Saturday 28 May 2016

“Hãy lắng tiếng nói” vang trong tâm hồn mình người ơi”



Chuyện phiếm đọc trong tuần 10 mùa thường niên năm C 05/6/2016

“Hãy lắng tiếng nói”
vang trong tâm hồn mình người ơi”
Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối.
Tôi đi chinh chiến bao năm trường miệt mài,
Và hồn tôi mang vết thương vết thương trần ai.”
(Lê Minh Bằng - Đêm Nguyện Cầu)
(Mt 6: 5-8)
“Lắng tiếng nói” ư, dễ chừng được bao lâu? Kéo dài bao nhiêu lần trong ngày? Chắc là, ta không thể lắng thế mãi suốt mọi ngày trong tuần, được phải không? Bởi, có làm thế thì thế-gian này rồi cũng sẽ phong cho người ấy/vị ấy là thánh-nhân, mất thôi.

Ấy kìa, người nghệ-sị lại hát thêm câu ca da-diết, những là: “Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối”…Ôi thôi! Một sự thật ở trong đời. Nhưng, vấn-đề là hỏi rằng: hôm nay, bạn và tôi, ta có tìm ra con tim hay “chim” nào được như thế, không. Đó, mới là chuyện khó. Khó thấy và khó làm.   

À thì ra, nghệ sĩ mình có viết như thế, cũng chỉ để vinh-danh các thân-hào/nhân-sĩ hoặc chiến-hữu từng thấy những là: “hồn tôi mang vết thương, vết thương trần-ai!”… Thế mới biết, chiến-hữu hôm ấy và dân con nhà Đạo bây giờ, đã biết “chắp tay nguyện-cầu” cho đất nước, cho người khác và cả cho mình, như sau:

“Thượng Đế hỡi!
có thấu cho Việt Nam này,
Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài.
Từng chiến đấu tiêu diệt quân thù bạo tàn.
Thượng Đế hỡi!
hãy lắng nghe người dân hiền.
Vì đất nước đang còn ưu phiền.
Còn tiếng khóc đi vào đêm tường triền miên.”
(Lê Minh Bằng – bđd)

Vâng. Thoạt khi “rưng rưng tôi chắp tay nghe hồn khóc đến rướm máu”, là lúc mà: người chiến-hữu và/hoặc dân con nhà Đạo bắt đầu nguyện-cầu Thuợng-Đế cho dân mình và mọi người được hạnh-phúc sống chức-năng con người mình, thật rất đúng.

Vâng. Đó chính là ý-nghĩa và mục-đích của động-thái nguyện-cầu nơi dân con Đạo Chúa, xưa và nay, như đấng bậc nhà Đạo chuyên-trách mục hỏi/đáp giáo-luật/phụng-vụ trên báo Đạo “The Catholic Weekly” từng đáp-trả về sự/việc tín-hữu trong Đạo xưa/nay, hằng ngày vẫn có thời-giờ nguyện-cầu, rất như sau:    

“Sách Công-vụ Tông-đồ ở đoạn 3 câu 1, vẫn từng bảo: “Một hôm, ông Phêrô và ông Gioan lên Đền Thờ, vào buổi cầu giờ thứ chín.” Và sau đó, cũng ở sách này, lại thấy qui-chiếu đoạn 10 câu 9, những quả-quyết: “Hôm sau, đang khi họ đi đường và đến gần Gia-phô, thì ông Phêrô lên sân thượng cầu nguyện; lúc đó, vào khoảng giờ thứ sáu.”

Xem thế thì, giờ thứ sáu là đúng vào giờ ngọ, tức: 12 giờ trưa, còn giờ thứ chín là đúng ba giờ chiều. Còn giờ thứ ba, là 9 giờ sáng. Như thế, ta có thể mường-tượng ra rằng: giờ cầu-nguyện được tính như thế là rút từ thời-khoá-biểu nguyện cầu của Do-thái-giáo, ở thời trước.

Truyền-thống Do-thái-giáo từng chép rằng: Tổ-phụ Abraham, Isaác và Giacóp đã dẫn-nhập thói-tục nguyện cầu những ba lần trong một ngày, vào giờ giấc nói rõ như trên. Và, tổ-phụ Abraham lại đề-nghị thêm một buổi cầu-nguyện vào ban sáng. Trong khi đó, ông Isaác lại đề-nghị con dân trong Đạo hãy nguyện cầu vào buổi xế; và ông Giacóp đề-nghị bà con ta cầu-nguyện vào ban đêm.

Thêm vào đó, mỗi đấng tổ-phụ lại có tính đặc-thù hoặc phẩm-chất tư-riêng khiến người Do-thái-giáo quyết phải sống đích-thực đời mình trong nguyện-cầu. Tổ-phụ Abraham phụng-sự Thượng Đế với lòng thương-yêu, tử-tế, rất trìu-mến. Ông Isaác lại chủ-trương sống đời công-chính, kính-trọng. Còn ông Giacóp lại thực-thi cuộc sống bằng tất cả sự thật và lòng từ-bi. Thế nên, người Do-thái-giáo dạy con khuyên cháu hãy phụng-sự Thiên-Chúa và cầu-nguyện lên Ngài bằng tất cả tình yêu thương, kính-trọng và lòng nhân-hậu.

Vào thế-kỷ thứ nhất sau Công nguyên, sau khi chấp-nhận luật Torah qua ông Môsê, cá-nhân người theo Đạo Do-thái-giáo đều nguyện-cầu vào bất cứ thời-gian nào trong ngày, ngay tại đền thờ Giêrusalem. Đền thờ này, vẫn định giờ giấc để dân con mọi người có thể thực-hiện việc cúng-tế và nguyện-cầu. Cúng-tế, được tổ-chức vào buổi sáng và xế chiều có khi kéo dài vào ban đêm, nữa. Và, vào những ngày đặc-biệt, lại có thêm nhiều buổi cúng-tế dâng tiến Chúa. Nhiều người Do-thái-giáo còn cầu-nguyện ba lần trong ngày, vào giờ trên.

Vua Đavít có ghi trong thánh-vịnh 53 câu 17-18 và dạy rằng: “Phần tôi, tôi kêu khấn Chúa Trời, Chúa sẽ thương cứu độ. Sớm trưa chiều, tôi than sầu rên rỉ, Người sẽ nghe tiếng tôi.”

Và, vào thời lưu-lạc ở Babylon vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, tiên-tri Đaniên cũng từng viết: “Phần tôi, tôi kêu khấn Chúa Trời, Chúa sẽ thương cứu độ. Sớm trưa chiều, tôi than sầu rên rỉ, Người sẽ nghe tiếng tôi.” (Đn 6-11-12)…

Ở Giáo-hội thời đầu, các thánh tông-đồ cũng tiếp-tục nguyện-cầu vào giờ giấc kể ở trên, tức ba lần trong ngày. Đặc-biệt, thánh Phêrô và thánh Gioan cũng làm thế. Sách Điđakê, cũng có kể chuyện này xảy ra vào cuối thế-kỷ thứ nhất, sau Công nguyên.

Đến thế-kỷ thứ hai và ba, các tác-giả như thánh Clêmentê ở Alexandria, thánh Origênê và Tertuliô có viết rằng: việc nguyện-cầu được các thánh-thực-hiện sáng/chiều vào giờ thứ ba, thứ sáu và thứ chín.

Vào thế-kỷ thứ tư, Hiến-chế Tông-đồ có khuyên: “Hãy dâng lời cầu-nguyện của các người vào buổi sáng, giờ thứ ba, thứ sáu và thứ chín, cả vào buổi chiều và vào lúc gà gáy nữa.” (X. đoạn VIII, câu iv, 34)

Những ai có thói quen dự các Giờ Kinh Phụng-vụ hoặc đọc Kinh Thần-vụ sẽ thấy rằng đấy là giờ giấc thích-hợp cho việc hát thánh-vịnh và đọc sách thánh. Theo cách này, Giáo Hội Chúa, ngang qua các thừa-tác-viên và những vị dâng mình vào cuộc sống thánh-hiến, sẽ sống thực điều mà thánh Phaolô từng khuyên-nhủ như thánh-nhân có viết thư gửi cộng-đoàn Thessalônikê, những lời sau đây: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” (X. Lm John Flader, Did early Christians have regular times of the day to pray?, The Catholic Weekly, Question Time 24/4/2016, tr.22)

Dân con nhà Đạo thời xa/xưa, nguyện-cầu thì như thế. Nhưng hỏi rằng: có cần cầu-nguyện gồm lời lẽ suy-tư đầy tiếng khóc khóc đến rướm máu, như tiên-tri Đaniên, thánh Clêmentê, Origiênê hoặc như nghệ-sĩ ngoài Đạo từng tâm-sự như sau không?

“Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu.
Rưng rưng tôi chấp tay nghe hồn khóc đến rướm máu.
Bâng khuâng nghe súng vang trong sa mù,
Buồn gục đầu nghẹn ngào nghe non nước tôi trăm ngàn ưu sầu.”
Lê Minh Bằng – bđd)

Nói khác đi, thì người cầu-nguyện Thượng-Đế có tiếng khóc đến rướm máu, có sống-thực lời cầu mình dâng lên không?

Nói cách khác, sống đạo là thế nào? Và cầu-nguyện phải ra sao? Sống-Đạo-nguyện-cầu chuyện vãn với Đức Chúa có buộc phải thế không? Hay, ta còn nhiều cách khác chứng-tỏ mình là “con nhà có Đạo” rất đạo-hạnh và tin-tưởng? 

Trả lời cho câu hỏi này, xem ra cũng hơi khó. Khó, ở chỗ: mỗi người sống mỗi khác. Mỗi vị đều có nhân-sinh-quan đạo-hạnh, cũng khác nhau.

Nếu cứ hiểu ý-nghĩa và mục-đích đích-thực của việc nguyện-cầu và tin-tưởng vào Đức Chúa, Đấng mà xưa nay mình vẫn tin và thờ, chắc hẳn có người cũng sẽ “khóc thét” lên với nghệ-sĩ sáng-tác bài hát ở trên, mà hát thêm rằng:

Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu.
Rưng rưng tôi chấp tay nghe hồn khóc đến rướm máu,
Quê hương non nước tôi ai gây hận thù tội tình,
Nhà Việt Nam yêu dấu ơi bao giờ thanh bình?”
(Lê Minh Bằng – bđd)

Nói cho cùng, chuyện nguyện-cầu và tin tưởng, cũng tùy mình/tùy người và mỗi chư vị trong Đạo. Có lẽ, điều nên làm lúc này là ta cùng nhau đi vào vùng trời Lời của Chúa để nghe lại những lời dặn-dò hôm trước còn vang vọng như sau:

“Khi cầu nguyện,
anh em đừng làm như bọn đạo đức giả:
chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường,
hoặc ngoài các ngã ba ngã tư,
cho người ta thấy.
Thầy bảo thật anh em:
chúng đã được phần thưởng rồi.
Còn anh, khi cầu nguyện,
hãy vào phòng, đóng cửa lại,
và cầu nguyện cùng Cha của anh,
Đấng hiện diện nơi kín đáo.
Và Cha của anh,
Đấng thấu suốt những gì kín đáo,
sẽ trả lại cho anh.”
(Mt 6: 5-7)

"Khi cầu nguyện,
anh em đừng lải nhải như dân ngoại;
họ nghĩ rằng:
cứ nói nhiều là được nhận lời.
Đừng bắt chước họ,
vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì,
trước khi anh em cầu xin.”
(Mt 6: 8)

Vâng. Nguyện-cầu trong tin-tưởng, vẫn phải như thế. Và, sống niềm tin có cầu nguyện trong thinh-lặng, cũng như vậy. Như thế và như vậy, càng hiện rõ hơn bằng giòng chảy đầy kể lể những câu truyện hoặc những nhận-định thân thương, nhè nhẹ, đầy tâm-huyết.

Kể, là kể cho nhau những câu truyện ngăn ngắn để thưởng-thức những giây phút vui-tươi, buồn cười cho qua ngày đoạn tháng như một lời cầu cho mình và cho nhau như sau:

Truyện, là thế này:

Thuở xưa có chàng trai nọ con một vị Bà la môn Ấn Độ sống dưới triều vua Pasenadi (Ba Tư), kinh thành Xá Vệ, thuộc vương quốc Kosala. Tên của chàng là Ahimsaka (người thất bại). Chàng được gởi đến thành phố Taxila để học hành. Ahimsaka rất thông minh và biết vâng lời thầy, nên chàng được cả thầy lẫn bà vợ thầy yêu mến. Điều này đã khiến cho các học viên khác ganh tỵ với chàng. Vì thế họ tìm đến thầy giáo và vu cáo Ahimsaka có mối quan hệ bất chính, trái đạo lý với bà vợ của thầy. Thoạt tiên, vị Thầy không tin họ; nhưng sau khi nghe điều đó lập đi lập lại nhiều lần, ông nghĩ rằng đó là sự thật và thề sẽ trả thù Ahimsaka.

Ông thầy nghĩ rằng việc giết người học trò sẽ gây tai tiếng, sẽ ảnh hưởng xấu đến bản thân ông. Cơn giận dữ thúc giục ông đã đưa ra mệnh lệnh giết người, một việc không thể tưởng tượng nổi đối với chàng thanh niên Ahimsaka trẻ tuổi và ngây thơ kia.

Ông ta bảo cậu học trò phải giết một ngàn người và mang về ngón tay cái của từng người để trả học phí.

Cố nhiên chàng thanh niên không muốn nghĩ đến một việc kinh khủng như vậy và từ chối không theo mệnh lệnh kia. Vì thế chàng đã bị tống cổ ra khỏi nhà thầy và trở về với gia đình cha mẹ.
Khi cha chàng biết được tại sao Ahimsaka đã bị đuổi, người cha vô cùng tức giận về đứa con của mình và không chịu nghe lời giải thích của con.

Cũng chính trong ngày ấy, lúc trời đang đổ mưa như trút nước, người cha xua đuổi Ahimsaka ra khỏi nhà. Ahimsaka chạy đến mẹ chàng và xin lời khuyên. Nhưng bà cũng không thể chống lại quyết định của chồng.Sau đó Ahimsaka tìm đến nhà vị hôn thê của chàng theo cổ tục hứa hôn từ lâu trước khi đi đến hôn nhân thực sự ở Ấn Độ. Nhưng khi gia đình này biết lý do Ahimsaka bị đuổi ra khỏi trường, họ cũng xua đuổi chàng.

Nỗi ô nhục, giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng của Ahimsaka đã làm cho chàng điên tiết. Trong nỗi đau đớn cùng cực đó, đầu óc của chàng chỉ nhớ lại mệnh lệnh khắc nghiệt của người thầy, góp nhặt một ngàn ngón tay người. Và vì thế mà chàng bắt đầu lao vào cuộc chém giết như vậy, những ngón tay góp nhặt được chàng treo chúng lên cành cây. Nhưng chúng bị bầy quạ và diều hâu phá hoại, sau đó chàng đã mang vào người vòng ngón tay để giữ gìn và theo dõi số lượng.

Cũng vì điều này mà Ahimsaka dần dần được biết qua cái tên Angulimala -người đeo vòng ngón tay và đã trở thành nổi hãi hùng cho vùng nông thôn thành Xá Vệ này. Chính đức vua đã nghe được việc giết hại của Angulimala và ra lệnh bắt tên sát nhân.

Khi bà Mantani, mẹ của Ahimsaka, biết được lệnh truy nã của vua, bà vào rừng để tìm con, với những nỗ lực tuyệt vọng để cứu đứa con của mình. Lúc ấy, vòng đeo cổ của Angulimala chỉ còn một ngón nữa là đủ túc số một ngàn. Đức Phật biết được tình thương và nỗ lực ngăn cản của người mẹ đối với con và nghĩ rằng nếu Ngài không can thiệp thì chắc chắn Angulimala, đang tìm người cuối cùng để làm cho đủ số một ngàn, sẽ gặp chính mẹ của mình và y có thể giết bà.

Trong trường hợp đó, y sẽ chịu đau khổ còn lâu dài hơn nữa vì nghiệp ác của mình. Do lòng bi mẫn, Đức Phật đã quyết định đi đến khu rừng kia. Sau nhiều ngày đêm mất ngủ, Angulimala rất mệt và gần như kiệt sức, y rất nôn nóng tìm cách giết người cuối cùng để đủ số lượng một ngàn và hoàn tất phận sự của mình, y quyết định giết người đầu tiên mà mình gặp. Khi nhìn xuống từ nơi ẩn mình trên núi, y thấy một người đàn bà trên con đường phía dưới. Y muốn làm trọn lời thề của mình để có đủ một ngàn ngón tay, nhưng khi đến gần, y nhìn thấy người đó chíng là mẹ mình.

Cùng lúc ấy, Đức Phật cũng đang đi tới, và Angulimala liền định thần quyết giết chết người tu sĩ kia để thay thế cho mẹ mình. Y liền vung gươm bắt đầu đi theo Đức thế Tôn. Nhưng Đức Phật vẫn di chuyển trước mặt y. Angulimala không thể đuổi kịp được Ngài. Cuối cùng, y quát lên:
-Này, tên khất sĩ kia, hãy đứng lại ! Đứng lại !", Đấng Giác Ngộ trả lời:
-Ta đã đứng lại từ lâu rồi, chỉ có ngươi mới là người chưa dừng lại thôi !" Angulimala không thể hiểu được ý nghĩa của những lời này.
Vì thế y lại hỏi:
-Tên khất sĩ, tại sao ông nói rằng ông đã dừng lại, còn tôi vẫn chưa dừng, nghĩa là sao?" 
Đức Phật đáp:
-Ta nói rằng ta đã dừng lại vì ta từ bỏ việc giết hại chúng sanh. Ta đã từ bỏ thói bạo hành, tàn sát mọi loài và ta đã an trú vào lòng từ đối với muôn loài, lòng kham nhẫn và trí tuệ do tư duy quán sát. Song ngươi vẫn chưa từ bỏ việc giết hại và đối xử tàn bạo với người khác cũng như chưa an trú vào lòng từ bi và kham nhẫn đối với mọi loài hữu tình. Do đó, người vẫn là người chưa dừng lại.

Nghe qua những lời này, Angulimala như được nhắc nhở thực tại và suy nghĩ, đây là những lời của một bậc hiền nhân. Vị khất sĩ này hiền thiện và rất mực dũng cảm như thế chắc hẳn vị này là một nhà lãnh đạo các khất sĩ .

Quả thực, chính Ngài hẳn là đấng Giác Ngộ rồi đây. Hẳn ngài đến đây chỉ vì mục đích làm cho mình thấy được ánh sáng. Suy nghĩ như vậy, y ném vũ khí và thỉnh cầu Đức Thế tôn tiếp nhận y vào giáo đoàn khất sĩ, Đức Phật đã chấp thuận việc ấy.

Angulimala đảnh lễ dưới chân Đức Thế TônKhi đức vua và quân lính đến bắt Angulimala, họ thấy người ấy đang ở trong Tịnh xá Kỳ Hoàn của Đức Phật. Biết rằng Angulimala đã từ bỏ ác đạo của mình và trở thành một vị tỳ kheo, vua và quần thần đều đồng ý để yên vị này. Suốt thời gian ấy, Angulimala nhiệt tâm thực hành thiền định.

Vị khất sĩ Angulimala vẫn không được định tâm vì ngay cả trong lúc thiền định tĩnh lặng, Angulimala thường nhớ lại quá khứ cùng với những tiếng gào thét thê thảm của những nạn nhân bất hạnh.

Cũng vì ác nghiệp kia, mà một ngày nọ trong lúc đi khất thực trên đường phố, Tôn giả đã trở thành mục tiêu trả thù của đủ thứ gậy gộc, đá ném vào và thường trở về Tịnh xá vỡ đầu chảy máu, đầy vết thương bầm tím, rồi lại được Đức Phật nhắc nhở:

-"Này pháp tử Angulimala, con đã từ bỏ việc ác, hãy kham nhẫn lên. Đây là hậu quả của ác nghiệp mà con đã gây tạo. Đáng lẽ ác nghiệp sẽ còn làm cho con khổ đau qua vô lượng kiếp, nếu như con không có duyên gặp được ta.

Anguliama nhiệt tâm tinh cần tu tập thiền định, không lâu sau đó, ngài đã đắc quả A-la-hán. Rồi một buổi sáng nọ, trong lúc đang trên đường đi khất thực ở thành Savatthi, Tôn giả Angulimala nghe tiếng ai đang kêu khóc đau đớn. Khi Tôn giả biết đó là một thai phụ đang đau vì chuyển dạ và gặp khó khăn lúc sanh con. Tôn giả suy nghĩ tất cả chúng sanh trên thế gian này đều phải chịu đau khổ. Động lòng từ, Tôn giả về kể lại với Đức Phật nỗi khổ đau của người phụ nữ đáng thương kia.

Đức Phật dạy Tôn giả hãy nói lên những lời chân thật để giúp cho người thiếu phụ, lời khai thị đó về sau này có tên là Anggulimala Paritta, thần chú hộ mệnh. Sau đó, ngài Angulimala liền đi đến trước mặt người sản phụ đang chịu đau đớn kia, Tôn giả ngồi xuống cách bà ấy một tấm màn che và phát nguyện những lời sau:
-Này thưa chị, từ ngày tôi đắc quả A la hán đến nay, Tôi chưa từng cố ý sát hại mạng sống của sinh linh nào.

Nhờ sự thật này, cầu nguyện cho chị được an lành và đứa bé sắp sanh của chị cũng được an lành".
Ngay lập tức người sản phụ liền sanh con một cách dễ dàng. Cả mẹ lẫn con đều được khỏe mạnh bình an. Cho đến nay nhiều người vẫn dùng đến thần chú hộ mệnh này.

Tôn giả Angulimala thích sống độc cư và biệt lập. Sau đó Tôn giả viên tịch một cách yên bình. Là một vị A la hán, Tôn giả chứng đắc Niết bàn. Các Tỳ kheo thỉnh cầu Đức Phật cho biết về nơi tôn giả Angulimala tái sanh, và khi Đức Thế Tôn đáp rằng Tôn gia Angulimala đã chứng đắc Vô dư Niết bàn, thì đại chúng không thể tin điều đó.

Vì thế chư vị lại hỏi rằng, liệu một người đã giết hại quá nhiều người như vậy, có thể chứng đắc Niết bàn Vô dư y chăng. Trước câu hỏi này, Đức Phật đáp: "Này các Tỳ kheo, Angulimala đã tạo quá nhiều ác nghiệp, vì vị ấy không có thiện hữu tri thức giúp đỡ cũng như có những lời khuyên tốt, nhưng một khi Angulimala đã hội ngộ được với Chánh Pháp, vị ấy đã trở nên kiên định và chuyên tâm thực hành giáo pháp và thiền định.

Như vậy, nghiệp ác của vị ấy đã được thiện nghiệp lấn át che phủ, giải trừ và tâm của vị ấy đã hoàn toàn đoạn trừ cả lậu hoặc. Đức Phật lại nói bài kệ về tôn giả Angulimala:

"Ai dùng các hạnh lành
Xoá mờ bao nghiệp ác
Chiếu sáng cõi đời này
Như trăng thoát khỏi mây"

Vì thế, sức mạnh của lòng từ bi bao giờ cũng mạnh hơn bất cứ ác nghiệp nào. Và đó cũng là điều kiện tuyệt đối để đạt đến giác ngộ.

Niềm tin nơi Đức Chúa hoặc Đức Phật, vẫn là quà-tặng đặc-biệt, gửi đến hết mọi người. Không chỉ mỗi người đi Đạo của Chúa hay của Phật. Quà được tặng, vẫn đòi người nhận quà một trách-nhiệm không nhỏ. Trách-nhiệm ấy, là biến lời khuyên thành hiện-thực, trong vui sống. Sống phù-hợp với tinh-thần được diễn-tả nơi lời khuyên, câu răn dạy.

Trách-nhiệm của người nhận quà, còn là và phải là một cam-kết sống xứng-hợp với lời khuyên ấy. Trách-nhiệm thực-hiện lời khuyên bằng cuộc sống còn được thấy nơi sự tương-giao có quan-hệ nồng-thắm mà người đời thường hay dùng ngôn-từ của chính mình, để gọi là: nguyện-cầu.

Nguyện và cầu, hay cầu và nguyện không phải và không bao giờ là sự xin xỏ. Bởi, đã là quà tặng cho không/biếu không, thì đâu cần chuyện xin cho được, hoặc cầu cho bằng được. Bởi, quà tặng từ Trên được ban-phát trước cả khi cho người có nhu-cầu cần đến, không cần người ấy/kẻ ấy phải nói lên tiếng “cầu” hoặc “xin”. Cũng chẳng cần gì phải khẩn-khoản, van nài chi cho rách việc.

Nguyện và cầu, như người ngoài Đạo, dù Đạo Chúa hay Đạo của Trời/của Phật, vẫn là tâm-tình hát lên lời biết ơn, cả vào lúc trước khi xin.

Nguyện và cầu, nhiều lúc và nhiều nơi vẫn mang dáng dấp của một lời khẩn-thiết mong mọi sự tốt đẹp cho người trong nước, hoặc người cận lân hoặc cận thân như câu hát ở trên được lặp đi lặp lại rất nhiều lần, như sau:

“Thượng Đế hỡi!
có thấu cho Việt Nam này,
Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài.
Từng chiến đấu tiêu diệt quân thù bạo tàn.
Thượng Đế hỡi!
hãy lắng nghe người dân hiền.
Vì đất nước đang còn ưu phiền.
Còn tiếng khóc đi vào đêm tường triền miên.”
(Lê Minh Bằng – bđd)

Xem thế thì, hôm nay hoặc mai ngày, bạn và tôi, ta có nguyện-cầu hoặc cầu xin sao đó, cũng đừng xin xỏ cho chính mình. Nhưng, hãy cầu mong hoặc cầu chúc cho người khác, những người cận thân hay cận lân, đang ở trong nước hay ngoài nước, đang “ưu-phiền”, “triền miên” được vui tươi, sống thoải mái, để rồi họ và ta, sẽ hát câu ca nghẹn ngào một tình-thương, rằng:

“Hãy lắng tiếng nói”
vang trong tâm hồn mình người ơi.
Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối.
Tôi đi chinh chiến bao năm trường miệt mài,
Và hồn tôi mang vết thương vết thương trần ai.”
(Lê Minh Bằng - bđd)


Trần Ngọc Mười Hai
Quyết từ nay
Có nguyện cầu nhiều
Cũng đừng bao giờ xin xỏ
Mà chỉ cầu mong, cầu chúc
Cho mọi người mọi nơi
Được thanh-bình, ấm êm.

Saturday 21 May 2016

“Giờ đây bạn ra đi, đến phương trời xa xa”.



Chuyện phiếm đọc sau lễ Mình Máu Chúa năm C 29/5/2016

“Giờ đây bạn ra đi, đến phương trời xa xa”.
“Nhìn con tàu chia ly, vấn vương lòng ta.
Tàu đêm lạnh buốt giá, lạnh đến tận tim ta.
Lạnh cho người đi xa, xa quê nhà”.
(Minh Kỳ - Tiễn Bạn)

(Ga 14: 19-20/Ga 1: 1-4)
Lời ca trên, sao cứ văng-vẳng mãi trong đầu bần đạo, suốt mấy ngày. Cứ như thể, nghệ-sĩ viết nhạc có tên là Minh Kỳ lại đã dùng lời lẽ rất thi-tứ để cùng tôi/cùng bạn, ta nói với nhau những lời da-diết như sau:

“Mai đây, khi buồn đến sân ga. Êm mơ con tàu mấy đêm qua.
Mà rồi giờ đây, tìm đâu thấy bóng, chung vui hòa ca.
Rồi lòng buồn mơ, chậm lê nhịp bước, mang theo tình ta.” (Minh Kỳ - bđd)

Vâng. Con tàu cuộc đời của bạn tôi, nay chuyển bánh/rời sân ga đời người, để đi về chốn miên-trường xa mù-tắp, rất nhân-trần. Con tàu mà bạn tôi đặt chân lên đó, có những lời lẽ buồn-bã hơn cả là khi bạn còn ngoái cổ nhìn lại người thân đang ở gần, để tìm thêm đôi lời hát rất như sau:
   
“Mai đây, khi bạn sống nơi xa. Mai đây, sông bờ cách đôi ta.
Bạn ơi có biết, đời ta sẽ sống, trong bao chờ mong.
Chờ một ngày mai, bạn cùng tôi hát, khúc ca tương phùng.”
(Minh Kỳ - bđd)

Vâng. Vào ngày “N” hôm ấy, bạn trẻ của tôi tên là Phêrô Nguyễn Đình Khâm ở Yagoona, Sydney có nhắn với bần đạo bầy tôi đây đôi lời, rằng: “Có thể nào, sau chuyến ra đi của đàn em cùng trường Dòng là Nguyễn Thành Thông, anh cho bọn này đôi ba tâm-tình rất “phiếm” để cảm-thông, nhung-nhớ chứ?”

Vâng. Thoạt nghe tin bạn Nguyễn Văn Thành (tự là Thành-Thông) đã nhẹ-nhàng/thanh-thản về với thế-giới bên kia, đã thấy buồn. Giờ, còn lại chỉ đôi lời nhắn của bạn hiền hôm ấy, bần đạo càng thấy thấm-thía hơn về nỗi buồn xa cách, đến độ thế.

Dù buồn cách mấy, thôi thì bạn cũng hãy cùng tôi, ta dắt-dìu nhau đi vào khu vườn Lời Chúa có những lời-lẽ vàng/ngọc, sau đây:

“Chỉ một ít thời gian nữa các con không còn thấy Thày.
Phần các con, các con thấy Thày. Vì Thày sống và các con cũng sẽ sống.” (Ga 14: 19-20)

Đoạn Tin Mừng trên, do anh Mai Văn Thịnh, linh-mục Dòng Chúa Cứu Thế trích-dẫn ngày hôm ấy, đã khiến bần đạo thấy cảm-kích bèn có tâm-tình sẻ san cùng gia-đình nhà hiếu, những câu sau đây:

“Đời người, ai cũng gặp cơn phong ba bão táp. Nhưng, sóng gió cuộc đời mà Thành và Thủy từng gặp, cũng không ít. Tuy là thế, nhưng Thành-Thủy vẫn lướt vượt để qua cơn biến-động, đến thời thái-lai.

Nay sóng gió cuộc đời của gia-đình Thủy đang trờ tới tưởng chừng như là tột-đỉnh. Nhưng, như Tin Mừng tối hôm qua anh Mai Văn Thịnh đọc và san-sẻ trong buổi lễ tiễn chân Thành có nói: chỉ một ít nữa thôi, Thày sẽ giã từ các con. Và, chỉ một ít nữa Thày lại sẽ gặp các con…

Hôm nay cũng thế. Chỉ một ít nữa thôi, sóng gió tột-đỉnh trong đời sống của gia-đình Thủy rồi cũng qua đi. Và, chỉ một ít nữa thôi, Thủy và các cháu cũng sẽ đạt bình-an trong tâm-hồn và cuộc sống, mà thôi.

Thế nên, lời cuối cùng của anh hôm nay, là: Thủy và gia-đình hãy tin vào Lời Chúa nói. Hãy vui lòng phó thác mọi sự trong tay Chúa và chấp-nhận. Cũng chỉ một ít nữa thôi, mọi sự rồi sẽ tốt đẹp. Cả trong lẫn ngoài.

Anh em đây, chúc Thuỷ và gia-đình cứ thế hiên-ngang lướt vượt mọi sóng gió, để còn sống. Sống vui, sống mạnh trong tin-tưởng vào Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu, với mọi người.” (X. www.giađinhanphong.blogspot.com Duc in Altum Quí 2/2016 số 94, phần “Giọng Cũ Xa Gần”)    

Suốt gần tuần-lễ đồng-hành với người em lớp dưới trong Gia-đình An-Phong Sydney, bần đạo cảm-nghiệm được những lời sẻ-san/diễn-giải đoạn Tin Mừng tưởng rằng sẽ buồn về cuộc đời người, như đấng bậc nhà Đạo mình từng lên tiếng:

“Hành trình sống Đạo, theo ngôn ngữ Hy Lạp “Hodos”/“Con Đường”), đã xuất hiện trong bối cảnh Tin Vui An Bình, ở Tân Ước. Trình thuật về “Con Đường”, mà các tín hữu khi xưa vẫn gợi nhớ những “Người bước theo Con Đường, Chúa đi”.

Và, vấn đề “Con Đường” cuộc đời hôm nay, là: quá nhiều người đồ đệ theo Chúa nay vẫn lạc. Lạc Đường, lạc lối vì vô tâm hay cố tình đi trệch dẫn đi xa. Hành trình Con Đường trần thế, theo thánh Luca, là tập-trung hướng về tụ điểm có cứu độ của Đức Chúa. Và, chính đó là ưu tư buồn bã, mà đồ đệ Chúa, vẫn ngộ nhận. Ngộ nhận lớn, là: sau cái chết của Thầy, dân con đồ đệ như mất hướng, rất chán nản. Tuyệt vọng.

Họ tuyệt vọng, là bởi đã cản trở không để Chúa hiện diện đi vào đường đời của chính mình. Đức Chúa chỉ đi vào “đường đời riêng tây của mọi người một cách thầm lặng và bất ngờ”. Ngài thường đến với cuộc đời mỗi người qua hình hài người bạn thân, đồng môn hoặc đồng nghiệp. Hoặc, như một khách lữ hành, ngang qua đời mình. Cũng có thể, là người mà ta yêu thương, ngưỡng mộ, hoặc ghét bỏ sợ sệt, chỉ muốn quên.

Đến với ta, có thể Chúa mang thân-phận hình hài của biến cố. Một sự vật. Không hình tượng, hoặc cũng chẳng định-hình. Nhưng, qua các sự vật và hình-hài ấy, Ngài muốn nói với tất cả thật nhiều điều. Nhưng có điều là: con người cứ tự che kín không nhận ra, thôi.          

Điều quan-trọng nữa, là ta phải xác-tín rằng: trong hành-trình đường đời, chẳng khi nào ta cô-đơn, lẻ bóng hết. Bởi, Ngài vẫn luôn hiện-diện ở ngay đó, như Ngài từng nói: “Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày, cho đến thời sau hết”. Tuy thế, đôi lúc ta vẫn hành-xử giống hệt đồ-đệ thân/quen trên Emmaus đường đời, cứ ngỡ là Ngài bỏ rơi, để ta lại một mình, chẳng đoái thương.

Thực-tế đời thường từng minh-chứng: Ngài vẫn ở gần bên mỗi khi ta gặp âu-sầu, bức-bách. Cả những lúc lo-âu, ta vẫn thấy như có ai hỏi: “Các anh vừa trao-đổi với nhau về gì vậy?” (Lc 24: 17). Đây, là điểm hẹn để ta có thể gặp-gỡ Chúa. Tuy nhiên, không phải như nhiều người thường nghĩ: khi cầu-nguyện, là ta có thể trút bỏ mọi yếu-đuối, buồn đau và khổ-ải. Là, dẹp bỏ được các hờn-căm, chán-chường. Mà, nguyện-cầu thực-sự là biết suy-tư ứng-nghiệm Tin Mừng; và lấy đó làm đường-hướng quyết noi theo.

Trong thực-tế ngày thường, khi gặp khó-khăn, ta luôn tập-trung nguyện cầu. Nguyện và cầu đây, không phải để xin xỏ. Nhưng, là giáp mặt/gặp-gỡ Ngài tại nơi ta thấy khó-khăn. Vì, Ngài thường hiển-hiện, gặp ta vào lúc ấy.” (X. Lm Frank Doyle sj, Suy Niệm Lời Ngài Năm A, Chúa Nhật thứ 3 Phục Sinh, nxb Tôn-giáo 2012 tr. 76-77)

Kinh-nghiệm hiếm-quí về “con đường cuộc đời” nay thấy có ca-từ đầy kể lể về tình bạn, nhớ bạn và thương tiếc bạn ra đi về chốn trời xa, cứ là lảng-vảng trong đầu những ca-từ như sau:

“Giờ đây bạn ra đi, trên con tàu chia ly.
Giờ đây còn vui chi, kẻ ở người đi.
Ngày mai bạn biên thư, để cho lòng bớt nhớ.
Ðể cho tình đôi ta, không phai mờ.”
(Minh Kỳ - bđd)

Thật ra thì, có hát gì thì hát. Nói gì thì nói. Hát và nói, là để dấy lên những tình-tự chính-qui, chính-mạch của Đạo mình, vẫn có lời rằng:

“Anh em đừng xao xuyến!
Hãy tin vào Thiên-Chúa và tin vào Thầy.
Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở;
nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi,
vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.
Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em,
thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy,
để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.
Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi."
(Ga 1: 1-4) 

Vâng. Xin nghe theo lời dặn của Thày Chí Thánh, để rồi bạn và tôi, ta sẽ nhắn/bảo nhau hãy lướt-vượt cơn giông bão/sóng dồn buồn/phiền mà hướng về phía trước. Bởi, phía trước mặt chúng ta, luôn còn đó ánh-sáng chói-loà một tin-yêu và hy-vọng, để ta sống quãng ngày còn lại, khi “không-gian đụng thời gian”, chứ?

Vâng. Là, bạn bè có niềm tin thương-yêu giống nhau, bạn hãy cùng tôi, ta cứ nắm tay nhau đi vào giòng chảy tâm-tình có tình-tự nâng/nhấc, đến thật vui. Còn vui hơn, khi ta lại bắt gặp câu truyện nhè-nhẹ, những kể rằng:

“Một ngày nọ, có một người hỏi một vị lão tiên sinh, mặt trời và mặt trăng, cái nào quan trọng hơn? Vị lão tiên sinh kia suy nghĩ nửa ngày, mới trả lời: “Là mặt trăng, mặt trăng quan trọng hơn. Tại sao?

Bởi vì mặt trăng chiếu sáng vào ban đêm, đó là thời điểm chúng ta cần ánh sáng nhất, còn mặt trời lại chiếu sáng vào ban ngày mà ban ngày chúng ta đã có đủ ánh sáng rồi. Bạn có lẽ sẽ cười vị lão tiên sinh này là hồ đồ, nhưng mà bạn không biết là có rất nhiều người cũng nghĩ như thế sao? Người mà hàng ngày chăm sóc bạn, bạn cũng không cảm nhận được điều gì cả? Nhưng nếu là một người xa lạ ngẫu nhiên giúp đỡ bạn, bạn sẽ cho rằng đó là một người tốt, cha mẹ và người thân của bạn luôn luôn vì bạn mà hy sinh, mà đánh đổi nhưng bạn lại cảm thấy đó là việc đương nhiên, thậm chí có khi còn thấy phiền toái. Một khi người ngoài làm một việc na ná như thế thì bạn lại sẽ hết sức cảm kích. Đây chẳng phải là giống như đã hồ đồ “cảm kích ánh trăng mà phủ nhận mặt trời” hay sao?

Một cô gái đã có một cuộc tranh cãi với mẹ của mình, tức giận đến mức tông cửa chạy ra ngoài và quyết định không bao giờ trở về ngôi nhà chán ghét này nữa. Cô đã đi lang thang cả ngày ở bên ngoài, đến lúc bụng đói cồn cào, nhưng lại không có một đồng tiền nào, mà lại không muốn trở về nhà để ăn cơm. Mãi đến lúc trời tối, cô mới đi vào một quán mì, ngửi thấy mùi mì thơm tỏa ra. Cô thực sự rất muốn được ăn một bát, nhưng trên người không có tiền, chỉ có thể liên tục nuốt nước miếng.

Bỗng nhiên, ông chủ quán mì ân cần hỏi han: “Cháu gái, cháu có muốn ăn mì không?”, cô gái ngượng ngùng trả lời: “à, nhưng mà, cháu không mang tiền”. Ông chủ nghe xong cười to: “haha, không sao cả, hôm nay cứ coi như bác mời cháu đi!” Cô gái quả thực không thể tin vào lỗ tai mình, cô ngồi xuống, ngay lúc đó, một bát mì được mang ra, cô ăn say sưa, và nói: “Bác chủ quán, bác thật là một người tốt!”

Ông chủ quán nói,: “Ồ, sao cháu lại nói vậy?”, cô gái trả lời: “Chúng ta vốn không quen biết nhau, bác lại đối xử tốt với cháu như vậy, không giống như mẹ của cháu, hoàn toàn không hiểu được những nhu cầu và ý nghĩ của cháu, thật là bực mình!”

Ông chủ quán lại cười: “haha, cháu gái, bác chẳng qua mới chỉ cho cháu một bát mì thôi, mà cháu đã cảm kích bác như thế, thế mà mẹ của cháu đã nấu cơm cho cháu hai mươi mấy năm nay, cháu chẳng phải là càng nên cảm kích mẹ của cháu hay sao?”

Nghe ông chủ quán nói xong, cô gái như tỉnh giấc mơ, lập tức nước mắt trào ra, cô bỏ mặc nửa bát mì còn lại mà vội vàng chạy về nhà. Mới đến ngõ trước cổng nhà, cô đã nhìn thấy bóng mẹ xa xa, đang lo lắng nhìn quanh bốn phía cổng ra vào, trái tim cô như thắt lại, cô cảm thấy muốn nói một ngàn lần một vạn lần lời xin lỗi với mẹ của mình. Nhưng cô còn chưa kịp mở miệng thì mẹ của cô đã nghênh đón và nói: “trời ơi, con cả ngày đã đi đâu thế này? Mau mau, đi vào nhà rửa chân tay, ăn cơm tối đi.”

Tối hôm đó, cô gái mới cảm nhận được sâu sắc tình yêu của mẹ đối với mình. Khi đã quen với sự hiện diện của mặt trời, mọi người đã quên mất là nó đem lại cho mọi người ánh sáng, khi đã quen với sự chăm sóc của người thân, mọi người thường quên mất họ đã cho mình sự ấm cúng, một người quen được chăm sóc từng li từng tí thì ngược lại sẽ không thấy biết ơn, vì họ cho rằng, ban ngày đã đủ ánh sáng rồi, cho nên mặt trời là dư thừa, không cần thiết.

Hy vọng trong chúng ta mỗi người đều biết mặt trời và mặt trăng, cái nào quan trọng hơn.
Trong cuộc sống thực tại, chúng ta thường hay không để mắt đến những điều mình đã có, cho rằng chúng là lẽ đương nhiên, không có gì quan trọng với mình, mà lại đi phàn nàn số phận bất công, như thể là thế giới này thiếu nợ chúng ta rất nhiều thứ vậy.

Kỳ thực, biết ơn cũng là một loại thái độ tích cực của cuộc sống, đúng như một số người đã nói: “Hãy cảm ơn người đã làm bạn tổn thương bởi vì họ là người đã tôi luyện ý chí của bạn, hãy cảm ơn người đã lừa dối bạn bởi vì họ đã làm phong phú thêm kinh nghiệm của bạn, hãy cảm ơn người đã coi thường bạn bởi vì họ đã làm thức tỉnh lòng tự tôn của bạn…”. Cần phải mang một tấm lòng biết ơn, biết ơn số phận, biết ơn hết thảy những người đã giúp bạn trưởng thành, biết ơn hết thảy những gì ở xung quanh mình.

Để có một tấm lòng biết ơn, yêu cầu chúng ta cần phải để tâm quan sát, dụng tâm cảm ngộ, càng cần chúng ta phải biết yêu thương. Cỏ cây sinh trưởng phát triển mạnh mẽ là để báo đáp ân huệ của mặt trời mùa xuân, chim chóc liều mình kiếm ăn là để báo đáp ân huệ được nuôi nấng, cây mạ phát triển khỏe mạnh là để báo đáp ân huệ của dòng nước mát, con cái cố gắng học tập là để báo đáp công ơn sinh thành và dạy dỗ của cha mẹ.

Hãy học cách biết ơn đi! Khi bạn cảm ơn cuộc đời, cuộc đời sẽ ban thưởng cho bạn ánh nắng mặt trời rực rỡ. Bạn oán trách trời đất, khả năng cuối cùng chỉ có hai bàn tay trắng mà thôi! Không phải vậy sao? Mây cuốn mây bay, hoa nở hoa tàn đều đáng để chúng ta quý trọng, cảm ơn mặt trăng, càng cần phải cảm ơn mặt trời!” (trích truyện kể ở trên mạng)

Đã gọi là truyện kể để minh-hoạ, thì có lẽ và có thể hôm nay đây, khi ai đó trong vòng thân/quen đã giã-từ bầu bạn mà ra đi về chốn miên-trường, thì ắt hẳn bạn và tôi, ta lại sẽ nghe văng vẳng thêm ca-từ nhè-nhẹ hôm ấy, những hát rằng:

“Mai đây khi bạn sống nơi xa. Mai đây sông bờ cách đôi ta.
Bạn ơi có biết, đời ta sẽ sống, trong bao chờ mong.
Chờ một ngày mai, bạn cùng tôi hát, khúc ca tương phùng.” (Minh Kỳ - bđd)

Vâng. Có thể và có lẽ: khi giáp mặt từng chặp và từng chặp sự “ra đi” của bạn hiền, thì tôi và bạn có vững tâm cho lắm cũng chỉ nói được như đấng bậc nhân-hiền nhà Đạo, từng ủy-lạo:

“Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi.
Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.
Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính;
Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy,
và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Ngài xuất hiện.” (2Ti 4: 6-8)

Nói cho cùng, phải nói có lý-chứng mới thuyết-phục được nhau để đi tới mãi. Nói cho cùng, là còn nói bằng những lời sẻ-san một tình-tự thân-thương đầm-ấm, như đấng bậc nọi từng san sẻ, rằng:

“Theo Đường của Chúa, không là ra đi đến bất cứ nơi nào, chẳng hề định-hướng. Mà, là trở-thành người đặc biệt để nhận chân ra Sự Thật và Sự Sống, Chúa tỏ bày. Theo Đường của Chúa, là tháp-nhập vào thị-kiến-giá trị của Chúa. Tháp-nhập, để trở thành người của Sự Thật và Sự Sống. Ở đây nữa, tháp-nhập không chỉ theo nghĩa của nhận-thức, trí-tri. Bởi, Sự Thật Chúa tỏ bày, không là nhận-thức trí-tri, nhưng là những hài-hòa toàn-vẹn diễn-bày nơi sự sống và bản-chất thánh-thiêng, của chính Thầy. Sự Thật về Chúa, là cảm-xúc. Là, ý nghĩ, hành-động  lẫn tương-quan. Là, tất cả nhân-vị ở trong hay ở ngoài, Thầy vẫn có. Với mọi người, sống Sự Thật là sống năng-động, biết đáp-ứng với sự sống an-lành, Chúa ban.

Đến với Cha qua Thầy-là-Đường, còn có nghĩa là: đến với Cha qua Sự Thật và Sự Sống-của-Thầy. Bởi, nơi Thầy vẫn gồm tóm Sự Sống của Cha, rất đích-thực. Thành thử, tháp-nhập vào Sự Sống của Cha, Thầy là mẫu-mực cho ta tăng-trưởng, giống Cha Thầy. Giống Cha Thầy, để rồi ta sẽ có kinh-nghiệm sống tình yêu-thương viên-mãn, ở nơi ta.” (X. Frank Doyle Suy Niệm Lời Ngài Năm A Chúa Nhật thứ 5 Phục Sinh, nxb Tôn Giáo 2012 tr. 84-85)

Nói cho cùng, thì: có phân-ưu/trải-nghiệm niềm xao-xuyến nào đó, còn là và phải là nỗi-niềm của bạn bè thân/quen này/khác, cũng có tình-tự vào giờ phút “tâm tình” với nhau và cho nhau của người anh em cùng trường là đương-kim Chi-hội-trưởng Sydney, đã phát-biểu:

Em xin đại diện gia đình An phong có đôi  lời tâm sự để cùng chia sẻ về sự ra đi của anh An-Tôn Nguyễn văn Thành.
Ngoài thân bằng quyến thuộc, anh Thành còn có gia-đình thứ hai là Gia-đình An-Phong. Anh ra đi để lại bao thương nhớ và tiếc nuối cho mọi người.

Là cựu đệ tử dòng Chúa Cứu Thế, anh cũng thuộc nằm lòng kinh nguyện  đọc trước giờ ngủ rằng:
“Lạy Chúa, con biết thật con sẽ chết. Có khi con vào giường nằm nghỉ mà sáng mai chẳng còn trỗi dậy nữa, cho nên Chúa dặn bảo con vào giường nằm nghỉ như là vào mồ chết vậy.
Anh giã-từ trần-thế ngay sau thánh-lễ cha Giuse Mai văn Thịnh cầu nguyện cho anh với sự chứng-kiến của vợ con và bạn bè. Tay anh buông xuôi giã-từ trần-thế nhưng anh đã nắm chặt cây thánh giá để Chúa trao ban cho anh cuộc sống trường-sinh.

Anh em Cựu Đệ Tử  trên lớp, cùng lớp với anh và các lớp đàn em đều có những kỷ niệm đẹp về anh. Hồi ở Việt nam, bạn bè nhớ anh qua tên Nguyễn Thành Thông, qua tiếng đàn  guitar điêu-luyện của anh. Nhớ anh qua giọng nói thoả-hiệp nhẹ- nhàng nhưng hiệu-quả, giải quyết được những xung-khắc tức thời. Em thuộc lớp đàn em, nhớ anh qua những buổi sinh-hoạt thân-tình đầm-ấm trong Gia-đình An-Phong Sydney.

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ là ngôi sao sáng, xin Mẹ đoái thương đưa dẫn linh-hồn An-Tôn về bến bình-an trong tay Chúa, Mẹ Maria và thánh cả Giuse. Xin Mẹ che-chở phù-hộ cho chị Thủy và gia-đình tiếp-tục vượt qua những giông ba bão táp nơi trần-thế này.

Sau cùng, Gia Đình An Phong Sydney xin thành-kính phân-ưu cùng chị Thủy và gia-đình.

Nói cho cùng, còn là nói lên niềm vui hưng-phấn vượt lên trên tình-cảm/ủy-mị, để còn sống vững mạnh những ngày vui ở phía trước.

Nói cho cùng, trải-nghiệm cuộc đời người ngang qua giây phút xao-xuyến, sầu buồn mất mát. Còn là và sẽ là suy-tư nhiều hơn nói. Suy-nghĩ và tư-lự, bằng những lời vang ngọc của đấng bậc nhưy sau:

“Sống không giận, không hờn, không oán trách

Sống mỉm cười với thử thách chông gai

Sống vươn lên theo kịp ánh ban mai

Sống chan hòa với những người chung sống

Sống là động nhưng lòng luôn bất động

Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương

Sống yên vui danh lợi mãi coi thường

Tâm bất biến giữa lòng đời vạn biến!”


Nói cho cùng, còn là và phải là: vừa nói vừa kể đôi chuyện vui nhè nhẹ/dí dỏm để cùng “lên tinh-thần”, rằng:

Một con chuột nhà một hôm ghé thăm bạn ở đồng quê. Bữa trưa. Chuột Đồng dọn bữa ăn chỉ toàn là, trái cây, rễ, và lỏi bắp, với một chút nước lạnh để uống. Chuột Nhà chỉ ăn lấy lệ, nhấm nháp một chút món này, một chút món kia, và chẳng cần giấu giếm gì nó nói rằng: nó ăn với chuột đồng một chút là chỉ để cho vui thôi.

Sau bữa ăn, hai con chuột trò chuyện rất lâu, nói cho đúng là Chuột Nhà cứ kể chuyện về cuộc sống của mình ở thành phố còn Chuột Đồng thì chỉ ngồi nghe. Rồi chúng vào trong một cái tổ chuột ở bờ rào và ngủ một giấc êm ái và thoải mái cho đến tận sáng hôm sau. Trong giấc ngủ, Chuột Đồng mơ thấy mình được ở thành phố với đủ mọi tiện nghi sang trọng và sung sướng mà nó đã được nghe bạn kể.

Thế là sáng hôm sau, khi Chuột Nhà mời Chuột Đồng về nhà với mình ở thành phố, nó sung sướng nhận lời ngay. Khi chúng về đến ngôi biệt thự mà Chuột Nhà sống, chúng thấy trên bàn ăn còn lại những thứ thức ăn thừa của một bữa tiệc rất sang trọng. Có cả bánh kẹo, mứt, phó mát, thực vậy, những thứ thức ăn hấp dẫn nhất mà Chuột Đồng chưa có thể tưởng tượng được. Nhưng ngay khi Chuột Đồng vừa sắp nhấm nháp một chút bánh ngọt, nó nghe thấy tiếng con mèo kêu thật lớn và tiếng móng vuốt của nó nghiến trên sàn nhà.

Quá sợ hãi, hai con chuột vội vàng tìm chỗ nấp, chúng nằm im một lúc lâu, hầu như không dám thở mạnh. Khi vào lúc cuối cùng chúng đánh bạo quay trở lại bàn tiệc, cánh cửa bỗng dưng mở ra và người đầy tớ bước vào dọn bàn, theo sau là một con Chó Nhà cao lớn.
Chuột Đồng vội cầm lấy nón và bị nói: “Bạn có thể có những thứ xa xỉ và những món ăn ngon mà tôi chẳng có,” nó vừa nói vừa chạy, “nhưng tôi lại thích những thứ thức ăn thanh đạm và cuộc sống giản dị ở đồng quê luôn có sự yên bình và thanh thản hơn.

Và, lời bình: của tuanday65vn như sau:

“Hãy biết tự chủ. Không có sự bình thản luôn ẩn hiện nổi lo âu sợ sệt cạnh bên. Không có hạnh phúc khi mọi vật là của người mà không phải là của chính mình tạo ra nó. Vì vậy khi mình phải luôn là kẻ hưởng thụ cái của người khác, dù đó là của thừa thải, thì vẫn là bất an không thoải mái chút nào.

Vậy ta phải làm sao đây? Hãy nhẫn nại học hỏi, để ta có thể tự mình đứng lên bằng chính thật đôi chân của mình, và hiện tại ta đang nhờ ai, thì hãy biết ơn để được trả ơn đó.”

Và, nói cho cùng cũng bằng một nhắn-nhủ, là: ta không nên có kết-đoạn ủy-mị, sướt-mướt những giọng buồn. Trái lại, vẫn cứ vui như  truyện kể để “tiễn bạn” vừa “đáp con tàu đi về chốn miền xa xăm không ai biết, cũng chẳng ai muốn đi, như sau:

Một cậu bé trạc khoảng 15 tuổi muốn có tiền tiêu, thay vì chìa tay ra xin mẹ, cậu ta bèn nghĩ ra cách viết 1 tờ giấy gởi đến mẹ như sau:

1. Sáng phụ Mẹ dọn dẹp giường ngủ - $1.00
2. Phụ Mẹ dọn dẹp bữa ăn sáng - $2.00
3. Sau khi đi học về coi em - $3.00
4. Phụ Mẹ dọn bữa ăn tối, sau đó dọn dẹp - $4.00 - Cộng: $10.00
Thời hạn thanh toán: Sáng sớm mai trước khi con đi học
Sáng sớm ngày mai bà mẹ đặt tờ giấy bạc $10 trên bàn cho cậu ta và sau khi cậu rời nhà đi học,
bà mẹ lật mặt sau tờ giấy lại và ghi như sau:

  1. Mẹ mang bầu con 9 tháng 10 ngày - Miễn phí
  2. Tiền tã lót, bệnh viện, sữa khi sinh con - Miễn phí
  3. Tiền nuôi con từ lúc sinh ra đến nay - Miễn phí.
  4. Chi phí ăn học, chữa trị cho con khi ốm đau - Miễn phí
  5. Lo đám cưới cho con hoặc phải nuôi con trọn đời nếu con tật nguyền hoặc bị bệnh nan y - Miễn phí
  6. Các khoản không thể liệt kê hết đều miễn phí cho con trai của Mẹ
Thời hạn chi trả cho con - Trọn đời Mẹ
Khi đi học về cậu chạy vô phòng, thấy tờ giấy cậu cầm lên đọc.
Rồi cậu lấy ra 1 tờ giấy khác và viết như sau:

Thưa Mẹ, con xin lỗi Mẹ... Kể từ nay:
Phụ giúp Mẹ - Miễn phí.
Ráng ăn học thành tài - Miễn phí.
Sẵn sàng giúp đỡ mọi người - Miễn phí.
Luôn quan tâm, săn sóc Mẹ - Miễn phí.
Các khoản chi tiêu lo cho Mẹ khi về già - Miễn phí.
Thời hạn thực hiện........... Trọn đời con.

Sáng hôm sau khi con còn đang ngủ, bà mẹ vẫn đặt tờ giấy bạc $10.00 lên bàn cho con thì bỗng thấy tờ giấymà cậu viết. Sau khi đọc xong, những giọt nước mắt lăn dài trên má bà mẹ song miệng vẫn nở 1 nụ cười và bà nghĩ rằng có lẽ đây là nụ cười mãn nguyện nhất từ khi sanh con đến nay.”

Nói như thế, là nói bằng tình-tự sẻ-san cho nhau và với nhau những vui/buồn của cuộc đời, cách miễn phí. Nói như thế, là nói bằng tình-tự nhẹ-nhàng, thoải mái với nhau và bên nhau một tình-huống rất “Thành Thông”, “Đình Khâm”, cùng họ Nguyễn của tôi, của bạn , của chúng ta.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những phút giây thâm-trầm
Khi chứng-kiến tận mắt giây phút
Bạn mình thở hắt rồi ra đi
Về với Chúa.
Với người Cha của chúng mình.