Saturday, 7 May 2016

“Bỗng dưng yêu đời!” Bỗng dưng yêu đời!”



Chuyện phiếm đọc trong tuần sau lễ Hiện Xuống năm C 15/5/2016

“Bỗng dưng yêu đời!”
Bỗng dưng yêu đời!”
Nhìn mây trắng bay trên nền trời!
Nhìn mây trắng bay ra ngoài khơi!
Bỗng dưng yêu đời!”
(Phạm Duy – Tuổi Xuân)

(1 Phêrô 2: 16-17)
            Ấy đấy! Hát câu “Bỗng dưng yêu đời” những hai lần, là có ý gì? Chắc, đó không chỉ là lời ca hoặc câu hát rất “thất-thanh” của nghệ sĩ họ Phạm đâu đấy nhé! Hát như thế, chắc: cũng là lời khẳng-định của môt số đấng bậc ở nhà Đạo, lẫn ngoài đời.
            Thôi thì, của ai thì của, nay bạn và tôi, ta cứ nghe thêm đôi lời nữa, rồi sẽ rõ với lời rằng:

            “Bỗng dưng yêu đời!
Bỗng dưng yêu đời!
            Tình yêu thứ nhất quê hương đẹp ngời!
Rồi yêu kế tiếp, năm châu mọi nơi.

Bỗng dưng yêu người!
Bỗng dưng yêu người!
Từ trong xóm vắng hay trên lộ đầy!
Từ nơi phố đó hay trong làng đây!

Bỗng dưng yêu người!
Bỗng dưng yêu người!
Ở trong thương xá hay trên vỉa hè!
Ngồi xe “lam” lắc rung rinh đường quê!...”
(Phạm Duy – bđd)

Hát gì thì hát. Nói gì thì nói, có hát và nói về nghệ-sĩ già nhà ta cứ lung linh hoặc gì gì đi nữa, cũng mặc kệ. Hễ đã nghe ông hát câu trên rồi, nào ai dám bảo: ông khác xa người nhà Đạo mình? Bần đạo đây, vốn dĩ không biết nhiều về lối sống ở đời của nghệ-sĩ “già” được bao lăm. Duy, chỉ một điều, là: ông đây từng gây nhiều cảm-hứng cho bần đạo để viết phiếm, cũng vẫn đều. Bởi, có những bài phiếm do bần đạo viết, không ngoài ý-định “đem Đạo vào đời” để sống, thế thôi.
Hôm nay đây, nhân bàn về lối sống của nhà Đạo giữa đời, bần đạo bắt gặp được tư-tưởng và đường lối của đấng bậc nọ vẫn từng bảo:

Suy tư nhiều về Tin Mừng hẳn có người sẽ nghi ngờ, là bài Thương khó thánh Máccô ghi, có thể đã nhấn mạnh nhiều vào tính miễn cưỡng của Chúa, khi Ngài chấp nhận khổ ải chăng? Quả là, thánh-nhân có nhắc lại việc Ngài ngồi cùng bàn với phường giá áo, túi cơm, làm bạn với bọn phản phé. Làm thầy những người chối bỏ sự thật, bỏ của chạy lấy người. Nhưng có lẽ ta cũng không nên hiểu thế mãi.
Chớ nên hiểu lối này. Bằng không, sẽ có người ngờ rằng: thánh Máccô ám chỉ Chúa đã hoảng sợ trước cái chết ô-nhục gần kề. Và, trong chiều-hướng ấy, lại có người cũng sẽ nghĩ rằng: khi Ngài cất tiếng dạy ta đọc kinh “Lạy Cha”, là Ngài kêu lên lời ai-oán để cứu mình khỏi cơn buồn phiền, đến thế sao?
Cuối cùng, hiểu theo chiều hướng này, sẽ có người lại cũng nghĩ rằng: Đức Kitô đã chuẩn-nhận “làm theo ý Cha”, nhưng vào phút cuối, Ngài vẫn thấy mình như bị bỏ rơi trên thập giá, phải thế không? Không. Đó không là thần học chín-chắn, rất chính-qui.
Suy cho kỹ, hiểu theo chiều hướng này, chắc chắn có sai sót. Bởi, đọc kỹ đoạn Chúa chấp-nhận thánh ý Cha tại Vườn Dầu, không nên hiểu theo hướng xấu, tức: đổ riệt mọi lỗi cho Chúa Cha;  nhưng, nên coi đây như một khẳng-định, rất chắc-nịch. Khẳng định rằng: Đức Kitô một lòng chung thủy đi theo đường lối Ngài đã chấp-nhận, khi thi-hành ý-định của Cha.
Với con người, Ngài vẫn một mực tuân-phục Cha. Tuân phục cho đến chết. Vẫn thương yêu con người, và yêu thương họ đến hơi thở cuối cùng.
Có như thế, Ngài mới trấn-át giới-chức đạo/đời, thời bấy giờ. Ngài qui-chiếu về khẳng-định nòng cốt này, đến độ họ thấy họ không làm gì được, ngoài chuyện ra tay ám-hại Ngài. Xem thế thì, bằng việc chấp-nhận cái chết trong tuân-phục, Ngài hy sinh đến phút cuối. Ngõ hầu chứng tỏ cho mọi người thấy: Ngài thương yêu loài người đến cùng.
Điều này cho thấy: Chúa đã sống thực. Sống tư cách rất “người”. Vì trung thực với cuộc sống thủy chung, Ngài bị quyền-lực đen tối sự dữ/ác dẫn đến nỗi chết về thể xác, chết rất nhục.
Hôm nay, có kinh qua thống-khổ của thập giá; và chết cho chính mình, ta mới nhận ra được cái giá phải trả, khi giáp mặt thực-trạng của người phạm lỗi, trái luật. Và có như thế, mới sống đúng yêu cầu của Vương Quốc Nước Trời. Vương Quốc bình an và công chính.
Trong cử-hành Tiệc thánh, ta tuyên-xưng mầu-nhiệm sống xứng-hợp Đạo, bằng việc tưởng-niệm sự sống, nỗi chết và sự sống lại của Chúa, cầu mong được chuyển thể từ tâm trạng sai lầm -nghĩ mình là nạn-nhân do Chúa muốn ta hy-sinh, đau-khổ- để tiến tới trở-thành kẻ có ý-thức chọn-lựa lối sống mẫu-mực yêu-thương của Chúa, Đấng suốt đời trung thành, thuỷ chung trong thuần phục. Thuỷ chung trong thương mến.
Cầu mong cho ta biết trân-quý sự sống, vì có trân-quý ta mới thực-sự từ-bỏ thái-độ tiêu-cực của những người luôn nghi-kỵ, chống-đối lại Vương Quốc Nước trời, ở trần gian.
Cầu và mong, ta dõi bước theo chân Chúa biết rập-khuôn bắt-chước lối sống thuỷ-chung, trong hành-xử giữa Cha và Con dù sự việc có xảy ra thế nào và đường đời có gian-nan đến độ nào đi nữa, Đức Kitô vẫn là mẫu mực cho sự thủy chung/tuân phục, dù Ngài gặp muôn vàn khổ ải đến cùng cực, vẫn làm gương cho ta cứ đầu cao mắt sáng, hiên ngang chúc tụng.
Chúc tụng Ngài, cả vào lúc cộng đoàn đang sầu buồn, than khóc ngày Chúa chịu khổ nạn. Bởi, với người dõi bước theo Chúa, sẽ chẳng có gì là tang tóc, đáng để ta than khóc cả. Mà, tất cả vẫn là yêu thương và đồng cảm. Đạo Chúa là Đường dẫn ta đi vào đời, lắm gian nan nhưng không là tang chế, với ta.” (X. Lm Richard Leonard sj, Dáng Em Thu Nhỏ Trong Lời Nguyện, Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá năm C 20/3/2016, www.suyniemloingai.blogspot.com 13/3/16)

Vâng. Theo ý của người viết ở trên, hỏi rằng: có đúng là tinh-thần Đạo của ta không nếu cứ ngồi đó mà hát những lời ca ủy-mỵ hoặc than/khóc, ủ-rũ? Rồi còn tạo ra những nghi-thức này/khác trong sống Đạo thực-tế ở đời, vào mùa lễ?
Suy cho cùng, người suy lẫn người dạy lại vẫn nghĩ, rằng: sống Đạo trong đời là sống thực những lời dạy của Thầy mình có giòng chảy y hệt lời người đời vẫn hay hát, như sau:

“Bỗng dưng vui nhiều!
Bỗng dưng vui nhiều!
Niềm vui thứ nhất Ba nuông Mẹ chiều
Và vui thêm nữa Anh yêu Chị yêu!

Bỗng dưng yêu nhiều!
Bỗng dưng vui nhiều!
Niềm vui kế tiếp không chê giàu nghèo
Và vui chót hết em luôn được yêu…”
(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Đúng ra phải là như thế, chứ đâu cứ phải rên-rỉ cả trong các bài hát lễ ở nhà thờ! Sống đạo, là sống vui với người/kẻ buồn ở mọi nơi. Sống Đạo, còn là “niềm vui kế tiếp, không chê giàu nghèo, và vui chót hết: em luôn được yêu!”
Vâng. Chính là như thế. Vui sống Đạo/đời là câu hát để đời người nghệ sĩ vui vẻ, vẫn hát rằng:

“Yêu biết bao cuộc sống
Yêu biết bao cuộc đời
Yêu từ ngày hôm nay
Yêu, sẽ yêu còn dài.”
(Phạm Duy – bđd)

Về yêu và sống như người đang yêu và còn yêu, bần đạo lại nhớ đến ý/lời trong câu truyện kể về việc sống ở đời, không hối tiếc, như sau:

Khi nhìn lại cuộc đời mình bạn hối tiếc điều gì nhất? 
Suy cho cùng, chính bạn chứ không phải ai khác là người chịu trách nhiệm cho việc bạn sử dụng số ngày còn lại của mình trong cuộc đời này ra sao. Thù hận hay yêu thương, hạnh phúc hay thảm hại đều chỉ là những sự lựa chọn. 
Theo Business Insider, đây là câu hỏi mà Karl Pillemer, giáo sư về phát triển con người tại trường Đại học Cornell (Mỹ), tác giả của tập sách “30 bài học của cuộc sống: Lời khuyên từ những người thông thái nhất nước Mỹ”, đã hỏi hàng trăm người cao tuổi trên 65 tuổi trong chương trình nghiên cứu Legacy Project (Dự án di sản) của Đại học Cornell. 
Tình yêu, sự nghiệp, con cái, v.v..., không phải là câu trả lời mà giáo sư Pillemer được nghe thấy thường xuyên nhất, mà thay vào đó lại là câu: 

"TÔI ƯỚC RẰNG TÔI ĐÃ KHÔNG DÀNH QUÁ NHIỀU THỜI GIAN CỦA CUỘC ĐỜI MÌNH CHỈ ĐỂ LO LẮNG". 

Nhiều năm trước, khi giáo sư Pillemer, một chuyên gia lão khoa nổi tiếng thế giới gặp bà June Driscoll, một người phụ nữ đặc biệt. Bà Driscoll lúc nào cũng vui vẻ khi ở tuổi 90 và đang sống tại một nhà dưỡng lão. Bà Driscoll nói với giáo sư: “Sống vui vẻ, hạnh phúc nhất có thể chính là trách nhiệm của tôi, ngay tại đây, ngay hôm nay”. 
Câu nói đó đã truyền cảm hứng cho Pillemer đi tìm câu trả lời cho việc làm sao một thế hệ trải qua nhiều mất mát đau thương, qua các sự kiện lịch sử thảm khốc và đau ốm lại có thể là những người hạnh phúc nhất. Ông muốn truyền đạt trí tuệ này lại cho thế hệ trẻ, những người dường như quá mong manh, khi chỉ một sự việc không vừa ý nhỏ nhoi cũng khiến họ mất phương hướng đến nỗi tự kết thúc cuộc đời mình. 
Năm 2004, giáo sư Pillemer khởi động dự án Legacy Project và đã hỏi hơn 1.500 người Mỹ trên 65 tuổi về những bài học quan trọng nhất mà họ học được trong suốt cuộc đời mình.
Trong cuốn “30 bài học cuộc sống”, ông gọi những người mình phỏng vấn là “chuyên gia của cuộc đời” vì chính họ, qua những hạnh phúc và khổ đau, thành công và thất bại đã nắm giữ những bài học trí tuệ nhiều hơn bất cứ nội dung của cuốn sách dạy kỹ năng sống nào.  
Giáo sư Pillemer đã cho rằng những câu trả lời như “ngoại tình, công việc kinh doanh tồi tệ hoặc nghiện ngập” là những điều hối tiếc nhất trong cuộc đời của những người cao tuổi này.
Do đó, ông đã sửng sốt khi nghe đi nghe lại một câu trả lời: “Tôi ước rằng mình đừng lo lắng nhiều quá” và “Tôi hối tiếc vì đã lo sợ quá mức về tất cả mọi thứ”. 
Trong cuốn “30 bài học cuộc sống”, Pillemer nói rằng ông không thể không ngạc nhiên về bài học này. “Những người này đều trải qua các thời kỳ khó khăn trong lịch sử và các bi kịch của cuộc đời, tôi tưởng rằng họ được phép lo lắng ở mức độ nào đó”. 

NHỮNG NGƯỜI HẦU NHƯ ĐÃ ĐI ĐẾN CUỐI CUỘC ĐỜI NÀY GIẢI THÍCH RẰNG THỜI GIAN LÀ TÀI SẢN QUÝ GIÁ NHẤT CỦA CON NGƯỜI. VIỆC LO LẮNG VỀ NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ KHÔNG BAO GIỜ XẢY RA, HOẶC LO SỢ VỀ NHỮNG THỨ CHÚNG TA KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT ĐƯỢC LÀ MỘT LÃNG PHÍ TÀI SẢN NÀY MỘT CÁCH XUẨN NGỐC. 

Hành trình trên trái đất này của mỗi chúng ta là hữu hạn. Nếu lo lắng quá nhiều, bạn không còn mấy thời gian để tận hưởng, trải nghiệm và hạnh phúc. Vậy làm thế nào để giảm bớt thời gian lo lắng trong cuộc sống này? “Những người thông thái nhất nước Mỹ” nói với giáo sư Pillemer một số cách như sau: 
Hãy sống từng ngày, đừng luôn nghĩ tới tương lai quá xa
Khi bạn sống và thấy mình lo lắng quá nhiều, hãy dừng lại và tự nhẩm “Điều gì rồi cũng sẽ qua”.
Sự việc bạn đang phải đối mặt, dù khó khăn, đau khổ đến đâu rồi cũng sẽ trôi đi. Bạn không thể hủy hoại cuộc sống của mình bằng những suy nghĩ lo sợ được. 
Tuy nhiên, chắc chắn có những ngày u tối mà bạn cảm thấy lo lắng khủng khiếp, không cách nào ngừng lại. Lúc đó hãy cố nghĩ rằng: lo sợ không có tác dụng gì tốt cả. Nó giống như việc tự mình uống thuốc độc mà hy vọng tên hàng xóm đáng ghét sẽ chết vì đau bụng. Hãy gạt nó ra khỏi suy nghĩ hết mức có thể. 

SỐNG VUI VẺ TỪNG NGÀY, ĐỪNG NGHĨ ĐẾN TƯƠNG LAI XA XÔI ẢM ĐẠM. VIỆC LẬP KẾ HOẠCH LÀ TỐT NHƯNG KHÔNG PHẢI LÚC NÀO MỌI VIỆC CŨNG XẢY RA THEO Ý MUỐN CỦA CHÚNG TA. DO ĐÓ, ĐIỀU QUAN TRONG NHẤT LÀ HÃY SỐNG TRON VẸN TỪNG NGÀY. THAY VÌ LO SỢ VÔ CỚ, HÃY HÀNH ĐỘNG 

Nếu bạn thấy mình hay có những nỗi băn khoăn lo sợ, hãy tìm hiểu về nó. Ít nhất tìm hiểu nguyên do mà bạn lo lắng là gì, xác định nó rõ ràng. Chỉ việc ngồi lại và phân tích suy nghĩ tiêu cực của bản thân cũng giúp bạn gạt bớt được những muộn phiền vô lý. Tất nhiên, có những lo lắng hoàn toàn hợp lý. Khi đã xác định được chúng, hãy hành động, bắt tay vào làm cái gì đó thay vì ngồi yên và lo sợ. 

HỌC CÁCH CHẤP NHẬN 1 CÁCH TÍCH CỰC 

Bất chợt có điều gì đó xảy ra với bạn. Ai đó làm bạn tổn thương. Bạn thấy tức giận, bạn muốn trả thù. “Cô ấy không nên làm như thế với tôi, tôi sẽ nói cho cô ta như thế này, như thế này...”. Quan hệ nhân duyên của con người vô cùng phức tạp. Bạn chẳng thể nào biết được nguyên nhân chính xác tại sao tự dưng một người lại rời bỏ bạn, làm bạn bực mình hay bẽ mặt. Trong trường hợp này, những người cao tuổi từ nhà dưỡng lão sẽ mỉm cười và nói rằng: “Không biết bao nhiêu lần tôi đã tự cảm ơn bản thân vì đã không nói lời nào”. 

ÍT NHẤT HÃY DỪNG LẠI VÀ ĐỪNG LÀM GÌ KHI TỨC GIẬN. -> BẠN CÓ THỂ NÓI NHỮNG LỜI NẶNG NỀ, GÂY THƯƠNG TỔN ĐỐI PHƯƠNG, NHƯNG SAU ĐÓ THÌ SAO? HÃY NHỚ RẰNG BẠN CHỈ CÓ THỂ ĐIỀU KHIỂN SUY NGHĨ CỦA MÌNH CHỨ KHÔNG THỂ THAO TÚNG TÌNH CẢM, TƯ DUY HAY CUỘC ĐỜI CỦA NGƯỜI KHÁC ĐƯỢC. 

Hãy chấp nhận những thực tế mà chúng ta không có thẩm quyền thay đổi, gạt đi những suy nghĩ tiêu cực, nhanh chóng lấy lại cân bằng và tiếp tục trải nghiệm cuộc sống. 
Suy cho cùng, chính bạn chứ không phải ai khác là người chịu trách nhiệm cho việc bạn sử dụng số ngày còn lại của mình trong cuộc đời này ra sao. Thù hận hay yêu thương, hạnh phúc hay thảm hại đều chỉ là những sự lựa chọn.
             Suy cho cùng, hoặc suy thế nào đi nữa, vẫn là: suy về cuốc sống làm người và đi Đạo. Suy cho cùng là cũng suy và cũng nghĩ, nhưng chưa hẳn là cùng tận, cùng cực hoặc cùng với nhau. Mà, suy cho cùng là cứ suy cho rốt ráo, cho nhuần nhuyễn những điều mình được học và được suy, bấy lâu nay.
            Suy cho cùng, là vẫn suy và cứ nghĩ mãi đến giây phút cuối cùng cuộc đời mình về cuộc sống đi Đạo, rất thương yêu.
            Suy cho cùng, còn là và vẫn là suy về tình thương-yêu là cùng tột, cốt lõi của Đạo mình vẫn dạy dỗ.
Suy cho cùng, là vẫn cứ suy để rồi quyết thực-hiện những quyết-định đề ra trong đời mình. Quyết định đó, là quyết sống cho xứng-hợp một đời đi Đạo và sống Đạo của tình thương-yêu đùm bọc, rất tuyệt-vời.
Suy cho cùng, còn là: suy thêm đôi điều để mình và người sẽ không quên những điều cần-thiết rất quyết-tâm lâu nay. Tức, vẫn cứ bảo với mình và với người những điều được bậc thánh nhân hiền lành thường nhắc nhở, như sau:

            “Anh chị em hãy hành động
như những người tự do,
không phải như những người lấy sự tự do
làm màn che sự gian ác,
nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa.
Hãy tôn trọng mọi người,
hãy yêu thương anh chị em,
hãy kính sợ Thiên Chúa…”
(1 Phêrô 2: 16-17)

Xem như thế, thì: tất cả nên đặt nặng vào sự tự-do mà “tôn-trọng mọi người”, và yêu thương lẫn nhau và kính sợ Thiên Chúa!” Kính và sợ Thiên-Chúa-là-Tình-yêu, còn có nghĩa kính và trong tình thương-yêu lẫn nhau trong thực-hiện lời huấn-dụ rất vàng ngọc.
Sống tự-do/yêu-thương còn là sống giùm giúp/đùm bọc lẫn nhau cả lúc vui cũng như lúc buồn. Cả, thời vàng son cũng như lúc bĩ-cực, rất đời người.
 Sống rất tự-do trong yêu-thương còn là sống cùng và sống với nhau trong Đạo, ngoài đời. Dù, người đời có là người trong Đạo hay ngoài Đạo, vẫn cứ yêu-thương/đùm bọc, giùm giúp. Giùm và giúp để cùng nhau sống có lời hát vui tươi, như mọi người vẫn hát ca-từ của nghệ-sĩ ngoài đời, sau đây:

“Bỗng dưng yêu nhiều!
Bỗng dưng vui nhiều!
Niềm vui kế tiếp không chê giàu nghèo
Và vui chót hết em luôn được yêu…”

Yêu biết bao cuộc sống
Yêu biết bao cuộc đời
Yêu từ ngày hôm nay
Yêu, sẽ yêu còn dài.”
(Phạm Duy – bđd)

Sống vui và yêu nhiều, còn là sống với mọi người trong vui tươi, hoà hoãn, có kèm những truyện kể rất vui, để nhắc nhau sống cuộc đời mãi như thế.
Sống thực-tế vui tươi, “yêu nhiều” còn là sống rất hãnh-tiến như truyện kể thêm ở dưới để minh-hoạ cho một đời đáng yêu và đáng sống, như sau:

Ngày xưa, có ông lão cứ vui cười ca hát suốt ngày.
Thấy lạ, có người hỏi:
- Tại sao ông vui tươi mãi như thế?
Ông lão đáp:
-Trời sinh ra muôn loài muôn vật, trâu chó dê ngựa… Người là sinh vật cao nhất, “Tối linh ư vạn vật”. Ta được làm người. Ấy là điều sướng thứ nhất.
-Trời sinh có người tàn tật, đui què. Ta được lành lặn, ấy là điều sướng thứ hai
-Người đời thường vì sự giàu có, danh vọng mà phải gian khổ. Ta có ăn đủ một ngày ba bữa, không lo lắng gì cả. Ấy là điều sướng thứ ba
-Còn như sinh lão bệnh tử là điều không ai tránh được. Ta cũng như mọi người, việc gì phải buồn.
-Nghĩ tới ba điều sướng ta có được, ta vui ca cũng là chuyện thường tình, mắc mớ chi phải hỏi. (
trích từ Cổ Học Tinh Hoa thời xưa cổ)

Cũng có thể: đó là những điều “sướng nhất” trong đời. Cũng có thể, còn nhiều điều “sướng hơn thế” nhưng tác giả chưa kể hết. Cũng có thể, cuộc đời người không chỉ như thế với nỗi vui và điều “sướng nhất” rất đáng để kể. Và, cũng có thể, còn rất nhiều điều bạn và tôi, ta chưa thể và không thể kể ra hết được.
Thế nhưng, gì gì đi nữa, cũng hãy cùng tôi/cùng bạn, ta cứ hát lên những điều vui sướng rất “bỗng dưng” trong đời để còn yêu đời rất “đáng yêu” như ca-từ được tôi và bạn hát mãi trong đời mình, đời người như sau:

Bỗng dưng yêu người!
Bỗng dưng yêu người!
Từ trong xóm vắng hay trên lộ đầy!
Từ nơi phố đó hay trong làng đây!

Bỗng dưng yêu người!
Bỗng dưng yêu người!
Ở trong thương xá hay trên vỉa hè!
Ngồi xe “lam” lắc rung rinh đường quê!...


“Bỗng dưng yêu nhiều!
Bỗng dưng vui nhiều!
Niềm vui kế tiếp không chê giàu nghèo
Và vui chót hết em luôn được yêu…”

Yêu biết bao cuộc sống
Yêu biết bao cuộc đời
Yêu từ ngày hôm nay
Yêu, sẽ yêu còn dài.”
(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Cứ yêu và cứ hát lên những điều đáng yêu và đáng sống trong đời mình và đời, ở khắp nơi. Vào mọi lúc.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn thường có quyết tâm như thê
Nhưng lại hay quên
Vì đời, vì người
Và vì người đời trong đời.

   






No comments: