Saturday, 14 May 2016

“Ngày xưa áo nhuộm hoàng-hôn,”



Chuyện phiếm đọc trong tuần sau lễ Chúa Ba Ngôi năm C 22/5/2016

“Ngày xưa áo nhuộm hoàng-hôn,”
Bóng ai cắp rổ lên cồn hái dâu!”
(Phạm Duy/Phạm Thiên Thư – Gọi Em Là Đoá Hoa Sầu)

(Ga 21: 25)

Gọi ai không gọi, sao cứ gọi Em “đoá hoa sầu”, rầu như thế? Lên đâu không lên, sao vẫn lên cồn để rồi “hái dâu”, ở đâu đây? Ối chào! Thi-ca là như thế! Ấy đấy! Âm-nhạc, không khác vậy! Khác vậy hay như thế, vẫn là động-thái của văn-học/nghệ-thuật, từ ngàn xưa.

Hát gì thì không hát, sao Anh lại cứ hát, cứ gợi những lời buồn đến như sau:

“Tiếng nàng hát vọng, đôi câu,
Hát vọng đôi câu, hát vọng đôi câu
Dừng tay viết mướn (a) ối a lòng sầu
Lòng sầu vẩn-vơ vẩn vơ…sầu!.

Lều tranh còn ủ trong mơ,
Còn ủ trong mơ, còn ủ trong mơ
Mối tình là một bài thơ vô đề.”
(Phạm Duy/Phạm Thiên Thư – bđd)

Nhập-đề một bài thơ hay ca/nhạc kịch, vẫn là và sẽ là chuyện đời nhà Đạo, rất khôn nguôi. Chuyện nhà Đạo, đôi lúc không phải và không thể là câu chuyện để ta phiếm-luận hay phiếm “loạn” cho vui đời. Thông thường thì, chuyện tin-tưởng, tức: những chuyện để tin và yêu chứ không để tưởng-tượng, tưởng nhớ hay tưởng chừng dễ tin.

Nhưng, trước khi đi vào những chuyện tưởng-chừng-như-dễ-tin và dễ nhớ, hãy cứ mời tôi và mời bạn, ta vào với câu chuyện tưởng-chừng-như-vẫn-nhớ, chứ chưa tin. Đại loại, đó chỉ là truyện kể để đời, để ta nhớ mà thương, như sau:

Một đồng tám mươi bảy xu ,đúng như vậy.Hàng ngày, cô cố gắng tiêu thật ít tiền khi đi chợ. Cô đi loanh quanh tìm mua thứ thịt và rau rẻ nhất cho bữa ăn hàng ngày, ngay cả lúc cảm thấy hết sức mệt mỏi cô vẫn cố tìm kiếm. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.

Della đếm lại số tiền ít ỏi một lần nữa. Không hề có sự nhầm-lẫn,chỉ có một đồng tám mươi bảy xu, và ngày mai sẽ là lễ giáng sinh. Cô sẽ không thể làm gì hơn, chỉ còn cách ngồi xuống và khóc mà thôi. Ở đó, trong một căn phòng nhỏ, tồi tàn, cô đang nức nở.

Della sống trong căn phòng nhỏ nghèo nàn này với chồng của cô, James Dillingham Young, ở thành phố New York. Họ có một phòng ngủ, một phòng tắm và một nhà bếp. James Dillingham Young may mắn hơn cô vì anh ấy có việc làm.

Tuy vậy, đó không phải là một công việc kiếm được nhiều tiền. Tiền thuê căn phòng này chiếm gần hết lương của anh ấy. Della đã cố gắng rất nhiều để tìm một công việc nhưng vận may đã không mỉm cười với cô. Tuy nhiên, cô rất hạnh phúc khi ôm 'Jim', James Dillingham Young, trong tay mỗi khi anh trở về.

Della đã ngừng khóc. Cô lau khô mặt rồi đứng nhìn một chú mèo xám trên bức tường đồng màu với nó bên cạnh con đường tối ngoài cửa sổ. Ngày mai là Noel và cô chỉ còn một đồng tám mươi bảy xu để mua cho Jim, Jim của cô, một món qùa.Cô muốn mua một món quà thật sự có ý nghĩa, một thứ có thể biểu hiện được tất cả tình yêu cô dành cho anh.

Della chợt xoay người chạy đến bên chiếc gương treo trên tường. Mắt cô sáng lên. Cho đến bây giờ, gia đình James Dillingham Young chỉ có hai vật quí giá nhất.Một thứ là chiếc đồng hồ vàng của Jim. Chiếc đồng hồ này trước đây thuộc sở hữu của cha anh ta và trước nữa là ông nội anh. Thứ còn lại là mái tóc của Della. Della thả nhanh mái tóc dài óng mượt xuống lưng. Thật tuyệt đẹp, không khác nào như một chiếc áo khoác đang choàng qua người cô. Della cuộn tóc lên lại. Cô đứng lặng đi rồi thút thít một lát.

Della bước chậm rãi qua các cửa hàng dọc hai bên đường rồi dừng lại trước bảng hiệu 'Madame Eloise'.Tiếp cô là một phụ nữ mập mạp,bà ta chẳng có một chút vẻ 'Eloise' nào cả.
Della cất tiếng hỏi:
-Bà mua tóc tôi không?'
-Tôi chuyên mua tóc mà, bà ta đáp và bảo: 'hãy bỏ nón ra cho tôi xem tóc của cô đi'
Suối tóc nâu đẹp tụyệt vời buông xuống.
-Hai mươi đồng' bà ta định giá, bàn tay nâng niu mái tóc óng ả.
-Hãy cắt nhanh đi! và đưa tiền cho tôi' Della nói.

Hai giờ tiếp theo trôi qua nhanh chóng. Cô tìm mua quà cho Jim trong các cửa hiệu trong niềm vui khôn tả. Cuối cùng cô cũng chọn được một thứ.Đó là môt sợi dây đồng hồ bằng vàng. Jim rất quí chiếc đồng hồ của mình nhưng rất tiếc là nó không có dây. Khi Della trông thấy sợi dây này cô biết rằng nó phải là của anh và cô phải mua nó.

Cô trả hai mươi mốt đồng để mua và vội vã trở về nhà với tám mươi bảy xu còn lại. Về đến nhà, Della ngắm mái tóc cực ngắn của mình trong gương và nghĩ thầm: 'mình có thể làm gì với nó đây?'

Nửa giờ tiếp theo cô nhanh chóng chuẩn bị mọi thứ. Xong Della lại ngắm nghía mình trong gương lần nữa. Tóc của cô bây giờ tòan những sợi quăn quăn khắp đầu. 'Chúa ơi, mình trông như một con bé nữ sinh ấy!'. Cô tự nhủ :'Jim sẽ nói gì khi thấy mình như thế này?' Bảy giờ tối, bữa ăn đuợc chuẩn bị gần xong. Della hồi hộp chờ đợi, hy vọng rằng mình vẫn còn xinh đẹp trong mắt Jim.

Thế rồi cửa mở, Jim bước vào. Anh ấy trông rất gầy và cần có một áo khoác mới.Jim nhìn chằm chằm vào Della. Cô không thể hiểu được anh đang nghĩ gì, cô sợ. Anh ta không giận dữ, cũng chẳng ngạc nhiên.Anh đứng đó, nhìn cô với ánh mắt kỳ lạ. Della chạy đến bên Jim òa khóc: 'Đừng nhìn em như thế ,anh yêu. Em bán tóc chỉ để mua cho anh một món quà. Tóc sẽ dài ra mà. Em phải bán nó thôi, Jim à. Hãy nói 'giáng sinh vui vẻ', em có một món quà rất hay cho anh này!'

-Em đã cắt mất tóc rồi à?' Jim hỏi
-Đúng thế, em đã cắt bán rồi, vì vậy mà anh không còn yêu em nữa ư? em vẫn là em mà!' Della nói. Jim nhìn quanh rồi hỏi lại như một kẻ ngớ ngẩn: 'em nói là em đã bán tóc à?'
-Đúng, em đã nói vậy, vì em yêu anh! Chúng ta có thể ăn tối được chưa, Jim?'

Chợt Jim vòng tay ôm lấy Della và rút từ túi áo ra một vật gì đấy đặt lên bàn. Anh nói:
-Anh yêu em, Della, dù cho tóc em ngắn hay dài. Hãy mở cái này ra em, sẽ hiểu tại sao khi nãy anh sững sờ đến vậy.'

Della xé bỏ lớp giấy bọc ngoài và kêu lên sung sướng, liền sau đó những giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống.Trong đó là một bộ kẹp tóc, những chiếc kẹp dành cho mái tóc óng ả của Della. Cô đã mơ ước có được nó khi trông thấy lần đầu tiên qua cửa kính một gian hàng. Những cái kẹp rất đẹp và rất đắt tiền. Bây giờ chúng đã thuộc về cô nhưng tóc cô thì không còn đủ dài để kẹp nữa!

Della nâng niu món quà ,mắt tràn đầy hạnh phúc. 'Tóc em sẽ chóng dài ra thôi Jim', nói xong cô chợt nhớ đến dây đồng hồ vàng định tặng cho Jim và chạy đi lấy.
-Đẹp không anh? em đã tìm kiếm khắp nơi đấy, giờ thì anh sẽ phải thích thú nhìn ngắm nó hàng trăm lần mỗi ngày thôi. Nhanh lên, đưa nó cho em, Jim, hãy nhìn nó với sợi dây mới này'

Nhưng Jim không làm theo lời Della. Anh ngồi xuống vòng tay ra sau đầu mỉm cười nói:
-Della, hãy cất những món quà này đi. Chúng thật đáng yêu. Em biết không, anh đã bán chiếc đồng hồ để mua kẹp cho em. Giờ thì chúng ta có thể bắt đầu bữa tối được rồi em yêu ...” O. Henry

Truyện kể dễ tin nhưng không dễ tưởng, như ca-từ bài thơ được nghệ-sĩ họ Phạm phổ thêm nhạc:

“Ẩn Lan ơi! Ơi mái tóc thề!
Ẩn Lan ơi! Ơi mái tóc thề!
Mùa Xuân nay có vỗ về hương xưa?
Đêm nao học dưới học dưới trăng mờ giòng chữ hững hờ…
Thoảng nghe tiếng hài của em,
tiếng hài của em, tiếng hài của em.
Như sương lắng đọng trên thềm (trên thềm) ngõ sau…

Em cười đem lại cho nhau,… đem lại cho nhau.
Sợi tơ mớ tóc ối a buộc vào …buộc vào với hoa ngâu vàng.
Ngủ quên trên sách mơ màng,
Tập sách thơm ngoan áp má mê man gió lùa tỉnh dậy  
mùi Lan chập chờn, Ẩn Lan ơi!
Em dỗi em hơn,

Ẩn Lan ơi! Em dỗi em hơn,
Ẩn Lan ơi! Em dỗi em hơn, như những cơn buồn
Nỗi buồn thơm lâu em ơi!
Gọi Em là đoá hoa sầu là Đoá Hoa Sầu…
(Phạm Duy/Phạm Thiên Thư)

Truyện hay chỉ để kể, hay truyện thật hay lại vẫn không dễ kể cho nhau nghe, là chuyện đạo-hạnh nhà Đạo, ít nghe quen, như lời đấng thánh viết Tin Mừng, những bảo rằng:

“Còn lắm điều khác Đức Giêsu đã làm,
Nếu viết lại từng điều
thì thiết tưởng thế-gian không đủ chỗ
mà chứa sách viết ra.”
(Gioan 21: 25)


Còn lắm điều khác Đức Giêsu làm” hay những điều viết về Đức Giêsu, những muốn người đọc những tin và tưởng vào thời trước. Viết ra đây, để người đời mọi thời mãi trân-trọng. Chuyện viết ra, là chuyện muôn thuở mang tính “người” qua tầm nhìn của học-giả trời Tây, đã từng viết.

Người viết chuyện Đức Giêsu đã rất thật tình, tạo lợi-ích cho nhiều người, nhưng chưa hẳn là tình “thật”. Lại có người viết bằng tình rất “thật”, nhưng người đọc lại cứ tưởng là chuyện không “thật tình”, nên không tin và tưởng. Thành thử, chuyện “thật tình” hay “tình thật” lại vẫn là chuyện đời ở nhiều nơi, cả trong nhà Đạo mình. Như chuyện, người viết ở dưới đã chứng-minh như sau:

“Từ ngày đầu, Đạo Chúa khởi-dậy từ Cận Đông dọc suốt các thế-kỷ đầu. Đạo Chúa khi ấy có nhiều trung-tâm lớn gồm các Giáo hội và hội dòng từng “trụ” tại Syria, Palestine và vùng Lưỡng Hà Địa. Tín-hữu Phương Đông đầu-tiên viết và suy-tư bằng tiếng Syria, một ngôn-ngữ rất gần với tiếng Aram mà Đức Giêsu và môn-đồ Ngài, sử-dụng hằng ngày.

Các giáo-hội nói đây, cũng dính-dự vào nhiều tranh-cãi/luận-bàn khiến tín-hữu trong Đạo phân-cách nhau thành trường-phái/phe nhóm kình-chống, đánh chém nhau bằng bạo-lực không phải Đạo. Từ đó, thấy xuất-hiện giáo-phái lớn vào thế-kỷ thứ tư, khi Công Đồng Nicêa (năm 325) quyết chủ-trương Đức Kitô là Thiên-Chúa.

Rồi, nhiều thập niên sau đó, các tín-hữu chính-mạch trong Đạo vốn chấp-nhận Đạo-lý này lại phân-cách nhau một lần nữa về nhiều vấn-đề khác được thêm vào, đặc-biệt là vấn-đề liên-quan đến Bản-vị Đức Kitô. Đức Kitô, theo nghĩa nào đó, lại đã mang hai bản-vị con người và Thiên-Chúa rất đồng đều.

Nhưng hỏi rằng: đâu là tương-quan đích-thực giữa hai bản-vị ấy? Sao ta có thể bảo Đức Giêsu vừa là người vừa là Chúa được?” (X. Philip Jenkins, The Lost History of Christianity, The Thousand-Year Golden Age of the Church in the Middle East, Africa and Asia - and How It Died? HarperOne 2008, tr. ix)

Một chút sử đến là thế, để bạn và tôi, ta học-hỏi đôi ba điều ít khi nghe. Những điều ít nghe quen, lại là sự/việc ta cần biết. Biết, mà tin tưởng cho đúng cách. Biết tí chút, cũng đủ để ta học hỏi thêm những điều chưa từng nghe chưa từng biết.

Một chút phiếm đến như vậy, để ta còn phiếm và luận-bàn nhiều hơn nữa. Luận-phiếm những điều ít nghe quen, nhưng cần biết, như giòng chảy được bậc thầy khác lại xác-định, như sau:

“Khi điểm chính của sứ-điệp được tín-hữu đặt bút viết xuống, đã thấy có sự chia-rẽ giữa người Do-thái-giáo chủ-trương Đấng Thiên-Sai theo cách khác và những người theo đường-lối triệt-để hơn.

Và khi ấy, đã thấy xuất-hiện một nhóm/phái muốn nhận sứ-điệp này và biến-đổi nó cho cử-tọa hiểu rộng rãi hơn. Người thì chủ-trương duy-trì Do-thái-giáo cho đúng cách, kẻ lại lo chống-đối đám dân ngoại đạo La Mã chiếm-đóng quê hương họ. Thế nên, họ đòi lại ngai triều Đavít để cai-trị Israel như vị vua đích-thực của Israel thay cho ngoại-bang đầy lấn lướt…

Sau nhiều chống cưỡng không toại-nguyện, có nhân-vật nọ mang tên Saulô rồi đổi thành Phaolô mô-tả ở Tân-Ước đã cố lấy lòng mọi người hầu tạo nên phong-trào chủ-lực. Ông Saolô nhận thấy nơi người chủ-trương Đấng Thiên-Sai không nhượng-bộ như nhóm người đầy quyền-thế khả dĩ giúp ông thực-hiện tham-vọng của chính ông. Họ coi ông như mối đe-doạ vì có lẽ ông cũng thuộc giòng-dõi Hêrôđê chăng, nên vì thế mới chối-từ không hợp-tác lúc đầu.

Và ông Saulô quyết tạo cho mình vai-trò cốt chiếm cảm-tình của người ngoài Đạo, nên ông buộc lòng phải thích-nghi, mà từ-bỏ các đòi hỏi của Do-thái-giáo bắt buộc theo Đạo phải chịu cắt bì và kiêng ăn đồ cúng, hầu tạo cho Đạo mới của ông thêm phần hấp-dẫn. Điều này càng khiến nhiều người chống lại các lãnh-tụ Do-thái-giáo ở Giêrusalem…

Cuối cùng, cũng lại kéo theo chuyện rạn nứt giũa người ngoại-giáo đã hồi-hướng trở về với nhóm/phái do ông Saulô lập ra. Điều này liên-kết ý-niệm chỉ có một Chúa duy-nhất của Do-thái-giáo cho hợp với sứ-điệp khác nhau về Đấng Thiên-Sai, từ đó Rôma không còn cho phép họ được tự-do, nên họ mới phải chủ-trương Đấng Thiên-Sai sẽ giải-thoát họ bằng việc hy-sinh linh-đạo. Từ-vựng Thiên-Sai khi ấy được dịch sang tiếng Hy-Lạp thành “Kitô”.

Và từ đó, bắt đầu dính liền với danh-xưng Kitô-hữu. Câu truyện về vị thủ-lãnh Thiên-Sai cuối lại đã thất-bại trong nỗ-lực đoạt ngai-triều Đavít nên đã tập-họp nhau lại để thích-nghi thời-cuộc mà hiện-hữu. Từ đó trở đi, danh xưng “Yêshua” tiếng Aram được chuyển sang tiếng Hy Lạp thành “Giêsu”, là vì thế.

Trong khi đó, ở Palestine, sự kình-chống vẫn tiếp-tục và đạt đỉnh cao bằng cuộc chiến chống lại người La Mã trong đó thành-viên của nhóm phản-loạn bị đè bẹp và các lãnh-đạo tôn-giáo của họ cũng thưa dần. Các trung-tâm hành-giáo đã biến dạng, nên không còn ai ở lại để tìm cách chọn cách khác mà thực-thi, đó là sứ-điệp của Kitô-hữu lúc đó.

Và, điều này được viết xuống thành kinh-điển đã thay thế vai-trò của vị lãnh-đạo nhóm Thiên-Sai là Đức Giêsu được mô-tả ở Phúc âm như “Người Con của Đavít” và như người đòi lại ngai triều cho Israel, Sứ-điệp này được một số người Do-thái-giáo hỗ-trợ Ngài lúc đầu cho rằng Ngài đã được người La Mã cứu sống không bị treo trên thập-giá nữa.

Những người đi theo ông Saulô, lại không thể hoà-đồng chung sống với Đế-quốc được, và cũng không làm sao tạo cho Đức Giêsu thành người phản-chống đế-quốc La Mã được nữa. Câu truyện lúc đầu mô-tả là ông Saulô đã hồi-hướng, tự hy-sinh để làm vừa lòng Thiên-Chúa do tội loài người được.

Và cứ thế, như Phúc Âm đã chép, người Do-thái-giáo, chứ không phải đế-quốc La Mã bị qui-trách là người giết chết Đức Giêsu. Dù sứ-điệp của Đức Giêsu có ra thế nào đi nữa, thì sứ-điệp này được thành-lập để cho phù-hợp và tránh đối-chọi hoặc xung-đột, như lời khuyên trong Sách cứ bảo: hãy đưa má trái cho người ta đánh, hãy trả cho Xêda những gì của Xêda, để rồi còn tiến xa thêm một dặm đàng…khác.

Thành thử, có nói gì, thì câu truyện ban đầu vẫn là sự kình-chống đế-quốc La Mã, sau đó mới biến-đổi thành chuyện linh-thiêng đạo-hạnh, của Đức Kitô…” (Xem Peter Cresswell, The Invention of Jesus: How the Church re-wrote the New Testament, Watkins Publishing Limited 2013 tr. 7-10)


Thế đó, là viết sách kể-truyện sử. Thế đây, là làm thơ hoặc hát nhạc, cũng để người đọc và người nghe tin và tưởng chuyện mình nói, không là sản-phẩm do mình sáng-chế. Có chế-tạo nhiều/ít sáng-kiến, vẫn là điều người viết và người kể muốn nói điều gì đó rất “thật tình”, ở đời.

Viết và lách, hoặc viết rồi lách, lại cũng là động-thái của nhà văn hoặc người viết nhạc, rất tình-thật, luôn thân-trọng động-thái chấp-nhận của người đọc và người nghe. Chẳng gì lạ, cũng không nghi hoặc vấn. Viết hay không, cũng chuyển-tải nhiều tình-tự hoặc tư-duy, suy-nghĩ vẫn rất “lung” để mọi người biết. Đó, là mục-đích của bài văn lẫn nhạc-bản.

Để diễn-tả một cách trầm-lắng hơn, tưởng cũng nên mời bạn và mời tôi, ta về lại với giòng chảy thi-ca vẫn là-đà nhiều vương vấn, lại trích-dẫn như sau;

“Đêm nào học dưới trăng mờ,
Giòng chữ hững hờ, thoảng nghe tiếng hài của em.
Như sương lắng đọng trên thềm ngõ sau.
Em cười đem lại cho nhau,
Sợi tơ mớ tóc buộc vào với hoa ngâu vang.
Ngủ quên trên sách mơ màng,
Tập sách thơm ngoan áp má mê man gió lùa tỉnh dậy  

Mùi Lan chập chờn, Ẩn Lan ơi!
Em dỗi em hơn, như những cơn buồn
Nỗi buồn thơm lâu
Gọi Em là đoá hoa sầu
Là Đoá Hoa Sầu…
(Phạm Duy/Phạm Thiên Thư)

Hát thế rồi, nay mời bạn/mời tôi, ta cứ thế hiên-ngang thẳng-tiến về phía trước. Tiến nhanh, tiến mạnh trong chọn lựa lập-trường riêng-tư luôn mang ý-nghĩa. Ý và nghĩa, của một yêu-thương, tin-tưởng vào nỗi-niềm “tình thật” và “thật tình” của người viết và người hát, xưa và nay.


Trần Ngọc Mười Hai
Có viết lách nhiều
Cũng chỉ để chuyển-giao cho nhau
những tâm-tình của nhiều người trong đời
rất để đời.

No comments: