Friday, 15 February 2008

“Bàn tay đưa anh khỏi lòng người”

(Yn 1: 13)

“Đức Giê-su đã nói về cái chết

của anh La-za-rô,

còn họ tưởng là Ngài nói về giấc ngủ bình thường”.

Giấc ngủ bình thường hay nỗi chết, vẫn là tình trạng linh hồn rời nơi thân xác. Trong chốc lát, hoặc chỉ một vài tiếng đồng hồ, thì ta gọi đó là giấc mơ vui hay cơn hồ điệp. Nhưng, nếu tình trạng ấy lại kéo dài vĩnh viễn miên trường, thì người người sẽ gọi đó là nỗi chết.

Chết hay ngủ, có khác nhau nhiều lắm không?

Vấn nạn nhè nhẹ hôm nay, xin gửi đến bạn bè, người thân. Gửi các vị đang đọc giòng chảy vội phiếm, hôm nay. Gửi cả cho những người anh người chị thích phiếm và thích tản mạn, vốn không ưa chuyện nghiêm túc, những khuyên và dạy.

Vậy thì, bạn và tôi hôm nay ta cứ phiếm. Cứ tản mạn cho vui. Tản mạn, chứ không khuyên và không dạy, bất cứ ai. Bởi, với tuổi đời chỉ bây nhiêu, bạn và tôi dạy ai được? Dạy được gì? Dạy những gì?

Viết đến đây, bần đệ nhận được một tin không vui từ bạn bè người rất thân, ở Hoa Kỳ. Tin không được vui, là tin về chuyến ra đi về chốn vĩnh hằng của anh Hoàng Kim Quý, cựu học viên Giáo Hoàng Chủng Viện, anh rể họ của một người anh trong Gia Đình An Phong ở Pleikly, Lm Trần Sĩ Tín CssR. Trong tờ tin loan báo về sự ra đi của anh Hoàng Kim Quý, bần đệ được đọc những giòng như sau:

Nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ An-phong Hoàng Kim Quý, nguyên chủ bút sáng lập Nguyệt San DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN, đã rời bỏ thân nhân, bằng hữu về miền miên viễn, ngày 28-01-2008 tại Fountain Valley Hospital, Nam California Hoa Kỳ, sau nhiều năm trời phấn đấu với chứng bệnh ung thư máu. Hưởng thọ 68 tuổi.

Ông là cựu chủng sinh Giáo Hoàng Học Viện Đà-Lạt, tốt nghiệp Cử nhân Triết và Xã Hội học Đại học Văn Khoa Sài gòn, cựu Sĩ quan QLVNCH. Sau tháng tư năm 1975, ông bị cộng sản bắt đi tù cải tạo trong nhiều năm. Cuối thập niên 80, ông cùng gia đình qua định cư tại Mỹ, tiếp tục sáng tác, dịch thuật, làm nhạc, làm báo.

Ông chủ trương hai nhà xuất bản Thăng Tiến và Phụng Sự, vừa trước tác và dịch thuật 22 tác phẩm và là tác giả của rất nhiều bản Thánh Ca, Cộng Đồng Ca, Du Ca. Ông cũng là người khai sinh Trang Nhà (Website) Tiếng Nói Giáo Dân nhằm đem Đạo vào Đời, góp phần tích cực vào việc xây dựng Quê Hương & Giáo Hội…. (trích ai tín từ gia đình)

Tình cảnh của bần đệ cũng hơi na ná giống anh Hoàng Quý. Nghĩa là, cũng từng ở tù. Cũng đã làm báo, khi đi ra. Cũng viết và cũng lách, lâu nay. Mới, chỉ lai rai tham gia Ban Halleluyah “Ca Vào Đời”. Và mới đây, cũng rắp ranh ra CD Chuyện Phiếm Đạo-đời, nhưng không làm được gì nhiều như anh Hoàng Quý. Nói đúng hơn, chưa làm được gì cho Giáo Hội. Cho Đất Nước. Nhưng nay, bất chợt thấy anh bắt đầu đi vào cơn hồ điệp, bần đệ đã thấy có cảm giác khác lạ, ở trong bụng. Nói cách khác, tin của anh Hoàng Quý đã “ra đi vào giấc mơ miền viên miễn” đã cho bần đệ những giây phút chiêm niệm về sự “đi ra” và “đi vào” cõi thế trần. Để rồi, sẽ lại suy tư về chuyện đời này, lẫn đời sau.

Về chuyện “ra” khỏi cuộc đời này và “vào” vùng đời sau, bần đạo có những gợi nhớ và cảm nghiệm. Rất cảm và rất nhớ, như sau:

Lúc ấy, bần đệ đang học ở trường Dòng. Nghĩa là, vào giai đoạn cuộc đời mà bần đệ có rất nhiều giấc mơ và giấc ngủ, nhưng không miên viễn. Chính đó là lúc, trong môi trường rất mới, bần đệ cũng đã cảm nghiệm được những cái-tạm-gọi-là mất mát/hụt hẫng nơi khi có người anh em đồng cảnh đã ra đi về miền vĩnh cửu. Những người anh rất linh mục. Hoặc, rất phó tế.

Trong buổi canh thức ngồi cạnh một người anh đã ra đi, bần đệ lúc ấy đã có những cảm nhận rất ư là “giá buốt tim em”. Kế đến, là những giòng chảy suy tư về một cảnh tình lâng lâng nhè nhẹ, ít khi thấy. Thấy như thế nào, quả thật khó diễn bày. Thúc bách cho lắm, thì bần đệ cũng chỉ dám đưa ra những tâm tình mông lung, lơ mơ “khó diễn tả”, buộc chính bần đệ phải quay về với lời dặn dò của Thày Chí Thánh, nơi kinh kệ.

Giòng chảy suy tư đêm đó, là những tâm tình xảy đến với người thân của La-za-rô, ở trình thuật.

“Đức Giê-su nói về nỗi chết của anh La-da-rô,

còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ bình thường.”

(Yn 11: 13)

Từ ngàn xưa, khi nói về nỗi chết, nhiều người cũng có các tình tự giống như thân thuộc của anh La-da-rô. Nghĩa là, khi nói ai ngủ say thì bảo: “anh ta ngủ như chết”. Còn khi nói anh đã chết, thì lại tưởng chừng đó chỉ là giấc mộng bình thường, trông như đang ngủ, rất thường tình.

Xem thế, thì chết và ngủ thường không có gì khác biệt. Đó là, xét về mặt tư thế của thân xác. Chính vì tư thế này, mà nhiều người vẫn lầm tưởng. Vẫn lẫn lộn. Lẫn và lộn, cả trong suy và xét về tư thế phải có khi chết. Và khi ngủ. Bởi, nói cho cùng, chết: là đã và đang ngủ. Cũng thế, ngủ là trạng thái đang chết cho những lầm và lẫn, mắc phạm từ lâu. Chết cho tư thế lầm tưởng, với lẫn lộn. Lầm và lẫn nhiều thứ. Lầm và lẫn cả trong tư thế sống. Sống thật. Sống ở giai đoạn chuyển tiếp chứ chưa là chốn miên trường.

Về ngủ và chết, Đức Chúa còn nói thêm:

“La-da-rô, bạn của chúng ta

đang yên giấc,

Thầy đi đánh thức anh ấy đây.”

(Yn 11: 11)

Yên giấc như Chúa nói, là cõi yên bình trong cơn giấc. Giấc, đây có thể vừa là giấc ngủ. Vừa là giấc mơ. Mơ về cõi sống không có nỗi chết. Cả đến khổ đau sầu buồn, cũng không. Thế nhưng, nếu La-da-rô đang yên giấc, thì sao Chúa lại phải đánh thức anh dậy? Đánh thức anh như thế, ý hẳn Ngài không muốn cho giấc mơ hay giấc ngủ của anh được bình yên? Thì đây, một phản ứng:

“Bấy giờ Ngài mới nói rõ:

La-da-rô đã chết thật.”

(Yn 11: 14)

Người bạn thân của Đức Giê-su đã chết thật. Nhưng, Chúa vẫn nói tiếp:

“Thầy mừng cho anh em,

vì Thầy không có mặt ở đó

để anh em tin.”

Và, thánh Gio-an tông đồ, thêm vào trình thuật, câu nói của ông Ni-cô-đê-mô:

“Cả chúng ta nữa,

chúng ta cũng hãy đi để cùng chết với Thầy.”

(Yn 11: 16)

Suy cho kỹ, “yên giấc”, “chết thật” hoặc “hãy đi để cùng chết với Thầy”, vẫn quan trọng hơn cảm nhận và san sẻ chuyện sầu buồn. Quan trọng, là bởi “có như thế anh em mới tin”. Tin rằng: tất cả mọi người sẽ giống như La-da-rô người anh của Mác-ta, bạn thân của Đức Chúa, sẽ sống lại. Và, ở đây thánh Gio-an tông đồ đã ghi lại một xác quyết khác, từ Đức Chúa:

“Chính Thầy là sự sống lại

và là sự sống.

Ai tin vào Thầy,

thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.

Ai sống và tin vào Thầy,

sẽ không bao giờ phải chết.

Chị có tin thế không? "

(Yn 11: 25)

Nói khác đi, chuyện sống - chết hoặc mộng mị - yên giấc, chẳng qua cũng chỉ để chúng ta tin. Có tin mới có sự sống. Sống thời bây giờ. Sống cõi miên trường.

Hôm qua và hôm nay, nếu còn có những người bạn hoặc anh em của Đức Chúa, đã và đang “yên giấc” ngàn thu hoặc mới chỉ vài ngày, lại hỏi Chúa về chuyện “sống/chết”, thì ắt hẳn Lời của Chúa cũng sẽ được lặp lại mà hỏi rằng: “Anh/chị có tin thế không?”

Vâng. Tất cả là ở điểm này: Sống-chết, vẫn chỉ là chuyện đời thường. Chẳng có gì đáng để ta phải hãi sợ và kinh ngạc. Hoặc, luôn vấn nạn: Anh/Chị có tin thế không? đây mới là chuyện quan trọng, đáng bàn.

Và, để minh xác thêm về đời người, dù ở giai đoạn trước hay sau cuộc đời, tưởng cũng nên kể thêm ở đây một tâm sự/truyện kể rất thường. Chuyện thường của đời người. Còn gọi là truyện về cuốn sách về đời tôi, như sau:

Bạn có biết mỗi ngày trong đời người, ta đều mở ra một trang giấy trắng.

Rồi thì, mỗi ngày cứ thế trôi qua, khi trang giấy đời mình đã kín. Và, mình cũng chẳng có thể thay đổi được gì hết. Giở lại từng trang giấy cuộc đời, ta sẽ thấy lại được đời mình. Nhiều khi rất hạnh phúc. Nhưng, cũng có lúc khá buồn đau.

Có những kỷ niệm rất ngọt ngào , làm ta nôn nóng. Nhưng cũng có những ký ức buồn phiền, khiến ta chỉ muốn xé tan tờ giấy ấy..

Và từ hôm nay, bạn và tôi hãy tìm cách viết khác đi trên những trang giấy của đời mình. Đó là:

Dẫu khó khăn có bao trùm, nghịch cảnh có bủa vây, ta vẫn tìm cách pha trộn bột mầu cho tờ giấy được dịu dàng, thật êm ái như thể trời vẫn quang, mưa đã tạnh.. để bức tranh cuộc đời hôm nay sẽ là một hồi ức đẹp cho ngày mai.

Vậy thì hôm nay, ta nên viết gì đây?

Hãy viết sao cho ngày hôm nay trở thành thứ “tài sản vô giá”, hay thành “hành trang không thể dễ quên” để ta có thể vững bước đến mút cùng tận của đường đời.

Vì ta đã có niềm tin, ý chí và lạc quan làm bạn đồng hành.

Còn bạn, bạn sẽ làm gì khi bạn phát giác ra rằng mình chỉ còn độc nhất có một ngày để sống?

-Phải chăng, bạn sẽ cảm tạ ba me, người đã ban cho bạn cuộc sống tươi đẹp?

-Hay, sẽ nguyện Ơn Trên, xin bình yên đến với hết mọi người, cho người mình yêu dấu và cả những người mình chẳng yêu. Người mình đã quen hoặc chưa một lần biết mặt?

-Sẽ ngồi lặng hằng giờ nhìn ngắm mặt trời mọc, chiêm ngưỡng các tia nắng vàng nhảy nhót vào khi hôm sớm. Hoặc, nghe tiếng gió thì thầm ve vuốt làn da, khẽ đùa nơi từng lọn tóc?

-Sẽ chạy ùa vào vòng tay rộng mở của người mình yêu thương nhất đời để được ôm ấp, với chở che. Để được say đắm nồng nàn. Hoặc, sẽ ôm ghì các đứa con thiên thần của mình, cho đến khi không còn hơi sức để ôm nữa?

Bạn và tôi hãy tận hưởng để sống một ngày, như mọi ngày. Hãy lấp đầy ký ức bằng niềm vui râm ran và những gì tốt đẹp.

Xin đừng làm tổn thương bất cứ ai, dù chỉ bằng lời nói. Xin được chìa vai, để cùng ai đó gánh vác. Gánh vác mọi sức nặng của cuộc đời. Để rồi, sẽ cùng nhau xây đắp những công trình, mà mình không thể dời kéo đến ngày hôm sau.

Không bao giờ là quá muộn, để bạn và tôi có thể thay đổi cách suy nghĩ, cách nhìn đời, cách sống và cách cảm nhận về cuộc đời; để rồi, sẽ khởi đầu một ngày mới, viết lên trang sử về đời mình.

Cảm tạ Ơn Trên. Cảm tạ Trời Đất đã ban cho bạn và cho tôi, có được “ngày hôm nay”, vì hôm nay đích thật là “quà tặng”.

Vâng. Vì là quà tặng, nên ngày hôm nay có thể chỉ là chuỗi dài một đời người. Một đời dù chỉ “sáu mươi năm”, hoặc “nhân sinh thất thập”, vẫn chưa “cổ lai hi”. Cảm tạ, vì quà tặng vẫn có đó. Cả ở đời này, lẫn đời sau. Quà tặng của Niềm Tin. Và Niềm Yêu. Niềm yêu thương đã “đưa anh khỏi lòng người”. Lòng đời. Một đời rất “người”, dù trước hay sau. Nơi cõi miên trường. Vĩnh viễn.

Trần Ngọc Mười Hai

cứ suy tư về sự miên viễn - cuộc đời

dù đời chưa là thất thập

chốn nhân sinh

No comments: