Monday 28 August 2017

“Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi"



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 22 thường niên năm A 03/9/2017

“Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi"
Những con đường thèm đôi chân vui,
đã bao lâu chờ đợi.”
(Trầm Tử Thiêng – Đêm Nhớ Về Sài Gòn)

(Thư Êphêsô 4: 26-27)

Nhớ về Sàigòn”, vào ban đêm ư? Nhớ thì nhớ, sao lại cứ hát “thấy phố phương buồn xưa chưa nguôi”? Đường nào mà lại “thèm đôi chân vui”? À thì ra, tất cả cũng chỉ là thi-ca với âm-nhạc! Vui hay buồn, thèm một đôi chân, cũng là thèm niềm vui lui tới, rất ngóng tin như sau:
  
“Đường im nghe quá khứ trong sầu.
Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau.
Tình lẻ loi canh thâu.
Đêm nhớ về Sài Gòn.
Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa.
Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa.
Ai sầu trong quán úa.
Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song.
Mắt người tình một trời mênh mông.
Gợi bao nhiêu cho cùng ..

Yêu em một khối tình quê
Yêu em từng bước tình si
Đêm đêm mộng thấy đường đi đường về
Ta như cậu bé mồ côi
Cố vui cuộc sống nhỏ nhoi
Cố quên ngày tháng lẻ loi để lớn.”
(Anh Bằng – bđd)

Ôi thôi thì, “tình quê” hay “tình si”, cũng chỉ là tình mê-ly “vui cuộc sống nhỏ nhoi”, “lẻ loi” với những tháng ngày để lớn.

Ấy chết, tình gì thì tình, có “yêu em” hoặc “yêu anh” hay không, thì cũng xin người yêu ấy đừng quá mê-ly để rồi có lúc cũng vì tình si hay tình gì đó, đến nỗi nổi sùng, tức giận hoặc điên tiết, như người thường ở huyện, và cả bậc chân tu ở chùa cũng đã thú thật qua bài phỏng vấn, như sau:

“Hôm ấy, các phóng viên tạp chí Time đã phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma tại thành-phố New York vào tháng 5 năm 2010 với 10 câu hỏi. Các câu hỏi liên-quan đến chuyện tức giận, như sau:

Câu hỏi 1: Ngài đã bao giờ cảm thấy tức giận, hoặc điên tiết chưa? Kantesh Guttal, Pune, Ấn độ

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: Ồ, có chứ, tất nhiên rồi. Tôi là người mà! Nói chung, nếu một người mà không bao giờ tức giận, thì tôi nghĩ có điều gì đó đã sai. Anh ta bị hâm hâm trong đầu rồi. (Người dịch Phạm Thu Hương trích đăng trên mạng)

Thế mới biết, nổi sùng, tức giận hoặc điên tiết vẫn chỉ là bẩy thứ tình-tự “hỉ, nộ, ái, ố, ai, hoan, lạc” nơi con người. Một trong bẩy thứ tình gộp thành bản-chất con người mà thôi. Dù người đó đã, đang và sẽ tu ở chùa hoặc nhà thờ, chốn “Niết Bàn”/“Thiên Đường” nhà Đạo vẫn có bấy lâu nay.

“Niết Bàn”/”Thiên đường” nhà Đạo thì vẫn là như thế ở đời thường, như truyện cười ở bên dưới:

“Từ hồi lấy nhau tới giờ, tôi làm cái gì ông ấy cũng cản, nào là: “Đừng mua đồ…”, “Đừng ăn diện…”, Đừng ngồi lê đôi mách với mấy người hàng xóm…”, tôi chán mấy chứ “Đừng” ấy lắm rồi. Sao chẳng bao giờ ông ấy nói: “Ừ, mua đi em”, “Ừ, làm đi em…”, chắc tôi phải dọn về nhà ba mẹ tôi ở quá!
Chồng:
-Ừ, Đi đi em!”

Thế nghĩa là, không chỉ khi giận thì bạn và tôi, ta mới ra người mất bình tĩnh, vô nghĩa lý. Trong đời đi Đạo, lại cũng có những tình-huống lạ kỳ, khi người chồng hoặc vợ cứ là hờn-giận rồi kéo theo những đổ vỡ, khó khăn, như câu hỏi/đáp gửi về đấng bậc phụ trách mục “Giải đáp thắc mắc” rất nghe quen, sau đây:

“Thưa Cha,
Chồng con lâu nay vẫn hay tỏ ra tức giận đối với vợ con mình, nhiều lúc rất vô lý. Điều này làm chúng con đau lòng hết sức. Bản thân con, lâu nay vẫn tìm cách thông-cảm với những trường-hợp như thế, nên cứ tự bảo mình rằng; nỗi tức giận đã khiến chồng con thấy mình bớt trách-nhiệm trước mặt Chúa hơn, có phải thế không, thưa Cha? Xin Cha giảng-giải cho đôi điều về sự hờn giận để chúng con biết mà sống cho phải phép. Cảm ơn Cha rất nhiều.”

Vâng. Cha/cố có giảng giải đôi điều cho kỹ lưỡng, thì bổn đạo người người mới biết đường sống lành thánh theo đúng đường-lối của Giáo hội. Và, lời cha/cố giảng-giải vẫn trơn-tru, như thế này:

“Đây là câu hỏi rất hay. Nó khớp với thắc mắc ta thường tự hỏi, là: làm sao cảm-xúc ở con người lại ảnh-hưởng lên bản-chất đạo-đức nơi hành-động của chúng ta. Các động-thái giận-dữ hoặc xúc cảm tạo nỗi niềm giận-hờn lẫn tình thương yêu, là việc đáp trả cho một số sự-kiện, cho người nào hoặc sự việc nào đó.

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo định nghĩa nỗi niềm giận hờn như “cảm-xúc mạnh hoặc động-tác háu đói nhạy bén khiến ta nghiêng về hành-động hoặc không hành-động đối với thứ gì mình cảm thấy hoặc tưởng tưởng rằng đó là chuyện tốt hoặc xấu.” (X. Sách Giáo lý HTCG đoạn 1763).

Đó là phản-ứng của ta trước một số kích-thích-tố bên ngoài từng xảy đến với ta, hơn là những gì do ta làm. Tỉ như: để đối-ứng trước mối nguy-hiểm, ta thấy mình sợ hãi và đối đáp với điều tốt, ta thấy mình vui lên. Ta không thể tự giúp mình có được các cảm-xúc ấy. Bởi, chúng chỉ là cách-thức ta đáp trả trong hoàn-cảnh như thế, mà thôi.

Khi sách Giáo lý Hội thánh nói đến cơn đói nhạy bén là muốn qui về các ý-nghĩa và tác-động lên con người. Cơn đói nhạy bén không là trí-năng và cũng không phải do ý-chí của ta tạo ra, tức sức mạnh cao hơn của bản vị con người. Ta có cùng một cơn háu bén nhạy với loài thú có mức độ thông minh cao là những thú vật cũng cảm nghiện sợ hãi, giận dữ, khát vọng, cùng sự mãn-nguyện, vv…

Sách Giáo lý Hội thánh tóm tắt các cảm-xúc mạnh mẽ bằng những câu như:
“Cảm-xúc căn-bản nhất là tình thương, trổi lên do có thu hút từ sự tốt lành và hy vọng chiếm-đoạt nó; cảm-xúc này được thoả-mãn bằng lạc-thú và vui mừng về điều tốt lành mình có được. Sự việc hãi sợ sự dữ tạo thù ghét, ác-cảm và lo sợ sự dữ đang đe-doạ; cảm-xúc này chấm-dứt trong buồn phiền đối với một số sự dữ trong hiện tại hoặc nơi mối giận-dữ muốn chống lại nó.” (X. Sách GLHTCG đoạn 1765)

Vậy thì, làm thế nào mà các cảm xúc mạnh này ảnh hưởng trên hành-động của chúng ta được? Phải hiểu rằng chúng đơn-thuần chỉ là cảm-giác mà thôi, chứ không phải là hành-động do lòng muốn, tự thân, chúng không được coi là lỗi/tội và cũng chẳng là điều gì đáng khen thưởng hết.

Cũng tựa hồ như khi ta cảm thấy đói hoặc lạnh-lẽo, điều đó không có gì là tội cả; và cũng chẳng có gì là tội hoặc lỗi cả khi ta cảm thấy tức-giận hoặc buồn phiền hết. Chỉ khi nào ta có tự do chọn làm điều gì đó hoặc không làm điều đó  thì khi ấy mới có thể là cảm-xúc tạo ảnh-hưởng lên tính-chất đạo-đức của hành-động ta làm, mà thôi.

Trường hợp chồng của chị, anh cảm thấy tức-giận khi có gì đó làm anh nổi nóng và anh ta tỏ lộ cơn tức-giận của anh bằng lời nói, cái nhìn hoặc cử-chỉ, lại khác. Cần hiểu rằng có những bộc-lộ cơn tức-giận lại hợp-lý, chính-đáng như bậc cha mẹ hoặc thày/cô đôi lúc cũng cần tỏ ra như thế, nhưng dù sao cũng phải có mức-độ và tuỳ từng trường-hợp.

Cung-cách tỏ bày sự tức-giận không là tội lỗi gì. Nhưng, khi cơn tức-giận vượt quá giới hạn trong nhiều hoàn-cảnh, thì đó mới là tội. Xem ra là trường hợp của chồng chị. Bởi, sự giận-dữ gây ảnh-hưởng lên ý-chí của ta bằng việc dẫn ta có hướng-chiều phản-ứng theo cung-cách mạnh mẽ hơn là vào lúc không tức-giận, do đó hạn-chế ta không xử-sự cho đúng và ở trong tình-trạng có tự do.

Có nhiều tình-huống trong đó cảm-giác tức-giận mạnh mẽ đến độ trên thực tế, nó cất bỏ đi mọi lý-lẽ thích-hợp. Và lúc ấy, ta xử-sự một cách bốc-đồng rồi thoá-mạ và không tự kềm-chế được nữa. Rõ ràng là, khi sự thể như thế xảy đến thì ta không còn tự do để hành-động cho hợp lý khiến gây trở-ngại cho ta và từ đó trách-nhiệm phạm tội trước mặt Chúa được giảm bớt rất nhiều.

Điều này không phải để gỡ tội cho sự giận-dữ đâu. Giả như người nào đó có vấn-đề liên-tục tỏ ra giận-dữ cách vô lối hoặc không kềm chế, thì người ấy phải tìm người giúp mình xử-trí các cơn giận. Cho dù bất kỳ ai bộc phát cơn giận cũng được giảm tội do có cảm-xúc giận-dữ, thì người ấy vẫn chịu trách-nhiệm trước mặt Chúa và gia đình để kiếm tìm sự giúp đỡ từ mọi người.

Đằng khác, người nào biết rằng mình sẽ tỏ ra tức giận ngay lập tức, cũng nên rời khỏi nơi đó để hạ bớt và cầu nguyện cho mình được kiên-nhẫn và bình an, mới được. 

Tóm lại, trường hợp chồng của chị lên cơn tức-giận như thế đã khiến anh ta ít  hoặc không có trách-nhiệm nhiều trước mặt Chúa.” (X. Lm John Flader, Question time: Passions: feelings we really need to control, The Catholic Weekly 20/8/2017, tr 33)              
                                 
Câu trả lời của đấng bậc nhà Đạo, bao giờ cũng thế, tức: rất nghe quen từ thuở ta từng chứng kiến từ thuở nhỏ, nay chớ nhiều. Nhớ gì thì nhớ, đừng nhớ các tình-tiết có giận hờn rồi khó ngủ. Chi bằng, ta cứ thơ thẩn/thẩn thờ mà hát tiết những ca-từ như sau:

“Để đêm đêm nhớ về Sài Gòn
Thấy mình vừa trở lại quê hương
Đã gặp người một trời yêu thương
cho lòng thêm chút ấm
Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau
Nhắc chuyện người chuyện đời thương đau

Tình chia trong đêm sầu ..”
(Trầm Tử Thiêng – bđd)

“Nhắc chuyện người, chuyện đời” không giận hờn/nổi đoá cũng là may. Về nỗi giận/hờn làm mất đoàn kết lẫn yêu thương, lời vàng hiển thánh cũng từng bảo:

Anh em nổi giận ư?
Đừng phạm tội:
chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn.
Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng.”
(Thư Êphêsô 4: 26-27)

À thì ra, “ma quỷ thừa cơ hội lợi dụng” để làm mất hoà khí giữa gia đình, chòm xóm hay cộng đoàn gồm các thánh, rất linh thiêng. Về giận hờn làm mất hoà khí, lại có thêm truyện cười nhẹ để lại minh-hoạ lần nữa, như sau:
“Truyện rằng:
Có một lần, đài truyền hình nọ nhân nói về “Bí quyết giữ hạnh phúc gia đình”, bèn đi một đường phỏng vấn một cặp vợ chồng nổi tiếng rất thuận hòa vì hàng xóm chả bao giờ thấy họ to tiếng với nhau.
Phóng viên hỏi:
- Xin anh chị cho biêt bí quyết gì đã giúp anh chị có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc như vậy?
Anh chồng trả lời:
- Hàng tuần tôi đều chở cô ấy đến công viên vài lần.
- Ồ, lấy nhau bao nhiêu năm mà anh chị vẫn lãng mạn như hồi còn yêu nhau vậy ư?
- Chúng tôi cãi nhau ở đó- anh chồng nói tiếp.
-!!!” (Truyện kể rút từ các bài viết ở trên mạng, rất vi-tính)

À thì ra, nhân câu chuyện hờn/giận giữa vợ chồng/chồng vợ, ta lại rút tỉa được các bài học về “Ba hạng người” ở trong đời như sau:

Có một thời, Đức Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại vườn Nai, đã dạy các Tỷ kheo bài học sau đây:
-Này các Tỷ kheo, có ba hạng người này xuất hiện ở đời.
-Thế nào là ba?

Hạng người như chữ viết trên đá, 
hạng người như chữ viết trên đất,
hạng người như chữ viết trên nước.

Thế nào là hạng người như chữ viết trên đá? 
Này các Tỷ kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này tiếp tục kéo dài.  Ví như chữ viết trên đá không bị gió hay nước tẩy xóa nhanh chóng, được tồn tại lâu dài.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên đất? 
Ở đây, này các Tỷ kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không dài lâu. Ví như chữ được viết trên đất bị gió hay nước tẩy xoá mau chóng, không tồn tại lâu dài.

Thế nào là hạng người như chữ viết trên nước? 
Này các Tỷ kheo, có người dẫu bị nói một cách kịch liệt, bị nói một cách ác độc, bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy, vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện và hoan hỷ. Ví như chữ viết trên nước được mau chóng biết, không tồn tại lâu dài.

Lại có ba hạng người chuyên làm việc Thiện
Người chưa hiểu đạo thì làm ít việc thiện.
Người đã hiểu đạo thì làm nhiều việc thiện.
Người thật sự thấm đạo thì làm gì cũng là thiện.

Và, cũng có ba hạng người chuyên-chăm tìm Đạo
Người không hiểu đạo thì sống trong đời.
Người muốn hiểu đạo thì vào sống trong chùa, thiền viện, hay nơi hẻo lánh.
Người đã hiểu đạo thì lại trở ra mà sống với đời. 

Hiểu các lý lẽ dẫn đến giận/hờn rồi dẫn đưa ta đi vào tìm hiểu nỗi niềm an-nhiên tự tại, tạo nếp sống thư-thái không giận/hờn, qua lời thơ rằng:

“Chiều hôm núi hỏi dòng sông
Sao trôi đi mãi mà không thấy về
Sông bèn róc rách, tỉ tê
Nghìn thu nước đã nguyện thề cùng mây.

Rồi mai, mưa xuống đất này
Ấy thì ta lại sum vầy, thế thôi!
Chớ buồn cho cuộc chia phôi
Ngày sau trùng ngộ môi cười đẹp hơn.

Vô thường ấp ủ chân thường
Cõi Uyên, cõi tạm chưa từng vắng nhau.
Núi ơi! Nắng đã phai màu
Dòng thời gian chảy qua cầu vạn niên.
Trùng trùng trong cõi nhân duyên
Hẹn nhau dưới cội Chân Nguyên phút này.
Ơ kìa, nước đã thành mây!
Mưa rơi trên lá ... chiều nay núi cười.

Đến, đi, sinh, diệt trò chơi!”
(Trích thơ và truyện do An Trường kể)

Ngâm thơ của An Trường” và nghe kể rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta lại trích thêm câu trả lời khác về nhân-sinh-quan của Đức Đạt Lai Lạt Ma do tạp chí Time đăng-tải tiếp như sau:

Câu hỏi 2: Thưa, làm thế nào mà ngài luôn lạc-quan và trung-thực khi có quá nhiều thù ghét trên thế-giới vậy? (Joana Cotar, từ Frankfurt, Đức Quốc)

Đức Đạt Lai Lạt Ma Trả lời: Tôi luôn nhìn sự kiện nào đó từ góc cạnh rộng lớn. Luôn có vấn-đề nào đó, nỗi chết chóc nào đó, hành-động tàn-sát hoặc khủng-bố nào đó hoặc bê-tha bê-bết ở mọi nơi, mọi ngày. Nhưng nếu bạn nghĩ toàn-bộ thế giới là như vậy, thì bạn đã sai. Vì trong số 6 tỉ con người sống trên thế-giới, những người gây rối chỉ là số ít….

Câu hỏi 5: Thưa, làm thế chúng tôi có thể dạy dỗ con em chúng tôi không được nổi giận? (Robbyn Rice, Grand Junction, Colorado, Hoa Kỳ)

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: Trẻ em luôn nhìn vào cha mẹ. Cha mẹ nên bình tĩnh hơn. Bạn có thể dạy con bạn rằng: bạn đang đối-diện với rất nhiều vấn-đề; nhưng bạn phải phản-ứng trước các vấn-đề đó với tinh-thần bình-tĩnh và có lý-trí. Tôi luôn có cái nhìn này về hệ-thống giáo-dục hiện-đại: chúng ta dành sự quan-tâm cho phát-triển não bộ, nhưng về sự phát-triển lòng tốt thì chúng ta rất ỷ lại…

Câu hỏi 8: Ngài nói gì với những người sử-dụng tôn-giáo như cái cớ để tạo bạo-lực hoặc giết người? (Arnie Domingo, (Thành phố Quezon, Philippines)

Đức Đạt Lai Đạt Ma trả lời: Có những người sùng-đạo, vô-tội bị lôi kéo bởi một số ngườ có quan-tâm khác hẳn. Quan-tâm của họ không phải là tôn-giáo mà là quyền-lực hay đôi khi là tiền bạc. Họ lợi-dụng niềm tin tôn-giáo. Trong trường-hợp này, chúng ta phải phân-biệt được: các điều ác đó không sinh ra bởi tôn-giáo…       

Câu hỏi 10: Ngài có tin thời-gian của ngài tại đây trên trái đất này đã là một thành-công không? (Les Lucas, Kelowna, British Columbia, Canada)

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: Hmm. Điều đó cũng tương-đối thôi. Thật quá khó để nói. Mọi cuộc sống của con người đều gồm một phần thất-bại, và một phần thành-công”… (Phạm Thu Hương dịch 10 câu hỏi dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma do tạp-chí Time đặt và đăng-tải ngày 19/5/2017)

Cứ nghĩ rằng bạn và tôi, ta cũng cảm-thông với Đức Đạt Lai Lạt Ma về những điều kể trên rồi, nay ta mời nhau hát lại đôi ba ca-từ của bài hát trích ở trên làm đoạn kết cho một bài “Phiếm” như sau:

Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi
Những con đường thèm đôi chân vui,
đã bao lâu chờ đợi.
Đường im nghe quá khứ trong sầu.
Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau.
Tình lẻ loi canh thâu.”
(Trầm Tử Thiêng – bđd)

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn lòng bào lòng rằng
chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn.
Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng”

Tựa hồ lời Vàng từng căn-dặn ta như thế.

Saturday 19 August 2017

“Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 21 thường niên năm A 27/9/2017

“Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm”
Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ
Mơ vui là lúc ngàn đắng cay ... xé tâm hồn.”
(Anh Bằng – Sầu Lẻ Bóng)

(Mt 5: 6) 

Có một điều thật khó nói, nhưng bản thân bần đạo vẫn muốn bộc-lộ ra ngoài, là: khi nghe lại ca-từ ở trên, bần đạo bầy tôi lại cứ thấy lòng mình mềm nhũn như con chi chi. Chí ít, là khi nghe thêm những câu hát tiếp, rất hiu hắt, như sau:  

“Tàn đêm tôi khóc khi trời mưa buồn hắt hiu,
Lòng mình thầm nhớ dĩ vang.
Đau thương từ lúc vừa bước chân.
Vào đường yêu,
Đêm ấy mưa rơi nhiều.
Giọt mưa tan tác mưa mùa ngâu.

Tiễn chân người đi,
Buồn che đôi mắt thấm ướt khi biệt ly.
Nghe tim mình giá buốt.
Hồi còi xé nát không gian,
Xót thương vô vàn.
Nhìn theo bóng tàu dần khuất trong màn êm.
Mùa thu thương nhớ bao lần đi về có đô.
Mà người còn vắng bóng mãi.
Hay duyên nồng thắm ngày ấy nay ... đã phai rồi.
(Anh Bằng – bđd)

Chính vì gặp phải những tình-huống như thế, bần đạo bầy tôi đây bèn tìm cách tự giải-quyết sự tình, cho đời mình lên hương. Và, một khám phá khá mới đó là: học viết và lách cho nhiều, rồi thôi.

Nói nào ngay, viết bài và in ấn sách báo, lại là thách-thức, rất không nhỏ. Không thể nhỏ, là bởi: khi viết bài và cậy đăng trên báo –dù báo giấy hay báo điện-tử-- thì người viết mọn hèn là bầy tôi đây cứ phải giông dài nhiều sự kiện, rất thấm thía.  

Mới rồi đây, nhân lúc nhàn rỗi, bần đạo lục tìm chồng báo cũ bèn bắt gặp một bài viết khá ngắn đăng trên tờ báo đạo mang tên The Majellan số tháng 10-12/2016 bèn định bụng ngày nào đó sẽ chuyển ngữ sang tiếng Việt để bà con người đọc thưởng lãm.

Thật ra thì, bài viết này chẳng có gì là độc đáo, chỉ mỗi nhắc nhở người đọc đừng quên những “sự thật” tối thiểu ở trong đời, là “Hãy cố giữ im lặng” để hồn mình lắng đọng mà thưởng thức những gì đang trôi nhanh, như thời gian, hạnh-phúc, rất êm đềm. Thế rồi, bần đạo chợt nhớ đến lời thơ trong nhạc bản ở trên những hát rằng:

Từ lâu tôi biết câu thời gian là thuốc tiên,
Đời việc gì đến sẽ đến.
Những ai bạc bẽo mình vẫn không ... đành lòng quên.”
(Anh Bằng – bđd)

Vậy, hôm nay, trước khi đi sâu vào các đề-tài trầm lắc, sâu-sắc, xin chuyển tải đến bạn bè, thân-hữu ở đây những tâm tình về một “lặng thinh là tình…rất thuận”, bằng những giòng chữ như sau:

“Có rất nhiều phương-cách để ta nguyện cầu. Một trong số đó, là: để thì giờ ra mà niệm-suy. Những ai từng suy và niệm đều bảo rằng: điều ấy giúp họ trầm tĩnh hơn; giúp họ cải-thiện thêm nghị-lực và giúp họ cả đến việc tiếp xúc Chúa.

