Saturday 30 November 2013

“Nàng hỡi....biết mấy hân hoan”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần Thứ hai Mùa Vọng Năm A 08-12-2013

Nàng hỡi....biết mấy hân hoan
khi ta bên nhau lần nữa? Và mắt môi em long lanh
khi nói với anh bằng ngàn lời ru êm ái.
(Nhạc Ngoại Quốc –Lời Việt: Nàng của Duy Quang)
(Mt 19: 16-19)
Có quá đáng chăng? khi bảo rằng: lời ca trên đây là lời nhắn đến với những “nàng” và “chàng” ở chốn gian trần từng có những lời hỏi giống như thế. Hỏi và nhắn, là nhắn và hỏi, rất như sau:

Nàng hỡi...Vẫn biết không ai xui ta nên duyên gặp gỡ.
Mà lúc quen nhau ôi ân tình đã bao giờ.
Hỏi rằng em ơi có nhớ?
Nàng hỡi....Biết mấy hân hoan khi ta bên nhau lần nữa,
Và mắt môi em long lanh khi nói với anh bằng ngàn lời ru êm ái.
Nàng hỡi....Vẫn biết không ai xui ta nên duyên gặp gỡ,
Mà lúc quen nhau ôi ân tình đã bao giờ.
Hỏi rằng em ơi có nhớ.”
(Nhạc Ngoại Quốc –Lời Việt: Nàng của Duy Quang)  

Có là nhiều chuyện? khi tôi và bạn, ta lại cứ trích và cứ dẫn thêm đôi lời nữa, để còn nhớ:

Em ơi! Mặc dù quanh đây lung linh bao nhiêu bóng hình.
Mà vì yêu em nên tim anh vẫn vô tình.
Một trời bao la hương hoa cho ta với mình.
Này em! Em hỡi.... Xin em!
Trở về nơi đây bên anh yên vui cõi đời.
Chỉ mình em thôi riêng anh mơ ước lâu rồi.
Như hình với bóng...không rời...”
(Nhạc Ngoại Quốc –Lời Việt: Nàng của Duy Quang)  

Có nhàm chán không? Khi bạn và tôi lại cứ nhắc và cứ nhớ thêm một lần nữa, lời cuối của nhạc bản, cứ bảo rằng:

“Nàng hỡi....Biết mấy hân hoan khi ta bên nhau lần nữa
Và mắt môi em long lanh khi nói với anh bằng ngàn lời ru êm ái
Nàng hỡi....Vẫn biết không ai xui ta nên duyên gặp gỡ
Mà lúc quen nhau ôi ân tình đã bao giờ.
Hỏi rằng em ơi có nhớ?
(Nhạc Ngoại Quốc –Lời Việt: Nàng của Duy Quang)  

Và, chắc cũng chẳng nhàm và chẳng chán, nếu tôi và bạn lại kéo nhau vào khu vườn truyện có những chuyện, rất nghe quen nhưng hơi lạ để cho vui, như sau:

“Một phụ nữ gọi điện thoại kể một câu chuyện nói rằng: cách đây vài năm khi đến thăm người cậu tại trai chăn nuôi ở Billing, tiểu bang Montana, bà có dịp đi ăn tối tại một nhà hàng mà không giữ chỗ trước. Thực khách phải đợi chừng 45 phút, và trước đó đã có nhiều chủ nông trại và các bà vợ xếp hàng đứng chờ.

Ted Turner và người vợ đã ly dị là Jane Fonda vào nhà hàng và muốn có một bàn. Người nữ tiếp viên cho biết là phải đợi 45 phút. Jane Fonda liền hỏi người tiếp viên: “Cô có biết tôi là ai không?” Người nữ tiếp viên trả lời: “Biết chứ, nhưng mà Bà vẫn phải đợi 45 phút”

Jane Fonda lại hỏi: Quản Lý hiện có ở đây không. Khi người quản lý bước ra, ông ta hói khách: Thưa tôi có thể làm gì được không ạ?

Ted Turner và Jane Fonda hỏi: Ông biết chúng tôi là ai chứ? Viên quản lý nhà hàng trả lời: “Biết chứ, nhưng mà những người đến trước cũng đang chờ, tôi không thể sắp chỗ cho hai người  trước họ được”

Ted liền ngỏ ý muốn nói chuyện với chủ tiệm. Khi chủ tiệm bước ra, Jane Fonda lại hỏi: Ông biết tôi là ai không” Chủ tiệm trả lời “Có, biết chứ (bởi vì tôi không quên được kẻ đã đâm sau lưng tôi). Mà ông có biết tôi là ai không? Tôi là chủ nhà hàng này và tôi là cựu chiến binh chiến trường Việt Nam. Ông bà không những không được sắp chỗ ngồi trước những bạn bè và láng giềng của tôi đang đứng đợi ở đây, mà còn không có chỗ tối nay và các tối khác! Chào ông bà! 

Chuyện chỉ xảy ra ở Hoa Kỳ. Một quốc gia thật tuyệt vời phải không? Hay là gì? Với quý vị đọc được chuyện này, đây là chuyện có thật và tên của nhà hàng là: Sir Scott’ Oasis Steakhouse, 204 W. Main, Manhattan, MT. 59741.

Nếu Quý Vị đến đây, xin ngả mũ chào, và thưởng thức một đĩa steak, thưởng cô tiếp viên. Hãy chuyển cho nhau tin này! Chúng ta không bao giờ quên kẻ phản bội đất nước chúng ta.”
(Sưu tầm và chuyễn ngữ: Lê Minh Khôi).

Vâng. Vui và kể thế rồi, giờ đây bạn cũng như tôi, ta cũng biết mình là ai? Sống thế nào? Nói năng và hành xử ra sao khi nghe đấng bậc nhà đạo mình lại cứ nhắc nhở những câu hỏi rất “băn khoăn” của Đạo Chúa, có lời Vàng Chúa gửi gắm rằng:

Bấy giờ có một người đến thưa Đức Giêsu rằng:
"Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?"
Đức Giêsu đáp:
"Sao anh hỏi tôi về điều tốt?
Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi.
Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn."
Người ấy hỏi:"Điều răn nào?"
Đức Giêsu đáp:"Ngươi không được giết người.
Ngươi không được ngoại tình.
Ngươi không được trộm cắp.
Ngươi không được làm chứng gian.
Ngươi phải thờ cha kính mẹ", và
"Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình."
(Mt 19: 16-19)

Về câu hỏi: “người đồng loại tôi là ai, để phải yêu? Cũng rất nhiều người nhiều vẫn cứ kể. Kể, để trả lời. Trả một lời cho câu hỏi rất thúc bách một “ưu tư” ở đời. Riêng có đấng bậc vị vọng ở Sydney là Lm Andrew Hamilton sj, cũng từng đặt vấn đề, rất như thế. Tuy nhiên, trước khi đi vào vấn đề rất chuyên môn của nhà Đạo, bần đạo thiết tưởng ta cũng nên duyệt qua một lần nữa, câu ca rất ỉ ôi, ai oán, của người nghệ sĩ nay ra người thiên cổ, vẫn cứ nhắn nhủ suốt đời mình:

“Em ơi! Mặc dù quanh đây lung linh bao nhiêu bóng hình,
Mà vì yêu em nên tim anh vẫn vô tình.
Một trời bao la hương hoa cho ta với mình,
Này em! Em hỡi....Xin em!
Trở về nơi đây bên anh yên vui cõi đời.
Chỉ mình em thôi riêng anh mơ ước lâu rồi.
Để mình yêu nhau như mây lang thang cuối trời...”
(Nhạc Ngoại Quốc –Lời Việt: Nàng của Duy Quang)  

Có quá tải không? khi bạn và tôi, ta cứ nghe những lời nhắn và hỏi như thế suốt chặng đường dài của bài “phiếm” hôm nay? Nếu quả có thế, thì giờ đây, xin bạn và tôi ta đi thẳng vào vấn đề tuy rất hay nhưng dài giòng nhiều triết lý và học về thần, rất thân thương như sau:

“Với phần đông Kitô-hữu trong/ngoài Đạo, rõ ràng Lời Chúa còn đó vẫn thúc giục mọi người người một câu duy nhất: "Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình." Yêu thương người đồng loại, gợi nơi ta nhiều ảnh hình. Như, ảnh và hình của thứ tình say đắm giữa Romeo và Juliet. Có thể là, tình anh lính chiến quyết hy sinh cho người trong nước được sống an-bình, hiền-hoà, không sách nhiễu. Hoặc, tình người vợ cao tuổi vẫn chăm lo cho chồng dù ông không còn nhận ra bà là ai. Hoặc, tình nữ-phụ dám nhẩy xuống chỗ nước sâu để cứu đứa trẻ vừa hụt hẫng chết đuối chẳng cần biết trẻ ấy con ai, bao nhiêu tuổi. Ảnh hình này, diễn tả tình thương sâu lắng của một người từng bày tỏ cho người khác, theo cách khác biệt.

Thương yêu người đồng loại, lúc nào cũng bao hàm tình cảm sâu sắc nhưng không căng. Ta yêu bạn bè người thân, thật rất gần. Ta còn vui sướng khi được gần gũi các vị ấy và nhớ nhung nhiều khi vắng bóng người mình yêu. Bằng cách nào đi nữa, “yêu người đồng loại” vẫn là cầu chúc cho họ được “mọi sự tốt đẹp”. Là, cảm thông, san sẻ cùng đi với họ chặng đường dài gian nan, khổ ải. Cảm thông/thân chúc cả những không quen mà chỉ gặp gỡ trong ganh đua/ thi đấu ở hiện trường, dù thua hay thắng.

Thương yêu, không chỉ là vấn để của cảm xúc, có giác quan. Khi yêu một người, ta còn chứng tỏ cho người ấy thấy ta làm gì cũng vì họ, cho họ. Tình yêu được cân đong đo đếm qua cách thức ta sắp đặt/chuẩn-bị làm mọi việc tốt đẹp cho người đó thay vì mải mê làm chuyện khác, cho riêng mình.

Thương yêu người đồng-loại, còn là yêu thương cả những người lạ lẫm ta chưa biết, hệt như đòi hỏi của Tin Mừng. Ở nhiều nơi trên thế-giới, mọi người nhìn nhau bằng cặp mắt rất xa lạ, đôi lúc còn như “muốn ăn tươi nuốt sống, lẫn nhau”. Trong tình cảnh đó, người người vẫn cứ sợ sệt, nghi kỵ lẫn nhau. Coi nhau như người/như vật nguy hiểm, nên xa lánh. Ở Tin Mừng, Chúa dẫn giải bằng thí dụ, hoặc dụ ngôn nói đến trường hợp người ngoài đạo, ngoài nước vẫn “dừng chân đứng lại” dù bận bịu, chỉ để chăm lo cho người bị nạn ở dọc đường. Ở Kinh thánh, Chúa không định nghĩa “ai là người đồng-loại của tôi”, nhưng Ngài lại cứ nhấn mạnh sự-kiện mọi người hãy tự hỏi: Tôi là người đồng-loại, của những ai. Tình ta thương yêu người đồng loại được đo lường bằng sự việc người khác yêu cầu/đòi hỏi ta quan tâm chăm sóc họ đến chừng mực nào, thôi.

Nếu hỏi rằng: sao ta cứ phài yêu người đồng-loại tức mọi người khác, chứ không phải là ta? Tuy câu hỏi hơi quá đáng để có thể trả lời cho ngọn ngành; nhưng, tựu trung, câu hỏi hay trả lời đề dẫn về thứ tình ta và mọi người có được từ con tim. Đó, là thứ tình được ta và mọi người diễn tả ra ngoài bằng cảm xúc/giác quan lâu nay mình vẫn có, với người khác. Tức, người được mình quan tâm, chăm sóc, hoặc yêu thương. Nếu hỏi lý do sao ta lại phải yêu như thế, thì người người sẽ coi đó như nghĩa vụ, hơn là tình thương-yêu xuất tự chính mình. Yêu thương người đồng loại, cũng chẳng do Chúa yêu cầu ta làm thế như nghĩa vụ hoặc điều kiện là dân con hiền từ, của Đức Chúa.

