Sunday, 16 November 2008

“Riêng mình ta ngồi ngắm quanh trời“

lạnh lùng nghe tiếng chim chiều gọi đàn buồn xa vắng buồn lòng thầm nhớ tới người Chiều xưa cũng trên đồi cùng ta Người đã ước nguyền rằng đời riêng có ta Lời đó còn đâu?

(Nguyễn Văn Khánh – Chiều Vàng)

(Cv 5: 11)

Mới vừa đây, trong buổi mạn đàm với nhóm người trẻ ở Sydney, bần đạo nhìn ra được tinh thần và mối bận tâm của anh chị em đã hơn một lần, từng hăng say phụ giúp Đại Hội Giới Trẻ, ở nơi đây. Giới trẻ đây, không còn “ngồi ngắm quanh trời”, để “buồn xa vắng buồn” nữa, nhưng đã biết tìm xem “Lời đó còn đâu?”.

Bận tâm/ưu tư của nhóm trẻ mà bần đạo có dịp trò chuyện, tuy không sôi sục như hồi Đại Hội tháng 7/2008. Nhưng, vẫn bức xúc, như thuở nào. Vẫn lo cho Hội thánh ở khắp nơi. Vẫn còn “nhớ tới người”, ở quê nhà, dấu yêu. Tiêu điều. Cần giúp đỡ.

Và, quyết định của nhóm trẻ sau buổi ấy, là: đã lập ra quán sinh hoạt mang tên “Nhớ Bạn Nghèo”, vào các Chúa Nhật đầu tháng. Có ăn. Có uống. Có vui chơi/thu nhập. Tiền thâu thập, sẽ gửi về giúp đỡ bà con, còn túng thiếu. Thật sự, thì sinh hoạt của các bạn trẻ này, là sinh hoạt của một hội thánh, rất chính đáng. Nhưng, lại thực hiện bên ngoài thánh đường/nhà thờ. Khiến mọi người bèn tưởng nhớ đến sinh hoạt năm xưa, trong nhà thờ/Hội thánh, ở đâu đó. Bởi, chừng như Lời Ngài còn ghi dấu, ở Thánh Kinh:

“Suốt ngày,

nơi Đền thờ, và nhà ở,

các ngài không ngớt giảng dạy

và loan báo Tin Mừng về Đức Kitô.”

(Cv 5: 11)

Hôm nay đây, tại đâu đó, trong Hội thánh ở trần gian, đã có những người trẻ cũng khá thánh thiện, “tối ngày” lo toan chuyện “bao đồng”, không lấy công. Họ vẫn loan báo Tin Mừng về Đức Kitô, thật đấy. Loan, là loan trong âm thầm. Báo, lại là báo rất đầm thắm. Nhưng, tuyệt nhiên không “giảng dạy”. Bởi, họ không là “thày giảng”. Nhưng trong lòng, vẫn vẳng nghe câu ca, của một thời:

“Lời thề nguyền, ngờ đâu xa vắng,

tình tràn đầy, sầu chung non nước

Hồn em có, cùng người chứng minh

Anh bước ra, đi luyến tiếc hoài

Đời còn có, em nay mà thôi.” (Nguyễn Văn Khánh – bđd)

Về loan báo Tin Mừng trong lòng Hội thánh/ngoài thánh đường - nhà thờ, nhiều vị vẫn cứ loan và cứ báo Tin Mừng về Đức Kitô. Vẫn “không ngớt giảng dạy” “nơi Đền thờ”, tại “nhà ở”. Nhưng vừa rồi, các ngài đã nhận ra một số dấu hiệu thời đại, trong Hội thánh. Dấu hiệu, là dấu và hiệu cho thấy tình hình có đổi thay trong số những người đang đi Đạo, nhưng không còn đi nhà thờ. Như khi trước.

Thống kê Đạo, cho thấy: trong 50 năm vừa qua, chúng ta chưa từng bao giờ nghe nói: số người đi Đạo vẫn tuyên xưng rằng mình tin vào Chúa, đã tụt giảm một cách thê thảm. Lạ lùng thay, ta cũng chẳng bao giờ thấy số người đi Đạo tự hào là mình thuộc về giáo xứ nọ, nhà thờ kia, lại giảm sút, quá thảm hại. Thế nhưng, chuyện sụt giảm một cách thảm thương hơn cả, là số người không còn đi nhà thờ, dự lễ nữa.

Thật ra thì, người nhà Đạo hôm nay vẫn tin vào Đức Chúa. Vẫn thuần phục Hội thánh, như từ bao giờ. Nhưng nói cho đúng, đã thấy bớt đến nhà thờ dự lễ. Bớt thường xuyên, hơn xưa. Nhà Đạo ta, không phải là: đang ở vào thời kỳ hậu-Kitô hay sao đó, cho bằng thời kỳ hậu-thánh-đường. Nói cách khác, vấn đề không phải là người thời nay quá thiên về vô thần, cho bằng việc ít đến nhà thờ, dự buổi kinh.

Và, câu hỏi đặt ra, là: tại sao thế? Tại sao ngày nay mọi người lại đấu tranh với hội thánh, thế?

Các vị phóng khoáng/dễ chịu, thường cho rằng: đó là vì, Hội thánh quá chậm chạp trong đổi thay. Nhất là, không mặn mà đủ với thế giới ngày nay. Các cụ có khuynh hướng bảo thủ, lại nghĩ khác. Các đấng cho rằng: con người, ở thời này lớn lên trong hoàn cảnh không mấy thích hòa đồng vào chuyện của giáo hội. Sở dĩ có chuyện đó, là bởi vì hội thánh cũng đã thay đổi quá nhiều. Hội thánh vẫn cứ hay chạy theo lề lối văn minh phàm trần.

Nói cho cùng, thì lập trường của hai phe/hai phái đều có cái hay, cũng rất đúng. Thế nhưng, một số nhà phân tích hiện thời, lại cho rằng: lý do dẫn đến tình trạng này, là ở chỗ khác. Lý do ấy, chính là do có đổ vỡ gia đình; và, đổ vỡ cuộc sống bên ngoài.

Suy cho kỹ, vấn đề ở đây không phải là: đời sống giáo hội và sinh hoạt của nhà thờ/giáo xứ đang gặp khó khăn. Thử thách. Mà là hiện nay, ở đâu cũng thấy có vấn đề giảm sút số người tham gia nguyện cầu, ở nhà thờ. Cũng tựa hồ như đời sống gia đình/chòm xóm có tính cộng đoàn, hoặc số đông, đang có vấn đề tụt giảm số lượng người tham dự. Tụt giảm có lẽ bởi vì, người người hôm nay bảo vệ chuyện riêng tư, cá thể. Và, đại loại như thế. Ngay đến các tổ hợp/cơ quan hoặc câu lạc bộ nay cũng bớt tổ chức lễ hội đình đám, om sòm như xưa. Đơn giản, là vì con người ngày nay, ở bất cứ nơi đâu, đều ít muốn dính dự vào chuyện cộng đồng. Của đám đông.

Thành thử, không lạ gì khi thấy Giáo hội mình đang phấn đấu, không ngừng nghỉ. Phấn đấu, là vì, theo định nghĩa, nhà thờ và giáo xứ đều là cộng đồng dân Chúa, không dựa trên sự thân mật tư riêng; mà, được thiết lập gồm thành viên chọn lựa lối sống có tương quan với nhau, trên cơ sở những người cùng một chiều hướng, ý muốn. Đúng hơn, cũng theo định nghĩa, thì nhà thờ/cộng đoàn giáo xứ được lập ra, là do cộng đồng dân Chúa được kêu mời đến với nhau, bất kể mọi khác biệt. Đến, để cùng gặp gỡ quanh Đức Kitô. Cùng tạo nên các giá trị đúc kết mình vào chung cùng một cộng đoàn. Cộng đoàn ấy, vượt lên trên mọi chọn lựa riêng tư, không hơn kém.

Tuy nhiên, sự việc ấy không dễ mà hiểu được trong bối cảnh của một nền văn hoá vẫn cứ cho rằng cộng đoàn chỉ có thể được thành lập trên cơ sở chọn lựa riêng tư, và nhu cầu cần sự riêng biệt, mật thiết. Ngày hôm nay, người người không chỉ chơi bóng tạ một mình, nhưng còn lo tính việc thiêng liêng tu đức , cũng một mình.

Quả là, con người ngày nay đối xử với hội thánh/giáo đường cũng một kiểu hệt như từng đối xử với gia đình mình. Con người ngày nay, chỉ muốn cộng đoàn hội thánh có mặt ở đó, là cho họ. Có mặt, là để thực hành nghi thức phụng vụ cho qua. Có mặt, để tổ chức các biến cố, rất đặc biệt. Có mặt, để cho mình cảm thấy an toàn và có thể sử dụng, mỗi khi cần. Nhưng tuyệt nhiên, không muốn giáo hội dính dự vào chuyện riêng tư, thực sự.

Và, họ cũng chỉ muốn hội thánh, tham dự theo cách, mà họ ưng. Con người hôm nay, thực sự thấy mình không cần đến hội thánh. Họ chấp nhận rằng họ cần có Chúa và cần đến chuyện thiêng liêng, tu đức. Nhưng, chẳng thấy mảy may cần gì đến Hội thánh, hết. Có người còn dám cả gan tuyên bố, rằng: họ cần đời sống thiêng liêng, nhưng không phải là hội thánh. Thế mới chết.

Cuối cùng thì, cũng đã manh nha ý niệm về hội thánh như một thể chế có quá nhiều kẽ hở, không hoàn thiện. Quá nhượng bộ, lại hẹp hòi. Rất có định kiến, lại quá giả hình để giúp người ta tin. Và người ta cho rằng hội thánh là thể chế điều đình ơn cứu rỗi. Họ vẫn nói, Chúa thật tinh tuyền, còn hội thánh lại bất toàn. Cho nên, có số người chọn lựa tìm đến hội thánh như tìm đến cơ quan có tuyển lựa, rất lưa thưa.

Chừng như, bên trong hội thánh hôm nay, đã có dấu hiệu của thời tiên khởi, khi Chúa nói:

“Hãy đem tất cả những thứ này

ra khỏi đây,

đừng biến nhà Cha tôi

thành nơi buôn bán”

(Yn 2: 16)

Thấy như thế, các thánh tông đồ nhớ lại lời được chép trong Kinh Thánh:

“Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa,

mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.”

(Yn 2: 17)

Hôm nay đây, để ứng đáp với vấn đề này, có vị không là tông đồ rất thánh, từng theo Chúa, nhưng vẫn thương kính Hội thánh rất đậm sâu. Ông cũng thật tình đủ để nhận phần lỗi cho giáo hội. Đó là tay viết chuyên về tu đức gốc nguời Ý, tên là Carlo Carretto, có lời tuyên dương như sau:

“Hỡi Hội thánh của tôi, tôi phải phê bình Ngài thế nào mới đủ, và làm sao yêu thương ngài cho xứng! Bởi ngài làm tôi đau khổ, hơn bao kẻ khác. Và, tôi vẫn nợ ngài nhiều hơn mọi người. Tôi những muốn ngài bị huỷ hoại, nhưng tôi lại cần ngài hiện diện. Ngài từng gây nhiều tai tiếng, nhưng chỉ mình ngài làm tôi hiểu sự thánh thiêng. Ở thế giới hôm nay, chưa từng thấy có điều gì vừa dễ nhượng bộ, khiếm khuyết, nhưng tôi lại chưa từng sờ chạm được điều gì tinh tuyền, đại độ và mỹ miều hơn. Rất nhiều lần, tôi những muốn đóng sầm cửa tâm hồn mình lại để không còn nhìn thấy mặt ngài, nhưng khi về đêm, tôi lại vẫn cứ nguyện cầu cho tôi được chết trong vòng tay ôm của ngài! Không. Tôi không thể nào đào thoát khỏi tầm tay của ngài được, bởi tôi cũng làm một với ngài, nếu không muốn nói là trọn vẹn con người tôi chính là ngài. Và cũng thế, tôi không biết giờ sẽ đi về đâu? Thiết lập hội thánh khác ư? Nhưng, tôi không thể thiết lập được hội thánh nào mà lại không có khiếm khuyết. Bởi, khiếm khuyết là khiếm khuyết của chính tôi. Hơn nữa, nếu tôi thiết lập hội thánh khác, thì khi ấy sẽ là hội thánh của tôi, chứ không là hội thánh Đức Kitô. Không được. Tôi nay đã già, nên cũng đã hiểu được nhiều điều hơn.”

Trên đây, là giòng chảy suy tư, đang tuôn trào. Nó lôi bạn và kéo tôi, những người đang tiến vào thánh đường/nhà thờ, ngày cuối tuần. Cả các vị trong ta, hiện thời không còn bước đến nữa. Cũng vẫn nên suy tư, về giòng chảy Hội thánh. Bởi, bạn và tôi, ta đều cùng và đều là giáo hội rất thánh. Giáo hội của những vị thánh. Ta cũng mang nặng ưu tư về hội rất thánh. Đó, là hội thánh của chính chúng ta. Hội Thánh, là thánh hội đang đi và lòng đời. Và lòng nguời. Đi vào lòng thành, của những nguời có những vần thơ, vẫn muôn hát:

“Nhìn chiều vàng đồi thông thưa vắng

lòng bùi ngùi buồn trông theo bóng

giờ đây viếng thầm hồn cố nhân

năm tháng trôi qua sóng gió đời

chiều chiều nhớ (anh) khôn lòng nguôi.” (Nguyễn Văn Khánh – bđd)

Nhớ và thương Hội thánh, buổi chiều vàng. Thương và nhớ, thánh hội vào mọi sáng. Những buổi rất sáng và buổi rất chiều vàng, của mọi thời. Rất dậy sóng. Như Hội thánh hôm nay. Để minh hoạ cho những thương mà nhớ, những nhớ mà thương cho Giáo Hội Chúa, trong đó có các vị thánh lớn/nhỏ, cũng nên ghi lại nơi đây truyện kể rất ngắn, có những thắc mắc rất thánh, từ một vị thánh sẽ rất mới như sau này:

“Hai thày dòng trẻ Hội thánh, vừa gia nhập tập-viện Dòng Tên, nhưng lại muốn sống đời thời thượng, có kính Chúa yêu người trong nguyện cầu. Nhưng, lại không bỏ được cái tật hút thuốc vặt vãnh, rất lấn cấn. Cả hai quyết định lên gặp cha Bề Trên xin ban cho mình ân huệ, đặc biệt. Thầy trẻ tuổi thứ nhất đã đến xin, nhưng không được. Ít phút sau, ông chợt thấy một thày trẻ khác đồng cảnh ngộ, đang phì phà điếu thuốc trên môi, khi nguyện cầu, bèn hỏi:

-Sao Cha Bề Trên lại cho phép cậu được hút thuốc, mà tớ thì không, thế?

-Là bởi vì, cậu hỏi ý ngài xem cậu có được phép hút thuốc, khi cầu nguyện hay không. Còn tôi, tôi chỉ xin ngài cho phép tôi được cầu nguyện trong lúc mình hút thuốc! Sự kiện thì có giống, nhưng cách thức xin thì khác nhiều, chứ nhỉ!

Cũng giống thế, sự kiện/hiện tượng xảy đến với Hội thánh, mỗi thời mỗi lúc, đâu phải nơi nào cũng đều giống nhau. Chí ít, là vấn đề nảy sinh với giáo hội ở trời Tây, chắc chắn khác hẳn giáo hội ở phương Đông. Như Giáo hội thầm lặng ở Trung quốc. Giáo hội Ba Lan. Giáo hội mình. Sự kiện thì có giống. Nhưng cách thức, lắm khi cũng khác nhiều. Thế đó, mới là Hội thánh. Thế đó, mới là giáo hội của các thánh ở trần gian. Tại đây. Ngay bây giờ.

Trần Ngọc Mười Hai

ưu tư nhiều

về những gì xảy đến

với Hội thánh.

No comments: