Saturday, 29 November 2008

“Ôi những câu chuyện lòng,”

Làm thơm ngát thêm tuổi hồng,

Anh ơi yêu đi yêu đi!

Trên đỉnh yêu đương,

gió toả thêm hương”

(Trần Thiện Thanh – Trên Đỉnh mùa đông)

(2Cr 4: 11)

Mới vừa rồi, nhân buổi “thắp nến nguyện cầu cho quê hương” ở Sydney hồi đầu tháng Mười 2008, vị linh mục chủ sự đã đề cập đến điều mà ông gọi là “có một trùng hợp” giữa sự kiện 117 vị tử đạo được phong thánh năm 1988; và gương can đảm tử đạo của giáo dân ở Thái Hà, đã khiến bần đạo có một vài ý tưởng mọn hèn về những hành xử sống-chết, vì Đạo Chúa..

Chết vì Đạo, nay trở thành đề tài, nhiều người thắc mắc, hỏi rằng: sống chết vì Đạo có là chuyện thật trong đời, ngày hôm nay? Hay chỉ là, lập trường xưa cũ, đã qua. Rất hạn hẹp. “Hơi bị” cường điệu? Quá lý tưởng? Nói cách khác, lập trường “sống chết vì Đạo, có là “chết trong lòng một ít”, cho Đạo? Và, với người đồng Đạo?

Thú thật là, khi đề cập đến đề tài này, có một câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu của nhiều bầu bạn sống đời đi Đạo, và giữ Đạo. Những người, vẫn thắc mắc: có chăng một tử đạo của người mình, rất hôm nay? Với ít người, hỏi như thế là đã trả lời. Có sẵn trong đầu.

Như mọi lần, mỗi khi nghe có vấn nạn, bần đạo thường hay để lòng mình trùng xuống, tìm đến những tư tưởng nhà Đạo, những câu nói hoặc ý nhạc/lời ca của các nghệ sĩ khi xưa, đã sống và từng hỏi những câu tương tự. Để từ đó, có giòng chảy ngẫu hứng, mà suy tư. Suy, về tình yêu qua mau. Suy, về lời ca người nghệ sĩ thân quen nọ từng viết những giòng, như sau:

“Ôi những câu chuyện lòng,

từ lâu vẫn như mùa đông

anh ơi yêu đi yêu đi!

nếm thử thương đau,

khi hạnh phúc qua mau.” (Trần Thiên Thanh – bđd)

Bản thân người viết nhạc, khi ấy, chưa hẳn là đã dám sống - chết với giòng nhạc, mình đang sống. Nhưng, có điều khá chắc là: nghệ sĩ viết nhạc hoặc thơ ấy, có thể vẫn đang suy nghĩ miên man, dài dài. Suy, về tình tự. Về, cuộc-tình thương-đau trong đạo làm người. Trong đời người đi Đạo. Một đời, vẫn có yêu. Có sống/chết vì Đạo. Sống đạo làm người. Và, tình người sống đạo, vẫn là thứ tình xảy đến rất miên trường. Vĩnh cửu. Khó nguôi ngoai. Tình ấy, có thể tình kéo về nỗi chết, rất đích thực. Hay, chỉ “chết trong lòng”, một ít. Cũng rất Đạo.

Hôm nay, nghe lại nhạc-bản chép ở trên, bần đạo tuy không đạo-hạnh cho lắm, nhưng cũng đã lòng nhủ lòng, chia sẻ vài tâm tình hèn mọn về cái-gọi-là “chết trong lòng”, vì Đạo. Chết, như Thầy Chí Thánh đã dạy phải chết. Và, các thánh vẫn khuyến khích/nhủ khuyên, như:

“Kẻ nghe Lời Ta

và tin vào Đấng đã sai Ta

sẽ có sự sống đời đời

và khỏi đến toà phán xét,

nhưng đã ngang qua sự chết

mà vào sự sống.”

(Yn 5: 24)

hoặc:

“Quả, cũng như nơi Ađam,

mọi người đều phải chết

thì trong Đức Kitô

mọi người cũng sẽ được tác sinh.”.

(1Cr 15: 22)

Như thánh Phao-lô từng quả quyết, cái chết (dù là chết vì Đạo, hay cho Đạo) chỉ có ý nghĩa, là để ta được tái sinh; để, ta đi vào sự sống, sống lại “từ cõi chết”. Nói khác đi, chết vì Đạo và cho Đạo mà không liên tưởng đến, hoặc vì sự sống lại cùng với Đức Kitô, thì chỉ là cái chết “lãng xẹt”, vô bổ.

Và, thánh nhân còn nói về sự chết vô ích, như sau:

“Tuy sống đó,

nhưng chúng tôi luôn luôn bị phó nộp cho án chết, vì Đức Giê-su

ngõ hầu sự sống của Đức Giê-su

cũng được hiện tỏ nơi cái xác chết dở của chúng tôi.

Ấy vậy, sự chết đã hoạt động nơi chúng tôi,

Còn sự sống, lại hoạt động nơi anh em.”

(2 Cr 4: 11)

Xem như thế, sống dở chết dở, hay sống dở chết thiệt, mà vẫn không phải là sống chết vì Đức Giê-su, thì cũng chỉ là sống mà như chết, hoặc chết chẳng để làm gì. Là, sống hoặc chết, cứ ương ương dở dở, như thế thôi.

Và ở đây, bần đạo không có tư cách và cũng chẳng có thẩm quyền để nhận định hoặc phê phán cuộc sống và nỗi chết (thực hay dở), của bất cứ ai. Đấng thánh nào. Hay ông thần nào, đã chết. Mà, chỉ muốn nhân dịp này, luận bàn về đề tài: có chăng các vị được gọi thánh, thời hôm nay? Nói nôm na, hỏi rằng: ngày nay, có cụ nào sống đích thực lành thánh, như thánh sống? Và, chí ít về một câu hỏi: là con cháu các đấng tử Đạo, ngày nay ta vẫn cần nên thánh, chứ?

Trả lời câu hỏi ở trên, thật ra cũng chẳng khó. Bởi, theo dõi báo/đài truyền thông hằng ngày, ai rồi cũng nhận ra rằng, với các vị Giáo hoàng đương đại, ta đều thấy có những cuộc phong thánh cho rất nhiều vị sống cùng thời, với ta. Gần đây nhất, là: việc phong chân phước cho song thân phụ mẫu thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giê-su, nữa. Và tiêu biểu hơn cả, là các vị thánh sống thời đương đại được mọi người coi như đã thành thánh, như: Mẹ Têrêxa thành Calcutta, Đức cố Giáo Hoàng Gio-an XXIII, và Đức Gio-an Phao-lô Đệ Nhị, nhất nhất đều là các vị lành thánh, cả khi còn sống.

Thánh sống hay sống thánh, là vấn đề của mọi thời. Không chỉ vào thời có bức bách, cấm Đạo. Nhưng, là những vị đã thể hiện cuộc sống đúng như đòi hỏi của Đức Chúa. Nơi Tin Mừng. Tức: hôm nay, ai sống Đạo theo đòi hỏi của Tin Mừng, sẽ được gọi là thánh. Rất thánh, là đàng khác.

Trả lời các vấn nạn ở trên, tưởng cũng nên xem xét ngôn-từ mà nhiều vị từng dùng để xưng tụng dân con nhà Đạo mình là thánh. Cũng là ý kiến khá hay. Theo thiển ý, lâu nay, Giáo hội mình được gọi là Hội thánh, tức bao gồm các thành viên, sống tốt lành, thánh thiện. Theo đúng nghĩa.

Là thánh, tức là những người biết sống cho phải đạo. Tốt lành. Hành thiện. Luôn giùm giúp/đỡ đần, hết mọi người. Cả những người thân cô, thế cô. Không giúp để lấy tiếng. Hoặc, để có thể nhờ vả về sau. Là thánh, tức những người “sống cùng” và “sống với” trong cộng đoàn Nước Trời, ở trần gian. Ở nơi đó, mọi kiêu căng/ngạo mạn, bất công/bạo lực, giận hờn hoặc ghét ghen, hiếp đáp lẫn thù hận… đều không có chỗ đứng. Chẳng thế mà, khi xưa, cộng đoàn tín hữu ở giáo đoàn, khắp nơi, đều được thánh Phao-lô nhất cử nhất động, gọi là thánh. Và, thánh. Chẳng thế mà, khi viết cho dân con nhà Đạo ở giáo đoàn “có vấn đề”, như giáo đoàn Cô-rin-thô, Phao-lô thánh nhân, cũng đã viết:

“Kính gửi Hội thánh của Thiên Chúa

tại Co-rin-thô”

(1Cr 1: 2)

Với giáo đoàn Ga-lát đang trong vòng tranh tụng và cãi vã, thánh nhân còn viết:

“Phao-lô Tông đồ

không phải do loài người

hay nhờ một người nào,

mà nhờ Đức Giê-su và Thiên Chúa Cha

kính gửi các hội thánh xứ Galát..”

(Ga 1: 1)

Theo ngôn ngữ người mình, ta vẫn có thói quen đề cao “thiên chức” làm mẹ, của các bà mẹ Công Giáo, tức: chức năng rất lành và rất thánh, của bà mẹ. Có lẽ ở đây, cũng nên hỏi: ta có nên đề nghị phong thánh cho các bà mẹ nói chung, và nhất là các bà mẹ Việt Nam, vào buổi nhiễu nhương, sống dưới uy lực của bạo tàn, không? Của giới chức ở bên trên, rất độc tài. Rất toàn trị. Vì, phải là người thánh thiện lắm mới dám “vượt cạn”, mang rất nặng và đẻ rất đau; rồi còn, nuôi con cho ăn cho học đến khi con thành nhân, thành tài mà chẳng cần gì chuyện đền đáp. Phải là thánh ghê lắm, mới vui lòng chấp nhận cuộc sống bấp bênh, hãi hùng. Một thân một mình, chăm cơm nuôi chồng ở tù/học tập “cải tạo”; lại còn, tay xách nách mang, con cái đùm đề. Vậy thì, đâu có thua gì các đấng tử đạo vì “tình thương”, như Chúa dạy?

Và, vấn nạn cuối có lẽ sẽ là câu hỏi: ngày nay, có ai được gọi là thánh “Tử Đạo”, chăng?

Hôm nay, nếu quan niệm sống Đạo, là sống đúng tư cách của người đi Đạo. Là, sống luôn luôn cổ vũ/thực hiện cuộc sống yêu thương giùm giúp, thì câu trả lời, thật rất dễ. Ngày nay, vẫn còn thấy nhiều đấng thánh, rất thánh dẫy đầy nơi phố chợ, nhưng không được hoặc chưa được gọi/chưa được phong làm “thánh nhân” (như định nghĩa của một số tự-điển rất phàm trần) đang ở quanh ta. Bên ta. Mà không biết. Như các bà mẹ. Ông ba. Như người tình, dù có chân dung hay là không. Như, người phối ngẫu, cố gắng ở với nhau suốt đời, chỉ vì yêu. Yêu thật sự. Yêu, trong nhịn nhục. Có hy sinh. Từ bỏ. Vì người mình yêu. Yêu như con trẻ. Sống như trẻ thơ. Ở đâu đó. Chốn thế trần.

Nói tóm lại, những ai sống đời công chính, sống như trẻ nhỏ, dám chết đi cho những tính hèn và mọn của mình, đều xứng đáng được gọi là “thánh”. Và, mỗi ngày ta vẫn thường “tử vì đạo”, đấy chứ! “Tử vì đạo”, là chết cho lòng tham – sân - si, có những hờn ghen. Tị hiềm. Tranh chấp. Bởi, nếu không chết đi cho những thứ lòng thòng ở trên, thì làm sao ta có thể trở thành Kitô-hữu đích thực được? Và, những ai có tâm trạng trẻ thơ như truyện kể bằng thư ở dưới, có nên gọi họ là thánh, hay chăng? Truyện kể rằng:

“Thiên Ân là trẻ thơ, lĩnh nhận ân sủng từ bậc Thánh Hiền, được mẹ giáo dục là phải cố sống đời thơ trẻ thiên thần, vào mọi lúc. Bất cứ lúc nào, cũng phải hành xử như thiên thần nhỏ bé, rất nên thơ. Việc gì xảy đến dù không thích, cũng đừng quên thưa Chúa, thưa Cha bằng những câu kinh, hoặc thư từ, rất nhẹ. Hôm ấy, bé em Thiên Ân có người bạn thân tên Tô-tô, đột nhiên qua đời, sau cơn sốt. Thiên Ân bèn thỏ thẻ với Chúa, bằng văn thư, như sau:

Lạy Chúa dấu yêu,

Con vừa mất đi người bạn thân yêu nhất trên trần,

Bạn của con tên là Tô-tô.

Chú bé, tự dưng đột xuất đau ốm. Bỏ con lại, không người chơi.

Thấy con buồn, ba má bảo: trên thiên đàng, vẫn đủ chỗ cho Tôtô và cả con nữa.

Vậy hôm nay, con thưa với Chúa,

Chúa ơi, Chúa hứa với con đi. Hãy hứa là: sẽ cho Tôtô cùng con ở trên đó.

Tôtô lúc nào cũng xử tốt với con hết đó, không có vấn đề gì.

Nên con nghĩ: nếu loài chó được lên thiên đàng

Thì Tôtô của con rất xứng đáng, lắm đó.

Tôtô cũng sẽ thành thánh, có thua ai đâu.

Và sau này, khi con chết,

con sẽ nói với Chúa cho ở gần bên mãi, với Tôtô.

Vậy bây giờ, Chúa săn sóc cho Tôtô của con nhé.

Chúa đừng quên dắt nó ra ngoài, cho nó đùa giỡn và chạy nhảy mỗi ngày nhé,

Lạy Chúa yêu dấu của con.

Ký tên

Con tên Thiên Ân, đó Chúa.”

Chuyện thánh nhân, theo nhãn quan của trẻ thơ, rất trẻ, cũng nhè nhẹ. Thơ bé. Như các thánh ở chốn gian trần. Chốn sống, có vần thơ. Có ý nhạc rất nhè nhẹ, như sau:

“Ôi, những câu chuyện lòng

làm thơm ngát thêm tuổi hồng

Em ơi yêu đi, yêu đi

Trên đỉnh yêu đương

Gió tỏa thêm hương...”

(Trần Thiện Thanh – bđd)

Yêu, như tình yêu rất thơ rất trẻ, của trẻ bé rất nên thơ. Yêu và chết, để tình yêu đơm mầm, nảy chồi, những hoa lá. Đó, là tâm trạng rất thánh, của thánh nhân. Tâm trạng, rất đáng sống đời tử Đạo. Vì Tình Yêu. Của Thầy Chí Thánh rất Nhân Hiền. Rất Kitô.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn quan niệm

thánh thiện là như thế.

Cũng nhè nhẹ

như thiên chức làm mẹ,

như tuổi thơ, rất thánh.

Sunday, 23 November 2008

“Này em con chim lười “

Nhiều năm chim đau phổi Buổi sáng vắng tiếng chim cười vui

(Phạm Duy – Bình ca)

Lc 18: 22

Thời buổi này, lười biếng hay siêng chăm, luôn là vấn đề thời thượng. Vấn đề tuy không gai góc, như chuyện kinh tế/chính trị, ở nhiều nơi. Nhưng, vẫn thành chuyện. Chí ít, là chuyện “buổi sáng, vắng tiếng chim cười vui”. Chim cười vui mỗi buổi, còn là vấn đề của riêng tôi, và của bạn nữa, những người đang sống ở nơi thị thành hoặc miền quê xa xôi ấy, thấy nhiều ấm ức. Sầu buồn. Thở than.

Thở và than, với chú trâu già, từng vất vả nhiều năm, nay biết buồn:

“Này em, con trâu già,

nhiều năm trâu vất vả,

cùng với bác xã nơi đồng quê.

Này em, con trâu già

Nằm chơi trâu nhai cỏ

Nhìn những chiếc máy đang, cầy bừa.

Trâu đừng buồn vì máy cầy ghê. (Phạm Duy – bđd)

Lười biếng hay siêng chăm, thường dẫn đến cảnh buồn/vui, vui/buồn lẫn lộn. Một cảnh tình diễn ra thường ngày. Với mọi loài. Về sầu buồn, Kinh Sách có đoạn cũng nói đến lý do khiến người thanh niên giàu có đã thấy buồn. Vì anh chỉ giàu có chứ không giàu lòng:

"Anh chỉ còn thiếu có một điều,

là hãy bán tất cả những gì anh có

mà phân phát cho người nghèo,

và anh sẽ được một kho tàng trên trời.

Rồi hãy đến theo tôi."

Nghe vậy, anh buồn lắm, vì anh rất giàu.

(Lc 18: 22)

Theo Kinh thánh, chìa khoá gây cảnh sầu buồn trong đời vui, là: “vì anh rất giàu”, lại chẳng có được tinh thần của người nghèo khó. Cho nên, mới hụt hẫng mất lời vui chúc phúc, ở mọi thời:

“Phúc cho những ai

có tinh thần nghèo khó.”

(Mt 5: 3).

Những ngày trước, nhân đọc lời bàn niệm suy Lời Chúa của một linh mục nọ trên trang mạng, bần đạo thấy nói: tinh thần nghèo khó, là tinh thần “không còn lo lắng cho chính mình, mà chỉ lo cho người khác. Những người thiếu thốn, nhiều nhu cầu hơn.” Và, đây là một ý kiến rất hay. Còn nhớ, có linh mục khác, cũng cắt nghĩa: tinh thần nghèo khó là tinh thần biết mình không là gì cả, chỉ thuộc giai cấp thấp hèn, chỉ là tôi tá Chúa, nên đặt hết hy vọng vào Thiên Chúa. Chứ không ỷ vào sức của mình.

Ở đây, tinh thần nghèo, có nghĩa không lười trong việc quan tâm đến người khác trong cộng đồng nhân loại mình chung sống. Cộng đồng ấy, vẫn thấy “nhiều năm chim đau phổi”, vẫn thấy “vắng tiếng chim cười vui”. Và hôm nay, tinh thần nghèo, là tinh thần đem của cải mình có, mà đi phân phát cho những người nghèo hơn mình, để họ tìm ra kho tàng Nước Trời. Trong cùng một đời người.

Hôm nay, bần đạo hân hạnh mời bạn bè/người thân, ta thử đi một vòng luận bàn bỏ túi hoặc phiếm cho vui, về cuộc đời đi Đạo. Một đời có cả niềm vui, lẫn nỗi buồn. Không giống như “này em, con chim lười”, chẳng bao giờ bị “đau phổi”. Chỉ mỗi tội, như “trâu già”, “nằm chơi trâu nhai cỏ”, nhìn người khác vẫn cứ cày và bừa quanh năm suốt tháng, nhưng không buồn. Vậy nên, ta cứ phiếm:

Về chuyện không siêng chăm, Kinh Sách có nói:

“Hỡi tôi tớ bất hảo và lười biếng!”

(Mt 25: 26)

Và, thánh Phao-lô cũng có khuyên:

“Anh em đừng nên uể oải/biếng nhác,

nhưng hãy bắt chước những người

nhờ có đức tin và lòng kiên nhẫn

mà được thừa hưởng các lời hứa.

(Hp 6: 12)

Thế đó, tâm trạng của người xưa. Vẫn, hay làm biếng bắt chước gương lành từ những người có đức tin và lòng kiên nhẫn. Với nhà Đạo hôm nay, chuyện lười và biếng còn nghiêm trọng hơn. Ngày nay, nhiều người tuy vẫn tin; và vẫn đầy lòng kiên nhẫn đấy, nhưng vẫn lười. Bệnh “lười” thời đại, nay trải dàn ra ở nhiều địa hạt. Địa hạt nào cũng “lươi huyền, lười”. Lười đọc kinh. Lười đi lễ. Lười xưng tội, rước lễ. Lười, cả chuyện học hỏi giáo lý, với Phúc Âm. Quả, là nghiêm trọng. Đáng sợ.

Cách đây không lâu, những người sống ở Anh và xứ Wales, đã quan ngại về tình hình sống Đạo của tín hữu ở nước này, bèn làm cuộc khảo sát gửi đến 1,500 giáo hữu thuộc đủ mọi thành phần, trên toàn quốc, để tìm xem người ngoan Đạo ở đây, nay sống và nghĩ thế nào. Kết quả, không tươi sáng, cho lắm. Cũng “hơi” báo động.

Có người nói: Giáo hội Công giáo ở Anh và xứ Wales, là Giáo hội đang trong thời kỳ tàn tạ. Đa phần, đều “thôi không giữ Đạo” khi rời trường hoặc bỏ gia đình, ở riêng. Một số khác, chỉ thấy hy vọng nơi di dân sắc tộc, đến từ các nước siêng chăm/“Đạo gốc” như Ba-Lan, Ba-Tây,vv...

Kết quả khảo sát cho thấy khuynh hướng đại trà người nước này, không còn giữ Đạo như hồi thời tiền nhân, ông bà. Tức, họ không thấy ràng buộc nhiều trong việc đi lễ, mỗi tuần. Nhiều người, nay vẫn đều đặn đi lễ hàng tuần. Vẫn rước Mình Thánh Chúa, nhưng không mấy bận tâm đến chuyện xưng tội hoặc chay kiêng, vào trước lễ. Nói chung, Bí tích Hoà Giải chỉ còn chỗ đứng rất nhỏ, trong sống Đạo hôm nay.

Về hôn nhân với người cùng Đạo, người Công giáo ở Anh thường thành thân với người phối ngẫu cùng là Công giáo, hơn. Như thế, đỡ vất vả. Có thể nói, 70% người Công giáo ở Anh có người phối ngẫu hoặc đối tác cũng là người Công giáo. Với người sắc tộc, thì người Công giáo lấy người Công giáo vẫn thoải mái, thích thú hơn. Trong số người trả lời khảo sát, 85% người gốc Đông Nam Á Châu thích lấy vợ lấy chồng cùng tín ngưỡng. Trong khi đó, với người gốc Ái Nhĩ Lan và Châu Phi sống ở Anh, thì tỷ lệ này chỉ đếm được có 77%. Và, với người Công giáo gốc Anh, chỉ đếm được có: 64%, thôi.

Về tỷ lệ người tín hữu ở Anh vốn dĩ “lười đi lễ”, khảo sát trên đã cho thấy: số tuổi người đi lễ mỗi tuần, thì: với hạn tuổi 18-35 có 62% người; hạn tuổi 36-45 có 67%; hạn tuổi 46-55 có 84%; và, tuổi trên 65, vẫn còn khoảng 92% đi thường xuyên hơn.

Về đi lễ ở đâu và tại sao đi lễ, 64% số người trả lời, nói: sở dĩ họ đi lễ là vì có quyết tâm với Chúa. 55% số người nói: đi lễ mới thấy mình được thêm sức mạnh cho cuộc sống hằng ngày. 62% nói: vì đó là truyền thống gia đình. 48% nói: lĩnh nhận Bí tích Thánh Thể như của ăn nuôi sống trong đời. 44% nói: đi lễ để cầu nguyện cho người thân vừa mới mất. 37% nói: để đền bù các tội mình mắc phải. 36% nói: để cầu được nhiều thứ cần thiết trong đời. Có mỗi 36% số người nói: vì thấy mình là thành viên của cộng đoàn.

Về siêng chăm rước Mình Chúa, 89% số người nói mỗi lần đi lễ đều rước Mình Thánh, hết. Chỉ đếm có 3% số người nói: rước lễ sau khi đã xưng tội. trong khi đó 3% nói: chả bao giờ xưng tội, hết đó. Trả lời câu hỏi: đâu là phần quan trọng trong thánh lễ? 75% trả lời: là Rước Mình Thánh Chúa. 68% thấy có Chúa hiện diện. 61% trả lời: đó là phần cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa. 46% thấy quan trọng trong việc “bắt tay, chúc hoà bình”. 42% cho đó là việc giảng giải Lời Chúa. 43% cho phần đọc Sách Thánh là phần quan trọng. 29% nói: ca hát và âm nhạc.

Về chuyện lười xưng tội, 47% số người được hỏi đã đồng ý với câu “Mình có thể là người Công giáo đúng nghĩa mà không cần Bí tích Hoà Giải. 34% số người được hỏi, đều nói: không đồng ý với câu đó. Phần còn lại, không có ý kiến.

Về chuyện lười đọc kinh/cầu nguyện, 66% số người hồi đáp khảo sát, nói vẫn đọc kinh mỗi ngày. 22% nói: mỗi tuần đọc vài lần. 6% số người nói: chỉ đọc kinh vào lúc gặp khủng hoảng. Về siêng chăm đọc kinh/cầu nguyện tính theo sắc tộc, thì người gốc Đông Nam Châu Á có 85% số người vẫn đọc kinh, người gốc Châu Phi, chỉ đếm có 79%. Người gốc Ái Nhĩ lan có đến 78% và người gốc rặt Ănglô saxon chỉ đếm được 59%, thôi.

Các hồi đáp cho câu hỏi về khía cạnh của niềm tin yêu và tín ngưỡng nói chung, người Công giáo ở Anh hôm nay đặt nặng vào Tiệc Thánh Thể và tình thương của Chúa, nhiều hơn tội lỗi và sám hối. Họ cũng có tin vào Thiên Đàng nhiều hơn hoả ngục. Tuy nhiên có điều lạ, là: nhiều người cũng tin vào việc tái sinh làm người, dù việc này không nằm trong giáo lý của Hội thánh Công giáo. Nói chung, 83% số người tin có sự sống sau khi chết. 63% người tin có ác thần/quỷ dữ. 60% tin có hoả ngục. 91% tin có thiên đàng. 70% tin về tội trọng. 80% tin vào sự sống lại. 38% tin vào việc tái sinh làm người. 81% tin Đức Mẹ Đồng trinh. 76% tin vào cuộc Phán xét, ngày mình chết. 79% tin vào ơn cứu rỗi khỏi tội lỗi.

Về nhận thức, biết đã có xảy ra Công Đồng Chung Vatican II, thì 18% số người trẻ từ 18-35 nói: không biết gì về chuyện này. 18% số người tuổi từ 36-45 nói như thế. Riêng lớp tuổi trên 65, chỉ có 38% là biết đến Công Đồng này.

Về hiến chế “Humanae Vitae”, chỉ có 16% số người được hỏi, nói là có nghe nói đến giáo huấn của Hội thánh về các vấn đề dục tính, 37% nói cũng nghe loáng thoáng, nhưng 47% trả lời: chẳng bao giờ biết đến chuyện ấy(trích bản Khảo sát do viện Von Hugel, Đại Học Cambridge thực hiện- 7/2008).

Nói cho cùng, khảo sát với hỏi han, chỉ như thế. Như thế có nghĩa, là người được hỏi ý kiến từng có thói quen phát biểu, không sượng sùng. Phát biểu, như người lâu nay sống ở xã hội tự do. Rất thoải mái. Rất thật tình. Tuy nhiên, có một điều trong bản khảo sát, đã cho thấy: tỷ lệ nói chung thấy khá cao ở câu đáp, là những người sắc tộc sống từng trải ở các nước có nhà cầm quyền vẫn o ép về chuyện Đạo.

Vấn đề là, khi tín ngưỡng không còn bị hạn chế, tự do không còn bị o ép, thì sự thể sẽ khác chăng? Và, niềm tin của người đi Đạo, có còn là những điều đáng lo nữa hay không? Hoặc, người đi Đạo có còn lo cho mình? Lo cho người, nữa hay chăng? Hoặc, vẫn cứ như bài hát của Phạm Duy, có câu nhắn: “Này em, con chim lười”? Hoặc, chim con vẫn cứ “bình chân như vại”, giống hệt như người đứng ở ngoài. Ngoài Đạo. Ngoài cuộc. Như truyện kể, để minh hoạ, ở bên dưới?

“Chú chuột nhắt để mắt nhìn qua đường lỗ nơi tường kho của trang trại, bất chợt nhận ra trang chủ và vợ hiền đang mở nắp gì đó. Chuột ta tự hỏi không biết trong đó có gì để ăn, hay không? Kịp hú hồn, khi khám phá ra trong đó, là chiếc bẫy. Chạy vội về hang ở, chuột ta bèn bắn đi mọi nơi nhiều tín hiệu khẩn báo:

-Nhà trại có bẫy chuột! nhà trại có bẫy chuột!

Gà nòi nghe thấy, cũng chỉ lắc đầu nguầy nguậy, bảo: Này anh chuột nhắt, bẫy chuột chứ có phải là bẫy gà đâu, có liên can gì đến tôi đâu mà nhắng lên thế!” Chuột ta bèn chạy đến anh lợn nọc, và hét to cho anh nghe rõ:

-Nhà trại mình có bẫy! nhà trại mình có bẫy!

Heo ta, tuy thông cảm với bạn chuột, cũng ỉn ỉn chỉ vài câu:

-Xin lỗi bạn nhé, tớ đây chỉ thông cảm/biết mỗi nguyện cầu. Sẽ cầu, cho bạn đừng mắc bẫy, có thế thôi! Yên chí đi bạn ạ, tớ mà cầu nguyện, là thế nào Bề Trên cũng nhậm lời, thôi.”

Chuột lại chạy đến với chị bò nặng nề, lề mề bầu sữa, và kêu lên:

-Nhà trại mình có bẫy! nhà trại mình có bẫy!

Nghe xong, bò ta chỉ biết an ủi:

-Chà, chuột nhắt bạn ơi! Ta xin bạn thứ lỗi, chứ ta thấy bẫy này chẳng nhằm nhò gì với lớp da khá dầy, của ta.

Quá chán nản, chuột trở về nơi chốn cũ, nằm bịch xuống, rồi than thở. Rất cám cảnh. Một mình một chợ, lo chống đỡ mối hiểm nguy đang trờ tới. Với bẫy sâu. Đêm đến, có tiếng chân chạy ồn ào, chừng như nhà trại vừa phát hiện có gia súc gia cầm nào đó vừa sập bẫy. Náo loạn cả một không gian. Người vợ trang chủ chạy đến xem có gì bị mắc bẫy. Trong bóng đêm, bà chẳng nhìn thấy gì, hình như chú rắn độc vừa bị sập bẫy, vẫy vùng đứt mất đuôi.

Nổi nóng vì bị đứt đuôi, rắn độc quay lại cắn vào chân vợ trang chủ. Khiến người chồng phải vội đưa vào bệnh viện gần đó, hòng chữa trị. Gặp lúc nhà thương thiếu thuốc trị nọc rắn, người vợ đã về lại chịu cơn sốt, lên cao độ. Để trị sốt, trại chủ bèn bắt gà cho vào nồi nấu cháo, chữa cho vợ. Nhưng chữa mẹo bằng cháo, không công nghiệm. Người vợ cứ sốt đều, khiến bạn bè người thân đến gần hầu giúp đỡ, ủi an.

Để tiếp đón bà con đến thăm nom, bụng đói cào, trại chủ, lại bắt heo làm thịt, mà thết đãi. Vợ ông vẫn không bớt bịnh, đã lìa trần ít ngày sau đó. Đám tang tổ chức tươm tất, rất đông người. Trại chủ bèn hạ bò để thù tiếp, mới đủ thức ăn cho mọi người. Nhìn qua khe tường, chuột nhắt ta thấy hết mọi chuyện, tuần tự diễn tiến, lòng buồn rầu, khôn tả. Buồn cho số phận của bầu bạn loài thú, chẳng cảm thông. Chuột tuy nhỏ, nhưng vẫn thầm nhủ: phải chi bạn hữu đừng lười. Cứ ra tay hộ giúp, với đỡ đần, biết đâu sự thể sẽ không tồi tệ đến như thế?

Tất cả cũng chỉ do mình lười. Tất cả chỉ vì, cứ quan niệm “sống chết mặc bay”, ta đây đâu cần biết. Chính đó mới là: đầu mối tội đầu. Mọi sự xấu. Từ truyện “cái bẫy chột”, người nghe bèn rút ra được bài học, để đời. Học rằng, trong sống cùng và sống chung, cũng nên để mắt đến người ở gần bên, xem họ có vấn đề gì cần mình giúp đỡ. Bởi, tất cả sẽ thành chuyện, nếu mình không ra tay giúp đỡ. Hết mọi người. Bởi, chuyện riêng một người, vẫn có thể là mấu chốt quan trọng trong toàn bức thảm đời người, luôn đan kết với nhau. Cần đến nhau. Đừng lười!”

Và, đây cũng là ý tưởng của người nghệ sĩ vẫn hát vui, nhưng đã biết buồn. Hát, là hát những giòng nhạc lê thê như thế này:

“Này em, anh đã già

tuổi cao thiếu sức khoẻ

dù sống với trái tim cằn khô

Này em, anh đã về

Thì xin nghe anh kể

Chuyện mới/cũ, khóc vui tràn trề.

Những chuyện hoà bình có người nghe…”

(Phạm Duy – Bình Ca)

Chuyện hoà bình anh kể, có chăng nay người nghe? Hay em hay anh vẫn cứ bảo: chuyện Đạo – chuyện đời, nào mấy thích. Chẳng thích nghe. Cũng chẳng thích đọc, đây vẫn cứ lười. Lười việc Đạo. Lười cả việc đời, nay chán hết. Chán hay không, cũng đừng chán chuyện hoà bình, tình thương Chúa vẫn nói, nhé em. Nhé anh. Nhé mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai

Tuy rất lười,

nhưng chưa biết chán.

Chí ít, là chuyện sống Đạo,

trong đời..