Suy-niệm là chuyện khá dễ-dàng. Không cần phải là chuyên-viên hay chuyên-gia gì, mới làm được. Chỉ cần mỗi một việc là tìm nơi im-ắng và bỏ ra chừng 15, 20 phút trống để thực-hiện thôi. Một khi ta đã đắm chìm vào tình-huống ấy rồi, thì: suy và niệm sẽ là những gì mình muốn mỗi ngày không chỉ là cung-cách nguyện-cầu mà thôi nhưng còn là đường lối thư-giãn, nữa.

Xem thế thì, chỉ cần thực-hiện một vài động-tác ngắn như sau:

1.Tìm nơi vắng lặng, có thể là chiếc giường ngủ nhỏ, khép kín cửa để cách biệt hẳn bên ngoài, càng nhiều càng tốt.  Lặng ngồi trên ghế hoặc ngồi bệt dưới sàn, bất cứ nơi nào mình thấy thoải mái, là được. Buông lỏng cơ bắp. Trở về với hiện tại.

2. Giờ đây, hãy chọn chữ gì đó có tính-chất đạo hoặc một thành-ngữ có nghĩa đích-thực với riêng mình. Có thể là tên cực trọng “Giêsu”, hoặc chỉ một lời thốt lên như: “Giêsu, Lạy Chúa tôi!”, cũng được.

3. Và, vừa nhẹ nhàng hít đầy lồng ngực vừa kêu lên “Giêsu” làm như thể đang đầm mình vào bể nước nóng. Khi thở ra, lại cũng từ từ nói lời “Lạy Chúa tôi” như câu thở dài thườn thượt.       

4. Hít chậm vào phổi cách tự nhiên. Hít bằng mũi, rồi ngưng một lúc chừng vài giây, rồi thở ra bằng miệng, lại ngưng vài giây.

5. Đừng lo, nếu thấy mình chia trí. Chuyện ấy, thật bình thường, vẫn xảy ra với nhiều người. Cứ việc buông bỏ mọi đãng trí/lo ra, dù nó là thứ gì cũng mặc, và rồi bắt đầu làm lại như thế, thêm nữa…” (X. Quiet please, Tập san Tam Cá Nguyệt The Majellan số tháng 10-12/2016, tr. 4-5 “Soul Space”)

Trích-dẫn ở trên là để nhấn mạnh rằng: thực-chất của việc nguyện-cầu nằm ở động-thái giữ thinh-lặng cả trong lẫn ngoài tâm can con người mình. Một ví-dụ điển-hình nhất từ “lời dạy” của Đức Giêsu khi Ngài nói về việc cầu-nguyện, thì câu đầu tiên bảo rằng:

“Còn ngươi,
khi cầu nguyện thì
hãy vào buồng, khoá cửa lại mà cầu nguyện
với Cha ngươi,
có mặt cả nơi kín ẩn:
và Cha ngươi,
Đấng thấu suốt cả nơi kín ẩn
sẽ hoàn trả lại cho ngươi.”
(Mt 5: 6) 

“Vào buồng, khoá cửa lại mà cầu nguyện”, tức: làm thinh như tình-huống hoà nhập với Đấng mình nguyện và cầu. “Vào buồng, khoá cửa lại mà cầu nguyện”, tức có nghĩa: không nhìn thấy ai, không còn muốn nói chuyện với ai, ngoài Đấng mình đang tiếp chuyện trong “lặng thinh như tình đã đạt”.

“Vào buồng, khoá cửa là mà cầu-nguyện”, còn là và vẫn là trạng-thái sống hoà mình với Đấng mà mình tiếp cận, hệt như truyền-thống kéo dài từ Do-thái-giáo trước khi lên tiếng tụng-ca cách long trọng để ca ngơi Thiên Chúa.

“Vào buồng, khoá cửa là mà cầu-nguyện” lại sẽ là và luôn là quan-điểm của cộng-đoàn Kitô-hữu thời tiên-khởi vốn biết mình được vinh-hạnh làm “con Thiên-Chúa”, Đấng được tôn-vinh cách long trọng, dù không bằng lời nói hoặc hành-động, mà chỉ mỗi lặng thinh, thôi. Đó chính là mục-tiêu của người theo Đạo Chúa, vẫn thực-thi.

Trong tâm tình tìm kiếm một động-thái thích hợp với chuyện nguyện-cầu trong thinh lặng ở ngoài đời, có lẽ điều hay nhất là đề nghị bạn/đề-nghị tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể có những giòng kể lể ngắn gọn như sau:

“Tý và Tèo, là đôi bạn thân lâu nay không gặp. Tý hỏi thăm Tèo:
-Này Tèo, gia đình cậu độ này sao rồi? Vẫn ổn chứ?
Tèo đáp:
-Ừ, vẫn ổn. Chắc phải 3 tháng rồi tớ cứ giữ “im-lặng-là-vàng” chẳng nói với vợ đến một câu!
Tý ngạc nhiên nói:
-Ối giời! Như vậy mà gọi là “vẫn ổn” sao? Có chuyện gì mà vợ chồng cậu “chiến-tranh-lạnh” dữ thế?
Tèo nhún vai bảo:
-Cũng chẳng là “chiến-tranh-lạnh” hay nóng gì đâu. Chả là, vợ tớ không muốn ai chen ngang khi cô ta đang nói chuyện, mà thôi!” (Truyện kể ê-hề ở trên mạng)

Truyện kể như thế, có lẽ chỉ để phiếm sương sương/nhè nhẹ, chứ chẳng minh-hoạ được vấn-đề “lặng-thinh là tình đã đạt”, như vẫn bàn. Dù, tình ấy có là: tình Chúa hay tình người, hoặc tình-tứ với tình-tự gì cho cam.

Minh hoạ sự lặng thinh, như một định-nghĩa của nguyện cầu, có lẽ phải tìm đến truyện kể nào đó dài giòng hơn chút nữa, mới được. Đại-loại một thứ truyện kể về chốn dân-gian im ắng nhiều luận cứ.

Thời gian gần đây, đài truyền-hình SBS Úc Châu có phim dài nhiều tập bảo rằng: bằng việc “nhìn vào mắt nhau” tự khắc sẽ giải quyết được nhiều khúc mắc xảy ra giữa đôi lứa. Khúc mắc lớn lao nhất như chuyện gia-đình gãy đổ cũng làm được.

Ngày hôm nay, phối hợp với truyện kể ở trên, đề-nghị bạn, đề-nghị tôi, ta lại sẽ thực-thi Lời Chúa khi Ngài bảo: “Hãy vào buồng, khoá cửa là mà cầu-nguyện” bằng động-thái rất nhẹ là: nhìn vào mắt Chúa ở cõi mịt mù, trống không, rất đen đặc.

Bởi, Thiên-Chúa không mang theo mình hình-ảnh một “Ông già râu bạc phếch” hoặc tượng trưng bằng “Chim Bồ Câu Trắng những bay lượn” hoặc một “Trang thanh-niên vạm-vỡ” với cơ-bắp đang gánh vác thanh gỗ hình chữ thập, được vẽ đầy trên tường/trần đền đài/nhà thờ ở đâu đó, rất trần-tục. Ngài là “quãng không” đen đặc, mịt mù ta chỉ thấy được Ngài bằng cặp mắt thân tâm/linh-hồn,  mà thôi.      

Để minh-hoạ một cách xác thực hơn, chuyện dài về tình-huống “lặng-thinh là tình đã đạt”, tưởng cũng nên kể thêm một truyện kể khác không dài cũng không quá ngắn như sau:

“Một đôi trai gái đang cãi nhau trong một tiệm cà-phê và không muốn nhường nhịn nhau. Chàng thanh niên bỏ đi trong giận dữ, trong khi cô gái vẫn ở lại một mình, khóc lóc.

Cô bực dọc quấy ly trà lạnh. Cô dùng muỗng sắt chà mạnh vào miếng chanh có nhiều vỏ. Miếng chanh có vỏ bị chà vào thành ly quá mạnh, nên tiết nước đắng vào trong trà của cô.

Cô gái nói với người bán mang cho cô một ly trà với chanh nhưng không có vỏ. Người bán nhìn cô gái nhưng không nói gì cả. Anh ta lấy ly trà chanh nghiền nát và thay một ly trà chanh có vỏ.

Cô gái nóng giận nói với người bán: “Tôi nói với anh là bỏ vỏ đi, không hiểu tôi nói gì sao?

Người bán hàng với cặp mắt sáng, nhìn cô gái thật bình tĩnh và nói: “Đừng nóng giận. Sau một lát, vỏ chanh sẽ bị nước ngấm hết mà. Tất cả vị đắng đã tan trong trà và sẽ làm nước trà trong lại và rất ngọt. Có phải cô muốn như thế không? Đừng nóng giận. Chờ chừng 3 phút thì múi chanh sẽ tan vào trong ly trà. Nếu không, cô sẽ làm ly trà thành ly trà đắng.”

Cô gái chưng hửng và cảm động. Cô ta nhìn thẳng vào đôi mắt người bán hành và hỏi: “Vậy thì, cần bao lâu để lấy hết mùi vị từ lát chanh?”

Người bán hàng mỉm cười nói: “Mười hai tiếng. Lát chanh sẽ hoàn toàn phát hết mùi vị của nó. Sau mười hai tiếng, cô sẽ có một ly trà chanh tuyệt diệu, nếu cô có thể đợi trong mười hai tiếng.”.

Người bán hàng ngừng một chút rồi nói tiếp: “Không phải chỉ có trà, nhưng cũng là cách để trừ hết những muộn phiền trong đời sống. Nếu cô kiên-nhẫn và chịu-đựng trong 12 tiếng, cô sẽ thấy nhiều việc không đến nỗi tồi tệ như cô nghĩ đâu.”

Cô gái hỏi: “Có phải bạn cho tôi ám hiệu không?”

Người bán hàngt mỉm cười: “Tôi đang chỉ cho cô cách làm một ly trà chanh. Đó cũng là cách sống một cuộc đời đẹp đẽ.”

Cô gái nhìn ngắm ly trà chanh và suy nghĩ: . Sau đó, cô gái về nhà và cố pha một ly trà chanh. Cô ta lặng thinh ngắm những lát chanh trong ly trà và kiên-nhẫn chờ kết-quả. Cô ta thấy những lát chanh thở và lớn dần trong ly nước trong vắt. Cô ta cảm động, vì cô ta có thể cảm-nhận được tâm-hồn của lát chanh đang lớn dần và toả ra. Hơn nữa, cô ta kiên-nhẫn chờ trong 12 tiếng đồng hồ. Cô ta nếm ly trà chanh và nhận thấy nó ngon nhất trên thế giới.

Cô gái chợt hiểu lý-do tại sao trà chanh nếm rất ngon khi chanh hoàn toàn tan trong ly trà.

Tiếng chuông cửa chợt reo lên. Cô gái mở cửa và thấy chàng thanh niên có mặt tại đó. Anh ta ôm một bó hoa hồng rất đẹp trên tay. Anh ta thành khẩn “Em tha lỗi cho anh nhé.”

Cô gái mỉm cười và anh ta và kéo anh ta vào nhà. Cô ta mời anh ta ly trà chanh và nói: “Chúng ta nên cam-kết. Sau này, sau này mặc dầu chúng ta nóng giận chừng nào, chúng ta không nên mất bình tĩnh. Chúng ta cần phải bình tĩnh và nghĩ đến ly chanh trà.”

“Tại sao chúng ta phải nghĩ đến ly chanh trà?” Chàng thanh-niên hơi khó hiểu.
Cô gái trả lời: “Vì chúng ta cần phải chờ trong 12 tiếng đồng hồ.”

Từ đó, cô gái ứng-dụng triết-lý này trong đời sống. Cô ta có được hạnh-phúc và vui vẻ như chưa từng có trước đây. Cô ta nếm những ly trà chanh tuyệt vời và một đời sống tuyệt diệu. Cô ta nhớ đến người bán hang nói: “Nếu cô cố vắt chanh và trong trà chừng 3 phút, cô sẽ thấy trà đắng và nước không trong.”

Đời sống cũng như trà. Bạn phải chờ đợi kiên-nhẫn và cẩn-thận nếm nó. Nó sẽ đem lại những giây phút thần-tiên.

Tuy nhiên, đừng chờ thêm nữa. Nếu không , vị của trà chanh sẽ nhạt đi, vì nó đã làm quá lâu rồi. Vì thế, trong đời sống bạn không nên chờ hay bắt người khác chờ quá lâu. Nếu không, đời sống bạn cũng phai nhạt và nhàm chán.”(Dịch từ www.xincheng.net/xs/articles/gb/2008/3/15/42774.htm)

Xem thế thì, trà chanh/cuộc đời cũng sẽ ngọt ngào hoặc đắng chua, cũng tuỳ người và tuỳ và tình-huống người đời xử-trí với đắng, cay, mặn ngọt trong cuộc đời. Chí ít, là: cảm nhận được sự trống vắng, đen kịt của mọi thứ.

Thế đó, là ý-nghĩa của bài viết trong Tin Mừng và cuộc sống rất hôm nay. Trong tâm tình hiên ngang chấp-nhận mọi tình-huống đen kịt một cuộc đời với tất cả sự kiên-nhẫn và cẩn-thận, đề -nghị bạn/đề-nghị tôi lại sẽ hát nhạc bản ở trên, làm đoạn kết:

“Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm”
Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ
Mơ vui là lúc ngàn đắng cay ... xé tâm hồn.”
Tàn đêm tôi khóc khi trời mưa buồn hắt hiu,
Lòng mình thầm nhớ dĩ vang.
Đau thương từ lúc vừa bước chân.
Vào đường yêu,
Đêm ấy mưa rơi nhiều.
Giọt mưa tan tác mưa mùa ngâu.

Tiễn chân người đi,
Buồn che đôi mắt thấm ướt khi biệt ly.
Nghe tim mình giá buốt.
Hồi còi xé nát không gian,
Xót thương vô vàn.
Nhìn theo bóng tàu dần khuất trong màn êm.
Mùa thu thương nhớ bao lần đi về có đô.
Mà người còn vắng bóng mãi.
Hay duyên nồng thắm ngày ấy nay ... đã phai rồi.
(Anh Bằng – bđd)


Trần Ngọc Mười Hai
Cũng từng thấy nhiều vị đắng
Không chỉ trong ly trà chanh
Mà cả cuộc đời.