Monday, 25 February 2008

“Anh đi về đâu, mà bụi đường vương trên mái tóc”

(Yn 4: 5-42)

Trong phiếm đạo đường dài, một số bạn đã thuật cho bần đạo nghe, rất nhiều truyện kể. Kể về mọi thứ chuyện trên đời. Từ chuyện trời trăng mây nuớc, lại bước sang chuyện nhà Đạo. Chuyện sống Đạo giữa đời. Và với đời. Có bạn còn cho rằng: sống Đạo bằng ngòi bút hoặc với vi âm, vi tính, có loa phóng thanh lớn nhỏ, có truyền hình, truyền thông... bao giờ cũng là chuyện ngon cơm dễ làm hơn là sống thực ở đời. Chí ít, là sống nghèo sống khổ. Bởi, lúc nào “cái khó cũng bó cái khôn”, sao sống Đạo?

Để minh họa chuyện này, một đấng bậc thân quen trong thẩm quyền giáo phận, có kể lại cho nhóm người trẻ ngoan Đạo, chuyện “khó tin nhưng có thật” ở khu nhà ổ chuột đầy rác, sau đây:

Cách đây không lâu, Caritas Úc Châu có gửi giấy mời linh mục có tên nghe rất quen là cha Chris đi Phi-luật tân chứng kiến công việc mà cơ quan này thực hiện với người nghèo, vào mùa chay.

Vừa đặt chân đến thủ đô Ma-ni-la, cha Chris đã được các vị đồng đạo hỏi ngay là ngài có muốn sống thử vài ngày với giới nghèo được Caritas giúp đỡ, không? Cha chưa kịp trả lời, thì mọi người quyết định là cha nên ở lại khu nhà chuột ổ nọ ít nhất hai ngày, mới hiểu được thế nào là… sống Đạo. Điểm hẹn cho cha, là khu “lao động” có cái tên rất mộng mơ: “Núi đồi mù mịt”. Tuy gọi là núi, nhưng chốn núi non này thật ra cũng không cao và cũng chẳng mù mịt gì cho lắm.

Thật sự, thì 30 năm về trước, đây là chốn núi đồi nồng nặc mùi xú uế, chốn đi về của mươi ngàn con người, sống gần như là chuột rúc. Vùng này trực thuộc Ma-ni-la, được dân con nội thành lên đây tống khứ đủ mọi thứ xú uế bùi nhùi, rất khó coi. Mịt mù là ảnh hình của lớp mây bụi mù lởn vởn bao quanh, cộng thêm với mầu xanh nhem nhúa của đám nhặng/ruồi và ong bày vỡ tổ, khiến khu đồi đã trọc lại càng khó coi vì là nơi hẹn hò của hợp chất khí - bụi, gây lợm giọng.

Vòng quanh ba mặt của ngọn đồi hiện giờ, là đám dân con thị thành chui rúc để tồn tại. Họ sống bằng cơm thừa canh cặn do người dân thị thành phế thải. Cha Chris cũng nghe nhiều chuyện về ngọn đồi bất hủ này từ các viên chức làm trong cơ quan cứu trợ Caritas, ở đây. Nhưng cha chẳng bao giờ lại có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó cha đặt chân đến đây, không để chứng kiến cảnh nghèo và khó mà thôi; nhưng còn để sống cùng và sống với người nghèo, cạnh núi rác bẩn thỉu, dăm ba bữa.

Tuy chưa đến tận nơi chứng kiến sự cùng cực của lớp nghèo thị thành, nhưng cha Chris cũng đã hình dung ra những đau thương chua xót, những nồng nặc cám cảnh của chốn chợ đời ấy. Nhất thứ, là khi thấy cảnh những người là người đang nhung nhúc chui vào đống rác rưởi để moi móc kiếm kế sinh nhai, thì cha Chris đã không còn tin vào mắt thịt của mình nữa. Kìa, cạnh nơi cao vút đầy rác rưởi cuồn cuộn xú uế khí lợm giọng,là giòng nước đen ngòm uốn khúc vòng quanh. Nước uống thì chỉ từ mấy “phông tên” công cộng, mà thôi.

Dọc theo con lạch đen ngòm lấm bẩn kia, khách ngoại cuộc thấy có nhiều căn gác lộ thiên bằng phên thùng bằng tôn/giấy lẫn lộn. Nơi đây, người người lớn nhỏ vẫn cứ tìm đến để tắm gội hay tiêu tiện, rất lộ thiên. Trong lúc đó, chiếc xe ủi cứ thản nhiên làm công tác xúc hốt vật bỏ phế hàng ngày. Và, dân cư đua nhau chạy ùa theo xe bốc hốt, chụp giựt, quyết tìm ra những gì có thể mang về đổi chác thành tiền thành bạc, nuôi thân. Tổ ấm cơ ngơi của đám dân nghèo hèn được vội vã dựng lên bằng những chất liệu vụn vặt không thể chống chọi lại thời tiết cay nghiệt, mưa nắng hai mùa.

Cha Chris đã gặp mặt một số linh mục Dòng Tên phụ trách xóm đạo ở chốn mù sương khó thở này. Các linh mục ở đây vẫn cố vận động với giới có thẩm quyền để họ ra quyết định bãi bỏ cảnh tượng thiếu tôn trọng phẩm cách con người này. Cụ chánh xứ đưa cha Chris đến thăm gia đình một giáo dân để cha nghỉ tạm qua ngày.

Nhớ lại, hôm leo đồi trèo núi để ghé anh Bing Lu vào một buổi chiều còn nóng bức. Nơi nào cũng thấy lúc nhúc tòan bọn trẻ nhỏ. Cha Chris trộm nghĩ: sao bọn nhỏ ở đây lại có thể đen đuốc bần thỉu, đến như thế. Sao chúng vẫn có thể nô đùa chạy nhảy suốt ngày, mà chẳng được học hành gì cả? Nghĩ tới đó, tâm can cha như quặn thắt . Bụng dạ lại cồn cào, muốn ói mửa.

Đến nhà anh Bing Lu, cha thấy khác hẳn. Dù nghèo, nhưng nhà của anh gọn gàng. Ngăn nắp. Anh tiếp cha bằng cả tấm lòng như của người từng quen biết từ lâu. Thấy cha Chris có vẻ như ngứa ngáy vì bọn trẻ cứ xán lại bu quanh, rờ mó vào người cha. Anh Bing bèn kéo cha vào chỗ khuất người, đưa cho cha ly nước để uống cho đỡ cơn khát, xé cổ xé họng vào buổi trưa hè nóng bức. Cha Chris cảm thấy khó xử. Chưa biết có nên nhận lời uống ly nuớc chưa quen mùi vị, hay không. Làm sao để tỏ ra cha cũng biết san sẻ cảnh tình của người bần hàn? San và sẻ đến mức độ nào, đây?

Dù khát đến khô họng, cha Chris định bụng từ chối. Tính là, để khi về nhà xứ sẽ dùng nước có đóng khằn trong chai. Cũng may lúc ấy, người con của anh trở ra đem cho cha một chai nước có nắp khoén. Thấy chai nước có thể uống được, cha nhận lời cầm lấy. Anh Bing lại đi tìm ly nhựa định rót ra cho cha. Nhưng cha định thần một lúc rồi cứ thế tu chai như hồi còn nhỏ. Trong một khỏanh khắc không lâu, cha Chris thấy mình lúng túng, chợt liên tưởng đến tình huống được kể nơi Phúc Âm, khi Đức Chúa ghé khu làng người dân ngoại xứ Samari. Ngài cũng lúng túng như người phàm, khi xin nước.

Truyện kể về cha Chris thấy lúng túng khi ở vào hoàn cảnh sống gần sống với người nghèo, vẫn là chuyện của mỗi người, trong chúng ta. Lúng túng với người nghèo cùng phái, cùng Đạo là chuyện còn dễ. Lúng túng khi tiếp xúc hoặc chấp nhận ở gần người nghèo, người khác phái khác phận, hoặc người khách lạ, địch thù, dân ngoại vẫn là chuyện khó xử nhiều hơn chỉ là lúng túng.

Nơi đời thường, vẫn có những tình huống khó xử, khi giao tiếp và sống với người hôi thối/nghèo hèn. Đây có thể là những tình huống khiến ta có những nhận định hấp tấp, sai sót. Sai sót, mỗi khi ta đến với người nghèo, dù chỉ lân la chuyện trò cho qua, vẫn không biết cách xử sự thế nào cho phải phép. Nói gì đến chuyện tìm cách giúp đỡ. Và hấp tấp trong đối xử, vẫn là dễ sai phạm. Nhất thứ là khi ta lại có những xem xét và phán đóan . Thậm chí, có khi còn bị mang tiếng là có thái độ kỳ thị, đầy thành kiến...

Giao tiếp với người nghèo, đã là chuyện khó. Nếu lại bảo: sống giống như, sống cùng và sống với người nghèo hèn, càng là chuyện khó hơn. Khó gấp bội. Khó trăm bề. Khó không thể tả được. Và, một khi thấy khó, người người thường có thói quen dễ bỏ chạy. Bỏ và chạy, để không còn vướng bận nỗi gì. Vướng và bận, dù chỉ trong tâm tưởng, mà thôi.

Tuy nhiên sẽ còn khó hơn, khi người người nhận được lời khẳng định từ Đức Chúa ở đọan khác, cũng trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, Chúa có nói:

“Thật vậy,

người nghèo thì bên cạnh anh em, lúc nào cũng có…”

(Yn 12: 8)

Và, theo thánh Phao-lô, người nghèo nói chung chính là Ngài:

“Quả thật,

anh chị em biết Đức Giê-su Kitô Chúa chúng ta,

đã có lòng quảng đại như thế nào:

Người vốn giàu sang phú quý,

Nhưng đã tự trở nên nghèo khó vì anh chị em

Để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh chị em trở nên giàu có.”

(2Cr 8: 9)

Qua chuyện của linh mục Chris nghèo hèn công tác ở ở Ma-ni-la, hẳn người đọc cũng sẽ cảm thấy vững dạ:

“Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối,

khi bị sỉ nhục hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo

vì Đức Kitô:

vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.”

(2Cr 12: 10)

Xem như thế, có thể nói được là khi bạn và tôi đã thấy mình nghèo và hèn đi, thì đó là lúc mình mạnh hơn, giàu hơn bao giờ hết. Bởi, chính vào khi mình trở nên nghèo và hèn hơn cả, là lúc Đức Giê-su Kitô đang ở với mình. Mà, đã có Chúa ở với mình, thì còn ai mạnh và giàu hơn nữa chứ? Kinh nghiệm này, thánh Phao-lô tông đồ đã từng trải. Và, cũng như thánh Phao-lô, bạn và tôi cũng sẽ trải qua những kinh nghiệm rất “người” và rất “nghèo” nhưng không hèn, diễn ra đều đặn trong hành trình sống.

Tới đây, có lẽ ta sẽ tự hỏi: những người sống nghèo sống khổ như vậy, có dễ dàng thay đổi để sống vui sống mạnh hơn không? Để trả lời câu hỏi này, mời bạn và tôi, ta hãy đọc truyện kể bên dưới về lập trường của các em nhỏ, về cuộc đời. Về người đời:

Vào buổi vấn đáp bọn trò nhỏ hôm ấy, cô giáo đưa ra một đề tài khá hóc búa với trẻ em, mà bảo: các em hãy liệt kê cho cô một danh sách gồm những thứ mà các nghĩ chúng là kỳ quan trên thế giới. Tức là: 7 thứ đẹp nhất trên thế gian này.

Mặc dù trong đám học trò nhỏ, có nhiều điểm bất đồng trong chọn lựa, dưới đây là đôi ba danh sách do các trò nhỏ đưa ra, ngày hôm ấy. Danh sách “Bẩy kỳ quan thế giới”:

1. Kim Tự Tháp ở Ai Cập

2. Đền Taj Mahal ở Ấn Độ

3. Cảnh hùng vĩ Grand Canyon ở Mỹ

4. Kênh đào Panama

5. Tòa nhà Empire State ở Hoa Kỳ

6. Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô ở Rô-ma

7. Vạn Lý Trường Thành bên Trung Quốc

Trong lúc thu thập đề nghị của các em học sinh, cô giáo thấy có một em nắn nót chữ viết mãi chưa xong, cô bèn hỏi em có vấn đề gì không, mà sao lâu thế.

Em liền đáp:

-Cô chờ em thêm một phút nữa thôi, em đang liệt kê đây. Thật sự, có quá nhiều thứ mà em không đủ giấy để kể ra hết ở đây. Em tóm tắt như thế này để cô xem nhé!

Cô giáo nói tiếp:

-Cứ nói cho cô biết em đếm được bao nhiêu rồi. Có thể cô và các bạn sẽ giúp em, ngay thôi.

Người học trò nhỏ ngập ngừng trong khỏanh khắc, rồi nói:

-Em nghĩ, Bẩy kỳ quan trên thế giới gồm có tất cả là:

1. Biết nhìn

2. Biết nghe

3. Biết sờ

4. Biết nếm

5. Biết ngã

6. Biết cười

7. Và biết yêu thương.

Lúc ấy, bầu khí trong lớp học trở nên im ắng cách lạ lùng. Im đến độ, tiếng kim cúc rơi xuống đất cũng có thể nghe thấy được.

Và, truyện kể còn thêm rằng:

Những gì mà chúng ta thường nhìn lướt qua, không để ý vì nó đơn giản và bình thường và nhận lấy như quà tặng trời cho, thì thật sự là kỳ quan, đáng ta chiêm ngưỡng. Bởi, thật ra những gì cao và quý nhất trong đời người và đời mình, chẳng thể nào xây dựng bằng tay hoặc mua được bằng tiền của, thì chính đó là kỳ quan.

Rất đúng! Và, kỳ quan chuyện phiếm hôm nay, chính ở chuyện: biết được là mình đang sống, đang được hưởng 7 kỳ quan trên, những ân sủng một cách nhưng-không, do Chúa ban. Vì, giàu hay nghèo sẽ chẳng thành vấn đề, nhưng ta vẫn cứ được sống. Vẫn cứ trân trọng cuộc sống với các người anh, người chị đang cùng sống với mình. Dù trên “núi đồi mù mịt” đầy những xú uế, rác rưởi ấy hay ở chốn đền đài danh vọng chất chồng, những hôm nay.

Ta cứ sống. Sống hùng. Sống mạnh. Sống vững chãi với người anh em đời thường, ở huyện. Huyện dân gian. Chốn thế trần. Vì “tất cả, đều là ân sủng”, như văn hào Blaise Pascal từng nói.

Trần Ngọc Mười Hai

và những kỳ quan rất sống

trong cuộc đời

có những bụi đường

vương trên mái tóc.

Friday, 15 February 2008

“Bàn tay đưa anh khỏi lòng người”

(Yn 1: 13)

“Đức Giê-su đã nói về cái chết

của anh La-za-rô,

còn họ tưởng là Ngài nói về giấc ngủ bình thường”.

Giấc ngủ bình thường hay nỗi chết, vẫn là tình trạng linh hồn rời nơi thân xác. Trong chốc lát, hoặc chỉ một vài tiếng đồng hồ, thì ta gọi đó là giấc mơ vui hay cơn hồ điệp. Nhưng, nếu tình trạng ấy lại kéo dài vĩnh viễn miên trường, thì người người sẽ gọi đó là nỗi chết.

Chết hay ngủ, có khác nhau nhiều lắm không?

Vấn nạn nhè nhẹ hôm nay, xin gửi đến bạn bè, người thân. Gửi các vị đang đọc giòng chảy vội phiếm, hôm nay. Gửi cả cho những người anh người chị thích phiếm và thích tản mạn, vốn không ưa chuyện nghiêm túc, những khuyên và dạy.

Vậy thì, bạn và tôi hôm nay ta cứ phiếm. Cứ tản mạn cho vui. Tản mạn, chứ không khuyên và không dạy, bất cứ ai. Bởi, với tuổi đời chỉ bây nhiêu, bạn và tôi dạy ai được? Dạy được gì? Dạy những gì?

Viết đến đây, bần đệ nhận được một tin không vui từ bạn bè người rất thân, ở Hoa Kỳ. Tin không được vui, là tin về chuyến ra đi về chốn vĩnh hằng của anh Hoàng Kim Quý, cựu học viên Giáo Hoàng Chủng Viện, anh rể họ của một người anh trong Gia Đình An Phong ở Pleikly, Lm Trần Sĩ Tín CssR. Trong tờ tin loan báo về sự ra đi của anh Hoàng Kim Quý, bần đệ được đọc những giòng như sau:

Nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ An-phong Hoàng Kim Quý, nguyên chủ bút sáng lập Nguyệt San DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN, đã rời bỏ thân nhân, bằng hữu về miền miên viễn, ngày 28-01-2008 tại Fountain Valley Hospital, Nam California Hoa Kỳ, sau nhiều năm trời phấn đấu với chứng bệnh ung thư máu. Hưởng thọ 68 tuổi.

Ông là cựu chủng sinh Giáo Hoàng Học Viện Đà-Lạt, tốt nghiệp Cử nhân Triết và Xã Hội học Đại học Văn Khoa Sài gòn, cựu Sĩ quan QLVNCH. Sau tháng tư năm 1975, ông bị cộng sản bắt đi tù cải tạo trong nhiều năm. Cuối thập niên 80, ông cùng gia đình qua định cư tại Mỹ, tiếp tục sáng tác, dịch thuật, làm nhạc, làm báo.

Ông chủ trương hai nhà xuất bản Thăng Tiến và Phụng Sự, vừa trước tác và dịch thuật 22 tác phẩm và là tác giả của rất nhiều bản Thánh Ca, Cộng Đồng Ca, Du Ca. Ông cũng là người khai sinh Trang Nhà (Website) Tiếng Nói Giáo Dân nhằm đem Đạo vào Đời, góp phần tích cực vào việc xây dựng Quê Hương & Giáo Hội…. (trích ai tín từ gia đình)

Tình cảnh của bần đệ cũng hơi na ná giống anh Hoàng Quý. Nghĩa là, cũng từng ở tù. Cũng đã làm báo, khi đi ra. Cũng viết và cũng lách, lâu nay. Mới, chỉ lai rai tham gia Ban Halleluyah “Ca Vào Đời”. Và mới đây, cũng rắp ranh ra CD Chuyện Phiếm Đạo-đời, nhưng không làm được gì nhiều như anh Hoàng Quý. Nói đúng hơn, chưa làm được gì cho Giáo Hội. Cho Đất Nước. Nhưng nay, bất chợt thấy anh bắt đầu đi vào cơn hồ điệp, bần đệ đã thấy có cảm giác khác lạ, ở trong bụng. Nói cách khác, tin của anh Hoàng Quý đã “ra đi vào giấc mơ miền viên miễn” đã cho bần đệ những giây phút chiêm niệm về sự “đi ra” và “đi vào” cõi thế trần. Để rồi, sẽ lại suy tư về chuyện đời này, lẫn đời sau.

Về chuyện “ra” khỏi cuộc đời này và “vào” vùng đời sau, bần đạo có những gợi nhớ và cảm nghiệm. Rất cảm và rất nhớ, như sau:

Lúc ấy, bần đệ đang học ở trường Dòng. Nghĩa là, vào giai đoạn cuộc đời mà bần đệ có rất nhiều giấc mơ và giấc ngủ, nhưng không miên viễn. Chính đó là lúc, trong môi trường rất mới, bần đệ cũng đã cảm nghiệm được những cái-tạm-gọi-là mất mát/hụt hẫng nơi khi có người anh em đồng cảnh đã ra đi về miền vĩnh cửu. Những người anh rất linh mục. Hoặc, rất phó tế.

Trong buổi canh thức ngồi cạnh một người anh đã ra đi, bần đệ lúc ấy đã có những cảm nhận rất ư là “giá buốt tim em”. Kế đến, là những giòng chảy suy tư về một cảnh tình lâng lâng nhè nhẹ, ít khi thấy. Thấy như thế nào, quả thật khó diễn bày. Thúc bách cho lắm, thì bần đệ cũng chỉ dám đưa ra những tâm tình mông lung, lơ mơ “khó diễn tả”, buộc chính bần đệ phải quay về với lời dặn dò của Thày Chí Thánh, nơi kinh kệ.

Giòng chảy suy tư đêm đó, là những tâm tình xảy đến với người thân của La-za-rô, ở trình thuật.

“Đức Giê-su nói về nỗi chết của anh La-da-rô,

còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ bình thường.”

(Yn 11: 13)

Từ ngàn xưa, khi nói về nỗi chết, nhiều người cũng có các tình tự giống như thân thuộc của anh La-da-rô. Nghĩa là, khi nói ai ngủ say thì bảo: “anh ta ngủ như chết”. Còn khi nói anh đã chết, thì lại tưởng chừng đó chỉ là giấc mộng bình thường, trông như đang ngủ, rất thường tình.

Xem thế, thì chết và ngủ thường không có gì khác biệt. Đó là, xét về mặt tư thế của thân xác. Chính vì tư thế này, mà nhiều người vẫn lầm tưởng. Vẫn lẫn lộn. Lẫn và lộn, cả trong suy và xét về tư thế phải có khi chết. Và khi ngủ. Bởi, nói cho cùng, chết: là đã và đang ngủ. Cũng thế, ngủ là trạng thái đang chết cho những lầm và lẫn, mắc phạm từ lâu. Chết cho tư thế lầm tưởng, với lẫn lộn. Lầm và lẫn nhiều thứ. Lầm và lẫn cả trong tư thế sống. Sống thật. Sống ở giai đoạn chuyển tiếp chứ chưa là chốn miên trường.

Về ngủ và chết, Đức Chúa còn nói thêm:

“La-da-rô, bạn của chúng ta

đang yên giấc,

Thầy đi đánh thức anh ấy đây.”

(Yn 11: 11)

Yên giấc như Chúa nói, là cõi yên bình trong cơn giấc. Giấc, đây có thể vừa là giấc ngủ. Vừa là giấc mơ. Mơ về cõi sống không có nỗi chết. Cả đến khổ đau sầu buồn, cũng không. Thế nhưng, nếu La-da-rô đang yên giấc, thì sao Chúa lại phải đánh thức anh dậy? Đánh thức anh như thế, ý hẳn Ngài không muốn cho giấc mơ hay giấc ngủ của anh được bình yên? Thì đây, một phản ứng:

“Bấy giờ Ngài mới nói rõ:

La-da-rô đã chết thật.”

(Yn 11: 14)

Người bạn thân của Đức Giê-su đã chết thật. Nhưng, Chúa vẫn nói tiếp:

“Thầy mừng cho anh em,

vì Thầy không có mặt ở đó

để anh em tin.”

Và, thánh Gio-an tông đồ, thêm vào trình thuật, câu nói của ông Ni-cô-đê-mô:

“Cả chúng ta nữa,

chúng ta cũng hãy đi để cùng chết với Thầy.”

(Yn 11: 16)

Suy cho kỹ, “yên giấc”, “chết thật” hoặc “hãy đi để cùng chết với Thầy”, vẫn quan trọng hơn cảm nhận và san sẻ chuyện sầu buồn. Quan trọng, là bởi “có như thế anh em mới tin”. Tin rằng: tất cả mọi người sẽ giống như La-da-rô người anh của Mác-ta, bạn thân của Đức Chúa, sẽ sống lại. Và, ở đây thánh Gio-an tông đồ đã ghi lại một xác quyết khác, từ Đức Chúa:

“Chính Thầy là sự sống lại

và là sự sống.

Ai tin vào Thầy,

thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.

Ai sống và tin vào Thầy,

sẽ không bao giờ phải chết.

Chị có tin thế không? "

(Yn 11: 25)

Nói khác đi, chuyện sống - chết hoặc mộng mị - yên giấc, chẳng qua cũng chỉ để chúng ta tin. Có tin mới có sự sống. Sống thời bây giờ. Sống cõi miên trường.

Hôm qua và hôm nay, nếu còn có những người bạn hoặc anh em của Đức Chúa, đã và đang “yên giấc” ngàn thu hoặc mới chỉ vài ngày, lại hỏi Chúa về chuyện “sống/chết”, thì ắt hẳn Lời của Chúa cũng sẽ được lặp lại mà hỏi rằng: “Anh/chị có tin thế không?”

Vâng. Tất cả là ở điểm này: Sống-chết, vẫn chỉ là chuyện đời thường. Chẳng có gì đáng để ta phải hãi sợ và kinh ngạc. Hoặc, luôn vấn nạn: Anh/Chị có tin thế không? đây mới là chuyện quan trọng, đáng bàn.

Và, để minh xác thêm về đời người, dù ở giai đoạn trước hay sau cuộc đời, tưởng cũng nên kể thêm ở đây một tâm sự/truyện kể rất thường. Chuyện thường của đời người. Còn gọi là truyện về cuốn sách về đời tôi, như sau:

Bạn có biết mỗi ngày trong đời người, ta đều mở ra một trang giấy trắng.

Rồi thì, mỗi ngày cứ thế trôi qua, khi trang giấy đời mình đã kín. Và, mình cũng chẳng có thể thay đổi được gì hết. Giở lại từng trang giấy cuộc đời, ta sẽ thấy lại được đời mình. Nhiều khi rất hạnh phúc. Nhưng, cũng có lúc khá buồn đau.

Có những kỷ niệm rất ngọt ngào , làm ta nôn nóng. Nhưng cũng có những ký ức buồn phiền, khiến ta chỉ muốn xé tan tờ giấy ấy..

Và từ hôm nay, bạn và tôi hãy tìm cách viết khác đi trên những trang giấy của đời mình. Đó là:

Dẫu khó khăn có bao trùm, nghịch cảnh có bủa vây, ta vẫn tìm cách pha trộn bột mầu cho tờ giấy được dịu dàng, thật êm ái như thể trời vẫn quang, mưa đã tạnh.. để bức tranh cuộc đời hôm nay sẽ là một hồi ức đẹp cho ngày mai.

Vậy thì hôm nay, ta nên viết gì đây?

Hãy viết sao cho ngày hôm nay trở thành thứ “tài sản vô giá”, hay thành “hành trang không thể dễ quên” để ta có thể vững bước đến mút cùng tận của đường đời.

Vì ta đã có niềm tin, ý chí và lạc quan làm bạn đồng hành.

Còn bạn, bạn sẽ làm gì khi bạn phát giác ra rằng mình chỉ còn độc nhất có một ngày để sống?

-Phải chăng, bạn sẽ cảm tạ ba me, người đã ban cho bạn cuộc sống tươi đẹp?

-Hay, sẽ nguyện Ơn Trên, xin bình yên đến với hết mọi người, cho người mình yêu dấu và cả những người mình chẳng yêu. Người mình đã quen hoặc chưa một lần biết mặt?

-Sẽ ngồi lặng hằng giờ nhìn ngắm mặt trời mọc, chiêm ngưỡng các tia nắng vàng nhảy nhót vào khi hôm sớm. Hoặc, nghe tiếng gió thì thầm ve vuốt làn da, khẽ đùa nơi từng lọn tóc?

-Sẽ chạy ùa vào vòng tay rộng mở của người mình yêu thương nhất đời để được ôm ấp, với chở che. Để được say đắm nồng nàn. Hoặc, sẽ ôm ghì các đứa con thiên thần của mình, cho đến khi không còn hơi sức để ôm nữa?

Bạn và tôi hãy tận hưởng để sống một ngày, như mọi ngày. Hãy lấp đầy ký ức bằng niềm vui râm ran và những gì tốt đẹp.

Xin đừng làm tổn thương bất cứ ai, dù chỉ bằng lời nói. Xin được chìa vai, để cùng ai đó gánh vác. Gánh vác mọi sức nặng của cuộc đời. Để rồi, sẽ cùng nhau xây đắp những công trình, mà mình không thể dời kéo đến ngày hôm sau.

Không bao giờ là quá muộn, để bạn và tôi có thể thay đổi cách suy nghĩ, cách nhìn đời, cách sống và cách cảm nhận về cuộc đời; để rồi, sẽ khởi đầu một ngày mới, viết lên trang sử về đời mình.

Cảm tạ Ơn Trên. Cảm tạ Trời Đất đã ban cho bạn và cho tôi, có được “ngày hôm nay”, vì hôm nay đích thật là “quà tặng”.

Vâng. Vì là quà tặng, nên ngày hôm nay có thể chỉ là chuỗi dài một đời người. Một đời dù chỉ “sáu mươi năm”, hoặc “nhân sinh thất thập”, vẫn chưa “cổ lai hi”. Cảm tạ, vì quà tặng vẫn có đó. Cả ở đời này, lẫn đời sau. Quà tặng của Niềm Tin. Và Niềm Yêu. Niềm yêu thương đã “đưa anh khỏi lòng người”. Lòng đời. Một đời rất “người”, dù trước hay sau. Nơi cõi miên trường. Vĩnh viễn.

Trần Ngọc Mười Hai

cứ suy tư về sự miên viễn - cuộc đời

dù đời chưa là thất thập

chốn nhân sinh

Monday, 11 February 2008

“Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm”

(Yn 3: 8)

Một lần nọ, khi viết về đề tài “nghe cũng là quà tặng”, bần đạo có trích dẫn câu nói của vị thiền sư nổi tiếng mang tên Thích Nhất Hạnh, để mở đầu cho chủ đề mình muốn viết. Ít lâu sau, bần đạo nhận được ý kiến phản hồi từ chị bạn rất thân trong cộng đoàn, chị tỏ ý bảo rằng: sao anh lại đăng ý kiến lập trường của nhân vật gây nhiều tranh cãi về thái độ ông ta giao kết với giới bạo tàn, ở trong nước, vậy?

Hôm nay, bần đạo gợi lại tên tuổi của một hiền nhân khác có nhắc đến ý kiến “không hề gây tranh cãi” của thiền sư Nhất Hạnh, như sau:

Có lần Thích Nhất Hạnh viết: “Đạt tới được Thiên Chúa ngang qua Đức Thánh Thần của Ngài, bao giờ cũng an toàn hơn đi vào thần học.”

Tôi thấy, tác giả “Living Buddha, Living Christ” dù ông cũng là nhà thần học theo nghĩa thâm sâu, nhưng ở đây ông nói đến Thiên Chúa bằng chính kinh nghiệm sống của mình. Ông nói bằng diệu cảm. Bằng tiếng nói thần thiêng của Thánh Thần Chúa đang chiếu sáng tâm can của mỗi người. Thành thử, nếu ta lắng tai nghe tiếng của Thánh Thần Ngài một cách cẩn trọng, ta sẽ nghe được chân lý ngàn đời. Chân lý vẫn diễn tả ra ngoài bằng đường hướng mới. Đường hướng gây sửng sốt lòng người, không ít.

Môt lần khác, Thích Nhất Hạnh cũng đã viết: “bàn cãi nhiều về Thiên Chúa không là cách thức hay nhất để ta sử dụng năng lượng theo phương pháp tốt đẹp. Nếu ta sờ chạm được Thánh Thần Ngài, ta cũng sờ chạm được Thiên Chúa không như một ý niệm trừu tượng, mà là Thực Thể rất sống động.” Thiền sư Nhất Hạnh nói thế có nghĩa: ông đã dịu dàng chìa đôi tay nhẹ nhưng vững dẫn ta ra khỏi nền thần học trừu tượng, đến với thực tại sống động. Ông cũng trân quý ý niệm trừu trượng vẫn có đó, nhưng ông coi đó như phương tiện, chứ không phải cứu cánh.

Từ lâu, tôi được vinh hạnh gặp mặt nhiều anh chị từng gần gũi Đức Phật sống, Đức Kitô sinh động, các anh chị ấy có nổi tiếng hay không, chẳng là chuyện cần thiết. Nhưng, chỉ với sự hiện diện của các anh chị thôi, cũng đã làm cho chúng ta “tỉnh giấc chiêm bao”. Và, cũng thách thức tính tự mãn của ta, rất nhiều.” (Brother David Steindl-Rast, OSB viết lời tựa cuốn Living Buddha Living Christ, Thích Nhất Hạnh, 1995, tr. 13-18)

Lời lẽ trên đây của một sư huynh nhà Đạo nói về một thiền sư ngoài Đạo, về sờ chạm Đấng Thần Linh Thánh Ái của Chúa, hẳn là trường hợp hi hữu, ít thấy. Và, sự việc trên xảy ra hồi thập niên ’90. Tính đúng, cũng đã hơn chục năm. Cứ sự thường, mỗi lần thành viên các tôn giáo lớn gặp nhau, hay có những đụng chạm cãi vã, và tranh luận.

Nhưng ở đây, chừng như họ đã cảm phục nhau, sau lần nhìn nhau, thấy tận mặt. Cảm phục và thân thương, vì đã sờ chạm Thần Linh Chúa. Xem thế, chính Thần Linh Ngài đã tạo nên cuộc gỡ trong tương quan rất chân tình. Cũng bằng tình thân, Thánh Thần Chúa đã soi sáng kết hợp các người anh em từng là “người dưng khác họ, chẳng lọ thời kia..”

Từ đó, ta dám nói: Thần Linh Chúa là đầu giây liên kết cho mọi tình tự thân thương, tình đại kết. Dù chỉ là bước đầu, nói cho cùng, đây cũng không là đoạn cuối của cuộc tình đại kết. Nhưng, đây chính là tình thân thương mang tính miên trường. Tình người đại kết. Hết mọi tôn giáo.

Có để tâm theo dấu vết sự việc đã xảy ra vào độ trước hoặc những lúc gần đây, bạn và tôi sẽ nhận ra nhiều điều đáng ta quan tâm. Nhiều điều rất khích lệ. Cụ thể, phải nói Thần Linh Chúa vẫn thao tác hoạt động nơi mỗi mgười. Và mọi người. Xưa cũng như nay. Xưa như ngày Lễ Ngũ Tuần, thời trước. Thời kéo dài xuyên suốt qua chiều dài lịch sử cứu độ rất Hiển Linh. Rất quang vinh. Thời nào cũng thế, Thánh Linh Chúa vẫn cứ “Hiển” và cứ “Linh”, với cộng đồng dân con Đức Chúa, nơi trần thế. Trong ngoài Đạo.

Dẫn chứng cho tính Hiển và Linh này, vào buổi giao ban Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Rô-ma tháng 7/2007, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI có nói với người trẻ hiện diện ở đó, như sau:

“Các bạn trẻ thân mến của cha,

Ai cũng biết yêu người và được người yêu là một tiến trình kéo dài. Tuy nhiên, yêu người không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có khi ta gặp nhiều khó khăn, lầm lỡ và thất bại. Nên có người sinh ra nghi ngờ cả khả năng yêu nữa. Tuy nhiên, nếu ta cứ lẩn tránh yêu người thì chắc chắn là ta sẽ nghĩ rằng tình yêu là một chuyện không tưởng và như giấc mơ không bao giờ đạt được vậy. Không. Tình yêu bao giờ cũng là chuyện có thể thực hiện được. Và, mục đích của thông điệp cha gửi đến hôm nay là các bạn hãy tự đánh thức mình và tin rằng: niềm tin nơi tình yêu là chuyện có thật, đáng tin và vững chãi. Tình yêu tạo an bình và hứng khởi. Tình yêu liên kết hết mọi người, cho phép họ tôn kính lẫn nhau trong tự do.

Các bạn trẻ thân mến,

Hãy nuôi dưỡng tài năng của mình không chỉ để có chỗ đứng trong xã hội mà thôi, nhưng còn để giúp người khác “tăng trưởng”. Hãy mở mang kỹ năng của các bạn không chỉ giúp mình có thêm hiệu năng, cạnh tranh nhau hơn, nhưng để trở thành nhân chứng cho tình bác ái. Hãy cố gắng tự tạo cho mình kiến thức về lòng Đạo để giúp mình thực hiện sứ vụ được ủy thác theo phương cách có trách nhiệm.Cha kêu mời các bạn hãy dày công nghiên cứu học thuyết xã hội của Giáo Hội để rồi các nguyên tắc của học thuyết này sẽ gợi hứng, chỉ dẫn mọi họat động mà bạn đang thực hiện với thế giới hôm nay.

Xin Thánh Thần Chúa soi sáng cho các bạn trở nên sáng tạo trong yêu thương, bền vững trong cương quyết và dũng cảm trong các sáng kiến của mình. Có thế, các bạn mới có khả năng đề xuất những đóng góp cho việc dựng xây “nền văn hóa yêu thương”. Chân trời của tình yêu quả thật không có biên giới: chân trời ấy chính là trọn vẹn thế giới này.”

Xuyên qua các tư tưởng và ý kiến của các bậc hiền nhân ở trên, hẳn ta đều thấy rõ một điều: Thần Linh Chúa là Đấng ta có thể sờ chạm được. Vì, chính Ngài là nguồn hứng khởi, của tình yêu. Nguồn hy vọng cho mọi tương lai đang sáng ngời, của cả thế giới. Của toàn thể nhân loại. Tức những con người bằng xương bằng thịt đang hiện diện một cách đầy sinh động. Hiện diện quanh ta và với ta.

Thế giới đây là chính ta. Những người không còn trẻ hay vẫn trẻ. Bởi lẽ, trẻ hay không vẫn là người. Là thế giới. Và, thế giới hôm nay, cần dựng xây nền “văn hóa của yêu đương”. Văn hóa của Thần Linh Chúa, đích thị là Nguồn Hy Vọng cho mọi người. Mọi việc. Và Thần Linh Chúa gửi, không giới ranh:

“Với những người được Chúa sai đi,

đều nói Lời của Chúa,

vì Ngài gửi Thánh Thần đến,

không hạn chế, không giới ranh.”

(Yn 3: 34)

Ở một đoạn khác, thánh sử Gio-an cũng nói thêm:

“Đức Chúa là Thần Linh

người phụng thờ Ngài

phải phụng thờ trong thần khí và sự thật.”

(Yn 4: 24)

Để phụng thờ Chúa trong sự thật, có lẽ cũng nên nhận diện Thần Khí Nguồn Hy Vọng, qua sự vật ta có thể sờ chạm những vật thân thương chân tình, trong cuộc sống, như truyện kể dưới đây:

Trong phòng tối có 4 ngọn nến đang cháy sáng. Vạn vật xung quanh trở nên im ắng cách lạ thường. Im đến độ ta có thể nghe tiếng thì thầm của mọi vật. Bất chợt, ngọn nến thứ nhất lên tiếng nói: Tôi đây, hiện thân của HÒA BÌNH. Không có tôi, mọi sự sẽ ra như thế nào? Tôi quả là quan trọng hơn hết mọi người. Mọi sự.

Ngọn nến thứ hai cũng mạnh dạn góp giọng: Tôi đây, hiện thân của TRUNG TÍN. Mọi người mọi thời, lúc nào cũng cần đến tôi. Hơn tất cả mọi thứ.

Đến phiên mình, ngọn nến thứ ba cũng phân bua:Tôi đây, hiện thân của TÌNH YÊU. Tôi mới thật sự quan trọng. Quan trọng hơn tất cả. Giả sử không có tôi - TÌNH YÊU, hẳn là chẳng ai làm nên tích sự gì! Và, cuộc đời con người sẽ ra sao?

Bất chợt, cửa phòng mở tung ra. Một cậu bé chạy vội vào phòng, kéo theo sau cậu, là cơn gió mạnh lùa vào làm tắt ngúm tất cả ba ngọn nến vừa lên tiếng. Thấy vậy, cậu bé sửng sốt òa lên khóc, và nói: Tại sao cả ba cây nến lại tắt cả vậy?.

Lúc ấy, ngọn nến thứ tư mới kịp lên tiếng, bảo: Này cậu bé, đừng quá lo lắng như thế. Khi tôi đây còn cháy sáng, thì cậu vẫn có thể thắp lại ba ngọn nến kia. Bởi, tôi chính là NIỀM HY VỌNG. Hãy dùng tôi mà thắp sáng cho họ đi. Hãy lau khô những giọt nước mắt của cậu đi. Hãy giữ nguyên hy vọng. Giữ lại mà vui sống.

Nghe xong, cậu bé gạt nước mắt, rồi thắp sáng lên các ngọn nến vừa chợt tắt.

Vậy hỡi các bạn,

Hãy luôn gìn giữ và thắp sáng ngọn lửa HY VỌNG của mình và của những người sống chung quanh mình, bạn nhé. Có được lửa HY VỌNG, tất cả chúng ta đều có thể thắp sáng mọi lửa HÒA BÌNH, TRUNG TÍN và TÌNH YÊU.

Đừng bao giờ để lửa HY VỌNG tắt nhé! Và, thành công sẽ đến với các bạn.

Đúng thế. Dù Hòa bình, Trung tín và Tình yêu đều đã ra đi tắt lịm, thì bạn và tôi vẫn còn có HY VỌNG để trông chờ. Để kiên trì hành động hầu đạt được thành công, theo ước nguyện. Thành thử, hãy thắp sáng lên, lửa HY VỌNG của chính bạn, và của tôi nữa. Thắp lên niềm Hy Vọng, vẫn còn đó. Thắp lên, để rồi ánh sáng của ngọn nến ở cuối đường hầm đời mình, sẽ lại lóe sáng trong đêm thâu. Đêm kéo dài cả một đời người.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn tự nhủ thầm như thế

quanh năm

suốt tháng.

Friday, 8 February 2008

“Có một lần, tôi đưa em về trên đỉnh yên bình hiền hòa”

(Lc 2: 13-14)

Vâng. Nếu “đỉnh yên bình hiền hòa” trên ấy, là chốn náu nương để đưa em về, thì miền đất phía dưới nơi đây, sẽ mãi mãi là mùa xuân. Mùa của yêu thương. Xuân bất diệt, nhà Đạo.

Xuân nhà Đạo, vừa là thời gian vừa là không gian, nơi có bạn và tôi, lúc nào cũng nghe văng vẳng đâu đây, lời trình thuật rất sáng của thánh sử Luca, như sau:

“Và bỗng đâu

đến hợp với đoàn thiên thần,

có đoàn lũ cơ binh trên trời

Ngợi khen Thiên Chúa rằng:

Vinh quang Thiên Chúa trên trời cao thẳm

Và ở dưới đất cho kẻ Ngài thương.”

(Lc 2: 13-14)

Bình an cho kẻ Ngài thương, là người trong đó có bạn và tôi, những kẻ còn ở đất miền phía dưới nơi đây. Và, lời bình an Chúa nói còn là giáo huấn quan trọng của nhà Đạo. Giáo huấn rất quan yếu. Rất trọng sự thực.

Bần đệ còn nhớ, khi chuyển ngữ đoạn thánh sử quan yếu buổi đầu đời, từ tiếng A-ram của Do Thái, cố giáo sư Kinh thánh, Lm Nguyễn Thế Thuấn, CssR có để lại một chú giải nhỏ, như sau:

“Theo văn kiện Qumran

thì kiểu nói thông dụng của người Do Thái

‘bình an cho kẻ được Ngài thương’ là cốt để hiểu cái nhã ý,

(và) lòng đoái thương của Thiên Chúa”.

(Kinh thánh, 1976, bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn, tr.128)

Hiểu như thế, tức “lòng đoái thương của Thiên Chúa” đang ở trên đỉnh yên bình hiền hoà, chốn non cao xanh biếc. Hoặc, nơi an bình ở đất miền phía dưới, mà dân thường ở huyện từng có, là do từ ‘cái nhã ý’ của Thiên Chúa, mà ra.

Theo lẽ thường tình, ta không thể có được “cái nhã ý” về “lòng xót thương của Thiên Chúa” tại những nơi cao sang đền đài vua chúa, hoặc chốn nguy nga, mà ta gọi là “điện Cẩm Linh”, cung Vẹrsailles, hay Tòa bạch Ốc… Nhưng có điều chắc: ta chỉ tìm thấy “đỉnh yên bình hiền hòa” ở dưới đất này. Ở nơi đây, luôn có những kẻ được Ngài đoái thương, rất nhiều.

Vậy, kẻ được Ngài đoái thương rất nhiều là những ai? Có phải, những Hê-rô-đê đương đại? Những nhà độc tài toàn trị dũng mãnh có quyền sát quyền sinh, chỉ cần bấm nút đen hoặc nút đỏ, là có thể bắn ra đủ mọi thứ vũ khí nguyên tử, hủy hoại hàng ngàn thành phố lớn? Và, sẽ làm cả trăm ngàn, triệu triệu người sẽ chìm ngập trong máu lửa điêu tàn?

Nhìn vào thế giới hôm nay, ta càng thấy có nhiều phân rẽ tách biệt nơi con người. Những phân biệt, chênh lệch giàu - nghèo. Phân biệt, là phân ly trong cuộc sống. Là, tách biệt trong yêu thương, giùm giúp. Ở nơi con người đang sống, có những “đại gia” nhởn nhơ vui thú, chỉ muốn thưởng ngoạn những xa hoa đàng điếm nơi khách sạn 5, 7 sao, hoành tráng. Trong khi đó, kẻ nghèo người hèn vẫn cứ nghèo hèn. Vẫn ốm o gầy mòn, tìm không ra chỗ trú chân. Không hột gạo trong bụng.

Giữa giòng đời sinh sống hôm nay, cách biệt sang - hèn ở dưới đất, vẫn là điều khiến ta quan ngại. Cần lưu tâm để ý. Lưu tâm để ý, vì cách ly - phân biệt là do con người tạo ra. Chứ đâu phải từ một định mệnh đã an bài. Hoặc tệ hơn, từ Chúa Quan phòng, đã tiền định.

Trong cuộc sống đời thường, con người khi thừa hưởng giàu sang thoải mái, lại cứ tưởng những thứ ấy do chính mình đem lại, hoặc tạo ra. Và khi bê tha, xuống cấp, họ lại đổ lỗi cho Đấng Bề Trên, hay Đức Chúa. Thực tế, khó có thể có được câu trả lời nêu trên, nếu ta không chấp nhân lập trường rất đúng như triết gia Pascal từng nhận định: “Tất cả là ân huệ”, dù vào lúc ta gặp đủ mọi khó khăn, nghịch cảnh.

Trong tiếp xúc với người thường ở đời, một thiền sư đã đề ra một số phương cách thực tiễn hầu giúp người đời thời nay thực hiện chuỗi ngày “bình an” ở miến đất phía dưới này, như sau:

-SỐNG không giận hờn, không oán trách mới là sống

-SỐNG mỉm cười với thử thách, chông gai, ấy mới hay

-SỐNG vươn theo nhịp ánh ban mai, ta vẫn biết

-SỐNg an hòa với người quanh ta, đó mới là

-SỐNG sinh động, nhưng lòng luôn bất động

-SỐNG yêu thương, mà lòng chẳng vấn vương

-SỐNG hiên ngang nhưng danh lợi vẫn không màng

-Tâm bất biến giữa giòng đời vạn biến. Nay SỐNG đúng.

Thật ra, sống đúng giữa giòng đời vạn biến, vẫn là chọn lựa của mỗi người. Là tự do chọn lựa của con cái Chúa. Chọn sống đúng. Chọn thực hiện điều xưa nay ta được dạy để sống đúng. Sống cho đáng sống. Đó mới là điều quan trọng. Đó là điều cần làm.

Trên thực tế của cuộc sống, có những điều giúp ta sống đúng, nhưng ta không làm. Hoặc vẫn chưa chịu làm. Và, theo nguyên tắc hành động, có những điều ta chẳng nên làm, nhưng nhiều người vẫn cứ làm. Có những điều thấy vậy mà không phải vậy, như truyện tích thời đại ở dưới đây.

“Hai thiên thần được Đấng Bề Trên cho ngao du xuống trần một chuyến, để thêm lòng xác tín về tình thương, đã ghé bến lưu lại nhà của gia đình giàu có, khi ấy. Gia đình giàu có từ chối không cho nhị vị ngủ lại ở căn buồng đẹp. Vì buồng này chỉ dành cho thượng khách mà thôi. Trái lại, họ dẫn nhị vị xuống căn hầm rất lạnh, ở phía dưới.

Ngả lưng xuống nền xi-măng lạnh buốt của căn hầm, vị thiên thần trọng tuổi thoáng nhận ra lỗ hổng nhỏ nơi bờ tường. Ở phía trước. Thiên thần ấy bèn giơ tay hóa phép, quyết bít kín lỗ hổng, mất dấu.

Thiên thần nhỏ, vị tháp tùng đấng bậc trọng tuổi kia, thấy thế bèn hỏi:

-Sao tiền bối lại làm như thế, có ý gì?

Và thiên thần trọng tuổi trả lời:

-Như thế tức là, mọi chuyện coi vậy mà không phải vậy, đâu đấy bạn ạ.

Đêm sau, hai vị thiên thần nọ bèn đến nhà bác nông dân khác rất nghèo, trọ nhờ qua đêm. Hai vợ chồng bác nông dân tuy nghèo, nhưng hiếu khách. Sau khi chia sớt phần lương thực ít ỏi của mình, hai vợ chồng bác nông dân nghèo bèn nhường chiếc chiếu nan cũ kỹ, cho nhị vị thiên thần nằm đỡ, rồi ra sau hè ngủ.

Sáng ra, khi mặt trời vừa lấp ló, nhị vị thiên sứ nhà trời đã thấy vợ chồng bác nông gia nghèo, ngồi khóc than rất ư là thảm thiết. Hỏi ra mới vỡ lẽ: hai vợ chộng nghèo tằn tiện lâu lắm mới sắm được mỗi con bò sữa, làm nguồn lợi tức duy nhất, ở tuổi già. Ngờ đâu, đêm qua, bò ta lăn đùng ra chết, trước chuồng trại.

Vi thần nhỏ rất bực dọc, bèn lên tiếng hỏi tiền bối của mình:

-Sao ngài thấy chuyện bất ưng mà sao không ra tay cứu giúp? Sao cứ để yên cho bò béo mộng chết cứng, vô lý thế? Người có đủ thứ, thì ngài lại giúp đỡ cho họ thêm bằng cách trám bịt lỗ hổng, nơi bờ tường. Còn ở đây, gia đình bác nông dân đã nghèo kiết xác không có gì để sống qua ngày, thế mà họ vẫn tốt bụng chia sẻ phần cơm ít ỏi cho ngài, ngài lại để họ mất đi nguồn lợi tức độc nhất, là chú bò béo mập kia. Làm như thế không là bất công thì còn gọi là gì nữa cơ chứ?

Vị thần trọng tuổi đáp lời:

-Mọi chuyện coi vậy mà không phải vậy, đâu bạn ơi. Khi bọn mình nằm tại căn hầm ở dưới đất, ta phát hiện ở bờ tường nhiều thỏi vàng ròng cất giấu bên trong. Họ giấu vàng, chỉ chừa một lỗ nhỏ để làm dấu vết sau này tìm kiếm. Chủ nhà đã giàu lại keo kiệt không biết san sẻ của dư của để cho người khác. Dù, một chỗ trú chân nhỏ bé với chăn chăn ấm nêm êm cũng không cho. Nên, ta quyết định bít kín đầu mối kia đi, để họ không tìm ra chỗ cất giấu vàng ròng, của cải dư thừa ấy. Thế rồi, hôm sau khi nằm bên chiếu nan của hai bác nông gia nghèo, ta chợt phát hiện một điều: tử thần gian ác đã ghé thăm căn nhà tiều tụy của bác nông gia nghèo này, định đòi mạng người vợ hiền làm của lễ tế thần, thay cho chúng. Ta bèn cho chúng con bò mẹ béo ngậy để thay thế. Đổi lại, vợ bác nông gia sẽ tiếp tục được sống cho đến mãn kiếp đời. Như thế, mới hợp với triết lý phục vụ. Triết lý dạy rằng: còn người thì còn của. Của cải vật chất là để phục vụ loài người, chứ loài người đâu nào phục vụ của cải vật chất, đâu! Thành ra ta bảo: mọi chuyện coi vậy mà không phải vậy đâu là như thế, bạn hiểu chứ?

Chuyện cổ tích thời đương đại ở trên có thể đã nói lên quan niệm/lập trường rất chung của một số người nơi nhà Đạo. Lập trường ấy là: đi đâu, làm gì, ta cũng nên nghĩ và nhớ đến thân phận và hoàn cảnh của người khác. Thân phận của những người ở dưới đất, được Ngài thương chúc bình an, suốt cuộc đời. Đời của những những người tuy rất nghèo về vật chất lẫn tinh thần, thường vẫn thấy. Nhưng thực tế cuộc đời, họ vẫn hy vọng đạt “đỉnh yên bình hiền hòa”, trên nơi ấy. Nơi có người nghệ sĩ luôn hát bài ca hiền hòa, bình an như sau:

“Trên đỉnh yên bình

môt mùa xuân ôm kín khung trời,

của tuổi thơ thôi rã, thôi rời

xin đừng làm bão tố đôi mươi

để vòng tay khắc khoải ôm xuôi

từng niềm vui bay theo biển gió.

(Nhạc và lời: Từ Công Phụng)

Đúng đấy. “Đỉnh yên bình hiền hòa” ấy, đang ở với bạn và với tôi. Nơi có Nước Trời Hội thánh, rất thân thương. Nước của những tâm can an hòa, với mọi người. Những người như bạn và tôi ở chốn địa cầu này luôn nhận lĩnh lời hứa Chúa ban vinh phúc an bình mà Ngài bày tỏ. Bày và tỏ ngày Chúa Giáng hạ, rất làm người.

Trần Ngọc Mười Hai.

Vẫn muốn vui hưởng

Niềm an bình Ngài thương ban

cho kẻ nghèo ở đất miền phía dưới.