Người Do-thái-giáo và Kitô-giáo tin rằng: tình thương yêu ta có đối với người dưng khách lạ là thứ tình do lòng cảm kích biết ơn Chúa vì ta cũng là khác lạ người dưng từngđược đối xử như thế, bấy lâu nay. Khi người Do thái sống như khách lạ trên đất Ai Cập vẫn đói khổ, thì Chúa đã cảm kích yêu thương họ. Kinh nghiệm họ từng trải chắc chắn đã đem cho họ cũng một thiện cảm y như thế với người đồng hội đồng thuyền như mình và với mình.

Kitô-hữu cũng biết yêu thương người dưng khách lạ do bởi lòng cảm kích biết ơn Chúa về những gì Ngài phú ban cho ta. Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta đủ để Ngài gia nhập vào chốn trần gian cùng sống với ta và rồi Ngài còn chết cho ta nữa. Thành ra, tâm tình cảm kích biết ơn ta dành cho CHúa lại cũng tuôn chảy vào tình thương yêu đối với người đồng loại của ta là những người được Chúa thương yêu hết mình Ngài.

Thánh Phaolô tong đồ cũng nối kết hai thứ tình thương yêu Chúa và người đồng loại vào với nhau. Thánh-nhân từng nhận ra rằng: là con người, ta được nối kết với Chúa và người đồng-loại do bởi ta là chi thể của Thân Mình CHúa. Tình Chúa đối với tuồn trào vào với tình ta thương yêu các người anh người chị khác. Và, ta diễn tả tình yêu đối với Chúa bằng vào việc quan tâm chăm sóc người đồng loại của ta.

Vì thế nên, trọng điểm của niềm tin đi Đạo là “thương yêu người đồng loại”. Nhưng, tình ấy không đứng riêng một mình. Tình ấy không thể tách rời Tình Chúa thương ta và tình ta với người khác, tức đồng loại của ta. Thành ra, ta được mời gọi yêu thương nhau như Đức Giêsu đã thương yêu tất cả chúng ta. Ta còn biết: tình Chúa thương ta đã dẫn đưa Ngài đến cõi chết rất nhục. Thành thử, thương yêu người đồng loại là thứ tình mình đối xử với người dưng khách lạ, không giới hạn. Đó, là yêu cầu và luận điểm vẫn có trong truyện kể về người Samaritanô nhân hiền, tử tế.

Cuối cùng thì, khi so sánh tình Chúa yêu ta, thì tình ta thật nhỏ bé, rất yếu kém. Thế nên, có được tình thương sâu lắng, đó không là chọn lựa của ai mà là quà tặng ta có được từ Chúa. Và, chính vì tình thương ta có cách nhưng không như mình muốn hoặc mình đòi, nên thương-yêu-người-đồng-loại còn có nghĩa là: ta mong được tha thứ và chính ta cũng quyết thứ tha hết mọi người. Thương yêu bất cứ ai, cuối cùng còn có nghĩa, là: biết xót thương, nhận lỗi và thứ tha hết mọi người, để được tha thứ mãi suốt đời.” (x. Lm Andrew Hamilton, Tình Yêu Thương, Australian Catholics số đặc biệt Giáng Sinh 20132, tr. 17-20)             

À thì ra. “thương-yêu-người-đồng-loại” theo diễn giải của đấng bậc nhà Đạo, rất thật là như thế. Tức, luôn chúc cho bạn bè/người thân cũng như không quen hay không ưa thích “mọi sự tốt đẹp”. Yêu-thương-người-đồng-loại hoặc đại loại như vậy, còn được diễn-tả qua thư từ, tình-tự thầm kín rất lâu như giòng thư yêu-đương của người và của mình, như sau:

“Dao Ánh thân mến,
Cơn mơ kéo anh trở dậy vào lúc 3 giờ sáng. Bây giờ đồi núi Blao còn đêm mù sương và im lìm ngủ. Anh thắp nến trắng viết thư cho Ánh và trùm chăn quanh mình. Miền cao nguyên này lạnh suốt ngày.
Ánh ơi,
Anh hơi lạ lùng, là suốt những ngày lên đây anh thường nằm mơ có Ánh. Có Ánh rất yên lành qua những con đường xa lạ của một mùa Hè đã qua mà phượng vẫn còn đỏ ngời. Hình như trời vừa qua một cơn bão lụt nên con đường có vẻ xơ xác. Ánh mặc áo nâu, tóc mềm như mây có cả chiếc nơ màu mâu nhạt cài lên rất huyền hoặc. Anh còn nhớ là suốt con đường đi đó không khí bỗng ấm áp vô cùng. Anh đã trở dậy trong sự trống vắng dai dẳng ở đây...
 Anh có cảm giác mình là một hoá-thân-phiền-muộn lửng lơ trong một khoảng không nào đó. Không là đỉnh cao. Không là vực sâu. Một cái gì mang mang không rõ ràng. Căn nhà anh ở nằm chênh vênh ở một triền dốc. Buổi chiều ở đây chỉ còn tiếng gió hú thật não nuột về ru anh ngủ mà thôi. Anh cảm thấy như mình càng ngày càng đi vào những bất lực và vô vọng to tát hơn. Càng cố vùng vẫy thì càng bị siết lại hay càng bị ngợp chới với hơn.
Bây giờ đã xa tất cả. Anh em. Người thân. Bạn bè. Vùng đất này như một miền bỏ hoang mà anh đã hiện diện ở đây làm loài củi mục. Suốt ngày im câm như một số phần không tên, không tuổi, không còn dĩ-vãng – tương lai. Ngôn ngữ nào của đô thị, của thành phố ở dưới kia mà anh ao ước được nghe lại, được nói lại vô cùng Ánh ạ.
Hôm nay anh lên Đà Lạt (trước khi về đây), gặp Kim Vui (ca sĩ) lấy xe đưa anh đi chơi quanh thành phố đến khuya. Buổi chiều sắp tới anh có thấy thoáng ai giống như Vũ – anh gọi mà không nghe. Ở đây đi Đà Lạt và Sài gòn rất gần. Nhưng anh vẫn thấy có gì cách biệt xa xôi như không liên hệ gì với nhau. Đêm ở đây anh thường vào ngủ sớm (9 giờ) bởi vì thành phố không có một sinh hoạt vui chơi nào.
Thành phố cũng chưa có số nhà – ban đêm thì tối mù vì chưa có đèn đường. Trông bi đát lắm. Chán lắm Ánh ạ. Suốt ngày, ngoài những giờ làm việc buổi sáng, anh ngồi nhìn chiều về và đêm về trên những con đường dốc đất đỏ, mây thì xuống thật gần thật thấp. Chao ôi là buồn. Có lẽ anh cũng phải tìm cách nào để thoát khỏi nơi đây dù phải làm bất cứ gì để sống. Đời chúng anh phiêu bạt quá nên càng tự du mình ra xa những yên lành cũ. Có lẽ một ngày nào đó Ánh cũng gặp lại anh như gặp lại một sự xa – lạ, một “inconnu”, một “étranger” của một thời nào chưa hề có tên để gọi. Đất đai của chúng anh ở dưới kia, vực thẳm bi đát vừa tráng lệ. Anh mong rằng một ngày nào đó con người sẽ căng nọc mình ra trước toà án công minh của trời đất để thú tội để trả lời với sự sáng suốt trước mặt...
Sau đó. Sau đó sẽ không còn gì hay nếu còn con người thì những người đó yêu thương nhau, yêu chân lý, yêu sự thật, không dối lừa, không gạt gẫm mình, không sống bằng phù phép ảo tưởng. Mọi người bây giờ đang đánh lừa mình bằng ảo tượng. Không ai biết sống thực. Chưa ai biết sống cả Ánh ạ. Trên sân khấu rộng lớn vĩ đại của cuộc đời này, anh đã bắt gặp được dủ loại người: già, trẻ, giàu, sang, hèn, ngu, giỏi. Tất cả đều chạy tìm ảo tưởng. Từ đó, đâm ra phỉnh phờ bởi vì phỉnh phờ là yếu tố chính của những cuộc bán buôn. Nhưng rồi anh nghĩ rằng mọi người đều đáng thương, đều là những tội nhân đáng được ân huệ, tha bổng.
Bây giờ là đêm lại. Tiếng hát Thái Thanh và “Người ra đi” của Phạm Duy thật buồn. Thật buồn. Anh nhớ tất cả những người thân, nhớ vô cùng và thấy ấm ức vô cùng. Đêm đã mù sương ngoài kia. Anh không đủ can đảm để nói mãi chuyện buồn của mình. Ánh đã đi học lại chưa? Mùa thu lá có rụng nhiều ở Huế không?
Làm sao không nhớ những vết tích đã qua. Ôi những gì êm ả đâu còn đâu còn. Anh mong nhận được thư của Ánh về vùng Blao này những mùa lạnh ở đây sẽ ấm cúng hơn. Anh còn cả bao nhiêu tháng ngày rộng mênh mong trải dài cuốn hút đằng trước mặt. Thật ghê rợn như một ám ảnh đen địu.
Bây giờ tháng 9. Anh gởi về cho Ánh sương mù và mây tháng 9 ở đây. Không có quà gì đẹp và buồn hơn nữa cho Ánh.
Anh cầu mong cho Ánh còn vui hoài và bình an vô cùng ở đó.
Anh không biết phải gửi về cho Ánh ở đâu nên gửi nhờ Thuý đem qua hộ. Đừng phiền. Mong tin Ánh và “j’irai pleurer sous la pluie” (Khóc Trong Mưa).
Trịnh Công Sơn
(x. Trịnh Công Sơn, Thư Tình Gửi Một Người, nxb Trẻ 2012, tr. 11-16)

“Anh cầu mong cho Ánh còn vui hoài và bình an vô cùng ở đó”. Bình an và vui hoài, hai nhận-thức và cảm-nghiệm về tình “thương-yêu người đồng loại”, vẫn rất cần. Rất đáng để ta thương.
Phiếm-luận hôm nay, bần đạo không còn muốn luận và cũng chẳng muốn phiếm gì thêm nữa. Mà, chỉ muốn trích/dịch và dẫn-chứng những lời lẽ về tình “thương-yêu-người-đồng-loại”, rất đáng yêu. Trích dẫn rồi, việc còn lại xin để bạn bè/người thân cứ thế mà cảm và nghiệm, những tình thân thương của người mình, rất đồng loại. 
Minh định rồi, giờ đây bần đạo mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm chút nữa, những lời lẽ rất thân và cũng rất thương của người nghệ sĩ, như đang thở. Thở, một tình “thương-yêu (rất) đồng loại”, rằng:

“Này em! Em hỡi....em ơi
Mặc dù quanh đây lung linh bao nhiêu bóng hình
Mà vì yêu em nên tim anh vẫn vô tình
Một trời bao la hương hoa cho ta với mình
Này em! Em hỡi....Xin em
Trở về nơi đây bên anh yên vui cõi đời
Chỉ mình em thôi riêng anh mơ ước lâu rồi
Như hình với bóng...không rời...
Nàng hỡi....”
(Duy Quang - bđd)  

Thở và thương mãi thế rồi, hơi bạn và tôi, ta cũng hãy nhận ra thế nào là “thương yêu người rất đồng loại”, cũng sẽ thấy ý-nghĩa của nhu-cầu “yêu-thương-người-đồng-loại” là mục tiêu sống cho ta và cho người, cả bạn bè/người thân lẫn người mình không quen biết để cầu chúc tất cả mọi người được “mọi sự tốt đẹp”, rất trên đời.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ nghe và ngẫm nghĩ
Về tình người
tình thương yêu rất đồng loại
của riêng tôi








Monday 25 November 2013

“Anh đã hay trước sẽ có, sẽ có một sáng đẹp trời,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ Nhất mùa Vọng năm A  01-12-2013

“Anh đã hay trước sẽ có,
sẽ có một sáng đẹp trời,”
Sẽ có một sáng, một sáng không như bao ngày,
Ta không còn nồng ân ái, Môi nhạt môi ôi hững hờ.
Dẫu xa nhau, dẫu xa nhau...”
(Charles Aznavour: “Et Pourtant” - Nhật Ngân: Nếu Có Một Ngày)

(Mt 23: 9)
            Nếu có một ngày, ư? Đúng là như thế! Cái ngày, vào buổi sáng đẹp trời nọ, cả anh và em ta không còn cần đến “nồng ân ái, môi nhạt môi, ôi hững hờ”! Nhưng ở đây, không phải vì tình lạnh nhạt, mà ra thế. Nhưng vì, anh đã “cao bay xa chạy” khỏi người em yêu vào buổi chiều tối, chỉ để nghĩ đến những chuyện như sau:

            “Anh sẽ không tiếc, không tiếc năm tháng hoa gấm ngày nào,
Anh sẽ đi mãi, không biết khi nào quay về.
            Bước đi rồi là xa mãi, xa mù khơi xa muôn trùng.
            Xa tiếng nói, xa tay mềm. Hỡi em yêu!”
            (Charles Aznavour: “Et Pourtant” bđd)

            Nhưng ở đây, anh rày xa mãi đi mà không tiếc. Tiếc làm gì, khi anh đã có “tiếng gọi” âm thầm chốn xa xăm để trao thân gửi trọn hết tâm hồn cho nhiều người, ở huyện nhà hay nơi xa, để trở thành đấng bậc mà con dân nhà Đạo vẫn gọi anh: “Lạy Cha! cứ như thế.
            Như thế, là từ nay anh chỉ còn hát mỗi lần này, lời người nghệ sĩ khi xưa vẫn bảo:

            “Anh vẫn biết, vẫn biết đời anh chỉ yêu mỗi mình em,
            Anh vẫn biết, vẫn biết ngoài em chẳng yêu một ai.
            Anh vẫn biết, cho dẫu chua xót khi dứt đi những ân ái ngày nào
            Anh sẽ câm nín, ngăn khóc mắt hoen lệ trào,
Cho tâm hồn tựa con nước xuôi bình yên trôi êm đềm,
Dẫu xa nhau, dẫu xa nhau...”
(Charles Aznavour: “Et Pourtant” – bđd)

Thật ra thì, khi xa nhau anh hát thì hát thế. Chứ, một khi đã đi xa rồi, chí ít là xa em, xa bạn bè người thân để dấn bước vào chốn âm thầm nguyện cầu cho chúng nhân, thì đời anh sung sướng nhiều hơn nữa. Sướng rất nhiều, vì nay mọi người sẽ không gọi anh bằng “Anh” như em vẫn gọi, mà sẽ gọi bằng “Cha” hay “Bố”, cũng rất thường.
Thế đấy, là tâm tình của ai đó, khi hiến trọn cuộc đời mình cho cuộc sống ở chốn tu trì thầm lặng, có nguyện cầu, nghĩ suy về cuộc sống âm thầm và yêu mến hết mọi người để được mọi người gọi bằng “Cha”, thứ cha và bố rất “linh hướng”/linh hồn”, nhưng không linh tinh/lình xình, nhiều trăn trở.
Tuy thế, trước khi đi vào chốn có nhiều trăn trở, thở than về danh xưng “sao cứ gọi là Cha/là bố, tưởng cũng nên la cà khu truyện kể cho thư giãn tình cha/cố, cũng khá vui:

“Truyện là truyện vẫn được kể đi kể lại ở nhà Đạo, về “đại kết” như sau:
Quan-hệ “đại kết” giữa các giáo-phái nhiều lúc cũng không trơn tru, xuyên suốt dù là chuyện sống còn ở nhà Đạo. Chuyện “đại kết” gai góc, cứng như đá vừa được kể ở cột “6” trang 3 của tuần báo The Catholic Weekly trên mục-gọi-là “Parish Pump” rằng: hai nữ-phụ nhà đạo vừa kháo-láo với nhau về chuyện gia-đình gãy/đổ mà cả hai đều từng trải. Nữ-phụ đầu, lên tiếng hỏi người kia:
-Sao tôi thấy chị rất đẹp lại siêng năng chuyện đi đạo thế mà sao vẫn cứ “gẫy đổ” về đường chồng con là thế nào?” 
-Có phải chị có ý bảo rằng: bọn tôi bị “gẫy” là vì đi nhà thờ nhiều quá chứ gì?
-Ủa? Có cái vụ “chia tay/gẫy đổ” vợ chồng cãi nhau về chuyện đi nhà thờ nữa sao? Em lại nghĩ: chỉ mỗi chuyện tuổi tác, xấu/đẹp mới thành chuyện, thôi?
-Ấy chết. Chị sai rồi. Em đây cứ nghĩ vợ chồng chị đẹp trên mức tuyệt vời là thế mà sao vẫn chia tay, ly dị, sao lạ thế hả?! Chị có đi gặp cha/cố hoặc thày sáu gì chưa thế?
-Gặp để làm gì? Mấy ông “cha nội” ấy tối ngày chỉ biết đọc kinh, hết giảng rồi lại giảng biết gì chuyện chăn gối vợ chồng mà hỏi, chứ?
-Ấy chết! Chị đừng nói thế kẻo tội cho mấy ỗng. Em thấy nhiều ông linh mục bồ bịch cả đống, thế mà vẫn bắt bọn mình gọi bằng “Cha” thế có chết không, chứ!
-Em thấy: sở dĩ mấy ỗng bắt mình gọi bằng “cha”, còn chịu được. Đằng này, chồng cũ của em lại cứ nghĩ rằng “ỗng” là Đức Chúa Trời, rồi đòi đủ thứ chuyện, nhưng em dại gì mà tin những chuyện “lẩm cẩm” ấy. Ỗng không là ông “Trời”, gì hết. Em nói không nghe, thì: “Allê!”, giấy chia tay đây, cứ ký vào là xong. Vậy mà ỗng ký cái “rẹt” đó chị. Bởi vậy!
-Em thì khác. Chồng cũ của em cứ bắt em gọi mấy ông linh mục bằng “Cha”, mà em thì không chịu gọi như thế, nên “ỗng” đưa em ra toà đòi ly thân xong rồi ly dị. Chị có nghĩ rằng ỗng có ý gì khác không, thế?  (x. Parich Pump, The Catholic Weekly, `0/11/13, tr.3)

            Thật ra thì, mục “bên lề” cột 6 ở trên báo, cũng chỉ là chuyện vui trong tuần để bà con mình được thư giãn đôi chút chứ cứ suy ngẫm mấy chuyện đạo nhiều quá, sợ “mụ” người. Thôi thì, mình có gọi cha, bố hay cha/cố, cũng chỉ là lối xưng hô nó quen miệng, cũng khó bỏ. Rất khó, như chính đấng bậc nhà Đạo mình ở Sydney chuyên phụ trách mục “gỡ rối tơ lòng” nhà Đạo, lại đã có đôi lời giải đáp khi con dân trong Đạo ghi thư hỏi rằng:

“Thưa Cha. Con còn nhớ Thánh Kinh có đoạn viết rằng: Chúa từng khuyên mọi người đừng nên gọi ai ở dưới đất này bằng “Cha”, bằng“Thày” hết. Thế thì, theo đúng đòi hỏi của Kinh Thánh, ta có được phép gọi các người cha ở dưới đất này bằng “Cha” được không? Và thêm nữa, làm thế nào trả lời cho những người không theo Công giáo nhưng cũng từng biết đến Kinh Thánh lại vẫn thấy người Công giáo gọi các linh mục là “Cha” nghĩa là làm sao?” (trích câu hỏi một độc giả gửi về tuần báo Đạo hôm nào).

Hỏi và đáp,không chỉ một lần, là xong. Hỏi chuyện “cha/cố” với xưng hô nhiều lúc thấy cũng khó cho một số vị. Khó cho ai đâu không biết, chứ với đấng bậc vị vọng thuộc Tuần Báo Công giáo ở Sydney, vẫn có quan niệm chắc nịch, như sau:

“Thật ra, đúng là Kinh Thánh có trích dẫn lời Chúa bảo rằng: Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.” (Mt 23: 9). Thế nhưng, nên hiểu lời dạy của Chúa như thế nào, đó mới là vấn-đề.

Rõ ràng là, Đức Giêsu không cấm ta gọi các ông cha ngoài đời là “Cha”. Cũng thế, Ngài không cấm ta gọi các bà mẹ ở dưới đất là “Mẹ” đâu. Chẳng có gì tự nhiên và hợp lý cho bằng xưng hô với các vị sinh ra mình bằng các tước hiệu như thế.

Chính Đức Giêsu cũng đã dùng tước hiệu như thế khi Chúa nói về các bậc cha mẹ ở dưới đất, như câu Ngài nói: Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mt 10: 37)

Quả thật, chỉ vì lý do duy nhất ta có thể hiểu được việc làm cha ở dưới thế trần này ta mới nắm bắt được ý nghĩa của tình cha thiêng liêng cao cả như khi ta xưng hô với Chúa bằng lời cầu trong kinh “Lạy Cha”.

Như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có viết: “Ngôn ngữ của niềm tin, vì thế, dẫn ta về với kinh-nghiệm làm cha làm mẹ những vị -theo cách nào đó- là đấng bậc đầu tiên đại-diện cho Chúa đối với con người... Thiên Chúa cũng thăng-hoa tình phụ-tử và mẫu-tử bởi Ngài là nguồn gốc cũng như chuẩn-mực cho ta, nên không một ai sống chức-năng của người cha nơi Thiên-Chúa-là-Cha.” X. Sách GLHTCG đoạn #239). Thành thử, rõ ràng là Đức Giêsu vẫn muốn chúng ta qui về với các vị làm cha làm mẹ ở dưới thế.

Cũng thế, ta cũng sử-dụng danh xưng “Cha” theo nghĩa linh-thiêng và tự-vựng này cũng được thấy ở Kinh Thánh. Tỉ dụ như: trong sách Cựu Ước, Giuse có nói rằng: Giavê Thiên-Chúa đã tác-tạo: “Vậy không phải các anh đã gửi tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa. Người đã đặt tôi làm cha của Pha-ra-ô, làm chúa tất cả triều đình, và làm tể tướng trên khắp cõi Ai-cập.” (STK 45: 8). Trong khi đó, ông Gióp cũng bảo: “Tôi là cha của người nghèo túng, tôi xử kiện cho người xa lạ.” (Gb 29: 16) Còn, Êlisha lại kêu lên: "Cha ơi! Cha ơi! Hỡi chiến xa và chiến mã của Israel!" Rồi ông không thấy thầy mình nữa. Ông túm lấy áo mình và xé ra làm hai mảnh.” (2Vua 2: 12) Ở đây, chuyện xưng hô gọi là cha, những vị chăm lo cho người khác về phần linh-hồn.

Việc sử-dụng danh xưng này cũng gặp thấy ở sách Tân Ước. Thánh Phaolô thường qui về các tín-hữu tiên-khởi như con cái của thánh-nhân và coi mình như người cha chung của các tín-hữu này. Tỉ như: khi thánh-nhân ghi thư gửi giáo-đoàn Côrinthô, thánh-nhân đã từng viết: Tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của tôi.15 Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Ki-tô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em.” (1Cr 4: 14-15). Ở một thư khác, thánh-nhân lại cũng viết: “Anh em biết: anh Ti-mô-thê đã chứng tỏ mình là người có giá trị, bởi vì anh ấy đã cùng với tôi phục vụ Tin Mừng, như con với cha.” (Phi 2: 22)

Thánh Phaolô là người từng chịu khổ để gieo vãi hạt giống đức tin cho cộng-đoàn tín-hữu tiên-khởi, và thánh-nhân lại đã yêu thương họ rất mực, cứ tự coi mình thực-sự là “cha” của những người như thế. Và mọi người khi ấy, lại cũng coi thánh-nhân như người cha tinh-thần, của họ.

Từ các chương/đoạn Kinh thánh như thế, thật dễ hiểu là làm sao người Công giáo ta và một số Kito-hữu thuộc giáo-phái khác cũng gọi các vị mục-tử của họ bằng “cha”. Nói cho cùng, thì các linh-mục cũng đổ tràn lợi ích thiêng-liêng sâu-sắc cho dân con trong Đạo mình. Nên, các vị ấy cũng thấy mình như cha của họ, đó là theo nghĩa nào đó cũng rất thực.

Vậy, hỏi rằng: Chúa hiểu thế nào khi Ngài phán dạy, là: đừng nên gọi bất cứ ai ở dưới đất này là “cha”? Dĩ nhiên, Chúa chỉ muốn cho thấy rằng: khi ta dùng danh xưng “cha” để qui về những người khác biệt ở dưới thế và cũng rất nên làm thế mới xứng-hợp, vì không ai là cha như Chúa, cả. Chúa là Đấng mà mọi tình phụ-tử ở dưới đất này sử-dụng danh xưng (x. Eph 3: 15) Chúa là Cha theo nghĩa đích-thực nhất. Ngài là nguồn cội tiên-khởi của mọi sự và là Đấng quyền-uy siêu-thăng và “Ngài cùng một lúc là sự lành thánh chăm lo cho mọi người con của Ngài”. (x. GKHTCG đoạn #239). Các người Cha ở dưới đất có được đặc-trưng chất-lượng này theo cung-cách hạn-chế mà thôi.

Ta cũng đừng nên quên rằng: cùng vào lúc Chúa nói đừng gọi ai ở dưới đất là cha, thì Ngài cũng nói thêm:
"Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một  Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô.” (Mt 23: 8-10)  

Như thế, là Ngài muốn chỉ về đám kinh-sư/Biệt Phái, là những người vẫn thích được gọi là thày tư-tế, bậc thày dạy hoặc “ngài” và muốn người khác coi trọng quyền-bính của họ.

Nói tóm lại, Đức Giêsu không cấm ta gọi bất cứ ai ở dưới đất này là “Cha”, hoặc “thày”, hoặc “ngài”. Chúa chỉ muốn nhắc đám kinh-sư/Biệt-Phái và tất cả chúng ta luôn nhớ rằng: khi làm điều này, ta phải luôn nhớ rằng: chỉ một mình Chúa mới thực sự là “Cha”, là “Thày” và là “Ngài” thôi. (xem Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 24/8/2008 tr. 10)

            Đức thày giòng họ Flader nói huyên thuyên rất nhiều, cũng chỉ để kết-luận rằng: “Chúa không cấm!”  Quả thật, Chúa có cấm đoán điều gì bao giờ. Sở dĩ, bà con ta cứ hỏi tới hỏi lui là để biện-luận cho vui chuyện ngôn-ngữ đời thường. Mà, ngôn-ngữ vẫn có giới-hạn của nó, dù ở trong Kinh sách hoặc thánh-truyền. Hơn nữa, tự-vựng “Đừng” đâu có nghĩa là “cấm đoán”. Vả lại, ta có gọi vị nào đó là “cha” hay “bố” theo nghĩa kính trọng chức “thánh” của các vị ấy. Nhưng, ngay như ngôn-ngữ nhà Đạo hiện thời đã kỳ thị trên dưới, hoặc huý kỵ rồi. Cứ hết gọi “cha” rồi lại “Đức cha”, và “Đức Thánh Cha” và còn “Đức Ông”, “Đức Bà” nữa.  
             Cũng may là nhà Đạo hôm nay đã có “Đức Thánh (là) Cha” Phanxicô đã kịp thời ngăn cấm dân con mình dùng tước hiệu của các linh-mục có chức có quyền trong hệ thống hành-chánh Vaticăng là “Đức Ông”, cũng có lý do chính đáng. Dứt khoát không thể gọi ‘Ông cha” hoặc thày cả dù có làm đến chức gì đi nữa là “Đức Ông” được. Bởi lẽ, “Đức Bà” thì ta chỉ có mỗi mình Đức Maria mà thôi. Còn, “Đức Ông” sao mà nhiều thế!
              Bần đạo đây, xưa nay vẫn gọi cha sinh mẹ đẻ mình là “thày/me”, nên dù có tôn kính các cụ cho lắm cũng không thể xưng hô bằng “Đức Thày” hoặc “Đức Me” được. Bở nếu không, thì bạn bè của bần đạo sẽ bắt chước gọi cha đẻ của họ là “Đức Bố” (bố đây không phải bố thắng đâu), hoặc “Đức Bá Bá” được, dù “Chúa không cấm”. Hy vọng rồi ra, Đức Thánh (là) Cha Phanxicô của ta sẽ còn ngăn “cấm” bà con gọi các giám (sát linh) mục là “Đức Cha” hoặc “Đức Tím Y” nữa cũng nên, ta cứ chờ xem.
              Nói cho cùng, thì đối với “cha” đạo hoặc “đức bố” trong đạo thì như thế, còn nghệ sĩ ngoài đời sẽ chẳng đặt nặng vấn đề xưng hô chức tước cho thật to cho bằng chỉ ngâm nga câu ca/ý nhạc mà hát rằng:

              “Anh sẽ lê gót, đi mãi đi mãi xa tít mịt mờ,
              Anh sẽ quên hết, quên trái time m lạnh lung
              Với hai bàn tay anh sẽ, xây tình yêu, xây ân tình
              Cho năm tháng trái tim nồng tràn ân ái, hỡi em yêu!”
  (Charles Aznavour: “Et Pourtant” – bđd)

Vâng. Nói và hát những lời người nghệ sĩ vừa ca vừa hát rồi , hôm nay tưởng cũng không nên quá đặt nặng vào chuyện: có nên gọi đấng bậc nhà đạo mình bằng “cha” hay không, mà là: phải thông cảm thế nào với các đấng bậc lâu nay tuy vẫn “làm cha thiên hạ” rất nhiều người cách thiêng liêng, nhưng vẫn ăn hiền ở lành, và nhất là vẫn giữ mồm giữ miệng, làm thinh chẳng nói năng chi cho thêm phiền. Thế mà các vị này vẫn bị người đời hay nhà Đạo chê trách, tựa như cảm nghiệm của bậc đàn anh và là thày dạy khi xưa từng bộc bạch với bà con trong họ, ở chỗ riêng tư rằng:

“Mến thăm T.
Cậu vừa đọc thư con. Mấy trang của Bác T. Cậu đã đọc rồi. Tú Gàn trước 75 (Nguyễn Cần trên báo Thẳng Tiến) cũng như sau 75 vẫn không ưa gì cậu và hay đâm thọc cậu. Bác T. phê bình ông ta thì cậu càng dễ (!) đồng tình thôi. Có điều, một lần nữa, cậu lại thấy Bác ấy cũng như Tú Gàn vẫn nói từ một quan-điểm, lối nhìn xa vời nào đó.

Điều đáng tiếc nhất là cậu thấy rốt cuộc bác T. và Tú Gàn lại đồng thuận ở chỗ cho rằng có bất thuận (nếu không phải là mâu thuẫn) giữa các giám mục nói chung và cha Lý. Vậy là góp hơi cho người ta đấy.

Cậu chỉ tạm nêu lên vài câu hỏi để con suy nghĩ thêm: Không có tự do ngôn-luận có phải cũng là không có tự do ...im lặng? Và khi đó cũng cần phải can đảm và liều lĩnh mới dám im lặng? Đã lỡ có vị trí tinh thần nào đó, bác C.T. và cậu biết thế nào là phải trả giá cho sự im lặng, không hoan hô đả đảo theo chỉ thị. Nhất là trong mươi năm đầu sau 1975. Nói gì đến vị trí và trách-nhiệm của các giám mục. Tại sao trong chuyện này, không thấy sự im lặng của họ đã là vang rồi? Người mình còn nói: làm thinh là tình đã thuận cơ mà. Cậu không ham bênh gì các ngài, nhất là Đức Tổng T. sau thư con viết về kinh-nghiệm của con. Nhưng, sự im lặng của Đức Tổng cho đến nay không đủ ý-nghĩa sao?

Phần cậu, con xem “Hẹn Thắp Lên” thì rõ, hầu như không bao giờ cậu mong hay đòi hỏi các giám mục phải biểu đồng tình với mình. Sự tự do con cái Chúa được tôn trọng và các ngài làm thinh đã là quý rồi.

Giờ đây, trong chuyện này, con nghĩ xem, biết đâu các ngài không sợ người ta bằng ngại con cái trong nhà phê phán như cậu đã viết về Đức cha M. hay Đc Tuần cho nên cứ giữ được sự im lặng? Chính im lặng như thế là chưa sa chước cám dỗ mà “nhượng bộ”.

Cậu chỉ tâm sự với con để mở một hướng cho con suy nghĩ thêm thôi. Thư cậu gửi, nếu con thấy đáng thì cậu nhờ con gửi cho cha HỒ Đỉnh, chú T. Và bác TPV để đọc riêng. Con chúc lành và cầu nguyện cho cậu mợ.” (trích thư Gs NNL gửi cho người cháu hôm 29/3/2001)

            Trích dẫn hoặc dịch thuật các lập trường về danh xưng hoặc tư thế im lặng của các đấng bậc trong Đạo bị chê trách nhiều thứ, có khi cũng là bổn phận để bạn và tôi, ta có thêm không chỉ một thứ thông tin đơn thuần, cần thiết mà còn là suy tư thêm về cung cách xử thế của mọi người ở đời.
            Xử thế ở đời, là cách thức thật không dễ, vì thường bị hiểu sai trệch ý của người xử theo tư thế tư riêng, âm thầm, trầm lắng. Chẳng thế mà, có những sự việc trong đời nghe qua tưởng dễ hiểu, dễ nhận xét cách đúng đắn, nhưng sự thật lại khác hẳn. Khác, như lời kể của một đấng bậc khác trên báo Đạo Sydney, cũng cột 6, vào ngày khác rất như sau:

“Sau một bài chia sẻ khá dài và lại dễ đưa lòng người vào tư thế “gật gù” dù có đồng ý với nội dung hay không. Dù thế, sau lễ, giáo dân ra về cứ lẳng lặng chẳng nói năng hoặc đàm đạo thêm điều gì với vị giảng thuyết hết. Riêng người giáo dân cuối cùng, cứ chần chờ định nói điều mình suy-nghĩ về bài chia sẻ, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Mãi đến khi cha giảng đi thẳng đến vị này bắt tay rất chặt, mặt rất mừng rồi chào và hỏi lý do gì mà sao anh ta đăm chiêu thế. Vị này bèn nói:
-Bài chia sẻ của ngài hôm nay làm tôi suy nghĩ rất nhiều về sự an bình lặng lẽ và tình yêu đậm đà của Chúa.
-Thật thế sao? Xưa nay chưa có ai nói với Cha như thế cả. Là sao vậy?
-Chẳng ai nói gì là vì ngài cứ xưng “cha” với cả người lớn tuổi thì ma nào dám nói.
-Hôm nay, ông không gọi tôi là cha tức dám nói lên điều gì về bài tôi giảng đó hả?
-Vâng. Nghe bài chia sẻ hôm nay của ngài, tôi nghĩ nhiều về sự an bình của Chúa vì chẳng có ai phản đối ý kiến của ngài hết; thứ hai nữa, bài này kéo dài đến thiên thu như cốt để chứng mình rằng: Tình Yêu của Chúa, cũng kéo dài  vô tận, mãi như thế...
-Cảm ơn. Cảm ơn. À thì ra, ai không gọi các linh mục là “cha” tức: họ có lý của họ đấy chứ! (x. Parish Pump, The Catholic Weekly, 03/11/2013 tr. 3)                

Những điều trích dẫn và kể lại ở trên, chỉ cốt để minh hoạ một điều là: sống Đạo giữa đời và với đấng bậc ở nhà Đạo còn có nghĩa: trong tư thế và xu thế đối xử với đấng bậc ở nhà Đạo, người dân đi Đạo không có ý kiến gì để trao đổi với các đấng bậc không phải vì họ không có kiến-thức hoặc ý-kiến đề ra, mà ngại ngần nói ra thôi.
Nói mà làm gì khi mọi ý/lời giữa người nói và người nghe, đều như được diễn tả ở câu cuối nhạc-bản ở trên vẫn thấy hát, rằng:

“Với hai bàn tay, anh sẽ xây tình yêu xây ân tình
Cho năm tháng trái tim nồng tràn ân ái, hỡi em yêu.
 Anh vẫn biết, vẫn biết đời anh chỉ yêu mình em
Anh vẫn biết: ngoài em chẳng yêu một ai...
Anh vẫn biết...”
(Charles Aznavour – bđd)

Vâng. Đúng thế. Có gọi linh mục, giám mục là “Đức” gì đi nữa, thì xin bạn và xin tôi hãy cùng hát với nghệ sĩ ở trên rằng: “Anh vẫn biết, vẫn biết đời anh chỉ yêu mình em..., chẳng yêu một ai”, dù ai có gọi anh, gọi “Em” là gì cũng mặc. “Anh vẫn biết, vẫn biết ngoài em chẳng yêu một ai... vẫn biết hoài biết mãi, biết dài dài. Suốt một đời.

Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc vẫn muốn ca và hát
những ý/lời như thế
mãi khôn nguôi.