Chuyện Phiếm đọc
trong tuần thứ 32 mùa thuờng niên năm C 10-11-2013
“Chiều
nay gió Đông về,”
Dừng chân trên bến xưa.
Đời trai gió sương về thăm cố hương
tim bao nhớ thương mà sao phố phường ... vắng?
Tình sầu lạnh buốt đệm trường.”
(Khánh
Băng – Sầu Đông)
(1Cor 8:9 )
“Sầu Đông”, hay “đời trai gió sương” cũng chỉ để “tìm bao nhớ thương”, “tình sầu lạnh buốt đêm trường.” Tìm và nhớ đời
trai gió sương, còn là nhớ lại những chàng trai còn rất trẻ thời đó cứ lăn lộn
suốt đêm trường như gợi nhớ một kinh nghiệm đời của vị Linh mục “Bụi”, như sau:
“Con người sinh ra,
ai cũng có cha, có mẹ, có một gia đình... Không có ai từ đất nẻ mà chui lên...
Nhưng vì hoàn cảnh, vì xã hội, vì giáo dục v.v... có một số người kém may mắn,
mất hoặc xa cha mẹ sớm, nên phải sống lang thang, không gia đình... Đó là
trường hợp các em mà người ta gọi tắt là “bụi đời”; nghề sinh sống của các em
thường là đi đánh giầy...
Lúc đó, năm 1963, tôi
làm quản lý trong Dòng Chúa Cứu Thế ở Rạch Dừa, Vũng Tàu. Trong những lúc đi
chợ cho Nhà Dòng, tôi có dịp gặp nhiều em đánh giầy, và lần lần quen thân với
các em...
Một hôm, tám em đánh
giầy tới xin tôi ở... Tôi cười và nói: "Bộ tụi con muốn đi tu hả, nhà này
là một Tu Viện mà?" Các em trả lời: "Không, tụi con muốn ở với
cha"... Ở với cha mà không chịu đi tu: đó là cả một vấn đề. May phước tôi
làm quản lý Nhà Dòng, nên có một khu riêng dành cho gia nhân, những người giúp
việc cho Nhà Dòng. Để tám đứa ở chung với những gia nhân đó, trong bụng
tôi nghĩ thầm: ở đây buồn chết, chúng nó ở ít ngày rồi sẽ đi sống lại ngoài
chợ, vui nhộn hơn...
Dè đâu, chúng nó
không đi, mà còn rủ thêm các đứa khác đến ở... Thấm thoát, con số lên tới hơn
hai chục. Bấy giờ "Chúa mới can thiệp vào vấn đề".
Trước mặt Nhà Dòng là
một phi trường. Phi cơ và trực thăng của quân đội Mỹ bốc lên đáp xuống liên lỷ,
làm các Cha dạy học ở Đệ Tử Viện, không dạy được. Các Cha phàn nàn với Cha Bề
Trên Giám Tỉnh, và Cha Bề Trên Giám Tỉnh mới giải quyết: đưa Nhà Đệ Tử lên
Sàigòn. Thế là cả Nhà Dòng và Nhà Đệ Tử ra đi di tản, để lại mấy chục em bụi
đời. Và tôi ở lại với các em...
GIA ĐÌNH AN PHONG bắt
đầu tự túc: nuôi gà để nuôi nhau; khởi sự với hai mươi con, đến ngày 30 tháng 4
năm 1975, số gà lên tới hơn 6.000 con, và từ trước đến lúc đó đã ăn không biết
bao nhiêu và đã bán biết bao nhiêu... Bàn tay của Chúa thấy rõ ràng. Chúa sinh
Chúa dưỡng.
Nhờ đường lối Chúa
soi sáng mà số các em mỗi ngày mỗi tăng thêm. Tôi nói với các em: Chúa dựng nên
con người và cho hoàn toàn tự do. Cho nên trong nhà của mình, chúng con muốn
làm gì thì làm. Đứa nào muốn đi học, cha cho đi học. Đứa nào muốn học nghề, cha
cho học nghề. Còn đứa nào muốn ở không chơi, không làm gì hết, vẫn cứ được như
thường. Không làm gì hết mà đến bữa ăn, có quyền đến ăn như mọi người, vì mình
là đứa con trong nhà thì mình có quyền ăn, còn làm việc là chuyện khác. Nghe
vậy, đứa nào cũng thích, và tụi nó mới rủ nhau đến ở càng ngày càng đông...
Một
hôm, mấy anh lớn có ý kiến giáo dục hay, mới bàn với tôi. Chúng con muốn chia
nhóm. Chia nhóm là làm sao? Tất cả tụi con đều là bụi đời. Vậy thì mấy em nhỏ,
đi học, là nhóm "Bụi Non". Còn các anh lớn, học nghề, là nhóm
"Bụi Già". Còn mấy anh em không làm gì hết là nhóm "Bụi Cà
Nhỏng"! Nói rồi và làm liền... Mấy anh em nhóm "Cà Nhỏng" hơi
quê xệ một chút. Nên từ từ rồi mấy anh
em đó gia nhập nhóm "Bụi Học Trò" hay "Bụi Học Nghề"... Thế
là ý kiến giáo dục của mấy anh lớn đã thành công mỹ mãn.
Lúc ấy, cơ quan viện
trợ Công Giáo Mỹ có cho bột mì, làm bánh mì cho học sinh nghèo. Tôi mới kêu một
ông thợ làm bánh mì người Trung Hoa, Chú Hai. Chú Hai xây một cái lò củi nướng
bánh mì. Tôi nói với các em: đứa nào muốn học làm bánh mì thì đi với Chú Hai.
Một số mấy anh lớn đi với Chú Hai... Tôi cũng có mướn hai ông thợ máy: anh Hai
và anh Ba. Tôi nói với các em: đứa nào muốn học nghề thợ máy sửa xe hơi thì đi
với anh Hai, anh Ba... Thế là mấy tháng sau, trong nhà có hai băng thợ làm bánh
mì và thợ máy sửa xe hơi... Như thế là GIA ĐÌNH AN PHONG đã khai trương Lò Bánh
Mì AN PHONG và Garage AN PHONG, thêm phương tiện nuôi sống các em.
Với
thời gian, GIA ĐÌNH AN PHONG và xe camionnette Peugeot 404 của cha Qui được các
em đánh giầy chẳng những ở Vũng Tàu mà cả Sàigòn-Chợ Lớn biết và nhận diện. Các
em rủ nhau vô ở càng đông... Một hôm tôi đi chợ ở Chợ Lớn. Đi chợ xong, trở lại
xe, tôi thấy mười một em với thùng giầy trên tay, ngồi sẵn trên xe: các em ngồi
chơi vì biết là xe của cha Qui. Tôi ngó các em, các em nhìn tôi cười, chào
nhau. Tôi mới buột miệng hỏi các em: "Cha đi về Vũng Tàu nè, đứa nào muốn
đi Vũng Tàu tắm biển vài ngày rồi trở về Chợ Lớn lại, cha sẽ chở về... Các em
dòm nhau, hỏi ý kiến, rồi bảo nhau: Mình phải đi trả thùng giầy cho "anh
nuôi" đã... Mỗi em có "anh nuôi" và thùng giầy riêng của anh đó.
Mấy em nhanh chân, nhẩy xuống xe và trong mấy phút, chạy trở lại, nhẩy lên xe,
ngồi gọn gàng, vui cười khoái chí...
Thế
là 11 em đánh giầy ở Chợ Lớn, không cần tính toán lâu, bắt đầu đi Vũng Tàu tắm
biển... Thứ hai tuần sau, tôi có dịp lên Sàigòn. Tôi gọi 11 em hôm trước đến và
hỏi: "Cha đi Sàigòn đây, tụi con muốn về thì lên xe". Các em ngó
nhau, cười và đồng thanh: "Không, tụi con không về, tụi con ở lại đây với
cha..." Vậy là GIA ĐÌNH AN PHONG tăng số thêm 11 người nữa...
Cùng với các em bụi
đời, có nhiều gia đình nghèo, cũng đến xin ở. Dần dần số những người này cũng
lên đến mấy chục gia đình...
Lại
có những em sơ sinh: cha mẹ sinh ra, rồi không thể nuôi được, đem đến gởi GIA
ĐÌNH AN PHONG nuôi giúp. Hoặc các bà mẹ ôm con ra ngoài chợ, rồi nhờ các bà
biết đường giây, ẵm vào GIA ĐÌNH AN PHONG giùm... Thành phần thứ ba này gia
tăng cũng nhanh; cuối cùng trong nhà cũng được ba phòng, mỗi phòng 40 chục cái
nôi... Cùng với các em, Chúa cũng gởi mấy bà, mấy chị đến tình nguyện nuôi các
em... Việc của Chúa làm bao giờ cũng lạ lùng...
Thêm các gia đình
nghèo và các em sơ sinh, thì thêm miệng ăn. Chúa lại gởi quân đội Mỹ và Úc đem
đồ giặt đến: GIA ĐÌNH AN PHONG lại thêm nhà giặt ủi để nuôi sống nhau... Tạ ơn
Chúa !
