính Ngài cũng hạ sinh trong chuồng bò. Rồi còn, chịu đói chịu khát, rất nhiều năm. Thậm chí, không có chốn để tựa đầu, nữa.

Quả thật, với hơn 300 tiền đê-na-ri, người thời bấy giờ có thể làm được nhiều việc hơn để giúp đỡ người nghèo. Hoặc, cả việc giúp đỡ môn đồ của Ngài độ nhật vào lúc ấy. Nhưng, Chúa vẫn không phản đối Maria đã phung phí của Trời, mà rửa lau chân Ngài bằng thứ dầu thơm thượng hảo hạng như thế. Ngài còn nói: Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu."." (Ga 12: 8)

Thành thử, trước nhất, những gì gắn liền với việc phụng thờ Chúa, ta vẫn nên rộng lượng như Maria. Quả thật thế, Hội thánh lâu nay vẫn làm như vậy, suốt mọi thời. Thế nên, khi thấy các ngôi thánh đường và đền đài của Hội thánh trên thế giới, tựa như Đền thánh Phêrô chẳng hạn, ta đều thấy là Hội thánh không hề hà tiện khi phải rút hầu bao chi tiêu xây cất công thự này khác để biến chúng thành “Nhà của Chúa”.

Tinh thần này luôn gắn liền với thánh sử ở Cựu Ước khi vua Đavít chỉ thị cho con trai mình là Salômôn hãy bỏ công xây cất Đền Giêrusalem để Chúa ngự. Dĩ nhiên, Đền thánh vua Salômôn xây, cũng gồm vật liệu tinh tế, khá đắt tiền. (x. 1Ký sự 22: 6-16; 1V 6: 8). Giả như Đền Thờ Chúa ngự được dùng vào việc phụng thờ Đức Chúa lại gồm các vật dụng đắt tiền, thì cũng nên xây những nơi những chốn trang trọng đắt giá để Chúa ngự cho xứng đáng.

Từ nhận định ấy, ta có thể nhìn vào các vật dụng gồm những lụa là/châu báu hầu trang hoàng Nhà Tạm hoặc để cử hành Tiệc Thánh Thể cho uy nghi xứng hợp, thì cũng nên biết rằng: Hội thánh lâu nay luôn rộng lượng. Theo quan niệm này, thì từ Nhà Tạm, cho chí Chén thánh, Hào Quang, đều được làm bằng những thứ đắt tiền như vàng, bạc mà không tiếc. Nói cho cùng, chẳng vật dụng nào hoặc tài nghệ khéo tay nào khả dĩ giúp ta vinh danh Đấng Chúa Tể càn khôn cho đủ. Cho xứng đáng.

Thánh Gioan Vianney, chánh xứ thành Ars, là đấng bậc chẳng bao giờ chịu tốn tiền để tu bổ thân xác phàm trần của mình, nhưng thánh nhân lại sử dụng những nào lụa là/nhung gấm hoặc những thứ đắt tiền để việc cử hành Thánh lễ cho xứng đáng.

Thật ra, thì tất cả chỉ là vấn đề mình chuyện có thương yêu thực sự hay không mà thôi. Tựa hồ như các người trẻ chẳng hạn, một khi họ bị đánh động bởi tình yêu rồi, họ sẽ chẳng kể gì đến chuyện bỏ tiền bạc/của cải và công sức ra cho người mình yêu, như mua sắm vàng bạc/đá quý cho hôn thê hoặc người tình mình. Hội thánh cũng thế, Hội thánh không ngại tỏ ra rộng lượng đối với “Người Tình của Mọi Tình Yêu” ở trần thế, là như thế.

Hơn nữa, cũng nên nhìn mọi châu báu quý giá của Toà Thánh và/hoặc coi các Thánh đường trên thế giới như di sản kế thừa của chung hết mọi người. Cho toàn thể con cái Chúa, kể cả những người nghèo đói túng thiếu nữa. Di sản kế thừa của Toà thánh không là tài sản tư riêng của một Giáo Hoàng hoặc phẩm trật Giáo hội nào như Hồng Y, Giám mục, dù các đấng là chủ quản Giáo phận ở trên cao, như Giáo phận La Mã, đi nữa.

Thật tình mà nói, mọi tài sản của Hội thánh, phần lớn là tặng vật do dân chúng dâng cúng lên Hội thánh, trong đó cũng có phần của người nghèo nữa. Đây là chuyện bình thường. Rất thường xảy đến cả vào thời hôm nay, mỗi khi giáo xứ hoặc giáo phận cần trùng tu/xây cất thánh đường này khác, mọi giáo dân giàu/nghèo đều cộng tác đóng góp như thế hế. Và khi công việc trùng tu/xây cất hoàn tất, thì không chỉ mỗi đấng chủ quản là Giám mục hay linh mục mới là người có công hoặc tự hào về thành quả ấy, mà là tất cả mọi người. Bởi, mọi người đều đã đóng góp tiền bạc, công sức hoặc tham gia bằng lời cầu. Tất cả đã gom góp những gì mình có, ngõ hầu làm sáng danh Chúa, để phụng thờ Chúa, mà thôi.

Hơn nữa, đây chính là nguồn vui cho dân con Chúa, kể cả những người nghèo, mỗi khi họ đặt chân đến viếng thăm toà thánh La Mã. Cả bảo tàng viện Vatican, cũng như các thánh đường, nguyện đường hoặc đền đài lớn nhỏ trên khắp thế giới. Đến, để thấy tận mắt những gì chính mình và con cháu mình đã đóng góp vào việc làm sáng danh/phụng thờ Chúa.

Đàng khác, phần lớn các tài sản và di tích lịch sử của Hội thánh vẫn nằm trong “kho báu” ấy, dù các đấng chủ quản quyết định bán đi cho tổ chức hoặc người nào khác, các di sản ấy vẫn không mất đi phần quan trọng của mọi người chúng ta, là những người thân của Giáo hội. Là chính Giáo hội.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 28/11/2010 tr. 12)

Thế đấy, là giải đáp của đấng bậc vị vọng, rất bài bản. Thế nhưng, bảo rằng: “Hội thánh đã và đang là thánh hội nghèo, của người nghèo”, ta nên hiểu đó là khẳng định chắc nịch, không cần bàn cãi gì cho nhiêu khê. Lễ mễ. Rất mất giờ. Chuyện nên bàn và cần nhắc ở đây, là chuyện: phải quan niệm Hội thánh, không chỉ và không như thánh hội của các đấng bậc cầm cân nảy mực, một thể chế rất giáo triều. Nhưng, chính là tôi/là bạn, là các thành viên Nước Trời, ở trần gian.

Thành thử, câu hỏi ở trên có thể và nên là câu hỏi mình/hỏi người, rằng: với tư cách là thành viên, là Hội thánh bằng xương bằng thịt, tôi và bạn, ta có sống nghèo hoặc sống giống như người nghèo, theo lời Chúa khuyên không?

Vậy thì, hỡ bạn và hỡi tôi, ta cứ tự hỏi xem mình có sống rủng rỉnh đến độ vẫn giàu và có, đủ mọi thứ? Đủ, từ vật dụng, tài sản cho đến tiền bạc, chỉ trừ mỗi một thứ cần có hơn cả, là: “tình thương” không? Và, của cải này, tiền bạc kia, có là “của“ tôi, mà thôi không? Nếu không thế, thì: của cải ấy là “của” ai? Của chùa hay của Chúa?

Để đầu óc bạn và tôi không quá bận về những thắc mắc nêu trên, cũng nên kể ở đây đôi ba giòng truyện kể để tôi và bạn được thư giãn, như câu truyện nhè nhẹ ở bên dưới:

“Truyện rằng:

Vị Phật tử nọ, sau một tai nạn xe cộ khá nặng khiến thân thể anh bị dập nát, cũng mất mát nhiều. Duy có đôi chân của anh là được ghép bằng cái chân mới, của người khác. Tức, lấy từ di hài một người chết đã hiến tặng cho người còn sống, vẫn rất cần.

Không bị tàn tật, anh cũng mừng. Nhưng đêm đêm nhìn cái chân của người khác ghép vào người mình, anh không khỏi rùng mình và luôn nghĩ đến người đã tặng hiện giờ đang nằm dưới mộ phần xa vắng.

Một hôm, chịu không nổi nỗi day dứt ấy, anh bèn chạy lên chùa thăm sư phụ mình là một thiền sư để vấn kế và cũng để kể lại những ưu tư trăn trở của mình, cho bớt sầu. Vị hoà thượng nghe kể xong, bèn nhìn anh một hồi lâu, rồi mỉm cười và nói:

-Con sợ cái chân đó vì cho rằng nó không phải là của con ư? Nhưng con hãy tự hỏi, cái-chân-xưa-giờ-theo-con-từ-bé có đúng là của con không?

Từ lúc nghe sư phụ mình hỏi, người phật tử đã ngủ ngon hơn, không còn vương vấn nỗi sợ về những “của nợ” vẫn cứ dính theo mình, từ hồi bé.

Và, từ lúc biết được như thế, anh đem câu chuyện này kể hết cho bạn bè mình nghe, ngõ hầu mọi người cảm thông và hiểu được những gì là “của cải”, dù là của ai, nhà Đạo hay nhà Phật, vẫn thấy vui..

Và, người kể lại thêm một lời kết, rằng: kể từ đó, mình hiểu rõ chữ CỦA trong cụm từ “của cải”, với bạc tiền của mình. Và, của người. Dù, “mình” đó/người đó, có là Giáo Hội Phật giáo hay Hội thánh Công giáo, Chính thống, với Tin Lành. Và, cũng từ đó, mỗi người nghiệm ra điều này: ở đời này, dù chỉ một chữ thôi cũng đã là một trời, để ta suy tư. Huống chi là “của cải” châu báu “của” Nước Trời, là Hội rất thánh “của” Đức Chúa.

Lời cuối “của” tôi và “của” bạn, những người đang ngồi phiếm hôm nay, lại sẽ là thắc mắc/hỏi han “của” người nghệ sĩ trích dẫn ở trên, như sau:

“Sàigòn bây giờ trời mưa hay nắng

Sàigòn bây giờ cúi mặt xa nhau

Sàigòn bước ai gõ xuống đêm sầu

Sàigòn bóng nghiêng, Sài-gòn đứng đợi

Sàigòn bây giờ cúi mặt xa nhau.”

(Lê Uyên Phương – bđd)

Hỏi rằng “Sàigòn bây giờ, trời mưa hay nắng”, hoặc cũng hỏi: “Hội thánh ngày nay, vẫn nghèo như trước” có hay không? đó vẫn là những câu để hỏi, chỉ cho có. Có, người hỏi. Có, người trả lời, là vui rồi.

Bởi thế nên, nếu có bạn và tôi, ta hỏi ít nhiều gì, thì cũng chỉ nên hỏi, rằng: Sàigòn/Hội thánh, có còn tình người nữa chăng? Có còn nhiều người vẫn yêu nhau da diết nữa hay không? mà thôi. Và hôm nay, hỏi tức đã trả lời phần nào rồi. Trả (những) lời “của” bạn và “của” tôi, rất ý nghĩa. Rất phấn khởi. Dù lời trả ấy, chẳng là “của” tôi, hay “của” bạn, một chút nào.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn sống mà không hỏi

dù chỉ hỏi: Sàigòn/Hội thánh có giàu/nghèo-mưa/nắng,

như trước chăng?

Saturday, 12 February 2011

“Không! Không! Đến với tôi, nữa làm gì."

Không! Không! Đến với tôi nữa làm gì.

Thôi! Thôi! Tôi van xin. Tôi van xin, đừng đến nữa tình yêu ơi.”

(Nguyễn Ánh 9 – Không 2)

(1Pe 4: 8-9)

Ô hay! Nói tiếng “Không”, mà sao người nghệ sĩ lại gọi là “Không 2”? “Không 2”, phải chăng là 2 “Không”. Là 2 lần không, tức: có? Là, có/không - không/có, những hai lần”? Hoặc, “Không 2”, còn mang tính cách của hàm số “không”, rất bình phương?”.Tức, “không” nhân cho “không”, vẫn thành “không” Vẫn là số “Không!” to đùng, vẫn “sắc sắc không không”, rất hư vô. Tức “Không có gì”. Gì gì đi nữa cũng vẫn không. Không đi/không lại, mãi vẫn hoàn không. Nói gì cũng không hiểu. Kể gì cũng không hay. Nếu thế thì, cả người nói lẫn người nghe sẽ nổi cơn khùng điên mất. Khùng và điên, như chuyện điên khùng rất tếu, ở bên dưới:

“Truyện rằng:

Có người bệnh vừa bước vào phòng mạch của bác sĩ nọ, chưa thấy mặt ông, đã thấy giọng nói, rất sang sảng:

-Này, anh bị sao mà vào đây?

-Tôi điên mất rồi bác sĩ ơi. Tôi không còn biết tôi là ai nữa, thế có chết không!

-Cứ từ từ mà nói. Thế nghĩa là thế nào? Anh kể rõ hơn được không?

-Vâng, thưa bác sĩ. Vợ tôi trước khi lấy tôi, bà ấy đã có đứa con gái riêng ở Việt Nam. Bây giờ cô bé ấy đã là thiếu nữ trưởng thành. Mới đây, Bố của tôi về bên nhà cưới cô này, về làm vợ.

-Đó là chuyện thường tình, tôi thấy có vấn đề gì đâu.

-Nhưng thưa bác sĩ, kẹt một nỗi, là: vợ tôi đã trở thành mẹ vợ của Bố tôi.

-Bắt buộc là thế, có sao đâu! Ngôi thứ xã hội mình mà…

-Nhưng, khổ một nỗi, là: mới đây cô con gái của vợ tôi lại sinh hạ một cháu trai. Thằng đó, tôi phải xem là em cùng cha khác mẹ với tôi…

-Coi nào. Ừ đúng. Không thể gọi khác hơn!

-Đằng này, cùng lúc, tôi và vợ tôi đều là ông/bà ngoại của nó!

-Ừ đúng. Quả không sai!

-Vấn đề là: mới đây vợ tôi sinh được một đứa con trai. Vậy thì, con gái riêng của vợ tôi là con ghẻ của tôi, tức mẹ kế của tôi, đồng thời lại là chị của đứa con tôi, lại vừa là bà nội của thằng bé. Nói cách khác, con tôi là em tôi và cũng là cậu của tôi vì là em của mẹ kế tôi.

-Ơ! Ờ… thì đúng rồi. Phải gọi thế, chứ gọi thế nào nữa.

-Như vậy, thì vợ tôi trở thành con dâu của mẹ kế tôi, tức là con gái của vợ tôi trở thành Dì ghẻ của mẹ nó. Còn đứa con của tôi lại là Cháu tôi, và là Ông nội của tôi, và cũng là Anh của vợ tôi. Vậy bác sĩ thử xem tôi là ai? Tôi điên thật rồi, bác sĩ ơi!

-Thôi anh đừng kể nữa, tôi cũng đang điên rồi đây…”

Điên khùng hay không, chừng như thế gian người người xưa nay, rày vẫn thế. Bác sĩ, bệnh nhân, người kể, người nghe đều biết rồi ra mình cũng sẽ điên khùng/khùng điên theo cung cách nào đó, rất liên miên. Bởi, tiết mà điên, thì làm sao kể được chuyện vợ chồng/con cái, với hôn nhân. Bởi, nhân gian những chuyện rất hôn và nhân, không chỉ vợ chồng/chồng vợ ở đời trần, rất phàm tục. Vốn tục phàm, nên có người bảo: Ở với nhau, người đời chỉ cần yêu, chứ đâu cần hôn nhân, những cưới hỏi!

Cưới và hỏi, chuyện nhân duyên có là chuyện nhà Đạo hôm nay ở xứ mình nữa chăng? Bần đạo ngồi phiếm, nay nghe hỏi cũng chả dám trả lời. Chỉ xin hát thêm câu ca mà người nghệ sĩ, vẫn cứ hát:

“Người ơi, cho tôi chi lời ân ái.

Người ơi, cho tôi chi phút mê say!

Để, giờ đây ai cho tôi lời cay đắng.

Để, giờ đây ai cho tôi lắm phũ phàng.”

(Nguyễn Ánh 9 – bđd)

“Lời ân ái”, “phút mê say”, với người Mỹ có học lực bậc trung bình, thì vấn đề hôn nhân đang ở tình trạng khá lúng túng, khác xưa. Lúng túng, còn là trạng huống của lớp người có nền giáo dục bậc trung, nay không muốn dính dấp đến chuyện hôn nhân/hôn thú, nhưng vẫn muốn có con. Với những người này chuyện ly thân/ly dị cũng đã tăng dần. Trong khi đó, hạnh phúc lứa đôi nơi họ cũng đang trên đà giảm sút. Thậm chí có nhiều vị, vì lý do này khác nay cũng bớt đi nhà thờ/nhà thánh. Bớt cả chuyện hỏi cưới, hôn nhân, với gia đình. Chỉ thích sống thoải mái không phiền hà một ai. Bản thân, lại không muốn bị ràng buộc bởi lề luật. Luân lý. Và, đạo đức.

Phải chăng, vì cũng mang cùng một tâm trạng như thế, nên người nghệ sĩ mới hát tiếp:

“Tình yêu cho tôi chi nhiều ngây ngất,

Tình yêu cho tôi chi lắm men say.

Để tình yêu đem thương đau và nước mắt,

Để tình yêu đem cho tôi lắm chua cay.”

(Nguyễn Ánh 9 – bđd)

Vâng. “Ngây ngất”. Với “men say tình yêu” thôi, mà còn như thế. Chứ, nếu đó lại là hôn nhân hay nhân hôn ngày cưới, thì chắc vấn đề còn gai góc hơn nữa?

Mới đây, theo báo cáo của cơ quan nghiên cứu Dự Án Hôn Nhân và Giá trị Gia đình ở Mỹ, có cho thấy các người Mỹ thuộc giới trung lưu, nay muốn lui không còn sốt sắng tiến tới hôn nhân như trước nữa. Con số đám người này, nay đang lên. Báo cáo cho biết: với người Mỹ trung lưu, vấn đề hôn nhân nay có dấu hiệu sút giảm, rất đáng kể. Trong khi đó, với người giàu có/sung túc, thì chuyện này nay xem ra ổn định và vững mạnh hơn.

Với lớp nghèo thành thị, thì chuyện hôn nhân gia đình ngày càng trở nên mỏng dòn, rất yếu kém.

Theo khuynh hướng, mà người Mỹ thuộc giới trung lưu đeo đuổi, thì: số người không lập gia đình nhưng vẫn muốn sinh con, kết cuộc bằng ly thân/ly dị, đang có chiều hướng gia tăng. Ngay, nhu cầu hạnh phúc có được từ hôn nhân gia đình, cũng đang ở tình trạng sút giảm. Báo cáo cho biết: số người này so với tất cả mọi người sống trên đất Mỹ, nay lên đến 58%.

Báo cáo phát hiện ra, rằng: hôn nhân, nay đã trở thành đường ranh ngăn cách các người có nền học vấn trung bình và các vị tốt nghiệp cao đẳng 4 năm. Nói rõ hơn, trong mấy năm gần đây, lớp người có trình độ học vấn cao, thường có khuynh hướng muốn chuyện hôn nhân của mình thật ổn định và có chất lượng cao. Con số những người này, nay lên đến 30% so với số dân toàn quốc.

Đến thập niên 70 thôi, 69% số người có học vấn trung bình và cao cho thấy: họ rất hài lòng về cuộc sống hôn nhân của họ. Trong khi đó, 59% số người có học lực thấp, cho thấy họ cũng hài lòng, nhưng hơi kém.

Đến năm 2000, 69% số người có học vấn cao lập gia đình, cho biết: đời sống hôn nhân gia đình của họ thành công, cũng không kém. Trong khi đó, tỷ lệ người có học vấn trung bình bằng lòng chuyện hôn nhân, nay suy giảm còn 57%. Và, chỉ còn 52% số người có học vấn không khá, nói là họ tạm hài lòng với cuộc sống hôn nhân gia đình, thôi.

Về với tinh thần của Tin Mừng, thì thế nào?

Với các thánh tông đồ, ta vẫn nghe rằng:

“Anh em hãy hết tình yêu thương nhau,

vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi.

Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca.”

(1Pe 4: 8-9)

Với nhà Đạo, dù ở thứ bậc hoặc giai cấp nào trong xã hội, thì cứ “hết tình yêu thương nhau”, vẫn là chuyện chính. Bởi, có yêu thương nhau mới kết thân, gần gũi mà ở với nhau đến bạc đầu. Với người đời, thời hôm nay, vẫn còn những thống kê và con số khiến choáng ngợp về ly thân/ly dị như ở Hoa Kỳ.

Báo cáo cho biết: từ thập niên ’70 đến ’90, chuyện ly thân/ly dị sau 10 năm đầu chung sống xem ra ít xảy đến với lớp người có học vấn cao. Nghĩa là, cũng từ 15% xuống còn 11%. trong khi đó, với lớp người có giáo dục trung bình, thì từ 36% lên 37%, và lớp người học thức thấp hơn, con số đã từ 46% xuống còn 36%.

Ngày nay, chuyện ly thân/ly dị đối với tầng lớp những người có nền giáo dục bình thường bậc trung đã đẩy lùi giấc mộng của người Mỹ đi khá xa. Xa đến độ, họ khó mà bắt kịp. Điều này, làm cho cuộc sống của các bà mẹ càng khó khăn thêm. Và, cũng lại làm cho các người cha càng rời xa gia đình. Tệ hại hơn, nó còn khiến con cái, các trẻ bé có động thái rời bỏ trường lớp, để rồi kết cục cuộc đời trong ngõ hẻm tăm tối, của những phá luật. Của, tệ hại vệ luâbn lý đạo đức, như: có bầu không hôn phối, vv…

Tệ hơn nữa, chuyện hạnh phúc hôn nhân với gia đình, lại trở thành chốn tư riêng dành cho những người được chúc phúc bằng sự giàu có, sung túc. Làm trầm trọng thêm những rẽ chia, ngăn cách về văn hoá, xã hội. Tệ hơn cả, lại là mối đe doạ đem đến với nền dân chủ, khiến các lãnh tụ ngoài đời hay trong xã hội phải lo âu.

Lo âu hơn cả, vẫn là mối quan ngại hàng đầu của các nhà mô phạm và giáo dục. Chí ít, là những vị có trọng trách dựng xây Nước Trời hài hoà, ở trần thế. Nhiều vị ở các nơi cũng đã đưa ra nhữngnhận định đầy quan ngại, như sau:

“Thật rất buồn khi thấy xã hội ở phương Tây không còn trân trọng thể chế hôn nhân, cho đúng cách nữa. Là người sống ở Phi Châu, bọn tôi vẫn vui hưởng sự ổn định, dù tương đối, với hôn nhân. Riêng tôi vẫn sợ rằng sự ổn định ấy sẽ mòn dần nếu như phong trào phụ nữ vẫn cứ tính chuyện hôn nhân theo cung cách tư riêng của họ; nghĩa là vẫn ký hợp đồng chung sống đến khi nào cuộc đời dịu êm cứ mòn dần, không còn êm ả như trước. Có nhóm phụ nữ lại dám áp dụng kiểu “đồng tính luyến ái” là những gì còn xa lạ với xã hội của chúng tôi.

Bản thân tôi vẫn mong rằng mọi người thấy được lợi ích của hôn nhân gia đình. Và tôi có đề nghị, là: ta cũng nên thiết lập làm một khảo sát nghiên cứu về quá trình lý lịch của những người phò chủ thuyết duy –phụ nữ. Những người cổ võ ly dị hoặc đồng tính luyến ái, để xem điều gì đã khích động họ đến độ họ có những suy nghĩ dại dột như thế. nghĩa là, giúp mọi người chúng tôi phấn đấu tranh thủ bảo vệ gia đình, của riêng mình.” (ý kiến của người ký tên Dorcy, xem thêm When Marriage disappears W. B. Wilcox & Elizabeth Marquardt, Mercator Net 7/12/2010)

Ý kiến của người Tây, hay Phi Châu thì như thế. Ý kiến của người mình, cũng chẳng kém là bao, về mặt lý luận và đạo đức của hôn nhân. Ý kiến của người ngoài đời, ở xứ mình, lại thêm thắt đôi chút tiếu lâm, khá dí dỏm. Như bức thu từ hôn của ông/bạn khá tếu, ở bên dưới:

“Vợ cũ yêu dấu của anh,

Thư này gửi đến với em, để báo cho em rõ là: anh sẽ rời xa em vĩnh viễn. Anh đã là chồng tốt của em mấy năm qua; và, nay anh không còn nuối tiếc gì nữa, hết.

Hai tuần qua, anh đã sống như trong hoả ngục, quá chán chường! Lại thêm ông xếp của em vừa gọi báo cho anh biết là em sẽ thôi việc ngay tức khắc, không luyến tiếc.

Độ rày anh thấy em không còn niềm nở với anh từ khi em gái em là Phương Dung dọn về ở với chúng ta. Tuần vừa qua, anh đã đi hớt tóc kiểu em thích mà em chả quan tâm đến. Anh mặc cái quần thể thao hàng ngoại giá đến 50 đô, em cũng chẳng thèm khen. Anh đã cố gắng nấu những món ăn em thích như bún bò Huế, mà em cũng chẳng màng!

Đi làm về, em q8n qua loa dăm ba phút rồi chạy tuốt vào phòng nằm xem Paris By Night, rồi ngủ đến sáng, chẳng màng nhắc chuyện …vợ chồng. Chắc em không còn yêu anh nữa, hoặc đã có tình ý gì với ai?! Nhưng thôi, đủ rồi. Dù sao đi nữa, thì anh cũng dứt khoát ra đi với Phương Dung, chỉ thế thôi…

Chồng cũ của em,

Tái bút: Anh và Phương Dung sẽ đi xây tổ ấm mới nơi xứ Đảo Thần Tiên nào đó như Hạ Uy Di là điểm anh đã chọn. Đừng tìm anh vô ích. Cứ email về:

Vừa đặt chân vào phòng khách sạn ở Hawai, anh chồng lấy cái laptop mở ngay ra xem email. Quả có ngay thư phúc đáp của vợ cũ, rằng:

Đức lang quân cũ yêu quí của em ơi,

Không gì lay chuyển tâm tư em khi đọc thư từ hôn của anh. Đúng thật anh là người chồng tốt sau bao năm chung sống. Em khóc trong sung sướng đây. Đi làm về, em xem DVD để nguôi ngoai tâm hồn, nhưng nào được đâu. Có chứ, em có để ý đến mái tóc của anh, sao mà nó giống kiểu tóc “gái gọi” ngày xưa quá! Ngày xưa, mẹ em thường bảo: đừng để ý tỉ mỉ đến ai, mà làm gì. Em cũng thấy anh mặc chiếc quần thể thao hàng ngoại đấy chứ, nhất là kể từ khi con Phương Dung nó vay em 50 đô trước đó (chắc là nó mua tặng anh?) Anh lại nấu bún bò Huế là cái món mà con Phương Dung thích và quên rằng Bác sĩ đã khuyên em kiêng ăn thịt heo từ hơn năm qua rồi!

Am trầm tĩnh cố quên đi mọi sự, vì em vẫn còn yêu anh tha thiết. Em tin rằng, rồi thì mọi việc cũng sẽ êm xuôi, nên em mua vé số cầu may. Sáng nay, em dò số và đã trúng độc đắc gần 10 triệu đô. Em đã đặt mua 2 vé máy bay đi Hawai, sắp xếp làm passport cho hai vợ chồng mình để xuất cảnh, sống thoải mái hơn. Em đã vào gặp Ông Chủ Sở xin thôi việc ngay hôm nay. Về đến nhà, nhận được thư anh, thì được biết anh đã cao bay xa chạy mất rồi… Em liền tìm ngay một luật sư danh tiếng để nhờ giúp, thì ông ấy bảo: với một bức thư từ hôn thế này, anh sẽ không được thừa hưởng của em một xu teng nào hết. Hãy ráng mà lo thân nhé anh. Bảo trọng, nghe anh.

Ký tên: Vợ cũ của hn

Vừa giàu sang lại được tự do…

Tái bút: À, có một chuyện mà từ ngày con Phương Dung về ở với chúng ta, em quên chưa kịp nói cho anh biết. Mẹ em sinh nó ra là một đứa bé trai mũm mĩm dễ thương, đặt tên cho nó là Hùng Dũng. Lớn lên, nó rất đẹp trai. Nhưng, sau khi đi Thái Lan nó đổi giống, đổi cả tên là Phương Dung, rồi dọn về ở với chúng ta đó. Mong rằng sẽ không có vấn đề gì xảy đến với anh, sau này.

Thân chào.

Lạc quan hay bi quan về lập trường đạo đức hôn nhân. Chủ quan hay khách quan, khi chọn bạn để sống đời, vẫn là chọn lựa của mỗi người. Mỗi gia đình. Chọn, lời êm ả hay đanh thép, là quyền của mổi người và mọi người. Nhân quyền hay dân quyền, đều là việc đáng để ta trân trọng, như việc lựa chọn biết nghe theo lời khuyên của thánh nhân khi xưa, vẫn nhủ rằng:

“Ơn riêng Thiên Chúa ban,

mỗi người trong anh em phải dùng nó mà phục vụ kẻ khác.

Như vậy, anh em mới là những người

khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.”

(1 Pe 4: 10)

Nếu bảo: tất cả là ân huệ Chúa ban, thì hỡi bạn/hỡi tôi, ta hãy cố mà sống và thực hiện những điều các thánh đã nhủ khuyên, qua kinh nghiệm. Có thế, thì bạn và tôi, ta sẽ hân hoan vui hưởng cuộc đời vẫn rất đẹp. Ở thế trần.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn nhắn bạn và nhắn tôi,

những điều, tựa như thế.