Dù đời không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài
Mặc đời ta không ai, hãy vững tin yêu đời
Dù đời chỉ yêu gian dối, dù đời cay đắng như vôi…
(Lê Hựu Hà – Yêu Người và Yêu Đời)
(Yn 13: 35)
Lời trần tình hôm nay, khi nghe nhạc bản này, phải nói ngay rằng: trong đời đi Đạo, có những sự việc khiến bần đạo thấy ngại. Ngại nhất, là việc nhận lời mời đến dự tiệc gây quỹ, có thi đua. Đua đóng góp. Đua gọi tên. Bởi, bình thường tiệc gây quỹ muốn thành công thì phải quen biết nhiều. Quen, tức có người ”đỡ đầu”. Có tổ chức ở nhà hàng. Có, thuyết trình, và diễn văn. Có, âm thanh, mở rất lớn.
Tuy nhiên, cũng có những tiệc gây quỹ nho nhỏ và ngắn gọn như tiệc hiệp thông - nguyện cầu cho nhau, cho trẻ câm điếc/tật nguyền ở Thị Nghè, buổi hôm ấy. Mới đây. Rất khác lạ. Tiệc hôm ấy, là tiệc thịt nướng. Chỉ nhè nhẹ, ở nhà. Có thánh lễ. Có chia sẻ Lời Chúa, đúng nghĩa sẻ chia. Và, người tham dự được yêu cầu san sẻ Lời Chúa, rất tự phát. Và hôm đó, bần đạo đã “bị ông cha bạn” kịp đến nói nhỏ: “lát nữa, xin anh cho vài lời “chia sẻ”, tự phát nhé!. Thật tình, bần đạo muốn lấy lý do là mình rất-dốt-và-cũng-nát về thần-học/kinh thánh, định thoái thác. Nhưng không đặng. Đành lẳng lặng chấp nhận. Và sau đó, đã nhâm nhẩm hát tiếp bài ca trên, rằng:
“Ngày nào, bầu trời còn mây bay
Lòng ta vẫn thấy yêu thương người
Dù đời còn gặp nhiều chông gai
Trọn đời vẫn cứ đi đi hoài.” (Lê Hựu hà – bđd)
Tin Mừng ngày của Chúa hôm ấy, là Chúa Nhật thứ 28 thường niên năm A, kể về một dụ ngôn Nước Trời. Dụ ngôn, nói: Nước Trời giống như tiệc cưới Vua Cha mời mọi người. Nhưng, chẳng ai tới. Cuối cùng, Vua cũng mời gộp một nhúm người nghèo, đến từ các hẻm ngõ ở cuối chợ, làm thực khách…
Thêm một điều, là tiệc hôm ấy có nhiều người nhận lời đến dự. Lại, có đôi lời nhè nhẹ của người nữ tu tên Maria Nguyễn Thị Ngọc Mai, Dòng Thánh Phao-lô ở Sàigòn. Vị nữ tu, chỉ nói lý do buổi họp mặt ấy, thế thôi. Cũng may cho bần đạo, là: sơ cha chẳng đề nghị sẻ san thêm đôi câu hát. Vì nếu có đề nghị, thì bần đạo cũng đành xin thua, chẳng dám nhận. Vì hết hơi. Lại lỗi thời. Đành chịu thôi.
Nay nhớ lại, nghiệm thấy lời ca trên của nghệ sĩ, na ná lời Chúa, có đoạn khuyên:
“Mọi người sẽ nhận biết anh em
là môn đệ của Thầy
ở điểm này:
là anh em có lòng yêu thương nhau."
(Yn 13: 35)
Giống hơn nữa, là câu thưa của thánh Phao-lô tông đồ, hồi đó:
“Ngoài ra,
thưa chị anh em,
anh chị em hãy vui mừng
và cố gắng nên hoàn thiện.
Hãy khuyến khích nhau,
đồng tâm nhất trí,
ăn ở thuận hoà.
Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và an bình,
sẽ ở với anh chị em.
(2Cr
Ngồi nhớ bầu khí hôm ấy dù không có gọi mời “Bạn thân ơi! Cố gắng yêu thương người, dù người không yêu ta”. Và, cũng chẳng là:“Hãy nên hoàn thiện. Hãy đồng tâm nhất trí, ăn ở thuận hoà”, mà chỉ thắc mắc mỗi một điều: sao người đến với tiệc cưới hôm ấy, lại “không mang y phục của người dự tiệc” (Mt
Hiệp thông sâu hơn, ta nên về với cộng đoàn Hội thánh Matthêu thời tiên khởi, bạn và tôi, ta chắc cũng có những khoảnh khắc kêu lên một nhận định: “Thì ra thế! Nước Trời chính là Cộng đoàn Hội thánh”, nơi ta sống. Bởi, khi viết Tin Mừng cho mọi người, thánh Mátthêu trước tiên nhắm vào người Do Thái thường thường bậc trung, nơi cộng đoàn tình thương, Hội thánh. Đồng thời, khi viết những giòng thánh sử về Nước Trời – Hội thánh, thánh Mátthêu vẫn viết về những “thoáng chốc hiện thực” của Nước Trời. Cho mọi người.
Với cộng đoàn Nước Trời thời tiên khởi, và với những “Bạn thân ơi!” là chính chúng ta hôm nay. Đức Kitô, chính là Yếu Tố đích thực để ta có thể kêu lên “Ừ nhỉ! Chính Ngài là như thế!” Ngài là Yếu Tố chính đã tạo nên lịch sử thế giới. Ngài là Đấng, mà thánh Mátthêu đã coi đó như ưu tư bức xúc phản ánh chính cuộc sống. Phản ánh, chính cái chết và sự sống lại, đã thành hiện thực. Hiện thực, nơi bản chất của Hội thánh. Hiện thực, nơi thành viên cộng đoàn Nước Trời. Ở mọi thời.
Thời nay, là thời có sự kiện Thái Hà và Toà Khâm Sứ. Áp dụng như thế, ta sẽ bảo: sự việc ấy, nay có ý nghĩa gì đối với mọi người, là chúng ta? Ở Nước trời – Hội thánh, rất hôm nay? Dụ ngôn hôm nay, cùng sự kiện Thái Hà – Toà Khâm Sứ, vẫn không đề cập đến những hãi sợ khi sờ chạm các vấn đề gai góc, xảy đến với Hội thánh.
Điều, mà dụ ngôn Chúa Nhật 28 thường niên cũng như sự kiện Thái hà/Toà Khâm Sứ đã nêu ra, nay có nghĩa: phải là người khó nghèo, thật bần hàn, ta mới nhận ra được quà tặng Chúa ban. Nhận ra, khi Ngài mời gọi mọi người gia nhập tiệc cộng đoàn Nước Trời – Hội Thánh, vào hôm ấy. Phải chân thành rộng lượng đủ, ta mới có thể ứng đáp lời kêu mời khẩn thiết ấy.
Bởi, dụ ngôn Tiệc cưới và sự kiện Thái Hà/Toà Khâm Sứ đã khơi gợi nhiều vấn đề cho tôi và cho bạn: hãy cứ nghiêm chỉnh để xem xét những gì mình sẽ nói. Sẽ làm. Nói và làm, để có thái độ/lập trường, cho đúng. Có quyết tâm áp dụng giá trị mình hành xử, ở đời. Tại nhà. Tại sở làm. Hoặc, tại chốn vui chơi. Nơi tranh đấu. Vẫn cứ nghiêm chỉnh, mà xét lại phong cách mình đang xử với nhau. Cho nhau.
Xét lại, là: đối xử như thế, có tôn trọng sự thật không? Có thực hiện Công lý và Hoà bình không? Có trải qua những sự việc tương tự như thế, ta mới chứng tỏ được ý nghĩa của sự việc mình tỏ bày. Bởi tỏ bày như thế, người khác (có thể là người ngoài Đạo/ngoài luồng) sẽ đánh giá tôi và đánh giá bạn có thực sự là người chân phương tử tế, có niềm tin, không? Hay, tôi và bạn cũng chỉ là những người đến dự tiệc hoặc tham gia hiệp thông với Thái hà/Toà Khâm Sứ nào khác, mà không “ăn vận/xử thế” đúng qui cách người tham dự.
Như một thành viên Nước Trời - Hội thánh thời buổi đầu, nay bạn và tôi, ta vẫn ăn vận trinh trong mầu trắng của thanh tẩy. Trinh trong mầu cưới, áo cô dâu. Mầu ấy, là mầu thích hợp với ơn thanh tẩy/dự tiệc. Bởi, dự tiệc hiệp thông với Thái Hà/Toà Khâm Sứ, là tôi và bạn, ta sẽ tham dự luôn mãi hội-lễ vui tươi của cuộc sống có Chúa cùng dự. Tiệc cưới hay tiệc hiệp thông với Thái Hà/Toà Khâm Sứ, người người đều xử sự đúng qui cách. Qui cách của người đã tuyên thệ, buổi Thanh tẩy
Tiệc cưới hôm nay, hay tiệc hiệp thông với Nước trời – Hội thánh ở Thái Hà/Toà Khâm Sứ, cũng là dự tiệc. Cũng là sự việc ngàn đời hiệp thông. Có Chúa. Có ta. Có cả cộng đoàn thân thương Nước Trời, là Hội thánh ở mọi thời. Là, ở vào lúc bạn và tôi, ta có thể kêu lên: “Ừ nhỉ! Nước Trời là thế đấy! Hội thánh là như vậy!” Và từ đây, lịch sử sẽ thôi không còn là những ưu tư ta cần luớt thắng nữa. Nhưng, lịch sử đã trở thành một thách thức giúp tôi, giúp bạn cụ bị hành trang cần thiết, ngõ hầu dựng xây Nước Trời – Hội thánh, cho tôt hơn.
Đó, là chuyển biến. Đó là chiều hướng tích cực của Nước Trời. Đầy an lành.
Ở Nước-Trời-Hội-thánh, còn có những truyện kể làm phấn chấn tinh thần của bạn và tôi, như:
“Có những sự việc xảy đến với cuộc đời, xem ra khá “già dặn” để ta có thể đối đầu và giáp mặt. Và khi ấy, ta cũng nên nhớ đến truyện kể về hũ nước tương và hai lon bia, như sau:
Giáo sư dạy triết hôm ấy, nhẹ nhàng đứng lớp giảng giải bằng những cử chỉ khác thường, chầm chậm. Lần này, ông không còn hăng say năng nổ như mọi bữa, nhưng thay vào đó, ông bình tĩnh, thuyết phục đám sinh viên đang hau háu đợi chờ. Ông nhấc nhẹ hũ thuỷ tinh lên, lẳng lặng nhồi vào đó các quả bóng mủ để chơi golf. Làm xong, ông giơ lên cao hỏi đám sinh viên đang theo dõi xem hũ/lọ này đầy rồi hay chưa. Đám sinh viên đồng thanh chấp nhận.
Tiếp theo, ông lấy thêm mấy hòn đá cuội nhỏ, bỏ vào hũ để khoả lấp các lỗ còn trống trong hũ. Xong,ông hỏi đám sinh viên một lần nữa xem như thế đã đầy hũ thuỷ tinh chưa. Đám sinh viên quan sát kỹ một hồi, rồi đồng thanh đáp: đúng thế thưa thầy.
Giáo sư lại cầm hộp thiếc đựng cát bụi đường trần, đổ thêm vào hũ, cho ngập đầy, không còn chỗ chứa. Bình thường, “cát bụi đường trần” cứ sục sọi tìm chỗ trống trong hũ, để cố len thêm. Xong đâu đấy,vị giáo chức bậc thầy lại hỏi đám sinh viên lần nữa xem hũ kia nay đầy hơn chứ. Cũng thế, đám sinh viên xem kỹ, đã trả lời: rất đầy.
Đến đây, vị Giáo sư lấy hai chai bia để sẵn mở nút, trút vào hũ cho thấm ngập hết phần còn lại bên trong. Đoạn, ông lại hỏi ý kiến đám sinh viên: xem hũ có đầy, hay không? Sinh viên lại thưa: đã tràn đầy, không chỗ nào chêm. Sau đó, vị giáo sư bắt đầu giảng:
-Hôm nay, tôi xin thưa với các bạn, một chuyện: tôi đề nghị các bạn cứ coi hũ thuỷ tinh này tượng trưng cho đời mình. Quả bóng mủ chơi gôn là những gì rất quan trọng, tựa như: niềm tin, gia đình, con cái, bạn bè, sức khoẻ, cả đến đam mê. Tức là, những gì còn đó ở lại với các bạn, khi mọi sự đều đã mất. Lớp đá vụn, tượng trưng cho công ăn việc làm, nhà cửa và xe cộ; tức những gì rất qua đi. Dễ đổi thay. Cát bụi đuờng trần là tất cả những chuyện này khác, vật thể rất nhỏ. Nếu bạn bỏ những thứ đó vào hũ trước, thì hũ sẽ không còn chỗ cho đá cuội và banh gôn. Cuộc đời của ta cũng hệt như thế. Nếu các bạn bỏ tất cả thì giờ và năng lượng của mình có vào những vật đựng nho nhỏ, sẽ không có chỗ chen chân cho những thứ khác quan trọng hơn.
Vì thế, đề nghị của tôi hôm nay, là: hãy chú ý đến những gì là trọng yếu cho hạnh phúc của mỗi người. Hãy cứ bỏ giờ ra, mà gần gũi con cái mình. Gần cha mẹ mình. Hãy năng thăm viếng ông bà, người già hoặc các vị trọng tuổi. Thỉnh thoảng cũng nên kiểm tra lại sức khoẻ. Đưa người yêu đi ăn tối. Giống như hồi chưa cưới. Làm thế, bạn vẫn còn thì giờ để dọn dẹp nhà cửa, sửa sang chỗ cần dọn. Hãy để tâm đến những quả bóng chơi gôn trước, bởi đó là những gì bức thiết, cần làm. Hãy sắp xếp thứ tự ưu tiên, cho mọi chuyện. Còn lại, thì tất cả vẫn chỉ là “cát bụi đường trần”, dễ làm thân.
Nghe thế, sinh viên trẻ nọ mạnh dạn giơ tay cao, phát biểu:
-Thưa. Đồng ý là như thế. Nhưng, sao thày lại đổ hai chai bia vào đó, thay vì nước lã?
-Câu bạn hỏi rất hay. Bia bọt đổ vào, là có ý nói rằng: trong hiệp thông nguyện cầu với nhau; hoặc, mỗi khi làm bất cứ chuyện gì, hãy nên nghĩ đến chuyện vui vui. Có bia có bọt, ngọt ngào đầy tình thương yêu khó kiếm, chốn lạnh lùng.
Truyện kể ở đây, hay chuyện minh minh hoạ hoạ kia, cũng là để ta minh và hoạ những gì bạn và tôi đang ưu tư bức xúc. Với hiệp thông. Nguyện cầu. Và thương yêu. Bởi, có hiệp thông – yêu thương trong nguyện cầu cũng chỉ để nói thêm, rằng:
“Bạn thân ơi cố gắng yêu thương người
Dù người không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài
Mặc người ai quen ai, hãy cho nhau một lời
Dù là nghe chua cay, dù là lời thoáng qua tai...” (Lê HựuHà _ bđd)
Lời chua cay, hay lời thoáng qua tai hôm nay, hôm ấy có thể là lời của tôi, hay của những người bạn, mà tôi và bạn chưa hề thân quen. Nhưng vẫn cứ yêu. Yêu và thương, vì ta vẫn là con yêu dấu, cùng nhà. Nhà một Cha. Nhà của Chúa. Rất nhà Đạo.
Trần ngọc Mười Hai
Vẫn thường ngâm nga
những âm vang đồng cảm
của nghệ sĩ Lê Hựu Hà, cùng nhà
nhà Việt
Rất quê hương