Nhờ Chúa soi sáng và
dẫn dắt, đường lối làm việc trong GIA ĐÌNH AN PHONG tóm tắt trong một câu:
"Tôn trọng tự do và yêu thương lẫn nhau". Cho nên GIA ĐÌNH AN PHONG
không từ chối một người nào đến xin giúp đỡ. Kết quả: ngày 30 tháng 4 năm 1975,
con cái Chúa, tính ra được: hơn 300 em bụi đời, hơn 100 ông bà gia đình nghèo,
và hơn 100 em bé cô nhi...
Đó là tiểu sử ngắn
gọn của GIA ĐÌNH AN PHONG, hôm nay được gởi lên mạng internet. Hy vọng ông bà
anh chị nào đã sống cùng nhau thời gian ngắn dài nào đó, tìm dịp về gặp lại
nhau, chia sẻ vui buồn với nhau. Liên lạc với GIA ĐÌNH AN PHONG ở Pháp: Lm.
Nguyễn Văn Qui, 11 rue des Bornes – 95120 Ermont – France, điện thoại trong
nước Pháp: 0134150584; điện thoại từ ngoài nước Pháp: 33134150584.” (x. Lm. Louis NGUYỄN
VĂN QUI, DCCT Gia Đình Của Những Người
Không Gia Đình, Duc in Altum số 83 www.giadinhanphong.com)
Trích dẫn đôi giòng sử liệu về gia
đình “bụi” mang tên An Phong, là để bạn và tôi, ta có đôi chút sử-tính về sinh-hoạt
của cha già Louis Nguyễn Văn Qui, một trong các linh mục rất hiếm hoi thuộc
Dòng Chúa Cứu Thế vẫn lo cho đám trẻ lang thang ngoài phố chợ, rất linh tinh.
Trích và dẫn, là để dẫn nhập đôi giòng chảy của một đấng bậc vị vọng khác ở
Sydney, cũng đã lo cho đám bụi đường/bụi xá, khá Úc Châu.
Nhưng, trước khi trích và dẫn như thế,
cũng xin mời bạn/mời tôi, ta hãy thả hồn vào với ý/lời của nhạc bản rất “Sầu
Đông” mà hát ca đôi ba điều:
“Rồi
ngày mai sẽ ra đi phương trời,
Biết đâu trên đường vạn nẻo từ ly.
Biết đâu cuộc đời ngày mai đổi thay.
Mà tôi vẫn còn tiếc, nhớ phút giây ban đầu.”
(Khánh Băng – bđd)
Ra đi khắp bốn phương trời như thế, tôi
và bạn lại cũng sẽ gặp ở dọc đường những lập trường/tư tưởng của đấng bậc vị vọng
khác lại cũng viết như sau:
“Bỏ tù đám người trẻ ư? Đó chỉ là giải pháp “đối đế” sau
khi đã thực hiện các nỗ lực khác như: phục hồi chức năng con người, từng thất bại
nhiều lần.” Đó là lời của Lm Chris Riley, Giám đốc Điều hành nhóm “Tuổi trẻ Bụi”
từng nói với phóng viên truyền thông ở Úc, đại loại như thế.
Lập trường này được đưa ra, vào khi có bài khảo
sát/nghiên cứu cũng rất kỹ cho thấy: lớp người trẻ tuổi một khi đã ra tù rồi lại
sẽ phải đối đầu với cái chết đang lẩn quẩn bên mình, khả năng này tăng lên gấp
20 lần so với các người khác ở cộng đồng.
Nghiên-cứu-gia Stuart Kinner thuộc Đại học Melbourne và
Kate van Dooren thuộc Đại học Queensland đã xem xét hổ sơ của 42 ngàn người từng
được ra khỏi trại tù ở bang Queensland, nước Úc từ năm 1994 đến 2007 được công
bố trên tờ “The
Australian”, cách nay không lâu. Các nhà khảo sát nói trên từng bỏ ra 14 năm
trời để nghiên cứu tử-suất ở Úc qua chỉ dẫn của Cơ quan thống kê về số người chết
trên toàn nước Úc, trong các năm qua.
Cơ quan nghiên cứu nói trên cho thấy: từ năm 1994 đến
2008, đã có 363 người chết trong cùng một năm sau khi được trả tự do khỏi lao
tù. Điều này xảy ra đúng như nhiều người từng dự đoán, do bởi yếu tố là những
người đó thấy mình không thể chịu đựng nổi ảnh hưởng của một số căn bệnh
ác-tính, vì thế nên các cựu tù nhân trẻ có số tuổi từ 18 đến 25 xem ra chết nhiều
hơn các tù nhân nhiều tuổi hơn họ.
Tuy nhiên, đối với những người bình thường thì nguy cơ dẫn
đến cái chết sau khi ra tù, vẫn cao gấp sáu lần, còn với lớp người trẻ con số
này lên lại cao gấp 20 lần.
Lm Chris Riley có cho biết: “Giới trẻ phải chịu đựng một cuộc sống
khá túng cực như: phải làm đủ mọi thứ việc, vẫn phải sống vô gia cư/chết vô địa
táng và thường vẫn phải giáp mặt với nhiều loại tội phạm hình sự dính đến rượu
bia/ma túy từ hồi còn nhỏ, thường phải trải qua tình cảnh sống gần cận với người
thân thuộc trong gia đình mình. Thật sự, họ không là tội phạm hình sự cứng đầu
cứng cổ để bị đưa ra tòa, mà chỉ là lớp người trẻ vẫn hay kêu cầu mọi người
giúp đỡ, hỗ trợ này khác. Chính vì thế, cũng nên giúp đỡ đám người trẻ đáng
thương ấy để các em có thể thay đổi cuộc sống hầu nắm chắc là các em sẽ không
rơi vào cảnh “ngựa quen đường cũ” cứ trở về với thói hư tật xấu giống như trước.”
Khảo sát của hai nghiên-cứu-gia nói trên có cho biết: số người
trẻ chết sau khi ra tù xem ra có thể tránh được cái chết như thế nếu có người
giúp đỡ để các em không còn quay trở lại với thói tật hút sách hoặc chích choác
hoặc có hành động tự kết liễu cuộc đời của các em.” (xem Damir Govorcin, Jail should be last resort for young, say
father Chris Riley, The Catholic Weekly 11/8/2013, tr.2)
Sự thể về nỗi “Sầu Đông” nơi người trẻ
là như thế. Như thế, tức: vẫn là những sự kiện ở đời người, rất thực tế. Thực tế
bây giờ, còn là sự thật rất tế nhị, có nói cũng không nên lời. Nói được chăng,
chỉ bằng hành-xử nào đó cách hữu hiệu, hơn chỉ nói suông hoặc đứng bên lề mà
quan sát.
Sự thể về cuộc sống rất “Sầu Đông” một
đời người, còn là những ý/từ được người viết nhạc, đã đặt bút:
“Ngại ngùng bước chân buồn
Em đã sang ngang rồi,
Đành thôi nhớ mong, gửi theo gió đông
tình yêu giá băng về nơi cuối trời, nhớ
Sầu đông còn đến bao giờ.”
(Khánh Băng – bđd)
Với nghệ sĩ, thì “Sầu
Đông” ấy là “tình yêu giá băng”,
không vì “Em đã sang ngang rồi”, mà
thôi, nhưng người trẻ hôm nay vẫn thấy vì cuộc đời mình giá băng, vì thấy tình
yêu của những người đứng “bên lề” cuộc đời vẫn lãnh cảm hoặc “vô cảm”, chẳng bận
tâm gì đến đám “người dưng nước lã”, dù còn rất trẻ. Khi xưa và hôm nay, còn đó
các linh mục “bụi” như “bố già” Louis Nguyễn Văn Qui ở Việt Nam và Pháp quốc,
hoặc linh mục Chris Riley ở Sydney hoặc đâu đó nữa. Nhưng, thực tế cuộc đời còn
chăng thành viên Hội thánh “nghèo” hoặc “bụi” vẫn lo cho người trẻ rất nghèo và
rất bụi.
Sự thể cuộc đời, nay hỏi rằng: bạn và
tôi, ta có nhớ lời vàng Thày Chí Thánh vẫn căn dặn:
“Quả
thật,
anh
em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
đã
có lòng quảng đại như thế nào:
Người
vốn giàu sang phú quý,
nhưng
đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em,
để
lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.”
(2Cor 8: 9)
Sự thể trở nên nghèo hoặc bị liệt vào
đám “bụi đời” rất trẻ ở đời, có người lại cứ cho đó là nhân/là quả của bậc cha
mẹ hồi kiếp trước. Có vị lại cho đó là chọn lựa của mẹ cha chỉ muốn bê tha, sa
đà không làm gì cả, cho đỡ mệt. Nghèo và khổ, vì cho rằng đã có nhà nước hoặc
các cơ sở từ thiện để chăm lo, việc gì mà thắc mắc. Có vị lại cho đó là một thực
tại của xã hội nay “đổ đốn” những muốn áp dụng và đề cao thứ “văn hóa của sự chết”.
Sống kiếp nghèo hoặc nghiệp trẻ rất “bụi”
là sống một kiếp người không bon chen, không đè bẹp người khác xuống thấp để
mình được trổi bật. Và, sống thanh bạch tuy có nghèo nhưng không hèn, là sống bắt
chước Chúa chọn cuộc sống rất đáng sống, vì không lo tranh đấu cho riêng mình
mà nghĩ đến những người khác; tức: những người đồng cảnh ngộ, hoặc còn tệ hơn
mình.
Nghèo, chỉ là cơ duyên chẳng may vào
lúc nào đó trong đời, nên bản thân người đó không hội đủ điều kiện để sống giống
người khác theo khuôn khổ hoặc đòi hỏi của xã hội những bon chen, chèn ép nhau đến chết. Không chết liền cũng chết dần
chết mòn, trong tăm tối.
Sống nghèo nhưng thanh bạch, là sống
đúng chức năng do Chúa chọn để trở nên đồng hình, đồng dạng với những người có
vị-thế thấp bé. Sống như Chúa dạy cách ăn ở tuy nghèo nhưng vẫn có tư cách, và
phẩm giá của dân con Đức Chúa, thế mới đúng như hình ảnh và thân mình Ngài rất
an nhàn, tự tại.
Nói cho cùng, có là đám trẻ “bụi đời”
hoặc người nghèo nhưng không khó, vẫn hiên ngang “đầu cao mắt sáng” sống đời tự
do, rất đáng sống, nhờ các “Bố già Bụi đời” hoặc có những người biết quan tâm.
Sống nghèo-nhưng-không-khó, là sống giống Chúa, biết quan-tâm gìum giúp hết mọi
người để tất cả lại sẽ cùng đỡ nâng nhau, cùng nhau đi vào cuộc sống tuy nghèo
nhưng rất thanh cao vì có Chúa chọn lựa sống giống mình, và với mình.
Sống có Chúa ở cùng và giống mình như
đề nghị của đấng thánh hiền từng lên tiếng, bảo:
“Vấn
đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp
để
cho người khác bớt nghèo khổ.
Điều
cần thiết là phải có sự đồng đều.
Trong
hoàn cảnh hiện tại,
anh
em có được dư giả,
là
để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu,
để
rồi khi được dư giả,
họ
cũng sẽ giúp đỡ anh em,
lúc
anh em lâm cảnh túng thiếu.
Như
thế, sẽ có sự đồng đều,
hợp
với lời đã chép:
Kẻ
được nhiều thì không dư,
mà
người được ít thì không thiếu.“
(2Cor 8: 13-15)
Sống tuy nghèo hoặc
rất “bụi” nhưng vẫn vui vì vẫn còn được sống lối sống rất “tự do con cái Chúa”,
có Chúa cùng sống với mình, cùng vui với mình trong cảnh nghèo. Sống vẫn nghèo
nhưng rất vui là sống có tinh thần như câu chuyện cuộc sống của người trong
truyện kể, ở dưới:
Ngày xửa ngày xưa... có
một người nhà giàu, rất giàu. Sự giàu có bắt đầu từ một cơ may - hồi đó, khi
còn là cậu bé nghèo khổ chỉ mong được ăn no, ông đã được một người tốt bụng đưa
về nhà nuôi nấng và cho ăn học.
Ông thường kể lại chuyện
này cho con cái nghe nhưng các con ông cười cho rằng đây chỉ là một trong những
bài học đạo đức của ông mà thôi.
Rất bận rộn nhưng tuần
nào cũng vậy, ông dành ra một buổi tối ăn mặc như một người lao động bình thường
và đi dạo. Nói là đi dạo nhưng thật ra là ông tìm gặp những ai cần giúp đỡ,
ngay cả kẻ trộm cắp ông cũng không từ chối vì nghĩ rằng biết đâu sự giúp đỡ của
mình sẽ là một cơ hội cho kẻ muốn hoàn lương.
Một tối mùa đông, như
thường lệ ông đi trên đường. Ngang qua công viên ông dừng lại vì chợt thấy dáng
vẻ của một chàng trai sao mà thiểu não quá. Cùng với bộ áo quần tỏ rõ sự nghèo
nàn là nỗi tuyệt vọng lồ lộ.
- Chào cháu, có chuyện
gì vậy?
Câu hỏi êm ái của ông
khiến chàng trai rùng mình. Cái rùng mình trong bóng tối của đêm đông khiến
trái tim nhân hậu của ông đau nhói. Ông rất biết giới hạn của mình. Tiền bạc,
ông không thiếu. Một công việc, ông sẵn sàng mở rộng cửa các nhà máy của mình
cho bất kỳ ai cần một công việc. Nhưng nếu là một căn bệnh hiểm nghèo thì...
Ông đã từng cho người ta tiền không phải để có cuộc sống mong ước mà là để mua
một cái quan tài.
- Cháu không thể nói gì
với ta sao?
Giọng chàng trai đẫm nước
mắt:
- Cháu yêu...
A, ông có thể hiểu được.
Đôi trẻ thiết tha yêu thương nhưng mẹ cha nhất định ngăn cản bằng cách thách
chàng trai một đám cưới linh đình? Ông mỉm cười:
- Ta sẽ tặng cháu tất cả
những gì nhà gái muốn.
- Không... Không ai có
thể - Giọng chàng trai tuyệt vọng.
- Ta có thể.
Câu trả lời tự tin và quả
quyết của ông chỉ khiến chàng trai lún sâu thêm trong cay đắng:
-
Ông trời cũng không thể làm được gì. Tối nay, cháu và nàng hẹn gặp nhau lần cuối
tại đây. Rồi sau đó...
Giờ thì đến phiên ông
rùng mình - rồi sau đó...
- Nhưng cái gì là không
thể? - Ông gặng hỏi.
- Cha mẹ nàng chẳng đòi
hỏi gì cả ngoài việc cháu phải đưa cha mẹ đến thăm nhà gái.
-
Ơ, một thách cưới thật khắt khe. Như ta đây, nếu nhà gái đòi con trai ta phải
đưa mẹ nó đến thì ta biết làm sao khi mẹ nó đã qua đời từ lâu.
-
Không phải vậy - chàng trai kêu lên - cháu không biết cha mẹ mình là ai. Tự
nhiên mà lớn lên... Tự nhiên mà có trên đời... Làm sao họ dám gả con gái cho một
kẻ chẳng có gốc tích?
Ông đặt tay lên vai
chàng trai và cảm nhận được toàn bộ sức nặng của cuộc sống trĩu trên đôi vai
non tơ này. Có tiếng chân rón rén bước đến gần và một cô gái xuất hiện. Dù cô
đang mặc một cái áo dày sụ của mùa đông và cái mũ len trùm xuống che khuất cả nửa
khuôn mặt, ông vẫn nhận ra cô thật xinh xắn và đang đau khổ đến nhường nào. Ông
nhìn thấy rõ vẻ ngạc nhiên trên mặt cô dù trời tối. Một ý nghĩ thoáng qua đầu...
Ông mỉm cười:
- Chào con.
Cô
gái đưa tay lên miệng để che một tiếng kêu kinh ngạc, còn chàng trai thì sửng sốt.
Ông thấy mình còn xúc động hơn cả đôi trai gái:
- Nếu hai con không chê
có một người cha như ta.
Đám cưới diễn ra vô cùng
vui vẻ. Cha mẹ cô dâu càng lúc càng quí chú rể bởi vì cha chàng không những thật
lịch sự mà còn rất hiểu biết, ông nói chuyện về công việc lao động chân tay như
một người cả đời gắn bó với nó vậy.
Nhưng điều đáng nói là
những chuyện sau đám cưới. Một người khách đến dự tiệc rồi về là chuyện thường,
còn đây là cha của chú rể. Nhìn những điều không dám thốt thành lời trong mắt
đôi trai gái đang tràn trề hạnh phúc, ông chẳng thể làm gì khác hơn là đóng trọn
vai diễn của mình. Thăm họ hàng và cùng nhau ra biển lưới cá... Con trai ông
không phải dân biển nên rất vụng về, nhưng điều đó không khiến niềm vui giảm
đi.
Mất một tuần ông không đến
văn phòng làm việc.
Rồi mọi chuyện cũng kết
thúc êm đẹp. Đôi vợ chồng mới cưới lưu luyến tiễn ông từ làng chài ra đến thị
trấn và từ đây ông sẽ lên tàu. Lúc này không có ai, chỉ có ba người với nhau,
không cần phải đóng kịch. Nhưng làm sao có thể xưng hô khác được nữa?
- Chúng con chào cha.
- Chào hai con.
Sự trở về của ông làm cả
công ty nháo nhác. Người thì tưởng ông gặp tai nạn mất xác, người tưởng ông bị
bắt cóc và đang đợi cú điện thoại đòi tiền chuộc. Có người còn thì thầm rằng
các con ông đang tìm kiếm di chúc...
Ông vẫn mỗi tuần một buổi
đi trên đường để tìm kiếm và chia sẻ với người không may. Khi là một tấm chăn
bông ấm áp cho kẻ đang run rẩy, khi thì tháo chiếc nhẫn trên tay tặng người cơ
khổ...
Một năm trôi qua, mùa đông lại đến. Một
tối khi ngang qua công viên, ông chợt nghe tiếng gọi vui mừng:
- Con chào cha!
Ông nhận ra ngay là
chàng trai hôm nào. Dù không thể nhớ mặt tất cả những người ông đã giúp nhưng
chàng trai này là một kỷ niệm đặc biệt: chưa có ai cầu xin ông một điều tương tự
vậy.
- Chào con.
- Mấy hôm nay ngày nào
con cũng đến đây. Con mong được gặp cha.
- Để làm gì?
- Vợ con mới sinh em bé.
Ông bà ngoại mời ông nội đến ăn mừng mẹ tròn con vuông.
Giọng chàng trai đầy hi vọng đồng thời
cũng rất ngập ngừng. Quả là chàng mong muốn nơi một ông già gặp gỡ tình cờ một
điều hơi quá đáng! Nói xong, nhìn thấy đôi mắt nhướng lên vì kinh ngạc của ông
thì chàng trai vội vàng tiếp ngay:
- Con cũng định là nếu
không gặp được cha thì sẽ nói với ông bà ngoại là ông nội đang bệnh nặng.
- Chẳng ai muốn mình là
người đang bị bệnh nặng cả, con trai - ông nói với một nụ cười tươi tắn trên
môi - Biết tặng cháu nội món quà gì đây?
Ông bà ngoại tíu tít mừng
vui khi ông đến. Còn phải nói, làng chài nhỏ bé mấy khi có khách xa về. Không
phải chỉ ông bà ngoại mừng mà như là cả họ mừng vui. Hôm nay nhà này mời ông ăn
một bữa, ngày mai nhà khác mời... Cứ như vậy nhà nào cũng kéo ông đến. Lần thứ
nhất là sau tiệc cưới, và đây là lần thứ hai ông được bao nhiêu người mời mọc
mà không phải là để nhờ cậy một điều gì. Họ nấu những con cá con tôm tươi hiếm
hoi trong mùa đông và rất sung sướng khi thấy ông ngon miệng; để mừng cháu nội
ông kháu khỉnh, mừng con dâu ông khỏe mạnh, mừng con trai ông đáng mặt nam nhi
làng chài, vậy thôi. Họ không biết ông là ai nên không dạ thưa, không cố gắng
làm ông hài lòng, không điệu bộ, không kín đáo quan sát đợi ông cau mày là vội
dọn thay món khác, không chuẩn bị trước đến lúc này thì thế này và tí nữa thì
thế kia... Tất cả thật giản dị như vốn là như vậy. Ông ăn và uống rượu chiết từ
một cái can nhựa thật to được mua về cho tất cả mọi người cùng uống.
Ông hít thật sâu làn
không khí mằn mặn của biển, thấy lòng dâng một niềm vui khó tả, và ông thấy
hãnh diện khi nhìn thấy ánh mắt mọi người nhìn con trai của mình lúc nói về
anh. Chỉ một năm thôi mà anh đã trở thành một trong những người đi biển giỏi nhất
làng chài này. Có một đứa con trai đáng mặt nam nhi thật không dễ, ông hiểu sâu
sắc điều này.
- Rảnh rỗi ông lại về
thăm cháu nhé.
Câu nói và những cái vẫy
tay lưu luyến khiến ông xúc động. Ông chợt thấy có lỗi khi lừa dối những con
người hồn hậu chân thành như vậy. Nhưng biết làm sao đây? Nhất là khi tất cả
đang rất hạnh phúc. Tất cả, đúng vậy! Đêm, nằm trong ngôi biệt thự tiện nghi của
mình, ông chợt nhớ ra các món cá hơi mặn, dân chài thường ăn mặn. Bác sĩ nói quả
thận của ông sẽ gặp phiền toái nếu ông ăn mặn, nhưng tại sao lúc đó ông không hề
thấy đau nhức như lẽ ra? Làm sao mà ông đã ăn hết tất cả một cách ngon lành?
Cho đến một ngày... bé
Bi vòng đôi tay nhỏ xíu qua cổ ông, miệng bập bẹ gọi “Ông ội ơi...” thì ông nhận
ra mình đến đây không chỉ vì chàng trai, không phải vì trách nhiệm tình cờ số
phận sắp đặt. Ông đến đây vì bản thân mình muốn. Mỗi lần chìa má cho bé Bi hôn,
ông thấy lòng trào lên niềm xúc động lạ lùng. Bước chập chững vấp vào ngưỡng cửa,
bé òa khóc giơ hai tay về phía ông tin cậy.
Ông muốn cho bé tất cả những tiện nghi
mà cháu nội của ông được hưởng nhưng rồi ông không dám mang tới làng chài gì khác
ngoài túi bánh qui, cái khăn len, hộp sữa...Ông sợ. Phải, ông sợ...
Nếu biết ông là tỉ phú
thì chuyện gì sẽ xảy ra? Một khoảng cách mênh mông đẩy những con người hồn hậu
của làng chài ra xa tít tắp, mình ông cô đơn bên này với bao qui tắc, có qui tắc
ông phải chấp nhận và có qui tắc do chính ông đề ra. Hơn vậy nữa, họ sẽ biết những
đứa con của ông là như thế nào. Và... sẽ giống như những nơi ngày ngày ông đi
qua, rập khuôn những lời nói, những kiểu dáng cung kính và những tính toán lợi
lộc. Tệ nhất là con trai và con dâu của ông sẽ thay đổi, tiền bạc và quyền hành
sẽ làm biến đổi tất cả, ông quá rõ như vậy.
Không, để có những phút
giây êm đềm ở làng chài này, để có gia đình êm ấm này, ông vẫn hãy là ông nội
thôi. Ông cảm thấy bứt rứt trước những món quà đẹp muốn cho bé Bi mà đành phải
thôi. Nhìn bé chơi với những viên sỏi, những vỏ ốc, những cái nắp hộp bằng thiếc...
ông quyết định khi bé đến tuổi đi học sẽ nói thật và đưa bé vào một trường danh
tiếng nhất.
Chưa kịp thực hiện thì
ông ngã bệnh. Nguy kịch đến nỗi báo chí và truyền hình ngày nào cũng đưa tin và
tung ra những dự đoán cho tương lai của cơ nghiệp mà ông dày công xây đắp.
Quanh ông là những hàng rào người: bảo vệ, các cộng sự, bác sĩ, luật sư, phóng
viên, những kẻ thừa kế hàng thứ nhất, họ hàng xa, họ hàng gần...
Giờ khắc tỉnh táo hiếm
hoi, ông bình tĩnh truyền đạt những gì cần thiết và điều cuối cùng là gọi gia
đình nhỏ của làng chài. Lệnh ban ra xong, ông cầu trời cho cuộc sống của mình đừng
kết thúc trước khi kịp gặp. Nhưng ông không phải đợi một giây nào cả. Ngay lập
tức họ xuất hiện trên ngưỡng cửa. Nghĩa là họ đã ở cạnh ông từ lâu lắm rồi. Làm
cách nào vào được ngôi biệt thự của ông trong giờ khắc này? Không phải là điều
dễ dàng, nhưng nếu người ta thiết tha muốn thì luôn có một cách nào đó. Ông thấy
lòng ấm áp. Nghĩa là họ đã nhận ra ông! Còn ông thì...
- Các con biết từ bao giờ?
- Ông yếu ớt hỏi.
- Ngày đám cưới đã có
người nhận ra... bác. Bác nổi tiếng như vậy, đặc biệt như vậy...
- Hãy gọi bằng cha như
con vẫn thường gọi.
Ông nói và cảm thấy hạnh
phúc. Đúng vậy, hạnh phúc. Và tiếc nuối.
- Cha chưa làm được gì
cho các con và bé Bi - giọng ông chỉ còn là tiếng thầm thì - Nhưng ta có một
món quà...
- Cha đã cho con rất nhiều
rồi - chàng trai nghẹn ngào.
- Ta đã làm gì đâu... -
giọng ông yếu ớt và tràn đầy hối tiếc - Nếu ta biết con nhận ra ta là ai, hẳn
ta đã...
- Cha đã cho con một người
vợ hiền, cha đã cho con của con những kỷ niệm về ông nội, cha đã cho con một
làng chài làm quê nhà... - chàng trai bật khóc - Cha đã cho con một cuộc đời.
Khuôn mặt người sắp chết ánh lên nét
ngỡ ngàng. Ông muốn nói gì đó nhưng không kịp... Chàng trai áp khuôn mặt đầm
đìa nước mắt vào lòng bàn tay của người đã thay đổi đời anh từ một tối mùa
đông. Sau lưng anh, bé Bi trên tay mẹ mở to đôi mắt tròn xoe, kỷ niệm cuối cùng
của bé về ông nội là trên khuôn mặt khép lại xanh xao hé nở nụ cười.
Truyện kể ở trên, cho thấy: Tâm trạng
giàu/nghèo hoặc cuộc sống thanh cao/”bụi đời” vẫn là thực trạng khác biệt chỉ xảy
đến từng giai đọan của cuộc sống. Sống hãnh tiến ở chốn cao sang quyền quý hay
lang thang nơi phố chợ cũng là sống tạm bợ một kiếp người cũng rất ngắn. Cuộc sống
chắc chắn sẽ tốt đẹp và ý nghĩa hơn nhiều, nếu có những linh mục “bụi”, hoặc
các ông “nhà giàu” kia để các trẻ “bụi đời”/người nghèo khổ sẽ có cuộc sống trọn
vẹn kiếp người không buồn sầu, ân hận hoặc óan trách ai. Bởi, tất cả là huệ lộc
miên trường Chúa ban, phổ biến rất lan rộng. Ước mong thay!
Trần
Ngọc Mười Hai
Luôn trân trọng lập trường sống
của bất cứ ai,
không phân biệt, kỳ thị,
chẳng chê trách
No comments:
Post a Comment