Saturday, 29 November 2008

“Ôi những câu chuyện lòng,”

Làm thơm ngát thêm tuổi hồng,

Anh ơi yêu đi yêu đi!

Trên đỉnh yêu đương,

gió toả thêm hương”

(Trần Thiện Thanh – Trên Đỉnh mùa đông)

(2Cr 4: 11)

Mới vừa rồi, nhân buổi “thắp nến nguyện cầu cho quê hương” ở Sydney hồi đầu tháng Mười 2008, vị linh mục chủ sự đã đề cập đến điều mà ông gọi là “có một trùng hợp” giữa sự kiện 117 vị tử đạo được phong thánh năm 1988; và gương can đảm tử đạo của giáo dân ở Thái Hà, đã khiến bần đạo có một vài ý tưởng mọn hèn về những hành xử sống-chết, vì Đạo Chúa..

Chết vì Đạo, nay trở thành đề tài, nhiều người thắc mắc, hỏi rằng: sống chết vì Đạo có là chuyện thật trong đời, ngày hôm nay? Hay chỉ là, lập trường xưa cũ, đã qua. Rất hạn hẹp. “Hơi bị” cường điệu? Quá lý tưởng? Nói cách khác, lập trường “sống chết vì Đạo, có là “chết trong lòng một ít”, cho Đạo? Và, với người đồng Đạo?

Thú thật là, khi đề cập đến đề tài này, có một câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu của nhiều bầu bạn sống đời đi Đạo, và giữ Đạo. Những người, vẫn thắc mắc: có chăng một tử đạo của người mình, rất hôm nay? Với ít người, hỏi như thế là đã trả lời. Có sẵn trong đầu.

Như mọi lần, mỗi khi nghe có vấn nạn, bần đạo thường hay để lòng mình trùng xuống, tìm đến những tư tưởng nhà Đạo, những câu nói hoặc ý nhạc/lời ca của các nghệ sĩ khi xưa, đã sống và từng hỏi những câu tương tự. Để từ đó, có giòng chảy ngẫu hứng, mà suy tư. Suy, về tình yêu qua mau. Suy, về lời ca người nghệ sĩ thân quen nọ từng viết những giòng, như sau:

“Ôi những câu chuyện lòng,

từ lâu vẫn như mùa đông

anh ơi yêu đi yêu đi!

nếm thử thương đau,

khi hạnh phúc qua mau.” (Trần Thiên Thanh – bđd)

Bản thân người viết nhạc, khi ấy, chưa hẳn là đã dám sống - chết với giòng nhạc, mình đang sống. Nhưng, có điều khá chắc là: nghệ sĩ viết nhạc hoặc thơ ấy, có thể vẫn đang suy nghĩ miên man, dài dài. Suy, về tình tự. Về, cuộc-tình thương-đau trong đạo làm người. Trong đời người đi Đạo. Một đời, vẫn có yêu. Có sống/chết vì Đạo. Sống đạo làm người. Và, tình người sống đạo, vẫn là thứ tình xảy đến rất miên trường. Vĩnh cửu. Khó nguôi ngoai. Tình ấy, có thể tình kéo về nỗi chết, rất đích thực. Hay, chỉ “chết trong lòng”, một ít. Cũng rất Đạo.

Hôm nay, nghe lại nhạc-bản chép ở trên, bần đạo tuy không đạo-hạnh cho lắm, nhưng cũng đã lòng nhủ lòng, chia sẻ vài tâm tình hèn mọn về cái-gọi-là “chết trong lòng”, vì Đạo. Chết, như Thầy Chí Thánh đã dạy phải chết. Và, các thánh vẫn khuyến khích/nhủ khuyên, như:

“Kẻ nghe Lời Ta

và tin vào Đấng đã sai Ta

sẽ có sự sống đời đời

và khỏi đến toà phán xét,

nhưng đã ngang qua sự chết

mà vào sự sống.”

(Yn 5: 24)

hoặc:

“Quả, cũng như nơi Ađam,

mọi người đều phải chết

thì trong Đức Kitô

mọi người cũng sẽ được tác sinh.”.

(1Cr 15: 22)

Như thánh Phao-lô từng quả quyết, cái chết (dù là chết vì Đạo, hay cho Đạo) chỉ có ý nghĩa, là để ta được tái sinh; để, ta đi vào sự sống, sống lại “từ cõi chết”. Nói khác đi, chết vì Đạo và cho Đạo mà không liên tưởng đến, hoặc vì sự sống lại cùng với Đức Kitô, thì chỉ là cái chết “lãng xẹt”, vô bổ.

Và, thánh nhân còn nói về sự chết vô ích, như sau:

“Tuy sống đó,

nhưng chúng tôi luôn luôn bị phó nộp cho án chết, vì Đức Giê-su

ngõ hầu sự sống của Đức Giê-su

cũng được hiện tỏ nơi cái xác chết dở của chúng tôi.

Ấy vậy, sự chết đã hoạt động nơi chúng tôi,

Còn sự sống, lại hoạt động nơi anh em.”

(2 Cr 4: 11)

Xem như thế, sống dở chết dở, hay sống dở chết thiệt, mà vẫn không phải là sống chết vì Đức Giê-su, thì cũng chỉ là sống mà như chết, hoặc chết chẳng để làm gì. Là, sống hoặc chết, cứ ương ương dở dở, như thế thôi.

Và ở đây, bần đạo không có tư cách và cũng chẳng có thẩm quyền để nhận định hoặc phê phán cuộc sống và nỗi chết (thực hay dở), của bất cứ ai. Đấng thánh nào. Hay ông thần nào, đã chết. Mà, chỉ muốn nhân dịp này, luận bàn về đề tài: có chăng các vị được gọi thánh, thời hôm nay? Nói nôm na, hỏi rằng: ngày nay, có cụ nào sống đích thực lành thánh, như thánh sống? Và, chí ít về một câu hỏi: là con cháu các đấng tử Đạo, ngày nay ta vẫn cần nên thánh, chứ?

Trả lời câu hỏi ở trên, thật ra cũng chẳng khó. Bởi, theo dõi báo/đài truyền thông hằng ngày, ai rồi cũng nhận ra rằng, với các vị Giáo hoàng đương đại, ta đều thấy có những cuộc phong thánh cho rất nhiều vị sống cùng thời, với ta. Gần đây nhất, là: việc phong chân phước cho song thân phụ mẫu thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giê-su, nữa. Và tiêu biểu hơn cả, là các vị thánh sống thời đương đại được mọi người coi như đã thành thánh, như: Mẹ Têrêxa thành Calcutta, Đức cố Giáo Hoàng Gio-an XXIII, và Đức Gio-an Phao-lô Đệ Nhị, nhất nhất đều là các vị lành thánh, cả khi còn sống.

Thánh sống hay sống thánh, là vấn đề của mọi thời. Không chỉ vào thời có bức bách, cấm Đạo. Nhưng, là những vị đã thể hiện cuộc sống đúng như đòi hỏi của Đức Chúa. Nơi Tin Mừng. Tức: hôm nay, ai sống Đạo theo đòi hỏi của Tin Mừng, sẽ được gọi là thánh. Rất thánh, là đàng khác.

Trả lời các vấn nạn ở trên, tưởng cũng nên xem xét ngôn-từ mà nhiều vị từng dùng để xưng tụng dân con nhà Đạo mình là thánh. Cũng là ý kiến khá hay. Theo thiển ý, lâu nay, Giáo hội mình được gọi là Hội thánh, tức bao gồm các thành viên, sống tốt lành, thánh thiện. Theo đúng nghĩa.

Là thánh, tức là những người biết sống cho phải đạo. Tốt lành. Hành thiện. Luôn giùm giúp/đỡ đần, hết mọi người. Cả những người thân cô, thế cô. Không giúp để lấy tiếng. Hoặc, để có thể nhờ vả về sau. Là thánh, tức những người “sống cùng” và “sống với” trong cộng đoàn Nước Trời, ở trần gian. Ở nơi đó, mọi kiêu căng/ngạo mạn, bất công/bạo lực, giận hờn hoặc ghét ghen, hiếp đáp lẫn thù hận… đều không có chỗ đứng. Chẳng thế mà, khi xưa, cộng đoàn tín hữu ở giáo đoàn, khắp nơi, đều được thánh Phao-lô nhất cử nhất động, gọi là thánh. Và, thánh. Chẳng thế mà, khi viết cho dân con nhà Đạo ở giáo đoàn “có vấn đề”, như giáo đoàn Cô-rin-thô, Phao-lô thánh nhân, cũng đã viết:

“Kính gửi Hội thánh của Thiên Chúa

tại Co-rin-thô”

(1Cr 1: 2)

Với giáo đoàn Ga-lát đang trong vòng tranh tụng và cãi vã, thánh nhân còn viết:

“Phao-lô Tông đồ

không phải do loài người

hay nhờ một người nào,

mà nhờ Đức Giê-su và Thiên Chúa Cha

kính gửi các hội thánh xứ Galát..”

(Ga 1: 1)

Theo ngôn ngữ người mình, ta vẫn có thói quen đề cao “thiên chức” làm mẹ, của các bà mẹ Công Giáo, tức: chức năng rất lành và rất thánh, của bà mẹ. Có lẽ ở đây, cũng nên hỏi: ta có nên đề nghị phong thánh cho các bà mẹ nói chung, và nhất là các bà mẹ Việt Nam, vào buổi nhiễu nhương, sống dưới uy lực của bạo tàn, không? Của giới chức ở bên trên, rất độc tài. Rất toàn trị. Vì, phải là người thánh thiện lắm mới dám “vượt cạn”, mang rất nặng và đẻ rất đau; rồi còn, nuôi con cho ăn cho học đến khi con thành nhân, thành tài mà chẳng cần gì chuyện đền đáp. Phải là thánh ghê lắm, mới vui lòng chấp nhận cuộc sống bấp bênh, hãi hùng. Một thân một mình, chăm cơm nuôi chồng ở tù/học tập “cải tạo”; lại còn, tay xách nách mang, con cái đùm đề. Vậy thì, đâu có thua gì các đấng tử đạo vì “tình thương”, như Chúa dạy?

Và, vấn nạn cuối có lẽ sẽ là câu hỏi: ngày nay, có ai được gọi là thánh “Tử Đạo”, chăng?

Hôm nay, nếu quan niệm sống Đạo, là sống đúng tư cách của người đi Đạo. Là, sống luôn luôn cổ vũ/thực hiện cuộc sống yêu thương giùm giúp, thì câu trả lời, thật rất dễ. Ngày nay, vẫn còn thấy nhiều đấng thánh, rất thánh dẫy đầy nơi phố chợ, nhưng không được hoặc chưa được gọi/chưa được phong làm “thánh nhân” (như định nghĩa của một số tự-điển rất phàm trần) đang ở quanh ta. Bên ta. Mà không biết. Như các bà mẹ. Ông ba. Như người tình, dù có chân dung hay là không. Như, người phối ngẫu, cố gắng ở với nhau suốt đời, chỉ vì yêu. Yêu thật sự. Yêu, trong nhịn nhục. Có hy sinh. Từ bỏ. Vì người mình yêu. Yêu như con trẻ. Sống như trẻ thơ. Ở đâu đó. Chốn thế trần.

Nói tóm lại, những ai sống đời công chính, sống như trẻ nhỏ, dám chết đi cho những tính hèn và mọn của mình, đều xứng đáng được gọi là “thánh”. Và, mỗi ngày ta vẫn thường “tử vì đạo”, đấy chứ! “Tử vì đạo”, là chết cho lòng tham – sân - si, có những hờn ghen. Tị hiềm. Tranh chấp. Bởi, nếu không chết đi cho những thứ lòng thòng ở trên, thì làm sao ta có thể trở thành Kitô-hữu đích thực được? Và, những ai có tâm trạng trẻ thơ như truyện kể bằng thư ở dưới, có nên gọi họ là thánh, hay chăng? Truyện kể rằng:

“Thiên Ân là trẻ thơ, lĩnh nhận ân sủng từ bậc Thánh Hiền, được mẹ giáo dục là phải cố sống đời thơ trẻ thiên thần, vào mọi lúc. Bất cứ lúc nào, cũng phải hành xử như thiên thần nhỏ bé, rất nên thơ. Việc gì xảy đến dù không thích, cũng đừng quên thưa Chúa, thưa Cha bằng những câu kinh, hoặc thư từ, rất nhẹ. Hôm ấy, bé em Thiên Ân có người bạn thân tên Tô-tô, đột nhiên qua đời, sau cơn sốt. Thiên Ân bèn thỏ thẻ với Chúa, bằng văn thư, như sau:

Lạy Chúa dấu yêu,

Con vừa mất đi người bạn thân yêu nhất trên trần,

Bạn của con tên là Tô-tô.

Chú bé, tự dưng đột xuất đau ốm. Bỏ con lại, không người chơi.

Thấy con buồn, ba má bảo: trên thiên đàng, vẫn đủ chỗ cho Tôtô và cả con nữa.

Vậy hôm nay, con thưa với Chúa,

Chúa ơi, Chúa hứa với con đi. Hãy hứa là: sẽ cho Tôtô cùng con ở trên đó.

Tôtô lúc nào cũng xử tốt với con hết đó, không có vấn đề gì.

Nên con nghĩ: nếu loài chó được lên thiên đàng

Thì Tôtô của con rất xứng đáng, lắm đó.

Tôtô cũng sẽ thành thánh, có thua ai đâu.

Và sau này, khi con chết,

con sẽ nói với Chúa cho ở gần bên mãi, với Tôtô.

Vậy bây giờ, Chúa săn sóc cho Tôtô của con nhé.

Chúa đừng quên dắt nó ra ngoài, cho nó đùa giỡn và chạy nhảy mỗi ngày nhé,

Lạy Chúa yêu dấu của con.

Ký tên

Con tên Thiên Ân, đó Chúa.”

Chuyện thánh nhân, theo nhãn quan của trẻ thơ, rất trẻ, cũng nhè nhẹ. Thơ bé. Như các thánh ở chốn gian trần. Chốn sống, có vần thơ. Có ý nhạc rất nhè nhẹ, như sau:

“Ôi, những câu chuyện lòng

làm thơm ngát thêm tuổi hồng

Em ơi yêu đi, yêu đi

Trên đỉnh yêu đương

Gió tỏa thêm hương...”

(Trần Thiện Thanh – bđd)

Yêu, như tình yêu rất thơ rất trẻ, của trẻ bé rất nên thơ. Yêu và chết, để tình yêu đơm mầm, nảy chồi, những hoa lá. Đó, là tâm trạng rất thánh, của thánh nhân. Tâm trạng, rất đáng sống đời tử Đạo. Vì Tình Yêu. Của Thầy Chí Thánh rất Nhân Hiền. Rất Kitô.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn quan niệm

thánh thiện là như thế.

Cũng nhè nhẹ

như thiên chức làm mẹ,

như tuổi thơ, rất thánh.

No comments: